Wednesday, July 13, 2016

Khóc cá, khóc biển, khóc người

Theo Người Việt-12-07-2016
Ngô Nhân Dụng
Hôm qua, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã tuyên án vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tập hồ sơ 497 trang giấy đã khẳng định: “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đòi chủ quyền trong vùng biển nằm trong ‘đường 9 đoạn’,” cũng gọi là Đường Chữ U hay Lưỡi Bò.
Cộng đồng thế giới văn minh hoan nghênh và yêu cầu hai nước thi hành ngay phán quyết này. Cộng sản Việt Nam cũng hoan nghênh, nhân dịp tái xác nhận chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng chỉ “nói suông,” không có một lời nào yêu cầu Trung Cộng thi hành. Họ bảo “sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết” sau, khiến dân Việt Nam ngạc nhiên trước thái độ dè dặt không cần thiết này.
Chỉ phán xử một phần trong số 15 điểm do Manila nêu ra, Tòa Trọng tài tuyên bố rằng, nói chung, không một hòn đảo hay bãi đá ngầm nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người, cho nên không chỗ nào có thể biến thành vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của bất cứ nước nào, như Trung Cộng vẫn đòi hỏi.
Tòa Trọng tài Thường trực PCA, thành lập năm 1899 tại The Hague (La Haye, Den Hagg trong tiếng Hòa Lan) do sáng kiến của Sa Hoàng nướcNga, là tổ chức quốc tế lâu đời nhất thế giới chuyên xử các tranh chấp quốc tế bằng giải pháp trọng tài. Như trong vụ xử vừa qua, tòa căn cứ vào Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà chính Bắc Kinh đã ký kết. Phán quyết của tòa PCA là một đòn đánh mạnh trên chủ trương, thái độ và các hành động xâm lấn, gây hấn của Trung Cộng từ năm 1974 đến nay, từ khi họ đánh chiếm Hoàng Sa của nước ta. Nhìn vào những thắng lợi của Phi Luật Tân, người Việt Nam thấy tủi thân! Tại sao dân Việt Nam không được hưởng những thắng lợi đó?
Tòa đã gay gắt lên án Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền kinh tế của nước này. Toà cũng kết tội các tầu hải giám Trung Quốc gây nguy hiểm khi đâm, đụng với tàu đánh cá Philippines, một điều mà đáng lẽ chính quyền Việt Nam phải đứng ra thưa kiện từ mấy chục năm trước. PCA tuyên bố một số những vùng biển đang tranh chấp hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, xác định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của nước này. Đây là một điểm có thể áp dụng cho Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nếu chính quyền Hà Nội dám kiện.
Hơn nữa, Toà kết tội Trung Quốc đã “gây hại không thể khắc phục môi trường biển,” đặc biệt là đối với các vùng san hô. Việt Nam cũng là một nạn nhân của tội ác này! Tòa nói rõ rằng luật biển UNCLOS “không cho phép dùng một nhóm đảo để thiết lập các khu quân sự,” như Trung Cộng đang làm sát nách nước ta! Trung Cộng còn bị lên án khi xây các đảo nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác; đồng thời lại phá huỷ bằng chứng về điều kiện tự nhiên ở Biển Đông, và các hành động này làm cho xung đột ở Biển Đông thêm trầm trọng. Việt Nam là một nạn nhân trực tiếp của các hành động xâm lấn phi pháp này, nhưng lại không dám kiện!
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã đặt một căn bản pháp lý rõ ràng, vững chắc cho tất cả các nước khác đang tranh chấp với Trung Cộng trong vùng Biển Đông. Nếu đối với Philippines Trung Cộng không có thẩm quyền trên cả vùng Chữ U, thì điều này cũng áp dụng cho tất cả các nước khác; họ có thể căn cứ vào đó mà hành động, nếu can đảm.
Nhưng dân Việt Nam không hy vọng nhà cầm quyền Việt Cộng can đảm. Mà chính quyền Trung Cộng cũng biết thế. Một học sinh có tánh hay dọa dẫm, bắt nạt ở trong sân trường thường có khả năng nhìn là thấy ngay đứa bạn nào dễ bắt nạt, thằng nào đụng tới nó sẽ đánh lại ngay. Trong lúc PCA đưa ra bản phán quyết thì báo chí ở Việt Nam loan tin tàu Trung Cộng đã đánh chìm thêm nhiều tàu đánh cá Việt Nam trong vùng quần đảo Trường Sa. Việt Nam sẽ thưa kiện hay không? Tất cả những gì Philippines mới thắng đối với Trung Cộng, Việt Nam có thể còn thắng mạnh hơn! Việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 còn đó, chưa ai quên. Tòa Trọng Tài có thể dứt khoát bắt Trung Cộng trả lại! Nhưng mấy chục năm nay rồi, Việt Cộng không hề dám hó hé.
Nhưng Việt Cộng lại rất nhanh đàn áp mạnh tay những người dân Việt dám phản đối Trung Cộng. Hôm Chủ nhật vừa rồi, công an Việt Cộng đã tấn công Lã Việt Dũng, một người trong nhóm No-U, một nhóm lâu nay vẫn biểu tình chống Đường Chữ U của Trung Cộng. Anh Lã Việt Dũng bị bắt sau khi đi dự một bữa tiệc với “đội bóng No-U.” Năm sáu tên công an đã bám sát Lã Việt Dũng, xúm lại dùng gạch đánh vào đầu anh. Vụ “đánh phủ đầu” này chắc để ngăn chặn trước khi Tòa Trọng tài tuyên án, không cho nhóm No-U tổ chức ăn mừng vì PCA đồng ý với họ!
Trước đó hôm Thứ Bảy, công an tỉnh Nghệ An đã bắt và đánh tám người trong Hội Anh em Dân chủ khi họ từ Quảng Bình qua Nghệ An dự đám cưới. Các nạn nhân còn bị trấn lột mất hết tiền, giấy tờ, điện thoại và cả quần áo! Cùng ngày, công an Sài Gòn bắt cóc Nguyễn Viết Dũng đưa lên máy bay bắt trở về Vinh, rồi bị và đưa đi tra khảo. Trước đó nữa, ngày Thứ Năm, công an tỉnh Quảng Bình đàn áp hai ngàn đồng bào biểu tình “khóc cá,” đòi đóng cửa nhà máy thả chất độc giết cá của công ty Formosa. Nhiều đồng bào bị đánh trọng thương; như Linh mục Phero Hoàng Anh Ngoi, giáo sứ Cồn Se, huyện Quảng Trạch làm chứng.
Cho công an đàn áp người dân Việt, chính quyền cộng sản đang tiếp tay cho hải quân Trung Cộng trong chiến dịch đe dọa, trước ngày Tòa Trọng Tài tuyên án. Ngoài biển thì Trung Cộng cho tập trận, bắn đạn thật, trong vùng biển nằm ngoài khơi bốn tỉnh bị nạn cá chết. Trong đất liền thì Việt Cộng bắt, đánh tất cả những người dân có can đảm phản đối Trung Cộng. Hai đảng Cộng sản cùng tấn công trên hai mặt trận, đúng như lời “vừa là đồng chí, lại là anh em!”
Sau bản án của Tòa Trọng tài phủ nhận tham vọng bành trướng của họ, Trung Cộng sẽ còn tiếp tục gây hấn. Các nước lớn trong khối G-7, không có Nga, lên tiếng yêu cầu Trung Cộng phải thi hành bản án, nhưng Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh phủ nhận hoàn toàn thẩm quyền của một tòa án quốc tế đã ngoài 200 tuổi. Trung Cộng có thể rút khỏi Công ước luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS), rồi công bố một vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để làm dữ. Tùy theo thái độ của chính phủ Philippines, Trung Cộng có thể sẽ khiêu khích, xây dựng phi trường trên bãi cạn Scarborough của Phi đã bị cưỡng chiếm. Lúc đó, Trung Cộng sẽ phải trực diện đối đầu với cả hai nước Phi và Mỹ.
Trong mấy tháng gần đây Mỹ đã đưa nhiều mẫu hạm và tàu chiến tới vùng Biển Đông để biểu dương quyền tự do hàng hải. Bản án của Tòa Trọng tài cho chính phủ Mỹ một căn bản pháp lý vững vàng tiếp tục hành động này. Cuộc đương đầu trực tiếp giữa hai cường quốc khó xảy ra, nhưng nếu biết lợi dụng cơ hội này thì tất cả các nước Đông Nam Á có thể dựa vào mà cứng rắn hơn trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Điều đáng buồn cho dân tộc Việt Nam là chính quyền cộng sản chỉ tỏ ra sợ hãi và quỵ lụy đối với “đồng chí anh em” Trung Cộng.
Hiển nhiên nhất là trong vụ hai chiếc máy bay Su-30MK2 và CASA 212 mất tích. Nhạc sĩ Tô Hải đã nhìn thấy chính quyền Việt Cộng “bí, bí, mật, mật, chắp vá lung tung,” khiến dân phải “đoán mò, làm câu chuyện rơi máy bay” ngày càng thêm huyền bí. Hai chiếc máy bay có đi vào vùng hải quân Trung Cộng sắp thao diễn hay không? Họ gặp tai nạn hay bị tấn công? Không ai biết! Viên phi công trên chiếc máy bay được đồng bào cứu thoát hiện nay đang ở đâu? Không ai biết! Tại sao phi hành đoàn chín người thuộc Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không không quân cũng chết tức tưởi? Không ai biết! Một điều Tô Hải biết chắc là nhân dân “không ai tin là nhà nước nói thật nữa!” Bây giờ Việt Cộng không thể nói chiếc CASA 212 gặp tai nạn nữa, vì dân chài đã vớt được 130 mảnh vỡ, không biết do ai bắn mà vỡ. Cuối cùng, nếu hỏi ai là thủ phạm giết chết các phi công, bắn hạ hai chiếc phi cơ, toàn dân Việt Nam sẽ chỉ tay về phía bắc!
Tình trạng che đậy, bưng bít của Việt Cộng trong vụ hai máy bay gặp nạn chỉ “vạch áo cho Trung Cộng xem lưng!” Nó biết là mình sợ! Nó sẽ đe dọa mạnh hơn, làm dữ hơn, vì nó biết một chính quyền đã mất hết nhân tâm thì càng yếu, càng dễ bắt nạt!
Sau khi khóc những con cá chết oan dọc 240 cây số bở biển, sau khi khóc cả vùng biển do cha ông để lại đã bị đầu độc, bị giết chết, nay người dân Việt Nam lại khóc những phi công và quân nhân chết tức tưởi trên mặt biển nước mình, trong khi chính quyền vẫn bảo vệ bí mật!
Tô Hải kết luận niềm bí mật này “xuất phát từ thói quen “độc quyền tư tưởng”, “độc quyền ăn nói.” Liệu một dân tộc có thể chỉ biết khóc, khóc, và khóc mãi hay không? Phải gạt nước mắt, đứng lên đòi tự do dân chủ!

