Wednesday, January 23, 2019

45 năm ngày mất Hoàng Sa (19.1.1974-19.1.2019)

Song Chi – RFA
Hoàng Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc bị mất vào tay Trung Cộng đến nay đã 45 năm. Việc lấy lại Hoàng Sa ngày càng trở nên xa vời và hoàn toàn không thể thực hiện được khi nào đảng cộng sản VN còn là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, bởi nhiều lẽ: Sự hèn hạ, phụ thuộc quá nặng nề của đảng cộng sản VN đối với đảng cộng sản Trung Quốc; tính chính danh của đảng cộng sản VN để đưa vụ Hoàng Sa ra trước tòa án quốc tế là không có, khi nào đảng cộng sản VN còn chưa chính thức thừa nhận tính chính danh của chính thể VNCH và chủ quyền của VNCH đối với Hoàng Sa khi ấy; sự đàn áp của nhà cầm quyền VN làm thui chột lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người VN.
Phải là một chế độ khác, một đảng chính trị khác, do dân bầu lên, hoàn toàn có tư thế độc lập, tự tin, ngẩng cao đầu trước Trung Cộng và biết nghĩ đến quyền lợi của đất nước, quyết tâm lấy lại Hoàng Sa và cả Trường Sa, thì may ra mới có hy vọng.
Nhìn lại 45 năm ngày mất Hoàng Sa chúng ta thấy gì:
1. Về kẻ thù Trung Cộng: Vào thời điểm năm 1974, Trung Cộng đã chuẩn bị cho âm mưu cướp Hoàng Sa từ lâu và đã chộp đúng thời cơ để ra tay. Đây cũng là một trong những trận đánh quân sự hiếm hoi của Trung Cộng suốt trong thế kỷ XX cho tới tận bây giờ, bởi phương châm của họ vẫn là “bất chiến tự nhiên thành”, dùng tiền và ảnh hưởng chính trị để mua chuộc, tiến chiếm nước khác hơn là gây chiến tranh, hao tốn xương máu, nhưng khi phải đánh thì họ luôn chọn đúng thời cơ.
2. Sau 45 năm, từ chỗ không có “một tấc đất cắm dùi” trên biển Đông, việc chiếm được Hoàng Sa đã tạo chỗ đứng cho Trung Cộng để rồi từ đó bàn tay tham lam của Trung Cộng bắt đầu vươn dài trên biển Đông và cho đến hôm nay vị thế, sức mạnh của Bắc Kinh như thế nào trên khu vực này chúng ta đã thấy. Cùng là đảng cộng sản, cùng độc tài, tham lam, tàn ác với dân, nhưng đảng cộng sản Trung Quốc khôn ngoan, thâm độc, có tầm nhìn xa, có tham vọng nước lớn, trong khi đảng cộng sản VN thì tầm nhìn ngắn, tư thế hèn hạ, luôn chọn con đường dễ nhất mà đi là phụ thuộc vào nước khác, xưa thì Liên Xô nay thì Trung Cộng, và luôn có lối tư duy của một nước nhỏ, có tâm thức nô lệ nên số phận VN không bao giờ cất cánh nổi.
3. Về phía đảng cộng sản VN: Vào thời điểm năm 1974, Việt Cộng không phải chỉ “ngây thơ”, cả tin vào Trung Công mà là hèn hạ, phụ thuộc vào Trung Cộng nên khi xảy ra vụ Hoàng Sa đã không hề dám lên tiếng. Luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, bởi vì nếu biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên, đảng cộng sản VN phải biết rằng mỗi tấc đất quê hương dù trong giai đoạn đó đang thuộc chủ quyền của VNCH nhưng là đất chung của ông bà tổ tiên để lại, phải biết đau xót, phẫn nộ thay vì ngấm ngầm ủng hô kẻ cướp đến cướp đảo cướp biển của mình! Bài học bao nhiêu năm mà đảng cộng sản VN đến bây giờ vẫn không học thuộc là luôn luôn chọn sai đường, chọn lầm bạn bè, đồng minh!
4. Sau 45 năm, với sự bất tài, bạc nhược của đảng cộng sản trong việc điều hành, lãnh đạo đất nước, sự lệ thuộc của VN vào Trung Cộng càng nặng nề. VN không chỉ mất mỗi Hoàng Sa, mà mất một phần Trường Sa, một phần lãnh thổ dọc biên giới sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979-1984, một phần lãnh hải qua những hiệp ước, hiệp định đầy thua thiệt với Trung Cộng, VN vẫn là một nước nghèo lạc hậu, người dân vẫn không hề có độc lập, tự do, hạnh phúc. Và mối nguy bị Trung Cộng thôn tính vẫn lửng lơ trước mắt!
5. Việc chính phủ VNCH đành phải để mất Hoàng Sa vào tay Trung Cộng trong tình thế khó khăn lúc đó và Mỹ thì không hề có bất cứ động thái nào hỗ trợ, cho chúng ta một bài học cay đắng: đừng bao giờ trông cậy vào bất cứ một quốc gia nào khác, số phận của mỗi quốc gia phải do chính dân tộc đó tự giải quyết, muốn cho nước khác không xâm lược, thôn tính được thì con đường duy nhất là phải trở nên hùng mạnh, tự lập tự cường, và kết bạn với những nước phát triển, văn minh, tiến bộ để học hỏi họ.
6. Đối với từng người dân VN, bao giờ mà Hoàng Sa-Trường Sa còn bị Trung Quốc cưỡng chiếm thì chúng ta vẫn phải ghi tâm khắc cốt mối hận đó. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng muốn lấy lại được Hoàng Sa-Trường Sa, muốn VN thoát khỏi sự khống chế của Trung Cộng, trở thành một quốc gia giàu mạnh, có một vị thế đáng trọng trên thế giới thì phải thay đổi thể chế chính trị và giải quyết đảng cộng sản VN. Đảng cộng sản VN và chế độ độc tài hèn với giặc ác với dân này phải bị đào thải, không còn cách nào khác.

Cô bé áo đỏ giữa chó sói và đàn cừu

Ngô Nhân Dụng

hắc quý vị đã đọc bài “Lộc Hưng – Cô Bé Áo Đỏ” của nhà văn Từ Thức ở Paris, đã đăng trên báo này. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho phá sập khu nhà đồng bào sống hơn nửa thế kỷ ở Lộc Hưng, ngay trong vùng Sài Gòn. Để chiếm lấy đất.

Ông Từ Thức kể mỗi lần nghĩ tới Lộc Hưng, ông lại nhớ hai hình ảnh. Thứ nhất là cảnh một người cha trèo trên đống nhà bị phá sập, té lên té xuống. Ông đi tìm những mảnh đồ chơi của con ông.
Thứ nhì là hình một cháu gái đã mất nhà, mặc áo đỏ, vai đeo túi đi học về, buồn bã ngồi nhìn xuống phía trước. Chung quanh là chân cẳng những người đứng nhìn cảnh nhà mình bị kéo sập.

Người dân vườn rau Lộc Hưng nhặt lại những gì còn sót lại sau khi chính quyền quận Tân Bình, Sài Gòn, đến giật sập nhà cửa của mình. (Hình: Facebook Vườn Rau Lộc Hưng)

