Sunday, November 15, 2015

VTV đâm sau lưng Thủ tướng?

Cách đây gần hai tháng, cộng đồng mạng xôn xao trước một sự kiện hy hữu: ba đại trí thức của Việt Nam cùng đứng tên tố cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây chia rẽ tình hữu nghị “như anh em một nhà”giữa Việt Nam và Trung Quốc. Và với lý do đặc biệt nghiêm trọng đó, họ kiến nghị Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng không chỉ tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật mà còn loại Thủ tướng ra khỏi danh sách uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá tới hầu tránh “thảm hoạ cho Đảng ta và dân tộc ta”.
Việc ngài Thủ tướng khả kính bị tố cáo ngay trước thềm Đại hội XII của Đảng một cách nặng nề như thế chắc chắn đã khiến ngài cũng như hàng triệu người ủng hộ không khỏi buồn phiền. Vì lẽ đó, hầu như ai ai cũng mong được chứng kiến một dịp Thủ tướng bày tỏ tình cảm đích thực của mình với đất nước và nhân dân Trung Hoa anh em, hầu qua đó đập tan luận điệu phản động của ba vị Giáo sư Tiến sỹ kia.
Trời không phụ lòng người, cơ hội cuối cùng rồi cũng tới. Đó là dịp Tổng Bí thư/Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam từ ngày 5-6/11 vừa qua. Và đúng như những gì mà hàng triệu người hâm mộ Thủ tướng háo hức trông đợi, trong các màn nghênh tiếp mà bốn vị “tứ trụ triều đình” dành cho đồng chí Tập Cận Bình thì chỉ duy nhất Thủ tướng là người ôm hôn thắm thiết nhà lãnh đạo tối cao của nước bạn. Mà đâu chỉ ôm hôn không thôi, ngài còn chủ động làm điều đó nữa cơ.[i]
Tuy nhiên, nếu ai đó vội tin rằng các “thế lực thù địch” như 3 trí thức rởm đời kia phen này hết đường bôi nhọ Thủ tướng thì nhầm to. Khi không tố cáo Thủ tướng được thì chúng lại điên cuồng chống phá ngài theo cách khác. Và lần này, “thế lực thù địch” không phải là 3 kẻ đã về vườn “rảnh rỗi sinh nông nổi” kia mà là một cơ quan nằm dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hẳn hoi – đó chính là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Sự thể là, trong video clip Thời sự 19h ngày 5/11/2015 lưu trên trang mạng của VTV, người ta đã cố tình cắt đoạn Thủ tướng ôm hôn thắm thiết đồng chí Tập Cận Bình, dù trước đó VTV đã phát trong bản tin thời sự 19h. Từ đầu bản tin cho đến hết phần tường thuật lễ đón tiếp và cuộc hội đàm giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và TBT Tập Cận Bình (phút thứ 12), nội dung clip y chang bản tin đã phát trực tiếp lúc 19h ngày 5/11.
Tuy nhiên, sang đến phần đưa tin về sự kiện Thủ tướng đón tiếp đồng chí Tập Cận Bình thì không hiểu “ai đó” lại lồng nội dung phát trên chương trình thời sự dành cho người khiếm thính vào lúc 22h ngày 5/11 của kênh VTV2. Lúc này, trên màn hình xuất hiện ô hình ảnh của phát thanh viên dành cho người khiếm thính, còn thời gian ghi trên bản tin thì chuyển từ 19h12 sang 22h12. Và điều kinh khủng nhất ở đây là những hình ảnh ghi lại cảnh đồng chí Thủ tướng ôm hôm thắm thiết đồng chí Chủ tịch hoàn toàn biến mất. (Hết phần tin về lễ đón tiếp và hội kiến giữa Thủ tướng với đồng chí Tập Cận Bình, clip lại thể hiện nội dung đã phát trong chương trình thời sự VTV 19h.)
Rõ ràng đây là hành động có chủ ý của VTV. Trong bối cảnh Đảng ta sắp sửa tổ chức Đại hội lần thứ XII thì đó là một âm mưu bẩn thỉu hòng triệt hạ vị Thủ tướng muôn vàn kính yêu của chúng ta, bất chấp những thành tựu phi thường trong suốt 10 năm điều hành nền kinh tế của ngài. Đằng sau chiêu trò gian xảo này chắc chắn là một “thế lực thù địch” siêu khủng, bởi nếu chỉ một mình Tổng Giám đốc VTV thì có thách kẹo ông ta cũng không dám làm chuyện tày đình đó.
Vì vậy, thay mặt cho hàng triệu người yêu mến Thủ tướng và cũng là những người đang ngày đêm trăn trở với tình hữu nghị “4 tốt, 16 chữ vàng” giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, Tiểu ban Nhân sự Đại hội XII… cấp tốc thành lập tổ điều tra liên ngành để truy tìm cho ra “thế lực thù địch” nào đứng đằng sau Tổng Giám đốc VTV Trần Bình Minh trong vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nói trên.
Không còn nghi ngờ gì, bảo vệ thanh danh và phẩm giá cho ngài Thủ tướng trong vụ việc này cũng chính là bảo vệ tương lai Trung -Việt “anh em một nhà” cho đời đời con cháu chúng ta.
_________
[i] Ghi chú:
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng biểu lộ tình cảm vô cùng thắm thiết của mình với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Hoa. Trái lại, ngài đã nhiều lần thể hiện sự đồng điệu với các nhà lãnh đạo Đại Hán đến mức độ mà có lẽ trên thế gian này chỉ có 3 đại trí thức nông nổi kia là không kinh ngạc:
Thủ tướng và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngày 20/9/2011 (Ảnh: Screenshot)
Thủ tướng và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Ninh ngày 20/9/2011 (Ảnh: Screenshot)
Thủ tướng và Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 7-9-2011
Thủ tướng và Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 7-9-2011
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tướng Chung khôn hay ngu ???

Đánh vào luật sư là đánh vào mặt của nền tư pháp Việt Nam. Những kẻ nào ra lệnh cho thuộc cấp làm chuyện này chỉ có thể là những kẻ ngu chứ không thể gọi là khôn được. Tướng Chung và bộ sậu dù muốn hay không cũng phải bị cuốn vào vụ án này. Tướng Chung đã được ông Phạm Quang Nghị đánh tiếng là sẽ giới thiệu vào chức chủ tịch thành phố. Để vào được chức chủ tịch thành phố Hà Nội buộc tướng Chung phải vượt qua rào cản là có chân trong uỷ viên trung ương đảng cộng sản. Đây là cú vượt rào với các " chân giầy ngoại hạng "


Trong một comment tôi đã khẳng định để dập tắt sự phẫn nộ của dư luận xã hội, công an buộc phải khởi tố vụ án đánh hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Luân. Và hôm nay sau khi công an Hà nội cố tình bắt giữ luật sư Trần Vũ Hải trái phép để ngăn cản một cuộc tuần hành để gửi kiến nghị bộ tư pháp, bộ công an, sở công an... Bị dư luận phản ứng dữ dội. Số lượng người đến trước cửa trụ sở công an phường Xuân la đông kỷ lục từ trước đến nay (khoảng 300-400 người). Họ đến không chỉ ngồi mà còn hô to "đả đảo bắt người trái phép" đã tạo nên một sự kiện lớn chưa từng có ngay tại giữa thủ đô Hà Nội. 

