Saturday, June 24, 2017

Xét xử “công khai” Mẹ Nấm: Sự bạo tàn và nhân đạo kiểu Cộng sản

Mẫn Nhi -25-06-2017
(VNTB) Sinh viên người Mỹ, Otto Warmbier, người vừa được Triều Tiên trả tự do vì lý do “nhân đạo” đã qua đời. Warmbier từng bị Bình Nhưỡng bị kết án lao động khổ sai vì đánh cắp áp phích cổ động.

Khi bị trả về, bác sĩ chăm sóc Warmbier cho biết, người sinh viên bị “mất toàn diện các mô não ở khắp các vùng của não bộ.”

Sự việc xảy ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án chế độ Cộng sản Cuba, nhấn mạnh, “Chủ Nghĩa Cộng Sản đã tàn phá tất cả những quốc gia mà đã áp dụng nó.”

Thực tế, CNCS trong nhận thức tư duy của giới lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Cuba hay Lào đều đã mang lại những hậu quả khủng khiếp, không chỉ bóc trần về mặt tài nguyên – thiên nhiên; về nguồn lực con người và tàn phá mạnh mẽ các giá trị về mặt đạo đức – nhân bản. 

Mẹ Nấm bị bắt vì đòi khởi tố Formosa?
Không cần nhìn đâu xa, tại Việt Nam, dù tiếp cận được internet với độ phủ rộng, nhưng CNCS lại tạo nên những con người “đặc sệch màu đỏ”. Đâu đó trên Facebook, vẫn có những nhóm (group) tập hợp những người thích chửi rủa, lên án, đấu tố giới “trí thức”, sẵn sàng “tìm và diệt” những ai bất đồng chính kiến.

Tính chất xóa bỏ mọi thứ để tạo điều kiện cho cường quyền cai trị trở thành một nét đặc trưng của mọi chế độ Cộng sản. Và càng bị uy hiếp về mặt quyền lực độc tôn bao nhiêu, thì tính tàn bạo – vô nhân đạo lại càng tăng bấy nhiêu. 

Có lẽ xuất phát từ tính chất nêu trên mà người Cộng sản rất giỏi trong chiến tranh và trong việc sử dụng nghệ thuật đàn áp người dân. Đồng nghĩa, tính cai trị dân về mặt luật pháp hay dựa trên quan hệ đạo đức gần như là không có, sự suy thoái đạo đức – lối sống vị nhân sinh diễn ra nghiễm nhiên; pháp luật thượng tôn (rule of law) trở thành một cụm từ đắt đỏ trong xã hội lẫn điều hành quan hệ xã hội. 

Người Cộng sản vì thế cũng là người sẵn sàng bẻ gãy tính pháp quyền ngay khi cần thiết. Mà mới đây nhất, là việc nhà cầm quyền ra thông báo tiến hành xét xử (29/06/2017) Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người bảo vệ môi trường, tranh đấu cho nhân quyền, cải thiện dân sinh, bảo vệ chủ quyền, vạch trần tệ trạng nhiều công dân Việt Nam bị chết trong đồn công an. Phiên tòa này không có mặt bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (mẹ của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) vì cơ quan tòa án cho rằng, bà không liên quan đến vụ án, và dù rằng, nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa được ghi rõ là “công khai”.

Milton Friedman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ từng phát biểu một câu mang tính đặc tả bản chất của Chính phủ Cộng sản, theo đó: “Nếu bạn để chính phủ điều hành sa mạc Sahara, trong 5 năm chúng ta sẽ thiếu cát.” Hiểu theo ý đó, nếu bạn để Chính phủ xây dựng một nền pháp quyền XHCN, thì tính chất thượng tôn pháp luật sẽ biến mất.

Sự thật qua những phiên tòa “công khai”, xét xử những nhà bất đồng chính kiến trong thời gian qua đã minh chứng như vậy, và sắp tới đây là vụ Mẹ Nấm.

Mẹ Nấm, người đã tròn 8 tháng sau khi bị bắt giam mà không xác định được tội danh, không đưa ra xét xử. Người 8 tháng qua hai đứa con nhỏ của chị bơ vơ thiếu mẹ. Người 8 tháng qua không được gặp con, không được gặp luật sư.

Việc kết án (nếu có) trong lần tới cũng đồng nghĩa hàng triệu người dân Việt Nam cũng sẽ bị kết án, bởi tội yêu môi trường và phản kháng quyết định – chủ trương sai lầm của nhà nước. Và trong một thể chế “pháp quyền” như vậy, nếu chúng ta không ở trong tù nhỏ (do nhà cầm quyền bắt giam) thì chúng ta cũng đã ở trong nhà tù lớn (xã hội kiềm kẹp, thiếu tự do).


Và cũng như câu chuyện Bắc Triều Tiên, đừng bao giờ tin vào một lý do “nhân đạo” nào cũng nhà nước áp dụng đối với các vụ án xử người bất đồng chính kiến. Bởi nhân đạo cộng sản là “đày biệt xứ”, là thương tật, là “tạm giam để điều tra” - một cách bỏ tù không cần xét xử,… ở một khía cạnh nào đó, như cách mà sinh viên người Mỹ được Bắc Triều Tiên thả ra vì “mất toàn diện các mô não”.

Thanh Hóa: Bắt phó chủ tịch xã “ăn” đất

XUÂN HÙNG - HOÀI THU-25-06-2017
(Theo Lao Động)
Sáng 24.6, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với một phó chủ tịch và 3 cán bộ xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Ông Lê Quang Vịnh bị bắt.
4 đối tượng bao gồm: Lê Quang Vịnh (SN 1965) - Phó Chủ tịch UBND xã; Vũ Văn Vui (SN 1957) - cán bộ tư pháp; Vũ Thị Duyên (SN 1986) - cán bộ địa chính và Lê Thị Luận (SN 1967) - nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã.