Nhà văn Từ Thức viết, “Nhìn cháu gái ngồi trước ngôi nhà, khu phố của mình bị san bằng, tự nhiên nghĩ tới một truyện ngắn của Nam Cao, tựa là ‘Mua Nhà,’ viết thời 1940.”
Nhân vật trong truyện “Mua Nhà” rất nghèo, cái lều của anh bị phá sập sau một con bão. Anh đi tìm mua vật liệu để làm lại, nhưng có người muốn bán cái nhà của mình, cho anh gỡ đi đem dựng trên nền nhà cũ. Nam Cao kể, “Kẻ bán nhà là một kẻ nhiều công nợ. Anh ta góa vợ. Anh ta phải nuôi hai đứa con thơ dại.” Anh bán nhà còn cho biết anh mới đánh bạc thua, bán nhà lấy 300 đồng để đi đánh bạc tiếp, gỡ lại.
Nhân vật của Nam Cao can ngăn anh ta đừng bán nhà để đánh bạc, nhưng vô ích. Biết mình không mua thì anh ta cũng bán cho người khác, đành bỏ tiền mua. Mua xong, đến gỡ cái nhà đem về, nhân vật thấy hai đứa con người bán, “Đứa con bé ngồi ngay dưới đất, ôm cái chân giường, rên. Nó đau bụng từ sáng sớm. Đứa con lớn vừa cạu nhạu, vừa đấm lưng em thùm thụp.”
Khi ngôi nhà bắt đầu bị gỡ, Nam Cao kể, “Những mè, rui đã xong rồi. Người thợ mộc bắt đầu tháo gỗ. Tiếng dùi đục kêu chan chát. Những tiếng rắn chắc vang lên, lộng óc. Tôi thấy con bé bừng mắt. Nó không nhe răng ra nữa. Đôi môi nó bụm lại. Hai má nó phình ra một chút. Cứ thế, nó chẳng nói chẳng rằng, chạy bình bịch sang nhà hàng xóm. Nó định làm gì vậy? Lòng tôi thắc mắc nỗi lo không rõ rệt. Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ:
– Mẹ ơi!…”
Hai đứa trẻ đang mất nhà cũng đã từng mất mẹ. Tiếng kêu “Mẹ ơi” của cô bé khiến cho, “Tim tôi động một cái giống như bước hụt. Rồi nó đập loạng choạng. Tôi hơi lảo đảo. Bây giờ thì tôi không lẩn trốn những ý nghĩ của tôi được nữa. Tôi ác quá! Tôi ác quá! …”
Sau đó, nhân vật sống trong cái nhà mới, rộng rãi và sạch sẽ hơn cái trước. Nhưng anh viết cho một người bạn: “Phải, tôi ác quá, anh Kim nhỉ.” Và, “Những chiều đông lạnh lẽo, một con thạch sùng nấp trên một cái xà ngang, sẽ tặc lưỡi nhắc cho tôi biết: Tôi ác quá! Tôi ác quá!…”
Nhìn hình ảnh cô bé mặc áo đỏ trong khu nhà bị phá sập ở Lộc Hưng, Từ Thức nhớ đến cô bé trong truyện “Mua Nhà” của Nam Cao. Ông tự hỏi sau gần 80 năm, nước Việt Nam có gì thay đổi không. Một cháu bé bị mất nhà ngày nay cũng đau khổ không khác gì một bé gái thời 1940. Không có gì thay đổi.
Nhưng Từ Thức nhận ra là xã hội vô tình trước cảnh em bé gái mặc áo đỏ: “Cái thay đổi ghê rợn là… người Việt Nam đã đánh mất nhân tính, trở thành những cái máy vô cảm.”
“Cái khác nhau là, trong tác phẩm Nam Cao, người mua nhà bị ám ảnh mãi” sau khi nghe cháu bé gái kêu “Mẹ ơi!” Anh ta hối hận, ray rứt, tự oán trách mình đã làm chuyện ác.
“Ngày nay, người ta kéo hùng binh, du đãng đâm thuê chém mướn, tới phá nhà cửa của dân nghèo, không một ánh mắt tới cháu gái ngồi buồn bã trước cuộc đời tan vỡ…”
Nhân vật trong truyện Nam Cao còn “dằn vặt, thao thức” sau khi gỡ ngôi nhà mua, đem về làm nhà mình ở. Ngày nay, những anh công an và côn đồ đi phá nhà người dân, về lãnh tiền thưởng, họ có cảm thấy “dằn vặt, thao thức” hay không? Người ta đã đánh mất lương tâm, mất lòng trắc ẩn.
Từ Thức lên án, “Cái lương tâm đó, người Cộng Sản đã đánh tan hoang” bằng nền giáo dục, và “bằng lối hành xử tàn tệ giữa người với người… Cái bất nhân trở thành một chuyện bình thường.”
Giới văn nghệ, trí thức trong nước ta đã viết, đã nói rất nhiều về tình trạng “vô cảm” tràn ngập xã hội Việt Nam. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp trước đây 30 năm chúng ta thấy cảnh băng hoại đạo lý cùng cực sau mấy chục năm sống dưới chế độ Cộng Sản.
Một thành công lớn của chế độ Cộng Sản là biến lòng người thành gỗ đá. Trong năm điều mà Hồ Chí Minh bắt trẻ em học thuộc lòng không một điều nào nói đến lòng tôn kính cha mẹ, thương anh chị em, “thương người như thể thương thân” như Nguyễn Trãi đã dạy. Một thi sĩ nói, “Muốn yêu thương phải biết căm thù.” Những chiến dịch tuyên truyền dạy người Việt Nam phải biết căm thù lẫn nhau. Trẻ em phải tố cáo cha mẹ, thầy cô giáo. Hàng xóm láng giềng phải tố cáo nhau.
Các chế độ bạo tàn đều gieo rắc sợ hãi và giết chết tình thương giữa người với người. Để củng cố quyền lực. Khi mỗi người nhìn chung quanh chỉ thấy kẻ thù, ai cũng chỉ lo cho chính mình; hiện tượng xã hội học gọi là “phân ly cùng cực, atomization,” thì bạo quyền có thể kiểm soát tất cả mọi người.
Cộng Sản đã dùng chế độ tem phiếu để kiểm soát bao tử. Ai cũng chỉ lo sao cho mình có miếng ăn, manh áo. Đâu còn thời giờ nghĩ đến người khác?
Cộng Sản thúc đẩy cho mọi người nhìn nhau mà trong lòng chỉ sợ người khác tranh miếng ăn, tiền bạc, địa vị của mình; đâu còn chỗ cho lòng trắc ẩn, tình yêu thương? Nhìn thấy cảnh người khác bị đánh, giết, chỉ cảm thấy mình may mắn, vẫn còn sống và được yên thân!
Cuối cùng, đảng Cộng Sản chỉ muốn biến tất cả thành một đàn cừu, đảng dẫn đi đâu thì đi.
Như đàn cừu trong cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Trung Quốc.
Đó là cuốn “Tô Tem Sói,” nguyên văn là “Lang Tú Đằng” (狼图腾). Tác giả là Lưu Gia Dân (Lü Jiamin, 呂嘉民), bút hiệu Khương Nhung (Jiang Rong, 姜戎). Nhân vật kể chuyện là một sinh viên đại học Bắc Kinh bị đầy lên Mông Cổ đi chăn cừu để “học tập lao động” trong thời “cách mạng văn hóa,” giống tác giả.
Đọc đến trang 319 trong bản dịch sang tiếng Anh “Wolf Totem” do Penguin Press xuất bản, thấy cảnh con sói tấn công đàn cừu, bắt một con cừu ăn thịt ngay tại chỗ.
Khi con sói cắn cổ, vật ngã một con cừu rồi, nó xé da xả thịt ăn ngay tại chỗ. Anh sinh viên đứng quan sát, tính chờ con sói ăn no nặng bụng rồi mới động thủ thì sẽ hạ được nó. Đàn cừu bị tấn công lúc đầu hoảng sợ chạy trốn, nhưng khi thấy con sói bắt đầu ngồi xuống ăn rồi thì cả đàn lại bình thản gặm cỏ như cũ. Nhiều con cừu tò mò còn đến gần nhìn xem con sói nó ăn thịt “đồng bào” mình như thế nào. Tác giả mô tả bộ mặt của mấy chú  cừu kia có vẻ như muốn nói: “May quá! Con sói nó ăn thịt mày, nó không ăn thịt tao!” Nhiều con cừu bạo dạn tiến đến gần coi cho rõ cảnh con sói đang ăn tiệc một mình. Cả đám chen chúc nhau mà coi.
Nhân vật của Khương Nhung nhìn cảnh đó, chợt nhớ tới một đoạn văn của Lỗ Tấn. Nhà văn tả cảnh thời trước Đại Chiến Thứ Hai có một đám đông người Trung Hoa đứng coi một quân nhân Nhật Bản chuẩn bị chém đầu một người Trung Hoa khác. Chắc họ tò mò muốn biết một người bị chặt đầu sẽ chết như thế nào. Lưỡi đao Nhật có sắc như lời đồn hay không. Họ có thể tự hào, thấy đao phủ Nhật không chém gọn như đao phủ nhà Đại Thanh! Anh sinh viên tự nhủ, “Chẳng trách được, những người du mục Mông Cổ họ coi người Hán cũng giống như đàn cừu.”
Có bao nhiêu người Việt Nam đã tới coi cảnh công an phá nhà và vườn rau của bà con Lộc Hưng? Họ có thương cảm các người bị giật sập nhà hay không? Có ai tiếc rẻ những luống rau bị dầy đạp không? Họ có thán phục kỹ thuật phá nhà của nhà nước Cộng Sản hay không?
Bao giờ thì chúng ta thấy mình cũng giống những con cừu?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt

Tết với nồi bánh chưng… có cánh

Nguyễn Hùng – VOA

Mấy chục năm qua tôi đã đón đủ các loại Tết tây, Tết ta nhưng đọng lại trong tôi lâu hơn cả vẫn là những cái Tết nghèo.
Cái Tết tôi nhớ nhất lại là cái Tết nửa vui nửa buồn hồi đầu thập niên 1980.

Tết năm đó tôi đang được ở với ông bà nội ở Ân Thi thuộc tỉnh Hải Hưng mà sau này tách thành Hưng Yên và Hải Dương. Tôi thích ở với ông bà nhất vì được chiều. Học bao nhiêu thì học mà không học thì thôi, ông bà chẳng bao giờ ép. Chơi thì cứ thoải mái đi.
Bố tôi bận làm việc trên Hà Nội và không có tài gà trống nuôi con. Mẹ tôi đã mặc cả với bố tôi từ Tết trước là bố tôi phải nuôi ông con trai lớn là tôi, còn mẹ tôi chỉ nuôi hai cô em gái thôi. Bố tôi chắc buồn lắm còn tôi thì vui vì vậy là có cơ hội lên thủ đô, chẳng còn cảnh viết xấu là bị vụt thước kẻ vào tay nữa.
Vậy là trong năm học lớp sáu đó tôi đã chuyển trường không phải lên thủ đô mà còn về chỗ quê hơn nữa, từ thị xã Hưng Yên về luôn Ân Thi. Thay vì đưa tôi lên Hà Nội, bố tôi đã thông minh nghĩ ngay ra cách đưa tôi về nhờ ông bà chăm. Tôi có thoáng buồn vì mộng lên thủ đô đã tan đi nhanh chóng nhưng sau đó là những chuỗi ngày vui bất tận. Tôi được thoải mái đi lấy nhựa mít để bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng. Mới hơn 10 tuổi đã tự đi câu tôm, câu cá về rang lên ăn và tự thấy mình siêu quá. Tôi từ thị xã về học vẫn giỏi hơn các bạn trường làng nên được các bạn quý. Có bạn gần như sáng nào cũng rủ tôi qua nhà ăn cơm rang và cùng đi học để ôn bài chung.
Dịp giáp Tết là lúc tôi được thức khuya, dậy sớm cùng bà đi chợ phiên. Bà tôi buôn mắm tôm và nước mắm từ Hải Phòng về quê bán. Sáng sáng hai bà cháu dậy từ bốn, năm giờ sáng gánh hàng đi bộ cả tiếng đồng hồ để kịp tới các chợ bầy hàng bán. Chợ ngày đó không họp cả tuần mà chỉ một, hai hay ba phiên một tuần tuỳ chợ nên bà tôi phải đi khắp nơi. Nhiều hôm gặp trời mưa, hai bà cháu đi dép được một đoạn thì chỉ còn chân đất vì dép gặp bùn đất dính không nhấc chân lên được.
Chợ Tết hiển nhiên là vui hơn với đủ thứ mùi – đào, quất, rau mùi, hành lá và cả mùi ngô luộc mà bà tôi thường mua về thưởng cho tôi sau những lúc tôi ngồi trông hàng cho bà. Ông bà tôi cũng có đất canh tác và dịp Tết đến cũng là lúc thu hoạch su hào, bắp cải, hành, mùi đem bán lấy tiền mua tôm cá, măng miến, mứt Tết và những thứ khác. Những món khoái khẩu của tôi khi đó là cá kho, dưa muối và bánh chưng. Nhưng Tết năm đó nhà tôi không có bánh chưng.
Ông nội tôi phụ trách việc luộc bánh chưng. Bà tôi và người thím nấu các món khác. Tôi chạy quanh, thỉnh thoảng được nhờ giúp việc vặt như lấy thêm một ít rơm vào bếp hay đổ thêm ít trấu. Ông tôi điếc nặng. Có lẽ nhờ thế mà ông bà tôi sống khá hoà thuận. Bà cáu gắt ông cũng chẳng biết. Cáu lắm bà ghé sát tai ông nói thì ông cũng chỉ “cái nhà bà này” rồi thôi. Tôi chẳng thấy ông to tiếng bao giờ. Còn bà lúc nào cũng bắt nạt ông. Năm đó ông vừa luộc bánh chưng vừa gà gật. Thế là trộm nó bê cả cái nồi đi lúc nào không biết. Ông chạy đôn chạy đáo đi tìm nhưng làm sao thấy. Bà thì chửi cho thằng trộm “đi đằng đông chết đằng đông, đi đằng tây chết đằng tây” và cho nó ăn rất nhiều món ngon và bổ. Nhưng mất vẫn hoàn mất. Tết đến vẫn không có bánh chưng. Nhưng có mấy bánh pháo tét. Sáng mồng một mùi hoa bưởi quyện với mùa pháo đón chào năm mới mà mọi thứ chẳng có gì mới. Tôi thế nào cũng được tiền mừng tuổi. Bố mẹ tôi thể nào cũng sẽ cãi nhau trong mấy ngày Tết. Tôi thể nào cũng chui ra sau nhà giỏng tai nghe Chí Cường đọc chuyện Thuỷ Hử trên Đài phát thanh Bắc Kinh phát đi từ đài nhà hàng xóm. Mọi ngày tôi thường sang nhà người ta nghe nhưng Tết đến bà bảo không nên sang. Tôi thể nào cũng về nhà thím Hảo, người tôi quý chẳng kém gì mẹ. Thật tiếc sau này tôi không còn gặp thím nữa. Con trai thím về nhà bà ngoại chơi và ngã xuống ao. Bà ngoại thuê người gọi hồn cậu em bốn tuổi của tôi và người ta bảo hồn em từ ao đi lên vì có vết chân trên tro mà họ rải lên tấm gỗ bắc từ ao lên. Chú thím tôi chia tay ít lâu sau đó.
Từ quê nội, tôi lên xe đạp về quê ngoại cùng mẹ. Hai quê cách nhau hơn chục cây số và có hè ông nội và tôi đã đi xe căng hải về thăm ông ngoại. Đi và về trong ngày mà không hiểu sao ngày đó tôi chẳng ngại ngần gì, ông bảo đi là đi. Món ăn nhà nghèo ngày Tết đâu cũng giống nhau – gà luộc, xôi gấc, giò, chả… Tôi còn khoái món đốt pháo. Kiếm được quả pháo đùng có ngòi dài, bật lửa đốt, chạy một đoạn rồi bịt tai xem nó nổ là khoái lắm.
Mẹ tôi về Tết chớp nhoáng đảo nhoàng rồi đi. Bác gái, bố và chú tôi ở lâu hơn. Nhưng khoảng mồng ba, mồng bốn là hết Tết, mọi người lại đổ đi các nơi kiếm ăn. Bà lại kéo tôi lên nhà một ông thầy cúng để dâng lễ cầu mong một năm yên ấm cho cả nhà. Thế rồi Tết hết, năm mới đã đến, cả nhà lại chỉ còn hai ông bà và tôi. Ông ngày ra đồng, bà chạy chợ, tôi đến trường. Tối về bà lại đọc cho tôi mấy câu:
“Ngày trước có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cô cấm cung…
Giờ Tết đã khác xưa. Gần 20 năm qua tôi hầu hết đều xa nhà mỗi khi Tết đến. Tôi giờ cũng đã có con lớn và đối với chúng Giáng Sinh quan trọng hơn cả. Tết ta đến chúng vẫn đi học, tôi vẫn đi làm. Nhưng năm nào tôi cũng vẫn làm mâm cơm cúng mời ông bà không quản xa xôi sang ăn Tết với tôi. Năm nay tôi sẽ báo với ông bà cậu con cả của tôi đã được Đại học Cambridge của Anh nhận vào học ngoại ngữ, tiếng Đức và tiếng Ý trong bốn năm từ tháng 9/2019 trong đó có một năm học tại Đức. Ông bà tôi sẽ mừng và vui cả năm vì trong nhà giờ đã có người vào được trường hàng đầu thế giới. Năm mới cũng xin kính chúc quý độc giả vạn sự như ý và xin được nghe những kỷ niệm về Tết của mọi nhà.

Thảm nạn từ ‘hiện đại’ và rùng mình với ‘thông minh’

Mục tiêu tạo tác một “khu phức hợp thông minh” đã giúp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM thẳng tay cưỡng chế – thu hồi đất Thủ Thiêm.

