Monday, January 9, 2017

Tổng Bí thư Trọng đi TQ thăm dò cách đối phó với ông Trump

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 05/11/2015.
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 05/11/2015.
Theo VOA-10.01.2017
Việt Nam loan tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm 4 ngày đến Trung Quốc vào thứ Năm tuần này. Ông Trọng dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Tập Cận Bình.
Hôm Chủ nhật, Tân Hoa xã cũng xác nhận chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 01, theo lời mời của ông Tập.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng lần này chỉ mang tính xã giao, “không có thông điệp gì quan trọng.” Việt Nam sẽ phải tiếp tục giữ thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Thế nhưng khi Mỹ có chính quyền mới, trong mối bang giao giữa ba nước Việt Nam - Trung Quốc - Hoa Kỳ thì Việt Nam sẽ tiếp tục đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phục vụ cho mục tiêu này. Ngoài ra khi hai nhà lãnh đạo Việt - Trung gặp nhau, ông Tập dĩ nhiên là muốn biết chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đi đến đâu và thái độ của Việt Nam đối với chính quyền mới của Mỹ ra sao.”
Được biết sau khi tái đắc cử chức tổng bí thư ở đại hội đảng lần thứ XII, ông Trọng mở chiến dịch chống tham nhũng với châm ngôn “đánh chuột không vỡ bình”. Tuy nhiên, chiến dịch này đang giậm chân tại chỗ và ông Trọng đã tuyên bố rằng việc chống tham nhũng hiện nay vô cùng khó khăn, bởi vì “ta đánh vào ta.”
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, khi ông Trọng hội đàm với ông Tập, ông Trọng rất mong muốn lắng nghe những suy nghĩ và thái độ của nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đối với những chính sách Á châu sau ngày 20/01 khi Hoa Kỳ chính thức có tân thổng thống.
“Ông Trọng cũng muốn biết ông Tập nghĩ gì và sẽ làm gì đối với chính quyền mới của ông Trump.”
Giáo sư Hùng cũng nhận định rằng rất khó đoán việc chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Việt Như như thế nào. Bởi vì, hiện nay chính sách của ông Trump về châu Á và Biển Đông chưa rõ ràng.
“Tuy nhiên, căn cứ vào qua những điều mà ông Trump tuyên bố cho đến giờ phút này và căn cứ vào những người mà ông ấy bổ nhiệm thì ông ấy có nói đến Biển Đông, nhưng ưu tiên tầm quan trọng của ông Trump là quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề kinh tế được ưu tiên hơn vấn đề chiến lược.”
Giáo sư Hùng cũng cho rằng các nước nhỏ ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam rất quan tâm đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bởi vì hai cường quốc này vì lợi ích kinh tế của mình mà mang các vấn đề khác trao đổi lẫn nhau. Một khi các nước lớn không thể thỏa hiệp được các lợi kinh tế thì vấn đề Biển Đông sẽ mang ra làm vật trao đổi, trong khi đó Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ tầm quan trọng trong chính sách của tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm:
“Việt Nam chưa lộ rõ hình ảnh quan trọng đối với ông Trump. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam không quan trọng. Bởi vì nó tùy thuộc vào thái độ của ông ấy và thái độ các nước khác đối với Mỹ. Thí dụ, nếu Trung Quốc và Mỹ không giải quyết được vấn đề tranh chấp kinh tế, dĩ nhiên là có ảnh hưởng đến hai nước và trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Trump có thể đổi chác vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.”
Khi phân tích lý do trên, Giáo sư Hùng dự đoán rằng có thể vấn đề Biển Đông cũng sẽ được sắp xếp trong nghị trình chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng. Tuy báo chí Việt Nam chưa đề cập vấn đề Biển Đông trong nghị trình của ông Trọng vì đây là chủ đề rất nhạy cảm và “tế nhị”, nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra.
Ngoài ra, Giáo sư Hùng cũng chắc chắn rằng ông Trọng sẽ không như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã dám tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ. Bởi vì ngoài Trung Quốc ra, Hoa Kỳ vẫn là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam.

Bộ trưởng lý giải vụ cá chết ‘trượt’ các sự kiện nổi bật

Người Việt biểu tình phản đối Formosa ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 10/8 năm ngoái.
Người Việt biểu tình phản đối Formosa ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 10/8 năm ngoái.
Theo VOA-09.01.2017
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà mới lên tiếng về việc không đưa vụ cá chết ở biển miền Trung vào danh sách các thành quả mà ngành do mình quản lý đạt được năm 2016.
Trả lời trang Soha News hôm 7/1, ông Hà nói rằng top các sự kiện trong năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường “mang tính chất động viên, khích lệ và cho thấy mình làm được điều gì có đóng góp cho sự phát triển đất nước”.
Vì thế, ông cho rằng việc đưa sự cố môi trường mà công ty Đài Loan Formosa đã thừa nhận trách nhiệm gây ra ở các tỉnh miền Trung vào các sự kiện đó là “không phù hợp”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được trích lời nói thêm rằng cá nhân ông “đồng tình với ý kiến là đối với môi trường hiện nay thì không chỉ bầu chọn các sự kiện cơ quan nhà nước đã làm được mà phải đánh giá vào tiêu chí dựa trên thực tế hiện nay”, theo Soha News.
Ông Hà được dẫn lời nói tiếp: “Cụ thể, ngoài những việc đã làm tốt thì các việc về môi trường đặt ra vấn đề phức tạp, bức xúc, nóng bỏng của năm như các sự cố môi trường cũng phải coi là sự kiện và kể cả địa phương nào làm tốt, làm chưa tốt về môi trường cũng cần phải đánh giá. Khi đó, yêu cầu của người dân sẽ được đáp ứng và muốn làm như vậy thì sẽ cần phải bổ sung, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí đánh giá về các vấn đề môi trường..."
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay rằng ông có nắm được các thông tin trái chiều về việc không đưa sự cố biển miền trung vào danh sách 10 sự kiện tiêu biểu.
Ông nói tiếp rằng việc lập danh sách các dự kiện liên quan tới môi trường sau này “có thể được công khai trên mạng hoặc thông qua báo chí để mọi người trong xã hội đều có thể lựa chọn một cách khách quan, chính xác nhất”, theo Soha News.
Sau phản hồi của ông Hà, luật sư Trần Vũ Hải, một người nhiều lần lên tiếng về sự cố môi trường Formosa, viết trên trang Facebook cá nhân: “Sự kiện thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra 4 tỉnh miền Trung là sự kiện lớn nhất trong năm của Việt nam năm 2016. Bộ TN và MT có trách nhiệm lớn nhất trong sự kiện này, tuy nhiện theo biện hộ của Bộ Trưởng Trần Hồng Hà, do Bộ TN và MT chỉ xếp các sự kiện "tích cực" nên không xếp sự kiện này vào 10 sự kiện nổi bật nhất về tài nguyên và môi trường ở Việt nam, dù có xét. Như vậy, chính Bộ TN và MT thừa nhận bộ này thực hiện không tốt trách nhiệm ngay theo khía cạnh "tích cực", tức thừa nhận thất bại của chính Bộ TN và MT trong vụ việc này?”
Chính phủ Việt Nam hồi giữa năm ngoái xác định Formosa đã gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, và cho biết rằng công ty của Đài Loan này đã “nhận trách nhiệm” và đền bù 500 triệu đôla.
Tuy nhiên, kết luận đó vẫn chưa làm nguôi ngoai những người dân bị tác động trực tiếp của “thảm họa môi trường biển”, dẫn tới nhiều vụ phản đối và khiếu kiện thời gian qua.

Quốc hội và Chính phủ sẽ dần tách khỏi cái bóng của đảng?

