Saturday, December 31, 2016

Cản phá không cho tưởng niệm nạn nhân lũ lụt

Phóng viên RFA tại Hà Nội 2016-12-31  
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nội treo băng-rôn tưởng niệm các nạn nhân lũ lụt miền Trung.
 Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Nội treo băng-rôn tưởng niệm các nạn nhân lũ lụt miền Trung. RFA
Con số hơn 230 người Việt bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt gây nên trong năm qua khiến một số cư dân mạng lên tiếng kêu gọi phải tổ chức quốc tang cho họ từ ngày 26 đến 28 tháng 12.
Một dược sĩ trẻ tại Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi này, thế nhưng việc làm của anh lại bị cản phá.

Quốc tang cho nạn nhân lũ lụ

Kêu gọi được đưa ra trên mạng xã hội facebook và nhiều người đồng loạt thay ảnh đại diện, hình cover của trang cá nhân với hình “Quốc tang tưởng niệm nạn nhân lũ lụt ở miền Trung”.
Anh Nguyễn Anh Tuấn – một dược sĩ trẻ tại Hà Nội, đã không chỉ thể hiện trên mạng, mà còn có hành động thực tế để “quốc tang” trong đời thực. Ngày 26/12/2016, anh Tuấn đã treo một lá cờ rủ, có cuốn dải băng đen tại cổng nhà.
Anh cho biết lý do thôi thúc anh làm việc này:
“Trước hết không hẳn là theo cái kêu gọi ở trên mạng, mà trước hết nó xuất phát từ cái suy nghĩ của mình khi mà qua các báo cáo của chính phủ trên báo chí…”

Gây hấn, đe dọa

Tuy nhiên, động thái đó của anh vấp phải sự ngăn cản của chính quyền và lực lượng an ninh địa phương. Anh chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Chiều 26/12, cùng ngày, an ninh quận Hai Bà Trưng, công an phường Vĩnh Tuy, tổ dân phố, và 2 bà hàng nước đã tụ tập đến hơn 20 người, đe doạ ầm ĩ, gây sức ép với vợ Tuấn, bắt phải tháo cờ xuống.”
Sự việc này đã được camera giám sát an ninh của nhà anh Tuấn ghi lại rõ ràng, nhưng anh đã không sử dụng bằng chứng này để tố cáo những người đã “cướp” đi lá cờ rủ của anh. Anh nhận định về hành xử của phía những người cản phá anh như sau:
“Có những người còn hò hét là mình treo cờ, một lá cờ rất là khiêm tốn, lá cờ rất là nhỏ được buộc gọn gàng lại bên cổng nhà mình là một hành vi gây rối mất trật tự công cộng.
Họ chỉ thấy rằng việc mà mình thực hiện một nghi lễ quốc tang đó nó trái với quan điểm của chế độ cầm quyền.
Đáng xấu hổ với những người nhìn nhận ra nhưng vẫn phải làm từ sức ép của các lãnh đạo từ bên trên mà vắng mặt và đáng thương những người bị ép thực hiện hành vi đáng xấu hổ này…”
Đến ngày 28/12/2016, anh Tuấn lại tiếp tục hành động thực hiện “quốc tang” của mình bằng cách treo một tấm băng rôn ghi rõ nội dung “Tưởng niệm 235 đồng bào đã tử nạn vì lũ lụt năm 2016” lên hàng rào trước nhà. Anh giải thích lý do vì sao anh lại treo băng rôn như vậy:
“Mình muốn treo cái băng rôn này là vì một là hình thức mình tiếp tục tưởng niệm, hai là ai chưa hiểu thì họ có thể hiểu ra tại sao mình lại làm như thế. Rất hy vọng họ có thể hưởng ứng và họ cũng có một cái động tác nào đó tưởng niệm cho các nạn nhân chết vì lũ lụt…”

Trách nhiệm với cộng đồng, xã hội

Việc thực hiện hành động “quốc tang” của anh Tuấn ngoài việc vấp phải sự cản phá như ngày 26/12, gia đình anh Tuấn cũng chịu một số sức ép khác. Vợ của anh Tuấn hiện là một giảng viên đại học tại Hà Nội đã bị phía cơ quan an ninh gây sức ép đến nhà trường.
Ngoài ra, khi ngôi nhà của anh bị quậy phá hôm 26/12 với sự tham gia của một nhóm “côn đồ”, trong nhà có vợ và con gái nhỏ của anh, anh chia sẻ cách thức mà vợ chồng anh bảo vệ con cái trong những sự vụ như vậy:
“Có đôi khi ta không có được tất cả, ta phải chấp nhận một số thiệt hại nhất định. Ví dụ như con mình, đương nhiên là cháu sợ nhưng mà mình và vợ đã thống nhất cho con mình ở trong nhà, đóng cửa lại không cho con tiếp xúc hoặc nhìn thấy với những người họ đến họ gây sức ép. Với vợ mình đương nhiên mình cũng cảm thấy có lỗi…”
Anh cho biết có thể gia đình vợ con anh phải chịu cú sốc tâm lý do những người khác gây nên vừa qua; nhưng anh mong người vợ sẽ hiểu và thương yêu anh qua cả những hành động trách nhiệm đối với người thân gần gũi cũng như đối với cộng đồng xã hội.
Vừa qua khi chính quyền Hà Nội thông báo sẽ tổ chức quốc tang cho ông Fidel Castro, cố lãnh tụ cách mạng cộng sản Cuba, nhiều người dân Việt Nam đã tỏ ra không đồng thuận.
Đến khi cơ quan chức năng chính thức công bố số nạn nhân tử vong vì thiên tai, lũ lụt trong năm nay tại Việt Nam, nhiều người lại nghĩ ngay đến “quốc tang” cho số người này.
Một lý do là họ phải hy sinh mạng sống một cách oan uổng vì sự tắc trách của con người- họ chết vì nhân tai chứ không phải thiên tai!

Cuộc cạnh tranh giữa người lao động và robot đã bắt đầu tại Việt Nam

Cuộc cạnh tranh giữa người lao động và robot đã bắt đầu tại Việt Nam
Ảnh: Japan Times
Các tổ chức lao động quốc tế và trong nước đang cảnh cáo về xu hướng gia tăng tự động hóa trong các ngành sản xuất đe dọa việc làm của hàng triệu người lao động tay nghề thấp ở Việt Nam.
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) ước lượng gần 5 triệu công nhân trong các ngành dệt, điện tử và bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghệ. Để bảo đảm việc làm, VCCI cho rằng cả nhà nước và các doanh nghiệp lẫn người lao động đều phải gia tăng kỹ năng để thích ứng.
Bà Đào Thị Thu Hiền, người đứng đầu Canon Việt Nam, cho biết nhà máy Canon Thăng Long tại huyện Đông Anh, Hà Nội, 7 năm trước sử dụng 13,000 công nhân, nhưng nay con số đã giảm xuống còn 8,000 do tự động hóa, trong khi doanh thu và sản lượng vẫn ổn định.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10, bà Nguyễn Thiên Lý cho biết trong những năm gần đây, tổng công ty đã phải đầu tư thêm vào máy móc để cắt giảm chi phí lao động. Chẳng hạn như, một chiếc máy cắt tự động có thể thay thế 12 tới 15 công nhân. Theo một cuộc thăm dò của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO, một số hãng xưởng dệt may có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã đưa công nghệ tân tiến vào sử dụng từ năm ngoái, thay thế từ 10 đến 15 công nhân trong mỗi khâu sản xuất.
Theo cuộc khảo sát của ILO, trong những năm tới khoảng 86% công nhân Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất việc vì tự động hóa. Robot sẽ thay thế khoảng ba phần tư tổng số công nhân trong các kỹ nghệ điện và điện tử.
Huy Lam / SBTN