Trân Văn – VOA


Chính quyền thành phố Hà Nội vừa đề nghị chuyển bốn đơn vị hành chính cấp huyện: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, thành bốn đơn vị hành chính cấp quận. Có hai lý do để chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra đề nghị này: Phát triển bốn huyện đang đô thị hóa thành quận có quy hoạch hiện đại, bộ máy hoạt động hiệu quả. Giảm được ngay 164 cán bộ chuyên trách và 2.000 đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã (1).
Cho dù chính quyền thành phố Hà Nội không cho biết chi tiết, chênh lệch giữa chi tiêu hàng năm của bốn đơn vị hành chính cấp quận sẽ tăng thêm bao nhiêu so với bốn đơn vị hành chính cấp huyện và tác động kinh tế – xã hội, cũng như hiệu quả thu – nộp ngân sách sau chuyển đổi từ huyện thành quận sẽ như thế nào nhưng theo thông lệ, đề nghị vừa kể sẽ được chấp thuận!

Ở Việt Nam, gần như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chẳng bao giờ lắc đầu với những đề nghị mà mục tiêu được gắn vào hai từ “hiện đại”!
Cách nay 11 năm, “hiện đại” được dùng như động cơ đẩy đề nghị “mở rộng Hà Nội” băng băng vượt qua tất cả phản biện với những phân tích hết sức cặn kẽ, thấu đáo để trở thành hiện thực. Năm ngoái, sau mười năm “mở rộng Hà Nội”, người ta nhận ra, các ý kiến phản biện đúng đến đau lòng: Càng rộng thì chất lượng môi trường sống càng tồi tệ. Các vấn nạn kinh tế – xã hội càng ngày càng nghiêm trọng. Tương lai càng lúc càng mờ mịt (2).
“Hiện đại” chỉ mở đường cho đủ loại dự án ngốn cả công thổ lẫn ruộng vườn của những người lương thiện, giúp đủ loại khu dân cư cao cấp, trị giá nhiều ngàn tỉ đồng mọc lên như nấm rồi bỏ hoang (3), biến một số cá nhân thành đại gia, biến một số doanh nghiệp thành vài ba tập đoàn khổng lồ, không tương xứng chút nào với hàng trăm ngàn người mất nhà cửa, sinh kế, càng kêu thì oan khiên càng dày như ở phường Dương Nội, quận Hà Đông.
“Hiện đại” khiến chính quyền thành phố Hà Nội mạnh dạn gật đầu với ý tưởng “xây dựng trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các phường, thị trấn, xã” theo mẫu chung về “hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc” (4), dù đề nghị ấy ngốn hàng ngàn tỉ đồng, song làm ngơ trước những thực trạng kiểu như, toàn bộ học sinh trường Tiểu học Chu Văn An, tọa lạc tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải nghỉ học luân phiên vì thiếu phòng học (5).
Dẫu luôn luôn được “đính kèm” với “hiệu quả hoạt động của bộ máy” nhưng “hiện đại” không giúp bộ máy công quyền của thành phố Hà Nội tránh được lạm quyền, công khai xâm hại các quyền căn bản của công dân, vi phạm cả hiến pháp lẫn nhiều qui định pháp luật khi công bố lệnh cấm dân chúng ghi âm, ghi hình lúc làm việc với các viên chức đặc trách tiếp dân, do vậy, bị nhiều giới khuyến cáo phải sớm thu hồi (6). “Hiện đại” không đồng nghĩa với trách nhiệm nên sẽ không có ai bị truy cứu trách nhiệm, tất nhiên sẽ chẳng có viên chức “hiện đại” nào đủ tự trọng để từ chức.
***
Tuy “sinh sau, đẻ muộn” nhưng mức độ phổ biến của “thông minh” đang có xu hướng qua mặt “hiện đại”. Theo báo giới Việt Nam thì chính quyền TP.HCM vừa đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép giảm diện tích “Dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm” từ 10 lô đất xuống còn sáu lô đất, giảm vốn đầu tư từ 2,1 tỉ Mỹ kim xuống còn 900 triệu Mỹ kim, giảm số lượng nhà đầu tư từ bảy thành bốn (7).
“Dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm” vốn là “lõi” của “Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Dự án này hứa hẹn khai sinh một “trung tâm tài chính – thương mại – dịch vụ tổng hợp” song hành với một “khu dân cư đa chức năng”. Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm” sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành, phục vụ dân chúng theo mô hình “khu đô thị sinh thái thông minh”.
“Dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm” từng được quảng bá là sẽ kết nối với “Khu đô thị mới Thủ Thiêm” để nâng cao giá trị của “Khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Mục tiêu tạo tác một “khu phức hợp thông minh” đã giúp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM thẳng tay cưỡng chế – thu hồi đất, còn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương nhắm mắt làm ngơ.
Nay, hệ thống công quyền từ TP.HCM đến trung ương đang loay hoay, chưa biết sẽ giải quyết thảm nạn Thủ Thiêm bằng cách nào. Do cách thức thực hiện “Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm” không… thật sự thông minh nên cuối cùng, không bứng được “hai công trình văn hóa tâm linh” (Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện của Dòng Mến Thánh giá ở Thủ Thiêm) nên đành thu hẹp qui mô.
Bất kể thế nào thì “thông minh” vẫn còn đất sống, những dự án để tăng mức độ “thông minh” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thọc vòi vào công khố, hút hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác. Tự thân hiện đại, thông minh vốn tích cực nhưng khi trôi qua miệng của các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, “hiện đại” đồng nghĩa với đại họa, còn “thông minh” liên tục làm thiên hạ bàng hoàng, phẫn nộ.
Chú thích

Cán bộ phường ở Sài Gòn chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của dân nghèo

Bà Quách Vân Loan (hình nhỏ) bị truy tố tội “tham ô tài sản.” (Hình: VNExpress)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lợi dụng vị trí cán bộ “xóa đói giảm nghèo” của phường 11, quận 6, một bà chuyên trách giảm “hộ nghèo” của phường này đã chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của 267 hồ sơ vay vốn.
Ngày 22 Tháng Giêng, 2019, xác nhận với báo Tuổi Trẻ, Công An thành phố ở Sài Gòn cho biết đã đề nghị Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố truy tố bà Quách Vân Loan, cán bộ chuyên trách, kiêm kế toán Ban Ban Giảm Nghèo phường 11, quận 6 về tội “tham ô tài sản.”
Liên quan tới vụ án, các bị can gồm ông Trần Ngọc Tân và bà Nguyễn Thị Thanh Lan, cùng nguyên là phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường 11, quận 6; bà Phùng Thị Lộc,  nguyên phó Ban Giảm Nghèo, bị đề nghị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn kết luận điều tra cho hay, từ Tháng Mười, 2012, đến Tháng Mười Một, 2015, lợi dụng vị trí công tác bà Loan đã lập 267 hồ sơ ma để vay vốn quỹ xóa đói giảm nghèo chiếm đoạt tổng số tiền gần 7.4 tỷ đồng (hơn $318,978).
Theo quy trình, Ban Giảm Nghèo của phường giải ngân trực tiếp cho từng gia đình vay vốn. Lợi dụng điều này, bà Loan đã lập danh sách ma, biến gần 300 gia đình thành “hộ nghèo” vay nợ 30 triệu đồng (hơn $1,293) mà họ không hề vay.
Cụ thể hồi Tháng Giêng, 2013, gia đình bà L.T.K.P khám phá tự dưng nợ quỹ 30 triệu đồng dù không hề vay vốn lần nào. Tương tự các gia đình H.M.T., P.K.H., N.T.T…. cũng nợ 30 triệu đồng mỗi nhà… Ngoài ra, khi thu hồi vốn vay của các hộ nghèo thật, bà Loan cũng bỏ túi riêng.
Tháng Chín, 2015, quận 6 tiến hành kiểm tra 18 hồ sơ có nợ quá hạn do bà Loan quản trị thì phát hiện bà Loan làm giả hồ sơ vay 16 trường hợp và hai trường hợp thu hồi tiền vay nhưng không nộp vào tài khoản Ban Chỉ Đạo Giảm Hộ Nghèo Quận 6, với số tiền gần 480 triệu đồng (hơn $20,692).
Cơ quan điều tra đã tiếp xúc, đối chiếu với các gia đình vay vốn và làm rõ bà Loan đã lập 267 hồ sơ vay nợ ma để chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 7.4 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy việc kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ Đạo Giảm Nghèo của quận hầu như không được thực hiện, đồng thời phường 11, quận 6, cũng không họp xét đơn vay vốn theo đúng quy định.
Theo cơ quan điều tra, sở dĩ bà Loan có thể chiếm đoạt số tiền lớn trong thời gian dài có nguyên nhân từ việc “thả nổi” trách nhiệm của các bị can có liên quan. Trong đó, báo Tuổi Trẻ cho hay, ông Trần Ngọc Tân, vừa là phó chủ tịch phường, kiêm trưởng Ban Giảm Nghèo Phường, đã “không tham dự họp xét duyệt nhưng vẫn ký duyệt hồ sơ vay, không kiểm tra xác nhận dư nợ của từng hộ vay mà ‘khoán’ mọi việc cho bà Loan. Ông Tân đã ký duyệt 107 hồ sơ vay, tạo điều kiện cho bà Loan chiếm đoạt gần 2.9 tỷ đồng (hơn $125,015).”
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Lan, đã ký duyệt 160 hồ sơ, giúp bà Loan chiếm đoạt hơn 4.5 tỷ đồng (hơn $193,989).
Riêng bà Phùng Thị Lộc đã “thiếu trách nhiệm không trực tiếp giải ngân cho các hộ vay mà đưa hết số tiền rút được cho bà Loan phát vay thay cho mình, tạo điều kiện để bà Loan chiếm đoạt 7.4 tỷ đồng,” theo báo Tuổi Trẻ.
Sau khi sự việc bị phát hiện, bà Loan đã nộp cho Ủy Ban Nhân Dân phường 11, quận 6, hơn 440 triệu đồng (hơn $18,967) để xin “khắc phục một phần hậu quả.” (Tr.N)

Chủ đầu tư xin xả trạm BOT 3 ngày Tết: Chỉ là ‘trò’ mị dân

Người dân căng băng rôn yêu cầu miễn giá vé qua trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp hôm 5 Tháng Giêng, 2018. (Hình: VNExpress)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một số chủ đầu tư BOT đường bộ ở Việt Nam liên tiếp kiến nghị Bộ Giao Thông Vận Tải cho miễn thu phí trong ba ngày Tết Kỷ Hợi để “cảm ơn” người dân. Tuy nhiên, đề nghị này chỉ là “trò” xoa dịu dư luận.
Theo báo Tiền Phong ngày 23 Tháng Giêng, 2019, sau kiến nghị xin được xả trạm trong ba ngày từ 30 Tháng Chạp, Mồng Một và Mồng Hai Tháng Giêng Âm Lịch dịp Tết Nguyên Đán sắp tới của chủ đầu tư BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, thì lượt chủ đầu tư BOT quốc lộ 1 Bạc Liêu và BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng cũng có kiến nghị tương tự.
Nói với tờ Tiền Phong, ông Lưu Huy Hà, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Vận Tải Hoàng Hà (tỉnh Thái Bình), cho biết các kiến nghị xả trạm thu phí của chủ đầu tư BOT chỉ xuất hiện sau hàng loạt vụ tài xế phản đối trạm thu phí BOT vừa qua.
Theo ông Hà, các doanh nghiệp vận tải đang chịu gánh nặng rất lớn từ phí cầu đường. Hiện có những tuyến đường phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ còn lớn hơn chi phí nhiên liệu. Trong khi giá cước vận tải hành khách không thể tăng, vì tăng thì khách không đi nữa, khách chuyển sang đi xe “dù,” xe “bến cóc” vì giá vé luôn rẻ hơn, khiến không ít doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động.
“Xả trạm thu phí một số ngày Tết cũng tốt, nhưng không phải việc cần. Với doanh nghiệp vận tải, việc cần nhất hiện nay là giảm mức phí chung, để doanh nghiệp vận tải và chủ xe chịu được. Nếu đã xả trạm thì phải xả những ngày đi lại đông trước và sau Tết, không phải chỉ ba ngày Tết ít người đi lại. Vì vậy, theo tôi đây chỉ là trò làm hạ nhiệt dư luận. Thực chất đó không phải vì quyền lợi người dân,” ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho biêt thêm, hiện có nhiều trạm BOT còn không bán vé tháng, vé quý, chỉ bán vé ngày để không phải giảm giá. Điều này rất không ổn.
Còn Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cựu giám đốc Nhà Xuất Bản Giao Thông Vận Tải thì cho rằng, nếu các chủ đầu tư BOT có lòng, hãy xả trạm thu phí vô điều kiện, dùng lợi nhuận của mình để bù hụt số thu. Còn nếu xin xả trạm, nhưng sau đó lại đòi tăng phí, tăng thời gian thu phí, hoặc đòi thêm lợi ích khác thì không chấp nhận được.
“Một số chủ đầu tư BOT đề xuất xả trạm ba ngày Tết có gì đó ‘lắt léo,’ vì những ngày đó đều rất ít người đi và nhân tiện cho nhân viên nghỉ Tết, khỏi tốn thêm tiền tăng ca,” ông Thủy nói.
Trong khi đó, trước kiến nghị của các trạm BOT, Tổng Cục Đường Bộ thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải cho rằng “việc dừng thu phí trong ngày lễ, Tết không có trong hợp đồng BOT giữa Bộ Giao Thông Vận Tải và nhà đầu tư, cũng như các văn bản pháp luật khác.”
“Hiện chưa có quy định xả trạm BOT đường bộ khi không có tắc nghẽn, nên muốn xả trạm các chủ đầu tư phải bỏ tiền túi để bù phần hụt thu, bảo đảm kế hoạch tài chính của dự án. Tuy nhiên, trong các kiến nghị của chủ đầu tư BOT vừa qua, chưa có nhà đầu tư nào đưa ra kế hoạch bù phần hụt thu do dừng thu phí ngày Tết. Tổng Cục sẽ đồng ý cho xả trạm nếu các chủ đầu tư đưa ra kế hoạch sẽ dùng tiền của mình bù phí cho những ngày dừng thu,” ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ, cho biết.
Liên quan đến thu phí BOT, báo chí Việt Nam loan tin, sau khi có chỉ đạo của thủ tướng CSVN, Tổng Cục Đường Bộ đã làm việc với nhà đầu tư, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang  thống nhất thu phí trở lại BOT Cai Lậy từ ngày 14 Tháng Hai, 2019 (tức Mồng 10 Tháng Giêng năm Kỷ Hợi). (Tr.N)

Nguyễn Thiện Nhân: Lộc Hưng - Cơ hội sám hối

Theo RFA-Gió Bấc-2019-01-23
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
  Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.File photo
Con người Việt dễ dung thứ và cũng dễ tin chừng như do sự đóng khung của hoàn cảnh, trong thực trạng đời sống bế tắc và quá nhiều bất trắc người ta cần có cái để hy vọng sống sót. Vì vậy, nhiều người dù đã từng hy vọng và thất vọng về ông Nguyễn Thiện Nhân lại một lần nữa thắp lửa lòng tin khi ông quay lại TP.HCM làm Bi thư Thành ủy.
Với chức vụ ấy, với kinh nghiệm từng trải, ổ chính trường hy vọng rằng ông Nhân sẽ chuyển đổi phần nào đó cục diện của thành phố vốn đã quá ảm đạm sau triều đại Lê Thanh Hải xẻ thịt đất đai, công quỹ để làm giàu; mà đặc biệt là chà đạp lên lợi ích, những quyền tự do tối thiểu của người dân. Những vấn đề cơ bản cần yếu là chấn chỉnh bộ máy công quyền minh bạch, hiệu quả, giải quyết những tiêu cực tồn đọng, tạo sự thông thoáng trong quản lý và quan trọng nhất là bảo đảm những quyền lợi thiết yếu về vật chất, tinh thần của người dân. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nhiều lần phát biểu nhắc lại nghĩa tình cưu mang của thành phố và hứa hẹn sẽ đem lại những điều tốt đẹp.
Tuy nhiên hơn một năm qua, trong vai trò mới, dấu ấn tích cực của Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân cho thành phố chừng như còn quá mờ nhạt vẫn chỉ trong lời hứa hẹn. Không bàn đến những chuyện nội bộ sâu xa, hãy nhìn lại cách nói và làm của ông Nguyễn Thiện Nhân trong việc giải quyết 2 sự kiện Thủ Thiêm và Lộc Hưng.

Món nợ Thủ Thiêm vẫn còn nguyên

Người dân Thủ Thiêm có lẽ đã bất ngờ, xúc động và phần nào đó tin tưởng khi nghe ông Bí Thư Thành Ủy thố lộ: “Tôi nói giọng Bắc nhưng tôi là người Nam, tôi không lừa dối bà con”. Họ chờ đợi ông ban công lý, công băng cho họ, trả lại đất đai và bồi thường thiệt hại. Họ cũng chờ đợi ông xử lý những kẻ sai phạm, cướp đất, cướp tài sản, cướp nguồn sống của người dân. Đây là mong muốn chính đáng bình thường của những người hơn 20 năm chịu oan ức. Điều kiện giải quyết chuyện này không phải khó với ông quan đầu thành phố như ông. Thế nên người dân kiển nhẫn chờ đợi. Một tháng, hai tháng đã qua, rồi cả năm 2018 đi qua, sự chờ đợi ấy vẫn là vô vọng. Ông Nhân đã đến gặp dân, nghe dân, UBND TP.HCM cũng tổ chức họp nghe ý kiến và xin lỗi người dân. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó vì vấn đề cơ bản là giải quyết việc cưỡng chế sai lầm trước đây như thế nào, giải quyết những thiệt hại về tài sản, đất đai của người dân ra sau thì khoảng cách giữa người dân và chính quyền vẫn còn rất xa.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trên đường đến thăm bà con Thủ Thiêm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trên đường đến thăm bà con Thủ Thiêm.Courtesy of VTC
Hướng giải quyết của thành phố là chỉ tóm vấn đề lại theo kết luận của Thanh Tra theo phạm vi 4,3 ha giải tỏa sai. Và với 321 hộ dân trong phạm vi này, chỉ nâng mức đền bù hổ trợ và bố trí tái định cư.
Ngày 10/12/2018, tại buổi trao quyết định cho ông Trần Văn Thuận làm Bí thư quận 2 , đề cập nhiệm vụ quan trọng quận 2 và TP.HCM là vấn đề ở Thủ Thiêm, ông Nhân nói: "Chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, bởi đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Thành phố phải tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2019, không để khiếu kiện kéo dài. Cần phải biến thách thức thành thời cơ để lấy lại niềm tin của nhân dân."
Theo ông Nhân, Đảng bộ TP.HCM lớn nhất nước, trách nhiệm chính trị lớn, nên phải tự giải quyết chứ không để Trung ương phải giải quyết thay. Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy đã có 10 cuộc họp, nhận rõ những thiếu sót, vạch ra lộ trình giải quyết cụ thể.
Hiện, khu 4,3 ha (ngoài ranh quy hoạch) đã xác định 321 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 166 hộ đã di dời, nhận nhà đất ở chỗ khác. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ hợp lý để mọi người ổn định. Nói rõ hơn về chính sách giải quyết đối với khu vực này, Bí thư Thành ủy cho biết, phần giao thông phải giữ cho Thủ Thiêm, phần còn lại có một chung cư sẽ chuyển đổi chức năng (có thể vẫn giữ phần kinh doanh nhưng một phần để tái định cư).{1}
Với người dân Thủ Thiêm thì yêu cầu hoàn toàn khác, có hơn 2000 hộ khiếu nại chứ không phải chỉ 321 hộ, không chỉ giải quyết 4,3 ha giải tỏa sai mà còn 160 ha đất bố trí tái định cư. Người dân cũng nói rõ là giải tỏa sai thì phải trả lại đất không thể đền bù tiền. {2}
Như vậy, sau một năm nỗ lực với hơn 10 cuộc họp thành ủy và nhiều cuộc họp với dân, ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn chưa nghe, hiểu được thực trạng oan khuất của người dân Thủ Thiêm và kiến nghị của họ là đòi lại hơn 164 ha đất. Và theo cá trang mạng xã hội ngay lúc giáp tết này, người dân Thủ Thiêm đã không ngại gió rét đi ra Hà Nội mong gặp các lãnh đạo trung ương để xin giải quyết.

Lộc Hưng tội ác trời không tha

Có thể thông cảm phần nào với ông Nguyễn Thiện Nhân những rối rắm Thủ Thiêm là do các thế hệ tiền nhiệm để lại, ông chỉ là người giải quyết hậu quả. Nhưng sự kiện giải tỏa Vườn Rau Lộc Hưng một cách nhẫn tâm, tàn bạo, cung cách ứng xử vừa cường quyền vừa ti tiện của chính quyền với người dân của mình thì diễn ra ngay chính trong thời gian tại chức của ông Nhân. Mặc dù về danh nghĩa, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện chỉ là UBND phường 6 và quận Tân Bình nhưng cách thức huy động lực lượng hàng ngàn người, đủ thành phần, cách điều hành báo chí khi đang đập phá nhà dân kêu cứu thì đồng loạt câm như hến, lúc đập phá tan hoang thì bỏ mặc dân đồng ca rặt một giọng úp chụp theo luận điệu chính quyền. Hơn thế nữa ngay trong văn bản thông báo giải tỏa cũng nói rõ là thực hiện chủ trương của thành phố, ông Nguyễn Thiện Nhân không thể né tránh trách nhiệm về tội ác với hàng trăm hộ dân Lộc Hưng. Vâng! Với những gì mà chính quyền đã làm ở Lộc Hưng cần phải gọi đúng tên là tội ác.
Công an đến cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018
Công an đến cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018 Photo: RFA
Thực tế, phát biểu trên báo chí, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng trả lời giọng điệu hết sức phũ phàng và sai sự thật, không có cơ sở pháp lý và đạo lý. Ông Nhân cho rằng năm 2017, quận Tân Bình đề nghị cưỡng chế công trình không phép trên đất lấn chiếm nhưng chưa thực hiện được. Đến năm 2018, tình trạng "nhảy dù" xây nhà không phép khá phức tạp nên quận xây dựng kế hoạch giải tỏa theo quy định của pháp luật. Ở lần đầu cưỡng chế, nhiều hộ dân tự giác di chuyển đồ đạc ra khỏi công trình. Hiện còn khoảng chục người ở đây gây rối, khi có hiện tượng là công an mời về làm việc.
"Có những sự việc rất bình thường, nhưng các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động. Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu" {3}
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đã có bài viết “Lòng dân hay chính quyền?” như thư ngỏ gởi Nguyễn Thiện Nhân, khuyên ông Nhân nên dành thời gian đến hiện trường để nghe ý kiến của người dân và có cái nhìn thực tế.
Tiến sĩ Chu phân tích “Khi đồng bào tự nguyện dỡ nhà làm cầu cho xe qua, tự nguyện dỡ nhà ngụy trang cho tên lửa, thì đó là lòng dân. Còn khi chính quyền ủi nhà của đồng bào, buộc đồng bào lăn xả vào xích xe liều mạng cản ngăn, thì đó là lòng chính quyền.
Các nhóm lợi ích như con bạch tuộc đang len lỏi khắp mọi nơi vào chính quyền, phủ lòng chính quyền che kín hết lòng dân. Làm lãnh đạo không phải chỉ biết đúng sai. Làm lãnh đạo không chỉ biết giải quyết hậu quả. Điều quan trọng nhất của lãnh đạo là nhìn ra nguyên nhân. Chỉ khi nhìn ra nguyên nhân mới giải quyết được gốc rễ vấn đề, ngăn chặn được sự phát sinh trong tương lai. Sẽ còn bao nhiêu Lộc Hưng nữa? Chừng nào mà sở hữu toàn dân về đất đai còn tồn tại, thì chừng đó sẽ mãi còn nữa những Lộc Hưng.” {4}

Không thể ngụy biện, che dấu tội ác

Trở lại với thực trạng Lộc Hưng, nếu đứng trên góc độ lợi ích nhóm của những thế lực đang rắp tâm cướp đoạt đất đai của người dân Lộc Hưng thì các thủ thuật ra thông báo giải tỏa nhà trái phép xây sau 1/1/2018 rồi đánh úp, phá sạch, lấy sạch đến gạch đá xà bần cả hai trăm căn nhà là hành vi hợp pháp thậm chí còn được khen là giải pháp thông minh, quyết liệt.
Cũng đứng trên góc độ ấy, quy chụp bóc lửa bỏ tay người, là tìm thấy tài liệu nguy hiểm, dựng lên 8 hộ xâm canh thành đa số người dân Lộc Hưng đồng tình với chính quyền và tự cho rằng mình đang chính nghĩa, nhân đạo… Thậm chí có thể tiếp tục trấn áp, khởi tố bắt giam tuyên án một số người dân nghèo. Bằng quyền lực nhà nước toàn trị, không có pháp luật, không có công lý, người ta có thể làm như đã làm từ trước đến nay để tước đoạt tài sản của người dân và phè phỡn với nhau.
Người đàn ông nằm trước máy ủi phản đối cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018
Người đàn ông nằm trước máy ủi phản đối cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018 Photo: RFA
Nhưng đừng hy vọng rằng việc dựng lên ngôi trường chuẩn quốc gia để có thể che lấp sự man rợ bạo tàn cướp nhà, chiếm đất mà việc làm ấy chỉ tăng thêm nghiệp chướng. Những thế hệ học trò phải học trong ngôi trường ấy ít nhiều sẽ phải chấn thương tâm lý khi biết mình đã thụ hưởng thành quả sư cướp đoạt tài sản, nước mắt của đồng bào.
Tự đáy lòng tôi không tin ông Nguyễn Thiện Nhân vướng máu ăn phần với các nhóm lợi ích ấy nhưng ông đang đứng ở đâu? Phục vụ cho ai? Lời hứa với Thủ Thiêm còn dang dở có thể là dư nợ của người tiền nhiệm, còn vụ cướp Lộc Hưng xảy ra ngay lúc ông đương nhiệm. Tự đáy lòng tôi vẫn còn le lói chút hy vọng vào lương tri của người trí thức. Tôi cũng hy vọng như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu là ông cả tin vào báo cáo không trung thực, một chiều của thuộc cấp.
Tôi vẫn nhớ lời phát biểu khi ông đang làm Chủ Tịch UBMTTQVN “Ở đâu có đồng bào công giáo, ở đó có sự đoàn kết, thương yêu, bình an và phát triển”. {5}
Hy vọng rằng lời nói trước Chúa của ông là chân thành, tôi xin nhắc cho ông rằng nguồn gốc phần đất này thuộc quyền sở hữu, sử dụng của nhà thờ từ thời Pháp thuộc tới nay, chưa có văn bản hợp pháp nào thay đổi quyền này và nhà thờ đã cho giáo dân sản xuất từ 1955 đến nay chưa có ai tranh chấp. Theo đúng pháp luật thì người dân có hai lần đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ, cấp phép xây nhà. Đúng như ông nói, trong tình thế chính quyền gây khó, giáo dân đã đoàn kết thương yêu nhau xây nhà trên phần đất của họ và chính chính quyền của ông đã phá nát, đã chiếm đoạt sự bình an và cả vùng đất sinh sống của họ.

Hãy thành tâm sám hối, cơ hội không còn nhiều!

Hiện nay đã có hơn 200 người dân Lộc Hưng đang khiếu kiện với chính quyền nhưng khổ thay, chính quyền của ông từ quận đến thành phố đều trốn dân, không tiếp, không nhận đơn của dân. Một lần nữa chính quyền lại thể hiện thái độ ty tiện, vô pháp. Nhưng thưa ông, họ không cô đơn, hững người dân khốn khổ ấy được 17 luật sư hỗ trợ pháp lý miễn phí. Các luật sư này đang chuẩn bị những biện pháp pháp lý cần thiết và thích đáng. Trong thông báo đầu tiên họ cũng rất thiện chí kêu gọi chính quyền củng đối thoại. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng khẳng định “Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu.” {3}
Nhưng ông nói như vậy cũng chỉ mới là một vế. Đối thoại là nói qua nói lại giữa hai bên, trong đó chính quyên cần nghe, phải nghe dân noi và giải đáp những nguyện vọng hợp pháp của người dân. Không thể hiếp dâm từ đối thoại theo kiểu chỉ bắt dân nghe một chiều theo sự áp đặt của chính quyền hoặc giả vờ nghe dân rồi hứa ậm ừ cho qua kéo dài nỗi oan ức hết năm này sang năm khác.
Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018
Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018 Photo: RFA
Đây là cơ hội cuối cùng để ông Nguyễn Thiện Nhân sám hối. Không phải bằng lời nói suông mà phải bằng hành động cụ thể, hợp tác, đối thoại lắng nghe kiến giải của các luật sư. Ông cần thực tâm hướng về người dân, với lẽ phải, đề ra những quyết sách hợp lý hợp tình để sửa sai, khắc phục hậu quả tội ác mà chính quyền của ông đã gây ra với người dân Lộc Hưng.
Xin cũng nói thêm với ông, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Trần Hồng Phong ….  đang đại diện nhân dân Lộc Hưng muốn đối thoại với ông cũng là những “Thái tử Đảng”. Cha mẹ của họ từng là lãnh đạo địa phương, tốt nghiệp đại học Lomonoxop là những nhà khoa học đầu đàn của Việt Nam. Nếu vì quyền lợi, địa vị, họ cũng dễ dàng có chỗ đứng tương tự như ông. Nhưng họ đã chọn con đường khác đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ người dân. Con đường đó không nhiều bổng lộc nhưng ngập tràn hạnh phúc chân thực và vinh quang.
Cũng xin nhắc ông rằng, đằng sau 200 hộ dân Lộc Hưng là hàng triệu con người yêu công lý. Thế giới phẳng đang kết nối con người khắp các châu lục bởi những giá trị nhân đạo và trên hết còn có Chúa.
Với tấm lòng quý trọng một nhà trí thức học cao hiểu rộng, hy vọng rằng cuối cùng ít ra trong đời ông cũng có một lần biết sám hối, biết sống lương thiện nhân ái với những người dân cả đời đóng thuế cho ông hưởng lợi.
Cơ hội không còn nhiều, thời gian không còn nhiều.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA

Tôi không tin có một lá đơn lái xe của Bộ Công thương tố cáo Bộ trưởng như đang lan truyền trên mạng

Theo RFA-Tre -2019-01-23   
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh- AFP
Thứ nhất, nếu thực sự lái xe của Bộ đứng đơn tố cáo thật, có lẽ thông tin sẽ không chỉ loanh quanh ở những thứ rất dễ gây phẫn nộ-nhưng thực chất lại khá lẻ mẻ như đánh xe chở vợ con và họ hàng bên ngoại đi mua sắm, đưa đón, hay nửa đêm chạy khắp Hà Nội lùng mua ruốc gửi vào cho vợ bộ trưởng kịp ăn trong bữa.
Ở Việt Nam, ai cũng biết lái xe riêng cho bộ trưởng, hay cho quan chức là vị trí không bao giờ một người không thân thuộc có thể ngồi vào. Chiếc xe là một trong những địa điểm an toàn và cất giữ nhiều bí mật nhất của họ. Họ bàn công việc, bàn tư việc, nhận điện thoại, chợp mắt, ăn nhẹ… trong xe, do vậy lái xe riêng thường (dứt khoát phải) là người có họ hàng ruột thịt, được hưởng lợi ích cho cả gia đình nhờ vào công việc béo bở này.

Vì sao lái xe riêng cho quan chức lại là béo bở?

Là vì, quan chức ở Việt Nam, nhất là trong các ngành quyền lực nắm giữ các huyệt đạo kinh tế, luôn luôn có hàng ngàn người muốn làm thân để canh ty hùn hạp làm ăn hoặc xin xỏ chính sách, xin xỏ dự án. Nói cách khác, quan chức là những con dấu biết đi mà chỉ cần nó đóng xuống một tờ giấy nhẹ thì tiền và quyền ào ào chạy vào nhà những người được cầm tờ giấy đó đến nứt đố đổ vách.
Thư ký, bảo vệ, lái xe riêng chính là nhóm người thân cận nhất bên cạnh “con dấu”. Những ai muốn làm thân hay làm ăn đều biết rõ trước hết phải lấy được lòng nhóm này thì mới hy vọng lọt qua cửa hẹp nhà quan.
Lấy lòng tất nhiên là bằng quà cáp tiền bạc biếu xén, bằng các lợi ích có thể có khác mà có khi chính vị quan cũng không ngờ.
Thân cận nhất, nắm giữ nhiều bí mật nhất của sếp, vì thế nhóm người này phải là những người được tin cậy nhất. Lái xe riêng cho quan chức, nguyên tắc tối thượng là luật im lặng. Bất kể thấy gì nghe gì cũng phải như câm như điếc. Chỉ một dấu hiệu nhỏ cho thấy sự trung thành tuyệt đối có chiều sứt mẻ thì anh lập tức lên đường.
Lá thư của Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh.
Lá thư của Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh.Courtesy of Bộ Công Thương
Do mối quan hệ đặc biệt này, lái xe riêng cho quan chức Việt Nam mặc nhiên không chỉ cần hoàn thành phận sự công vụ, mà chính là một ô sin được nhà nước trả lương. Những lái xe được giao càng nhiều tư vụ như chở vợ con sếp đi học, đi chợ, đi khám bệnh, đi chơi, đi mua quà cáp biếu xén cấp trên, nhận hàng … thì càng chứng tỏ được tin cậy. Lợi ích cũng theo đó tăng lên.
Ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, quyền lực công (theo đó là quyền lợi tư gắn chặt với nó) bao quát khắp các lĩnh vực. Tư sở cạnh tranh rất khó khăn. Kiếm được việc làm ổn định, nhàn tản, nhiều tiền, nhiều lợi như lái xe riêng cho quan chức chính là mơ ước của nhiều người. Chả cung cúc tận tụy hết lòng hết sức để chiếm được  lòng tin của sếp thì thôi, làm gì có việc chỉ vì bị sếp sai làm ba cái việc lẻ tẻ mà uất ức, cảm thấy nhục nhã rồi đi đâm đơn tố cáo như cái lá đơn giả mạo đang trôi nổi trên mạng?
Điều này dẫn đến điều thứ hai.