Từ trái sang: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội XII, ngày 28/1/2016.
Từ trái sang: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội XII, ngày 28/1/2016.
Phạm Chí Dũng
Theo VOA-09.01.2017 
Phải đến một năm sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, những nhân vật mà trước đó đã nằm trong “phương án nhân sự của Tổng Bí thư trình ra Ban Chấp hành Trung ương” mới có vài dấu hiệu thoát ly dần khỏi quỹ đạo “cầm tay chỉ việc” của đảng. Trong số những nhân vật này có bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Xuân Phúc.
Vũ Huy Hoàng có hy vọng thoát ‘cửa tử’?
Biểu hiện rõ nhất cho đến nay đã xuất hiện vào những ngày cuối năm. Tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/12/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 3 nội dung bị rút khỏi chương trình nghị sự, trong đó một nội dung được dư luận chú ý là dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu. Bà Kim Ngân cho rằng “đây là nội dung quan trọng cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo nên Chính phủ chưa kịp chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 này như dự kiến”.
Vũ Huy Hoàng - cựu bộ trưởng ngành công thương bị dư luận xem là tội đồ về đủ thứ chuyện bê bối liên quan đến nhập khẩu phi mã từ Trung cộng, để các nhóm đầu cơ xăng dầu và điện lực tự tung tự tác trong quá nhiều năm, để các đập thủy điện xả lũ giết chết dân, các công trình đầu tư ngàn tỷ và đắp chiếu - trớ trêu thay, lại đang manh nha có cơ hội thoát án tù.
Quốc hội phê phán thế đã đủ đau chưa!” – phát biểu có vẻ hả hê của Tổng Bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngay sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 lại đang có nguy cơ bị thu hồi. Thậm chí khi nêu vấn đề rút dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu, bà Kim Ngân còn chẳng nêu ra một thắc mắc hay đưa ra một phê phán nào trước sự chậm trễ và thái độ không “nhiệt tình cách mạng” của phía Chính phủ.
Trước kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016, đã diễn ra một Hội nghị Trung ương rất quan trọng đối với Tổng Bí thư Trọng về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trong đó nhấn mạnh vụ Trịnh Xuân Thanh đào tẩu và ám chỉ Vũ Huy đưa Hoàng phải “chết thế”. Sau hội nghị này, cái tên Vũ Huy Hoàng được nhiều tờ báo nhà nước nhắc đi nhắc lại như một lối tuyên truyền đã được đảng quán triệt. Vào thời gian đó, số phận của Vũ Huy Hoàng rất mong manh. Thậm chí có tờ báo còn lấy ý kiến cho rằng “cứ có sai phạm là đi bệnh viện”, ám chỉ ông Hoàng đi chữa bệnh dài ngày và như một cách đòi hỏi ngành công an phải khẩn trương “ra tay”.
Tuy vậy, tình hình gần đây lại có vẻ “đảo chiều”. Sau vụ bỏ trốn mới nhất ra nước ngoài của nhân vật Lê Chung Dũng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bầu không khí “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng dường như “xẹp” hẳn. Cũng không thấy báo chí nhà nước còn ồn ào về vụ Vũ Huy Hoàng.
Thái độ có vẻ bàng quan của phía Quốc hội, và đặc biệt của phía Chính phủ đối với vụ “truy tố Vũ Huy Hoàng”, đang cho thấy một sức cản ngày càng lớn đối với quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng. Lực cản đó đã ít nhất một lần được bộc lộ khi Bộ Nội vụ - cơ quan chuyên trách về quản lý nhân sự của Chính phủ - đã có vẻ lần khân khi thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư về làm rõ quy trình bổ nhiệm Vũ Đình Duy của PVN.
Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu chắc hẳn lại được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo. Nếu cơ quan này tiếp tục lần khân, sẽ chẳng có cơ chế nào để xử lý Vũ Huy Hoàng về hành chính và hình sự.
‘Trống đánh xuôi kèn thổi ngược’
Trước khi xảy ra hiện tượng cả Chính phủ lẫn Quốc hội đều không quá mặn mà với việc ban hành Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu, đã có một biểu hiện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khác.
Trong khi Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương, ban hành ngày 1/11/2016, đã “định hướng” cho Quốc hội là sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để giải quyết nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế, thì tại kỳ họp diễn ra ngay sau đó, Quốc hội lại có một bản nghị quyết khác về kế hoạch tài chính, trong đó chính thức xác định không dùng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
Đây là một lần hiếm hoi mà Quốc hội đã không “gật vô thức” như bao nhiêu lần trước, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương theo tinh thần “cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp” như Tổng Bí thư Trọng từng khẳng định.
Câu hỏi cần đặt ra là chính trường Việt Nam sẽ ra sao nếu cả Chủ tịch Ngân lẫn Thủ tướng Phúc đều đang có khuynh hướng tách khỏi cái bóng của Tổng Bí thư và khỏi sự can thiệp quá sâu của các cơ quan đảng?
‘Kẻ ăn ốc người đổ vỏ’
Cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Quốc hội của bà Kim Ngân và chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đang chuyển sang quan điểm “lấy dân làm gốc”. Bằng chứng rất rõ ràng là toàn bộ những khuất tất và hậu quả kinh khủng của vụ Formosa xả thải ở miền Trung đã bị các cơ quan chính phủ giấu biến, còn Quốc hội thậm chí không có một tuyên bố có tính phục thiện nào về biến cố kinh hoàng này.
Do đó, những dấu hiệu của Chính phủ và Quốc hội muốn tách dần khỏi quỹ đạo của đảng chưa có gì có thể được xem là “dân nguyện”. Bài học quá cay đắng mà nhiều người dân đã tích lũy được là đã từ lâu Chính phủ và Quốc hội chỉ còn mang danh phận của những nhóm lợi ích và quyền lực cá nhân, đến nay vẫn chưa có gì được cải thiện.
Không khó lý giải việc Quốc hội ra nghị quyết về không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu: một khi ngân sách đã chẳng còn kết dư nào, những gì còn lại phải ưu tiên cho kế sinh nhai của các cơ quan đảng và nhà nước. Nếu ra nghị quyết dùng ngân sách để mua nợ xấu trong khi ngân sách đã cạn kiệt thì chỉ càng khiến công luận phẫn nộ và chĩa mũi dùi vào trách nhiệm của Quốc hội.
Cũng không loại trừ vụ Vũ Huy Hoàng manh nha thoát “cửa tử” lại là một ưu ái của những nhóm quyền lực và lợi ích nào đó. Bứt dây động rừng!
Lý do còn lại khiến Chính phủ và Quốc hội muốn tách dần quỹ đạo của đảng thuộc về ý thức hệ. Nhiều người cho rằng rất có thể trong bộ máy đảng chỉ còn mình Tổng Bí thư Trọng là còn đủ lạc quan để hy vọng “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”. Nhưng thực tiễn vô cùng phũ phàng lại phản ánh một thực tế gần như trái ngược: tham nhũng “vẫn ổn định”, nợ công và nợ xấu vượt mặt, chi ngân sách vẫn “nâng lên một tầm cao mới” nhưng thu ngân sách lao dốc, ô nhiễm môi trường lan rộng, phản kháng xã hội tràn ngập, nền đạo đức xuống đáy… Chưa kể cái họa phương Bắc treo lơ lửng. Tất cả đều bế tắc!
Người phải chịu trách nhiệm khốn khổ nhất là chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hớn hở nhận lẵng hoa chúc mừng từ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi bàn giao quyền lực, có lẽ ông Phúc đã không thể ngờ về hậu vận “kẻ ăn ốc người đổ vỏ” dành cho ông hiện nay và những năm tháng mệt nhoài sắp tới.
Trong tình thế quá khẩn trương như vậy, việc hô hào về chủ nghĩa xã hội hay “đất nước mình có bao giờ được thế này không” hẳn đã được tuyệt đại đa số giới quan chức kim tiền nhận chân là không thể ảo tưởng hơn. Chỉ có điều, vẫn chưa ai dám nói thẳng ra sự thật trắng trợn ấy.
Vụ Nguyễn Bá Thanh vào nửa cuối năm 2014, vụ Phùng Quang Thanh vào nửa cuối năm 2015, vụ Trịnh Xuân Thanh nửa cuối năm 2016, nhưng ghê gớm hơn cả là vụ “cả ba bị bắn” tại Yên Bái ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ mới tuyên thệ… Nhiều chỉ dấu về giai đoạn cuối cùng đã lộ ra quá rõ. Nếu cứ khư khư ôm ấp quá khứ, làm sao để tìm ra lối thoát?
Lối thoát cho chính thể, nhưng trên hết là lối thoát cá nhân.
Giờ đây là năm 2017 chứ không phải là 2007. Có lẽ cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều thấy rõ những gì mà họ sẽ phải đối mặt trong những ngày tháng đang cận kề.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bò lạc

Tư Rề (Danlambao) - Bò ở đây là một chiếc xe mô tô chuyên dụng của CSGT mang biển số xanh BS 16A1-8215. Con bò bị lạc vào tay một phụ nữ không biết là dân thường hay công an vì các đồng chí “còn đảng còn mình” chưa xác định được danh tính, nguồn gốc. Hình ảnh người phụ nữ mặc thường phục cưỡi bò giễu phố ngày 8/1/2017 khiến dư luận chú ý nên các lãnh đạo công an thành phố Hải Phòng phải vào cuộc điều tra.

