Friday, September 18, 2015

Đốt nhà để dân chết oan, nhiều viên chức Trung Quốc bị bắt

Thụy My
Theo RFI-Ngày 18-09-2015 15:48
media
Đốt nhà dân để trưng thu đất. Ảnh minh họa.DR

Nhiều quan chức Trung Quốc bị bắt sau khi một nông dân bị cưỡng chế nhà đã chết cháy. AFP dẫn tin từ báo chí nhà nước hôm nay 18/09/2015 cho biết như trên, sau khi đã dấy lên làn sóng phẫn nộ do chính quyền địa phương nói rằng nạn nhân đã tự thiêu.

Ông Zhang Jimin, 46 tuổi, có hai con, đã bị chết trong lúc địa phương tìm cách phá dỡ căn nhà của ông ở huyện Bình Ấp (Pingyi), thuộc tỉnh Sơn Đông. Khu đất này được sử dụng cho dự án địa ốc, nhưng ông Zhang từ chối di dời, một phần do ông không đủ tiền mua một căn hộ. Theo Tân Kinh báo, chính quyền đền bù 60 nhân dân tệ (9,4 đô la) một mét vuông, trong khi các căn hộ được bán với giá 1.100 nhân dân tệ cho một mét vuông xây dựng.

Bài báo dẫn lời các nhân chứng nói rằng hôm thứ Hai 14/9, mấy chục thanh niên vây quanh nhà ông Zhang, bắt đầu ném gạch đá và « các chai đựng một thứ chất lỏng màu vàng » vào nhà ông, trong khi một chiếc xe xúc đất toan ủi sập một bức tường. Chẳng mấy chốc căn nhà bị bốc cháy, ngọn lửa hoành hành gần một tiếng đồng hồ. Kong Qingzhen, một dân làng kể lại : « Thân người ông Zhang bị cháy còng queo, rút lại bằng kích cỡ một chiếc túi. Khó thể nói đó là hình hài một con người ».

Chính quyền sở tại ban đầu đòi « trừng phạt nghiêm khắc » bất kỳ ai « loan tin đồn nhảm » về cái chết của người nông dân trên. Đến hôm thứ Tư 16/9, họ lại nói rằng ông Zhang đã tự tìm đến cái chết bằng cách tự thiêu, và « loại trừ khả năng bị những người khác đốt nhà », do ông đã mua xăng dầu đem về nhà trong những ngày trước.

Phát biểu này đã gây phẫn nộ không chỉ đối với cư dân mạng mà còn cả báo chí do Nhà nước kiểm soát.

Các nhà điều tra của thành phố Lâm Nghi (Linyi), cấp chủ quản của huyện Bình Ấp loan báo nhiều viên chức huyện này đã bị tạm giam hình sự. Tân Hoa Xã hôm qua dẫn một thông cáo chính thức nhận định : « Đây là một sự kiện xấu xa, vi phạm nghiêm trọng tính mạng và tài sản của nhân dân », do « các cán bộ cấp cơ sở yếu kém về pháp luật cũng như kỷ luật, và cung cách làm việc giản đơn, thô bạo của họ ».

Các vụ cán bộ địa phương dùng bạo lực tịch thu nhà đất, trục xuất dân làng để lấy đất dành cho các dự án địa ốc đã trở thành nguyên nhân chủ yếu gây phẫn nộ cho người dân Trung Quốc trong những năm gần đây, đôi khi gây ra những vụ nổi dậy. Hồi tháng Ba, tòa án Trung Quốc đã kết án tử hình một người do phóng hỏa thiêu chết một nông dân và làm bị thương ba người khác trong một vụ cưỡng chế đất năm ngoái.

Biển Đông : Thượng viện Mỹ đòi Hải quân mạnh tay hơn với Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Theo RFI-Ngày 18-09-2015 15:43
media
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T); Thượng nghị sĩ John McCain (phía sau) tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngày 29/07/2015.Reuters

Hải quân Mỹ đã nhiều lần lên tiếng đe dọa cử chiến hạm và phi cơ tiến sâu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang bồi đắp tại Trường Sa, nhưng chưa làm. Thái độ rụt rè đó đã khiến Thượng viện Mỹ bất bình. Nhân một cuộc điều trần ngày 17/09/2015, nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ công khai yêu cầu Lầu Năm Góc phải cho tàu Hải quân tiến vào bên trong vùng biển đó để khẳng định lập trường của Mỹ.

Theo hãng tin Mỹ AP, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đã tuyên bố Mỹ cần phải thâm nhập vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh các hòn đảo mà Trung Quốc đang rốt ráo xây dựng. Mục tiêu là để nêu bật quan điểm của Washington, không công nhận các tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng các đảo là lãnh thổ của Trung Quốc.

Tại phiên điều trần, ông McCain khẳng định : « Mặc nhiên công nhận tuyên bố chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc một sai lầm nguy hiểm ». Sau khi nhắc lại là Trung Quốc mới đây đã cho tàu quân sự tiến vào vùng 12 hải lý quanh quần đảo Aleutian của Mỹ, ngoài khơi Alaska, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Hoa Kỳ cũng cần khẳng định « một cách mạnh mẽ » quyền lưu thông trên biển của mình.

