Friday, October 2, 2015

Thanh Hóa: Dân bao vây UBND xã phản đối dự án xử lý rác thải

Dân trí Những ngày qua, hàng trăm người dân xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia tập trung trên cánh đồng của xã và trụ sở UBND xã này để phản đối dự án xây dựng công trình xử lý rác thải tại địa phương. Chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng để đảm bảo an ninh, trật tự.

Được biết, UBND huyện Tĩnh Gia quy hoạch, triển khai khảo sát xây dựng dự án xử lý rác thải tại khu vực núi Nga, xã Thanh Sơn theo chủ trương quy hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải tập trung cho 4 xã phía bắc huyện Tĩnh Gia gồm: xã Hải Châu, Hải Ninh, Thanh Sơn, Thanh Thủy.
Bước đầu, UBND huyện thuê tư vấn, khảo sát, khoan thăm dò địa chất, lập báo cáo kỹ thuật chi tiết; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… Tuy nhiên, khi các ngành chức năng về làm việc đã vấp phải sự phản đối từ phía người dân.
Khu vực đang được khảo sát để xây dựng dự án xử lý rác thải.
Khu vực đang được khảo sát để xây dựng dự án xử lý rác thải.
Lãnh đạo huyện Tĩnh Gia khẳng định đến thời điểm này, UBND huyện Tĩnh Gia chưa triển khai bất cứ hạng mục nào của dự án nêu trên. Theo phản ảnh của người dân xã Thanh Sơn, việc quy hoạch xây dựng dự án công trình chứa rác và xử lý rác thải tại khu vực cánh đồng Rạc, cạnh chân núi Nga của địa phương đã được người dân có ý kiến phản đối nhiều lần. Việc huyện quy hoạch, xây dựng công trình này làm ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp của bà con nông dân; có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, không khí tại địa phương là rất lớn.
Cũng theo ý kiến của người dân với chính quyền địa phương, UBND huyện Tĩnh Gia là phải tạm dừng việc quy hoạch, khảo sát, xây dựng công trình xử lý rác thải tại cánh đồng Rạc. Tuy nhiên, vừa qua, khi đoàn khảo sát về khoan thăm dò địa chất, khởi động dự án nêu trên, người dân địa phương đã tập trung đông người để phản đối, cản trở việc đo đạc, khảo sát.
Sáng ngày 2/10, hàng trăm người dân địa phương đã bao vây quanh trụ sở UBND xã Thanh Sơn, người dân còn mang theo một số đồ ăn, thức uống đến để sinh hoạt tại chỗ. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, người dân vẫn tập trung đông người quanh khu vực UBND xã Thanh Sơn.
Hàng trăm người tập trung tại UBND xã Thanh Sơn.
Hàng trăm người tập trung tại UBND xã Thanh Sơn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Thủy - Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo mời đại diện các hộ vào để trao đổi, việc này là một trào lưu, chỗ nào cũng không cho xây dựng bãi rác thì rất khó. Người dân không cho làm bãi rác ở khu vực đó (xã Thanh Sơn-PV), mà dự án đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch trung tâm vùng huyên khu vực đô thị Hải Ninh vị trí ở đấy. Đã thông báo, đã công khai quy hoạch, họp với Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội về việc này rồi.
Hôm nay (ngày 2/10) chỉ có một đoàn công tác của huyện về làm việc với Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, chưa có làm việc với dân. Nhưng đến 9h30, chắc là có thông tin gì đó, dân kéo lên, vấn đề này cũng đã triển khai gì đâu, mới trong gia đoạn khảo sát. Chúng tôi mời các hộ vào để giải thích và yêu cầu các hộ về”.

Trần Lê-Thứ Sáu, 02/10/2015 - 16:45 

Tập Cận Bình phát biểu tương tự Hitler

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Lịch sử nhân loại đã chứng minh một chân lý rằng không có từ bi, bác ái nhân loại đã bị tận diệt từ lâu. Tuy nhiên, lịch sử loài người cũng không phải là con đường đầy xanh bóng mát mà là con đường có nhiều đoạn đầy máu nhuộm với sự xuất hiện của những sát nhân độc ác nhất trong lịch sử loài người như Hitler và hôm nay có khả năng một Tập Cận Bình. 

Đọc diễn văn của Tập Cận Bình mang tinh thần “hòa giải và hòa hợp nhân loại” tại Liên Hiệp Quốc hôm 28 tháng 9 vừa qua, tôi lại nhớ đến các diễn văn của Hitler đọc trước Quốc Hội Đức Quốc Xã về “Hòa giải và hòa hợp châu Âu” nhất là đối với Ba Lan trước 1939.

Vị trí Việt Nam ngày nay cũng có đặc tính chiến lược giống như vị trí Ba Lan trước Thế chiến thứ hai nên xin trích vài đoạn trong hai diễn văn của Hitler trước Quốc Hội Đức 21 tháng 5, 1935 và 7 tháng 3, 1936 để so sánh với diễn văn của Tập Cận Bình.

Hitler phát biểu trước Quốc Hội Đức Quốc Xã: “Đức Quốc, và đặc biệt là chính phủ Đức hiện nay không có mong muốn nào khác hơn là được sống trong điều kiện hòa bình và thân hữu với các nước láng giềng... Tôi muốn nhân dân Đức học hỏi để thấy những thực tế lịch sử của các quốc gia khác, trong đó một người hoang tưởng có thể muốn chúng rơi vào quên lãng, nhưng không thể bị lãng quên. Tôi muốn nhân dân Đức ý thức rằng thật là phi lý khi cố gắng mang những thực tế thuộc về lịch sử vào vị trí đối lập với quyền lợi sống còn và những đòi hỏi về quyền được tồn tại rất dễ hiểu của họ.” 

(The German Reich and, in particular, the present German Government, have no other wish than to live on friendly and peaceable terms with all neighbouring States… I would like the German people to learn to see in other nations historical realities which a visionary may well like to wish away, but which cannot be wished away. I should like them to realise that it is unreasonable to try and bring these historical realities into opposition with the demands of their vital interests and to their understandable claims to live).

Một người bình thường dù Ba Lan, Đức hay một nước châu Âu nào đó khi nghe Hitler nói vậy thật khó mà tin không lâu sau đó Ba Lan là nước đầu tiên bị Hitler tấn công. 

Tập Cận Bình chẳng những ngọt ngào không kém mà gần như trích nguyên vẹn ý của Hitler khi họ Tập tuyên bố tại Liên Hiệp Quốc 28 tháng 9 vừa qua kêu gọi“gác qua quá khứ hận thù để hướng tới tương lai”. 

Tập Cận Bình phát biểu tại Liên Hiệp Quốc: “Lịch sử là một tấm gương soi. Rút ra những bài học từ lịch sử là cách duy nhất để nhân loại tránh được việc lập lại tai họa đã xảy ra. Chúng ta nên nhìn lịch sử bằng một lương tâm trong sáng và kính trọng. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai có thể được làm tốt đẹp hơn. Khắc ghi lịch sử không phải để dưỡng nuôi thù hận lâu dài. Nhưng đúng hơn là để nhân loại không quên những bài học lịch sử. Khắc ghi lịch sử không có nghĩa để rồi bị ám ảnh với quá khứ. Nhưng đúng hơn là, khi làm như vậy, chúng ta nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trao ngọn đuốc hòa bình cho các thế hệ mai sau……Chúng ta nên xây dựng một tinh thần hợp tác qua đó các quốc gia đối xử nhau công bằng, cam kết để tham khảo lẫn nhau và bày tỏ sự hiểu biết hỗ tương. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền củng cố Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Tương lai của thế giới tùy thuộc vào sự đóng góp của mọi quốc gia. Tất cả quốc gia đều bình đẳng. Những nước lớn, mạnh, giàu không nên hiếp đáp các nước nhỏ, nghèo và yếu.”

(History is a mirror. Only by drawing lessons from history can the world avoid repeating past calamity. We should view history with awe and human conscience. The past cannot be changed, but the future can be shaped. Bearing history in mind is not to perpetuate hatred. Rather, it is for mankind not to forget its lesson. Remembering history does not mean being obsessed with the past. Rather, in doing so, we aim to create a better future and pass the torch of peace from generation to generation….We should build partnerships in which countries treat each other as equals, engage in mutual consultation and show mutual understanding. The principle of sovereign equality underpins the UN Charter. The future of the world must be shaped by all countries. All countries are equals. The big, strong and rich should not bully the small, weak and poor). 

Tập Cận Bình không đạo văn của Hitler nhưng đó là giọng điệu của những kẻ độc tài sắp giết người tập thể. 

Thật vậy, lúc 4:45 sáng ngày 1 tháng 9, 1939 Hilter tung 1.5 triệu quân Đức với chiến thuật chớp nhoáng tấn công Ba Lan. Hơn 6 triệu người Ba Lan (dân số Ba Lan 1939 là 35 triệu người) bị giết chết trong thế chiến thứ hai. Ngày Tập Cận Bình ra lịnh tấn công Việt Nam chưa được tiết lộ.


Tù nhân lương tâm Dương Thị Tròn vừa mãn hạn tù

CTV Danlambao - Vào sáng 5 giờ 30 ngày 2/10/2015, bà Dương Thị Tròn đã mãn hạn tù sau 9 năm bị giam cầm.

Theo thông tin từ gia đình bà Dương Thị Tròn thì ngày 1/10/2015 người thân và các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo - Thuần Túy (PGHH-TT) có dự định đến trại giam An Phước để đón bà về. Nhưng sau khi gia đình nhận được các cuộc gọi điện thoại từ công an huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp và trại giam An Phước cho biết, công an trại giam sẽ đưa bà về tận nhà. Do đó gia đình quyết định chờ đón bà Tròn tại nhà riêng.

Bà Dương Thị Tròn sinh năm 1947, là người con sinh ra nơi vùng châu thổ sông Cửu Long. Bà luôn sát cánh cùng bà con nơi đây, đấu tranh mạnh mẽ cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. 

Bà Tròn từng là trưởng ban phụ nữ của HPGHH-TT. Đồng thời cùng các tín đồ tổ chức nhiều cuộc biểu tình ôn hòa nhằm lên án chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản.

Bà đã công khai tố cáo việc công an mật vụ giả dạng côn đồ hành hung, đánh đập các tín đồ PGHH-TT tại tỉnh Đồng Tháp.

Được biết bà Tròn bị bắt vào ngày 2/10/2006 và bị buộc tội hai lần bởi hai 2 phiên tòa khác nhau với tổng mức án là 9 năm tù giam. 

Phiên xét xử thứ nhất diễn ra vào ngày 3/5/2007, tòa án sơ thẩm tỉnh Đồng Tháp đã buộc tội bà và những tín đồ PGHH- TT với tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 BLHS, với những mức án: 

- Ông Nguyễn Văn Thơ (chồng bà Dương Thị Tròn) 6 năm tù giam; ông Lê Văn Sóc 6 năm 6 tháng tù giam; ông Nguyễn Văn Thùy 5 năm tù giam và bà Dương Thị Tròn 4 năm tù giam. Ngày 23/7/2007, tòa án phúc thẩm tại TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm. 

Phiên xét xử thứ hai vào ngày 19/9/2007, tòa án sơ thẩm tỉnh Vĩnh Long lúc đầu, buộc tội bà và một số tín đồ PGHH-TT khác với tội danh “giết người”, theo điều 93 BLHS. Tuy nhiên vì không có đủ chứng cớ buộc tội “giết người” nên cuối cùng tòa án Vĩnh Long đã chuyển từ tội “giết người” sang tội “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 BLHS với các mức án: 

- Bà Mai Thị Dung 6 năm tù giam; bà Nguyễn Thị Thanh 2 năm tù giam và bà Dương Thị Tròn 5 năm tù giam. Tổng mức án bà Dương Thị Tròn phải chịu là 9 năm tù giam.

Bà Tròn đã về nhà tại Ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, vào lúc 11 giờ 30 ngày 2/10/2015, với sự chào đón nồng nhiệt của gia đình cũng như bà con đồng đạo nơi đây.

Tuy sức khỏe đã giảm sút rất nhiều sau 9 năm tù đày nhưng tinh thần của bà Dương Thị Tròn rất kiên gan, bền trí. 

Xin chúc mừng người chiến sĩ Dân chủ Dương Thị Tròn được trở về đoàn tụ cùng gia đình trong nhà tù lớn.

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Một đám cưới chỉ ở chốn thiên đường xhcn mới có!!!

Văn bản chính quyền cho phép nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa dự hôn lễ con trai
Vũ Mạnh Hùng - Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa một tù nhân lương tâm, sau khi ra tù được một năm, một tuần ông tổ chức đám cưới cho con trai đầu vào ngày 25/9. Tối ngày 23/9 an ninh đã đến hỏi tôi: Anh có được mời không, anh có đi không… Tất nhiên tôi không trả lời, bởi họ không thể giấu nổi cái thứ tình cảm quỷ ám và nghiệp vụ vô duyên để dò hỏi thông tin cho những kẻ chỉ huy cấp cao thực hiện mưu hèn kế bẩn. Ngày 24/9 an ninh liên tục đến nhà không thấy tôi ở nhà, họ hỏi người nhà, tôi đi chơi gần hay đi chơi xa. Tôi hỏi một số anh chị em thì cũng được an ninh quan tâm như thế.

Mặc cho sự quan tâm của AN, hầu hết số người được mời rất nhiệt tình đều sẵn sàng đi dự đám cưới (trừ một số người bận không thể đi được). Vì anh chị em ai cũng hiểu, ngoài tình cảm con người với con người, còn một thứ tình cảm đặc biệt cao quý. Đó là tình cảm đối với những người dám hy sinh dấn thân tranh đấu cho sự thật công lý, cho dân chủ nhân quyền, cho một xã hội văn minh, cho sự toàn vẹn lãnh thổ - lãnh hải của Tổ quốc. Tình cảm đặc biệt đó vượt lên trên sự sợ hãi và nó trở nên nhạy cảm đối với chế độ độc tài đảng trị.

Sáng 25/9, một số anh em ở Hà Nội đi xe buýt, một số anh chị em đi xe con, có 3 xe mỗi xe có 5 chỗ ngồi (kể cả lái xe) đến Hải Phòng lúc 11h30. Vì phải chờ nhau và bị lạc đường khoảng 12h30 chúng tôi mới tìm đến được nơi tổ chức đám cưới. Mọi chiêu độc, mưu hèn kế bẩn của công an thực hiện đối với đám cưới đã được nhà văn Nguyễn Tường Thụy tường thuật và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bổ sung chi tiết qua việc đối thoại với chủ nhà hàng Bùi Xuân Chiến. Nên ở đây tôi chỉ bàn đến sự nhạy cảm của đám cưới.

Các đám cưới bình thường không có vấn đề nhạy cảm XHCN thì chỉ sau khi khách đến ăn cỗ xong gần như ít ai nhắc đến. Đàng này đối với đám cưới con trai nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng đã một tuần trôi qua vẫn được dư luận bàn tán xôn xao và dư âm chắc còn dài dài.

Nhiều người chưa từng biết ông Nghĩa, hỏi thăm: Ông là ai và tại sao đám cưới con trai ông lại được đảng nhà nước quan tâm đến thế.

Nhìn bề ngoài đám cưới không ít người dân nghĩ ông là người có chức quyền cao trong giới cầm quyền của chế độ. Có lẽ sự nhìn nhận của người dân bình thường ít quan tâm đến thế sự họ thấy không có một đám cưới nào từ trước đến nay lại có hàng trăm công an, cả thường phục và sắc phục, trật tự, dân phòng vòng trong vòng ngoài đông như quân Nguyên, thậm chí mặc cả áo nhân viên nhà hàng đóng vai tiếp tân áp sát từng mâm cỗ, (chưa kể những viên an ninh mặc thường phục lợi dụng khi khách của hai họ đến đông đúc len lỏi ngồi vào các mâm). Mặt khác, đám cười lại có rất nhiều khách, nhiều thành phần từ mọi miền đến dự (cả nhà sư, mục sư, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ưu tú…). Khách đi đến đâu được bộ phận an ninh bám sát "bảo vệ" đến đó.

Trên stt FB của Đào Tu Non ghi rõ: "Hình ảnh những vị khách không công an, an ninh Tp Hải Phòng, côn an, an ninh Tp Hà Nội, cùng công an, an ninh bộ công an khách không mời mà đến cũng tham gia dự tiệc ngồi cạnh biển hiệu nhà hàng tình chiến bên ngoài có 2 an ninh công an đứng mặc áo thun lâu, viền cổ đỏ trà trộn giả làm nhân viên phục vụ nhà để theo dõi nghe ngóng bà con dân oan cùng các nhà hoạt động dân chủ”.

Sự thật thì chỉ những người quan tâm đến thế sự, nhất là những người đang tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền mới biết rõ bản chất sự quan tâm đặc biệt của đảng nhà nước CSVN đối với đám cưới có một không hai từ trước tới nay. Bởi đám cưới đó là đám cưới con trai của một tù nhân lương tâm.

Vì sao gọi là tù nhân lương tâm?

Bản thân ông Nguyễn Xuân Nghĩa trước đây đã từng là văn, nhà thơ, nhà báo quốc doanh ở đất cảng. Vì yêu công lý và sự thật, không chấp nhận ngòi bút của mình bị bẻ cong trước cường quyền đen tối ông đã từ bỏ môi trường bút nô để được độc lập viết lên những suy nghĩ, chính kiến của mình. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa luôn bày tỏ lương tâm của mình đối với những bất công trong xã hội, ông đã từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và là người viết và treo khẩu hiệu có nội dung: "Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải cho Việt Nam – Tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam – Đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam” ở cầu vượt Lạch Chay Hải Phòng và cầu Lai Cách Hải Dương. Ông bị công an nhà nước Cộng sản Việt Nam bắt giam và tòa án của nhà cầm quyền nhân danh nhà nước CHXHVN xét xử ông về tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với bản án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Gia đình ông và bản thân ông vẫn khẳng định ông không có tôi. Việc bắt giam, xét xử ông không công khai rồi bỏ tù ông một cách phi lý, nhưng còn tồi tệ hơn từ khi ông Nghĩa bị bỏ tù, liên tục bị công an trại thi hành công vụ đối xử với ông một cách dã man tàn bạo. Ông bị chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác làm khó cho gia đình người thân thăm nuôi.

Chỉ cần suy nghĩ một chút, người bình thường ai cũng có thể thấy những người cầm quyền của chế độ không thực chất được nhân dân bầu chọn ra, họ không có tính chính danh, họ luôn luôn đặt quyền lợi của cá nhân, phe nhóm, đảng phái lên trên quyền lợi của Tổ quốc và Nhân dân. Nhưng họ lại luôn luôn nấp vào Tổ quốc, nấp vào Nhân dân để tồn tại. Họ không có tâm, không có tầm, sợ mất quyền lực không chính danh, mất những đặc quyền đặc lợi bất chính, mất sự cai trị độc tài độc tôn. Chính vì lẽ đó họ rất sợ những người có chính kiến khác, sợ bản chất của họ bị phơi bày trước số đông, sợ sự thật, sợ các tổ chức độc lập, đối lập hình thành.