Dựa vào kết luận của đơn vị nghiệp vụ, ngay trong tối hôm đó phó giám đốc CA thành phố Hải Phòng Nguyễn Trọng Phượng đã khẳng định trong sự “hồ nghi” rằng, có thể chiếc mô tô này không thuộc đơn vị của mình. Chi tiết này làm Tư Rề rối trí, không biết danh hiệu điều tra vụ án giỏi nhất thế giới của công an cộng sản vứt đi đâu mà để ông Phó giám phải hồ nghi, tức là không biết cóc khô gì. Đã không biết nhưng lại “khẳng định” mới đáng nể chứ. 

Chưa hết đâu, một đồng chí đại tá và là nguyên Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), Nguyễn Kim Hải vào cuộc giải thích một cách rất… khoa học: “Trong trường hợp này có thể là cán bộ CSGT đang đi giao dịch với cơ quan khác, hoặc đang di chuyển phương tiện... thì tôi cho rằng không có chuyện gì lớn”.

Ừ thì cứ cho là đồng chí gái đang cưỡi bò lạc đi “giao dịch với cơ quan khác, hoặc đang di chuyển phương tiện…” đi, thì khi có lùm xùm trên mạng, đồng chí đại tá và đồng chí Phó giám phải xác minh ngay xem thực hư thế nào chứ. Đằng này thấy công luận “kêu ca” mới sấn xổ vào mổ với xẻ, dự với đoán.

Đặt giả thiết người phụ nữ cưỡi “bò” là công an thật đang cải trang đi làm nhiệm vụ bí mật, thì ối giời ơi hoá ra giấu đầu hở đuôi, quần áo chửi mẹ “con bò” có biển số xanh à? Hoặc người phụ nữ trên không phải công an thì chị ta làm cách nào có chiếc xe ấy nhỉ? Từ trước tới nay chỉ có công an ăn cướp của dân, chứ làm gì có chuyện dân mượn đồ của công an dùng tạm. 

Thôi thì chuyện có thế nào đi chăng nữa, đây cũng là việc nội bộ của đảng, sớ rớ vào Tư Rề đi tù như chơi vì tội nói xấu đảng, hoặc tiết lộ bí mật cuốc gia.

Nhưng cũng nên hoan nghênh và tuyên dương các đồng chí, tết nhất đến nơi rồi, các đồng chí ấy diễn trò, diễn hài, diễn kịch cho dân xem đỡ buồn, cũng tốt. Quê hương bé nhỏ khốn khổ này, ngày càng mọc lên nhiều gánh xiếc với những tên hề chọc cười thiên hạ. Nhưng những màn chọc cười ấy, là những phận dân đen phải trả giá và gánh chịu mọi hệ luỵ của những trò hề.


Con Rồng hay con Sản?

CTV Danlambao - Mấy hôm nay cộng đồng mạng anh- tạch -nét nhặng xị ngậu lên vì thứ gọi là “Con Rồng” xuất hiện trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng. “Con Rồng” này nằm trong gói 60 tỉ đồng ngân sách của dân mà lãnh đạo thành phố Hải Phòng bỏ ra để trang trí tết 2017. Ngay khi công trình này xuất hiện, người dân cả nước đã bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí phẫn nộ về sự lãng phí và đả kích về “tính thẩm mỹ” của nó.

Tất nhiên, lãnh đạo thành phố phải đăng đàn cãi bay cãi biến rằng mình bị vu cáo, bịa đặt. 

Lần này, hai thầy cãi là Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

Ông Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Bình thì khẳng định việc làm con rồng chỉ là “sang sửa” thôi, vì nó có trước từ nhiều năm rồi. Đây là “là việc làm thường xuyên của công ty Công viên cây xanh Hải Phòng. Năm nay công ty cắm hoa giả để trang trí khung con rồng có từ trước đó nhiều năm”.

Còn ông Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng lại đổ vấy cho Công ty Công viên cây xanh“việc dựng con rồng này không nằm trong kế hoạch trang trí đường phố cuối năm mà là việc trang trí định kỳ của công ty Công viên cây xanh nên họ không báo cáo UBND TP”. 

Câu “không nằm trong kế hoạch trang trí đường phố” chưa dứt lời thì ông đã dùng câu sau chửi mẹ câu trước rằng “Đây là khoản sửa sang các công trình đường phố diễn ra hằng năm và nằm trong khoản kinh phí hằng năm của TP. Khoản kinh phí này rất nhỏ”. Phải chăng, chuyện “sửa sang” và “trang trí” đường phố là hai khoản tiền khác nhau mà người dân phải chi? Nếu vậy, thì người dân Việt Nam chúng ta đã, đang và sẽ phải đóng vô số các loại tiền ngớ ngẩn do giới cai trị tự đẻ ra mà sự vô lý của nó không phải ai cũng thấy. Giống như ngoài việc phải trả tiền công khi may một chiếc áo hoàn chỉnh, người ta phải trả thêm tiền thùa khuy, đơm cúc, tiền vắt sổ, tiền cắt, tiền may túi, tiền ủi… cho thợ may.

Bao biện, chống chế mãi cuối cùng cũng quyết định tháo dỡ, khai tử cho “con Rồng 60 tỉ”. Không thể phủ nhận vai trò của dư luận tác động đến quyết định này của giới cầm quyền thành phố Hải Phòng. Vấn đề đáng nói ở đây là một sự lãng phí gấp đôi đã được thực hiện. Yếu kém về khả năng, năng lực làm việc, coi thường người dân dẫn đến những hành động kỳ quặc, làm xong dỡ bỏ, hỏng làm lại của giới cầm quyền cộng sản. 

Dùng tiền thuế của dân để “làm Rồng”, rồi lại lấy thêm một lần tiền nữa ra “gỡ Rồng” đúng là trò trơi ngông đầy tốn kém mà giới chóp bu thành phố Cảng phô diễn trong dịp tết 2017 năm nay.

Suy cho cùng, cuộc Cải Ruộng Đất Đất quỷ thần đều khiếp vía, đoạt mạng gần 200 ngàn người dân vô tội, hủy hoại thuần phong mỹ tục, làm hỏng cội rễ, mất tính nhân bản của cả một dân tộc - cuối cùng, chỉ một hình ảnh sụt sùi với chiếc khăn mùi xoa và lời hứa “sửa sai” là xong. Lời “xin lỗi” đồng bào vừa dứt, tên tội đồ lại được tung hô là thánh nhân, là cha già dân tộc để rồi hắn và đàn em của hắn gây tội ác đến tận hôm nay.

Hủy hoại cả một dân tộc để rồi “xin lỗi nhân dân lần sau chúng ông cứ thế” dễ dàng như vậy, thì việc tạo ra rồi dỡ bỏ một con Rồng bằng hoa giả trị giá vài tỉ hoặc vài chục tỉ tiền thuế của dân, ăn nhằm gì.


Bộ y tế cộng sản đòi ra luật cướp máu của người dân

Dân Đen (Danlambao) - Bộ y tế của cộng sản Việt Nam vừa gửi bộ tư pháp văn bản dự án luật về máu và tế bào gốc. Đáng chú ý đề xuất này qui định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc công dân phải thực hiện mỗi năm một lần. Như vậy, nếu quốc hội thông qua dự án luật thì mỗi người dân sẽ bị cướp ít nhất 250ml (một đơn vị) máu của mình dù muốn dù không.

Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ khoảng 30 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu). Vậy thì sẽ có khoảng 50% dân số bị cướp máu theo luật của cộng sản (nếu được thông qua).

Theo tính toán lý thuyết của tổ chức Y Tế Thế Giới, ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu. Một sự chênh lệnh về con số % giữa việc cần và việc bắt buộc công dân hiến máu. 

Giả sử dự án luật này được quốc hội thông qua thì chẳng mấy dân đen có thể biết những giọt máu mình đã hiến sẽ được sử dụng ra sao. Khi ấy những thành phần trục lợi đầu tiên là những đảng viên cao cấp của cộng sản, kế đến là thành phần râu ria liên quan đến y tế. Những giọt máu ấy sẽ được bán cho những bệnh nhân đang cần tới chúng với một cái giá không hề rẻ. Với con số 2% cần nhưng 50% bắt buộc thì số % dư còn lại rất nhiều khả năng sẽ được xuất khẩu cho “đối tác vàng” là Trung cộng để thâu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Những khoản lợi ấy sẽ đi về đầu thì chỉ có đỉnh cao trí tuệ của cộng sản mới biết được. Người dân sống dưới sự cai trị của cộng sản như Việt Nam thì không ai có thể đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý và sử dụng những giọt máu quí giá một khi đã “trao” cho cộng sản mà bộ y tế là đại diện. Nhưng có một điều mà dân đen chắc chắn biết là sẽ chẳng mấy đảng viên nào của cộng sản tham gia hiến máu.

Việc công dân tự nguyện hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp mà những ai có khả năng đều muốn chia sẻ. Bởi ai cũng hiểu ý nghĩa lớn lao của những giọt máu khi được truyền vào cơ thể những bệnh nhân đang cần tới chúng. Rất nhiều hội đoàn, giáo xứ, chùa chiền, trường học, luôn kêu gọi giáo dân, phật tử hay sinh viên hưởng ứng tham gia phong trào hiến máu nhân đạo trong nhiều năm qua. Bằng chứng là trong báo cáo của bộ y tế trình chính phủ cho thấy tỉ lệ hiến máu trên dân số toàn quốc luôn tăng trong những năm vừa qua. Bộ y tế còn cho biết thêm, hiện nay có 60 cơ sở tiếp nhận hiến máu trên toàn quốc với qui mô rất đa dạng. Nếu như thế tại sao bộ y tế lại đề xuất cái dự án luật hiến máu này? Phải chăng bộ y tế muốn đưa bộ mặt hút máu nhân dân của mình ra phơi bày cho công chúng thấy rõ ràng hơn. Người dân ai cũng thấy được sự vô tâm và cái khốn nạn của bộ y tế qua chất lượng phục vụ y tế. Khi nói về chất lượng y tế của Việt Nam, chắc chắn nhiều người lắc đầu ngao ngán bởi hàng trăm cái chết oan của trẻ sơ sinh khi được tiêm văcxin. Hoàng loạt cái chết tức tưởi của bệnh nhân do sự tắc trách của các y bác sỹ dưới sự quản lý của bộ y tế. Bệnh nhân phải nằm 2,3 người chung một giường bệnh, tình trạng đút lót bác sĩ để được điều trị sớm tràn lan các bệnh viện của nhà nước... 

Trên thế giới chưa thấy một quốc gia nào qui định việc hiến máu bắt buộc, kể cả Trung cộng. Nhưng rất có thể Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện qui định này. Dù mới chỉ là dự án nhưng sống dưới môi trường xã hội chủ nghĩa của cộng sản thì người dân đã ngầm hiểu rằng dự án luật này nhiều khả năng sẽ được thông qua. Kinh nghiệm cho thấy cộng sản thường tạo dư luận để xem phản ứng của quần chúng nhân dân. Sau đó sẽ ranh mãnh luồn lách để hợp thức hóa vấn đề một cách ôn hòa nhất có thể. 

Một khi đã được chấp thuận thì rõ ràng đây là một việc làm vi phạm quyền con người nghiêm trọng. Vì máu là một phần tài sản trong cơ thể của mỗi người, việc cho, tặng hay mua bán phải do chủ thể đó quyết định. Mỗi người khi được sinh ra cho tới khi lớn lên đều không phải do cộng sản hay bộ y tế nuôi dưỡng. Vì thế không có bất cứ một tổ chức, đảng phái nào được quyền xâm hại thân thể người khác, mà điều này chính cộng sản Việt Nam đã ký kết với thế giới về quyền con người.

Đảng CSVN và khả năng tàn ác vô giới hạn

Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Đầu năm, ngày 2 tháng 1 năm 2017 đọc tin tức tại Việt Nam, lại nhận được tin công an nhân dân lại đánh chết người thêm một lần nữa tại quê hương của tôi là Bình Định. Mở video theo dõi hình ảnh cái chết của anh Phạm Đặng Toàn 29 tuổi, tôi nghe văng vẳng giọng nói của một phụ nữ Bình Định quê mùa “tụi bây có ác thì ác vừa thôi, sao lại tàn ác quá vậy”.

Tuy câu nói này phát xuất từ một phụ nữ quê mùa, nhưng theo quan điểm của tôi, đánh thẳng vào một trọng điểm của lịch sử nhân loại đương đại, trong cuộc tương tranh ý thức hệ toàn cầu giữa Cộng Sản và Quốc Gia mà đến nay vẫn còn tiếp diễn tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào và Việt Nam.

Yếu tố then chốt làm người CS toàn thắng chính là nằm nơi khả năng tàn ác vô giới hạn này.

Một trong những vấn nạn căn bản của lịch sử mà không những người trí thức quốc gia, mà cả cộng sản ngày nay thường trăn trở suy tư: đó là tại sao các đảng CS thuộc hệ thống Đệ Tam Quốc Tế có thể dễ dàng đè bẹp các đối thủ chính trị, như nhóm Bolshevik của Lê Nin tiêu diệt nhóm Menshevik (1903) và chế độ cộng hòa tại Nga của Kerensky (1917), Đảng CS của Mao Trạch Đông chiến thắng Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tại Trung Quốc (1949) và đuổi họ ra đảo quốc Đài Loan, Đảng Lao Động Triều Tiên của Kim Nhật Thành tiêu diệt các đảng phái đối lập và thống trị Bắc Hàn với bàn tay sắt không đối thủ, cha truyền con cháu nối đến ngày hôm nay, và gần gũi với chúng ta nhất là Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của Ông Hồ Chí Minh đã tiêu diệt mọi đảng phái quốc gia hợp tác với CSVN trong phong trào chống Pháp Việt Minh, và sự thanh toán đẫm máu Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và những đồ đệ của ngài (1947). Sau đó đảng CSVN thống lãnh toàn bộ miền bắc Việt Nam từ năm 1954 và từ 1975 thống nhất giang hồ, với ý đồ muôn năm trường trị trên toàn cõi giang sơn Việt Nam.

Khi xưa người CS tin rằng, lý do họ chiến thắng các lực lượng quốc gia dễ dàng vì họ nắm trong tay chân lý, không những của sự vân hành lịch sử toàn nhân loại, mà cả chân lý của sự vận hành mọi hiện tượng trong vũ trụ khách quan, qua ý thức hệ Mác Lê khoa học bách chiến bách thắng nữa.

Dĩ nhiên, với sự bùng nổ của tin học, với bước đi bất khả vãn hồi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, với ánh sáng của khoa học chiếu rọi vào từng góc cạnh của tâm thức nhân loại, và với sự phá sản kinh tế tại Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác, niềm tin trên đã đổ vỡ toàn diện, kéo theo sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết và các chế độ CS Đông Âu, cũng đồng thời kéo theo sự tái cấu trúc kinh tế của các nước CS Đông Á để sống còn, trừ Bắc Triều Tiên.

Sự sụp đổ toàn diện trên của ý thức hệ giáo điều Mác Lê giúp chúng ta có những điều kiện khách quan hơn để phân tách tại sao các đảng CS chiến thắng trong quá khứ.

Khi duyệt xét lịch sử, chúng ta nhận ngay rằng, người CS không phải là những tập thể duy nhất sử dụng bạo lực như là phương tiện thống trị và cũng chưa chắc họ là những người thành công nhất trong tác động sử dụng bạo lực.

Khi nói đến bạo lực, nhân loại đương đại thường nhắc đến Tần Thủy Hoàng tại Trung Quốc đốt sách và chôn sống học trò, đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn khai sinh, chinh phục từ Á sang Âu, mãi đến tận Trung Đông và miền Bắc Ấn Độ. Mức độ tàn ác và tàn sát người dân vô tội của họ thật khôn tiền khoáng hậu, đến mức độ nhiều dân tộc bị xâm chiếm, trong suốt nhiều thế kỷ, không dám phản kháng và chịu sự thống trị tuyệt đối của họ, cho đến khi chính những triều đại hay đội quân binh thống trị Mông Cổ tàn lụi theo thời gian, kéo dài nhiều thế kỷ, như đội quân Golden Horde chiếm giữ một phần lớn nước Nga bây giờ (từ thế kỷ 13 đến 19).

Tại Âu Châu phải nhắc tới Hitler và Đảng Quốc Xã của Ông, thống trị Đức Quốc và nhiều quốc gia khác trong bàn tay sắt. Nếu không bị Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đánh bại trong thế chiến thứ 2, thì sự thống trị bằng bạo lực của Hitler khó người sánh kịp trong lịch sử đương đại.

Tuy nhiên, ngay cả Hitler và Đảng Quốc Xã Đức, cũng không thể so sánh với các đảng CS trong hệ thống Đệ Tam Quốc Tế và cực điểm của hệ thống bạo lực này là Nhà Độc Tài Joseph Stalin của Cộng Sản Liên Xô.

Thế thì, các đảng CS chiến thắng vì họ tàn ác và sử dụng bạo lực nhưng muốn bạo lực lên ngôi tuyệt đối, một hệ thống độc tài cần những điều kiện nội tại và ngoại tại nào?

Những điều kiện nội tại bao gồm:

1. Một định chế sắc đá, toàn năng, kỷ luật tuyệt đối được điều hướng bởi quan điểm tập trung dân chủ bách chiến bách thắng.

Có thể nói, đây chính là một trong 2 đóng góp có tính sáng tạo nhất của Vladimir Illich Lenin và cũng chính là một trong những lý di vì sao, những người cộng sản đương đại được gọi là đồ độ của chủ thuyết Mác – Lê, mà không phải chỉ đơn thuần là đồ đệ của chủ thuyết Mác Xít. Định chế này chính là Đảng Cộng Sản Liên Bang Xô Viết và hậu duệ của nó là tất cả các đảng CS trong hệ thống Đệ Tam Quốc Tế. Đây là vũ khí sắc bén nhất, nằm trong tay của Lê Nin, để thi hành quan điểm đấu tranh Mác Xít Lê Nin Nít. 

Đóng góp thứ nhì của Lê Nin có tính sáng tạo nằm trong cuốn sách lừng danh của ông là “Đế Quốc Chủ Nghĩa- Giai tầng cao nhất của tư bản chủ nghĩa” (Imperialism, the highest stage of capitalism) trong đó ông đưa ra mệnh đề bổ sung cho Lý Thuyết Mác Xít thuần túy rằng cuộc đấu tranh giữa các cường quốc Thực Dân Tây Phương và các thuộc địa nổi lên dành độc lập cũng mang bản chất đấu tranh giai cấp, như chủ trương của Karl Marx trong cuốn Tư Bản Luận (Das Kapital) vậy.

Qua các đảng CS, dưới sự điều hướng của quan điểm tập trung dân chủ, người CS có thể tiến hành các cuộc đấu tranh giai cấp và chống thực dân từ Âu sang Á và cho đến những góc ngõ của Phi Châu, bách chiến bách thắng. 

Lê Nin đã nhận định rất chính xác ngay từ năm 1903 rằng, các phe nhóm hoặc đảng phái mang tính “dân chủ xã hội”, hoặc Menshevik, hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo một cuộc cách mạng không khoan nhượng, chống các thế lực tư bản. Chỉ có đảng cộng sản trong truyền thống Bolshevik của ông mới có khả năng này.

2. Một đội ngũ cán bộ chỉ có “đạo đức cách mạng” mà không có đạo đức truyền thống.

Trước hết, vì ý thức hệ Mác Lê là một ý thức hệ giáo điều khắc nghiệt, nó không thể dung túng những tư tưởng tự do, nằm ngoài vòng kềm tỏa của nó, luân lưu trong xã hội, nhất là những tư tưởng đang luân lưu trong nền văn hóa truyền thống. Tại Âu Châu đó là nền văn hóa La Hy và ảnh hưởng đạo đức Thiên Chúa Giáo. Tại Đông Á đó là nền văn hóa Tam Giáo và ảnh hưởng luân lý Nho Giáo. 

Chính vì thế, Lê Nin và Stalin bên trời Tây nhận thấy có nhu cầu tạo ra một giai cấp cán bộ “đạo đức cách mạng” chân chính, hoàn toàn không bị ràng buộc bởi những giá trị đạo đức Thiên Chúa Giáo như danh dự, trách nhiệm, lòng nhân ái, sự vị tha v.v... Tại Đông Á thì Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh đã học hỏi từ Lê Nin và Stalin, cũng nhận thấy nhu cầu tạo ra một đội ngũ cán bộ hoàn toàn không bị ràng buộc bởi những giá trị luân lý Khổng Mạnh như nhân, nghĩa, lể, trí, tín, trung hiếu v.v… Từ đó chúng ta có Trường Chinh đấu tố cha mẹ. 

Các đảng CS chỉ có thể phát huy toàn diện quyền lực nếu hàng ngũ đảng viên của họ gồm toàn những người hội đủ yếu tố đạo đức cách mạng nêu trên.

Câu hỏi đặt ra là thế nào là đạo đức cách mạng?

Lê Nin là một trong hai nhà ảo thuật chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Người kia là Tiến Sĩ Goebbels của Đức Quốc Xã. Dưới bàn tay ảo thuật của Lê Nin và những hậu duệ của ông thì trong Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Union of Soviet Socialist Republics viết tắc là USSR), danh từ “xã hội chủ nghĩa” giết chết khái niệm cộng hòa trong ý nghĩa bình thường của nó và hiện nguyên hình là một chế độ độc tài khát máu. Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng nằm trong truyền thống này. 

Tại Trung Hoa thì đệ tử của Lê Nin là Mao Trạch Đông dùng danh từ “Nhân Dân” thay thế cho danh từ xã hội chủ nghĩa, trong cùng mục đích. Trong danh xưng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (People’s Republic of China), hay Dân Chủ Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea) thì danh từ nhân dân cũng giết chết danh từ cộng hòa hay dân chủ tương tự.

Thuật ngữ này cũng áp dụng cho nhiều danh từ khác như pháp chế xã hội chủ nghĩa chính là phản đề của một nền pháp trị chân chính, kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa là phản đề của kinh tế thị trường nghiêm chỉnh, tòa án tối cao nhân dân chính là phản đề của một tòa án tối cao của dân, do dân và vì dân chân chính, quân đội nhân dân, công an nhân dân v.v… cũng đều theo quy luật tương tự.

Và cuối cùng, đạo đức cách mạng có nghĩa là hoàn toàn phi đạo đức, chỉ biết vâng lời đảng tuyệt đối. Một đội ngũ cán bộ trang bị bằng đạo đức cách mạng như thế, trong hàng ngũ một định chế như đảng CS truyền thống Đệ Tam Quốc Tế mới có khả năng khủng bố toàn năng và gieo rắc sự tàn ác vô giới hạn.

Nêu trên là những điều kiện nội tại. Còn đâu là những điều kiện ngoại tại?

Có 2 điều kiện ngoại tại quan trọng:

1. Sự cô lập cá nhân và bưng bít thông tin tuyệt đối

Lê Nin từng là người bị chế độ công an trị của Nga Sa Hoàng đàn áp và đọa đày lâu dài tại Tây Bá Lợi Á và trong các nhà tù. Tuy nhiên Ông ý thức được rằng, lý do ông vượt thoát, vươn lên và lật đổ các đối thủ, trong đó có Nga Sa Hoàng là vì các chế độ đàn áp đó chưa đủ tàn ác. Muốn tàn ác hơn một cấp nữa phải cô lập từng cá nhân những thành phần chống đối và không cho thông tin được trao truyền giữa những cá nhân. Từ đó, những đồ đệ của ông kể cả Hồ Chí Minh, đều được các trường đảng huấn luyện và dạy rằng, các cá nhân chống đối không đáng sợ bằng các tập thể chống đối và sự kiểm soát tuyệt đối thông tin là yếu tố tối quan trọng để tiêu diệt tận gốc rễ mọi đối lập.

Từ đó, trong các chế độ CS, không có quyền tự do lập hội và không có báo chí độc lập. Mục đích chính là thông tin và tư tưởng đối lập không thể được truyền bá hầu tạo ra đối kháng có tổ chức.

2. Gieo rắt sự sợ hãi tuyệt đối:

Gieo rắt sự sợ hãi tuyệt đối phải qua một định chế quyền lực khác làm công cụ cho đảng. Đó là công an. Đức Quốc Xã của Hitler cũng sử dụng tuyệt hảo công cụ này. Trong cả hai chế độ độc tài bật nhất nhân loại đương đại thì mật vụ KGB (tên gọi từ 1954) của Stalin hình như còn tàn ác hơn Gestapo của Hitler một bật. Đêm khuya, công an mật vụ gõ cửa một người dân thấp cổ bé miệng, trước sự kinh hoàng bất lực của vợ con, sau đó bị thủ tiêu là chuyện bình thường xảy ra cho gia đình các quốc gia bị CS cai trị như tại Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Trong Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn. Thậm chí tại Liên Xô, những tướng lãnh cao cấp vẫn bị KGB gõ cửa dẫn đi và thủ tiêu không dấu vết, kể cả những tướng lãnh nổi tiếng anh hùng và toàn dân ngưỡng mộ trong cuộc chiến chống Đức Quốc Xã. 

Ngày hôm nay, Kim Chính Ân cũng thỉnh thoảng xử tử các tướng lãnh cao cấp mà chỉ qua những phiên xử lấp liếm qua loa. Công an CSVN không kém phần tàn ác và những trùm công an luôn dành được cho mình những chức vụ cao nhất trong đảng và nhà nước, lấn lướt cả tướng Võ Nguyên Giáp một thời vàng son.

Chỉ có quyền lực vô giới hạn và vô hình của công an, đứng trên và ngoài hiến pháp lẫn luật pháp, mới gieo rắt đủ sự sợ hãi tuyệt đối trong mọi giai tầng xã hội.

Khi nhận điện được các yếu tố đem lại khả năng tàn ác vô giới hạn, chúng ta mới hiểu rõ lý do đơn giản tại sao các đảng CS chiến thắng dễ dàng trong lịch sử đương đại.

Chúng ta có thể tưởng tượng sự ngơ ngác, đáng thương của của giới trí thức lãnh đạo các đảng phái quốc gia theo truyền thống Thiên Chúa Giáo tại Nga Sô (Kerensky), Đông Đức, Ba Lan, Ukraine… khi đối phó với các đảng CS và những lãnh đạo mà “đạo đức cách mạng” thật triệt để như Joseph Stalin. 

Không một lãnh tụ quốc gia nào tại Ba Lan có thể tưởng tượng nổi mức độ tàn ác không giới hạn của Stalin khi ra lệnh sát hại 22,000 sĩ quan Ba Lan, mặc dầu những người này trước đó được lệnh của chính phủ không kháng cự Hồng Quân Liên Xô. Toàn bộ 22,000 sĩ quan, tinh túy của quân đội Ba Lan bị lừa gạt và thảm sát lại rừng Katyn và tháng 4 năm 1940.

Chúng ta cũng có thể tưởng tượng sự ngơ ngác đáng thương của giới lãnh đạo các đảng phái quốc gia tại Đông Á từ Trung Quốc, Triều Tiên đến Việt Nam, tuy có nhiều người theo tây học nhưng vẫn thấm nhuần truyền thống đạo đức Khổng Mạnh như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu v.v.. khi phải đối phó với các đệ tử chân truyền của Lê Nin tại Đông Á như Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh.

Tại Việt Nam, trong mặt trận Việt Minh, họ bị tiêu diệt hầu như toàn diện và cướp công lao và chính nghĩa trong công cuộc kháng Pháp. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cũng phải chịu số phận thảm thương tương tự.

Họ thua người CS không phải vì họ kém trí tuệ. Ngược lại trí tuệ của họ còn vượt xa người CS trên các bình diện quản trị đất nước, xây dựng cơ đồ lâu dài cho dân tộc. Nhưng khi 2 tổ chức đối diện với nhau, thì cả tổ chức lẫn những cá nhân của họ còn quá mang nặng truyền thống đạo đức của cả dân tộc. Họ không thể là đối thủ của một đảng CS gồm toàn những cá nhân mà khả năng tàn ác vượt ra ngoài sức tưởng tượng của họ và ra ngoài sức tưởng tượng của toàn nhân loại nữa.

Tuy nhiên, ngày hôm nay, các đảng CS có phải là những công cụ bách chiến bách thắng nữa hay không?

Câu trả lời rõ ràng là không.

Lý do là vì cuộc cách mạng kỹ thuật (technological revolution) từ các thập niên 1950, rồi gia tốc vào các thập niên 1970 và sau đó bùng nổ vào các thập niên 1990 với các kỹ thuật vi tính và nối ráp thành mạng lưới toàn cầu đã đem sự hiểu biết, thông tin chính xác và các tư tưởng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đến từng công dân trên quả địa cầu.

Liên Bang Xô Viết sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa, chỉ còn 5 quốc gia CS hiện hữu hôm nay: Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam. Chỉ trừ Bắc Triều Tiên còn chuyên chế nguyên thủy theo mô hình Stalin, các quốc gia khác thật sự không còn CS mà chỉ là độc tài tư bản đỏ.

Cuộc cách mạng tin học và bước đi bất khả vãn hồi của tư tưởng dân chủ đánh trực diện vào các yếu tố nội tại và ngoại tại nêu trên, khiến các đảng CS mất đi khả năng tàn ác vô giới hạn. 

Một khi khả năng này bị mất, họ hiện nguyên hình là những tập thể có muôn ngàn khuyết điểm và đang thoái trào trước bước đi vững chãi của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Chẳng hạn hiện tượng công an giết người nêu trên tại Bình Định. Nếu xảy ra vào năm 1950. Khi chưa có các phương tiện như Iphone có thể thu băng nhanh chóng những gì xảy ra. Cũng chưa có Facebook hoặc mạng lưới internet toàn cầu. Thì không ai biết. Nạn nhân lìa đời trong sự đau khổ của gia đình. Công an CSVN muốn giết ai thì tùy tiện. Công An CSVN tại Bình Định cũng không cần nhọc tâm yêu cầu vợ của người chết phải lên đài đính chính rằng chồng mình không phải do công an giết. Mặc dầu dân chúng sẽ không ai tin rằng vợ của nạn nhân không bị ép buộc để bẻ cong sự thật, mong được yên thân.

Cuộc cách mạng tin học đã bẻ gãy một yếu tố then chốt của sự tàn ác vô giới hạn bằng cách xuyên phá sự bưng bít thông tin.

Người dân cũng không còn sợ hãi tuyệt đối và đã bắt giữ 2 sĩ quan công an, bắt phải quỳ lạy trước thi hài người quá cố.

Thêm vào đó, chính các cán bộ nồng cốt của đảng cũng bị cuộc cách mạng tin học tha hóa. Đạo đức cách mạng theo truyền thống Đệ tam Quốc Tế đã không còn hiện hữu trong hàng ngũ đảng CSVN nữa.

Và cuối cùng, cấu trúc đảng CSVN như là một công cụ đấu tranh tuyệt vời của Lê Nin rèn luyện bây giờ là một định chế quyền lực và quyền lợi, gồm những đại gia phè phỡn vung vít, chẳng bao lâu sẽ bị vứt vào thùng rác thôi tha của lịch sử.

Cũng năm mới, lại nghe TBT Nguyễn Phú Trọng kêu gào vô vọng các đảng viên chống suy thoái đạo đức, chống tự diễn biến v.v…

Bề mặt thì có vẻ như ông Trọng muốn ngăn chậm tham nhũng và cán bộ thoái hóa. Tuy nhiên, với bản tính bảo thủ cố hữu, nguyên nhân chính Ông kêu gào vô vọng có thể là ông vẫn còn hoang tưởng gầy dựng lại thời đại hoàng kim xa xưa khi đảng CSVN và những đảng CS khác còn hội đủ các yếu tố để phát huy sự tàn ác vô giới hạn và thống trị giang hồ không đối thủ.


Luận bàn về hai chữ văn hóa dưới thời cộng sản

Nguyễn Dư (Danlambao) - Từ ngày cộng sản cai quản trọn miền Nam, người ta thường thấy họ hay đề cao về hai chữ văn hóa. Ở Sài Gòn thì chắc nhiều người còn thấy họ treo bảng, chẳng hạn như: Nhà văn hóa thanh niên; phố văn hóa; phường văn hóa; ấp văn hóa... Sau này thì chúng ta còn nghe nào là văn hóa ứng xử; văn hóa từ chức; văn hóa lưu thông; văn hóa ẩm thực; rồi có cả văn hóa xấu hổ nữa... Quá nhiều "văn hóa", kể ra không hết. Nhưng cuối cùng thì nhìn lại trên khắp mọi nơi, trong mọi lãnh vực, nơi đâu người ta cũng cư xử giữa con người với nhau đều vô văn hóa.

Tôi có đọc ở đâu đó, thấy ông giám đốc bệnh viện bắt từ y tá cho đến các bác sĩ phải học cách ứng xử với bệnh nhân. Không biết họ học những bài học thuộc lòng đó rồi ứng xử cái gọi là có văn hóa với bệnh nhân được bao nhiêu lâu, trong bao nhiêu ngày!? Có khi sau đó len lén, không ai để ý thì họ sẽ trở về tình trạng "vô văn hóa" cũng nên.

Nói ra chuyện này để chê bai tất cả người Việt mình thì cũng như là quơ đũa cả nắm mà trong đó có luôn cả bản thân mình. Nhưng vấn đề cần đặt ra, vì đây là một loại "văn hóa xấu hổ" phải nói, để chúng ta thường xuyên nên nhắc nhở lẫn nhau. Nếu nói cái tốt không thôi thì không ai biết là mình xấu. Mà cái tốt cũng không nên khoe khang vì nó trơ trẽn lắm. Tình trạng "đảng ta" hiện tại là như thế: chỉ biết ca tụng ông Hồ, ca tụng "đảng ta" là đỉnh cao trí tuệ, là đạo đức, là văn minh... thì ai cũng biết đảng hiện thời ngu dốt và kêu căng đến thậm tệ như thế nào rồi.

Nên nhìn lại trên thực tế, đem so sánh giữa người mình với nhiều người ở nhiều quốc gia văn minh khác thì chúng ta đáng xấu hổ; không thể tự hào dân tộc như nhiều ông bà cán cộng hay lạc quan tếu tự hào về chế độ cộng sản do họ lãnh đạo. Phải kể, trong đó có người thuộc loại có học, trí thức như bà Tôn Nữ Thị Ninh. Cái lạc quan tếu của bà ta thật đáng khinh, tởm cho một loại người tiêu biểu là trí thức của thời xã hội chủ nghĩa!

Những nước như: Mỹ, Canada, Úc hay như các nước trong khối Châu Âu, nếu có dịp đi qua, chúng ta thấy, ngoài đường phố chỉ cần một vỏ kẹo thôi, họ cũng tìm thùng rác chứ không ai bỏ đại ra đường. Người Việt mình sống chung trong một xã hội như thế lâu ngày thành quen, làm khác người thì tự nhiên cảm thấy khó chịu. Người thúc đẩy người, "kiểm soát" lẫn nhau dẫn đến mọi người đều có ý thức trong một cộng đồng xã hội là ở chỗ đó. 

Chúng ta còn sẽ thấy có những nơi ở công viên, xa xa có những cột để thùng rác, trên có hình con chó và để sẵn bịch ni lông; nếu để ý, sẽ thấy nhiều người dẫn chó đi ngang, lấy bịch ni lông bỏ túi để khi chó của họ thải phân thì họ túm lại bỏ vào thùng. Một đất nước có kỷ cương, nề nếp, đa số người ta ý thức. Bởi lẽ khi mà nhà nước đặt cái tùng rác như thế thì mọi công dân đều phải hiểu rằng thùng rác không vô cớ đặt chơi, làm cảnh; nếu vi phạm có khi người khác làm lớn chuyện vì phạm luật thì sẽ bị phạt; hoặc có ai đó nhìn thấy, bị nhắc nhở, thì là một việc làm xấu hổ. Người ta tự ý thức, không phải mỗi việc đều mỗi học tập như trường hợp người trong bệnh viện xứ ta học văn hóa ứng xử như tôi vừa nêu, thì nó cũng giống như trong một lớp mẫu giáo! Cộng đồng xã hội trong một quốc gia cái gì cũng phải "học", cái gì cũng có luật, mà không một "đứa trẻ" nào chịu "hành". Thật là một xã hội đáng tội nghiệp!

Người ta đề cập nhiều về "văn hóa giao thông", nói thêm trong bài viết này thì cũng bằng thừa. Nhưng cái nguyên nhân cốt lõi cần phải nhận ra cho rõ rằng: chế độ cộng sản Việt Nam điều hành quốc gia quá tồi, nhiều năm những cái xấu xa tồn đọng cho nên bây giờ nó mới phát ra thành ghẻ lở, bất trị, khó mà chấp vá lại lành lặn. Mỗi ngày lâu dần thì chỉ càng trầm trọng thêm mà thôi. 

Giao thông bát nháo, tai nạn khủng khiếp xảy ra hàng năm, xem thống kê mà muốn... chóng mặt. Đương nhiên nó gồm nhiều nguyên nhân mà khâu nào cũng quan trọng cả. Người ta kêu gọi mọi người, nào là phải ý thức; hạ tầng cơ sở giao thông phải tốt; rồi luật giao thông phải nghiêm... Nhưng người ta quên một điều rằng những năm gần đây các tỉnh xa xôi, người dân đói nghèo, tập trung nhiều về thành phố kiếm sống cho nên sinh ra nhiều tệ nạn; nạnh người nào người nấy "chạy đua" để sống còn trong một xã hội bon chen thì ai sẽ là người ý thức về luật lệ; rồi ai sẽ nhường cho ai. Ý tôi muốn nói, còn một nguyên nhân nữa mà không ai đề cập là cách điều hành quốc gia quá yếu kém về mật độ dân số cộng với cái đói nghèo tập trung về một nơi làm góp phần cho xã hội khó kiểm soát và giao thông thêm bát nháo. Trong một cộng đồng, không thế cứ kêu gọi mọi người ý thức khơi khơi rồi ai cũng sẽ chấp hành như ý được đâu.

Xem một đoạn phim trên YouTube, thấy cảnh sát giao thông chụp hình chạy quá tốc độ, người tài xế xe xuống còn kiếm chuyện, sinh sự, không chịu đóng phạt. Thật sự có cần phải cãi cọ, hành xử rùm beng giữa người với người ở nơi công cộng như thế không!? Người ta chỉ cần đặt Camera ở một góc độ nào đó ghi hình; một thời gian sau chừng mười ngày hoặc nửa tháng gởi bằng chứng chạy quá tốc độ, ngày, giờ đến chủ xe và giá tiền đóng phạt phải trả thì hết chối cãi. Cảnh sát giao thông cũng khó lòng mà ăn hối lộ. Làm như thế thì tránh được tình trạng cãi vã mà được thêm cái ưu điểm nữa là làm tất cả chủ các phương tiện lưu thông phải e dè lo sợ, giữ mình, giữ đúng luật định vì không biết lúc nào, khi nào, ở đâu mình bị Camera thu hình, theo dõi.

Còn nói về "văn hóa từ chức" thì nghe các ông bà cán cộng cũng kêu gọi khơi khơi quá nhiều rồi, xong chuyện thì cũng "vũ như cẩn" vì nạn hối lộ, chạy chức, chạy quyền, mua chuộc để được ngồi vào chỗ béo bở thì ai sẽ là người từ chức? Sống trên một đất nước mà cấm dân mở miệng cộng với một hệ thống lãnh đạo không ra gì như thế thì có ai còn tự biết để mà xấu hổ khi họ làm bậy mà từ chức. Có khi giấu giếm được chừng nào hay chừng đó; chờ có ai khui chuyện ra như trường hợp của Vũ Huy Hoàng thì mọi việc đã xong. Chỉ còn có cách là... kêu trời! Những trường hợp tương tự như Vũ Huy Hoàng trên khắp đất nước này không phải là ít.

Còn một thứ văn hóa nữa mà tôi quên, chưa đề cập: đó là "văn hóa đồi trụy". Nếu theo định nghĩa như của Wiktionary tiếng Việt về hai chữ đồi trụy là: "đi ra ngoài khuôn khổ những gì được cho là đúng, ngoan, tốt, không được xã hội chấp nhận. Khác thường, không được truyền thống văn hóa chấp nhận". Thế thì đúng y chang cái tình trạng "văn hóa đồi trụy" trên khắp mọi miền đất nước này, nó ăn sâu vào từng người Việt ta hiện nay dưới thời đảng cộng sản cai trị, khó mà gột rửa được nữa rồi.


Việt Nam đã "hết cửa" rồi

Trần Nhật Phong (Danlambao) - Một vài bạn trẻ ở Sài Gòn lại inbox cho tôi, nói rằng kể từ ngày có mạng xã hội, họ được tiếp cận khá nhiều thông tin, và trở nên hoang mang trước hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, từ chuyện chính quyền CSVN nhu nhược với chủ quyền biển đảo cho đến sự phát triển kinh tế èo uột, khác hẳn với những gì họ được học hỏi từ mái trường xã hội chủ nghĩa, câu hỏi của những người bạn trẻ là Việt Nam sẽ đi về đâu trước nhũng vấn nạn xã hội, công quyền không thể giải quyết.

Tôi không phải là một kinh tế gia, có thể giải đáp được thắc mắc của các bạn, tuy nhiên tôi rất mừng là các bạn đã bắt đầu biết hoang mang, tức là các bạn đã nhìn ra được sự “bất ổn” trong hệ thống tư duy của đảng cộng sản, ở đây tôi chỉ nói với các bạn trên quan điểm của một người sống qua nhiều quốc gia, đi nhiều nơi, và từ những ghi nhận trong cuộc sống, chia sẻ lại với các bạn góc nhìn của tôi mà thôi.

Tôi sinh hoạt lâu năm với các anh chị em trong giới nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ trình diễn văn hóa cổ truyền như Cải Lương, Hồ Quảng, trong số này có một nam nghệ sĩ là đàn em của bà xã tôi, chuyên môn thủ "vai ác" trong các tuồng cải lương từ xã hội cho đến tuồng cổ.

Có một lần ngồi ăn nhậu với nhau, tôi hỏi anh rằng, sao chuyên môn chọn những "vai phản diện" mà không tranh thủ những vai chánh, anh cười đáp "Anh biết rồi, trong ngành của mình hiện nay, có 2 ông thần đã ôm trọn vai chánh trên hàng ngàn cuốn video là Vũ Linh và Kim Tử Long, nếu em chọn vai chánh đó nữa thì cạnh tranh… mệt lắm, còn đóng vai “kép nhì” thì làm sao khán giả nhớ đến em là ai? Trong một vở tuồng, khán giả chỉ luôn nhớ đến ông kép chánh và ông kép ác thôi, nên thay vì chọn vai chánh để cạnh tranh với 2 ông thần kia, em chọn vai “phản diện” cho chắc ăn". 

Lúc đó tôi khá ngỡ ngàng, nhưng rồi hiểu ngay, đây chính là nguyên tắc mà ngạn ngữ Trung Hoa đã từng có “tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng”, biết rõ bản thân của mình, biết rõ sở trường của mình, biết rõ đối phương thì sẽ thành công.

Tôi kể câu chuyện này cho các bạn nghe, là muốn nói đến Việt Nam, đất nước có truyền thống văn hóa “lúa nước” kể từ ngày lập quốc đến nay, so với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, rõ ràng về địa lý Việt Nam hơn hẳn những quốc gia hay vùng lãnh thổ này, một bên là biển, một bên là rừng và cao nguyên bao la bát ngát, có thể nói lá một thế mạnh và sở trường về nông, hải sản.

Theo các bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, kể từ cuối thập niên 90 (bắt đầu từ 1999) đến nay, hầu như năm nào cơ quan này cũng báo động về tình trạng thiếu thực phẩm trên thế giới, nhất là đối với những quốc gia đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc thì nạn thiếu thực phẩm càng trầm trọng, và năm nào họ cũng nhập cảng hàng trăm tỷ Mỹ kim các mặt hàng nông sản và hải sản, để cung ứng cho nhu cầu của dân chúng. 

Nếu là một cơ chế lãnh đạo quản lý đất nước tốt, có tầm nhìn và hiểu rõ đất nước mình có lợi thế gì, thì tôi nói với các bạn Việt Nam hôm nay đã trở thành một cường quốc về kinh tế dựa trên nông, hải sản xuất cảng, nhưng đáng tiếc, Việt Nam hôm nay đã sắp sửa thua cả Lào và Cam Bốt chỉ vì những kẻ cai trị “ngu dốt, ích kỷ và tham lam”. 

“Ngu dốt” là không hiểu rõ đất nước mình có thế mạnh gì? sở trường gì? Chỉ nhìn thấy Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hay Nhật Bản giàu có nhờ công nghiệp thì vội vã chạy theo và “đòi” biến Việt Nam thành quốc gia công nghiệp. Các quốc gia và vùng lãnh thổ trên chỉ là những đảo quốc, hoặc hàng năm phải đương đầu với động đất, sóng thần, nên họ không còn lựa chọn nào khác là chọn công nghiệp để phát triển, ngay cả Nhật Bản còn phải tạo ra những đảo nhân tạo để trồng lúa, thì các bạn đủ hiểu thực phẩm chính là nguồn gốc cho sự an toàn đời sống của người dân, và ở những nơi này, nếu các bạn có dịp đi qua sẽ thấy rằng giá cả thức ăn luôn mắc mỏ hơn những thứ khác. 

Thay vì dùng nguồn vốn ODA hay FDI để phát triển hạ tầng cơ sở cho nông nghiệp, thay vì “thua lỗ ngàn tỷ” cho các dự án thép, Boxite, ngân hàng, tốn cả ngàn tỷ cho những tượng đài vô bổ, số tiền đó hàng năm đầu tư vào máy móc hiện đại cho ngành nông sản và hải sản của Việt Nam, giúp nông dân và ngư dân có phương tiện thay cho sức người, sức trâu, khai thác gổ và trồng thêm rừng, thì có phải Việt Nam ít nhất đã trở thành một quốc gia cung cấp thực phẩm trong khu vực quan trọng, và hôm nay Việt Nam đâu có bị tan hoang vì phá rừng, vì ô nhiễm môi sinh, vì nước sông ở đồng bằng sông Cữu Long đâu có tình trạng bị “ngập mặn”. Cái “ngu dốt” của những kẻ cầm quyền chính là điểm này.

“Tham lam” là vì những kẻ mang thẻ đảng từ trung ương đến địa phương, nếu phát triển đúng hướng thì làm sao họ có tiền sắm xe hiệu cho bản thân và gia đình, làm sao có đất đai bán “quyền sử dụng” cho “nhà đầu tư”, và biến tài sản của dân tộc thành tài sản riêng của từng đảng viên. Việt Nam hiện nay nằm trong tình trạng “cha chung không ai khóc”, mỗi một kẻ lên nhiệm đều vơ vét cho đủ “sở hụi” trước khi “thuyên chuyển” qua nơi khác, có tên đảng viên nào chịu nhận trách nhiệm đâu, từ bộ công thương, bộ công an, bộ quốc phòng cho đến cái gọi là mặt trận tổ quốc, cứ lấy đất đai xây resort, xây sân goft xây nhà máy thép và xây… tượng đài để dục khoét, thu tiền bỏ túi riêng, “ai chết mặc bay”, tao thu tiền bỏ túi, đây chính là hiện trạng của Việt Nam, cai trị đất nước chỉ là những kẻ “tham lam”. 

“Ích kỷ” là biết bản thân ngu dốt, không có khả năng quản lý và lãnh đạo đất nước, nhưng vẫn bám vào cái “hiến pháp thổ tả” để độc quyền cai trị đất nước, độc quyền dành những món lợi cho gia đình của đảng viên, còn mọi thứ nợ công, nghèo đói thì đạp cho… dân đen lãnh. Chỉ vì “ích kỷ” cho nên Việt Nam hôm nay, những người có khả năng đều bỏ chạy ra khỏi đất nước, khi họ không có cơ hội đóng góp trong các vị trí lãnh đạo chỉ vì họ không có thẻ đảng, thì họ đem cái học và khả năng của họ đóng góp cho quốc gia khác, để bản thân và gia đình của họ được thăng tiến, được hãnh phúc vì họ đóng góp đúng khả năng của họ và họ được quyền hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Nếu các bạn hỏi tôi với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, do độc đảng nên “quota” xuất cảng bị hạn chế, ô nhiễm môi trường khiến cho các mặc hàng nông, hải sản bị trả về, dệt may cạnh tranh không nổi với Indonesia, Miến Điện và Trung Quốc, từ nam chí bắc môi trường bị ô nhiễm nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân vì rừng bị tàn phá, vì biển bị nhiễm kim loại vì nước sông bị “ngập mạn”, thì chừng nào Việt Nam mới khắc phục được tình trạng này, tôi có thể nói với các bạn rằng, ngay cả bây giờ cộng sản sụp đổ, thì cứu vãn lại môi trường của Việt Nam, cũng phải mất từ 70 năm đến cả trăm năm chứ không phải chỉ vài năm là có thể làm được. 

Ngay cả nơi tôi đang sinh sống là tiểu bang California, từ thập niên 70, chính phủ tiểu bang đã dự đoán mức ô nhiễm sẽ tăng cao với mực độ dân số ngày càng tăng và xe cộ nhiều, đã ra nhiều đạo luật và chính sách để gìn giữ môi trường, mà đến hôm nay so với Việt Nam đương nhiên chúng tôi sống trong bầu không khí sạch sẽ hơn, nhưng nếu so với Hawaii hay một số tiểu bang nông nghiệp khác, thì chỉ số ô nhiễm của California vẫn cao hơn, chúng tôi mất hơn 40 năm mà chỉ giữ được vậy, huống hồ chi Việt Nam chính sách bảo vệ môi trường không có, không rõ ràng, thiếu dụng cụ, thiết bị bảo vệ môi trường, thiếu cả “người lãnh đạo có tầm nhìn” thì các bạn nghĩ Việt Nam sẽ mất bao nhiêu năm để phục hồi? 

Đừng để những kẻ cầm quyền “bịp bợm” các bạn về những ngôn ngữ tô hồng, “nổ” và “lấp liếm” nữa, cứu được các bạn và gia đình của các bạn, chỉ có bản thân các bạn thôi, còn nếu không đủ khả năng, bản lãnh để đứng lên thay đổi xã hội nơi các bạn ở, thì cách tốt nhất là tìm đường… chạy, nghèo chạy theo kiểu nhà nghèo, có tiền chạy theo kiểu có tiền, vì với cơ chế lãnh đạo hiện nay, Việt Nam đã không còn lối thoát nào khác, chỉ cho người dân có bầu không khí trong sạch và ăn no thôi cũng chưa được, đừng nói chi đến cái gọi là “cường quốc công nghiệp”, suy nghĩ gẩm cho thật kỷ rồi quyết định cho chính bản thân các bạn nhé, chúc các bạn một năm mới “rung chuông” ăn tết một cách “hạnh phúc với đảng và nhà nước” nhé.