Thursday, October 2, 2014

Người Sài Gòn trắng đêm tát nước: Cán bộ nói dân 'ráng chịu'

Phó giám đốc BQL đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM rất chia sẻ nhưng nói dân 'ráng chịu' trước tình trạng ngập do mưa ở Q.6, Q.Bình Tân (TP.HCM).

Ngày 2/10, tại khu vực đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân nước kênh đen ngòm. Ngay đoạn đầu đường, bàn ghế của cơ sở bán đồ gỗ nằm ngâm nước nhiều ngày qua.

Người dân ngồi trên những bàn gỗ này ăn uống. Nhà ông Trần Thế Nghĩa, ở 381 Chiến Lược, nước vẫn còn ngập đến đầu gối. “Bếp gas, tủ lạnh hư hết rồi. Bây giờ nấu ăn cũng không được, gia đình phải mua cơm hộp về ăn” - ông Nghĩa buồn rầu.

Tài sản “trôi” theo dòng nước

Tại cơ sở sản xuất cơ khí Lập Vinh cách đó không xa, anh Trung Nghĩa - quản lý cơ sở - hì hục tát nước từ trong nhà ra ngoài kênh. Bên trong nhà nhiều máy móc sản xuất ngâm nước đã hai ngày qua.

Anh Nghĩa cho biết trời mưa gây ngập từ chiều 1/10 kéo dài tới tận trưa 2/10 khiến người dân rất khổ sở. Cơ sở của anh Nghĩa sản xuất các thiết bị ngành in nhưng 1/3 máy móc phải nằm dưới nước vì quá nặng không kê lên cao được.

“Mỗi chiếc máy trị giá cả trăm triệu đồng, khi nước tràn vào làm hư hầu hết môtơ, hộp điện nên không thể hoạt động được. Công nhân cũng được cho nghỉ để chờ nước rút” - anh Nghĩa than.

Anh Nghĩa tính sơ sơ cũng phải mất vài chục triệu đồng để sửa chữa các bộ phận hư hỏng. Đó là chưa kể công nhân phải nghỉ làm, các đơn hàng giao chậm.

Cơ sở anh Nghĩa chuyển về đây được bảy tháng nhưng đã phải hai lần chịu cảnh nước ngập làm hư hỏng máy móc. Anh Nghĩa rầu rĩ: “Tình hình này chắc phải tìm chỗ khác cao ráo để sản xuất”.

Người Sài Gòn trắng đêm tát nước: Cán bộ nói dân 'ráng chịu'
Một người dân ngã khi qua đường Tân Hóa ngập nước chiều 1/10 - Ảnh: Hữu Khoa

Còn bà Thiệt, chủ cơ sở vật liệu xây dựng Hoàng Minh (đường Chiến Lược), cùng người làm hối hả xếp những bao xi măng bị ướt ra ngoài. Bà Thiệt tính riêng trận mưa chiều tối 1/10 đã làm khoảng 40 bao xi măng hư hỏng, thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.

Dọc đường Chiến Lược, nhiều nhà dân khóa trái cửa, nước vẫn còn ngập đến đầu gối. Theo nhiều người dân ở đây, do nước ngập nhiều ngày nên một số cơ sở, hộ dân đã lánh tạm nhà người thân. Trong đó, một số người ở nhà trọ đã bỏ lại giường chiếu, quần áo ướt để đi thuê trọ khu vực khác.

Chị Bảy, ngụ ở 363 Chiến Lược, cho biết chiều 1/10 khu vực này nước ngập mênh mông, đoạn sâu nhất hơn 1m. Có người chạy xe máy lao xuống kênh nằm bên đường Chiến Lược được người dân kéo lên.

Kế bên, một người dân kể: “Mình nghĩ nhà mình cao nên nước không tràn vào, ai ngờ buổi tối ngủ dưới sàn nhà, nước tràn vô làm ướt hết người. Lúc đó tui tỉnh giấc lồm cồm thu dọn đồ đạc leo lên gác ngủ”.

Thống kê thiệt hại để báo lên cấp trên

Trong sáng 2/10, nhiều người dân ở đường Chiến Lược vất vả vác bao đựng cát, gạch ngói về nhà để gia cố lại tường chắn nước trước nhà. Đa số nhà dân ở đoạn đường ngập đều xây thêm 2-3 viên gạch để đối phó với những trận mưa sắp tới.

Ông Lê Minh Nhựt, chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, cho biết các trận mưa vừa qua gây ngập nhiều tuyến đường tại phường như Mã Lò, Đất Mới, Chiến Lược...

Một số người dân, cơ sở sản xuất đã lên phường phản ảnh việc ngập kéo dài gây khó khăn cho sản xuất, làm việc.

Theo ông Nhựt, trước kia địa bàn phường có ngập nhẹ nhưng những trận mưa vừa rồi đã làm nhiều khu vực ngập nặng. “Hiện UBND phường đang thống kê thiệt hại, hư hỏng máy móc, đồ đạc của người dân để báo cáo lên cấp trên có hướng giải quyết” - ông Nhựt nói.

Trong khi đó, ông Trần Trung Hậu cho biết rất chia sẻ với những gì mà người dân đang chịu đựng. Lý giải nguyên nhân ngập, ông Hậu cho rằng khu vực Tân Hóa - Lò Gốm vốn là vùng trũng thấp, cao trình nhiều nơi dưới 1,3m.

Cống thoát nước khu vực này chưa đầy đủ và đây cũng là khu vực cuối nguồn của ba lưu vực khác như: Hàng Bàng, Bàu Trâu, khu vực Đầm Sen và khu vực vòng xoay Cây Gõ nên khi mưa nước từ các nơi đổ về.

Trước khi các hạng mục công trình Tân Hóa - Lò Gốm triển khai thi công, khu vực này cũng đã bị ngập nhưng mức độ nhẹ hơn vì ngày xưa còn đất trống, lưu lượng mưa nhỏ hơn.

Chủ đầu tư không có kinh phí để hỗ trợ dân

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công trình Tân Hóa - Lò Gốm vì áp lực thời gian trong thi công làm nghẽn dòng chảy tại nhiều vị trí là nguyên nhân làm khu vực này ngập nặng thêm.

Ông Hậu cho biết khi thi công trong điều kiện quá chật hẹp, các đơn vị đã cố gắng tạo thêm hệ thống dẫn dòng nhưng chỉ đáp ứng được khả năng thoát nước 75% so với hiện hữu nên tình trạng ngập nhiều hơn trước.

Việc thi công phải chia làm nhiều mũi “giáp công” nên buộc phải làm hẹp dòng chảy tại nhiều vị trí. “Tôi mong người dân thông cảm, chia sẻ và ráng chịu đựng thêm ba tháng nữa. Với tiến độ này đến cuối năm nay các công trình hoàn thành sẽ giảm ngập cho toàn bộ khu vực Tân Hóa - Lò Gốm” - ông Hậu thông tin.

Với câu hỏi người dân cho rằng đã chịu đựng cảnh ngập quá lâu, thiệt hại cũng nhiều nên đơn vị gây ngập phải có trách nhiệm bồi thường hỗ trợ, ông Hậu trả lời: “Chúng tôi cũng rất xót xa nhưng quả tình việc ngập nước hiện tại như đã nói ở trên có nhiều yếu tố.

Người Sài Gòn trắng đêm tát nước: Cán bộ nói dân 'ráng chịu'
Sáng 2/10, máy móc của cơ sở cơ khí Lập Vinh ở đường Chiến Lược (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn còn ngập trong nước - Ảnh: Đức Phú

Nếu trong điều kiện bình thường không mưa, công trình làm tắc cống gây ngập chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Cái khó nữa là cơ quan chúng tôi là cơ quan nhà nước, công tác thu chi theo quy định và hiện cũng không có khoản kinh phí để hỗ trợ người dân.

Chúng tôi chỉ cam kết làm hết sức mình để hoàn thành công trình trước năm 2014”. Để giảm ngập nước một số khu vực, trước mắt ông Hậu cho biết sẽ nâng đường Tân Hóa, dự kiến xong trong tháng 11, đồng thời phối hợp với UBND Q.6 nâng đường, hẻm khu vực đường 26, khu dân cư Bình Phú.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

Chủ đầu tư không thể thoái thác trách nhiệm

Người dân sống ở khu vực Tân Hóa - Lò Gốm hơn ai hết biết được tình hình ngập nước trước đây và sau khi công trình Tân Hóa - Lò Gốm triển khai. Trước đây chỉ ngập một, giờ ngập hai thì không thể đổ lỗi cho nhiều vùng trũng, nhiều yếu tố...

Bởi công trình chống ngập phải giảm hoặc xóa ngập nhưng thực tế làm ngập nặng thêm, chưa kể quá trình thi công thu hẹp dòng chảy dẫn tới hệ quả nước thoát không kịp gây ngập nặng, rộng thêm.

Vì vậy, vấn đề này chủ đầu tư không thể thoái thác trách nhiệm. Nếu người dân chứng minh được thiệt hại và thực hiện quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện thì tòa án là nơi phán quyết trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công đối với người dân.
03/10/2014 11:10
Theo TTO

Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa phản đối dùng hơi cay vào người biểu tình Hồng Kông

 Châu Nhuận Phát - Ảnh: AFP

Nam diễn viên Châu Nhuận Phát đã lên tiếng bảo vệ người biểu tình và chỉ trích cảnh sát về việc sử dụng hơi cay vào người biểu tình tại Hồng Kông, theo Channel News Asia ngày 2.10.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Apple Daily, nam diễn viên Bến Thượng Hải cho biết: "Tôi đã gặp những người dân, các sinh viên, họ rất dũng cảm và đấu tranh cho những gì họ muốn. Các sinh viên biểu tình một cách hợp lý. Nếu chính quyền có thể đưa ra một giải pháp mà các công dân hoặc sinh viên hài lòng, tôi tin rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc".

Tuy nhiên, nam diễn viên 59 tuổi kết luận rằng yêu cầu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức sẽ không giúp giải quyết được vấn đề.

