Tuesday, December 20, 2016

Ngư dân Việt loay hoay tự cứu mình vì nhà nước rất bận


Những con tàu mắc cạn trên cát gần cửa biển Đề Gi. (Hình: Tiền Phong)
BÌNH ĐỊNH (NV) – Miền Trung Việt Nam tan hoang vì năm đợt lũ lụt trong vòng một tháng. Giới lãnh đạo Việt Nam thi nhau chỉ đạo trợ giúp nhưng cuối cùng, dù đã kiệt sức, dân vẫn phải tự cứu mình.
Tờ Tiền Phong vừa có một phóng sự về thảm cảnh của ngư dân xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định – nơi có cửa biển Đề Gi.
Giữa đêm 15 Tháng Mười Hai, lũ từ thượng nguồn đột ngột đổ xuống, tống hàng loạt tàu đánh cá trong vùng ra biển. Ra tới cửa biển, có sáu tàu bị sóng đánh thành những đống gỗ vụn, hai tàu bị chìm, bảy tàu khác bị sóng hất ngược trở lại lên bãi cát.
Tờ Tiền Phong mô tả trên một đoạn bờ biển dài chừng ba cây số ở xã Cát Khánh hiện có hai nghĩa địa tàu. Một nghĩa địa gồm những xác tàu đã nát và một bao gồm những tàu bị sóng, gió đánh giạt lên bờ.
Bởi ngư nghiệp là sinh kế chính, tàu đánh cá là cần câu cơm, ngư dân xã Cát Khánh đang tìm mọi cách để vớt vát, cứu tương lại của họ.
Ở nghĩa địa gồm những xác tàu đã nát và tàu chìm, ngư dân cố gắng vớt từng mảnh xác tàu để thu hồi ván, gỡ máy tàu, thu hồi ngư cụ và các phương tiện hỗ trợ hải hành. Một số đang chìm dưới nước, số khác bị sóng, bị gió vùi sâu dưới bãi cát ven bờ. Biển sắp động, nếu không vớt, gỡ, thu hồi kịp, sóng biển sẽ cuốn sạch mọi thứ.
Còn tại nghĩa địa với những con tàu bị sóng, gió đánh giạt lên bờ, ngư dân mướn cẩu, mang máy tàu ra khỏi tàu. Dù chỉ cách mép nước chừng 20 thước nhưng ngư dân không đủ sức đưa tàu trở lại biển. Thuê phương tiên nâng tàu lên, chêm con lăn, lót ván, mướn phương tiện kéo tàu xuống nước trở lại nhưng chưa đâu vào đâu thì sóng đã tràn vào, vít con tàu lún sâu hơn trong cát.
Giải pháp còn lại mà họ có thể thực hiện là đóng cọc vây tàu, dồn cát vào bao rồi dựng thành một hàng rào chắn sóng. Ít ai tin giải pháp này hữu hiệu vì loại hàng rào chắn sóng vừa kể khó mà có thể ngăn được tác động của sóng biển khi biển động. Rồi những con tàu mắc cạn cũng sẽ chung số phận với nhưng con tàu đã thành những đống gỗ vụn!
Nhiều ngư dân tâm sự với phóng viên tờ Tiền Phong rằng họ đã làm tất cả những gì có thể nhưng họ biết chắc là không hiệu quả. Không ít người ứa nước mắt vì kiệt sức và bất lực. Họ khẩn khoản nhờ báo giới kêu giúp với nhà nước. Họ tin rằng các chuyên gia sẽ có cách trước khi sóng biển phá hủy tất cả.
Tuy nhiên nhà nước đang có “trăm công, nghìn việc.” Tổng bí thư đảng CSVN đang bận làm việc với tổng cục tình báo của Bộ Quốc Phòng để nhắc nhở cơ quan này phải “tuyệt đối trung thành,” phải “nắm chắc âm mưu, ý đồ, kế hoạch, biện pháp, thủ đoạn nhằm thực hiện chiến lược ‘diễn biến hòa bình,’ bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch,” rồi phải “gương mẫu, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.”
Chủ tịch nhà nước thì đang bận chỉ đạo “70 năm Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến.”
Còn thủ tướng thì đang bận thăm các doanh nghiệp của Bộ Quốc Phòng để nhắc nhở những doanh nghiệp này phải “kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng.” (G.Đ)

Ngư dân biểu tình và chính quyền đã hứa những gì?

Hoàng Dung, RFA Bangkok 2016-12-20  
Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa.
Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa. Hình thính giả gửi RFA
Vào sáng ngày 12/12/2016, gần 1.000 người dân ở xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã đồng loạt lên Quốc lộ 1A, gần UBND thị xã Kỳ Anh để biểu tình, yêu cầu chính quyền đền bù cho thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Biểu tình đòi bồi thường

Từ sự cố Formosa xả thải đến nay đã gần 8 tháng, ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung không có thu nhập gì, để giúp cho bà con ngư dân có thể ổn định được cuộc sống, thì vào ngày 29/9/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc đền bù cho bà con ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung, số tiền này được trích ra trong 500 triệu đôla mà Formosa đã bồi thường do sự cố mà họ gây ra.
Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ, thì chính phủ trung ương yêu cầu chính quyền địa phương được nằm trong diện đền bù, phải nhanh chóng thực hiện việc sao kê, kiêm kê những thiệt hại để trong tháng 10 tất cả các ngư dân phải nhận được tiền đền bù.
Tính đến nay, phần lớn các ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung đã nhận được tiền đền bù, tuy nhiên ngư dân ở xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn chưa nhận được, do chính quyền cố tình làm chậm, làm sai quyết định của chính phủ.
Bất bình trước việc làm của chính quyền Kỳ Anh, vào trưa ngày 12/12 gần 1.000 bà con ngư dân ở xã Kỳ Hà đã đồng loạt lên Quốc lộ 1A gần trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh để biểu tình, yêu cầu chính quyền nhanh chóng thực hiện việc đền bù cho bà con ngư dân vì cuộc sống của họ đã quá khổ, những khẩu hiệu được xuất hiện trong cuộc biểu tình là:
Trả tiền tiền bù cho dân”, “Khạc tiền ra cho dân”, “Formosa hãy cút khỏi Việt Nam”, “Ai đã rước Formosa về để đầu độc dân Việt”, v.v…

Cuộc sống khó khăn

Người dân xã Kỳ Hà 100% làm nghề biển, từ đánh bắt cá cho đến làm muối, nên cuộc sống của người dân từ trước đến nay đều phụ thuộc vào biển, nay biển chết cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn.
bieutinh-formosa-2-622.jpg
Ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa. Hình thính giả gửi RFA
Chia sẻ với chúng tôi bà Nguyệt ở Kỳ Hà cho biết, bức xúc trước việc làm của chính quyền, họ cố tình làm chậm, làm sai công văn của chính phủ, người dân khổ quá nên họ mới tập trung lên đường đi biểu tình, chứ thực sự họ không muốn làm vậy:
“Tiền đền bù từ 8 tháng trời đến giờ xã chối quay chối quắt chứ chưa cho dân nhận đồng nào”.
Bà Hà cũng cho biết người dân đi vậy là để đòi quyền lợi cho họ, cho con em của họ, vì chính quyền làm sai:
“Dân bầy tui là phải xuống đường để đòi hỏi quyền lợi cho con em của chúng tôi”

Chính quyền hứa gì?

