Thursday, January 14, 2016

Người cao tuổi ở Việt Nam, quyền lợi và nghĩa vụ

Theo VNTB -15.1.16
Đông Phong Vũ (VNTB) Ai là người hiểu sâu sắc nhất thực trạng của đất nước Việt Nam chúng ta ngày nay ? Đó chắc chắn là những người trung niên và cao tuổi, những người đã sống qua thời kỳ bao cấp. Người cao tuổi ở Việt Nam có được hưởng những quyền chính đáng của mình hay không? Và ở chút sức lực lúc hoàng hôn, họ đã thực hiện những nghĩa vụ nào mà chỉ có họ mới làm được cho đất nước? 

Người già không được hưởng phúc lợi xã hội

Người già ở Việt Nam không có tiếng nói gì trong xã hội chúng ta. Chế độ chính trị sinh ra một thứ văn hóa mà các bô lão được kính trọng nhưng không được nể vì.

Người già chính là người đã trải qua thời gian lao động thời trẻ để nuôi xã hội. Đến khi về già, họ có quyền được nghỉ ngơi. Một chính phủ trong sạch và có thiện chí phải là một chính phủ đảm bảo được nguồn ngân sách để lo chi phí cuộc sống cho người già. 

Cách đây không lâu, báo chí Việt Nam có đưa tin về việc một chủ quán cơm ở Sài Gòn không cho cụ già bán vé số vào quán ăn cơm.
Thực tế chứng tỏ một điều hoàn toàn ngược lại, điển hình như ở Sài Gòn, thành phố lớn nhất Việt Nam. Trước năm 1975, chế độ Cộng Hoà dành hẳn những con phố cho những viện dưỡng lão. Người già ở đấy chỉ sống chơi chơi, không hề phải lao động chân tay và được chăm sóc rất tốt. Giờ đây, Sài Gòn chỉ có 02 viện dưỡng lão: Thị Nghè (Bình Thạnh) và Thạnh Lộc (Hóc Môn). Số người được vào đây rất hạn chế, tiêu chuẩn cuộc sống thì cũng được coi là tạm ổn, nhưng đó chỉ là ăn no mặc ấm, tạm ổn so với thời bao cấp chứ chưa hề có ăn ngon mặc đẹp. Số người trên một diện tích là quá chật chội mà không ai để ý. Khách quan mà nói, theo các tiêu chuẩn phương Tây, các trung tâm chăm sóc người già trên toàn lãnh thổ Việt Nam là những ký túc xá người già, chưa thể gọi là viện dưỡng lão. 

Số lượng viện dưỡng lão là không đáng kể nếu không muốn nói mọc ra để “chữa cháy” và “che mắt thế giới”. Thực trạng xã hội Việt Nam khiến con người không thể không đau lòng: Người già vô gia cư và không được chăm sóc tối thiểu chưa được thống kê. Không thể đếm hết những ông già bà già vẫn phải lao động chân tay trên khắp các con phố ở Sài Gòn. Vô số những người bán vé số giữa trời nắng mưa ở Sài Gòn là những người quá 60 tuổi. 

Người già có tiền cũng không vui

Rất nhiều người già ở Việt Nam có nhiều tiền, ví dụ, nhiều người có hàng chục khu nhà trọ cho thuê. Ở một độ tuổi gần đất xa trời, họ ngẫm lại cuộc sống và thấy rằng trong khi bản thân mình thì giàu có, cộng đồng lại dường như không có gì và đầy rẫy bê bối, nhất là ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại và đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Đồng tiền trong tay cũng không biết dùng để làm gì cho hữu ích. Lúc này họ nhận ra rằng định nghĩa về sự thành đạt là sai lầm. Thời đại họ sống là một thời đại bất an, họ tuyệt vọng vì “ tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt” mà lại không trông thấy có con đường cụ thể để cứu lấy đất nước. Nhiều người cho con cái đi du học, nhưng còn đó con cháu trong họ hàng, rồi con cháu của những người láng giềng phải sống như những loài nhuyễn thể chứ chưa thực sự được coi là sống. Đó là chưa kể việc con cháu ruột của họ phải quay về đất nước vì không đủ năng lực để tồn tại ở những môi trường tự do cạnh tranh khốc liệt. Toàn những cảnh khiến người ta thao thức.

Những thế hệ du học sinh Việt Nam đi học, đã đi làm và định cư ở nước ngoài liệu có được hạnh phúc chăng? Câu trả lời cũng là không, điểm đặc biệt của người Việt là đi đâu cũng muốn trở về đất nước sống trong tình làng nghĩa xóm. Ngoài ra còn có một trạng thái mà tôi mô tả bằng ví dụ như sau: 

Ở Đức, số những người có tài khoản trên 10 000 đô-la gửi ở ngân hàng có lẽ không nhiều như ở Việt Nam. Đây là một thông tin định tính mà nếu không có một cuộc kiểm chứng định lượng có thể làm bạn đọc ở trong nước ngạc nhiên rồi phản đối. Thật vậy, xét theo nhiều yếu tố, người già ở Đức không có nhiều tiền gửi ngân hàng như nhà giàu Việt Nam. Lý do là dân Đức không hề đặt nặng tâm lý phải lo lót sự nghiệp và xây nhà xây cửa cho con cái. Khi về hưu, người già ở Đức dùng hầu hết tiền tích lũy và lương hưu hàng tháng của mình để đi nghe hòa nhạc, dự triển lãm tranh và làm từ thiện. Vì vậy, hiếm thấy một cặp vợ chồng già nào của Đức có thật nhiều tiền trong ngân hàng, nhưng họ sống rất hạnh phúc.

