Wednesday, April 24, 2024

Khi cha mẹ vô tình đầu độc con

 Dân Trần

VNTB – Khi cha mẹ vô tình đầu độc con

VNTB) – Cha mẹ mua cho con đồ ăn vặt mà không quan tâm đến hậu quả lâu dài.

Chỉ cần dạo một vòng quanh các trường học ở Sài Gòn, sẽ thấy la liệt những hàng quán bày bán cá viên chiên, bánh tráng trộn, trà sữa với đủ loại thạch, hạt không rõ nguồn gốc. Những thức ăn nước uống này tuy rẻ tiền, ăn vặt cho vui, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hại. Thế nhưng nhà trường vẫn làm ngơ, cơ quan chức năng vẫn không xử lý, thậm chí cha mẹ cũng mua cho con mình ăn mà không quan tâm hậu quả lâu dài.

Không phải chỉ Sài Gòn, mà tỉnh nào, trường nào cũng vậy, trước cổng trường, trong căn tin trường nào cũng đều có. Những que cá viên chiên, trứng cút chiên, thịt chiên… được gọi chung là “xiên bẩn”. Biết bẩn, nhưng vẫn cho con tiền để mua và ăn mỗi ngày. Còn trà sữa, từ lâu đã bị cảnh báo là không tốt cho sức khỏe trẻ em, vì có rất nhiều đường và hoá chất, nhưng các em rất thích. Với giá chỉ khoảng 10 ngàn đồng là đã có thể mua được một ly lớn, nhất là để giải khát giữa mùa nắng nóng này.

Một số lý do đơn giản  khiến đồ ăn vặt phổ biến như rẻ, ăn vui miệng, ai cũng ăn thì mình ăn, thấy ngay trước cổng trường, tiện thì mua… Hậu quả trước mắt là ngộ độc thực phẩm từ hàng rong do không đảm bảo được an toàn thực phẩm. Điển hình là ở Khánh Hoà, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà đã có 3 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn hàng rong bán trước cổng trường. Hàng chục em phải nhập viện. Nhưng nếu chỉ ngộ độc nhẹ, nhập viện rồi về thì có thể là bất thường, xử lý hàng quán bán thực phẩm gây ngộ độc là xong. Chỉ có điều, hậu quả lâu dài là không thể xử lý được.

Ngay cả các loại trà sữa, nước ngọt có nguồn gốc rõ ràng nhưng bị lạm dụng, uống mỗi ngày cũng gây béo phì, mỡ trong máu, tăng huyết áp, chứ đừng nói gì những loại không rõ nguồn gốc, được pha từ hóa chất độc hại với số lượng lớn. Các loại đồ ăn nhanh, đồ uống có gas, bánh kẹo và các sản phẩm có chứa chất bảo quản và phẩm màu nhân tạo. Còn những loại đồ chiên nhiều dầu mỡ thì lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến trẻ dậy thì sớm, bệnh mãn tính, suy gan, thận, tiểu đường, ung thư…

Dĩ nhiên, để xảy ra việc bày bán thực phẩm bẩn tràn lan trước cổng trường thì trách nhiệm lớn nhất nằm ở các cơ quan nhà nước. Việc vô trách nhiệm trong việc quản lý và kiểm soát thực phẩm bẩn cũng như không xử lý triệt để các hàng quán rõ ràng là lỗi của Nhà nước. Không phải chỉ là vô trách nhiệm, mà còn là việc thiếu kiến thức của các cán bộ quản lý thị trường.

Nhưng cũng cần coi lại cách giáo dục từ phía nhà trường. Giáo viên là những người phải biết hướng dẫn cho các em học sinh cách tránh xa những hàng quán và thức ăn độc hại. Đằng này, ngay trong căn tin trường cũng bán trà sữa không có nguồn gốc, xiên que, nước ngọt la liệt, học sinh chỉ cần đưa tiền là bán.

Trong tiềm thức trẻ, trường là nơi an toàn, nên sẽ dễ nhận thấy rằng khi trẻ thấy những món ăn, đồ uống đó có bán trong trường, trẻ sẽ nghĩ những thứ đó an toàn. Đi ra đường, thấy món đồ tương tự trong trường, trẻ dừng lại mua vì nghĩ an toàn. Như vậy, nhà trường từ nơi dạy trẻ nên người lại trở thành nơi đầu độc học sinh nhiều nhất.

Nếu chỉ nhà trường và Nhà nước không làm thì vẫn còn một chỗ dựa: là nhà mình. Trẻ em vẫn còn có sự hướng dẫn của cha mẹ, để nhận diện đâu là cái đáng mua, thứ gì tốt cho sức khỏe. Vậy nhưng chính cha mẹ lại là những người mua trực tiếp hoặc gián tiếp – khi cho con tiền tiêu vặt -những món ăn thức uống này cho các con vì thiếu kiến thức về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Thế là Nhà nước vô trách nhiệm, nhà trường vô cảm, phụ huynh vô tâm, còn hậu quả là học sinh lãnh đủ!

Quyền chính trị của đảng viên

Hoài Nguyễn

VNTB – Quyền chính trị của đảng viên

(VNTB) – Người ta được quyền hoài nghi về chuyện rút lui chính trường bất ngờ của Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng.

Theo nội dung của Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua), thì Đảng viên có các quyền chính trị như sau: Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng; Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương; Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời; Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

Đảng viên dự bị có các quyền trên y, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng (theo Điều 3 của Điều lệ Đảng).

Xem ra về nguyên tắc thì đảng viên được quyền đòi hỏi về những nhân sự cấp cao trong quá khứ như Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh…, hay mới đây là Võ Văn Thưởng và cả tương lai là Vương Đình Huệ đã có ý kiến cụ thể gì về chuyện họ bị thanh trừng được nấp dưới màu áo chống tham nhũng?