Châu Nhuận Phát nói thêm rằng việc cảnh sát sử dụng hơi cay vào người biểu tình hôm chủ nhật vừa qua là quá mạnh tay. "Khi chính quyền sử dụng các biện pháp bạo lực đối với học sinh, điều này dễ gây tác động xấu đến người dân. Tôi không muốn nhìn thấy bất cứ ai bị thương... Đó là một cuộc biểu tình hòa bình và không cần thiết dùng bạo lực hoặc hơi cay", Châu Nhuận Phát phát biểu.

 Lưu Đức Hoa - Ảnh: AFP

Trước đó, vào ngày 1.10, nam diễn viên - ca sĩ nổi tiếng Lưu Đức Hoa cũng đã lên tiếng về các cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử phổ thông, kêu gọi hòa bình ở quê nhà. Trong một bài viết trên fanpage Andy World Club, Thiên vương Hồng Kông kêu gọi người biểu tình "không để cho cảm xúc của mình bị ảnh hưởng bởi một vài người gây chia rẽ", và cho biết cuộc biểu tình nên đi theo hướng "không có hơi cay, không có bạo lực, không có tình trạng bị lạm dụng".

"Các sinh viên và người biểu tình, bạn nên lo lắng cho sự an toàn của mình, và bạn nên biết rằng bạn còn có các thành viên gia đình - những người quan tâm đến các bạn", Lưu Đức Hoa khuyên.

Nhiều nghệ sĩ như Tăng Chí Vỹ, Xa Thi Mạn… cũng kêu gọi fan bình tĩnh, “khi thấy cảnh sát hãy giơ cao tay lên đầu để chứng minh rằng bạn không có hành động bạo lực”.

Theo tường thuật của Thanh Niên Online từ Hồng Kông, các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu lắng xuống. Việc chính quyền Hồng Kông hiện nay chưa tỏ dấu hiệu nhượng bộ bất kỳ yêu sách nào từ những người biểu tình cho thấy tương lai Hồng Kông sẽ còn nhiều cuộc biểu tình khác.
02/10/2014 14:28
Nguyễn Thủy

Triều Tiên tự đặt tình trạng chiến tranh, em gái Kim Jong-un nắm quyền

NĐT-02.10.2014 | 13:45 PM
Theo tin của tổ chức Trí thức Triều Tiên đoàn kết (NKIS), Triều Tiên đã được đặt vào tình trạng chiến tranh và em gái ông Kim Jong-un trở thành người lãnh đạo khi ông Kim đi chữa bệnh.

Theo NKIS, ông Kim đã được xác nhận đang điều trị tại bệnh viện Bonghwa với đội ngũ bác sĩ từ cả trong và ngoài nước. Trong khi ông vắng mặt, em gái ông – Kim Yo-jong sẽ có trách nhiệm xử lý các công việc quan trọng của Chính phủ.

Triều Tiên tự đặt tình trạng chiến tranh, em gái Kim Jong-un nắm quyền - Ảnh 1
Bà Kim Yo-jong sẽ đảm nhiệm công việc trong thời gian ông Kim Jong-un chữa bệnh.

Một nguồn tin giấu tên nói với NKIS rằng cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên ngày 6/9 đã quyết định để ông Kim Jong-un đi điều trị. Kết quả của cuộc họp đã quyết định 4 điều. Thứ nhất là tổ chức một đội điều trị y tế đặc biệt để giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhanh chóng khôi phục sức khỏe. Thứ hai là tất cả quan chức và đảng viên của Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về công việc theo các yêu cầu của Kim trước đó.

Thứ ba, đảng và quân đội được đặt vào trạng thái chiến tranh trong khi ông Kim vắng mặt. Cuối cùng, tất cả các vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý nhà nước phải báo cáo cho Kim Yo-jong để ông Kim Jong-un có thể yên tâm dưỡng bệnh.

Kim Yo-jong là con gái cựu lãnh đạo Kim Jong-il với bà Kim Yong-hui. Cô lần đầu tiên xuất hiện trong hội nghị lần thứ 3 của Đảng Lao Động Triều Tiên vào tháng 9/2010 khi đứng cạnh thư ký riêng của cha mình.

Cô cũng chính thức được đề cập lần đầu tiên vào ngày 9/3/2014 khi cùng anh trai mình bỏ phiếu cho hội đồng nhân dân tối cao. Kim Yo-jong được xác định là một trong những ủy viên cao cấp trong Đảng Lao động Triều Tiên. Người ta nói rằng cô đã tiếp quản vai trò của cô mình – bà Kim Kyong-hui, vợ ông Jang Song-thaek.

Kim Heung-gwang, người đứng đầu NKIS nói: “Một số người nói Hwang Byong-so, người đứng đầu Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên là nhân vật số 2 nhưng với những gì đã được xác nhận, chúng ta có thể nói rằng Hwang chỉ là một cái bóng, Kim Yo-jong mới là nhân vật số 2 ở Triều Tiên”.

Trần Vũ (Theo Diplomat)

Bước ngoặt trong cuộc biểu tình Hồng Kông

(NLĐO)- Cảnh sát Hồng Kông và người biểu tình ủng hộ dân chủ đang đối mặt bên ngoài văn phòng Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh sáng 3-10 sau khi nổi lên thông tin các thủ lĩnh sinh viên đã đồng ý gặp chính quyền để thảo luận.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi ông Lương Chấn Anh đưa ra lời đề nghị đàm phán đêm 2-10, nhóm biểu tình thông báo: "Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS) sẽ có cuộc gặp công khai với Tổng Vụ trưởng Hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam)".

Việc đạt được thỏa thuận thảo luận nói trên được cho là bước tiến có khả năng mang tính đột phá. Tuy nhiên, các thủ lĩnh biểu tình tuyên bố vẫn sẽ chiếm các con phố cho tới khi đạt được mục tiêu về hình thức phổ thông đầu phiếu.

Hong Kong, biểu tình, hình ảnh, ấn tượng
Trong cuộc biểu tình tại Hồng Kông có những hình ảnh đầy nhân văn như người biểu tình che mưa cho cảnh sát...

Hong Kong, biểu tình, hình ảnh, ấn tượng
...hay cảnh sát rửa mắt cho người biểu tình dính hơi cay. Ảnh: Epoch Times


Trong cuộc buổi họp báo vào lúc 23 giờ 30 (tức 22 giờ 30 VN), tức 30 phút trước thời hạn "tối hậu thư" yêu cầu ông Lương Chấn Anh từ chức kết thúc, vị Đặc khu trưởng Hồng Kông tiếp tục bác đề nghị từ chức. Ông Lương khẳng định "con đường duy nhất để có bầu cử phổ thông đầu phiếu vào năm 2017 là đi theo quyết định của Bắc Kinh".

Theo CNN, sáng 3-10, người biểu tình đã chặn 2 chiếc xe chứa thực phẩm dành cho cảnh sát trước trụ sở văn phòng của ông Lương Chấn Anh. Đám đông người biểu tình hô vang: “đáng xấu hổ” và “Chúng tôi không tin ông”.

Hàng chục sĩ quan cảnh sát tại hiện trường được trang bị mũ bảo hộ, khiên chắn và thậm chí cả dùi cui. Theo Wall Street Journal, cảnh sát đã được nhìn thấy mang hơi cay và đạn cao su vào khu nhà chính quyền. Ông Lương Chấn Anh cũng cảnh báo hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu người biểu tình vượt qua hàng rào cảnh sát.

Thứ Sáu, 08:54  03/10/2014
Đỗ Quyên (Theo SCMP, Reuters, CNN)

Cảnh sát HK hay quân đội TQ sẽ giải tán đoàn biểu tình?

Đăng Bởi  - 

Lính TQ canh gác trụ sở PLA ở HK
Lính TQ canh gác trụ sở PLA ở HK
Do người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông (HK) dọa tăng áp lực để đòi đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức, các chuyên gia an ninh nhận định rất có khả năng chính quyền đặc khu hành chính  HK sẽ lệnh cho cảnh sát dùng vũ lực để giải tán người biểu tình.  

Người biểu tình bên ngoài Khu phức hợp chính quyền đặc khu nói: kế hoạch của họ sẽ là ngăn không cho ông Lương đến làm việc trong ngày 3.10, khi các quan chức chính quyền trở lại làm việc sau hai ngày nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc (TQ). 
HK đã triển khai 7.000 trong 35.000 cảnh sát nhằm giải tán người biểu tình bằng hơi cay. Nhưng hành động này chỉ càng có thêm hàng ngàn người biểu tình. Ông Lương sau đó ra lệnh cảnh sát chống bạo loạn giữ khoảng cách.

Cảnh sát HK  
Sáng 2.10, Nhân dân nhật báo-cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc-có bài xã luận trên trang nhất, nêu cuộc biểu tình ở HK có thể gây ra sự rối loạn, gây tổn thất cho sự thịnh vượng dài lâu và nền kinh tế của HK. 
Đó cũng là nỗi quan ngại của chính quyền HK.
Bài xã luận không ghi tên tác giả, sử dụng ngôn ngữ mạnh nhất: “Các hành vi này tự thân là sự bất tuân pháp luật và vi phạm nền dân chủ”.
Bài viết còn nêu: “Không chỉ bảo vệ quyền lợi và an ninh quốc gia, mà còn bảo vệ quyền lợi của HK, bảo vệ quyền lợi của rất đông đồng bào HK và nhà đầu tư, cùng duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của HK”.
Sẽ triển khai PLA ?
Bắc Kinh và ông Lương đều nói thành phố sẽ tự giải quyết tình hình. Ông Lương nói hôm thứ Ba tuần qua: “Khi xã hội HK có vấn đề, lực lượng cảnh sát của chúng tôi có khả năng xử lý, và chúng tôi sẽ không cần vận động Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA)”.
Khi TQ nhận lại quyền kiểm soát HK từ Anh năm 1997, Bắc Kinh có ra một luật quy định về cách triển khai một đơn vị PLA đồn trú tại HK.
Luật này qui định chính quyền HK có quyền đề nghị chính quyền trung ương TQ duyệt “có sự hỗ trợ của đơn vị PLA ở HK để duy trì trật tự trị an và khi cần cứu hộ thảm họa-thiên tai”.
Các chuyên gia nêu nhiều lý do tại sao Bắc Kinh có thể đưa quân vào: nếu cuộc biểu tình trở nên bạo lực và phải đóng cửa thành phố.
Nếu cuộc phản đối lan vào Trung Hoa đại lục, hoặc nếu cảnh sát HK không thể hoặc chống lệnh trấn áp.
“Tôi có nhiều năm dạy cảnh sát HK, nên tôi biết có nhiều sĩ quan cảnh sát ủng hộ người biểu tình”, là lời của ông Borge Bakken, một chuyên gia về TQ ở đại học quốc gia Úc, và trước đây từng dạy môn luật cho các sinh viên gồm cảnh sát HK.
Edward Schwarck, nhà phân tích châu Á ở Viện Royal United Services Institute (Anh) nói thay thế cảnh sát HK có thể không là PLA vốn có nhiều căn cứ tại HK và trụ sở chính nằm gần khu biểu tình trong Khu Đô đốc.