Những người Việt sống lâu năm và có quốc tịch Đức, lương cao hơn mặt bằng lương trung bình của dân Đức bản địa nhưng họ luôn mặc cảm là dân loại II. Ở một xứ sở mà khoa học và nghệ thuật là hàng đầu, những người gốc Việt luôn tự ti vì trình độ thưởng thức thẩm mỹ không đủ để hòa nhập. Tiềm thức về sự nghèo đói thúc ép dân Việt kiếm tiền quần quật trên xứ người, không còn thời gian nghĩ về những việc của thế giới văn minh. 

Do đó, ta kết luận được rằng dù ở trong nước hay ở nước ngoài thì người cao tuổi ở Việt Nam cũng không thể có được hạnh phúc.

Nghĩa vụ đánh thức tuổi trẻ

Con cá Barracuda được đặt trong một bể nước. Người ta thí nghiệm bằng cách đặt một tấm kính ở giữa cái bể, ngăn cách con cá Barracuda và những con mồi của nó. Đầu tiên, con cá Barracuda lao vào con mồi nhưng va phải tấm kính, bị đau, sau vài lần như vậy nó không lao tới bắt mồi nữa. Đó là tình trạng tuyệt vọng do được huấn luyện.

Thí nghiệm này đã áp dụng trên cả dân tộc Việt Nam. Dân tộc ta đang chìm trong một cơn mê, dân tộc ta nhược tiểu hóa trong tay những thế lực tạo ra cơn mê đó. Những ý kiến để thay đổi đất nước ngay lập tức mất đi vì con người nghĩ nền độc tài quá mạnh. Trong khi đó, họ không trông thấy một định luật rằng bất kỳ chế độ độc tài nào rồi cũng phải chuyển sang dân chủ. 

Nguyễn Trường Tộ, nhà tư tưởng cải cách lớn nhất Việt Nam thời phong kiến có câu: Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không hết là bất nghĩa. Câu danh ngôn nhắc nhở dân tộc về nghĩa vụ công dân của mỗi người. Nhưng tại sao thế hệ cao tuổi ở nước ta lại không đồng lòng để tạo lập tinh thần cải tạo cộng đồng và thay đổi vận mệnh đất nước nơi giới trẻ?

Có người giải thích rằng thời bao cấp, tuổi niên thiếu phải ăn ăn bo bo, khi lớn lên và lúc về già, dẫn đến việc các vị bô lão dặn con cháu rằng phải biết sợ hãi, phải làm ngơ trước mọi sai trái, miễn là được yên thân. 

Rõ ràng, người già Việt Nam sống ở thành phố nhưng không biết mình vẫn là dân nông thôn, vì biểu hiện tâm lý rõ rệt nhất của dân nông thôn là ngại phiền phức. Tâm lý của người đô thị phải là đi đến tận cùng chân lý. Nếu cụ già nào cũng quyết tâm đòi quyền của mình, thì họ sẽ được quyền. Nếu cụ già nào cũng coi việc giáo dục tinh thần đa nguyên đối với con cháu thì nhất định cả dân tộc sẽ được tự do. 

Khi xưa, Nhan Uyên và Tử Lộ hỏi Khổng Tử về ước mơ của mình. Khổng Tử nói ông chỉ có một ước mơ duy nhất, rằng: Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi. Nghĩa là, người già được nuôi dưỡng đầy đủ, bạn bè tin cậy lẫn nhau, trẻ em được quan tâm chăm sóc. Đó hẳn là ước mơ của tất cả những ai có trái tim. Còn chần chừ gì nữa, những bậc cao niên hãy dùng uy tín của mình để cổ vũ cải tạo xã hội. Các bạn trẻ, đừng ngần ngại đấu tranh cho đất nước để khi về già, tiếng nói của họ sẽ có giá trị như tiếng nói của những bô lão trong hội nghị Diên Hồng quyết đánh quân Mông- Nguyên khi xưa.

SJC: Tai vạ từ độc quyền và lợi ích nhóm

Theo VNTB -15.1.16
Thiên Điểu (VNTB) Thị trường vàng Việt Nam đang nóng bỏng không phải chuyện giá cả lên xuống mà là câu chuyện mua – không mua vàng miếng một chữ của SJC. Dư luận bức xúc, thậm chí phẫn nộ nhưng không lý giải được tại sao dẫn tới nguồn cơn như vậy.

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thành lập từ ngày 25/9/1989. Quãng đường dài gần 30 năm qua để tạo nên thương hiệu SJC chính thức được coi là thương hiệu vàng hàng đầu Việt Nam trải qua không ít sóng gió nhưng gắn liền với sự bảo hộ từ nhà nước - thứ mà ngày nay người ta gọi là độc quyền, lợi ích nhóm.