Theo kết quả điều tra: Năm 2013, thực hiện Quyết định số 154/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về thu hồi đất, phục vụ giải phóng mặt bằng khu C - Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, 4 đối tượng trên đã câu kết với Trần Văn Quân (lúc đó là Chủ tịch xã Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng) và Hoàng Giáp (cán bộ địa chính xã) để lập hồ sơ cho các hộ dân hưởng tiền đền bù không đúng quy định, gây thất thoát hàng tỉ đồng của Nhà nước. Được biết, hai đối tượng này đã bị Cơ quan ANĐT bắt tạm giam ngày 13.12.2016.

Lê Quang Vịnh (lúc đó đang là Trưởng Công an xã Hải Yến) đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ (sổ hộ khẩu) cho 2 trường hợp để hưởng chính sách hỗ trợ, tái định cư không đúng quy định; Lê Thị Luận (Phó Chủ tịch HĐND xã Hải Yến) đã ký xác nhận trái quy định cho 1 trường hợp để hưởng chính sách hỗ trợ và tái định cư không đúng quy định; Vũ Văn Vui (cán bộ tư pháp xã Hải Yến), mặc dù lúc đó xã không có thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch bất động sản, nhưng vẫn chứng thực vào hợp đồng chuyển nhượng, biên bản giao nhận cho các trường hợp trái quy định; Vũ Thị Duyên (cán bộ địa chính xã) đã cùng các đối tượng trên lập khống hợp đồng chuyển nhượng, lập khống hộ khẩu để các hộ dân nhận đất tái định cư trái quy định của pháp luật.

Ngày 22.6, Cơ quan ANĐT Công an Thanh Hóa đã thi hành lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Quang Vịnh, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Văn Vui, Vũ Thị Duyên, Lê Thị Luận để điều tra, làm rõ.

‘Tái cơ cấu EVN’: Độc tài chính trị và độc quyền kinh doanh

Minh Quân-25-06-2017
(VNTB) - Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có một màn diễn mới: đề án tái cơ cấu EVN được Chính phủ phê duyệt đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của EVN.

   "Cá mập EVN"

Với đề án này, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là “hướng đến thị trường điện cạnh tranh”.

Trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của Chính phủ thì Nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…

Cần nhắc lại, EVN từng được một tờ báo Anh vinh phong là “cậm ấm hư hỏng” do người mẹ đỡ đầu của nó là Bộ Công thương, là tiếp dẫn ngoan ngoãn vô song cho chiến dịch tiếp tay cho Trung Quốc đến mức phản nghịch tình dân tộc.

Từ nhiều năm qua, EVN đã mua điện từ các doanh nghiệp Trung Quốc với giá gấp đến 3 lần mức thông thường của doanh nghiệp Việt Nam.

Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy ngờ vực, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe.

Ở Việt Nam, EVN là một trong những dẫn chứng sống động và dối trá nhất về việc người ta đã mượn dĩ vãng kinh tế chỉ huy để trục lợi như thế nào. Trong điều kiện nền chính trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên có ý nghĩa hơn. Độc quyền và đặc lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Với trường hợp EVN, đó chính là tội ác.

Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa 1990: những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN đã tạo thành cặp song sinh có chung hậu môn. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 30.000 tỷ đồng.

Trong nhiều qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.

Vào năm 2013, một cuộc thanh tra của Thanh tra chính phủ đã phát hiện trong bảng giá thành của mình, EVN đã hạch toán cả các công trình xây bể bơi, sân tennis và biệt thự vào giá bán điện. Giá bán điện lại được phổ cập cho mặt bằng dân trí thấp kém trong dân chúng. Và thêm một lần nữa, người ta có được bằng chứng về cái được coi là “trận đánh đẹp” của EVN: cuộc chiến bù lỗ vào dân.

Với nợ nần khổng lồ và số lỗ do đầu tư trái ngành, người ta ước tính EVN phải tăng giá điện liên tục đến năm 2020 thì mới may ra “hòa vốn”.

Thế nhưng cái điểm hòa vốn ăn thịt lẫn nhau ấy lại có thể khiến những người dân nghèo nhất phải quyên sinh. Bởi theo nguyên lý từ thời tư bản dã man, nếu doanh nghiệp độc quyền có được lợi nhuận, nhân dân chắc chắn phải mất đi phần lớn thu nhập của mình; còn nếu doanh nghiệp độc quyền hòa vốn, nhân dân phải chịu lỗ hoặc phá sản.


Với đề án “tái cơ cấu EVN” được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, nhân dân lại tràn đầy cơ hội hoặc phá sản hoặc bị “móc túi”. 

Nếu quân đội CSVN không làm kinh tế nữa, mọi người hy vọng điều gì?

Hải Âu (Danlambao) - Quân đội CSVN tỏ ra rất tự hào sau khi “vang danh” với “chiến tích” đánh đuổi hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ, cùng với “thành tích” thống nhất đất nước sau cuộc “giải phóng” miền Nam. Vì thế quân đội có quyền “ngủ say” trên những “chiến công” mà họ có được. Niềm tự hào ấy đã khiến Việt Nam mất 3/4 diện tích thác Bản Giốc vào tay Tàu cộng, và gần như Hoàng Sa và Trường Sa bây giờ không còn là của Việt Nam.

Thế nhưng những mất mát ấy có vẻ không phải là mối bận tâm lớn của quân đội Việt Nam. Cái họ quan tâm bây giờ có lẽ là những dự án công nghệ 4.0 cùng với mục tiêu xây dựng thương hiệu quân đội kinh tế kiểu như Viettel.

Trong xu thế phát triển quân đội bằng cách làm kinh tế, thế lực quân đội gần như không có đối thủ bởi những đặc quyền mà không có tổ chức hay cá nhân nào có thể ngăn cản bước tiến của họ. Đặc quyền ấy đã giúp lực lượng quân đội CSVN trong thời bình tập trung xây dựng công trình khách sạn, sân golf, khu nghỉ dưỡng. Kinh doanh buôn bán những sản phẩm điện tử thời công nghệ thông minh như smart phone. Ngoài ra quân đội còn tổ chức cho thuê đất quốc phòng vào mục đích thương mại.