Trụ sở PLA trong thành phố HK 
Sử dụng lực lượng dân quân võ trang ?
Ông nói thay thế cảnh sát trong việc giải tán đám đông có thể là lực lượng Dân quân võ trang, một đơn vị bán quân sự của PLA. Ở TQ, lực lượng này được vận động để giải tán các vụ gây rối dân sự.
Ông Schwarck nói: “Câu hỏi lướt qua trí tuệ Bắc Kinh, liệu cảnh sát HK là công cụ chuẩn để sử dụng ở đây? Thay thế là Dân quân võ  trang. Họ có thể trông cậy vào một sự đối phó mạnh mẽ”.
Theo báo Wall Street Journal, Dân quân võ trang TQ giống Vệ binh quốc gia Mỹ và được gọi là wujing. Họ được huấn luyện sử dụng khiên, gậy, súng bắn nước cùng các phương tiện không gây sát thương trong các vụ bất ổn dân sự nội địa.
Đối với cảnh sát HK, một vấn nạn là đã sử dụng hơi cay quá sớm trong việc giải tán đám biểu tình, vì họ không có biện pháp khác. Ông Schwarck nói: 
“Nay họ không có nhiều giải pháp, nên có thể việc bắn đạn cao su là một lựa chọn”.
Dân quân võ trang cũng được huấn luyện sử dụng vũ khí, và đã triển khai đến các vùng bất ổn của TQ là Tây Tạng và Tân Cương.

Dân quân võ trang ở Tân Cương 
Dù không có quy định được triển khai Dân quân võ trang ở HK, các nhà phân tích nói một số hoạt động lớn nhất của lực lượng này là ở tỉnh Quảng Đông lân cận HK.
Được phiên chế thành 24 lữ đoàn ở Quảng Đông, các dân quân rèn luyện tại một cơ sở ở cách thành phố Đông Quán khoảng 75 km. Một số nguồn tin nói lực lượng này mỗi năm tập huấn một tháng.
Theo số liệu của giáo sư Xie Yue thuộc khoa chính trị-quan hệ đối ngoại ở đại học Tongji (Thượng Hải), chính quyền TQ chi mạnh cho an ninh nội địa ở tỉnh Quảng Đông, khoảng 12 % nguồn thu của tỉnh trong vài năm gần đây, và gần gấp đôi so với khoản chi cho các tỉnh nội địa nghèo hơn.
Trong khi có ước tính đơn vị PLA ở HK có khoảng từ 8.000 đến 10.000 quân  bộ binh, không quân và hải quân, thì chỉ có khoảng 4.000 quân đóng trong thành phố. PLA hầu như “vô hình” tại HK,ngoại trừ vài lần xe của họ chạy trên đường, và các quân nhân đều tuân thủ quy định mặc quần áo dân sự khi ra đường.
Lực lượng an ninh nội chính HK thì lớn hơn, có khoảng 36.500 cảnh sát vào cuối năm 2013, và lữ đoàn phòng cháy chữa cháy có khoảng 10.000 người.
Bảo Vĩnh (theo The Wall StreetJournal)