Khuyến cáo của các Thượng nghị sĩ Mỹ được cho là lời chỉ trích đối với thái độ quá thận trọng của Hải quân Mỹ. Bất chấp các tuyên bố dứt khoát từng được đưa ra, hôm qua, chính ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Châu Á-Thái Bình Dương đã thừa nhận rằng kể từ năm 2012 đến nay, tàu Mỹ chưa hề tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo Bắc Kinh đang kiểm soát.

Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris cũng tiết lộ rằng phi cơ quân sự của Hoa Kỳ cũng chưa hề tiến hành một phi vụ nào trực tiếp bên trên bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc đang bồi đắp và xây dựng ở vùng Biển Đông.

Hai nhân vật then chốt trong guồng máy quân sự Mỹ đã liên tục bị các Thượng nghị sĩ chất vấn về việc Lầu Năm Góc đã xin Nhà Trắng bật đèn xanh cho các chiến dịch bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp hay chưa, và câu trả lời ra sao ?

Câu trả lời của Đô đốc Harris khá lúng túng : một mặt ông thừa nhận rằng Hải quân Mỹ cần được phép tiến vào bên trong vùng 12 hải lý để hành xử quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, nhưng ông vẫn đang chờ hướng dẫn từ cấp trên.

Ông David Shear cũng từ chối nói về những cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng trên vấn đề này, nhưng cho biết thêm là việc hành xử quyền tự do hàng hải trong khu vực quần đảo Trường Sa chỉ là một trong những phương án mà thôi, vì còn cần phải tìm cách ngăn chặn không cho Trung Quốc chuyển vũ khí tối tân đến các tiền đồn đó của họ trên Biển Đông.

Một Thượng nghị sĩ khác có mặt trong buổi điều trần, ông Dan Sullivan, tiểu bang Alaska, đã nhắc lại tuyên bố công khai hôm thứ Tư 16/09 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, theo đó Hoa Kỳ sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, và « việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay không thể cho ta quyền đòi chủ quyền và giới hạn quyền quốc tế được quá cảnh trên không và trên biển ».

Theo các nhà quan sát, phản ứng không hài lòng của các Thượng nghị sĩ có thế lực phải chăng đang dự báo cho những động thái cứng rắn hơn nữa của Hải quân Mỹ tại Biển Đông trong thời gian sắp tới đây ?

Vào đầu năm nay, trước những phản ứng từng bị coi là yếu ớt của Washington trước các hành vi bị đánh giá là ngày càng thô bạo và đầy tính khiêu khích của Bắc Kinh tại Biển Đông, 4 Thượng nghị sĩ Mỹ trong đó có ông John McCain đã công bố thư ngỏ, yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ phải cứng rắn hơn. Kết quả là chính quyền Obama đã liên tiếp có những cố gắng vạch trần và tố cáo rộng rãi mưu đồ crua Trung Quốc tại Biển Đông.

Khuyến cáo lần này của các Thượng nghị sĩ rất có thể sẽ có kết quả tương tự.

Tân Hoa Xã: Biển Đông không phải là vấn đề giữa TQ và Mỹ

Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.
VOA-18.09.2015
Trang web của Tân Hoa Xã hôm 17 tháng 9 đăng một bài xã luận nêu lên lập trường của Trung Quốc rằng Biển Đông không phải và không nên là một vấn đề giữ Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình sắp có chuyến công du đến Mỹ vào cuối tháng 9.

Trung Quốc nói rằng mình có những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, quy trách những nước như Philippines và Việt Nam khơi mào tranh chấp vì đã xâm lấn và chiếm đóng những đảo và bãi đá ở đây kể từ những năm 1970, và nói rẳng chính Trung Quốc mới là nạn nhân thực sự của vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc khẳng định mục tiêu căn bản ở khu vực này là làm cho Biển Đông thành một nơi của hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Bài xã luận nói điều này phù hợp với viễn kiến phát triển hòa bình của Trung Quốc và cũng nằm trong lợi ích của Mỹ.

Bài báo cũng chỉ trích những người mà họ gọi là mang tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh ở Washington muốn xem vấn đề này là cơ hội để kiềm chế Trung Quốc và cản trở sự phát triển của Trung Quốc, cũng như những nước được cho là cố gắng lôi kéo Mỹ vào cuộc để hưởng lợi từ việc hai cường quốc này đối đầu với nhau.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ tuân thủ cam kết của mình không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông và hoan nghênh việc Mỹ đưa những đề xuất mang tính xây dựng, nhưng nói rằng những đề xuất đó phải khả thi.

