Monday, December 12, 2016

Tiền lệ

Trần Thảo (Danlambao) - Trên trang mạng FB của người bạn mới quen, anh PĐQ, tôi đọc một bài viết ngắn của anh, bài viết đặt ra một vấn đề quá lớn về mối quan hệ trong công việc của cái xã hội tràn đầy bất cập hiện nay của VN.

Anh PĐQ không nêu tên của cậu con trai, là một y khoa bác sĩ vừa mới ra trường được một năm, nên tôi chỉ dùng chữ "cháu" khi nhắc tới cậu bác sĩ trẻ măng, tinh hoa rạng ngời này.

Cháu ra trường y khoa được một năm, và trong một lần khám bệnh thiện nguyện cho người dân ở một vùng hẻo lánh, nghèo nàn, người nhà của một bệnh nhân đã "bồi dưỡng" cho cháu tiền mặt, nhưng cháu kiên quyết không nhận. Tới giờ ăn trưa, cháu mới phát giác trong túi áo choàng y khoa, bằng cách nào đó, người thân bệnh nhân đã nhét vào cho chàng tờ bạc 200 ngàn. Cháu đã cố gắng tìm gặp thân nhân người bệnh và trả lại tiền một cách dứt khoát.

Dĩ nhiên anh PĐQ không hề có ý đăng bài viết để khoe con trai của mình, tâm ý của anh, tôi nghĩ ai cũng rõ, đó là nêu lên một tình trạng đang làm nhức nhối biết bao người dân VN trong cái cơ chế hỗn tạp, trong đó mọi thứ được định giá bằng tiền. Ai có tiền là có thể mua được mọi thứ, kẻ không tiền thì đành chịu chết, trời xa cầu không thấu, còn đảng gần thì sống chết mặc bây!

Tôi thực sự xúc động với hành động của người bác sĩ trẻ. Giữa một xã hội bát nháo, thực dụng, chạy theo đồng tiền thì đây là kết quả của giáo dục gia đình, mà không phải ai cũng có thể có được. Anh PĐQ đã kể lại vào thời gian tám năm trước, khi cháu chọn học Y Khoa, anh đã phân tích mọi điều mà cháu có thể phải gặp khi trở thành một bác sĩ y khoa. Con trai của anh đã thấm nhuần lời cha dạy và đã chọn con đường mình thích, với cái tâm muốn phục vụ tha nhân. 

Trong những lần khám bệnh thiện nguyện, vùng sâu vùng xa, cháu đã thực sự va chạm với những cảnh đời khốn khổ, đã rung động với những con người sống mịt mù trong tăm tối. Cho đến hôm nay, cháu mới lần thứ nhất đối mặt với cái gọi là "tiền lệ" trong xã hội hiện nay. Trong lòng của người bác sĩ trẻ nghĩ gì? Và trong lòng thân phụ của cháu, anh PĐQ, đã suy tư như thế nào? 

Với suy nghĩ chủ quan của tôi, tôi tin là đã có một dấu hỏi lớn trong đầu chàng bác sĩ trẻ, đó là rồi đây mình sẽ gặp phải những gì nữa? Sẽ phải đối phó ra sao? Và riêng anh PĐQ, tôi tin là anh cũng đang có băn khoăn rất lớn cho người con trai mà anh đặt nhiều hy vọng sẽ trở thành một người tốt chân chính, nó sẽ phải trải qua những va chạm gì, có đủ sức vượt qua những cám dỗ tiền bạc trong tương lai, sẽ phải đối phó thế nào với những thế lực ngầm, những liên kết của đám người coi tiền như mạng, từ gác cổng, lao công, y tá đến những bác sĩ đồng sự khác, họ chắc chắn sẽ nhìn con trai của mình như một quái vật đến từ hành tinh khác, bởi từ chối tiền "bồi dưỡng"do người bệnh đưa cho, thời bây giờ, là một hành động bất thường. Rồi tương lai cháu lập gia đình, nếu gặp người đồng điệu, cùng lý tưởng, cùng ước vọng tốt đẹp cho dân tộc, cho đất nước là một điều vạn hạnh, ngược lại thì sẽ như thế nào? 

Người dân Việt Nam hôm nay coi việc bị bệnh phải nhập viện là một quá trình như bước vào địa ngục. Người có tiền thì còn có thể xoay trở, gặp phải người hoàn cảnh khó khăn thì quả là kêu trời không thấu.

Chưa nói tới vấn đề viện phí mỗi ngày càng tăng, việc lót tay cho bác sĩ, y tá, lao công v.v... thì gom lại thành con số khổng lồ, khiến người bệnh và thân nhân méo mặt. Không tiền lót tay, dù ở bệnh viện công hay bệnh viện tư, bác sĩ sẽ bỏ mặc hay rề rà chậm trễ, không ra sức, y tá thì thay vì nhẹ nhàng, sẽ đâm kim chích mạnh tay, dù bệnh nhân chỉ là một em bé sơ sinh, lao công thì khiêng bệnh nhân quăng rầm rầm khi thay tấm drap trải giường bệnh v.v... Nói chung không có tiền thì người dân chớ mong được đối xử tử tế.

Ở các nước Tây phương, việc người dân bị bệnh phải nhập viện, dĩ nhiên có bảo hiểm y tế chi trả, và ngay cả những người nghèo, không bảo hiểm y tế, khi gặp trường hợp cấp cứu, họ cũng được săn sóc đàng hoàng trong những bệnh viện mà thời VNCH chúng ta hay gọi là nhà thương thí. Nhưng dù ở đâu, người bệnh luôn được tôn trọng và đối xử ngang nhau một cách tử tế. Với nhà thương thí, người dân phải xin một cái thẻ khám bệnh, khi vào bệnh viện, mọi chi phí sẽ do chính phủ chi trả. Nhiều khi bệnh nhân, vì lý do nào đó không có thẻ khám bệnh, thì họ vẫn được săn sóc trước đã, sau đó nhà thương thí sẽ liên lạc với những hội từ thiện hay nhà thờ giúp trả chi phí.

Tôi không nêu lên hiện trạng y tế ở các nước tây phương hay Hoa Kỳ để so sánh với Việt Nam, vì so sánh như thế thật vô ích vì hai trình độ chênh lệch quá xa, so sánh quả là chả có ý nghĩa gì. 

Hình ảnh bệnh nhân qua đời ở Sơn La, không có tiền để mướn xe đàng hoàng đưa người thân về chôn cất, đành mướn xe hai bánh, đặt ngang trên xe, ló hai chân ra ngoài trên đoạn đường hơn trăm cây số đã khiến nhiều người bàng hoàng. Hình ảnh mới nhất ở Hòa Bình, bệnh nhân qua đời cũng chả có xe đưa về, mà do hai người khiêng bộ về nhà như khiêng võng. Đất nước Việt Nam ngày nay thảm hại tới mức ấy, vậy mà phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố "Phấn đấu để người dân nào cũng có bác sĩ riêng." Một câu nói vô trách nhiệm như thế, như người si nói mộng, vậy mà có thể phát xuất từ một phó thủ tướng của chế độ CSVN, câu nói ấy nó tràn đầy bản chất mất dạy, cũng chả khác gì câu nói của Bộ trưởng Bộ Dục Phùng Xuân Nhạ khi bắt những cô giáo ở Hà Tĩnh tự kiểm điểm mình trước, trong vụ bị trưởng phòng giáo dục và chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh ép buộc đi làm ca ve, phục vụ các quan ăn nhậu, ca hát.

