Wednesday, June 3, 2015

Dân không được quyền im lặng nhưng đảng, nhà nước được quyền câm mồm!

Le Nguyen (Danlambao) - Còn độc quyền đảng lãnh đạo, còn chế độ độc tài toàn trị CSVN là còn oan sai, là còn tội ác phát triển không có điểm dừng bởi một bộ phận không nhỏ lãnh đạo đảng, nhà nước không nghe được tiếng người, không động lòng trước tiếng kêu thống thiết bi thương của người dân thấp cổ bé miệng bị cướp đất cướp nhà, bị cướp đi phương tiện làm ăn sinh sống, bị cướp đi mạng sống với những lý do vớ vẩn của những con thú đội lốt người nhân danh thi hành công vụ!

Những tên lãnh đạo mắc chứng thiểu năng không nghe được tiếng người lại mắc bệnh tâm thần phân liệt nên chúng không hiểu được tấm lòng của những công dân yêu nước cất tiếng nói cảnh báo về thảm họa bắc triều, về nguy cơ của bọn phản động, thế lực thù địch leo cao, luồn sâu trong bộ máy đảng, nhà nước âm thầm thực hiện âm mưu xâm lược của bá quyền đại hán và cũng chính vì một bộ phận không nhỏ lãnh đạo mãi quốc cầu vinh không hiểu được tiếng người nên chúng không thể tiếp thu được nếp sống văn minh, nhân bản của loài người tiến bộ trong thời đại tin học.

Với một bộ phận không nhỏ lãnh đạo không nghe được tiếng người lại mắc bệnh tâm thần phân liệt mắc chứng thiểu năng di truyền nên đánh mất khả năng của một con người có đầu óc phán triển bình thường. Nghĩa là bình thường ai cũng có thể tiếp nhận được những điều tốt đẹp, những tiến bộ xã hội về hướng văn minh. Thế nhưng với quan chức cộng sản, điển hình là những quan chức cao cấp đảm trách ngành công an nằm trong bộ phận lập pháp, một cơ quan quyền lực cao nhất nước được quy định trong hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại có những câu lời phát ngôn theo kiểu “ông nói gà bà nói vịt” về quyền im lặng không bình thường, thiếu chất xám trí tuệ, cạn nghĩ như trẻ con, không thể che đậy như sau:

“... Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm” (thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an.)

“...Giết người, đánh người gây thương tích mà bảo là được quyền im lặng, không phải trình bày gì cả thì không đúng... Các cơ quan nêu ra quyền im lặng rất vô lý, không thể chấp nhận được. Trong trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta như vậy thì hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ thấp...” (thiếu tướng Trịnh Xuyên giám đốc công an Thanh Hóa.)

“...Bị can, bị cáo không bị ép nhận tội nhưng đừng quy định một cách bắt chước nước ngoài là anh không cần phải khai báo... Lời khai vẫn là một chứng cứ. Quy định bị can, bị cáo không cần khai là máy móc. Mình nên quy định bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, không bị ép buộc. Đừng nhìn vào một số vụ oan sai mà đảo lộn tất cả...” (thiếu tướng Lê Đông Phong, phó giám đốc công an thành phố Hô Chí Minh.)

“... Án chưa rõ gọi là án truy xét. Còn lại thành phần là các đối tượng sau khi bắt, truy xét mở rộng gọi là án truy xét mở rộng. Cho nên việc quy định quyền im lặng là không phù hợp với thực tiễn hiện nay...(thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, giám đốc công an thành phố Hà Nội.)

“... Tội phạm không khai báo gì cả thì sao xử lý?... Cái này phải làm rõ là bị can, bị cáo được phép trình bày ý kiến và quan trọng nhất là chống lại bức cung nhục hình. Chứ không phải cứ khăng khăng im mồm như thế, nếu cứ nghĩ như thế là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân...” (đại biểu quốc hội, tiến sĩ luật Đỗ Văn Đương, ủy viên thường trực ủy ban tư pháp quốc hội.)(*)

Lẽ ra với đầu óc bình thường, có một chút chất xám trí tuệ, dù không đọc được ngoại ngữ, chỉ cần biết cách hoặc chịu học cách sử dụng công cụ tin học, truy cập thông tin trên các trang mạng điện tử tiếng việt là đã biết được lịch sử, ý nghĩa, lý do của thế giới loài người tiến bộ áp dụng luật im lặng. Không khó, chỉ cần chịu đọc, chịu tìm hiểu sẽ biết sau nhiều trăm năm áp dụng luật im lặng trong đời sống pháp quyền, loài người biết lợi ích, giá trị của luật im lặng rồi nâng lên thành quyền im lặng, là một quyền căn bản không thể thiếu trong chuổi quyền con người mà ai cũng phải được hưởng và nếu có đọc qua, có nghiên cứu chắc hẳn các ông “ tướng công an” của đảng, nhà nuớc ta không phát ngôn những câu lời ngớ ngẩn “mù quáng bất kể chết” đậm chất hài ở quốc hội, là nơi được quy định là cơ quan quyền lực cao nhất nước!