Giấc mơ Hong Kong

017_199529.jpg
Joshua Wong Chi-Fung, người sáng lập nhóm Scholarism, nói chuyện với người biểu tình tại Hồng Kông vào ngày 02 tháng 10 năm 2014-AFP photo
Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-10-02
Cảm xúc
Cuộc cách mạng đòi dân chủ ở Hồng Kong đi nhanh hơn dự kiến của rất nhiều người và nó thực sự truyền cảm hứng cho những người đang theo đuổi cái khát vọng dân chủ ở người Việt Nam như tôi. Nó là một phòng trào tôi nghĩ rằng khiến rất nhiều người trẻ không chỉ là những người theo đuổi phong trào dân chủ suy nghĩ mà tôi đặc biệt tin rằng các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ nhìn vào để nghĩ về mình và nhìn về tương lai đất nước Việt Nam.
Đó là phát biểu của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng là blogger Mẹ Nấm về những gì đang diễn ra tại Hong Kong. Tin tức và xúc cảm về cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong tràn ngập các trang blog tiếng Việt trong những ngày đầu thu này. Blogger Song Chi viết rằng:
Vốn có một niềm ác cảm chung với chế độ độc tài toàn trị ngạo mạn của Trung Quốc, những người VN yêu thích tự do, dân chủ lập tức bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ đối với tinh thần dũng cảm, cách tổ chức biểu tình đầy khoa học, sự đoàn kết của sinh viên, học sinh và người dân Hong Kong.
Blogger Trương Nhân Tuấn lại suy nghĩ về khái niệm Tổ quốc vốn hay bị các đảng cộng sản Trung quốc và Việt nam đánh đồng cùng với những mô hình chính trị của họ, ví dụ như là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt nam, hay chương trình học đường yêu nước mà Bắc Kinh áp đặt lên người dân Hong Kong cách đây hai năm. Nhưng những gì đang diễn ra ở Hong Kong cho thấy rằng sự đánh đồng khái niệm đó không còn thành công dễ dàng nữa. Ông giải thích tại sao những người biểu tình ở Hong Kong hiện nay dường như đang từ bỏ “tổ quốc” Trung hoa của họ
Lý do họ muốn từ bỏ tổ quốc Trung Hoa vì « tổ quốc » này (ngự ở Bắc Kinh) trước hết là một « tổ quốc » độc tài và hung bạo. Tổ quốc này đã không che chở, bảo vệ họ, cũng không đem lại sự thịnh vượng như ngày xưa. Tệ hơn, tổ quốc này muốn tước bỏ những gì mà nhà nước « thực dân » ngày trước đã đem lại cho họ (cũng như tổ tiên của họ), như sự tự do, sinh hoạt dân chủ, các quyền làm người được tôn trọng…
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh thì nhân đó đưa ra lời khuyên cho những người cộng sản Trung Hoa đang nắm quyền ở Bắc Kinh rằng những người Hong Kong đang vinh danh cho dân tộc Trung Hoa trên khắp thế giới vì những hành động cổ súy những giá trị dân chủ của họ:
Người Đông Nam Á chúng tôi đã tôn trọng và học hỏi gì đó từ người Hoa thì cũng là người Hoa Đài Loan, Singapore và Hồng Kong chứ không phải từ người Hoa lục địa. Và ngày nay khi người Hoa Hồng Kong phô bày nền tảng giáo dục của họ ra trên đường phố, chúng tôi càng yêu quý và mến phục họ hơn. Những con người văn minh lịch sự đó đang ảnh hưởng mạnh mẽ lên chúng tôi từng giờ từng phút chứ không phải những hạm đội lúc nhúc của ông đang mưu đồ xua xuống biển Đông. Ông (Tập Cận Bình) nên hiểu điều đó.
Thực tế buồn lòng
Nhưng bên cạnh các cảm xúc khởi hứng từ những chiếc dù cách mạng đang giương lên hay những chiếc nơ vàng xinh xắn trên ngưc áo các sinh viên Hong Kong, blogger Việt Nam cũng biết rằng chuyện Hong kong đối với Viet nam hãy còn là một giấc mơ. Blogger Song Chi viết tiếp:
Phong trào biểu tình bất tuân dân sự ở Hong Kong rõ ràng đã tạo cảm hứng và cả niềm hy vọng cho những người Việt Nam còn nặng lòng với vận mệnh của đất nước. Trong sự ngưỡng mộ, có cả nỗi ngậm ngùi cảm thán cho tinh thần của người VN và một câu hỏi nhức nhối trong tâm trí, trên môi và trên đầu ngọn bút của mỗi cá nhân, mỗi nhà báo, mỗi blogger VN: “Bao giờ cho đến VN? Bao giờ thì người VN mới thức tỉnh, đứng lên vì vận mệnh của đất nước, dân tộc, vì tương lai của chính mình, con cháu mình?”
Và sự so sánh Hong Kong Việt nam lại càng làm nhiều nhà hoạt động dân chủ buồn lòng hơn khi thấy rõ rằng những gì mà người dân Hong Kong, dù sống trong cái gọi là một quốc gia hai chế độ với những áp chế từ Bắc Kinh, thực ra chưa là gì cả so với những gì mà người Việt đang chịu đựng. Blogger Viết từ Sài gòn viết rằng:
Thật là buồn khi phải nói rằng chưa, chưa bao giờ có số người đông như vậy, mặc dù Việt Nam sống trong độc tài, chuyên chế và nhân dân đã chịu đựng cái ách này nặng gấp ngàn lần nhân dân Hồng Kông nhưng chưa bao giờ người Việt dám đứng lên mạnh mẽ, đồng loạt như người Hồng Kông.
Nhưng bên cạnh đó Viết từ Sài gòn cũng hiểu rằng hai xã hội là khác nhau do lịch sử hà khắc về chính trị ở Việt nam, và do lịch sử tự do ở Hong Kong. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết
Điều đó nói lên cái gì? Nói lên rằng Hồng Kong trải qua trên 100 năm trong một thể chế dân chủ văn minh đã tạo ra một nền tảng xã hội nhân bản và lành mạnh, hun đúc những người Hoa nông dân nghèo khó ra một cộng đồng người Hoa văn minh vượt trội sánh ngang với những cộng đồng dân cư tiến tiến khác trên thế giới.
Trong suốt một tuần qua, rất nhiều bạn trẻ quay lại nhìn sự thụ động chính trị của sinh viên, học sinh Việt nam, và nhiều người đồng ý rằng hệ thống cai trị của đảng cộng sản, mà đi liền với nó là một nền giáo dục tuyên truyền đã thành công trong việc giữ sinh viên Việt nam trong trạng thái những đưa trẻ không quan tâm gì đến chuyện chính trị. Blogger Song Chi viết tiếp:
Còn học sinh, sinh viên VN ngày nay đã bị nhồi sọ, tẩy não qua bao thế hệ bởi một nền giáo dục lạc hậu, sai trái, chỉ đào tạo ra những con người chạy theo bằng cấp, chức tước, địa vị, tiền bạc mà không quan tâm đến chính trị, tự do, dân chủ, chỉ biết nghĩ cho cá nhân, gia đình mình mà không biết hy sinh vì quyền lợi chung của đất nước, dân tộc. Một nền giáo dục nhồi nhét những kiến thức chết mà không dạy con người biết làm người đúng nghĩa, biết nhục vì cái nghèo cái lạc hậu của đất nước thay vì cứ tuyên truyền tự hào về một quốc gia từng mấy lần “chiến thắng” các đế quốc to. Một nền giáo dục bóp méo lịch sử, bóp méo sự thật, dối trá, tôn sùng lãnh tụ, sợ hãi trước sức mạnh của bạo lực, thể chế và quỵ lụy vì sức mạnh của vật chất.
Và chính vì sự khác biệt đó mà cây bút Dân Nguyễn, trong bài viết kể lại kinh nghiệm thuyền nhân của mình trong các trại tị nạn ở Hong Kong vào thập niên 80 của thế kỷ trước cho rằng cho tới giờ này dân Việt nam vẫn đành cam chịu thân phận sống chung với lũ.
000_Hkg4129865-400.jpg
Một sinh viên Việt Nam cầm cờ Đảng cộng sản tại Hà Nội. AFP photo
Sự việc sống chung với lũ đó đối với những người mong muốn một tương lai tinh thần tốt đẹp cho Việt nam thấy rằng không phải là cuộc sống của một con người.
Blogger Hoàng Ngọc Tuấn kể lại chuyện một người bạn vốn thân thiết từ Việt nam sang Úc chơi. Người này không hề quan tâm tới những chuyện dân chủ nhân quyền, hay những giá trị trừu tượng khác của nhân loại mà sẳn sàng thõa thiệp với những kẻ mạnh trong xã hội mà trục lợi. Cuộc gặp gỡ người bạn cũ cũng là lần chia tay không tuyến bố của Hoàng Ngọc Tuấn. Ông kết thúc bài viết:
Cuộc sống của con người — đúng nghĩa là Con Người — thì không chỉ sống để kiếm ăn và khi có nhiều đồ ăn thì hả hê mãn nguyện, bất chấp công lý, bất chấp đạo đức.
Blogger Nguyễn văn Thạnh thì so sánh sự nhẫn nhục chịu đựng giống như những con ngựa được thuần hóa và anh nói rằng
Người Hồng Kông đã sống với kiếp người, trong khi nhiều dân tộc khác còn sống dưới dây cương, roi da và tấm màng che mắt của kiếp ngựa.
Còn một nhà hoạt động xã hội dân sự khác thì cay đắng trích lời một học giả rằng:
Khi nói với những người nô lệ về sự tự do sẽ nhận được những nụ cười mỉa mai!
Sinh viên Thanh niên Việt Nam sẽ làm gì?
Một “hiện tượng” làm cho nhiều người ngạc nhiên là diễn biến chính trị ở Hong Kong lần này được báo chí Việt nam tường thuật đầy đủ và khách quan, mặt dù các tờ báo có liên hệ chặt chẽ với dảng cộng sản hay là đài truyền hình vẫn im lặng. Nhiều người nói rằng với não trạng và hiểu biết của thanh niên Việt nam hiện nay thì chính quyền Việt nam không có gì lo lắng.
Bên cạnh đó đối với thanh niên sinh viên Việt nam, đối với những nhà hoạt động dân chủ Việt nam, còn có nỗi lo lắng về sự đàn áp sắt máu vốn rât quen thuộc của những chính quyền cộng sản. Blogger Kami viết:
Tóm lại, đối với những người Cộng sản, bất kể họ là Cộng sản Trung quốc hay Việt nam thì một khi sự ổn định của chế độ bị đe dọa, thì việc họ sử dụng quân đội với vũ khi võ trang, thậm chí là võ trang hạng nặng như xe tăng, thiết giáp... hoặc dùng súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình một cách không thương tiếc là một điều không phải bàn cãi.
Nhà báo Đoan Trang thì viết rằng:
Hiện giờ ở Việt Nam, có lẽ những người đang theo dõi, nghiên cứu sát sao phong trào Occupy Central không là ai khác ngoài… lực lượng an ninh. Tôi cũng tin rằng cho dù kết quả của Occupy Central có như thế nào, sau sự biến “Mùa thu Hương Cảng” này, an ninh, tuyên giáo… sẽ càng cảnh giác cao độ và xiết chặt kiểm soát giới trẻ Việt Nam hơn nữa, đặc biệt là đối với sinh viên.
Đoan Trang là một trong những người đầu tiên đưa hình ảnh chiếc nơ vàng của những sinh viên Hong kong lên trang mạng của mình. Cô viết thêm rằng những gì diễn ra ở Hong kong không phải tự nhiên mà có, ngoài nền tảng dân chủ trong não trạng người dân Hong Kong, những nhà hoạt động cũng bỏ nhiều thời gian để chuẩn bị cho những ngày biểu tình ngoạn mục đang diễn ra. Dù không tin rằng giấc mơ Hong kong của những nhà hoạt động dân chủ sẽ thành hiện thực trong tương lai gần, nhưng cô viết thêm
Nhưng cũng không sao, phải không các bạn trẻ? Tất cả chúng ta sẽ cùng học.
Việc này chắc chắn không dễ dàng vì mới đây hơn một năm thôi những sinh viên ký tên ủng hộ Nguyễn Phương Uyên cùng nhau rút ý kiến. Nhiều người cho rằng đó là sự sợ hãi vốn ngư trị trong xã hội Việt nam hơn nữa thế kỷ qua.
Xin mượn lời nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng để kết thúc bài điểm blog đặc biệt về Hong kong hôm nay:
Vượt qua sự sợ hãi có khó không ?
Không hề khó, khi bạn bình thản đối mặt với nỗi sợ hãi nó sẽ phải lùi bước.
Khó hơn cả là cảm giác cô đơn, khi bạn tưởng rằng không có ai hiểu mình, rằng mình đang một mình đi trên con đường dài hun hút không có bạn đồng hành.
Hãy lên tiếng, bạn sẽ thấy mình không cô đơn.

Bắc Kinh chọn 'quan khâm sai' lãnh đạo Hồng Kông?



Ông Uông Dương
Ông Uông Dương
Tình hình căng thẳng tại Hồng Kông đang dâng cao do giới trẻ biểu tình đòi dân chủ mà cụ thể là được quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo vào năm 2017. Để giải quyết êm thấm sự rối ren này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có kế hoạch gửi "quan khâm sai" đến Hồng Kông ổn định tình hình.

Theo Want China Times, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nhiều khả năng được Chủ tịch Tập Cận Bình giao cho nhiệm vụ sẵn sàng giải quyết sự vụ tại Hồng Kông thay cho lãnh đạo Hồng Kông hiện giờ là Lương Chấn Anh (CY Leung). Phong trào Chiếm Trung ương của Hồng Kông vẫn còn đang mạnh, dù bị cảnh sát dùng hơi cay để giải tán suốt mấy ngày qua. Điều này khiến Bắc Kinh lo lắng dù họ đã có sự đề phòng từ trước.
Gần hai tuần trước khi biểu tình tại Hồng Kông chính thức bắt đầu, ông Uông 59 tuổi đã thực hiện một chuyến kinh lý tại tỉnh Quảng Đông, giáp với Hồng Kông với mục đích được thông báo là "kiểm tra một số việc liên quan đến ngoại thương".
Ông Uông là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông từ năm 2007 đến năm 2012, đã tuần du các thành phố khác nhau trên địa bàn tỉnh trong 2 ngày (11 và 12.9), bao gồm Thâm Quyến, Đông Quan và Chu Hải.
Trang tin tức chính trị Duowei cho rằng chuyến thăm Quảng Đông ở thời điểm quan trọng này không hề ngẫu nhiên mà cho rằng mục đích sâu xa là nhằm nắm bắt sát sao tình hình ở Hồng Kông. Sau đó, ông Uông đã về Bắc Kinh báo cáo tình hình.
Duowei nói Chủ tịch Tập Cận Bình đã suy tính cẩn thận trước khi "chọn mặt gửi vàng", giao cho ông Uông nhiệm vụ xử lý hậu quả của phong trào Chiếm Trung ương mà Bắc Kinh đã biết từ nhiều tháng trước, đặc biệt là khi Bắc Kinh nhận thấy lãnh đạo Hồng Kông hiện giờ là Lương Chấn Anh (CY Leung) xử lý mọi việc thiếu mềm dẻo.
Ông Uông được coi là một chuyên gia giải quyết linh hoạt các vấn đề liên quan đến biểu tình và ông đã chứng tỏ được mình trong việc giải quyết cuộc biểu tình ở làng Ô Khảm (Wu Kan) thuộc Quảng Đông vào năm 2011. Vào thời điểm đó, chính quyền địa phương sử dụng chiến thuật mạnh tay để dập tắt tình trạng bất ổn và tình hình khi đó gần như vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, sau khi ông Uông xuất hiện giải vây, ông đã làm dịu căng thẳng bằng cách phóng thích một số dân làng bị bắt giữ và hứa hẹn không truy tội họ để đổi lấy thanh bình. Dân làng sau đó được phép tổ chức bầu cử để tự lựa chọn người lãnh đạo mới và tình hình yên ổn từ đó đến giờ.
Dù thông tin ông Uông về lãnh đạo Hồng Kông hay về lúc nào chưa chính thức được xác nhận nhưng Duowei cho rằng "kinh nghiệm" của ông Uông lúc này là tài sản vô giá để bình ổn Hồng Kông.
  - 
Anh Tú (theo WCT)

Hãng AFP: Sinh viên Hồng Kông đồng ý đàm phán với chính quyền

Theo Soha.vn-03/10/2014 07:37

Người biểu tình tập trung trước văn phòng Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông tối 2/10. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 3/10, hãng AFP đưa tin các thủ lĩnh sinh viên đang biểu tình tại Hồng Kông đã đồng ý gặp chính quyền để thảo luận về các yêu sách của họ.

