Tuesday, August 18, 2020

Ai ký sinh ai?

BTV Anh Quang dùng từ "sống ký sinh trùng" trong "Bản tin tài chính" phát sóng ngày 17/8 trên VTV1
Chụp lại hình ảnh,

BTV Anh Quang dùng từ "sống ký sinh trùng" trong "Bản tin tài chính" phát sóng ngày 17/8 trên VTV1

08/17/2020 - 10:14 — canhco

Khi nhân dân được xem là ký sinh trùng thì phản ứng dữ dội là lẽ đương nhiên, nhất là đối với mạng xã hội, nơi mà thông tin xuất hiện và được nhân rộng nhanh như sấm chớp.

Trang Facebook bỗng dưng không còn Covid, không còn đám tang lãnh tụ, không còn Biển Đông hay Hong Kong…chiếm lĩnh hầu hết hiện nay là khuôn mặt điển trai của anh BTV Anh Quang của VTV1 với bản tin tài chính kinh doanh sáng ngày 17 tháng 8 năm 2020 trong đó có câu giới thiệu cho một chương trình phóng sự về hàng rong tại tp HCM như sau:

“Dịch covid 19 đã khiến cho những con phố du lịch hay chủ yếu phục vụ khách nước ngoài đến thành phố HCM trở nên tiêu điều và khi những con phố không còn sức sống như gánh hàng rong vốn được xem là sống ký sinh trùng bên trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”

Câu hỏi đặt ra cho mọi người là tại sao anh chàng BTV này lại sử dụng một cụm từ hỗn hào như thế trong khi tướng mạo của anh ta không phải là kẻ thiếu giáo dục đến nỗi không hiểu “ký sinh trùng” là gì.

Thật ra không phải Anh Quang là người duy nhất đọc lời giới thiệu cho phóng sự này mà còn một người khác trên hệ thống VTV cũng đọc y khuôn. Như vậy có thể khẳng định người viết những câu chữ này là lãnh đạo hay ít nhất cũng là thủ trưởng của chương trình. Căn cứ vào chỗ ngồi của anh ta có thể giả định hai trường hợp: thứ nhất anh ta mua chức nhưng dốt nát, thứ hai anh ta có học và hiểu nghĩa của từ “ký sinh trùng” nhưng vẫn áp dụng vào người bán hàng rong vì trong tiềm thức anh ta cho rằng mình đang mặc áo cổ cồn và có quyền bực bội, khinh bỉ và tuôn ra nhóm từ làm cho dư luận nổi sóng.

Từ câu nói này nảy sinh một câu hỏi khác: Có phải quả thật những người bán hàng rong là sống ký sinh lên người khác, hay nói rõ hơn là ký sinh trên hệ thống chính quyền để họ phải bực mình mà nói lời khốn nạn như vậy?

Dĩ nhiên là không, bởi gánh hàng rong là hình thái của nền kinh tế gia đình, từ cái gánh ấy là công sức, mồ hôi, tiền bạc và thời gian mà đôi khi cả gia đình phải bỏ ra như một cách đầu tư kiếm sống. Nếu là người bán bún thì họ phải đi chợ mua hàng, thức rất khuya để nấu bún, nước lèo, nhặt rau quả và vội vàng gánh ra phố bán cho những người cũng nghèo khổ không khác gì họ.

Sự thực này đối lập rất rõ những hình ảnh khác cũng lồ lộ trên đường phố khắp mọi nơi trên đất nước, đó là những quan lớn lẫn bé ngồi trong phòng máy lạnh, áo cổ cồn, nhìn dân bằng nửa con mắt, làm việc qua loa rồi còn tụ tập ăn nhậu hoành tráng trong các nơi kín đáo nhưng đầy vi khuẩn của lòng tham từ những đồng tiền đút lót.

Những đồng tiền mà họ vơ vét lấy ra từ đồng thuế của những người bán hàng rong trước cơ quan mà họ đang ngồi.

Cao hơn một cấp là những chữ ký của cấp bộ, cấp trung ương. Họ ký cho những dự án, những đặc khu, những khu công nghiệp hay chí ít là những mảnh đất vàng của người dân với danh nghĩa phát triển. Những chữ ký làm Thủ Thiêm rướm máu, làm Vũng Án đặc mùi xú uế, làm Hà Nội, Sài Gòn ngập nước, làm đường cao tốc xe chưa chạy đã vênh. Những chữ ký ấy lấy đồng tiền của cả nước trong đó không ít từ những gánh hàng rong nghèo khó.

Ăn dày và bí hiểm hơn là những đồng tiền rút ra từ ngân sách nhà nước để nuôi một hệ thống ăn theo. Chúng là những đơn vị nhà nước dưới cái tên Hiệp hội như Hội Phụ nữ, Hội bảo vệ trẻ em, Hội nhà văn, Hội nông dân…lãnh lương hàng ngàn tỷ nhưng chưa hề có một việc làm nào được báo chí vinh danh.

Nhưng đau lòng nhất cho các bà, các mẹ, các chị hàng rong là đồng tiền gia đình của họ đang bị lấy ra đóng trực tiếp cho Đảng Cộng sản Việt Nam sinh hoạt. Họ sinh hoạt hàng tuần, hàng quý, hàng năm…và họ rất hãnh diện về nhửng sinh hoạt ấy và gọi chúng là đại hội.