Nên dù muốn hay không thì tướng Chung và bộ sậu buộc phải khởi tố vụ án, đồng nghĩa buộc phải khởi tố bị can. Như vậy những kẻ lưu manh xóm kia sẽ phải đối mặt với một rừng luật sư với tư cách người bị hại và tư cách luật sư bào chữa. Đó là chưa kể đám kền kền nhà báo chính thống đang đói tin "hót". Tôi tin rằng, dù được mớm cung, được vẽ ra để khai trước tòa nhưng chắc chắn họ sẽ lộ những tình tiết không khớp nhau trước sự sắc bén của các luật sư. 

Vậy là tướng Chung và bộ sậu dù muốn hay không cũng phải bị cuốn vào vụ án này. Tướng Chung đã được ông Phạm Quang Nghị đánh tiếng là sẽ giới thiệu vào chức chủ tịch thành phố. Để vào được chức chủ tịch thành phố Hà Nội buộc tướng Chung phải vượt qua rào cản là có chân trong uỷ viên trung ương đảng cộng sản. Đây là cú vượt rào với các " chân giầy ngoại hạng ". 

Chuyện mua bán mặc cả của những mafia không thuộc hiểu biết của mình nên mình không bình luận. Nhưng thực sự đáng lẽ vụ việc không quá phức tạp mà giờ đây đã trở thành phức tạp. 

Như tôi đã kết luận: đánh vào luật sư là đánh vào mặt của nền tư pháp Việt Nam. Những kẻ nào ra lệnh cho thuộc cấp làm chuyện này chỉ có thể là những kẻ ngu chứ không thể gọi là khôn được. 

Đâm lao phải theo lao, họ vội vã họp báo. Nhưng thông báo của họ lại còn coi thường dư luận khi khẳng định chuyện đánh luật sư là do bụi, là không phải công an tên Cửu. Vậy là lại dấy lên một lần nữa sự bức xúc của dư luận, sự bức xúc này còn buộc đại biểu quốc hội dù không muốn cũng phải lên tiếng. 

Câu chuyện sẽ còn dài. Vụ án chắc chắn sẽ còn nhiều kịch tính. Chắc chắn tướng Chung có người yêu thì cũng phải có người ghét. Cơ hội ngàn vàng để họ vượt qua tướng Chung khi đại hội đảng cộng sản diễn ra vào năm 2016.

Chính trị khó lường, người làm chính trị mà phải nhờ ô che sẽ bị lộ tẩy ra trình độ của mình khi rơi vào các sự kiện bất ngờ.
 14.11.15
(Theo Blog Tôi Thích Đọc)

Điển hình ở Việt Nam. Đất nước đầy rẫy những tên trộm" *

Theo Vnexpress-16.11.15
Du khách Tây thấy bị đối xử như 'ATM biết đi' ở Việt Nam.

Việc một phụ nữ Anh bị đòi tiền chuộc chiếc máy ảnh mà chị làm rơi ở Quảng Bình khiến nhiều du khách quốc tế chê trách lòng tham của người Việt.

Ngày 10/11, việc "du khách Tây bị ép trả tiền triệu chuộc máy ảnh tại Việt Nam" được tường thuật lại trên báo Anh Daily Mail. Bài báo nhận nhiều bình luận từ độc giả trên khắp thế giới, bày tỏ quan điểm về vụ việc nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Nhiều độc giả tỏ ra không mấy hài lòng về Việt Nam bởi tình trạng trộm cắp và "vòi" tiền du khách diễn ra phổ biến, và nói sẽ không quay trở lại.

"Thật đáng buồn, du khách ở Việt Nam bị coi như những cây ATM di động", độc giả có nickname EvilPoppet đến từ Australia bình luận, nhắc đến các máy rút tiền tự động.

nguoi-viet-coi-du-khach-la-cay-rut-tien-biet-di

nguoi-viet-coi-du-khach-la-cay-rut-tien-biet-di-1
"Một ngày điển hình ở Việt Nam. Đất nước đầy rẫy những tên trộm", bình luận của độc giả Singapore.

Vụ bê bối này xảy ra với du khách Anh tên là Kelly Emma Kirsty. Chị đi tham quan hang động ở Quảng Bình và đánh rơi máy ảnh GoPro xuống nước. Nhân viên hướng dẫn cho biết sẽ thuê thợ lặn để tìm và trả lại chị nếu thấy. Sau đó có người tới khách sạn và yêu cầu chị trả 3,2 triệu đồng tiền chuộc, chị không đồng ý, dẫn đến xô xát.

Nói về vụ việc, một độc giả ở Singapore bình luận rằng đòi tiền chuộc "là bình thường bởi ở Việt Nam đầy rẫy trộm cắp".

Một độc giả Anh cho ý kiến không nên làm mờ mặt những người liên quan tới việc đòi tiền, bởi "hãy để cả thế giới biết mặt họ và khiến họ phải xấu hổ".

"Họ đã không hành động như những hướng dẫn viên đúng đắn mà hành động như kẻ trộm đích thực", một ý kiến từ Birmingham, Anh, nói về những người đòi tiền du khách.

Tuy nhiên cũng có độc giả cho rằng "ai tìm được là của người ấy" và lỗi nằm ở du khách Anh đã quá bất cẩn khi làm mất món đồ đắt tiền như GoPro.
Xen giữa những chỉ trích gay gắt, vẫn còn những độc giả dành thiện cảm cho Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn so với những nơi đang có bất ổn về chính trị, và Việt Nam cũng còn nhiều ưu điểm trên các mặt khác.

nguoi-viet-coi-du-khach-la-cay-rut-tien-biet-di-2
Một ý kiến cho rằng du lịch ở Việt Nam cũng có nhiều điều tích cực.

Câu chuyện của Kelly xuất hiện trên trang hướng dẫn du lịch nổi tiếng toàn cầu Tripadvisor. Công ty du lịch chủ quản của hướng dẫn viên nói trên đã thực thi các biện pháp xử lý với nhân viên.

Xem thêm: Sẽ thu hồi thẻ hướng dẫn viên và yêu cầu xin lỗi công khai.

Như Bình
---------------------------
* Tựa đề do VNTB đặt

Nhật 'không có quyền' nói về Biển Đông?

Theo BBC-15 tháng 11 2015 

Image copyrightAP
Image captionNgười phát ngôn Trung Quốc Hồng Lỗi
Trung Quốc tỏ ra giận dữ vì ý định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mang việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ra các diễn đàn quốc tế.
Tuần trước ông Abe cho hay sẽ nêu vấn đề này ra các cuộc họp quốc tế sắp tới như Hội nghị Cấp cao G20, Hội nghị Cấp cao Apec và Hội nghị Cấp cao Đông Á.
Ngay lập tức, phía Trung Quốc bày tỏ bất bình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố hồi cuối tuần tại Bắc Kinh rằng "hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên một số đảo và bãi đá ở quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa), hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, không nhằm vào, không ảnh hưởng tới bất cứ nước nào, không có gì phải chê trách".
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hồng nói: "Nhật không phải nước đương sự vấn đề Nam Hải (Biển Đông), Nhật không có quyền nói này nói nọ trên vấn đề chủ quyền quần đảo Nam Sa (Trường Sa)".
Người phát ngôn Trung Quốc cũng cảnh báo Nhật Bản phải "tuân theo cam kết không đứng về bên nào trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ, có những lời nói và việc làm thận trọng, tránh đưa ra tín hiệu sau lầm, khuyến khích cá biệt nước áp dụng nhiều biện pháp khiêu khích hơn, gây nguy hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo dự kiến sẽ tham dự hội nghị Apec cùng lãnh đạo gần 20 quốc gia trong có Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Philippines vào tuần tới.
Trung Quốc nói họ không nghe nói về bất kỳ kế hoạch nào nhằm bàn thảo chủ đề Biển Đông tại đây.
Tuy nhiên Hoa Kỳ nói không loại trừ chủ đề "nóng" này sẽ được thảo luận song phương bên lề.

Tổng thống Mỹ sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị khu vực

MANILA (NV) - Mỹ sẽ nêu vấn đề Biển Đông ở hội nghị APEC sẽ họp ở Manila giữa tuần này trong khi một phó thủ tướng Malaysia kêu gọi dân chúng chống tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Bản đồ tranh chấp Biển Đông giữa các nước trong khu vực.
(Hình: AFP/Getty Images)

Theo tin thông tấn quốc tế AFP, Tổng Thống Mỹ Barack Obama dự trù sẽ thách đố tham vọng muốn nuốt trọn Biển Đông của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đến tham dự Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế APEC gồm 21 nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương diễn ra ở thủ đô Phi Luật Tân vào hai ngày Thứ Tư ,18 tháng 11 và Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015.

Cuộc họp APEC dự trù tạo bầu khí xây dựng hợp tác phát triển kinh tế của các nước tham gia, nhưng nó bị ám ảnh bởi các hoạt động lộ rõ ý đồ muốn độc chiếm Biển Đông, một thủy lộ có số lượng hàng hóa thương mại vận chuyển trọ giá 5 ngàn tỷ đô la hàng năm, cùng với các tài nguyên thiên nhiên và thủy sản phong phú.

Trong khi Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Manila vận động với chính phủ nước này tránh né vấn đề tranh chấp Biển Đông trong cuộc họp, theo AFP, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc nói rằng tranh chấp Biển Đông là “vấn đề chính” trong chuyến đi 3 ngày của ông Obama tại Phi Luật Tân. Sau đó ông sang Malaysia dự một hội nghị tiếp theo cũng đề cập đến Biển Đông.

Theo bà Rice, Tổng Thống Obama sẽ nêu vấn đề “an ninh hàng hải” và “tự do hải hành và phi hành” trong các vùng biển và không gian quốc tế, những từ được Hoa Kỳ sử dụng ám chỉ đến các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông trong khi các nước khác không thừa nhận.

Hiện Phi Luật Tân đang kiện tuyên bố “Lưỡi Bò” của Trung Quốc tại tòa án quốc tế La Haye và mới đây Indonesia tuyên bố cũng có thể kiện Trung Quốc.

Nhân danh phát ngôn viên hội nghị APEC sắp diễn ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân Charles Jose họp báo ngày Thứ Sáu tuần qua đã nói rất nhiều về sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy ông nhìn nhận vấn đề Biển Đông không nằm trong nghị trình chính của hai ngày họp APEC, nhưng nói các nhà lãnh đạo tham dự có thể thảo luận chúng trong các cuộc tiếp xúc bên lề.

Trong khi đó, một phó thủ tướng của Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi, tuyên bố rằng công dân nước ông sẽ phải đứng lên bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại hành động xâm phạm của nước khác.

Lời nói của ông ám chỉ đến cái tuyên bố “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trong đó nuốt luôn cả vùng biển đảo mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.

“Nếu đất nước bị đe dọa hay xâm phạm, người Mã Lai chúng ta phải đứng lên để bảo vệ.” Ông Hamidi nói trong một buổi lễ tổ chức ở thành phố Kota Kinabalu, thủ phủ của tiểu bang Sabah nằm trên đảo Borneo.

Trước các chỉ trích của thiên hạ, Bắc Kinh chối cãi rằng quyền tự do hải hành và phi hành qua khu vực Biển Đông chưa bao giờ bị đe dọa. Tuy nhiên, họ vẫn cả quyết cả cái vùng biển này nằm trong khu vực “Lưỡi Bò” là của Trung Quốc “từ thời cổ đại” mà họ phải bảo vệ chủ quyền.

Malaysia sẽ là nước chủ nhà đứng ra tổ chức cuộc họp ASEAN sau khi hội nghị APEC chấm dứt, trong đó có lãnh tụ của nhiều nước gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc tham dự.

Những ngày gần đây, Hoa Kỳ đã cho khu trục hạm USS Lassen đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của hai đảo nhân tạo Xu-bi và Vành Khăn mà Trung Quốc bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa. Sau đó lại cho hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào vùng biển này như những cử chỉ thách đố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Báo chí tuyên truyền của Bắc Kinh theo nhau đe dọa sẽ có các hành động trả đũa thích đáng hành động họ gọi là “khiêu khích.” Mới ngày Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh đe dọa rằng Trung Quốc sẽ đem lực lượng quân sự đến đồn trú ở khu vực “Nam Sa” tức Trường Sa, tại các đảo nhân tạo đang trên đường hoàn tất các cơ sở từ phi trường, cảng biển và doanh trại.

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ không quân sự hóa cá đảo nhân tạo khi đến Tòa Bạch Ốc hồi tháng 9, 2015 vừa qua. Hoàn Cầu Thờ Báo còn đe dọa rằng các sự phản đối hay liên minh chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc sẽ làm cho họ thêm cứng rắn. (TN)

11-15- 2015 4:41:01 PM 

Số phận Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phụ thuộc vào ai?

Theo Người Việt-11-15-2015 4:12:39 PM
Phạm Chí Dũng

Không chỉ tùy thuộc vào quyết tâm tranh đấu hoặc nửa vời hoặc đến cùng của những tín đồ Công Giáo muốn bảo vệ cơ sở giáo dục của mình khỏi bị biến thành đất vàng đất bạc cho các nhóm kinh doanh. Dư luận còn miêu tả một sự phụ thuộc vào nhân vật cựu Bí Thư Thành Ủy Lê Thanh Hải.


“Trách nhiệm cuối cùng”


Sự việc chính quyền và công an thành phố Sài Gòn bất ngờ tổ chức đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 22 Tháng Mười, 2015 - một cơ sở mà nhà dòng đã chuyển cho nhà nước, nhưng không đòi lại được - xảy ra chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi Bí Thư Lê Thanh Hải có thêm từ “cựu” phía trước, từ kết quả “Bộ Chính Trị chưa cho bầu bí thư thành ủy” trong Đại Hội Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh.