    Tuy nhiên, các thủ lĩnh sinh viên thề sẽ tiếp tục chiếm các con phố cho tới khi đạt được mục tiêu về hình thức phổ thông đầu phiếu.
    Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh đưa ra lời đề nghị đàm phán đêm 2/10, nhóm biểu tình cho biết: "Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS) sẽ có cuộc gặp công khai với Tổng Vụ trưởng Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam)."
    Tuy nhiên, nhóm biểu tình trên cho rằng việc ông Lương từ chức chỉ "còn là vấn đề thời gian"./.

    Xe khách đua tốc độ, 13 người thương vong

    ÐẮK LẮK (NV) - Lái xe trong trạng thái đang “phê” ma túy, tài xế đã đua xe với đối thủ để giành khách, bất chấp mạng sống của mọi người và chính mình để rồi gây tai nạn kinh hoàng.

    Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 1 tháng 10, trên Quốc lộ 14 thuộc huyện Ea H'leo, tỉnh Ðắk Lắk, đã xảy ra một vụ tai nạn xe khách tông xe máy làm 2 người chết và 11 người bị thương. Theo báo Thanh Niên, vào thời điểm trên xe khách của hãng xe Thanh Hiếu, Ðắk Lắk do tài xế Trần Thế Nam (33 tuổi), ngụ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk, lái chạy hướng Gia Lai-Ðắk Lắk.

    Chiếc xe máy của nạn nân gãy đôi, biến dạng - Ảnh: Đình Năm
    Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc. (Hình: báo Thanh Niên)

    Khi đến địa phận thôn 1, xã Ea H'leo, đã đâm vào xe máy do ông Võ Trung Trực (58 tuổi) đang chở vợ là bà Bùi Thị Hạnh (54 tuổi) ở thôn 1, xã Ea H'leo, đang trên đường làm rẫy trở về nhà. Cú đâm quá mạnh làm chiếc xe máy bị bẹp dúm, gãy đôi và biến dạng, hai người tử vong tại chỗ. Xe khách nát đầu hư hỏng nặng.

    Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Đình Năm
    Hiện trường vụ tai nạn – Ảnh: Đình Năm-Tuoitre.vn

    Ngay sau đó, hơn chục người bị thương đã được đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Ea H'leo. Trong số đó, có 5 nạn nhân bị thương rất nặng, 3 người nguy kịch, gồm cả tài xế đã được đưa lên bệnh viện tỉnh Ðắk Lắk cấp cứu.

    Theo thông tin ban đầu từ người dân thì xe khách này chạy trên quốc lộ tăng tốc với tốc độ cao, bấm còi liên tục, đang đua với một xe khách khác cùng chiều để dành khách.

    Bà Hồ Thị Cẩm Hồng, hành khách đi trên xe khách gây nạn kể: “Tôi ngồi gần cửa sổ, khi hai xe tông nhau, tôi bị văng ra xa 15 m, bị thương ở đầu và tay. Tôi thấy nhiều hành khách khác cũng bị hất tung, nằm la liệt khắp nơi...”

    Ðến chiều ngày 2 tháng 10, trong 5 nạn nhân được chuyển lên bệnh viện Ðắk Lắk có một người đã xuất viện. Bốn người còn lại bị đa chấn thương đang được theo dõi, trong đó tài xế Nam bị nặng nhất do chấn thương sọ não, đang trong tình trạng hôn mê.

    Cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, người nhà tài xế Nam cho hay, người này từng ở tù 2 năm do phạm luật giao thông tông chết người.

    Ðặc biệt, Bác Sĩ Nguyễn Ðại Phong, phó giám đốc bệnh viện tỉnh Ðắk Lắk, cho biết, kết quả kiểm tra nước tiểu của tài xế Trần Thế Nam dương tính với chất ma túy. (Tr.N)
    10-02-2014 12:54:22 PM
    Theo Người Việt

    Kinh hoàng vụ chặt xác ‘em dâu-người tình’

    SÀI GÒN (NV) - Mấy ngày nay ở Việt Nam đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán vụ giết người chặt xác ở Sài Gòn, bởi sự dã man và nhiều tình tiết bất ngờ của vụ việc.

    Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 16h ngày 28 tháng 9, 2014, trong lúc Ðặng Văn Tuấn (44 tuổi) dùng ma túy đá với bà Bùi Thị Hạnh (40 tuổi) thì hai bên nảy sinh mâu thuẫn.


    Hiện trường phát hiện xác chết trong bao tải. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

    Trong cơn tức giận, lại đang bị kích động của ma túy, Tuấn đã khóa cửa nhà lại, dùng thanh gỗ đánh vào đầu bà Hạnh. Thấy bà Hạnh chỉ ngất chưa chết, Tuấn dùng tay siết cổ cho đến chết hẳn mới chịu bỏ ra. Tuấn kéo thi thể bà Hạnh vào nhà tắm. Do để vậy đến 2 ngày, hàng xóm phát hiện có mùi hôi, hỏi Tuấn thì Tuấn chối, nói không có gì.

    Ðến chiều tối ngày 30 tháng 9, xác bà Hạnh bắt đầu phân hủy mạnh, bốc mùi hôi thối nên Tuấn chặt xác ra thành nhiều mảnh, cho các phần thi thể vào 2 túi ni lon dán kín, bỏ vào bao tải. Sau đó Tuấn mang đến một con hẻm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1, cách nhà khoảng 300 mét rồi ném xuống.

    Riêng phần đầu nạn nhân, Tuấn cho vào túi rồi mang đến bãi đất trống bên cầu Lò Gốm, quận 6 chôn xuống một hố nước, cỏ mọc um tùm để phi tang. Ðiều đặc biệt là sau khi gây án, Tuấn có nói chuyện này cho một người hàng xóm, cũng làm nghề lái xe ôm nghe, nhưng người này không tin.

    Song, khoảng 3h sáng ngày 1 tháng 10, 2014, nhiều người dân trong hẻm nơi Tuấn bỏ xác kinh hoàng khi phát hiện xác người bỏ trong 2 bao tải vứt giữa đường và báo công an, thì người này mới trình bày những gì nghe được báo lại cho công an bắt giữ hung thủ.

    Khi công an đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, truy tìm hung thủ thì Tuấn về nhà, đóng cửa rồi dùng dao cắt mạch máu ở tay để tự sát. Sau khi được các bác sĩ cứu sống, Tuấn tỉnh lại rồi bắt đầu khai nhận hành vi của mình.

    Theo những người sống tại hẻm TK53, phường Cầu Kho, quận 1, nơi Tuấn và bà Hạnh chung sống thì, mối quan hệ của gia đình Tuấn rất phức tạp. Trong căn nhà có Tuấn, Hạnh, Thành và Kiệt (con trai của Tuấn với vợ trước) cùng chung sống.

    Tuấn đã từng thụ án 7 năm về tội “buôn bán ma túy.” Sau khi mãn hạn tù, về chung sống với em trai là Ðặng Văn Thành.

    Năm 2012, ông Thành đưa bà Hạnh đã có mấy đời chồng và 2 con riêng về nhà sống như vợ chồng. Thế nhưng năm 2013, khi Tuấn ra tù trở về, thì bà Hạnh bỏ Thành để sống chung với Tuấn như vợ chồng tại nơi xảy ra án mạng.

    Từ đó, giữa hai anh em ruột thường nảy sinh mâu thuẫn. Biết anh trai có tình cảm với vợ mình, nhưng ông Thành vẫn cố cam chịu vì không muốn làm mâu thuẫn thêm trầm trọng. Ông Thành buồn bã cho biết, “Từ khi lấy anh Tuấn, nếu tôi muốn quan hệ tình dục với Hạnh thì phải trả tiền cho cô ta.”

    Do tính tình ngang ngược,vì muốn chiếm bà Hạnh nên gần đây, Thành và Kiệt bị Tuấn đuổi ra khỏi nhà trước khi xác hại “em dâu-người tình.”

    Nguyên nhân dẫn đến việc Tuấn sát hại bà Hạnh vẫn đang là ẩn số. Hiện công an đang tiếp tục lấy lời khai của Tuấn và những người liên quan để tiếp tục làm rõ động cơ gây án của hung thủ. (Tr.N)
    10-02- 2014 12:58:23 PM
    Theo Người Việt

    Việt Nam: Ngân sách nhà nước không thể là “tài liệu mật”

    HÀ NỘI (NV) .- Đó là ý kiến của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội CSVN, khi công bố ý kiển thẩm định về dự luật sửa Luật Ngân sách Nhà nước.


    Một Kho bạc Nhà nước ở Việt Nam. (Hình: TBKTSG)

    Theo ông Hiển, nhà cầm quyền Việt Nam phải gia tăng việc cung cấp thông tin về các khoản dự thu, dự chi, bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch. Cũng vì vậy, không thể xếp các báo cáo về ngân sách nhà nước vào loại “tài liệu mật” .

    Thay mặt Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội, nhân vật hiện là Chủ nhiệm của Ủy ban này yêu cầu, chỉ xếp những thông tin liên quan tới an ninh, quốc phòng vào dạng “mật”. Dự luật sửa Luật Ngân sách Nhà nước phải cụ thể hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội và của công dân. Các hành vi được xác định là nghiêm cấm cần phải đi kèm những qui định chế tài nếu có vi phạm bởi phải giữ “kỷ luật tài chính”.

    Ông Hiển đòi việc chi tiêu bằng ngân sách phải tuân thủ quy định tại Hiến pháp: thu - chi phải theo dự toán. Thành ra phải xác định “Kho bạc không được chi nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền”.