Trong kho tàng danh ngôn, là túi khôn của loài người có câu: “Chẳng thà câm miệng để người ta tưởng mình ngu hơn là mở mồm nói những điều ngớ ngẩn để người ta không còn nghi ngờ gì nữa.” Câu danh ngôn này rất đúng với trường hợp của các ông tướng lãnh đạo ngành công an mở mồm nói về quyền im lặng trong dự thảo luật tố tụng hình sự sửa đổi trong phiên họp quốc hội và nghe các ông “tướng” nói, dù không bất ngờ nhưng thật sự không biết nên cười hay nên khóc cho trình độ quan trí của lãnh đạo đảng, nhà nước cộng sản Việt nam? 

Trái với trình độ “i - tờ” của một bộ phận không nhỏ lãnh đạo đảng, nhà nước về quyền im lặng, là có một bộ phận không nhỏ người dân thể hiện kiến thức về quyền im lặng ở trình độ khá cao trong một chế độ chuyên nghề bưng bít thông tin, dư thừa công cụ khủng bố trấn áp, dày đặc khẩu hiệu tuyên truyền, với loa đài, loa miệng ra rả ngày đêm là điều đáng mừng. 

Để nhận biết kiến thức, trình độ hiểu biết của người dân về quyền im lặng so với các ông tướng công an như thế nào, chúng ta cùng nhau đọc trích dẫn lời góp ý của người dân trên các báo lề đảng kèm theo dưới đây: 

“Giữ im lặng không có nghĩa là không nói, điều cơ bản là quá trình điều tra phải có luật sư, có người chứng giám hoặc các phòng xét hỏi phải có thiết bị ghi âm, ghi hình mà công an không phải là người kiểm soát (bạn Tiến Lên)

“Quyền im lặng đâu phải là im lặng để chống đối hay không hợp tác với cơ quan điều tra đâu mà quyền im lặng là thể hiện sự công bằng khi xét hỏi. Quyền im lặng được thực hiện khi người bảo hộ cũng như luật sư của người bị xét hỏi chưa có mặt, như vậy thì quyền im lặng cũng có lợi cho cơ quan điều tra tránh được mớm cung, nhục hình cũng như án oan. Vậy thì cớ sao lại không đồng tình thông qua quyền im lặng mà phải tranh luận?” (bạn Nguyễn Văn Ren.)

“... Quyền im lặng sẽ được thực hiện từ khi nghi phạm bị bắt giữ đến cuộc thẩm vấn đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của luật sư của nghi phạm, được ghi âm, camera quan sát... Từ đây, nếu anh cứ tiếp tục "im mồm" hoặc không thì đó chính là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ khi nghị án. Áp dụng quyền im lặng chính là nâng cao sự phân lập của "Tam quyền". Bảo vệ quyền con người chứ không bảo vệ tội phạm - trường hợp này họ mới chỉ là "nghi phạm" chưa phải tội phạm. Kết luận vụ án chủ yếu dựa vào chứng cứ, lời khai chỉ là một phần. Nếu anh thực sự có tội thì cho dù ngoan cố không khai, cơ quan điều tra cũng sẽ thu thập đầy đủ chứng cứ để kết tội thích đáng...” (bạn Trần Ngọc Vinh.)

“...Không thể hiểu nổi, một cái quyền hiển nhiên phải có của một con người, cái quyền đã được cả thế giới tiến bộ thực hiện từ rất lâu rồi, đã nằm trong công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cũng đã được hiến pháp Việt Nam công nhận, tại sao cứ phải tranh cãi nên hay không nên? Nhà nước ta, một nhà nước đi theo chủ nghĩa xã hội, luôn khẳng định là nhà nước do dân, vì dân, nhưng một thứ quyền mà công dân ở những nước khác đã được hưởng từ lâu, nhưng đến ta lại là vấn đề bàn ra tính vào mãi chưa hồi kết, buồn lắm thay...

...Anh là nhà điều tra, anh nói người ta có tội, muốn kết tội người ta, anh phải có trách nhiệm chứng minh người ta phạm tội, đấy là lẽ hiển nhiên. Anh là nhà điều tra, được ăn học, đào tạo, được nhà nước trả lương từ thuế của dân, anh phải có đủ trách nhiệm, đủ trình độ để chứng minh được việc đó. Nếu anh không đủ trình độ, anh có thể xin ra khỏi ngành để làm công việc khác chứ đừng vì quyền lợi và sự ngu dốt của bản thân mà tước bỏ đi cái quyền rất đơn giản của con người. Quyền của nghi can được im lặng cho đến khi có luật sư của mình sẽ khiến điều tra viên buộc phải vận dụng trí tuệ và các biện pháp hợp pháp để phá án chứ không phải là dùi cui và quyền lực để ép cung.