Từ nhiều năm qua, toàn bộ khu vực Thủ Thiêm đã được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch và lên kế hoạch biến thành “khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á,” đã tiến hành giải tỏa trắng nhiều ngàn hộ dân sinh sống nơi đây. Nhưng cũng chính khu vực này đã trở thành một trong những điểm nóng khiếu kiện đông người nhất tại Việt Nam, do giá bồi thường rẻ mạt và thái độ chính quyền quá xem thường dân trí luật pháp của người dân. Không những thế, nhiều cuộc cưỡng chế thô bạo của chính quyền đã nhắm thẳng vào những người dân khiếu kiện không chịu nhận tiền di dời. Theo nguồn tin không chính thức, đã xảy ra một số cái chết của người dân khiếu kiện. Tuy nhiên, báo chí nhà nước và chính quyền không bao giờ công bố về những sự kiện đau thương này.

Khi còn là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải là nhân vật bị đồn đoán có mối liên đới không hề trừu tượng với dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, khu vực này sau khi giải tỏa và xây dựng sẽ được bán đất cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với giá cao hơn nhiều lần so với mức bồi thường đối với người dân bản địa.

Vài năm qua, sau khi gần hết dân cư sinh sống trong khu vực Thủ Thiêm bị giải tỏa và cưỡng chế di dời, nơi đây chỉ còn hai cơ sở tôn giáo “ngang ngạnh” là chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Riêng chùa Liên Trì đã trở thành tiêu điểm bị mưu tính giải tỏa từ lâu, không chỉ để “phục vụ thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch, đẹp,” mà nguồn cơn chính yếu là do chùa này là điểm tập trung sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, trong đó có Hội đồng liên tôn Việt Nam. Đó chính là cái gai trong mắt chính quyền mà chùa Liên Trì luôn phải chịu nguy cơ trấn áp trong thời gian này.

Tuy nhiên khác với việc chùa Liên Trì được các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là quốc tế đặc biệt quan tâm và lên tiếng bảo vệ, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm lại khá đơn độc. Rất có thể, đó là lý do mà sau một thời gian tìm cách xóa trắng chùa Liên Trì không thành công, chính quyền quận 2 chuyển sang giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, mà cách nào đó cũng có thể được coi là một cách thử phản ứng của giới Công Giáo và cộng đồng quốc tế.

Trước hành động đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào Tháng Mười, 2015, có dư luận cho rằng một động cơ có thể là trước khi chính thức rời cương vị lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và sau đó không loại trừ khả năng sẽ “về vườn,” cựu Bí Thư Lê Thanh Hải muốn tỏ rõ một “trách nhiệm cuối cùng” để lấy về “đất sạch” cho các đối tác đầu tư của ông ta.

Thỏa hiệp hay đấu tranh?


Xô tới rồi ngãng ra đều đột ngột. Sau khi tổ chức đập phá vào ngày 22 đến ngày 24 Tháng Mười, 2015, chính quyền quận 2 bất ngờ thông báo với nhà dòng “ngưng đập phá” và cho biết sẽ “báo cáo thành phố.”

Vài tín đồ Công Giáo tỏ ra hài lòng. Ít nhất thì chính quyền cũng phải tỏ ra “tôn trọng” cơ sở tôn giáo đã có lịch sử từ hàng trăm năm qua.

Nhưng nhiều người khác lại đang nhìn ra một bóng đen lẩn khuất trong lớp sương mù nhiễu nhện. Thực tế là vẫn chưa có gì đáng coi là quá lạc quan với động thái “ngưng đập phá” của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đối với cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Kinh nghiệm của rất nhiều tổ chức Công Giáo, Phật Giáo thống nhất, Tin Lành... trong nhiều năm qua đều cho thấy sau khi bị phản ứng mạnh mẽ từ giới tu sĩ, tín đồ và dư luận quốc tế, chính quyền địa phương thường tạm lắng hành vi cưỡng chế trong một thời gian nhất định (có thể 2-3 tháng) để “xin ý kiến cấp trên.” Tuy nhiên sau thời gian đó, hoạt động cưỡng chế giải tỏa được khởi động lại và còn hung hãn hơn trước. Một số cơ sở tôn giáo đã phải chịu thiệt và bị giải tỏa trắng vì không lường trước được thái độ trước sau hoàn toàn bất nhất của chính quyền.

Quy trình “xin ý kiến chỉ đạo” cũng vừa được lặp lại đối với chính quyền quận 2. Sau khi cha sở và các sơ của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm kéo ra phản đối và thông tin nhà dòng bị cưỡng bức lan truyền nhanh trên mạng, kéo theo sự tham gia của một số hãng tin phương Tây, quận 2 bất ngờ ngưng hẳn hoạt động đập phá. Nếu trước đó lực lượng tham gia đập phá “được huy động tổng lực từ 12 phường trong quận 2” - như lời thuật của một tu sĩ nhà dòng nơi đây, thì nay chỉ còn một số an ninh, cảnh sát mặc sắc phục và thường phục, cùng một số dân phòng đứng ngồi rải rác.

Có thể hình dung gì về những dấu hiệu trên?


Một khả năng có thể là chiến dịch đập phá bất thường cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 22 Tháng Mười, 2015 cho thấy đây là chủ trương của riêng chính quyền quận 2 chứ không hẳn theo chỉ đạo từ Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh. Lợi ích nhóm thường gắn liền với vị thế chính trị. Nếu số phận chính trị của cựu Bí Thư Hải trở nên chơi vơi trước và sau đại hội 12, tình hình này cũng có thể dẫn đến số phận của các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ chơi vơi không kém.

Trong khi đó, dàn lãnh đạo mới của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh là những người chưa bị dư luận dị nghị nhiều về việc “dính” với các dự án Thủ Thiêm. Trong tâm lý và tư thế cực kỳ thận trọng của giới quan chức trước đại hội đảng 12, không một “ứng cử viên” nào muốn bị biến thành kẻ đổ vỏ cho người khác ăn ốc. Do vậy có khả năng sau khi bị dư luận trong nước và quốc tế phản ứng mạnh về hành động đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, dàn lãnh đạo mới của Thành Ủy và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố này đã vội vã chỉ đạo chính quyền quận 2 ngừng đập phá để “báo cáo thành phố cho chỉ đạo.”

Hiện vẫn chưa biết những ảnh hưởng của ông Lê Thanh Hải đối với dàn lãnh đạo “kế thừa” ở thành phố Hồ Chí Minh là tới đâu. Nhưng nếu ảnh hưởng này vẫn còn và vẫn mạnh, khả năng cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tiếp tục bị đập phá và cưỡng chế trong thời gian tới là vẫn cao.

Cũng chẳng có gì bảo đảm là nếu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đi đến một “thỏa thuận” với chính quyền về việc chỉ giải tỏa cơ sở giáo dục của họ để đổi lấy một số tiền bồi thường nào đó, bản thân cơ sở tôn giáo này sẽ không bị “nuốt” nốt trong tương lai không xa bởi các nhóm đầu tư cá mập.
Hiện trạng ngân sách thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm nặng nề cùng số nợ vay đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm lên đến 29,000 tỷ đồng, số lãi vay đang phát sinh tới 2.9 tỷ đồng mỗi ngày nhưng chưa biết tìm đâu ra tiền để trả nợ cho giới ngân hàng - địa chỉ đã cho vay tiền để tiến hành dự án khu đô thị Thủ Thiêm - càng đủ tạo ra những lý cớ để chính quyền thành phố này luôn tìm cách ra tay với hai cơ sở tôn giáo ương ngạnh còn lại.


Đó cũng là bài học xương máu cho các cơ sở tôn giáo khác: Không thể thỏa hiệp nửa vời, mà chỉ có đấu tranh quyết liệt mới tự bảo vệ được mình. Nếu chùa Liên Trì thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn tồn tại cho đến giờ này mà chẳng cần thỏa hiệp với chính quyền, các tu sĩ của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm của giới Công giáo cũng nên xem đó là kinh nghiệm tham khảo đắt giá.

An Giang: Chê chủ tịch tỉnh trên Facebook, 3 cán bộ bị... kỷ luật, phạt tiền

LONG XUYÊN (NV) - Hai bà và một ông cán bộ đã bị phạt “cảnh cáo” và phạt tiền chỉ vì đã dám “xúc phạm lãnh đạo” là ông chủ tịch tỉnh qua các lời bình phẩm trên mạng xã hội Facebook.
Ngày 11 tháng 11, thông tin vụ việc được Cổng Thông Tin Điện Tử tỉnh An
Giang đăng tải về nội dung “xử lý, chấn chỉnh” 3 cán bộ sử dụng mạng xã
hội “xúc phạm lãnh đạo” tỉnh An Giang. (Hình: Dân Trí)

Theo tờ Dân Trí hôm Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015, một bà cán bộ tên T. thấy thông tin “Thanh tra chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh An Giang,” bà liền đăng nội dung đó lên trang Facebook của mình rồi vào bình luận, chê... gương mặt ông chủ tịch tỉnh. Sau đó có thêm 2 cán bộ khác vào bình luận đồng tình.

Tờ Dân Trí kể chi tiết rõ hơn cho biết, khoảng tháng 10 vừa qua, cô giáo Lê Thị T.T. - Tổ trưởng Tổ Chuyên Môn Ngữ Văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên) đọc báo và thấy nội dung “Thanh tra chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang.” Bà T. liền đăng lại nội dung này lên Facebook của mình. Sau đó, bà T. vào bình luận về gương mặt ông chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Nhìn cái mặt kênh kiệu...”

Sau khi bà T. đưa nội dung trên lên Facebook, có nhiều người vào bình luận, trong đó có ông Nguyễn Huy P. - nhân viên Điện Lực An Giang và bà Phan Thị K.N. - phó văn phòng Sở Công Thương, sử dụng tài khoản của chồng là ông P.

Khi hay biết sự việc này, Sở Thông Tin Truyền thông tỉnh An Giang “đã ra quyết định xử phạt bà T.T., và ông Huy P. mỗi người 5 triệu đồng, với lý do cả 2 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác. Riêng bà Phan Thị Kim N., do không trực tiếp vi phạm nên chỉ bị nhắc nhở,” báo Dân Trí nói

Ngoài ra, theo tờ Dân Trí, bà T. còn bị ban giám hiệu trường trung học phổ thông Long Xuyên “xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật Viên Chức. Bà Phan Thị K.N. cũng bị ban giám đốc Sở Công Thương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về đảng và chính quyền. Chồng bà N. là ông P. cũng bị ban chấp hành đảng ủy Công Ty Điện Lực An Giang xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty.”

Nguồn tin còn viết tiếp rằng “Sau khi sự việc xảy ra, đảng ủy khối dân chính đảng đã tiến hành điều tra và xử lý 3 cán bộ, đảng viên lợi dụng việc sử dụng Facebook xúc phạm lãnh đạo tỉnh tại văn bản số 58-CV/ĐUK ngày 28 tháng 10, 2015. Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang cũng có công văn đề nghị Cổng Thông Tin Điện Tử An Giang, Báo An Giang phối hợp thông báo kết quả xử lý, chấn chỉnh 3 cán bộ dùng mạng xã hội xúc phạm lãnh đạo tỉnh.”
Tờ Dân Trí không dám viết thẳng sự bất bình về việc trừng phạt thuộc cấp có những lời phê bình “lãnh đạo tỉnh” mà chỉ kể rằng “việc kỷ luật, xử lý này của UBND tỉnh An Giang khiến dư luận cảm thấy không thỏa đáng.” (TN)
11-15-2015 5:16:00 PM 

Việt Nam điên đầu với ‘vàng giả chất lượng cao’

QUẢNG NINH (NV) - “Vàng giả chất lượng cao” là cách mà báo giới Việt Nam gọi loại vàng chỉ có từ 30% đến 50% khối lượng, 50% đến 70% còn lại là wonfram, không thể phát giác bằng máy thử hay đèn khò.
Một số thỏi, miếng “vàng giả chất lượng cao” đã qua mặt được các
chủ tiệm vàng. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cho đến nay đã có nhiều tiệm vàng, đặc biệt là những tiệm vàng tại thành phố Hạ Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh mua nhầm loại vàng giả này.

Chủ một tiệm vàng tại phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, ông ta đã bỏ ra 210 triệu mua bảy cây vàng, thấp hơn giá thị trường khoảng 700,000 đồng/cây vì khi dùng đèn khò để thử thì thấy nổi một chút sạn. Ông ta không dè lúc đem phân kim, khối lượng vàng trong bảy cây chỉ chừng 50%.

Bởi biết người bán vàng, chủ tiệm vàng vừa kể báo cho công an. Kết quả điều tra cho biết, người bán vàng cho chủ tiệm vàng này và một số người bán vàng cho nhiều tiệm khác được một người Trung Quốc thuê đi bán vàng do y cung cấp với tiền thù lao là 250,000 đồng/lần bán vàng. Những người được người Trung Quốc thuê đi bán vàng cho biết, người Trung Quốc giải thích đó là “vàng Hồng Kông.”

Chủ nhiều tiệm vàng mua nhầm “vàng Hồng Kông” khẳng định, họ rất cẩn thận khi mua và đã dùng tất cả các phương thức phổ biến hiện nay như: Máy đo quang phổ, đèn khò,... mà vẫn không thấy gì bất thường.
Bởi chỉ có thể xác định “vàng Hồng Kông” sau khi nấu chảy, phân kim hoặc cắt thành nhiều khúc, nung phần lõi ở giữa nên báo giới Việt Nam gọi loại vàng giả tinh vi này là “vàng giả chất lượng cao.”

Ông Lưu Phúc Bình, giám đốc Công Ty Vàng Bạc - Đá Quý thành phố Hạ Long (HJC), nhận định, Việt Nam không thể pha trộn được “vàng giả chất lượng cao.” Chắc chắn chúng được đưa từ bên ngoài vào Việt Nam. Do pha trộn rất khéo, nếu dùng đèn khò để thử “vàng giả chất lượng cao” vẫn không đổi màu. Các loại máy đo quang phổ, đo tỉ trọng cũng sẽ bị lừa. Phải là những người nhiều kinh nghiệm mới có thể phát giác.
“Vàng giả chất lượng cao” đã xuất hiện tại nhiều nơi (Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn...), biến nhiều chủ tiệm vàng thành nạn nhân.

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vàng Việt Nam (VGB), xác định đã nghe thông tin về “vàng giả chất lượng cao.” Một số chành ở các quận 5, 6, 8 tại Sài Gòn đã phải ôm loại vàng này khi đổi vàng nữ trang cho một số tiệm vàng ở miền Bắc để nhận vàng nguyên liệu về chế tác. Điều đó ảnh hưởng đến “chữ tín” - một yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh vàng.

Tuy có nhiều người bị gạt song công an Việt Nam chưa làm gì bởi cũng có thể lập luận “vàng giả chất lượng cao” là “vàng kém chất lượng,” thành ra cần đối chiếu cận thận các qui định hiện hành, không dễ để quy kết đó là “lừa đảo.” (G.Đ)

11-15- 2015 4:32:34 PM 

Xâm hại Mekong, chuyên gia lên tiếng, Hà Nội im lặng

SÀI GÒN (NV) - Vẫn chỉ có các chuyên gia cảnh báo về những thiệt hại nặng nề cho đồng bằng sông Cửu Long, nếu Lào và Cambodia tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện. Chế độ Hà Nội vẫn im lặng.
Rừng tràm ngập nước ở An Giang. Hệ sinh thái đất ngập nước và sự đa dạng
sinh học đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất dần vì những dự án
thủy điện trên sông Mekong. (Hình: TBKTSG)
Tại hội thảo mới nhất về thủy điện trên sông Mekong, các chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc tiếp tục cảnh báo, nếu Lào và Cambodia vẫn tiếp tục thực hiện 12 dự án thủy điện trên sông Mekong thì hệ sinh thái đất ngập nước và sự đa dạng sinh học, vốn là đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị hủy diệt, vĩnh viễn không thể phục hồi được.

Đại diện Trung Tâm Con Người và Thiên Nhiên (PanNature) cho biết, ngoài sáu đập chắn nước mà Trung Quốc đã hoàn tất ở đoạn thượng nguồn Mekong. Lào và Cambodia đang và có ý định xây thêm hàng loạt đập chắn nước nữa trên con sông này.

Tuy Ủy Hội Sông Mekong (bao gồm Lào, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam) có hiệp định về sông Mekong, thậm chí có cả “Quy trình ra quyết định về các đập trên dòng chính,” với các bước như: Thông báo, tham vấn, thỏa thuận trước, song tất cả chỉ giống như trang trí.

Ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ, nhấn mạnh, nếu không hành động, các con đập trên sông Mekong ở những đoạn chảy trên lãnh thổ Lào và Cambodia sẽ đốn ngã hai cột trụ về kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp và thủy sản.

Chẳng hạn, Mekong là dòng sông xếp thứ 6/10 về lượng phù sa trên thế giới. Bốn triệu héc ta đất tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhờ sự bồi tụ phù sa của sông Mekong. Các hồ chứa nước - đập - nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ khiến lượng phù sa giảm đi từ 80% đến 90%.

Nhiều chuyên gia quốc tế ước tính, nguồn lợi thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 440,000 tấn/năm (tương đương một tỷ Mỹ kim/năm) sẽ mất khi hệ thống đập chắn nước trên sông Mekong mọc lên.
Cũng theo ông Tuấn, khoảng 20 triệu cư dân đồng bằng sông Cửu Long, từ nông thôn đến thành thị sẽ bị tổn thương nặng nề và vì không sống được, hiện tượng di cư sẽ diễn ra trên diện rộng.

Ông Jake Bruner, chuyên gia của Tổ Chức Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế (IUCN), xác nhận, khi Lào tiếp tục xây dựng đập chắn nước của dự án thủy điện Don Sahong (cách biên giới Lào - Cambodia khoảng hai cây số), nhiều chuyên gia đã cảnh báo đập chắn nước đó sẽ tác động nghiêm trọng đến nguồn cá di cư. Riêng với Việt Nam, nguồn cá di cư giảm sẽ đẩy việc xuất khẩu cá da trơn, trị giá nhiều tỷ Mỹ kim đến chỗ đình đốn. Tuy nhiên không ai thuyết phục được Lào bỏ dự án Don Sahong.

Bà Ame Trandem, chuyên gia của Tổ Chức Sông Ngòi Quốc Tế, cho rằng, trong việc ngăn chặn thực hiện các dự án thủy điện trên sông Mekong, khoa học và chính sách đã thất bại bởi cộng đồng cư dân khu vực Mekong thiếu thông tin, dẫu cho những dự án đó ảnh hưởng đến 40 triệu người là dân của nhiều quốc gia trong khu vực.
Bà Premrudee Daorung, chuyên gia của Quỹ Phục Hồi Sinh Thái (TERRA) thì giới thiệu chuyện hàng trăm người dân Thái, kiên trì biểu tình trước Quốc Hội Thái để yêu cầu ngưng thực hiện dự án xây dựng thủy điện Pat Mun ở Đông Bắc Thái Lan, cuối cùng chính quyền Thái phải đáp ứng yêu cầu đó như một gợi ý cho Việt Nam. Bà nói thêm, dân chúng Thái đang kiện dự án thủy điện Xayaburi của Lào tại Tòa án Thái bởi điện từ dự án này sẽ bán cho Thái.

Bà Daorung khẳng định, nếu dân chúng có đủ thông tin thì họ sẽ phản đối nhưng các chính quyền thường không muốn những hành động phản đối như vậy.

Rất ít người Việt biết về các dự án thủy điện trên sông Mekong và tác hại của chúng. Tại Việt Nam, chỉ có giới nghiên cứu trao đổi với nhau và trong các hội thảo, họ mong giới nghiên cứu ngoại quốc nói thay ở những diễn đàn bên ngoài Việt Nam. (G.Đ)

11-15- 2015 4:25:26 PM 

Các tổ chức dân sự lên án công an bạo hành

SÀI GÒN (NV) - 21 tổ chức xã hội dân sự và 21 cá nhân đã cùng ký tên chung trong một bản lên tiếng tố cáo chính sách bạo hành dã man bất chấp luật lệ của guồng máy công an CSVN.
Một số cựu tù nhân lương tâm đi thăm cựu tù Trần Minh Nhật vừa trở về nhà
khi mãn hạn 4 năm tù, bị công an CSVN hành hung hồi cuối tháng 8, 2015 vừa
qua. (Hình: Facebook)

Một bản kháng thư của các tổ chức và cá nhân nói trên vừa gửi đến toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, các chính phủ dân chủ và tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như chế độ Hà Nội lên án những hành động côn đồ của công an CSVN.

Họ dẫn chứng một số ít trong số những vụ việc xảy ra gần đây mà thủ phạm là công an CSVN núp dưới vỏ bọc xã hội đen tấn công người dân tham gia các hoạt động dân sự. Ngay cả người dân thường khi bị bắt giam vì một lỗi nhỏ bé nào đó cũng không thoát nạn.

