Wednesday, October 28, 2015

Cả tỉnh vào cuộc chỉ vì 1 sạp thịt heo

Bài-ảnh: Ca Linh-28/10/2015 17:15

(NLĐO) - Mới mở sạp thịt heo bán tại xã Phú Lộc (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) nhưng vợ chồng anh Huỳnh Minh Lương (SN 1971) đã bị cơ quan chức năng từ xã đến huyện rồi tỉnh “hành” liên tục.

Chủ sạp thịt heo bị “hành”Nguyên nhân có một không hai của vụ việc này là do sạp thịt heo của anh Lương bán quá đắt hàng nên bị 18 tiểu thương bán thịt heo gần đó khiếu nại đến ngành chức năng.
Theo anh Lương, vợ chồng anh làm nghề bán thịt heo khoảng 20 năm nay ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long). "Chúng tôi có xây lò giết mổ gia súc hẳn hoi. Sau thời gian, tôi bàn với vợ cần mở rộng địa bàn buôn bán. Cách đây vài tháng, qua khảo sát, chúng tôi thuê mặt bằng tại số 55, tổ 3, ấp Long Công, xã Phú Lộc và thành lập DNTN Thiên Lương Vĩnh Long mở sạp bán thịt heo. Và ngày 24-8 vừa qua, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Vĩnh Long đã cấp phép thành lập doanh nghiệp cho vợ chồng tôi", - anh Lương trình bày.
Cũng theo anh Lương, anh thuê mặt bằng ký và hợp đồng 4 năm, trả tiền trước 3 một lúc năm là là 36 triệu đồng. Sau đó, tiến hành sửa chữa căn nhà để làm nơi công ty hoạt động. Tất cả các thủ tục liên quan như đăng ký thuế, con dấu để hoạt động đều hợp pháp.
"Vậy mà, chưa đầy 2 tháng buôn bán, sạp của tôi liên tục bị các ngành chức năng tại xã, huyện và sở đến kiểm tra”, - anh Lương bức xúc.
Theo lời chị Phạm Thị Ngò (SN 1972, vợ anh Lương), để có thịt heo ngon, giá cả hợp lý, vợ chồng anh chị phải bỏ ra thời gian và tiền bạc để điều tra thị hiếu của người tiêu dùng và đến nay đã có khách hàng ổn định.

Sạp thịt heo nhỏ của vợ chồng anh Lương bị cơ quan chức năng ở Vĩnh Long hành đủ đường
Sạp thịt heo nhỏ của vợ chồng anh Lương bị cơ quan chức năng ở Vĩnh Long "hành" đủ đường
Chị Ngò rầu rĩ: “Chưa thu hồi lại vốn, đang buôn bán đắt thì chồng tôi bị cơ quan chức năng mời lên mời xuống nhiều lần. Có ngày chồng tôi bị quản lý thị trường kiểm tra suốt buổi sáng 2 lần, rồi mời lên huyện làm việc buổi chiều”.
Qua những lần làm việc như thế, vợ chồng anh Lương còn được mời lên tỉnh, huyện. Cách đây vài ngày, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư còn xuống đọc thông báo tạm đình chỉ buôn bán sạp thịt heo này và đoàn còn có công an, cảnh sát 113 làm chúng tôi buồn lòng lắm”, - chị Ngò than vãn.
Đình chỉ vì phá vỡ qui hoạch!
Ông Nguyễn Hoàng Học, Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long nói: “18 hộ trên đã kéo đến UBND tỉnh… thưa kiện hộ của anh Lương. Họ cho rằng nếu để anh Lương buôn bán thì 18 hộ sẽ mạnh ai nấy bán, nếu vậy sẽ phá vỡ quy hoạch, rồi ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Nếu không được, các hộ này yêu cầu sạp thịt heo của vợ chồng anh Lương di dời cách đó 1 km; hoặc anh Lương phải vào chợ Cái Ngang bán. Hơn 2 tháng qua 18 hộ này không đóng thuế vì họ nói buôn bán ế ẩm”.Theo tìm hiểu, từ khi sạp thịt heo của vợ chồng anh Lương mở ra đã hút khách từ khu vực chợ Cái Ngang (thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, cách nơi anh Lương bán khoảng 500 m) sang nên 18 hộ bán thịt heo trong chợ Cái Ngang đã khiếu nại lên ngành chức năng. Theo quy hoạch của UBND huyện Tam Bình, đến cuối năm 2015 sẽ phát triển khu vực Cái Ngang lên thành đô thị loại 5, trong đó có quy hoạch cụm chợ Cái Ngang. Việc cấp phép của Sở KH-ĐT cho DNTN Thiên Lương Vĩnh Long là không sai. Tuy nhiên địa điểm kinh doanh không phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Anh Lương rầu rĩ vì bị ngành chức mời lên mời xuống nhiều lần, ảnh hưởng tới việc buôn bán
Anh Lương rầu rĩ vì bị ngành chức mời lên mời xuống nhiều lần, ảnh hưởng tới việc buôn bán
Trong khi đó, ông Phạm Thành Khôn, Phó Giám đốc Sở KH - ĐT cho biết: “Theo công văn 154 ngày 16-10 của Chi cục Thú y, DNTN Thiên Lương Vĩnh Long chưa đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nên ngành chức năng đã ra thông báo đình chỉ dừng hoạt động tại địa điểm buôn bán thịt heo ở xã Phú Lộc của hộ anh Lương. Tuy nhiên, anh Lương không bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên hộ này có thể bán ở địa điểm khác”.
Ông Học thừa nhận sự phối hợp giữa huyện Tam Bình với Sở KH-ĐT có sơ suất về vị trí cấp phép, ảnh hưởng đến công việc làm ăn của người dân. Sắp tới, tỉnh sẽ mời 18 hộ dân và vợ chồng anh Lương làm việc để tìm ra giải pháp hợp lý.
Tuy nhiên, anh Lương cho rằng, lỗi duy nhất của anh là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn nhưng trước đó anh có đến Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long đăng ký tập huấn để được cấp giấy chứng nhận nhưng cán bộ trả lời chưa mở lớp, khi nào mở lớp sẽ mời doanh nghiệp tập huấn rồi cấp giấy chứng nhận.  Anh Lương băn khoăn: “Vợ chồng tôi đã thuê mặt bằng hợp đồng 4 năm, gần 100 triệu đồng đầu tư vào địa điểm này, bây giờ họ kêu tôi di dời thì phải huỷ hợp đồng, mất hết tiền mà chính quyền không có hỗ trợ gì thì quả là quá thiệt cho chúng tôi”.
Vừa rẻ, vừa tiện nên nhiều người mua!
Lý giải về việc sạp anh Lương hút hết khách của 18 tiểu thương cùng nghề ở chợ Cái Ngang, nhiều người dân cho biết họ mua vì thịt ngon và giá rẻ hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với thịt heo bán trong chợ.
Chính vì vậy, khi biết anh Lương gặp sự việc này, hàng chục hộ dân ở huyện Tam Bình đồng ký tên kiến nghị cấp trên xem xét cho sạp thịt của vợ chồng anh Lương tồn tại để phục vụ người dân.