Dịch bệnh bạch hầu ở Bình Phước, 3 người chết

Ðã có 3 người chết do bệnh bạch hầu gây ra ở tỉnh Bình Phước. (Hình: báo Lao Ðộng)
Ðã có 3 người chết do bệnh bạch hầu gây ra ở tỉnh Bình Phước. (Hình: báo Lao Ðộng)
BÌNH PHƯỚC (NV) – Ngoài 3 người đã chết, còn có hàng chục bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện do ổ dịch bệnh bạch hầu ở huyện Ðồng Phú bùng phát. Báo Lao Ðộng loan tin.
Ngày 13 tháng 7, Viện Pasteur Sài Gòn đã xác nhận, trong 34 mẫu nghi bệnh bạch hầu ở xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Ðồng Phú được gửi xuống Viện xét nghiệm đã có 4 mẫu dương tính bệnh bạch hầu, các mẫu khác đang được kiểm tra.
Ông Quách Ái Ðức, phó giám đốc Sở Y Tế tỉnh Bình Phước cho biết, đã có cáo trình gửi ủy ban tỉnh này về tình hình dịch bệnh xuất hiện trong những ngày qua ở huyện Ðồng Phú. Tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng giống nhau như sốt, viêm họng, ho, khàn tiếng, chán ăn… mà trước đó mọi người cho lả “bệnh lạ.”
Tin cho biết, tính từ ngày 24 tháng 6 đến trưa ngày 12 tháng 7, đã có 29 người ở tại một số thôn của 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú,huyện Ðồng Phú nhập viện, trong đó 3 người đã chết. Ca tử vong đầu tiên vào ngày 29 tháng 6 là bệnh nhi 12 tuổi.
Sở Y Tế Bình Phước cũng đã tiến hành lấy mẫu những người tiếp xúc gần, người nhà bệnh nhân bị chết, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân để xét nghiệm, theo dõi.

Theo ông Trần Ðắc Phu, cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng, Bộ Y Tế, nếu vi khuẩn bạch hầu từ tay chân, quần áo hoặc các dụng cụ sinh hoạt mà người khỏe mạnh chạm vào, sau đó đưa tay lên họng cũng sẽ bị lây. Trong trường hợp điều trị bệnh bạch hầu, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ gây biến chứng ngừng tim. (Tr.N)
13-07-2016

Tù nhân bị tra tấn vẫn phổ biến ở Việt Nam

Tù nhân tại một nhà tù thuộc tỉnh Hải Dương. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Tù nhân tại một nhà tù thuộc tỉnh Hải Dương. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tố cáo nhà cầm quyền CSVN tiếp tục tra tấn tù nhân dù đã ký vào Công ước Quốc Tế về Chống Tra Tấn từ ba năm trước.
Trong 10 tháng đầu bị cầm tù với bản án 5 năm tù giam, Dar, một người Thượng, kể rằng ông đã bị biệt giam trong một cái phòng giam nhỏ xíu, không có ánh sáng lọt vào và hoàn toàn im vắng. Hai tháng đầu tiên thì ngày nào cũng bị lôi đi thẩm vấn và đánh đập.
Lý do ông bị bắt là đã tổ chức biểu tình đòi nhà cầm quyền trả lại đất canh tác truyền thống cũng như đòi quyền tự do tôn giáo. Ba tháng đầu, gia đình của ông Dar tưởng ông đã bị nhà cầm quyền giết chết rồi quảng xác vào rừng. Ông đã bị lôi ra tòa kết án mà không có luật sư đại diện cũng khư gia đình ông không được tham dự, quan sát.
Theo ông kể lại, khi bị thẩm vấn, ông đã bị đánh bằng gậy, bị đá, bị đấm. Ông bị tra tấn bằng roi điện và có khi còn bị lấy giấy đốt dọc theo chân làm cháy da. Không chỉ có vậy, ông còn bị treo lên trần nhà để đám công an đánh. Các trận đòn có khi diễn ra giữa đêm khuya.
Ðây là một trong những thí dụ được nêu ra khi Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế công bố một bản phúc trình có tựa đề, “Các nhà tù bên trong các nhà tù: Tra tấn và đối xử tồi tệ với tù nhân lương tâm tại Việt Nam.”
Tra tấn tù nhân nhằm ép cung là chuyện phổ biến trong chế độ “dân chủ đến thế là cùng” (theo lời ông Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng). Ngay như Bộ Công An của chế độ từng công nhận hàng trăm tù nhân đã chết trong khi mới bị tạm giam để điều tra tại Việt Nam. Phần lớn vu cho họ “tự tử” nhưng thật sự đó chỉ là sự ngụy tạo để che đậy hành vi tra tấn chết người của công an.
Ðể có thể có bản tường trình đặc biệt về chế độ tù đày và tra tấn tù nhân của CSVN, Ân Xá Quốc Tế đã phỏng vấn rất nhiều cựu tù nhân lương tâm qua điện thoại.
“Bất kể gốc gác họ là những ai, một số có thể là luật sư, một số có thể là bloggers, nhưng trên hết, họ đều bị bắt bỏ tù vì cùng một lý do là thách đố quyền cai trị và lợi ích của đảng Cộng Sản.” Ông John Coughlan, một chuyên viên nghiên cứu về nhân quyền tại Việt Nam, Lào và Cambodia nói với báo Úc News Corps Australia.
“Hiện đang có 84 tù nhân lương tâm trong các nhà tù của Việt Nam mà đây chỉ là con số ước lượng dè dặt. Những cá nhân này, những người bảo vệ nhân quyền và vận động ôn hòa này thường xuyên bị đánh đập và hành hung dã man ngay ở trên đường phố bởi những kẻ mặc thường phục được hiểu là công an.” Ông nói.
Nhiều tù nhân lương tâm cho Ân Xá Quốc Tế hay qua các cuộc phỏng vấn rằng họ đã bị tra tấn dữ dội trong giai đoạn mới bị tạm giam khi công an của chế độ muốn ép cung để người ta bị đau quá mà phải “nhận tội” để đỡ bị đánh tiếp.
Châu Heng, một người đòi đất bị nhà cầm quyền cướp đoạt kể với Ân Xá Quốc Tế về chuyện ông đã bị đánh dã man thế nào khi mới bị tạm giam. Ông cho hay trước khi bị lôi ra tòa kết án, ông đã bị tra tấn đến bất tỉnh nhiều lần. Thêm nữa, đã hai lần ông bị chích một thứ thuốc gì đó đã làm ông mất trí nhớ, bất tỉnh và không thể nói hay nghĩ bình thường rõ rệt.
Khi ông được đưa tới gặp một bác sĩ trong nhà tù, ông há mồm ra rồi chỉ cho biết ông không thể nói được.
“Tên bác sĩ đánh vào mồm tôi với một vật cứng bằng cao su hình tròn. Hắn đánh gẫy hàm răng của tôi, gồm cả răng khôn. Tôi mất rất nhiều máu và bất tỉnh.” Ông Heng kể.
Một cựu tù nhân khác tên Lu nói rằng ông đã bị tra tấn hành hung liên tục trong sốt 4 tháng tạm giam. Ân Xá Quốc Tế kể lại rằng ông này rất nhiều lần bị tra tấn đến ngất xỉu và còn ép ông ăn phần cơm thừa của chó bỏ lại.
Theo Ân Xá Quốc Tế, khi các tù nhân lương tâm không bị biệt giam và giam chung với các tù nhân khác thì họ lại trở thành đối tượng để cho các tù nhân thường phạm khác ức hiếp, đánh đập. Một số cựu tù chính trị cho hay họ bị giam chung với rất nhiều người trong một phòng giam nhỏ. Trong đó, có những tên tù được dùng làm “ăng-ten” cho cai tù, báo cáo những hành vị của tù chính trị để họ bị cai tù đánh đập.
Có tất cả 18 cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam được Ân Xá Quốc Tế phỏng vấn để viết bản tường trình đặc biệt nói trên.