“Vụ việc em Đỗ Đăng Dư bị tra tấn trong trại tạm giam rồi chết tức tưởi trong bệnh viện (cùng với sự chà đạp luật pháp trắng trợn và thói bất nhân tàn nhẫn của công an trước, trong và sau đó) chưa hết làm công luận quốc dân lẫn quốc tế bàng hoàng, kinh tởm và phẫn nộ, thì lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành khác của của công an đội lốt côn đồ (vì chuyên mặc thường phục, giấu che danh tính và hành xử hung bạo) hoặc phối hợp với côn đồ.” Bản kháng thư viết.

Bản kháng thư chỉ nêu ra 5 vụ bạo hành mà công an CSVN là thủ phạm diễn ra ở Hà Nội, Sài Gòn và Nghệ An để chứng minh rằng guồng máy công an CSVN “không bảo vệ pháp luật” mà chỉ khủng bố các người dân không chấp nhận đường lối cai trị độc tài và chính sách đối ngoại nhu nhược của nhà cầm quyền CSVN.
Vụ đầu tiên là công an liên tục khủng bố nhà thơ Trần Đức Thạch hiện cư ngụ ở xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông bị hành hung giữa đường ngày 15 tháng 10, 2015, cướp tài sản cũng như những ngày sau đó bị những kẻ lạ mặt ném gạch đá lên mái nhà của nhà ông. Khi bị người dân địa phương phản đối thì chúng còn hăm dọa “Im mồm cho chúng tao làm nhiệm vụ!?!”

Vụ thứ hai xảy ra ngày 23 tháng 10, 2015, khi bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh và ông Nguyễn Trường Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng cùng một số thân hữu dân oan đến tòa án tối cao ở 262 Đội Cấn (cơ sở 2) để kêu oan cho con, thì họ đã bị nhiều công an sắc phục lẫn côn đồ (công an thuê mướn hoặc giả dạng) đến cướp giựt biểu ngữ cách ngang ngược và tống lên xe cách vũ phu rồi đưa về đồn công an số 6 Quang Trung Hà Đông để tra khảo. Ba hôm sau, 26 tháng 10, họ cũng lại đến tòa án tối cao ở 148 Lý Thường Kiệt (cơ sở 1) để đòi xem quyết định hoãn thi hành án tử hình cho Lê Văn Mạnh thì đã bị tấn công đe dọa bởi bọn côn đồ dưới quyền chỉ huy của đại úy công an tên Cao Văn Mạnh.

Vụ thứ ba xảy ra ngày 30 tháng 10, 2015, nhóm No-U Hà Nội (một tổ chức xã hội dân sự phản đối Đường lưỡi bò của Trung Quốc) tổ chức lễ kỷ niệm 4 năm thành lập tại nhà hàng Sư Tử, ở số 96 Thái Thịnh, Quận Đống Đa. Cuộc họp mặt đã nhanh chóng bị tấn công bởi một đám côn đồ được lực lượng công an hỗ trợ... 7-8 tên mang theo hung khí, đèn laze đã xông vào đạp đổ những chiếc bàn ăn, cầm chai cốc bát đĩa ném vào bất cứ đâu, lung tung loạn xạ. Bàn ghế đổ ngã, thức ăn tung tóe và đồ thủy tinh vỡ vụn. Đang khi đó thì bên ngoài, công an, an ninh, 113, cảnh sát công nghệ cao quay phim chụp ảnh, sau đó phao tin vu khống: “Trong nhà hàng có đánh nhau vì chuyện thanh toán nợ nần!?!”

Vụ thứ tư, hai Luật Sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân đã bị một nhóm “côn đồ” đánh dập dã man trưa ngày 3 tháng 11, 2015 khi họ đến thăm bà Đỗ Thị Mai, mẹ thiếu niên Đỗ Đăng Dư chết mờ ám khi bị giam giữ ở nhà tạm giam số 3 Hà Nội. Hai ông là luật sư đại diện bảo vệ pháp lý cho bà mai muốn làm rõ cái chết của con bà. Các ông nhận diện được một trong những kẻ hành hung là công an địa phương.

Vụ thứ năm, công an, dân phòng, thanh niên xung phong cùng côn đồ đầu gấu đàn áp dữ dội các nhóm quần chúng ở Sài Gòn và Hà Nội biểu tình ngày 5 tháng 11, 2015 phản đối cuộc thăm viếng của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Lực lượng tay sai mù quáng” của nhà cầm quyền đã “giựt băng-rôn biểu ngữ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh gục dân tại chỗ đến đổ máu hoặc quẳng lên xe như heo, chở về đồn công an (20 người tại Sài Gòn và 23 người tại Hà Nội) để dằn mặt, tra khảo, giam đói, đánh đập, khiến nhiều người, trong đó có cả phụ nữ, phải ngất xỉu.”

Bản kháng thư viết như thế và kể lại rằng: “ Hai đoàn dân oan từ Bến Tre và Bình Thuận khi đang trên đường tiến vào lãnh sự quán Trung Cộng biểu tình đã bị công an bao vây, đàn áp. 13 người đã bị bắt lên xe ngay tại khu vực Thảo Cầm Viên. Đặc biệt, một kẻ khoác áo thanh niên xung phong đã dùng bàn tay gấu (hung khí kim loại) đánh một cựu sĩ quan từng chiến đấu chống quân Trung Cộng năm 1979 là ông Trần Bang đến vỡ đầu, máu tuôn khắp mặt và dính đầy y phục, khiến ông phải nhập viện cấp cứu.” (TN)

11-15- 2015 4:50:51 PM 

“Thiện ác báo ứng” đằng sau hàng ngàn quan chức Trung Quốc tự sát

Tin Đa Chiều -9:48 AM - 15/11/2015
Văn hóa cổ truyền của Việt Nam hay Trung Quốc đều cho thấy rằng làm việc thiện gặp thiện báo, làm điều ác gặp ác báo. Điều này quả là ứng với tình hình quan trường Trung Quốc hiện nay.

Nhà tù Cẩm Châu là một trong những nhà tù lớn nhất của tỉnh Liêu Ninh, chủ yếu giam giữ những phạm nhân bị tù có thời hạn 10 năm trở lên. (Ảnh: Internet)
Nhà tù Cẩm Châu là một trong những nhà tù lớn nhất của tỉnh Liêu Ninh, chủ yếu giam giữ những phạm nhân bị tù có thời hạn 10 năm trở lên. (Ảnh: Internet)
Vừa qua, truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa đưa tin về ông Vương Hồng Bác (Wang Hongbo, Phó giám đốc nhà tù Cẩm Châu) treo cổ tự tử và đặt ra nhiều vấn đề về cái chết của quan chức này. Phía chính quyền thông báo nguyên nhân cái chết là do uất ức, nhưng vì sao uất ức thì không thấy đề cập đến. Giới quan sát cho rằng, phía sau những vụ quan chức tự sát vì “uất ức” có những vấn đề mà chính quyền ĐCSTQ né tránh.
Theo thông tin trang mạng của Ban quản lý nhà tù Liêu Ninh đưa ngày 12/11, ông Vương Hồng Bác, Phó giám đốc nhà tù Cẩm Châu vì uất ức đã thắt cổ tự tử trong nhà vào ngày 6/11/2015.
Theo tài liệu, nhà tù Cẩm Châu là một trong những nhà tù lớn nhất của tỉnh Liêu Ninh, chủ yếu giam giữ những phạm nhân bị tù có thời hạn 10 năm trở lên.
Quan trường đang từng bước tan rã
Trong vài năm gần đây, số quan chức ĐCSTQ chết do tự sát không ngừng gia tăng. Theo thống kê của trang mạng quan chức Trung Quốc, từ cuối tháng 8/2003 đến đầu tháng 4/2014, số quan chức Trung Quốc chết vì tự sát là 112 người.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng con số thực tế vượt xa. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Kỷ luật Trung ương (UBKLTW) trong năm 2013, có đến hơn 16.000 quan chức Trung Quốc đại lục mất tích, chạy ra nước ngoài, tự sát. Trong đó số tự sát hơn 1.200 người.
Theo nhiều trang thông tin ngoài Trung Quốc, đằng sau những vụ quan chức tự sát vì uất ức có ẩn chứa nguyên nhân sâu xa. Sau khi tập đoàn Giang Trạch Dân phát động bức hại Pháp Luân Công, qua thời gian dài suốt 16 năm, có vô số quan chức tự sát có liên quan đến bức hại Pháp Luân Công. Ông Vương Hồng Bác, Phó giám đốc nhà tù Cẩm Châu khi còn sống cũng là một kẻ tích cực tham gia đàn áp Pháp Luân Công, bị Tổ chức Quốc tế điều tra Pháp Luân Công xếp vào danh sách đối tượng truy cứu.
Nhà tù Cẩm Châu cũng là một nơi đã áp dụng những kiểu tra tấn tàn bạo đối với những học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp. Trong đó những thủ đoạn thường được nhà tù này áp dụng đối với học viên Pháp Luân Công có thể kể như: không cho tù nhân ngủ, không cho người nhà viếng thăm, dùng tiền và giảm thời gian thụ án để khuyến khích giám ngục và những phạm nhân khác tăng cường đàn áp học viên Pháp Luân Công.
Vào đầu tháng 3/2012, dưới sự chỉ đạo của Phó Ngục trưởng Vương Học, nhà tù này bắt đầu thực hiện các biện áp khủng bố tinh thần và đày đọa thể xác với học viên Pháp Luân Công, ép họ phải bỏ tín ngưỡng. Bọn ác ôn đã áp dụng bức hại “kiểu bánh xe”, cho nhốt học viên Pháp Luân Công vào một phòng kín và không cho ngủ trong suốt 24 tiếng, cho các phạm nhân khác thay phiên trực liên tục, ép học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ tu luyện cho đến khi tinh thần suy sụp.
Các quan chức đàn áp Pháp Luân Công mục đích là muốn vì được khoản tiền thưởng hậu hĩnh và thăng quan tiến chức. Nhưng đến nay, Tập Cận Bình đẩy nhanh chiến dịch chống tham nhũng, nhiều quan chức lớn nhỏ nằm trong tầm ngắm, và trùng hợp thay họ đều là những người từng rất hăng hái đàn áp Pháp Luân Công.
Thiện ác báo ứng là lời dạy do tổ tiên để lại
Tháng 5/2012, học viên Pháp Luân Công Lữ Khai Lợi (Lu Kaili) bị bức hại tại nhà tù Cẩm Châu đến bại liệt, đại tiểu tiện không làm chủ được, cuộc sống bị mất tự do, nhưng người nhà phạm nhân vẫn không được thăm hỏi. Người nhà học viên Lữ Khai Lợi vì muốn mời luật sư biện hộ đã bị ông Vương Hồng Bác cho người ngăn cản và đe dọa, khi đó ông Vương Hồng Bác tuyên bố: “Chúng tao phải đàn áp Pháp Luân Công.”
Vương Hồng Bác vì tham gia bức hại tàn nhẫn khiến tinh thần ông ta cũng suy sụp đến nỗi tự sát, phía chính quyền ĐCSTQ thông báo ông Vương Hồng Bác bị “chứng uất ức”. Tổ chức Quốc tế Điều tra đàn áp Pháp Luân Công còn đặc biệt chú ý đến những nhân vật khác liên quan đến hoạt động của nhà tù này như: Trương Phàm (Zhang Fan, Trưởng ban Tư pháp tỉnh Liêu Ninh, cựu Giám đốc nhà tù Cẩm Châu; Vương Chiêm Sở (Wang Zhansuo, Giám đốc nhà tù), Vương Học (Wang Xue) và An Chí Cương (An Zhigang, Phó Giám đốc), Ngô Húc (Wu Xu, Chính ủy), Cao Khoan (Gao Kuan, Trưởng ban Chính trị), Thái Lập Tân (Cai Lixin, Phó trưởng ban giáo dục), Vương Hồng Đào (Wang Hongtao, Chủ nhiệm phòng Thụ lý), Thôi Nguyên Kỳ (Cui Yuanqi, Đại đội trưởng Khu giam số 1), Lưu Hồng Vĩ (Liu Hongwei, Giám ngục).
Giới quan sát phân tích cho rằng, chính sách bức hại của tập đoàn Giang Trạch Dân với Pháp Luân Công hiện không còn là sự bảo đảm trong quan trường ĐCSTQ, bộ máy lãnh đạo mới hiện nay dùng danh nghĩa chống tham nhũng và tập trung xử lý hàng loạt những đối tượng trong phe thất thế này. Trước đây khi Giang Trạch Dân còn thế lực không ai dám động đến nhóm này, tuy nhiên tình hình hiện đã khác, họ có thể bị tóm bất cứ lúc nào. Trước đây vì tham gia bức hại Pháp Luân Công nên tinh thần luôn căng thẳng, hiện giờ lại đang từng bước bị thanh trừng, vì thế mà tinh thần những người này bị sức ép rất lớn.
Theo một bản điều tra năm 2010, đa số quan chức ĐCSTQ tự sát trong 10 năm qua đều từng giữ những chức vụ trong hệ thống Chính trị và Pháp luật. Những kẻ đầu xỏ tham gia bức hại Pháp Luân Công cùng ông Giang Trạch Dân như Chu Vĩnh Khang (cựu Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật), Lý Đông Sinh (Chủ nhiệm phòng 610) đều ngã ngựa. Chỉ 3 tháng sau Đại hội 18 ĐCSTQ đã có gần 500 quan chức phụ trách Chính trị và Pháp luật bị tóm, 12 quan chức cao cấp trong ban này tự sát.
Cùng với kế hoạch “đả hổ” của ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn đang ngày càng mạnh mẽ, quan trường Trung Quốc luôn trong tình trạng căng thẳng cao độ, cùng với tình trạng nhiều người bị tóm, vô số người khác vì quá lo lắng nên bị uất ức khiến phải tự sát, có những cái chết vô cùng ly kỳ. Có phân tích cho rằng, lời dạy của người xưa “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” đang ứng nghiệm trong quan trường Trung Quốc hiện nay, bọn họ vì tham gia bức hại tàn nhẫn Pháp Luân Công nên đang bắt đầu bị báo ứng.
Tinh Vệ biên dịch từ NTDTV