Vietsovpetro sa thải 500 nhân viên, giảm lương 20%

Vietsovpetro sa thải 500 nhân viên, giảm lương 20%
Liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga- Vietsovpetro- thông báo đã sa thải hơn 500 nhân viên và giảm lương nhiều nhân viên còn lại, trong bối cảnh giá dầu thế giới đi xuống khiến doanh thu của Vietsovpetro giảm sâu.
Hôm 29 tháng 12, Vietsovpetro đưa ra báo cáo tình hình kinh doanh năm 2016, cho hay khai thác hơn 5 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu cả năm đạt gần 1.7 tỉ Mỹ kim, nộp ngân sách hai nhà nước hơn 683 triệu Mỹ kim. Trong đó, lợi nhuận phía Việt Nam gần 126 triệu Mỹ kim, và phía Nga 121 triệu Mỹ kim.
Các con số này phản ánh những sự sụt giảm khá sâu, chẳng hạn như giảm 23% về doanh thu và giảm 32% về số tiền nộp ngân sách nhà nước. So với năm 2015, liên doanh này nộp ngân sách hai nhà nước Việt Nam và Nga ít hơn 300 triệu Mỹ kim. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thô năm 2016 đã giảm xuống còn 45 Mỹ kim một thùng, từ trung bình 54 Mỹ kim trong năm 2015.
Cũng theo thông báo của Vietsovpetro, do tình hình giá dầu thấp nên năm qua liên doanh này đã cắt giảm hơn 500 nhân viên, đồng thời giảm thu nhập của nhân viên khoảng 20% so với năm 2015.
Huy Lam / SBTN

Việt – Mỹ thời Trump cùng tương lai đau đầu

Phạm Chí Dũng  
Có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng là người giữ được ý chí lạc quan nhất trong toàn bộ Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN sau sự kiện TPP gần như sụp gãy vào Tháng Mười Một, 2016.
Chủ nghĩa lạc quan bất tận
Không bao lâu sau tin thất cử của bà Hillary Clinton và tuyên bố chắc nịch của Tổng Thống Tân Cử Donald Trump rằng sẽ kết liễu TPP ngay ngày đầu tiên ông vào Tòa Bạch Ốc, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật tiên phong giương cao ngọn cờ thắng không kiêu bại không nản trong hoàn cảnh hẫng hụt với một nhận định xen dự báo: “Triển vọng phát triển vẫn còn tốt lắm.”
Chỉ sau đó, một số quan chức bộ ngành chức năng của Việt Nam mới lục tục đả động đến việc “dù không có TPP, Việt Nam vẫn còn đến 17 hiệp định thương mại song phương với quốc tế,” “Việt Nam sẽ tự đi bằng đôi chân của mình,” hay gần đây nhất là lý lẽ “không mợ chợ vẫn đông” – hàm ý “Việt Nam không quá phụ thuộc vào Mỹ.”
Thế nhưng những nhà lãnh đạo Việt Nam, chẳng hạn như Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với thành tích cập nhật mới nhất là lối đánh vần “cờ lờ mờ vờ” hết sức đặc thù dành cho cụm từ viết tắt CLMV, sẽ phải chịu trách nhiệm về việc “đưa hơi thở của nghị quyết vào cuộc sống” chứ không phải chỉ đơn giản hô khẩu hiệu như một thói quen chỉ có một đảng và đảng quyết định tất cả.
Trách nhiệm đó – ngay trước mắt là tìm đâu ra nguồn lực để cứu vớt nền kinh tế sắp sa chân vào khủng hoảng, sau đó mới nói đến chuyện phát triển.
Một trong những câu chuyện tương phản chua chát giữa chủ nghĩa duy ý chí và những mệnh lệnh không đếm xỉa đến thực tế đã xảy ra vào cuối năm 2015: trong một hội thảo quốc tế liên quan đến “tầm nhìn Việt Nam đến năm 2030,” khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn say sưa thuyết trình về những khả năng phát triển, gần như cách nói “triển vọng phát triển còn tốt lắm” của Tổng Bí Thư Trọng, thì người đại diện của Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam, cũng là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Việt Nam – bà Victoria Kwa Kwa – đã hỏi xoáy ông Dũng: “Việt Nam sẽ lấy đâu ra nguồn lực để phát triển?”
Ông Dũng không thể trả lời câu hỏi đó, hoặc ông vờ như không nghe thấy.
Nhưng đó lại là câu chuyện bi thiết kéo dài đến tận giờ đây, sau khi ông Dũng được thay bằng ông Phúc.
Tìm đâu nguồn lực để phát triển?
Tất nhiên, theo một thói quen ăn xổi ở thì, giới lãnh đạo Việt Nam rất mau miệng tung ra những tuyên bố rằng nếu không có Mỹ thì Việt Nam sẽ tìm nguồn lực phát triển ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, chẳng ai phủ nhận được một thực tế như một bằng chứng hiển nhiên về tính lợi thế so sánh: 15 năm qua, trong lúc Việt Nam nâng mức nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 250 lần từ mức $200 triệu năm 2001 lên $50 tỷ vào năm 2015 (nếu tính cả $20 tỷ hàng hóa nhập lập từ Trung Quốc), thì Hoa Kỳ đã phát cho nền kinh tế Việt Nam một món quà lớn khi hàng năm nước này phải nhập siêu từ Việt Nam khoảng $25 tỷ. Đặc biệt, từ khi TPP được đưa vào lộ trình bàn thảo vào năm 2010, nước Mỹ ngày càng ưu ái hàng hóa xuất cảng của Việt Nam.
Hệ quả nào xảy ra nếu không có Hoa Kỳ và không có lộ trình đàm phán về TPP? Dù thật đáng xấu hổ, nhưng cần phải nhắc lại cho những nhân vật lãnh đạo đang sinh hoạt như thể “hiện sinh” ở Việt Nam rằng, nếu không có Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt Mỹ từ năm 2001 và TPP dù mới trong quá trình chuẩn bị, Việt Nam khó có cửa xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ, đầu tư nước ngoài từ Mỹ và phương Tây vào Việt Nam chắc chắn đã giảm mạnh, và quan trọng không kém, hơn $80 tỷ tín dụng ODA từ Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu , Nhật, Bắc Âu, Tây Âu… cho Việt Nam chắc hẳn đã chỉ còn phân nửa trong 20 năm qua.
Hiện tại và tương lai lại được quá khứ tích. Khó có thể hình dung khác hơn, tương lai nền kinh tế Việt Nam trong ít nhất một chu kỳ vận động trung hạn cho 4 -5 năm tới vẫn rất cần thiết vai trò của nước Mỹ – một nước Mỹ không còn Obama, nhân vật mà giới lãnh đạo Việt Nam đã tích lũy được lề thói “ăn vạ,” mà sẽ là một tổng thống Trump cực kỳ thực dụng và chẳng có liên quan gì với mảnh đất hình chữ S trong dĩ vãng.
Hẳn là ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ngay vào lúc này, giới lãnh đạo Việt Nam đã và đang đau đầu với “bài toán Trump.”
Còn Trump sẽ nghĩ gì và làm gì với Châu Á và Việt Nam?
Bài toán nước Mỹ – bài toán Việt Nam
Ngay cả chuyên gia Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế tại Washington, DC, cũng phải thừa nhận: “Chúng tôi không biết nhiều lắm về những gì ông ấy nghĩ liên quan đến vấn đề này,” khi trả lời câu hỏi của đài RFA: “Theo ông chiến lược chuyển trục về Châu Á của Tổng Thống Obama sẽ ra sao dưới thời của Tổng Thống Trump?”
Chỉ vài tháng trở về trước, ông Murray Hiebert còn là một tiếng nói tự tin khi nhận định về xu thế chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng Thống Obama và về một số điểm trong quan hệ Việt Mỹ, đặc biệt là kích thích tố mang tên TPP.
Chẳng khác mấy với ông Murray Hiebert, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế khác cũng chỉ có thể nhận định và nêu ra vài dự báo chung nhất. Không ai biết rõ về ông Trump và đặc biệt chẳng ai có thể đoan chắc là một người mang tâm tính bất thường như Trump thì những quyết định của ông ta sẽ diễn biến ra sao.
Cho tới nay, đòn bẩy TPP của ông Obama hầu như đã gãy đổ và kéo theo sự thất vọng lớn của phía Việt Nam. Không còn TPP, xem ra mối quan tâm chung lớn nhất giữa Việt Nam và Mỹ chỉ còn là vấn đề Biển Đông.
Mới đây vừa xuất hiện thêm một dấu hiệu nữa về tăng cường phòng thủ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa: Việt Nam đang kéo dài phi đạo ở đảo Trường Sa lớn. Cùng với việc Việt Nam bí mật đưa tên lửa ra Trường Sa vào giữa năm 2016 mà chỉ được Reuters tiết lộ, điểm khích lệ nhỏ nhoi có thể kể ra là giới lãnh đạo Việt Nam dường như vẫn chưa quyết định ngả mạnh về Trung Quốc như cách Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines thể hiện hay động thái gần nhất của Malaysia.
Và nếu xem đó là điểm đáng khích lệ thì một vấn đề có thể tương đối chắc chắn là dù không mấy quan tâm đến chiến lược xoay trục của ông Obama, ông Trump cũng không thể bỏ hẳn chiến lược này. Lý do: là một nhà đầu tư, ít nhất ông Trump phải quan tâm đến lợi ích kinh tế của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Mà lợi ích kinh tế ở khu vực này lại liên quan rất mật thiết, có thể nói là có mức độ liên quan cao nhất, với yếu tố an ninh hàng hải. Sẽ ra sao nếu các tàu chở hàng của Mỹ và đồng minh của Mỹ đi qua vùng Biển Đông nhưng bị tàu chiến Trung Quốc truy bức?
An ninh Biển Đông cũng bởi thế có thể sẽ là điểm chung đầu tiên và lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Việt sau khi ông Trump chính thức thành tổng thống. Trong chuyến đi đột ngột Washington vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, nhân vật số hai trong đảng CSVN là ông Đinh Thế Huynh cũng đã đề cập đến Biển Đông, mà có thể khiến giới phân tích hiểu rằng giới lãnh đạo Việt Nam đang rất cần đến lực lượng hải quân Mỹ, trong bối cảnh mà “người anh em” Trung Quốc có thể ra tay thôn tính Trường Sa bất kỳ lúc nào.
Gần đây, lại xuất hiện thông tin Trung Quốc “có thể đưa hàng trăm tên lửa ra Biển Đông.”
Sau khi ông Trump chấp nhiệm tổng thống, Cam Ranh có thể là một tiêu điểm lớn nằm trong chương trình nghị sự về quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ. Vào cuối Tháng Mười, 2016, lần đầu tiên kể từ năm 1975, có ba tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh, sau đó còn thêm một tàu Mỹ nữa. Còn trong năm 2017, có lẽ sự hiện diện của Mỹ ở Cam Ranh sẽ gia tăng phần nào, tuy chưa biết là hải quân hay vừa hải quân vừa không quân, cũng như tính chất hiện diện sẽ ra sao.
Người ta đã nhận ra vài chỉ dấu của xu thế trên, bằng vào nhân vật Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Dù trước đây luôn bị không ít dư luận xem là “thân Trung,” trong nửa cuối năm 2016, Tướng Vịnh đột nhiên phát ra vài cử chỉ can đảm hơn, hoặc hơn hẳn, đối với Bắc Kinh.