“Việt Nam nên nhân cơ hội đã ký vào Công ước Quốc tế về Chống Tra Tấn để thay đổi luật hình sự và Luật Tố tụng Hình Sự.” Rafendi Djamin, giám đốc khu vực Ðông Nam Á và Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc tế nói trong một bản tuyên bố hôm Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016, “Bây giờ là lúc phải làm tốt cái cam kết quốc tế bằng cách đưa những kẻ (công an) đã tra tấn và có các hành động tồi tệ khác ra xét xử. Ðồng thời phải bảo đảm rằng chấm dứt những hành động đó.”(TN)

Lẽ phải của quốc tế

Người dân Philippines và cả Việt Nam vui mừng ở thủ đô Manila trước phán quyết của tòa The Hague bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc. (Hình: Getty Images)
Người dân Philippines và cả Việt Nam vui mừng ở thủ đô Manila trước phán quyết của tòa The Hague bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc. (Hình: Getty Images)
Bắc Kinh trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực
Hùng Tâm
Sau ba năm thụ lý hồ sơ do Cộng Hòa Philippines đệ nạp để khiếu nại việc Trung Hoa Cộng Sản xâm phạm và cưỡng đoạt chủ quyền của họ trong vùng biển miền Tây, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đã có một phán quyết mang ý nghĩa lịch sử vào ngày Thứ Tư 12 vừa qua. Phán quyết dày 500 trang của định chế trọng yếu này trong nền công pháp quốc tế đã bác bỏ mọi luận cứ của Bắc Kinh và mở ra một giai đoạn có đầy bất ổn khi tham vọng bành trướng của lãnh đạo Trung Cộng bị quốc tế đẩy lui. Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện này…
Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế không là tòa án
Ðược thành lập năm 1899 tại thủ đô The Hague (hay La Haye) của vương quốc Hòa Lan, qua hàng loạt hội nghị quốc tế từ 1899 đến 1907 gọi là Nghị hội Hòa bình, Tòa Án Trọng Tài không là một tòa án mà chỉ là một tổ chức pháp lý có nhiệm vụ phối hợp hoạt động của hệ thống tòa án trọng tài giữa các quốc gia thành viên với nhau.
Về bối cảnh, tình trạng chinh chiến liên miên giữa các nước Âu Châu khiến một số lãnh đạo, trước tiên là Sa Hoàng Nicholas II của Ðế quốc Nga, có sáng kiến lập ra một định chế hòa giải mâu thuẫn giữa các nước qua một cơ chế có quyền tài phán, ra phán quyết của một trọng tài, hầu tránh được xung đột và chiến tranh khi có mâu thuẫn giữa các nước về quyền lợi. Vào giai đoạn ấy, doanh gia nổi tiếng về ngành thép của Hoa Kỳ là Andrew Carnegie đã tài trợ việc xây dựng một trung tâm hòa đàm và vì thế, Tòa Án Trọng Tài ra đời như một nỗ lực của Âu Châu và Hoa Kỳ nhằm giải tỏa nguy cơ chiến tranh. Mặc dù như vậy, Âu Châu vẫn lao vào hai trận Thế Chiến I và II (1914-1918 và 1939-1945) với những tổn thất đắt đỏ cho cả thế giới.
Nhìn theo một cách khác, Tòa Án Trọng Tài là cố gắng hòa giải và hội nhập giữa các nước Tây phương trước khi có những sáng kiến như việc thành lập Hội Quốc Liên, Liên Hiệp Quốc hay Liên Âu sau này.
Về tổ chức, sau này Tòa Án Trọng Tài là một cơ quan chuyên môn quốc tế nằm trong hệ thống Liên Hiệp Quốc.
Và vào năm 1899, Trung Quốc dưới triều Mãn Thanh đã lụn bại và sắp tan rã mà chưa thể làm chủ được Ðài Loan chứ chưa nói tới vùng biển họ gọi là Hoa Ðông (tại Ðông Bắc Á) hay Hoa Nam (tại Ðông Nam Á). Chúng ta cần nhớ lại bối cảnh địa dư và lịch sử đó. Tính tới đầu năm nay, hệ thống trọng tài ấy có 119 quốc gia thành viên tham dự, kể cả Trung Quốc từ năm 1904 và Việt Nam từ năm 2011.
Vắn tắt lại, mọi quốc gia thành viên của hệ thống trọng tài quốc tế có thể đệ nạp hồ sơ khiếu nại để nhờ các thẩm phán quốc tế khách quan phân xử mâu thuẫn với một xứ khác. Nhưng mà tương tự như trên một sân banh, người trọng tài không tham gia trận đấu.
Lưỡi bò của Hán tộc
Sau Thế Chiến II, Trung Hoa Cộng Sản còn tối mắt vì những khó khăn chồng chất sau khi làm chủ Hoa Lục từ năm 1949, và Mao Trạch Ðông lao vào việc xây dựng cộng sản chủ nghĩa trên lãnh thổ thừa hưởng từ Trung Hoa Dân Quốc, chế độ đã lật đổ nhà Ðại Thanh. Trên lãnh thổ ấy, ưu tiên của Mao là củng cố khu vực Mãn Châu làm cơ sở cho kỹ nghệ nặng để công nghiệp hóa xứ sở theo mô thức Xô Viết của Stalin. Về an ninh, Mao đã thu hồi hai khu vực Nội Mông và Tân Cương và chiếm đoạt Tây Tạng làm vành đai bảo vệ Trung Nguyên của Hán tộc.
Khi ấy, Mao chưa nhìn ra biển. Nhưng khi ấy, lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc là Tưởng Giới Thạch bị đẩy ra Ðài Loan và vài đảo phụ cận đã sớm nhìn xuống miền Nam.
Chính Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1946 đã chiếm đoạt đảo Ba Bình có tên quốc tế là Itu Aba, và cải danh thành đảo Thái Bình, trong vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ðây là hòn đảo lớn nhất vùng Trường Sa và ở gần các quần đảo kế cận với Phi Luật Tân. Chi tiết này, ta cũng nên nhớ.
Chẳng những thế, năm 1948, Trung Hoa Dân Quốc còn đưa ra bản đồ lãnh thổ của mình gồm các quần đảo quanh Ðài Loan và hình lưỡi bò có 11 khúc bao trùm lên biển Ðông, kể cả Vịnh Bắc Bộ, các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi ấy, Việt Nam lâm vào cảnh Nam-Bắc phân tranh trong thế quốc-cộng chìm vào Chiến tranh lạnh nên miền Nam dưới nền Ðệ nhất Cộng Hòa đã phản đối việc Ðài Loan chiếm đóng Ba Bình và lè ra lưỡi bò 11 khúc, nhưng không hành động gì vì ưu tiên vẫn là bảo vệ được nền tự do tại miền Nam. Khi ấy, ưu tiên của Hà Nội cũng vẫn là Cộng Sản hóa miền Nam, chuyện Ðông Hải còn xa vời. Còn Trung Cộng thì công nhận lãnh thổ của mình bao trùm lên khu vực cai trị của Ðài Loan lẫn cái lưỡi bò 11 khúc của Trung Hoa Dân Quốc.
Tới năm 1953, Trung Cộng mới bỏ hai khúc là Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam và đưa ra bản đồ chính thức của họ gồm có đường chín khúc, hay “cửu đoạn tuyến.” Là “hậu phương lớn” của Cộng Sản Bắc Việt tại Hà Nội, Trung Cộng có toàn quyền quyết định về phạm vi lãnh thổ và Hà Nội gián tiếp xác nhận điều ấy qua bức công hàm nổi tiếng năm 1958 của Phạm Văn Ðồng.
Khi miền Nam hấp hối trước sự triệt thoái của Hoa Kỳ và đà xâm lấn của Cộng Sản Bắc Việt, Trung Cộng mới tiến hành việc chiếm đoạt vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau đó, Bắc Kinh xuống vùng quần đảo Trường Sa qua việc chiếm đóng Gạc Ma năm 1988. Từ đấy, Trung Cộng tiếp tục cưỡng đoạt nhiều khu vực khác trên lãnh thổ và ngoài lãnh hải của Việt Nam và trực tiếp khai thác nhiều nguồn lợi về năng lượng và thủy sản thuộc về chủ quyền của Việt Nam mà không gặp phản ứng gì của Hà Nội. Người ta có quyền suy luận rằng Hà Nội đã có những thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh từ mật nghị tại Thành Ðô vào Tháng Chín năm 1990 và sau đó nữa.
Nhưng Biển Ðông không chỉ có Việt Nam và Trung Cộng.
Việc Bắc Kinh nhân danh chủ quyền lịch sử của mình với tấm bản đồ có lưỡi bò chín khúc mà còn thực tế chiếm đoạt lãnh hải và nhiều quần đảo tại vùng biển Ðông Nam Á đã xâm phạm quyền lợi của nhiều nước khác, như Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei và Nam Dương. Trong số này, Phi Luật Tân là quốc gia duy nhất chính thức khiếu nại về ngoại giao và pháp lý nên đã nộp đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Thường thực vào ngày 22 Tháng Giêng năm 2013.
Kết quả là phán quyết ngày 12 Tháng Bảy vừa qua.
Phán quyết lịch sử
Qua nhiều năm tranh chấp về chủ quyền, chính quyền Phi Luật Tân tại thủ đô Manila đã thử nghiệm nhiều giải pháp ngoại giao và hợp tác khác nhau với Bắc Kinh nhưng không có kết quả mà chỉ thấy nhiều quần đảo nằm sát lãnh thổ của mình và rất xa lãnh thổ Trung Cộng bị xâm hại. Vì vậy, chính quyền của Tổng Thống Benigno Aquino III quyết định kiện Trung Cộng trước Tòa Án Trọng Tài PCA và vận động sự hợp tác kỹ thuật của nhiều luật gia quốc tế.
Chúng ta nên chú ý tới vai trò chuyên môn của các luật gia này và đừng nghĩ rằng đây là mưu ngầm của Hoa Kỳ. Trong suốt giai đoạn có đầy mâu thuẫn và xung đột này, Hoa Kỳ giữ chủ trương trung lập, không nói ai đúng ai sai, vùng nào thuộc chủ quyền của nước nào, mà chỉ yêu cầu các nước dàn xếp một cách hòa bình và tôn trọng quyền tự do lưu thông ngoài biển. Ðã vậy, chính quyền Barack Obama còn chính thức mời Trung Cộng tham dự cuộc thao dượt quân sự RIMPAC của 22 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương được tổ chức từ năm 1971 mà chưa hề có Trung Cộng.
Ngay lập tức, Trung Cộng phủ nhận thẩm quyền của Tòa Án Trọng Tài và tìm cách đàm phán song phương với Manila mà không thành. Trong khi Manila có một dàn luật gia tham dự vụ kiện, Bắc Kinh không hề gửi đại diện mà chỉ trả lời bằng chiến dịch tuyên truyền. Kết quả là phán quyết của Tòa Án Trọng Tài PCA.
Sau đây là những điểm then chốt của phán quyết PCA (xin tham khảo nội dung trên trang mạng của PCA: pca-cpa.org).
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không phân định chủ quyền của từng nước trên từng khu vực đang có tranh chấp và cũng không có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp. Hai điều “không” này có tầm quan trọng cho tương lai.
Nhưng, Tòa Án PCA khẳng định rằng việc Trung Cộng đòi chủ quyền lịch sử về tài nguyên trên nhiều vùng lãnh hải của biển Hoa Nam mà họ gọi là “đường tuyến chín khúc” là không có cơ sở pháp lý. Yếu tố quan trọng là chứng cớ lịch sử của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Thứ hai, nếu có thì cái gọi là “chù quyền lịch sử” đã thực tế tiêu vong, vô giá trị, với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh đã ký kết.
Thứ ba, về địa dư và sinh thái, trên vùng quần đảo Trường Sa, không hòn đảo nào có thể nuôi dưỡng cư dân một cách tự nhiên – một tập thể quần cư ổn định – nên không thể là cơ sở xác định vùng độc quyền kinh tế EEZ là nơi mà chủ quyền kinh tế tỏa rộng ra phạm vi 200 hải lý. Thứ tư, cũng do thực tế đó, đảo Itu Aba (hay Ba Bình theo tiếng Việt và Thái Bình theo tiếng Tầu) mà Ðài Loan đang kiểm soát cũng chỉ là cụm đá nổi trên mực thủy triều, không là nền tảng cho độc quyền kinh tế. Ðây là lý do khiến Ðài Loan phản đối phán quyết.
Thứ năm, việc Trung Cộng khai thác tài nguyên năng lượng và thủy sản trên các cụm đá của Phi Luật Tân là xâm phạm chủ quyền của Phi. Thứ sáu, việc xây dựng các cụm đá nổi thành đảo nhân tạo không thể đem lại quyền xác định vùng độc quyền kinh tế EEZ. Thứ bảy, khi phá vỡ các rạn san hô để xây đảo nhân tạo hầu đòi chủ quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý, Bắc Kinh còn phá hoại môi trường sinh sống và vi phạm quy định quốc tế về bảo vệ môi sinh. Thứ tám, vì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Cộng Hòa Phi Luật Tân đều đã ký kết Công ước UNCLOS, cả hai đều phải tuân thủ quy định của hệ thống quốc tế này.
Tóm lại, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài phủ nhận mọi luận cứ của Trung Cộng về cựu đoạn tuyến và mặc nhiên kết án Bắc Kinh tội xâm phạm chủ quyền và phá hoại môi sinh! Dĩ nhiên, Trung Cộng bác bỏ cả thẩm quyền lẫn nội dung của phán quyết và sẽ coi như không có gì xảy ra, hoặc sẽ có phản ứng khác.
Kết luận ở đây là gì?
Hệ thống công pháp quốc tế lập ra để giải tỏa mâu thuẫn và tránh xung đột giữa các nước.
Một định chế quan trọng nhất của hệ thống này vừa ra phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Cộng, có lợi cho Phi Luật Tân và nhiều nước khác, kể cả Việt Nam.