VNTB - SJC: Tai vạ từ độc quyền và lợi ích nhóm
Cột mốc thời gian mang tính bước ngoặt của SJC chính thức để ghi nhận là giai đoạn 2003-2012 với sự bảo hộ mạnh mẽ của chính quyền Thành phố HCM, thông qua việc tung ra chính sách “chỉ sử dụng vàng SJC trong giao dịch nhà đất” trong giai đoạn tăng trưởng nóng và bong bóng địa ốc chưa đến lúc bùng vỡ, SJC đã nổi lên là một doanh nghiệp vàng lớn ở thị trường lớn nhất nước nhưng vẫn chưa đủ sức chi phối diện rộng. Hoạt động kinh doanh của SJC lúc này chủ yếu vẫn là nhập khẩu vàng và gia công. Đến thời kỳ suy thoái, SJC từng vấp phải một giai đoạn khó khăn nên quay sang tập trung nhiều vào mảng vàng trang sức. Cùng với chính sách “nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng, năm 2012, Chính phủ ra thêm Quy chế hoạt động xuất/nhập khẩu vàng và Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã cho SJC cơ hội vàng thật sự. Từ một doanh nghiệp nhà nước đang chật vật giành từng mảng thị phần, đối phó với suy thoái kinh tế. SJC nhờ sẵn có trong tay những hợp đồng nhập vàng do NHNN đã cấp cota trước đó, SJC nhanh chóng chớp cơ hội để trở thành đại gia số 1 trên thị trường vàng Việt Nam. Tổng kết hoạt động kinh doanh nhân đợt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập vào năm 2013, số liệu của SJC được công bố là đã đưa ra thị trường hơn 21,5 triệu lượng, (tương đương gần 1,000 tấn vàng) và xếp hạng 7 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012, vốn chủ sở hữu của SJC đạt 1.521 tỉ đồng, tăng gấp 13 lần so với 10 năm về trước và gấp 222 lần năm 1989. Năm 2012 lợi nhuận đạt hơn 389 tỉ đồng, tăng gấp 45 lần so với trước đó 10 năm. Đây cũng là giai đoạn SJC tung ra sản phẩm vàng miếng loại “một chữ” đang gây tranh cãi đã nói ở trên.

Nhà nước và Chính phủ đưa ra chính sách độc quyền kinh doanh vàng miếng trên cơ sở xác định vàng là một loại tiền tệ đặc biệt cần kiểm soát để điều tiết giao dịch và kinh tế vĩ mô, điều này không cần bàn cãi nhưng lẽ ra với các chính sách ấy thì đồng nghĩa nhà nước phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động kinh doanh vàng, ít nhất là trong phạm vi các doanh nghiệp do nhà nước quản lý mà trong đó có SJC. Thế nhưng, tại sao vàng SJC loại một chữ lại đẩy rủi ro và thiệt hại cho người dân khi từ chối chính loại tiền đặc biệt do mình độc quyền sản xuất, kinh doanh?

Ở một khía cạnh khác, mặc dù là một doanh nghiệp cổ phần “ăn nên làm ra”, đã lên sàn chứng khoán công khai nhưng không phải ai cũng có thể mua được cổ phiếu từ SJC. Điều này làm cho những “ông chủ” thật sự có cổ phần trong SJC trở nên bí ẩn.

Nhìn trên góc độ Luật Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần là loại hình doanh nhiệm chịu trách nhiệm vô hạn. Các cổ đông của SJC đã hưởng lợi từ SJC phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình - cụ thể là thiệt hại do việc ngừng mua lại vàng “một chữ” do SJC phát hành rra thị trường, bởi vì hành động ngừng mua vàng “một chữ” của SJC không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng mà rõ ràng vi phạm cả vào Luật Doanh nghiệp.Thông tin thị trường và phản ánh của khách hàng cho thấy đây là một vi phạm đã ở mức nghiêm trọng. Nhưng cả SJC lẫn NHNN vẫn chưa có động thái giải quyết nào cho thấy phải chịu trách nhiệm trên khía cạnh này. Khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện SJC để đòi bồi thường theo luật.

Nếu nhìn lại con số 21,5 triệu lượng vàng do SJC đã tung ra thị trường theo số liệu 2012 - chưa tính loại vàng “2 chữ” ra đời sau đó. Chỉ thử ước lượng 1/3 số lượng vàng này đang nằm ngoài thị trường giao dịch để mua vào hết cần tới khoảng 230 ngàn tỷ. một con số mà ngay cả ngân sách nhà nước dồn hết vào cũng không thể có được trong tình hình hiện nay. Phải chăng đây mới là nguyên nhân của vấn đề ? Nếu không phải thì giải thích sao việc SJC ra thông báo ngưng mua vàng miếng “một chữ” trong khi thông báo này vi phạm cả luật thương mại và chính sách nhà nước ? Dựa vào đâu để một doanh nghiệp lại có thể “ngang ngược” hành xử một cách vô lý đến vậy ?

Tuy SJC đã hủy bỏ quyết định ngừng mua vàng “một chữ” và có không ít những giải thích lộ rõ ý đồ lấp liếm cho “món nợ vàng một chữ” bằng lý do “tâm lý” này nọ. Nhưng ngoài câu hỏi đặt ra liên quan trách nhiệm và nghĩa vụ của SJC thì một lý giải minh bạch về khoản lợi nhuận khổng lồ từ cả ngàn tấn vàng mà SJC đã kinh doanh khi đối chiếu với khoản chi phí gia công lại mẫu mã (20 ngàn đồng/lượng) rõ ràng phải được xem xét chứ không thể quy tất cả vào lỗi “cong, vênh, xấu.. quá nhiều” được. Mặt khác, nguồn vốn và tính hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh của SJC chắc chắn còn nhiều chuyện để đặt ra thêm dấu hỏi khác.

Tại sao vàng “một chữ” của SJC bị tẩy chay?

Vàng miếng “một chữ” của SJC không chỉ từng bị chính chủ nhân để ra nó là SJC phủi tay hắt hủi, phản ứng của thị trường vàng đồng loạt từ chối mua vào vàng “một chữ” của SJC tiếp tục đặt ra một nghi vấn lớn: Có hay không một cuộc đấu đá kiểu lợi ích nhóm khi mà tất cả đều nằm trong tay nhà nước - cụ thể là Bộ tài chính, NHNN ?

Rõ ràng có một logic hoàn toàn hợp lý là NHNN có thể chỉ đạo cho phép và cả bản thân các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng khác mua vàng “một chữ” của SJC và gia công lại thành vàng theo thương hiệu của mình để kinh doanh nếu chỉ xét trên khía cạnh giá trị và chất lượng không thay đổi. Tuy nhiên, xưa nay trên thị trường vàng: Bất cứ ai từng sử dụng vàng trong giao dịch đều biết rằng khi bán vàng cho chính hệ thống mình đã mua thì mới được tính nguyên giá (chỉ mất phí). Ngoài lý do nhằm bảo vệ thương hiệu, lợi ích kinh doanh thì phía sau đó còn yếu tố chất lượng và trọng lượng vàng thật sự do chính thương hiệu đó đã đặt ra cho sản phẩm của riêng mình. Liệu có bí mật nào liên quan chất lượng và trọng lượng vàng thực sự trong sản phẩm của SJC là có vấn đề để đến nỗi ngay cả các doanh nghiệp gia công vàng khác phải từ chối ?

Các câu hỏi trên chỉ mang tính giả thuyết nhằm đòi hỏi câu trả lời hợp lý nhất cho “hiện tượng” liên quan SJC. Nhưng khi nào chưa có một lời giải minh bạch, đủ thuyết phục thì việc đặt ra nghi vấn vẫn đương nhiên tồn tại. Đúng hay sai thì nó cũng chỉ ra những điểm yếu chết người mà NHNN và chính sách bảo hộ độc quyền phơi bày qua vụ việc của SJC. 

Bí thư xã sử dụng bằng cấp không minh bạch?

(NLĐO)- Người dân xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang “bán tín, bán nghi” trước việc Bí thư Đảng uỷ xã này dùng bằng giả để thăng quan, tiến chức.
Hồ sơ bằng cấp của vị Bí thư Đảng uỷ xã “bùng nhùng” cả tên lẫn tuổi
Hồ sơ bằng cấp của vị Bí thư Đảng uỷ xã “bùng nhùng” cả tên lẫn tuổi
Nhiều người dân xã Quảng Châu gửi đơn thư phản ánh với Báo Người Lao Động tố cáo ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Châu, sử dụng bằng cấp không minh bạch, trái với quy định của pháp luật để đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại địa phương trong nhiều năm liền gây xôn xao dư luận.
Điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy việc nhiều người dân xã Quảng Châu hoài nghi trình độ “học giả, làm thật” của người lãnh đạo xã này là có cơ sở bởi hồ sơ bằng cấp và lý lịch của ông Nguyễn Minh Tuấn “bùng nhùng” cả tên lẫn tuổi.
Cụ thể, hồ sơ học sinh cấp 2, bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hoá (năm sinh là 1966) và bằng tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế có tên là Nguyễn Văn Tuấn (năm sinh 1964). Trong khi đó, bằng tốt nghiệp chương trình Lý luận chính trị Trung cấp lại mang tên là Nguyễn Ngọc Tuấn (năm sinh 1963), còn trong giấy chứng nhận đã tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, hồ sơ lý lịch Đảng viên và các loại giấy tờ khác của vị bí thư này lại có tên là Nguyễn Minh Tuấn (ghi là năm sinh 1963 nhưng ngày tháng lại khác nhau). Trái khoáy hơn, trong sổ lý lịch cán bộ, công chức của ông Tuấn có nhiều vết chỉnh sửa, tẩy xoá bằng bút mực trắng.
Theo phản ánh của nhiều người dân, ông Nguyễn Minh Tuấn nhiều năm liền dùng bằng không hợp lệ, trái với quy định của nhà nước, pháp luật hiện hành để kinh qua nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt tại địa phương, nơi mà vị này từ phó chủ tịch xã lên chủ tịch xã và qua Bí thư Đảng uỷ xã.


Ông Đàm Quốc Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Quảng Châu, trình bày bức xúc
Ông Đàm Quốc Hương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Quảng Châu, trình bày bức xúc
Ông Đàm Quốc Hương (43 tuổi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Châu) bức xúc: “Việc một người lãnh đạo của địa phương mà dùng nhiều loại bằng với nhiều tên tuổi không rõ ràng và minh bạch như thế thì người dân chúng tôi sao có thể chấp nhận được”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Trọng Kim, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Huyện ủy Quảng Trạch, cho biết sau khi nhận được phản ánh của nhiều người dân, đơn vị đã phối hợp với các ban - ngành chức năng liên quan để kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ lý lịch ông Nguyễn Minh Tuấn và đã có kết luận về việc kê khai hồ sơ.
“Việc kê khai lý lịch và bằng cấp của ôngTuấn có xự xáo trộn vào thời gian, thời điểm nên mới xảy ra sự việc không trùng khớp tên tuổi, ngày tháng năm sinh của của các loại bằng cấp. Trong quyết định này, chúng tôi đã xác minh việc do khoảng thời gian ông Tuấn học cấp 2, sau đó đi bộ đội rồi về học bổ túc văn hoá, đại học nên mới xảy ra sự việc như vậy. Chứ thực ra ông Tuấn đã theo học đầy đủ” – ông Kim khẳng định.
14/01/2016 13:48
Hoàng Phúc

Việt Nam đạt 18 trên thang 100 điểm về minh bạch ngân sách

XUÂN DŨNG (VIETNAM+) LÚC : 14/01/16 13:39 
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Việt Nam chỉ đạt 18 trên thang điểm 100 về mức độ minh bạch ngân sách, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình khoảng 45 điểm ở hơn 100 quốc gia khác.

Báo cáo chậm, thiếu
Đây là kết quả khảo sát "mức độ công khai ngân sách" đưa ra cho kỳ ngân sách năm 2015 được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện trong 18 tháng (tháng 3/2014 đến tháng 9/2015) tại 102 quốc gia trong đó có Việt Nam. Kết quả vừa được phía IBP công bố sáng 14/1.

Nói cụ thể hơn về kết quả trên, ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP cho hay, có 3 trụ cột cơ quan khảo sát đặt ra: mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và sự giám sát của cơ quan lập pháp trong đó "minh bạch" là yếu tố đầu tiên.

Tuy nhiên, theo ông, "minh bạch" cũng là trụ cột phía Việt Nam được chấm điểm thấp nhất, chỉ 18/100 điểm. Với số điểm này, Việt Nam hiện thuộc nhóm thứ 5, tức là nhóm yếu nhất với đánh giá là "ít" hoặc "không" công khai thông tin ngân sách.

Cụ thể, một trong các yếu tố cơ quan khảo sát tính tới là việc công khai các tài liệu ngân sách. Về mặt này, Việt Nam hiện đã công khai một số tài liệu theo IBP là chủ chốt như: định hướng xây dựng ngân sách, dự toán, báo cáo quý, báo cáo cuối năm.

Tuy nhiên, ông Joel Friedman thẳng thắn, một số tiêu chí đã đánh tụt điểm của Việt Nam là dự thảo dự toán ngân sách, báo cáo giữa kỳ và báo cáo kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán và Báo cáo giữa kỳ của Việt Nam bị đánh giá là Không có/Công bố muộn. (Nguồn: IBP)

Theo ông, nếu như dự thảo dự toán ngân sách mới đây đã được phía Việt Nam đưa vào luật thì việc công bố báo cáo kiểm toán vẫn chưa được cải thiện. Những báo cáo kiểm toán được cơ quan khảo sát chấm ở mức chậm và muộn hơi nhiều so với quốc tế.

Ngoài ra, với báo cáo giữa kỳ, ông Joel Friedman cho rằng, phía Việt Nam hiện đã có công khai nhưng tài liệu này không bao gồm các thông tin định lượng về dự báo kinh tế vĩ mô, ước tính về tài khóa 6 tháng còn lại,... 

Bởi vậy, báo cáo 6 tháng theo ông phải đầy đủ và chi tiết hơn nhiều so với báo cáo tháng và quý. Tuy nhiên, đây là vấn đề theo ông phía Việt Nam chưa cải thiện trong năm qua.

Nhiều tiềm năng cải thiện?
Nói về 2 trụ cột khác của khảo sát, bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), cơ quan phối hợp khảo sát cùng IBP tại Việt Nam, cho hay, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách vào quy trình ngân sách là yếu tố để tối đa hóa các kết quả.

Theo bà, vấn đề được phía cơ quan khảo sát quan tâm là người dân có được phép tham gia vào việc xây dựng dự toán ngân sách hay kiểm toán ngân sách hay không. Ngoài ra, quá trình kiểm toán ngân sách hiện có sử dụng chuyên gia, tổ chức xã hội hay không cũng là một trong những câu hỏi đặt ra,...

Về lĩnh vực khảo sát này, đánh giá của cơ quan khảo sát được chấm 42/100 điểm và ở mức độ hạn chế. 

Tuy nhiên, so sánh kết quả này với các nước, báo cáo cho thấy, Việt Nam hiện xếp cao hơn mức trung bình 25 điểm của thế giới và tốt hơn nhiều các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc,...

Với trụ cột thứ 3, việc giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp được báo cáo đánh giá "đầy đủ" trong lập kế hoạch và "hạn chế" trong khâu thực thi. 

Theo giải thích, mặc dù cơ quan lập pháp có Ủy ban Tài chính và Ngân sách với chức năng phân tích ngân sách nhưng bộ phận nghiên cứu chuyên biệt thì hiện Việt Nam vẫn chưa có. 

Chưa đánh giá về những mức điểm trên, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế-Ngân sách Quốc hội thừa nhận, việc công khai, minh bạch ngân sách chưa được đề cập nhiều trong luật khoảng 10-20 năm trước.

Tuy nhiên, theo ông, Luật ngân sách Nhà nước 2015 hiện đã có 2 chương nói riêng về việc công khai và giám sát cộng đồng với ngân sách trong đó có đề cao vai trò của mặt trận tổ quốc.

Khẳng định luật hiện đã có bước tiến dài, ông Tân cho hay, sắp tới, Chính phủ sẽ có thêm những hướng dẫn cụ thể về đối tượng công khai ngân sách (sẽ bao gồm cả các quỹ, dự án,..) và mở rộng phạm vi công khai.

Ngoài ra, để đảm bảo việc thực thi, ông Tân cho biết, thời gian công khai với các văn bản liên quan tới ngân sách cũng sẽ được đề ra chi tiết trong đó bao gồm cả các báo cáo hàng quý, hàng tháng.

Đây cũng là những vấn đề được ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP, cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng cải thiện mức độ công khai.