Bài báo cho biết trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đề xuất một khái niệm được gọi là “mô hình mới về quan hệ giữa các nước lớn” dựa trên việc tránh đối đầu và xung đột, và đề cao sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Bài xã luận viết rằng để thực thi được khái niệm này hai nước cần phải tập trung, duy trì một tầm nhìn lâu dài và quản lý những khác biệt giữa đôi bên như vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Nghị sĩ McCain muốn chiến hạm Mỹ đi sát đảo nhân tạo ở Trường Sa

WASHINGTON (NV) .- Nghị sĩ John McCain đả kích chính sách của chính quyền Obama và thúc giục Hải quân nước này bất chấp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương, đứng với tấm hình đảo nhân tạo Đá Thập mà Trung Quốc đang biến thành căn cứ quân sự khổng lồ ở Trường Sa. Ông tham dự buổi điều trần tại Thượng Viện hôm 17/9/2015. (Hình: AP Photo/Cliff Owen)

Trong buổi điều trần của Bộ Quốc Phòng tại Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện hôm Thứ Năm 17/9/2015, nghị sĩ John McCain, chủ tịch ủy ban này, nói rằng Hoa Kỳ cần phải (cho tàu chiến) chạy bên trong phạm vi 12 hải lý để chứng tỏ Hoa Kỳ không công nhận lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa.

“Đó là lỗi lầm nguy hiểm khi công nhận sự tồn tại trong thực tế chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo.” Hãng tin AP thuật lời Nghị sĩ McCain nói trong buổi điều trần được tổ chức chỉ một tuần lễ trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc thăm viếng nước Mỹ.

Các lời bình luận thời sự những ngày qua đều cho rằng tại cuộc gặp mặt ở Tòa Bạch Ốc, tổng thống Obama sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông, vấn đề tin tặc Trung Quốc bên cạnh các vấn đề khác.

Trong khi chiến hạm Mỹ không vi phạm luật lệ quốc tế, nghị sĩ McCain cho hay tàu hải quân Trung Quốc đã xâm phạm vào bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Aleutian vào dịp tổng thống Barack Obama kết thúc chuyến thăm viếng tiểu bang Alaska. Hoa Kỳ nên khẳng định quyền hải hành một cách mạnh mẽ, theo ông.

Bào chữa cho chính sách của chính phủ, theo AP, thứ trưởng Quốc phòng David Shear đặc trách An Ninh Á Châu – Thái Bình Dương Vụ, nhìn nhận Hoa Kỳ chưa từng vượt qua ranh giới 12 hải lý từ năm 2012 đến nay. Đô đốc Harry Harris, Jr., Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Á Châu – Thái Bình Dương nhìn nhận lực lượng Hoa Kỳ cũng chưa thực hiện các chuyến bay bên trên các đảo nhân tạo nào mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa.

“Tôi đồng ý rằng Biển Nam Trung Quốc (South China Sea) thì cũng không phải là của Trung Quốc (ngoài cái tên như vậy) chẳng khác gì (tuy) gọi là Vịnh Mexico (Gulf of Mexico) vẫn không phải là của Mexico.” Ông Harris nói.

Các nghị sĩ tham dự buổi điều trần đã thay nhau chất vấn hai ông Shear và Harris rằng liệu Ngũ Giác Đài có yêu cầu Tòa Bạch Ốc cho phép chạy tàu chiến trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa hay không, và câu trả lời ra sao.

Sau khi tham khảo với các chuyên viên quân sự, cuối cùng, đô đốc Harris nhìn nhận: “Tôi tin rằng chúng ta nên cho phép thể hiện quyền tự do hải hành cũng như quyền bay trên không phận ở Biển Đông trên các đảo nhân tạo này.”

Ông Harris cho hay ông đang chờ chỉ thị từ cấp trên.

Khi bị chất vấn thêm, ông Shear từ chối cho biết các cuộc bàn cãi về vấn đề giữa Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc , nhưng ông nói thực hiện quyền tự do hải hành quanh các đảo đó chỉ là một trong những giải pháp lựa chọn. Bởi vì thực hiện quyền tự do hải hành không thôi cũng sẽ không ngăn cản được các hoạt động của Trung Quốc.

Tin tức mấy ngày gần đây cho thấy 3 trong 4 phi trường được Trung Quốc xây dựng trên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa đang được hoàn thành ở những giai đoạn khác nhau. Tất cả đều có chiều dài 3,000 mét hoặc dài hơn để tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc có thể sử dụng.

Nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa – Alaska) dẫn lời tuyên bố công khai của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter một ngày hôm trước rằng sẽ không ai cản trở được Hoa Kỳ khi bảo đảm tự do hải hành ở khu vực.

“Đừng nhầm lẫn. Hoa Kỳ sẽ bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ chỗ nào luật lệ quốc tế cho phép giống như lực lượng Hoa Kỳ hoạt động ở khắp nơi trên thế giới.” Ông Carter nói. “Sau cùng, biến tảng đá ngầm thành một phi đạo vẫn không đủ cho chủ quyền lãnh thổ hoặc ra lệnh giới hạn hải hành hay bay ngang qua.” (TN)
09-17- 2015 4:08:35 PM

Thành viên tổ chức kháng cự cộng sản ra tù

CTV Danlambao - Ông Nguyễn Văn Răng, thành viên một tổ chức kháng cự cộng sản bị bắt từ năm 1976 vừa mãn hạn tù vào lúc 6 giờ sáng ngày 18/9/2015.