Bắc Kinh có thể phủ nhận tất cả nhưng sự thật là đã bị thất thế về ngoại giao. Các quốc gia khác, kể cả và nhất là Việt Nam, nên khai thác lợi thế này.
13-07-2016

Phán quyết ‘đường lưỡi bò’: Dân Việt vui mừng, chính quyền lo sợ

An ninh (áo trắng) giật khẩu hiệu của người dân biểu tình trước Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội (Hình: Bạch Hồng Quyền)
An ninh (áo trắng) giật khẩu hiệu của người dân biểu tình trước Ðại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội (Hình: Bạch Hồng Quyền)
Việt Hùng/Người Việt
SÀI GÒN (NV) – Ngay sau khi phán quyết của Tòa Trọng Tài quốc tế tuyên bố bác bỏ đường “lưỡi bò” của Trung Quốc trước đơn kiện của Philippines, rất nhiều người dân Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện ‘vô tiền khoáng hậu’ này nhưng phía chính quyền lại lo sợ nổ ra các cuộc biểu tình.
Vừa biết tin về phán quyết của tòa Trọng Tài vào 5 giờ chiều ngày 12 tháng 7 năm 2016 (giờ VN), chị Sương Quỳnh, một nhà hoạt động xã hội đã cho biết: “Tôi theo dõi phiên tòa này từ sáng đến giờ. Thật mãn nguyện khi nghe tòa tuyên án như vậy.”
“Sở dĩ tôi vui vì Philippines cũng là một nước nhỏ như Việt Nam so với Trung Quốc. Và các vấn đề mà họ đem ra kiện Trung Quốc cũng y chang như những vấn đề Việt Nam đang gặp phải. Bởi vậy việc họ thắng kiện cũng như muốn nói thay cho dân Việt Nam vậy.” Chị Quỳnh cho biết thêm.
Còn nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển cho biết: “Tôi vui mừng đến độ, sáng nay tôi đã đặt vòng hoa với dòng chữ ‘Thank’s Philippines và mang tới Lãnh Sự Quán Philippines ở số 40/5 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh nhằm bày tỏ sự cảm ơn họ.”
“Philippines cũng như chúng ta mà thôi. Chỉ có khác là người dân và chính phủ của họ đã đồng thuận trong vấn đề khởi kiện Trung Quốc. Và thực tế đã chứng minh vấn đề không phải là nước nhỏ là phải sợ nước lớn. Vấn đề chỉ là chính quyền có lắng nghe tiếng nói của người dân không mà thôi?” Ông Truyển nói thêm.
Vòng hoa chúc mừng của người dân Sài Gòn gửi đến Lãnh Sự Quán Philippines. (Hình: Nguyễn Bắc Truyển)
Vòng hoa chúc mừng của người dân Sài Gòn gửi đến Lãnh Sự Quán Philippines. (Hình: Nguyễn Bắc Truyển)
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn phấn khởi cho biết: “Tôi đã có thời gian dài ở Philippines, đã từng nhiều lần cùng dân Philippines đi biểu tình chống Trung Quốc. Nên khi nghe tin này tôi lại ước mình có thể được ăn mừng với người dân Philippines ở đất nước của họ.”
Sáng ngày 13 tháng 7, chúng tôi có mặt ở quan café Phượng Hoàng trên đường Hoàng Sa, quận 3, Sài Gòn. Quán khá đông khách, nhưng đề tài mà khách uống cafe bàn tán xôn xao lại là phán quyết của Tòa Trọng Tài vừa tuyên vào chiều qua.
Hầu hết đều vui mừng ra mặt, anh Công Thành, 32 tuổi, làm nhân viên ngân hàng VietTin cho biết: “Tôi vui mừng trước phán quyết quan trọng này. Vì nó rất có lợi cho Việt Nam mình. Chỉ cần tòa phán quyết ‘Trung Quốc không có lịch sử chứng minh chủ quyền trên vùng biển ‘lưỡi bò.’ Như thế mình có thể hiểu là Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, vì 2 quần đảo này nằm trong vùng ‘lưỡi bò’ mà Trung Quốc tự vẽ ra.”
“Mỗi lần đọc tin tức mà nghe ‘tàu lạ đâm chìm tàu cá Việt Nam’ là tôi tức lắm. Rõ ràng Trung Quốc xấc xược, láo toét. Một nước lớn mà suốt ngày chỉ biết đi ăn hiếp một nước bé thì quốc tế coi ra gì?’
Ngồi bên cạnh bàn café của anh Thành, chị Nguyễn Thanh Trang, 30 tuổi, đang làm cho công ty tin học Thành Phát cho biết: “Nghề tin học của tôi suốt ngày tiếp xúc với tin tức, nên khi có tin từ tòa Trọng Tài La Haye là tôi biết ngay. Tôi chúc mừng người dân Philippines, các bạn đã may mắn hơn dân Việt chúng tôi.”
Người dân Việt Nam và Philippines trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Manila. (Hình: Nguyễn Anh Tuấn)
Người dân Việt Nam và Philippines trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Manila. (Hình: Nguyễn Anh Tuấn)
“Mặc dầu tôi không phải là dân hoạt động xã hội. Nhưng khi ra đường thấy có nhiều bạn mang áo NoU với biểu tượng ‘cắt lưỡi bò’ là tôi vui lắm. Phải làm sao đòi lại cho bằng được Hoàng Sa và một phần của Trường Sa. Vì đó là một phần máu thịt của nước Việt Nam ta.”
*Lo sợ biểu tình
Ghi nhận của chúng tôi vào sáng ngày 13 tháng 7 năm 2016 ở Sài Gòn. Toàn tuyến đường trước số 175 Hai Bà Trưng nơi tọa lạc của Lãnh Sự Quán Trung Quốc, đoạn từ ngã tư Ðiện Biên Phủ (trước 1975 là Phan Thanh Giản) tới ngã tư Võ Văn Tần (trước 1975 là Trần Quí Cáp) đều có rất nhiều công an, an ninh sắc phục lẫn thường phục canh gác. Toàn tuyến đường trước số 175 Hai Bà Trưng nơi tọa lạc của lãnh sự quán Trung Quốc, đoạn từ ngã tư Ðiện Biên Phủ (trước 1975 là Phan Thanh Giản) tới ngã tư Võ Văn Tần (trước 1975 là Trần Quí Cáp) đều có rất nhiều công an, an ninh sắc phục lẫn thường phục canh gác.
Chính quyền đã cho chở đầy hàng rào kẽm gai, chất đầy tựa vào các trụ điện dọc con đường. Sẵn sàng cho các cuộc trấn áp nếu xảy ra biểu tình. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà hoạt động dân chủ đã cho biết mình bị canh gác ngay từ nhà, ngăn cản không cho ra đường.
Trước đó, ngay sau khi có kết quả phiên tòa vào chiều ngày 12 tháng 7, nhà hoạt động Hoàng Dũng cùng những người bạn đã đến biểu tình trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Sài Gòn, nhưng lập tức bị công an xua đuổi.
Từ Hà Nội nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền cho biết: “Khoảng 5 giờ chiều nay ngày 13 tháng 7, tôi cùng một số anh chị em đã đến Ðại Sứ Quán Trung Quốc, số 46 phố Hoàng Diệu để biểu tình. Chúng tôi mang theo khẩu hiệu nhưng sau đó đã bị lực lượng An ninh giật lấy.”
“Cuộc biểu tình diễn ra đúng vào giờ tan tầm, nên rất đông người đi đường đã dừng lại đọc biểu ngữ, nghe khẩu hiệu, nhiều người đưa máy ảnh lên chụp. Nét mặt của mọi người đều lộ rõ vẻ hân hoan, đồng tình,” anh Quyền cho biết thêm.
Hàng rào thép gai được giăng đầy trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Sài Gòn. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Hàng rào thép gai được giăng đầy trước Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Sài Gòn. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Còn nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì viết trên facebook: “Nhà cầm quyền VN đã hèn nhát không dám kiện Tàu Cộng ra tòa quốc tế, mặc cho chúng nó hung hăng chiếm đoạt các hải đảo, Biển Ðông và ngang ngược xây dựng các căn cứ quân sự cũng như tàn độc hiếp đáp ngư dân của chúng ta.”
“Philippines đã kiện và thắng Tàu Cộng. Chúng tôi phản đối đường lưỡi bò phi lý của Tàu cộng và yêu cầu nhà cầm quyền phải kiện chúng ra tòa quốc tế như Philippines đã làm.” Huỳnh Ngọc Chênh.
Một người tham gia biểu tình ở Hà Nội là chị Thảo Teresa thì cho biết: “Khi tôi cầm biểu ngữ với dòng chữ ‘Philippines – chúng tôi xấu hổ trước các bạn’ và hô to Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam thì có ông trưởng công an phường Thành Công, Ba Ðình sáp vào gây hấn.”
“Anh Trương Dũng, cầm biểu ngữ với dòng chữ ‘Tôi thách Hà Nội kiện Trung Quốc ra tòa’ thì lập tức bị nhân viên an ninh tới giật biểu ngữ. Hành động này chỉ thể hiện tinh thần ‘hèn với giặc, ác với dân’ mà thôi,” chị Thảo cho biết.
Trả lời phóng viên báo Người Việt qua điện thoại, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế cho biết: “Phán quyết của Tòa Trọng Tài đã mở ra một vấn đề pháp lý rõ ràng cho Việt Nam. Ðiều quan trọng là chúng ta có dám kiện Trung Quốc ra trước tòa hay không?”

Ông nhấn mạnh: “Ðây là thời điểm để nhà nước này thể hiện quan điểm đứng về phía người dân hay vẫn tiếp tục ôm khư khư cái tình hữu nghị viễn vông với Trung Quốc.”

Cộng đồng phản ứng về phán quyết ‘đường lưỡi bò’

Một cuộc biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc bành trướng với “đường lưỡi bò.” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Một cuộc biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc bành trướng với “đường lưỡi bò.” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ðỗ Dzũng/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Hôm Thứ Ba, 12 Tháng Bảy, Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở The Hague, Hòa Lan, đưa ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” chín đoạn của Trung Quốc trong việc quốc gia này tuyên bố tới 80% chủ quyền ở Biển Ðông. Phán quyết của PCA là kết quả của đơn kiện do chính phủ Philippines nộp năm 2013. Philippines và nhiều quốc gia trong khu vực và một số nơi trên thế giới hoan nghênh phán quyết của PCA, và Trung Quốc, đương nhiên, bác bỏ phán quyết này. Nhật báo Người Việt phỏng vấn một số vị lãnh đạo tôn giáo, giáo sư, nhà hoạt động để hỏi họ phản ứng về chuyện này ra sao, đồng thời, chúng tôi cũng nhận được thông cáo báo chí của một số vị dân cử có ý kiến về vấn đề này.
Hòa Thượng Thích Viên Lý, chủ tịch Tăng Ðoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, viện chủ chùa Ðiều Ngự, Westminster
“Phán quyết của PCA rất đúng, giúp ngăn chặn chính sách bành trướng của Trung Quốc, đồng thời bảo vệ được lãnh hải cho các nước trong khu vực. Mong rằng Việt Nam học Philippines, chỉ có vậy mới giải quyết được mọi chuyện trong hòa bình, không cần phải mua thêm vũ khí, đầu tư quốc phòng.”
“Cho dù phán quyết không mang tính cưỡng hành, nhưng nó cho mọi người thấy cái sai của Trung Quốc, để có hành động sáng suốt hơn.”
Linh Mục Mai Khải Hoàn, thành viên Hội Ðồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ
“Tôi rất đồng ý với phán quyết của PCA, rất hợp lý và công bằng. Trung Quốc không thể tự vẽ ‘đường chín đoạn’ như là một sự áp đặt, vì đây là hình thức xâm lăng các nước khác.”
“Việt Nam nên kiện để nói tiếng nói của mình, đồng thời tranh đấu cho công lý, để cho cả thế giới thấy, hành động sai trái của Trung Quốc.”
Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH tại Washington, DC
“Với phán quyết này, Trung Quốc muốn nói gì thì nói, đây là thất bại của họ trên trường quốc tế, bởi vì các quốc gia khác đều thừa nhận phán quyết này. Phán quyết của PCA cũng là cơ bản để về sau Việt Nam có thể đòi lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời, để ngư dân Việt Nam có thể tiếp tục sinh sống nghề biển trong ‘đường lưỡi bò.’ Chỉ có chính quyền Việt Nam là còn vẫn ngập ngừng, bởi vì sợ ‘há miệng mắc quai.’”
“Tuy nhiên, để tận dụng phán quyết của PCA không phải dễ vì nội tình ASEAN vẫn còn rắc rối. Ví dụ, Cambodia thì bị Trung Quốc mua chuộc, còn tổng thống mới của Philippines chỉ trích Mỹ can thiệp vào Trung Ðông, rồi còn định hợp tác với Bắc Kinh nữa. Còn Malaysia và Indonesia thì cứng rắn hơn nhiều. Ví dụ, Indonesia dám bắt tàu cá Trung Quốc, thậm chí còn bắn chìm nữa, và mới đây gia tăng hiện diện quân sự tại đảo Natuna, gần ‘đường lưỡi bò.’”
Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez, đồng chủ tịch Nhóm Congressional Caucus on Vietnam, thành viên cao cấp Ủy Ban Quân Sự Hạ Viện, và thành viên Ủy Ban Nội An Hạ Viện
“Tôi hoan nghênh phán quyết của PCA, tuyên bố Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào để tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Ðông. Ðây là một thắng lợi quan trọng cho người dân Philippines cũng như người dân Việt Nam mà chủ quyền lãnh thổ của họ đã bị liên tục đe dọa khi Trung Quốc hung hăng xâm lấn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
“Thiệt hại về môi trường và mối quan tâm về an ninh toàn cầu dính liền với nhau tại Biển Ðông. Khi xây các đảo nhân tạo bằng cách bồi đắp hàng tấn cát sỏi lên bãi san hô mỏng manh, Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề đến các bãi san hô quý giá này và làm giảm lượng cá trong một vùng sống nhờ vào hải sản hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Trung Quốc đã tiếp tục phát triển và quân sự hóa vùng đất trong vùng Biển Ðông đe dọa an ninh và ổn định khu vực, có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho đời sống kinh tế và ổn định chính trị đối với nhiều quốc gia trong vùng.
“Với phán quyết này, tôi kêu gọi Trung Quốc hãy tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền lãnh thổ của Philippines, Việt Nam, và các quốc gia ASEAN nói chung. Trung Quốc có trách nhiệm làm giảm căng thẳng mà họ đã gây ra trong vùng. Pháp luật phải được tuân thủ. Giải quyết các tranh chấp về biển một cách ôn hòa là mối quan tâm hàng đầu đối với các chính quyền và xã hội dân sự tại Philippines, Việt Nam và các nơi khác tại Châu Á.”
Giám Sát Viên Andrew Ðỗ, Ðịa Hạt 1, Orange County
“Ðây là một phán quyết xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa căn cứ vào những chủ quyền được ghi nhận trên các tài liệu lịch sử. Ðây cũng được coi là một chiến thắng của người dân Việt Nam trong nước và đồng hương tại hải ngoại đã bền lòng trong việc chống lại âm mưu xâm lược lãnh thổ và lãnh hải của kẻ thù truyền kiếp Bắc Phương.”
“Chính quyền CSVN nên noi gương Philippines trong việc sử dụng quyền hạn pháp lý của mình, nhất là khi chính quyền VNCH trước đây cũng đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải miền Nam Việt Nam với Tòa Án Quốc Tế.”
Giáo Sư Lê Xuân Khoa
“Phải nói phán quyết của PCA là thắng lợi cho Philippines, nhưng là thắng lợi còn lớn hơn cho Việt Nam. Nói chung, cái ‘đường chín đoạn’ coi như vứt rồi! Kế đến, các bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý của Trung Quốc đều bị PCA bác bỏ.”
“Ngoài ‘đường lưỡi bò,’ Philippines chỉ có tranh chấp về bãi cạn Scarborough, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Còn Việt Nam, ngoài ‘đường lưỡi bò’ có tranh chấp nhiều hơn, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðáng lý Việt Nam phải kiện trước mới đúng, nhưng qua phán quyết của PCA, thì Việt Nam mừng thầm, không cần phải kiện nữa, để từ đây, có thể mặc cả với Trung Quốc, đặt vấn đề là Bắc Kinh phải tuân thủ, giải quyết sòng phẳng.”
“Riêng về Trường Sa, có thể có một số người không đồng ý với tôi, nhưng thật sự ngày nay, không thể chỉ có giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà còn có các nước liên quan tuyên bố chủ quyền, như Ðài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei. Cho nên, Trường Sa phải được giải quyết đa phương, phải có sự ủng hộ của ASEAN.”
“Trở lại với phán quyết của PCA, Việt Nam phải xác định kiên quyết hơn. Trong khi dân chúng Philippines hò reo, chưa thấy dân Việt Nam làm điều này, mặc dù có một số trường hợp, nhưng vẫn còn dè dặt.”
Giáo Sư Phạm Cao Dương
“Ai cũng thấy, đây là thắng lợi chung cho các nước Ðông Nam Á có tranh chấp ở Biển Ðông, trong đó có Việt Nam. Ðây là thắng lợi đầu tiên, nhưng liệu Việt Nam và các nước khác có thừa thắng xông lên không, vì đây mới chỉ là vấn đề pháp lý thôi, rồi còn Hoàng Sa, Trường Sa, và các đảo bồi đắp, tôi nghĩ vấn đề vẫn còn đó. Riêng đối với Việt Nam thì ‘há miệng mắc quai.’ Không làm thì không được, mà làm thì bị kẹt công hàm Phạm Văn Ðồng, cùng một số văn bản khác nữa, và có khi còn lòi ra nhiều thứ khác.”
“Cho đến nay, Trung Quốc đã chiếm được một số đảo, ví dụ như Hoàng Sa và một số ở Trường Sa, có các cơ sở quân sự, liệu họ có ‘tiến’ nữa hay không, chưa ai biết. Trong chiến đấu có từng giai đoạn, bây giờ là thắng bước đầu, còn những bước kế tiếp khó đoán được.”
Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, điều phối viên Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
“Cũng giống như đa số người Việt Nam, tôi rất vui khi thấy PCA đưa ra phán quyết, vì mình thấy công lý được thực hiện. Việt Nam có phản ứng với sự nô nức của người dân, nhưng quan trọng hơn, là phải có phản ứng của chính quyền Việt Nam.”

“Tôi nghĩ, không những đối với Việt Nam và Philippines, mà phán quyết này còn tạo tiền lệ tốt cho các quốc gia trong khu vực, và tôi hy vọng Việt Nam cũng làm như vậy (kiện). Luật quốc tế hầu hết không có giá trị cưỡng hành, vì quốc gia là chủ thể cao nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải hành động sao đó cho phù hợp vì là cường quốc, phải tuân thủ luật quốc tế.”
13-07-2016