Tôi nhớ ngày xưa, người ta hay triết lý dỏm "Cuộc đời có bốn chữ T: Tình, Tiền, Tù, Tội". Sau hơn nửa thế kỷ dưới bàn tay cai trị của chế độ CSVN, cái chữ Tình nó rớt mất tiêu, người dân bây giờ mãi lặn ngụp trong ba chữ còn lại: Tiền, Tù, Tội. Không có tiền thì xin miễn, đừng bước chân vào bệnh viện, về hái thuốc lá cây uống đỡ đi. Dám phát biểu chống đối chế độ, phát tán những kiến thức về quyền con người, quyền công dân, thì bộ luật hình sự rừng rú sẵn sàng gán tội, nhốt tù.

Từ bài viết của bạn PĐQ về người con trai bác sĩ y khoa, tôi lan man đủ thứ chuyện, mà chuyện nào cũng khiến mình nặng lòng. Cậu bác sĩ trẻ tuổi, tinh thần phục vụ sáng ngời ấy, như một mầm cây xanh mát, trong mảnh đất ô nhiễm tới đáy như Việt Nam bây giờ, rồi sẽ ra sao? Những quan chức cộng sản cộm cán mất dạy như Phùng Xuân Nhạ, Vũ Đức Đam, Nguyễn Minh Mẫn, và bao nhiêu tên trời đánh thánh vật nữa, đề nghị chúng từ chức ư? Không có Phùng, Vũ, Nguyễn thì cũng có Hồ, Trần, Bùi... tiếp tục đày đọa dân đen, tiếp tục bóc lột con người tới tận xương tủy, chúng khác họ, khác tên, nhưng lòng chúng đen, y hệt như nhau.

Để quê hương Việt Nam trở thành một mảnh đất màu mở cho những mầm xanh vươn lên, để cho dân tộc có thể chuyển mình đứng dậy, để cho tình người được mạnh mẽ phục sinh, chỉ còn có một cách duy nhất: Đó là giật sập cái chế độ bá vơ đó, ném cái chủ nghĩa xã hội mà chúng đang che trên mặt như cái bình phong vào sọt rác, chấm dứt chế độ cai trị độc tài, bán nước của CSVN.

13.12.2016

‘Tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu’ nhưng sao không giải quyết được?

‘Tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu’ nhưng sao không giải quyết được?
Ngày 6/12/2016, một quan chức lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước là Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lại tìm cách trấn an: “Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, khâu xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc đã tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu…”.
Trấn an trên được nêu ra tại Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng”.
Nhưng chỉ cách đây hai tháng, vào tháng 10/2016, một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết “nợ xấu vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro và việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỷ trọng cao tới gần 49% trong tổng nợ xấu. Đây là khoản nợ khó xử lý và phần lớn các khoản nợ này vẫn chưa xử lý thu hồi được”. Đây là một bằng chứng mới nhất về nguồn gốc nợ xấu, húc đổ toàn bộ cơ sở luận của những kẻ chỉ muốn “lấy của người nghèo chia cho người giàu”, thông qua việc lấy ngân sách để “xử lý nợ xấu”.
Bằng chứng trên cũng trực tiếp phủ nhận lời trấn an của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh về tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản, bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu, tức nợ xấu sẽ dễ dàng thu hồi.
Trong thực tế của nhiều vụ án ngân hàng như vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo ACB và Vietinbank đến 5,000 tỷ đồng, vụ Phạm Công Danh cùng Ngân hàng Xây dựng với 9,000 tỷ thất thoát, hay 3 Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng GP có tổng nợ xấu lên đến vài chục ngàn tỷ đồng và gấp đôi vốn điều lệ, quan chức nào dám bảo đảm rằng những cá nhân và ngân hàng đó có một phần tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu?
Cũng trong thực tế, khả năng thu hồi số thất thoát do tham nhũng là rất thấp. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam lại quá tệ so với mặt bằng chung trên thế giới. Nếu Việt Nam luôn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) liệt vào nhóm cuối của các nước trên thế giới về độ minh bạch nhưng lại đứng ở top đầu về nạn tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam chỉ khoảng 8% theo số báo cáo, so với yêu cầu quốc tế ít nhất 30%.
Kỳ họp quốc hội cuối năm 2016 cũng là một bằng chứng không thể chối cãi về việc cơ quan này đã không cách nào tìm được “nguồn lực phù hợp” để cứu vãn nợ xấu.
Từ khi ra đời vào năm 2013 cho tới nay, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã gần như không làm được bất kỳ việc gì để giải quyết nợ xấu. Tỷ lệ “xử lý nợ xấu” vào khoảng 10% tổng nợ xấu mà VAMC báo cáo thực ra chỉ là VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại bằng… giấy. Thậm chí số tiền 2 ngàn tỷ đồng mà ngân sách nhà nước cấp cho VAMC từ lúc thành lập, cho đến nay VAMC vẫn chưa chi ra một đồng “tiền tươi thóc thật” nào để mua nợ xấu. Trong 3 năm qua, con số 2 ngàn tỷ đồng đó nếu được VAMC làm theo cách “lương thiện” nhất là gửi ngân hàng lấy lãi, thì cũng quá đủ nuôi sống toàn bộ máy của VAMC!
Lê Dung / SBTN  

Việt Nam thiếu kỹ sư lành nghề để tiếp nhận công nghệ của ngoại quốc

Việt Nam thiếu kỹ sư lành nghề để tiếp nhận công nghệ của ngoại quốc
Tuyên bố tại cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, ông Ryu Hang Ha, chủ tịch Phòng Thương mại Hàn – Việt xác nhận còn nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Ông Ryu Hang Ha và Vũ Tiến Lộc là đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, nói rằng các công ty đầu tư của người ngoại quốc tại Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Và một trong những vấn đề chính yếu của nghị trình tại Diễn đàn lần này là tìm cách tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và các công ty đầu tư của ngoại quốc để đôi bên cùng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn này, các chuyên viên đã bày tỏ sự thất vọng về việc các nhà đầu tư không chuyển giao kỹ thuật cho người Việt Nam như đã hứa. Một số người nói rằng, các nhà đầu tư ngoại quốc cố ý trì hoãn việc chuyển giao kỹ thuật cho họ. Trong số đó có Samsung của Nam Hàn, là một trong những nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại Việt Nam, đã thành lập ít nhất 5 nhà máy.
Theo ông Ryu Hang Ha, các công ty ngoại quốc muốn hợp tác với các công ty Việt Nam để tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa ý muốn và hiện thực, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, theo ông, sự chuyển giao này phụ thuộc rất lớn vào phía Việt Nam, và nếu công ty Việt Nam không đủ khả năng thì coi như việc chuyển giao sẽ thất bại.
Ông nói rằng không khó để tìm kiếm công nhân kỹ thuật lành nghề tại Hà Nội, Sài Gòn hoặc Hải Phòng, nhưng hết sức khó ở các địa phương khác. Nhà máy Samsung đặt tại Quảng Ngãi đã đào tạo một đội ngũ kỹ sư lên đến 100 người cho nhà máy trong vòng từ 2 đến 3 năm, nhưng sau đó thì họ bỏ việc để tìm đến các thành phố khác.
Song Châu / SBTN

Dịch bệnh Zika lan rộng 22/24 quận, huyện ở Sài Gòn

Nhân viên y tế pha thuốc chuẩn bị phun diệt muỗi. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
SÀI GÒN (NV) – Mặc dù ra sức dẹp dịch, song do lúc đầu thờ ơ xem nhẹ nên hiện dịch bệnh Zika đã lan rộng khắp 22/24 quận, huyện với khoảng 11,830 điểm có nguy cơ phát dịch.
Sáng 12 tháng 12, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng Sài Gòn cho biết, bệnh do virus Zika đã lan sang quận 3 với hai trường hợp. Như vậy tính đến nay, đã có 22/24 quận, huyện ở Sài Gòn có người bị nhiễm bệnh Zika với 114 trường hợp. Trong đó, quận Bình Thạnh có số người mắc cao nhất với 21 trường hợp. Tiếp theo là quận 2 với 17 trường hợp. Hiện chỉ còn quận 8 và quận 11 chưa ghi nhận ca bệnh Zika.
Nói với báo Pháp Luật Sài Gòn, ông Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y Tế Sài Gòn cho biết, Sài Gòn hiện có gần 11,830 điểm có nguy cơ phát dịch đang giám sát. Tuy nhiên hiện nay mưa cuối mùa xen kẽ nắng ấm dễ làm phát sinh muỗi và lăng quăng. Ðây là điều kiện thuận lợi dễ lây lan dịch bệnh Zika, kể cả sốt xuất huyết.
“Trước thực trạng trên, sở chỉ biết để nghị các địa phương tổ chức kiểm soát những khu vực có ca bệnh do virus Zika, không để bùng phát thành các chùm bệnh và giải quyết triệt để các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ đối với Zika và sốt xuất huyết,” ông Hưng nói. (Tr.N)

‘Báo chí cách mạng’ chưa bao giờ phản động như thế này!

Theo Người Việt 
Phạm Chí Dũng
Tung tóe, bẩn thỉu và vô sỉ
Đã quá xa vắng thời của những Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng (báo Tuổi Trẻ), Thế Thanh (báo Phụ Nữ TP.HCM), cũng đã vắng bóng cái thời gần nhất của Lý Tiến Dũng (báo Đại Đoàn Kết), giờ đây ngày kỷ niệm 21 Tháng Sáu hàng năm cho “nền báo chí cách mạng Việt Nam” lại như thể một kiểu mặt cười nhạo báng dành cho chủ nghĩa kim tiền và truyền thông bẩn mượn danh ý thức hệ.
Khi những cái tên nhắc tới ở trên đều đã bị vùi hẳn vào quá khứ với án kỷ luật cho cái tội “bất đồng quan điểm,” đại đa số hơn 800 tờ báo giấy và hàng trăm báo mạng của chính quyền chỉ còn “im cho nó lành,” hoặc tiếp biến thành lũ châu chấu tàn phá những luống cày cuối cùng của dân sinh.
Quá khứ đã từng xôn xao khá nhiều cái tên nhà báo ăn bẩn. Hai chục năm trước, vụ Năm Cam đã lôi ra tòa những nhà báo tồi tệ như thế, kể cả phóng viên của một tờ có truyền thống trong lòng bạn đọc là Tuổi Trẻ. Có một quán cà phê đã trở nên có tiếng ở Sài Gòn, chỉ bởi nguyên do là tụ điểm của một nhóm nhà báo chuyên tụ tập để bàn mưu tính kế tống tiền doanh nghiệp.
Hai chục năm sau, không chỉ là một nhóm nhà báo mà đã trở thành một tổ hợp của một thứ “báo chí cách mạng,” đạp trên lưng người sản xuất để kiếm chác hợp đồng quảng cáo màu mỡ cho báo và “thù lao cá nhân” đậm hơn hẳn quảng cáo.
Tháng Mười Một vừa qua, vụ Bộ Thông Tin và Truyền Thông xử phạt 50 tờ báo lớn nhỏ liên quan đến sai phạm về thông tin nước mắm chứa chất asen đã trở thành kỷ lục xử phạt báo chí từ trước đến nay.
Kỷ lục cũ trước đây được lập chỉ là từ ba đến bốn tờ báo bị xử phạt một lúc, nhưng không cùng vụ.
Ông Trương Minh Tuấn đã làm đúng trong vụ nước mắm, cho dù chính ông vẫn bị cho là bảo thủ, lên gân và đang cố chứng minh với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rằng ông xứng đáng với một cái ghế trong Bộ Chính Trị – tương đương chức vụ trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương – hơn bất kỳ ai khác.
Không chỉ đưa tin tức sai lệch về vụ nước mắm, rất nhiều tờ báo nhà nước còn mang đậm dấu hiệu “chung chịu” với doanh nghiệp muốn khống chế thị trường nước mắm, mà cụ thể là tập đoàn Masan đình đám với dự án Núi Pháo mà đang gây ra nạn ô nhiễm môi trường khiến quá nhiều người dân xung quanh phải sống dở chết dở.
Trước ông Trương Minh Tuấn, không một quan chức đảng hay chính quyền nào dám “thảm sát hàng loạt” truyền thông đen như thế. Thậm chí gần chục năm trước, dư luận còn ồn ào về vụ một tổng biên tập tố cáo một phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương “ngậm” vài chục ngàn đô la của doanh nghiệp để bịt tai nhắm mắt, chỉ đạo báo chí phải “câm miệng” trước tiêu cực của doanh nghiệp này.
Khi vụ truyền thông bẩn về nước mắm xảy ra, dư luận báo giới lập tức nói về một quan chức có hạng của báo Thanh Niên là ông Võ Khối. Nhiều xầm xì về việc ông nhà báo này đã “nẫng” một khoản tiền lớn để đạo diễn đăng bài dập nước mắm truyền thống do người dân làm, ngược lại đã nâng vị thế của Masan “lên một tầm cao mới.” Kể ra, ông Võ Khối bị cách chức và thu thẻ nhà báo vẫn còn là quá ưu ái.
Tháng Chín năm nay, dư luận báo giới và xã hội cũng xôn xao về vụ một nhà báo bị công an khám nhà. Theo một số nguồn tin không chính thức, nhà báo này chưa bị bắt, nhưng công an phát hiện trong nhà của nhà báo này có tới 168 tỷ đồng tiền mặt (nhấn mạnh: một trăm sáu mươi tám tỷ) và tám sổ đỏ (giấy chứng nhận sở hữu nhà).
Giới ký giả còm nhom giật mình, làm cách nào để nhà báo trên có được số tiền khủng khiếp ấy?
Thế nhưng vài nhà báo dày dạn sự đời lại nhún vai: “Chuyện vặt! Ở Hà Nội như vậy là bình thường.”
Đối chiếu với vụ những nhà báo “dính chùm” vụ Năm Cam cách đây 20 năm, trình độ và kỹ năng “ăn” của một số nhà báo vào thời buổi suy thoái toàn diện từ đảng đến đám ăn theo này đã tăng tiến vượt bậc. Không còn là vài ba trăm ngàn đô la, mà cái gì cũng quy về “cục gạch” ($1 triệu). Không chỉ là một hoặc hai cái nhà, mà hàng chục cái.
“Một bộ phận không nhỏ” báo nhà nước chưa bao giờ tung tóe, bẩn thỉu và vô sỉ đến như vậy.
Báo chí cách mạng có bao giờ được thế này không!
Nhưng thật kỳ diệu, bởi vì trong “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở Bắc Ninh vào ngày 13 Tháng Mười Một, Tổng Bí Thư Trọng bất thần cảm xúc: “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”
Ông Trọng có vẻ thành thật khi thốt lên những từ ngữ trên trời ấy. Nhiều người vẫn không thể tưởng tượng nổi là cho đến tận giờ này, ông vẫn tự hào về thành tích mà đảng Cộng Sản đã đạt được, bằng những báo cáo tô hồng từ dưới lên trên và thói hô hào theo nghị quyết, bất chấp hiện tồn mới nhất về vụ cá chết Formosa đang khiến dân sinh miền Trung điêu đứng và vụ thủy điện Hố Hô xả lũ giết sống vài chục mạng dân Hương Khê ở Hà Tĩnh.
Vậy người từng phụ trách tạp chí Cộng Sản có khi nào nghĩ đến nền báo chí cách mạng có bao giờ được thế này không?
Trong số hơn 800 tờ báo nhà nước, chỉ có khoảng một chục đầu báo có tính phản biện và dám hé răng một chút sự thật về hiện trạng khốn quẫn của nền kinh tế và xã hội, dù chưa dám đả động gì về sự thật của nền chính trị và chế độ. Buổi hoàng kim nhất của làn sóng phản biện đã chỉ e ấp chút ánh sáng vào cuối năm 2011. Sau đó, bóng đêm trĩu nặng trùm lên tất cả.
Trong khi đó, tuyệt đại đại số báo chí nhà nước chủ ý giữ im lặng và cả câm lặng. Không có lấy một tiếng nói thống thiết nào ủng hộ phong trào phản kháng và biểu tình chống Trung Quốc. Cũng chẳng có tiếng nói nào được cất lên để hỗ trợ phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền. Càng tuyệt nhiên chẳng có lấy một bài báo dám đả động đến câu chuyện cơ chế một đảng đã gây ra bao nhiêu chuyện tày trời đối với dân tộc. Ngay cả khi những phóng viên báo nhà nước bị công an và “côn đồ công vụ” hành hung, cả Bộ Thông Tin và Truyền Thông cùng Hội Nhà Báo Việt Nam đều như thể rúc đầu vào gấu áo.
Vụ truyền thông bẩn về nước mắm đã chứng minh một sự thật cực kỳ phũ phàng là ngày càng có quá nhiều tờ báo nhà nước lợi dụng vị thế truyền thông để trục lợi, hoàn toàn không quan tâm đến tình cảnh khốn khổ của dân nghèo. Cứ cái đà này, không khó để tưởng tượng ra chuyện nếu cái dân tộc bị bạc nhược vì ý đảng này có trở thành một tỉnh lỵ của Trung Quốc, hẳn một số vẫn thường vênh vang trong ngày “Báo Chí Cách Mạng” sẽ tự nguyện biến thành lũ bút nô cho đám người phương Bắc.
Về bản chất, công cuộc lợi dụng trên xứng đáng với hành vi phản bội. Và nếu nâng tầm quan điểm như cách mà hệ thống tuyên giáo đảng và giới công an trị của Tổng Bí Thư Trọng hay sử dụng, một bộ phận không nhỏ lắm trong cái gọi là “báo chí cách mạng” hiện thời đã thật sự phản động trước nhân dân.
Hẳn đó là câu trả lời đích đáng cho Tổng Bí Thư Trọng vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở Bắc Ninh: Báo chí cách mạng có bao giờ được thế này không!

Người dân Bình Ðịnh kiệt quệ vì 4 lần hứng lũ

Một đoạn tỉnh lộ ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, lại chìm trong biển nước. (Hình: Người Lao Ðộng)
BÌNH ÐỊNH (NV) – Lần thứ 4 liên tiếp bị ngập nước trong hơn một tháng qua đã khiến người dân vùng “rốn lũ” huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh khốn đốn, kiệt quệ.
Chiều 12 tháng 12, Văn Phòng Thường Trực Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Bình Ðịnh cho biết, mưa lớn liên tục trong hai ngày qua đã làm lũ trên các sông ở tỉnh này lên nhanh trở lại. Trong đó, nước lũ trên sông Kôn – con sông lớn nhất Bình Ðịnh đang tiếp tục lên trên báo động 3.
Theo truyền thông Việt Nam, hiện nhiều nơi ở Bình Ðịnh như thị xã An Nhơn và các huyện Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Mỹ,… lại bị lũ chia cắt, nặng nhất là các xã vùng trũng thuộc huyện Tuy Phước.
Tại nhiều đoạn trên tỉnh lộ ÐT 640 nối với các xã khu Ðông của huyện Tuy Phước đã bị ngập sâu trên 0.5 mét, gây chia cắt giao thông. Ðến chiều cùng ngày, nhiều khu dân cư thuộc các xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn và Phước Hòa, lại bị cô lập cục bộ, người dân chỉ có thể di chuyển bằng thuyền, đò hoặc trung chuyển qua xe tải lớn. Do nước lũ dâng cao, đường bị chia cắt nên đã có hơn 15,000 học sinh của 28/58 trường học các cấp tại huyện phải nghỉ học.
Ðây là lần thứ 4 trong hơn 1 tháng qua vùng “rốn lũ” huyện Tuy Phước bị mưa lũ, khiến người dân địa phương lâm vào cảnh khốn đốn, kiệt quệ vì liên tiếp chống chọi với mưa lũ.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch tỉnh kiêm trưởng Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Bình Ðịnh cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay, người dân tỉnh Bình Ðịnh phải hứng chịu liên tiếp 4 đợt lũ, đã có 17 người chết, 5 người bị thương. Tổng thiệt hại gần 800 tỉ đồng. (Tr.N)

Hà Tĩnh: Hai vụ biểu tình nổ ra trong cùng một ngày vì Formosa

Hơn 1000 ngư dân và là giáo dân giáo họ Làng Khe, thuộc giáo xứ Thu Chỉ tới UBND xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu đòi bồi thường. (Hình: GNsP)
HÀ TĨNH (NV) – Hàng ngàn người dân khu vực huyện Kỳ Anh và huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã biểu tình đòi đuổi công ty Formosa đầu độc môi trường cũng như đòi bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
Theo bản tin của truyền thông Công Giáo Tin Mừng Cho Người Nghèo (GnsP) ngày 12 tháng 12, hàng ngàn người dân vùng biển thuộc xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh), và các xã Kỳ Văn và Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), tỉnh Hà Tĩnh, đã tập trung ngay đoạn đường đi vào thị xã Kỳ Anh, quốc lộ 1A, biểu tình đòi đuổi công ty gang thép Formosa cút khỏi Việt Nam. Ðồng thời họ đòi nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng cho bà con ngư dân.
Theo GNsP tường thuật, lý do chính mà bà con ngư dân xuống đường biểu tình vì “nhà cầm quyền đang làm ngơ trước sự mất mát cả cơ nghiệp của người dân và dân tộc Việt Nam, các gia đình lâm vào cảnh nghèo túng, trẻ em thất học…”
Theo bản tin của GNsP, Linh Mục Phaolô Lê Xuân Lộc, của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), phụ trách trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, có mặt tại hiện trường kể cho biết: “Người dân biểu tình tại quốc lộ 1, giao thông bị ùn tắc, di chuyển chậm. Nhà cầm quyền huy động nhiều xe biển số xanh, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động có vũ khí chuyên dụng, an ninh mặc thường phục… đe dọa bà con.”
Nhiều băng rôn biểu ngữ được bà con mang theo với nội dung: “Khởi tố Formosa,” “Formosa là thảm họa của đất nước,” “Tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”…
GNsP thuật lời một phụ nữ lớn tuổi tham gia biểu tình bầy tỏ sự phẫn nộ: “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc trả lại biển sạch cho chúng tôi, để chúng tôi có việc làm, bây giờ biết làm gì mà sống. Chính quyền hứa là sẽ bồi thường cho chúng tôi, nhưng đến tháng 12 rồi vẫn chưa nhận được gì. Chúng tôi ở Kỳ Hà. Bây giờ chúng tôi chỉ biết ngồi ở nhà, chứ biết làm nghề gì đây khi nghề chính của chúng tôi là đi biển. Chúng tôi ở ngay biển mà không nhận được đồng nào, không bồi thường cho chúng tôi thì chúng tôi xuống đường biểu tình.”
Trong một bản tin khác, GNsP cho biết, cùng ngày 12 tháng 12, 2016, hơn 1,000 bà con ngư dân và là giáo dân giáo họ Làng Khe, thuộc giáo xứ Thu Chỉ đã tới Ủy Ban Nhân Dân xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, “yêu cầu đòi bồi thường sau sự cố môi trường biển do ‘nhân tai’ Formosa gây ra.”
Hà Tĩnh: Hai vụ biểu tình nổ ra trong cùng một ngày vì Formosa
Dân tại xã Kỳ Hà, Kỳ Văn và Kỳ Tân, tỉnh Hà Tĩnh, biểu tình đòi tiền bồi thường và đuổi Formosa đi khỏi Việt Nam. (Hình: GNsP)
Họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì môi trường đã bị nhà máy Fomosa gây ra. Từ nhiều tháng nay người dân nơi đây đã trực tiếp chịu nhiều thiệt hại về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Dẫn đầu đoàn ngư dân và là người đại diện pháp lý cho bà con là Linh Mục Phêrô Trần Phúc Cai, quản xứ giáo xứ Thu Chỉ, thuộc giáo phận Vinh.
Theo nguồn tin trên, bà con ngư dân nói rằng, sau khi xảy ra vụ thảm họa cho đến nay đã hơn 5 tháng mà tiền đền bù vẫn chưa đến tay các hộ gia đình. Bà con ngư dân yêu cầu, giới chức địa phương minh bạch các khoản đền bù, quan tâm đến cuộc sống nghèo của người dân. Vấn đề đáng nói ở đây là việc tiến hành chi trả bồi thường cho ngư dân lại diễn ra quá phức tạp, gây nhiều khó khăn, thậm chí làm suy giảm quyền lợi của ngư dân, chính điều này đã dẫn tới sự phẫn nộ cho bà con ngư dân.
Sau khi nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả trực tiếp chất thải độc hại ra biển hồi đầu Tháng Tư 2016, tất cả các loại hải sản và các loại sinh vật biển đã trúng độc chết hết suốt một dọc 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Sau mấy tháng rềnh rang điều tra và kết quả của cuộc điều tra không được công bố đầy đủ cho dân biết, người ta chỉ thấy loan báo công ty Formosa nhận lỗi và trả số tiền bồi thường 500 triệu đô la. Nhiều nhà phân tích cho rằng số tiền bồi thường quá nhỏ so với sự thiệt hại cho môi trường biển Việt Nam còn kéo dài nhiều thập kỷ. Ngay trước mặt, hàng triệu người dân Việt Nam dọc theo các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế.
Nhà cầm quyền bắt đầu lấy số tiền bồi thường của Formosa phát lại cho dân nhưng chỉ bồi thường cho họ từ tháng 4 đến tháng 9, 2016 với số tiền rất nhỏ so với sự thiệt hại, trước một tương lai bất định. Tại một số địa phương, nhà cầm quyền đã đi thu lại một nửa tiền bồi thường của người dân.
Trước đó, vào hai ngày 26 và 27 tháng 9 vừa qua, người dân thuộc giáo xứ Phú Yên và các khu vực phụ cận thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã nộp 506 đơn kiện Formosa tại tòa án thị xã Kỳ Anh. Nhưng đến ngày 7 tháng 10, tòa án thị xã Kỳ Anh đã gửi trả tất cả 506 đơn kiện Formosa với lý do “không đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại.”
Nếu sự đền bù cho các người dân bị thiệt hại vì Formosa đầu độc môi trường không thỏa đáng, những vụ biểu tình chống cả nhà cầm quyền và Formosa sẽ còn tái diễn. (TN)

Hà Nội phản đối Bắc Kinh kỷ niệm ‘thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa’

Người dân ở Hà Nội biểu tình ngày 14 tháng 3, 2016 tưởng niệm những người lính bị Trung Quốc sát hại khi cướp bãi đá ngầm Gạc Ma năm 1988. (Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam “kiên quyết phản đối” việc Trung Quốc tổ chức kỷ niệm cái gọi là “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa” và kêu gọi đừng “gây phức tạp tình hình.”
Hôm 8 tháng 12 tại Bắc Kinh, nhà cầm quyền Trung Quốc tổ chức kỷ niệm “70 năm thu hồi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” biểu dương “quyết tâm bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Ðông.” Tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết như thế và dụ dỗ rằng Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác với các nước láng giềng.’
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn dẫn lời Tướng Ngô Bang Lập (Wu Shengli) tư lệnh Hải Quân Trung Quốc khoe khoang rằng, “Thu hồi các quần đảo này là một thành quả quan trọng của Trung Quốc chống lại ngoại xâm, chứng tỏ Trung Quốc cương quyết bảo vệ trật tự thế giới sau chiến tranh (Thế Chiến Thứ Hai) và khẳng định đất nước bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia trên Biển Ðông.”
Tờ báo trên nói năm 1946 Trung Quốc đã cho 4 chiếc tàu tới thu hồi các quần đảo do Nhật chiếm trên Biển Ðông. Một cuộc triển lãm “150 nhóm hình ảnh” về “thu hồi” các đảo trên “Nam Nải” được tổ chức ở thành phố Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam vào ngày 12 tháng 12, 2016, bản tin Tân Hoa Xã nói.
Tại Hà Nội, nhà cầm quyền Việt Nam cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối các hành động kỷ niệm “thu hồi” các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà thực chất chỉ là những lần đi cướp.
“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình nói ở Hà Nội hôm 12 tháng 12, 2016.
Ông Lê Hải Bình nói tiếp rằng, “Hoạt động nói trên của Trung Quốc không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây phức tạp tình hình. Việt Nam kiên quyết phản đối.”
Ở thế yếu, Việt Nam chỉ phát biểu những lời phản đối suông, không có một hành động nào khác khả dĩ làm Trung Quốc chùn lại các hành động bá quyền bành trướng.
Tuần trước, người ta đã thấy Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội “kềm chế,” “không làm phức tạp thêm tình hình” khi nghe tin Việt Nam cải tạo luồng lạch cho tàu vào đảo chìm Ðá Lát ở quần đảo Trường Sa.
“Trung Quốc thúc giục các nước liên quan tôn trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, chấm dứt các sự chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp, cũng như kềm chế không có hành động nào làm phức tạp thêm tình hình.”
Dịp này, Lục Khảng, Pphát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng: “Trung Quốc có chủ quyền ‘không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa gồm cả Nhật Tích Tiêu’ và kêu gọi các nước liên quan tranh chấp ‘làm việc với Trung Quốc cho hòa bình và ổn định trên Biển Ðông.’”
Tuy tuyên bố có chủ quyền “không thể tranh cãi” với hơn 80% Biển Ðông theo cái vạch 9 đoạn hình “lưỡi bò” nhưng Bắc Kinh chỉ cướp một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa sau cuộc chiến ngắn ngủi hồi năm 1988 ở bãi đá cạn Gạc Ma, trước đó cướp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 sau trận hải chiến với VNCH.(TN)

Hòa Bình: Lại bó chiếu thi hài khiêng từ bệnh viện về nhà

Hai người đàn ông khiêng thi thể bó chiếu về nhà đang gây xôn xao dư luận. (Hình: báo VNExpress)
HÒA BÌNH (NV) – Hai người đàn ông khiêng một thi hài người chết cuộn chiếu, cùng một người phía sau vừa đi vừa khóc từ bệnh viện về nhà ở huyện Lạc Sơn đã làm nhiều người xót xa, bất bình.
Nói với báo chí ngày 12 tháng 12, ông Bùi Văn Vanh, giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Lạc Sơn xác nhận, nhóm người trên khiêng thi hài người thân đi từ bệnh viện về nhà ở xã Yên Phú.
Theo ông Vanh, đó là bệnh nhân B.V.L. (33 tuổi) ở xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn bị nhiễm HIV giai đoạn cuối và nhập viện sáng ngày 11 tháng 12 trong tình trạng rất nặng và sau đó đã chết vào chiều cùng ngày do “không thể chữa trị.”
Giãi bày với phóng viên báo điện tử VNExpress, ông Vanh cho biết, ê kíp trực có giải thích và đề nghị người thân đưa thi thể của ông L xuống nhà xác chờ xe đưa về nhưng họ nói đây là việc nhạy cảm nên tự mang về để làm mai táng càng sớm, càng tốt, rồi ký các hồ sơ, giấy tờ và tự đưa thi thể người thân về. “Chúng tôi cũng nhận thấy việc cuốn chiếu, khiêng thi thể về rất phản cảm nhưng gia đình họ nói rằng nhà ở gần, lại cương quyết nên bệnh viện rất khó xử,” ông Vanh nói.
Tuy nhiên, ông Vanh giải thích thêm, việc cuộn chiếu và khiêng thi thể được người dân vùng cao Hòa Bình áp dụng nhiều năm qua, gần đây phương tiện, đường sá tốt hơn, hình ảnh này cũng ít dần.
Tin cho biết, gia cảnh ông L. rất nghèo, sống với mẹ già. Ngoài người mẹ già xuống chăm sóc con đến khi chết, không thấy vợ con đến chăm.
Trước đó, giữa tháng 9 tháng 2016, một bà bị viêm phổi chết ở Sơn La được người quen chở về nhà trên xe máy vì nhà quá nghèo, không có tiền thuê xe chở thi hài cũng gây xót xa cộng đồng. Sau sự việc này, Bộ Y Tế cũng đã có văn bản gửi các Sở Y Tế, bệnh viện “ rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại việc này,” thế nhưng nay lại tái diễn. (Tr.N)

Nổ ở trụ sở công an Ðắk Lắk, ít nhất 2 chết, 2 bị thương

Thân nhân ngóng tin nạn nhân tại phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa Ðắk Lắk lúc 23 giờ 30 ngày 12 tháng 12. (Hình: PLO)
ÐẮK LẮK (NV) – Khoảng tám giờ tối ngày 12 tháng 12, khu vực quanh trụ sở công an tỉnh Ðắk Lắk rung chuyển vì một tiếng nổ lớn. Ðiểm phát nổ được xác định là bên trong trụ sở công an tỉnh.
Báo chí Việt Nam cho biết, cường độ của vụ nổ rất lớn. Do tác động của vụ nổ “hàng chục căn nhà nằm trên các con đường Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Tất Thành, Bùi Thị Xuân,… bao quanh trụ sở công an tỉnh Ðắk Lắk bị hư hỏng.”
Ðến 10 giờ 30 tối cùng ngày, một viên thiếu tướng tên là Trần Kỳ Rơi, giám đốc công an tỉnh Ðắk Lắk lên tiếng xác nhận về vụ nổ xảy ra bên trong trụ sở công an tỉnh này. Viên tướng vừa kể từ chối cho biết thêm chi tiết vì “đang phải tập trung cho công tác cứu nạn.”
Các nguồn tin ẩn danh thì tiết lộ vụ nổ xảy ra tại kho chứa tang vật của Phòng Kỹ Thuật Hình Sự công an tỉnh Ðắk Lắk.
Tờ Người Lao Ðộng dẫn một nguồn tin từ bệnh viện đa khoa tỉnh Ðắk Lắk cho biết đã có ít nhất hai người chết và hai người đang được cấp cứu, trong đó có một người đang nguy kịch và “phần lớn là công an.” Nói cách khác, trong số nạn nhân có thể có thường dân.
Bởi toàn bộ khu vực quanh trụ sở công an tỉnh Ðắk Lắk đã bị phong tỏa nên báo chí Việt Nam chưa có bất kỳ hình ảnh nào cho thấy hiện trường, bao gồm cả trụ sở công an tỉnh Ðắk Lắk và các khu dân cư quanh đó ra sao.
Thỉnh thoảng, những cơ sở của quân đội và công an Việt Nam lại phát nổ và thường thì thế nào cũng có thường dân uổng mạng. Các vụ nổ từng xảy ra ở những cơ sở của quân đội và công an Việt Nam thường là do bất cẩn và yếu kém về kỹ thuật bảo quản, xử lý vật liệu nổ.
Chẳng hạn trong hai ngày thuộc trung tuần tháng 11 năm ngoái, doanh trại của Lữ Ðoàn 25 Công Binh của Quân Khu 9, tọa lạc tại thành phố Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp, phát nổ hai lần.
Trưa ngày 10 tháng 11 năm 2015, kho chứa đạn của đơn vị vừa kể phát nổ. Tiếng nổ và sức nổ lớn đến mức, dân chúng quanh doanh trại của Lữ Ðoàn 25 Công Binh phải dắt díu nhau rời khỏi nhà. Sau đó, một viên thượng tá là trưởng phòng Ðiều Tra Hình Sự của Quân Khu 9, cho biết, vụ nổ là do một trái bom sót lại từ thời chiến tranh được Lữ Ðoàn 25 Công Binh tháo gỡ ở nơi khác, mang về doanh trại để xử lý thì bất ngờ phát nổ.
Ðến sáng 14 tháng 11 năm 2015, doanh trại của Lữ Ðoàn 25 Công Binh lại phát nổ thêm một lần nữa. Lần này cũng do một trái bom còn sót lại từ thời chiến tranh được Lữ Ðoàn 25 Công Binh tháo gỡ ở nơi khác, mang về doanh trại để xử lý và phát nổ khi lính tráng “sửa chữa nơi huấn luyện và để phương tiện va vào trái bom.” Vụ nổ lần này khiến một quân nhân mất mạng, mười quân nhân bị trọng thương và tình trạng sau đó của họ thế nào song không thể tìm thấy thông tin nào khác nữa. (G.Ð)

Ông Trump ‘đổ dầu vào chảo lửa’ biển Đông?

Tư liệu - Tàu và máy bay trực thăng của Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ ở Quần đảo Hoàng Sa, ngày 14 tháng 7, 2016.
Tư liệu - Tàu và máy bay trực thăng của Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ ở Quần đảo Hoàng Sa, ngày 14 tháng 7, 2016.
Viễn Đông 
Theo VOA-12.12.2016 
Trung Quốc mới đây đã triển khai máy bay ném bom tầm xa vần vũ ở biển Đông, ít ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển tranh chấp này, cũng như điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Máy bay ném bom có khả năng hạt nhân H-6 của Trung Quốc bay dọc đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò hôm 8/12, chương trình Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.
Đây được coi là lần đầu tiên Bắc Kinh bay dọc theo đường ranh giới mà Trung Quốc tự lập ra để tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, nhưng đã bị Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ hồi tháng Bảy năm nay.
Các quan chức Hoa Kỳ giấu tên được trích lời nói rằng động thái chứng tỏ sức mạnh của Trung Quốc nhằm “phát đi một thông điệp cho tân chính quyền của Tổng tống đắc cử Donald Trump”.
Khi được hỏi liệu các tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Bắc Kinh thời gian qua có thể “đổ thêm dầu vào chảo lửa biển Đông”, hay “thổi bùng căng thẳng” ở vùng biển tranh chấp này như một số nhận định trên mạng xã hội, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore, nói:
“Tôi nghĩ rằng cũng có thể những hành động mạnh mẽ của ông Donald Trump, nếu mà xảy ra, có thể sẽ kích động Trung Quốc hơn, và như vậy dẫn tới căng thẳng gia tăng hơn. Tuy nhiên, cũng phải xét tới khía cạnh còn lại, đó là sự cứng rắn của ông Donald Trump có thể làm Trung Quốc cảm giác bị kiềm chế và họ sẽ phải cân nhắc hơn trong hành động của mình, đặc biệt là những hành động mang tính chất khiêu khích và mang tính chất phiêu lưu. Họ có thể sẽ phải cân nhắc hơn về phản ứng của ông Donald Trump cũng như chính quyền Hoa Kỳ. Những phản ứng cứng rắn có thể sẽ có lợi hơn cho tình hình khu vực vì các nước cứ tiếp tục nhún nhường, Trung Quốc sẽ càng lấn tới, và họ lấn tới đâu thì càng khó có thể đảo ngược được tình thế tới đó. Chính vì vậy, tốt hơn là phải có sự răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để mà tình hình không đi tới mức không thể khắc phục, không thể đảo ngược”.
Hồi mùa hè vừa qua, Trung Quốc cũng từng đưa máy bay ném bom bay qua các đảo tranh chấp ở biển Đông, nhưng không bay xa như lần mới nhất, theo tin tức từ Hoa Kỳ. Fox News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết rằng trong các chuyến bay tầm xa này, thậm chí các chiến đấu cơ cũng đã được triển khai để hộ tống máy bay ném bom.
Ngoài ra, kênh truyền hình của Mỹ còn dẫn thông tin từ các vệ tinh tình báo của Mỹ cho thấy rằng Bắc Kinh chuẩn bị dùng tàu vận chuyển các tên lửa đất đối không ra các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.
Trong những ngày gần đây, theo Fox News, các vệ tinh tình báo của Mỹ đã phát hiện các bộ phận của hệ thống tên lửa SA-21 của Trung Quốc tại cảng Yết Dương ở đông nam Trung Quốc, nơi các quan chức nói rằng Bắc Kinh đã thực hiện các vụ vận chuyển các thiết bị quân sự tương tự trong quá khứ tới các đảo ở biển Đông.
Không thể tách rời
Trung Quốc gần đây đã phản đối việc ông Trump nhận điện thoại của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh lâu nay vẫn coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời của mình.
Theo tờ The Wall Street Journal, các máy bay ném bom của Trung Quốc đã vần vũ trên bầu trời Đài Loan trong một cuộc tập trận cuối tháng trước, ít lâu trước cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng đây là một hành động “chưa từng có” của Bắc Kinh.
Reuters hôm 12/12 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết rằng trong một phần của các cuộc diễn tập tầm xa, các máy bay quân sự của Trung Quốc hôm 10/12 đã bay qua các tuyến hải lộ gần Đài Loan, lần đầu tiên kể từ cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn. Tuy nhiên, theo Bộ này, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Tổng thống đắc cử Donald Trump (phải) được nhà báo Chris Wallace của chương trình "Fox News Sunday" phỏng vấn tại tòa nhà Trump Tower ở New York, ngày 10 tháng 12, 2016.
Tổng thống đắc cử Donald Trump (phải) được nhà báo Chris Wallace của chương trình "Fox News Sunday" phỏng vấn tại tòa nhà Trump Tower ở New York, ngày 10 tháng 12, 2016.
Hôm 11/12, trả lời chương trình “Fox News Sunday”, ông Trump đặt dấu hỏi về chuyện liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không.
Tổng thống đắc cử Mỹ được trích lời nói: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách ‘một Trung Quốc’, nhưng tôi không biết lý do vì sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘một Trung Quốc’, trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về những thứ khác như thương mại”.
‘Xu hướng hiếu chiến hơn’
"Tôi không muốn Trung Quốc ra chỉ thị cho tôi."Tổng thống đắc cử Donald Trump

Quan sát từ Singapore, Tiến sỹ Hiệp cho rằng những động thái mới nhất của ông Trump đối với Trung Quốc “cũng có thể coi là một dấu hiệu cho thấy rằng ông sẽ cứng rắn với Bắc Kinh trong tương lai, chứ không phải mềm mỏng với Trung Quốc như một số nhà quan sát dự đoán”.
Nhà nghiên cứu này nói rằng đó là “điều dễ hiểu và hợp lý” vì “về truyền thống, Đảng Cộng hòa có xu hướng cứng rắn hơn và hiếu chiến hơn”.
Tiến sĩ Hiệp nói tiếp:
“Xét về dài hạn, Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm của Hoa Kỳ, và có lẽ là cường quốc duy nhất có đủ khả năng, đủ sức mạnh để thách thức vị thế siêu cường của Hoa Kỳ ở trên thế giới cũng như tại khu vực. Chính vì vậy mà sớm hay muộn Mỹ cũng phải tìm cách để mà đối phó hay là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vừa rồi có động thái ông Trump có thể đề cử ông tổng giám đốc điều hành của Exxon Mobil vào vị trí ngoại trưởng. Ông này có tiếng là quan hệ gần gũi với Nga. Tôi cũng như một số nhà quan sát mà tôi nói chuyện nhận định rằng có thể dưới thời của ông Trump, Hoa Kỳ có thể cải thiện quan hệ với Nga. Đó là một cách để tách Nga, và Trung Quốc ra khỏi nhau, và tiến thêm một bước trong việc cô lập Trung Quốc nhiều hơn”.
Người Việt thời gian qua từng bày tỏ hy vọng rằng những tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt áp lực của quốc gia đông dân nhất thế giới đối với các nước cũng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông như Việt Nam, nhất là sau khi ông gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông hôm 4/12.
Ông Nguyễn Đình Hà, một nhà hoạt động trẻ ở trong nước, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng ngoài việc đề cập tới biển Đông trong đoạn tweet chỉ trích các chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc, cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn “giống như một cái tát vào mặt Trung Quốc”.
Mới đây, một nhóm cố vấn về biển Đông có trọng lượng ở Trung Quốc cảnh báo rằng Trung Quốc “có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Đông, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng tuần tra và trinh thám tầm thấp” ở vùng biển được coi là có trữ lượng dầu khí lớn này.