Với người sống là thế, bọn ký sinh ấy còn bám vào người chết nữa.

Đám tang của lãnh tụ nào cũng vĩ đại nhưng có thực sự họ yêu mến lãnh tụ đến mức xếp hàng cả ngày hay không? Khó nói lắm, nhất là người dân vẫn nhận xét rằng họ đang bám vào xác chết để kiếm điểm với cơ quan. Vậy là ký sinh trên xác chết.

Người bán hàng rong không thể ký sinh bằng chữ ký, bằng đại hội, bằng xác chết. Vậy thì ai mới là ký sinh đúng nghĩa? Chắc phải đợi VTV làm một phóng sự khác có cái tựa rất hấp dẫn: Ai ký sinh ai?

Hãy đeo mạng che miệng, vì lòng từ bi

Ngô Nhân Dụng – VOA

 Tôi không thể hiểu ông Billy Woods, cảnh sát trưởng (Sheriff) Quận Marion ở Florida. Nhưng không sao! Vì chắc chắn ông Billy Woods cũng không thể hiểu tôi!

Hồi này tôi luôn luôn đeo mạng che miệng mỗi khi đến gần người lạ, kể cả con, cháu đến thăm nhà. Tôi không muốn truyền virus corona cho mọi người, dù không biết mình có virus hay không. Ông Sê Ríp Woods nghĩ ngược lại. Ông không đeo mạng, ông còn cấm các cảnh sát viên dưới quyền không được đeo mạng khi đi làm. Ông cấm cả những người có việc phải đến sở ông, cũng không được đeo mạng. Ông cho phép một số người che miệng, các người đang mắc bệnh Covid 19 hoặc nhân viên nhà thương suốt ngày vẫn đeo mạng.

Tại sao ông Woods không thấy rằng thà rằng có đeo mạng vẫn hơn là không đeo!

Tại sao ông Billy Woods không tính toán theo lối kinh tế học? Hầu hết các quyết định kinh tế đều nằm trong tình trạng “bất định,” người ta không biết chắc chắn tương lai như thế nào. Nhưng trong hoàn cảnh bất định chúng ta vẫn có thể tính toán để lựa chọn một cách “thuần lý,” hoàn toàn dựa trên lý trí.

Thứ nhất, chúng ta phải xác định chuyện gì có thể xẩy ra; và thứ hai, chúng ta phải biết mình cần chọn lựa những gì.

Khi một nhóm bạn gặp nhau, để mừng sinh nhật chẳng hạn, thì họ có thể chọn một trong hai quyết định: Hoặc họ đồng ý tất cả phải đeo mạng che miệng; hoặc họ để tự do ai muốn đeo thì đeo.

Sẽ có một trong hai trường hợp có thể xẩy ra, và chỉ một trong hai trường hợp thôi: Hoặc có ít nhất một người trong đám bạn này chứa virus corona trong phổi, dù không thấy triệu chứng bệnh. Hoặc không ai trong đám đó mang virus corona hết.

Nếu trường hợp thứ hai xẩy ra, may mắn, tất cả đám bạn đó đã phải hi sinh đeo mạng, nghĩa là chấp nhận một thiệt hại nho nhỏ, có thể tính tương đương như “tốn $10 đô la cho tới $100 đô la.”

Nếu ngược lại, có người trong đám bạn này đang bị vi khuẩn tấn công mà không biết, thì trong đám này thế nào cũng có người bị lây, xác suất cao tới 80 phần trăm. Không biết những ai bị lây nhiễm, nhưng ai cũng có thể bị! Thiệt hại như thế nào? Một người bị Covid 19 coi như thiệt hại từ mấy trăm ngàn đến một triệu đô la!

Cuối cùng, lựa chọn của chúng ta là: Chịu tốn $100 đô la đeo mạng để khỏi phải lo, hay không tốn đồng nào nhưng có thể thiệt hại mấy trăm ngàn đồng, có khi mất mạng nữa!

Nếu tính toán như vậy thì những người thích dùng trí khôn sẽ đề nghị ai cũng đeo mạng hết! Thà tốn $100 đồng còn hơn ôm mối lo trong lòng!

Nhưng ông Sheriff Billy Woods không nghĩ như vậy. Ông cũng biết tính toán. Ông ngầm hiểu rằng xác suất là 50/50! Ông viết trên email: Một số các nhà chuyên môn khuyên tôi nên đeo mạng. Tôi cũng thấy một số nhà chuyên môn đông không kém khuyên tôi đừng đeo! Chúng ta có thể tranh luận và cãi cọ suốt ngày nên hay không nên!” Ông Woods cũng viết trong email, yêu cầu không đeo mặt nạ che miệng cũng là để phục vụ “mục đích nhận diện bất cứ cá nhân nào bước chân vào hành lang” sở cảnh sát.

Tại sao phải nghe các nhà chuyên môn làm gì? Mỗi người đều có thể quyết định cho chính mình. Mà theo cách tính toán “thuần lý”của tôi thì thà rằng chấp nhận chút khó chịu vì đeo mạng còn hơn mang mối lo trong mình!

Cuối cùng, tôi không hiểu ông Billy Woods mà ổng cũng không hiểu tôi, chính vì hai chữ “thuần lý!”