Việt Nam: Không thể ‘tiếp tay’ cho thủ tướng chỉ trích tỷ phú

Phối cảnh Vinhomes Giảng Võ. (Hình: bbvietnam.com)
HÀ NỘI (NV) – Hệ thống truyền thông Việt Nam đồng loạt sửa tựa bài tường thuật cuộc họp của chính phủ hôm 29 Tháng Mười Hai, biến chỉ trích có địa chỉ cụ thể của ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng, thành chung chung.
Trong cuộc họp giữa giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố, ông Phúc chỉ trích gay gắt quy hoạch đô thị ở Hà Nội. Theo thủ tướng Việt Nam, sở dĩ môi trường, giao thông,… ở Hà Nội trở thành thảm trạng khiến hệ thống công quyền loay hoay tìm hoài không ra lối thoát là vì chính quyền thành phố Hà Nội phóng tay cấp giấy phép cho xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải.
Ông Phúc dẫn trường hợp cho xây dựng cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ làm ví dụ và nêu câu hỏi: Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ? Không có lý thuyết nào về quy hoạch lại chấp nhận chuyện cho xây dựng tại một nơi như Giảng Võ cao ốc 50 tầng, với hàng ngàn căn hộ cao cấp. Nếu mỗi gia đình có hai xe hơi thì ra vào, qua lại thế nào? Nếu khoảng đất trống nào cũng cấp giấy phép xây dựng cao ốc hết thì Hà Nội sẽ ra sao? Ông Phúc khẳng định, thảm trạng là do chúng ta gây ra!
Cũng theo lời của thủ tướng Việt Nam thì ông ta từng yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội kiểm tra và báo cáo về trường hợp cấp cấp giấy phép xây dựng cao ốc 50 tầng tại Hà Nội trước ngày 15 nhưng tới nay (29 Tháng Mười Hai) vẫn chưa nhận được báo cáo.
Cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ là “tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, officetel và căn hộ chung cư cao cấp,” dự trù mang tên Vinhomes Giảng Võ, được khởi công hồi hạ tuần Tháng Mười trên nền của trung tâm Triển Lãm Giảng Võ, diện tích 6.8 héc ta, nằm giữa lòng Hà Nội.
Chủ đầu tư Vinhomes Giảng Võ là ba tập đoàn tư nhân: Tập đoàn Vingroup, tập đoàn T&T, tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Trong ba tập đoàn này, Vingroup là một cái tên mà gần như không người Việt nào không biết. Chủ tịch Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng, 48 tuổi.
Ông Vượng là người được gửi sang Nga du học năm 1987. Tại Nga, ông Vượng trở thành một trong những “soái” (cách cộng đồng người Việt ở Nga và Đông Âu gọi những ông trùm đứng phía sau tất cả những hoạt động kinh doanh cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) nổi tiếng nhất. Giống như nhiều “soái” khác, sau khi Việt Nam “đổi mới,” ông Vượng quay trở về Việt Nam đầu tư và trở thành “soái” thành công nhất.
Vincom rồi Vingroup của ông Vượng liên tục được cấp giấy phép đầu tư các dự án bất động sản trên những khu đất được ví là “vàng” trên khắp Việt Nam, kể cả những khu đất thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An. Những dự án bất động sản đó góp phần đưa ông Vượng vào danh sách các tỷ phú trên thế giới do Forbes công bố hàng năm. Tên ông Vượng xuất hiện trong danh sách này vào năm 2013 (xếp thứ 974 với tổng giá trị tài sản là $1.5 tỷ). Sau ba năm, mới đây, theo xếp hạng của Forbes, ông Vượng xếp thứ 916 trong danh sách các tỷ phú trên thế giới với tổng giá trị tài sản là 2.2 tỷ (trong ba năm tổng giá trị tài sản tăng thêm $700 triệu).
Có một điểm đặc biệt là dù các dự án bất động sản của ông Vượng có rất nhiều điểm bất thường và gây ra đủ thứ xáo trộn về mọi mặt nhưng ông Vượng chưa bao giờ bị hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ trích. Những thông tin bất lợi cho Vingroup rất hiếm.
Chỉ trích của ông Phúc, thủ tướng Việt Nam đối với cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ cũng thuộc loại hiếm vì rất nhiều người biết chủ đầu tư là ông Vượng.
Tuy nhiên ngay cả thủ tướng Việt Nam cũng không thể tạo ra ngoại lệ. Lúc đầu, rất nhiều bài tường thuật cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm 29 Tháng Mười Hai, đưa chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ vào tựa vì báo giới ở đâu cũng biết độc giả của họ quan tâm đến điều gì. Tuy nhiên ngay sau đó hệ thống truyền thông Việt Nam đồng loạt sửa tựa, bỏ chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ.
Chẳng hạn, Người Lao Động đổi tựa: “Thủ tướng: Quy hoạch nào cho xây chung cư 50 tầng ở Giảng Võ?” thành “Chung cư cao tầng dày đặc gây ách tắc giao thông.” Báo điện tử VietNamNet thì đổi tựa: “Chung cư 50 tầng ở trung tâm, mỗi nhà giàu 2 ô tô đi đường nào?” thành “Chung cư cao tầng ở trung tâm, mỗi nhà giàu 2 ô tô đi đường nào?” Báo Dân Việt đổi tựa: “Trung tâm Giảng Võ xây chung cư 50 tầng sao chịu nổi chứ?” thành “Thủ tướng: Không vì lợi ích trước mắt mà quên cộng đồng.” Zing đổi tựa: “Thủ tướng: Ai cấp phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ” thành “Hà Nội, TP.HCM cần rà soát lại quy hoạch đô thị.” Trang web của Đài Phát thanh quốc gia (VOV) đổi tựa: “Thủ tướng nói về việc xây chung cư cao tầng ở khu đất Giảng Võ” thành “Cám ơn thủ tướng…” (G.Đ)