Quán cà phê bốc cháy, khách nháo nhào bỏ chạy

 NGUYỄN TÂN - Thứ Tư, ngày 28/10/2015 - 21:29
(PLO)- Một quán cà phê trên đường Ấp Chiến Lược (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) đã bị “bà hỏa” thiêu rụi vào chập tối ngày hôm nay.
Theo thông tin ban đầu, vào 17 giờ ngày 28-10, một ngọn lửa bùng lên dữ dội trong quán cà phê trên đường Ấp Chiến Lược (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM). Lửa bốc cao khiến cho các thực khách và nhân viên nháo nhào bỏ chạy. Nhiều người dùng bình cứu hỏa mini để dập lửa nhưng bất thành vì lửa bốc lên cao bao trùm toàn bộ khuôn viên quán.
Lửa lớn táp ra đường từ đám cháy khiến nhiều phương tiện không dám đi qua. Một số hộ dân lân cận hốt hoảng di dời đồ đạc ra ngoài vì sợ cháy lan. Một số người đã gọi lực lượng cảnh sát PCCC.
Ngay sau đó, lực lượng PCCC quận Bình Tân đã điều động sáu xe chuyên dụng cùng hơn 30 chiến sĩ phun nước dập lửa. Chỉ sau ít phút đám cháy được khống chế hoàn toàn.
Tuy nhiên, toàn bộ quán cà phê rộng khoảng 100 m2 đã bị thiêu rụi; ban đầu thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Theo một số người dân, có thể nguyên nhân gây cháy là do tàn lửa của thợ hàn trong quá trình làm việc tại quán đã để phát sinh ngọn lửa.
Hiện sự việc đang được điều tra làm rõ.

 Đám cháy bùng phát tại một quán cà phê trên đường Ấp Chiến Lược, quận Bình Tân. Ảnh do bạn đọc cung cấp

 Lửa lớn đã thiêu rụi toàn bộ quán, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Ảnh do bạn đọc cung cấp

 Sau khoảng vài phút khi lực lượng PCCC đã khống chế hoàn toàn ngọn lửa. Ảnh do bạn đọc cung cấp

NGUYỄN TÂN

Triều cường, người Sài Gòn bì bõm lội nước về nhà

H.TRÂM-L.TRINH-L.THOA-H.PHƯỢNG-NG.TRÀ-N.TÂN - Thứ Tư, ngày 28/10/2015 - 18:46
(PLO)- Chiều 28-10, mực nước trên các sông tại khu vực TP.HCM dâng cao do triều cường đã khiến nhiều con đường biến thành sông. Người dân Sài Gòn phải bì bõm lội nước sau giờ tan ca.
Khoảng 17 giờ, nước đã bắt đầu ngập các con đường như Hồ Ngọc Lãm (quận 8), Bến Phú Định (quận 8), An Dương Vương (quận 5), Trần Não (quận 2)… Chỉ sau 30 phút, mặt đường phút chốc biến thành sông lênh láng nước. Có nơi nước ngập hơn 1 m. Trong đó, hẻm 403 (đường Bến Phú Định, phường 6, quận 8) là một trong những địa điểm ngập sâu nhất.
Vì nước dâng cao trùng vào giờ tan ca nên nhiều phương tiện di chuyển qua các tuyến đường ngập bị chết máy. Bà con phải dắt xe lội bộ. Các tiệm sửa xe ven đường đông đúc hơn ngày thường. Một số người dân đã phải đem cành cây, biển hiệu ra cắm tại khu vực nước sâu, nơi có ổ voi, hố ga... để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.
Bà Nguyễn Hoài Anh (65 tuổi, ngụ đường Bến Phú Định) cho biết: “Cứ mỗi lần triều cường là nước lại ngập lênh láng như thế này. Nước ngập cả vào nhà. Người dân chúng tôi khổ lắm khi quanh năm cứ phải lội nước”.
Theo ý kiến của một số người dân, một số nắp cống tại khu vực đường Hồ Ngọc Lãm và đường Bến Phú Định (quận 8) bị mất nắp nên mới khiến nước dâng cao và nhanh như vậy.
 
Tại quận 6, từ các cống thoát, nước tràn lên nhiền con đường trũng thấp trên địa bàn. Các tuyến đường bị ngập không nằm trên cung đường giao thông trọng yếu, không gây ùn tắc giao thông cục bộ nhưng ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. 
Tại đường  Sin Co (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM) triều cường dâng lên chừng 0.3 m, nước triều mấp mé nhà dân hai bên đường, mỗi khi có xe cộ chạy nhanh, nước triều lại tạt cả vào nhà, khiến người dân khổ sở. Ngoài ra, nhiều xe chết máy, người dân phải lội trong nước sông đen ngòm.
Ngán ngẩm với cảnh triều cường từ nhiều năm nay, chú Nguyễn Khương Đại (bán bánh xèo) cho hay: “Năm nào người dân sống trong khu vực này cũng phải chịu cảnh triều cường hôi thối, ngứa ngáy, buôn bán ế ẩm. Tháng này, triều cường mới lên được hai ngày, phải đến hết tuần mới rút hẳn; mỗi ngày triều cường lên lúc 2,3g và đến 7, 8 tối mới rút; từ hôm qua tới giờ bánh xèo chả có ai mua, cứ thế này thì dân khổ lắm”.
Tại quận 7, gần 17 giờ triều cường bắt đầu dâng cao, gây ngập nhiều con đường trên địa bàn Quận 7. Mực nước xấp xỉ 30-40cm và còn tiếp tục dâng cao hơn trong những giờ sau đó. 
Ông Nguyễn Văn Thanh làm nghề xe ôm sống ở đây đã gần 50 năm nay. Ông cho biết, cứ vào tháng 9, tháng 10 (tức tháng 10, tháng 11 dương) nhiều tuyến đường ở Sài Gòn lại chìm trong biển nước. Ở Quận 7, đoạn đường ngập nặng nhất là đường Huỳnh Tấn Phát, trong đó có hai điểm: cây xăng đôi ( từ đường Gò Ô Môi chạy xuống tầm 100m) và ngã 4 đường Phú Thuận giao cắt Huỳnh Tấn Phát.
Ông chia sẻ: “Xe tôi tốt nên ngập vẫn qua được, chứ nhiều xe không tốt, bị ngập là chết máy giữa đường, phải đẩy bộ cực lắm. Nhiều người dân chấp nhận đi đường vòng qua đường Phú Mĩ Hưng, xa chút nhưng không bị ngập”.
Tại quận Bình Thạnh, khu vực  dọc sông nước dâng tràn vào nhà dân, người dân phải vất vả chống ngập bằng nhiều biện pháp như bơm, tát nước; nhiều người huy động nhân lực dùng bao cát để ngăn nước vào nhà. Theo người dân, mức triều dâng lên theo từng năm, người nào có điều kiện thì tôn nền, ngăn nước, người không đủ điều kiện thì đành chấp nhận sống chung với nước.
Ông Nguyễn Vọng Các, phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, nước ngập vào nhà ai thì nhà đó tự lo. “Tui phải sắm máy bơm, xây  tường cao ngăn nước,  nhưng không ăn thua vì nước vẫn tràn vào. Tình trạng này năm nào cũng lặp lại” – ông nói.
Cô Trần Thị Trang, phường 25, quận Bình Thạnh bán bún ở con đường dọc sông Sài Gòn cho biết, mấy hôm triều cường lên việc buôn bán rất khó khăn, tình trạng triều cường diễn ra thường xuyên hằng năm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. “Rất mong nhận được sự giúp đỡ định hướng của các cơ quan chức năng để đời sống nhân dân ổn định hơn” – cô nói.

Giáo viên viết thư đòi tiền học sinh nghèo

NGHỆ AN (NV) - Do cả lớp còn một em học sinh nghèo đóng chưa đủ 300,000 đồng tiền “xã hội hóa” được cho là tự nguyện “tùy theo khả năng,” cô giáo chủ nhiệm đã viết thư đòi phụ huynh nộp đủ.

Ngày 27 tháng 10, VNxpress dẫn lời phản ánh của bà Nguyễn Thị Chính (64 tuổi), ở xã Nghi Ðồng, huyện Nghi Lộc cho biết, bà vừa nhận được lá thư của cô giáo chủ nhiệm của cháu trai mình là em Nguyễn Hoài Thiên Ðức. Thư do cô Nguyễn Thị Bích Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, trường tiểu học xã Nghi Ðồng, đòi bà đóng đủ tiền “xã hội hóa” là 300,000, khoản tiền được nhà trường thông báo là tự nguyện “tùy theo khả năng.”


Trường Tiểu Học Nghi Ðồng, nơi đòi tiền “xã hội hóa” học sinh nghèo. (Hình: VNExpress)

Bức thư có đoạn: “Hôm họp phụ huynh bà không đi... Tiền ‘xã hội hóa’ tối thiểu mỗi em 300,000 đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học trong nhà trường đã được hội phụ huynh cả lớp đã đồng ý. Nay chỉ còn một mình em Ðức chưa đóng đủ số tiền trên. Vì thế, tôi mong bà hãy tạo điều kiện giúp tôi hoàn thành công tác chủ nhiệm lớp, vì học sinh nào cũng nộp đủ mà mỗi mình em Ðức đóng 100,000 đồng thì ảnh hưởng rất lớn đến điểm thi đua của lớp. Vậy tôi mong bà hãy đóng đủ số tiền trên...”

Bà Chính cho biết, sở dĩ bà chỉ đóng tiền “xã hội hóa” có 100,000 đồng vì hoàn cảnh gia đình bà thuộc hộ nghèo. Em Ðức được bà nuôi ăn học, còn bố mẹ cháu hoàn cảnh khó khăn nên đã đi làm ăn xa.

“Thực tình tôi không biết chữ nên sau khi nhận được thư thì mang tới trường trả lại cho cô giáo,” bà Chính nói và cho biết hiện đã nộp đủ 300,000 tiền “xã hội hóa,” nhưng sau đó cô giáo chủ nhiệm lại bớt cho 100,000 đồng.
Ngày 27 tháng 10, nói với VNExpress, bà Nguyễn Thị Hạnh, hiệu trưởng trường Tiểu Học Nghi Ðồng thừa nhận với nội dung bức thư như vậy thì đã sai, song có ý đổ lỗi cho cấp dưới: “Tôi rất bất ngờ về việc này. Cô Lan trình bày mục đích viết thư chỉ là động viên gia đình đóng tiền chứ không có ý định ép buộc, đe dọa hay trù dập học sinh. Sắp tới sẽ yêu cầu cô Lan viết bản tường trình về sự việc để có hình thức xử lý,” bà Hạnh nói.

Về việc tiền “xã hội hóa” của nhà trường được định mức 300,000 đồng cho mỗi phụ huynh, bà Hạnh cho rằng, đó là hiểu nhầm trong cách truyền đạt thông tin của giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường có 300 em, việc giáo viên vận động những phụ huynh có điều kiện để đóng tiền xã hội hóa cao hơn gia đình khó khăn, hộ nghèo là có.
Như vậy với 300 học sinh, mỗi em nộp 300,000 đồng tiền “xã hội hóa,” chưa kể có những em học sinh có gia đình khá giả đóng nhiều hơn để “tạo thế cho con,” trường Tiểu Học Nghi Ðồng đã thu về cả trăm triệu đồng, một số tiền không nhỏ. (Tr.N)

10-27- 2015 3:17:18 PM 

Nhiệt điện chạy bằng than tại VN vẫn chiếm tỷ lệ lớn dù gây ô nhiễm

 Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA -2015-10-27  
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận -RFA
Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tiếp tục chiếm đến gần phân nửa các dạng nhà máy phát điện tại Việt Nam. Lý do vì sao nhiệt điện vẫn chiếm tỷ lệ lớn như thế trong khi nó bị lên án gây ô nhiễm môi trường và những hệ quả về sức khỏe đối với người dân?

Nhiệt điện than chiếm tỷ lệ lớn

Viện trưởng Viện Năng Lượng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Phạm Khánh Toàn cho biết về cơ cấu ngành điện tại Việt Nam cho đến năm 2030 như sau:
“Hiện nay theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%. Còn lại thủy điện, dầu khí đều giảm. Còn năng lượng mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% vào năm 2030.
Bởi vì hết những nguồn khác như điện hạt nhân, Việt Nam chỉ phát triển làm từ 2 đến 4 tổ máy, thủy điện hết rồi, dầu khí thì không tìm ra mỏ mới để cấp cho nhà máy điện cho nên phải sử dụng than. Trước đây, tính toán cho thấy than rất cao; nhưng vừa rồi theo tính toán lại nhu cầu và phát triển các loại có thể khai thác được thì không cao như trước đây. Trước đây chúng tôi tính than phải dùng 300 triệu tấn than một năm, nhưng nay chừng 40 triệu tấn. Thế rồi công nghệ giúp bớt phát thải đi.”
Hiện nay theo tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 thì nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, có thể đến 45%. Còn lại thủy điện, dầu khí đều giảm. Còn năng lượng mặt trời sẽ chiếm khoảng 6% vào năm 2030.
-Ông Phạm Khánh Toàn
Thông tin cho biết tại Việt Nam sau khi thủy điện Lai Châu hoàn thành trong thời gian tới đây thì Việt Nam sẽ không còn thủy điện lớn nào nữa. Trong khi đó thì các nhà máy nhiệt điện tiếp tục được khánh thành hay xây dựng theo qui hoạch điện mà thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt.
Vào ngày 1 tháng 10 vừa qua nhà máy nhiệt điện An Khánh 1 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được khánh thành. Vốn đầu tư cho nhà máy này là 4300 tỷ đồng. Công suất nhà máy 120 MW. Nhà máy nhiệt điện An Khánh I do Tập đoàn Điện khí Nhân dân Trung Quốc làm tổng thầu EPC ( hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).
Sau khi nhà máy nhiệt điện An Khánh I hoàn thành, chủ đầu tư dự án Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh chuẩn bị để khởi công nhà máy nhiệt điện An Khánh II tãi thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên vào sang năm. Nhà máy An Khánh II có công suất 300 MW, và vốn đầu tư 10 ngàn tỷ đồng.
Cũng vào đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ( TVK), tiến hành khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tại Nghệ An. Nhà máy này có tổng đầu tư được cho biết chừng 2,2 tỷ đô la Mỹ. Dự kiến đến năm 2020, nhà máy bắt đầu phát điện và mỗi năm cung cấp chừng 6,6 tỷ KWH điện vào lưới điện quốc gia. Nhà máy Quỳnh  Lập 1 có hai tổ máy, mỗi tổ máy công suất 600MW. Đây là 1 trong 2 dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập.
Tại tỉnh Bình Thuận, vào trung tuần tháng 7, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đầu tư theo phương thức BOT ( xây dựng- vận hành - chuyển giao) cũng được Bộ Công Thương phát lệnh khởi công. Đây là 1 trong 4 nhà máy thuộc trung tâm điện lực Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Nhà máy cũng có hai tổ máy với tổng công suất 1200 MW. Tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ 800 triệu đô la Mỹ. 95% vốn của nhà máy do liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc góp, còn lại 5% do Tổng công ty Điện lực Vinacomin thuộc TVK đối ứng. Dự kiến nhà máy Vĩnh Tân 1 sẽ vận hành thương mại vào năm 2019.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng được phát lệnh khởi công hồi tháng 3 năm nay.
Hẳn nhiều người khi nghe nói đến Vĩnh Tân sẽ nhớ lại vụ việc vào tháng tư năm nay khi người dân địa phương phải ra chặn tuyến quốc lộ 1 bởi ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây nên khiến họ không chịu nổi.

