Thursday, October 3, 2019

Hà Nội không vội được đâu

Theo VOA-Mặc Lâm/04/10/2019
Ảnh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/9/2019.
 Ảnh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/9/2019.
Hôm 5 tháng 3, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đưa ra một báo cáo gây sửng sốt về ô nhiễm không khí, thông số PM2,5 cao gấp 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và gấp 3 lần so với tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Mới đây nhất, sáng ngày 1 tháng 10 Hà Nội như có một màn sương dày đặc bao phủ nhưng thật ra đó là bụi trong không khí đang hòa trộn với nhau mà giới khoa học gọi là bụi mịn.
Chỉ số AQI lúc 6 giờ sáng ngày 30 tháng 9 tại Hà Nội có nơi lên tới 265, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của WHO. Chỉ số của ngày 30-9 cũng cao hơn nhiều so với kết quả đo được vào cùng thời điểm ngày 29-9 với AQI ở mức 179, bụi mịn PM2.5 là 109,3 µg/m3.
Các hạt bụi mịn PM2.5 và PM10 được sinh ra từ tự nhiên như cháy rừng, khói núi lửa, các cơn bão cát, lốc xoáy, hoặc từ chất thải sinh vật, nước thải côn trùng. Nhưng đa phần bụi được tạo ra từ các hoạt động của con người. Theo giới chức trách nhiệm tại Hà Nội cho biết có 12 nguyên nhân gây ô nhiễm và tạo ra bụi mịn tại Hà Nội bao gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo tổ chức đo chất lượng không khí thế giới AirVisual cho biết thu thập dữ liệu ở Việt Nam từ nhiều trạm đo thuộc chính phủ và phi chính phủ thì theo bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual vào 8 giờ ngày 26/9, Hà Nội ở vị trí số 1 (chỉ số AQI luôn trên 200 - mức xấu), ngay sau là thủ đô Jakarta của Indonesia và TP HCM.
Thế nhưng theo Thứ trưởng TN&MT Lê Công Thành thì kết quả đo mức độ ô nhiễm của các trang mạng nước ngoài chỉ mang tính chất tham khảo vì chưa được chuẩn hóa. Ông cho rằng các trang mạng phản ánh chất lượng không khí trên toàn cầu là trang mạng nước ngoài mà theo Bộ tìm hiểu, thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc không khí khác nhau của Hà Nội và TP.HCM lắp đặt có các trang mạng này đặt hàng và truyền thông tin cho các trang này.
Tuy nhiên trên tờ VNExpress, “Louise Watt, phát ngôn viên của IQAir AirVisual giải thích cho công tác đo đạt bụi mịn tại Hà Nội, IQAir AirVisual thu thập dữ liệu từ 14 trạm kiểm soát không khí, gồm có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (http://moitruongthudo.vn/), Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành. Ở mỗi trạm, các chỉ số được thu thập theo thời gian thực, chất ô nhiễm được đo và dựa theo Chỉ số chất lượng không khí của Mỹ (U.S. Air Quality Index value). Chẳng hạn, độ tập trung của PM2,5 là 102,2 micrograms trên mỗi m3 ở Hà Nội lúc 7h sáng nay được coi là không tốt cho sức khoẻ theo US Air Quality Index.”
Sở dĩ chúng tôi trích dẫn khá nhiều vì muốn chứng minh rằng lời phủ định của Thứ trưởng TN&MT Lê Công Thành là thiếu căn cứ. Những gì mà tổ chức IQAir AirVisual đã và đang làm trong tinh thần khoa học và có thể dễ dàng xác minh độ tin cậy của một tổ chức phi chính phủ. Những số đo chính xác của họ không phải để tham khảo mà cần thấy rằng đó là công trình khoa học đáng tin cậy và cần dựa vào để đối phó với những gì đang xảy ra.
Trước mắt là sức khỏe cộng đồng có thể nguy hại đến toàn bộ quốc gia vì bụi mịn hòa cùng các loại ô nhiễm không khí khác hoàn toàn có thể làm kiệt quệ sức khỏe người dân bởi những căn bệnh ung thư hay bệnh về hô hấp, tim mạch. Mức độ nguy hiểm của bụi mịn rất đáng sợ PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường hô hấp và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC cho biết nếu mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36%.
Sự nguy hiểm đã lộ rõ và người dân Hà Nội không biết làm gì hơn là mang khẩu trang tránh bụi. Từ nhu cầu này một loại khẩu trang đặc biệt chống bụi mịn đã được bày bán với giá khó tin: một hộp khoảng 20 cái được bán gần 500 ngàn đồng nhưng vẫn có rất nhiều người tranh nhau mua còn mức độ an toàn thì chưa có cơ quan chức năng nào xác nhận.
Để đối phó với bụi mịn, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội ở mức cao nhất trong 5 năm qua và ông khuyến cáo "người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời" Đây là giải pháp khó hiểu và cũng rất khó thực hiện bởi không ai có thể ở mãi trong nhà để tránh bụi trong khi bao tử không ngớt thôi thúc phải kiếm tiền.
Trong khi đó Bộ Y Tế hoàn toàn im lặng không có một hướng dẫn nào dù đơn sơ nhất cho người dân nhằm phòng tránh hay sơ cứu nếu có trường hợp nhiễm bệnh.
Xưa nay câu nói quen thuộc “Hà Nội không vội được đâu” mang hàm nghĩa “với hoàn cảnh hiện tại của Hà Nội, chuyện muốn làm nhanh một việc gì đó theo ý mình là khó thực hiện, cần phải chọn cách giải quyết phù hợp”. Đó là nói về người dân bắt buộc phải dựa dẫm vào quan trên, nhưng bây giờ thì cái câu nói cửa miệng ấy đã lan sang nhà quan, nhất là các quan trong Bộ Tài nguyên Môi trường.
Phủ định kết quả của một cơ quan độc lập nhưng không có bất cứ một quyết sách cụ thể nào đối phó vấn nạn ô nhiễm không khí là cách mà Bộ TN&MT đang làm. Người dân không khó để đoán định rằng rồi đây hàng đống lý do phủ định khác sẽ được đưa ra nhằm tránh né trách nhiệm cụ thể trong đó không thiếu lý do khách quan do người dân tạo nên và cũng tại người dân không ý thức trách nhiệm gìn giữ môi trường.
Con lừa già kéo cỗ xe trách nhiệm vẫn mãi ì ạch trên con đường phục vụ nhân dân và người Hà Nội một lần nữa thấm thía câu “sấm” “Hà Nội không vội được đâu” nay đã vào thẳng chốn quan trường và vì vậy nỗi lo bụi mịn có kéo dài tới đâu cũng “tại xã hội này nó thế”.

‘Quyền lực’ hộ chiếu

Theo VOA-Mạnh Kim/04/10/2019
“Nói chuyện với anh một chút được không?”. “Ờ, việc gì?”. “Tức quá!”. “Mà chuyện gì?”. “Em mới rớt visa đi Mỹ!”. Hóa ra lại là chuyện xin visa Mỹ bất thành. Cuộc nói chuyện vừa kể xảy ra đúng ngay ngày mà Henley & Partners loan bố danh sách cho thấy “điểm” hộ chiếu của các quốc gia và qua đó biết được nước nào có hộ chiếu “quyền lực” nhất thế giới.
Henley Passport Index công bố ngày 1-10-2019 cho thấy hộ chiếu Nhật và Singapore đang là hộ chiếu “chảnh” nhất thế giới. Cầm hộ chiếu này trong tay, bạn có thể đi đến 190 quốc gia mà không cần xin visa. Đức, Hàn Quốc và Phần Lan xếp thứ hai, với 188 quốc gia. Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ… ngang ngửa, với 184 quốc gia. Trong khi đó, công dân Việt Nam chỉ đến được 51 quốc gia mà không cần thị thực, trong đó có những nước mà người du lịch Việt Nam gần như không bao giờ nghĩ đến việc đặt chân tới, chẳng hạn Djibouti và Somalia. Với hạng 90 trong Henley Passport Index, hộ chiếu Việt Nam còn tệ hơn Sierra Leone (hạng 79, 63 quốc gia); Mozambique (hạng 81, 60 quốc gia); Rwanda (hạng 84, 57 quốc gia) và thậm chí Campuchia (hạng 88, với 53 quốc gia miễn thị thực)! Tổng quát, trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ hơn Myanmar (hạng 95, với 46 quốc gia) và Lào (hạng 92, với 49 quốc gia).
Câu chuyện “quyền lực” hộ chiếu không là vấn đề nhỏ, ở thời mà khái niệm “công dân toàn cầu” luôn được nhấn mạnh. Hộ chiếu là “cánh cửa” mở ra bên ngoài trong cái thế giới mà khoảng cách địa lý gần như không còn là rào cản bởi các yếu tố chính trị. Làm thế nào có thể giúp hội nhập “bạn bè năm châu” để học điều hay, biết điều dở khi công dân nước mình nhìn ra “châu” nào cũng thấy bị làm khó bởi “nỗi khổ” visa? Giá trị của hộ chiếu ngày nay còn cho thấy “chỉ số tín nhiệm” mỗi quốc gia. Hộ chiếu trở thành hình ảnh ít nhiều đại diện cho mức độ tín nhiệm quốc gia của nước đó đối với thế giới mà công dân họ bị lệ thuộc vào. Nó không liên quan đến sự giàu có hay được khuôn định bởi “kích cỡ” GDP. Chẳng phải tự nhiên mà hộ chiếu Trung Quốc chỉ được xếp hạng 72 (với 71 quốc gia) trong khi Hong Kong hạng 18 (168 quốc gia) trong bảng Henley Passport Index 2019.
Cơn sốt du lịch và nhu cầu đi nước ngoài vì nhiều lý do khiến câu chuyện visa luôn là vấn đề thời sự. Dịch vụ xin visa, đặc biệt visa Mỹ, bùng nổ chóng mặt, với những quảng cáo “không đậu không lấy tiền”. Liên quan việc xin visa Mỹ, có vô số câu chuyện cười ra nước mắt. Một lần, khi chờ người thân trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ, tôi thấy một ông khoảng hơn 60 tuổi thất thểu đi ra. “Rớt hả?” – “Ừa” – “Sao vậy? Họ hỏi gì?” – “Nó” hỏi tui đi Mỹ chi. Tui nói đi thăm con gái. Cái “nó” hỏi tại sao thăm con gái? Tui nói, nó đẻ, qua nuôi nó. Cái “nó” nói tại sao vợ ông không đi mà là ông; ông là đàn ông, biết gì mà nuôi đẻ? Tui nói, vợ tui ở nhà trông nom vườn tược. Cái “nó” nói, bả là đàn bà thì làm sao khỏe bằng ông mà làm vườn! Thôi về đi. Cám ơn đã đến phỏng vấn!”.
“Đậu visa Mỹ” với nhiều người không khác gì “trúng số”. Họ thậm chí chụp hình hộ chiếu có đóng dấu visa đưa lên mạng khoe. Cần nói thêm, với phỏng vấn visa Mỹ, đừng bao giờ tin vào quảng cáo của các công ty dịch vụ. Chẳng ai có thể can thiệp để “bảo đảm đậu” cả. Cũng không nên tin nhiều vào các “kinh nghiệm” được chia sẻ trên mạng, bởi nhân viên phỏng vấn luôn hỏi những câu bất ngờ nhất, dựa vào từng hồ sơ cụ thể, và họ có thể loại hay cho “đậu” mà không ai biết tại sao. Nhiều người được hỏi “hai câu y hệt” như người đến trước (cùng đi chung đoàn) nhưng người kia thì đậu còn mình thì hỏng. Nhiều người bị “vần lên vần xuống muốn chóng mặt luôn, tưởng tiêu rồi” nhưng cuối cùng lại được “chúc mừng”. Nhiều người tỏ ra rất tự tin bởi hộ chiếu đầy visa du lịch các nước châu Âu nhưng khi phỏng vấn xin visa Mỹ vẫn bị khước từ.
Tại sao? Câu hỏi này không phải dành cho nhân viên phỏng vấn, không thuộc về trách nhiệm Lãnh sự quán hay Đại sứ quán Mỹ, càng không liên quan Bộ Ngoại giao Mỹ hay Sở di trú Hoa Kỳ. Nó liên quan đến mức độ “khả tín” của quyển hộ chiếu đóng quốc huy CHXHCN Việt Nam. Những trường hợp bị loại một cách “không thể nào hiểu được” luôn khiến ấm ức và thậm chí tức giận. Bên cạnh cảm giác đó là một câu hỏi cũng “không thể nào hiểu được” càng khiến tức giận hơn là tại sao công dân Việt Nam gặp khó khăn mỗi khi xin visa đi những nước lớn? Cần nói thêm, giá trị hộ chiếu Việt Nam liên tục bị mất “điểm”. Trong bảng Henley Passport Index 2006, hộ chiếu Việt Nam hạng 78; năm 2011 bị đẩy xuống hạng 89; rồi leo lên lại 81 vào năm 2013 và 2014; rồi tuột luốt xuống 94 vào năm 2015 và từ năm 2016 đến nay thì “ổn định” ở hạng 90!
“Uy tín” của hộ chiếu Việt Nam nói chung vẫn giậm chân tại chỗ, tương tự sự giậm chân tại chỗ của việc xây dựng tín nhiệm Việt Nam đối với thế giới. Công dân Việt Nam vẫn còn sẽ bất mãn với việc bị khước từ visa chỉ vì mình đang cầm một trong những quyển hộ chiếu “ít quyền lực” nhất thế giới. Điều tréo nghoe không thể không nói là quyển hộ chiếu Việt Nam không phải hoàn toàn không có chút “quyền lực”. Bất kỳ khi nào chính quyền Việt Nam cũng có thể khước từ quyền được ra nước ngoài của công dân bằng cách tịch thu hộ chiếu. Đó là lúc mà quyển hộ chiếu xem ra có “quyền” nhất. Cái sự thị uy kiểu này, tuy nhiên, chính là một trong những yếu tố khiến uy tín Việt Nam không thể “lên hạng”. Đừng nói là nhân quyền không liên quan uy tín và giá trị hộ chiếu!

RSF giục Việt Nam điều tra vụ nhà báo bị đánh chấn thương sọ não

 Theo VOA-03/10/2019 
Nhà báo Kiều Đình Liệu (tạp chí Luật sư Việt Nam) bị hành hung vào ngày 26/9/2019.
Nhà báo Kiều Đình Liệu (tạp chí Luật sư Việt Nam) bị hành hung vào ngày 26/9/2019.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 2/10 ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam xác minh và trừng phạt nhóm người đã đánh nhà báo Kiều Đình Liệu, thuộc Tạp chí Luật sư Việt Nam, đến chấn thương sọ não hôm 26/9.
Ông Liệu bị hành hung trong lúc đi xác minh thông tin do người dân phản ánh về việc tranh chấp đất đai ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam, nhà báo Kiều Đình Liệu bị một nhóm “3 đối tượng đi trên một xe ô tô bán tải” “xông vào đánh tới tấp vào mặt, vào đầu,” và khi ông Liệu gục xuống, “một đối tượng còn dùng chân đạp liên tiếp vào đầu rồi mới lên xe bỏ đi.”
Ngoài ra, nhóm này còn đánh cả nhân viên của quán cà phê và yêu cầu những người quay phim, chụp ảnh vụ tấn công phải xóa hết dữ liệu rồi mới rời khỏi hiện trường.
“Với việc can đảm điều tra về tham nhũng và gỗ lậu, ông Kiều Đình Liệu đã hành động vì lợi ích của công chúng Việt Nam”, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Daniel Bastard, nói trong thông cáo báo chí.
“Việc ông bị đánh càng gây chấn động hơn vì các nhà báo Việt Nam phải thường xuyên tuân thủ các yêu cầu về tuyên truyền của nhà nước. Chúng tôi thúc giục giới hữu trách Việt Nam đảm bảo rằng những kẻ chịu trách nhiệm về vụ tấn công này phải bị trừng trị”, ông Daniel Bastard nói thêm.
Thông tin đáng chú ý là ngay trước khi xảy ra vụ tấn công, ông Liệu đã gọi điện thoại cho lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, thông báo về việc ông vừa bắt gặp “hai chiếc xe chở gỗ hộp rất lớn” đi ngược chiều với xe ông trong chiều cùng ngày.
Sau vụ tấn công, camera hành trình trên chiếc xe ông Liệu để lại quán cà phê cũng bị “kẻ gian” cạy phá lấy đi sau đó, trong khi những đồ vật khác còn nguyên, theo Pháp Luật Việt Nam.
Công an thành phố Pleiku đang tiến hành điều tra và lấy lời khai nhân chứng.
Tạp chí Luật sư Việt Nam cho biết đã gửi văn bản đến Hội nhà báo Việt Nam và đề nghị hội này cùng các cơ quan chức năng “vào cuộc” điều tra và có hình thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà báo Kiều Đình Liệu.

Khó hạ nhiệt các vấn đề “nóng” tại TPHCM…

 RFA-2019-10-03 
Bí thư Thành phố Nguyễn Thiện Nhân và các vấn đề "nóng" tại thành phố HCM.
Bí thư Thành phố Nguyễn Thiện Nhân và các vấn đề "nóng" tại thành phố HCM. RFA Edited

Dọn dẹp trước Đại hội?

Phát biểu bế mạc Hội nghị vào chiều ngày 2/10, bí thư thành phố ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định từ nay đến cuối năm 2019 thành phố sẽ tập trung giải quyết xong các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, công viên Thảo Cầm viên mới, khu Tây Bắc Củ Chi… để đến năm 2020 tập trung cho công tác tổ chức Đại hội.
Ngoài ra, ông bí thư Nhân còn cho biết, thành phố sẽ hoàn tất thẩm định điều chỉnh 2 dự án tuyến metro trung tâm thành phố trong tháng 10/2019. Yêu cầu các quận, huyện tập trung thực hiện vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch để đảm bảo thành phố sạch và giảm ngập nước, xóa 83 điểm đen về rác thải trên 9 địa bàn quận huyện trong tháng 11/2019. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính xây dựng đô thị thông minh, đối với các dự án xây dựng đang triển khai phải tạm dừng, cơ quan chức năng rà soát để sớm giải quyết, khởi động trở lại tạo nguồn thu cho ngân sách cũng như giải quyết mọi bức xúc cho người dân về nhu cầu nhà ở.
Sau lời phát biểu của bí thư Nguyễn Thiện Nhân, dư luận xã hội bán tín bán nghi vì cho rằng những vấn đề bí thư Nhân đưa ra đã kéo dài hàng chục năm, chỉ có vài tháng cuối năm, liệu có thể giải quyết được?
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính cho rằng đây là những vấn đề tồn tại và kéo dài nhiều năm, gây bức xúc không chỉ đối với riêng người dân thành phố mà gần như cả nước đều biết, nên việc đưa ra đích đến cuối năm 2019 như bí thư Nhân khẳng định là điều khó khả thi.
“Sắp tới đến năm 2020 sẽ chuẩn bị đại hội các cấp các đơn vị cơ sở và trong đó có đại hội thành phố mà những vấn đề này kéo dài nhiều năm nên nếu không giải quyết thì chắc chắn đến kỳ đại hội người ta sẽ đưa ra và đây cũng là thời điểm nhạy cảm. Thứ hai khi bí thư thành ủy đưa ra những quyết định thì phải đặt mốc thời điểm để mà xử lý chứ không thể đưa ra 4 vấn đề như vậy phải giải quyết thì giải quyết đến bao giờ và thời điểm nào, trong khi đó thời điểm ngắn chỉ còn độ khoảng 1 quý nữa mà hiện tượng đã kéo dài nhiều năm, khó giải quyết trong quá khứ rồi giờ ngay cả 1 vấn đề đã giải quyết khó khăn rồi mà giờ đặt ra 4 vấn đề đó thì tôi nghĩ khó có khả năng thực hiện.”
Đồng quan điểm với việc bất khả thi, nhạc sĩ Triệu Mây từ Sài Gòn khẳng định, bộ máy chính quyền thành phố HCM không thể làm nổi những điều đó trong một quý. Họ chỉ nói để trấn an dư luận, lòng dân và tạo niềm tin nơi dân thấy được Đảng bộ chính quyền thành phố vẫn quan tâm sâu sắc đến mọi vấn đề xã hội, nhằm mục đích chuẩn bị tổ chức Đại hội sắp tới.
“Nói chung điều này giống như dành giật sự uy tín trong nhân dân, niềm tin của người dân nhằm tranh dành trong đại hội sắp tới. Đó là chính sách kiểu mị dân từ trước đến giờ rồi, ai tin được thì tin tất nhiên trong bộ phân dân chúng vẫn có người tin, bây giờ họ không nói thì không ai tin nhưng nếu họ nói thì ít nhất cũng chiếm được 10%-30% bộ phận dân chúng tin vào chính quyền. Những người am hiểu chính trị xã hội chắc chắn họ sẽ không tin, còn một số thành phần dân trí thấp họ chỉ nghe thông tin một chiều thì họ vẫn tin. Họ lấy niềm tin trong dân được bao nhiều thì họ làm công việc của họ bấy nhiêu.”
Cũng từ Sài Gòn, ông Trần Bang một nhà quan sát khẳng định với chúng tôi rằng, ông không tin mọi điều bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói vì nói rất nhiều mà không thực hiện được bao nhiêu.
“…Năm ngoái mấy lần hứa giải quyết Thủ Thiêm đó, đầu tiên nói hết tháng 11/2018 sẽ giải quyết, tôi nói tiếng Bắc nhưng tôi là người Nam nên tôi không gạt bà con đâu nhưng cuối cùng có giải quyết cho bà con đâu, sau đó hứa tiếp cũng không giải quyết được nên tôi không tin điều này các ông ấy nói hết. Nói cho đúng nghị quyết để vừa lòng cấp trên để dân không phản ứng, lừa dân được tí nào hay tí đó mà thôi nhưng đối với những người theo dõi kỹ đến hành động, công việc giữa việc làm của các ông và lời nói của các ông thì nó không trùng với nhau, đặc biệt vấn đề Thủ Thiêm là rõ nhất.”

Nhìn lại vụ Thủ Thiêm

Chỉ riêng vấn đề Thủ Thiêm đã và đang gây tranh cãi giữa lời phát biểu của lãnh đạo thành phố và người dân trong khu vực. Và, đó chính là mấu chốt khiến khiếu kiện Thủ Thiêm kéo dài hơn 20 năm nay chưa có hồi kết, thì thử hỏi làm sao giải quyết hết các chuyện “nóng” như ông Nhân đưa ra.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Screen Capture
Cụ thể về Thủ Thiêm, hôm 1/10 bên lề một cuộc họp diễn ra tại TPHCM, ông Nhân khẳng định, thành phố tiến hành trả lời theo quy định và hiện chính quyền địa phương đã gặp người dân để thông tin về kết luận của thanh tra trong việc 5 khu phố 3 phường nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Riêng đối với những người dân còn khiếu nại, thắc mắc, TP.HCM sẽ tiếp tục mời Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi đối thoại, giải thích thêm.
Ông Cao Thăng Ca, một người dân sống tại Thủ Thiêm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện cho rằng, lời ông Nhân khẳng định, trái ngược với những gì khi ông tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm.
“Khi tiếp xúc ông khẳng định nhà ngoài ranh thì không bị giải tỏa, tất cả những người bị di dời trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đều được xem xét lại hết, trường hợp nào thiếu diện tích thì tính lại cho đủ, trường hợp nào giá cả không hợp lý thì nhà nước tính toán lại và riêng trường hợp 5 khu phố, 3 phường mà theo quyết định của thành phố phê duyệt 367 của thủ tướng chính phủ đều xác định rằng 5 khu phố 3 phường nằm ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng tới nay ông lại quay ngược 180’. Tôi cho rằng càng chậm giải quyết bao nhiêu thì người ta càng thấy được đây là tàn dư của nhóm lợi ích.”
Việc bí thư Nguyễn Thiện Nhận khẳng định với truyền thông sẽ giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo liên quan khu đô thị mới Thủ Thiêm vào cuối năm 2019 này, ông Cao Thăng Ca bức xúc nói tiếp:
“Ông nói vấn đề đó là coi như ổng giải quyết xong rồi, chính sách đền bù không thay đổi nên không cần đến tháng 12/2019 làm gì nữa mà quan trọng là người dân có đồng tình hay không mà thôi. Người dân rất là bức xúc, chúng tôi đi khiếu nại thì bị cho là bị thế lực thù địch kích động xúi giục mà chính lời phát biểu của bí thư Nhân là kích động xúi giục chúng tôi đứng dậy chống lại những người làm trái pháp luật.”
Ngoài ra, ông Ca còn cho hay bà con Thủ Thiêm chuẩn bị tiếp tục ra Hà Nội để tố cáo chính quyền thành phố HCM trong việc giải quyết khiếu nại người dân trái pháp luật và yêu cầu khởi tố vụ án này.
Liên quan việc giải quyết dứt điểm Thủ Thiêm, ông Trần Bang bức xúc nhận định rằng, dứt điểm là như thế nào có phù hợp với lòng dân hay không đó mới là vấn đề: “…Nếu làm theo ý của ông thì quá dễ vì ông có súng, có công an, có quân đội mà thích bắt ai bắt, thích lấy đất ai cứ lấy mà ai cãi thì cho là chống đối bắt là xong. Cho nên có hợp lòng dân hay không mới là vấn đề khác, người dân Thủ Thiêm mất đất, mất nhà họ có được đền bù xứng đáng hay không, phù hợp giá thị trường và nhu cầu chính đáng của bà con hay không chứ không nói là vượt quá yêu cầu của người ta.”
Giải quyết vấn đề “nóng” không khó, vấn đề là giải quyết sao cho hạp lòng dân, để dân không bức xúc, khiếu kiện tiếp thì mới là cách giải quyết khiến người dân tâm phục, khẩu phục.

Ô nhiễm “bủa vây”dân Quảng Nam-Đà Nẵng…

RFA-2019-10-02 
Nhà máy Ethanol Đại Tân tại Quảng Nam
Nhà máy Ethanol Đại Tân tại Quảng Nam-Photo: RFA
Ô nhiễm từ vụ tràn dầu Fusel
Do đó, công ty đề nghị được xử lý hết hàng tồn kho, sau đó sẽ dừng sản xuất, chờ kết luận của các cơ quan chức năng. Được biết, lượng tồn kho còn khoảng 9.000 m3 (tương đương khoảng 1.000m3 cồn, 600 tấn C02 và 300 tấn bả sấy) chưa được xử lý và khoảng 1.200m3 cồn tồn kho chưa được xuất bán. Tuy nhiên, kiến nghị này chưa nhận được sự đồng tình của lãnh đạo huyện, tỉnh. Trong thời gian đó, câu chuyện ô nhiễm và người dân phải chịu đựng ô nhiễm tiếp tục khiến giới chức địa phương đau đầu…
Bởi lẽ, sau hơn 10 ngày sự cố tràn dầu Fusel xảy ra, đến nay tại khu vực nhà máy Đại Tân vẫn còn phát tán mùi hôi rất khó chịu. Người dân không chịu nổi đã vây nhà máy buộc chính quyền phải cho nhà máy đóng cửa hoặc dời đi nơi khác.
Chúng tôi có mặt tại nhà máy Đại Tân vào ngày 27/9 và quan sát thấy phía bên phải nhà máy là một ao nước rộng lớn mùi hóa chất bốc lên hôi thối nồng nặc. Chỉ cần đứng quay hình khoảng vài chục giây cho đến một phút, chúng tôi buộc phải chạy khỏi khu vực gần đó vì mùi hóa chất khiến lồng ngực bị ép, rất khó thở và nước mắt nước mũi chảy ràn rụa.
Người dân chia sẻ rằng, mức độ hôi thối mà chúng tôi hít thở ở hiện tại không bằng vài phần trăm mà người dân hít thở từ mấy năm qua hễ khi nhà máy xả thải. Và đỉnh điểm là vào sáng 19/9/2019, đã xảy ra cháy nổ tại nhà máy khiến khối lượng lớn dầu Fusel tràn ra bên ngoài, ra cống xả thải. Mùi hóa chất hôi thối theo gió bay vào nhà dân, nhiều gia đình có trẻ nhỏ phải bồng bế con chạy ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Ngay trong ngày hôm đó, người dân đã kéo lên nhà máy, giăng lều bạt bao vây nhà máy, ngăn chặn xe và không cho công nhân vào nhà máy làm việc, buộc nhà máy phải ngưng hoạt động, yêu cầu chính quyền xã Đại Tân và huyện Đại Lộc xuống giải quyết.
Do đó, việc xả thải tạm ngưng nên chúng tôi mới hít thở mùi hôi thối ở mức độ “nhẹ” hơn rất nhiều, theo cách diễn tả của người dân.
Chị Huệ cùng nhiều người dân thôn Nam Phước chia sẻ mức độ của mùi hôi thối.
“Vừa đây thả cái mùi dầu fusel gì đó mà nó tức ngực thở không được”
“Thở không ra, tức ngực, mũi thì nồng, tức ngực thở không được, coi như con nít chịu không nổi phải bồng đi di tản chỗ khác hết chứ không có ở. Mình thở không ra thì con nít chịu chi nổi cho nên dân mới bức xúc quá mới ra ngăn cản, không cho hoạt động để nhà máy họ giải quyết, để cấp trên về giải quyết chứ còn như thế này thì dân chịu không có nổi.”
Giải thích cho vụ xả thải rạng sáng ngày 19/9, ông Phạm Văn Tĩnh-Phó Giám đốc Nhà máy Cồn Đại Tân trả lời báo đài Việt Nam rằng, nguyên nhân ban đầu là do trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel, một loại dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng.
Chị Huệ và nhiều người dân thôn Nam Phước bác bỏ cách giải thích này của ông Tĩnh. Chị Huệ nói:
Nước thải từ nhà máy bốc mùi hôi thối khó chịu
Nước thải từ nhà máy bốc mùi hôi thối khó chịu Photo: RFA
Nhà máy cồn ảnh hưởng đến người dân nói chung là nước thải ra hôi thối bà con chịu không nổi mà nhà máy cồn cứ kêu là do sự cố. Thực chất sự cố mà ban ngày không sự cố mà toàn sự cố ban đêm, chủ yếu ban đêm cỡ 11-12h khuya thải miết cho đến 1-2h sáng hôm sau”
Được biết, nhà máy cồn Đại Tân trước đây thuộc Công ty cổ phần Đồng Xanh với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng. Vào tháng 11/2012, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ. Đến tháng 3/2015, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại toàn bộ Nhà máy. Từ khi hoạt động trở lại, nhà máy liên tục gặp sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Bà Bền, cư dân thôn Nam Phước bức xúc nói nhà máy gây thiệt hại cho gia đình và bà con chòm xóm là quá lớn.
“Nhà máy cồn này gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình tôi quá chi là thiệt hại, cá nuôi thì chết hết còn bò thì nuôi sảy thai. Vay tiền để nuôi bò cuối cùng sảy thai mang đi bán lỗ bán tháo giờ mắc nợ Nhà nước cả mớ, còn ruộng nương trôi bả ra, lội xuống bờ là lở loét hết, lúa má lên là rã hết.”
Nhưng có lẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến cuộc sống của người dân thôn Nam Phước hiện tại là nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân tố cáo việc nhà máy đào ao sâu, tích trữ hóa chất lâu ngày đã thấm sâu xuống mạch nước khiến hầu hết giếng nước của người dân bị hư hỏng. Người dân không có nước sinh hoạt buộc phải mua nước bình về sử dụng, rất tốn kém.
Chị Lạc, cư dân thôn Nam Phước chia sẻ:
“Giếng bỏ hết, không ai làm được gì hết. Còn ăn cứ mua nước vậy đó chứ đâu có nước.”
“Tắm. Con nít mới sinh ra với lại con nít đi học mẫu giáo đều tắm nước bình hết. Ngứa, nổi ghẻ hết. Không có thể sử dụng được, người lớn đây da còn ấy được, còn tắm được chứ con nít thì không.”
Từ tháng 7/2016 đến nay, nhiều người dân ký vào đơn yêu cầu cơ quan chức năng địa phương vào cuộc xử lý những sai phạm do nhà máy gây ra. Tuy nhiên, người dân cho biết là chẳng thấy chính quyền giải quyết gì và nhà máy cũng làm ngơ trước khó khăn, thiệt hại của người dân.
“Dân ở đây cứ bị ảnh hưởng vậy đó. Cứ gởi bao nhiêu đơn, bao nhiêu lần giải quyết cũng không được”- Lời của chị Huệ.
Sự cố ngày 19/9 là giọt nước tràn ly. Bà con quá sức chịu đựng nên mới giăng lều, yêu cầu nhà máy đóng cửa.
Chị Lạc, người dân tại đây cho biết:
“Đây là lần đầu tiên mới làm như thế này, còn mấy lần cũng có tới nói, cũng ra phản ánh mà công ty đây nó coi thường dân quá, nó không đếm xỉa gì đến dân cả, coi dân như rác vậy đó.”
“Dân ở đây kêu không thấu trời. Không làm chi được hết trơn”
Đáng nói là trường hợp gia đình bà Bền và một vài hộ dân sống gần hầm ga của nhà máy cho biết:
“Hai năm nay nói nhà máy cồn mới bắt nước cho sử dụng, bữa nay xảy ra vụ ô nhiễm thì họ cắt nước. Từ sáng hôm qua (ngày 27/9) họ cắt nước không có nước dùng, giờ không biết nước ở đâu để dân xung quanh đây sử dụng.”
Trước tình hình căng thẳng giữa nhà máy cồn Đại Tân và những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực, vào ngày 19/9/2019 Sở Tài nguyên& Môi trường tỉnh Quảng Nam, Phòng Tài nguyên& Môi trường H.Đại Lộc và Công an H.Đại Lộc đã về lấy mẫu nước thải, khí thải để xét nghiệm. Ngày 20/9/2019, lãnh đạo huyện Đại Lộc đã tổ chức buổi đối thoại với đại diện nhà máy và người dân. Tuy nhiên, buổi đối thoại đã không tìm được tiếng nói chung.
Bức xúc trước việc địa phương không có phương án giải quyết khẩn cấp, nhiều hộ dân cho rằng:
“Tôi đây cũng như tất cả người dân mong muốn làm sao các cơ quan chính quyền giải quyết cho dân được sống một môi trường trong sạch, yên ổn, lành mạnh, không có gì xảy ra nữa.”
Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm của Sở Tài nguyên& Môi trường tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng đã yêu cầu nhà máy cồn Đại Tân tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của người dân.
“Hồi trước Tỉnh đứng ra cho nhà máy làm thì giờ Tỉnh phải giải quyết sao cho dân chứ còn dân chết sống gì cũng nằm đó chứ không đi đâu hết. Huyện về rồi nhưng dân không chịu, ô nhiễm quá nhiều rồi.”- Lời của bà Bền. (3)
Chúng tôi liên lạc rất nhiều lãnh đạo H.Đại Lộc để hỏi thêm một số thông tin liên quan đến vụ việc nhưng hầu hết đều không bắt máy điện thoại.
Đến ô nhiễm các bãi rác
Cùng thời điểm đó, vào ngày 25/9/2019, lãnh đạo huyện Núi Thành cho biết sau hơn hai tháng dựng lều chặn xe, người dân thôn Bích Nam đã đồng ý cho xe chở vật liệu vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, xã Tam Xuân 2 sau khi nghe tổ công tác của UBND huyện đến vận động. Tuy nhiên, tiếp xúc với người dân thôn Bích Nam chúng tôi được biết không có chuyện người dân đồng ý mà chính quyền đã dùng một lực lượng Công an đến áp đảo, trấn áp người dân.
Hiện tại bãi rác Tam Xuân 2, mùi hôi thối tại đây giảm đáng kể vì người dân không cho xe rác vào bãi tập kết đổ rác.
Bãi rác Tam Xuân 2 mặc dù đã được phủ bạt nhưng vẫn chưa hết mùi hôi
Bãi rác Tam Xuân 2 mặc dù đã được phủ bạt nhưng vẫn chưa hết mùi hôi Photo: RFA
Trong khi đó, tại bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng), mặc dù Sở tài nguyên môi trường Đà Nẵng đã triển khai phủ bạt HDPF tại các bãi chôn lấp ở bãi rác nhằm tránh mùi hôi phát tán vào ngày 13/9/2019 với kinh phí 12,5 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này việc phủ bạt vẫn chưa hoàn thành do đó người dân cho biết mùi hôi vẫn còn nồng nặc.
Nhiều người dân sinh sống xung quanh bãi rác Khánh Sơn mà chúng tôi có dịp trao đổi cho biết, mùi hôi thối phát ra bất kể thời gian trong ngày nhưng thường diễn ra tầm khoảng từ chiều cho đến tối muộn trong ngày và mùi hôi thối nồng nặc nhất là khi trời mưa, tức là thời điểm bãi rác Khánh Sơn lợi dụng xả thải.
Bà Quýt sinh sống gần bãi rác Khánh Sơn chia sẻ điều này:
“Nó hôi cũng như bãi rác mình biết rồi, đây là bãi rác Khánh Sơn biết rồi chứ đợi chi mà nói. Cỡ bảy giờ, bảy giờ rưỡi tối lên đây là thấy hôi rồi”
“Trời mưa ri đây chứ bắt đầu nắng lên là hôi hơn hồi mưa nữa. Ví dụ nắng hoài thì thôi chứ mưa xuống mà nắng lên là nó bốc mùi khó chịu lắm.”
Không chỉ những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn, thuộc khu dân cư Khánh Sơn mới bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối mà mùi hôi thối này theo không khí lan tỏa ra diện rộng, ngay cả khu dân cư Đà Sơn hay Phước Lý dù ở cách xa hàng km từ nhiều năm qua cũng vẫn bị ảnh hưởng.
“Dân mình quá bức xúc. Tại sao dân mình bức xúc? Dân mình ở đây cả ba chục năm rồi nghĩ răng không bức xúc.”-Lời của chị Vân tạp hóa.
Theo lãnh đạo Đà Nẵng việc phủ bạt 9ha không thể hoàn thành trong năm nay. Dự kiến đến 12/2019 chỉ có thể phủ bạt 75% bãi rác.
Hiện tại đó cũng chỉ là phương án tạm thời của thành phố trong khi đó bà con ở xung quanh khu bãi rác Khánh Sơn cần sự giải quyết dứt điểm của lãnh đạo các cấp, để họ được sống dưới bầu không khí trong lành hơn.

Chính quyền Hồng Kông dự tính cấm đeo mặt nạ nơi công cộng

Che mặt khi xuống đường phản kháng ở Hồng Kông có thể bị cấm. (Hình: AP Photo/Vincent Yu)
HỒNG KÔNG (NV) — Chính quyền Hồng Kông dự trù sẽ loan báo hôm Thứ Sáu, 4 Tháng Mười, một luật mới theo đó sẽ cấm người dân không được đeo mặt nạ tại các nơi tụ tập của công chúng, trong lúc đang phải đối phó với các cuộc biểu tình bạo động đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Bản tin của tờ South China Morning Post hôm Thứ Năm nói rằng Đặc Khu Trưởng Hồng Kông Carrie Lam Chen Yuet-ngor dự trù sẽ ra lệnh cấm này bằng cách viện dẫn luật đối phó với tình trạng khẩn trương, có từ thời còn là thuộc địa Anh và đã không được dùng tới từ hơn nửa thế kỷ nay.
Lệnh này do vậy sẽ không cần được nghị viện Hồng Kông thông qua, và nghị viện chỉ có thể sửa hoặc bác bỏ lệnh sau khi đã được thi hành.
Các nguồn tin thông thạo cho tờ South China Morning Post hay rằng bà Lam sẽ có cuộc họp đặc biệt với các giới chức chính quyền Hồng Kông vào sáng ngày Thứ Sáu, trước khi loan báo lệnh cấm.
Các chuyên gia luật pháp cảnh cáo rằng viện dẫn luật khẩn trương sẽ mở đường đưa tới các biện pháp đàn áp cứng rắn khác.
Luật khẩn trương, đưa ra năm 1922, cho phép các nhà lãnh đạo thành phố có quyền đưa ra” bất cứ quy định gì thấy cần thiết để bảo vệ công chúng, trong trường hợp khẩn trương, hay nguy hiểm cho công chúng.”
Lần sau cùng luật này được thi hành là vào năm 1967, khi Hồng Kông gặp phải tình trạng hỗn loạn khắp nơi do bạo  loạn của phía khuynh tả.
Một nguồn tin từ chính quyền Hồng Kông nói rằng lệnh cấm đeo mặt nạ sẽ nêu rõ những trường hợp nào không được phép, như khi đi biểu tình. (V.Giang)

Đảng đã làm được gì cho đất nước?


Đỗ Ngà|

Để đất nước phát triển thì mở cửa thôi là chưa đủ, mà quan trọng hơn là nắm bắt quá trình chuyển giao công nghệ tốt. Mở cửa là để doanh nghiệp nước ngoài tràn vào và kéo theo đó là công nghệ đổ vào. Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi những thứ từ bên ngoài đổ vào Việt Nam như thế thì Việt Nam tiếp nhận được bao nhiêu? Chính khả năng nắm bắt tốt quá trình chuyển giao công nghệ mới là yếu tố quyết định đất nước phát triển hay không.
Một trong các yếu tố để nền kinh tế trong nước có thể tiếp nhận công nghệ đó là mua lại cổ phần các doanh nghiệp nước ngoài. Ban đầu họ vào nước ta trong tư thế họ là chủ, sau thời gian những thứ của họ thành của ta thì đó chính là một cách phổ biến của quá trình chuyển giao.
Hãy nhìn lại sau 33 năm mở cửa thì Việt Nam được gì? Theo báo Vneconomy thì tính đến tháng 4 năm 2019 doanh nghiệp FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mà như ta biết, những sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” đều là của FDI. Còn 30% kim ngạch xuất khẩu kia của Việt Nam thì ai cũng biết, chủ yếu đó là hàng nông sản chế biến và hàng gia công chứa hàm lượng chất xám thấp. Đã 33 năm mở cửa mà nền kinh tế èo uột vậy thì đủ để khẳng định Việt Nam không thể nắm bắt được quá trình chuyển giao công nghệ.
Ngày 01/10/2019 cũng trên báo Vneconomy có bài “Cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp Việt của giới đầu tư Hàn Quốc và Trung Quốc”, trong bài có nói đến 2 yếu tố, theo tôi là rất đáng lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam: thứ nhất là trong 9 tháng vừa qua của năm 2019 tổng số vốn đầu tư của nước ngoài đổ vào Việt Nam chỉ còn 77% so với năm 2018 cùng kỳ; thứ nhì tình trạng doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Mà đáng lo ngại nhất là Trung Quốc đang tiến hành thâu tóm khá mạnh.
Như vậy qua đây chúng ta thấy bức tranh kinh tế Việt Nam đang diễn ra như thế nào? Đó là không những doanh nghiệp Việt Không thể mua lấy những doanh nghiệp nước ngoài để nắm bắt quá trình chuyển giao công nghệ nhằm tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh như Hàn-Đài-Sing đã làm mà ngược lại, doanh nghiệp Việt lại bị nước ngoài nuốt mất ngày càng nhiều. Đây là quá trình “chuyển hóa ngược”, nó ngược với quá trình chuyển giao công nghệ đã từng xảy ra ở Hàn-Đài-Sing. Chính quá trình “chuyển hóa ngược” này mà nó đã, đang và sẽ biến nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế vĩnh viễn làm thuê cho nước ngoài hưởng lợi. Những con số tăng trưởng thật đẹp mà ĐCS dùng để khè nhân dân ấy là bởi FDI tạo ra, còn doanh nghiệp thuần Việt thì lẹt đẹt làm thuê kiếm đồng tiền thừa còm cõi của FDI để đóng thuế thật nặng cho nhà nước CS.
Với tình trạng doanh nghiệp Việt đang bị nuốt như thế này mà ĐCS không có cách nào hãm nó lại, thì đây như là một minh chứng cho sự bất lực của ĐCS trong vấn đề điều hành kinh tế đất nước. Hiện nay, điều quan trọng nhất của Bộ Chính trị là ra chính sách để stop ngay tình trạng “chuyển hóa ngược” này lại, ấy vậy mà họ đã không làm. Chuyện thiết thực như vậy BCT không làm thì họ làm gì? Xin thưa họ đang bận làm chuyện hoang tưởng. BCT đang chê những chính sách sát sườn là thiển cận, cho nên họ đang phóng tầm mắt xa hơn, xa đến vời vợi. Hiện nay BCT đang bàn về việc làm cách nào để đi tắt đón đầu tóm lấy cách mạng công nghiệp 4.0, chứ họ không thèm stop quá trình “chuyển hóa ngược” kia đâu.
Thực ra, nhìn ra những vấn đề thiết thực nhất và sát sườn nhất để ra chính sách mang lại tính khả thi cao thì đó mới là lãnh đạo có tầm, chứ không phải có tầm nghĩa là ngồi ở 1.0 phóng tầm mắt xa vời vợi bàn chuyện 4.0 để rồi bất lực thả nổi nền kinh tế đất nước tới đâu thì tới.
Ngày 04/09/2019, trên tờ Tạp Chí Cộng Sản có bài “Nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tốt”. Trong bài này ĐCS đã dùng những con số tăng trưởng được tạo ra bởi FDI kia để nhận vơ thành quả cho mình và tự sướng trước nhân dân. Về kinh tế, ĐCS chỉ làm được tới vậy. Trong quản trị đất nước họ luôn có một tinh thần AQ mãnh liệt. Sự hoang tưởng mà lại được chắp thêm đôi cánh kiêu ngạo cộng sản nữa thì xem như ĐCS cứ đưa đất nước đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà không có cách nào bắt họ dùng lại./.

May là ông Triệu Tài Vinh chỉ học bốn… ngày!

Quan chức Bộ GD-ĐT họp báo về gian lận thi tốt nghiệp ở Hà Giang, 17/7/2018.
Trân Văn – VOA

Cuối cùng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Tỉnh ủy Hà Giang cũng thay mặt hệ thống chính trị ở Hà Giang, công bố cách thức xử lý các đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019.
Theo đó, có tới 151 đảng viên, dính líu đến chuyện sửa bài thi để nâng điểm, giúp các thí sinh mà học lực chẳng đâu vào đâu (có những trường hợp điểm thi ba môn chỉ 0,5) giành được chỗ chúng muốn trong hệ thống đại học công lập ở Việt Nam hồi năm ngoái.

Đáng lưu ý là sau 15 tháng “nâng lên, đặt xuống”, UBKT của Tỉnh ủy Hà Giang quyết định chỉ kỷ luật 46/151 cá nhân, trong đó, ba bị khai trừ ra khỏi đảng (cả ba đã bị khởi tố, đang bị xem xét trách nhiệm hình sự), một bị cảnh cáo và 42 bị khiển trách.
Tuy cũng dính líu đến chuyện sửa bài thi để nâng điểm nhưng chẳng rõ dựa vào tiêu chí nào, UBKT của Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng có 29/151 cá nhân mà vi phạm “chưa đến mức bị xử lý kỷ luật”, chỉ phải “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”?
76/151 cá nhân còn lại thì có 12 phải chờ ý kiến từ UBKT của BCH Trung ương đảng CSVN, 57 đang tiếp tục xem xét, bốn đang chờ diễn biến mới (2/4 đang chờ phán quyết của tòa, 2/4 đang mắc bệnh hiểm nghèo…
***
Nhìn vào 29 trường hợp dù dính líu đến scandal gian lận điểm thi nhưng UBKT Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng “chưa đến mức bị xử lý kỷ luật”, chỉ cần “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”, người ta ắt sẽ hoang mang, không biết nên khóc hay cười!
Ngoài trường hợp bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở NN PTNT), vợ ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh ủy, sau scandal gian lận điểm thi được điều động về Ban Kinh tế của BCH Trung ương đảng CSVN) phải “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” vì để “em chồng tác động cho con được nâng điểm thi”, còn có nhiều trường hợp khác rất đáng để ý nhưng do báo chí thông tin không đầy đủ, công chúng không biết để bàn (1)…
Chẳng hạn trường hợp bà Nguyễn Thị Lan Anh (Chánh án Tòa án Hà Giang). Con bà Anh cũng là một trong những đứa trẻ được sửa bài thi để nâng điểm nhưng theo UBKT Tỉnh ủy Hà Giang, Chánh án Tòa án Hà Giang chỉ cần “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” khi “để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con” là có thể tiếp tục nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ đạo xét xử đủ thứ!
Tương tự, bà Vương Ngọc Hà (Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội của Hà Giang) không bị kỷ luật vì mẹ bà mới là người… “tác động” sửa bài thi – nâng điểm cho con bà. Các ông: Đỗ Tiến Dũng (Phó Giám đốc Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Linh (Chánh Thanh tra Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Châu (Chỉ huy phó Biên phòng Hà Giang) tỉnh không bị kỷ luật vì con của họ được sửa bài thi – nâng điểm là do “tác động” của… vợ họ!..
***
Không nên đối chiếu danh sách đảng viên bị UBKT Tỉnh ủy Hà Giang quyết định áp dụng kỷ luật đảng, với danh sách đảng viên “chưa đến mức bị xử lý kỷ luật”, chỉ phải “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” vì nguy hại cho … não!
Tại sao cùng nhờ “tác động” của “người khác” để con được sửa bài thi – nâng điểm nhưng ông Nguyễn Trung Tuyến (Bảo vệ), bà Nguyễn Thị Sáu (Kế toán), bà Nguyễn Thị Thu Hà (Nhân viên Văn phòng), ông Nguyễn Văn Hà (Nhân viên Ban Tài chính Bộ Chỉ huy quân sự Hà Giang), ông Nguyễn Trung Thành (Sĩ quan cảnh sát thuần túy, không có chức vụ),… lại bị “khiển trách”, còn những đảng viên giữ trọng trách thì không?
Tại sao bà Phạm Thị Hà (phu nhân ông Triệu Tài Vinh) “để em chồng tác động nâng điểm cho con” thì “chưa đến mức bị xử lý kỷ luật”, chỉ phải “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”, còn ông Vàng Mí Chỏ (Phó Chủ tịch HĐND huyện Đồng Văn) “nhờ chị dâu tác động nâng điểm cho con” thì “vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm” thành ra bị “khiển trách”? Chẳng lẽ chị dâu nguy hiểm hơn em chồng?
Dường như khi xem xét để xác định có kỷ luật những đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm thi hay không, UBKT của Tỉnh ủy Hà Giang cố ý phân định giữa “nhờ” và “để” nhằm tách bạch giữa… chủ động và… thụ động.
Việc phân định giữa “nhờ người khác tác động” với “để người khác tác động”, rồi quyết đinh “nhờ” thì phải xử lý kỷ luật còn “để” thì được miễn trừ trách nhiệm, chỉ cần “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” là… xong, dựa trên những tiêu chí nào?
Chưa kể nếu “nhờ” thật sự là chủ động thì chỉ “khiển trách”, thậm chí “cảnh cáo” rồi… thôi, có thỏa đáng không? Nếu không (vì chủ động rõ ràng là cố tình phạm pháp) thì lẽ nào lại tha… mẹ, mẹ vợ, chị dâu, em chồng các viên chức lãnh đạo? Tha như thế thì còn gì là “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, còn gì là “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật? Làm sao có thể “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”?
***
Sau một thời gian dài “im hơi, lặng tiếng”, tuần trước, ông Triệu Tài Vinh “xuất đầu lộ diện”. Nhân dịp tái ngộ công chúng qua hội thảo về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới” do Tạp chí Cộng sản tổ chức, ông Vinh nhắc lại những scandal liên quan tới ông: Cả họ làm quan (vợ, em trai, em gái, em dâu, em rể, bà con nội ngoại chia nhau nắm giữ vai trò lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp ở Hà Giang). Gian lận thi cử (cả con gái lẫn cháu cùng “bị” sửa bài thi, nâng điểm),… – kèm lời khuyên các đồng chí của ông là “phải đối mặt với thực tế, vượt qua”.
Ông Vinh được mời làm diễn giả tại hội thảo vừa kể vì từng là Bí thư tỉnh Hà Giang trong chín năm. Theo ông Vinh: “Chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt” (2)! Cho dù ngay sau đó có khá nhiều người dè bỉu tuyên bố vừa kể nhưng quyết định xử lý 151 đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019 mà UBKT của Tỉnh ủy hà Giang mới công bố cho thấy, rõ ràng “sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt”, nếu không, cách xử lý không thể như đã thấy!
Bàn về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới”, ông Vinh tâm tình: Ông không được quy hoạch “cán bộ cấp chiến lược”, chỉ được “bồi dưỡng bốn ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng” (3). Ông Vinh bảo rằng, sau khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Bí thư Hà Giang, ông nhận ra giữa “lý luận và thực tiễn có khoảng cách” nên muốn được học thêm! Tuy ông Vinh tỏ ra rất tự hào về “hệ thống chính trị” ở Hà Giang, xem đó như một sản phẩm do công của ông nhưng với thực tế mà công chúng đã thấy, đã biết về Hà Giang, có lẽ ông Vinh không nên… “học thêm”, dù chỉ một ngày!
Chú thích

Vì sao Nguyễn Phú Trọng không đi họp Đại hội đồng LHQ?

Phạm Chí Dũng – VOA|

Trái với dự đoán của một số nhà quan sát chính trị, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng đã biệt tăm tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.
Thay cho sự trống vắng của Trọng chỉ là Phạm Bình Minh – Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng giao Việt Nam.
Phạm Bình Minh đã làm gì ở đó?
‘Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống’
Thay vì tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Bãi Tư Chính, Minh chỉ ấp úng ‘các bên liên quan’ về căng thẳng ở Biển Đông mà không một lần dám nhắc đến cái tên tàu Hải Dương 8 hay kẻ nào đứng sau hoạt động thách thức của tàu này.
Chóp bu Việt Nam cũng bởi thế đã thêm một lần nữa bị vuột cơ hội vận động quốc tế về vụ Bãi Tư Chính, nhưng bởi chính thói đớn hèn đã trở thành nan y của chế độ này.
Từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc, chóp bu Việt Nam đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế, cũng là nguồn cơn khiến Bắc Kinh tự tin và ngạo mạn khi đưa ra tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó.
‘Kẻ thù lớn bởi vì mi quỳ xuống’
Đưa đầu chịu báng
Ngay sau hiện tượng câm nín tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phạm Bình Minh đã bị rất nhiều người dân trong nước và hải ngoại chỉ trích và lên án dữ dội.
Hệ lụy quá rõ rệt là Phạm Bình Minh đã phải đưa đầu chịu báng. Thay cho Nguyễn Phú Trọng.
Bởi nếu Nguyễn Phú Trọng đi dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông ta chắc chắn cũng phải nhận rất nhiều phản ứng của dư luận bởi không mấp máy nổi một từ về Trung Quốc.
Đã ba tháng lao qua kể từ khi Bắc Kinh cho tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam như vào chốn vô chủ quyền, Nguyễn Phú Trọng vẫn ‘trốn biệt’ mà không một lần xuất hiện để cho bàn dân thiên hạ thấy rằng ông ta không phải quá sợ hãi mà chẳng dám hé miệng về vụ việc đáng tầm nhục quốc thể đó.
Sau Trọng, chỉ có hai quan chức là Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh ‘dám’ đề cập đến vụ Bãi Tư Chính, nhưng lại không hề dám nêu tên Trung Quốc.
Cũng đã rất rõ về tính tinh ranh của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta ‘đẩy’ Phạm Bình Minh đi dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, khiến Minh phải trực tiếp nhận búa rìu dư luận, thay vì Trọng.
Còn gì nữa?
Việc Nguyễn Phú Trọng cử Phạm Bình Minh đi New York khiến nổi lên một dấu hỏi: vì sao cử Minh mà không cử Phúc, trong khi Phúc là thủ tướng và ‘xứng đáng’ đi họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hơn là Minh?
Dấu hỏi trên có thể được giải mã phần nào nếu đối chiếu với những thông tin không chính thức về chuyến đi Washington của Nguyễn Phú Trọng có thể diễn ra vào tháng 10 năm 2019 hoặc sau đó, cùng những cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Việt vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó Việt Nam đang cố gắng gia tăng nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD hàng hóa Mỹ để giảm giá trị xuất siêu của hàng Việt Nam sang Mỹ và làm cho Trump bớt giận dữ bởi tình trạng Mỹ bị thặng dư xuất siêu quá lớn từ Việt Nam.
Tức ngoài việc ‘đọc bài’ công khai về vụ Bãi Tư Chính ở phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phạm Bình Minh còn có thể có một nhiệm vụ khác và không công khai: bí mật làm việc với giới chức Mỹ để thu xếp cho cuộc gặp Trọng – Trump.
Tất nhiên, tin tức về cuộc gặp trên là tuyệt mật đối với phía Việt Nam, bởi giới chóp bu Hà Nội luôn sợ ‘đảng anh’ Trung Quốc sẽ nổi đóa nếu biết ‘đảng em’ tìm cách dựa dẫm vào Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc ở Biển Đông.
Và đặc biệt giữ tuyệt mật với bất kỳ động thái đi Mỹ nào của Nguyễn Phú Trọng, cùng ý đồ nâng cấp lên ‘đối tác chiến lược’ giữa hai quốc gia này.
Vào tháng 5 năm 2019, Phạm Bình Minh đã từng đi Washington với tư cách Bộ trưởng ngoại giao và tiền trạm cho chuyến đi Mỹ Nguyễn Phú Trọng, khi đó dự kiến là vào tháng 7 năm 2019. Chuyến tiền trạm đó cho thấy lần đầu tiên kể từ khi bị thất sủng trước Trọng tại hội ngị trung ương 6 vào cuối năm 2017, Phạm Bình Minh đã được ‘phục hồi nhân phẩm’, được Trọng lựa chọn là người bắc cầu với giới chức Mỹ và còn được làm việc với cả Bộ Quốc phòng Mỹ, chứ không phải là Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc – bị xem là quá háo danh, tham vọng chính trị và ‘nổ bán trời không văn tự’.
Tuy nhiên có vẻ tình trạng sức khỏe của Trọng không thật khả quan nên chuyến đi Mỹ của ông ta đã liên tục phải dời lại, kể cả ngay vào lúc này điều đó vẫn có thể xảy ra.
Trong khi đó, nội tình chính trường Việt Nam ngày càng xung khắc, tiểm ẩn bên trong lẫn sôi trào trên bề mặt. Cũng ngày càng rộ lên những thông tin không chính thức và đồn đoán về việc Nguyễn Xuân Phúc bị thất sủng trước Nguyễn Phú Trọng, khiến cung đường giành chiếm ngôi vị tổng bí thư đảng của Phúc tại đại hội 13 ngày càng dài dằng dặc./.

Ngập lụt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Sài Gòn vô phương cứu chữa

Nguyễn Hữu Cảnh là “con đường đau khổ” đối với dân Sài Gòn trong mùa mưa vì những điểm ngập sâu. (Hình: Zing)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Mười, tin cho hay nhà chức trách sắp sửa nâng 500 mét đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, đang bị lún. Đoạn đường này sẽ được nâng cốt từ 0.5 mét đến 1.2 mét nhằm “đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên.” Bên cạnh đó, về tổng thể, gần 3.2 km đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng sẽ được nâng cấp, sửa chữa và cải tạo, cùng lúc với việc cải tạo hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh…
Theo báo Zing, vụ nâng đường và sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh tiêu tốn của ngân sách gần 473 tỉ đồng ($20.4 triệu) và được thi công trong 14 tháng.
Tờ báo không đề cập việc nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh có ảnh hưởng gì đến nhà dân hai bên đường, nhất là đoạn đường bị nâng lên 1.2 mét. Thông thường tại Việt Nam, sau mỗi lần nhà chức trách nâng đường hoặc hẻm với lý do “chống ngập,” gần như toàn bộ các nhà dân trong khu vực đó đều phải sửa chữa, nâng nền, nếu không muốn nhà họ trở thành “túi chứa nước” từ đường chảy vào khi có mưa.
Vào mùa mưa những năm trước, các báo nhà nước tuyên truyền rằng đường Nguyễn Hữu Cảnh “sắp hết ngập” nhờ thuê “siêu máy bơm” của Công Ty Quang Trung với giá thuê 14.2 tỉ đồng ($612,886) mỗi năm. Nhưng sau cơn mưa lớn hôm 14 Tháng Chín, 2019, báo Zing dẫn lời giới chức Công Ty Quang Trung giải thích rằng việc có “siêu máy bơm” mà đường vẫn ngập là do cơn mưa “kéo dài hơn 3 giờ, vũ lượng đo tại trạm bơm là 165 mm, vượt so với thiết kế và hợp đồng, trong lúc chức năng của máy bơm đã hoàn thành nhiệm vụ.”
Tình trạng ngập lụt tại đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng như một số tuyến đường khác ở khu Thảo Điền… tại Sài Gòn đã trở thành vô phương cứu chữa trong lúc các dự án chống ngập được “vẽ ra” liên miên, với con số hàng trăm tỉ đồng.
Và để giúp các doanh nghiệp thầu các dự án chống ngập bao biện, Bộ Xây Dựng CSVN phân loại các mức độ ngập: Sau 30 phút dứt cơn mưa mà khu vực vẫn bị nước ngập thấp hơn 10 cm thì được coi là “không bị ngập”’ lớn hơn 10 cm được coi là “ngập nhẹ,” lớn hơn 20 cm được coi là “ngập vừa,” lớn hơn 30 cm mới được coi là “ngập nặng.”
Kiến Trúc Sư Ngô Viết Nam Sơn lên tiếng trên báo Zing: “Việc thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là giải pháp tạm thời. Ngay cả dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này cũng không thể đảm bảo hết ngập trong tương lai. Đường Nguyễn Hữu Cảnh bây giờ giống như con mương bởi dày đặc các dự án chúng cư hai bên đường như The Manor, Saigon Pearl, Vinhomes Tân Cảng… đều có cốt nền cao, mật độ xây dựng lớn và bê tông hóa. Đây là lỗi quy hoạch của chính quyền khi đã không yêu cầu chủ đầu tư dự án bất động sản đánh giá tác động môi trường. Do vậy, thành phố cần sửa sai bằng cách làm việc với các chủ đầu tư và đề nghị họ xây dựng các không gian trữ nước.” (T.K.)