Rừng phòng hộ bị san phẳng, chính quyền không biết

Hàng chục héc ta rừng phòng hộ và rừng đệm bị dân san phẳng. (Hình: VnExpress)
QUẢNG TRỊ (NV) – Người dân mang cưa máy ngang nhiên chặt phá hàng chục ha rừng phòng hộ ở xã Triệu Nguyên, huyện Đăkrông trong 6 năm qua để lấy đất trồng cây tràm, nhưng chính quyền không biết.
Theo báo điện tử VnExpress, ngày 30 Tháng Mười Hai, nhiều tháng qua, người dân địa phương mang cưa máy, dao rựa vào chặt phá hàng chục ha rừng phòng hộ và rừng đệm ở xã Triệu Nguyên.
Tại hiện trường, những mảng rừng xanh nay nham nhở cây gãy đổ, lá vàng úa. Cây bị hạ bằng cưa máy nằm ngổn ngang, một số cây đường kính từ 30-40 cm. Nhiều vết cưa cũ, song có những vết cưa rất mới. “Việc phát rừng diễn ra ngang nhiên đã nhiều năm nay, nhưng không thấy nhà chức trách ngăn chặn,” ông Minh, một người dân địa phương cho biết.
Thế nhưng, ông Trần Thiên Trường, phó chủ tịch xã Triệu Nguyên cho rằng, người dân bắt đầu chặt cây rừng từ nửa năm nay để mở rộng diện tích trồng tràm. Đến Tháng Mười Một, vừa qua chính quyền xã mới phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, song diện tích rừng bị phá đã lên đến 9 ha. “Chúng tôi chưa phát hiện được cụ thể những ai là người phá rừng, do rừng ở xa, phải qua sông nên khi triển khai lực lượng đến, người dân biết tin đã bỏ trốn,” ông Trường biện minh.
Ngoài 9 ha rừng đệm ở xã Triệu Nguyên, 42 ha rừng phòng hộ của Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Hướng Hóa – Đăkrông cũng bị chặt phá với lý do “người dân lấn rừng trồng tràm.”
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hùng, phó chủ tịch huyện Đăkrông chỉ nói chung chung, huyện đã chỉ đạo công an cùng các ngành chức năng vào cuộc, tìm ra các cá nhân lấn chiếm rừng để răn đe và kết hợp tuyên truyền để người dân không tiếp tục chặt phá, lấn chiếm rừng. (Tr.N)

Rùng mình với những hình phạt của giáo viên với học sinh

Tùng Anh (tổng hợp)- 31/12/2016 14:19 PM
(Dân Việt) Dán băng dính vào mồm, cho đứng dưới trời nắng, bắt ăn ớt, cho cả lớp tát vào mặt...đó là những hình phạt đáng sợ, phản giáo dục, đáng lên án của các thầy cô. Những hình phạt này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh trong năm 2016.

Cho cả lớp tát vào mặt

Mới đây, dư luận được một phen sôi sục vì hình phạt của cô giáo Đ.D.T trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín – Hà Nội) với em Đỗ Tuấn Linh học sinh lớp 4A. Trước đó (ngày 26.12) vì cho rằng em Linh chửi bậy, không cần xác minh lại, cô T đã cho cả lớp 4A gồm 43 bạn lần lượt tát và cào vào mặt em Linh khiến mặt em bị xưng đỏ, tinh thần hoảng loạn không dám đến trường.

rung minh voi nhung hinh phat cua giao vien voi hoc sinh hinh anh 1

Gương mặt xây xước của học sinh bị 43 bạn tát theo lệnh cô. 


Ngay sau khi được phụ huynh phản ánh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Sở đã đề nghị cô T viết bản tường trình vụ việc và cho cô T nghỉ dạy để báo cáo lên Phòng giáo dục. Trong bản tường trình cô T cũng cho biết, không hiểu vì sao lúc đó lại cư xử như vậy, cô T cũng cảm thấy rất hối hận và đến tận nhà học sinh kia để xin lỗi.
Ngày 31.12, ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng giáo dục huyện Thường Tín cho biết, cô T sẽ phải nhận hình thức cảnh cáo và đình chỉ việc đứng lớp ít nhất một học kỳ.
Bịt miệng học sinh bằng... băng dính
Sự việc diễn ra vào tháng 11.2016, tại trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, ngày 23.11, phụ huynh T.H.H có con học lớp đã lên tiếng phản ánh việc cô giáo Phùng Hồng Anh (sinh năm 1992) giáo viên trường này dùng băng dính dán vào miệng rất nhiều học sinh vì tội... nói chuyện riêng trong lớp.
Ngay sau khi trường nhận được phản ánh, cô Phùng Hồng Anh đã thừa nhận sự việc này, số lượng học sinh bị cô dán băng dính vào miệng là 56 em. Cô giáo này còn cho rằng chỉ dán để “dọa các em thôi”.
Không chấp nhận được hành động phản giáo dục này của cô Hồng Anh, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – Hiệu trưởng trường cho biết, trường này đã họp và yêu cầu cô Phùng Hồng An tường trình rút kinh nghiệm: “Có thể nói việc dán băng dính vào miệng học sinh vì nói chuyện, mất trật tự là sai hoàn toàn. Không thể bao biện cho hành vi đó là bồng bột” – bà Hạnh nói,
Ngay sau đó cô giáo này đã chủ động xin nghỉ việc nên trường Tiểu học Hoàng Liệt cũng chấm dứt hợp đồng thử việc với giáo viên này.
“Phơi” học sinh dưới trời nắng gắt
Đó là hình phạt của một thầy giáo thể dục tại Hải Phòng đã khiến dư luận hết sức bất bình vào tháng 9.2016.
Cụ thể, ngày 20.9, trong tiết thể dục, vì học sinh không thực hiện tốt một động tác thể dục mới nên thầy Nguyễn Danh Hiếu – giáo viên thể dục trường THPT Lê Hồng Phong (Quận Hồng Bàng – Tp Hải Phòng) đã cho học sinh tổ 1 và tổ 2 của lớp 10C7 chạy 10 vòng quanh sân trường.
rung minh voi nhung hinh phat cua giao vien voi hoc sinh hinh anh 2

Học sinh bị buộc phơi nắng. 