Từ trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), người tù chính trị 64 tuổi này đã được đưa về nhà riêng tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) trong tình trạng sức khoẻ yếu.

Ông Nguyễn Văn Răng sinh năm 1951. Khi CS cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, ông Răng khi đó 24 tuổi đã tham gia đấu tranh vũ trang chống chế độ độc tài.

Ngày 23/6/1976, ông bị chế độ CSVN bắt giam với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” và bị kết án tử hình. 

Bản án này đã chuyển thành chung thân ít lâu sau đó.


*Vượt ngục, bị bắt lại


Vào ngày 10/7/1991, từ trại tù Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Răng đã vượt ngục thành công. 

Ra bên ngoài, ông phải sống mai danh ẩn tính để làm ăn và liên tục thay đổi chỗ ở.

Một thời gian sau ông đã lấy vợ và sinh được hai người con, một gái và môt trai.

Vào ngày 5/2/2012, ông bị chế độ cộng sản bắt giam bắt trở lại cũng với cáo buộc cũ “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền”. Ông bị giam tù tiếp theo mức án chung thân trước đây. 

Trong thời gian ở tù, vợ ông đã qua đời, để lại hai đứa con mất mẹ vắng cha.

Hiện ông đã trở về nhà của gia đình mình trước đây, địa chỉ 211b, ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tình trạng sức khỏe của ông còn yếu, bị lãng tai rất nặng.

19/9/2015


Đất nước của những đường cong

Đỗ Trường (Danlambao) - Vừa trải qua cuộc hành trình ba ngàn cây số, và hai đêm gần như thức trắng lái xe chở mấy ông bạn từ Việt Nam cỡi ngựa xem hoa, dọc mấy nước Tây Âu. Sáng nay, vẫn còn tơ lơ mơ gà gật, chợt có tiếng luận đàm từ trên kênh VTV4 làm tôi tỉnh hẳn. Một ông nhà đài dẫn kịch và ba ông tai to mặt lớn trong ngành nông nghiệp đang diễn, tụng ca công cuộc đổi mới. Từ hợp tác xã đói nghèo, Đảng, chính phủ đã sáng tạo ra khoán mười, và tư nhân hóa đồng ruộng đi đến cường thịnh, là nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ ba trên thế giới…

Giời đất ạ! Có lẽ đảng, chính phủ và mấy ông tuyên truyền coi chín mươi triệu người dân đất Việt trong và ngoài nước là con nít chăng?

Phải nói thẳng, từ đứa trẻ thò lò lỗ mũi đến các cụ sắp trở về với đất, ai cũng thừa biết, mở cửa, đổi mới sáng tạo của Đảng là trở về cái cội nguồn, cái chính sách kinh tế, qui luật đúng đắn từ ngàn năm qua của cha ông ta. Tức là Đảng đang đổi về cái quan hệ sản xuất cũ. Cái mà Đảng đã tự tay bóp chết bằng cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, sau khi cướp được chính quyền. 

Thật vậy! Đây là sự che đậy cái dốt nát, lưu manh một cách trắng trợn và bỉ ổi nhất, kể từ ngày lập quốc đến nay. Và sự lưu manh hóa truyền hình (sống bằng tiền của dân), để đánh bóng, phục vụ cho một cá nhân, hay tập đoàn là cái tận cùng của bẩn thỉu, trơ trẽn.

Không những thế, dây thần kinh mắc cỡ, xấu hổ của lãnh đạo và giới truyền thông cũng đã hoàn toàn bị đứt bỏ. Và tuy không phải ngày nói phét tháng tư, mà là ngày đàn ông tháng năm ở Đức, trong lúc nhậu nhoẹt, ông bạn giáo viên trường Đảng cao cấp đã bị tuột xích, rất chăm chỉ đọc báo trong nước còn thông báo rất hùng hồn: Sau Thái Lan, là một số nước Tây, Bắc Âu trong đó có Đức sang Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm về trật tự an toàn giao thông và phòng chống tham nhũng đấy. Các ông đã thất kinh chưa? Làm mấy ông ngồi cạnh nhao lên, hỏi tới tấp: Ông lấy thông tin ở đâu? Hay lại từ trang Webseite của công ty rác rưởi, vệ sinh (Reinigungsfima) bình bầu cho đồng chí Ba Ếch, Tư Nhái dạo năm ngoái?

- Đây là tin thứ thiệt từ trong nước, đã qua kiểm chứng, kiểm duyệt của anh Huynh (Đinh Thế Huynh), tổng biên tập của 700 tờ báo. Chắc như bắp.

Có lẽ, trong cái xã hội à uôm, lộn nhộn này, không chỉ có giới lãnh đạo, truyền thông mà dường như cả giới trí thức văn nghệ sĩ cũng mắc chứng tụng ca hão huyền này. Tuy rất yêu mến tài năng của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Qúy, nhưng hôm rồi đọc lời tụng ca nhà thơ Trần Đăng Khoa của ông, làm tôi nhột hết cả người:
Trần Đăng Khoa giỏi thật!

