Thursday, April 6, 2017

Lương thấp, hàng loạt cán bộ tỉnh Hậu Giang nghỉ việc

Lương thấp, hàng loạt cán bộ tỉnh Hậu Giang nghỉ việc
Dư luận trong nước chú ý đặc biệt đến hiện tượng hàng loạt cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách phường, xã ở tỉnh Hậu Giang nghỉ việc.
Theo báo mạng Vietnamnet, lý do được ông Võ Minh Tâm, một cán bộ đảng cao cấp, đưa ra là do đời sống của những nhân sự này quá khó khăn.  Sự khó khăn đến từ chính sách trả lương không hợp lý đến mức phi lý.
Một phó chủ tịch xã tên Trần Thanh Bình cho biết thêm: “Trách nhiệm của công an viên rất cao, trong khi thu nhập của họ khi thì thấp hơn anh bảo vệ, phụ hồ, hay một người lao động phổ thông”.
VietNamNet cho biết trong năm 2016 tỉnh Hậu Giang có 281 cán bộ cơ sở tại các cơ quan xin nghỉ việc với lý do lương thấp không đủ trang trải cuộc sống. Ngay cả tầng lớp đảng viên cấp thấp cũng bỏ luôn sinh hoạt đảng.
Cũng theo VietNamNet, riêng năm 2016 tại địa phương có 214 đảng viên bị xóa tên nguyên nhân cũng do phụ cấp thấp, kinh tế khó khăn nên bỏ công việc đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt đảng trên 3 tháng.
Đây là một nghịch lý trong chế độ CSVN. Trong khi theo bậc lương chính thức của những thành phần lãnh đạo chóp bu hay ở thành phố lớn đều rất khiêm nhường. Nhưng mỗi khi đấu đá dành quyền lực, họ đều tung bằng chứng tố cáo lẫn nhau về tham nhũng với khối tài sản khổng lồ.
Mức lương căn bản thấp, nhưng vẫn phải “lo lót” để vào làm lãnh đạo trong chính quyền. Đó là một trong những nguyên nhân của quốc nạn tham những hiện nay.
Phong Ly / SBTN

Hội Đồng Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ vận động đưa Việt Nam trở lại CPC

Hội Đồng Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ vận động đưa Việt Nam trở lại CPC
Tượng Đức mẹ bị chính quyền đập phá trong một lần cưỡng chế. (Ảnh: RFA)
Hội Đồng Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) hôm Thứ Năm 6 tháng 4 phát động dự án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. Dự án này nhằm cung cấp dữ liệu cho các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ, để vận động đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt, hay CPC.
Trong các trường hợp được nêu lên có Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ là bà Trần Thị Hồng. Mục sư Chính bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bỏ tù, trong khi vợ ông bị công an địa phương sách nhiễu và hành hung dã man.
Trong phúc trình năm 2016 của USCIRF, Việt Nam vẫn tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước chưa có tự do tôn giáo, và cần bị theo dõi sát, vì những hoạt động đàn áp tôn giáo được nhà cầm quyền bật đèn xanh.
Nói chuyện với đài VOA hôm Thứ Năm 6 tháng 4, Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cấm hoạt động cho biết ông tán thành quyết định của Hội Đồng Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Nhưng ông nhận định rằng, việc hội đồng tới bây giờ mới đề nghị đưa Việt Nam vào lại CPC là quá trễ.
Hòa thượng Thích Không Tánh là viện chủ Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, ngôi chùa bị chính quyền quận 2, TPHCM , ra lệnh cưỡng chế và san thành bình địa vào tháng 9 năm ngoái. Hòa Thượng nhận định rằng, kể từ năm 2006, sau khi Việt Nam được rút ra khỏi danh sách CPC, tình hình đàn áp tôn giáo càng nặng nề và tầm trọng hơn. Tất cả các nhóm tôn giáo độc lập và chân truyền đều bị đàn áp và khủng bố.
Hồi tháng trước, chủ tịch USCIRF là Linh mục Thomas Reese cũng nói rằng, Việt Nam đang ở một thời điểm bước ngoặc. Dù có cải tiến trong một vài trường hợp, nhưng những vi phạm tôn giáo trầm trọng vẫn tiếp diễn, và không phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Huy Lam / SBTN

Người đưa tin về vụ Formosa bị truy tố theo điều 258

Người đưa tin về vụ Formosa bị truy tố theo điều 258
Ảnh: Blog Dân Chủ Cho Việt Nam
Công an cộng sản Việt Nam ở tỉnh Hà Tĩnh hôm 6 tháng 4 công bố quyết định khởi tố hình sự và bắt tạm giam đối với anh Nguyễn Văn Hóa, một nhà báo tự do đưa tin về thảm họa môi trường, và những cuộc biểu tình của người dân phản đối nhà máy thép của công ty Formosa gây ô nhiễm.
Đại tá công an CSVN Nguyễn Tiến Nam, phó giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết anh Nguyễn Văn Hóa bị cáo buộc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 258 bộ luật hình sự của chế độ CSVN. Truyền thông trong nước dẫn lời công an Hà Tĩnh nói rằng, anh Nguyễn Văn Hóa đã ký hợp đồng với các đài và trang mạng nước ngoài với mức thù lao khoảng 1,500 Mỹ kim cho 16 phóng sự mỗi tháng. Công an Hà Tĩnh còn cáo buộc anh Nguyễn Văn Hoá đã lập nhiều trương mục mạng xã hội để đưa tin về nhiều vụ ô nhiễm môi trường và thiên tai ở miền Trung Việt Nam.
Được biết anh Nguyễn Văn Hóa đã bị bắt giữ từ giữa tháng 1, nhưng đến nay, tức là sau gần 2 tháng, công an Hà Tĩnh mới công bố cái gọi là “quyết định bắt tạm giam”. Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995 tại thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi gia đình anh cư ngụ là một trong những khu vực chịu hậu quả nặng nề nhất trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra từ tháng Tư năm ngoái.
Huy Lam / SBTN

Dư luận viên giả dạng côn đồ hành hung hai nhà hoạt động tại Hà Nội

Dư luận viên giả dạng côn đồ hành hung hai nhà hoạt động tại Hà Nội
Vào sáng ngày 05 tháng 4 năm 2017, hai người hoạt động nhân quyền là cô Lê Mỹ Hạnh và Facebooker Hoa TD đã bị những kẻ bịt mặt, đeo khẩu trang tấn công đánh đập, cướp tài sản khi đang đi tản bộ ở Hồ Tây, thành phố Hà Nội.
Khi bị tấn công, cô Lê Mỹ Hạnh và Facebooker Hoa TD mặc áo phông có in logo quyền con người, và đang thực hiện việc live stream trên Facebook cá nhân.
Theo lời tường thuật từ hai người bị hành hung thì lúc đang đi bộ, có 5 người bịt mặt bằng khẩu trang đi trên 3 xe gắn máy đã bất ngờ tấn công, tát vào mặt cô Mỹ Hạnh. Họ cướp điện thoại, đấm đá vào bụng và đánh anh Hoa TD chảy máu mũi.
Những người lạ mặt vừa đánh vừa hét lớn: “Đánh chết bọn phản động chúng mày”. Họ cònphá huỷ một số dụng cụ các nhân khác của hai nhà hoạt động này.
Qua video thu được cảnh đánh người, cộng đồng mạng nhanh chóng nhận ra những kẻ lạ mặt đánh hai người hạt động trên thuộc nhóm “dư luận viên” của Trần Nhật Quang (hay còn gọi là Quang Lùn) trong nhóm Vietvision chuyên bôi nhọ hình ảnh những người hoạt động bất đồng chính kiến.
Được biết, người đàn bà ra tay đánh chị Lê Mỹ Hạnh là “dư luận viên” Hà Lùn, một kẻ chuyên lừa đảo tại các nước Đông Âu và sau khi về Việt Nam đã gia nhập nhóm Quang Lùn.
Trao đổi với phóng viên SBTN, chị Lê Mỹ Hạnh chia sẻ: “Từ trước tới nay, tôi không gây thù chuốc oán với ai. Theo tôi nghĩ, lý do họ đánh tôi là để dằn mặt vụ việc mà tôi đã có mặt cùng với bà con Đông Yên để live stream bà con chặn đường quốc lộ 1A vừa qua ở Đèo Con. Hôm đó, họ truy lùng bắt tôi gắt gao, nhưng tôi đã may mắn trốn thoát.”
Xin được nhắc lại, chị Lê Mỹ Hạnh là một người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Chị cũng từng nhiều lần tham gia biểu tình chống Formosa ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong sự kiện ngư dân Hà Tĩnh xuống đường chặn ngang quốc lộ 1A đoạn qua Đèo Con vừa qua,  chị Mỹ Hạnh đã có mặt tại hiện trường để live stream trên Facebook cá nhân những diễn biến của sự việc.
Hiện tại, sức khoẻ của chị Lê Mỹ Hạnh và Facebooker Hoa TD đã tạm ổn và đang được điều trị tại tư gia.
IMG_2390
Nguyên Nguyễn / SBTN

Sau 14 tháng và 3 lần cá chết hàng loạt mới tìm thấy đường ống xả ra Sông Âm

Sau 14 tháng và 3 lần cá chết hàng loạt mới tìm thấy đường ống xả ra Sông Âm
(Ảnh: Zing News)
Một đoàn kiểm tra của Sở Tài Nguyên Và Môi Trường tỉnh Thanh Hóa hôm Thứ Tư 5 tháng 4 mới khám phá ra nguyên nhân khiến nước sông chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối khiến cá chết hàng loạt.
Đó là đường ống xả cuả một công ty chuyên sản xuất vàng mã. Thủ phạm được tìm ra sau ba đợt cá chết hàng loạt trải dài từ tháng 2 năm 2016 đến nay.
Theo các viên chức từ Sở Tài Nguyên tỉnh Thanh Hóa, Phòng Tài Nguyên huyện Lang Chánh ở thượng nguồn sông Âm và công an huyện này, thì công ty trách nhiệm hữu hạn Tuấn Vinh trong cụm công nghiệp Bãi Bùi ở xã Quang Hiến chôn ngầm đường ống nhựa, xả nước thải từ đáy bể phản ứng nối trực tiếp vào đường ống đổ ra sông Âm.
Trong cuộc kiểm tra này, lực lượng hữu trách cũng ghi nhận một ống khói hút khí thải từ bốn dây chuyền sấy và thải ra môi trường, nhưng không qua một hệ thống lọc khí thải nào.
Công ty này còn đào thêm hai ao chứa nước thải tại góc phía nam của nhà máy với dung tích khoảng 400 mét khối. Đáy ao chỉ được lót bằng bạt nylon, không có khả năng chống thấm nước. Nước thải hiện đã đầy ao và thấm vào nền đất.
Từ tháng 2 năm 2016 đến nay, đã ba lần xảy ra hiện tượng cá trên sông Âm chết hàng loạt và nước sông bị ô nhiễm nặng, khiến người dân địa phương không dám nuôi cá lồng trên sông và cũng không dám sử dụng nước sông để sinh hoạt.
Huy Lam / SBTN

Cảnh sát Nhật phá vỡ đường dây trộm mỹ phẩm của du học sinh Việt Nam

Cảnh sát Nhật phá vỡ đường dây trộm mỹ phẩm của du học sinh Việt Nam
(Ảnh: Tsunagu Japan)
Nhà chức trách tỉnh Osaka, Nhật Bản, vừa phá vỡ hai đường dây trộm cắp mỹ phẩm của du học sinh Việt Nam.
Báo Mainichi Shimbun hôm Thứ Tư 5 tháng 4 cho hay, cả hai nhóm nam sinh Việt Nam ăn cắp những món hàng theo chỉ dẫn của một phụ nữ từ Việt Nam, rồi tìm những sinh viên trở về nước để nhờ mang theo mỹ phẩm.
Cảnh sát tỉnh Osaka đã bắt giữ 6 sinh viên Việt Nam trong lứa tuổi 20, thuộc hai đường dây trộm cắp mỹ phẩm tại Tokyo và Osaka. Một thanh niên thứ bảy cũng bị bắt là cựu sinh viên Đào Thế Quang, 23 tuổi, ở phường Toshima, Tokyo.
Quang được cho là kẻ cầm đầu đường dây ở Tokyo gồm ba người. Cả bảy sinh viên và cựu sinh viên Việt Nam này được cho là đã ăn cắp khoảng 15 lần, được số mỹ phẩm trị giá tổng cộng khoảng 1.3 triệu Yen.
Người phụ nữ ở Việt Nam cho các sinh viên này biết qua Facebook bà cần mua kem làm trắng da, kem chống nắng, dây chuyền từ tính và nhiều sản phẩm khác của các công ty Nhật. Bà nói họ gửi các món đồ ăn cắp được cho Quang để nhận tiền thưởng.
Quang có trách nhiệm tìm những sinh viên sắp trở về quê nhà để nhờ mang hàng về Việt Nam. Quang trả công cho họ bằng cách thanh toán tiền vé máy bay.
Cảnh sát tin rằng các sinh viên mang hàng về Việt Nam không biết đó là hàng ăn cắp. Theo báo Mainichi Shimbun, hầu hết các sản phẩm này chưa hề được bán chính thức ở Việt Nam.
Nhưng phẩm chất của mỹ phẩm Nhật Bản đã được đồn đãi khắp Việt Nam, khiến cho các món hàng này rất có giá.
Huy Lam / SBTN

Một năm sau thảm họa, hàng ngàn người biểu tình chống Formosa

Chiều ngày 6 Tháng Tư, khoảng 3,000 người thuộc các vùng phụ cận Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình tưởng niệm một năm Formosa đầu độc biển miền Trung. (Hình: Thanh Niên Công Giáo)
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn người dân, phần đông là giáo dân thuộc Giáo Phận Vinh tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vừa dự thánh lễ, biểu tình tuần hành hôm Thứ Năm, 6 Tháng Tư, nhân một năm biển bị Formosa đầu độc.
“…Hàng ngàn bà con ngư dân tại các xã, huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An xuống đường biểu tình phản đối Formosa, lên án giới chức cầm quyền địa phương đã tiếp tay, bảo kê cho thủ phạm hủy hoại môi sinh Việt Nam, khiến bà con ngư dân mất cơ nghiệp, thất nghiệp tràn lan…”
Trang tin Công Giáo Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) tường thuật như vậy về cuộc biểu tình tuần hành tại các giáo xứ, dọc theo biển của hàng ngàn người trong giáo phận. Một nhóm thông tin khác, nhóm Thanh Niên Công Giáo đưa tin, video clip, hình ảnh về biến cố này từ các thành viên là Facebooker phổ biến nhanh chóng và có người còn chuyển trực tiếp live stream trên mạng xã hội.
Cùng ngày, các thánh lễ cũng được tổ chức ở các giáo xứ và người ta lại được nghe họ hát “Kinh Hòa Bình,” một bản thánh ca với những lời như “Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp…”
Các thánh lễ, thắp nến cầu nguyện và biểu tình của người dân dọc theo biển các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh diễn ra một ngày sau khi đài truyền hình Cộng Sản Việt Nam loan tin nhà máy luyện gang thép Formosa đã được chấp thuận cho bắt đầu chạy lò số 1 vì họ đã giải quyết xong những “lỗi” đã dẫn đến xả chất thải độc hại ra biển một năm trước.
Tường thuật về biến cố này, trang tin Thanh Niên Công Giáo viết: “Chưa năm nào người dân giáo xứ Phú Yên và miền Trung lại nhiều lần hát ‘Kinh Hòa Bình’ như thế, từ ngày thảm họa môi trường do Formosa gây ra, cuộc sống người dân đã chao đảo. Lời kinh tiếng hát với niềm tin tưởng vào Chúa là chỗ dựa còn lại cho nhân dân tôi.”
Theo trang thông tin của nhóm cựu tù nhân lương tâm Thanh Niên Công Giáo, khoảng 3,000 người thuộc các vùng phụ cận Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đồng loạt tưởng niệm một năm Formosa đầu độc biển miền Trung.
Theo trang tin GNsP, người biểu tình cầm các khẩu hiệu đi diễn hành đến bản doanh nhà máy luyện thép Formosa tại cảng Vũng Áng. Tin này thuật lại: “Trước trụ sở khu công nghiệp Formosa, bà con hô to ‘Formosa – Cút khỏi Việt Nam.’ Nhiều băng-rôn, khẩu hiệu cũng được bà con cầm trên tay như: ‘Võ Kim Cự là tội đồ của dân tộc,’ ‘Ai đã rước Formosa về đầu độc Dân Việt,’ ‘Yêu cầu chính phủ khởi tố Formosa,’ ‘Ðừng vì Fomrosa mà phản bội nhân dân’”…
Giáo xứ Ðông Sơn thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Nam, tỉnh Hà Tĩnh; giáo xứ Phú Yên thuộc xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cùng nhiều giáo xứ khác thắp nến cầu nguyện, tuần hành tưởng niệm thảm họa biển bị đầu độc mà cho đến nay, hậu quả vẫn còn nguyên.
Trang tin Tin Mừng Cho Người Nghèo dẫn lời một ngư dân Ðông Yên xuống đường biểu tình cho biết: “Nếu chính quyền không quyết tâm làm biển sạch cho chúng tôi thì chúng tôi tiếp tục xuống đường đòi hỏi quyền sống của chúng tôi để khi nào biển sạch thì thôi. Thực tế Formosa xả thải độc tố xuống biển tại khu vực này, nhưng đài truyền hình Việt Nam nói là nhiều điều sai sự thật, họ đúng là ngu xuẩn.”
Một ngư dân khác lớn tuổi uất ức nói: “Yêu cầu chính phủ bồi thường xứng đáng cho người dân. Chúng tôi yêu cầu chính phủ bồi thường thỏa đáng, làm sạch môi trường biển và đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam. Chính phủ hiện nay có thái độ xem dân như cỏ rác.”
Cuối tuần qua, người dân giăng lưới chận ngang quốc lộ 1A khu vực đi qua thị xã Kỳ Anh và chiếm trụ sở huyện Lộc Hà đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bồi thường thỏa đáng cho các thiệt hại họ vẫn còn đang phải chịu đựng.
Một cuộc vận động chữ ký kêu gọi chính phủ Ðài Loan, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế áp lực công ty Formosa “phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nước chúng tôi, tôn trọng môi trường sống của người dân Việt Nam, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân.”
Từ khi phát động chiến dịch lấy chữ ký từ giữa Tháng Ba đến nay, đã có hơn 100,000 người ký tên và hiện chiến dịch còn đang tiếp diễn. (TN)

Việt Nam mỗi năm 40,000 người tự sát vì trầm cảm

Lực lượng cứu hộ tìm thi thể người mẹ trầm cảm ôm hai con lao xuống sông Giồng Ông Tố, quận 2, Sài Gòn tự sát. (Hình: Báo Tiền Phong)
HÀ NỘI (NV) – Thông tin trên được các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia loan báo tại Hội thảo “Vì ngày sức khoẻ thế giới” tổ chức chiều 4 tháng Tư tại Hà Nội.
Báo Tiền Phong dẫn phúc trình từ Viện này cho biết, ước tính Việt Nam có khoảng 30% dân số rối loạn tâm thần, trong số đó tỷ lệ mắc trầm cảm chiếm 25%.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, trong số 200 bệnh nhân đến khám tâm thần thì có khoảng 50 người khám, điều trị trầm cảm. Cụ thể, trong năm 2016, tại đây điều trị gần 19,000 lượt bệnh nhân trầm cảm và có tới 36.5% số bệnh nhân trầm cảm từ 45 tuổi trở lên có ý nghĩ định hoặc hành vi tự sát do cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 36,000 – 40,000 người tự sát do trầm cảm.
Theo ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc Gia, trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh nhân bị trầm cảm thường do các nguyên nhân như ly dị, sống độc thân, thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng, lạm dụng rượu và các chất ma túy, thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc, thất nghiệp, hoặc có các bệnh cơ thể mãn tính, bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, xung đột cá nhân trong các mối quan hệ…
Các bác sĩ của Viện cho rằng, trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến trong dân số Việt Nam  nhưng chỉ có tỉ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Trong khi đó, bệnh có thể chữa được để bệnh nhân ổn định và tái hòa nhập với xã hội. ( Tr.N)

Ðồng Nai: Lấy cớ xây hàng rào, phó Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy làm luôn biệt thự

Khu biệt thự xây trái phép của ông Nguyễn Văn Ðấu, phó Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Ðồng Nai. (Hình: Báo Thanh Niên)
ÐỒNG NAI (NV) – Vụ cha con ông phó Ban Nội Chính tỉnh Ðắk Lắk bị xử phạt do cùng nhau “xây dựng trái phép” vừa mới xảy ra thì nay đến lượt một quan chức của Tỉnh Ủy Ðồng Nai.
Ngày 4 Tháng Tư, nói với báo Thanh Niên, ông Hà Tấn Hải, cán bộ địa chính xã Xuân Thạnh huyện Thống Nhất xác nhận, khu đất xây biệt thự có diện tích hơn 2,300 mét vuông gồm 3 căn nhà bằng gỗ, lợp ngói; xung quanh được bao bọc bằng tường cao 2 mét được xây dựng trên đất nông nghiệp tại ấp Trần Hưng Ðạo, xã Xuân Thạnh là của ông Nguyễn Văn Ðấu, phó Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Ðồng Nai và bà Trần Thị Dược Lan, vợ ông Ðấu đứng tên sở hữu.
Ông Phạm Hà Ðông, bí thư kiêm chủ tịch xã Xuân Thạnh, cũng xác nhận với phóng viên báo Thanh Niên, khu vực đó thuộc đất nông nghiệp không được xây nhà kiên cố.
Theo ông Ðông, trước đây ông Ðấu có đơn xin xây hàng rào bảo vệ đất cùng một căn nhà cấp 4. Tuy nhiên sau đó ông này xây luôn biệt thự kiên cố. Xã đã vào kiểm tra nhưng do gia chủ luôn khóa cổng nên không vào được bên trong. “Xã đã quản lý chưa chặt để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép nói trên,” ông Ðông thừa nhận.
Chiều cùng ngày, báo Thanh Niên đã liên hệ với ông Ðấu để xác minh thông tin nhưng ông Ðấu từ chối trả lời và chỉ nói: “Muốn thông tin gì thì liên hệ với Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Ðồng Nai.” (Tr.N)

‘Còng số 8’ được chuyển sang tay Chủ Tịch Ngân như thế nào?

Phạm Chí Dũng 
Theo NgườiViệt 04-06-2017
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam. (Hình: Ming Hoang/AFP/Getty Images)
‘Còng số 8’ sang tay Chủ Tịch Ngân
Bất chấp dư luận xã hội phản ứng dữ dội và ngay cả một số bộ ngành trung ương như Bộ Ngoại Giao, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam cũng phản bác đề xuất bản dự thảo sửa đổi Luật Thuế Bảo Vệ Môi Trường với 8,000 đồng đánh vào 1 lít xăng, vào ngày 10 Tháng Ba 2017, Bộ Tư Pháp thay mặt chính phủ ký tờ trình gửi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã đề nghị bổ sung dự án này, trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8,000 đồng/lít, vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc Hội.
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Bộ Tư Pháp đã không còn giữ được “tư cách” của mình. Trước đó vào Tháng Hai 2017 khi Bộ Tài Chính được biến thành mũi tiên phong của nhóm lợi ích xăng dầu để trình ra đề xuất “còng số 8” (một cách mà người dân chua chát ví von về dự thảo 8,000 đồng đánh vào 1 lít xăng), Bộ Tư Pháp còn “mong rằng Bộ Tài Chính cần đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu,… cao gấp đôi quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa.”
Nhưng vào lần này, dường như Bộ Tư Pháp đã bị ép để “đưa đầu chịu báng,” trong khi lẽ ra phải là Phó Thủ Tướng Vương Ðình Huệ hay Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký văn bản gửi Quốc Hội.
“Còng số 8” đã được phía chính phủ khôn lanh chuyển sang tay người chịu trách nhiệm bỏ phiếu thông qua luật là Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Từ công đoạn này trở đi, không phải Bộ Tư Pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương hay Phó Thủ Tướng Vương Ðình Huệ và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cơ quan “của dân, do dân và vì dân” mới là nơi tập trung mọi tiếng chửi bới oán thán của các tầng lớp bị bần cùng hóa trong một đất nước đang rất gần với cùng tắc biến. 
“Ðược lòng dân hơn” và kích động lạm phát
Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền lại phát tác chiến dịch bù lỗ vào dân. Mối lo thường trực của người dân đã trở thành hiện thực: không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích và các quan chức lobby chính sách sẽ làm mọi cách để móc tiền từ túi nhân dân.
Bất chấp việc Petrolimex thua lỗ đến 10,700 tỷ đồng trong năm 2008 từ những khoản đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm, chiến dịch tăng giá xăng dầu đã luôn được những người đứng đầu Petrolimex âm thầm chuẩn bị và được lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính hỗ trợ theo chiến thuật: mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài Chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán,… hoặc được trích lập quỹ bình ổn. Còn khi giá dầu thế giới giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Thậm chí Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn còn làm nên một thành tích “liêm sỉ” khi tuyên bố cơ chế đánh thuế 8 ngàn đồng mỗi lít xăng là “được lòng dân hơn.”
“Ðược lòng dân hơn” như thế nào?
Vào năm 2016, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ thực chi để “bảo vệ môi trường” chỉ chiếm 30% số thu!
Trong khi Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương chưa bao giờ chịu thừa nhận việc tăng giá xăng dầu vô tội vạ là dẫn đến lạm phát tăng vọt, một cơ quan thuộc chính phủ là Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia đã cho biết: lạm phát Tháng Hai 2017 tăng 0.69% so với đầu năm nhưng tăng tới 5.02% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh như trên là do giá nhóm giao thông tăng 9.97% so với cùng kỳ do giá xăng dầu Tháng Giêng 2017 tăng mạnh so với năm trước (tăng khoảng 13% so cùng kỳ); và cũng do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành (giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng lần lượt 57.21% và 10.07% so với cùng kỳ 2016).
Không phải cho tới giờ doanh nghiệp độc quyền về giá xăng dầu là Tập Ðoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) mới làm nên tội trạng khi kích động lạm phát. Nhiều năm trước, đặc biệt dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trục tam giác Petrolimex-Bộ Công Thương-Bộ Tài Chính đã luôn kích hoạt giá xăng dầu để “tận khoan sức dân.” 
Dân sẽ không cam chịu!
Tương lai và sinh mạng dân tộc Việt Nam lại đang phụ thuộc mật thiết vào những đợt tăng giá.
Tăng giá và thuế má lại là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Thuế, phí ở Việt Nam lại thuộc hàng cao nhất trong khu vực, đang bào mòn khủng khiếp sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo báo cáo Doing Business 2016 của Ngân Hàng Thế Giới, doanh nghiệp Việt Nam phải dành khoảng 39.4% lợi nhuận để nộp thuế. Ðây là một tỉ lệ rất cao so với mức 18.4% của Singapore, 27.5% của Thái Lan, 29.7% của Indonesia…
Còn ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, cũng đưa ra con số cho thấy người Việt đang gánh tỉ lệ thuế, phí trên GDP cao gấp 1.4-3 lần so với khu vực. Cụ thể, trung bình giai đoạn 2007-2012, tỉ lệ thuế, phí/GDP của Việt Nam là 21.6% trong khi Trung Quốc là 17.3%, Thái Lan và Myanmar 15.5%, Indonesia 12.1%…
Sau đề xuất của Bộ Tài Chính về đánh thuế 8 ngàn đồng một lít xăng, một số bộ ngành trung ương như Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư Pháp, Phòng Thương Mại và Công NGHIỆp Việt Nam đã phản bác. Sau đó, có thông tin cho biết chính phủ “sẽ xem xét lại vấn đề này,” cùng lúc xuất hiện vài bài viết trên hệ thống báo đảng mang tính trấn an, rằng với tinh thần “liêm chính-kiến tạo-hành động” của chính phủ Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thì hy vọng sẽ không có “còng số 8” cho dân.
Thế nhưng việc chính phủ Việt Nam như thể “ném đá giấu tay” thông qua việc ủy quyền cho Bộ Tư Pháp để vẫn gửi văn bản “còng số 8” đến Quốc Hội đã cho thấy không chỉ động cơ đi đêm tàn hại của nhóm lợi ích xăng dầu khi quyết moi đến đồng cuối cùng trong gấu áo người dân nghèo, mà tình trạng ngân sách quốc gia năm 2017 và những năm sau đó thực sự là một bi kịch, bi kịch đến mức mà nếu không bổ thuế vào đầu dân thì “trung ương” sẽ không biết lấy đâu ra tiền để nuôi dưỡng bảo bọc một bộ máy mà 30% trong số đó “không làm gì cả.”
Trong khi đó, một bất công rất lớn lại vẫn ngự trị: bội chi ngân sách năm 2015 và năm 2016 không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng. Nếu năm 2013 được xem là “đỉnh” của bội chi ngân sách là 6.6% GDP, thì những năm gần đây tỷ lệ bội chi cũng tròm trèm 6% GDP. Riêng năm 2016 vẫn bội chi ít nhất 250 ngàn tỷ đồng.
Bội chi là thế, nhưng thu ngày càng giảm. Việc phát hành “trái phiếu chính phủ” mà những năm trước vẫn thường “vắt” được của giới ngân hàng thương mại đến 280 ngàn tỷ đồng, nhưng năm 2017 đã phải giảm chi tiêu này xuống còn 180 ngàn tỷ đồng, tức sụt đến hơn 30%.
Hơn 30% cũng là tỷ lệ sụt giảm của lượng kiều hối của “kiều bào ta” gửi về quê nhà trong năm 2016 so với năm 2015.
Ðầu năm 2017, Thủ Tướng Phúc bất chợt phải bật ra cảnh báo về tương lai “sụp đổ tài khóa quốc gia.” Trước Thủ Tướng Phúc, chưa có bất kỳ một quan chức cao cấp hay trung cấp nào dám phát ngôn về “sụp đổ” – một từ ngữ bị đảng coi là đặc biệt nhạy cảm.
Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn của nó. Cơ chế bổ lệ phí vào đầu dân theo kiểu dựng lên càng nhiều càng tốt trạm thu phí BOT, rốt cuộc đã khiến chính người dân thấp cổ bé họng phải phản ứng. Vào Tháng Ba 2017, có đến vài ba chục xe ô tô của dân đã chặn trước trạng thu phí Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ để phản đối việc thu phí…
Hãy chờ xem Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng xử ra sao với “còng số 8.”

Việt Nam: Các hệ thống lại rung rinh vì nợ xấu

Nợ xấu lại được xem là vượt xa những số liệu chính thức. (Hình: Vn Economy)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo báo điện tử VnEconomy, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam vừa công bố nợ xấu (tiền đã cho vay khó hoặc không có khả năng thu hồi) đang tăng về quy mô. Tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần báo cáo chính thức.
Nhận định vừa kể được cơ quan này nêu trong một tài liệu dùng để minh họa cho dự luật liên quan đến việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Các báo cáo chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ báo cáo của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định đến hết năm 2015, cac tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã xử lý được 493,000 tỷ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2.46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống tín dụng tại Việt Nam đã cho vay.
Tuy nhiên trong tài liệu vừa kể, cơ quan tài chính này nhận định, nếu xét cả nợ xấu mà Công Ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC) đang xử lý và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8.86%.
Báo VnEconomy cho hay, tình trạng hiện nay giống như cách đây năm năm. Hồi Tháng Chín 2012, cơ quan này xác nhận, tỉ lệ nợ xấu là 17.21% chứ không phải chỉ khoảng 3% như nhiều báo cáo trước đó.
Để giải quyết tình trạng nợ xấu gia tăng, có thể làm hệ thống ngân hàng sụp đổ, cơ quan này đã vài lần thực hiện cái gọi là tái cơ cấu hệ thống tín dụng song song với việc thành lập VAMC, song nợ xấu vẫn là vấn nạn trầm kha.
Cách nay đúng một năm, tuy cho vay rất khó khăn nhưng hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vẫn liên tục nâng mức lãi cam kết sẽ trả cho những khoản tiền gửi có kỳ hạn. Lúc đó, một số chuyên gia kinh tế nhận định, chuyện kỳ quái này có là do nợ xấu. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam phải nâng mức lãi trả cho người gửi tiền để kiếm tiền bù đắp các khoản thiếu hụt và thiệt hại do nợ xấu gây ra.
Những chuyên gia này cảnh báo, khi tiền chảy vào ngân hàng rồi bất động như “tiền chết” nhằm kéo dài sự sống cho những khoản vay đã xấu đến mức có khả năng mất vốn thì cả quốc gia sẽ phải gánh chịu thiệt hại đó.
Chuyện năm trước đang lặp lại. Cuối tháng trước, báo chí Việt Nam liên tục tường thuật về một cuộc đua nâng mức lãi trả cho người gửi tiền của hệ thống ngân hàng. Theo đó, đang có một “làn sóng nâng lãi suất” thông qua “chứng chỉ tiền gửi” với mức “siêu lãi suất tới 9%/năm.”
Trong một bài viết phân tích về “làn sóng nâng lãi suất” đang diễn ra, đăng trên báo Trí Thức Trẻ, một chuyên gia kinh tế tên là Nguyễn Đức Độ đề cập đến “một bộ phận gọi là ‘xác sống’ đang hiện diện trong nền kinh tế Việt Nam.” Theo giải thích của ông Độ, các “xác sống” đó là những doanh nghiệp, ngân hàng và các dự án yếu kém. Những “xác sống” ấy tìm mọi cách để huy động vốn trả nợ cũ, duy trì thanh khoản, nuôi các dự án dở dang, không để bị phá sản. Các “xác sống” đang cạnh tranh quyết liệt với những thực thể sống vốn đang thiếu vốn, đẩy lãi suất lên cao làm dòng tiền dồn về các doanh nghiệp, ngân hàng và dự án không có triển vọng.
Cũng giống như năm ngoái, từ đầu năm đến nay, các viên chức lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại và quốc doanh liên tục bị bắt với cáo buộc “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng,” với số tiền “thất thoát” là nhiều “ngàn tỷ đồng.”(G.Đ)

Việt Nam: Muốn ‘làm việc nhà nước’ bắt buộc phải hối lộ


Hàng ngàn người chen nhau nộp đơn thi tuyển công chức Sở Thuế Hà Nội. Cơ quan thuế vụ CSVN được đánh giá là một trong những cơ quan tham nhũng nhất tại Việt Nam. (Hình: Internet)
HÀ NỘI (NV) – Hầu hết các độc giả của tờ báo điện tử VNExpress đều bày tỏ ngạc nhiên và không tin rằng chỉ có 54% số người dân phải đưa hối lộ mới xin được việc làm công chức nhà nước.
Nhiều báo tại Việt Nam hôm 5 Tháng Tư 2017 tường thuật buổi công bố “Báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tại Việt Nam.” Bản báo cáo này do “Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, Trung Tâm Bồi Dưỡng Cán Bộ và Nghiên Cứu Khoa Học – Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng, phối hợp khảo sát,” công bố buổi sáng 4 Tháng Tư 2017.
Theo bản báo cáo nói trên, cuộc khảo sát dư luận cho thấy có khoảng 54% số người dân được phỏng vấn cho rằng, “Cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước.”
Tỷ lệ công bố ngày 4 Tháng Tư 2017 cao hơn mức 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.
Mấy năm trước, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc cũng từng tài trợ cho các cuộc khảo sát cùng đề tài nhằm thúc đẩy chống tham nhũng và cải cách guồng máy công quyền tại Việt Nam.
Bản khảo sát mới được công bố cho thấy tình trạng phải hối lộ mới được nhận vào làm công chức nhà nước gia tăng đều đều năm sau tệ hại hơn năm trước. Trong khi đó, nhà cầm quyền trung ương vẫn hô hò “chống tham nhũng không có vùng cấm.”
Báo điện tử VNExpress thuật lời ông Ðặng Hoàng Giang của Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng (Cecodes) cho biết, “Hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến, trong khi quyết tâm của người dân tố cáo tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ nhà nước ‘ổn định’ ở mức thấp. Chỉ khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác.”
Theo lời ông Giang, “Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25.6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (là 23.7 triệu đồng).”

Việt Nam: Muốn 'làm việc nhà nước' bắt buộc phải hối lộ
Các bị cáo ra tòa ngày 9 Tháng Mười Hai 2015 trong vụ đại án tham nhũng gây thất thoát cho ngân hàng quốc doanh 966 tỉ đồng. (Hình: Kinh Tế Ðô Thị)

Không đầy một ngày sau khi đăng tải bản tin về buổi công bố nói trên, hầu hết trong số 342 độc giả của tờ VNExpress bày tỏ sự ngạc nhiên về cái tỉ lệ 54% số người cho rằng phải hối lộ mới xin được việc làm tại các cơ quan công quyền, tức làm công chức. Họ đều tin rằng cái tỉ lệ đó quá thấp so với thực tế.
Có người còn bình luận rằng, “54% chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.” Người thì nói hối lộ 300 triệu đồng mới được nhận làm giáo viên. Ðể được vào làm ở bệnh viện thì “y tá cũng 250 đến 300 triệu.”
Ngày 17 Tháng Mười Một 2016, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc Hội CSVN nói là ông “kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Xóa bỏ tư duy cuối nhiệm kỳ, không có vùng cấm trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.” Ông cam kết, “Tập trung hoàn thiện thể chế, kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin cho…”
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng như những người tiền nhiệm, cả tổng bí thư đảng CSVN cũng đều có những lời cả quyết trừ diệt tham nhũng, làm sạch guồng máy công quyền nhưng tham nhũng thì cứ mội ngày một tiến tới.
Ngày 25 Tháng Giêng 2017, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (IT) công bố Chỉ Số Cảm Nhận Tham Nhũng (CPI) của năm 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công.
Trên bảng thang điểm từ 0 đến 100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất, Việt Nam chỉ được 33 điểm, và đứng thứ 113/176 của bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng trên thế giới.
Gần 5 năm trước, VNExpress đưa tin, ngày 7 Tháng Mười Hai 2012, ông Trần Trọng Dực, trưởng Ban Kiểm Tra Thành Ủy Hà Nội thấy tố cáo là “chạy biên chế Hà Nội không dưới 100 triệu đồng.” Các cuộc thi tuyển công chức chỉ là hình thức để các quan chức ăn hối lộ. Ðộc giả của báo này cho biết tình trạng phải có tiền hối lộ mới được vào “biên chế” không phải chỉ có ở Hà Nội mà trên cả nước. Số tiền hối lộ hàng trăm triệu đồng và lên hàng tỉ đồng tùy cái ghế đẻ ra nhiều tiền hay ít tiền.
Cũng trên VNExpress, ngày 12 Tháng Giêng 2013, UBND thành phố, Sở Nội Vụ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tuyển dụng, có đại diện Bộ Nội Vụ tham gia, kiểm tra tại quận Hà Ðông và hai huyện Thanh Trì, Ứng Hòa. Kết quả là “không thấy có hiện tượng tiêu cực.”
Từ nhiều năm qua, dư luận tại Việt Nam rất quen thuộc với câu vè “chạy biên chế” vào các cơ quan nhà nước: “Nhất quan hệ. Nhì tiền tệ. Ba hậu duệ. Tư trí tuệ.” Thật ra, câu vè này tùy theo ý kiến của người ta mà thay đổi thứ bậc. Thí dụ: “Nhất tiền tệ. Nhì hậu duệ. Ba đồ đệ. Tư trí tuệ.” Hoặc là, “Nhất hậu duệ. Nhì quan hệ. Ba tiền tệ. Tư trí tuệ.”
Trong tất cả các cách xếp đặt khác nhau đó, trí tuệ đều bị xếp ở hàng cuối cùng.(TN)

Bất chấp phản đối, CSVN cho Formosa ‘đủ điều kiện vận hành’

Nhiều người leo lên vách tường Formosa tại Vũng Áng ngày 2/10/2016 biểu tình đòi đuổi công ty này “Cút khỏi Việt Nam”. (Hình: Facebook)
HÀ NỘI (NV) – Nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh “đủ điều kiện vận hành lò cao số 1” sau một năm xả chất thải độc hại làm chết một vùng biển rộng lớn tại miền Trung Việt Nam.
Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho hay như vậy hôm Thứ Hai 5/4/2017 khi tường thuật cuộc kiểm tra giám sát kéo dài 3 ngày ở nhà máy luyện gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, của một đoàn công tác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cầm đầu.

VTV nói, sau ba ngày làm việc từ ngày 3 đến ngày 5/4/2017, “Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các nhà khoa học phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra kết luận liên quan đến công tác khắc phục sự cố môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Theo đó, đến nay Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019.”
Chỉ hai ngày trước đó, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Văn Phòng chính phủ Hà Nội họp báo nói rằng công ty Formosa đã hoàn tất “khắc phục” 51 trong số 53 lỗi đã dẫn thảm họa một năm trước.
Báo chí trong nước thuật lời ông đe dọa rằng “khi nào Formosa đảm bảo các điều kiện hoạt động không để xảy sự cố tương tự như tháng 4/2016 mới cho hoạt động. Nếu hoạt động không đảm bảo thì yêu cầu đóng cửa.”
Theo VTV tường thuật cuộc kiểm tra của đoàn công tác nói trên, đến nay, “Formosa đã hoàn thành bổ sung các hạng mục công trình bảo vệ môi trường ở trạm xử lý tuần hoàn nước dập cốc, trạm xử lý nước thải sinh hóa, trạm xử lý nước thải công nghiệp; đồng thời cũng đã lắp đặt xong thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động. Đối với số lượng bùn thải là chất thải nguy hại đã được chuyển giao cho Công ty TNHH một thành viên chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh vận chuyển xử lý từ tháng 11/2016. Hiện không còn tồn lưu.”
Nói khác, nhà cầm quyền Việt Nam đã cho phép nhà máy Formosa bắt đầu chạy thử trước khi chính thức sản xuất. Công ty Formosa đã lập dự án sản xuất gang thép tại Vũng Áng hơn 10 tỉ đô là đầu tư, cam kết dùng kỹ thuật luyện cốc “lò khô” để giảm chất thải độc hại như “lò ướt”. Nhưng Formosa đã gian dối lập “lò ướt” cho bớt tiền đầu tư sản xuất mà nhà cầm quyền không bắt buộc dẹp bỏ ngay mà lại cho phép trì hoãn đến năm 2019 mới thay.
Tháng trước, Formosa loan báo gia tăng đầu tư thêm 350 triệu đô la vào dự án tại Vũng Áng nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường mà họ hy vọng sẽ khởi sự sản xuất thương mại vào cuối năm nay.
Không những xả hóa chất độc hại ra biển, công ty Formosa còn lén lút thuê người chở chất thải rắn không tẩy rửa, đi đổ tại một số khu vực địa phương hoặc cả tỉnh khác.
Cho đến tuần qua, người dân tại Việt Nam vẫn còn biểu tình đòi nhà cầm quyền CSVN bồi thường thỏa đáng cho sự thiệt hại người ta hiện vẫn còn phải chịu đựng. Đồng thời, họ cũng đòi đuổi Formosa “cút khỏi Việt Nam” vì người ta không tin công ty này sẽ không tìm cách lén lút xả chất thải độc hai ra biển dù có cam kết gì đi nữa.
Hàng trăm người đã tràn vào chiếm trụ sở nhà cầm quyền huyện Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh và chận quốc lộ 1A khu vực đi ngang thị xã Kỳ Anh hôm Chủ Nhật 2/4/2017, buộc nhà cầm quyền ngày hôm sau phải mở cuộc đối thoại hứa hẹn nhằm xoa dịu sự phẫn uất của quần chúng đòi bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, tin tức diễn biến về cuộc kiểm tra giám sát của nhà cầm quyền Hà Nội tại nhà máy Formosa như thấy tường thuật trên VTV chứng tỏ các áp lực quần chúng không đủ làm nhà cầm quyền thay đổi chủ trương.
Đã có hơn 100,000 người ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Đài Loan áp lực công ty Formosa “khắc phục thảm họa” mà họ gây ra tại vùng biển miền Trung Việt Nam. Một ông tướng của quân đội CSVN nói ở Quốc hội rằng biển Việt Nam không còn cá.
Theo thông báo trên trang thông tin và thu thập chữ ký https://www.thamhoaformosa.com, tính tới ngày 30 Tháng Ba, đã có 80,178 người Việt Nam khắp nơi đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Đài Loan, các định chế quốc tế làm áp lực buộc công ty Formosa khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân.
Trong số những người ký tên có tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, giám mục Nguyễn Thái Hợp , toàn thể các linh mục thuộc linh mục đoàn Giáo phận Vinh và gần 20,000 giáo dân địa phương.
Từ hai tuần qua, một bản thỉnh nguyện thư do Ủy Ban Trợ Giúp Nạn Nhân Môi Trường Biển thuộc Giáo Phận Vinh, phối hợp với các tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam, vận động chữ ký của người dân Việt Nam khắp nơi yêu cầu chính phủ Đài Loan tác động tới công ty Formosa. (TN)