Trước sự việc gần 1.000 người dân biểu tình gây ách tắc giao thông gần 1 tiếng đồng hồ, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đã đến gặp gỡ, động viên khuyên nhủ bà con ngư dân về thôn Bắc Hà xã Kỳ Hà để họp.
Tại đây ông Nguyễn Quốc Hà đã lắng nghe ý kiến của bà con ngư dân và ông hứa chính quyền sẽ sao kê tài sản cũng như thiệt hạ theo quyết định số 1880 của chính phủ và trước lễ Giáng Sinh này ngư dân sẽ nhận được tiền đền bù đầy đủ do Formosa gây ra.
Bà Nguyệt kể lại: “Ông hứa là làm như giấy của chính phủ đề ra và trước Noel sẽ giải quyết tiền cho dân”.
Bà Hà cũng cho biết là chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh hứa là đến 20 tháng 12 người dân sẽ nhận được tiền đền bù của Formosa:  “20 tháng 12 này sẽ có tiền đền bù cho dân”

Liệu chính quyền có giữ lời hứa?

Trước lời hứa của ông chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thì nhiều ngư dân ở xã Kỳ Hà không có hy vọng nhiều, vì theo họ chính quyền đã lừa dân nhiều rồi, lần hứa này cũng như những lần hứa khác họ chỉ làm đẹp lòng dân thôi.
Bà Nguyệt cho biết, vào tối ngày 14/12 ông Nguyễn Quốc Hà có về họp với dân như lời ông hứa, nhưng rốt cuộc cuộc họp chẳng đi đến đâu, nên lời hứa đến Noel ngư dân sẽ có tiền thì người dân không hy vọng:
“Họp ra đó, ông nói vậy chừa lòng dân cho được lòng dân, chứ xã cũng như huyện và huyện cũng như xã”
Bà Hà cũng chia sẻ thêm, chính quyền thị xã Kỳ Anh nói 1 đường, nhưng chính quyền xã lại làm đàng khác nên người dân họ không tin vào chính quyền vì đó là chiêu trò của chính quyền, vì người dân ở xã Kỳ Hà đã sao kê 5 lần, nhưng chính quyền xã vẫn không chấp nhận.
Bà Hà cho biết, nếu đến 20 này người dân chưa nhận được tiền họ sẽ tiếp tục biểu tình đến khi nào họ nhận được tiền mới thôi:
“Tôi không chắc chắn đến 20/12 này sẽ có, bởi vì ông Hà nói vậy nhưng bên chính quyền xã nói là nếu ông Hà chấp nhận cho bà con nhưng xã không ký thì bà con không nhận được tiền, họ lại trả lời với dân như vậy”.
Ông Minh một ngư dân ở Kỳ Hà cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, ông chỉ muốn được yên ổn làm ăn, nhưng từ khi Formosa xả thải đến nay, cuộc sống của người quá khổ trong khi lại bị chính quyền lừa hết lần này đến lần khác nữa, nên giờ người dân chúng tôi thật sự mất hết niềm tin ở chính quyền này rồi.
Ông Minh cho biết thêm, ông và người dân ở Kỳ Hà sẽ tiếp tục đấu tranh trước mắt là đấu tranh để nhận được tiền sau nữa là đấu tranh để đòi Formosa rời khỏi Việt Nam vì Formosa đang tiếp tục xả thải ra biển để giết người dân Việt Nam.

Lũ lụt Miền Trung

Ảnh Xóm nhiếp ảnh
Các bạn thân mến.

Năm ấy tôi lên sáu tuổi. Tôi là cậu bé ở một vùng quê của dải đất miền trung nghèo nàn, cơ cực. Trời mưa liên tiếp mấy ngày, tôi đứng bên hiên nhà, nhìn chung quanh nước tràn bốn phía, màu nước đục vàng đe dọa. Thuở đó, làm gì có tin tức khí tượng được lan truyền tới những vùng quê, vẫn còn quen thuộc với ánh sáng của ngọn đèn dầu hôi. Người dân quê miền trung nước Việt chỉ đoán định thời tiết nhờ vào kinh nghiệm của bản thân hay của ông bà truyền lại.

Nếu tôi nhớ không lầm, trận lụt ghê gớm năm đó xảy đến vào tháng Mười năm 1964 thì phải. Nhìn cơn mưa càng lúc càng dai dẳng, Ba tôi rất lo lắng. Ông bảo Mẹ tôi và chị Bảy, lớn hơn tôi ba tuổi, lo vun vén đồ đạc trong nhà, những thứ như gạo, lúa, quần áo hay giấy tờ không thể nào ngâm trong nước, tất cả được chuyển dần lên trên gác lửng.

Sáng hôm ấy, mực nước ngoài sân từ từ dâng cao. Ba tôi không còn chờ cơn mưa dứt và nước sẽ rút đi khi nhìn màu trời xám xịt, ẩm thấp. Ba tôi đội áo mưa, cầm rựa ra vườn, lựa những thân chuối hột khá lớn, ông đốn chúng và trẩy lá, chỉ để thân chuối. Tôi còn nhỏ quá, nhưng đứng cạnh đó, Ba sai gì thì tôi làm nấy. Ba đóng sáu thân chuối lại làm thành chiếc bè, có thể di chuyển trên mặt nước. Gần trưa, nước đã khá cao, nếu tôi đứng ngoài sân thì đã cao quá đầu. Nhà tôi ở gần đường xe lửa, từ con dốc đường rây vào tới nhà tôi khoảng chừng hơn trăm mét. Thế nên chiếc bè chuối mà Ba tôi mới đóng, chỉ là để dùng đưa cả nhà và những vật dụng tối cần như gạo, mắm, muối, hột vịt v.v... từ trong nhà ra tới con dốc đường xe lửa, không xa lắm. Lúc đó không có mái chèo, mà dẫu có mái chèo, Ba tôi cũng không rành chèo chiếc bè như người dân trong miền tây nam bộ, ông ngâm mình trong nước đẩy chiếc bè có Mẹ tôi, chị Bảy và tôi trên đó từ từ ra phía con dốc. Thời gian đó không có các anh lớn của tôi ở nhà vì đã ra ngoài thị xã trọ học.