Năm 1969, thần đồng thi ca Việt,Trần Đăng Khoa viết bài thơ ''Kể cho bé nghe'' có mấy câu sau cùng thế này:

Người em yêu thương
Là chú bộ đội
Chăm ngoan học giỏi
Là bạn thiếu nhi
Ngu xuẩn nhất nhì
Là tổng thống Mỹ... 

Thời ấy, tôi còn bé, nhưng rất thuộc bài thơ này, đến bây giờ còn nhớ mồn một như thế. 

Bây giờ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bỏ mấy câu trên và thay nó bằng những câu như sau:

Đêm ngồi đếm sao
Là ông cóc tía
Ríu ran cành khế
Là cậu chích choè
Hay múa xập xoè
Là cô chim trĩ... 

GIỎI THẬT! TRẦN ĐĂNG KHOA GIỎI THẬT! THỜI NÀO CŨNG GIỎI!" - (Trần Đăng Khoa giỏi thật- Nguyễn Hữu Qúy)

Không ai có thể phủ nhận, nhà thơ Trần Đăng Khoa ngay từ thuở thiếu thời cho đến nay có khá nhiều bài thơ và những câu thơ hay. Và tôi cũng là một trong những người đọc yêu mến ông. Nhưng với những câu vần vè thì, là, mà của cả hai đoạn thơ trên của Trần Đăng Khoa, quả thật chưa phải là thơ, và không có giá trị nghệ thuật gì ở đây. Những câu dạng vần vè, nặng tính nhồi sọ, tuyên truyền ngay từ tuổi ấu thơ như thế này, ta có thể nghe (bắt gặp) rât nhiều, từ những đứa trẻ trên lưng trâu thuở ấy, hay từ những ông phó cối trong giờ giải lao vui đùa.

Đã lâu rồi, tôi có đọc nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bốc thơm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nói tiếng Anh nghe như người Mỹ, trong một lần cùng dắt tay nhau đến xứ sở này. Không biết đây là câu khen đểu, hay khen thật của bác Khoa. Đã du học ở Tây, chắc bác Khoa cũng thừa biết, tiếng Việt ta đơn âm, tiếng Tây âm kép do vậy, chỉ có các cháu sinh đẻ, hoặc từ nhỏ học ở Tây mới phát âm được như Tây. Còn dạng sang Cu Ba học tiếng Tây như bác Thiều, hoặc nửa nạc nửa mỡ như chúng tôi dù có sống mấy chục năm ở Tây, cũng chỉ là giọng Tây giả cày, rau muống mà thôi.

Có thể, mấy bài (vần) vè chúc mừng năm mới: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…" vì của lãnh tụ (Hồ Chủ Tịch), nên các bác bốc lên là thơ, còn là thơ tuyệt tác nữa. Rồi xúm vào tụng ca thật lực, bắt học sinh học và phân tích qua rất nhiều thế hệ… Điều này, dân chúng và người đọc còn có thể hiểu được. Chứ không rõ, các bác nhà thơ, nhà văn ở trong nước cứ lòng vòng bốc thơm nhau, nhằm mục đích quái quỷ gì?

Nhìn vào cơ cấu tổ chức chính trị, văn nghệ tuyên truyền phình ra như hiện nay, ta có thể thấy, quân đội Việt Nam quá cồng kềnh, không có sức mạnh chiến đấu, và chẳng giống ai. Bởi, chẳng có nước tân tiến nào quân đội lại đẻ ra cả một trường đại học sân khấu nghệ thuật và các đoàn ca kịch, hội nhà văn, tuyên truyền từ trên xuống từng đơn vị, cơ sở. Vì phải nuôi quá nhiều các văn nhân, nghệ sỹ, báo chí tuyên truyền ương ương dở dở, tào lao chi khươn. Và bác nào bác nấy cứ đến hẹn lại lên, nhiều sao lắm gạch, tiền dân chịu sao cho thấu. Gánh nặng này, là một trong những nguyên nhân làm cho quân đội ì ạch, yếu đuối cũng là phải.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có giới trí thức thật sự. Bởi trí thức, nghệ sỹ văn nhân ngoài kiến thức, tài năng còn phải có nhân cách, chí khí, luôn luôn đối đầu, phản biện với chính quyền, xã hội đương thời. Dù xã hội có dân chủ, tự do, đời sống xã hội cao như các nước Âu- Mỹ cũng vẫn phải cần những tri thức, chí khí ấy, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn nữa.

Nhưng cũng có những biện hộ, Trí thức Việt Nam đói quá buộc phải thúc thủ theo chính quyền là lẽ đương nhiên. Tôi nghĩ, không hẳn như vậy. Chúng ta có thể thấy, "đại trí thức" như Ngô Bảo Châu không hề bị đói khát, bởi lương Giáo sư ở Mỹ của ông rất cao. Thế mà ông vẫn bị (hay được) chặn họng bằng căn nhà giá trị nhiều triệu Dollars. Do vậy, ông bị nghẹn, nên lúc nào cũng ú a ú ớ như mắc rọ, trước đời sống, xã hội khổ đau của người dân quê ông.