    Chủ nhiệm Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội Hà Nội cũng yêu cầu đưa trái phiếu chính phủ, công trái quốc gia vốn đang nằm bên ngoài ngân sách vào việc cân đối ngân sách để việc sử dụng ngân sách bảo đảm yếu tố minh bạch, toàn diện và phải được Quốc hội cho phép.

    Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, các thành viên trong Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội không đồng tình với đề nghị của chính phủ Việt Nam về việc nâng mức dư nợ đối với Hà Nội và Sài Gòn từ 100% lên 150% và với các tỉnh khác từ 30% lên 50% - 100% vì như thế là quá cao.

    Việt Nam hiện có rất nhiều bộ luật liên quan đến ngân sách nhà nước. Ngoài Luật ngân sách Nhà nước đang được xem xét để sửa, Việt Nam còn Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật Tiết kiệm và Chống lãng phí, Luật Đấu thầu. Chưa kể chế độ Hà Nội còn dự tính ban hành Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

    Tuy nhiên hồi tháng 11 năm ngoái, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư CSVN cảnh báo, kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn “đào củ mài để ăn” vì chi tiêu vô tội vạ. Lúc đó, ông Vinh nhấn mạnh “đất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan”.

    Lãnh đạo chính quyền các địa phương vung tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện đủ loại dự án, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

    Cũng vào cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các dự án kinh tế. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, dựa trên đề nghị của nhà cầm quyền các địa phương, CSVN đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân.

    Tổng vốn đầu tư cho tất cả các dự án kinh tế này khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như hầu hết các dự án này đều bỏ hoang sau khi hoàn tất, hoặc thực hiện dở dang rồi bỏ. Theo một số chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam, năm nào chi tiêu cho đầu tư công cũng tăng so với dự tính, có năm tăng đến 30%  nhưng hiệu quả gần như bằng 0.

    Ông Lê Xuân Bá – cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từng phân tích, về nguyên tắc, dự án đầu tư sẽ không được chi tiền nếu không nằm trong kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án đầu tư không hề có trong kế hoạch đã được phê duyệt vẫn được chi tiền. Ông Bá khẳng định, lý do dẫn tới thực trạng này là vì chính quyền các địa phương có thể lập dự án đầu tư và “chạy” để “trung ương đồng ý chi tiền”      

    Tình trạng chi hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác cho đủ loại dự án không sinh lợi nhưng không có bất kỳ viên chức nào phải chịu trách nhiệm đã trở thành bình thường. Tuy chế độ Hà Nội vẫn tuyên bố “chống tham nhũng”, “chống lãng phí”, thực hiện “công khai, minh bạch” nhưng vẫn muốn giữ các dự toán thu, chi ngân sách là “tài liệu mật”. (G.Đ)
    10-02 2014 4:05:49 PM
    Theo Người Việt

    Little Saigon: Giới trẻ xuống đường ủng hộ sinh viên Hong Kong

    10-01-2014 6:02:48 PM
    Linh Nguyễn/Người Việt

    WESTMINSTER, California (NV) – Một cuộc xuống đường ủng hộ giới trẻ Hong Kong, do giới trẻ gốc Việt tại Little Saigon tổ chức, diễn ra lúc 7 giờ tối Thứ Ba, 30 Tháng Chín, tại sân cỏ của khu Asian Village, Little Saigon, California.


    Blogger Đoan Trang (trái) và cô Kathy Nguyễn tại cuộc xuống đường tối Thứ Ba. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

    “Mặc dù hôm nay là ngày mọi người đi làm, đi học, nhưng chúng tôi quyết định tụ họp tại đây để lên tiếng ủng hộ cuộc tranh đấu của các bạn sinh viên Hong Kong, chống lại chính quyền Trung Cộng, đòi hỏi tự do, dân chủ,” cô Ngọc Phương Nam, đại diện tổ chức Thanh Niên Cờ Vàng, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

    “Ban tổ chức chúng tôi gồm các đoàn thể trẻ, như Thanh Niên Cờ Vàng, Đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính và nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước Hải Ngoại,” người bạn trẻ nói thêm.

    Cô cũng cho biết, “nghe được lời kêu gọi của sinh viên Hong Kong qua YouTube, rằng họ sẽ biểu tình lớn vào ngày 1 Tháng Mười (giờ Hong Kong), nên ban tổ chức quyết định phải lên tiếng ngay cho đồng bộ.”

    Gần 50 người, đa số là giới trẻ, mặc áo thun đen, trên áo có một chiếc nơ màu vàng. Một người cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ, rất khí thế. Số người còn lại trên tay mang cờ Mỹ, Việt, hay các bảng biểu ngữ với hàng chữ “Down with Red China,” “Put an End to One-Party Dictatorship,” “Today Hong Kong-Tomorrow Vietnam,” “Free Election for Hong Kong.”

    “Chúng em mong các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước cũng sẽ đứng lên như các sinh viên Hong Kong, để đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Mỗi người sẽ là một ngọn lửa dâng lên, đòi hỏi quyền của con người mà nay họ không có,” cô Nam Yến, đại diện nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước Hải Ngoại, phát biểu.

    “Các bạn trẻ Việt Nam hãy học hỏi cách sinh viên Hong Kong tổ chức và ghi lấy những hình ảnh giá trị về truyền thông tuyệt vời,” cô nhận xét.


    Hình ảnh giới trẻ biểu tình ủng hộ sinh viên Hong Kong. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

    Trong khi đó, hàng chục chiếc dù màu đen, trên có dán những khẩu hiệu, như “We need REAL Democracy,” “We support Hong Kong Democracy Movement,” được để thành một hàng dài trên bãi cỏ.

    “Các bạn sinh viên Hong Kong mang dù đen đi biểu tình. Chúng tôi cũng dùng hình ảnh tương tự để nói lên sự ủng hộ và đoàn kết,” anh Đông Kiệt, một thành viên đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính, giải thích.

    Một phụ nữ cầm loa phát ra những khẩu hiệu liên tục, như “Be Strong- Hong Kong,” “Stand Up – Vietnam.”

    “Em sanh tại Hoa Kỳ và sinh hoạt với các bạn trẻ ở đây. Em cảm thấy gắn bó với cộng đồng Việt Nam từ vụ HiTek.” cô Kathy Nguyễn, 32 tuổi, thành viên nhóm Thanh Niên Cờ Vàng, phát biểu.

    Một người trẻ khác, cô Vy Nguyễn, từ San Bernadino, đến tham dự vì hiện được ... nghỉ học. “Em có cảm tưởng giống những sinh viên Hong Kong. Em thấy họ sôi sục tổ chức xuống đường nhưng không nghĩ sẽ có một Thiên An Môn thứ hai vì các bạn ấy tổ chức rất chu đáo. Mong họ dũng cảm để đứng vững trong cuộc đối đầu với Trung Cộng,” cô nói.

    Blogger Đoan Trang, từ Việt Nam sang, chia sẻ: “Chúng ta ủng hộ sinh viên Hong Kong và mong sinh viên trong nước cũng can đảm đứng lên.”

    Giáo Sư Đỗ Anh Tài, thành viên ban giám sát của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, tâm sự: “Mình lên tiếng ủng hộ giới trẻ Hong Kong, đa số là cấp tiến, đòi hỏi dân chủ. Mong rằng giới trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại nhận được thông điệp này.”

    Cuộc xuống đường cũng có sự hiện diện của ông Tyler Diệp và ông Nguyễn Mạnh Chí là hai ứng cử viên Hội Đồng Thành Phố Westminster, kỳ bầu cử Tháng Mười Một năm nay.

    ---

    Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

    PICS:Biểu tình "kiểu" Hồng Kông: Ôn hòa, trật tự và ngăn nắp

    HỒNG KÔNG (NV) - Mặc dù trời oi bức, khoảng 20,000 thanh niên Hồng Kông đổ về khu vực hành chánh và tài chánh trung tâm chiều ngày 2 Tháng Mười, biểu tình trong không khí ôn hòa, trật tự và rất ngăn nắp.

    Sở dĩ buổi chiều luôn đông hơn buổi sáng vì lúc đó hết giờ làm việc, vả lại, 2 Tháng Mười là Quốc Khánh Trung Quốc, nên nhiều người được nghỉ.


    Người biểu tình tập trung ở một đoạn đường Connaught Road Central. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

    Những người này, đa số mặc áo đen, đeo nơ vàng, nói rằng họ thuộc phong trào “Umbrella Revolution” (Cách mạng che dù).

    Cô Christine Wong, một người trong ban tổ chức, giải thích với nhật báo Người Việt: “Ban đầu phong trào biểu tình do nhóm ‘Occupy Central’ thực hiện. Sau đó, truyền thông quốc tế gọi là ‘Umbrella Revolution’ có lẽ vì thấy nhiều người mang dù để che khi bị cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su. Thế là chúng tôi chọn tên này luôn.”

    Ôn hòa

    Dù chiếm đóng khu vực tài chánh trung tâm, làm hầu hết các ngân hàng và doanh nghiệp xung quanh tê liệt, hoặc ngay cả trước tòa nhà hành chánh của đặc khu Hồng Kông, chỉ cách cảnh sát cái hàng rào, người biểu tình không hề có một sự ồn ào náo nhiệt nào.

    Không có âm nhạc, không có hoạt náo viên kích thích tinh thần người biểu tình, không cãi vã hoặc có lời nói hoặc hành động khiêu khích nhân viên công lực.


    Đa số người biểu tình là sinh viên rất trẻ. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

    Cô Alice Chen, một sinh viên còn rất trẻ, mặc áo thun màu đen, giải thích: “Màu đen tượng trưng cho hòa bình. Chúng tôi đến đây để bày tỏ quan điểm. Chúng tôi biết được cuộc biểu tình qua các trang mạng xã hội. Chúng tôi hy vọng có sự thay đổi. Chúng tôi muốn có một chính quyền công bằng.”

    Ngoài nơ màu vàng gắn trên người, những người biểu tình còn dán lên ngực miếng giấy nhỏ có hàng chữ “Keep calm, be alert” (Bình tĩnh, tỉnh táo), hoặc một số nơi treo tấm bảng lớn viết bằng tiếng Hoa là “Tiếp tục cho tới khi cuối cùng chiến thắng.”

    “Bởi vì chúng tôi muốn có nhiều người tham gia để ủng hộ chúng tôi,” anh Tony Yu, cựu sinh viên đại học UC Davis ở California, chia sẻ.

    Tấm giấy được viết bằng tiếng Việt ủng hộ dân chủ Hồng Kông. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

    “Chúng tôi không thể đối đầu với Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA). Đó là văn hóa của chúng tôi. Đó là cách biểu tình của chúng tôi. Chúng tôi không chấp nhận bạo động. Cho dù chưa biết cuộc biểu tình này có thành công hay không, bạo động không phải là cách để giải quyết vấn đề.”

    Vào khoảng 8 giờ tối, khi hay tin cảnh sát có thể dùng hơi cay để giải tán biểu tình, hàng ngàn người ngồi xuống đất, trước lối vào của tòa nhà hành chánh đặc khu. Bên kia hàng rào, hàng trăm cảnh sát chống bạo động chờ sẵn.

    Tuy nhiên, không bên nào nói chuyện với nhau, ngay cả không có những phảt biểu khiêu khích, không ai ném bất cứ vật gì về phía cảnh sát, dù hai bên chỉ cách nhau một hàng rào và đứng đối diện nhau rất gần.

    Cô Juliana Wang chia sẻ: “Khiêu khích không phải là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi chỉ phản đối chính sách của Trung Quốc không để cho dân Hồng Kông tự chọn lãnh đạo của mình. Chúng tôi đến đây để muốn nói với Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh là chúng tôi không chấp nhận tình trạng hiện nay.”

    Trật tự

    Tuy có cả chục ngàn người tham dự, cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông rất trật tự.

    Không có tình trạng đập phá hoặc vẽ bậy lên các cơ sở thương mại hoặc cơ quan chính phủ xung quanh. Tất cả những gì người biểu tình muốn bày tỏ đều được viết lên giấy, dán lên tường, hoặc treo lên một chỗ nào đó, một cách tạm thời.

    Một số biểu ngữ được treo trên các cầu vượt của người đi bộ, hoặc nhỏ hơn thì dán xuống mặt đường. Một số người cũng viết chữ xuống đường. Nói chung, hoàn toàn không có gì bị hư hại xung quanh khu vực biểu tình.

    Trong khi đó, nhiều sinh viên và học sinh tự động cầm bao đi lượm rác. Họ nhặt không sót một thứ gì, với khuôn mặt rất vui vẻ.


    Một sinh viên cầm bao đi lượm rác. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

    Tại một số nơi, mặt đường hai phía một bên cao một bên thấp, ở giữa có bức tường bê tông chặn lại, làm nhiều người phải trèo qua. Một số sinh viên đứng giữ thang để giúp họ. Họ chia ra, một thang leo lên và một thang leo xuống, và có người đứng hướng dẫn đàng hoàng.

    Khi tôi, Đỗ Dzũng, leo xuống để qua bên kia đường chụp hình, một người giữ thang, một người cầm tay, và một người còn cẩn thận đỡ máy hình của tôi.

    Thời tiết Hồng Kông chiều Thứ Sáu rất oi bức, một số sinh viên cầm bình xịt nước nhỏ đi qua đi lại, xịt vào không trung, để làm mát không khí. Một số người khác còn đứng tại chỗ, cầm quạt tay, quạt cho người qua lại.

    Ở một vài nơi, thỉnh thoảng có người đứng nói chuyện, giải thích cho mọi người biết điều gì nên làm và điều gì không nên, để mọi thứ được trật tự.

    Có một lúc, hai nhóm người, một trẻ một lớn tuổi, tranh luận với nhau trong khi nhiều người đứng xung quanh chứng kiến.

    Điều đặc biệt là không bên nào giành nói và nói quá lớn tiếng. Bên nào cũng đợi bên kia nói xong rồi mới nói. Và mỗi khi bên nào đưa ra kết luận, mọi người đều cùng vỗ tay hoan nghênh, không có cảnh chỉ trích gay gắt, hoặc la ó phản đối.

    Ở một vài nơi, từng nhóm người ngồi thắt những chiếc nơ màu vàng, biểu tượng của cuộc biểu tình, cung cấp cho người tham dự.

    Một số sinh viên khác, cầm bảng đi khắp nơi, trên bảng có hàng chữ: “Free translation for the media” (Chúng tôi sẵn sàng giúp thông dịch cho giới truyền thông).

    Ngăn nắp

    Dù cuộc biểu tình lớn và quy mô chưa từng có ở Hồng Kông, mọi thứ đều được tổ chức rất ngăn nắp.

    Giải thích về vấn đề này, cô Christine Wong nói: “Chúng tôi chỉ là từng người, từng nhóm, cùng ủng hộ lẫn nhau. Chúng tôi không có cá nhân lãnh đạo, chúng tôi không có Martin Luther King, mà là người dân lãnh đạo.”

    Martin Luther King là nhà lãnh đạo dân quyền đấu tranh cho quyền lợi người Mỹ gốc Châu Phi trong thập niên 1960.

    “Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi chúng tôi có một cá nhân lãnh đạo, người đó rất dễ bị mua chuộc,” cô Christine nói tiếp. “Ngoài ra, tất cả đều là do thời điểm thuận tiện. Khi người dân Hồng Kông biết cảnh sát dùng hơi cay ngăn chặn biểu tình, họ tự động ủng hộ chúng tôi.”

    Cô nói thêm: “Bản chất con người ở đây là tự động khép mình vào tập thể, giống như đàn kiến. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi có cùng mục tiêu và cùng quan điểm, nên mọi chuyện tự nó rất ngăn nắp.”

    Trong lúc cuộc biểu tình diễn ra, các sinh viên khác tiếp tục bận rộn với việc cung cấp thực phẩm.

    Từng chiếc xe tấp vào lề, từng thùng chuối, thùng cam, thùng bánh, được các sinh viên mang xuống, đưa vào các lều dự trữ.

    Trong khi đó, nhiều người mang nước uống và thực phẩm phân phát cho mọi người. Họ chuyền tay nhau, một cách tự động, không có cảnh giành giựt.

    Khi đi qua các lều để thực phẩm, mọi người có quyền lấy bất cứ thứ gì mình muốn.

    Khẩu trang và mắt kiếng chống hơi cay cũng được phát không. Các sinh viên cũng cung cấp cho mọi người một miếng giấy màu xanh để dán lên trán hoặc cổ cho mát.

    Và tại lều, có một tấm bảng dựng lên, với hàng chữ: “No cash donation.” (Không nhận ủng hộ tiền mặt).

    Khi nói chuyện với tôi, Đỗ Dzũng, một sinh viên phát hiện chai nước của tôi chỉ còn một nửa, anh bèn lấy ra một bình nước khác rất lớn, ngỏ ý châm tiếp cho đầy. Tôi cảm ơn và nói khi nào hết sẽ lấy chai khác. Anh vui vẻ cười và nói lời cảm ơn.

    Nhà báo Đinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt, người từng đi làm phóng sự và chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, phải thốt lên:

    “Chưa bao giờ tôi thấy có cuộc biểu tình nào mà mọi người tham dự thể hiện thái độ văn minh như ở đây.”

    Hệ quả

    Dù những gì đang xảy ra ở Hồng Kông rất lịch sử, người biểu tình vẫn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày tới.

    Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt rằng có lo sợ và chùn bước nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa quân đội và xe tăng đến đàn áp, cô Christine Wong nói, giọng bình thản: “Nếu xảy ra tình huống đó, có ai muốn bỏ cuộc, tôi sẽ không trách họ, nhưng tôi sẽ ở lại hy sinh để tỏ quyết tâm muốn gìn giữ những giá trị cao đẹp của mảnh đất này dành cho những thế hệ sau.”

    “Sự kiện này cũng giống như ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, năm 1989, nhưng chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra,” cô Christine Wong nói. “Tuy nhiên, chúng tôi không sợ hãi. Người dân Hồng Kông rất kiên quyết. Đây là thành phố hàng đầu của thế giới. Nếu để chuyện này đi qua, không biết bao giờ chúng tôi mới có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình.


    Cảnh sát và người biểu tình đối đầu trong ôn hòa ngay tại lối vào tòa nhà hành chánh đặc khu Hồng Kông. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

    Anh Hy Chong, một nhà báo tự do tham gia cuộc biểu tình, chỉ lên tòa nhà cao tầng của PLA ngay khu trung tâm và nói: “Tôi nghĩ hôm nay là ngày lễ và có thể từ nay đến cuối tuần sẽ không có gì. Nhưng họ có thể ra tay vào Thứ Hai, nhưng chưa biết họ sẽ ra tay như thế nào.”

    Cô Sarah Cheung, một người tham gia biểu tình, giải thích: “Có thể vì thấy chúng tôi ôn hòa, nên họ để chúng tôi ngồi ở đây mấy ngày qua. Nhưng tôi không biết chuyện này sẽ diễn ra bao lâu.”

    Khi rời khu tòa nhà hành chánh đi bộ về khách sạn, vào khoảng 10 giờ tối, chúng tôi đi ngang qua tòa nhà của PLA nhìn thấy phía trên có một ngôi sao màu đỏ rất lớn. Ngay cổng vào của tòa nhà là một cái cổng sắt đóng lại. Phía bên trong, bốn binh sĩ Trung Quốc cầm súng trường trong tay, ngón trỏ để vào cò súng, mặt trông rất căng thẳng.

    Trên một cây cầu dành cho người đi bộ, người biểu tình treo một biểu ngữ lớn có hàng chữ: “You may say I am a dreamer, but I am not the only one” (Có thể bạn nói tôi là người mơ mộng, nhưng không phải chỉ có tôi), được trích trong bài hát “Imagine” của cố danh ca John Lennon của ban nhạc The Beatles.

    Một biểu ngữ khác có hàng chữ: “Do you hear the people sing?” (Các bạn có nghe tiếng nói của người dân không?)

    Trên một bức tường thấp trên đường Connaught Road Central của trung tâm tài chính, nhiều miếng giấy màu vàng được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới, bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình. Trong số này, có một miếng giấy màu trắng viết bằng tiếng Việt: “Ủng hộ Hong Kong dân chủ - Việt Nam.”