Chúng tôi đi lên con dốc cao, từ nơi này, nhìn ra cánh đồng ruộng phía bắc, tất cả đều một màu vàng đục của nước lũ. Tôi mang bọc nhỏ quần áo và cái mền, sức của tôi chỉ chừng đó, bước thấp bước cao theo chân chị Bảy và Ba Mẹ, dọc theo đường rây xe lửa, đi về hướng Nam. Đi bộ hơn hai cây số, chúng tôi đã đến nơi cần đến, đó là một ngôi chùa được xây cất trên một ngọn đồi khá cao đối với tôi lúc đó. Dọc đường, đầu óc thơ ngây của tôi lần đầu tiên thu vào những hình ảnh thê thảm mà tôi vẫn nhớ hoài. Trước mắt tôi, những con heo, bò, chó và đồ gia dụng của cư dân trong thôn làng trôi theo giòng nước hung hãn của cơn lũ. Những cái đầu heo, đầu bò lúc còn lúc mất, chập chờn trên mặt nước với những tiếng kêu tuyệt vọng, thảm thiết. Sau này mỗi khi nhớ lại lần tản cư tránh lũ năm ấy, tôi đều cảm thấy may mắn, vì nếu lúc đó tôi nhìn thấy thảm cảnh con người bị trôi đi trong cơn lũ, không biết tôi còn bị ám ảnh tới đâu!

Trong chùa có nhiều gia đình đã đến trước chúng tôi. Sư thầy và mấy chú tiểu giúp chúng tôi sắp xếp chỗ ở tạm. Quanh chùa, tôi thấy những nồi cơm bắc trên mấy cái kiềng ba chân, củi đốt là những thân cây ẩm nước khiến khói bốc lên mù mịt. Mưa vẫn không ngớt, bầu trời còn nguyên màu xám xịt. Bữa cơm mùa lũ với cơm và hột vịt luộc dằm mắm mà sao tôi nghe nó ngon quá chừng. Ba Mẹ tôi không ngớt lo lắng vì hoa màu và lúa ngoài đồng ruộng đã gần tới mùa gặt mà bị lũ thế này thì có khác gì mất trắng. Riêng tôi, thuộc hạng lo chưa tới, cứ thế mà ngủ khì trong đêm đó.

Tôi nhớ rằng gia đình tôi đã ngủ ở trên ngôi chùa đó trong hai ngày. Khi trời dứt mưa, nước bắt đầu rút đi, chúng tôi chân thành cảm ơn Sư Thầy và bắt đầu hồi cư về làng.

Bước chân vào trong sân, tôi kinh ngạc nhận ra sự tàn phá của cơn lũ. Trong sân, trên nền nhà nhầy nhụa bùn đất. Vật dụng trong nhà cái còn cái mất. Mấy con gà mẹ tôi nuôi, nhờ bay lên cành cao ngủ trên đó thì còn, riêng mấy con heo thì mất tiêu. Căn nhà trong lúc bình thường thì ấm áp với hơi người, với bếp lửa, bây giờ đứng giữa căn nhà sau cơn lũ tôi thấy trống vắng và lạnh lùng phát sợ. Tôi còn nhớ hôm đó tôi bị nhiễm lạnh và phát sốt, trên thân mình nổi mề đay ngứa ngáy, cũng may có lẽ chỉ là dị ứng bình thường, chứ không có gì nghiêm trọng.

Thuở đó, miền trung mùa hạ nắng lửa nung trời, mùa đông lũ lụt là chuyện bình thường, nhưng cơn lũ năm đó quá lớn đã khiến người dân miền trung Việt Nam bàng hoàng với những tổn thất về nhân mạng, về nhà cửa hoa màu. Tuy vậy nỗi khốn khổ vì lũ lụt miền trung thập niên 60 so với tình trạng lũ lụt cả nước bây giờ thì chả có gì là ghê gớm. Rõ ràng đã có những hiện tượng cực kỳ bất thường đang xảy ra trên đất nước của chúng ta. Thành phố Sài Gòn ngày nay, chỉ cần mưa không dứt trong vòng một tiếng đồng hồ, thì ngoại trừ những khu đất khá cao, tất cả nẽo đường đều chìm trong nước. Hiện tượng này, theo những người am hiểu địa thế của thành phố Sài Gòn, là do sự thiếu hiểu biết trong việc quy hoạch xây dựng những công trình, những khu gia cư. Những giòng chảy để nước lũ rút nhanh bây giờ đã bị những công trình, những khu chung cư chận lại, hỏi làm sao không gây ra ngập lụt đường phố? Những người CSVN, sau khi thắng trận năm 1975 đã có niềm tự hào của một anh nhà giàu mới nổi, cứ "duy ý chí" một cách ngu đần rằng ta đây đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ thì việc gì cũng ở trong tầm tay. Những đề nghị, những ý kiến xây dựng hữu ích của những người, tuy không ưa gì CS nhưng nghĩ đất nước giờ đã hoà bình, cần đóng góp xây dựng, hoàn toàn không lọt vào tai những kẻ ngu, cứ hỉnh mặt lên, lấy cái vốn bổ túc văn hóa của mình ra để dạy đời cho thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư miền Nam. Tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn của đường phố Sài Gòn hiện nay là kết quả tất yếu của một đường lối hành chính, quy hoạch ngu xuẩn.

Còn miền Bắc và miền Trung Việt Nam thì riêng năm 2016 đã có những hiện tượng rất bất thường. Chưa có năm nào mà tình trạng lũ chồng lũ lại gây tác hại nghiêm trọng về nhân mạng, của cải, hoa màu như thế. Từ đầu năm 2016 đến nay mà chỉ riêng miền trung, đã có hơn 250 người chết và mất tích, thiệt hại nói chung là hơn 70 triệu US dollars. Lý do, một phần do nền kỹ nghệ nặng sản xuất vượt mức trong khu vực, khiến khí thải tuôn vào không gian, làm thay đổi thời tiết, khí hậu, một phần quan trọng khác chính là nạn phá rừng cực kỳ nghiêm trọng. Theo một số liệu không chính thức, diện tích rừng của Việt Nam trong mấy mươi năm qua hiện còn chưa tới 1/3. Quan tham cấu kết với lâm tặc, thi nhau khai thác rừng bừa bãi, chả thèm để ý gì tới lợi ích về lâu về dài của đất nước, của dân tộc. Cây rừng giúp hút và giữ nước để tránh nạn nước lũ chảy về đồng bằng miền trung Việt Nam bây giờ hầu như đã tàn, nước lũ không có gì ngăn cản, hỏi sao không ngập lụt. Lại thêm những đập thủy điện, mỗi khi mưa nhiều, sợ vỡ đập, cứ xả lũ vô tội vạ, không cần kế hoạch điều tiết gì, cũng không cần thông báo trước cho cơ quan xã, huyện địa phương. Chỉ để cận giờ, nhắc điện thoại nói qua loa cho xong, gọi là đúng quy trình, sau đó xả lũ thẳng tay, mặc cho người dân đen lúng túng, không đủ thì giờ vun vén những vật dụng cần thiết tránh lũ.