Tuy nhiên, ngoái nhìn lại lịch sử ta thấy, không riêng gì Ngô Bảo Châu, phục vụ (tụng ca) chế độ (nếu coi là) chính thống, để ôm chặt quyền lợi, dường như đó là đặc điểm chung của sĩ phu, trí thức Việt(?). Và chính lòng tham, cũng như nhân cách ấy đã giết dần tri thức của họ.
Sau tết vừa rồi, tôi ngồi lai rai bia rượu với nhà văn Nguyễn Hoàng Đức trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Dù yêu cầu nhà hàng đóng hết các cửa sổ, nhưng vẫn nghe tiếng cưa cây ầm ầm ngoài đường. Tôi hỏi, sao lại chặt cây đồng loạt như vậy, Nguyễn Hoàng Đức cười buồn, hết nạc vạc đến xương thôi, chúng đã đến lúc ăn quẩn rồi. Vậy là Hà Nội đã trở thành thành phố trọc đầu, dưới bàn tay của những kẻ trí thức giả, tiến sỹ đểu đang nắm quyền.

Trong cái trầm ngâm u buồn đó, chợt hiện ra trước mặt, đường tàu điện trên cao cong keo đang dở dang xây dựng, như mũi tên gẫy găm vào lòng người. Và không biết bao nhiêu những đồng tiền dơ bẩn cùng với bàn tay nham hiểm, đê tiện của ngoại bang đang luẩn quất đâu đó.

Và phía sau nơi tôi ngồi, đường Trường Chinh (Tàu Bay) đã bị bẻ cong, trở thành đường "cong mềm mại" một mỹ từ che đậy của lũ đội lốt trí thức, sâu mọt quan tham, để nghiền nát nhiều nghìn tỉ đồng của nhân dân, đất nước. Thật vậy, nếu một đất nước, giới trí thức đã bán linh hồn cho quỷ, hay đang tự ru mình, ru người bởi những danh vọng, hoặc vật chất tầm thường, thì chế độ, xã hội đó đã đến ngày mạt vận. 

Đây không phải là bài văn nghị luận, mà chỉ là những câu chuyện không đầu, không cuối lộn xộn, được ghi lại trong cuộc hành trình du ngoạn Tây Âu cùng hai ông bạn thuở hoa niên. Hai thằng này, đều là Đảng viên cấp cao, nhưng nói như đại tá Bùi Văn Bồng: "Tuy là Đảng viên, nhưng hai thằng này vẫn còn chơi được".

Và những câu chuyện vặt này, đã được khép lại, bởi câu hỏi của tôi trước khi hai ông bạn lên máy bay trở về Việt Nam: Hai thằng mày đều là cán bộ cấp cao, sang chơi với thằng bạn đã từng bị an ninh Việt Nam trục xuất về Đức vì can tội viết văn, không sợ bị liên lụy, hay bị đấng ngồi trên cho đi tàu suốt sao?

Cả hai thằng cười khầng khậc: Yên tâm đi, đất nước đang lộn tùng phèo, không biết thằng bé sợ thằng to, hay thằng ngồi trên sợ thằng ngồi dưới. Thằng nào cũng có cái Thóp để bóp cả. Đường cong nhìn thấy, chưa hẳn là cái đáng sợ. Đường cong trong lòng người mới là cái kinh tởm hơn. 

Vâng! Và đất nước tôi cứ nằm trong vòng cong kinh tởm như vậy.

Leipzig ngày 17-9-2015

Chưa thấy quyền tự do báo chí công dân!?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Đó là lời của Chủ nhiệm UB/Pháp luật /Quốc Hội, ĐB Phan Trung Lý phát biểu như vậy trong cuộc thảo luận dự án (sửa đổi) Luật báo chí ngày 17-9 tại Nghị trường Quốc Hội Việt Nam (TuoiTreOnline). Làm sao mà ông ĐB này thấy được quyền tự do báo chí công dân? - Khi mà, dù “Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, nhưng có một thứ ngồi cả lên đầu Hiến Pháp và Quốc Hội nó phán rằng: Đảng ta khẳng định báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể - không có báo chí tư nhân. (Bộ trưởng Thông Tin Nguyễn Bắc Son) “Báo chí là công cụ tư tưởng, văn hóa của Đảng, là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Báo chí hoạt động theo định hướng của Đảng, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sự nghiệp xây dựng XHCN của nhân dân ta." (tapchicongsan.vn).

ĐB/QH Phan Trung Lý: Tôi chưa thấy quyền tự do báo chí công dân.

ĐB/QH Phan Trung Lý: Tôi chưa thấy quyền tự do báo chí công dân.

Bộ trưởng Thông Tin Nguyễn Bắc Son: Đảng ta khẳng định báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể - không có báo chí tư nhân.