Không dừng lại đó, đến tiếp học tiếp theo, thầy giáo này tiếp tục cho cả lớp 10C7 ngồi giữa cái nắng chang chang, chiếu thẳng vào mặt khiến học sinh buộc phải lấy tay che mặt.
Chứng kiến cách dạy “đặc biệt” của giáo viên thể dục này, đại diện ban giám hiệu trường THPT Lê Hồng Phong là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Lệ đã ra tận sân trường và góp ý với giáo viên nên cho học sinh tập thể dục ở chỗ râm mát để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Tuy nhiên, lần thứ 2 ra nhắc nhở nhưng giáo viên Nguyễn Danh Hiếu vẫn không nghe và tiếp tục cho học sinh ngồi trời nắng vì cho rằng hiệu trưởng can thiệp quá sâu vào giờ dạy của giáo viên.
Cho tới khi hai vị phó hiệu trưởng cùng ra và yêu cầu giáo viên cho học sinh học trong chỗ râm mát thì thầy Hiếu mới đồng ý. Sau khi bị đứng nắng, 4 em học sinh của lớp 10C7 đã viết đơn xin nghỉ học sau giờ thể dục ấy.
Sau đó, đại diện phụ huynh của lớp 10C7 đã viết đơn gửi ban giám hiệu nhà trường đề nghị đổi giáo viên thể dục cho học sinh lớp này.
Bắt học sinh nằm ngửa... đổ nước vào miệng
Đó là hình phạt của thầy giáo Nguyễn Minh Đề - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, Trường THCS Cát Tài (Phù Cát – Bình Định).
Cụ thể, trong tiết sinh hoạt của lớp 7A3 vào chiều thứ Bảy ngày 31.10.2015, em Lưu Thế P. bị thầy Đề bắt nằm ngửa trên bục giảng rồi lấy nước đổ vào miệng (!) chỉ vì trước đó, khi lớp ồn ào, P. nhắc lớp im lặng. Thầy Đề cho rằng, việc nhắc nhở lớp không thuộc trách nhiệm của P.
rung minh voi nhung hinh phat cua giao vien voi hoc sinh hinh anh 3
Còn em Nguyễn Lê Gia B. bị thầy Đề dùng thước đánh vào đầu vì khi nộp học phí, em đưa 150 ngàn đồng, nhiều hơn mức phải nộp 30 ngàn đồng. Tuy nhiên, sau hai lần trả lại tiền thừa, thầy vẫn trả thiếu em B. 10 ngàn đồng nên bị B. thắc mắc.
Em Nguyễn Gia H. bị thầy Đề dùng tay tát tai do tự ý mở sổ đầu bài để xem, không thuộc bài, trống vào lớp đã đánh nhưng còn ra ngoài. Riêng em Nguyễn Thành L. do ngồi không đúng vị trí theo sơ đồ lớp nên bị thầy bắt nằm sấp, rồi dùng thước gỗ đánh.
Sau khi diễn ra vụ việc, trường Hội đồng kỷ luật của trường này đã họp và đề nghị hình thức kỷ luật buộc thôi việc với thầy Đề.
Phạt học sinh ăn... ớt
Trước đó, vào năm 2014, ngành giáo dục tỉnh Bình Phước đã phải chỉ đạo kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc đối với 3 giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Bù Gia Mập), vì “sáng kiến” ra hình phạt… phạt 19 học sinh ăn ớt.
rung minh voi nhung hinh phat cua giao vien voi hoc sinh hinh anh 4
ại bản tường trình của mình, cô Lê Thị Ánh Tuyết - chủ nhiệm lớp 4B1 - cho biết: “Ngày 18 và 19.2, trong lúc bực tức học sinh không học bài, làm bài và nói chuyện riêng trong lớp nên tôi đã cho những học sinh Điểu Chương, Hoàng Phi Hùng, Điểu Bảy, Điểu Tuấn, Điểu Bình ăn ớt”…
Cô Tuyết tiếp tục áp dụng “sáng kiến” phạt học sinh ăn ớt những ngày sau đó. Tổng cộng, có tới 12 học sinh lớp 4B1 - do nói chuyện riêng trong lớp và không học bài - đã bị cô Tuyết phạt bằng cách cho… ăn ớt. Thấy đồng nghiệp phạt học sinh ăn ớt thật hiệu quả, thầy Nguyễn Tiến Giáp - chủ nhiệm lớp 4B2 - đã mang “sáng kiến” trên cùng vài trái ớt về áp dụng cho học sinh lớp mình. Hậu quả là thêm 4 học sinh lớp 4B2 cũng bị thầy Giáp phạt… ăn ớt. Tiếp đó, cô Nguyễn Thị Hương - chủ nhiệm lớp 5B1 - cũng phạt 3 học sinh ăn ớt.
Trường Tiểu học Hoàng Diệu sau đó đã kỷ luật với hình thức cắt thi đua của 3 thầy, cô giáo trên trong năm học 2013-2014. Riêng cô Lê Thị Ánh Tuyết, không cho làm khối trưởng khối 4, đưa ra khỏi nguồn phát triển Đảng và không cho làm thành viên ban thanh tra nhân dân.
Cô giáo phạt 11 học sinh ngậm khăn lau bảng
Cuối năm 2013, một cô giáo mới được nhận vào Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, huyện Củ Chi, TP.HCM được 2 tuần để dạy môn mỹ thuật thì xảy ra sự việc này. Cô được giao làm giáo viên chủ nhiệm lớp 2.
Cô giáo này kể lại: "Cứ mỗi lần tôi quay lên viết bài trên bảng là học sinh phía dưới nói chuyện rất ồn ào. Lớp học ở kế bên văn phòng nhà trường, tôi lo rằng mọi người sẽ nói cô dạy làm sao mà để học trò ồn quá. Tôi đã nhắc nhở, cũng có dọa nếu vẫn cứ nói chuyện thì sẽ bị quẹt giẻ lau bảng vào miệng. Nhưng sự việc vẫn cứ tiếp tục tái diễn”.
Bức xúc quá, cô giáo đã yêu cầu lớp trưởng đưa khăn lau bảng cho những học sinh nói chuyện phải ngậm, tổng cộng là 11 em phải ngậm khăn lau bảng.

Thư gửi người bạn trẻ: Giấc mơ ngày mới



Nàm 2017 gõ cửa nhà tôi. Gỡ tờ lịch cuối cùng xuống như khép lại căn phòng thời gian đã hết, tôi nhìn thấy ba trăm sáu lăm ngày mới, trắng tinh xếp hàng dài, im lặng nhìn mình. Và như mọi năm, tôi lại tự hỏi với điều rất cũ “những gì sẽ đến, ngày mai, trên đất nước này?”.
Câu hỏi ấy, mỗi năm, tôi - và có lẽ là còn nhiều người khác nữa - vẫn tự hỏi như vậy. Những niềm hy vọng thấp thỏm về ngày mai tốt đẹp hơn trên quê hương luôn âm ỉ trong suy nghĩ. Những ngày mai vô định như nhà thơ Antonio Machado (1875-1939) khi ngồi ở biên giới nước Pháp, từng chiều nhìn qua hàng rào kẽm gai và nghĩ về quê hương Tây Ban Nha của mình. Machado đã qua đời trong niềm hy vọng. Và chúng ta, đôi khi giật mình, vì từng năm như vậy cứ chậm chập trôi qua, khi nhìn lại thì đã gần nửa thế kỷ, gần cạn một đời người, cũng với niềm hy vọng đó.
Mọi lời chúc và hy vọng cho năm mới vẫn như vậy. Tràn ngập trên facebook và điện thoại của tôi là những tin nhắn mừng năm mới. Năm thì mới nhưng nội dung thì không mới: vẫn là hạnh phúc, thịnh vượng…  Con người ngàn đời luôn khắc khoải mang giấc mơ về ấm no và bình yên. Nhưng hy vọng đó cũng là một loại ảo ảnh đáng sợ, nó lôi dắt con người chạy mệt nhoài về phía trước.
Ở các quốc gia độc tài, khái niệm hạnh phúc và bình yên được dùng như một loại ecstasy ảo giác toàn dân. Các nhà lãnh đạo quen lối mị dân vẫn hàng ngày cất lên những bài hát ru về hạnh phúc và bình yên ấy để mê mị đám đông, để họ tiện tay đục khoét đất nước và đặt ra những luật lệ trói buộc con người, để bảo toàn sự thống trị thô bỉ của họ.
Tôi và bạn, chúng ta may mắn sinh ra trong lòng một dân tộc truyền đời dạy cho nhau về yêu thương, về chia sẻ. Chúng ta được học rằng người Việt sẽ vượt qua mọi thứ khi đoàn kết cùng nhau, cũng như thề chết để gìn giữ quê hương và giá trị của tổ tiên để lại.
Nhưng rồi tôi và bạn chứng kiến rằng dân tộc này khi đã thống nhất địa lý trong thời hiện đại, bị áp đặt lòng căm thù với chính anh em của mình. Chúng ta chứng kiến rằng có một lớp người của giai cấp thống trị đang chia chác nhau tài nguyên của đất nước này, phó mặc nhân dân và tương lai vào nợ nần và cùng cực.
Chúng ta cũng sửng sốt khi nhận ra rằng nước Việt bị những người cầm quyền nhân danh, tuyên bố đoàn kết với kẻ thù, xóa bỏ lịch sử hôm qua đầy máu của các cuộc xâm lược từ phía Bắc, cũng như lịch sử hôm nay biển và xác ngư dân là những câu chuyện đang bị nhấn chìm. Dân tộc chúng ta với Trần Bình Trọng, như Nguyễn Trung Trực, như Nguyễn Thái Học…  đã thề chết cho quê hương mình, nhưng hôm nay, thì một câu nói của chân thành về bọn ngoại xâm cũng có thể đổi lại bằng đày đọa và bất an.
Những ngày tháng hôm qua như vậy đó, liệu chúng ta có nên mang một ước nguyện và hy vọng cho ngày mới rằng mọi thứ cần phải được đổi thay? Tôi đang mơ cho đất nước này và dân tộc mình trước những ngày như vậy, còn bạn?
Trong một chuyến đi với xe ôm Grab, tôi nghe người bạn trẻ kể rằng anh cũng có facebook, nhưng trước đây chỉ dám vào nghe, nhìn, đọc. Bấm một dấu like hay bình luận, anh cũng không dám. Anh thú nhận rằng anh rất sợ. Nhưng rồi gần đây, khi đọc về những câu chuyện về dân lành bị đánh chết trong đồn hỏi cung, do chính báo nhà nước đưa tin, khiến anh cũng đã không dằn được và góp lời bình luận.
Nửa thế kỷ trước, chúng ta đầy sợ hãi, nhưng hôm nay chúng ta có thêm những điều mới mẻ: đứng về phía lẽ phải và đám đông đang ngóng về tương lai, con người đã biết cách vượt qua sợ hãi. Tôi tin trong năm mới này, người thanh niên chạy xe ôm đó chắc cũng mơ một giấc mơ giống tôi, dù đó là một giấc mơ thầm lặng.
Một cô gái nhỏ nhiều năm sống ở Canada, về thăm nhà, kể rằng điều cô làm có ý nghĩa nhất, là đi mua cho ba một chiếc smartphone mới, lập facebook và hướng dẫn cho ba mình vào xem tin tức tự do, chỉ các trang cần theo dõi nhưng không quên dặn ba rằng nhớ đừng bấm nút gì hay bình luận lời nào. Nhưng tôi không tin rằng ông chỉ im lặng, bởi ngày thường, ông là một trí thức và luôn đau đáu về tương lai đất nước mình. Rồi chắc chắn rằng, ông cũng đang mơ một giấc mơ giống như tôi.
Chủ nghĩa Phát xít và Cộng sản Châu Âu từng có sách giáo khoa về cai trị giống nhau, rằng cứ nói dối, mãi rồi cũng sẽ thành một loại sự thật. Những con người sống quen im lặng, vì sợ hãi hay vì tự nhủ rằng nói ra chẳng để làm gì – nhưng đừng bao giờ quên nuôi hy vọng và giấc mơ.  Vì đó chính là khắc tinh của bài học cai trị. Một người nuôi giấc mơ thì nhỏ, nhưng một ngàn người nuôi giấc mơ thì lớn, và khi một dân tộc nuôi giấc mơ thì đó là sức mạnh thay đổi vận mệnh cho tất cả.
Truyền thuyết của nhân loại vẫn còn đó câu chuyện về đoàn người nô lệ và không tương lai, nuôi giấc mơ của mình nên đã cùng nhà tiên tri Moses bước qua dòng sông dữ và về đến vùng đất hứa. Và cùng với ước mơ và hy vọng, mà dân tộc Việt Nam đã từng vượt qua ngàn năm đô hộ, trăm năm thực dân.
Tôi nghe thấy năm mới gõ cửa. Thời khắc của đổi thay như đang đến, bạn có nghe không? Tôi mời bạn cùng tôi ước mơ và hy vọng. Và nếu bạn vẫn còn sợ hãi, thì cứ tạm giữ kín mọi thứ trong trái tim mình, nhưng xin đừng bao giờ vùi chôn, hay lãng quên về một ngày sẽ đến.

‘Sẽ từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’