Mấy tháng trước, Hà Tĩnh chịu nhiều thiệt hại của lũ, gây ra bởi thiên tai, cộng với nhân tai là việc xả lũ vô trách nhiệm của Đập Thủy Điện Hố Hô, gây ra thảm cảnh người chết, nhà xiêu, hoa màu, gia súc thất tán. Thế mà tên tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch của cái hội tư vấn khoa học công nghệ gì đó dám khoe cái mất dạy, vô lương, ngu dốt của mình khi câng câng cái mặt tuyên bố: "Nước xả ấy có phải của Hố Hô không? Không phải, vì bản thân hồ không sinh ra nước, mà chỉ xả hết nước lũ mà hồ không thể chứa được." Không biết tên này nó ăn cái giống gì mà nó ngu xuẩn phát sợ! Chính vì chế độ có quá nhiều đứa ngu như nó, nhiều đứa tham lam như nó mà trong mấy ngày qua, người dân Bình Định đã trải qua những bi thảm mà ai nghe đến cũng nghẹn lòng. Một bé trai 11 tuổi, vì lũ lụt nên trường cho về sớm, em đã vĩnh viễn không về được tới nhà. Một cô công nhân 23 tuổi cũng tan ca về sớm với chồng con, cô cũng vĩnh viễn ra đi, để lại bé con 2 tuổi. Tôi đọc tin tức mà nghẹn ngang. Chế độ cứu trợ vật phẩm, gạo, mì gói, đặc biệt là 1500 tấn muối. Từ những kinh nghiệm của những toán cứu trợ lũ Hà Tĩnh kỳ vừa rồi, tôi không biết mỗi gia đình có nhận được vài gói mì, vài hạt muối hay tất cả đều về trú ngụ tại mấy nhà xã trưởng, thôn trưởng? Tôi không tùy hứng nói sảng đâu! Kỳ lũ Hà Tĩnh, khi đoàn cứu trợ ra khỏi làng, những tên cán bộ mặt heo đã không đến thu bớt tiền cứu trợ lũ lụt đó sao?

Các bạn thân mến.

Mấy mươi năm qua, trong chế độ CSVN, cái tình giữa người với người đã trở nên mong manh như sợi chỉ. Những truyền thống yêu thương, tình anh em, nghĩa đồng bào, đã bị cái chủ nghĩa thực dụng khốn nạn của tập đoàn CS làm cho thui chột. Con người duy lợi, vô cảm trước khốn cảnh của tha nhân. Tôi hoàn toàn không cường điệu nói ẩu, mà tình trạng đen tối đó thực sự đang tràn lan trên mảnh đất này. Hiện giờ chế độ khốn nạn đang nắm quyền, và ước vọng chính đáng của toàn dân Việt Nam là mong cho chế độ đó lụi tàn sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhưng ngay cả khi mấy tên cộng sản đó đội nón ra đi, thì người dân Việt Nam chúng ta cũng sẽ mất hàng 10 năm, 20 năm để xây dựng lại niềm tin, xây dựng lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Hành trình nào cũng có điểm khởi đầu. Chúng ta hãy khởi đầu ngay hôm nay.

Hãy vì đồng bào miền trung của chúng ta đang trong cảnh khổ mà chia cơm xẻ áo. Ở vị trí của mỗi người trong chúng ta, hãy tìm hiểu phương cách hữu hiệu và thực dụng nhất, góp chút lòng cho đồng bào miền trung. Cá nhân tôi cũng đâu khác gì các bạn. Cũng chỉ là một tấm lòng, quan tâm tới vận mệnh của đất nước và đồng bào.

Kính

Lần đầu tiên đọc báo đảng mà mình vừa rơi nước mắt vừa buồn... cười!

Tô Hải (Danlambao) - Chỉ mới hôm qua, đọc trên báo Đảng, có chuyện buồn... cười về tình trạng bi-hài trong giới văn nghệ... Đó là: Ông Tổng thư ký Hội Nhà Văn công khai trên báo chí: "Sẽ tính đến chuyện bán cả 2 trụ sở Hội làm nhà hàng khách sạn để lấy tiền hoạt động trước nguy cơ Hội phải giải tán vì nhà nước cúp tài trợ!" Chả khác gì: "Không chịu chi tiền cho chúng em thì chúng em đành... nghỉ sáng tác vậy”!

Một chuyện "làm mình làm mẩy" đến nực cười!...

Nhưng, hôm nay, mở tờ Tuổi Trẻ lại có một tin về văn hóa nghệ thuật động đất, động trời chưa từng xảy ra tại đất nước VN. Một tin làm cả hàng ngàn văn nghệ sỹ chân chính không thể không thét lên: "có thế chứ!", bởi tính chất "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của nó rõ ràng là đã quá....” tích cực”, dù cái thể chế hiện nay người ta đang hô hào tiếp tục "đổi mới", nhưng... nói thẳng ra rằng: nó đang ngày càng đâm đầu vào bụi rậm mà chẳng tìm ra cái ný sự cùn nào để khẳng định nó là dơi hay là chuột!. Bài báo như sau:


Tớ hăm hở, cố đeo kính chống mù, đọc đi, đọc lại mà chẳng để ý gì đến trên má mình đã từ từ chảy xuống những giọt nước mắt đọng lại trên mi từ khi đọc đến 2 cái tên mà mình quá quen thuộc...

Đó là 2 họa sỹ - bạn già - cùng phục nhau vì đồng lý tưởng khao khát tự do cho sáng tác nên phải sống cực khổ cho đến chết mà vẫn bị coi là "phần tử chống đối giai cấp!” Tuy không bị đi cải tạo như anh em “Nhân văn- giai phẩm” nhưng họ cũng bị suốt đời kềm kẹp do đã "dám liều mình" xin ra khỏi cơ quan nhà nước, dám không sinh hoạt ở các Hội chính trị - nghề nghiệp mà Đảng đã dựng nên để kiểm soát về nội dung tư tưởng trong tác phẩm và cả trong suy nghĩ, lới ăn, tiếng nói, tác phong sinh hoạt của mỗi cá nhân nghệ sỹ...

Riêng đối với một số văn nghệ sỹ quyết tâm rời bỏ cơ quan nhà nước, không lương bổng, tem phiếu, không có ai quản lý này thì... chẳng còn ông bí thư hay thủ trưởng nào ngăn cản được họ vẽ cái gì? vẽ theo trường phái nào?. Không cho triển lãm, thì treo tranh ở nhà... nhà chật chội thì đem treo ở nhà bạn bè hoặc xếp hàng đống dưới gầm giường! (như Lưu công Nhân thời ở khu tập thể Văn Chương)

Riêng mình, có hai người thân quen nhất lần này có tên trong ba họa sỹ đã quá cố (*) được đánh giá lại giá trị, tài năng qua tác phẩm bằng buổi bán đấu giá tới mấy chục ngàn USD một bức tranh, làm mình cảm động nhất vì nó gợi lại cả một thời kỳ văn nghệ sỹ miền Bắc phải viết, vẽ, diễn,... theo ý Đảng để được... hưởng lương và được mua lương thực, nhu yếu phẩm theo tem phiếu.