Thực tế thì không nhiều đảng viên được tường tận về những khuất tất đó từ chính các đương sự liên quan. Và điều đó cho thấy ở phần mở đầu của Điều lệ Đảng, về “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng” là một mớ mỹ từ tụng ca không chỉ với đảng viên, mà còn cả công chúng:

“ (…) Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” (dừng trích dẫn).

Ở đây đòi hỏi về quyền chính trị của đảng viên còn nhằm đến minh bạch về đường lối, chính sách của nhóm quyền lực nhân danh Đảng. Người ta được quyền hoài nghi về chuyện rút lui chính trường bất ngờ của Võ Văn Thưởng là liệu liên quan đến đồn đoán nào: nhận các khoản đút lót của Hậu ‘pháo’ – Tập đoàn Phúc Sơn;

Hay Võ Văn Thưởng đã bao che cho “xách tay kem đánh răng – ma túy” của bốn tiếp viên hàng không từ sân bay tại Pháp về Tân Sơn Nhất, mà trong đó có một tiếp viên được cho là cháu ruột của Võ Văn Thưởng. Hay Võ Văn Thưởng liên quan đến thời gian là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, hoặc là vụ việc nào khác nữa vẫn còn phải chờ thời gian ‘giải mật’?

Với Nguyễn Xuân Phúc, thì cả đảng viên và dân chúng đều cho đây là ‘trùm cuối’ trong vụ kit-test Việt Á ở mùa dịch giã Covid đầy tàn khốc… Thế nhưng cho đến nay khi Nguyễn Xuân Phúc đã trở về “làm người tử tế” thì nghi vấn này cũng dần không còn được nhắc đến, chìm vào quên lãng theo một ý đồ kịch bản nào đó… khiến chuyện đường lối, chính sách của Đảng là trò chơi quyền lực đúng nghĩa trong tay nhóm chính khách nào đó khoác màu áo cộng sản (!?).

Và sắp tới đây có thể là Vương Đình Huệ cùng ê-kíp của bên đang… ‘thất thế’.

49 năm rồi mắt vẫn cay

 

VNTB – 49 năm rồi mắt vẫn cay

Hiền Vương

(VNTB) – Cứ mỗi lần tháng Tư về là người ta lại nhớ và tiếc nuối những điều tốt đẹp thuở trước dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Thời gian vẫn là quá dài để lịch sử thực sự bước sang trang mới.

Sự nuối tiếc này ngày càng như dữ dội hơn vì sự tồi dở và sự tham nhũng lạm quyền vô độ của đảng viên cộng sản, khiến người ta nhắc để so sánh cũng như tiếc cho một chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhân văn và độ lượng.

Trong hồi ký “Buồn vui đời thuyền nhân” của Lâm Hoàng Mạnh, thì chuyện người Việt Nam vượt biên bằng thuyền trở thành tâm điểm thời sự nóng bỏng của thế giới suốt từ năm 1975. Từ năm 1979, đài BBC Việt ngữ bắt đầu dùng danh từ “Thuyền Nhân – Boat People” để chỉ người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do. Từ điển Oxford tái bản có danh từ “Boat People” chính thức ghi trong từ điển Anh sau năm 1982. Danh từ “Boat People” ghi dấu ấn của một thời kỳ lịch sử đen tối, đầy tội ác và sai lầm của chính quyền Cộng sản Việt Nam sau khi chiếm Sài Gòn và toàn cõi miền Nam.

Tác giả Lâm Hoàng Mạnh viết: “Không biết những người tỵ nạn cộng sản miền Nam sau ngày 30-4-1975 sang Mỹ định cư, bắt đầu gửi tiền, gửi hàng về Việt Nam từ bao giờ, nhưng người Việt gốc Hoa miền Bắc ở các trại tỵ nạn Hong Kong từ cuối năm 1979 đã gửi hàng về, nhất là dịp tết Nguyên đán 1980. Chuyện gửi hàng, gửi tiền như một món nợ truyền kiếp kéo dài cho đến hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt”.

Tính đến quý đầu năm nay, tức bước vào năm thứ 49 của tháng tư, 1975, chỉ riêng Sài Gòn, nhà chức trách địa phương đã hồ hởi đưa tin “quý I-2024, kiều hối chuyển về Sài Gòn đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ”.

Trước đó, kết thúc 2023, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước ở mức trên 50%.

“Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Sài Gòn năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của thành phố”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết như vậy.

Chính quyền xem kiều hối là quà tặng tính cách cá nhân nên về nguyên tắc thì xét tính thuế thu nhập cá nhân, nhưng để “góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra”, đưa đến quyết định là miễn thu thuế thu nhập cá nhân.

Những khoản gọi là kiều hối nói chung cũng không phân biệt khoản tiền là tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hay người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước; tức gián tiếp thừa nhận số bạc của “dân vượt biên – Boat People” là đang giúp ích quê hương suốt ngần ấy năm trời.

Và cũng sau 49 năm dài của gần nửa thế kỷ thì có thể quá lời, nhưng cảm nhận của người viết là ước mơ của đại đa số dân Việt Nam vẫn là “vượt biên”, tức là muốn bỏ nước ra đi, dưới bất kỳ hình thức nào; dù đó là “tỵ nạn chính trị” hay “tỵ nạn giáo dục”, thậm chí đó còn là tìm một ‘sân sau’ khi rút lui chính trường của những người nhân danh cộng sản lúc còn đương chức.

Tháng Tư xứ ấy dài kinh khủng,

49 năm rồi mắt vẫn cay…

 

Tổng giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt tự tử vì sợ tù tội?

 

VNTB –  Tổng giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt tự tử vì sợ tù tội?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Lá thư được lan truyền trên mạng xã hội sau tin tức Bí thư đảng uỷ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khánh Việt được cho thương vong vì tai nạn… té lầu.

Ngày 20-4-2024, trang web của Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đăng bản tin cáo phó về lễ tang của ông Phan Quang Huy. Trong bản cáo phó, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc công ty Khánh Việt cho hay ông Huy chết vì “tai nạn”. 