 ‘Sẽ từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’
(PL)- Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói như trên trong cuộc gặp báo chí chiều 30-12.
Chiều 30-12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành hơn hai tiếng để trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề nóng liên quan đến bộ này trong thời gian qua.
Làm thép “không có lợi ích nhóm”
Liên quan đến dự án thép Cà Ná được dư luận đặc biệt quan tâm, ông Tuấn Anh cho biết: “Dự án thép Cà Ná đang ở khâu quy hoạch nên chưa thể nói bất kỳ điều gì chi tiết. Mọi nhận xét, đánh giá chỉ mang tính võ đoán. Dự án đó oan nghiệt hay có hiệu quả sẽ có câu trả lời về sau”.
Theo ông Tuấn Anh, nhiều người nghi ngờ dự án thép Cà Ná có lợi ích nhóm. Bộ Công Thương khẳng định lại một lần nữa không có chuyện đó! Ông Tuấn Anh cho rằng việc Bộ đưa dự án vào quy hoạch là phù hợp với thực tiễn, cơ sở pháp lý. Quy hoạch thép nói chung cũng như chủ trương phát triển làm dự án thép Cà Ná được xem xét một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện.
“Một đất nước trên 100 triệu dân, đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm thép; nếu không làm dự án thép sẽ gây mất cân đối nguồn cung cầu nghiêm trọng… Tôi cho rằng sẽ bất hợp lý nếu không tính tới phát triển thép” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng Bộ Công Thương không bảo thủ mà luôn có quan điểm tiếp cận cầu thị, cởi mở, không né tránh. Việc bổ sung dự án thép Cà Ná là thay thế cho một dự án cũ đã bị rút giấy phép đầu tư vì không đáp ứng được điều kiện thực hiện. Hiện dự án mới chỉ dừng ở mức xem xét chủ trương đầu tư để nhà đầu tư nghiên cứu. Quá trình thẩm định để đi đến làm dự án là rất dài, qua nhiều bước thẩm định của các bộ, ngành. Bộ cũng sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chính thức các nhà phản biện, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết một ĐBQH đã từng chất vấn ông về trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố liên quan đến dự án. Bộ trưởng khẳng định không sợ trách nhiệm và sẵn sàng đối mặt với trách nhiệm. “Tôi chỉ mong mọi người hãy hiểu đúng dự án… Chúng ta nói về quy hoạch thép chứ không phải nói về dự án thép đã được triển khai. Nếu để xảy ra hệ lụy từ dự án như thép Cà Ná thì việc từ chức cũng quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra cho nhân dân, xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta và cả cá nhân bộ trưởng là bằng ý thức trách nhiệm không để xảy ra hệ lụy nào với dự án đó” - ông Tuấn Anh nói.
Cuối cùng, bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh nếu không làm thép Cà Ná, kéo theo các dự án khác như thép Dung Quất hay các dự án nhiệt điện cũng không thực hiện được. “Nếu chúng ta sợ hệ lụy thì sẽ không làm được gì cả. Một đất nước chỉ phát triển bằng hạt muối Cà Ná, hạt thóc Nam Bộ thôi cũng có nghĩa ta tự đánh mất cơ hội phát triển công nghiệp. Trước khi là bộ trưởng tôi là một công dân, một đảng viên và tôi thực hiện theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại chuyện từ chức nếu để xảy ra bất cứ hệ lụy nào từ dự án” - bộ trưởng Công Thương cam kết.
 ‘Sẽ từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’ - ảnh 1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: “Nếu để xảy ra hệ lụy từ dự án như thép Cà Ná thì việc từ chức cũng quá nhỏ bé đối với những thiệt hại gây ra cho nhân dân, xã hội”. Ảnh: TP
“Không có chỗ cho mối quan hệ thân quen”
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu bộ máy, ông Trần Tuấn Anh cho biết khi Bộ Công Thương đưa ra dự thảo đề án tinh gọn bộ máy hành chính từ 35 cục, vụ, viện xuống còn 28 đơn vị, trong đó có việc sáp nhập, chia tách, xóa tên nhiều cục, vụ, viện đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Bộ luôn xem tái cơ cấu bộ máy là nhiệm vụ cốt lõi trong thời gian tới. Ngoài ra, Ban Cán sự Bộ Công Thương nhận thức được trách nhiệm cũng như nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong bộ máy.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nêu thực tế thời gian qua có nhiều dư luận nghi ngại trong quá trình tái cơ cấu bộ máy sẽ đụng chạm đến quyền lợi “con ông cháu cha”. “Lãnh đạo Bộ cũng xác định được những nghi ngại này khi thực hiện tinh gọn biên chế bởi văn hóa người Việt luôn trọng tình nghĩa, thiên về tình cảm, có thể điều này chi phối đến việc bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, trong một xã hội nhà nước pháp quyền, một chính phủ liêm chính, kiến tạo không có chỗ cho mối quan hệ cá nhân, thân quen” - ông Tuấn Anh thẳng thắn.
Một vấn đề khác được báo chí đặt câu hỏi là mới đây Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ra nghị quyết giao cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ra quyết định thu hồi bổ nhiệm nhân sự liên quan đến ông Vũ Quang Hải, Vũ Đình Duy, Vũ Hùng Sơn… và loại khỏi quy hoạch thứ trưởng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thanh Hà.
Về việc này, Bộ trưởng Anh cho biết việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm nhân sự giai đoạn 2011-2016 là thực hiện triệt để theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và nằm trong khuôn khổ pháp luật. Trong những nhân sự nêu trên, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tính toán và có quyết định phù hợp với trường hợp ông Võ Thanh Hà (hiện là chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn).
Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, cho biết việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm nhân sự trong giai đoạn 2011-2016 đã được Bộ Công Thương tham vấn ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và dựa trên những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là thủ tục về mặt hành chính, nghĩa là thu hồi các quyết định vì người ban hành quyết định đó có sai phạm và chịu hình thức kỷ luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ của các cá nhân nêu trên tại thời điểm trước đây. Ông Huy khẳng định việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm không phải là hình thức kỷ luật dành cho các cá nhân đó.
Phóng viên: Gần đây có thông tin cho hay 192 người thuộc quản lý của Bộ Công Thương trong diện cấm xuất cảnh, cụ thể thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin nào về danh sách nhân sự cấm xuất cảnh đi nước ngoài. Việc này cần xác minh thông tin qua Bộ Công an. Tuy nhiên, thời gian gần đây có một số trường hợp liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương đã không thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước về xuất nhập cảnh. Dẫn đến hiện tượng các nhân sự này ở lại nước ngoài không thông qua cơ quan quản lý. Trong thẩm quyền của mình, Bộ đã chủ động thực hiện các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm với các vụ án kinh tế, các dự án có bất ổn về công tác cán bộ.
31/12/2016 - 07:00
TRÀ PHƯƠNG 

Cô giáo cho 43 bạn tát vào mặt một học sinh, đạo đức của cô ở đâu?

Tùng Anh -30/12/2016 16:32
(Dân Việt) Không hỏi rõ đầu đuôi, để phạt học sinh vì tội chửi bạn, một cô giáo đã cho 43 bạn cùng lớp tát và cào đỏ mặt học sinh kia khiến em hoảng loạn không dám đến trường.

Ngày 30.12, trên các trang mạng xã hội chia sẻ một clip ghi lại hình ảnh em học sinh tiểu học bị sưng đỏ má, được người nhà dùng thuốc bôi để giảm đau. Hỏi chuyện về nguyên nhân dẫn đến thương tích, em này cho biết bị cô giáo chủ nhiệm cho 43 bạn trong lớp tát vào mặt vì bị tố chửi bạn lớp trưởng.

Sự việc sau đó được xác minh diễn ra vào ngày 26.12 tại trường Tiểu học Ninh Sở - Thường Tín – Hà Nội. Học sinh bị đánh là em Đỗ Tuấn Linh – lớp 4A trường này. Cô giáo thực hiện hành vi này là D.T giáo viên chủ nhiệm lớp 4A.

 co giao cho 43 ban tat vao mat mot hoc sinh, dao duc cua co o dau? hinh anh 1
Dù vết thương không quá lớn nhưng việc bị 43 bạn tát vào mặt đã làm em Linh rất sốc (ảnh: IT)
Em Linh kể về nguyên nhân dẫn đến sự việc như sau: “Bọn cháu cãi nhau sau đó bạn lớp trưởng nói dối với cô là cháu chửi bạn ấy, cô giáo không hỏi rõ đầu đuôi và cho 43 bạn lên bảng vả vào mặt cháu. Bạn lớp trưởng còn cào vào mặt cháu. Cô giáo bảo là chửi bạn thì cô cho vả như thế nào cũng được”.

Em Linh cũng cho biết đây không phải là lần đầu cô giáo chủ nhiệm dùng cách này để xử phạt em. Trước đó 2 tháng, Linh cũng từng bị cô giáo cho 43 bạn trong lớp tát vào mặt vì tội nói chuyện: “Cháu không dám đi học nữa vì sợ cô giáo và các bạn lại đánh, giờ cháu ở nhà” – Linh nói.

Sau khi clip được đăng tải, rất nhiều người đã bày tỏ sự tức giận đối với hành vi phản giáo dục của cô giáo này. Bạn đọc Trần Anh Tuấn (Hà Nội) chia sẻ: “Chẳng hiểu nổi bây giờ các cô giáo nghĩ gì thế, con thì ai chẳng xót, chưa rõ sự vụ mà đã hành xử như thế này thì còn gì là giáo dục. Giờ học sinh hoảng loạn không dám đến lớp thì hỏi đạo đức nghề nghiệp của cô ở đâu?”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Phương (Đông Anh - Hà Nội) cũng là giáo viên tiểu học cho rằng: "Có rất nhiều cách để phạt học sinh mắc lỗi. Tuy nhiên, trước khi phạt phải tìm hiểu rõ sự việc. Dù phạt bằng cách nào cũng không thể làm tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của học sinh. Làm như cô giáo trên là phản giáo dục"

Trả lời báo chí về sự việc này, Hiệu  trưởng Trường Tiểu học Ninh Sở, bà Trần Thị Cậy cho biết, nhà trường đã nắm được thông tin sau khi nhận được kiến nghị từ phụ huynh. Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu cô D.T làm tường  trình về sự việc. Trong tường trình, cô T cũng nói bản thân không hiểu vì sao lúc đó lại cư xử như vậy và rất hối hận. Cô T cũng đã trực tiếp đến  tận nhà học sinh đề xin lỗi.

Cũng theo bà Cậy, hiện trường đã có quyết định tạm dừng việc dạy học với cô giáo này và báo cáo sự việc lên phòng giáo dục chờ hướng dẫn giải quyết vụ việc. Bà Cậy cũng cung cấp thêm, cô D.T là giáo viên đã có hơn 20 năm công tác tại trường, từ trước đến nay chưa từng có vi phạm gì. Sự cố này là một bài học lớn cho cô T và các giáo viên khác trong trường.

Đằng Sau Bổ Nhiệm “Đúng Quy Trình” Là Gì?

bổ nhiệm đúng quy trình

Cụm từ “đúng quy trình” trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay tại Việt Nam có thể nói là cụm từ được quan chức có vấn đề về bổ nhiệm dùng nhiều nhất.

Đằng sau cái quy trình, phải chăng là lợi ích, quan hệ. Hàng loạt việc bổ nhiệm những cán bộ không đủ năng lực, vi phạm tài chính ở lĩnh vực doanh nghiệp thì điều qua làm quan chức đầu tỉnh, đầu ngành như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Vũ Đình Duy, Vũ Quang Hải… Đấy là chuyện các Bộ, ngành.

Còn ở các tỉnh thì sao? Việc đưa con em của lãnh đạo tỉnh lên các vị trí chủ chốt trước khi mình về hưu đã trở thành hiện tượng phổ biến.

Trở lại câu chuyện bổ nhiệm siêu tốc gần đây nhất là Vụ phó Vũ Minh Hoàng.

Sáng ngày 28-12, ông Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, cùng đoàn công tác đã công bố quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong công tác bổ nhiệm phó vụ trưởng đối với ông Vũ Minh Hoàng.

Đằng sau sự “đúng quy trình” hàng loạt ấy là một sự thông đồng, thỏa hiệp, trục lợi. Họ chà đạp lên quyền lợi ích chính đáng và niềm tin của Nhân Dân. Và họ đi ngược lại cái gọi là Do dân vì dân, Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra.

Đoàn đã công bố quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ đối với hai ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Dự buổi công bố có lãnh đạo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và ông Quang, ông Việt.

Trước đó, báo chí đã phản ánh các thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm “siêu tốc” ông Vũ Minh Hoàng vào vị trí phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Cụ thể, ông Hoàng được nhận vào làm việc không qua thi tuyển và bắt đầu tập sự một năm kể từ ngày 1-8-2014. Sau khi hết thời gian tập sự vào tháng 8-2015, ông Hoàng được ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ký quyết định bổ nhiệm làm phó vụ trưởng Vụ Kinh tế vào tháng 1-2016.

Ngay sau khi ký quyết định bổ nhiệm vụ phó được 32 ngày, chính ông Việt lại ký tiếp quyết định cho ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ theo công văn xin người của đơn vị này. Tiếp theo, ông Hoàng được chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký quyết định bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và tháng 3-2016.

Tuy nhiên trả lời báo chí lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đều khẳng định đúng quy trình.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ hàng loạt trường hợp bị phát hiện gần như lập lại một cách “đúng quy trình”. Và việc xử lí những người đứng đầu sai phạm cũng theo đúng quy trình: kiểm điểm nghiêm khắc, phê bình nghiêm khắc…

Vì sao việc xử lí những cán bộ lãnh đạo cơ quan tổ chức sai phạm trong công tác cán bộ đều theo hình thức kinh điển như vậy. Đó là tại “quy trình ” này rất có vấn đề – nó như một căn bệnh cần phải được mổ xẻ, điều trị đúng thuốc. “Liều thuốc” mạnh ở đây là điều tra xử lí hành vi tiêu cực, tiếp tay trong công tác bổ nhiệm để tạo quan hệ, lợi ích, đánh đổi chức vụ… Đằng sau sự “đúng quy trình” hàng loạt ấy là một sự thông đồng, thỏa hiệp, trục lợi. Họ chà đạp lên quyền lợi ích chính đáng và niềm tin của Nhân Dân. Và họ đi ngược lại cái gọi là Do dân vì dân, Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra.

Để lấy lại niềm tin trong công tác bổ nhiệm, Đảng và Chính phủ Việt Nam cần dũng cảm nhìn vào sự thật “đúng quy trình” nhan nhản khắp đất nước để mạnh tay xử lí hình sự những cán bộ vi phạm, trục lợi, tham nhũng.

Bệnh cần chữa đúng thuốc. Nhân Dân cần Nhà nước hành động vì quyền lợi của Dân, Đất Nước chứ không vì lợi ích của bất kì nhóm người nào.

Một chính quyền được dân ủng hộ là chính quyền biết cần làm gì để Pháp Luật, Công Lí được thực thi. Những kẻ đứng trên Pháp Luật đồng nghĩa với việc coi thường Nhân Dân. Những kiểu cán bộ, lãnh đạo đó cần loại bỏ triệt để khỏi bộ máy công vụ.

Nguyễn Đức

(FB Nguyễn Đức)

TP HCM khẩn cấp giảm ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Theo vnexpress- 31/12/2016 | 12:41
6 dự án với tổng vốn gần 1.400 tỷ đồng được TP HCM triển khai ngay trong năm 2017 để giảm ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
tp-hcm-khn-cap-giam-un-tac-quanh-san-bay-tan-son-nhat
Các tuyến đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: Thành Nguyễn
Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) hiện chỉ có một lối ra vào duy nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ cảng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch nên thường xảy ra ùn tắc.
Vì vậy, trong năm 2017 Sở sẽ triển khai 6 dự án kéo giảm tình trạng này tại các tuyến đường vào sân bay với tổng vốn đầu tư 1.380 tỷ đồng.
Trong đó, 2 dự án được làm theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng, sẽ hoàn thành trong năm là: cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (quận Tân Bình) có kinh phí 242 tỷ đồng và cầu vượt tại vòng xoay nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp – quận Phú Nhuận) với kinh phí 504 tỷ đồng.
Bốn dự án còn lại gồm: dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám – đoạn gần đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận); mở rộng đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) – đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả; đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) – đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay và mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình).
Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, trước tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải cả trên trời lẫn dưới đất, thành phố đang nỗ lực để kéo giảm ùn tắc bằng các dự án cấp bách.
“Tuy nhiên, thành phố chỉ có quyền thực hiện các dự án ở xung quanh cho đến hàng rào của sân bay để giải quyết ùn tắc bên ngoài, còn việc mở rộng phía bên trong thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải”, ông Cường nói.
Liên quan đến việc giảm tải cho Tân Sơn Nhất, mới đây Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng, Xây dựng và UBND TP HCM sớm hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể mở rộng, nâng công suất sân bay lên 40-50 triệu khách.
Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 25 triệu khách mỗi năm nhưng hiện đã đón 32 triệu, vượt 30% so với thiết kế. Không chỉ trong sân bay quá tải mà các tuyến đường bên ngoài sân bay thường xuyên bị ùn tắc cả ngoài khung giờ cao điểm.
Hữu Công