ĐB/QH Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng: “Dự thảo Luật sửa đổi nói chức năng của báo chí là diễn đàn của nhân dân, nhưng tại tờ trình nội dung lại nói báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước”!?.(VnExpress 17/9/2015)

Tại sao “không có báo chí tư nhân”? Đại biểu Đào Trọng Thi đề xuất: Nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013. Nhưng nói đi rồi nói lại, cũng chính ông Đào Trọng Thi lại nói tiếp: “Quyền tự do báo chí quá rộng, muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai”?.(VnExpress 17/9/2015)

Của ai, thì trong Hiến Pháp đã ghi rõ chủ thể bằng từng con chữ: “Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Không lẽ ông ĐB/QH Đào Trọng Thi từ trước đến nay cứ ngỡ rằng “công dân” ghi trong Hiến Pháp là: đảng CSVN và 3 triệu đảng viên của chính nó thôi sao ? 

Dẫn chứng khái quát vài tư duy của các vị gọi là “Đại Biểu của toàn dân” trong Quốc Hội trước dự án sửa đổi một điều luật rất quan trọng liên quan đến quyền tự do ngôn luận của mọi công dân là “Luật Báo Chí” nhưng tất cả họ, những đảng viên CSVN, dù biết rất rỏ quyền được tự do xuất bản báo chí là quyền đã và đang phổ quát của nhân loại toàn cầu, nhưng riêng tại Việt Nam thì chính họ, các Đại Biểu/QH mà kẻ răng còn dính những hạt cơm của nhân dân, nhưng vẫn cứ ngập ngừng thậm thò thậm thụt không dám cả quyết trao cho người dân (những ân nhân đồng bào mình) một cái quyền mà Hiến Pháp củng qui định là quyền mọi công dân phải biết và nói lên những sự thật bằng công cụ rất ôn hòa là những tờ giấy thông báo với cộng đồng mà gọi chung là: “Báo Chí”. 

Trong cuộc thảo luận này tại Quốc Hội, ông Bộ trưởng Thông Tin Nguyễn Bắc Son cũng là một ĐB/Quốc Hội phát biểu rằng: Báo chí là công cụ và phương tiện để nhà nước đảng ta đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN để tích cực hội nhập quốc tế.(VnExpress) 

Ông Nguyễn Bắc Son vờ như không biết hay không muốn biết, để hội nhập với Quốc tế, tất cả mọi Chính Phủ quốc gia văn minh rất cần ở các đối tác một kênh thông tin báo chí tự do “chân thật” và có đạo đức... Bởi vì: “Sự thật và đạo đức” là tiêu chí duy nhất, tối thượng của một nền báo chí tự do trong một quốc gia tự do, dân chủ. 

Ông Bộ trưởng Thông Tin Nguyễn Bắc Son hãy nhìn lại trong tay ông không tính 67 đài phát thanh, truyền hình, Thông tấn Xã - Hiện nay cả nước CSVN có 849 cơ quan báo chí in, 98 báo, tạp chí điện tử, 35 nghìn người phục vụ, trong đó có gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ báo chí. Số tiền hàng tháng, hàng năm, phải chi trả cho từng cơ quan và những con người này là hết bao nhiêu? Ông thử kiểm tra xem trong 193 quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc (ngay cả những quốc gia giàu có nhất) cũng chẳng có nước nào (trừ 5 nước CS) nghèo nhưng “sài sang” như Việt Nam? Phải dùng tới chừng đó cơ quan con người chỉ với mục đích duy nhất: “Cũng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN”!? bằng cái cách rất “vô đạo đức và thiếu chân thật” mà điển hình cả thế giới đều nhìn thấy như thế này...

Hồ Chí Minh và đảng CSVN là “tội đồ” của Dân tộc Việt Nam 

Ai có thể chối cãi Hồ Chí Minh không phải là thủ phạm khi nhận lệnh của Nga-Tàu triển khai đấu tố giết chết 172.008 đồng bào mình? Ai chối cãi, đảng CSVN gây chiến tranh cướp đoạt phá nát một miền Nam (VNCH) đang phát triển thịnh vượng với chế độ Tư Bản Tự Do để rồi thống nhất thành một quốc gia độc tài CS/XHCN mà hiện tại 90% các quốc gia CS trên thế giới đang từ bỏ chôn lấp XHCN và ngày nay đảng CSVN đang quay lại lấy chủ nghĩa Tư Bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội? 

Những thực tế diễn ra không thể chối cãi như thế mà cả một guồng máy huy động 849 cơ quan báo chí in, 98 báo, tạp chí điện tử, 35 nghìn người phục vụ tung hô ngợi ca là một việc “vô đạo đức và thiếu chân thật” trong tư duy báo chí. 