Qui định

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung Tâm Kinh tế Môi trường - Đầu tư & Khu công nghiệp, Đại học Xây dựng, trình bày tóm tắt tác động của việc đốt than và những yêu cầu đối với một nhà máy nhiệt điện than được cơ quan chức năng Việt Nam qui định:
“Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2, NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời cũng qui định nước thải không được vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại cho các hệ sinh thái. Đối với chất thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để làm vật liệu xây dựng hay cđối với các hạt bụi có thể gây ra ô nhiễm cho các nguồn nước và các mạnh nước ngầm…”

Tham gia giám sát của cộng đồng

Đường vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Đường vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Vào ngày 29 tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức hội thảo  bàn về những tác hại do nhiệt điện than gây nên cho sức khỏe con người.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo là hằng năm có 4300 người tại Việt Nam chết yểu liên quan đến nhiệt điện than. Con số này có thể tăng lên 25 ngàn người khi mà tất cả các dự án nhiệt điện chạy bằng than theo qui hoạch của chính phủ đi vào vận hành.
Theo GreenID thì nhiều loại khí thải ra từ nhà máy nhiệt điện chạy bằng than như khí ozone khi phản ứng với các phân tử khác trong không khi dưới điều kiện ánh sáng mặt trời sẽ tạo thành sương mù độc hại. Con người hít vào loại sương mù này dần dần sẽ có những triệu chứng tức ngực, ho, khó thở. Đó cũng là nguyên nhân của chứng hen suyễn, sau một thời gian dài sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính.
Thế rồi những hạt li ti trong xỉ than mà thành phần là các kim loại và chất hóa học khi con người hít vào có thể len tận mạch máu, gây rối loạn nhịp tim, đau tim, hư phổi…
Ngoài tác hại đến sức khỏe của con người, khói thải từ các nhà máy nhiệt điện than cũng gây tác động đến chất lượng đất, mùa màng ở những vùng chung quanh trong bán kính cả trăm kilomet.
Một thành viên của nhóm nghiên cứu Đại học Havard, ông Lauri Myllyvirta tại hội thảo đưa ra cảnh báo Việt Nam cũng sẽ chịu tình trạng ô nhiễm tương tự như thành phố Bắc Kinh nếu như cứ tiếp tục phát triển nhiệt điện than như kế hoạch hiện nay.
Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Tài nguyên Nước và thích nghi biến đổi khí hậu –CEWAREC, trụ sở tại Hà Nội, hiện tiến hành một số nghiên cứu liên quan những tác hại của nhiệt điện chạy bằng than. Ông Đặng Ngọc Vinh, phó giám đốc CEWAREC cho biết:
“Báo cáo này cũng chỉ trên nghiên cứu bước đầu thôi. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm một số trường hợp nữa để có đánh giá đầy đủ hơn. Vừa rồi mới nghiên cứu một nhà máy thôi. Hiện nay đang chuẩn bị nghiên cứu một nhà máy ở Hải Phòng.  Đối với các nhà máy nhiều khi mình đến họ cũng không tạo điều kiện thuận lợi cho mình làm. Sau khi làm chúng tôi có những khuyến cáo để xử lý và có những thiết bị để bão đảm cho nguồn nước hơn.”

Tuân thủ qui định

Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2…
-GS Phạm Ngọc Đăng
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng thì cho rằng việc phát triển bao giờ cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Các cơ quan chức năng đã đề ra những qui chuẩn về mặt công nghệ, vận hành nhà máy cũng như xử lý các thất thải của nhà máy nhiệt điện. Vấn đề là việc thực thi pháp luật:
“Cơ quan chức năng kỹ thuật môi trường đã qui định mức qui chuẩn nhằm bảo đảm không gây ra những suy thoái cho môi trường chung quanh. Nếu thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc cũng không có những vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng thực tế một số nhà đầu tư, kinh doanh người ta muốn giảm chi phí giải quyết ô nhiễm thì người ta lợi dụng thời cơ ít kiểm tra, kiểm soát …Họ hứa hẹn xử lý nhưng trong thực tế thì không xử lý gì. Có một số nhà máy gây ra ô nhiễm môi trường chung quanh khiến dân kiện cáo căng thẳng.
Theo tôi nếu thực hiện đúng luật pháp, những qui định, qui chuẩn môi trường thì ảnh hưởng có khả năng chấp nhận được. Chứ cơ bản là việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn yếu kém; do cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực cũng như chưa làm tròn trách nhiệm cho nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện.  Tất cả các dự án phát triển đều có mặt tiêu cực và mặt tích cực về sản xuất cà; nếu như thực thi đúng những qui định về quản lý và kỷ thuật thì đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường thôi.”
Theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng khả năng của những quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay vẫn phải sử dụng nguồn nhiệt điện. Ông nói rằng ở Hoa Kỳ hiện vẫn còn nhiệt điện than; tuy nhiên các qui định về môi trường của họ rất nghiêm nhặt.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam hiện có 12 nhà máy nhiệt điện than trên cả nước. Trong thời gian tới có chừng 50 nhà máy được xây dựng mà chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tập đoàn Toyo Ink của Malaysia đang trong giai đoạn hoàn tất 4 thỏa thuận cuối cùng để triển khai thực hiện dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 của Toyo Ink được cho biết sẽ có công suất 2000MW, vận hành theo hình thức BOT trong vòng 25 năm kể từ năm 2021
Mục Khoa học -Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt

USS Lassen có làm thay đổi cục diện Biển Đông?