"Với Việt Nam, mục tiêu cần xác định để đạt được chỉ số công khai trên 60 điểm, như vậy, việc công khai mới thực sự hiệu quả," đại diện cơ quan khảo sát đánh giá./.

Khảo sát về công khai ngân sách là sáng kiến do IBP phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập tại hơn 100 quốc gia trên thế giới thực hiện.

Tại Việt Nam, IBP phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) để thực hiện thu thập, phân tích. Kể từ năm 2006 tới nay, khảo sát đã được thực hiện 2 năm 1 lần. Khảo sát gồm 140 câu hỏi phân tích về 3 trụ cột chính là: mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách.

Chủ tịch hội văn học nghệ thuật huyện chết bất thường

Bửu Đấu-14:22 14/01/2016 32
Ông Lý Trọng Nghĩa, Chủ tịch hội văn học nghệ thuật huyện An Phú, An Giang được phát hiện nằm chết trong nhà, miệng sùi bọt mép.
Ngày 14/1, thiếu tá Nguyễn Văn Trí, Phó Trưởng công an thị trấn An Phú, huyện An Phú, An Giang cho biết các cơ quan chức năng tỉnh, huyện đang chuẩn bị khám nghiệm tử thi đối với ông Lý Trọng Nghĩa, 59 tuổi, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện An Phú chết tại nhà riêng.
Thông tin ban đầu, khoảng 8h45 cùng ngày, một số người dân bán cơm gần đó nhìn qua khe cửa nhà thấy ông Nghĩa nằm bất động phía trước nhà trong khi cửa khóa trái. Người dân vội báo chính quyền, lực lượng công an đã đến phong tỏa hiện trường.
Chủ tịch hội văn học nghệ thuật huyện chết bất thường
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc .
Đến cuối buổi trưa cùng ngày, hiện trường vẫn còn phong tỏa chờ đội khám nghiệm tử thi tỉnh lên khám nghiệm.
Theo công an An Phú, thi thể ông Nghĩa được phát hiện trong tình trạng nằm trước lan can nhà, miệng sùi bọt.
Ông Nghĩa lúc trước là Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện và hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật huyện An Phú. Ông không có vợ con, sống một mình ở ngôi nhà gần Trung tâm văn hóa huyện.
“Anh em nắm tình hình cho biết ông Nghĩa có tiền sử bệnh huyết áp. Hiện công an đang phong tỏa hiện tường chờ tỉnh lên khám nghiệm tử thi” - ông Trí nói.
Vụ việc đang được các ngành chức năng tiếp tục điều tra.
Theo Tuổi Trẻ
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160114/chu-tich-hoi-van-hoc-nghe-thuat-huyen-chet-bat-thuong-tai-nha/1038148.html

Úc bắt nghi phạm 'lừa vé máy bay'

Theo BBC-14 tháng 1 2016 

Image copyrightFacebook
Image captionUy tín của Vi Tran truyền miệng nhiều trong cộng đồng du học sinh tại Úc trước khi vụ lừa đảo vỡ lở
Cảnh sát bang New South Wales, Úc châu vừa thông báo trên trang mạng của mình là một phụ nữ đã bị truy tố vì lừa đảo 240 nạn nhân mua vé máy bay qua mạng xã hội.
Thông báo hôm 14/1 không nói tên nghi phạm nhưng gần đây các du học sinh Việt tại Úc cáo buộc bị một người trên Facebook với tên gọi Vi Tran lừa mua vé máy bay.
Cảnh sát Sydney đã mở điều tra sau khi có cáo giác nói trên, và tổng giá trị các vé bay lừa đảo được nói lên tới 360.000 đôla Úc (250.000 đôla Mỹ).
Thông báo của cảnh sát nói người phụ nữ 24 tuổi bị bắt lúc 14:00 thứ Tư 13/1/2016 tại khu vực Petersham.
Người này, được tin là Vi Tran, đã bị truy tố 10 tội danh khác nhau nhưng sau đó đã được bảo lãnh tại ngoại và phải ra tòa ngày 3/2/2016.
Cảnh sát kêu gọi bất cứ ai có thông tin liên lạc với Cảnh sát TP Sydney ở số điện thoại (612) 9265 6499 hay cơ quan Crime Stoppers số 1800 333 000 hoặc trang mạng https://nsw.crimestoppers.com.au.
Hôm 14/1, nhiều sinh viên du học tại Úc share lại tin này trên mạng xã hội, bày tỏ sự nhẹ nhõm vì nghi phạm đã bị bắt mau chóng.