Khi áp dụng quyền im lặng, cơ quan điều tra sẽ phải nâng cao nghiệp vụ của mình bằng cách tăng cường kỹ thuật khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai từ nhân chứng, tìm kiếm các thông tin khác về nghi phạm, động não suy luận để làm sao cáo buộc của cơ quan tố tụng chắc chắn hơn. Đây là điều sẽ làm cho hoạt động của cơ quan tố tụng tích cực hơn.” (bạn Phạm kiên.)(**)

Đọc qua một số ý kiến, phản biện của người dân về quyền con người và sự hiểu biết về quyền con người của người dân, không phải là khoa bảng, chuyên gia ngành luật nhưng đã vượt trội hơn các ông tướng công an. Hiện tượng hiển nhiên đó tuy có bất ngờ nhưng không làm cho chúng ta ngạc nhiên với một bộ phận không nhỏ lãnh đạo các cấp không nghe được tiếng người lại thiểu năng trí tuệ, thậm chí là có biểu hiện tâm thần bởi nó là hậu quả của quy trình, quy định theo quy hoạch, cơ cấu nhân sự “ truyền thừa”của đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam.

Qua phát ngôn linh tinh, lang tang của ông tiến sĩ luật, ủy viên thường trực ủy ban tư pháp quốc hội và các ông tướng lãnh đạo ngành công an lãnh lương từ tiền thuế của dân thực thi luật pháp với nhiệm vụ trị an, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống an bình cho dân, giúp chúng ta có cơ sở đánh giá là các ông này không hiểu, thậm chí là không biết nguyên nhân, ý nghĩa về quyền im lặng là gì, nên mới ăn nói, suy luận ngu ngơ tưởng rằng thì là như sau: “...Các cơ quan đưa ra quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được... Việc quy định quyền im lặng là không phù hợp với thực tiễn hiện nay... Trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta hiện nay thì hoàn toàn không phù hợp... Đừng bắt trước nước ngoài không cần khai báo là máy móc...Không khai báo gì cả thì sao xử lý... cứ khăng khăng im mồm như thế, cứ nghĩ như thế là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân...”

So sánh phát ngôn của một bộ phận không nhỏ lãnh đạo “đại biểu quốc biểu” với ý kiến phản biện trên các báo lề đảng của một bộ phận không nhỏ người dân bình thường về quyền im lặng đã thấy độ chênh kiến thức, trình độ hiểu biết và lý luận thuyết phục lẫn không thuyết phục của người dân với các quan chức lãnh đạo đảng, nhà nước. Tuy nhiên đó chỉ là ý kiến, nhận thức của người dân bình thường đọ với đội ngũ lãnh đạo được rèn luyện, đào tạo bài bản nghiệp vụ, hiểu biết luật pháp để thi hành công vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ người dân đã thấy độ lệch kiến thức có một khoảng cách khá xa và nếu đem một bộ phận không nhỏ lãnh đạo công an trong cái cơ quan quyền lực cao nhất nước này đọ với các trí thức khoa bảng, chuyên gia ngành luật có thực tài nằm ngoài hệ thống đảng, nhà nước, chắc chắn khoảng cách kiến thức còn “khủng” hơn nữa.

Như thế quan trí thấp hay dân trí thấp? Vậy mà người dân cứ phải nghe những luận điệu tuyên truyền dóc láo của các quan chức lãnh đạo “tâm thần” của đảng, nhà nước viện cớ rằng, thì, là: “...dân trí thấp, dân chủ đa đảng là sinh loạn... trình độ dân trí thấp, thực hiện quyền im lặng là không phù hợp với thực tiễn...’’ để từ chối những quyền chính đáng của người dân được đảng, nhà nước hứa hẹn cũng như quy định trong luật pháp, hiến pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày xưa và nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay.