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn

Một số người dân biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội ngày 13 tháng 7, 2016. (Hình: FB JB Nguyễn Hữu Vinh)
Một số người dân biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội ngày 13 tháng 7, 2016. (Hình: FB JB Nguyễn Hữu Vinh)
HÀ NỘI (NV) – Hai cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra tại Sài Gòn và Hà Nội sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế về cái đường “lưỡi bò” mà Bắc Kinh ngang nhiên áp đặt trên Biển Ðông.
Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam chỉ cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao tuyên bố “hoan nghênh” phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế mà hệ thống báo đài tuyên truyền của chế độ cũng chỉ rập khuôn lại những lời này, một số người dân đã phản ứng cụ thể bằng biểu tình trước cả Tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc ở Sài Gòn và Tòa Ðại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội.
Buổi chiều ngày Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016 ngay sau khi có tin phán quyết, một nhóm người đã biểu tình trước Tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc ở Sài Gòn. Trưa ngày hôm sau, Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016 thì có một nhóm người cầm biểu ngữ biểu tình trước Tòa Ðại Sứ Trung Quốc tại Hà Nội.
Lực lượng công an ở Sài Gòn có vẻ “dễ chịu” hơn ở Hà Nội đối với người biểu tình. Theo sự mô tả của Hoàng Dũng trên đài VOA về cuộc biểu tình chớp nhoáng ở Sài Gòn thì “tổng cộng có 3 người ra mặt để biểu thị thế còn những người bạn chung quanh thì chụp hình và canh gác xem có chuyện gì xảy ra hay không […]. Tôi cũng kịp chuẩn bị một tờ giấy với nội dung là ‘Ðường chín đoạn vô giá trị’. Tôi rất là vui mừng, thực sự rất là vui mừng khi nghe tin thắng lợi như vậy. Mặc dù là Philippines thắng lợi nhưng Việt Nam cũng coi như được thắng lợi bởi vì có tuyên bố đường chín đoạn là không có giá trị. Cái thông tin này chúng tôi chờ mong rất là nhiều năm nay rồi, nhưng bây giờ mới được nghe nên là lúc đấy rất là vui mừng.”
VOA cho hay cuộc biểu tình chớp nhoáng đã diễn ra suôn sẻ, các nhân viên công an bảo vệ tòa lãnh sự Trung Quốc đã không trấn áp nhóm của ông Hoàng Dũng. Ông nhận xét rằng phía công an đã hành xử đúng mực: “Họ chỉ thực hiện đúng nhiệm vụ của người ta. Tức là họ chỉ canh giữ địa điểm đấy và ngăn cản trong cái mức độ vừa phải để cho mình không có những hành động vượt tầm kiểm soát.”
Nhóm người biểu tình chống Trung Quốc trước tòa đại sứ của họ tại Hà Nội chiều Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016. (Hình: FB JB Nguyễn Hữu Vinh)
Nhóm người biểu tình chống Trung Quốc trước tòa đại sứ của họ tại Hà Nội chiều Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016. (Hình: FB JB Nguyễn Hữu Vinh)
Trưa ngày hôm sau, gần một chục người cầm biểu ngữ biểu tình phía bên kia đường của Tòa Ðại Sứ Trung Quốc. Chị Thảo Teresa kể lại trên facebook khi bị giật biểu ngữ chống Trung Quốc: “Thằng cha này khi thấy tôi hô: Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam thì nhẩy ra gây hấn, sẽ có clip rõ ràng ạ. Ông ta là: Trung Tá – Bùi Thanh Thái, Trưởng CA phường Thành Công Ba Ðình Hà Nội.
Trong khi nhà cầm quyền CSVN phản ứng rất chừng mực ngoại giao, nhiều ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ tại Việt Nam bày tỏ suy nghĩ của họ về phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Nghệ sĩ Thành Lộc viết trên facebook cá nhân: “Một danh sách dài ngoằng các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục địa mà ‘thần dân’ xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là ‘đường lưỡi bò’ láo xược trên Biển Ðông của chính quyền Trung Quốc, họ phản đối phán quyết của tòa án quốc tế, bất chấp luật pháp và đi ngược lại với lương tri thế giới. Những cái tên như Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh, Lục Tiểu Linh Ðồng… vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi! Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không?
Các văn nghệ sĩ, các fans hâm mộ những soái ca, tỉ tỉ, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó… hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hóa Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình. Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh!

Nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt!” (TN)
13-07-2016

Biển Đông : Quốc tế gây sức ép buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết

RFI-13-07-2016 11:54 
media
Phát ngôn viên ngoại giao Mỹ John Kyrby, trong một cuộc họp báo tại Washington DC ngày 01/07/2016. Ảnh : State TV/via Reuters 
Hôm qua, 12/07/2016, Hoa Kỳ đã tuyên bố ủng hộ các phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Theo AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, John Kirby, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, do vậy phải chấp nhận các phán quyết của Tòa. Đây là quyết định chung thẩm và về mặt pháp lý, mang tính ràng buộc với Trung Quốc, cũng như với Philippines. Washington đồng thời kêu gọi các bên tránh có những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích.
Trong khi đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, kêu gọi tất cả các bên giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông « một cách hòa bình và hữu nghị thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế ». Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh là cần tránh các hành động có thể gây ra căng thẳng.
Chính quyền Úc thì nói thẳng là việc không tuân thủ phán quyết của Tòa sẽ làm cho hình ảnh của Trung Quốc bị hoen ố vào lúc nước này muốn đóng vai trò lãnh đạo trên thế giới và khu vực. Canberra cho rằng Bắc Kinh cần có quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.
Singapore cũng lên tiếng. Trong thông cáo được công bố hôm qua, bộ Ngoại Giao Singapore ghi nhận các phán quyết của Tòa và sẽ nghiên cứu, đánh giá những tác động đối với nước này. Singapore không có tranh chấp ở Biển Đông và không đứng về bên nào và kêu gọi giải quyết tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận một cách rộng rãi, bao gồm cả Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Về phần mình, sau khi Tòa ra phán quyết, Indonesia thông báo sẽ nhanh chóng tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh cho các đảo thuộc chủ quyền của nước này tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizad Ryacudu nói với AFP là Jakarka sẽ đẩy nhanh tiến độ bảo vệ quần đảo Natuna qua việc điều động tàu chiến, tiêm kích F-16, tên lửa phòng không, máy bay không người lái và lập một trạm radar. Các công việc này đã được tiến hành trong những tháng gần đây và sẽ được hoàn tất trong khoảng một năm.
Ngoài các phương tiện quốc phòng, Indonesia sẽ đưa một lực lượng đặc nhiệm của không quân và hải quân, cũng như một tiểu đoàn tới bảo vệ Natuna.

Đường lưỡi bò là bất hợp pháp : Đòn quá nặng cho Trung Quốc !

Thụy My 
Theo RFI-13-07-2016 17:57 
media
 Người dân Manila vui mừng trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông, 12/07/2016. REUTERS/Romeo Ranoco 
Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông được nhiều báo Pháp đề cập đến hôm nay 13/07/2016. Đề tài này cũng chiếm khá nhiều giấy mực trên các báo tiếng Anh ở châu Á hoặc Âu, Mỹ.
Thông tín viên Le Figaro trong bài « Tòa án Trọng tài Quốc tế bác yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông » nhận xét đây là một đòn đau cho Bắc Kinh. Les Echos qua bài viết « Đối với La Haye, Bắc Kinh chẳng có quyền gì tại Biển Đông » cho rằng đây là một sự lăng nhục mà Trung Quốc phải chịu đựng.
Le Figaro nhắc lại, Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua tuyên bố Trung Quốc « không có quyền lịch sử » trên hầu hết diện tích Biển Đông. PCA nhận định các hành động của Bắc Kinh trong khu vực này là « bất hợp pháp », khẳng định đã « làm trầm trọng thêm tranh chấp », và xâm hại đến môi trường. Trung Quốc bác bỏ phán quyết, tiếp tục nêu ra « quyền lịch sử » và chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông cáo của Tòa án Trọng tài Quốc tế nêu rõ : « Tòa nhận định rằng không có bất cứ cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử về các nguồn lợi trong các vùng biển bên trong ‘‘đường 9 đoạn’’. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế », tức khu vực 200 hải lý xung quanh, đặc biệt là việc ngăn trở hoạt động đánh cá và tìm kiếm dầu khí. Tòa án cũng không công nhận các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền là « đảo », như vậy « không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế xung quanh ».
Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông
Bắc Kinh vốn tẩy chay phiên tòa, ngay lập tức cho rằng phán quyết là « vô giá trị », vi phạm luật quốc tế, « không chấp nhận cũng không nhìn nhận quyết định ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhai lại luận điệu là người Hoa đã hoạt động từ hơn hai ngàn năm qua trên Biển Đông, nên có quyền lịch sử trên 90% diện tích vùng biển chiến lược này. Nhưng Les Echos cho biết, đường lưỡi bò trải rộng trên 2.000 km kể từ miền nam Trung Quốc, liếm sát duyên hải Việt Nam, Philippines…đã bị tòa tuyên là « không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã kiểm soát vùng biển này ».
Manila hoan nghênh phán quyết, nhưng vẫn kêu gọi « kiềm chế và chừng mực ». Tuần trước, chính phủ của tân tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hy vọng nhanh chóng mở đối thoại với Trung Quốc sau quyết định của Tòa án Trọng tài Quốc tế, và sẵn sàng chia sẻ các nguồn lợi thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp.
Tuy vậy theo Le Figaro, còn phải xem có hội đủ các điều kiện cho một cuộc đối thoại như thế hay không. Bắc Kinh nhấn mạnh « sẵn sàng tiếp tục giải quyết một cách hòa bình những bất đồng thông qua thương lượng và tham vấn trực tiếp với các Nhà nước liên quan », không thông qua trung gian, và « tôn trọng các sự kiện lịch sử cũng như luật quốc tế ». Nhưng Manila khó thể bỏ qua phán quyết trọng tài theo đòi hỏi của Bắc Kinh, và bản án này còn mở ra cánh cửa cho các quốc gia ven biển khác đang lo sợ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Bắc Kinh còn toan đối phó với sự hăng hái bảo vệ đồng minh của Washington, khi khẳng định « tôn trọng tự do hàng hải và hàng không » trong khu vực, nơi các chiến hạm của Hải quân Mỹ tuần tra với lý do nhằm bảo đảm các quyền trên. Hoa Kỳ hoan nghênh phán quyết của PCA như « một đóng góp quan trọng cho giải pháp », còn chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk có mặt tại Bắc Kinh hôm qua đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế.
Tờ báo nhắc lại, để xác quyết các yêu sách, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhỏ và rạn san hô, thiết lập các phi đạo, hải cảng và các cơ sở khác mà mới nhất là bốn ngọn hải đăng trên một rạn san hô cộng với một hải đăng khác đang xây dựng. Tòa án Trọng tài Quốc tế nhận định Trung Quốc đã làm tranh chấp thêm gay gắt, đồng thời « gây ra những thiệt hại không thể hồi phục cho môi trường biển ». PCA khiển trách Bắc Kinh đã để các ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển khổng lồ và các sinh vật quý hiếm khác, bằng các phương tiện đã xâm hại nghiêm trọng các rạn san hô và hệ sinh thái.
Phán quyết của Tòa Trọng tài làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh
Trong bài « Tại Biển Đông, Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye tuyên bố Bắc Kinh đã sai trái », nhật báo La Croix ghi nhận không có gì là ngạc nhiên khi phán quyết thuận lợi cho Manila trong hầu hết các vấn đề bất đồng với Bắc Kinh về Biển Đông, bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã phản đối thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Quốc tế trong vụ này, đặt dấu hỏi về tính độc lập và khách quan của tòa. Tất cả cho thấy tuy phán quyết mang tính ràng buộc, vẫn có thể không được thực thi.
Trong phán quyết dày đến 501 trang công bố hôm qua, Tòa án Trọng tài Quốc tế khẳng định« đường 9 đoạn » tự vẽ chỉ mới xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc từ năm 1940 « hoàn toàn không có căn cứ pháp lý ». Không có bất kỳ đảo nhỏ, đá, rạn san hô nào ở Trường Sa được công nhận là « đảo » để có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc có ký kết.
Theo La Croix, phán quyết của tòa đã làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh.
Dưới triều đại Tập Cận Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách hết sức hung hăng tại Biển Đông. Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo tại khoảng sáu thực thể, thiết lập các cơ sở hạ tầng quân sự như radar, phi đạo…và tuần duyên tăng cường hiện diện tại các vị trí chiến lược, gây căng thẳng với các láng giềng. Lâu nay đứng ngoài quan sát, rốt cuộc Hoa Kỳ đã phải phản ứng vào mùa thu năm 2015 bằng cách gởi các khu trục hạm đến. Từ nay cho đến 2019, 60% hạm đội Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Để tránh bị cô lập ngoại giao, Trung Quốc đã vận động được Nga và Ả Rập Xê Út ủng hộ, cùng với một số nước châu Phi như Niger, Lesotho, Togo, Angola, Madagascar, Papua-New Guinea. Ngược lại, khối G7 (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) hỗ trợ Philippines bằng cách liên tục nhấn mạnh sự quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong an ninh hàng hải.
Khúc ca khải hoàn khiêm tốn của Manila
La Croix nhận xét, cho dù ngay sau phán quyết đã diễn ra một cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc, chính phủ Philippines vẫn tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố chính thức. Phát ngôn viên chính phủ nói rằng mọi việc còn cần phải thảo luận, ngoại trưởng Perfecto Yasay hoan nghênh La Haye nhưng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Ngược lại, báo chí Philippines hân hoan nhấn mạnh « chiến thắng » trước Bắc Kinh và « phán quyết lịch sử » này.
Trang web china.org của Trung Quốc lại có cách diễn giải khác. Trong bài « Phán quyết La Haye : Ôn ào để chẳng đi đến đâu », trang mạng này khẳng định càng gần đến ngày phân xử, trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh, quan điểm của Manila bắt đầu lung lay, qua đề nghị chia sẻ nguồn lợi và thương thảo dù có thắng kiện. Ông Rodrigo Duterte dường như nay đã hối tiếc về quyết định kiện ra Tòa án Trọng tài của người tiền nhiệm Benigno Aquino.
Tờ báo đe dọa trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 06 đến 08/09/2016 tại Vientiane (Lào), sau thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) từ 04 đến 05/09, Bắc Kinh sẽ có dịp chất vấn Manila về những bất nhất trong quan hệ song phương từ thời bà Gloria Arroyo cho đến nay. Trung Quốc cũng sẽ giới thiệu một lộ trình hợp tác thực tiễn, và đặt lại vấn đề Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Và trước đó, ASEAN cần đưa ra thông điệp hòa giải rõ ràng trước Trung Quốc nhân hội nghị ngoại trưởng lần thứ 49 của khối này từ 21 đến 26/07.
Theo Le Monde, sự khiêm tốn của Philippines là do thực tế trước mắt : các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp không vì phán quyết mà biến mất, và lực lượng tàu quân sự hùng hậu của Trung Quốc vẫn tiếp tục nghênh ngang, tuy quyết định của La Haye sẽ khiến Hải quân các nước phương Tây sẽ tuần tra thường xuyên hơn tại Biển Đông.
Trung Quốc sẽ hùng hổ hay hòa dịu ?
Bài viết đăng trên trang mạng của Le Monde « Bắc Kinh tức giận sau khi thua cuộc ở Biển Đông » qua phán quyết của tòa trọng tài nhận định, tuy thất bại đã được đoán trước, nhưng năm vị trọng tài ở La Haye đã giáng cho Trung Quốc một đòn quá nặng về tính hợp pháp của« đường 9 đoạn ».
Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng sau cái tát này, Bắc Kinh sẽ ra chiêu trả đũa. Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh khẳng định : « Trung Quốc đã chuẩn bị cho một phán quyết bất lợi, nhưng giọng điệu bản án tệ hại hơn dự kiến. Phán quyết này sẽ được các thế lực nước ngoài sử dụng để đối phó với Trung Quốc, và như vậy Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực quốc phòng ».
Giả thiết được đưa ra nhiều nhất là thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông xung quanh các đảo nhân tạo, và quân đội Trung Quốc nhờ các phi đạo mới có thể cho các chiến đấu cơ xuất kích bất kỳ lúc nào. South China Morning Post cho rằng quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất trước ADIZ Biển Đông sẽ là Việt Nam.
Tuy Bắc Kinh chưa nêu ra một hành động phản công cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích lo ngại cơn sốt sẽ tăng lên trong khu vực, nơi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, nhất là xung quanh các đảo nhân tạo, để khẳng định quyết tâm không nhượng bộ. Reed Foster thuộc IHS Jane nhận xét : « Việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự giúp Trung Quốc kiểm soát trên thực tế nhiều mảng của Biển Đông ».
Theo Les Echos, về lâu về dài, phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua dù sao cũng khiến Bắc Kinh tỏ ra hòa hoãn hơn một chút với các nước láng giềng để tránh vô số các vụ kiện nhục nhã trước các tòa án quốc tế.
Ấn Độ hân hoan, Úc chuẩn bị vào cuộc
Trang mạng indiaexpress.com của Ấn Độ vui mừng nhận định, các chiến hạm Ấn từ nay có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo UNCLOS, không cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Hồi tháng 7/2011, tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu vì cho rằng tàu Ấn đã đi vào vùng biển Trung Quốc.
Phán quyết của PCA là cơ hội cho New Delhi để khẳng định vị thế với các nước bạn bè trong khu vực, như một cường quốc biển, phù hợp với thông báo chung Mỹ-Ấn năm 2014 về tự do hàng hải và hàng không. Thái độ phản đối của Bắc Kinh cũng tương phản với việc New Delhi chấp nhận phán quyết của PCA tháng 7/2014 trong vụ kiện ranh giới trên biển với Bangladesh, tuyên đến gần 4/5 diện tích biển tranh chấp thuộc về Bangladesh chứ không phải Ấn Độ.
Bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chiến lược Úc nhận định, Bắc Kinh đã nỗ lực rất lớn và thành công trong việc phá hoại sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong hồ sơ Biển Đông. Nhìn từ phía Úc, phán quyết hôm qua khiến người ta nhớ lại tuyên bố trong Sách Trắng quốc phòng năm 2016 của Úc, khẳng định « lợi ích quốc phòng chiến lược thứ nhì trong một khu vực an ninh gần gũi, bao gồm vùng biển Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương ».
Nói cách khác, lợi ích chủ yếu của an ninh quốc gia lại nằm trong một khu vực hoàn toàn bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng Úc đang chi ra 89 tỉ đô la để chỉnh đốn Hải quân. Cho dù chưa phê chuẩn UNCLOS, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành, và các đồng minh trong khu vực như Úc sắp tới sẽ được cầu viện đến nhằm đảm bảo tự do hàng hải.