Đấu giá tranh tiền cả mấy chục ngàn đô-la của họa sỹ VN đã qua đời 

Ơi! Trần Đông Lương ơi, cậu chết trước tớ nên chả biết được lúc này tớ khóc thầm cho cậu vì đang nghĩ đến cái cảnh cậu ì ạch vác đến tận nhà tớ bức tranh mà cậu biết là tớ thích! Cậu tặng tớ mà tớ thì không dám lấy vì mua nó tớ cũng chả dám đề cập đến nữa là; Tớ nói: "Ông định trả ơn tôi về mấy chục kí gạo tôi mang đến cho chị và các cháu đấy à! Tranh này, gặp dịp có thể bán được cả ngàn đô-la chứ chẳng đùa đâu" Ai ngờ cậu nói "Ơn huệ cái mẹ gì! Lúc khó khăn này tình nghĩa anh em mình, cả triệu đô la cũng chẳng mua được ấy chứ, còn tranh tớ, dưới quyền lãnh đạo của mấy ông bần cố nông này thì có đến mùa quýt cũng chăng ai dám bỏ ra lấy một trăm đô mà mua tranh bọn mình! Toàn con gái, chim hoa, lá, cá cả mà!"... Thế mà...

Đông Lương ơi! Hôm 17/12/2016 vừa rồi, tại ngay đất Sài-Gòn này bức "Chân dung thiếu nữ" chì trên giấy của cậu đã được mua với giá hai mươi ba ngàn đô-la đấy!

Chỉ tiếc rằng: Lúc này đây cậu đã mang theo mối hận về trời và không hiểu có phải các cháu nó đứng ra bán hay lại qua tay một người "mua rẻ" bằng gạo cứu đói như mình?

Còn ông bạn già hoạ sỹ Lê Văn Xương thì lại trong một hoàn cảnh đặc biệt khác. Ông không đi kháng chiến chống Pháp mà đi triển lãm tranh chân dung Việt Nam ở tận Paris. Đặc biệt ông có tài vẽ chân dung, rất nhanh, rất sống động và nhấn được cá tính nhân vật qua mầu sắc và ánh sáng... Nhưng mấy ông cách mạng hỏi ông về bằng cấp thì... chưa tốt nghiệp Mỹ Thuật Đông Dương nhưng đã được người Tây mời đi triển lãm! Và thế là ông cứ phất phơ yên lặng làm nghề vô cùng nổi tiếng. Nhưng tranh, tượng của ông "không theo đường lối vô sản", không phục vụ kịp thời mọi nhiệm vụ chính trị nào mà Đảng đang để ra cả!... Ông ở khu phố lại kiếm ra tiền bằng nghề vẽ và nặn tượng bất cứ ai ông yêu thích nên họ "đấu tố" ông đủ điều... Cuối cùng, để yên thân, ông xin vào cơ quan mà mình mới được Quân Đội "tăng cường" cho bên Nhân Đân(!?): Nhà xuất Bản Mỹ Thuật Âm Nhạc. Thế là mình... để ý đến cái ông già suốt ngày mẩu thuốc là dính mép, cặm cụi nặn bác Hồ bằng thạch cao, cái nào cũng y hệt cái nào, nằm tầng tầng lớp lớp trong căn phòng chưa được 40 mét vuông của Ban Nặn Tượng gọi cho sang trọng là Tổ... Tạo Hình! Nghệ thuật tạo hinh đồng loạt của nhà nước sản xuất ra để “bán cũng như cho mà! Văn Xương chấp nhận về làm việc ở chỗ đó, theo hợp đòng như một người “thợ lành nghề”, chẳng nói, chẳng rằng cho đến hết giờ hành chính, không đến muộn cũng như chẳng về sớm bao giờ!. Riêng với mình, thấy mình hơi... "khác đời", thỉnh thoảng ông cũng tâm sự về cái sự “yên lặng là vàng của ông” Rằng thì là: vì có cơ quan kiểm soát rồi thì về nhà sẽ tha hồ... kiếm ra vàng,... Hai con người trong ông cứ thế song song tồn tại. Cho đến ngày 30/4/1975 thì ông hủy hợp đồng làm việc với cơ quan..., Về Sài Gòn ông mở một xưởng vẽ và làm tượng đủ kiểu cho bất cứ ai com-măng trả tiền!... Chả lệ thuộc vào ai. Cơ sở của ông ở ngay mặt tiền Nguyễn Đình Chiểu, không lúc nào vắng khách đặt hàng... Ông sống phây phây trước mọi khó khăn của xã hội những thập niên 70-80... Tuy vậy, thỉnh thoảng ông cũng hy sinh chuyện "vắt đất ra tiền" để buộc đồ nghề trên pooc-ba-ga xe đạp đi đây đó vẽ cho đỡ nhớ! Một địa chỉ mà ông thường đến thăm là cái chuồng cu 23 Lý Tự Trọng của mình, mà bà xã sau này của mình thường được nhờ làm mẫu với cái giá.. "Vẽ 5 cho chọn lấy 2!" Kể cũng thỏa đáng!

Và đây lão nghệ sỹ Văn Xương không có tiền thuê người mẫu, 
chỉ vẽ con cháu và ai muốn vẽ free thì cứ... “vẽ 5 tranh chọn 2”

Đây tranh của họa sỹ Trần đông Lương, người nghệ sỹ tài năng 
mà cả nhà phải "đoi sắc" vì dám xin ra khỏi biên chế để được tự do sáng tác!

Hôm nay, báo đăng tranh lụa "Thiếu Nữ" của Lê văn Xương do chính con ông kiêm người mẫu trong tranh đứng ra bán được HAI MƯƠI HAI NGÀN NĂM TRĂM USD, mình bỗng nhớ tới những ngày cùng ông sống chung một cơ quan,... Một họa sỹ đảng không công nhận nhưng... cứ yên lặng ngậm chặt chữ “Nhẫn”, kín tiếng suốt ngày để làm nghệ thuật ăn lương nhà nước và về nhà thì... làm nghệ thuật theo cái đầu và con tim của mình!

Cho tới giờ, tôi càng cảm phục tài năng, sức chịu đựng, tác phong làm việc của ông, và nhân dịp giá trị đích thực của một nghệ sỹ chân chính đã được đánh giá lại, tôi bỗng nhớ ông vô cùng ông Xương ơi!... Giá mà ông còn sống để mà hưởng cái sự "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" không gì cưỡng nổi trong làng văn nghệ cánh ta lúc này!...

(*) Riêng với họa sỹ Lê Phổ, một trong ba họa sỹ đã quá cố, có tranh bán được giá cao ngày 17.12 vừa qua, do mình không quen, không biết tác phẩm của ông nên xin phép được miễn bàn.



Thù trong & giặc ngoài

Quảng Tín (Danlambao) - Trung Quốc, tay láng giềng to xác và thâm độc luôn là kẻ thù truyền kiếp cho sự tồn vong của dân tộc Việt Nam. Lịch sử hơn 4000 năm giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng kiến biết bao lần xâm lăng và mộng đồng hóa của kẻ thù từ phía bên kia biên giới phía Bắc.