Vi Tran và Lê Mỹ Trúc

Hôm 8/1, báo Thanh Niên đặt vấn đề về mối liên hệ giữa Vi Tran và Lê Mỹ Trúc, một cô gái từ TP. Mỹ Tho, Tiền Giang, sang Úc du học từ năm 1997 và đã tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế - Kế toán.
Theo thông tin do các nạn nhân cung cấp, Mỹ Trúc được cho là người đứng tên trong các giao dịch trả tiền cho các khách hàng mua vé qua Vi Tran.
Báo này đưa ra các dẫn chứng về chi tiết trùng khớp giữa hai người tên Vi Tran và Lê Mỹ Trúc: “đang nghỉ thai sản, trên các phiếu trả lại tiền cho khách hàng đều thể hiện tên Lê Mỹ Trúc với ghi chú chuyển tiền “Refund from Vi”.
“Việc Vi Tran và Lê Mỹ Trúc có phải là một hay là người hậu thuẫn, hỗ trợ cho Vi Tran thì cần được làm rõ; tuy nhiên, có một điều chắc chắn, Vi Tran và Lê Mỹ Trúc không thể là hai người xa lạ”, báo này viết.
Giá trung bình của mỗi vé khứ hồi về Việt Nam dịp Tết khoảng 1.500 đôla Úc và trong vụ này, có những nạn nhân có thể phải mất hơn 10.000 đôla Úc vì mua giùm vé cho bạn bè.
Trên nhóm Hội Sinh viên Việt Nam tại Melbourne, các du học sinh liên tục đăng tải những hình ảnh mã đặt chỗ, hình ảnh và các đoạn nội dung trò chuyện với người tên Vi Tran này, để thảo luận về việc bị lừa đảo tiền vé máy bay về Việt Nam.
Vì uy tín của Vi Tran truyền miệng nhiều trong cộng đồng từ nhiều tháng trước, nên các du học sinh đã chọn đặt vé thông qua người này khi định về quê ăn Tết Bính Thân 2016.
Cách người có tên Facebook Vi Tran này sử dụng là sau khi du học sinh chuyển tiền, họ sẽ nhận được mã đặt chỗ. Tuy nhiên, khi nhiều sinh viên sử dụng mã đặt chỗ này ra sân bay thì vé của họ đã bị hủy từ trước. Họ không thể về nhà.
"Các nạn nhân chỉ giao dịch qua mạng và chưa gặp nhau ngoài đời. Lý do mà các du học sinh mua vé qua người tên Vi Tran này là vì "rẻ hơn có khi 100-200 đôla Úc" và "nhiều khi còn được tăng hạng vé" hoặc có thể ''tăng thêm cân nặng hành lý", anh Nguyễn Đức Quyết, Trưởng nhóm cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Melbourne nói với BBC hôm 8/1.

Thấy gì qua kết quả Hội nghị TƯ14?

Theo BBC-8 giờ trước 

PGS. TS. Jonathan London
Image captionPGS. TS. Jonathan London cho rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN không nhất thiết phải là 'người miền Bắc' và 'giỏi lý luận'.
Nếu phương án đề cử nhân sự của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 có liên quan tới 'giữ ổn định chính trị' và 'duy trì chế độ', thì mục tiêu này 'cũng chưa chắc là tốt', theo nhận xét của khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn hôm 14/01/2016.
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ với chủ đề 'Thấy gì qua kết quả của Hội nghị TƯ14?' của BCH Trung ương Đảng CSVN, PGS. TS. Jonathan London, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam từ Đại học Thành thị Hong Kong, nói:
"Giữ ổn định xã hội thì chưa chắc là tốt, tôi nghĩ là có một hiểu lầm là Việt Nam phải giữ 'ổn định xã hội'. Tôi nghĩ là chẳng có ai ở Việt Nam mà không muốn có ổn định xã hội.
"Vấn đề không phải là ổn định, vấn đề là một trật tự xã hội là như thế nào? Và tôi nghĩ là tất cả những chuyện mà chúng ta đã thấy hiện nay về quá trình chọn nhân sự thì nó không cần thiết và không cần có cái đó.
"Cũng có thể có một trật tự xã hội dân chủ hơn và đa nguyên hơn mà sẽ có sự tham gia của mọi thành phần khác nhau, từ các ngành xã hội khác nhau, điều đó tôi nghĩ thì chắc chắn rồi. Không có lý do chỗ nào để không có một Việt Nam dân chủ hơn, minh bạch hơn bây giờ.
"Và về việc sẽ có một ông mà giỏi lý luận, tôi nghĩ phải nhìn kỹ nội dung của lý luận là như thế nào, là cái gì? Có một người Hồi giáo cực đoan lý luận rất giỏi, thì có muốn ông ấy lãnh đạo đất nước không? Chắc chắn là không!
"Nên tôi nghĩ là dù Nguyễn Phú Trọng có tài giỏi và tôi cũng không trách ông đâu, có khả năng ông là một người tốt, tôi chưa gặp chưa biết, nhưng hy vọng là trong tương lai gần Việt Nam có thể bỏ qua những cái cớ hơi 'vớ vẩn' một chút là ông 'phải là miền Bắc', 'phải giỏi lý luận', phải miền Trung' v.v... Chúng ta phải đánh giá theo cái tài của từng người để những gì mà họ đã làm, về mặt trách nhiệm nữa", học giả người Mỹ nói với Tọa đàm của BBC.