Đã 70 năm qua kể từ ngày đảng cộng sản cướp chính quyền năm 1945 quyền biểu tình, quyền được biết... quyền dân làm chủ đất nước được đảng, chế độ cộng sản long trọng tuyên bố “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...” vẫn nằm yên trên giấy, trên cửa miệng của một bộ phận không nhỏ lãnh đạo thiểu năng, bệnh hoạn không nghe được tiếng người, không tiếp thu được lối sống của loài người văn minh, lại mạnh miệng chống đối quyền im lặng trên diễn đàn quốc hội như kẻ điên và tự cho mình cái quyền câm mồm không trả lời mọi đòi hỏi, bức xúc của người dân nằm trong khuôn khổ quyền dân chủ, quyền được biết về minh bạch ngân sách, về hiện tình đất nước... phù hợp với khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” của nhà nước dân chủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

03.06.2015


_______________________________

Chú thích:



Tất cả vì “đại cục” nặng mùi

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông phi pháp, không chỉ làm hai siêu cường Mỹ, Trung đang căng thẳng mà nó còn là chuyện thời sự rất “nóng” ở Đông Nam và châu Á, cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14 khai mạc ở Singapore ngày 29/5 vừa qua hầu hết nội dung phát biểu tại diễn đàn này đều cập, có lúc rất cứng rắn chỉ trích đích danh Trung quốc là thủ phạm.

Như Malaysia một quốc gia trước nay vốn kín tiếng kiệm lời cũng phải lên tiếng:“Căng thẳng Biển Đông có thể thành xung đột chết chóc nhất thế giới” đó là lời cảnh báo của ông Hishammuddin Hussein, bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, tại diễn đàn hội nghị ngày 30.5. Trước đó chính vị Bộ trưởng này cũng đã đề xuất thành lập một lực lượng Liên minh gìn giữ hòa bình của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Malaysia một quốc gia có đảo biển tranh chấp nằm trong vùng ranh giới 9 đoạn (đường chữ U, đường lưỡi bò) Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Còn Philippines là một trong 2 quốc gia cùng với Việt Nam bị Trung Quốc lấn chiếm đảo biển gay gắt và nhiều nhất, mà nổi cộm với Philippines là sự kiện tháng 4 - 2012 ở Bãi cạn Scaborough, đây là một cụm đảo san hô và đá ngầm, nằm cách bờ biển phía bắc đảo Luzon của Philippines 220 km và cách đảo hải Nam Trung Quốc hơn 800 km. 

Bãi cạn Scaborough trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý Philippinen.

Philippines khẳng định bãi cạn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982) bao gồm 107 quốc gia trong đó có cả Trung Quốc và Philippines đã ký. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một phần lãnh thổ của nước này. Tàu phi quân sự của Trung Quốc kéo đến và hai bên đối đầu nhau không bên nào chịu rút, thời tiết mưa bão ở biển Đông khiến tàu Philippines không thể duy trì tại khu vực bãi cạn Scarborough được nên rút về, Trung Quốc thừa thế đã kiểm soát thực sự bãi cạn này.

Sau đó, Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế nhưng Trung Quốc cho rằng đây là tranh chấp song phương. Trung Quốc từ chối tham gia vào thủ tục phán xét của Tòa án Trọng tài quốc tế và tạo áp lực thương mại kinh tế song phương với Philippines. Nhưng Tổng thống Benigno Aquino và Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định nước này sẽ kiên quyết theo đuổi tới cùng vụ kiện Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông, cho rằng việc này là cách duy nhất mang lại giải pháp lâu bền. 

Philippines đã nộp tài liệu bao gồm 4.000 trang giấy, bản đồ và băng từ hình ảnh lên Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc đề nghị tòa trọng tài đưa ra phán quyết xác nhận đường ranh giới 9 đoạn (đường chữ U, đường lưỡi bò) của Trung Quốc là vi phạm UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Mục đích kiên định của Phillippines có lẽ không chỉ là hiệu lực của phán quyết (mà tiên liệu Trung Quốc sẽ bất tuân) nhưng mục tiêu của họ là “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” công khai hóa mọi thứ với thế giới, thể hiện họ là người đúng, là người có lẽ phải, còn Trung Quốc, là nước lớn, một trong 5 thành viên thường trực HĐBA/LHQ (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) nhưng không tuân thủ luật pháp, không theo thông lệ, nguyên tắc của các vùng biển vùng vịnh trên thế giới như…. Vịnh Biển Caribbean…

Vịnh Biển Caribbean

Ngoài 13 nước khu vực còn có cả Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan và Anh Quốc có liên quan lãnh thổ và quyền lợi ở khu vực Caribe. Nhưng qua nhiều thế kỷ đến nay trên cơ sở Luật Biển toàn khu vực vẫn rất trật tự trong yên bình.

Vịnh Mexico và duyên hải Mỹ - Mexico - Cu ba.

Rất giống với biển Đông, Nhưng Vịnh Mexico nó là nội hải của châu Mỹ chứ không là của riêng nước nào, dù Mỹ là siêu cường quân sự, kinh tế số 1 thế giới với hơn 50% duyên hải trong vịnh này, trong khi khu vực chỉ có Mỹ - Mexico và CuBa. 

Vừa qua Cuba mới công bố dữ liệu mới nhất về việc đã xác định được có hàng tỷ thùng dầu ở dưới đáy Vịnh Mexico nhưng lại thừa nhận rằng phía Mỹ vì bảo vệ môi trường biển nên không mấy quan tâm đến việc hợp tác khai thác, mặc dù quan hệ giữa hai nước đang dần tan băng. Thông tin về trữ lượng dầu khí mới này được phía Cuba công bố tại cuộc họp báo bên lề hội nghị khoa học về trái đất lần thứ 6, tổ chức tại thủ đô La Habana hôm 6-5-2015 vừa qua, với sự tham dự của các khách mời Mỹ.

Người ta tự hỏi, nếu là Trung Quốc thay thế Mỹ trong khu vực này, không biết sự thể “địa chính trị biển” sẽ ra sao khi tại Biển Đông, Trung Quốc hành xử như một thảo khấu giang hồ tham lam bá quyền khu vực…

Biển Đông và “lưỡi bò 9 đoạn Trung Quốc” 

Philippines biết người biết ta, rất khôn ngoan, ngoài liên kết với Mỹ-Nhật tuần tra, còn dựa vào hậu thuẫn của quốc tế và luật Biển khởi kiện đặt Trung Quốc vào cái thế với chủ trương “trỗi dậy hòa bình”, tư tưởng nước lớn muốn lãnh đạo thế giới Trung Quốc sẽ phải cân nhắc rất kỹ nếu muốn tiếp tục thực hiện những hành vi sai trái phi pháp với Philipines. 

Vì vậy trước việc Bắc Kinh tuyên bố không tham gia vụ kiện, nhiều nước trên thế giới đang lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải hợp tác nhằm thể hiện trách nhiệm tuân thủ luật Biển Quốc Tế UNCLOS 1982.

Thắm thiết vì “đại cục” 6 sao Trung Quốc 

Quay về Việt Nam, hoàn cảnh y hệt như Philippines nhưng các chóp bu CSVN dứt khoát: Không kiện Trung Quốc, không đoái hoài đến lời kêu gọi phối hợp tuần tra của Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản trên Biển Đông và không quan tâm đề xuất của Malaysia thành lập một lực lượng Liên minh gìn giữ hòa bình của các quốc gia Đông Nam Á. (Đó là vì đại cục quan hệ hai nước, Trung Quốc Việt Nam).(Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Tại sao lại như vậy? Duy nhất, chỉ có quyền lợi nhóm, bầy đàn của CSVN và CSTQ mới vì cái “đại cục” rất nặng mùi này.

03/06/2015



Kế hoạch phục sinh Đại Hán Quốc của Tập Cận Bình

Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - Ngày 26-5, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Cộng công bố Sách Trắng về chiến lược quân sự, nêu rõ hải quân nước này sẽ tiếp tục tổ chức và thực hiện các cuộc tuần tra, sẵn sàng chiến đấu thường kỳ cũng như duy trì hiện diện quân sự ở biển Đông. Sách Trắng Quốc phòng của Bắc Kinh đã gây ra phản ứng lo ngại từ nhiều nước, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chăm chú theo dõi việc Trung Cộng ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự trái phép trên các quần đảo không thuộc chủ quyền Trung Cộng. Các chuyên gia chính trị đánh giá việc công bố chiến lược quân sự chỉ là sự tái khẳng định tham vọng bá quyền của một cường quốc trỗi dậy muốn hiên thực hóa kế hoạch "phục sinh Đại Hán Quốc" mà Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã phác họa khi đảm nhận vai trò Tổng bí thư đảng cộng sản Trung quốc cách đây hơn hai năm (2013):

- Xây vạn lý trường thành trên biển.

-Thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Á Châu (Asian Infratructure Invesment Bank- AIIB).

- Thiếp lập Con đường tơ lụa mới gồm hai phần: Vành đai (Hành lang) kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển.

Tập Cận Bình (TCB) hiện là nhân vật lãnh đạo quốc gia tối cao, giữ các chức vụ then chốt trong guồng máy đảng và nhà nước như chủ tịch nhà nước, Tổng tư lệnh quân đội, chủ tịch Quân ủy trung ương, chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia... Với tư cách chủ tịch hôi đồng an ninh quốc gia, TCB chỉ đạo một chính sách đối ngoại, theo hướng quốc gia chủ nghĩa: - Trung Cộng không nhượng bộ Nhật, và các quốc gia láng giềng trong các cuộc tranh chấp hải đảo. - TCB ra lệnh quân đội phải sẵn sàng chiến đấu và phải chiến thắng. So với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), TCB là người bảo thủ, giáo điều, không chấp nhận đổi mới chính trị và dân chủ hóa đất nước..

Xây vạn lý trường thành mới trên biển

Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, Tập Cận Bình (TCB) ngồi trước bức hình Vạn Lý Trường Thành đọc thông điệp năm mới. Vạn Lý Trường Thành được bạo chúa Tần Thủy Hoàng (250 TCN-210TCN) xây dựng sau khi thống nhất Trung nguyên để một mặt xác định lãnh thổ và mặt khác đề phòng Hung Nô xâm phạm. Nhưng nay biểu tương lịch sử này đối với TCB mang ý nghĩa khác. TCB không muốn Trung cộng an phận tự cô lập. Tập muốn bành trường lãnh thổ, lãnh hải và bằng mọi giá phải đưa Trung cộng lên hàng siêu cường. Cộng đảng Trung quốc cho rằng thời gian giữa hai hội nghị không liên kết ở Bandung (1955-2015) đã có nhiều thay đổi. Trước kia siêu cường Mỹ và Liên xô ngự trị thế giới, nay đã được thay thế bằng Mỹ và Trung cộng. Bây giờ cuộc tranh dành quyền lực giữa hai siêu cường này không còn nằm trong lãnh vực ý hệ Đông-Tây, kinh tế giàu nghèo Nam-Bắc, mà là cạnh tranh ảnh hưởng giữa lực cũ (Mỹ) muốn duy trì vị thế và cường quốc đang lên (Trung cộng) trở thành siêu cường mới.

Dưới mắt TCB, Nga xô dù bị mất địa vị siêu cường vì thất bại trong lãnh vực kinh tế, nhưng vẫn còn là một cường quốc quân sự. Nên Trung cộng muốn trở thành siêu cường không chỉ phát triển kinh tế mà còn tăng cường vũ trang và phát triển quốc phòng, đặc biệt phải hiện đại hóa hải quân và không quân để có thể triển khai tác chiến ở bất kỳ khu vực nào trên các Đại Dương. Biển Đông mang ý nghĩa chiến lược quan trọng sẽ được xây dựng và phát triển thành khu vực đặt dưới sư kiểm soát của Trung Cộng.

Theo Tân Hoa Xã (Xinhua), Sách Trắng Quốc phòng “Chiến lược quân sự Trung Quốc” có nội dung chủ yếu đề cập đến xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác an ninh quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là Hải quân Trung Quốc sẽ chuyển đổi trọng tâm từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp giữa “phòng vệ ngoài khơi” và “bảo vệ trên các đại dương” để đối phó “mối đe dọa đối với quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”...

Ngoài việc đặt ra vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), Trung Cộng trong thời gian qua không ngừng ra sức bồi lấp các bãi đá, xây dựng cơ sở hạ tầng ở biển Đông để biến khu vực "đường lưỡi bò chín đoạn" có diện tích trên 2 triệu cây số vuông thành một thành trì quân sự có khả năng bảo vệ lợi ích của Trung Cộng đối với các nguồn tài nguyên trên biển và trong lòng đai dương mà Trung cộng dựa theo một tấm bản đồ có từ thập niên 1940 tự cho là có chủ quyền. 

Đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và không được các nước liên quan công nhận. Đồ họa: Economist

Trong trường, học sinh được giáo huấn: "Lịch sử thế kỷ quốc nhục của chủng tộc Trung Quốc luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng các giống dân ngoại quốc xâm chiếm chúng ta bằng đường biển. Kinh nghiệm không ngừng buộc chúng ta phải nhớ: chiến hạm xuất hiện từ Thái Bình Dương: tổ quốc chúng ta chưa thống nhất toàn vẹn; cuộc tranh đấu về chủ quyền trên Trường Sa, Diaoyo (Điếu ngư) và biên giới Ấn-Trung vẫn còn tiếp diễn... ta phải xây dựng một hải quân hùng hậu để thu hồi toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ những quyền và đặc quyền về lãnh hải của ta".Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố tương tự khi Trung cộng ngang nhiên cắm dàn khoan HD 981 trong vùng biển Hoàng Sa: "Chính sự yếu kém của quốc gia trong quá khứ đã giúp những kẻ ngoại xâm phá vỡ phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc hàng trăm lần, đẩy đất nước Trung Quốc đến tận cùng của tai họa" (Bangkok Post 30.06.2014).

Sách Trắng về chiến lược quân sự còn đưa ra cảnh báo trước những đe dọa về quyền và lợi ích mà Trung cộng phải đối mặt sự hiện diện của Mỹ ở Á Châu cũng như sự gia tăng vũ trang của Nhật là những thách đố an ninh lớn nhất đối với Trung quốc nhưng "Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công, trừ khi bị tấn công sẽ phản công".

Việc thay đổi chính sách đối ngoại (chuyển trục sang châu Á-Thái bình dương) và đưa tàu chiến, máy bay quân sự vào biển Đông cho thấy Hoa Thịnh Đốn đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh và bản thân Mỹ cũng muốn "hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực.” 

Thành lập ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Á Châu (AIIB)

Trong chiến lược lôi kéo đồng minh tranh dành ảnh hưởng trên thế giới, Trung cộng đã khởi xướng thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Á Châu (AIIB) với vốn thành lập 100 tỷ Mỹ kim trong đó Trung Quốc đóng góp 40%, Ấn Độ đóng góp 10%, các nước châu Á khác đóng góp 25%, 25% còn lại sẽ do các nước châu Âu đóng góp. AIIB được kỳ vọng sẽ chính thức được thành lập với trụ sở tại Bắc kinh và bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.

Đến nay đã có 57 nước tham gia. Đáng chú ý là trong danh sách này, bên cạnh sự góp mặt của nhiều nước châu Á như Trung Cộng, Ấn Độ, Hàn Quốc, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân… còn có 6 nước châu Âu gồm Anh, Ý, Đức, Pháp, Lục xâm Bảo và Thụy Sĩ., Gia Nã Đại cũng đang xem xét khả năng gia nhập AIIB. Như vậy, trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) chỉ còn Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài cánh cửa của AIIB.

Sự ra đời của AIIB xuất phát từ nhu cầu thực tế khi châu Á là khu vực có dân số lớn nhất thế giới-chiếm 60% nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng., AIIB có tính chất khu vực, có thể phát huy vai trò hỗ trợ bằng việc đáp ứng các yêu cầu đầu tư ở châu Á, thúc đẩy sự phát triển khu vực châu Á không chỉ giúp nhiều người thoát nghèo, mà còn có thể làm gia tăng tầng lớp trung lưu ở khu vực này, tạo ra thị trường tiêu thụ cực lớn cho nền kinh tế khác bên ngoài châu lục. Mỹ lo ngại việc AIIB vận hành tốt sẽ là cơ hội để Bắc Kinh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, làm đòn bẩy nâng cao tầm ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực, đe dọa tới vị thế của Mỹ. Vì vậy, Mỹ khuyến cáo các nước đồng minh nên thận trọng trước việc tham gia AIIB, song lời khuyên này trên thực tế đã bị bỏ ngoài tai. 

Sự thành lập AIIB là một thế cờ Trung cộng đẩy Mỹ ra ngoài cũng như thoát được chủ trương cô lập Trung cộng qua Hiệp đinh đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dự kiến mô hình hợp tác trong các dự án phát triển hạ tầng cơ sở có thể mở rộng qua các châu khác như Nam Mỹ, Phi Châu. 

Thiết lập Con đường tơ lụa

Theo Reuters, chiến lược Con đường tơ lụa được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Cộng đang chịu nhiều tầng áp lực, do nhu cầu trong nước thiếu động lực và nhu cầu quốc tế suy giảm. Vì vậy, một trong những mục tiêu của chiến lược này được cho là nhằm giải quyết nhu cầu xuất khẩu của nền công nghiệp Trung Cộng.

Trung Cộng sẵn sàng dùng hàng chục tỷ Mỹ kim thúc đẩy chiến lược Con đường tơ lụa mới. Trong chuyến công du Hồi quốc (Pakistan) của Tập Cận Bình vào ngày 20.04.2015, Bắc Kinh đồng ý đầu tư 46 tỷ USD vào các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại nước này.

Trung tâm của các dự án là mạng lưới đường sắt và đường bộ do Trung Cộng xây dựng, nối liền Khu tự trị Tân Cương với cảng Gwadar trên biển Arab thuộc Pakistan. Trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho hay đây là các dự án đầu tiên được phê duyệt của chiến lược Con đường tơ lụa mới.

Chiến lược Con đường tơ lụa mới được công bố lần đầu năm 2013, gồm hai cấu phần là Vành đai kinh tế (trên bộ) và Con đường tơ lụa (trên biển). Chiến lược này nhằm nối ba lục địa Á-Âu-Phi, với một đầu là trung tâm kinh tế Đông Á, một đầu châu Âu - cả hai đều rất phát triển, và các quốc gia nằm giữa có tiềm lực phát triển lớn.

"Vành đai" sẽ giúp nối liền các trọng điểm kinh tế Đông Á, Tây Á và Nam Á. "Con đường" sẽ nối liền hệ thống cảng biển của Trung Quốc và Đông Nam Á, qua Ấn Độ Dương và có thể vươn sang tới Địa Trung Hải.. 

Con đường Tơ lụa của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Công còn ký kết hợp tác với Thái Lan xây kênh đào Pananma Châu Á ở miền nam Thái, nhằm rút ngắn hải trình của tầu bè Trung Cộng từ Trung Đông về Quảng Châu. Đây là bước tiếp theo trong chính sách mở rộng vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên biển của Trung Cộng. 