Vì muốn mua ruốc cho quan bà thì chẳng đến lượt lái xe

Với quyền lực và lợi ích tập trung vào một số ít vị trí như vậy, “có muốn hầu mua ruốc cho phu nhân cũng chẳng đến lượt lái xe” như một ý kiến tôi đọc được trên mạng xã hội Facebook. Người nhận xét hẳn rất hiểu cách thức vận hành của hệ thống cửa sau nhà các quan chức Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói vào cuối tháng 11 “phải xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống chạy chức, chạy quyền”.
Giá chạy một cái chức là bao nhiêu? Chẳng ai ngoài những người đã chạy và được chạy có thể nói rõ, nhưng chắc chắn, không phải chỉ lạnh lùng giao ra một con số là đủ. Một hệ thống chạy từ thấp lên cao, chạy từ già đến trẻ, anh có cơm (gà) em có cháo (sườn), thì ngoài tiền, còn phải đảm bảo sự hợp gu, tin cậy và trung thành. Nói theo một trend của dân cư mạng thì “Sống phải có cái tình”. Cái tình thể hiện ở chỗ em quan tâm đến công việc nhà anh chị như chính (thực ra là hơn gấp bội) công việc nhà em, yêu thương tận tụy với con cháu nhà anh chị hơn gấp bội con cháu của chính em, kính ngưỡng, trọng vọng, chăm sóc họ hàng nhà anh chị gấp bội chăm sóc cha mẹ vợ con họ hàng anh chị nhà em. Giỗ nhà anh chị, con cái trong nhà chưa kịp nhớ thì các cô các chú đã nườm nượp ân cần nhắc nhở từ cách hàng tuần. Rồi tự tay lùng sục đồ tốt, hàng hiếm… mang đến. Rồi khi họ nhắm mắt, tay cầm chặt bó hương, nhắm mắt thành kính rì rầm khấn vái trước bàn thờ gia tiên nhà “một đồng chí anh” thì đến cụ tổ đang lim dim trên bàn thờ cũng phải tóe nước mắt vì cảm động, còn họ hàng “một đồng chí anh” thì hoang mang dụi mắt nghi ngờ phải chăng trước đây mình đã nhận nhầm con cháu!
Việc lớn còn chu tất hiếu nghĩa như vậy thì những thứ vụn vặt chăm sóc cho chị và cháu khi xa anh, từ chỗ nào làm móng tay cho chị, đến trái cóc chị muốn ăn đỡ buồn mồm, đưa chị đi spa, đi mua sắm… chẳng bao giờ đáng phải  gọi là việc. Có sự phân công ngầm, đàn ông chủ ngoại, đàn bà chủ nội. Nội cung cấp trên là đấu trường của các phu nhân cấp dưới. Con sếp ốm là một cơ hội vàng. Phu nhân cấp dưới sẽ tay xách nách mang đủ thứ sơn hào hải vị đến tận nhà nấu ăn, thang thuốc, vuốt ve. Ai được ngồi cạnh bên đút cho cháu thìa cháo thì trong lòng sướng rơn bằng chết.
Sự nghiệp cạnh tranh để được quan bà ghé mắt, gửi gắm, tâm sự, nhờ vả hay sai phái, đi ăn đi chơi cùng… còn căng thẳng, khéo léo, cân não, gay gắt gấp bội lần cuộc cạnh tranh giữa các ông chồng cấp dưới. Hầu hạ tốt để quan bà thủ thỉ được một câu với chồng thì hiệu nghiệm thăng quan tiến chức cho phu quân còn gấp mấy mươi tiền bạc và sự trung thành tận tụy mà các ông phô diễn.
Cựu người mẫu Thủy Hương (bên trái, đang giơ tấm vây cá lên cao).
Cựu người mẫu Thủy Hương (bên trái, đang giơ tấm vây cá lên cao). Courtesy of Citizen
Cái việc hầu hạ như vậy vừa sang, vừa an toàn (ai cấm đồng nghiệp quan tâm giúp đỡ nhau), vừa dễ lừa gạt người trong cuộc là bản thân mình phải (tốt đẹp, đáng yêu đáng quý, trọng nghĩa trọng tình) thế nào  mới được anh em quý đến thế đấy chứ… Tình cảm chân thật như vàng mười, tiền bạc hay chức tước có ai thèm nhắc đến nửa câu đâu nào.
Ngày trước, tết đến cả con phố Hà Nội hay Sài Gòn nơi quan chức tọa ngự, kẹt cứng xe cộ, quán cà phê đối diện anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, không xếp hàng mà đều tăm tắp người nọ vào 5 phút thì biết điều đi ra nhường người khác tiến vào. Nhà sếp quà ngập từ bếp ra sân không hết.
Bây giờ "Việc tặng quà ngày càng đơn giản, năm mới người ta chỉ cần tặng vài quyển sổ, kèm theo thẻ tín dụng và người được tặng ra rút ngay thì ai biết, ai hay? Chính tôi đã được tận mắt thấy, sờ thấy hình thức biến tướng của quà tặng này" (GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nói trên báo Đất Việt).
Theo ông Phố, “người ta không đợi đến Tết mới biếu, tặng quà mà có thể nhân bất cứ dịp gì, từ đám hỏi, đám giỗ đến ma chay, sinh nhật, ngày lễ...” và “Người đưa hối lộ không đưa thẳng cho cấp trên, mà đưa cho vợ, con cấp trên, hay chuyển khoản... thành ra không có bằng cớ gì để nói”. Hối lộ cũng không còn trực tiếp như thế nữa mà tinh vi vô vàn: suất du học bổng (kèm căn hộ, chiếc xe) cho cháu, gói khách hàng làm đẹp hạng Kim cương cho chị, căn hộ + chiếc xe hạng sang cho cô bồ đương nhiệm… thực tế biến ảo vi diệu mà chắc chắn chẳng ai trong chúng ta đây có thể kịp nghĩ ra được.
Thế cho nên chính sách trong lĩnh vực này của Việt Nam rất nhiều điều thú vị. Trước kia thì cấm tặng quà tết cho cấp trên,  cấm “nâng đỡ không trong sáng” (đã làm cái việc không trong sáng thì bố thằng tây nào khoe ra cho biết mà cấm?). Mới đây nhất thì đã văn minh tới mức “cấm nịnh cấp trên” ( Đề án Văn hóa công vụ của Bộ Nội vụ).
Cấm như thế nào? Chẳng lẽ phát cho cấp dưới cái máy ghi âm, tự động bật mỗi khi nói chuyện với cấp trên, rồi cuối tháng cả cơ quan ngồi lại xả băng nghe từng chữ một? Hay là cấm nịnh qua mạng xã hội, vì tôi thấy nhiều sếp bà cứ up bất cứ tấm ảnh nào lên mạng xã hội thì cả lò cấp dưới vào tấm tắc hết “Đẹp quá chị ơi” lại “Trẻ như gái đôi mươi chị ạ” hay “Con em xem ảnh xong hỏi cô diễn viên điện ảnh nào thế hả mẹ”. Hay là cấm nịnh qua cuộc phê bình đảng viên, kiểu như “Chúng em nghiêm khắc phê bình anh không được làm việc quá giờ, quá sức”?
Trò trẻ mị dân, nghe đến buồn cười nhưng ngẫm kỹ lại thấy một sự bất lực và rối ren không hề nhẹ của những người đang “cố gắng chỉnh đốn”.
Bao giờ còn độc quyền, độc tôn, còn Nhà nước to-xã hội nhỏ, thì còn tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, nịnh nọt, bợ đỡ… chẳng cần giấu giếm. Có quái gì một lá đơn hàng fake (nhiều khả năng do bên đối thủ cạnh tranh tung ra) mà khiến quốc dân đồng bào ngỡ ngàng đến thế?
Cây đời mãi mãi tươi xanh hơn chúng ta tưởng nhiều.
Tham khảo:
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA