Friday, March 10, 2017

Thật hay giả những bức ảnh “dậy sóng” cảnh công an bức cung, nhục hình phụ nữ?

THIÊN HÀ-11-03-2017
Thật hay giả những bức ảnh “dậy sóng” cảnh công an bức cung, nhục hình phụ nữ?
Cali Today News – Cộng động sinh hoạt mạng xã hội Facebook ở Việt Nam trong mấy ngày qua đã lan truyền chóng mặt những tấm hình ghi lại cảnh một viên cảnh sát đã dùng tay bóp cổ, chân đạp và đè lên thân hình một phụ nữ đang bị còng một tay vào cửa sổ, đang tỏ ra đau đớn.
Mặc dù chưa xác nhận thông tin những tấm hình này thật hay là giả nhưng cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội Facebook vẫn bày tỏ một sự phẫn nộ, cho đây là một minh chứng về vấn nạn công an cộng sản Việt Nam (CSVN) làm dụng quyền hành để bức cung, nhục hình người dân ở trong các đồn công an hoặc ở các nơi giam giữ dẫn đến thảm cảnh có khá nhiều trường hợp bị tử vong, không minh bạch…
Người phụ nữ với một cánh tay bị còng vào cửa sổ và Viên công an dùng chân đạp lên người phụ nữ (ảnh Facebook Bunbunqp Duy Nguyên)
Thật hay gỉa chưa biết nhưng thực trạng là có thật
Hầu hết các Facebooker chia sẻ với Cali Today đều có chung câu trả lời là chưa thể xác định những tấm hình như đã nói trên là thật hay là giả? Nạn nhân là ai? Viên công an tên gì và làm việc ở đâu? Tất cả phải chờ các cơ quan chức năng của CSVN vào cuộc xác minh.
Facebooker Hoàng Thành từ Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay, bức ảnh là tâm điểm tranh cãi của cộng đồng mạng xã hội cũng như trên các trang mạng xã hội. Thật hay giả cũng chỉ là vấn để tranh cãi, và muốn làm rõ nguồn bức ảnh là thật hay giả thì phải do Bộ Công An vào cuộc điều tra, có như vậy thì sẽ được sáng tỏ cho cả ban ngành công an và với dư luận hiện nay.”
Facebooker Khang Nguyên ở miền Nam cũng có chung một phần chia sẻ với Facebooker Hoàng Thành.
“Tôi cũng như mọi người thôi. Tấm hình lan tải trên mạng gây phẫn nộ cộng đồng, bằng mắt thường thì chúng ta khó mà phân biệt thật hay giả (diễn). Nhưng chắc chắn, đây không phải hình qua photoshop (chỉnh sửa, cắt ghép).
Trong khi đó, chia sẻ của Facebooker Vân Anh Đỗ đến từ Hà Nội là qua những gì ghi lại ở những tấm hình cho đây là chân thật.
“Tôi không khẳng định được đây là ảnh thật hay giả, nhưng cảm nhận cá nhân là sự đau đớn của người phụ nữ là rất thật và sự đàn áp ra đòn của viên công an cũng cực kì chân thật!”
Và Facebooker Vũ Nhọ ở Sài Gòn thì có sự hoài nghi những tấm hình này được lấy ra từ một bộ phim nào đó.
“Nói đến đây chuyện giả hay thật thì tôi cũng chưa chắc chắn, tại chưa có thông tin kiểm chứng. Tôi chỉ sợ nó lấy ra từ một bộ phim.”
Người phụ nữ bị viên công an dùng chân đè lên người (ảnh Facebook Bunbunqp Duy Nguyên)
Tuy nhiên, chia sẻ của Facebooker Vũ Nhọ cũng như những chia sẻ tương tự đều bị dư luận phản bác bởi cũng như báo chí, truyền thông thì phim ảnh ở Việt Nam cũng bị CSVN kiểm duyệt rất gắt gao, nếu nội dung phim ảnh ca tụng những chiến công vì dân vì nước của ngành công an CSVN thì được cấp giấy phép trình chiếu chứ những bộ phim có cảnh quay công an CSVN đánh dân, bức cung nhục hình thì rất hiếm khi được cấp giấy phép cho trình chiếu để người dân xem.
Cộng đồng sinh hoạt mạng xã hội Facebook ở Việt Nam cũng đã có những quan điểm trái chiều thật giả của những tấm hình. Cali Today tìm những chia sẻ của các Facebookers khi đặt câu hỏi giả sử đây là những tấm hình thật, ghi lại những hình ảnh có thật thì liệu nó có nói lên một sư thật về thực trạng tính mạng của người dân bị bức cung, nhục hình khi ở trong các đồn công an hoặc nơi giam giữ tại Việt Nam?
Facebooker Hoàng Thành chia sẻ ý kiến cá nhân: “Cá nhân tôi thì tôi coi bức ảnh này là thật, cái tôi quan tâm hơn là người phụ nữ đó là ai? Ở đâu? Bị vấn để gì? Thời điểm bức ảnh đó được chụp khi nào? Phía công an có xác thực viên công an là thật hoặc giả hay không? Có rất nhiều vấn đề xoay quanh sự việc mà chúng ta không có câu trả lời.”
Facebooker Vân Anh Đỗ thì mở đầu chia sẻ là những câu hát trong hành khúc “Vì nhân dân quên mình” của tác giả Doãn Quang Khải là: “Vì nhân dân quên mình/ Vì nhân dân hy sinh/ Anh em ơi, vì nhân dân quên mình …” và hình ảnh ghi lại trong những tấm hình là người phụ nữ với một cánh tay bị còng số 8 trói chặt vào cửa sổ, khuôn mặt người phụ nữ toát lên sự đau đớn…và gương mặt viên công an tuy không thấy rõ nhưng thân hình thì khá mạnh mẽ đã dùng sức mạnh của đôi tay, dùng chân ghì mạnh lên cổ người phụ nữ.
Đông đảo dư luận cho những hình ảnh này được ai đó chụp lén tại đồn công an nào đó nên khó chụp rõ khuôn mặt viên công an. Facebooker Vân Anh Đỗ cho đây là những tấm hình thật chứ không nghĩ là dàn dựng.
“Tôi không nghĩ đây là một bức ảnh dàn dựng, bởi cái thật nó lột tả rất rõ trên gương mặt người phụ nữ, ai nhìn vào cũng sẽ cảm nhận được sự đau đớn của chị ấy…Cứ nhìn vào đây là lòng căm phẫn, hiểu thêm vì sao nhiều người cứ vào đồn công an thì khoẻ mạnh, ra thì bầm tím hoặc chỉ là cái xác lạnh ngắt…”
Kết lời chia sẻ, Facebooker Vân Anh Đỗ nói có lúc chỉ mong hình ảnh trong những tấm hình không phải là thật.
Facebooker Khang Nguyên chia sẻ với Cali Today rằng, ví dụ đây là hình ảnh có thật do một cá nhân nào đó chụp và đưa lên mạng thì cảm xúc đầu tiên của mỗi người, và của chính bản thân Facebooker Khang Nguyên đều thấy phẫn nộ, không hài lòng.
“Cảm thấy như chính mình đang bị ngược đãi, bạo hành, khi mà quyền căn bản của công dân không được tôn trọng. Nếu đây là ảnh thật thì viên Công an kia rõ ràng đang xem thường pháp luật, vi phạm pháp luật về việc sử dụng bạo lực nhằm tra tấn nghi phạm, can phạm. Đó là chưa kể đến tác phong đạo đức trong công việc.”
“Trước nay, vấn nạn công an sử dụng vũ lực tra tấn, đánh đập trong trong đồn là có thật. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 200 người chết trong đồn công an trong một vài năm mà không rõ nguyên nhân. Vấn đề ở đây là người thực thi pháp luật khi có hành động đó thì hầu hết đều được bao che, xử nhẹ.”
Theo báo cáo của Bộ Công an do trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN đã họp đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” cho biết giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 09/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc mà nguyên nhân chủ yếu được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.
Ngày 07/11/2013, tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Chính phủ CSVN thường trực nước ta tại Liên Hiệp Quốc là ông Lê Hoài Trung đã thay mặt Chính phủ CSVN ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về Công ước chống tra tấn.
Người phụ nữ bị viên công an dùng tay ghì cổ xuống nền nhà (ảnh ; Facebook Toi Nguyen)
Facebooker Khang Nguyên chia sẻ tiếp, nếu trường hợp người phụ nữ bị viên công an đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo trong những tấm hình là thật thì:
“Hành động tra tấn, đe dọa hoàn toàn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bởi lẽ chính quyền CSVN và các nước đã kí kết với Liên Hiệp Quốc về Công ước chống tra tấn và tôn trọng nhân quyền. Nghĩa là, bất kể khi người dân có phạm tội hay không thì nhà cầm quyền không được phép dùng nhục hình tra khảo họ, cũng như không được phép xúc phạm nhân phẩm, danh dự họ. Các quyền đó phải được nhà nước, pháp luật tôn trọng và bảo vệ.”
“Nếu đây là hình ảnh thật thì đây là một hành động không thể chấp nhận được. Một thế kỉ mới, một thế kỉ văn minh mà thế giới đang hướng tới. Công an CSVN đã dùng nhục hình tra tấn cho thấy sự lạm quyền của chế độ đang càng ngày đàn áp dân, và đây cũng là bằng chứng cho những vụ án chết trong đồn”- Chia sẻ cá nhân của Facebooker Vũ Nhọ.
Kết thúc bài viết, hiện tại Cali Today cũng như đông đảo cộng đồng sinh hoạt mạng Internet nói chung vẫn chưa xác định được sự thật hay giả của những tấm hình như đã nêu, nhưng có một điều dễ nhận thấy là nó đã nói lên một thực trạng đang “nóng bỏng” ở Việt Nam, đó là vấn nạn công an CSVN lạm quyền bạo hành dân, dùng nhục hình trong đồn công an hoặc nơi giam giữ. Các nhà làm luật ở Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm bớt tình trạng này, tuy nhiên qua những gì báo đài, truyền thông Việt Nam phản ảnh ở thời gian qua đã cho thấy nhiều giải pháp chưa được thực thi và chưa có hiệu quả đáng kể.
Facebooker Khang Nguyên đưa đề xuất cá nhân: “Để tránh việc lạm quyền này, việc lắp camera ghi hình trong suốt buổi lấy cung là viêc rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải tôn trọng Quyền im lặng và quyền yêu cầu phải có luật sư của mỗi nghi phạm, can phạm.”
Facebooker Vũ Nhọ nói:
“Nếu so sánh những tấm hình và những vụ chết người trong đồn thì thấy được rằng có một sự bao che từ cấp trên cho đến cấp dưới của chế độ. Nó đã ăn sâu vào bên trong của chế độ nên ta cần phải lên tiếng để bảo vệ người dân, bảo vệ những người bị hại dưới tay của chế độ”
“Việc ta lên tiếng không phải chỉ để lôi cổ viên công an đó ra kỉ luật hay xét xử vì nếu chỉ lên tiếng để xử viên công an đó thì viên công an đó cũng sẽ bị đem ra làm chốt thí mà thôi.”
Kết lời, Facebooker Vũ Nhọ nói cái chính là cần thay đổi từ bên trong chế độ, không để những người làm trong ngành công an lạm dụng quyền lực mà hại nhân dân.
Điều này sẽ gần như không thể nào thực hiện được, bất khả thi, vì bản chất chế độ cộng sản là lấy đàn áp, nhục hình người dân để bảo vệ chế độ.

Truyện cười: ai biết lái tàu?

Trần Thế Kỷ (VNTB) 


1. Cu Tèo bảo Tom:

- Nóng: Linh mục Nguyễn Đình Thục chỉ đạo giáo dân ném trọng thương Giám đốc Công an Nghệ An!

- Phét. Cậu đọc tin này ở đâu?

- Ở Việt Nam Thời Báo.

- Lại phét nữa. Sáng nay tớ đọc VNTB của IJAVN thì làm gì có tin này.

- Tớ đọc tin này trên Vntb.org.

- Thảo nào. Đó chỉ là một tờ báo mạo danh VNTB của IJAVN. Mà sao cậu không nghĩ một nhóm công an nào đó đã đội lốt giáo dân để ném đá ông Giám đốc Công an hầu có cớ vu vạ cho cha Thục.

- Ừ nhỉ. Vậy mà tớ không nghĩ ra.

- Rốt cuộc cái tin khỉ gió mà cậu đọc được trên Vntb.org chỉ là một thứ hàng gian, hàng giả được sản xuất bởi một tờ báo vừa giả, vừa gian.

- Từ nay tớ phải cảnh giác trước các thế lực thù địch!


2. Tin bảo Tom:

- Cậu làm gì mà hốc hác thế?

- Tớ vừa ở chùa Hương về.

- Thế à. Chắc là vui lắm.

- Chả vui tí nào.

- Sao lại không vui? Lễ hội thì phải vui chứ?

- Này nhé: người thì đi đông ngìn nghịt, chen chúc đến ngộp thở. Du khách còn bị vòi vĩnh, ép giá. Có người còn bị móc sạch túi, mặt mày méo xệch. Muốn thắp hương lễ Phật sao mà khó.

- Tớ không tin là Đức Phật có mặt ở đấy để người ta lễ đâu.

- Tớ không hiểu ý cậu.

- Vì Đức Phật làm gì thích chốn bon chen. Đông người như thế nên thế nào Ngài cũng phải tìm đến một nơi thanh vắng. Nếu cậu ham vui thì thôi. Còn nếu muốn thành tâm lễ phật thì theo tớ, cậu đừng nên đến chùa Hương vào dịp lễ hội. Chỉ mệt người.

- Cậu nói đúng. Vậy năm sau bọn mình sẽ cùng đi chùa Hương khi lễ hội đã tàn!


3. Tin bảo Tom:

- Tượng đẹp lắm, Tom ạ.

- Tượng ai cơ chứ?

- Tượng Dzerzhinsky. Tớ vừa thấy trên báo.

- Ông ta là trùm mafia à?

- Không phải. Đó là Bộ trưởng Công an đầu tiên của Liên Xô.

- Tớ nhớ ra rồi. Ấy là tay đã giúp Lenin giữ gìn nền độc tài bằng các cuộc xử tử tùy thích bất kỳ ai mà chính quyền Xô Viết xem là kẻ thù.

- Đúng vậy. Ngài Tổng Trọng nói: “Công an phải bảo vệ Đảng”. Có lẽ me xừ Trọng đã cho dựng bức tượng này. Phải công nhận bức tượng nhìn rất có uy.

- Thế à. Tớ ước là …

- Cậu ước cái gì?

- Tớ ước có một bức tượng của bậc vĩ nhân này đặt trong thửa ruộng của tớ.

- Để chiều chiều cậu vừa uống cà phê vừa ngắm à?

- Để lũ chim chóc đừng tới phá phách mùa màng!


4. Tổng Lú đi du thuyền. Thuyền đang lướt sóng thì tay lái tàu bỗng đột quỵ. Tổng Lú bảo các hành khách:

- Ai trong các ngươi biết lái tàu?

Một hành khách giơ tay. Lú bảo:

- Cậu có phải là đảng viên không?

- Không.

- Thế thì cậu không được lái.

Lú lắc đầu. Một hành khách khác giơ tay. Lú hỏi:

- Cậu có phải là đảng viên không?

- Phải.

- Được. Lú gật đầu. Cậu được phép lái.

Mới lái được vài phút thì thuyền va phải đá ngầm, chìm ngỉm. Chới với trong nước, Lú bảo người lái:

- Sao chú mày không biết lái mà lại đòi lái?

- Vì tớ là đảng viên và tớ biết lái đò!

5. Phúc nghẹo hỏi Tổng Lú:

- Ăn Tết xong, bọn mình làm gì nữa?

- Tớ chưa biết. Để Tết năm sau hãy tính.

- Ai sẽ xử lý 25 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân hàng?

- Tớ chưa biết. Tết năm sau hãy tính.

- Ai sẽ bảo đảm cho ngân sách hai năm 2017 và 2018 không bị kiệt quệ để có tiền trả lương cho 30% công chức chả biết làm gì?

- Tớ chưa biết. Tết năm sau hãy tính.

- Hỏi gì cậu cũng trả lời là chưa biết. Vậy mà cũng bày đặt làm Tổng bí thư. Xéo mẹ đi!

- Còn cậu dốt như bò, cái đếch gì cũng hỏi. Vậy mà cũng bày đặt làm Thủ tướng. Xéo mẹ đi!

6. Bên ly cà phê, Năm Sài gòn click tờ Người Lao Động và chăm chú đọc bài “Xuất khẩu cử nhân, thạc sĩ”. Xong, Năm Sài gòn đọc tiếp phần comment với vẻ thích thú:

- Đúng là làm trò cười cho thiên hạ. Hồi trước rất nhiều người có trình độ đại học và trên đại học đi xuất khẩu lao động, thực chất là làm lao động phổ thông. Giờ chắc cũng vậy thôi. ( V và Ng )

- Mà sao lực lượng học hành tử tế này không thay thế một loạt công chức có trình độ toàn tại chức, chuyên tu, mở rộng đang ở trong bộ máy Nhà nước để khỏi chảy máu chất xám. ( Bảy chương )

- Không có gì gọi là “chảy máu chất xám”. Với chất lượng đào tạo mà đa số “thầy không ra thầy, thợ chẳng ra thợ” thì làm sao nước ngoài nhận cho làm việc. Đúng là một ý tưởng quá… lãng xẹt! ( Hoàng Đạo )

- Đây là thành quả “nhìn xa trông rộng” của Bộ Giáo dục! ( Nguyen Phuong Nam )

- Một đề án vô cùng… lãng mạn!

Đọc tới đây, Năm Sài gòn ực hết ly cà phê và cười:

- Mấy tay này còm hay quá. Mình còm thêm cũng bằng thừa!

Ngân hàng vô phép và lỗ hổng lý lẽ

Kỳ Lâm-11-03-2017 
(VNTB) Trận chiến giành lại vỉa hè của ông Phó quận 1 tiếp tục, nhưng trong văn bản phát đi ngày 7/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố: “Nếu kho tiền NHNN bị tấn công, quận 1 phải chịu trách nhiệm”.


Với quan điểm, khủng bố sẽ dễ dàng tiếp cận kho tiền bằng phương tiện oto, cơ giới có bom mìn, vì hàng rào trụ sắt có xích bị phá bỏ. Nhưng lãnh đạo ngân hàng trung ương lại quên rằng, với sức cơ giới của oto, nó dư sức để phá bỏ hàng rào; chưa kể hàng rào sắt nguyên thủy không bọc hoàn toàn quanh lối vào ngân hàng trung ương phía nam. Ngay cả khi tiếp cận vào trong khu vực trong vòng giới hạn của vỉa hè, thì với bậc thềm rất cao của tòa nhà, liệu rằng khủng bố có “dễ dàng tiếp cận khu vực sát kho tiền?”. Trong khi đó, NHNN nếu xác định là “trọng yếu” thì ngày xưa, NHNN phải có văn bản yêu cầu tăng cường an ninh hoặc yêu cầu tăng phần đất sử dụng cho NHNN để đảm bảo an ninh, chứ không phải đến thời điểm này mới lên tiếng phân trần và phản đối. Thậm chí, NHNN phải tính đến phương án sử dụng hệ thống hàng rào an ninh điện tử (hệ thống có khả năng bảo vệ khu vực với chu vi lên tới hàng chục và hàng trăm km, tạo thành vành đai an toàn chống đột nhập, hoàn toàn thích hợp với khu vực có chu vi lớn, yêu cầu giám sát an ninh mức cao) thay vì vật lý như hiện nay.

Ngân hàng trung ương cho rằng, việc đoàn chức năng liên ngành của UBND quận 1 tiến hành kiểm tra đột xuất, “không thông báo trước, đòi hỏi giấy tờ và hồ sơ pháp lý ngay tại hiện trường là thiếu khách quan và tính khả thi thực hiện” là sự la lối dựa trên sự vô phép của tổ chức này. Bởi Chốt là quyền quản lý của Bộ Công An, thì bản thân chốt đó phải “đúng luật”, không có bất kỳ cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào được nằm trên luật. Luật quy định cấm xây dựng công trình trên vỉa hè, nếu cần thiết phải xây dựng thì phải xin phép cơ quan quản lý địa phương để được cấp phép, vậy câu hỏi rất quen thuộc là NHNN có xin phép Q.1 chưa? Nếu cơ quan trung ương cậy thế để bắt đẻ ra quyền uy thì yêu cầu hủy toàn bộ luật đảm bảo an toàn đường bộ để tạo điều kiện cho lãnh đạo NHNN có quyền lấn chiếm? Ngay cả khi ông Hải mời người trong Ngân hàng ra làm việc trên cơ sở đòi hỏi giấy phép, không có ai ra, chỉ có một người không nêu danh tính – chức vụ ra “đòi hỏi” – vậy cách làm việc “bề trên” đầy hống hách đó có phải là điều đáng hoan nghênh ở một cơ quan nhà nước “trọng yếu”, thể hiện “khách quan và phối hợp” mà lãnh đạo NHNN luôn lên quan điểm không? 

Thứ hai, nhiều luận điểm cho rằng, việc tiến hành dọn vỉa hè công cộng là nơi ông Hải có thể “làm màu”. Nhưng đối với bốt của NHNN thì ít nhất phải làm việc với bảo vệ và đại diện bên ngân hàng. Chưa kể, Luật giao thông đường bộ là Luật được ưu tiên, nhằm đảm bảo giao thông, không phải phạt hành chính. Và trong luật có nói những công trình xây dựng trái phép phải được tháo dỡ ngay lập tức. Cần nhắc lại rằng, bản chất không giấy phép và cơ quan trọng yếu đã được ông Phó quận 1 xử lý mềm dẻo khi ra yêu cầu hoàn tất thủ tục hồ sơ trong vòng 1 tháng, thay vì một sự phối hợp với cơ quan quản lý địa phương (để lên phương án an ninh) thì lãnh đạo NHNN liên tục sử dụng kênh báo chí để đáp trả cho quyền thế vô luật của mình. Điều này không chứng minh được gì ngoài việc, NHNN thể hiện bản chất “cậy thế làm quyền” để gây khó dễ cho cuộc chiến giành lại vỉa hè cho cộng đồng - đứng trên pháp luật, và điều này đi ngược lại hoàn toàn quan điểm nhà nước pháp quyền XHCN. 

Thứ ba, ông Hải làm thì rất gắt, nên mới có cảnh dân sợ, thấy sai thì tự khắc phục bằng cách đục bỏ bậc thềm trc nhà, di dời mọi thứ trên vỉa hè. Dân đã chịu theo luật thì NHNN lại tự cho mình trên luật, bản thân cái này phải xử ngay làm gương. Sự nhầm lẫn giữa “cơ yếu” và “bất khả xâm phạm” là tồn tại như một tư duy vô pháp ở cơ quan công quyền nhà nước. Tư duy “làm việc vuốt mặt nhau” là cách đi ngược của không ít vị cán bộ lãnh đạo, bao gồm cả lãnh đạo của NHNN hiện nay. Trong trường hợp này, người viết khuyến nghị nghiêm túc rằng, lãnh đạo NHNN ở phía Nam lẫn T.Ư nên học tập Bộ Công thương trong việc đảm bảo thực hành nghiêm túc pháp luật vùng cơ sở, đồng thời tiến hành cảnh cáo về hành vi làm việc “bề trên” của một vị (không xưng danh tính, chức vụ) thuộc NHNN phía Nam trong sự kiện vừa qua.

Cũng liên quan đến việc này, sự kiện vừa qua, ông Đoàn Ngọc Hải cho cẩu 2 xe biển ngoại giao Úc đậu trái phép trên vỉa hè – tài xế người Việt bất hợp tác; thậm chí cán bộ Sở ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh gọi điện để “xin” thả xe. Rõ ràng đây là một hành vi nhờn luật thì dân khinh. Như vậy, thói quen “nhập gia tùy tục” đã lan sang bộ phận nước ngoài. Và việc chấn chỉnh ngay lập tức hành vi nhờn luật này là điều đáng hoan nghênh.


Không ai được phép đứng trên luật – kể cả cơ quan trọng yếu – đó là mấu chốt của tái lập trật tự, văn minh đô thị. 

Vì sao giới chóp bu Việt Nam vồ vập ‘kênh Nhật’?

Phạm Chí Dũng
Theo VOA-10-03-2017

Không còn hoài nghi gì nữa, giới lãnh đạo của nền kinh tế đã suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp đang hết sức chuyên tâm và kỳ vọng vào “kênh Nhật”.
‘Biểu tượng cao’
Cuối tháng 2/2017, một hiện tượng chính trị được xem là đặc biệt đã diễn ra: Nhật hoàng và Hoàng hậu sắp tới Hà Nội trong chuyến thăm lần đầu và được xem là có tính “biểu tượng cao”.
Tính biểu tượng đó đã thể hiện bằng biểu tượng nhân sự đón tiếp Nhật hoàng và Hoàng hậu ngay tại sân bay Nội Bài: Đặng Thị Ngọc Thịnh - cấp phó chủ tịch nước.
Tính biểu tượng đó lại càng cao nếu ta so sánh: khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam vào tháng 5/2016, ông đã chỉ được cấp thứ trưởng ngoại giao Việt Nam “ra đón đoàn”.
Dĩ nhiên, về mặt cấp và hàm, thứ trưởng ngoại giao không thể bằng vai phải lứa với phó chủ tịch nước.
Cho dù Obama đã quyết định một cử chỉ thân ái chưa từng có dành cho Hà Nội: dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương…
Còn người Nhật lại chưa từng có cái quyền cấm vận Việt Nam về vũ khí sát thương hay kinh tế.
Người Nhật chỉ cùng màu da vàng với người Việt, tinh thần Đại Đông Á mà một số nhân sĩ Việt ngưỡng mộ và một số chính khách Việt đang nhắc lại. Cùng ODA.
Phải có những tính cách đặc biệt và điểm chung đặc biệt giữa hai dân tộc…
Cho dù truyền thông tại Việt Nam mô tả chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu không mang tính chất chính trị hay thúc đẩy kinh tế mà mang ý nghĩa giao lưu hữu nghị giữa hai quốc gia, nhưng một cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản là ông Nguyễn Phú Bình lại mô tả: “Nhật hoàng và Hoàng hậu đi thăm nước nào thì hẳn là nước đó phải có quan hệ đặc biệt lắm”.
“Quan hệ đặc biệt” như thế nào?
Đó là một ẩn ý mà giới phân tích chính trị và phân tích kinh tế đương nhiên muốn mổ xẻ.
‘Đặc biệt’
Vào tháng 6/2016, nhân vật vừa nhận chức vụ thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc đã đi Nhật để dự Hội nghị G7 mở rộng. Theo một số tin tức từ giới ngoại giao, ông Phúc đã mời Nhật hoàng thăm Việt Nam “vào một thời điểm thích hợp”.
Song chính vào khi đó, một số trong giới phân tích kinh tế đã tỏ ra khá đồng thuận trong nhận định rằng tân thủ tướng Việt Nam dường như đã không rơi vào hoàn cảnh thích hợp để lãnh nhiệm chức vụ thủ tướng. Sau nhiều năm êm ả làm cấp phó cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc đang phải gánh quá nhiều khó khăn kinh tế và xã hội - di họa từ thời chính phủ trước. Cùng lúc, ông Phúc phải đối phó với không ít đối thủ chính trị đã lộ diện hoặc còn chìm ẩn nhưng đều “tỏ ra nguy hiểm”. Thành công hay thất bại chính trị của Thủ tướng Phúc sẽ tùy thuộc phần lớn vào những chuyến công du đối ngoại để làm sao vay được tiền và xin được viện trợ không hoàn lại.
Nhật Bản lại là quốc gia tỏ ra hào phóng nhất trong chính sách cung cấp viện trợ ODA cho Việt Nam. Từ năm 1992 khi cơ chế ODA được Nhật nối lại với Việt Nam, cho tới nay Nhật đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 25 tỷ USD. Ngay vào thời gian những năm 2015 và 2016 khi các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Á châu đồng loạt tuyên bố Việt Nam không còn được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn kể từ tháng 7/2017, Nhật Bản vẫn “trung thành” với Việt Nam khi tiếp tục đều đặn rót vào nước này từ 1 - 1,5 tỷ USD hàng năm cho các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở.
Nhật Bản cũng là quốc gia có lượng đầu tư đổ vào Việt Nam khá lớn và ổn định cho tới nay, bất chấp hiện tượng một số công ty bao gồm cả doanh nghiệp Mỹ đang bắt đầu rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam.
Không loại trừ do mối quan hệ “đặc biệt” về kinh tế và viện trợ như thế, vào tháng 4/2016 lần đầu tiên 3 tàu chiến Nhật đã cùng tập trận với Hải quân Việt Nam ngay tại khu vực biển Đà Nẵng, để sau đó tàu Nhật nghiễm nhiên tiến vào cảng Cam Ranh mà nghe nói thủ tục vào cảng đã được phía Việt Nam đơn giản hóa so với tàu Mỹ cũng vào Cam Ranh…
Còn hiện thời, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động: Nhật hoàng và Hoàng hậu thăm Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Ngay cả Hiệp định TPP mà giới lãnh đạo Việt Nam từng cố công trông đợi để được “tăng 25% GDP” cũng gần như tan vỡ. Trong khi đó, một hiệp định khác - Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - cũng chưa tới đâu, cho dù đã được ký kết từ cuối năm 2015. Nghe đâu Nghị viện châu Âu còn đang cân nhắc có nên thông qua việc triển khai hiệp định này hay không khi chính quyền Việt Nam vẫn thẳng tay đàn áp nhân quyền.
‘Một đảng thống lĩnh’
Không khó hiểu là Nhật hoàng và Hoàng hậu đã được chào đón nồng nhiệt bởi giới lãnh đạo Việt Nam. “Biểu tượng” bởi dàn nhân sự đón tiếp không chỉ cấp phó chủ tịch nước tại sân bay, mà tiếp đó có mặt gần hết những chóp bu Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cả “tổng bí thư và phu nhân”.
Cũng sẽ không khó hiểu nếu sau chuyến thăm của Nhật hoàng, chính phủ Nhật sẽ nới tay cấp vốn ODA nhiều hơn cho Việt Nam. Nhưng có lẽ chủ yếu vẫn là chi cho các công trình hạ tầng cơ sở, cho dù đây là khu vực mà giới quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” ở Việt Nam đã có tích tụ quá nhiều kinh nghiệm “nuốt 50%” từ thời PMU18 năm 2008 đến nay.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng người Nhật còn hào phóng hơn với một khoản viện trợ không hoàn lại dành cho “cải cách thể chế” ở Việt Nam. Hình như không phải ngẫu nhiên mà sau chuyến công du Nhật của Thủ tướng Phúc vào tháng 6/2016, một số cơ sở nghiên cứu của Việt Nam bắt đầu đề cập và thậm chí còn xuất bản ấn phẩm sách như thể cổ súy cho mô hình “một đảng thống lĩnh” của chính trường đa đảng Nhật đã đạt được ổn định và thành công trong nhiều năm qua. Còn trước chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng, chủ thuyết chính trị đó lại được nhắc lại với tần suất dày đặc hơn…
Nếu không thể trở thành “nước Nga của Putin”, có lẽ mô hình “một đảng thống lĩnh” của người Nhật sẽ biến thành kỳ vọng cuối cùng của không ít người trong giới chóp bu Việt.
Đồng minh và lối thoát
Sẽ là xúc phạm thái quá nếu cứ luôn cho rằng đối với giới lãnh đạo Việt, tiền mới là tất cả. Hoàn cảnh mới tư duy mới. Từ sâu thẳm trong tâm thức một bộ phận của giới chính khách Việt Nam, không chỉ tiền mà còn như đang trỗi dậy nhu cầu “đồng minh với Nhật”.
Không phải vô cớ mà gần đây Việt Nam lại quyết định vay nửa tỷ USD tín dụng của Ấn Độ để trang bị vũ khí. Nhật Bản lại là quốc gia đại diện cho vòng cung quân sự Đông Bắc Á mà Trung Quốc luôn e ngại. Thế thì, Trung Quốc có dám đánh Việt Nam không, nếu trong tương lai không quá xa sẽ hình thành một kiểu liên minh quân sự Nhật - Việt - Ấn và có thể cả Australia?
Và dù luôn quan niệm “chơi với Nhật dễ hơn chơi với Mỹ”, giới ngoại giao Việt Nam vẫn thừa hiểu rằng Nhật lại là một đồng minh quân sự của Hoa Kỳ.
Nếu kịch bản “đồng minh với Nhật” có nét hiện thực, có thể đó sẽ là lối thoát cho dân tộc Việt trước Trung Quốc. Và cũng là lối thoát cho một bộ phận trong giới chóp bu Việt trước nhân dân.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

http://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-gioi-chop-bu-vn-vo-vap-kenh-nhat/3759759.html