Trong suốt chiều dài lịch sử chống chọi lại với thế lực bành trướng phương Bắc để bảo vệ bờ cõi của cha ông, những trang sử chói lọi ghi danh các anh hùng hào kiệt với tài trí và lòng dũng dũng cảm hơn người đã dựng cờ khởi nghĩa, xả thân chống giặc, đưa đất nước thoát gông xiềng nô lệ, tiếng thơm được lưu lại ngàn đời cho hậu thế.

Song cũng có những kẻ hèn nhát, bán nước cầu vinh, rước voi về giày mã tổ, phản bội lại dân tộc gây tang thương cho đồng bào, hậu thế muôn đời khắc ghi, ngàn năm thanh danh ô nhục.

Cho đến hôm nay, khi mà nguy cơ Bắc thuộc một lần nữa đã và đang hiện hữu ngày càng rõ nét, an nguy đến sự tồn vong của dân tộc Việt Nam mà rõ nét và dễ nhận thấy nhất đó là sự chiếm đóng trái phép của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi chính quyền Việt cộng cho tới nay đã lộ rõ bản chất hèn hạ và nhu nhược khi không dám (hoặc không muốn) đấu tranh để đòi lại biển đảo, lãnh hải do tổ tiên ta bao đời gìn giữ.

Một viễn cảnh tồi tệ nhất mà người ta thường nghĩ tới để đòi lại chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc khi đó là một cuộc chiến tranh bằng súng đạn, một cuộc đụng độ bằng quân sự để giải quyết các tranh chấp đang tồn tại. Đó là một viễn cảnh không ai trông đợi, vì hơn bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới, người Việt Nam hiểu những mất mát và hậu quả tang thương mà chiến tranh để lại là thế nào: những tổn thất to lớn về sinh mạng, một đất nước kiệt quệ về mọi mặt, hận thù chồng chất mà nhiều thế hệ không thể hòa giải được…

Nhưng ngay cả khi một cuộc đụng độ quân sự dù chỉ là nằm trên giả định để giành lại lãnh thổ, thoát khỏi âm mưu bành trướng và mộng đồng hóa đầy thâm độc của Trung cộng thì đó cũng là một giả định xa vời và hoàn toàn phi thực tế lúc này. 

Bởi một lẽ, khi đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn cầm quyền thì sẽ không bao giờ có bất kỳ một cuộc chiến tranh vệ quốc nào nữa xảy ra giữa Việt Nam và thế lực bành trướng Trung cộng. Sẽ không có bất kỳ cuộc chiến tranh vệ quốc nào nữa bởi sự nhu nhược, hèn hạ và sự phản bội của chính quyền Cộng sản Việt Nam. 

Trong khoảng 10 năm trở lại đây khi mà các cuộc biểu tình tự phát chống Trung cộng lần đầu tiên diễn ra ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn của người dân đã bị chính quyền ngăn cản, bắt bớ và trấn áp… là một minh chứng không thể chối cãi, phơi bày bản chất như nhược, bán nước, phản bội lại dân tộc của chính quyền Cộng sản.

Khi dã tâm thôn tính và mộng xâm lược của chính quyền Trung cộng đối với Việt Nam ngày càng lộ rõ và không thể che dấu cũng là lúc mà làn sóng phản đối của người yêu nước Việt Nam càng lúc càng mạnh mẽ và lan rộng. Nhưng trớ trêu ở chỗ làn sóng phản đối giặc Trung cộng của người dân, của những trí thức yêu nước không những không được chính quyền Việt cộng ủng hộ mà ngược lại họ còn ra tay đàn áp và bắt giam. Tiêu biểu nhất có lẽ là trường hợp bắt giam của chính quyền đối với Bùi Thị Minh Hằng trước đây khi tham gia tuần hành ôn hòa bày tỏ thái độ trước việc xâm chiếm biển đảo của Trung cộng, nhạc sỹ Việt Khang với hai ca khúc (Việt Nam tôi đâu và Anh là ai) làm rung chuyển chính quyền Cộng sản cũng đã chịu một mức án nặng nề. Và gần đây nhất là vụ bắt giam Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với những hoạt động phản đối đường lưỡi bò chín đoạn của chính quyền Trung cộng.

Có lẽ trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc, chưa có triều đại hay đảng phái cầm quyền nào lại hành xử một cách man rợ, bội bạc và xem người dân như mối nguy hiểm tiềm tàng khi lên tiếng chống giặc ngoại xâm như chế độ Cộng sản Việt Nam.

Việc đàn áp và bắt bớ những người yêu nước chống giặc ngoại xâm của chính quyền Cộng sản càng làm rõ bộ mặt bán nước, phản bội lại dân tộc của họ. Và chính quyền Cộng sản Việt Nam đã trở thành một trở ngại lớn nhất trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, hành động của họ trong những năm gần đây như một minh chứng không thể chối cãi rằng họ là những kẻ tiếp tay cho giặc và trở thành kẻ thù của người dân Việt Nam.

Mối hiểm họa đe dọa đến sự tồn vong của một dân tộc là “thù trong và giặc ngoài”. 

“Giặc ngoài” dẫu mạnh và hung dữ tới đâu ta cũng không sợ một khi toàn dân đồng lòng đoàn kết đứng lên thì không có kẻ thù nào khuất phục được, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh điều đó. 

“Thù trong” mới là mối hiểm họa trước mắt đối với cộng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung cộng và chính quyền Cộng sản Việt Nam chính là kẻ “thù trong” nguy hiểm nhất cho sự tồn vong của dân tộc Việt Nam lúc này.


Bệnh nghiện rượu dưới chế độ Cộng Sản

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Giống như tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, giới cầm quyền CSVN cũng sẽ từ chối và cho rằng chẳng lẽ tệ trạng nào cũng đổ lên đầu chế độ hay sao. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy đúng vậy, cơ chế chính trị CS là nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của bệnh nghiện rượu. Giấu cơn giận trong men cay, ngăn nỗi buồn nơi đáy cốc là thái độ tìm quên tiêu cực nhưng rất phổ biến của người dân thường trước những bất công đang đè lên số phận của họ. Bịnh xã hội như thế chỉ thuyên giảm khi các điều kiện vật chất và tinh thần thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn...

*

Sắp Tết, số lượng rượu bia được tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng cao. Câu hỏi đặt ra tại sao Việt Nam là một trong những quốc gia dùng rượu bia cao nhất thế giới?

Nhắc lại, hôm 26 tháng 9, 2016, Báo Vietnamnet đưa tin "Đàn ông Việt uống rượu bia nhiều nhất thế giới". Theo lời Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng dẫn chứng cho biết “Nếu tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất, đây là con số rất đáng báo động và là một trong số những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỉ lệ này”.