Con người ta không phải lúc nào cũng sống thuần lý! Phần lớn chúng ta sống bằng tình tự, vui, buồn, yêu, ghét, giận, thương, giận thì giận nhưng thương thì thương, vân vân!

Cho nên, quyết định nên đeo mạng che miệng che mũi hay không trong mùa Covid, chúng ta phải biết rằng nó rất quan trọng, vì nó nằm chình ình ngay giữa cái mặt mình! Mà cái gì liên can đến “cái mặt” của mình, thì không thể là một vấn đề “thuần lý” được!

Cho nên khi thúc giục mọi người đeo mạng chúng ta không nên lý luận, như khi giải một bài toán kinh tế học! Ngay trong những quyết định kinh tế “sinh tử”nhất là mua hay bán các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, không phải lúc nào người ta cũng suy tính thuần lý! Có người đã phân tích những quyết định phi lý đó rồi được trao giải Nobel kinh tế học!

Nếu không dùng phương pháp “thuần lý” thì làm cách nào để khuyên bảo, dụ dỗ người ta đeo mạng?

Một cuộc nghiên cứu về “cách ly,” giữ khoảng cách xa mọi người ít nhất 2 mét để đề phòng truyền nhiễm bệnh Covid 19, có thể giúp chúng ta một bài học về phương pháp khuyên bảo nào có hiệu quả nhất khi muốn thúc đẩy người ta đeo mạng.

Hai giáo sư, Andrew Luttrell, Đại học Ball State University và Richard E. Petty, Ohio State University đã làm “thí nghiệm” với ba nhóm người, nêu ra các lý do vì sao nên “cách ly” trong mùa bệnh dịch.

Những lý do đưa ra được đặt theo hai cách nhìn, hoặc nhắm vào ích lợi cho bản thân, hoặc giúp ích cho người chung quanh. Thí dụ, trong thí nghiệm thứ nhất, đối với một số người câu hỏi viết “Xin các bạn nghĩ đến sức khỏe của mình – giữ khoảng cách ly sẽ bảo vệ sức khỏe của bạn, giúp bạn đỡ bị dính thứ virus này.” Đối với một số người khác, câu hỏi đặt ra theo lối này: “Xin các bạn nghĩ đến sức khỏe của người chung quanh – giữ khoảng cách ly sẽ khiến virus bớt khả năng truyền sang cho những người dễ bị nguy hiểm vì bịnh (thí dụ, những người già hay người hệ thống miễn nhiễm suy yếu.)

Câu hỏi loại thứ nhất chỉ nhấn mạnh đến ích lợi cho bản thân, nhưng loại thứ nhì nhắm vào người khác. Lối này khiến cho người ta thấy đây là một vấn đề đạo đức! Hai tác giả các cuộc nghiên cứu báo cáo rằng khi người ta nghĩ đến ích lợi cho người khác thì họ dễ chấp nhận giữ quy tắc “cách ly 6 feet” hơn! Luttrell và Petty kết luận, “Các nhà chính trị và các chuyên gia y tế công cộng nên nhấn mạnh đến ích lợi cho người khác hơn là ích lợi cho bản thân,” khi khuyến khích mọi người nên cách ly.

Sở dĩ hiện nay vẫn còn nhiều người Mỹ, từ 20% đến 30%, vẫn không muốn đeo mặt nạ che miệng, có lẽ vì các nhà chính trị và bác sĩ khi yêu cầu mình đeo mạng thì không ai nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý: Hãy giúp người khác khỏi chết vì bị nhiễm virus corona!

Có lẽ nên có người nói chuyện này với ông Billy Woods. Thử tưởng tượng ông bắt mọi người đến sở cảnh sát không được đeo mạng, rồi trong số khách một ngày nào đó có một người đầy coronavirus trong phổi mà không ai biết. Người đó gặp một cô cảnh sát, vô tình truyền vi khuẩn sang cô ta. Cô này về nhà, lại vô tình truyền vi khuẩn qua bà nội của mình. Bà cụ có thể bệnh, có thể chết! Trong ngày mà ông Sheriff cấm nhân viên đeo mạng, ở Tiểu bang Florida có thêm 276 người chết vì Covid 19, nâng tổng số lên 8,553 mạng người. Xin ông hãy nghĩ đến các ông nội, bà nội của nhân viên mình! Hãy giúp họ tránh cái chết oan uổng!

Nói đến ích lợi cho người khác, nhất là những người già, yếu, có bệnh sẵn, sẽ đánh thức trách nhiệm đạo lý của con người, mà chúng ta ai cũng có từ lúc ra đời. Nhân chi sơ tính bản thiện!

Việt Nam ơi, đừng giao trứng cho ác!

Vaccine Covid-19 của Nga. Liều hai mũi tiêm. Ảnh: AFP

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua hiếm có: Nghiên cứu, chế tạo vaccine ngừa Coronavirus. Cuộc chạy đua này hoàn toàn khác với cuộc đua vũ trang dưới thời chiến tranh lạnh giữa hai đại cường đứng đầu Liên Xô và Mỹ. Nó nằm trong lãnh vực sáng chế y học nhằm đối phó với một hiểm hoạ chung đang đe dọa toàn cầu.

Cho đến hiện nay có khoảng 30 quốc gia tham gia cuộc chạy đua nước rút này, trong đó một số cường quốc hàng đầu như Anh, Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Trung Cộng đang tranh nhau cán đích với 4 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Ngày 11 tháng Tám vừa qua, thế giới bất ngờ khi Tổng Thống Nga Putin tuyên bố rằng Bộ Y Tế Nga đã cấp phép sử dụng cho vaccine Sputnik V do nước này tìm ra. Điều này có nghĩa là Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên mang tin mừng đến cho nhân loại khi tìm ra loại vaccine chủng ngừa COVID-19. Để khẳng định giá trị cho công trình này, Tổng Thống Putin cho biết ông và con gái đã tiêm ngừa Spunik V.

Ba ngày sau, ngày 14 tháng Tám, quyền Bộ Trưởng Y Tế Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long đã tuyên bố trên hệ thống truyền thông đảng CSVN rằng Việt Nam đã đặt mua từ 50 đến 150 triệu liều vaccine từ Nga. Nguyễn Thanh Long còn cho biết là Việt Nam đang tham gia nghiên cứu chế tạo vaccine phòng Covid-19 nhưng chưa biết ngày nào thành công. Theo tin của nhóm nghiên cứu vaccine của Bộ Y Tế Việt Nam thì lạc quan hơn, dự kiến việc nghiên cứu sẽ “hoàn thiện” vào cuối năm 2021, nghĩa là hơn một năm nữa sẽ có kết quả.

Tuy nhiên, sự kiện Nga công bố thành công trong việc sáng chế vaccine Spunik V đã tạo ra một luồng nghi ngờ trong giới nghiên cứu về dịch tễ thế giới. Bởi vì theo giới nghiên cứu vaccine tại Mỹ, Anh, Trung Cộng đều cho rằng phải đến tháng Mười Một, 2020 mới có thể đem ra sử dụng sau khi đã thử nghiệm đợt 3 trên một số đông người tình nguyện thử nghiệm thành công.

Khác với Tây phương, Nga chỉ bắt đầu thử nghiệm trên người hôm 18 tháng Sáu, thế mà sang tháng Bảy, Nga tuyên bố đã tìm ra vaccine và thử nghiệm thành công, nhờ virus Covid-19 tương đồng với virus của bệnh MERS mà Nga đã nghiên cứu cách đây 2 năm. Do đó Nga đã nhanh chóng biến chế, thử nghiệm dùng cho Covid-19 trước các nước khác.

Cũng theo dự kiến của Nga thì họ sẽ bán vaccine ra thị trường thế giới cứ 10 Mỹ Kim cho 2 liều. Vì thế nếu Việt Nam mua từ 50 triệu đến 150 triệu liều thì sẽ trả khá bộn tiền trong khi chờ đến cuối năm 2021 xài hàng nhà.

Câu chuyện nước Nga chế tạo vaccine nhanh nhất thế giới chúng ta phải thừa nhận có sự đóng góp lớn lao của khoa học kỹ thuật Tây Phương và sự sáng tạo của các nhà khoa học Nga. Nhưng nó làm người ta nhớ lại thời kỳ chiến tranh lạnh trong cuộc tranh hùng giữa hai đại cường Liên Xô và Mỹ, với tâm lý ưu việt của chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô bao giờ cũng muốn vượt qua và chinh phục Tây phương, cụ thể là Mỹ. Và trong lịch sử chinh phục không gian, Liên Xô là quốc gia đầu tiên đưa người lên không gian, nhưng Mỹ mới là người đặt chân lên mặt trăng. Cũng như trong kinh tế, những khi Liên Xô xã hội chủ nghĩa thiếu lương thực, mới có câu đế quốc Mỹ trồng lúa mỳ nhưng người Nga “thu hoạch” với giá bán vừa rẻ vừa cho.

Việt Nam nhanh chóng giúp Nga quảng cáo vaccine và mua hàng trăm triệu liều cũng không nằm ngoài tâm lý chư hầu trong 13 nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tâm lý ấy ngày nay vẫn tồn tại trong não bộ của lãnh đạo cộng sản. “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ… Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ.” Bây giờ dĩ nhiên vaccine Nga tốt hơn vaccine Mỹ nên Việt Nam là nước đầu tiên mua vaccine Spunik V cũng là chuyện không đáng ngạc nhiên.

Cho đến nay, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã không lên tiếng xác nhận gì về sự an toàn và công hiệu vaccine của Nga, vì chưa qua sự kiểm chứng và đánh giá nghiêm ngặt trong thử nghiệm cần có.

Người phát ngôn của WHO, Christian Lindmeier cũng chỉ tuyên bố với các nhà báo hôm 4 tháng Tám  rằng “Giữa vịệc tìm ra vaccine và biết được vaccine có tác dụng hay không và trải qua tất cả giai đoạn nghiên cứu, có sự khác biệt rất lớn.” Sự khác biệt ấy là gì ông Lindmeeir không nói, nhưng ai cũng có thể hiểu trong y học, vaccine ngừa bệnh cũng như dược phẩm trị bệnh phải có hiệu quả và an toàn đối với con người.

Các nhà khoa học Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu đều tỏ ý nghi ngờ vaccine của Nga. Người ta cho rằng đây chỉ là đòn tuyên truyền của Putin vào lúc Covid-19 vẫn còn lây lan không ngừng ở nhiều nước mà chưa có quốc gia nào có vaccine để chế ngự virus.