Và đây cũng là nguyên nhân chính mà Chủ nhiệm UB/Pháp luật /Quốc Hội, ĐB Phan Trung Lý “Chưa thấy quyền tự do báo chí công dân” vì nếu để cho thấy “quyền tự do báo chí” thì ông cũng như rất nhiều người nhìn thấy rõ ràng hơn bộ mặt của lãnh tụ và chế độ độc tài CS và vì vậy như một hủ mắm thối cần phải đậy kín bằng: “khẳng định báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể - không có báo chí tư nhân”. (Bộ trưởng Thông Tin Nguyễn Bắc Son) 

18/9/2015

Mỗi học sinh 'gánh' 22 khoản thu tiền học đầu năm

NGHỆ AN (NV) - Dù lãnh đạo ngành giáo dục luôn khẳng định không cho các trường thu những khoản tiền ngoài quy định, cứ đến năm học mới người dân có con đi học lại khốn khổ vì các khoản thu vô lý. Theo tờ Thanh Niên ngày 16 tháng 9, 2015, vài ngày qua, một bức hình chụp lại danh mục 22 khoản thu đầu năm học của trường tiểu học Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, lan truyền trên Facebook gây sốc nhiều người.
Bản liệt kê 22 khoản thu tiền mà mỗi học sinh trường tiểu học Nghi Trung phải đóng. (Hình: Thanh Niên) Tin cho biết, trong số 22 khoản thu nêu trên, có 3 khoản thu bắt buộc, 5 khoản theo thỏa thuận và 14 khoản thu “tự nguyện” với tổng số tiền hơn 5.2 triệu đồng/học sinh (HS). Ngày 15 tháng 9, phóng viên báo Thanh Niên đã đến xã Nghi Trung tìm hiểu vụ việc. Nhiều phụ huynh có con em đang học tại trường xác nhận sự việc có thật “Có vài khoản như tết trồng cây, tấm lòng vàng, quà tặng ngày nhà giáo... thì cô chủ nhiệm nói sẽ thu sau. Tổng cộng mỗi người phải nộp hơn 4 triệu đồng/học sinh,” một phụ huynh giấu tên nói. Chị TK, một phụ huynh có con đang học lớp 4 tại trường cho biết, so với năm học trước, năm học này số tiền đóng cao hơn nhiều. “Trước đây, có khoản gọi là tiền xây dựng trường giờ không thu nữa, nhưng lại đẻ ra 2 khoản ‘xã hội hóa’ là xã hội hóa nói chung và xã hội hóa để làm mái tôn cho trường? Mặc dù là khoản “tự nguyện đóng góp,” song mỗi em ít nhất cũng phải đóng 500,000 đồng,” chị K nói. Thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Lê Thị Hồng, hiệu trưởng trường tiểu học Nghi Trung, không thừa nhận danh sách các khoản thu này là của trường. Tuy nhiên, khi rà từng khoản thu trong danh mục mà phụ huynh cung cấp, bà Hồng chỉ phủ nhận tiền gửi xe đạp là 108,000 đồng chứ không phải 180,000 đồng và một số khoản thu khác như: tiền quà ngày nhà giáo, tấm lòng vàng, tết trồng cây, vệ sinh lớp học nhà trường không có chủ trương thu. Bà Hồng cho rằng, các khoản khác như vệ sinh lớp học, vệ sinh sân trường có thể do phụ huynh đề nghị góp tiền để thuê người quét dọn vì HS lớp 1 chưa thể tự làm được; khoản thu ảnh thẻ, ghế nhựa là do phụ huynh nhờ mua giúp chứ trường không chủ trương thu. “Do trường nhiều năm nay không được đầu tư kinh phí để nâng cấp nên nhà trường phải kêu gọi phụ huynh đóng góp để sửa sang. Năm nay, chúng tôi có 4 hạng mục cần làm là nâng cấp sân trường, tu sửa bồn hoa, đầu tư phòng tin học, lắp thêm quạt cho HS, dự toán hết hơn 277 triệu đồng. Tiền này là kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh, không thu cào bằng,” bà Hồng giải thích. (Tr.N)
09-17-2015 2:51:37 PM

Việt Nam lại tăng giá xăng dầu

RFA -18.09.2015  000_Hkg542947.jpg
Một cây xăng ở Hà Nội  AFP photo
Kể từ 3 giờ chiều thứ Sáu 18/9, xăng dầu tại Việt Nam lại đồng loạt tăng giá.
Liên Bộ Công Thương – Tài chính ra thông báo cho biết, giá xăng dầu trên cả nước sẽ tăng từ  hơn 500 đồng/lít đến hơn 600 đồng/lít.
Đây là đợt thứ 12 điều chỉnh giá cả xăng dầu và là lần đầu tiên tăng giá sau nhiều lần liên tục giảm giá trong 2 tháng gần đây.
Được biết, quyết định tăng giá xăng dầu lần này được Liên Bộ Công Thương – Tài chính đưa ra, sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN đề nghị chính phủ kiểm soát chặt chẽ nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Kiến nghị này xuất phát từ việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lo ngại dư thừa nguồn cung sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất.
Theo lập luận của PVN, hiện giá thành xăng dầu do Việt Nam sản xuất cao hơn giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nên không thể cạnh tranh công bằng.
Vì vậy, PVN kiến nghị chính phủ cần điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu, chỉ cấp hạn ngạch nhập khẩu sau khi PVN đã tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước.