Wednesday, September 16, 2020

Phản biện vụ thẻ căn cước gắn chip bị báo nhà nước nói ‘phá hoại chính sách’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Công An Nhân Dân nói những cư dân mạng đưa ý kiến phản biện vụ thẻ căn cước gắn chip “là để phá hoại chính sách mới của nhà nước, chống phá quyết liệt chủ trương” và rằng những người này “gieo rắc hoài nghi trong dư luận.”

Hồi đầu Tháng Chín, các báo nhà nước cho hay, dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” với kinh phí lên đến 2,696 tỷ đồng ($116.2 triệu) của Bộ Công An CSVN được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc rốt rẻng thông qua. Dự trù từ hôm 1 Tháng Mười Một, công an tại các tỉnh thành bắt đầu lấy vân tay người dân để làm thẻ căn cước gắn chip.

Bộ Công An CSVN được ghi nhận ra sức bao biện cho phi vụ đổi thẻ căn cước gắn chip khiến tiêu tốn 2,696 tỷ đồng ($116.2 triệu) từ tiền thuế dân. (Hình: Zing)

Từ nay đến thời điểm đó, hệ thống truyền thông nhà nước được lệnh của Ban Tuyên Giáo Trung Ương đăng loạt bài ca ngợi thẻ căn cước công dân mới “được thiết kế mở có thể tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại trong tương lai.” Do vụ đổi thẻ là “chủ trương” của Bộ Công An CSVN, dễ hiểu là không thấy có bất kỳ ý kiến hoài nghi nào trên báo đảng về việc liệu thẻ gắn chip có xâm phạm quyền riêng tư của người dân hay không.

Hôm 16 Tháng Chín, báo Công An Nhân Dân viết: “Tại sao khi sử dụng thẻ ngân hàng có gắn chíp điện tử, điện thoại thông minh có phần mềm định vị… chúng ta đều không nghĩ tới là mình sẽ bị theo dõi, bị mất quyền riêng tư? Nay lợi dụng chủ trương áp dụng khoa học kỹ thuật gắn chíp điện tử vào thẻ căn cước công dân phục vụ tiện ích của người dân và xã hội thì một số đối tượng lại thổi phồng, xuyên tạc, vu khống? Bởi động cơ của những đối tượng này là gieo rắc hoài nghi để phá hoại chủ trương, chính sách mới của nhà nước, chia rẽ, làm mất ổn định xã hội.”

Để trấn an công luận, báo này cũng viết thêm ngành công an “khẳng định chíp điện tử gắn vào thẻ căn cước công dân không theo dõi được công dân” và rằng “nếu bất cứ một ngành nào, cơ quan nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước sự giám sát của nhân dân.”

Nhà hoạt động Lê Dũng Vova bình luận trên trang cá nhân: “Căn cước chỉ lưu duy nhất mã số công dân, vân tay là dữ liệu gốc. Khi cần lấy dữ liệu đầy đủ của công dân thì từ mã số công dân đó dùng truy cập vào trang của chính phủ điện tử quản lý, ai được truy cập đến đâu thì cấp quyền đến đó.

Chẳng có căn cước nào lưu trữ nhiều dữ liệu cả, nó giống như thẻ ATM của khách dùng tài khoản ngân hàng thôi. Bịp bợm định cài chip gì, chip do ai sản xuất, chip đó xử lý gì, lưu trữ gì…?”

Người dân khốn khổ vì các vụ đổi thẻ “chứng minh nhân dân” và thẻ căn cước diễn ra trong thời gian ngắn. (Hình: Nhân Dân)

Ông Dũng cũng nêu nghi vấn về vụ công ty Nhật Cường trong vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, người vừa mất ghế chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, “lấy dữ liệu của Hà Nội xong giờ đã bán cho ai chưa.”

Hôm 28 Tháng Tám, thời điểm ông Chung bị bắt, báo Thanh Niên cho hay: “Dù tuổi đời khá non trẻ nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, Nhật Cường Software [công ty con của Nhật Cường] đã giành được nhiều gói thầu cung cấp các dịch vụ phần mềm, dữ liệu đối với các cơ quan ban ngành thuộc Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, trong đó, có gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trị giá gần 43 tỷ đồng ($1.8 triệu).” (N.H.K) [qd]

Dân mạng chê vụ công an chết do đu bám ca pô xe trên xa lộ

 BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Không phải là cảnh sát giao thông, nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh, 23 tuổi, một cảnh sát cơ động, lại nhào ra đường để dừng một chiếc xe đò đang chạy trên xa lộ Hà Nội-Bắc Giang, rồi đu bám ca pô xe, và bị xe cán chết.

Cái chết của ông Mạnh được báo nhà nước khóc thương và ông được thăng hàm từ trung sĩ lên thượng sĩ.

Hiện trường vụ ông Nguyễn Văn Mạnh thiệt mạng. (Hình: N.Chương/Lao Động)

Hôm 15 Tháng Chín, báo Công An Nhân Dân viết: “Thượng Sĩ Nguyễn Văn Mạnh đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự ra đi của anh đã thể hiện tinh thần dũng cảm, bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, vì bình yên của quê hương, đất nước.”

Tờ Lao Động cho biết thêm: “Từ Tháng Mười, 2019 đến nay, ông Mạnh được điều động làm việc tại Đội Cảnh Sát Cơ Động, Phòng Cảnh Sát Cơ Động Công An tỉnh Bắc Giang. Trong quá trình công tác, người chiến sĩ trẻ sẵn sàng nhận nhiệm vụ và luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc.”

Tuy vậy, công luận bày tỏ sự bất bình trước sự ca ngợi của báo đảng vì theo một video clip được lan truyền trên mạng xã hội, ông Mạnh không phải là cảnh sát giao thông nhưng lại nhảy ra dừng một xe chiếc xe đò 16 chỗ ngồi đang chạy trên xa lộ.

Tờ Công An Nhân Dân mô tả ông Mạnh “bám vào cần gạt nước của xe” và sau đó “bị ngã khỏi nắp ca pô xuống đường, bị bánh xe chèn qua người.”

Theo báo Lao Động, ông Trần Văn Dũng, tài xế xe đò, đang bị tạm giữ với cáo buộc “Có hành vi chống đối” và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người.”

Facebooker Võ Khánh Tuyên bình luận trên trang cá nhân: “Với gia đình [ông Mạnh], đây là nỗi đau mất mát không thể nào bù đắp. Nhưng về mặt nghiệp vụ, chuyện để cho chiến sĩ mình phải liều mình đu theo xe, bám cần gạt nước, áp mình trên ca pô là không thể chấp nhận được. Hành vi lái xe là đáng tội, nhưng kể cả khi họ ngông cuồng bất chấp, vẫn còn quá nhiều biện pháp khác để khắc chế… chứ đâu thể rẻ rúng sinh mạng như thế? Vấn đề trọng tâm là không để xảy ra những cái chết quá vô lý như thế mãi. Và báo chí cũng như cấp trên của họ cũng xin thôi đừng ‘lên gân’ bằng những từ ngữ mỹ miều nữa.”

Lễ thăng hàm cho ông Nguyễn Văn Mạnh, viên cảnh sát cơ động thiệt mạng trên xa lộ. (Hình: N.Chương/Lao Động)

Trước vụ nêu trên, báo nhà nước từng tường thuật nhiều vụ công an giao thông “dũng cảm” nhảy lên ca pô để chặn xe trên đường. Hầu hết tài xế trong các vụ này đều bị khép tội “Chống người thi hành công vụ” trong lúc hành vi của công an không được xem xét.

Hồi năm 2015, báo Pháp Luật TP.HCM từng dẫn lời ông Lê Đức Đoàn, cựu cán bộ Đội Cảnh Sát Giao Thông Công An thành phố Hà Nội, nói: “Chiến sĩ cảnh sát giao thông không nên nhảy lên nắp ca pô hoặc làm những điều tương tự, bởi còn nhiều cách giải quyết khác toàn diện hơn. Việc nhảy lên nắp ca pô, đu mình vào cần gạt nước… là vô cùng mạo hiểm. Làm nhiệm vụ nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Tính mạng con người mới là quan trọng nhất.” (N.H.K) [qd]

Từ sai phạm đến tội ác giết người của chính quyền cs



Câu chuyện bắt đầu từ ngày 14/08/1980, lúc đó Chính phủ ra Quyết định 113/TTg cấp đất cho Bộ quốc Phòng xây sân bay quân sự Miếu Môn. Dự kiến đợt đầu chính phủ giao 208 ha, trong đó có 160,64 ha đất nhà nước và 47,36 ha đất nông nghiệp xã Đồng Tâm. Phần 47,36 ha đấy có quyết định thu hồi đúng pháp luật dân Đồng Tâm không tranh chấp gì. Năm 1981 khu đất này được giao cho Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý.

Thế nhưng cuối cùng dự án sân bay Miếu Môn không thực hiện được nên phía Bộ Quốc Phòng muốn chuyển đổi mục đích khu đất này thành đất đất thổ cư, đất vườn liền kề; thời hạn sử dụng lâu dài nhằm mục đích làm dự án kinh tế. Thế là ngày 20/10/2014 UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 5383/QĐ-UBND giao cho Bộ Quốc Phòng 236,7 ha đất, nhiều hơn khu đất 208 ha thuộc Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân đang quản lý là 27,8 ha. Có lẽ giữa Bộ Quốc Phòng và UBND Thành Phố Hà Nội lúc đó đã bắt tay nhau cướp lấy 28,7 ha của dân ở Đồng Tâm để chia chác nên họ mới làm vậy. Đây là một quyết định sai pháp luật, vì nếu muốn thu hồi thêm đất của dân thì phải có quyết định thu hồi đất và phải đàm phán với người dân để đền bù chứ? Nhưng không! Chỉ cần một quyết định là lấy không đất của dân mà không thèm biết dân có phản ứng gì.

Ngày 27/03/2015 Bộ Quốc Phòng ra Quyết định số 551/QĐ-TM cắt 50,03 ha trong 246,7 ha “đất quốc phòng” ấy để giao Viettel làm dự án, trong đó có 46 ha thuộc xã Đồng Tâm. Trong 46 ha thuộc xã Đồng Tâm ấy lại có phần 27,8 ha mà UBNDTP Hà Nội đã lấy khống vào đất nông nghiệp của dân bằng Quyết định số 5383/QĐ-UBND như đã nói ở trên. Thế là năm 2017, phía Bộ Quốc Phòng tiến hành cho xây tường rào chiếm lấy vùng đất 27,8 ha đất nông nghiệp ấy thì xảy ra tranh chấp giữa dân và chính quyền CS.

Ngày 15/05/2017 chính quyền dụ cụ Kình và 3 người khác ra Đồng Sênh bắt và đánh cụ gãy chân phải nhập viện và đánh một thanh niên cháu cụ phải đi cấp cứu. Vì bất bình mà dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người gồm 28 cảnh sát cơ động, 1 phó trưởng công an huyện Mỹ Đức, 1 đội trưởng đội cảnh sát điều tra công an huyện Mỹ Đức và 1 Trung đoàn trưởng Cảnh sát cơ động. Tạo nên sự kiện khủng hoảng con tin Đồng Tâm gây chấn động xã hội.

Mãi đến ngày 22/05/2017, Nguyễn Đức Chung xuống gặp và cam kết với dân Đồng Tâm 3 điểm: Thứ nhất là chính quyền phải thực thi đúng pháp luật; Thứ nhì là không truy tố dân Đồng Tâm; Thứ ba là điều tra những người đánh gãy chân cụ Kình. Khi được bản cam kết, dân Đồng Tâm tin Chung và thả 38 người kia ra mà không hề có một vết trầy xước nào. Mục đích của Nguyễn Đức Chung là giải cứu 38 người chứ ông ta không có ý định giữ lời hứa. Và quả thực Chung đã quỵt lời hứa thứ nhất và lời hứa thứ ba.

Ngày 13/05/2019 ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri ở Đồ Sơn – Hải Phòng đã thừa nhận rằng: “Vụ Đồng Tâm là do chính quyền giải quyết sai pháp luật”. Nói “sai luật” là nói nhẹ, chứ thực ra Quyết định số 5383/QĐ-UBND của UBND Thành Phố Hà Nội là một quyết định ăn cướp, người chịu trách nhiệm cho việc đó không ai khác là ông Nguyễn Thế Thảo chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc đó. Mà giả sử cứ cho là “sai luật” đi, thì sai là phải sửa chứ sao lại tiếp tục trượt theo cái sai đó? Miệng ông Phúc nói sai, nhưng cách hành xử thì vẫn trượt theo cái sai và cuối cùng phải dẫn tới tội ác man rợ mà chúng ta đã chứng kiến.

Đáng lẽ ra Nguyễn Đức Chung muốn thực thi pháp luật thì trước tiên ông ta phải hủy Quyết định 5383/QĐ-UBND đầy sai trái của Nguyễn Thế Thảo chứ? Nhưng không! Ông ta lại kết hợp với Đoàn Duy Khương giám đốc Công An TP. Hà Nội và Tô Lâm Bộ Trưởng Bộ Công An làm ra một kế hoạch bài bản tấn công vào thôn Hoành. Kế hoạch có mật danh là 419A được Công An Thành Phố Hà Nội đề xuất, UBND Thành Phố Hà Nội chấp thuận và được Bộ Công An phê duyệt. Một kế hoạch tấn công giết người, nó hoàn toàn không phải cưỡng chế, và nó lại càng không phải kế hoạch bảo vệ an toàn cho công binh xây tường rào được.

Theo kế hoạch, đêm ngày 08 rạng sáng ngày 09/01/2020 hàng trăm cảnh sát cơ động trang bị vũ khí tối tân tấn công vào thôn Hoành giết người. Kết quả họ giết được cụ Kình và mang xác về cơ quan phanh thây phi tan vết đạn. Còn phía họ thì bị người dân thôn hoành phản ứng phòng vệ nên 3 tên đã chết. Cái chết của 3 kẻ được gọi là “chiến sĩ” là cái chết nhục nhã khi mà chính họ mang sứ mệnh giết người bảo vệ kẻ cướp đất. Lịch sử sẽ biết về họ như vậy chứ chẳng có “hy sinh” nào ở đây cả.

Sau khi bắn giết, phía chính quyền bắt 29 người và tuyên  án tử hình 2 người. Toà án này nó mang bản chất trả thù kiểu “giết người đền mạng” chứ không phải một tòa công lý. Với tư tưởng “Chúng mầy làm chết 3 người phía tao thì tao cũng phải giết phía mầy 3 mạng người”. Chính vì vậy nên sứ mệnh của hội đồng xét xử là phải giết thêm 2 mạng người nữa. Vì cố gán cho bằng được 2 án tử nên tòa này bất chấp công lý bỏ qua sai trái của Quyết định 5383/QĐ-UBND, bỏ qua sai trái của cuộc tập kích nửa đêm giết người và bịa ra tình tiết để kết được 2 án tử. Đó là lý do tại sao có tình tiết châm lửa đốt xăng rồi hắt xuống hố hay tưới xăng vào lửa để duy trì ngọn lửa. Song song với cáo trạng bịa đặt, hội đồng xét xử thì vi phạm nghiêm trọng quy tình tố tụng khi họ không cho luật sư tiếp xúc thân chủ tại tòa, còn công an thì dùng bạo lực đe dọa với luật sư vv… nói chung họ làm mọi cách để có 2 án tử và đồng thời tô vẽ “chính nghĩa” cho chính quyền nên báo chí được ban tuyên giáo suỵt cho sủa. Chúng đua nhau tố 29 bị cáo đủ thứ “tội ác”. Bẩn đến độ ông thiếu tướng công an còn lên báo vu cho cụ Kình là “cường hào ác bá kiểu mới” để hợp thức hóa tội ác của Công An.

Phiên tòa này sẽ đi vào lịch sử ngành tư pháp, và chắc chắn sẽ lưu truyền cho nhiều đời sau thấy một nhà nước ăn cướp và quyết cướp tới cùng. Quân đội muốn có đất, chính quyền ra quyết định bằng văn bản để cướp. Dân phản đối thì kéo hàng trăm công an nửa đêm vào nhà hành quyết người. Giết bằng súng chưa đủ, họ còn dùng tòa án giết tiếp. Đấy là bộ mặt thật của chế độ này. Rồi đây lịch sử sẽ lưu danh vết nhơ này ngàn đời. Chưa có một triều đại nào đáng tởm như thế./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/dong-tam-ho-co-con-la-dan-lanh-608050.html

https://nld.com.vn/thoi-su/dat-san-bay-mieu-mon-la-dat-quoc-phong-20190425233524902.htm

https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/thu-tuong-vu-dong-tam-la-do-chinh-quyen-giai-quyet-sai-phap-luat-c46a874528.html

https://vnexpress.net/ong-le-dinh-kinh-xuat-vien-ve-dong-tam-3578667.html

Phía kia của luật pháp

 


Phạm Thị Hoài|

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội: Chúng tôi cho rằng về bản án mà nói, mang tính nghiêm khắc nhưng mà bảo đảm tính pháp chế, đồng thời mang tính nhân văn, khách quan, mang yếu tố pháp luật khoan hồng.

Luật sư Nguyễn Hồng Toán, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Tây Hồ, Hà Nội: Việc chuyển đổi tội danh giảm án cho 19 bị cáo thể hiện sự nhân văn tạo cơ hội làm lại cho các bị cáo. Chính sự công minh, sáng suốt, công tâm của phiên tòa, tôi cho đó là cái đi vào lòng dân, điều đó cũng đã giúp các bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình.

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp, Hà Nội: Vụ án xảy ra trên địa bàn Hà Nội nên việc Công an Hà Nội điều tra là đúng thẩm quyền và các quy định của pháp luật. Phiên tòa cũng đảm bảo việc tranh tụng giữa các bên. Các mức án tòa đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Hai bản án tử hình đối với Lê Đình Công, Lê Đình Chức đúng pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vì đây là những đối tượng cầm đầu, hành vi của các đối tượng khi thực hiện giết người thể hiện sự man rợ nguy hiểm.

Luật sư Hà Huy Từ, Hà Nội: Không thể chấp nhận được hành vi của một nhóm đối tượng mượn cớ đòi đất để gây sức ép với chính quyền, thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là gây trọng tội giết người. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm cần bị xử lý nghiêm minh.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Hà Nội: Về mức độ vi phạm thì tôi cho đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó 25 người bị truy tố về hành vi giết người. Vậy thì đây là một tổ chức lớn, có sự phân công, có sự phân trách nhiệm và thậm chí có sự chuẩn bị trong cái việc bày binh bố trận, hung khí vũ khí và hậu quả là có ba người trong lực lượng chiến sĩ công an đã bị thiệt mạng.

Luật sư Bùi Thị Mai, Hà Nội: Tôi nghĩ rằng ý kiến đề nghị truy tố của Viện kiểm sát đúng người đúng tội và mang tính nhân văn sâu sắc.

Luật sư Nguyễn Huy Long, Hà Nội: Ở góc độ quan điểm của luật sư, tôi thấy việc xét xử vụ án diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, một phiên tòa công minh, nghiêm khắc, đồng thời đảm bảo tính nhân văn và khoan hồng. Các bị cáo đều bày tỏ ăn năn, hối lỗi đồng thời xin lỗi gia đình bị hại.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Hà Nội: Riêng với cái vụ việc ở Đồng Tâm đây thì những người thực thi công vụ có thể nổ súng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam nói chung, đặc biệt là pháp luật về hình sự thì bao giờ cũng sẽ xử lý hết sức nghiêm khắc đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu và những kẻ mà có thể nói rằng có những cái tổ chức, đấy là tình tiết tăng nặng.

Luật sư gốc Việt Hoàng Duy Hùng, Houston, Texas: Nhà nước cần về vấn đề quốc phòng, công cộng, an ninh thì có quyền lấy, thu luôn, thu hồi, không có tranh cãi. Khi đó, nhà nước không cần báo cho dân chúng về nguyên do. Người thi hành công vụ đúng hay sai chưa cần biết, nhưng phải tuân thủ ngay, sau mới có thể phản kháng hay kiến nghị. Nếu chống đối có thể bị bắn chết. Chống người thi hành công vụ là tội phải xử nghiêm minh. Mỹ đã làm từ mấy trăm năm nay. Mình là người dân công chính thì phải khuyến khích người dân không được chống lại người thi hành công vụ. Nên người dân Đồng Tâm tấn công cảnh sát là có lỗi đầu tiên, còn nếu có gì không phải thì để tòa án xét xử sau. Nhà nước đã mở ra thì những người kia phải biết đón nhận theo luật pháp, hòa hợp dân tộc không có nghĩa là vô luật pháp. Cách làm của ông Kình là vô luật pháp, ông này tự biến mình thành cường hào, địa chủ, lãnh chúa trong Đồng Tâm.

Luật gia Hồ Ngọc Thắng, Việt kiều tại Đức: Là người tốt nghiệp đại học luật và làm việc lâu năm trong ngành luật cho Nhà nước Đức, tôi nhận thấy việc thực thi những nguyên tắc nhà nước pháp quyền không chỉ cho phép mà còn yêu cầu sử dụng những biện pháp cứng rắn để đối phó với những hành động xem thường pháp luật. Tôi cũng cực lực lên án những kẻ lợi dụng làm phức tạp sự việc Đồng Tâm để vu khống, xuyên tạc Đảng, Nhà nước. Họ gọi đó là ‘vụ thảm sát Đồng Tâm’, ‘chỉ có kẻ thù mới cho quân nổ súng vào dân’… Đặt vấn đề kiểu mập mờ như vậy là không ổn. Hoạt động của ông Kình và đồng bọn không phải là ‘bất bạo động’ mà là khủng bố.

Tranh luận là vô ích./.

Sụp đổ

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì “doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% số doanh nghiệp cả nước, thực sự không còn gì, họ chỉ ăn được mẩu vụn của thị trường, chứ không phải chiếc bánh thị trường chia thành miếng." Ảnh: Internet

Tân Phong – Việt Tân

17 triệu người thất nghiệp tới cuối năm 2020

ết quả khảo sát của Ban Nghiên Cứu Kinh Tế Tư Nhân vừa qua cho thấy một thực trạng cực kỳ đáng báo động ở khối kinh tế tư nhân cũng như vấn nạn thất nghiệp gia tăng nhanh chóng:

“2% số doanh nghiệp được hỏi đã giải thể. 20 % số doanh nghiệp được hỏi đã dừng hoạt động. 76% số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu – chi (trong đó 54% doanh nghiệp cho biết dòng tiền vào chỉ đáp ứng được 50% chi phí). Chỉ có 2% số doanh nghiệp nói rằng tạm thời chưa bị tác động.

81% số doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là đứt đơn hàng, không có hợp đồng mới. 72% số doanh nghiệp cho biết khó khăn thứ hai là phải lo các khoản chi phí liên quan đến người lao động như trả lương và đóng bảo hiểm nộp phí công đoàn… 42-45% doanh nghiệp cho biết khó khăn là lo chi phí cho nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, chi phí thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng… Theo khảo sát, ở đợt dịch lần đầu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung, thì bây giờ vấn đề căng thẳng nhất là dòng tiền, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu, không có khả năng thanh toán…

Khối kinh tế tư nhân tuy chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP trong nền kinh tế chính thức và theo cách so sánh của bà Phạm Chi Lan thì “doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% số doanh nghiệp cả nước, thực sự không còn gì, họ chỉ ăn được mẩu vụn của thị trường, chứ không phải chiếc bánh thị trường chia thành miếng.” Trong một môi trường kinh doanh không lành mạnh và phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, điều đáng lo ngại là lực lượng này đang ngày một teo tóp đi cả về vốn, năng lực công nghệ. Tuy vậy, nó vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm.

Theo thống kê của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (GSO), trong số 54 triệu lao động hiện tại có tới hơn 18 triệu lao động làm việc trong thị trường lao động phi chính thức, chiếm tới gần 34% lực lượng lao động. Số lao động này chủ yếu làm việc cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ, hoặc lao động tự do.

Con số khảo sát 98% doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ không cân đối được thu chi, giảm qui mô sản xuất, sa thải lao động, cho tới đóng cửa, tạm dừng kinh doanh và giải thể… đồng nghĩa sẽ có một lực lượng lao động khổng lồ dư thừa và bị cắt giảm. Chỉ riêng số lao động ở khối kinh tế tư nhân thất nghiệp, ước đoán đã tới hơn 12 triệu người. Chưa kể, số lao động thất nghiệp ở khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, sẽ rơi vào khoảng 4-5 triệu người.

Một kịch bản tồi tệ là tới cuối năm 2020, Việt Nam phải giải quyết bài toán an sinh xã hội khẩn cấp cho một lực lượng thất nghiệp lên tới 17 triệu người. Đây hoàn toàn không phải là con số phóng đại và vấn đề thất nghiệp sẽ trở nên trầm trọng và kéo dài nhiều năm.

Với năng lực của hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) và ngân hàng hiện nay, CSVN liệu có khả năng chống chịu được cơn sốc này? Trong khi đó, được biết hơn 80% nguồn vốn của BHXH tương đương 30 tỷ USD đã cho chính phủ vay để “chi thường xuyên” và bù đắp thâm hụt ngân sách thông qua các hình thức mua trái phiếu chính phủ. Dù báo cáo với Quốc Hội rằng quĩ BHXH đang thu lãi lớn nhờ đầu tư vào trái phiếu, cho các ngân hàng thương mại vay lại, mua chứng chỉ tiền gửi… nhưng thực tế ra sao thì sẽ được sớm được biết rõ trong 12 tháng tới đây.

Trái ngược với những tuyên bố đao to búa lớn, các chỉ đạo “dọn ổ đón đại bàng,” nguồn vốn FDI đã liên tục suy giảm liên tục 4 năm qua. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam chỉ thu hút được 19,4 tỷ USD vốn FDI, bằng 86,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, đáng chú ý là số lượng dự án đăng ký giảm tới 25,3% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đối với các dự án đăng ký mới ghi nhận mức tăng thêm 6,6% nhưng điều này có được là do dự án khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu có số vốn đăng ký 4 tỷ USD, tương đương 41% vốn đăng ký mới.

Như vậy, ngoài dự án năng lượng hay bất động sản (BĐS), các dự án FDI khác trong các lĩnh vực gia công, lắp ráp… càng về sau càng có số vốn ít hơn và không hề có công nghệ tiên tiến. Những dự án FDI thâm dụng lao động là một câu chuyện buồn chưa có hồi kết cho nền kinh tế Việt Nam. Các dự án FDI trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục chỉ có mức đầu tư khoảng 1,1 triệu USD/dự án. Đó quả thực là những con số quá ít ỏi và không thể hy vọng gì cho Việt Nam có thể tiếp cận được các công nghệ ở mức đẳng cấp thế giới.

Khối doanh nghiệp vốn FDI là trụ cột quan trọng nhất trong nền kinh tế chính thức của Việt Nam, chiếm tới hơn 23,5% tổng đầu tư toàn xã hội, chiếm tỷ trọng tuyệt đối gần 80% xuất khẩu quốc gia và đóng góp khoảng 20% thu ngân sách.

Thật không ngoa khi nói rằng nền kinh tế Việt Nam với con số tăng trưởng 7,02%, là một “nền kinh tế rỗng.” Không làm chủ được các công nghệ cơ bản – những thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, doanh nghiệp Việt có rất ít khả năng chen chân vào chuỗi cung ứng và trở thành một phần của hệ sinh thái doanh nghiệp trong khu vực chứ đừng nói có thể “đi tắt, ăn cắp, đón đầu” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản 

Theo thống kê của Hiệp Hội Bất Động Sản thành Hồ (HoREA) cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, thành phố chỉ thu được 4.453 tỷ đồng tiền quyền sử dụng đất, giảm đến 52% so với cùng kỳ 2019. Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp, đầu tàu kinh tế phía Nam nơi thị trường BĐS luôn sôi sục, đã lao dốc không phanh.

Nhưng vậy là không phải đợi tới khi có dịch cúm Tàu, BĐS thành Hồ đã suy giảm vì nhiều yếu tố nội tại như yếu tố pháp lý không đảm bảo, nguồn cung hạn chế vì rào cản cơ chế, cơ cấu hàng hóa và giá cả quá chênh lệch với nhu cầu thực… Giao dịch căn hộ nửa đầu 2020 chỉ đạt hơn 6.800 căn hộ, giảm 55% so với cùng kỳ và là mức giao dịch thấp nhất trong 5 năm qua. Dòng sản phẩm biệt thự/nhà phố dù nguồn cung không nhiều nhưng sức mua cũng giảm 34%. Phân khúc đất nền nhu cầu đầu cơ gần như không còn, giảm tới 67% so với cùng kỳ.

Với lợi thế du lịch và hạ tầng tốt, trong hơn một thập kỷ qua Đà Nẵng đóng vai trò đầu tàu kinh tế ở khu vực miền Trung Nam Bộ. Tuy vậy, kể từ cuối 2018, thành phố đã chứng kiến cơn thoái trào của làn sóng đầu tư, đầu cơ bất động sản. Quả bóng BĐS ở Đà Nẵng thực ra chính thức đã nổ từ 2019 với vụ vỡ trận “hoành tráng” Cocobay. Đến khi cơn dịch bệnh cúm Tàu càn quét tới thì thị trường BĐS Đà Nẵng đã tê liệt hoàn toàn. Giờ đây, rất dễ dàng nhận thấy các nhà đầu tư đang mắc cạn cố gắng bán tháo hàng loạt tài sản ở Đà Nẵng với mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây ít lâu.

Thị trường BĐS Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ so với tình hình chung của toàn ngành. Năm 2019, thu ngân sách từ quyền sử dụng đất cũng giảm tới gần một nửa so với 2018. Tình hình này càng tệ hơn trong năm 2020. Cơ cấu hàng hóa và giá cả ngày một bất hợp lý khiến cho tồn kho tăng cao. Tuy vậy, mặt bằng giá BDS ở khu vực phía Bắc có khuynh hướng tăng chứ không giảm, những “cá mập” trong ngành “quyết” không giảm giá dù lượng giao dịch rất thấp.

Thị trường suy giảm khốc liệt khiến cho hơn 923 doanh nghiệp BĐS đã rời khỏi thị trường từ đầu năm tới nay. Con số này cao hơn 136% so với cùng kỳ và là con số cao nhất so với các ngành nghề khác.

Trên thực tế, BĐS là thị trường chiếm dụng nguồn vốn đầu tư xã hội lớn nhất. Ở Việt Nam, người người buôn đất, nhà nhà buôn đất và sự chênh lệch giữa thu nhập người dân với giá đất có thể nói ở mức hoang đường. Xuất phát từ suy nghĩ đã được đóng đinh là “người đẻ, chứ đất không đẻ,” “tiết kiệm cả đời không bằng lời một mảnh đất”…

Niềm tin đến mức mù quáng vào thị trường đã tạo ra một hiệu ứng “trăm sông đổ bể,” mọi nguồn lực từ cá nhân, khối hộ gia đình, kiều bào, tiền đầu tư của doanh nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm xã hội… ước tính hơn 70% nguồn vốn đầu tư xã hội đều đổ vào BĐS, khiến cho quả bóng nhà đất phình to mãi không ngừng. Điều kỳ lạ nhất khiến cho thị trường này đến nay chưa bị nổ tung, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, là người dân Việt Nam có một niềm tin mãnh liệt vào giá trị đất dù nó có phi lý tới mức độ nào.

BĐS cũng là mỏ vàng của giới chức CSVN và doanh nghiệp thân hữu tha hồ xẻ thịt, vẽ dự án, cướp đất để nhanh chóng trở thành tỷ phú dollar. Trong một xã hội mà quyền tư hữu không được công nhận, luật pháp trở thành công cụ hợp thức hóa việc cướp bóc của giới cầm quyền, thì đất đai cũng là ngọn nguồn của mọi xáo trộn, tai ương của xã hội.

Hơn 80% khiếu kiện liên quan tới quyền sở hữu đất đai triền miên không dứt, mâu thuẫn xã hội ngày càng khốc liệt và đã có nhiều cuộc đối đầu thảm khốc giữa nhà cầm quyền và người dân. Xã hội Việt Nam kể từ 1945 đến này chỉ quay cuồng, chìm nổi theo những cuộc cướp bóc từ cải cách ruộng đất, công tư hợp doanh, tới những cuộc đàn áp dã man như ở Văn Giang, Đồng Tâm, Cồn Sẻ,…

Và sự sụp đổ cuối cùng

Một làn sóng các ngân hàng thương mại ồ ạt thanh lý tài sản từ xe hơi cho đến đất nền, khách sạn, trung tâm thương mại với giá trị từ vài trăm triệu cho đến hàng ngàn tỷ đồng đã diễn ra. Khi trước đây nhà nhà vay tiền mua đất, thì bây giờ các ngân hàng thi nhau phát mãi thu hồi nợ. Nền kinh tế vừa suy kiệt bởi dịch bệnh và quả bong bóng BDS to lớn đột ngột nổ tung. Đó sẽ là thảm họa thực sự.

Cho tới thời điểm hiện tại, có thể khẳng định những “gói hỗ trợ” hoàn toàn chỉ là những trò hề, những vở diễn nhằm giải quyết yếu tố “tâm lý” cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời là “kết quả” để báo cáo trong các hội nghị về “thành tích” của nhà cầm quyền.

Với con số thất nghiệp có thể lên tới 17 triệu người, số DNNVV phá sản có thể lên tới 85% và nguồn BHXH bị “rỗng ruột” từ lâu… không quá khó để hình dung ra một viễn cảnh tồi tệ trong tương lai gần. Sự sụp đổ của kinh tế sẽ khởi đầu cho một thời kỳ hỗn loạn, dân sinh khốn cùng.

Đó cũng là lúc, người Việt Nam sẽ thấy rõ hết bộ mặt “do dân và vì dân” của thể chế CSVN khi những đàn sói đói không còn những con cừu béo để chia nhau sẽ lao vào đám cùng đinh để cắn xé. Đó cũng là thời khắc người Việt Nam phải lựa chọn sinh tử, quyết định tương lai và vận mệnh của mình. Sự sụp đổ này cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ thể chế vô nhân, đê mạt CSVN.

Tân Phong

Đạo đức Hồ Chí Minh: Từ Cát Hanh Long tới Lê Đình Kình

 

Rất nhiều người cứ âm thầm tự hỏi “Đạo đức Hồ Chí Minh” là gì mà hệ thống tuyên truyển của Đảng nói không mỏi mệt về nó. Từ thời ông Hồ về nước cho tới khi mất đi, việc làm nào của ông được xem là đạo đức thì không thấy hệ thống Đảng lấy ra làm khuôn vàng thước ngọc cho dân, chì thấy nói một cách chung chung và không cần kèm theo chỉ dẫn hay chứng minh thì trách sao người dân lơ ngơ về hành vi đáng gọi là đạo đức của một lãnh tụ?

Cho tới khi vụ Đồng Tâm xảy ra thì nhiều người tự hỏi: Những người đi sau ông Hồ có thực sự đang theo đuổi cái “đạo đức” mà họ được bồi dưỡng trong những bài học chính trị hay không, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo toàn diện cả hai hệ thống Đảng và Nhà Nước.

Khi nói tới cái chết của ông Lê Đình Kình nhiều người liên tục nhắc tới những đóng góp mà ông Lê Đình Kình đã bỏ ra suốt cuộc đời, hay đúng hơn là 56 năm tuổi đảng. Cái chết của ông dễ làm người ta liên tưởng tới một cái chết khác cách đây gần 70 năm khi cuộc Cải cách ruộng đất bắt đầu thì bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long là người đầu tiên bị đấu tố và tử hình.

Ông Kình và bà Năm giống nhau ở điểm: Ông Kình bỏ ra gần 60 năm phục vụ cho Đảng, tức bỏ công sức cả đời ra cho tổ chức mà ông theo đuổi. Bà Năm bỏ gần hết cơ nghiệp gia đình ra để ủng hộ Việt Minh, tiền thân của Đảng hiện nay. Với số vàng và tài sản đóng góp kể cả bao che cho những cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh…..bà Nguyễn Thị Năm được xem là có công với cách mạng nhưng cái công đó bị chính ông Hồ Chí Minh khước từ. Ông Kình cũng bị khước từ những đóng góp suốt đời để nhận hậu quả là cái chết giữa đêm khuya.

Ông Hồ Chí Minh được chính những kẻ viết sử của chế độ qua hồi ký, xác nhận đã khước từ trước cái chết của bà Cát Hanh Long, một trong những trang viết đáng tin cậy đó là của Hoàng Tùng (*), viết trong hồi ký “Những kỷ niệm về Bác Hồ” thì: “Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc.”

Ông Hồ Chí Minh của quá khứ và ông Nguyễn Phú Trọng của hiện tại có khác gì nhau? Bởi một điều chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng phải được báo cáo xin chỉ thị trước khi hành quân hạ sát ông Kình, Thế nhưng không có văn bản nào có chữ ký của ông Trọng giống như ông Hồ Chí Minh không bao giờ ký vào bản án bà Nguyễn Thị Năm. Hai cái chết đều không có chữ ký của cấp cao nhất nước nói lên sự phủi tay trước trách nhiệm cần có, vậy thì có đạo đức không?

Vụ án Đồng Tâm cũng không khác vụ đấu tố bà Cát Hanh Long là mấy. Ngày trước, Trong bài viết “Địa chủ ác ghê” của C.B. trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 kể tội bà là “Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người… Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân…Nguyễn Thị Năm đã thú nhận thật cả những tội ác”. Thực tế nhiều nhà văn nhà báo phát hiện thì C.B là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh trên báo Nhân dân từ năm 1951 đến 1957.

Trước khi vụ án Đồng Tâm được chính thức xét xử, Thiếu tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công An khẳng định “Lê Đình Kình là một loại cường hào địa chủ mới”. Giống như C.B viết về bà Nguyễn Thị Năm: toàn bộ các con cháu cụ Lê Đình Kình cũng như 29 người bị khởi tố đều thú nhận tội ác là đã giết 3 công an trong đêm cụ Kình bị giết.

Sau cuộc cải cách ruộng đất ông Hồ Chí Minh được báo chí “viết lại” là rất bức xúc trước cái chết của bà Năm. Những “tay tổ” như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Lê Văn Lương đều tiếc thương và khẳng định bà Năm bị giết là sai lầm.

Vài năm nữa (nếu Cộng sản tiếp tục cầm quyền) người dân sẽ thấy đồng loạt các loại tướng tá như Tô Lâm, Tô Ân Xô, Lương Tam Quang, Trần Quốc Vượng và nhất là Nguyễn Phú Trọng sẽ lên VTV lau nước mắt mà tiếc thương cho ông Lê Đình Kình và con cháu của ông đã bị giết lầm trong lúc mà “Xã hội chưa thống nhất niềm tin với đảng”.

Lịch sử luôn lập lại nhưng lần này có lẽ là lần sau cùng một chính quyền luôn luôn chiến thắng dân sẽ khó mà ăn ngon ngủ yên như gần 70 năm trước bởi giờ đây người dân đã kịp trang bị cho mình kiến thức thật sự từ mạng lưới toàn cầu, họ không còn dễ dàng cả tin vào những người đầy tớ mà chất phản phúc lúc nào cũng lộ ra trên những chiếc khăn tay chậm nước mắt sau khi giết chủ.

(*)https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_N%C4%83m

Thủ tiêu người cha - tử hình hai con!

Theo VOA-16-09-2020


Ông Lê Đình Kình. Photo Đong Tam TV

Hoàng Hoành Sơn


André Menras, nhà làm phim người Pháp từng về Đồng Tâm dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân, nhận định: “Các bị can đã bị bắt giữ một cách phi pháp. Vụ án rõ ràng sẽ diễn ra theo kiểu các vụ án thời Stalin. Ám muội và tàn độc hơn cả vụ xử Hồ Duy Hải. Đồng Tâm sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ cùng đường, coi nhân dân là kẻ thù” (1).

Quả đúng như lời nhận định trên, súng đã nổi, người thủ lĩnh tinh thần đã bị giết chết và nay Đồng Tâm vẫn còn sôi sục với bản án tử hình hai người con cụ Lê Đình Kình.

Trước khoảnh khắc họng súng lóe sáng trước ngực người cha, vạn vật, xóm làng đang bình yên chìm trong giấc ngủ. Khi màn tối bao trùm đất trời, một bản án tử hình trong vòng bí mật được tuyên ra, ngay cả nạn nhân chịu thảm án vẫn an tư không hề hay biết! Thế rồi họng súng khạc lửa đạn ngay tại phòng ngủ gia tư thiêng liêng, nơi một công dân Việt Nam lẽ ra thời khắc đó đang ngon giấc. Nay nó lại biến thành chỗ xử bắn cụ Lê Đình Kình. Ném cụ vào giấc ngủ ngàn thu cách lặng lẽ y hệt như bản án kẻ nào đó chụp lên cho cụ (2). Cụ Kình lớn lên là người lính chinh chiến, quen với súng đạn… Nay cụ đã ra đi theo tiếng súng vang lên sau khi viên đạn xuyên qua trái tim cụ. Và còn những họng súng khác sẽ tiếp tục khạc lửa lên hai người con chứ chưa chịu dừng ở cái chết của người cha.

Hình ảnh hai người con cụ Kình, anh Lê Đình Công, Lê Đình Chức trước tòa chịu một bản án tử hình công khai oan ức (3). Thế giới, cả nước ai cũng biết, hai anh sẽ biết ngày giờ mình ra đi, về với vòng tay người cha đang chờ đón? Cái chết của hai anh không còn bị dấu kín như cái chết người cha. Hai án tử được các cơ quan tuyên truyền, báo chí của đảng cộng sản Việt Nam (đcsVN), các luật sư đỏ… đồng loạt lên tiếng hoan hô, đồng tình. Đang khi cả nước, người dân xầm xì nhớ lại vụ án Lệ Chi Viên mà gia đình Nguyễn Trãi gánh chịu: “Tru di tam tộc”. Thủ tiêu người cha, tử hình hai con. Lúc thủ tiêu cụ Kình, chả thấy bóng dáng phóng viên, nhà báo nào có mặt tại hiện trường đưa tin. Nay đầy đủ mâm bát reo hùa theo ban tuyên giáo đưa tin nóng sốt, bình luận các kiểu. Quả là cái giao điểm của thời khắc tuyên án tử hình cho hai người con lại rầm rộ, công khai khác hẳn giao điểm lúc người cha ra đi. Những đan chéo chằng chịt trong các mối xung đột trước đây chấm dứt âm thầm trong màn đêm với cái chết cụ Kình. Nay bản án của hai anh Công - Chức lại được tuyên cáo ồn ào công khai hết cỡ.

Vâng, trong bài viết này tôi muốn tập trung nhiều vào khoảnh khắc họng súng lóe sáng của kẻ thủ ác bóp cò bắn thẳng vào tim cụ Lê Đình Kình. Thoáng chớp lóe lên hẳn là đỉnh điểm trong cuộc đời ông cụ; đó là khoảnh khắc giữa sống và chết; giữa người đang thở và sẽ trút hơi thở cuối cùng. Lẽ ra, nếu chưa có ánh lóe sáng ấy hẳn cụ còn sống thọ thêm nhiều năm nữa. Tuy nhiên, con tạo trêu ngươi, trong hàng triệu cái chết mỗi ngày và không cái chết nào giống cái chết nào, chỉ có cái chết cụ Kình là tiêu điểm cho biết bao sự giao thoa: tình người - tính đảng, công an - xóm làng, đất nông nghiệp – nhóm lợi ích, thù hận - nghĩa tình, chính quyền và con dân, kẻ mạnh và người yếu, sức trẻ và tuổi già, họng súng ác liệt và cây gậy chống đỡ giúp bước đi bệnh nhân bớt nhọc nhằn... Tất cả tập trung vào đầu súng tóe lửa chấm dứt cuộc đời dương thế của cụ già đôn hậu.

Lẽ ra cụ được ra đi thanh thản trong vòng tay con cái cháu chắt. Lẽ ra cụ đã có cuộc tử quy đầm ấm với nước mắt người thân vây quanh. Lẽ ra cụ trút hơi thở cuối ở thời khắc mà thiên định... biết bao nhiêu cái lẽ ra như thế đã bị phát đạn oan nghiệt tạo nên một giao điểm thổi bay tất cả vào lồng lộng hư vô. Cái lẽ vô thường trong cõi người ta ấy đã bị những kẻ vô thần bất tường và bất thường tự cho mình quyền lực chấm dứt một sinh mạng. Mà theo lý phải ở trong tay người ra đi khi dầu sinh khí đã cạn và khi cõi sau lên tiếng gọi về. Chấm dứt bất cứ sinh mạng vô tội nào đều là tội ác. Và kẻ ký lệnh, kẻ âm mưu lên kế hoạch, kẻ thủ ác trực tiếp, chúng có thể tránh được án phạt tòa đời. Nhưng không bao giờ tránh được án phạt của tòa án lương tâm và quy luật nhân – quả đời sau.

Và chưa dừng lại ở cái chết cụ Kình, không lâu trước ngày tuyên án tử hình hai con cụ Kình, tướng Tô Ân Xô, trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, đã tuyên bố cụ Kình là một “loại cường hào địa chủ mới” (4). Nó tựa như tuyên bố “giết vua” để dẫn đến bản án tru di tam tộc của nhà Nguyễn Trãi. Không phải tự nhiên mà tướng Xô, phát ngôn viên bộ công an, lại có những lời nói hàm ý đấu tố địa chủ như thế.

Người dân đều nhận ra sự đồng nhất trong ngôn hành của bộ công an từ đầu đến cuối rất chi ư là giàu tính kịch bản, dàn dựng công phu: Lên kế hoạch, vạch chuyên án giết chết cụ Kình là do bộ công an; điều binh khiển tướng túc trực ở làng Hoành vẫn là bộ công an; trực tiếp tấn công làng Hoành đêm 09/01/2020 cũng là bộ công an; giết chết cụ kình, bắn nhầm 3 công an viên, bắn trọng thương ông Hiểu, bắt bớ 29 người dân tiếp tục là bộ công an; điều tra bức cung, đánh phạm nhân 10 ngày như 1 (5) lại là bộ công an; cáo trạng viện kiểm sát trưng ra dựa trên điều tra cũng - vẫn - tiếp tục – lại là của bộ công an. Như thế, vừa đánh trống vừa thổi kèn đưa ma; vừa ăn cướp vừa la làng; kẻ chủ mưu, kẻ thủ ác, kẻ điều tra, xét xử, tuyên án đều đến từ điều tra của một ngành duy nhất, đó là ngành công an… Vậy còn gì là khách quan, là công bằng. Biết bao án oan Hàn Đức Long, Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm… (6) là những minh chứng cho “uy tín” của ngành công an và tư pháp.

Hơn nữa, Tòa xử vụ Đồng Tâm với nhiều tình tiết bất minh mà người dân cả nước đã nêu lên đầy dẫy trên mạng thông tin xã hội; nó cho thấy chỉ vì 59 ha đất nông nghiệp mà đcsVN, trực tiếp là bộ công an, đã tàn sát không thương tiếc những ai cản đường hầu dành cho bằng được. Cánh đồng Sênh chỉ lớn hơn chút xíu nửa cái đền Chung Sơn, thờ gia tiên Hồ Chí Minh ở Nam Đàn, Nghệ An (7). Cánh đồng Sênh chỉ sản sinh những hạt ngọc trắng có giá trị thường nhật nuôi sống dân làng Hoành, đang khi đền Chung Sơn tốn gần 100 ha đất, xây nguy nga lộng lẫy bằng thuế khóa nặng nề chất trên cổ người dân, chẳng nuôi sống được ai, ngoài tiền thu dịch vụ rơi vào túi nhà cầm quyền; nó được dựng lên với mục đích thờ cúng gia tiên ông Hồ.

Bản án tử hình tuyên ra cho thấy phải có sự ra đi đối xứng giữa ta và địch. Phe ta ra đi 3 thì địch cũng phải đi 3 cho đồng bộ. Chiến thắng Đồng Tâm quả là một chiến công đáng ghi vào trang sử hào hùng của bộ công an VN; trong tương lai, mỗi khi tấn công nhà dân nào đó, đcsVN và bộ công an lại đưa gương 3 liệt sĩ này lên giây cót tinh thần cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đêm ngày 08/01, rạng sáng ngày 09/01, 3000 cảnh sát cơ động, công an “đặc biệt tinh nhuệ” nổ súng mở màn đột kích dữ dội vào làng Hoành, quyết thực hiện cho được bản án tử hình cụ Lê Đình Kình. Bộ công an đã không ngờ chính họ lại làm lộ cho cả nước và thế giới thấy rõ lực lượng ăn hại đái nát, ngốn biết bao ngân sách nhà nước, ôm súng ôm mìn, trang bị tận răng lại tự hại chết 3 đồng đội. Đưa lực lượng hùng hậu tưởng đâu lên biên giới phía Bắc đánh giặc Tàu, không ngờ “bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” đi đánh nhân dân Đồng Tâm.

Vụ án Đồng Tâm nói chung và phiên tòa xét xử 29 người liên hệ nói riêng phơi bày trước bàn dân thiên hạ một đất nước không hề có nhân quyền, tự do, dân chủ như đcsVN thường quảng cáo. Bộ luật hình sự năm 2015, điều 40 quy định: không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên (8). Quy định luật pháp là thế, nhưng sự thật là bộ công an giết đã một ông già ngồi xe lăn, 84 tuổi và nay âm mưu giết luôn cả hai người con của cụ. Dân chúng, công luận đều mong ngừng phiên tòa để dựng lại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, nhà nước pháp quyền VN thể hiện uy quyền trong tòa án, trắng trợn bác bỏ tình tiết quan trọng đó và vẫn tuyên án như kịch bản đã soạn. Ngay cả những lá đơn cụ bà Dư Thị Thành gởi đảng, nhà nước cứ như gió vào nhà trống. Chẳng ai quan tâm, không lời hồi đáp. Mạng sống người dân rẻ như vậy đấy, chỉ như con kiến chả xứng cho đảng đoái hoài. Đảng lo dành đất của dân hơn là giữ đất biên giới. Dành đất của dân có nhiều lợi ích hơn là xung phong đưa đầu đối địch với bành trướng Trung Quốc. Người dân hiền lành dễ đàn áp, dễ chụp mũ, dễ xử hơn hẳn Tàu lạ.

Một facebooker đã cảm thán viết mấy lời như sau: Bản án Đồng Tâm gợi nhớ lại lời viết trong Kinh Thánh: "Hỡi con gái Giêrusalem, chớ khóc thương Ta làm chi, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi." (Lc 23,28). Vâng, người dân Việt trên dải đất hình chữ S nên khóc thương cho thân phận mình. Vì chắc rồi cũng sẽ có cái ngày người sống ganh tị với người chết.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54113726

(2) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dien-bien-vu-gay-roi-trat-tu-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-o-dong-tam-1507780.tpo

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143268

(4) http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Thieu-tuong-To-An-Xo-noi-ve-vu-an-Dong-Tam/406964.vgp

(5)https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-tam-trial-19-out-of-29-defendants-admits-to-be-tortured-during-investigation-09092020081012.html

(6) https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/diem-lai-nhung-vu-an-oan-sai-trong-vai-nam-gan-day-d108623.html

(7) http://nghean24h.vn/den-chung-son-the-tua-nui-linh-thieng-uy-nghiem-sung-sung-a606757.html

(8)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx#:~:text=%C4%90i%E1%BB%81u%2040.&text=T%E1%BB%AD%20h%C3%ACnh%20l%C3%A0%20h%C3%ACnh%20ph%E1%BA%A1t,B%E1%BB%99%20lu%E1%BA%ADt%20n%C3%A0y%20quy%20%C4%91%E1%BB%8Bnh.

Lại ‘lọt, lộ bí mật Nhà nước’ trên mạng mỗi lúc một nhiều trước kỳ đại hội đảng!

 RFA-2020-09-15Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội ngày 27 tháng 11 năm 2013.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội ngày 27 tháng 11 năm 2013.
 REUTERS / Kham

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, khi báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho rằng “tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng.”

Trước tình trạng vừa nêu, vị lãnh đạo Bộ Công an cho hay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng.

Ai làm lộ bí mật nhà nước?

Nhận xét về phát biểu của ông Lê Quý Vương, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội khẳng định đây là một hô hào ước mong vô vọng:

“Tôi nghĩ chuyện họ vô cùng lo mà không bao giờ có thể tránh được là lộ những gót chân Achilles của họ hoặc bao nhiêu bí mật quốc gia mà thật sự có những thứ chả là bí mật gì, nhưng vì nó có thể không có lợi cho họ nên họ đóng dấu mật, tối mật, tuyệt mật vào những văn bản đấy như thế để giữ kín không cho ai biết.”

Còn theo Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng cho rằng:

“Tôi thấy nhà nước có luật bí mật hẳn hoi, cái nào bí mật, cái nào không bí mật, bây giờ lộ ra thì từ mấy ông ra chứ chẳng nói ra vì sao dân biết được. Chuyện đấy ông nói vậy thì chỉ xảy ra trong nội bộ các ông ấy thôi, chính các ông nói ra là một. Hai là không loại trừ mọi người đều nghĩ rằng nội bộ phe phái các ông đánh nhau, lan truyền thông tin ra để dùng dư luận xã hội triệt hạ nhau. Đấy là chuyện bình thường, ông nói hay không nói ra thì người ta cũng biết những thông tin bí mật thì ai là người tiếp cận, nội bộ các ông thôi.”

Đồng quan điểm vừa nêu về nguyên nhân và nguồn gốc những ‘bí mật nhà nước’ bị rò rỉ và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói rõ thêm:

“Trong một thể chế cộng sản như ngày nay, hoàn toàn độc tài và người ngoài người ta nghĩ rằng hệ thống này vững chắc, bền chặt như một tảng đá nguyên khối, không có gì lọt ra. Nhưng không phải thế, hệ thống này là những cục dá to nhỏ khác nhau, góc cạnh khác nhau xếp vào nhau và giữa đó là những khe hở. Từ những khe hở đó thì những thông tin có gọi là tuyệt mật chăng nữa cũng lọt ra vì một lý do là các cục đá này không gắn kết nhau thành một tảng, tức có những lợi ích khác nhau, có thể mâu thuẫn với nhau và nhóm này có thể dùng thông tin bất lợi cho nhóm kia, có lợi cho nhóm mình để bằng cách nào đấy leak ra ngoài.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhận định rằng tình trạng rò rỉ thông tin nội bộ được bảo vệ với tên gọi ‘bí mật nhà nước’ không phải chỉ mới đây mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu:

“Trong lúc nhồm nhoàm đấu tranh quyết liệt để giành ghế trước đại hội đảng cộng sản Việt Nam thì những chuyện cố ý rò rỉ lại càng nhiều hơn bởi vì bằng cái rò rỉ thông tin đấy để đánh gục những đối thủ của mình, để đạp lên đầu đối thủ mình leo lên. Chúng ta chứng kiến hai đại hội vừa rồi trong 10 năm trở lại đây thì cứ 3 tháng, 6 tháng trước đại hội thì người ta lại rỉ thông tin ra.”

Hội trường họp quốc hội (Ảnh minh họa)
Hội trường họp quốc hội (Ảnh minh họa) AFP

Đại hội đảng cộng sản Việt Nam sẽ được diễn ra vào tháng 1 năm 2021 tới đây. Công tác nhân sự đảng luôn là nội dung được truyền thông trong và ngoài nước quan tâm thời gian gần đây. Kể cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lần đầu xuất hiện trở lại trước truyền thông trong nước sau vài tháng vắng bóng cũng đã yêu cầu cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho đại hội đảng.

 

Hoàn thiện hành lang pháp lý

RFA có liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia tại thành phố Hồ Chí Minh và được ông cho biết việc chính phủ chú trọng để hoàn thiện thêm luật bảo vệ bí mật là cần thiết:

“Hành lang pháp lý cũng đã có, các bộ, ngành phải có quy định. Tôi cũng đồng ý tình trạng lọt, lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Sắp tới đây phải có một quy định không gian mạng thực hiện được quy định rõ trong luật An ninh mạng.”

Giải thích rõ hơn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết Luật Bảo vệ bí mật được ban hành ngày 15/11/2018 và được sửa đổi các bất cập. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 26 hướng dẫn thi hành luật bảo vệ bí mật nhà nước.

“Những quy định về bí mật đã có Luật Bí mật, trước đây có pháp lệnh Bảo vệ bí mật, bây giờ là Luật Bảo vệ bí mật quốc hội mới thông qua nên vừa rồi chính phủ ban hành nghị định trong đó quy định rất rõ những luật bảo vệ bí mật nhà nước ban hành năm 2018. Trong luật cũng đã ghi rõ những nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước về những hành vi nghiêm cấm ví dụ như chiếm đoạt, mua bán, lợi, dụng, lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước và sử dụng bí mật nhà nước để giấu những hành vi vi phạm pháp luật… hoặc người ta phân loại và ban hành những danh mục bí mật nhà nước từ cơ quan trung ương đến địa phương, cả cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.”

Từ góc độ của người dân, Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng việc ‘lộ, lọt bí mật nhà nước’ mà Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương đề cập là chuyện không thể tránh khỏi. Có chăng chính phủ Hà Nội cần thay đổi cách giải quyết vấn đề:

“Nói cho cùng thì theo Hiến pháp người dân có quyền giám sát mọi cơ quan chính quyền nhà nước, kể cả đảng cộng sản. Trước mắt ông phải trả lời thông tin đưa ra đúng hay sai và tiếp thông tin đó các ông phải làm gì, chứ không phải cho rằng bí mật bị lộ. Những cái sai ông giấu, không cho dân biết à? Trách nhiệm của ông là kiểm tra, xử lý các thông tin, sai hay đúng thì cũng phải giải quyết, điều chỉnh, trừng phạt những người làm sai chứ sao tìm cách che giấu?”

Do đó, để giải quyết tình trạng mà Bác sĩ Đinh Đức Long vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra đề xuất từ thực tế xã hội hiện nay:

“Chỉ có một cách là minh bạch những thông tin không đáng là bí mật. Đương nhiên có những thông tin bí mật, thậm chí tuyệt mật vì nó thực sự liên quan đến an nguy của quốc gia. Còn những sự an nguy của một cá nhân, một vài cá nhân, một nhóm lẽ ra phải minh bạch thì sự cạnh tranh trong các nhóm của đảng cộng sản Việt Nam mới lành mạnh.”

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chỉ bằng cách ông vừa nêu thì đảng cộng sản Việt Nam có thể mạnh lên nhưng rất tiếc ban lãnh đạo lại coi điều đó là bí mật và đấy chính là điều làm tiêu vong bản thân đảng cộng sản.

Cảnh sát Giao thông và cách chặn xe nguy hiểm, phản cảm!

 Diễm Thi, RFA 2020-09-15. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phản cảm

Hình ảnh một cảnh sát cơ động rớt từ nắp capo một chiếc xe vận tải nhẹ xuống đường, rồi bị chính chiếc xe này cán tử vong, là một tai nạn thương tâm vừa xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang vào chiều 14 tháng 9 năm 2020. Những hình ảnh tương tự như vậy thỉnh thoảng lại được báo chí chính thống trong nước hoặc mạng xã hội đưa lên với những bình luận trách móc có, khen ngợi tinh thần dũng cảm, nhiệt tình với công tác cũng có.

Tháng 10 năm 2019, một toán Cảnh sát Giao thông công an tỉnh Bắc Ninh tuần tra Quốc lộ 1A theo hướng Hà Nội - Bắc Ninh, phát hiện một xe khách dừng trái quy định dưới gầm cầu vượt Đại Phúc nên đã tiến lại kiểm tra. Lái xe khách tăng ga bỏ chạy và một cảnh sát giao thông buộc phải nhảy lên nắp capo, bám vào cần gạt nước để buộc xe phải dừng.

Trước đó, vào tháng 8 năm 2019, cảnh sát giao thông công an tỉnh Ninh Bình phát hiện xe tải đầu kéo lưu thông theo hướng Ninh Bình - Thanh Hóa, có dấu hiệu chở quá tải, nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra hành chính. Một cảnh sát đứng phía trước đầu xe để yêu cầu tài xế xuống xe. Tài xế không tuân thủ và cho xe di chuyển, viên cảnh sát giao thông phải bám 2 tay vào đầu xe và chạy lùi theo chiều xe di chuyển.

Nhìn nó xấu, phản cảm. Còn hậu quả thì rất nhiều trường hợp đã xảy ra, có cả thương vong. Tôi nghĩ có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để dừng các phương tiện giao thông theo yêu cầu. - Ông Minh Đức

Việc một cảnh sát giao thông đứng trước mũi xe để dừng như vậy, về mặt khách quan thì rất nguy hiểm khi tài xế còn ngồi trên xe và xe chưa tắt máy. Tai nạn do bất cẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có thể người cảnh sát giao thông thì nghĩ mình đứng trước mũi xe thì tài xế sẽ không dám chạy; nhưng thực tế từng xảy ra ngược với suy nghĩ đó.

Theo Điều 13 (Thông tư số 65/2012 của Bộ công an) quy định về Hiệu lệnh dừng phương tiện, không có quy định cụ thể cảnh sát giao thông được đứng ở những chỗ nào trên đường khi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy giao thông nên tùy vào đoạn đường mà cảnh sát giao thông sẽ chọn vị trí đứng để thực hiện hiệu lệnh dừng xe phù hợp và đúng theo hiệu lệnh.

Là chủ một doanh nghiệp vận tải, bản thân cũng là một tài xế lái xe liên tỉnh, ông Minh Đức nêu nhận định về việc này:

“Theo tôi, về mặt điều lệnh, quy trình của cảnh sát giao thông khi chặn  các phương tiện giao thông để kiểm tra thì những động tác, hành vi như vậy là sai. Từ cái sai đó ảnh hưởng đến bản thân, đến hình ảnh lực lượng thi hành công vụ ngoài công lộ. Nhìn nó xấu, phản cảm. Còn hậu quả thì rất nhiều trường hợp đã xảy ra, có cả thương vong.

Tôi nghĩ có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để dừng các phương tiện giao thông theo yêu cầu. Không khó. Không người dân nào ủng hộ hành vi đó cả vì nó không những phản cảm mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người thi hành công vụ, người tham gia giao thông.”

Ông Đức kết luận rằng, việc tìm cách dừng xe như vậy là liều lĩnh, ngu dốt và mang tư tưởng lạm quyền. Họ muốn các tài xế phải tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của họ, trong khi phía tài xế thì không tuân phục cảnh sát giao thông do sự lạm quyền, vòi vĩnh của cảnh sát giao thông từ xưa đến nay mà báo chí nhà nước cũng từng lên tiếng.

Luật sư Đặng Trọng Dũng thì đặt câu hỏi về quy trình huấn luyện nghiệp vụ cho cảnh sát giao thông khi những hành động như vậy không phải là cá biệt. Ông nói:

“Tôi không hiểu trong ngành công an giao thông đường bộ họ có dạy cho công an hành động như vậy hay không. Bởi vì không phải chỉ một ông công an làm như vậy mà nó được tái diễn ở nhiều nơi dù báo chí trong nước cũng lên tiếng. Tôi thì nghĩ không trường lớp nào dạy công an tìm cách bám vào xe hết sức nguy hiểm như vậy.

Đây là việc không nên làm của cảnh sát giao thông đối với người vi phạm giao thông. Nó rất nguy hiểm và rất khó coi. Nó mang cái hình ảnh rất xấu đối với cảnh sát giao thông.”

Vì sao?

Theo ghi nhận của RFA, dù lên án hành động đu bám lên xe của cảnh sát giao thông là phản cảm và nguy hiểm, nhưng nhiều người dân vẫn cho đây là hành động dũng cảm, nhiệt tình trong công tác và lên án những tài xế không tuân hiệu lệnh. Với cái nhìn của một người tham gia giao thông, Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông:

Nói đến chuyện này thì cũng phải nói đến giáo dục cần phải thay đổi. Có như vậy mới dạy được con người từ bé biết hành xử văn hóa khi tham gia vào mọi hoạt động cộng đồng. - Giáo sư Đặng Hùng Võ

“Tôi cho rằng đấy là giải pháp không văn minh cho cả hai phía. Nếu mọi người biết thực thi pháp luật đúng thì chắc chắn không xảy ra trường hợp đó. Trong cách thực thi pháp luật ở đây, theo tôi thì chỉ cần ghi lại số xe rồi xử lý sau. Ở đây thể hiện sự cay cú của cảnh sát khi yêu cầu mà xe không dừng cho nên phải cương quyết bắt dừng theo ý mình. Đó là cái thể hiện trong con người nói chung chưa ổn, lồng tính cay cú của cá nhân vào xã hội. Lồng vào như vậy nó sẽ ra những cái mất trật tự. Bản thân các tài xế cũng cay cú không chịu dừng xe thì gây ra hậu quả khó lường.

Nói đến chuyện này thì cũng phải nói đến giáo dục cần phải thay đổi. Có như vậy mới dạy được con người từ bé biết hành xử văn hóa khi tham gia vào mọi hoạt động cộng đồng.”

Ông nói thêm rằng, giao thông ở Việt Nam hiện rất lộn xộn dù chính quyền ban hành nhiều biện pháp xử phạt cũng như các đợt ra quân tổng kiểm soát.

Một trong những đợt tổng kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được cho là mạnh tay nhưng bị nhiều phản ứng của người dân là đợt ra quân từ ngày 15 tháng 5 năm 2020 đến 14 tháng 6 năm 2020 của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC08).

Với đợt ra quân này, cảnh sát giao thông yêu cầu dừng tất cả các loại xe khách, container, xe hơi, xe máy trong phạm vi thành phố để kiểm tra mà không cần có lỗi ban đầu.

Sau một tháng thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tổ chức hội nghị thông tin công tác trật tự an toàn giao thông sáu tháng đầu năm vào ngày 17 tháng 6 năm 2020. Báo cáo cho hay, chỉ trong một tháng có hơn 400.000 trường hợp vi phạm bị xử lý. Tước giấy phép lái xe trên 27.000 trường hợp, tạm giữ 61.500 phương tiện. So với thời gian liền kề trước khi thực hiện kế hoạch, số trường hợp vi phạm tăng 160%.