Lá thư tuyệt mệnh viết gì?

Ngay sau tin tức trên, mạng xã hội bất ngờ xuất hiện bức thư cho là thư tuyệt mệnh của ông Phan Quang Huy gửi lại vợ con trước lúc ra đi được đánh máy, và thêm những dòng chữ viết tay. 

Trong thư, ông Huy thừa nhận phải chịu rất nhiều áp lực trong công việc do cơ chế hiện nay.  Ông cho biết “gần đây lại có tin về việc rà soát khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại” bên cạnh những côn trình như “cao ốc Khách sạn – Thương mại Khatoco tại số 7-9 đường Biệt thự. Dự án khu phức hợp Thương mại-Khách sạn-Căn hộ Tropicana cũng thuộc diện phải rà soát“. Việc các dự án Tổng công ty đã liên doanh, liên kết với các đối tác để triển khai thực hiện cách đây mười mấy năm bị diều tra là chuyện không trước thì sau cũng sẽ diễn ra.

Ông Huy cam kết với con cái rằng ông không tham nhũng nhưng cũng “không thể tránh khỏi các sai sót trong quá trình định giá tài sản, góp vốn đầu tư bởi tư duy, quy trình của mười mấy năm trước khác hẳn với những qui định hiện hành của thời bây giờ.

Ông Huy đã tìm cách giải thoát cho bản thân thoát khỏi ám ảnh tù tội do “vi phạm quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sau nhiều đêm thao thức, những suy nghĩ liên miên và cả sợ đến bủn rủn chân tay. 

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Huy khuyên hai con của mình: “trong bối cảnh như hiện nay, hai con tốt nhất không làm trong lĩnh vực kinh tế, không làm trong các cơ quan Nhà nước, không làm trong các doanh nghiệp Nhà nước, không làm quản lý vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý không bao giờ có thể lường trước hết được, vì mỗi ngày đều phải xử lý rất nhiều việc nên chắc chắn rằng trong suốt cuộc đời sẽ không tránh khỏi rất nhiều lần đưa ra những quyết định sai.

Hai Con nên tìm kiếm những công việc nào mà sau 8 giờ làm việc không phải bận tâm suy nghĩ nữa là tốt nhất. Chỉ cần đủ ăn, sống vui vẻ, không phải lo lắng gì là hạnh phúc nhất rồi.

Với vợ ông dặn dò “Mẹ thương Ba thì tuyệt đối không được cứu chữa mà hãy để cho Ba ra đi càng sớm càng tốt, vì hiện nay Ba sống không bằng chết, Ba chịu đựng hết nỗi rồi”.

Chia sẻ của cộng đồng: thể chế nó là vậy!

Với nội dung trên, ý kiến chung là chia sẻ đồng cảm của cộng đồng. Bên cạnh cũng có nhận xét lý tính, là không nhận tiền không có nghĩa là không nhận những lợi ích khác, chẳng hạn như sự đỡ đầu, thăng tiến, chức vụ.

Bởi thông thường lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nghe cấp trên chỉ đạo dù biết sai vẫn phải làm, vì cấp trên là người đưa mình lên, không làm theo hay phật ý sếp sẽ bị trù đuổi ngay. Đó là sự đánh đổi, tư duy là có ô dù bảo kê…

Thực tế gần đây cho thấy những thông tin chính thức và thông tin đồn đại xung quanh những vụ án như “giải cứu”, Việt Á… những vụ hối lộ như vụ Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An… thì chúng ta sẽ thấy, để điều hành một doanh nghiệp ở đất nước này, bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, mỗi loại hình sẽ gặp khó khăn tương tự nhau. Doanh nghiệp nhỏ thì khó khăn nhỏ, doanh nghiệp lớn thì khó khăn lớn.

“Muốn “sống” được, doanh nghiệp phải biết “cuốn theo chiều gió”. Nhưng có “cuốn” thì cũng phải biết “cuốn” làm sao cho an toàn. Khi gió đổi chiều thì phải biết “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Chứ còn “cuốn” đến mức trở thành sân sau của “ai đó”, thì khi “ai đó khác” muốn diệt “ai đó”, sẽ không có cơ hội để xoay chiều, và sẽ bị tiêu diệt” – bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ trên tài khoản cá nhân facebook.

Theo ông Sơn, thì, “chỉ khi leo lên được tột đỉnh, thì mới không cần phải “cuốn theo chiều gió”, không cần “gió chiều nào xoay chiều ấy”. Nhưng khi đó, lại phải biết ủ mưu, phải đủ tàn nhẫn để duy trì vị trí. Tất nhiên, những người như vậy thì cả đời phải luôn tìm cách lên chức, giữ chức… Cả đời ủ mưu, cả đời tàn nhẫn”.

Và kết luận của ông Sơn là: “Ở xứ sở này, trong thể chế này, người ngay thẳng, lương thiện không thể thành đạt. Ở xứ sở này, trong thể chế này, nếu có ước mơ, hoài bão… và muốn thành công, thì vừa phải biết “cuốn theo chiều gió”, vừa phải biết “gió chiều nào xoay chiều ấy” đúng lúc, kịp thời”.

Ai tiếp tay hải tặc thu tiền bảo kê ngư dân?

 

VNTB – Ai tiếp tay hải tặc thu tiền bảo kê ngư dân?

Dân Trần 

(VNTB) – Chính quyền chỉ tính tới phương án “vận động cho tự tháo dỡ” chứ không có biện pháp chế tài, xử lý hình sự để giải quyết triệt để nạn bảo kê trên biển

Thời gian qua, vùng biển phía Tây xảy ra nạn bảo kê, phân lô mặt biển, nhiều ngư dân bị kẻ gian tấn công, đốt phá tàu thuyền cháy rụi giữa biển. Ở Cà Mau, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023, đã có 12 vụ tàu cá của ngư dân bị tấn công, các đối tượng bảo kê đâm thẳng xuồng vỏ composite vào tàu của người dân. Các vụ tấn công đầy táo tợn và tàn bạo đã khiến nhiều ngư dân không chỉ mất trắng tài sản mà còn là mất luôn niềm tin và  sự an toàn trong công việc của họ.

Một số kẻ dùng bom xăng (chai thuỷ tinh có chứa xăng và mồi lửa) ném và đốt tàu của ngư dân rất tàn nhẫn. Hồi tháng 1, một tàu cá của người dân ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị giang hồ biển thiêu rụi bằng cách này. Hoặc mới đây, người dân ở Kiên Giang phản ánh rằng hiện nay có một số đối tượng tự tiện bao chiếm mặt biển, dựng trại, phân lô quản lý vùng  biển gây khó khăn cho ngư dân đánh bắt gần bờ.

Theo ông Võ Thanh Vân, người dân ở huyện Hòn Đất phản ánh: “Đáng chú ý là có một nhóm đối tượng đã bao chiếm mặt biển rồi yêu cầu ngư dân phải chia đôi sản lượng đánh bắt hải sản, còn không thì ngư dân không khai thác được. Nếu không cho họ sẽ ngăn cản hoặc dùng vũ lực để không cho ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ”.

Ông Đào Xuân Nha – phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất – thừa nhận có tình trạng trên. “Năm 2024 này, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã ven biển xử lý nghiêm những trường hợp xây cất trái phép để bao chiếm, bảo kê. Cụ thể là có bao nhiêu chòi, lều trại để báo cáo về huyện. Bước đầu sẽ cho tự tháo dỡ, nếu không sẽ xử lý nghiêm”, ông Nha nói. (1)

Như vậy, nhà nước biết có tình trạng giang hồ biển, hải tặc cát cứ, thu tiền bảo kê của người dân, nhưng chỉ tính tới phương án “vận động cho tự tháo dỡ” chứ không có biện pháp chế tài, xử lý hình sự để giải quyết triệt để, trả lại vùng biển an toàn cho người dân. Vậy liệu nhà cầm quyền có tiếp tay cho hải tặc thu tiền bảo kê của người dân hay không khi không chịu rốt ráo giải quyết?

Với lực lượng công an, cảnh sát biển hùng hậu, có mặt ở khắp nơi, thì không thể để hải tặc ngang nhiên tung hoành gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với ngư dân. Nếu không phải tiếp tay, ngó lơ cho hải tặc tấn công người dân, thì rõ ràng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tuy đông, trang bị hùng hậu, nhưng lại vô dụng, không đủ năng lực bảo vệ người dân.

Thậm chí có thể những kẻ “giang hồ biển” đó chính là cánh tay nối dài cả các qua chức cộng sản. Với việc không xử lý nạn “giang hồ biển” này, thì hoàn toàn có lý do để nghi ngờ việc các lãnh đạo lớn nhỏ đã phân lô, cát cứ ngư trường để thu tiền bảo kê của người dân.

Biển Việt Nam là của người dân Việt Nam, là nơi mà ngư dân gắn bó với ngư trường của mình hàng ngày. Họ đánh cá, nuôi trồng thuỷ hải sản để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần vào xuất khẩu thủy hải sản đồng thời đóng thuế cho nhà nước. Lãnh đạo và công an cần phải luôn nhớ rằng tiền lương của họ từ thuế của dân mà ra, họ được dân trả lương để bảo vệ an ninh cho dân.

Vậy mà giờ đây, người dân phải đối mặt với nguy cơ từ các nhóm hải tặc mỗi ngày, không chỉ đối diện nguy cơ mất mát về tài sản, mà còn gây ra những hậu quả nặng nề đối với tâm lý lâu dài. Việc mất đi nguồn thu nhập chính từ nghề cá, thậm chí mất phương tiện kiếm sống khiến họ phải bỏ nghề, bỏ biển. 

Ngư dân bỏ biển, ngư trường bỏ trống, hải tặc có dám thu tiền tàu lạ, tấn công tàu xâm phạm lãnh hải Việt Nam hay lại rút đầu khi không dám “đối đáp với người ngoài”, bỏ ngỏ cửa ngõ cho giặc ngoại xâm.

_________________

Tham khảo:
(1) https://tuoitre.vn/cu-tri-phan-anh-hai-tac-bao-chiem-mat-bien-phai-chia-doi-moi-cho-danh-bat-20240424125857224.htm

Vàng đấu thầu ế khách

 

VNTB – Vàng đấu thầu ế khách

Hàn Lam

(VNTB) – Chỉ 2 đơn vị trả giá thầu thầu 3.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu lần đầu tiên sau hơn chục năm.

Trong phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên hôm 23-4-2024, chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng. Như vậy ế đến 13.400 lượng vàng miếng SJC.

2 thành viên trúng thầu là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Danh sách 11 đơn vị tham gia đấu thầu vàng, bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp. Cụ thể: Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc đá quý (DOJI), Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý.

Đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc: 80,70 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng vàng. Khối lượng đặt thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 2.000 lượng vàng.

Như vậy, để đặt tối thiểu 1.400 lượng vàng, các thành viên tham dự đấu thầu sẽ cần chuẩn bị số tiền gần 113 tỉ đồng.

Kết quả tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất được xác định là 81.330.000 đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 81.320.000 đồng/lượng.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy đến cuối ngày 23-4-2024, Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 81 triệu đồng/lượng, bán ra 83,3 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng so với buổi sáng. Dù vậy, so với cuối ngày hôm qua, giá vàng miếng vẫn giảm thêm 200.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được Công ty SJC mua vào 72,9 triệu đồng/lượng, bán ra 74,7 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước.

Biên độ chênh lệch giá mua – bán cũng được duy trì ở mức cao 1,8 triệu đồng/lượng. Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội giao dịch vàng nhẫn trơn lên 73,58 triệu đồng/lượng mua vào, 75,28 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong khi đó thì ở phiên ngày 23-4, giá vàng thế giới rơi tự do từ vùng 2.390 USD/ounce xuống có thời điểm rớt khỏi mốc 2.300 USD/ounce. Tính ra trong ngày, giá vàng thế giới ‘bốc hơi’ tới 2,5 triệu đồng/lượng. Diễn biến này cũng khiến giá vàng nhẫn nới rộng cách biệt với thế giới, lên mức khoảng 4 triệu đồng.

Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế phí, giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng miếng SJC trong nước khoảng 11 đến 12 triệu đồng, tùy thời điểm.

Trước thời điểm diễn ra đấu giá vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia tài chính độc lập Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu vàng như thông báo của Ngân hàng Nhà nước là không hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh vàng vào thời điểm này.

Theo ông Phương giá vàng miếng SJC đang cao trong khi số lượng tối thiểu doanh nghiệp được mua chỉ có 1.400 lượng. Với số lượng vàng này mà giá cọc lên tới 80,7 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn giá mua vào 300.000 đồng/lượng trên thị trường sẽ khiến doanh nghiệp gặp “rủi ro”.

“Bản thân các doanh nghiệp không dám ôm vàng vào thời điểm này. Theo tôi, số lượng đấu giá 16.800 lượng khó thành công”, ông Phương nói. Ông Phương dự đoán chỉ có khoảng 5.000 lượng vàng sẽ đấu giá thành công với giá trúng thầu 82 triệu đồng/lượng.

Kết quả thực tế thì còn tệ hơn dự đoán, khi chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng, với giá trúng thầu cao nhất được xác định là 81.330.000 đồng/lượng.

Trước mắt cho thấy xét về mặt tăng cung cũng như thu ngân sách, Ngân hàng Nhà nước đã không đạt kế hoạch.

Một cảnh báo khác cũng được nêu ra trước phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, đó là, “Chúng tôi rất nhiều lần kiến nghị phải xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC mới khiến giá vàng hạ nhiệt chứ việc đấu thầu vàng không giải quyết được. Ngân hàng Nhà nước sẽ không đấu thầu một lần mà nhiều lần. Vậy việc cứ nhập vàng về đấu giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, trong khi giá USD đang cao nhất từ trước đến nay. Điều này là không ổn”, giới chuyên gia độc lập phản biện.

Ngoài ra còn là mối liên hệ giữa thị trường vàng và tỷ giá hối đoái chắc chắn là điểm yếu khiến các nước như Mỹ có thể cho rằng Việt Nam có chính sách thao túng tiền tệ một cách gián tiếp thông qua các biện pháp kiểm soát thị trường vàng.

Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ như thế này không?

 Lâm Công Tử

Tháng Mười Một, 2016, trong dịp thăm thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trong một lúc cao hứng, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, đã phát biểu: “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?,” theo báo VietNamNet.

“Tứ trụ” Việt Nam thì “một trụ” là Võ Văn Thưởng (thứ hai từ phải) – chủ tịch nước – bị gãy ghế, “một trụ” là Vương Đình Huệ (bìa trái) – chủ tịch Quốc Hội – bị lung lay. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Trong mạch chuyện phát biểu với cử tri, báo VietNamNet dẫn lời ông Trọng cho biết: “Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình. Đó không chỉ là sự thay đổi của Tiên Du, Bắc Ninh, mà nhìn rộng ra là sự thay đổi của cả nước.”

“Mặc dù bây giờ ra đường lắm chuyện khó chịu, nghe báo chí nói rất nhiều chuyện tiêu cực hàng ngày, rất là bực mình. Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng có cả nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển đi lên nữa,” theo lời ông Trọng.

Câu nói nổi tiếng này đã được trích lại không biết bao nhiêu lần, hay cũng có mà dở cũng không ít. Điều hay luôn trích dẫn lại để chứng minh rằng đất nước ngày càng đẹp hơn khi cảnh sắc thiên nhiên cho người Việt những cơ hội phát triển du lịch với khách nước ngoài, hay những hợp đồng kinh tế hứa hẹn cho đời sống công nhân khởi sắc hơn. Nhưng dở cũng không hiếm khi những hình ảnh tiêu cực của xã hội xuất hiện đầy rẫy trên báo chí hay mạng xã hội thì câu nói này được cư dân trích dẫn lại như một bằng chứng của sự khỏa lấp mặt trái của sự thật, để từ đó nhìn câu nói của ông tổng bí thư nhận định trở thành mị dân và dối trá.

Trong vòng chỉ tám năm sau khi ông Trọng phấn khởi nhìn về đất nước thì lò của ông bắt đầu rực cháy như chưa bao giờ được cháy. Trước nhất là ông Đinh La Thăng, hai năm sau khi ông Trọng phát biểu, một kiện tướng trẻ của chế độ xộ khám kéo theo ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh còn làm cho Việt Nam mất mặt khi chạy sang Đức trốn tránh và bị bí mật dẫn độ về Việt Nam, đất nước không những “được như thế này” mà còn hơn nữa về lãnh vực ngoại giao, một chiếc gai trong giày đâm vào gót chân khiến mỗi lần nói chuyện với Đức thì không khập khễnh cũng xiêu vẹo ít nhiều.

Cũng trong năm đó vụ án cá độ cờ bạc trên Internet bị phanh phui lòi ra những khuôn mặt cộm cán trong ngành công an mà điển hình là Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, cũng là người cầm đầu đường dây đánh bạc, rửa tiền có khối lượng tiền mặt lên tới 10,000 tỷ đồng ($393.3 triệu). Vụ án này có sự liên kết của hàng trăm nhân vật mà đa số nằm trong lực lượng bảo vệ đảng hay nói nôm na “còn đảng còn mình.”

Những tưởng chỉ có các cấp nhỏ hơn những nhân vật trong Bộ Chính Trị mới dám làm càn, ai ngờ ông Trọng bị tổ trác khi hai vụ đại án cùng nổ ra một lúc. “Chuyến bay giải cứu” và Việt Á đã kéo hai ông phó thủ tướng và một ông chủ tịch nước vào guồng quay của tham ô nhũng lạm. Ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, hai cựu phó thủ tướng, về nhà đuổi gà vì đã đứng sau lưng của hai gã trợ lý tiếp tay với đường dây “giúp” người Việt đang sinh sống hay làm việc tại nước ngoài trong đại dịch COVID-19 được bước lên những chuyến bay do các đại sứ quán tổ chức với số tiền trả cho vé máy bay cao ngất ngưởng rồi biến hóa vào túi riêng của gần như hầu hết nhân viên ngoại giao trên khắp thế giới. Đau nhất là ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu chủ tịch nước, không biết có chấm mút chút nào không mà cũng bị đá về vườn chăn vịt với vợ trong khi trùm cuối của đại án Việt Á vẫn nằm trong bí mật, chỉ một mình ông Trọng là biết ông Nguyễn Xuân Phúc có “được như thế này” hay không.

Trời phụ lòng ông Trọng quá lẽ khi thân tín của ông là chàng trai trẻ trung, hiền lành nhất trong Bộ Chính Trị là Võ Văn Thưởng bước lên võ đài sau khi ông Phúc đón xe đò về xứ Quảng. Chưa kịp nóng đít, chiếc ghế của cậu ấm chủ tịch nước lung lay một cách dữ dội khi người thân của cậu bị công an tóm gọn vì đã “mượn hơi hùm” của cậu ấm nuốt trọn hàng ngàn tỷ và không còn cách nào chối tội vì bằng chứng bày ra trên bàn điều tra của Bộ Công An do “bò dát vàng” Tô Lâm ra lệnh.

Liên tiếp bị đòn từ thằng đệ của mình tung ra, cụ Tổng chưa hết choáng váng thì một thân tín khác tiếp tục nhận đòn từ Bộ Công An. Khi ông Phạm Thái Hà bước xuống chuyến bay từ Bắc Kinh trở về Nội Bài cùng với phái đoàn Quốc Hội do ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, dẫn đầu thì không những ông Trọng mà cả nước “vỡ òa” vì ngay lập tức ông phó chánh văn phòng Quốc Hội kiêm trợ lý chủ tịch Quốc Hội bị còng tay dẫn về Bộ Công An vì tội nhận hối lộ!

Nếu nói ăn hối lộ từ các bộ ngành khác như giao thông ăn hắc ín, xe điện hay cầu cống thì người dân còn tin, chứ đến Quốc Hội mà cũng ăn hối lộ nữa thì hết biết. Thì ra ông Phạm Thái Hà đã nhận tiền đút lót từ tập đoàn Thuận An để tập đoàn này thắng nhiều gói thầu quan trọng. Khổ nỗi, ông Phạm Thái Hà cũng như các “trợ lý” khác của hai ông phó thủ tướng, đã nhận tiền và giao lại cho ai đó trực tiếp chỉ đạo ông ta, nói chính xác hơn là Vương Đình Huệ, kẻ “xanh mặt” còn hơn đít nhái khi Phạm Thái Hà bị bắt.

Hầu như trên thế giới không có một nước nào cho dù tham nhũng thượng thừa cũng không một lúc cả giàn “đồng ca” cao nhất nước bị đá văng khỏi ghế vì tham nhũng. Ông Trọng giờ đây âm thầm ngồi trước chiếc lò mà ông tạo ra đút từng khúc củi vào lò mà lòng đau như cắt. Cái câu nói nổi tiếng quay trở lại ám ảnh chính ông từng ngày từng giờ khi sự thật đổ bể ra trước công luận cho thấy điều ông nói đã quay lại chống ông không thương tiếc.

Đất nước có như thế này hay như thế nào đi nữa thì người trực tiếp nhận hậu quả vẫn là nhân dân chứ không phải là tổng bí thư hay hai chủ tịch nước, hoặc chủ tịch Quốc Hội. Bởi mỗi lần có việc xảy ra là hình như vật giá leo thang, xăng dầu được dịp vẫy vùng trong điệu nhảy ăn mừng chiến thắng còn người dân thức trắng múc từng gô nước cho sinh hoạt vào ngày hôm sau. Không tin cứ về miền Tây mà xem, người dân rồng rắn xếp hàng mua nước ngọt như thời bao cấp khi chúng ta xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm trong khi cán bộ ung dung ngồi trong phòng máy lạnh để bàn luận chính sách cai trị nhân dân.

Nói một cách ngắn gọn câu nói của ông Trọng có lẽ sai do thằng đánh máy, thay vì ông than thở “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ như thế này không?” thì nó lại đánh chữ “như” thành chữ “được.”

Vậy mà không ai bắt thằng đánh máy chỉ chăm chăm vào cụ Tổng thì có ức không chứ? [qd]

Những ngày cuối của thủ đô yêu dấu

 Lâm Nguyễn/SGN

Sáng 28 Tháng Ba, ba cứ dẫn cả nhà đi tới đi lui. Tàu mỗi lúc mỗi ít mà người thì mỗi lúc mỗi đông.

Mình không nhớ rõ ràng từng chi tiết lắm nhưng cái hình ảnh mấy trăm ngàn con người ứ đọng lại trên bến tàu để giành giựt 1 chỗ trên tàu và thỉnh thoảng lại có những tiếng rơi nặng nề xuống biển thì không làm sao mình quên được.

Đám đông người Việt Nam chen chúc di tản tại phi trường ngày 29 Tháng Tư, 1975. (Hình: National Archives/AFP via Getty Images)

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, bối rối, kinh hoàng, cùng quẫn. Kẻ đi tới, người đi lui, khóc lóc, kêu réo dội lên nghe thật dễ sợ. Mấy bao gạo sấy cứng như đá nhưng cũng được tụi mình chiếu cố tận tình. Suốt một ngày vất vả, lang thang khắp các xó xỉnh của bến cảng, đợi chờ, hy vọng rồi tuyệt vọng, cả nhà mệt lả. Mình tưởng như không thể nào đi nổi nữa (Lúc đó mình là đứa con lớn nhất trong nhà chỉ mới 11 tuổi).

Đêm đến. Người đến mỗi lúc một đông. Cả nhà đứng trên bến. Mình còn nhớ rõ lúc đó có một chiếc tàu đậu ở ngoài xa. Nhũng người đứng trên bến kêu la í ới nhưng chiếc tàu không vào được. Nếu lúc đó chiếc tàu tiến vào, mấy chục ngàn người mà ùa xuống, chắc chắn sẽ chết mấy trăm lần so với những ngày qua vì điều chắc chắn là chiếc tàu sẽ chìm lỉm.

Lúc đó có một người lính có lẽ vì hoảng quá đâm ra liều lĩnh nên nhảy đại xuống biển và cố gắng bơi ra chiếc tàu. Mặt biển tối sẫm nhưng cũng thấy đầu ông lúc trồi lên lúc chìm lỉm. Mọi người trên bờ hồi hộp theo dõi, thỉnh thoảng lại cổ vũ: “Gắng lên, gắng lên, gần tới rồi” và hàng trăm tiếng “Ồ” bật lên mỗi khi thấy ông ta bị chìm có lẽ vì đuối sức. Cứ thế mọi người kể cả tụi mình hồi hộp theo dõi nhưng cuối cùng ông ta mất tăm. Mọi người cũng chẳng còn hơi sức, tâm trí đâu để mà than thở, hay tỏ một câu thương xót cho cái chết bi thảm của ông. Hình ảnh ấy cứ bám riết tâm trí, ám ảnh mình suốt chuyến đi.

Ba dẫn cả nhà ra ngay giữa bến. Ngoài khơi có một chiếc tàu to đang tiến vào. Nhưng rồi nó cũng không dám vào sâu hơn nữa vì mỗi lần tiến lên được chút ít là “họ” từ trên núi pháo xuống mặt biển ầm ầm. Có một ông lính to cao mặc đồ bộ binh, mũ giáp đàng hoàng cầm đèn pin chớp chớp 3 cái một, hình như là để ra hiệu cho tàu vào. Thình lình ở phía bên phải bỗng chớp lên một vệt sáng dài như sấm chớp. Mình nghe tiếng ông ta hét to: “Pháo, nằm xuống”.

Ba dúi đầu tụi mình xuống. Cả nhà vừa kịp nằm dài ra là :”Ầm, ầm”. Lúc đó mình mới thật sự thấy khiếp sợ. Ngày hôm qua, tuy bị nhưng họ pháo rải ra, thưa thớt hơn và cả nhà ở trong một phòng kín. Còn bây giờ thì liên tiếp không ngớt. Tưởng chừng như bao nhiêu tiếng động kinh khiếp của trái đất đều đổ dồn vào đây. “Ầm ầm” liên tục làm mọi người không ngóc đầu dậy được. Tụi mình nằm im thin thít.

Người tỵ nạn cộng sản từ Đà Nẵng, Huế và các thành phố thất thủ khác của miền Nam Việt Nam, chen chúc hành lý trên xe buýt, cố gắng kiếm thức ăn và nước uống khi họ từ Thành phố Cam Ranh hướng về Sài Gòn (Bettmann / Getty Images)

Sau này nghe ba nói lại mình mới biết là lúc đó ba đã cố ý cho cả nhà nằm túm tụm vào nhau để lỡ có rủi quả nào rớt trúng thì bị hết cả nhà còn hơn là người còn người mất. Pháo cứ trên núi dội xuống trên đầu mọi người. Giữa bến không có một tàng cây hay một túp nhà nào. Mọi người buông xuôi, mặc cho may rủi. Nằm lồng lộng giữa trời để hứng những quả pháo không có mồm có mắt. Nghĩ lại mình còn thấy ghê sợ. Pháo vừa ngớt, ba kéo hết ra một cái hầm dầu ca-dôn. Nói là hầm nhưng thật ra đó là một đường ống giống như những cái cống chứa đầy dầu trơn nhẫy. Tụi mình phải nửa ngồi nửa đứng, hai tay bấu vào vách đá, lưng dựng vào vách này, chân bíu vào vách kia. Láng quáng sảy chân rơi xuống cũng chết. Mình không hiếu lúc đó hai cu Kỳ và Tí (5 và 3 tuổi) lấy sức đâu mà bíu vào vách đá như vậy. Tê dại cả chân tay đầu óc. Pháo gần khoảng 1 tiếng thì ngớt dần và ngưng hẳn. Lúc đó trời đã rạng sáng. Sáng 29/3.

Lúc này soát xét lại thì đồ đạc lẫn lộn đâu hết, chỉ còn một xách gạo sấy, 1 xách quần áo trong có cái radio cassette. Còn cái xách Boeing của nhà trong đựng những bộ quần áo quý của má thì mất tiêu. Nhưng cũng chẳng ai có vẻ tiếc rẻ (khi cả nhà mình vừa thoát khỏi cái chết). Còn hơi sức đâu mà nghĩ tới những chuyện vớ vẩn nữa.

Mặt trời lên. Một cảnh tượng hiếm có đập vào mắt mình. Trên bến la liệt những đồ vật, xe cộ, người bị thương, bị chết nằm ngổn ngang. Xe cộ nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Xen giữa những hàng xe cộ là đồ vật. Quần áo, ti vi, máy quạt, va-ly, túi xách, kể cả những đồ vật đắt tiền và thậm chí mình còn thấy cả những đôi hài, sandale, hoặc đôi giày cao gót của đoàn người di tản cởi bỏ và vất lại.

Ba má lại thất thểu kéo tụi mình ra đi. Dọc đường, mình thấy máu me và tiếng rên rỉ xin cứu vớt, xin nước của người bị thương vang lên không ngừng. Có một người đàn bà bị thương nặng, 4 đứa con vây quanh bà ta khóc lóc nhưng bà xua đi và nặng nhọc nói:
– Thôi mẹ gần chết rồi, mấy đứa con đi đi. Chạy theo họ chứ không là bị pháo kích nữa đó.

Bốn đứa nhỏ vùa chạy theo sau đoàn người nhà mình vừa quay lại nhìn bà mẹ và khóc nức nở. (Cảnh tượng này suốt đời mình không bao giờ quên được). Không biết máu của ai văng lên cái xách đồ mà dính be bét trên quần áo. Vào đến Cam Ranh, nhà mình mới hay.

Có người chết rồi mà mắt mở trừng trừng. Có người bị thương đau quá rên siết thật thê thảm. Có người nuốt nước mắt bỏ thân nhân bị chết ở đó và ra đi. Chưa bao giờ mình thấy đồ đạc nhiều như vậy. Đồ đạc nằm chỏng chơ trên cảng, lăn lóc ngoài đường. Giá lúc ấy có ai mà chụp được cảnh đó hẳn bức ảnh đáng giá ngàn vàng.

Khung cảnh cảng ngổn ngang, bừa bãi và vắng lặng vì bây giờ, sau trận pháo kinh thiên động địa, mọi người lại hoảng hốt ra đi. Đi về đâu? Cũng chẳng ai biết chắc họ sẽ đi về đâu. Nhưng thấy người khác đi, mình cũng đi. Cứ như những con kiến hoảng hốt bò quanh miệng chén nước sôi. Cùng quẫn, tuyệt vọng, bơ phờ, kinh hoàng, ngần ấy thứ in hằn lên từng khuôn mặt già cũng như trẻ.

Cứ đi, dù không có cái đích cuối cùng, kéo nhau đi hoài, đi hủy dù không có phương tiện. Cả nhà cùng đoàn người chạy loạn lại kéo nhau về Sơn Chà – Chợ Chiều. Từ Cảng Tiên Sa đi ra Chợ Chiều cũng 9, 10 cây số. Đi ngang dãy nhà ở Tiên Sa mà hồi xưa gia dình mình ở, mình thấy ở đó đã bi pháo dội đổ nát hết.

Lúc đó mình mới 11 tuổi, QG 9, Bé Ba 7, Bé Tư 6, cu Kỳ 5, cu Tí 3 và Bé Tí 2. Lại thêm bà Tuyên cùng hai đứa con: đứa 1 tuổi, đứa hai ngày tuổi. Thật là nheo nhóc. Ba thì xách đồ, chị Lụa bồng bé Tí, má bồng đứa con lớn của bà Tuyên, bà Tuyên bồng đứa mới sinh.

Ba dặn mình phải níu tay Bé Tư. Bé Ba đi với QG. Còn Kỳ và Tí thì đi sát bên ba. Lên đường, không phấn khởi, không tin tưởng, không có đích như những chuyến đi chơi. Tới đâu hay tới đó. Cả nhà mình như trôi đi trong một khối biển người khổng lồ, cuồn cuộn, nối tiếp nhau tưởng chừng như không bao giờ hết được.

Dọc đường đi, nhiều cảnh tượng kinh khủng đã đập vào mắt mình. Và người! Người từ Sơn Chà, từ Đà Nẵng lại đổ trở ra Tiên Sa.

Người vô kẻ ra. Đúng là môt bầy kiến vĩ đại đang bò quanh miệng chén nước sôi. Thật là bế tắc. Mọi người lại nhìn nhau bàng hoàng, ngơ ngác. Bây giờ phải đi đâu, đến đâu. Đứng im một chỗ cũng không thể bình tĩnh được nên phải chạy tứ tung ngoài đường. Rốt cuốc hàng đoàn người dài dằng dặc đi ngược chiều nhau, nhìn ngó nhau, thắc mắc, lo sợ và tuyệt vọng.

Có những cái đã in sâu trong óc mình. Mình đã gặp dọc theo con đường (ngay trước cổng vào khu hải quân ở Sơn Chà) một người đàn ông mặc bộ đồ thủy quân lục chiến nằm vắt tay lên trán, bên cạnh là chiếc xe Honda chất đầy đồ đạc. Trông ông ta có vẻ thản nhiên quá. Lại ngủ nữa à? Không ai biết được là ông ta đã chết rồi, người chạy loạn thương tình xếp lại tư thế nằm của ông cho ngay ngắn. Có thể giờ này vợ con ông đang đi tìm ông. Trông tư thế nằm của ông có vẻ vô tư quá. Trông như 1 bác nông dân đang say sưa đánh giấc sau khi làm những đường cày.

Tái bút:

Hành trình chuyến đi còn kéo dài đến hơn 10 ngày mới đến được Sài Gòn nhưng không hiểu sao lúc đó mình chỉ viết đến đây thì dừng. Tuy nhiên, cách đây vài năm, mình có nhớ lại nên viết kể tiếp về chuyến đi với đích đến cuối cùng là Sài Gòn. Chuyện cá Ông cứu thuyền là có thật. Năm 2018, mình đã đưa ba má ra đảo Bình Ba (ba má sau khi lục lọi trí nhớ đã xác định tên đảo) để thắp hương tại Lăng Cá Ông, cảm tạ Ông đã cứu chiếc ghe không bị lật chìm giữa biển.

Cuối cùng, điều mình muốn nói là qua chuyến đi chết chóc này, mình muôn vàn cảm tạ, biết ơn ông bà Tổ Tiên phúc đức đã che chở cho cả nhà toàn vẹn cho đến khi đặt chân lên đất Sài Gòn dù thân hình xơ xác, tiều tuỵ đúng nghĩa đen đầu trần chân đất.