Việt Nam đang đối diện một cách vất vả với đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai nên nhà cầm quyền tuyên bố mua từ 50 triệu đến 150 triệu liều vaccine của Nga cũng là cách trấn an lòng dân. Nhưng chưa biết rõ vaccine của Nga hiệu nghiệm và an toàn như thế nào mà đem sinh mạng người dân ra đánh cuộc khi vội vàng bắn tiếng mua hàng triệu liều vaccine của Nga cho thấy là CSVN chỉ muốn khoe thành tích hơn là quan tâm đến sức khoẻ và an toàn của người dân.

Vaccine là một công trình khoa học nhằm bảo vệ sức khoẻ con người, do đó nó phải tuân thủ quy định khắt khe là phục vụ chính đối tượng của nó một cách tốt nhất. Nếu Spunik V đã được phê duyệt, tại sao một cuộc khảo sát ở Nga với hơn 3.000 nhân viên y tế chỉ có 24,5% đồng ý tiêm vaccine so với 52% trả lời chưa sẵn sàng sử dụng vaccine do chính Nga sản xuất.

Mặt khác cũng có tin từ Nga, Giáo sư Alexander Chuchalin đã tuyên bố rời khỏi Hội Đồng Đạo Đức tại Bộ Y Tế Nga với lý do vaccine Sputnik V “vi phạm nghiêm trọng đạo đức y khoa,” theo báo VnExpress. Trong một bài viết trên Facebook cá nhân về vaccine Nga, BS Wynn Tran ở Hoa Kỳ kết luận rằng “một điều quan trọng chúng ta không nên bỏ qua là tính hiệu quả và an toàn của vaccine Covid-19, là điểm bắt buộc đầu tiên phải có trong y khoa.

Hy vọng là nhà cầm quyền CSVN lên tiếng mua hàng triệu liều vaccine của Nga chỉ để giúp cho ông Putin “tự sướng” trong khoảnh khắc, trên con đường chạy đua nước rút giữa các nước từ nay đến cuối năm 2020, chứ  mua dùng thật sự cho 97 triệu người Việt Nam thì thật là tai họa, còn hơn giao trứng cho ác!

Phạm Nhật Bình

Cách xã hội Việt Nam vận hành qua bức tranh Tân Hiệp Phát

Phạm Minh Vũ|

Việc Tân Hiệp Phát được báo chí tiếp tay PR sai sự thật về công năng của sản phẩm Dr. Thanh ngăn ngừa dịch Virus Vũ hán đã làm nhiều người dân bức xúc thời gian vừa qua. Phải nói rằng đến bây giờ trên thế giới chưa có quốc gia nào có thể đưa vaccines hay thuốc nào có thể phòng ngừa hay chữa trị Virus Vũ hán này. Nhưng THP lại mạnh bạo quảng bá sản phẩm Dr.Thanh sẽ có khả năng ngừa Covid là dối trá và sai sự thật. Sản phẩm của THP nổi tiếng lâu nay vì những tai tiếng có nhiều vật lạ trong sản phẩm của họ, vụ nổi nhất là vụ con ruồi trong chai number1 đã đẩy người dân vô tù.

Một kiểm toán cho Tân Hiệp Phát chia sẻ rằng THP không có chứng từ nào thể hiện hóa đơn mua thảo mộc. Toàn là hương liệu. Vậy cái gọi là thảo mộc cung đình, 9 loại thảo mộc gì đó là không đúng sự thật.

Người ta đưa ra một công thức để tạo nên một sản phẩm của THP: [Nước máy+ hương liệu + tạo mùi + đường hoá học = Dr Thanh = Number1…] Trước kia đã bị bắt quả tang nhập hương liệu quá date của TQ về sản xuất.

Nếu bạn không tin thử làm phép thử nhỏ là mua chai Dr.Thanh về đổ ra nền nhà một vài giọt, xem kiến nó có chum vào không? Chắc chắn là không, kiến còn khôn hơn cả tuyên giáo cơ mà.

Một doanh nghiệp làm ăn gian dối như vậy vẫn qua mắt được các cơ quan có trách nhiệm, vì sao vậy?

Sự ngạo nghễ vĩ cuồng

Không có gì là làm công không, Tân hiệp phát trả tiền cho tuyên giáo đồng loạt đăng bài từ các trang báo như công an thành phố hcm, báo dân trí, báo anninhthudo…

Khi ta nói tới chuyện Tân hiệp phát vung tiền để cho tuyên giáo PR đồng loạt, thì tuyên giáo lại có cái để ngạo nghễ với dân, kêu dân cứ uống THP vào đi đừng sợ dịch bệnh gì cả, cũng là có cái ngạo nghễ VN vĩ đại chứ nhỉ?

Ngồi xổm trên pháp luật

Khi THP muốn bán sản phẩm nào đó ra thị trường thì đi qua nhiều cơ quan kiểm định, THP sẽ vung tiền lo cho họ để bỏ qua sản phẩm độc hại này được tuồn ra thị trường, muốn người dân biết sản phẩm của mình lại nhờ tuyên giáo PR, lại mất thêm khoản tiền. Tất cả tiền lo cho các cơ quan kiểm định ấy, lo cho tuyên giáo PR đều cộng vào hết các sản phẩm mà THP bán ra. Một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, có 9 loại thảo mộc thật thì tiền đâu mà lo cho tuyên giáo? Tiền đâu mà lo cho các cơ quan kiểm định? Nếu không móc túi người tiêu dùng các sản phẩm đó.

Đây là một cách xã hội vn đang vận hành: doanh nghiệp thì móc túi bằng cách cho chiên gia gì lên ca ngợi sản phẩm, cho tuyên giáo viết bài sản phẩm thần thánh, xong người ta tin bỏ ra số tiền rất cao để mua chất độc về mà không biết. Ai chống lại tội ác của chúng thì phía trước là nhà tù.

Nó giống cách thể chế chính trị độc tài duy trì, một mặt ca ngợi đảng vinh quang, đảng đạo đức, và làm nhiều người tin nó vĩ đại thật, nhưng mặt khác chúng tìm cách moi tiền dân bằng hàng loạt thuế máu, xăng, điện.. là một ví dụ. Ai chống lại những bất công cũng bị trả giá nhẹ thì trù dập, nặng thì bỏ tù. Chúng ngồi lên luôn cả hệ thống tư pháp.

Người Nhật, người Mỹ làm ra sản phẩm nào đó, họ không cần quảng cáo rầm rộ mà chất lượng luôn hàng đầu thế giới, giá cả lại rẻ hơn so với các mặt hàng đểu đến từ Trung quốc, hay cùng loại mà do VN sản xuất. Sở dĩ sản phẩm nào của VN làm ra đều tệ hại, như điện thoại Bphone của Quảng Nổ lấy linh kiện cảu TQ về ráp vào, hay xe Vin-phét của Vượng cũng lấy xác và máy móc nhập từ Đức về, sản phẩm của họ rất tệ nhưng giá thành lại cao do nó cộng cả phí PR và lo lót các cơ quan kiểm định, thậm chí trả tiền cho Thủ tướng PR nữa không chừng.

Đây có 2 hình ảnh chụp lại của 2 tờ báo đảng, một tin là sở thông tin truyền thông phạt 10 triệu một người dân do đăng tus là ăn vịt lộn có khả năng ngăn ngừa Virus Vũ hán.

Nhưng, tuyên giáo lại đồng loạt đăng bài nói rằng uống Dr.Thanh thì có khả năng ngăn ngừa con virus Vũ hán này. Vậy là sao?

Ai sẽ phạt cánh báo chí đăng tin sai sự thật về Dr. Thanh này?

Hay là ta lại đánh ta nên rất khó?

Rau muống chẳng có dinh dưỡng nào ngang bằng thịt bò, chuyện lừa đảo đó đã bị khoa học vạch trần rồi. Chẳng lẽ tuyên giáo hôm nay vẫn giữ nguyên cách tuyên truyền của những năm 70s – 80s sao?

Giết chết giống nòi

 

Đỗ Cao Cường

Tôi mới tới xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ – nơi được mệnh danh là làng ung thư của Việt Nam, nơi có Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, với hơn nửa thế kỷ đầu độc môi trường.

Trong một cuộc khảo sát mà Bộ Tài nguyên môi trường từng thực hiện ở Thạch Sơn, cho thấy, không khí ở đây bị đầu độc nghiêm trọng bởi các loại khí thải công nghiệp như SO2, SO3, chì, H2S, NH3, HCl, HF, NO2… với hàm lượng vượt chuẩn cho phép, nhất là ở vùng xung quanh nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao.

Ngày 15/3/2016, Tổng cục môi trường đã có Quyết định số 29/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Supe Lâm Thao, với hàng loạt sai phạm như không có Giấy xác nhận đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên… Theo đó, Công ty Supe Lâm Thao bị xử phạt với tổng mức tiền là 440 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao.

Tuy nhiên, với một đơn vị có doanh thu hàng nghìn tỷ/ năm, vô số người chết vì ung thư thì chuyện phạt mấy trăm triệu chẳng nói lên điều gì.

Tôi cũng tới thăm Công ty giấy Bãi Bằng, tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Không hiểu vì sao vừa tới nơi, tôi đã thấy vài đối tượng đứng canh ở lối vào khu xả thải, trong nhiều tiếng đồng hồ.

Theo lời kể của những hộ dân, nước hồ nơi đây đã bị đầu độc bởi ống xả thải của nhà máy giấy Bãi Bằng, nhiều người phải bán nhà chuyển đi nơi khác vì không chịu được mùi hôi thối.

Giấy Bãi Bằng – huyền thoại kinh tế quốc doanh từng đi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ học trò, năm 2006 Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng giấy, nhưng không hiểu sao bây giờ lại vật lộn với thua lỗ, cũng giống nhiều doanh nghiệp quốc doanh khác, chỉ trong vòng 2 năm 2014-2015 Công ty cổ phần Giấy Bãi Bằng thông báo lỗ 255 tỷ đồng.

Năm 1990, sau 15 năm xây dựng và chuyển giao công nghệ, đoàn chuyên gia Thụy Điển rời khỏi Việt Nam. Trước khi đi, trưởng cố vấn Sveningsson có nói: “Nếu Thụy Điển để Việt Nam tự lo liệu từ nay về sau thì tương lai có thể là một canh bạc”. Sau đó, nhà máy giấy Bãi Bằng chính thức trở thành doanh nghiệp Nhà nước, chính thức trở thành canh bạc.

Và dù có ở canh bạc nào, người dân luôn phải gánh chịu. Bên cạnh những đồng tiền xương máu do dân đen chắt chiu làm lụng, bù vào các khoản lỗ mà những doanh nghiệp nhà nước gây ra, còn có những thế hệ tật nguyền, không được hưởng môi trường sống đúng nghĩa.

Chế độ không quan trọng bằng giống nòi, sẽ không có triều đại nào tồn tại mãi mãi, nhưng nếu môi trường bị ô nhiễm, một thế hệ bị đầu độc, nhiều thế hệ khác chết đớn đau.

Con người chỉ là một phần của thiên nhiên, chiến tranh quân sự, thương mại chỉ khiến vài giống loài trong vài thế hệ bị ảnh hưởng, còn chiến tranh sinh – hoá, hủy hoại môi trường sẽ giết chết nhiều thế hệ, cùng tất cả giống loài./.

Khởi tố thêm 2 tội danh với bí thư xã ở Lâm Đồng ‘giết cháu thế mạng’

 

ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Mở rộng điều tra vụ “giết người thế mạng” để trục lợi tiền bảo hiểm của nguyên bí thư xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, giới hữu trách đã phát giác ông này còn chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều người.

Báo Tuổi Trẻ cho hay sáng Ngày 18 Tháng Tám, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Đắk Nông đã quyết định khởi tố bổ sung bị can Đỗ Văn Minh (49 tuổi), nguyên bí thư Đảng Ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, thêm hai tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Hủy hoại tài sản.” Trước đó, bị can Minh đã bị khởi tố về hai tội “Giết người” và “Xâm phạm mồ mả.”

Theo cơ quan điều tra, ông Minh bị khởi tố thêm tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do đã chiếm đoạt gần 24 tỷ đồng ($1.03 triệu) bằng chiêu “bán đất trên giấy.”

Cụ thể, hồi đầu Tháng Giêng, 2020, ông NVH (44 tuổi) và ông NHP (38 tuổi, cùng ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) gặp ông Minh ở một quán cà phê tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông để lập hợp đồng đặt cọc mua 35 hécta đất của ông này tại huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông, với giá 430 triệu đồng ($18,601)/hécta.

Theo thỏa thuận, ông Minh “có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất (sổ đỏ) hoặc xin cấp phép “Dự án chăn nuôi heo.” Sau khi ký hợp đồng, hai ông P. và H. đã chuyển đặt cọc cho ông Minh 3 tỷ đồng ($129,779) nhưng ông Minh không thực hiện như thỏa thuận.

Không chỉ lừa các nạn nhân trên, khoảng đầu Thàng Mười Một, 2019, ông Minh biết được một công ty ở Đà Lạt sắp mua khoảng 50 hécta đất tại xã Liên Hà (huyện Lâm Hà) với giá 2 tỷ đồng ($86,519)/hécta để làm dự án trồng hoa.

Lúc này, ông Minh nói với anh LVB, anh trai của chị LTN(40 tuổi, trú tại Hà Nội) rằng ông có thể mua đất giá rẻ hơn rất nhiều rồi bán lại kiếm lời.

Sau khi được anh B. gợi ý, chị N. đã liên hệ với ông Minh để chuyển tiền nhờ ông Minh mua đất và đã hai lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho ông Minh với tổng số tiền 10 tỷ đồng ($432,599). Thế nhưng, ông Minh không mua đất mà lấy tiền mua bán cà phê trực tuyến và trả nợ cho một số người mà mình đã vay trước đó.

Chưa dừng lại, nạn nhân tiếp theo là bà HTT(51tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đã bị ông Minh chiếm đoạt 2.6 tỷ đồng ($112,500) cũng từ việc nhờ mua đất.

Ngoài ra từ Tháng Sáu, 2016 đến Tháng Ba năm nay, ông Minh đã vay tiền của 13 người với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng ($346,184).

Đối với tội “Hủy hoại tài sản,” công an xác định ngày 4 Tháng Năm, ông Minh đã đốt xe bán tải để tạo hiện trường giả. Chiếc xe đang được thế chấp tại một ngân hàng và còn nợ hơn 97 triệu đồng ($4,197) tiền gốc.

Hiện trường xe hơi bán tải bị đốt, bên trong có thi thể người cháy biến dạng. (Hình: VietNamNet)

Báo Người Lao Động cho hay trước đó chiều 10 Tháng Năm, Công An tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ ông Minh tại tỉnh Bình Phước, sau khi phát giác ông này đốt xe hơi tạo hiện trường giả mình bị tai nạn chết để vợ con nhận được tiền bảo hiểm, đồng thời chủ nợ không đòi tiền nữa.

Theo đó ngày 25 Tháng Tư, ông Minh chạy xe hơi đến một nghĩa địa ở huyện Đắk G’Long (tỉnh Đăk Nông) đào trộm mộ của một người mới chết được hơn tuần lễ để lấy xác, thế mình. Tuy nhiên, khi đào đến quan tài thì mệt quá nên dừng lại.

Đến ngày 3 Tháng Năm, ông Minh sang rẫy của mình ở Đắk G’Long và tới chòi nơi anh Trần Nho Vương (25 tuổi), cháu vợ của mình đang làm thuê để ăn nhậu. Đến rạng sáng ngày 4 Tháng Năm, ông Minh dùng búa đập vào trán anh Vương đến chết.

Sau đó, ông Minh đưa thi thể nạn nhân lên xe hơi rồi chạy đến quốc lộ 28 (xã Đăk Som, huyện Đắk G’Long) tông vào cột mốc bên đường tạo hiện trường vụ tai nạn giao thông.

Gia đình và người dân địa phương chuẩn bị khai quật hài cốt anh Vương. (Hình: Kim Anh/Tiền Phong)

Trước khi đốt xe hơi lúc 7 giờ sáng ngày 4 Tháng Năm, ông Minh đưa xác nạn nhân lên ghế lái, cài dây an toàn, kéo thắng tay và lấy đồng hồ của mình đeo vào tay của nạn nhân, bỏ lại chìa khóa trên xe hơi. Sau khi đốt xe, ông Minh đi bộ về nhà một người dân cách hiện trường 1.5 cây số lấy xe gắn máy đã gửi trước đó, rồi bỏ trốn xuống thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước thuê nhà trọ để ở.

Sau khi giết người, giả chết rồi bỏ trốn, ông Minh vẫn thường xuyên xem camera của gia đình, nên biết rất rõ diễn biến tại nhà, kể cả đám tang giả của mình. Trong đám tang, mẹ anh Vương đã lặn lội hơn 100 cây số đi viếng ông Minh mà không biết đó là con mình.

Tuy nhiên, từ các chứng cứ thu thập được tại hiện trường và kết quả giám định, giảo nghiệm tử thi, nhà chức trách xác định đây là vụ giết người rồi dựng hiện trường giả, thi thể không phải của ông Minh. Công An tỉnh Đắk Nông xác định ông Minh có liên quan đến vụ án nên tiến hành truy bắt khi đang lẩn trốn ở Bình Phước. (Tr.N)

Dân nằm vạ tố cựu phó công an huyện cướp tiền nhờ mua đất

 

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Cho đến tối 18 Tháng Tám, rất nhiều người dân vẫn đang nằm, đứng, ngồi trước cổng nhà ông TĐĐ, cựu phó Công An huyện Thanh Chương, ở xã Đồng Văn để đòi lại tiền nhờ mua đất ở, song bị ông này chiếm đoạt.

Nói với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Chương, chủ tịch xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, thừa nhận suốt bốn ngày qua chị Ngô Thị Chung (34 tuổi, ở xóm Phượng Sơn, xã Đồng Văn, cùng nhiều người khác đã tập trung trước nhà ông Đ. ở cùng xóm để đòi tiền.

Theo phản ánh của chị Chung, thời gian qua chị đến làm thuê chăm sóc trẻ cho gia đình ông Đ. Trong khoảng thời gian này, chị Chung đã nhiều lần gom tiền mình dành dụm, cộng với tiền của chồng đang đi “xuất khẩu lao động” ở ngoại quốc có gửi tiền về đưa cho ông Đ.hơn 680 triệu đồng ($29,408) để nhờ mua một mảnh đất ở.

Mới đây, chị Chung hỏi ông Đ. đã mua được đất chưa và nếu chưa mua thì xin trả lại tiền, thì ông Đ. không trả lời. Sau đó ông Đ. phủ nhận việc chị Chung đưa tiền cho vợ chồng mình.

Bất bình trước sự tráo trở của ông Đ., từ ngày 14 Tháng Tám đến nay, chị Chung cùng người thân đã vây trước cổng nhà ông Đ. gây sức ép để đòi lại tiền. Ngoài ra, rất nhiều người dân cùng ký vào đơn, tập trung trước nhà ông Đ. yêu cầu người này trả tiền cho chị Chung.

Một số người tức giận chửi bới ông Đ. Người dân cũng kéo đến xem rất đông khiến vợ chồng ông Đ. phải “cố thủ” trong nhà. Đặc biệt, vào ngày 18 Tháng Tám, chị Chung và người nhà đã căng bạt, mang giường đến nằm phía trước cổng nhà ông Đ. để đòi tiền. Sự việc khiến hàng trăm người dân xung quanh hiếu kỳ tập trung theo dõi, quay video đăng lên mạng xã hội.

Chị Chung nằm khóc trước nhà ông Đ. suốt mấy ngày qua. (Hình: Người Lao Động)

Để giãn hồi trật tự, Công An huyện Thanh Chương đã mời hai bên lên để làm rõ. “Một bên tố cáo lừa đảo lấy tiền, một bên tố cáo vu khống. Việc này tôi thấy cũng khó vì chưa rõ ràng. Một là phụ thuộc lương tâm hai bên. Hai là Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra vào cuộc. Hiện công an chưa có kết luận,” ông Chương nói với báo Pháp Luật TP.HCM.

Tin cho biết, ông Đ. là phó trưởng Công An huyện Thanh Chương. Sau khi nghỉ hưu, ông Đ. ly hôn vợ cũ và cưới vợ hai, hiện có hai con còn nhỏ với người vợ sau. Hiện sự việc đang được Công An huyện Thanh Chương điều tra xác minh. (Tr.N)