Tuyến đường biển dự kiến qua kênh đào Kra Isthmus. Đồ họa: Ifeng.

Theo đề xuất thỏa thuận, kênh đào hai chiều sâu 25 m, dài 102 km, rộng 400 m. Việc xây dựng sẽ hoàn tất trong 10 năm, với chi phí 28 tỷ Mỹ kim. Kra Isthmus được ví như kênh đào Panama của châu Á... Khi kênh đào Kra Isthmus dài hơn 100 km đi vào hoạt động, thuyền bè, đặc biệt là tàu chở dầu Trung Quốc từ Trung Đông xuất phát từ biển Andman ở Ấn Độ Dương, có thể trực tiếp đi vào vịnh Thái Lan, tiết kiệm 1.200 km đường biển, so với tuyến đường hiện tại phải vòng qua eo biển Malacca.

Eo biển Malacca là tuyến hàng hải đặc biệt quan trọng đối với nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc. 80% dầu nhập khẩu vào Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi phải đi qua vùng này, nơi nạn cướp biển hoành hành.

Kênh đào có ý nghĩa chính trị và chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc. Dự án không chỉ giúp tăng cường khu vực tự do thương mại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà còn giảm sự phụ thuộc của nước này vào khu vực eo biển Malacca, một khi Mỹ có thể phong tỏa tuyến đường biển qua eo biển Malacca, cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho Trung Cộng.

Các nhà phân tích chiến lược nhận xét Con đường tơ lụa là con bài đối trọng của chiến lược chuyển trục sang châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ. Qua Con đường tơ lụa mới, Trung Cộng tăng cường ràng buộc lợi ích với các nước châu Á, từ đó cạnh tranh với Mỹ, nâng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. 

Thái độ của Cộng sản Việt Nam trước kế hoạch của Tập Cận Bình

Việc Trung cộng ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang hiện thực hóa "đường lưỡi bò" phi pháp trong kế hoạch Tập Cận Bình hầu chiếm trọn biển Đông đã tạo ra bất bình trong dư luận quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi Trung Cộng "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh cách hành xử của Trung Cộng trong khu vực hiện nay "vượt ra ngoài" các chuẩn mực quốc tế. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên biển Đông sẽ làm phức tạp nỗ lực giải quyết tranh chấp. Ông Donald Tusk khẳng định lập trường của EU là các bên liên quan phải kiềm chế việc đe dọa hay sử dụng vũ lực, đồng thời nhấn mạnh phải tìm một giải pháp mang tính hòa bình. Washington Post cho rằng thái độ cứng rắn của Mỹ và các quốc gia châu Á trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh chùn bước.

Riêng Việt Nam là nước bị Trung Cộng lấn chiếm nhiều đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại có phản ứng yếu ớt, nhu nhược. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố (theo báo Nhân Dân ngày 21/5/2015): "Chúng tôi mong các nước liên quan đóng góp có trách nhiệm tích cực, duy trì hòa binh an ninh hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông". Viên chức này tránh cả việc nêu tên của Trung Cộng là nước đã gây ra cuộc khủng hoảng.

Giáo sư Carl Thayer chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc nhận xét thái độ của Cộng sản Việt Nam là đang đi nước đôi: Một mặt, Việt Nam không muốn dính líu trực tiếp vào căng thẳng với Trung Cộng, nhưng một mặt muốn khuyến khích Hoa Kỳ can dự.

Trên phương diện đối ngoại đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vẩn kiên trì chính sách ba không: Không liên minh quân sự; không cho lập căn cứ quân sự ở Việt Nam và không liên minh chống lại bất kỳ nước nào. Chính sách này đã trói buộc quốc gia không tìm được đồng minh tin cậy để cùng chống sự khống chế của Trung Cộng. Về mặt đối nội, Cộng sản áp dụng một chính sách ba không khác: Không chấp nhận đa nguyên dân chủ, không chấp nhận đối lập, không chấp nhận chính đảng nào ngoài đảng CS. Hậu quả đã làm giảm đi nội lực đoàn kết dân tộc.

Hiện nay Việt Nam đang đứng trước thách thức và mối đe dọa vô cùng to lớn về chủ quyền quốc gia. Trung Cộng ngày càng ngạo mạn, bất chấp luật lệ quốc tế gia tăng tiềm lực quân sự, mở rộng các căn cứ quân sự tại Biển Đông. Một mình Việt Nam không thể tự bảo vệ chủ quyền quốc gia cho chính mình và Đảng cộng sản không thể phát huy sức mạnh của dân tộc nếu không sớm dẹp bỏ các chính sách ba không có hại cho đất nước về mọi mặt.

03/06/2015