Cùng lúc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thốt lên: “Dù nước ta mọi mặt kinh tế, xã hội đều có sự phát triển, nhưng tỉ lệ dùng rượu bia đang tăng quá nhanh so với các chỉ số khác. Nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng rượu bia”.

Kỷ lục dùng rượu bia tai Việt Nam không phải ngẫu nhiên.

Theo công bố của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) thuộc Liên Hiệp Quốc, năm 2015, chín trong số mười quốc gia tiêu thụ lượng rượu cao nhất thế giới là những nước cựu Cộng Sản. Các nước này gồm Belarus, Moldova, Lithuania, Russia, Romania, Ukraine, Hungary, Czech Republic và Slovakia.

Lấy nước Nga, từng là nước CS lớn nhất châu Âu để phân tích trước.

Tiêu thụ rượu cao tại Nga có từ thời Sa Hoàng nhưng vượt cao sau Cách mang CS Nga 1917.

Rất nhiều lý do như thời tiết, chiến tranh, nghèo khó v.v... được đưa ra để giải thích việc sử dụng rượu quá cao tại Nga CS. Những giải thích này đều không đứng vững vì sau nội chiến, khi điều kiện sống tốt hơn và những mùa không quá lạnh số lượng rượu được tiêu thụ cũng không giảm bớt.

Tháng Năm, 1985, Gorbachev tung ra chiến dịch toàn quốc chống nghiện rượu. Ông cho rằng nghiện rượu là một trong ba căn bịnh trầm trọng nhất tại Liên Xô, chỉ sau bịnh tim và ung thư. Gorbachev hy vọng việc giảm lượng rượu được dùng sẽ giúp gia tăng năng suất, nhưng kết quả trái ngược, thu nhập lợi tức từ rượu của chính phủ có giảm nhưng mức sản xuất không tăng một cách tương ứng.

Thực tế đó cũng đã xảy ra tại Ba Lan. Trong phóng sự điều tra của báo Christian Science Monitor phát hành ngày 3 tháng 3, 1981 khi chế độ CS Ba Lan còn rất mạnh, một trong những căn bịnh xã hội trầm trọng nhất tại Ba Lan là nghiện rượu. Mười phần trăm trong số mười hai triệu công nhân Ba Lan say rượu mỗi ngày. Nhà cầm quyền CS tăng giá rượu cao với hy vọng số lượng rượu được tiêu thụ sẽ giảm, nhưng không, lượng rượu được dùng đã không giảm bớt.

Tại Đông Đức, theo nghiên cứu của sử gia Thomas Kochan trong tác phẩm "The Blue Strangler - Drinking habits in the GDR”, Đông Đức trong thời kỳ CS tiêu thụ rượu cao nhất châu Âu và gấp đôi Tây Đức. Chữ “The Blue Strangler” trong tác phẩm của ông là hiệu rượu vodka Đông Đức có 40% cồn. Lương trung bình của một công nhân Đông Đức khoảng 500 Marks trong lúc một chai rượu Cognac giá 80 Marks. Trong số những người nghiện rượu hạng nặng có cả các ủy viên Trung ương đảng hay ủy viên Bộ Chính trị CS Đông Đức như trường hợp Alfred Neumann.

Tại Trung Cộng, theo công bố của WHO vào tháng 12, 2012 “Alcohol and alcohol-related harm in China: policy changes needed”, số người uống rượu tại Trung Cộng cao hơn phần lớn nhân loại với 55.6 phần trăm đàn ông và 15 phần trăm đàn bà uống rượu. Hiện nay, Trung Cộng là một trong những nước sản xuất bia nhiều nhất thế giới. Uống rượu trong giờ làm việc cũng là một tình trạng phổ biến tại Trung Cộng và tình trạng này gắn liền với tham nhũng, hối lộ trong giới chức nhà nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ bịnh gan có liên quan đến rượu nơi giới viên chức nhà nước CS cao hơn nhiều so với giới dân thường. Ngay cả báo đảng Nhân Dân Nhật Báo cũng thừa nhận tình trạng uống rượu trong lúc làm việc và viết hàng loạt phóng sự về vấn đề này.

Các phân tích đó cho thấy cơ chế chính trị Cộng Sản là một tương quan nổi bật giữa các nước CS Liên Xô và Đông Âu trước đây cũng như Trung Cộng và CSVN hiện nay. Các thể hiện của tương quan này:

- Mượn rượu giải sầu: Nhiều công nhân, nông dân dưới các chế độ CS mượn rượu để làm lối thoát cho lòng tổn thương, thất vọng. Sự thất bại của các chính sách cai nghiện rượu cho thấy việc giải quyết không đơn giản là tăng giá như chính phủ Ba Lan hay Liên Xô đã làm nhưng phải áp dụng các cải cách chính trị kinh tế căn bản.

- Say rượu là một biểu hiện của thái độ trốn chạy thực tế (escapism): Lý do chính như Michael Binyon trong nghiên cứu Life In Russia xuất bản vào thập niên 1980 cho rằng nhiều người Nga uống rượu chỉ để say. Họ tuyệt vọng khi đối diện với một “khoảng trống tinh thần”, một xã hội không còn có những giá trị văn hóa của đất nước họ đã từng có trong lịch sử trước đó.

- Điều kiện sống: Nhà ở chật chội, lương bổng thấp, thiếu thốn mọi thứ cần thiết và sống trong bóng tối theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã đẩy người dân chọn rượu như là phương tiện “giải trí” dễ có nhất. Trong một xã hội thiếu thốn những món hàng căn bản trong đời sống hàng ngày của con người nhưng lại có đầy đủ rượu. Giới cầm quyền CS từ chối nguyên nhân này nhưng thực tế đó đã được rất nhiều nghiên cứu rút ra khi so sánh đời sống của công nhân dưới hai xã hội tự do và CS.

- Giới cầm quyền CS không quan tâm đến sức khỏe của người dân: Đối với giới cầm quyền CS, thu nhập và thuế do việc tiêu thu rượu đem lại quan trọng hơn là sức khỏe của người dân. Vladimir Treml, một nhà kinh tế thuộc cựu Nga CS đang làm việc tại Duke University cho biết “Hơn sáu mươi năm, thuế rượu đem lại 12 phần trăm đến 14 phần trăm thu nhập của nhà nước” và do đó nhà nước CS khuyến khích hơn là ngăn chận tệ nạn lạm dụng rượu tại Liên Xô.

Chế độ CS đã sụp đổ tại Châu Âu nhưng những căn bệnh xã hội do cơ chế gây ra đã trở thành một lối sống, một văn hóa xã hội chủ nghĩa tại những nước này và không thể dễ dàng thay đổi.

Giống như tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, giới cầm quyền CSVN cũng sẽ từ chối và cho rằng chẳng lẽ tệ trạng nào cũng đổ lên đầu chế độ hay sao. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy đúng vậy, cơ chế chính trị CS là nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của bệnh nghiện rượu.