Mặc Lâm -2015-10-27  
 USS Lassen có làm thay đổi diện mạo biển Đông?Chiến hạn USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ. Courtesy of US Navy
Sáng ngày 27 tháng 10 Mỹ đã chính thức mang chiến hạm USS Lassen vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý của các đảo bị Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Khi Khu trục hạm USS Lassen nhận chỉ thị của Tổng tư lệnh quân dội Hoa Kỳ là Tổng thống Barak Obama tiến vào bãi đá ngầm Subi và Vành khăn trên dãy đảo ngầm nằm trong vùng biển Trường Sa, cũng là lúc Biển Đông chính thức mang một diện mạo mới khác với sự độc diễn của Trung Quốc trong một thời gian khá dài.
Sự chờ đợi phản ứng chính thức của Hoa Kỳ đã đến lúc chín muồi và dư luận không riêng gì Việt Nam mà cả Philippines và Trung Quốc cùng nhìn vào đường đi của USS Lassen để dự đoán chính sách Biển Đông mà Hoa Kỳ sẽ mang ra áp dụng với Trung Quốc trong vai trò của một cường quốc quân sự trên biển lẫn trên lĩnh vực ngoại giao.
Chiến lược đưa tàu vào tuần tra là bước đầu tham gia sâu hơn nhằm đối trọng với những hoạt động mà Trung Quốc ngày ngày ăn mòn Biển Đông với các sách lược mà mục tiêu là chiếm trọn vùng biển giàu năng lượng và con đường hàng hải huyết mạch cho cả thế giới.
Hoa Kỳ thấy rõ phương án tằm ăn dâu của Trung Quốc và sau chuyến đi của Tập Cận Bình sang Washington không đạt được một kết quả nào về Biển Đông, cuối cùng thì quyết định đầy khó khăn cũng được mang ra thực hành và từ bước đầu khó khăn ấy khi USS Lassen chạm vào vùng 12 hải lý cũng là lúc mọi sự đã được an bày và tùy vào thái độ cũng như phản ứng của Trung Quốc.
Trước đây vài ngày khi tin tức về tuần tra của Hoa Kỳ được loan tải, phản ứng không chính thức của Việt Nam được một đại biểu quốc hội là ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng phát biểu:
"Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.
Câu phát biểu này hàm ý là Mỹ phải xin phép Việt Nam khi mang tàu hải quân tuần tra trong khu vực.
Trả lời câu hỏi này chúng tôi mượn lời TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ trong một bài do chúng tôi phỏng vấn ông cho biết:
"Tôi chưa nói đơn thuần tới chuyện công ước thôi thì nó có vùng an toàn chung quanh đó, các tài sản đó các công trình nhân tạo đó. Ngoài vùng đó là vùng biển quốc tế không có liên quan gì đến vấn đề lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa thì họ có quyền đi lại trong tự do hàng hải trong vùng biền quốc tế, vùng biển không thuộc về cái quyền, cái lợi ích của bất kỳ quốc gia nào thì họ không cần thông báo cho bất cứ ai."
Nhìn ở góc độ của một chuyên gia về vấn đề Biển Đông G.S Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc nhận xét về việc khu trục hạm USS Lassen tuần tra tại khu vực 12 hải lý như sau:
"Hoa Kỳ đã phản ứng hơi chậm trễ một chút khi Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo trong vùng thuộc khu vực đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố chủ quyền, mặc dù Mỹ đã có những thông tin về việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp chúng qua hình ảnh từ vệ tinh vào năm ngoái.
Tàu USS Lassen là khu trục hạm được trang bị hỏa tiễn định vị mà Trung Quốc không có chiến hạm nào tương đương và Hải quân Trung Quốc không có khả năng trực diện đối đầu với nó.
Tôi nghi ngờ rằng tàu tuần duyên Trung Quốc sẽ có mặt nhưng không làm được gì, tuy nhiên nếu tàu chiến Hoa Kỳ cứ chạy tuần tra lòng vòng trên biển Nam Trung Hoa sẽ không dừng được việc Trung Quốc bồi lấn trên các đảo ngầm khác nữa.
Nếu Hoa Kỳ quyết định chống lại việc này mà không buộc được Trung Quốc bằng biện pháp mạnh thì tôi không thấy sẽ có kết quả nào. Hoa Kỳ phải ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc nếu không thì tình hình vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay mà thôi."
Điều mà G.S Carl Thayer nhận xét đặt ra cho Hoa Kỳ một trách nhiệm nặng nề hơn nếu muốn chặn trước sự lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng biển mà Hoa Kỳ cảm thấy có trách nhiệm giữ nó cho an ninh hàng hải cũng như bầu trời.
Can thiệp vào vùng biển này là cách duy nhất có thể ngăn bước tiến của Trung Quốc muốn lấn sâu hơn và từng bước thực hiện tuyên bố của họ về đường chín đoạn.
Sự can thiệp của Hoa Kỳ hơn lúc nào hết cho Bắc Kinh thấy chiến lược của Mỹ là không hề chùn bước hay bỏ rơi đồng minh của họ trong đó có Philippines, là quốc gia luôn mạnh mẽ chống lại sự xâm lấn các đảo đá chìm mà Trung Quốc đang làm.
Từ Việt Nam, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, chuẩn đề đốc hải quân, PGS-TS giám đốc Học viện Hải Quân Nhân dân VN cho biết nhận xét của ông:
"Khi Trung Quốc hung hăng biến 7 bãi đá ngầm thành ra đảo nhân tạo lớn và sau khi bị thế giới phản đối thì họ tuyên bố là không quân sự hóa, vậy thì việc Mỹ duy trì việc cho tàu tuần tra để quan sát tình hình thì tôi nghĩ rằng cũng là chuyện bình thường. Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương và đường lối của họ cũng sẽ ổn định lại.
Nếu Mỹ không tham gia vào hoạt động tuần tra hoặc giải quyết những sự việc trên biển Đông sẽ gây cho Trung Quốc ngộ nhận Mỹ là nước yếu thế không dám làm và họ sẽ hung hăng hơn".
Các nước trong khu vực vẫn chờ đợi phản ứng của Trung Quốc. Mạnh mẽ hay kềm chế sẽ cho thấy mối tương quan quân sự và những chằng chịt khác trong đó vấn đề cốt lõi là kinh tế có làm chùn bước Trung Quốc hay không?
Trong khi hầu như toàn bộ các nước trong khu vực có đường biên giới hàng hải tại Biển Nam Trung Hoa đều nhận thức sự lấn lướt, bá quyền và dùng sức mạnh quân sự để trấn áp luật biển của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, thì việc Hoa Kỳ đem chiến hạm vào tuần tra không những làm tăng thêm sự vững tin mà chính sách đối phó của những nước trong khu vực còn có thêm cơ sở để không còn bị lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc như trước đây.

Obama thách thức Tập Cận Bình


Theo  Người Việt -2015 7:04:41 PM 
Ngô Nhân Dụng
Ngày 26 Tháng Mười, khu trục hạm Mỹ USS Lassen đã tiến vào vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo do Trung Cộng bồi lên trong quần đảo Trường Sa. Tổng Thống Barack Obama đã bật đèn xanh cho hành động này ngay sau bữa ăn tối với Chủ Tịch Tập Cận Bình, vào ngày 24 Tháng Chín.

Tối hôm đó Obama mời Tập Cận Bình dự một bữa tiệc nhỏ, chỉ có mặt các nhân vật thân cận để nói chuyện kín đáo, trước khi chính thức đãi quốc yến linh đình vào hôm sau. Trong bữa ăn đó Obama đã nhắc đến vấn đề các đảo nhân tạo do Trung Cộng dựng lên, và yêu cầu Tập Cận Bình hãy ngưng công tác này và yêu cầu không được quân sự hóa các hòn đảo mới đắp. Theo nguồn tin Tòa Bạch Ốc tiết lộ, Tập Cận Bình không đáp ứng mà chỉ tìm cách nói lảng sang chuyện khác. Ngay khi ăn xong, Obama đã sai nhân viên thân cận gọi điện thoại cho Ðô Ðốc Harry Harris, chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, cho phép Hải Quân Mỹ đưa tàu chiến tới thực hiện điều mà ông Harris đã yêu cầu từ bốn tháng trước.

Hành động này đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Cộng. Thái độ lì lợm của Bắc Kinh đã đẩy chính quyền Mỹ đến quyết định này, sau khi hai bên đã đấu khẩu gần nửa năm qua. Ðối với người Việt Nam chúng ta thì điều đáng chú ý nhất là mặc dù đã phản đối và “cảnh cáo” rất mạnh mẽ từ trước, Bắc Kinh không có một hành động cụ thể nào thể hiện những lời tuyên bố hùng hổ.

Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi,  ) đã đe dọa: “Chúng tôi khuyến cáo chính phủ Mỹ hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động, đừng làm những việc mù quáng gây thêm rắc rối.” Sứ quán Trung Cộng tại Washington cảnh cáo: “Chính phủ Mỹ hãy tỏ ra có trách nhiệm, tự kiềm chế đừng nói và làm những việc khiêu khích...” Nhưng họ đều không nói đến một phản ứng cụ thể nào nếu Mỹ cứ làm tới.