Mặc dù họ đã áp đặt được những điều luật mù mờ và có cả một bộ máy cảnh sát tư tưởng, kiểm soát bất đồng chính kiến nhưng họ vẫn luôn luôn lo sợ. Bởi họ không thể áp đặt hoàn toàn ý muốn của họ bằng luật pháp phi lý (như cấm các quyền tự do sinh hoạt cá nhân, đi lại thăm hỏi, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, giúp đỡ, động viên nhau lúc khó khăn hoạn nạn) để hạn chế, cô lập triệt hạ tư tưởng đối lập. Không có lý lẽ cho sự cai trị đen tối, nhà cầm quyền phải sử dụng một hệ thống công cụ bạo lực đã được súc vật hóa, côn đồ hóa bất chấp luật pháp, chà đạp lên luật pháp của chính mình để thực hiện cho được những mưu hèn kế bẩn.

Đây cũng chính là một trong những lý do nhà cầm quyền cộng sản không bao giờ muốn thay đổi chương trình giáo dục, không muốn đất nước có một luật pháp văn minh, để sánh vai với các cường quốc năm châu. Mặc dù con cái họ thì hầu hết đều cho đi học ở các nước dân chủ văn minh, con cái của dân nghèo phải học chương trình giáo dục bất hợp lý do nhà cầm quyền áp đặt trong nước để thực hiện chính sách ngu dân.

Thật đau lòng cho những người cha, người mẹ có lương tri nếu biết, có hiểu vì sao con mình sinh ra nuôi dạy, có ăn có học lại trở thành những kẻ côn đồ, phải đi làm những điều bất nhân như thế!

Đối với những người hiểu biết và có lương tri thì hành động của những công cụ bị súc vật hóa, côn đồ hóa thật đáng thương hại.

Xin trích Facebook của anh Hải Thanh Nguyễn: “Các cháu An ninh, Công an, Côn đồ, Dư luận viên… yêu mến!

Các cháu, bác biết lắm, các cháu phần lớn con nhà lao động, chỉ vì miếng ăn mà chấp nhận làm bất cứ việc gì.

Bác thông cảm.

Nhưng các cháu ạ, những đứa tội ác ngập đầu, chúng lót ổ ở nước ngoài cả rồi, nguy cơ mới lấp ló ở chân trời thì cả nhà chúng đã tìm đường trốn hết.

Các cháu thì sao? Liệu có bao nhiêu cháu đủ tiền, đủ thế lực để kiếm một chỗ trú thân, và còn gia đình, bố mẹ, vợ con, anh chị em… nữa.

Làm gì cũng nên nhìn trước nhìn sau, giữ cho mình một chỗ lùi, các cháu ạ.

Lòng dân… ai biết thế nào.”

Đám cưới đã một tuần trôi qua nhưng dư luận cư dân mạng cũng như quán nước, vỉa hè… vẫn không ngớt bàn tán xôn xao. Có người nói “bố mẹ những viên công an làm chuyện thất đức, vô phúc thì chúng nó mới làm những chuyện bất nhân như thế”; người thì “đến trùm xã hội đen như Khánh Trắng còn biết dạy con, đừng làm những việc như bố”; Người thì nói “cái đám công cụ ấy nó thể hiện văn hóa của giới cầm quyền, văn hóa đảng chứ gia đình ông bà, cha mẹ có ai đi dạy con làm những điều như thế”

Càng nói thì càng buồn, càng chán ngán, càng thật vọng về cái văn hóa cai trị dân của “đỉnh cao trí tuệ” được gọi là lãnh đạo. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng với thời đại thông tin thì chính cái văn hóa đó nó không đạt mục đích làm cho người dân sợ hãi khi đa số hiểu biết sự thật và cũng chính nó thôi thúc nhanh quá trình tự diễn biến. Đồng thời tôi cũng tin chắc rằng trong đám công cụ không phải ai cũng u mê, cũng bị súc vật hóa và đến một lúc nào đó người ta cũng khát khao quyền làm người. 

Hà Nội, ngày 2/10/2015.

Chính sách gia đình trị - Hy vọng cuối cùng cho sự tồn tại của cộng sản Việt Nam?!

Thất Lĩnh (Danlambao) - Câu chuyện Lê Phước Hoài Bảo con trai của cựu bí thư tỉnh Quảng Nam được bổ nhiệm vào chức giám đốc sở ở tuổi 30 chưa lắng xuống, vụ 6 người trong dòng họ của bí thư huyện Mỹ Đức, Hà Nội được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng của huyện tiếp tục làm nóng dư luận. Từ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi: phải chăng sự bổ nhiệm con ông cháu cha một cách trắng trợn, bất chấp dư luận vào các vị trí lãnh đạo là phương cách hay nhất để đảng cộng sản Việt Nam duy trì quyền lực?!

Trước đó, Lê Trương Hải Hiếu con trai ông Lê Thanh Hải bí thư thành ủy TPHCM - Ủy viên bộ chính trị được bổ nhiệm vào chức chủ tịch kiêm phó bí thư quận 12, TPHCM. Trước đó nữa, Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết con trai của đương kiêm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đặt vào những vị trí quan trọng của tỉnh Kiên Giang, và Bình Định. Song song đó, Nguyễn Xuân Anh con trai của ông Nguyễn Văn Chi - nguyên ủy viên trung ương đảng được bổ nhiệm chức phó bí thư Đà Nẵng. Con trai ông Nguyễn Bá Thanh cố quan chức được xem là dám nói dám làm, tức Nguyễn Bá Cảnh được bổ nhiệm vào thành ủy Đà Nẵng. Điều đáng nói là tất cả những cuộc bổ nhiệm con ông cháu cha này diễn ra công khai và liên tục cứ như là một lẽ đương nhiên.

Hơn ai hết, với sư tinh ranh thuộc về bản chất, đảng cộng sản Việt Nam thừa biết rằng công luận không chấp nhận quyền lực được trao truyền kiểu gia đình trị phong kiến. Người cộng sản vẫn luôn luôn mị dân rằng nhà nước là do dân và vì dân nên họ sẽ không bao giờ là tầng lớp xấu xa vơ vét quyền lực vào mình. Thậm chí khi sự việc huyện Mỹ Đức vở lỡ, ông Đào Đức Toàn - trưởng ban tổ chức thành ủy Hà Nội còn bao biện rằng sự bổ nhiệm quyền lực ấy là “ngẫu nhiên” và hoàn toàn hợp lý.

Cái sự ngẫu nhiên này đã khiến cộng đồng mạng cho ông Toàn là một diễn viên hài lố bịch. Vì rằng dòng họ có nhiều người làm lãnh đạo, trong đó có bí thư, rồi tiếp tục bổ nhiệm 6 người vào vị trí lãnh đạo chắc chắn phải có quá trình chuẩn bị chứ không thể nào ngẫu nhiên được. Vấn đề là vì sao quyền lực kiểu gia đình liên tục được công khai trước công luận? Chắc chắn câu trả lời duy nhất là đảng cộng sản xem đây là phương cách duy nhất để họ bảo vệ lợi ích và quyền cai trị. Họ thừa hiểu rằng trong bối cảnh hiện tại niềm tin của người dân vào đảng cộng sản đã đến mức thấp nhất. Do đó, họ chỉ còn biết dựa vào những hạt giống đỏ. Bởi vì, thế hệ tương lai này đã thấy rõ nhờ quyền lực mà ông cha của họ kiếm được quá nhiều tiền. Họ tiếc nuối nguồn lợi khổng lồ sẽ mất đi nếu như chế độ sụp đổ. Do đó, họ sẽ ráng sức giữ lấy bằng mọi giá. 

Thế nhưng trong 4 triệu đảng viên cộng sản Việt Nam có bao nhiêu hạt giống đỏ được trao quyền lực lớn. Chắc chắn là không phải con của đảng viên nào cũng có cơ hội làm quan chức quan trọng. Theo đó, ngay chính trong đội hình của đảng cộng sản cũng có sự thiên vị và bất công. Có những con em của gia đình “truyền thống cách mạng” chỉ làm lính lát giúp việc cho thế tử đảng. Nếu xét rộng ra toàn xã hội 90 triệu người dân Việt Nam tiếp tục làm dân đen cung phụng cho những tên quan có được quyền lực nhờ quan hệ gia đình, ăn trên ngồi trước dù bất tài vô dụng???

Chắc chắn là người dân không thể chấp nhận điều vô lý này. Không ai có thể mãi chịu đựng sự bất công mang tên con ông cháu cha, hay nói cách khác là làm ngơ để con thuyền quốc gia được trao vào tay những kẻ chỉ chăm chăm vào lợi ích nhóm nhỏ hoặc gia đình mà phớt lờ với vận mệnh dân tộc. Cụ thể là thái độ hèn yếu và mập mờ của đảng cộng sản Việt Nam trước sự xâm lăng của Trung cộng. Có thể hôm nay những người dân bất mãn không thể có hành động cụ thể để đòi bình đẳng vì đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn đủ sức chi phối. Nhưng rồi một ngày, khi mà sự bất mãn đã lên đến đỉnh điểm thì sự tức nước vỡ bờ sẽ cuốn trôi quyền lực của đảng cộng sản. Bởi vì, suy cho cùng cái câu dân là nước, mà nước nâng thuyền lên được thì nước vẫn có thể lật thuyền vẫn còn nguyên giá trị. 

Ai đó sẽ tranh biện rằng đảng cộng sản đang mạnh thì làm sao dám mơ đến cái ngày người dân sẽ tạo nên một cuộc thay đổi lớn??? Xin thưa rằng lúc Hitler đang thắng như chẻ tre từ Âu sang Á, không ai dám nghĩ sẽ có một ngày Phát xít sẽ bị đánh bại. Thực tế thì đồng minh đã chiến thắng. Cũng không ai dám tin rằng khối xã hội chủ nghĩa hùng mạnh bỗng dưng có một ngày sụp đổ chỉ còn một vài nước tồn tại, mà phần lớn được xếp vào hàng ngũ các nước nghèo nhất thế giới. Xét kỹ lại, quyền cai trị của đảng cộng sản Việt Nam đã vào giai đoạn bế tắc. Kinh tế sa sút đưa cuộc sống người dân vào quỹ đạo thiếu thốn nghèo đói, tham nhũng và bất công xã hội tràn lan tạo nên sự bất mãn ngày càng chất chồng. Câu chuyện gia đình trị như là một đóm lửa nhỏ góp thêm vào ngọn lửa âm ĩ chực chờ bùng phát. 

1/10/2015

Cam Bốt bị chỉ trích cưỡng bức người Thượng về Việt Nam.

Đức Tâm Đăng
Theo RFI-ngày 02-10-2015
media
Một nhóm người Thượng ở tỉnh Ratanakiri, đông bắc Cam Bốt, ngày 22/07/2004.DR

Hơn một chục tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, tị nạn, trong đó có Amnesty International, Human Rights Watch, ngày 24/09/2015, đã cùng ký một thông cáo kêu gọi chính quyền Cam Bốt không cưỡng bức trao trả về Việt Nam khoảng 100 người Thượng xin tị nạn và đề nghị Phnom Penh chấm dứt những hành vi tương tự.

Theo bản thông cáo, hiện nay, có ít nhất 100 người Thượng Việt Nam đang xin tị nạn tại Cam Bốt. Nhiều người trong họ theo một số hệ phái Tin Lành, bị chính quyền Việt Nam cấm đoán, và xin tị nạn vì lý do truy bức tôn giáo

Sau khi chấp nhận cấp quy chế tị nạn cho 13 người, chính quyền Phnom Penh đã từ chối nhận đơn xin của ít nhất 100 người khác. Theo giới bảo vệ nhân quyền, trích dẫn nguồn tin của báo Cambodia Daily, đầu tháng Chín vừa qua, đại diện Bộ Nội vụ Cam Bốt đã đề nghị Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (HCR), đưa nhóm 13 người Thượng tị nạn đi tái định cư tại một nước thứ ba, đồng thời giúp đỡ Phnom Penh trao trả số người Thượng còn lại cho Việt Nam.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng chính quyền Cam Bốt đã không tuân thủ Công ước Geneve về người tị nạn, khi đưa ra hai đề nghị nói trên. Mặt khác, Phnom Penh lại ký kết một thỏa thuận đón tiếp người tị nạn để nhận được 40 triệu từ phía Canberra. Hành động này của Úc, theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, là vi phạm Công ước Geneve về người tị nạn. Thông cáo còn nhắc lại là hồi tháng 02/2015, có ít nhất 45 người Thượng đã bị cưỡng bức trao trả cho chính quyền Việt Nam.

Do vậy, các tổ chức bảo vệ nhân quyền kêu gọi Cam Bốt chấm dứt các hành động vi phạm trắng trợn Công ước Geneve về người tị nạn và luật pháp quốc tế liên quan đến các quyền con người.

Theo giới bảo vệ nhân quyền, Phnom Penh cần thực hiện các quy trình xác định quy chế tị nạn đối với những người Thượng xin tị nạn tại Cam Bốt và tôn trọng các quyền của 13 người Thượng đã được cấp quy chế tị nạn. Đồng thời, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt truy bức những người Thượng.

Trường học, mặt trận mới trong cuộc đọ sức Bắc Kinh và phe dân chủ Hồng Kông

Thanh Hà Đăng
Theo RFI-ngày 02-10-2015
media
Tuần hành vì dân chủ tại Hồng Kông, 01/02/2015.Reuters/Tyrone Siu

Kiểm duyệt chương trình giảng dậy ở các trường học Hồng Kông, theo dõi hay sách nhiễu giáo sư, gài người của chính quyền vào các viện đại học. Phải chăng đó là những biện pháp mới để Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nhà dân chủ tại đặc khu hành chính này ?

Áp lực của đường phố Hồng Kông cách nay một năm đòi được tự do chọn người lãnh đạo đã không làm chính quyền Bắc Kinh lùi bước. Phong trào phản kháng chiếm đóng đường phố Hồng Kông do giới sinh viên, học sinh khởi xướng đã bị dập tắt từ nhiều tháng qua. Trên thực tế những những người yêu chuộng dân chủ Hồng Kông vẫn tiếp tục đọ sức với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Năm 2014, giới thanh niên, sinh viên Hồng Kông đã bước lên tuyến đầu để bảo vệ quyền bầu cử tự do từng được ghi rõ trong bản Hiến pháp của Hồng Kông và đã được Bắc Kinh công nhận. Rút tỉa kinh nghiệm từ bài học đó, chính quyền Hồng Kông trong tay lãnh đạo Lương Chấn Anh, người được coi là con rối của Trung Quốc đã gia tăng các biện pháp kiểm duyệt và hù dọa các giáo viên. Ông Lương biết rằng, các thầy cô giáo là những người được sinh viên, học sinh nể trọng và cũng là những gạch nối giữa giới trẻ với phần còn lại của xã hội.

Phải chăng vì lẽ đó mà ngày càng có nhiều thầy cô giáo ở Hồng Kông bị theo dõi ? Như lời một cô giáo trẻ nói với phóng viên của AFP : giáo viên trên lãnh thổ này lúc nào cũng trong « tình trạng báo động », đắn đo suy nghĩ trước khi đề cập đến những đề tài tế nhị trong lớp học. Khi mà phong trào Dù vàng lên đến cao điểm hồi mùa thu 2014, Sở Giáo dục ở Hồng Kông đã răn đe những giáo viên nào có ý nhập cuộc, hưởng ứng lời kêu gọi của giới sinh viên hay muốn đứng về phía các em.

Sở giáo dục cũng đã lập hẳn một đường dây điện thoại, để các giáo chức có thể trực tiếp cung cấp thông tin khi đồng nghiệp hay học sinh của họ tham gia biểu tình. Nhân chứng mà hãng thông tấn Pháp AFP gặp được không loại trừ khả năng, một số các thầy cô giáo đã bị chính quyền Hồng Kông đưa vào danh sách đen, những đối tượng cần theo dõi.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên ngành giáo dục ở Hồng Kông bị đe dọa. Năm 2012 dự án điều chỉnh nội dung sách giáo khoa, đòi đưa vào chương trình nội dung « giáo dục lòng yêu nước » do chính quyền đặc khu Hồng Kông đề xuất đã đẩy hàng chục ngàn người xuống đường phản đối. Hậu quả là tiếng nói của các nhà giáo đã được lắng nghe. Nhưng trước các áp lực ngày càng lớn, một số các thầy cô giáo Hồng Kông hiện nay lo ngại đến một lúc nào đó, họ không còn đủ sức kháng cự.

Các hành vi hù dọa giáo viên ngày càng lộ rõ. Con đường thăng tiến của một giáo sư ở Hồng Kông đã bị chựng lại, chỉ vì bà bị chụp mũ là đã đứng về phía phong đòi dân chủ Dù vàng và tham gia đợt chiếm đóng đường phố hồi mùa thu năm ngoái. Cho dù đương sự phủ nhận cáo buộc trên, nhưng rốt cuộc hợp đồng của bà với trường đại học Hồng Kông đã không được triển hạn. Một vị giáo sư khác của Đại học Hồng Kông vốn nổi tiếng ủng hộ các giá trị dân chủ vừa bị bác đơn xin được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo của trường. Vẫn theo AFP một phần trong ban lãnh đạo của Đại học Hồng Kông do chính quyền của ông Lương Chấn Anh bổ nhiệm.

Một nhà quan sát ghi nhận : ở Hồng Kông chỉ cần đòi hỏi dân chủ hay được sống trong một Nhà nước pháp luật là cũng đủ để chịu búa rìu của nhà cầm quyền. Những động thái hù dọa hay sách nhiễu nhắm vào tầng lớp thầy cô giáo ở Hồng Kông phải chăng mới chỉ là khúc dạo đầu, là một « lời nhắc nhở thân thiện » để họ ngăn cản học sinh, sinh viên chống đối chính quyền ?

Trung Quốc siết chặt kiểm duyệt sau các vụ đánh bom ở Quảng Tây

Hiện trường trong căn phòng một tòa nhà chung  cư sau  vụ đánh bom ở tỉnh Quảng Tây ngày 30/9/2015.
Hiện trường trong căn phòng một tòa nhà chung cư sau vụ đánh bom ở tỉnh Quảng Tây ngày 30/9/2015.
Theo VOA-02.10.2015
Giới hữu trách ở Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp kiểm duyệt truyền thông trong nước tường thuật về những vụ đánh bom gây chết người ở tỉnh Quảng Tây, trong đó có 7 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương vào trước ngày lễ Quốc Khánh.
Một thông cáo của cục tuyên truyền trung ương công bố hôm qua hạn chế tất cả các cơ quan truyền thông Trung Quốc, kể cả mạng truyền thông xã hội, không được gửi phóng viên đến Liễu Châu hay đăng tải các bài tường thuật đặc biệt trong khi một thông cáo khác của cục phụ trách không gian ảo cấm việc sử dụng các hình ảnh cận cảnh về các vụ nổ.
Chỉ thị được một hãng tin độc lập là China Digital Times, chuyên tường thuật về các chính sách kiểm duyệt, trích dẫn nói rằng: “Chỉ đăng tải lại các nguồn tin có thẩm quyền như Xinhua News… Những người vi phạm phải điều chỉnh ngay tức khắc vấn đề này và xóa bỏ các bài đã đăng”.
Các từ khóa tìm kiếm có liên quan đến các vụ nổ hay nghi can trên các cổng thông tin và mạng truyền thông xã hội như Weibo sau đó đã bị kiểm duyệt gắt mặc dù công an đã xác định bản chất những vụ nổ là “hình sự”.
Giới phê bình nói việc chính quyền Trung Quốc giảm thiểu việc lan truyền tin xấu hay khả năng phổ biến tin đồn là chuyện thường tình, nhất là khi các vụ nổ lại xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm trước ngày ăn mừng lễ Quốc Khánh.
Họ cũng lo ngại tin xấu có thể châm ngòi cho những ảnh hưởng chính trị hay gây phương hại cho thanh danh của nhà nước vì nó chứng tỏ chính phủ đã không quảng bá pháp trị một cách hữu hiệu, theo lập luận của nhà bỉnh bút Willy Lam làm việc tại Hồng Kông.
Ông Lam nói: “Đó là một thí dụ nữa về các công dân bất mãn sử dụng các phương tiện riêng và rất bạo động cho hả sự bất mãn bởi vì họ không có cách nào khác để có được công lý về những vấn đề nghiêm trọng với các tòa án Trung Quốc thường bị chính trị hóa một cách nặng nề”.
Ông Lam nói thêm rằng dân chúng Trung Quốc đã mất tin tưởng vào hệ thống pháp lý, đặc biệt trong trường hợp ở các vùng nông thôn như Liễu Châu, nơi tòa án có phần chắc nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản.
Về việc điều tra các vụ nổ, giới hữu trách ở Liễu Châu không cung cấp tin tức cập nhật trong ngày hôm nay.
Nhưng họ đã xác nhận ông Ngụy Ngân Dũng, 33 tuổi, ở thị trấn Đả Phố Lộ, là nghi can chính và đưa tên đương sự vào danh sách truy nã.
Theo một thông cáo của cảnh sát, đăng trên nhật báo Southern Metropolis, ông Ngụy là một người ở địa phương thuộc xã Cần Kiệm ở Đả Phố Lộ. Ông ta đã làm việc tại một mỏ đá gần đó và đã từng đi du hành Thái Lan hồi đầu tháng 12.
Một bản tin khác của nhật báo này nói ông Ngụy là một quản đốc về chất nổ tại mỏ đá, nơi cha vợ và vợ cũng làm việc. Ông ta đã từng bị tù một năm vì đã đăng những lời bình phẩm trên mạng và bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”.
Truyền thông địa phương tường thuật rằng trước khi xảy ra những vụ nổ, ông Ngụy bị phát hiện đã đăng những lời bình quá khích như “Đã đến lúc phải giết. Chính chính quyền địa phương đã buộc tôi phải sử dụng phương tiện này”.
Trong khi đó, hai trong số những người bị thương nói với nhật báo này rằng họ đã được cho tiền để giao những kiện hàng cho một người lạ. Một người nói kiện hàng đã nổ sau khi anh ta mở nó ra theo lời yêu cầu của người nhận trong khi một người khác nói rằng kiện hàng phát nổ sau khi anh ta quay lại xe khi không tìm thấy người nhận tại một trường tiểu học.

Nghi can tử nạn trong vụ nổ ở Quảng Tây

Tòa nhà bị sụp đổ sau các vụ nổ bom ở Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 30/9/2015.
Tòa nhà bị sụp đổ sau các vụ nổ bom ở Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 30/9/2015.
Theo VOA-02.10.2015
Giới hữu trách ở Trung Quốc cho hay người đàn ông bị nghi là thủ phạm các vụ nổ bom thư tại thành phố Liễu Châu miền tây nam trong tỉnh Quảng Tây được phát hiện đã chết tại địa điểm xảy ra một trong các vụ nổ, theo tin của Thông tấn xã hôm thứ Sáu.
Công an địa phương cho biết Ngụy Ngân Dũng, 33 tuổi, là thủ phạm những vụ nổ gây tử vong cho 10 người và hơn 50 người bị thương. Công an đã truy tầm những phát hiện trong các cuộc điều tra tại chỗ, những cuộc phỏng vấn và các khúc phim theo dõi, theo tin của các cơ quan truyền thông nhà nước. Bản tin nói thêm các mẫu DNA cho thấy ông Ngụy chết trong một trong các vụ nổ, mà không tiết lộ việc tìm thấy xác ông ta ở đâu.
Kết quả cuộc điều tra sơ khởi cho thấy ông Ngụy, một nhân viên tại một mỏ đá gần đó, đã phạm tội để hả lòng tức giận với cư dân trong làng hay nhân viên của các cơ quan liên hệ vì một vụ tranh chấp có liên quan đến công việc nhưng không cho biết chi tiết.
Ông Ngụy bị phát hiện đích thân giao một số bom thư trước khi cho nổ, trong khi mướn những người bán hàng giao những gói hàng khác, theo tin của Tân Hoa xã.

Tập đoàn Giang Trạch Dân lâm nguy

Cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Báo chính thức của Đảng CS Trung Quốc vừa công khai cảnh báo việc bắt giữ và truy tố Giang Trạch Dân, sẽ diễn ra trong thời gian rất gần, có thể là sau chuyến công du quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ và tại Liên Hiệp Quốc.
Báo mạng Epoch Times ngày 29/9 đăng bài của Leo Timn cho biết việc khởi tố Phó Chánh án Tòa án Tối cao TQ Hồ Hiếu Minh mới đây là một dấu hiệu quan trọng nhằm chuẩn bị xét xử cả Tập đoàn Giang Trạch Dân.
Trong tháng qua theo lệnh của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, 249 quan chức Trung Quốc đã bị kỷ luật vì «lơ là công việc, lười biếng», chỉ làm việc cầm chừng, nhiều dự án ngưng trệ vì họ sợ làm việc dễ phạm tội. Hơn nữa, một số khá đông quan chức các cấp bị kỷ luật với tội không phấn khởi, mặn mà với chiến dịch «đả hổ, diệt ruồi, săn cáo» của họ Tập. Toàn đảng căng thẳng theo dõi nhau để tố cáo ai dửng dưng, không vỗ tay hoan hô việc hàng loạt tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - từng được coi là bất khả xâm phạm - bị sa lưới.
Ngày 26/9, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan bán chính thức của Đảng CS Trung Quốc, đăng bản «tin đặc biệt» ký tên Tạ Đông Đình với đầu đề rất kêu: «Bắt giữ Giang Trạch Dân là lối thoát duy nhất cho sự ổn định xã hội Trung Quốc”. Bài báo có thể được tóm tắt như sau:
- Tứ Nhân Bang mới gồm có Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, và Lệnh Kế Hoạch do Giang Trạch Dân làm trùm phản nghịch và trùm tham nhũng đã bị lần lượt sa lưới. Nay đến lượt họ Giang sắp bị lâm nguy khốn.
- Bài báo kể ra hai tội dối trá lớn của Giang. Một là Giang và ông bố Giang đều là Hán gian tay sai phát-xít Nhật nhưng đã che dấu kỹ tội này; hai là Giang đã khai man là con liệt sỹ đảng viên CS để chui vào đảng, luồn sâu leo cao lên thượng đỉnh quyền lực. Giang đã về hưu nhưng không chịu nghỉ, còn lũng đoạn nền chính trị trong 10 năm, cài vào đảng rất nhiều lâu la, tay sai.
- Giang là kẻ bất tài, vô đạo đức, là trùm dâm lọan, đã tạo nên một mạng lưới tham nhũng thối nát rộng khắp là Tập đoàn Giang Trạch Dân.
- Bị bao vây, bắt giữ, Giang đã giật dây cho tay sai phản ứng dữ dội, gây bất ổn xã hội, xách động 8.435 cuộc biểu tình ở 128 nơi với 1 triệu rưởi người tham gia, còn gây nên cuộc khủng hoảng lớn về cổ phần - chứng khoán, lại còn gây ra vụ nổ hóa chất lớn ở Thiên Tân.
- Bài báo dẫn lời dạy của Tôn Tử «cầm tặc tiên cầm vương» - bắt giặc trước hết phải bắt tên đầu sỏ, tên làm vua, mới tiêu diệt hết giặc. Bài báo dẫn lời ông Lưu Mộng Hùng, nguyên ủy viên Chính Hiệp Hồng Kông : «Ngày rớt đài của Giang là có thể thấy được».
Ngày 3/9 Tập Cận Bình cho Giang được đứng bên cạnh, trên lễ đài, cùng duyệt cuộc diễu binh và diễu hành lớn, như thể Tập muốn nói rằng «ta đã nắm chắc tên trùm đây, không thể thoát đi đâu được, ta nắm quân đội hùng mạnh».
Như vậy là chiến dịch «đả hổ, diệt ruồi, săn cáo» không có dấu hiệu hạ cường độ. Trái lại Tập Cận Bình, người lãnh đạo muốn được coi là có uy lực không kém gì Mao Trạch Đông, đang quyết tâm đi tới cùng, đưa lịch sử Trung Quốc đến thời kỳ sôi động nhất, với hậu quả khôn lường, khi một nhà lãnh đạo cao nhất, từng là Tổng Bí thư đảng kiêm Chủ tịch Nước trong hơn 10 năm, nay bị xử trọng tội.
Hãy chờ xem giấc mộng Trung Hoa cùng chiến dịch đả hổ náo động xã hội, xáo trộn hàng ngũ đảng sẽ đưa đất nước Trung Quốc đến tình trạng ra sao - đến thời kỳ phồn vinh và ổn định hay ngược lại.
Và tình trạng đó sẽ ảnh hưởng đến đảng CS và đất nước Việt Nam ra sao?
 
Thật khó phán đoán thật chính xác. Hãy chờ xem…

* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

TQ: Nước thứ ba không được quyền thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Nơi khai thác dầu thô của Ấn Độ ở vịnh Bengal. Mặc dù không nêu đích danh Ấn Độ, nhưng Bắc kinh lâu nay phản đối hợp đồng khai thác dầu khí của New Delhi với Hà Nội.
Nơi khai thác dầu thô của Ấn Độ ở vịnh Bengal. Mặc dù không nêu đích danh Ấn Độ, nhưng Bắc kinh lâu nay phản đối hợp đồng khai thác dầu khí của New Delhi với Hà Nội.
VOA-02.10.2015
Trung Quốc tuyên bố không một nước thứ ba nào có quyền thăm dò dầu khí trên Biển Đông trong những vùng thuộc quyền tài phán của Bắc Kinh mà không được Bắc Kinh cho phép.

Tờ Hindustan Times dẫn phản hồi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/10 đáp các câu hỏi của báo này khẳng định Bắc Kinh có ‘chủ quyền không thể tranh cãi tại Trường Sa và các vùng biển lân cận cũng như chủ quyền và quyền tài phán đối với phần đáy biển và tầng đất liên quan. Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí của quốc gia hay tập đoàn nào trong các vùng biển thuộc quyền tài phán Trung Quốc mà không được phép của Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu đích danh Ấn Độ trong bình luận này nhưng Bắc Kinh trước nay nhiều lần phản đối hợp đồng khai thác dầu khí của New Dehli với Hà Nội tại các lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Bắc Kinh nói các cơ chế hiện hành đang vận hành tốt để kiềm chế những tranh chấp và Trung Quốc sẽ không cho phép các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào chuyện Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh theo đuổi nguyên tắc ‘5 kiên trì’ bao gồm kiên trì duy trì hòa bình ổn định Biển Đông, kiên trì giải quyết tranh chấp với các nước liên quan dựa trên luật quốc tế và tôn trọng chứng cứ lịch sử qua các cuộc thương lượng song phương, kiên trì dựa trên hệ thống luật lệ để kiểm soát tranh chấp, kiên trì gìn giữ tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông và kiên trì thực hiện chính sách cùng thắng lợi thông qua hợp tác.

Phản hồi của Trung Quốc được đưa ra sau khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ hôm 30/9 nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế và tuyên bố tăng cường hợp tác để bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực.

Nguồn: Hindustan Times, Maritime Security.