Giấu cơn giận trong men cay, ngăn nỗi buồn nơi đáy cốc là thái độ tìm quên tiêu cực nhưng rất phổ biến của người dân thường trước những bất công đang đè lên số phận của họ. Bịnh xã hội như thế chỉ thuyên giảm khi các điều kiện vật chất và tinh thần thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn.

20.12.2016

Thủ tướng: hải quân, quân đội hãy vừa bám bờ vừa ráng làm ăn

Bạn đọc Danlambao - Kiên quyết không để rơi vào tình trạng quân đội chỉ bám bờ thì chỉ có nước cặp đất mà ăn, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắn pháo lệnh để các chiến sĩ đảng ta anh hùng phải ra sức làm giàu.

Phát pháo này được thủ tướng sáng suốt chọn lựa nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) sắp tới để phản ảnh đúng truyền thống hào hùng của quân đội đảng ta.

Trong dịp này, thay vì phải lặn lội đội nón cối, xăng quần, chống gậy tới tận những tiền đồn hẻo lánh dễ bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe vàng ngọc, đồng chí thủ tướng đảng ta đã chọn Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để gửi lời nhắn gửi ngọc ngà châu báu.

Tân Cảng Sài Gòn là một doanh nghiệp quốc phòng - kinh tế thuộc Quân chủng Hải Quân, lực lượng đặc biệt chuyên bám bờ.

Tại đây ông thủ tướng đã bày tỏ sự mong muốn rằng "Tổng Công ty từng bước vươn ra tầm quốc tế với tinh thần khởi nghiệp không ngừng, sáng tạo trong kinh doanh để xây dựng Tân Cảng Sài Gòn trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam về kinh tế biển." (*)

Ông thủ tướng cũng không quên nhắc nhở đám quân đội làm ăn chuyên nghiệp này phải tiếp tục phát huy tinh thần "bộ đội Cụ Hồ", luôn đổi mới không ngừng, không dừng lại với những gì đã có.

Chính xác! Đừng dừng lại với những gì đã có. Cũng đừng lo lắng về những gì mà đất nước đã mất. Hãy kiên trì bám bờ, bám bụi và bám ghế để làm giàu theo đúng tinh thần bộ đội Hồ Tập Chương.

Thông điệp của Nguyễn Xuân Phúc đã làm các đồng chí tướng tá đảng ta hồ hởi, phấn khởi trước viễn ảnh vẫn được tiếp tục công cuộc phá rừng, đốt núi, khai thác tài nguyên và làm giàu sau khi đồng chí đại phú Phùng Quang Thanh ngơ ngáo bị tống cổ về vườn.

20.12.2016



__________________________________

Tại sao doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rút vốn khỏi Việt Nam?

Bảng hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài được nhìn thấy xung quanh Thương Xá Tax ở thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Bảng hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài được nhìn thấy xung quanh Thương Xá Tax ở thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

VOA Tiếng Việt- 20.12.2016 
Ô nhiễm và suy thoái môi trường ở Việt Nam là hai vấn đề được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nêu lên tại một Diễn Đàn Doanh Nghiệp gần đây. Họ cảnh báo hai vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo 1 đoạn video của VTV 1 trên Youtube, đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đã nêu lên những quan tâm và lo lắng về mức độ ô nhiễm môi trường mà theo VTV1, là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam.
Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định với VOA-Việt Ngữ rằng đang có 1 xu thế các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi thị trường tài chính Việt Nam:
"Theo đánh giá của một số chuyên gia thì 1 số quỹ đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng 400 triệu đô la cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán của Việt Nam. Nhìn chung việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài là một điểm đáng chú ý."
Theo tiến sỹ Doanh thì có 1 số nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Một trong các nguyên nhân là do Mỹ rút ra khỏi TPP và kỳ vọng của các nhà đầu tư sẽ không được thực hiện. Ngoài ra chuyên gia kinh tế này cho rằng tình hình nợ công và tài chính của Việt Nam đang làm giới đầu tư lo lắng.
Tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 5/12 tại Hà Nội, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều nhắc đến vấn đề ô nhiễm đáng báo động ở Việt Nam, và cho đó là lý do họ xét tới để quyết định liệu có tiếp tục kinh doanh đầu tư tại Việt Nam hay không. Ông Dominic Scriven, chủ tịch điều hành của Dragon Capital Group và là trưởng Nhóm Thị Trường Vốn, cho biết các lý do đưa đến quyết định rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư lớn nhất của tập đoàn Dragon. Ông nói:
"Sự cố lớn tại miền Trung năm nay, những vấn đề liên quan đến sông Mekong, hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu, chưa kể những ảnh hưởng không tốt đối với uy tín quốc gia từ vai trò của Việt Nam trong việc buôn bán động vật hoang dã đều là những vấn đề mà thế giới đang chứng kiến. Rất tiếc phải thông báo rằng tuần vừa rồi nhà đầu tư lớn nhất của công ty Dragon chúng tôi đã loan báo quyết định rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường."
Ngoài thảm họa cá chết dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung sau đó được xác định là do nguồn xả thải chất nhiễm độc của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, các hệ thống sông hồ ở những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt. Ngoài ô nhiễm nguồn nước, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng đã lên đến mức báo động. Theo đánh giá của một tổ chức nghiên cứu môi trường Thụy Điển, Việt Nam nằm trong số 10 nước có không khí ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới. Đây đang là mối lo đối với những người nước ngoài muốn đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Ông Kenneth Atkinson, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, nói tại diễn đàn doanh nghiệp trên VTV1:
"Mức độ ô nhiễm đang tăng cao một cách rõ rệt và ở mức báo động. Điều này sẽ có tác động tới những người muốn chuyển gia đình tới sinh sống ở Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính của vấn đề này nằm ở sự yếu kém trong quản lý và thực thi luật pháp, nhất là ở các khu công nghiệp."
Bà Virginia Foote, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nêu lên những quan tâm về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Bà nói “càng ngày càng thấy áp lực giữa phát triển kinh tế và môi trường” ở Việt Nam.
Tiến sỹ Đinh Đức Trường, phó trưởng khoa Môi Trường và Đô Thị của trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội khẳng định có sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường ở Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây của tiến sỹ Trường cho thấy các doanh nghiệp với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò lớn trong việc gây ra ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Ông nói:
"Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là một cái cực, một cái trụ cột để tăng trưởng kinh tế và ở một góc độ nào đấy thì vẫn còn có một sự đánh đổi nhất định giữa kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Có lẽ khi chúng ta phát triển tốt hơn thì có lẽ là cái nhìn nhận sẽ tốt hơn."
Tiến sỹ Trường ước lượng thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra tương đương với 5% GDP của Việt Nam hằng năm và cảnh báo Việt Nam sẽ qua mặt Trung Quốc về mức độ ô nhiễm nếu không có biện pháp đúng đắn để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Trường, Việt Nam có thể kiểm soát mức độ ô nhiễm bằng cách cải thiện hệ thống thể chế luật pháp và sự tham gia của người dân.