Quản lý những vùng đất rộng lớn, nằm tại những vị trí đắc địa sau khi xâm lược VNCH thành công, quân đội CSVN ngày càng tỏ “ăn nên làm ra”. Đồng tiền chảy vào quân đội sau những thương vụ làm ăn kinh tế ngày càng nhiều. Có lẽ vì thế mà suốt thời gian hơn 42 năm, lực lượng quân đội gần như đánh mất nhiệm vụ quan trọng nhất đối với người lính là chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong mọi tình huống.

Thời gian gần đây, “thương hiệu” “quân đội nhân dân Việt Nam” càng được biết đến nhiều sau những sự kiện nóng như vụ tranh chấp đất quốc phòng ở Đồng Tâm hay vụ việc sân golf ảnh hưởng đến vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Những sự kiện này đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong nước, đến nỗi phiên họp thứ 3 quốc hội khóa 14 của cộng sản đã nhiều lần đưa vụ việc ra bàn thảo. Kết quả có được sau những phiên chất vấn đặc biệt liên quan vụ sân golf Tân Sơn Nhất đã đạt được những bước tiến quan trọng.

Người đại diện quân đội cộng sản là Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu“hiện nay đã có một chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội chính qui”. Và “chúng tôi đang cho thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP. HCM”. Lời phát biểu này được đưa ra trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo thành Hồ vào sáng ngày 23/6.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh dự án sân golf Tân Sơn Nhất được triển khai với sự đồng ý của 8 bộ ngành từ cuối năm 2007. Nhưng quan điểm của Bộ Quốc phòng hiện nay là ưu tiên hàng không dân dụng. “Các đồng chí hãy tin tưởng chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Đó được xem như lời hứa từ một lãnh đạo cấp cao của lực lượng quân đội cọng sản. Thượng tướng Lê Chiêm, người đại diện quân đội cho rằng quân đội sẽ không lăn tăn việc làm kinh tế nữa mà tập trung quân đội để bảo vệ đảng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân.

Với những phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm, có lẽ rất nhiều người chưa chịu sáng mắt sáng lòng, còn tin vào đảng cộng sản sẽ vui mừng vì nghĩ rằng kể từ đây, quyền và trách nhiệm của người lính sẽ được trọn vẹn khi bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân rồi mới đến bảo vệ đảng. 

Quân đội là lực lượng vô cùng quan trọng với trách nhiệm bảo vệ tổ quốc mà bất cứ quốc gia nào cũng cần đến. Chính vì thế tổ chức này được nuôi dưỡng và hoạt động bằng ngân sách nhà nước, hay còn gọi là ngân sách quốc phòng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của những người khoác trên mình chiếc áo lính chính là bảo vệ đất nước trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên tại Việt Nam, dưới sự thống trị và lãnh đạo của đảng CSVN, tất cả mọi thành phần sĩ quan quân đội đều là đảng viên đảng cộng sản. Vậy thì nếu quân đội không làm kinh tế nữa thì người dân hy vọng điều gì ở cái gọi là Quân Đội Nhân Dân?

Con đường duy nhất để quân đội thật sự làm đúng chức năng của mình là tách hẵn ra khỏi ách thống trị của một đảng chính trị độc tài duy nhất tại Việt Nam là đảng cộng sản. Phương cách duy nhất chỉ là tiến hành một cuộc đảo chánh để xoá bỏ guồng máy độc tài đảng trị, trao trả quyền quyết định chọn lựa chính phủ cho người dân và phi chính trị hoá hệ thống quân đội.

Nếu không thì người dân chỉ nên hy vọng những tên tướng tá đảng viên cộng sản khi không còn có cơ hội làm giàu nữa thì sẽ không trở thành những tên thảo khấu thứ thiệt với "thương hiệu" mới: Quân đội ăn cướp Nhân Dân.

24.06.2017

Luật Đảng, luật Công an, luật Nước, luật Giang hồ

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Buổi sáng, LS Lê văn Cãi bắt đầu một ngày làm việc không như bình thường vì trong lòng ông nặng trĩu với bao suy nghĩ. Chiều hôm trước, 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015. Theo Luật vừa được thông qua, trong một số trường hợp luật sư vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa, ta tạm gọi luật “đâm sau lưng thân chủ”.

Khác với nhiều đồng nghiệp, LS Cãi chỉ bào chữa thân chủ trong các vụ án “ít nhạy cảm”. Đối với những người bị nhà nước ghép vào “hội chứng phản động “thì LS Cãi ta trốn mất như không còn hiện hữu trên cõi đời này. Trong lúc chuẩn bị hồ sơ vào trại giam gặp một thân chủ, ông luật sư lẩm bẩm: “Khốn nạn thật... Thật khốn nạn!". Không biết ông nói ai khốn nạn? Có lẽ không phải ám chỉ đám người trong quốc hội hoa hoè kia, những người trong thân tâm ông có phần xem thường vì các kẻ ấy trình độ luật pháp kém cõi, thế mà cứ lao nhao hôm nay ra luật này, hôm sau sửa luật nọ. Ông chỉ muốn diễn tả tâm tư lo lắng khi có thêm trách nhiệm. Theo luật mới “đâm sau lưng thân chủ” luật sự có thể chịu trách nhiệm hình sự, vào tù như chơi, nếu không tố gíác tội phạm của thân chủ mình. Mặc dù là một luật sư “ngoan và hiền”, ông phải điều tra, tìm hiểu cặn kẽ thân chủ của mình, kẻo không thì… khốn nạn thật. 

Dáng vóc nhỏ, ông cố ngồi dang rộng ra trên ghế để lấy vẻ tự tin, đường hoàng của một luật sư có tay nghề lão luyện. Ông đưa tay sửa lại kính đeo, sắp ngay ngắn hồ sơ trên bàn. Ông đang ngồi chờ thân chủ trong trại giam. 

Thân chủ của ông, một lão già cao, ốm yếu, trán hói, hao hao giống như hình tượng ở các buổi họp của cơ quan nhà nước. Ông ta nhìn Ls Cãi e dè, sợ sệt. 

Thói quen nghề nghiệp, ls Cãi nhanh nhẹ̣n bắt tay thân chủ: "Chào bác. Tôi, luật sư Lê văn Cãi, có nhiệm vụ bào chữa cho bác trong phiên toà tới đây. Bác khỏe mạnh?”. 

Ông lão trố mắt nhìn luật sư rồi cúi mặt xuống, ấp úng: "Dạ... bẩm... cũng... không... khoẻ". 

Ls nhanh nhẹn lật hồ sơ: "Xem nào… Bác tên là Hồ Văn Ước, sinh ngày... tại... Bác ra toà vì phạm tội thuộc điều… luật hình sự nước CHXHCNVN. Theo cáo trạng, bác phạm tội bán nước... ”. 

Ông lão như ngạc nhiên: "Bẩm... thưa... con chỉ bán...". 

Ls nóng nảy cắt ngang: "Bác đã ký vào biên bản rõ như ban ngày, cùng chữ ký công an huyện. Có bao nhiêu thứ khác để bán, sao cơ khổ bác lại bán nước, bán nôi như thế này?”. 

Ông lão nghẹn ngào: "Bẩm… con chỉ bán… bán nước... nước giải khát... chứ nước, biển, đảo... đảng và nhà nước dành quản lý… con làm gì có phần đâu mà mua với bán?". 

“Bác chả hiểu luật lệ nhà nước gì cả, cứ lý luận lằng nhằng. “Nước” nào cũng là “nước”. Đây là vấn đề cực kì nhạy cảm của đảng và nhà nước. Người dân ra đường mà rao lên “Ai mua nước, tôi bán nước cho”, công an sẽ mời ngay về đồn làm việc. Đã thế (Ls đưa tay gõ vào hồ sơ)... theo biên bản công an, bác còn bị truy tố thêm về tội "Buôn người". Bác không biết đảng tốn bao nhiêu xương máu để "vùng lên... hởi các nô lệ ở thế gian", thế mà bác lại cả gan buôn người?" 

Ông lão bật khóc: "Bẩm… Đấy là do thằng Cả Đô, chủ quán cà phê ôm. Nó có họ với Trưởng công an huyện nên vu cáo con mở quán nước ôm cạnh tranh với nó. Quán con nào có ôm iếc gì đâu. Chỉ có mấy đứa cháu gái phục vụ, nó chỉ tươi cười trong sáng với khách hàng. Vì bị mất khách thằng Cả Đô tức giận vu cáo cho con..." 

Ls gật gù: "Thế ra Bác làm chủ quán nước ôm. Cáo trạng công an ghi rõ, theo lời khai các nhân chứng, bác đã dụ dỗ, buôn bán gái tơ. Bố ai mà biết được tiếp viên gái của bác "tươi cười trong sáng" hay "tươi cười đen tối". Bác biết, chỉ vì tiền bạc, bắt ép tiếp viên gái phải "cười đen tối", tiếp theo "ôm đen tối", rồi… là tiếp tay "kỹ nghệ nô lệ tình dục", nằm trong điều khoản… về luật "buôn người"... Tội trạng rành rành như canh nấu hẹ như thế này thì trước toà tôi phải lên tiếng tố cáo bác thôi. Không tuân theo luật mới tôi cũng bị vạ lây. Chẳng lẽ làm luật sư cãi cho bác, cuối cùng lại chui vào tù ở chung với thân chủ của mình?". 

Ông lão cúi đầu xuống, nước mắt rơi lã tả: “Bẩm... oan cho con... xin quan lớn... quan lớn thương tình...” 

Ls vùng dậy, đập mạnh tay xuống bàn như công an làm việc với tội phạm nguy hiểm: "Ấy... ấy.. lại cho thêm chứng cớ để tố giác. Tự mình lại đeo cùm vào cổ. Bao năm sống trong XHCN mà bác lại xưng hô kiểu cách “thực dân phong kiến”, tình thương yêu dành cho Đảng và Bác, còn gì đâu cho bác? Rõ ràng bác cố tình nhạo báng tính ưu việt nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt nam. Âm mưu gì đây?... Trời ơi là trời, bác phải tù mọt gông thôi...”. 

…. 

Luật sư Lê văn Cãi, mọi người hay gọi LS Cãi lấy Lệ, cặp hồ sơ bước vội ra xe. Ông còn hai thân chủ cần làm việc trong cùng ngày. Ông lẩm bẩm "Khốn nạn thật... Thật khốn nạn! Sống trong cảnh khổ người ta lâu dần cũng phải tìm cách thích nghi. Sống khốn nạn rồi mình cũng phải quen chịu sống như thế thôi!". 

***

Luật pháp nhà nước XHCN VN chuyện rất cũ nhưng cũng là chuyện rất mới. Năm 1954, sau khi tiếp quản thủ đô Hà nội, một trong việc cần phải làm ngay là Hờ Cờ Mờ cho đóng cửa trường luật ở Hà nội. Toà án Nhân dân trở thành một công cụ của đảng Cộng sản, chủ yếu tiêu diệt thành phần chống cộng, chống đảng. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, rất nhiều "toà án nhân dân" được tùy tiện thành lập từ giai cấp bần cố nông mù chữ lại thêm bệnh "mắt ống CS", nay mang ơn đảng cho “sáng mắt, sáng lòng”. Nhiều người bị khép tội địa chủ, giết một cách oan uổng bởi loại toà án “không cần luật “ này. Mãi đến năm 1979 đảng mới “tự mở mắt”, "tự sáng mắt, sáng lòng" cho thành lập trường luật đầu tiên trên cả nước tại thủ đô Hà nội. 

Qua hơn 30 năm, từ một nước "vô luật", Việt Nam trở thành quốc gia có rất nhiều luật, gọi đúng là nhiều loại luật khác nhau. Đảng viên đảng Cộng sản thì có luật Đảng, công an có luật công an, dân có luật Nước, luật Giang hồ. 