Phân tâm học Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-12.12.2016 
Cảm xúc “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tác động mãnh liệt vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” - diễn ra tại Bắc Ninh vào tháng 11/2016 - chỉ ít lâu sau vụ Thủy điện Hố Hô xả lũ đột ngột giết chết hơn hai chục mạng dân nghèo Hương Khê ở Hà Tĩnh.
Thời Lê mạt…
"Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình…” - Nguyễn Phú Trọng.
Không phải những cái chết đầu tiên, và hầu như chắc chắn chưa phải là những cái chết cuối cùng của lớp dân đen. Những nhiệm kỳ đen tối của các nhóm quyền lực tham tàn đã đẩy đất nước trở về thời Lê mạt với quá nhiều số phận con người không còn lối thoát.
Cảm xúc đề dẫn ấy của Tổng Bí thư được bày tỏ ngay sau vụ Formosa xả thải giết chết biển miền Trung và gây điêu linh cho người dân nơi đây.
Chỉ còn thiếu cảnh người chết đói đầy đường như thời Lê mạt…
Cuối năm 2015, Cụ Rùa Hồ Gươm đột ngột đi vào cõi vĩnh hằng, khiến mọi vong linh thần thánh của Dân tộc cũng bị cuốn trôi theo. Sau đó chỉ còn lại thảm trạng vô sỉ của những kẻ vô liêm.
Cảm xúc tự hào dân tộc của Tổng Bí thư đã khiến nhiều người kinh ngạc về não trạng và cung cách hành xử của ông. Ngay sau đó, một số bài bình luận đã xuất hiện trên mạng xã hội để chứng minh về một thảm trạng kinh tế - xã hội toàn diện ở Việt Nam đang hoàn toàn trái ngược với cách nhìn của ông ta.
Hàng triệu dân oan đất đai, hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường, tài nguyên thiên nhiên gần như cạn kiệt… trong lúc “tham nhũng vẫn ổn định” như nhận định của ông Huỳnh Phong Tranh thời còn là Tổng thanh tra chính phủ, và “đánh tham nhũng là ta tự đánh ta” như lời than vãn gần đây nhất của Tổng Bí thư Trọng.
Chưa kể nợ công, nợ xấu ngập đầu và ngân sách hộc rỗng, còn các phe phái chính trị chỉ mưu toan tranh giành, chiếm đoạt và triệt hạ lẫn nhau, cướp bóc giết chóc nổi lên như ngóe… là tất cả những gì mà hầu như chắc chắn không bao lâu nữa sẽ đẩy đất nước và dân tộc vào cảnh khốn cùng.
Phân tâm học Nguyễn Phú Trọng
Song ở một khía cạnh khác, lại có thể cho rằng ông Trọng… thành thật. Thành thật một cách thuần phác khi phát ngôn như thế. Có nghĩa là ông nghĩ thế nào thì nói thế ấy chứ không phải dùng lối nói xã giao lắt léo của giới ngoại giao hoặc của lũ người chính trị bị dân gian xem là “điếm đàng”.
Thông thường, những người làm việc lâu năm trong bộ máy chính quyền và đặc biệt là trong bộ máy đảng cầm quyền ở Việt Nam vẫn dễ dàng nhận ra cách nói tô hồng khá thuần thục của giới lãnh đạo cao cấp. Trong bối cảnh nền chính trị một đảng, cơ chế tuyên truyền và truyền thông vẫn giữ thói một chiều, vẫn vô số nghị quyết lên gân chuyên chính và các cuộc họp nội bộ mà trong đó phần lớn người dự đều phải tỏ ra kiên định.
Rất nhiều trường hợp quan chức nói vung miệng tại quán nhậu, thậm chí thẳng miệng chửi chính quyền địa phương hoặc chính quyền trung ương, nhưng khi vào cuộc họp nội bộ và nhất là họp chi bộ thì lại im như thóc, hoặc chỉ phát biểu theo nghị quyết và giơ tay “nhất trí” răm rắp.
Não trạng của Tổng Bí thư cũng bởi thế có thể được giải thích theo phân tâm học. Cũng là sự phân hóa trong tư tưởng và hành vi của cùng một quan chức. Tâm lý lặp lại một cách máy móc những giáo điều chính trị, chẳng hạn một lý lẽ mà đã được dân gian xếp vào loại thành ngữ bất hủ “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”, đã khiến giới quan chức từ cao xuống thấp biến thành diễn viên bất đắc dĩ và tự huyễn hoặc mình trên sân khấu giả cảnh. Mưa dần thấm lâu, nói quá nhiều lần cũng phải nghe và tin, dối trá đạt đến một ngưỡng nào đấy sẽ không còn là dối trá nữa, thời gian sẽ khiến những quan chức này phát ngôn thuần quán tính và thậm chí còn phần nào tin vào điều mình nói, cho dù thực tế là hoàn toàn trái ngược.
Trường hợp của Tổng Bí thư Trọng khó có thể được hiểu khác hơn. Một tổng bí thư bị quá nhiều dư luận cho rằng sống trong “tháp ngà”, đã đến tuổi “lẫn”, và trên hết ông là một người của trường phái bảo thủ lẫn giáo điều không còn cơ may điều chỉnh, mà bởi thế rất có thể ông tin vào những điều ông nói ra.
Tin một cách cơ bản và quyết liệt!
Chứng “hoang tưởng phân liệt” cũng bởi thế luôn là một thói quen khó chữa của lịch sử chính trị.
Hệ lụy còn lại là cái niềm tin tương đối và gần như mâu thuẫn với thực tế của ông Trọng có thuyết phục được ai, và liệu có thuyết phục được ngay cả lớp quan chức dưới trướng ông?
‘Ông nói thì cứ nói, tôi làm thì cứ làm’
E rằng rất khó. Trong một chế độ mà chủ nghĩa kim tiền và nạn tham nhũng đang trở nên “cuồng nhiệt” như cách nói của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chủ nghĩa giáo điều của ông Trọng đang xung đột nặng nề với chủ nghĩa thực dụng và tranh đoạt quyền lực để bảo vệ lợi ích nhóm ngay trong đảng.
Càng gần ngày tàn của chế độ, bệnh giáo điều của ông Trọng càng khiến tương lai tìm ra lối thoát cá nhân của các nhóm quyền lực và kim tiền trở nên bế tắc. Tin đắc cử của Donald Trump báo hiệu thời kỳ giới lãnh đạo Việt trả treo với Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt. Bây giờ và những năm tháng tới sẽ chỉ là những cuộc trao đổi sòng phẳng, có đi có lại và nhất là chẳng còn chỗ cho thói trẻ hư làm mình làm mẩy.
Thời gian lại đang là kẻ thù heo đúng nghĩa đen của chế độ cầm quyền Việt Nam. Năm cùng tháng tận, càng giáo điều thì càng tự trói mình vào cột. Chẳng lẽ cực chẳng đã phải thoát lên Bắc Kinh - nơi bất quá cũng chỉ “ngựa xe vài cỗ quân hầu vài tên”?
Cùng tắc biến. Vậy là bắt đầu sinh ra phản ứng…
Bằng chứng “ông nói thì cứ nói, tôi làm thì cứ làm” vừa hiện ra ngay vào quý cuối của năm 2016 ở một cán bộ đảng viên được đánh giá là cực kỳ gương mẫu, thậm chí còn là đại tá công an: Tổng biên tập báo PetrotimesNguyễn Như Phong.
Khác hoàn toàn với trường hợp cựu đại tá công an Lê Hồng Hà - người đã đấu tranh do bất đồng quan điểm với đảng và vừa từ trần - trường hợp ông Nguyễn Như Phong lại mang đậm dấu ấn bảo vệ lợi ích nhóm. Với động cơ ấy, ông Phong đã một bước “nhảy sang thế lực thù địch” khi cho đăng bài phỏng vấn blogger Người Buôn Gió - nhân vật bị đảng quy là “cực kỳ phản động” - ngay trên báo Petrotimes.
Sau vụ Nguyễn Như Phong “trở cờ”, có vẻ Tổng Bí thư Trọng đã giật mình mạnh đến mức ông lập tức phải chỉ thị một Nghị quyết Trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Nỗi lo sợ mất đảng chưa bao giờ lộ rõ như lúc này.
Nhưng đúng là con người không thể chống lại được tuổi tác. Ở tuổi đã hơn “thất thập cổ lai hy”, còn quá ít hy vọng để nhìn thấy một Nguyễn Phú Trọng “đời” hơn. Và ông vẫn chọn cách sống trong tháp ngà và vẫn tuôn ra những cảm xúc cực kỳ chân thành “đất nước mình có bao giờ được như thế này!”.
Cho tới lúc “Trời đất nổi cơn gió bụi” khiến ông và những quan chức cùng hội cùng thuyền phải trả giá…
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.