Quả nhiên, khu trục hạm USS Lassen tiến vào trong “vùng cấm” bên các đảo Chử Bích (Subi) và Bãi Vành Khăn (Mischief) mà không hề hấn gì cả. Bộ Quốc Phòng Mỹ còn báo trước rằng sau chiếc Lassen sẽ còn những chuyến tầu tuần thám khác. Một ngày sau khi USS Lassen làm nhiệm vụ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng là Lục Khảng (Lu Kang, 陆慷) chỉ khoe rằng rằng “các bộ phận hữu trách Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ chiếc tàu chiến theo đúng luật lệ quốc tế, đã bám sát chiếc tàu này và phát lệnh cảnh cáo.” Lục Khảng nói thêm: “Chính phủ Trung Quốc sẽ đáp ứng một cách quyết liệt trước tất cả các hành động khiêu khích.” Phát ngôn viên sứ quán Trung Cộng Châu Hải Toàn (Zhu Haiquan, 朱海) cũng chỉ lập lại một ý cũ: “Mỹ không nên dùng khái niệm ‘tự do hải hành’ để phô trương vũ lực và vi phạm chủ quyền cùng an ninh của các quốc gia khác.”

Tóm lại, Trung Cộng nói rất mạnh trước khi biến cố xảy ra, rồi sau đó họ vẫn nói rất mạnh nhưng không dám ngăn cản. Ngược lại, đối với ngư dân Việt Nam thì Trung Cộng từng nhiều lần vô cớ tấn công không cần cảnh cáo trước. Cộng Sản Việt Nam chỉ dám phản đối lấy lệ. Ðây là đường lối ngoại giao “mềm nắn rắn buông” cố hữu của Cộng Sản Trung Quốc. Dù nay mai Bắc Kinh có rầm rộ đưa thêm tàu chiến hay mẫu hạm và tàu ngầm xuống vùng biển phía Nam thì cũng không bao giờ dám đọ súng với tàu chiến Mỹ, vì biết sức không địch nổi.
Một điều ít được chú ý là từ trước tới nay Bắc Kinh chưa bao giờ công bố vùng chủ quyền 12 hải lý (22 cây số) chung quanh các hòn đảo nhân tạo họ mới xây dựng. Ðó chỉ là điều được suy diễn từ những văn kiện cũ, như bản tuyên bố về lãnh hải năm 1958, trong đó bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà đảng Cộng Sản Việt Nam, qua Phạm Văn Ðồng, đã vội vã hoan nghênh. Chuyến đi của tầu Lassen, và các tàu chiến khác sau này, không nhằm phản đối một lời tuyên bố mới nào về chủ quyền của Trung Cộng mà chỉ cốt chứng tỏ cho Bắc Kinh biết việc đắp lên các hòn đảo nhân tạo là vi phạm luật biển quốc tế. Ðó là một cách chứng tỏ thái độ của Washington rõ rệt và cương quyết chứ không chỉ nói suông.

Trong quá khứ chính quyền Mỹ đã làm giống như vậy. Tuy các quan chức Trung Cộng mới chỉ đưa ra ý kiến mơ hồ rằng “đường chín đoạn” thuộc Trung Quốc; mà chưa bao giờ chính thức minh định bằng văn kiện, nhưng các nhân viên ngoại giao và quốc phòng Mỹ cũng đã phản đối ngay. Tư Lệnh Hạm Ðội Số 7 Harry Harris đã nói trước một ủy ban Quốc Hội rằng: “Tên gọi Biển Nam Trung Quốc (South China Sea) quen dùng không có nghĩa rằng vùng biển đó thuộc Trung Quốc, cũng như gọi tên Vịnh Mexico không phải là vịnh đó là của nước Mexico.” Ông Harris có thể nói thêm rằng Ấn Ðộ Dương không là biển của nước Ấn Ðộ.

Việc Trung Cộng xây dựng các đảo nhân tạo xâm phạm chủ quyền các nước Ðông Nam Á hơn là các nước khác. Nhưng hành động này là dấu hiệu của tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, khiến cả thế giới phải quan tâm. Từ Tháng Sáu năm 2015, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ash Carter đã đề nghị những hành động cụ thể để chứng tỏ chính phủ Mỹ không công nhận Trung Cộng có chủ quyền trên các hòn đảo nhân tạo đó. Theo luật biển, trong hải phận quốc tế không quốc gia nào có chủ quyền trên những vùng đá ngầm bị ngập khi nước triều lên cao. Việc bồi đắp cho các tảng đá cho cao hơn không thay đổi tình trạng pháp lý đó.

Trong vùng Biển Ðông nước ta, nhiều quốc gia đã xây đắp các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có Ðài Loan, Việt Nam và Philippines. Từ năm ngoái, Trung Cộng bắt đầu bành trướng, đã xây dựng ba phi trường, một đã hoàn tất. Theo lời tố cáo của bộ quốc phòng Mỹ, trong vòng 20 tháng họ đã đắp thêm các đảo nhân tạo diện tích tổng cộng lớn gấp 17 lần tổng số những đảo mà các nước khác đã đắp trong vòng 40 năm. Hành động này không những thay đổi thế cân bằng quân sự trong vùng Biển Ðông mà còn cho Trung Cộng cơ hội xây dựng các căn cứ quân sự đe dọa các nước Ðông Nam Á. Vào Tháng Năm, nhật báo The Wall Street Journal loan tin quân đội Trung Cộng đã đặt trọng pháo trên một nhóm đảo tên quốc tế là Johnson Reef. Sau đó, tin tình báo cho biết không còn thấy các khẩu súng này nữa, hoặc đã chuyển đi, hoặc được che đậy. Tập Cận Bình đã hứa hẹn rằng các đảo nhân tạo chỉ nhằm mục đích dân sự mà không được quân sự hóa. Một hải đăng do Trung Cộng mới lập đã bắt đầu làm việc, thông tin với các thương thuyền đi qua. Nhưng người ta vẫn biết rằng các hòn đảo mới đó sẽ là một hàng rào bảo vệ căn chứ tầu ngầm ở đảo Hải Nam. Các tàu ngầm này có thể sẽ được trang bị vũ khí nguyên tử, đe dọa trực tiếp các nước khác. Nếu đứng riêng thì các hòn đảo nhân tạo này không có khả năng tự vệ nếu bị tấn công.

Tháng Chín vừa qua, một đoàn năm chiến thuyền Trung Cộng trong khi tập trận chung với hải quân Nga đã đi vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo Aleutian Islands của Mỹ, trong vùng eo biển Bering giữa Mỹ và Nga. Ngày 6 Tháng Chín, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ tuyên bố rằng các chiến thuyền đó đã theo đúng các thủ tục quốc tế và không có hành động gây hấn nào. Ðiều khác biệt giữa chuyến đi của năm chiến thuyền trên và của khu trục hạm USS Lassen là các hòn đảo Aleutian được thế giới công nhận thuộc nước Mỹ; ngược lại, không nước nào chấp nhận các đảo Vành Khăn và Chử Bích thuộc Trung Quốc. Chuyến đi tuần thám vào sâu trong 12 hải lý của chiếc USS Lassen chỉ cốt chứng tỏ điều đó một cách minh bạch, công khai.

Tổng Thống Mỹ Barack Obama từ khi nắm quyền đã theo đường lối ôn hòa, ngay trong vùng Trung Ðông là nơi nước Mỹ đứng giữa những cuộc tranh chấp đẫm máu. Trong vấn đề chủ quyền trên các đảo trong vùng Biển Ðông, ông Obama cũng cho thấy rất kiên nhẫn khi đối phó với Trung Cộng. Nhưng chính quyền Mỹ từng cho thấy họ không ngần ngại đối đầu khi cần thiết. Năm 2013, khi Trung Cộng công bố “Vùng nhận diện không phận” (Air Defense Identification Zone) trong khu vực biển chia với Nhật Bản và Nam Hàn, ông Obama đã cho hai pháo đài bay B-52 bay qua khu vực này mà không cần thông báo; chỉ để chứng tỏ nước Mỹ không công nhận hành động đơn phương đó. Tháng Năm năm nay, máy bay tuần thám P8-A Poseidon của Mỹ đã bay qua các hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng, với các phóng viên đài CNN để quay phim. Tuy chuyến bay này chưa đi qua vùng 12 hải lý, nhưng binh lính Trung Cộng đã lên tiếng đuổi, và phi công Mỹ đã xác định rằng họ đang bay trong hải phận quốc tế không thuộc quốc gia nào. Bây giờ, ông Obama đã làm mạnh hơn. Chính phủ các nước Ðông Nam Á và Nhật Bản đã thúc giục Mỹ có hành động mạnh mẽ. Sau chuyến đi của USS Lassen ngày Thứ Hai vừa qua, Philippines, Nhật Bản và Úc đã lên tiếng hoan nghênh ngay lập tức. Chuyến đi của khu trục hạm Lassen cho thấy ông Obama đã thay đổi từ thái độ ngoại giao mềm dẻo sang một hành động cứng rắn đối với Trung Cộng.
Chỉ có chính quyền Cộng Sản Việt Nam còn chậm chạp, do dự không lên tiếng ủng hộ ngay hành động mới của chính quyền Mỹ. Trong khi đó ai cũng biết Việt Nam là nước bị đe dọa trực tiếp nhất trong chiến dịch bành trướng của Trung Cộng trong vùng biển Ðông Nam Á.

Trung Quốc giận dữ, đồng minh hoan nghênh, Việt Nam im lặng

BẮC KINH (NV) - Ðó là những biểu hiện đáng chú ý sau khi khu trục hạm USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Subi và Vành Khăn, hai bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Hoa Kỳ đã khởi động chiến dịch “Tự do hàng hải” với mục tiêu chính là thực hiện các cuộc tuần tra tại biển Ðông, kể cả điều động chiến đấu cơ, chiến hạm vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo và đang xây dựng để biến những đảo nhân tạo này thành một chuỗi căn cứ quân sự ở biển Ðông, nhằm phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông, khẳng định tư do lưu thông theo luật pháp quốc tế là điều bất khả tiếm đoạt.


Khu trục hạm USS Lassen của Hải Quân Hoa Kỳ tuần tra trên biển Ðông. (Hình chụp qua Youtube)

Ngay sau đó, ông Lục Kháng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khẳng định, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận. Cũng vì vậy, Trung Quốc phản đối bất cứ quốc gia nào viện dẫn quyền tự do lưu thông xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc, lập tức sửa sai, không tiếp tục những hoạt động gây tổn hại cho quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ cũng như hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Tin tức cũng cho hay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đến để phản đối chính thức.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn nín lặng dù sự việc xảy ra ngay tại nơi Việt Nam luôn tuyên bố có chủ quyền.

Một số báo điện tử chính thống của nhà cầm quyền CSVN nhanh chóng đưa tin chiến hạm Mỹ tiến gần các đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn rồi sau đó các bản tin về phản ứng tức giận của Bắc Kinh và các nước khu vực. Không thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam ở đâu.

Một số báo như Thanh Niên, VNExpress cho độc giả bình luận nhưng được sàng lọc để thấy những ý kiến rất chừng mực. Ðộc giả của báo Tuổi Trẻ có vẻ được thả lỏng hơn nên thấy có những độc giả viết như “Chú Ba chỉ to còi, ăn hiếp mấy nước nhỏ trong khu vực chứ thử đụng đến khu trục hạm Mỹ thử xem. No đòn liền...” Hoặc “Ðược đó anh hai Huê Kỳ! Tới luôn bác tài, đừng cho số de.”

Trên đài BBC, ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên Giới của chế độ Hà Nội nói rằng, “Ðây là thông tin rất đáng hoan nghênh vì người Mỹ đã nói là làm, đúng với luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.”
Khi khu trục hạm USS Lassen đi tuần tra gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa hôm Thứ Ba, một số tàu chiến Trung Quốc gồm cả khu trực hạm, hộ tống hạm và tàu đổ bộ đã bám theo, theo tờ Navy Times của Hải Quân Hoa Kỳ.
Ngoài phản ứng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, báo giới Trung Quốc cũng đã gia tăng mức độ chỉ trích kế hoạch “Tự do hàng hải” của Hoa Kỳ. Tân Hoa Xã gọi cuộc tuần tra của USS Lassen là một “hành động xâm lăng” và nhận định Hoa Kỳ đang chơi một “trò chơi nguy hiểm,” cố tình khiêu khích Trung Quốc.

Cùng lúc với các tuyên bố của Trung Quốc, còn có những tuyên bố khác của Ðài Loan, Philippines, Úc, Nhật.
Bà Eleanor Wang, Phát ngôn viên của chính quyền Ðài Loan - cũng đang có tranh chấp chủ quyền tại biển Ðông với những quốc gia khác như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, nhấn mạnh rằng Ðài Loan mong muốn thấy tất cả các bên có liên quan ứng xử theo hướng đóng góp cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Cần nói thêm rằng, luật pháp quốc tế chỉ thừa nhận vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh cáo đảo thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu đảo đó nếu đó là đảo tự nhiên, không phải đảo nhân tạo.

Ngược với sự ủng hộ nhẹ nhàng, kín đáo của Ðài Loan, ông Benigno Aquino, tổng thống Philippines tuyên bố, ông tin tất cả mọi người đều hoan nghênh một sự cân bằng quyền lực. Khi một chiến hạm của Hoa Kỳ thực hiện cuộc tuần tra theo đúng luật pháp quốc tế thì chẳng có gì để làm ầm ĩ. Ông Aquino nói thêm, nếu đã tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải mà lại tìm cách ngăn cản tàu thuyền đi ngang, không gây ngại thì đó là một hành động mâu thuẫn, không phù hợp.

Ngay sau sự kiện USS Lassen tuần tra tại biển Ðông, Bộ Quốc Phòng Úc phát hành một thông cáo, khẳng định, theo luật pháp quốc tế, tất cả quốc gia đều có quyền tự do lưu thông trong lĩnh vực hàng hải và hàng không, kể cả tại biển Ðông và Úc mạnh mẽ ủng hộ việc thực thi các quyền đó. Thông cáo vừa kể nói thêm, tuy Úc không tham gia chiến dịch “Tự do hàng hải” cùng với Hoa Kỳ nhưng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực để bảo vệ an ninh hàng hải.

Ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng chính phủ Nhật, nhận định, điều vô cùng quan trọng là cộng đồng quốc tế đã cùng ngồi lại với nhau để bảo vệ một đại dương rộng mở, tự do và yên bình.

Reuters dẫn lời của một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ yêu cầu ẩn danh cho biết, cuộc tuần tra của USS Lassen chỉ là bước khởi đầu cho một kế hoạch tuần tra dài hạn. Sắp tới, Hải Quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho những cuộc tuần tra khác và mục tiêu có thể sẽ là quanh các đảo, bãi đá mà Việt Nam, Philippines đang trấn đóng tại quần đảo Trường Sa. (G.Ð)
10-27-2015 2:35:16 PM 

Kinh nghiệm nóng hổi từ Belarus

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Mấy tháng nay, tình hình nước Cộng hòa Belarus thu hút sự quan tâm của công luận quốc tế.
Belarus ở phía Tây Bắc châu Âu, có gần 10 triệu dân, là một trong những nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết trong Liên bang Xô viết bị giải thể cuối năm 1991. Belarus khôi phục chủ quyền quốc gia ngày 27/7/1990 , tuyên bố độc lập ngày 25/8/1991.
Từ khi độc lập đến nay Belarus đã có nhiều thay đổi. Hơn 20 năm nay qua Belarus bị dư luận phương Tây đánh giá là bảo thủ, còn giữ lại nhiều di sản thời Xô viết cũ, duy trì một khu vực kinh tế chỉ huy với các cơ sở quốc doanh rộng lớn, nhất là ngành lọc dầu và chế tạo máy kéo, hạn chế kinh doanh tư nhân, bóp nghẹt giai cấp trung lưu. Hiện nay Belarus là một chế độ độc đoán, độc tài cá nhân, bóp nghẹt tư do dân chủ, hầu như không có tự do báo chí, không có báo tư nhân, đàn áp các cuộc biểu tình, bỏ tù khá nhiều công dân đòi nhân quyền và dân chủ. Chính vì chế độ độc đoán như thế nên Belarus bị lên án rất mạnh mẽ trên các diễn đàn quốc tế, còn bị trừng phạt về kinh tế - tài chính, bị nhiều nước tẩy chay, không cho nhập cảnh, kể cả tổng thống và thủ tướng. Phương Tây đánh giá rất xấu chế độ chính trị của Belarus và gọi Tổng thống Alexander Lukashenko là «nhà độc tài cuối cùng của châu Âu». Nhờ vào bộ máy tuyên truyền rộng khắp và bộ máy an ninh rộng lớn, ông Alexander Lukashenko đã nắm giữ chức tổng thống suốt 20 năm qua.

Hơn một năm nay Tổng thống Lukashenko đã có những đổi mới về chính trị rất ngoạn mục. Trước những biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây, ông đã ban hành những quyết sách rất cơ bản, mạnh dạn, bất ngờ, như thả gần hết tù chính trị, mở rộng chế độ đa đảng, cho phép các Đảng Mặt trận Nhân dân, Dân chủ Thiên chúa giáo, Mặt trận Trẻ, Cánh tả Thống nhất, Lao động và Công lý đưa người ra tranh cử và được tự do vận động, với báo chí truyền đơn, vô tuyến truyền hình và truyền thanh riêng biệt. Lần này có 4 ứng cử viên tổng thống và ông đã đắc cử với tỷ lệ cao hơn những lần trước, áp đảo các ứng cử viên khác. Cuộc bầu cử năm nay được 1.200 nhà quan sát quốc tế của Liên Hiệp Quốc, của Liên Âu và CIS đánh giá là công bằng, nghiêm chỉnh, không bị nghi ngờ như 4 lần trước.
Vì sao Tổng thống A. Lukashenko lại được người dân tín nhiệm cao như vậy, tuy bị mang cái tiếng là «nhà độc tài cuối cùng của châu Âu»?
Trước hết ông Lukashenko có một tư cách cá nhân khá là đặc biệt. Vốn là đảng viên CS thời Liên Xô cũ, từng ở trong quân đội Hồng quân, rồi tốt nghiệp ở Học viện Nông nghiệp, làm giám đốc một nông trường nhỏ. Ông rất say mê học hỏi, hoạt động chính trị rất sớm, trúng cử đại biểu Quốc hội khi mới hơn 30 tuổi do tính ngay thẳng. Năm 1993 ông được bầu làm Chủ tịch ủy ban chống tham nhũng của Hạ viện khi tham nhũng lan tràn ở mọi cấp, mọi nơi. Trên chức vụ đó ông đã cương quyết khui ra các vụ bê bối, hối lộ ở ngay thượng tầng quyền lực, điều tra, truy tố 70 cán bộ cao cấp, kể cả nguyên chủ tịch quốc hội và nguyên thủ tướng, không khoan nhượng bất kỳ ai. Riêng việc này ông được dân quý trọng, tin cậy để được bầu luôn 5 nhiệm kỳ. Nhân dân Belarus còn quý mến ông Lukashenko về cách phát biểu luôn luôn giản dị, dễ hiểu và pha trộn hài hước của ông.
Không phải chỉ có vậy, ông còn tỏ ra có nhãn quan của một chính khách già dặn, mưu lược. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra, ông không ngại làm phật lòng ông bạn lớn Nga khi ông lên án cuộc xâm chiếm bán đảo Crimea, bày tỏ cảm tình với Tổng thống Ukraine Poroshenko , rồi tuyên bố sẵn sàng đứng trung lập, mời các bên liên quan đến thủ đô Minsk hội đàm. Với sự kiện này ông nổi lên là một nhà lãnh đạo quốc gia có thiện chí và viễn kiến. Đến khi Tổng thống Putin can thiệp bằng quân sự vào vùng Đông Ukraine, ông lên tiếng phản đối, không sợ nguồn cung cấp của Nga cho các cơ sở lọc dầu của nước mình bị cắt. Ông còn không cho Nga xây dựng một sân bay quân sự lớn trên đất Belarus như đã hứa hẹn, vì cho rằng ông Putin không đáng tin.
Vẫn chưa hết, sau những quyết sách sáng suốt, mạnh dạn như trên, các nước phương Tây đã quyết định dỡ bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt do vi phạm nhân quyền sau khi phần lớn tù chính trị được trả tự do, một cuộc bầu cử dân chủ đa đảng nghiêm chỉnh được tổ chức, và ông Lukashenko tỏ rõ ý muốn xích lại gần với các nước phương Tây, bất chấp đồng minh cũ là Nga tỏ thái độ đe dọa. Mấy tháng nay ông ra sức cải thiện quan hệ với các nước láng giềng , còn bày tỏ ý muốn gia nhập khối Liên Âu, như Ba Lan, Lithuania và Latvia - 3 nước này có hơn 1 nghìn kilômét biên giới chung với Belarus.
Sự kiện Ukraine và Belarus thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa lâu dài của Nga là 2 thất bại to lớn đối với Tổng thống Putin, người đang cố tìm cách khôi phục sự khống chế đối với một số nước Xô Viết cũ, cụ thể là với Ukraine,Belarus, Lithuania, Latvia là 4 nước quan trọng nhất, ở ngay sườn phía Tây nước Nga. Tuy không nói ra, đây là nỗi đau hơn hoạn cho người hùng Putin.
Belarus với Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Cũng là một nước CS chư hầu của Liên Xô cũ, cũng có biên giới dài với một nước CS lớn luôn có dã tâm bành trưóng và thôn tính, cũng đứng trước nạn tham nhũng lan tràn, mọi cấp, cũng trước ngã ba đường nên theo hướng? Chịu ách Bắc thuộc thêm nữa ? Hay duy trì quan hệ bình thường nhưng liên minh toàn diện với các nước dân chủ hùng mạnh văn minh như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Úc, EU và Hoa Kỳ để có thế chiến lược ưu việt chưa từng có, bảo đảm cho nước VN an bình, phát triển nhanh và phồn vinh, hạnh phúc cho toàn dân?

Nhóm lãnh đạo và nhóm trí thức nào sẽ vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm quý báu của Belarus vào thực tiễn nước ta, với những quyết sách mạnh bạo, sáng tạo, độc đáo, có trách nhiệm cao, vì cuộc sống xứng đáng làm người của nhân dân?
Một hướng đi quá dễ khi có thiện chí, cũng quá khó nếu như còn chủ nghĩa cá nhân, vẫn nhẫn tâm quay lưng lại với nhân dân, với đồng bào ruột thịt đang khao khát tự do.

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.