Đảng viên cộng sản đương nhiên phải theo luật đảng. TBT đảng và bộ chính trị là toà án xử tội đảng viên sai phạm. Tội phạm thông thường là không chấp hành tốt đường lối, chủ trương của đảng, không theo phe, theo cánh, theo “dây” trong đảng... Nhẹ bị phê bình, kiểm điểm, nặng thì kỷ luật, khiển trách, thuyên chuyển đơn vị… Đảng có thể áp dụng luật Mafia có sẵn và nhập khẩu từ Ý cho tiện, như vụ Yên bái, Quí Ngọ, Bá Thanh… 

Công an Việt Nam có luật riêng, luật Công An. Ở các nước dân chủ, một người dân xem như vô tội cho đến khi toà án độc lập kết luận “phạm tội”. Do đó trong lúc bị tạm giam, nếu một người công dân bị xâm hại thân thể, bị thương tật hay chết, trại giam phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ có trách nhiệm sẽ bị ngưng chức và sự việc được giao cho cơ quan điều tra độc lập để làm rõ nguyên nhân, trừng trị hoặc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hay gia đình. Đây là chuyện xứ người. Xứ ta có bao nhiêu người vào đồn công an đã bị chết một cách oan ức và bị che đậy với một bài bản củ rỉn “tự tử”. Đấy là sự bào chữa lập đi lập lại một cách vụng về mà người dù có rất it́ chất xám trong đầu cũng không thể nào ngây thơ, tin được. Theo Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý. Con số không chắc đúng sự thật, và đến nay vẫn còn người “tự tử” trong đồn công an. Luật công an đã và đang tồn tại, thách thức lương tâm con người chỉ vì công an là công cụ rất cần thiết để đảng dùng để cai trị dân. 

Luật Nước do quốc hội thông qua, thường mang tính hình thức màu mè, mục đích hỗ trợ cho luật Đảng, luật Công an. Các phiên toà xử các vụ án có tính nhạy cảm, bản án có thể có sẵn do đảng qui định trước, hoặc uốn cong theo chỉ thị từ đảng viên cấp trên như BCT Trung ương đảng. 

Luật Giang hồ mặc dù không cần sách luật dầy cộm hay thủ tục phiền hà, nó ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người nghi ngại luật Giang hồ ở Việt nam trở thành một thứ văn hoá đặc trưng của nước CHXHCN Việt Nam. Chuyện xử nhau theo luật Giang hồ, ta thấy đầy rẫy trên các báo chí: dùng võ lực, xã hội đen giải quyết sự việc, hành hung người không đồng chính kiến… Nhiều chuyện rất lạ lùng, kì quái không giống bất kì nơi nào trên thế giới, khiến người ta vò đầu, không biết nó là chuyện đùa hay thực, từ chuyện nhốt dân, đến nhốt cục đá trong lồng như nhốt hổ dữ.… 

Ranh giới bốn luật trên theo truyền thống XHCN cũng không rõ ràng. Vụ chiếm dụng đất phi trường Tân sơn Nhất làm sân golf, nhà hàng, núp dưới bóng "đất quốc phòng" có thể xem một kiểu luật Giang Hồ kết hợp luật Đảng để bảo vệ quyền lợi phe nhóm của những tên trùm "không thể chạm đến" (The untouchables). Kinh doanh liên quan tài nguyên quốc gia như đất đai hiện nay được xem là điểm nóng để xử dụng luật của những tên trùm. 

Trùng hợp với luật Đảng, luật Công An, luật Nước, luật Giang hồ, Việt Nam có Tứ trụ đang lãnh đạo đất nước. Trùm luật Đảng không ai khác là TBT, người nhỏ bé nhưng quyền lực cao cấp nhất chính là “Hai Tứ Trụ”. Đứng cao hơn, nhưng luật Công an cũng không vượt qua giới hạn luật Đảng cho phép và đấy là vị trí "Ba Tứ Trụ". Luật Nước, một tấm bình phong che đậy mỹ miều trước dư luận thế giới, còn gì không tương xứng bằng hình ảnh "Tư Tứ Trụ". Cuối cùng em út lờ khờ là "Năm Tứ Trụ". Bốn luật Việt Nam đã trở thành “Les Tứ Trụ” như “Les Daltons”của một thời kì hoang dã “Wild Wild West” của nước Mỹ xa xưa năm nào. 

*** 

Đảng và nhà nước Việt nam sẽ đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra tòa, xử theo luật Nước. Đương nhiên họ không thể xử theo luật Công an do sự theo dõi của bao nhiêu tổ chức nhân quyền trên thế giới. Toà án xử những người bất đồng chính kiến thường có những bản án đã được Đảng chỉ đạo nên đã được định sẵn. Không ai ngạc nhiên họat động kiểu toà án “đảng trên hết “này. Tuy nhiên người ta vẫn chờ đợi thấy được Như Quỳnh trước phiên toà. Những người ủng hộ Quỳnh trong việc đấu tranh cho nhân quyền sẽ làm gì? Phản ứng của các tổ chức nhân quyền trên thế giới đối với bản án ra sao? 

Phớt lờ việc người dân vẫn tiếp tục “tự tử” trong đồn công an, những con cò đảng trong quốc hội đã đưa ra luật mới “đâm sau lưng thân chủ”và rất mau chóng thông qua. Tại sao cần luật ấy ngay trong thời điểm này? Đơn giản đấy là lời hăm dọa trắng trợn có hệ thống trên xuống dưới đối với các luật sư biện hộ cho Như Quỳnh, cũng như các vụ án cho các người đấu tranh cho nhân quyền về sau. Với sự đe dọa bỏ tù đối với mình, các luật sư biện hộ cho Như Quỳnh đang làm việc với áp lực vô cùng nặng nề từ Đảng và nhà nước. Nhưng trong trái tim nhiều người dân, qua phiên tòa muốn thấy tinh thần không sợ hãi, tôn trọng danh dự và trách nhiệm của người luật sư trong nhóm bào chữa cho Như Quỳnh. Đấy sẽ là một cái tát thật đích đáng vào mặt cho những kẻ đang ngồi trong quốc hội kia. Những kẻ tự cho mình đại diện dân trong một xã hội độc tài, đầy rẫy tham nhũng, đang ngồi ăn tiền của những người dân thọ thuế, nhưng lại chỉ là con rối cun cút làm theo chỉ thị của đảng. 


Quảng Nam xây công trình nước sạch, cho ra nước bẩn rồi bỏ hoang

Công trình nước sạch xây hơn gần 8 tỷ đồng bỏ hoang hơn bốn năm nay. (Hình: Báo Thanh Niên)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Trong khi 800 gia đình ở địa phương không có nước sạch để dùng, thì công trình cung cấp nước sạch của xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, “chạy được vài tháng hồi năm 2013 sau khi khánh thành rồi bỏ hoang đến nay.”
Theo báo Thanh Niên, năm 2012, công trình này được phê duyệt gần 8 tỷ đồng và giao cho Trung Tâm Nước Sạch và Tư Vấn Thủy Lợi Quảng Nam, thuộc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh, làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn nhà nước 55% và người dân đóng góp 45%.
Năm 2013 công trình được đưa vào sử dụng, cung cấp nước sạch cho 800 gia đình ở xã. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn thì nước bị đục, nhiễm phèn, mặn và bốc mùi hôi thối. Sau khi chính quyền địa phương cùng người dân kiến nghị, đơn vị thi công đã xuống kiểm tra, khắc phục, song nguồn nước vẫn bị ô nhiễm và công trình bỏ hoang hơn bốn năm nay.
Ông Nguyễn Đức Phạm (60 tuổi, thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2) cho biết, ngoài tiền đóng góp xây công trình, nhiều gia đình còn phải đóng tiền để mua ống dẫn nước. “Tôi đóng 1.2 triệu đồng tiền ống dẫn nước, nhưng nước chưa về đến nhà thì công trình ngừng hoạt động,” ông nói.
Tám trăm gia đình ở các thôn An Khuông, Bà Bầu, An Đông, Vĩnh An… thuộc xã Tam Xuân 2, cũng tương tự.
Mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, hiện tại hai bể chứa của công trình có diện tích khá lớn đang bỏ trống, nhiều ống nhựa dẫn nước bị vỡ, các bồn chứa nước đang xuống cấp. Một số thiết bị đo mực nước và lọc nước vào trong bể cùng hệ thống điều hành cũng bị hư hỏng nặng.
Nói với báo Thanh Niên ngày 22 Tháng Sáu, ông Lê Văn Dũng, giám đốc Trung Tâm Nước Sạch và Tư Vấn Thủy Lợi Quảng Nam, cho biết nguồn nước được lấy từ đập Ba Tháng cung cấp nước cho công trình bị rò rỉ nên nguồn nước bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, trong quá trình lấy đất từ núi Bà Di để thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, khi mưa xuống một lượng bùn đất lớn chảy xuống đập khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
“Do công nghệ lọc nước không phù hợp và không đáp ứng trong việc xử lý bùn, khiến nguồn nước không bảo đảm vệ sinh,” ông thừa nhận. (Tr.N)

Việt Nam ‘gửi điện thăm hỏi’ Trung Quốc

Theo VOA-25-06-2017
Chủ tịch Việt Nam và Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 11/5.
Chủ tịch Việt Nam và Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 11/5.
Nguyên thủ Việt Nam hôm 24/6 đã gửi lời thăm hỏi người đồng nhiệm ở quốc gia láng giềng sau khi xảy ra vụ lở núi chết chóc.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã gửi điện hỏi thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi biết tin về vụ lở núi ở tỉnh Tứ Xuyên.

Tin cho hay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng chuyển lời tới Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Hơn 100 dân làng Tân Ma có thể đã thiệt mạng, sau khi một trận lở đất tại vùng núi hẻo lánh của Trung Quốc chôn vùi hơn 60 ngôi nhà.

Reuters dẫn lại Tân Hoa Xã đưa tin thêm rằng tới ngày 24/6 các nhân viên cứu hộ mới chỉ tìm thấy 6 thi thể.
​Đây là lần đầu tiên báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam đưa tin liên quan tới quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh, sáu ngày sau khi một quan chức quốc phòng đầy quyền lực của Trung Quốc “đột ngột cắt ngắn chuyến thăm” tới “nước cộng sản anh em”.

Việt Nam tới nay vẫn chưa nêu lý do về việc ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hủy một sự kiện giao lưu quân sự và bỏ về nước hôm 18/6. Còn Bắc Kinh nói rằng việc đó liên quan tới chuyện sắp xếp lịch làm việc.

Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm 22/6 viết: “Các cơ quan truyền thông nước ngoài cho rằng việc hủy này có thể xuất phát từ chuyện bất đồng song phương về việc Việt Nam khoan dầu và khí ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông”.

Tờ báo có tư tưởng dân tộc cực đoan này viết thêm: “Phía Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào. Dường như quan hệ Việt – Trung sẽ tiếp tục sóng gió vì tranh chấp Biển Đông trong tương lai”.

Hoàn cầu Thời báo, tờ từng chỉ trích Việt Nam xích lại gần hơn với Nhật Bản và Mỹ, cho rằng “Trung Quốc và Việt Nam phải tránh để tranh chấp vượt khỏi tầm kiểm soát”.

“Lịch sử cho thấy rằng một sự đối đầu giữa hai nước theo chủ nghĩa xã hội sẽ thực sự thảm khốc vì cả hai đều có khả năng lớn trong việc huy động dân chúng”, tờ báo cảnh báo.
Các nhà quan sát cho rằng vụ ông Phạm Trường Long cho thấy "sóng gió đang nổi lên trong quan hệ Việt - Trung".

Vì sao Trung Quốc hay dọa đánh Việt Nam?

 Lê Anh Hùng Theo VOA-23/06/2017 
Trong một cuộc biểu tình tại Đồng Nai.
Trong một cuộc biểu tình tại Đồng Nai.
Ngày 21/6 vừa qua, trang mạng của Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng bài “Căng thẳng Việt - Trung”, trong đó có đoạn: “Chuyên gia quốc tế lo ngại sẽ có đụng độ xảy ra trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc gần bãi Tư Chính, nơi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam vào năm 2011. Đây là lô dầu 136/03 mà Việt Nam mới đây bắt đầu cho thực hiện các hoạt động khai thác dầu. Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết đã có thông tin về việc Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y-8 đến khu vực khai thác của Việt Nam.”
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc có động thái hăm doạ Việt Nam. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã không ít lần hành xử như vậy, kể cả việc điều động quân đội, và đó là những diễn biến hết sức nhạy cảm mà truyền thông chính thống của cả hai bên không bao giờ đưa tin. Kể từ năm 1990 đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc không xảy ra thêm một vụ đụng độ quân sự nào. Vì thế, người ta cũng không bao giờ biết được đầy đủ thông tin về những lần Bắc Kinh “động binh” đe dọa Hà Nội, mà chỉ nghe phong phanh qua những thông tin rò rỉ, hoặc qua những kênh thông tin không chính thức, trong bối cảnh ngay từ năm 2008, Trung Quốc đã soạn thảo kế hoạch xâm lấn Việt Nam 31 ngày (*) một cách bài bản và chi tiết.
Tại sao Trung Quốc hay đe dọa Việt Nam?
Mặc dù bối cảnh diễn ra các vụ căng thẳng ngoại giao khác nhau trong từng trường hợp cụ thể nhưng bản chất của chúng thì gần như không thay đổi: Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền hay lợi ích quốc gia hợp pháp của mình trước sự ức hiếp quá đáng của Trung Quốc. Chẳng hạn, trong vụ căng thẳng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước nói trên, Việt Nam từ trước tới nay luôn khẳng định khu vực bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa của mình, không thuộc khu vực tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Ngược lại, phía Trung Quốc thì cho rằng khu vực đó nằm trong đường lưỡi bò, vốn do họ tưởng tượng ra và bao trùm phần lớn Biển Đông, vì thế đó là khu vực tranh chấp, cần “thương lượng, đàm phán” để “phân định”.
Việc Bắc Kinh lần này lại giở thủ đoạn đe dọa quân sự với Việt Nam là bằng chứng cho thấy đây là “ngón võ” ưa thích của họ, thường đem lại kết quả có lợi cho họ. Bởi chỉ cần một lần bị đe dọa mà đối phương không tỏ ra nao núng thì kẻ hăm dọa đã cảm thấy ê chề, còn đối tượng bị hăm doạ thì lại càng trở nên khinh nhờn, cứng đầu.
Tại sao Trung Quốc lại thường thành công với thủ đoạn đe dọa sử dụng bạo lực với Việt Nam, và tại sao dù hai bên đã không ít lần xảy ra căng thẳng nhưng kể từ năm 1990 đến nay chưa một vụ đụng độ quân sự nào giữa hai bên được ghi nhận?
Xin thưa, lý do rất đơn giản. Trong ban lãnh đạo Việt Nam luôn tồn tại ba xu hướng quan điểm – đó là xu hướng “thân Tàu”, xu hướng “thân Mỹ, phương Tây” và xu hướng trung dung (không theo Tàu mà cũng chẳng theo Tây). Trong ba xu hướng quan điểm này, xu hướng “thân Tàu” hầu như luôn chiếm ưu thế, bằng chứng là kể từ sau Đại hội VI đến nay, các vị Tổng Bí thư luôn thể hiện lập trường đó, trong khi đất nước thì ngày càng rơi vào vòng cương tỏa của Bắc Kinh.
Dĩ nhiên, những người có lập trường “thân Tàu” thì luôn sẵn sàng nhượng bộ các ông chủ Trung Nam Hải, hoặc ít nhất là không phản đối trước những yêu sách của họ. Quan trọng hơn, Trung Quốc không chỉ là chỗ dựa của phái “thân Tàu”, mà còn là chỗ dựa của cả chế độ cộng sản Việt Nam. Vì thế, nếu Bắc Kinh phát động tấn công quân sự Việt Nam thì cộng sản Việt Nam gần như chắc chắn sẽ sụp đổ. Trước viễn cảnh đó, việc Trung Quốc đe doạ tấn công còn tác động đến tâm lý và làm lung lay lập trường của các thành viên có quan điểm trung dung, thậm chí cả những người có xu hướng cấp tiến trong bộ máy, bởi cho dù có căm ghét người láng giềng phương bắc “to xác, xấu bụng” đến mấy đi nữa thì những ông “vua không ngai” này cũng không muốn chế độ sụp đổ để rồi mọi quyền lực, bổng lộc bỗng chốc “một đi không trở lại”.
“Thấu hiểu” tâm lý đó nên mỗi khi căng thẳng xảy ra, Trung Quốc thường hăm dọa tấn công Việt Nam, và kết quả là họ gần như luôn đạt được điều mình mong muốn trong những lần đe dọa “động binh”, tiến thêm một bước đến mục tiêu hiện thực hoá giấc mơ thôn tính Việt Nam vốn cháy bỏng trong tâm can suốt hàng ngàn năm nay.
Vậy nếu Hà Nội không chịu không chịu lùi bước thì Trung Quốc có dám đánh Việt Nam hay không?
Những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, bất chấp cả bằng chứng lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc luôn yếu thế về mặt lý lẽ, và sức mạnh đáng kể nhất của họ chính là quân sự. Mặc dù vậy, bản thân Bắc Kinh cũng rất ngại phải dùng tới sức mạnh này. Bởi lẽ nếu họ đánh Việt Nam thì Hà Nội buộc phải ngả sang Mỹ và phương Tây để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời cải tổ hệ thống và dân chủ hoá đất nước để tự cường dân tộc, nếu không muốn bị dân chúng vùng lên lật đổ trong một cuộc cách mạng bạo lực. Còn Mỹ và đồng minh, cho dù không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến trực diện kéo theo nhiều hậu quả khó lường với Trung Quốc, cũng sẽ vì lợi ích thiết thân của mình mà ủng hộ Việt Nam trong khả năng có thể. Chỉ chừng đó thôi đã cho thấy đây là một cuộc chiến đầy rủi ro với Bắc Kinh, chưa kể phản ứng của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, chừng nào ban lãnh đạo Việt Nam còn trùm lên đầu dân tộc cái vòng kim cô mang tên Marx-Lenin, chừng đó các gọng kìm chính trị - kinh tế - quân sự mang nhãn hiệu Đại Hán vẫn dần siết chặt dải đất hình chữ S, và khi đó thì Trung Quốc chẳng dại gì mà lại muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Bất luận thế nào, khi đối tượng bị doạ dẫm cứ im lặng chịu đựng một cách hèn nhát, bạc nhược để rồi đi tới đầu hàng, nhượng bộ theo cách này hay cách khác thì quả thực là “ngu gì mà không doạ”.

Khu công nghiệp xả chất thải, cá chết, sông Gòng hôi thối

Người dân vớt cá chết dưới sông Gòng đem chôn để tránh ô nhiễm môi trường. (Hình: Báo Thanh Niên)
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Sau cơn mưa, nước trên sông Gòng, đoạn từ phường Tào Xuyên chảy xuống nhiều xã của huyện Hoằng Hóa, đổi màu đen kịt, hôi thối làm cá tự nhiên chết hàng loạt, người dân khốn đốn.
Theo báo Thanh Niên, cả đoạn sông dài gần 10 cây số nước đen kịt. Ngoài cá chết, mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường sống, người dân sống dọc tuyến sông Gòng còn mất luôn nguồn nước lấy vào đồng ruộng, trong khi hiện đang là vụ gieo cấy lúa hè thu.
Ông Hắc Nguyễn Giáp (40 tuổi, phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa) cho biết: “Gia đình tôi thầu ao nuôi cá, bình thường vài ngày lại lấy nước từ sông Gòng vào ao thay đổi, nhưng giờ nước sông đen bất thường, hôi thối nên không biết phải làm sao.”
Theo ông Lê Trọng Quyền (60 tuổi, xã Hoằng Anh), đây không phải lần đầu tiên nước sông Gòng bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, mà năm năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng vài ba lần xảy ra.
“Theo tôi, có thể nước xả thải từ các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp Hoàng Long gây ra. Bởi vì trước đây, khi chưa có khu công nghiệp này thì nước sông Gòng không bị ô nhiễm bất thường,” ông nói.
Nói với báo Thanh Niên ngày 22 Tháng Sáu, ông Lê Trọng Giang, trưởng Phòng Tài Nguyên Môi Trường thành phố Thanh Hóa, cho biết chính quyền thành phố đã biết sự việc và đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm rõ nguyên nhân nước sông Gòng bị ô nhiễm.
“Chúng tôi nghi rằng nguyên nhân có thể do việc xả thải từ khu công nghiệp Hoàng Long. Theo báo cáo mới nhất của ủy ban tỉnh Thanh Hóa, thì tại khu công nghiệp này hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón, nước mắm, may mặc… tuy đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng chưa có khu xử lý nước thải tập trung,” ông nói. (Tr.N)

Đồng Tháp: Công an ngang ngược vô cớ đánh dân



Công an Việt Nam liên tục bị tố đánh người vô cớ. (Hình minh họa: Báo điện tử Zing)
ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Hai thanh niên đang đi đường thì vô cớ bị phó công an thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, chặn xe rồi dùng dùi cui đánh tới tấp, vì tại sao dám hỏi và “nhìn đểu.”
Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 23 Tháng Sáu, ông Trần Văn Chính, phó công an huyện Tháp Mười, cho biết lãnh đạo công an huyện đã yêu cầu tạm ngưng giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Chí Như Ý, phó công an thị trấn Mỹ An.

“Trước mắt, công an huyện yêu cầu tạm ngưng giao nhiệm vụ cho ông Như Ý và yêu cầu đến thăm và xin lỗi anh Nhật và gia đình. Công an thị trấn Mỹ An sẽ tiếp tục xác minh. Nếu đúng như người dân phản ảnh, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó,” ông nói.
Theo đơn tố cáo, khuya 20 Tháng Sáu, anh Trần Văn Nhật (18 tuổi, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) cùng người bạn đang chạy xe ngang trụ sở công an thị trấn Mỹ An thì bị ông Như Ý, phó công an thị trấn, đánh tới tấp bằng dùi cui.
“Lúc đi ngang thấy anh Như Ý nhìn nhìn, tụi tui hỏi làm gì nhìn hai đứa tui dữ vậy. Khi xe vừa dừng lại thì anh Ý chạy xe tới tát vào mặt bạn tui rồi dùng dùi cui, chân đánh tới tấp vào người, đầu, mặt tui. Lát sau có người can ngăn, anh Ý mới dừng lại,” anh Nhật kể.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ anh Nhật, cho biết tối cùng ngày, gia đình phải đưa anh Nhật đi bệnh viện cấp cứu, do trên người có nhiều vết bầm tím, mặt sưng và mắt bị thâm đen. Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười chẩn đoán anh Nhật bị chấn thương phần mềm đầu, mặt, ngực, lưng. Hiện vẫn còn phải nằm điều trị.
Theo bà Tuyết, ông Như Ý có đến bệnh viện thăm hỏi và cho biết sẽ chi trả toàn bộ viện phí, thuốc men cho Nhật, đồng thời cho biết nguyên nhân gây ra sự việc vì nhầm lẫn anh Nhật và bạn đi cùng là hai người đã dọa chém mình.(Tr.N)