Xung đột đỉnh cao

Image captionTS. Phạm Chí Dũng cho rằng kỳ Đại hội 12 có đăng trưng 'xung đột quyền lực đỉnh cao'.
Từ Sài Gòn, khách mời của Bàn tròn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà Báo độc lập Việt Nam ( IJAVN), bình luận:
"Đặc trưng của Đại hội 12 là xung đột quyền lực đỉnh cao. Người ta nói là quyền lực càng nhiều thì tha hóa càng nhiều, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối.
"Tôi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến tới sự tha hóa tuyệt đối về mặt quyền lực. Và trở lại vấn đề Quyết định 244... vừa nêu. Tại sao lại có quyết định 244? Chúng ta nhớ là Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, lúc đó tôi nghe nói là ông Nguyễn Tấn Dũng khi mà ông sắp bị 'kỷ luật', ông vẫn được 73% số Ủy viên Trung ương tín nhiệm. Và ông thoát án kỷ luật.
"Như vậy đến năm 2014 xuất hiện quyết định 244, là một quyết định về mặt thực chất là nó 'tước đoạt' quyền lực chính của Ban chấp hành Trung ương, mà dồn gánh, gần như toàn bộ trách nhiệm và quyền lực cho Bộ Chính trị.
"Tôi nghĩ rằng việc thay đổi quyết định 244 hoặc bỏ quyết định 244 là một điều rất dễ dàng, với điều kiện ông Nguyễn Tấn Dũng 'không còn nữa', thì ngay lập tức sau Đại hội 12 sẽ không cần phải ai nhắc tới quyết định 244...
"Trở lại vấn đề nhân sự, tôi thấy là cái khung tứ trụ của ông (Nguyễn Phú) Trọng, hay là khung tứ trụ của ông (Trương Tấn) Sang, hay là khung tứ trụ cho dù của ông (Nguyễn Tấn) Dũng là Tổng Bí thư, cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, vẫn là sẽ ổn định chính trị và giữ điều 4 độc đảng mà thôi.
"Với một điều kiện sẽ phải thay đổi là sau Đại hội kỳ này, một trong những vấn đề đối phó lớn nhất chính là vấn đề kinh tế mà nó lý giải tại sao kỳ này Hội nghị Trung ương 14 lại bàn về vấn đề TPP," ông Phạm Chí Dũng nói với Tọa đàm.

Nhiều người thở phào

Image captionPGS. TS. Phạm Quý Thọ nói nhiều người đã 'thở phào' sau khi Hội nghị 14 kết thúc, chỉ một tuần ngay trước Đại hội 12 của Đảng CSVN khai mạc.
Bình luận về Hội nghị 14 (11-13/01) vừa kết thúc, từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam, nêu cảm tưởng:
"Đây là một Hội nghị mà kết thúc, người ta gọi là rất nhiều người 'thở phào', bởi vì nó quá căng thẳng sau hai Hội nghị 12 và Hội nghị 13. Và Hội nghị 14 thì nó rất cận kề Đại hội 12, cho nên kết thúc rất nhiều người thở phào.
"Thở phào không phải là vì người ta đồng ý với những kết quả đó, nhưng mà người ta biết là dù sao chăng nữa nó cũng đã kết thúc và nó cũng đã chuẩn bị cho một cái không bị lỡ nhịp của Đại hội 12 vừa rồi.
"Không chỉ riêng những người quan sát, nhưng mà rất nhiều đối tượng, các nhóm công dân khác nhau trong xã hội, người ta cũng theo dõi và người ta cũng cho rằng thôi dù sao chăng nữa cũng đã kết thúc."
Bình luận về cung cách chọn lựa, bầu bán nhân sự của Đảng ngay trước thềm Đại hội 12 của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh Quyết định 244 của Đảng được vận dụng ở các Hội nghị Trung ương và sắp tới đây là kỳ Đại hội từ ngày 20-28/01/2016, PGS. TS Phạm Quý Thọ nói thêm:
"Từ xưa đến giờ, Đảng Cộng sản làm việc quen theo kiểu phân công, đồng chí này, đồng chí kia phụ trách cái này và thậm chí là đảm nhiệm cương vị này.
"Cho nên đến bây giờ, trước thềm Đại hội 12 này, diễn biến nó không như vậy và người ta cho rằng có một cái gì đấy bất thường. Trước hết nó bất thường ở cái chỗ là cái không khí căng thẳng, không ai chịu ai. Sự phân công này hình như là không được đồng thuận lắm ở trong Bộ Chính trị, cũng như trong Ban chấp hành Trung ương", chuyên gia chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với Tọa đàm Bàn tròn.

Thiếu sót rất lớn

Luật sư Vũ Đức Khanh
Image captionLuật sư Vũ Đức Khanh cho rằng việc chọn 'nhân sự' trước hoạch định chính sách là một thiếu sót rất lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ Đại hội 12.
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh, nhà quan sát và bình luận thời sự chính trị Việt Nam nói với BBC:
"Đối với một người quan sát từ nước ngoài như tôi, thì tôi thấy điều... thiếu sót rất là lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều đó dẫn tới một điều là thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một sự chia rẽ rất là lớn.
"Thông thường Đảng đưa ra một chính sách rồi Đảng chọn một nhân sự để thực hiện chính sách đó, kỳ này thực sự ra thì Đảng chọn nhân sự, để mà từ nhân sự đó mới vạch ra một chính sách.
"Tôi nghĩ rằng bất cứ, bất luận phe nhóm nào, phía của ông Trọng hay là ông Dũng sẽ nắm kỳ 12 này, thì từ sau ngày 28/01 sắp tới, chúng ta mới bắt đầu thấy rõ chính sách của Việt Nam trong những năm sắp tới ra sao.
"Còn từ đây cho tới đó chúng ta vẫn có thể là tiếp tục đoán mò mà thôi," ông Vũ Đức Khanh, người cũng là Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, nói.
Hôm thứ Tư, Thông báo chính thức về Hội nghị 14 của Đảng CSVN cho hay:
"Ban Chấp hành Trung ương tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 2-2016; giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP."
Và về vấn đề chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cao cấp của Đảng, đặc biệt là phương án đề cử nhân sự cho bốn vị trí cao cấp nhất của đảng và nhà nước, thường được gọi là 'tứ trụ', Thông báo cho hay:
" Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ, thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khóa XIV quyết định theo quy định của pháp luật. Hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định," Thông báo của Đảng CSVN viết.