    Đêm Thứ Sáu, chúng tôi, Đinh Quang Anh Thái và Đỗ Dzũng, sẽ thức một đêm với người biểu tình Hồng Kông, ngay tại khu trung tâm tài chánh.

    10-02- 2014 4:33:01 PM
    Đinh Quang Anh Thái & Đỗ Dzũng/Người Việt (tường trình từ Hồng Kông)

    'Hôm nay Hồng Kông, ngày mai Việt Nam!'

    * Giới trẻ Việt phát biểu ở Hồng Kông

    Một bạn trẻ Việt Nam tên là Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, từ Úc đến Hồng Kông hỗ trợ nhóm thanh niên sinh viên tại nơi biểu tình, được mờì lên sân khấu phát biểu lúc 8:30 tối mùng 2 tháng Mười, lúc đó số người biểu tình, theo ước lượng của ban tổ chức lên đến khoảng 200,000 người.

    Lời phát biểu ngắn gọn của anh được các sinh viên Hồng Kông vỗ tay hưởng ứng:

    "Chào các bạn! Hôm nay các bạn khỏe không? Tôi là người Việt Nam và tôi đến đây để sát cánh cùng các bạn. Tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ từ giới hoạt động Việt Nam chúng tôi. Từ Sài Gòn đến Hà Nội nhiều người hoạt động chúng tôi lên tinh thần vì việc làm của các bạn. Chúng tôi yêu các bạn. Chúng tôi yêu Hồng Kông.

    Chúng ta muốn gì? Tự Do! Tự Do! Ngay bây giờ!

    Chúng tôi mong các bạn thành công và chúng tôi mong rằng những gì diễn ra ở Hồng Kông hôm nay, sẽ là Việt Nam ngày mai."

    Ba tiếng đồng hồ sau đó, qua một cuộc họp báo ông Đặc Khu Trưởng Lương Chấn Anh tuyên bố đã sẵn sàng tiếp xúc với đoàn biểu tình.


    Trả lời phỏng vấn của phóng viên Người Việt, anh Thanh Tâm cho biết rất “lên tinh thầnbởi sự dấn thân và lòng quyết tâm của giới trẻ Hồng Kông” và “học được rất nhiều từ cách tổ chức rất nhịp nhàng và chu đáo của họ.” Anh nói:

    “Em nghĩ ban tổ chức rất khéo léo huy động và giữ vững tinh thần mọi người, tất cả sinh hoạt nhịp nhàng và tuân thủ nguyên tắc chung.”

    Được hỏi anh có lo lắng cho sự an toàn của các sinh viên này không, anh Thanh Tâm trả lời:

    “Rất lo, vì lực lượng cảnh sát đông gấp 4-5 lần chiều tối hôm qua, và chỉ cần một bên "nóng lòng", nhất là cảnh sát, chính quyền là bạo loạn có thể xẩy ra, như cách đây vài hôm.” (H.G.)
    10-02-2014 11:54:39 AM
    Theo Người Việt
    ---------------------
    Video clip provided by Nguyễn Hoàng Thanh Tâm

    VN 'cần đổi thể chế' để mua vũ khí?

    BBC-02 tháng 10 2014

    Bộ trưởng Ngoại giao VN nói về quan hệ Mỹ - Việt tại Asia Society, New York hôm 24/9
    Trước chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh tới Hoa Kỳ, một báo Mỹ viết về khả năng giải quyết vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu nước này 'cải tổ thể chế'.
    Nhưng điều được cho là gắn kết và thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt là cách nhìn chiến lược về an ninh khu vực.
    Bài của John Grady trên trang USNI hôm 1/10/2014 trích lời ông Chris Borse, cố vấn an ninh quốc gia cho Thượng nghị sỹ John McCain nói rằng:
    "Quyền lợi chiến lược trực tiếp của hai nước là an ninh hàng hải,"
    Bài báo cũng trích lời ông Borse cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với bên Hành pháp để thông qua nghị quyết bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu Việt Nam "chứng tỏ cho thấy thay đổi về cơ chế" và ý chí "xóa bỏ việc sử dùng quyền lực tùy tiện" chống lại các nhà bất đồng chính kiến.
    Nhu cầu cải cách hệ thống tư pháp cũng là một trong những yêu cầu Hoa Kỳ đặt ra với Việt Nam.
    Bài báo cũng nhắc lại lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Viện nghiên cứu CSIS hôm thứ Tư ở Washington DC rằng "Chưa có hai quốc gia nào nỗ lực hơn Hoa Kỳ và Việt Nam để khắc phục các khác biệt".
    Nhắc lại các ưu điểm của Việt Nam và quan hệ ngày càng tiến triển với Hoa Kỳ kể từ khi quan hệ ngoại giao song phương được thiết lập năm 1995, ông Phạm Bình Minh cũng nói các ký kết với Mỹ "không làm tổn hại quan hệ của Việt Nam với các nước khác, gồm cả Trung Quốc", theo bài báo.
    Tác giả John Grady cũng đưa tin rằng theo giới quan sát tại Mỹ, việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không phụ thuộc vào chuyệ̉n 'một đổi một' về con số cụ thể bao nhiêu nhà bất đồng chính kiến được Hà Nội thả, hay bao nhiêu vũ khí sẽ được bán, mà vào tiến triển chung về nhân quyền.
    Ông Phạm Bình Minh dự kiến có cuộc hội đàm với ông John Kerry
    Trong chuyến thăm từ cuối tháng 9 sang Bắc Mỹ, ông Phạm Bình Minh đã nói nước ông "hoan nghênh các bước đi của Mỹ tiến tới chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam", theo các báo Việt Nam.
    Hôm 24/9, ông đã đọc diễn văn tại Asia Society nói về các nét chính trong quan hệ Mỹ - Việt và mở đầu cuộc vận động nhằm để Washington bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
    Sau khi phát biểu tại Liên hiệp quốc hôm 27/9 ở New York và có các cuộc họp cao cấp, ông Phạm Bình Minh thăm Canada.
    Ông đã trở lại Washington DC, Hoa Kỳ, nơi ông dự kiến có hội đàm với người tương nhiệm Mỹ John Kerry vào tuần này.

    Đừng lên chùa 'làm việc thiện'

    Văn Nam-Gửi cho BBC Việt ngữ từ Đà Nẵng

    Còn bao nhiêu nhà sư có thể gây thiện cảm với chúng ta hiện tại? Thật khó để trả lời, vì những nhà sư “thực sự” thì dường như đều ở trong “bóng tối” - những người đã theo con đường của Phật: từ bỏ cung điện vàng ngọc và vợ con để sống một cuộc đời khổ hạnh.
    Đối với người Việt Nam hiện nay, đôi khi nghĩ đến “sư” là nghĩ đến một điều gì đó không đứng đắn.
    Có lẽ không cần phải kể ra những việc làm không hay của một số “nhà sư” trong thời gian gần đây, mới nhất là việc một nhà sư bị cáo buộc là đã ‘khoe iphone 6’ trên Facebook.
    Không phải tự dưng mà nhà sư giàu có.
    Thật ra việc “tu hành”, một nghề được cho là ‘hái ra tiền’, đã không còn xa lạ với người Việt Nam, một số sư trụ trì có xe hơi riêng là chuyện bình thường.
    Ấy vậy mà nhiều người vẫn mang tiền và hiện vật đến chùa lễ bái, cúng dường mà thực ra là ‘cung phụng’ các nhà sư khi có dịp ma chay dù biết nhà sư đó có thể không phải là người ‘đứng đắn’ gì cho cam.
    Lý do của sự “sùng đạo” này, thiết nghĩ, thật ra cũng không “trong sáng” gì cho lắm. Người ta đi chùa để cầu xin cho bản thân: làm ăn phát tài, thi cử đỗ đạt… Đổi vật chất lấy lợi ích, vậy thì khác gì ‘hối lộ Trời, Phật?’
    “Phật không cho ai cái gì” theo cách ‘buôn thần bán thánh’ ấy. Người chỉ tìm ra con đường thoát khổ mà thôi, và điều đầu tiên phải làm là từ bỏ mọi ham muốn vật chất. Trước, sau khi đã tu thành chính quả, Phật đâu bao giờ có cần “đút lót”?

    Thế nào là “làm việc thiện”?

    Theo tác giả các Phật tử hiện nay nên xem lại việc 'hành thiện' và 'cúng dường' của mình.
    Theo tác giả các Phật tử hiện nay nên xem lại việc 'hành thiện' và 'cúng dường' của mình.
    Có người trong khi vừa mặc cả từng đồng với người bán đồng nát, vừa rủ người khác lên chùa làm việc thiện. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi bỗng liên tưởng làm việc thiện giống như việc tập thể dục.
    Tập thể dục là để cho khỏe. Muốn khỏe thì phải tập hàng ngày, nếu vài tháng hoặc cả năm mới tập một lần thì chẳng có ý nghĩa gì. Làm việc thiện cũng vậy, nếu thật sự muốn làm việc tốt thì hãy làm hàng ngày, ngay tại nhà của chúng ta, đối với những người xung quanh chúng ta.
    Trường hợp cụ thể với người bán đồng nát ở trên, vài ngàn tiền lẻ cũng là tiền, thậm chí vài chục ngàn là số tiền không nhỏ nhưng với chúng ta có hay không cũng không ảnh hưởng gì nhiều, còn với người buôn ve chai đó là cả cuộc sống.
    Ta tiếc vài ngàn lẻ nhưng sẵn sàng “làm việc thiện” trên chùa vài triệu, vài chục triệu hoặc hơn thế nữa dù không chắc số tiền đó sẽ được dùng để làm gì.
    Để làm một người tốt nhanh nhất, chắc chắn nhất, thay vì mỗi năm “làm giàu” cho một số “nhà sư” một vài lần, hãy thể hiện ngay với người đầu tiên mà ta nhìn thấy khi mở cổng vào sớm mai thức dậy.
    Chừng nào làm được những việc “bé nhỏ” ấy, thiết nghĩ ta mới nên nghĩ tới việc lên chùa làm những điều “lớn lao” hơn.
    Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả.