Thursday, July 21, 2016

Cử tri lo lắng về Formosa và Biển Đông

Theo BBC-21 tháng 7 2016 

Image copyrightCHAM
Image captionBáo cáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nêu, cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng.
Báo cáo của chính phủ Việt Nam nói vụ cá chết ở miền trung ảnh hưởng hàng trăm ngàn người trong lúc cử tri bức xúc về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo của tổ chức này mô tả việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc.
“Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường,” ông Nhân nói.
Một báo cáo khác được mô tả là vừa được gửi đến Quốc hội cho biết Chính phủ Việt Nam đánh giá “sự cố ô nhiễm môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân, mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch...
“Theo Chính phủ, tính toán sơ bộ thì sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người, do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc”.
Báo cáo của Chính phủ Việt Nam nói giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng.
“Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh);…
Báo cáo mô tả “từ sự cố môi trường biển miền Trung, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường khi cấp phép đầu tư.”
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân mô tả điều ông gọi là cử tri và nhân dân lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình,... thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam.

Có thể làm gì sau phán quyết tòa PCA?

TS. Vũ Cao Phan Nhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương 

Theo BBC-21 tháng 7 2016 

Image copyrightREUTERS
Image captionNgười dân Việt Nam bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình sau khi tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết hôm 12/7.
Việt Nam không phải là một bên theo đuổi vụ kiện mà Tòa Trọng tài (PCA) đã đưa ra phán quyết “có tính ràng buộc pháp lý và chung thẩm” ngày 12/7/2016 nhưng chắc chắn Việt Nam đã hưởng lợi từ phán quyết ấy không ít.
Vấn đề là từ đó, nước này sẽ tận dụng quyền của mình như thế nào, huy động khả năng của mình đến đâu để tranh đấu cho lợi ích của chính mình.
Đây là một vụ kiện và người kiện – Philippines – đã giành được công lý nên nhiều người đã nghĩ ngay tới việc Việt Nam cần đưa Trung Quốc ra tòa, chẳng hạn nên bắt đầu ngay bằng vụ Hoàng Sa, nơi mà các bằng chứng lịch sử và pháp lý đều đứng về phía Việt Nam?
Tòa PCA được lập ra do Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc và việc phục vụ Công ước ấy không cho phép Tòa tham gia vào các vụ kiện tụng tranh chấp chủ quyền đầy rắc rối hoặc chỉ tham gia với hai điều kiện cần và đủ: các bên đều thừa nhận có tranh chấp và thuận đưa tranh chấp ấy ra tòa sau khi đã không thương lượng, đàm phán được với nhau. Còn một điều kiện thứ ba không hoàn toàn bắt buộc nữa: trưng cầu dân ý với dân bản địa tại khu vực tranh chấp (khái niệm bản địa lại cũng gây tranh chấp) như đối với các vụ kiện tụng về Manvinat/Falkland, Gibraltar, Tây Sahara…
Với một đội ngũ luật sư mà Trung Quốc phải thừa nhận là giỏi nhất thế giới và tiếc nuối vì đã tìm đến trễ, Philippines ra hầu tòa không phải để yêu cầu chủ quyền mà để hỏi xem những gì mà người khác (Trung Quốc) đã làm trên Biển Đông có phù hợp với UNCLOS – Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc hay không. Chỉ đặt vấn đề như vậy, nhưng Philippines vẫn hồi hộp vì một quy định của Công ước (Điều 288), rằng việc có thẩm quyền để xét xử hay không phải do “chính tòa án (được thành lập theo Công ước) quyết định” và họ đã vỡ òa khi ngày 29/10/2015 tòa này ra phán quyết khẳng định họ có thẩm quyền.
Và như ta đã biết, mặc dù các phán quyết vừa qua của PCA như vấn đề tính pháp lý của đường 9 đoạn, quy chế của các cấu trúc trên Biển Đông… không phải là phán quyết về chủ quyền nhưng Trung Quốc vẫn gân cổ cãi, “không chấp nhận, không thừa nhận, không thi hành”.
Các kiện cáo về chủ quyền cũng có thể đi đường vòng, và còn có thể tìm đến các tòa án khác ngoài PCA như Tòa án quốc tế về Công ước Luật biển (ITLOS), hay tòa cao nhất, Tòa Công lý quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc nhưng đều vướng các chế tài tương tự. Điều quan trọng nữa là Chính phủ có vượt qua được chính mình trong quyết tâm tìm đến công lý? Như thế ta có thể hiểu rằng việc kiện tụng, đưa nhau ra tòa là một việc hoàn toàn không đơn giản, không dễ dàng.

Đàm phán khả thi hơn kiện?

Image copyrightAFP
Image captionTrung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông dựa trên lập trường đi kèm một bản đồ đường chín đoạn (hay đứt đoạt hoặc Lưỡi Bò) ở khu vực tranh chấp này.
Trong khi đó, con đường thương lượng, đàm phán để tìm đến chân lý là khả thi hơn, nhất là sau phán quyết vừa rồi của PCA. Tại sao?
Đối với những tranh chấp đa phương, với thực thể mà nhiều phía nhận quyền sở hữu, sẽ phải theo con đường đàm phán đa phương; còn những tranh chấp song phương thì chẳng thể, chẳng cần thêm vào một bên thứ ba nào khác ngoại trừ đó là quan tòa. Tôi đang nói về Hoàng Sa.
Việt Nam có đủ các căn cứ pháp lý, lịch sử và đã dùng các căn cứ pháp lý, lịch sử ấy để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo này. Nhưng do thực tế, Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa (từ tay Việt Nam) và đang quản lí quần đảo này, Việt Nam yêu cầu đàm phán, nhiều lần yêu cầu đàm phán. Trung Quốc át giọng bác bỏ, bằng thái độ nước lớn, rằng không có tranh chấp ở đây, không đàm phán. Vấn đề do đó, đã hầu như bế tắc.
Nhưng bế tắc ấy có thể phá vỡ, với những lý do sau đây:
Một, Trung Quốc đã phi lý, sử dụng tiêu chuẩn kép trong tranh chấp chủ quyền. Ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Đông Hải) trong khi Nhật Bản chiếm giữ thì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đòi hỏi đàm phán (dù họ chưa từng một ngày hiện diện ở đây). Còn ở Hoàng Sa thì sau khi đánh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam, bồi đắp rồi xây dựng căn cứ ở đấy, Trung Quốc tuyên bố không có tranh chấp và bác bỏ đàm phán.
Hai, Trung Quốc hay nói đến lịch sử thì lịch sử ghi nhận rằng: Năm 1976, khi người đứng đầu nhà nước Việt Nam, ông Lê Duẩn yêu cầu đàm phán về Hoàng Sa thì ông Đặng Tiểu Bình cho rằng lúc đó đang có nhiều việc bận, vấn đề này nên để lại xem xét sau. Cách đề cập như vậy đã gián tiếp thừa nhận có “vấn đề Hoàng Sa” giữa hai nước, điều mà sau này Trung Quốc quay lại bác bỏ.
Ba, phán quyết đưa ra ngày 12/7 của Tòa trọng tài khẳng định “ngư dân Philippines có quyền đánh cá truyền thống ở bãi Scarborough”. Sự khẳng định này là cơ sở quan trọng cho lập lý của Việt Nam, về quyền đánh cá truyền thống của ngư dân mình ở quần đảo Hoàng Sa.

'Không thể không đàm phán'

Image copyrightAP
Image captionPhán quyết của Tòa trọng tài thường trực bất lợi cho Trung Quốc, có lợi cho Philippines và có thể được Việt Nam khai thác có chọn lọc, tùy theo lợi ích, theo giới nghiên cứu.
Không thể không đàm phán về quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù có thể thấy trước là đàm phán sẽ kéo dài, rất dài, thậm chí không có được hồi kết thỏa mãn, nhưng phải đàm phán, vì chính lợi ích rất cụ thể của người dân mình, thay vì chỉ là… (im lặng).
Việt Nam đã tính phải bỏ bớt ngư trường, chuyển đổi nghề cho ngư dân quanh vùng vì vụ Formosa (không phải chỉ vì xả thải độc hại mà vì lầm lẫn lớn hơn là bằng lòng xây một nhà máy thép đồ sộ ở đây).
Còn ở hải phận Hoàng Sa, đã thấy trước cứ tình hình này, ngư dân cũng sẽ không còn nơi đánh cá, kiếm cơm. Ngư trường dân mình thu lại còn bao nhiêu?
Người viết đã từng đề cập không chỉ một lần, trên diễn đàn này (của BBC), việc Việt Nam phải đòi hỏi bằng được một cuộc đàm phán cho Hoàng Sa, chỉ vì trước hết và trên hết là quyền đánh cá của ngư dân mình. Tháng nào cũng vài vụ, một năm mấy chục vụ người dân Hoàng Sa bị bắt, bị cướp (họ gọi là tịch thu) ngư cụ và hải sản đánh bắt được, bị đâm cho chìm thuyền.
Vụ mới nhất, ngày 9/7 vừa rồi, người Trung Quốc ép ngư dân Việt nhảy xuống biển rồi đâm chìm tàu, sau đó còn càn rỡ nói họ đã cứu 5 ngư dân Việt bị tai nạn trong khi hành nghề.
Có ai xúc động, đau đớn trước tình cảnh thống khổ diễn đi tái lại ấy của ngư dân mình? Hỏi đã mấy lần Việt Nam đòi Trung Quốc bồi thường và đã có lần nào họ chịu đáp ứng?
Không ai biết sự phản đối của Việt Nam đến đâu trên thực tế, trong khi người Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh:
“Quan hệ giữa hai nước đi đúng quỹ đạo, giữ vững đại cục, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau...”
Có kiên quyết đòi hỏi và theo đuổi đàm phán hay không là hoàn toàn ở Chính phủ. Có cơ hội nhưng Chính phủ có thực sự quyết tâm không lại là chuyện khác.
Tôi cũng kính trọng những người yêu nước hô hào phải có một vụ kiện. Bằng cách nào, ở đâu, hãy giúp cho Chính phủ. Hay cũng chỉ lên giọng dân túy, chẳng khác mấy một vị quan to đã đem đời con, đời cháu ra thề...
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế từ Đại học Bình Dương, Việt Nam.

Trung Quốc leo thang chống cả thế giới

Hình chụp một phi vụ tuần tra của Không Quân Úc bên trên Biển Ðông. (Hình: RAAF - Không Quân Úc)
Hình chụp một phi vụ tuần tra của Không Quân Úc bên trên Biển Ðông. (Hình: RAAF – Không Quân Úc)
VIỆT NAM – Tuy các chuyên gia từng dự đoán, sau phán quyết về Biển Ðông, Trung Quốc sẽ có nhiều phản ứng khó lường, song chuỗi hành động gần đây của Trung Quốc vẫn làm người ta ngạc nhiên.
China Daily vừa loan báo, công ty phát triển du lịch quốc tế Tam Á sẽ mua từ năm đến tám tàu du lịch để đưa du khách Trung Quốc ra ăn chơi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào lúc này, công ty vừa kể đã hoàn tất kế hoạch xây dựng một chuỗi khách sạn và cửa hiệu trên nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa và sắp đưa du khách Trung Quốc đến đó ăn chơi. Từ nay đến 2020, các tour du lịch sẽ được mở rộng đến quần đảo Trường Sa và công ty phát triển du lịch quốc tế Tam Á sẽ sớm thực hiện một tour du lịch vòng quanh Biển Ðông.
Theo China Daily, công ty phát triển du lịch quốc tế Tam Á đang sử dụng một tàu chở du khách đến Biển Ðông mang tên “Dream of South China Sea” và đến giữa năm tới sẽ đưa vào sử dụng thêm hai tàu cùng loại. Cũng theo China Daily thì Trung Quốc sẽ biến các đảo ở Biển Ðông thành những resort sang trọng kiểu như các resort trên quần đảo Maldives ở Ấn Ðộ Dương.
Giống như chuyện liên tục tổ chức tập trận ở phía Bắc Biển Ðông, việc Trung Quốc công bố rộng rãi những thông tin về kế hoạch phát triển du lịch ở Biển Ðông rõ ràng là nhằm minh họa cho quyết tâm gạt bỏ phán quyết về Biển Ðông, tiếp tục áp đặt yêu sách của mình về chủ quyền đối với 80% diện tích của vùng biển này.
Có một điểm đáng chú ý là thái độ của Trung Quốc không những không tạo ra được sự ngán ngại mà đang thúc các quốc gia bày tỏ quyết tâm giũ gìn an ninh, sự ổn định ở Biển Ðông rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Mới đây, khi đến thăm một căn cứ hải quân của Trung Quốc, Ðô Ðốc John Richardson, tham mưu trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, nhấn mạnh, quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ở Biển Ðông. Trong cuộc đối thoại với tư lệnh hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc, Ðô Ðốc Richardson nhấn mạnh, trước nay, Hải Quân Hoa Kỳ vẫn hoạt động trên khắp thế giới theo đúng qui định của luật pháp quốc tế và tất nhiên sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động như thế tại Biển Ðông.
Tuyên bố của Ðô Ðốc Richardson được xem như câu trả lời cho Ðô Ðốc Ngô Thắng Lợi. Hôm 19 tháng 7, khi hội đàm với Ðô Ðốc Richardson, tư lệnh Hải Quân Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc không bao giờ ngưng hoạt động xây dựng ở Biển Ðông bởi quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc và nhu cầu xây dựng của Trung Quốc tại đó vừa hợp lý, vừa hợp pháp.
Tuyên bố của tư lệnh Hải Quân Trung Quốc không chỉ vứt bỏ phán quyết về Biển Ðông mà được xem như sự thách thức nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, kể cả Liên Hiệp Quốc bởi đã từng kêu gọi các bên có tranh chấp về chủ quyền tại Biển Ðông giữ nguyên hiện trạng ở vùng biển này.
Cũng vì vậy, dù không hề nhắc đến Biển Ðông khi phát biểu tại Sydney-Úc, ông Joe Biden, phó tổng thống Hoa Kỳ, cho thấy, Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn nếu Trung Quốc không thoái bộ tại Biển Ðông. Ông Biden nhấn mạnh, Hoa Kỳ ý thức rất rõ rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Châu Á là hết sức quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, sự ổn định của khu vực này. Ðó cũng là phương thức duy nhất để khuyến khích tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng. Ông Biden cam kết là Hoa Kỳ sẽ nỗ lực tối đa để các vùng trời luôn rộng mở và các vùng biển luôn an toàn, để dòng chảy thương mại tự do – mạch máu của cả khu vực không bị nghẽn và các quốc gia có thể nâng đỡ nhau để cùng đạt đến thành công.
Ngoài việc bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác với các quốc gia Châu Á, đặc biệt là Nhật, Nam Hàn, Philippines và hy vọng các liên minh sớm hình thành, ông Biden còn thúc giục Úc sớm nhập cuộc. Phó tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông đã từng nói với ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Quốc là Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ vai trò của mình ở Thái Bình Dương.
Tương tự, ngay sau khi Trung Quốc nhận xét, quyết định tham gia bảo vệ quyền tự do lưu thông của Úc là “thiếu khôn ngoan.” Thậm chí, ông Cong Peiwu, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Ðại Dương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, còn khẳng định với báo giới Úc rằng Trung Quốc “hết sức thất vọng,” đồng thời cảnh cáo Úc không nên bắt chước Hoa Kỳ, các cuộc tuần tra tại Biển Ðông là sự thách thức Trung Quốc và chắc chắn Trung Quốc sẽ có những biện pháp thích đáng để trả đũa, Tướng Leo Davies, tư lệnh Không Quân Úc, tuyên bố, Không Quân Úc sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra bên trên Biển Ðông.
Tướng Davies giải thích, mục tiêu của việc thực hiện các cuộc tuần tra đó là nhằm khuyến khích và thúc đẩy việc xây dựng trật tự toàn cầu theo đúng luật pháp quốc tế. Theo Tướng Davies, từ đầu năm đến nay, Không Quân Úc đã thực hiện 32 phi vụ tuần tra bên trên Biển Ðông và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các không quân các quốc gia đồng minh, các đối tác có cùng chí hướng để góp phần duy trì quyền tự do lưu thông.

Giới quan sát thời sự quốc tế đang cố gắng suy nghĩ để lý giải xem tại sao Trung Quốc quyết định khiêu khích, dọa chống cả thế giới. (G.Ð)
21-07-2016

Bị Cộng Hòa phê phán về Biển Đông và Tây Tạng, Trung Quốc nổi giận

Không ảnh một đảo ở Hoàng Sa, nơi Trung Quốc xem là một phần của Hải Nam. (Hình: Getty Images/STR/AFP)
Không ảnh một đảo ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974. (Hình: Getty Images/STR/AFP)
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Ngoại trưởng Trung Quốc hôm Thứ Năm yêu cầu đảng Cộng Hòa chấm dứt “những cáo buộc vô căn cứ” đối với Trung Quốc.
Reuters trích thuật nội dung bản cương lĩnh của đảng Cộng Hòa, trong đó phê phán Trung Quốc áp dụng chính sách hủy diệt văn hóa của Tây Tạng và nhận chủ quyền một cách vô lý ở Biển Đông.
Trung Quốc vốn tránh né phê bình trực tiếp về chuyện bầu cử của Mỹ vì sợ bị xem là xen vào nội bộ, mặc dù hồi Tháng Tư, ông Lou Jiwei, bộ trưởng Bộ Tài Chánh Trung Quốc, gọi ứng củ viên tổng thống Cộng Hòa Donald Trump thuộc loại người “dễ chọc giận người khác,” khi đưa ra đề nghị đánh thêm thuế vào hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, nói cương lĩnh của đảng Cộng Hòa chứa đựng “những lời tố cáo Trung Quốc về các vấn đề liên hệ đến Đài Loan, Tây Tạng, mậu dịch và Biển Đông,” và rằng như vậy là can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc.
Bản cương lĩnh được chấp thuận hôm Thứ Hai nói, Trung Quốc nhận chủ quyền Biển Đông “một cách vô lý” nhằm đánh lạc hướng người dân họ về vấn đề kinh tế ở trong nước.
Cương lĩnh còn phê phán thêm rằng, Trung Quốc áp dụng chính sách “hủy diệt văn hóa” ở Tây Tạng và Tân Cương, đồng thời tái khẳng định việc Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Các giới chức Trung Quốc thừa nhận là họ biết quá ít về ông Trump so với đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân Chủ, người có nhiều thỏa thuận với Trung Quốc khi còn làm ngoại trưởng. (TP)

Thủ lĩnh phong trào biểu tình ở Hong Kong bị luận tội

Thủ lĩnh học sinh (từ trái sang) Joshua Wong, Nathan Law và Alex Chow hô khẩu hiệu bên ngoài một tòa án ở Hong Kong, ngày 21/7/2016.
Thủ lĩnh học sinh (từ trái sang) Joshua Wong, Nathan Law và Alex Chow hô khẩu hiệu bên ngoài một tòa án ở Hong Kong, ngày 21/7/2016.

Theo VOA-21.07.2016
Ba thủ lĩnh học sinh ở Hong Kong đã bị kết tội vì tham gia một cuộc biểu tình phản đối dẫn đến một phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ cách đây gần hai năm.
Hôm nay Joshua Wong và Alex Chow bị tuyên phạm tội tham gia một cuộc tụ tập bất hợp pháp, trong khi Nathan Law bị tuyên phạm tội kích động những người khác tham gia. Ba thanh niên này sẽ ra tòa một lần nữa vào ngày 15 tháng 8 để nhận bản án.
Phát biểu trước tòa án hôm thứ Năm, Joshua Wong nói: "Bất kể hình phạt hay cái giá mà chúng tôi phải trả là gì, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tranh đấu chống lại sự đàn áp của chính phủ và chúng tôi cũng biết rằng đối mặt với chế độ cộng sản lớn nhất thế giới, đó là một cuộc chiến lâu dài đối với chúng tôi để đấu tranh cho dân chủ. Dù chúng tôi phải đối mặt với hình phạt nghiêm trọng, hay chúng tôi có thể phải trả giá trong tương lai, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu và thúc đẩy phong trào tự quyết này tiến về phía trước."
Ba người họ đã trèo qua hàng rào của khu nhà chính phủ Hong Kong vào ngày 26 tháng 9 năm 2014 và tổ chức một cuộc biểu tình ở sân trong, được gọi là Quảng trường Dân sự, để đòi những cuộc bầu cử đầy đủ và tự do cho lãnh thổ bán tự trị này của Trung Quốc.
Hành động đó đã dẫn tới một cuộc biểu tình ngồi lì ồ ạt dọc theo những con đường chính của Hong Kong khiến lãnh thổ này bị tê liệt suốt 79 ngày.
Lực lượng ủng hộ dân chủ ở Hong Kong trở nên ngày càng lo ngại rằng Bắc Kinh đang nỗ lực làm xói mòn những quyền tự do dân sự của Hong Kong. Lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997.

Vì sao Trung Quốc lại sốt sắng với Dự án Nhiệt điện Kiên Lương?

Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương
Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương

Lê Anh Hùng
Theo VOA-20.07.2016
Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương là một dự án trọng điểm quốc gia về điện trong Quy hoạch điện VI, với tổng công suất 4.400 - 5.200 MW và tổng vốn đầu tư khoảng 6,7 tỷ USD. Dự án được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao cho Tập đoàn Tân Tạo (ITACO) qua công văn số 1385/TTg-KTN ngày 25/8/2008 và được xây dựng trên diện tích 265ha thuộc ấp Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Theo kế hoạch ban đầu, Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương gồm 3 nhà máy nhiệt điện đốt than theo công nghệ truyền thống, phát triển theo 3 giai đoạn: Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 công suất 1.200 MW, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 2 công suất 1.200 - 2.000 MW, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 3 công suất 2000 MW, trong đó NMNĐ Kiên Lương 1 dự kiến khởi công vào Quý IV năm 2009 và đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào Quý IV năm 2013, tổ máy số 2 vào Quý II năm 2014.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai, dự án đã bị đình trệ trong bối cảnh các ngân hàng nước ngoài không chấp nhận rót vốn cho dự án do thiếu cả bảo lãnh và cam kết của Chính phủ lẫn hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đến tháng 12/2015, Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Công ty CP Năng lượng Tân Tạo (TEC), thuộc Tập đoàn Tân Tạo (ITA) mới ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1, chính thức khởi động lại dự án này sau một thời gian trì trệ.
Không lâu sau đó, SinoHydro Corporation, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (PowerChina), đã tiếp cận Tập đoàn Tân Tạo (ITA). Và đến ngày 8/3/2016, họ đã có buổi làm việc, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương với ban lãnh đạo ITA.
Phía ShinoHydro bày tỏ thiện chí được hợp tác với ITA và sẵn sàng mời thêm các Nhà đầu tư khác từ Trung Quốc để thực hiện dự án đến cùng. Nếu hai bên đạt được các thỏa thuận, Sinohydro sẽ trực tiếp thực hiện các đàm phán và thỏa thuận giữa hai bên để đi đến hợp tác, đầu tư triển khai thực hiện dự án Nhiện điện Kiên Lương sớm nhất. Ông Howay Hoang, Phó Tổng Giám đốc đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của SinoHydro, chia sẻ: “Sinohydro rất mong muốn được là nhà thầu chính, cùng đứng tên với ITA trong hợp đồng đàm phán mua bán điện vì PowerChina có nhiều kinh nghiệm đàm phán PPA và triển khai các dự án nhiệt điện, thủy điện tại nhiều quốc gia cũng như ở Việt Nam. SinoHydro có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm vận hành, SinoHydro sẽ sẵn sàng cùng ITA triển khai cũng như vận hành nhà máy”.
Ông Dương Vũ, Trưởng Đại diện của SinoHydro tại Việt Nam, mong rằng “Nếu có thể hợp tác, ShinoHydro mong muốn hai bên sẽ nghiên cứu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sớm hơn so với kế hoạch vì càng kéo dài sẽ càng bất lợi cho quá trình đầu tư”.
Rõ ràng, SinoHydro không chỉ rất muốn tham gia vào dự án mà quan trọng hơn là trở thành một chủ đầu tư của dự án. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao một dự án bị đình trệ từ nhiều năm qua mà khi vừa mới khởi động trở lại, SinoHydro lại tỏ ra sốt sắng làm vậy?
“Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán.” Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã tuyên bố với bàn dân thiên hạ như thế, và trường hợp này cũng không phải là ngoại lệ.
Như chúng tôi đã phân tích trong các bài viết trước, hiện nay Trung Quốc đã thiết lập được căn cứ lâu dài tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) và Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang), sắp sửa thiết lập được căn cứ tạiTrung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) và Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu (thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang).
Giống như 4 căn cứ kia, Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương cũng nằm ở một vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Nếu Trung Quốc đặt chân được lâu dài ở đây thì một khi chiến sự Việt - Trung nổ ra, khu vực Miền Tây Nam Bộ sẽ rơi vào tình cảnh hết sức nguy ngập do bị địch từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, từ biên giới Campuchia đánh sang (lực lượng Trung Quốc nằm vùng hoặc quân đội của một Campuchia mưu toan đòi lại Nam Bộ). Cùng lúc, Việt Nam sẽ bị chia cắt thành nhiều phần tại những căn cứ trá hình dọc theo bờ biển Việt Nam như ở Vĩnh Tân (Bình Thuận), Quy Nhơn(Bình Định), Đà NẵngLăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Cửa Việt (Quảng Trị),Vũng Áng (Hà Tĩnh)… trong khi phải lo chống đỡ hàng loạt cuộc tấn công từ cửa ngõ biên giới phía bắc vốn đã được mở toang bằng các tuyến xa lộ cao tốc hiện đại.
Ngoài ra, sự tập trung nhiều dự án nhiệt điện tại một địa điểm nhạy cảm về môi trường cùng với công nghệ “trứ danh” của Trung Quốc cũng cho phép họ dễ bề gây ô nhiễm trên diện rộng nhằm mục đích vừa phá hoại về kinh tế, vừa làm thui chột nòi giống Việt như họ đã và đang làm ở Vũng Áng với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Xem ra, nếu như người Trung Quốc không quan tâm đến Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương thì mới là lạ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Chính phủ Việt Nam luôn chậm trễ trong vấn đề biển đảo

Ảnh tư liệu - Những chiếc thuyền đánh cá ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam.
Ảnh tư liệu - Những chiếc thuyền đánh cá ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam.

Hoàng Giang 
 Theo VOA-20.07.2016
Trong chuyến đi công tác dài ngày vào đầu tháng 7, nhiều lúc ngồi tại sân bay chờ một chuyến bay hay ngồi trong quán ăn trên đất khách quê người, tôi thường được xem một đoạn tin tức hay đọc một mẩu báo đề cập đến một vấn đề nóng: xung đột biển Đông. Khi tôi quay trở lại Việt Nam, đó cũng là lúc tòa án trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết bác bỏ quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với biển Đông. Phiên tòa đó được thiết lập theo đơn kiện Trung Quốc của nước bạn Philippines. Hiển nhiên, đó là một phán quyết đúng đắn và được quốc tế ủng hộ. Đối với Việt Nam, một đất nước nằm trong khu vực có tranh chấp chủ quyền, đây chắc chắn cũng là một tin vui.
Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án PCA từ đầu năm 2013 khi Trung Quốc tự cho mình quyền xâm nhập bãi đá cạn Scarborough vốn được Philippines xem là thuộc chủ quyền của mình. Mặc dù Trung Quốc liên tục phản đối dữ dội về việc đưa tranh chấp biển Đông ra tòa án quốc tế, Philippines cũng có những hành động đáp trả hết sức quyết liệt, kể cả huy động các nhà nghiên cứu khảo cổ học và sử học, dùng bản đồ cổ để phản bác các lập luận của Trung Quốc khi nước này cho rằng đường 9 đoạn thuộc về mình từ thời xa xưa. Thậm chí, trong thời gian khởi kiện, Philippines cũng cho ngừng mọi kế hoạch xây dựng các công trình trên biển Đông vì, theo lời bộ trưởng Quốc phòng nước này, “muốn duy trì uy tín đạo đức trong tranh chấp lãnh thổ”.
Trên các thông tin tôi xem và đọc được, tôi thường thấy báo chí quốc tế khen ngợi Philippines và luôn nói đến biển Đông như một “sân chơi” đầy kịch tính giữa Bắc Kinh và Manila. Còn Việt Nam, ngay từ đầu đã đứng ngoài “cuộc chơi” ấy. Tôi dám chắc trong số những người Việt đang hoan nghênh tin vui đến từ tòa án quốc tế vào ngày 12/7 vừa qua, có hơn phân nửa chưa biết được phiên tòa ấy đã diễn ra trong thời gian bao lâu và đã vấp phải nhiều khó khăn như thế nào. Tất cả những gì họ làm là những lời hô sáo rỗng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.” Rất tiếc, dẫu đây là một phiên tòa về vấn đề biển Đông, nhưng là cuộc tranh chấp rõ ràng chỉ diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc. Kết luận của tòa án PCA có lợi cho Philippines và những khu vực mà quốc gia này tuyên bố có chủ quyền. Giữa họ có một công ước UNCLOS đã được phê chuẩn và đồng ý từ 2 phía về quy định các vùng lãnh hải, thềm lục địa, hải đảo, cồn cát, bãi cạn… trong khu vực biển Đông. Đi kèm với định nghĩa về các vùng đặc quyền kinh tế còn có những chi tiết rất phức tạp khác liên quan đến thủ tục tài phán. Tuy nhiên, công ước UNCLOS cho phép một quốc gia được thực thi chủ quyền của mình trong phạm vi 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Trung Quốc đã vi phạm công ước này, và Philippines có quyền đi kiện.
Còn về phía Việt Nam, chúng ta có hiệp ước gì với Trung Quốc, ngoài “16 chữ vàng”? Xung đột biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra hơn 3 thập kỷ. Với một lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Quốc đã ngang ngược đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, trắng trợn đe dọa chính phủ Việt Nam, và tệ hại hơn nữa, Trung Quốc bắn giết người dân Việt Nam. Gần đây tôi có theo dõi một cuộc phỏng vấn kéo dài 2 tiếng đồng hồ trên kênh truyền hình quốc tế CCTV của Trung Quốc đề cập riêng về vấn đề biển Đông. Chương trình có sự tham dự của nhiều sinh viên trẻ, nói tiếng Anh rất thành thạo, luôn mồm ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Hoa với những đường lối đúng đắn. Chưa hết, họ còn đưa những nhân vật “có vẻ” có nhiều quyền lực như cựu bộ trưởng bộ Quốc phòng Malaysia bàn luận về vấn đề này, cũng như một vài người phương tây phản đối sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề biển Đông. Đây là một chương trình rất hấp dẫn và thuyết phục, nhưng đồng thời nó càng tô đậm sự táo tợn và dối trá của Bắc Kinh. Sự dối trá ấy sẽ càng có hiệu quả nếu Philippines là một đất nước nhu nhược và hèn nhát.
Phán quyết của Tòa án quốc tế PCA là một động lực thúc đẩy Việt Nam trong việc thể hiện chủ quyền. Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, niềm vui ngày hôm nay là sự góp vui cho nước bạn và là niềm tin vào công lý và lẽ phải đến từ tòa án quốc tế. Việc tòa án PCA bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc hiện đang tạo điều kiện cho Việt Nam cất cao tiếng nói trong các cuộc đàm phán quốc tế. Có lẽ không còn lý do gì đề chính phủ tiếp tục đàn áp các phong trào tranh đấu âm ỉ từ trước đến nay về vấn đề biển đảo nữa mà thay vào đó, nên cùng đứng về phía người dân để có một bước đi khôn ngoan hơn. Chúng ta đã chờ đợi quá lâu cho một cuộc đấu tranh đúng nghĩa, một phần Trường Sa đã mất, biết bao ngư dân ra khơi đã không trở về, cũng như nhiều người lính hải quân đã hy sinh vô nghĩa. Nếu không là bây giờ, thì là bao giờ?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thực hư vụ ‘chèn sóng tiếng Trung ở Đà Nẵng’

Một số người dân ở quận Ngũ Hành Sơn đã phản ánh việc loa phát thanh ở khu vực mình sinh sống bị chèn sóng tiếng Trung. (Ảnh tư liệu)
Một số người dân ở quận Ngũ Hành Sơn đã phản ánh việc loa phát thanh ở khu vực mình sinh sống bị chèn sóng tiếng Trung. (Ảnh tư liệu)

VOA Tiếng Việt
21.07.2016

Chính quyền trong nước mới công bố kết quả điều tra một đài phát thanh thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, bị chèn sóng tiếng Trung Quốc, sau khi “xác minh” vụ việc.
Báo chí trong nước dẫn lời ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết hôm 19/7 rằng “cụm loa bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung là một trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ”.
Quan chức phụ trách phát thanh này cho biết thêm rằng “khi đoàn kiểm tra tới vận hành thử nhiều lần thì loa hoạt động, không bị nhiễu sóng”.
Ông Hoan cho rằng việc một cụm loa phường bị nhiễu sóng trong thời gian ngắn và không lặp lại có thể xuất phát từ nguyên nhân “kỹ thuật không đảm bảo”, và rằng “nếu bị phát trùng tần số thì tất cả cụm loa trên hệ thống đài truyền thanh quận đều phải thu được cùng nội dung vào cùng thời điểm”.
Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường Hòa Quý ở Đà Nẵng, cho VOA Việt Ngữ biết, “vụ nhiễu sóng lạ thu hút sự quan tâm của người dân”.
Ông nói thêm:
“Đà Nẵng mở đài, mở radio thì nhiễu tiếng Trung Quốc. Tiếng Trung Quốc không, chứ không có tiếng Việt. Nghe nói bức xúc dư luận vì mở đài ra là nghe tiếng Trung Quốc, không nghe tiếng Việt mình”.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, một số người dân ở quận Ngũ Hành Sơn phản ánh việc loa phát thanh ở khu vực mình sinh sống bị chèn sóng tiếng Trung.
Một người dân có tên Song Ngọc viết: “Mỗi lần đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn phát thì đều bị phát qua tiếng Trung Quốc. Sao không có biện pháp khắc phục nhỉ? Vấn đề này xảy ra rất lâu rồi…”
VOA Việt Ngữ đã gọi điện liên lạc với bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận này, nhưng bà từ chối trả lời.
Trả lời báo chí trong nước trước đó, bà Thi nói rằng “nghi có hiện tượng nguồn phát sóng từ biển phát vào, nhắm vào khu vực dọc biển miền Trung Việt Nam khiến các đài phát thanh, truyền thanh dọc biển bị ‘nhiễm sóng’, chèn sóng”.
Quan chức địa phương này nói thêm rằng “do sóng phát từ ngoài biển vào” nên “Cục Tần số cũng không quản lý được vì trạm phát sóng được nhận định là không trên lãnh thổ Việt Nam nên không xử lý được”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hải, cho VOA Việt Ngữ biết rằng vụ việc đã được xử lý.
Ông nói thêm:
“Có cụm loa của Khuê Mỹ bị nhiễu sóng. Mấy ngày hôm nay thôi nhưng hình như đã xử lý xong hết rồi. Toàn bộ hệ thống đã được tắt đi. Tắt hết các loa đó và thay hệ thống mới rồi. Bây giờ không còn tình trạng nhiễu nữa”.
Sau Đà Nẵng, theo truyền thông trong nước, hai địa phương ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, cũng bị tình trạng nhiễm, chèn sóng Trung Quốc “chưa rõ nội dung” trong “gần một tháng”.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Trương Công Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng trên, “trước mắt sẽ cho lắp bộ lọc mã hoá để khi đài phát ra chỉ thu được sóng trong nước”.

Sài Gòn ‘đối phó’ với du khách Trung Quốc

Hơn 1,2 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới thăm Việt Nam, và có thể vượt mức 2 triệu lượt trong toàn năm 2016, mức cao nhất từ trước tới nay.
Hơn 1,2 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới thăm Việt Nam, và có thể vượt mức 2 triệu lượt trong toàn năm 2016, mức cao nhất từ trước tới nay.

VOA Tiếng Việt
21.07.2016
Hiệp hội du lịch ở “trung tâm tài chính của Việt Nam” mới tổ chức một buổi tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp xử lý các tình huống phát sinh liên quan tới du khách Trung Quốc.
Theo truyền thông trong nước, trong cuộc họp tuần trước, Hiệp hội Du lịch TP HCM đã đề xuất “việc có thể sẽ áp dụng hình thức xử phạt thật nặng với những du khách Trung Quốc có hành vi ngạo mạn, không tôn trọng phong tục tập quán, lịch sử văn hóa Việt Nam”. Ngoài ra, cơ quan này còn tính tới việc sẽ phát hành “bộ ứng xử của du khách bằng tiếng Hoa”.
Nhận xét về các bước đi trên, bà Mai Chi, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Hoa ở TP HCM, nói với VOA Việt Ngữ:
“Ngày xưa, Việt Nam với Trung Quốc vẫn đang hữu nghị, những vấn đề này người ta không nói ra. Nhưng bây giờ, nó có liên quan một chút đến vấn đề chính trị, nên người ta tuyên truyền nhiều thôi. Người ta viết nhiều”.
Chính quyền nơi từng được coi là “hòn ngọc viễn Đông” tìm giải pháp đương đầu với du khách Trung Quốc sau khi xảy ra một loạt các sự việc liên quan tới khách du lịch từ nước láng giềng phương Bắc ở Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Mới nhất, truyền thông Việt Nam hôm 21/7 đưa tin rằng “nhiều tập thể, cá nhân đã tiếp tay cho khách du lịch Trung Quốc hoạt động chui vừa bị chính quyền Đà Nẵng phát hiện và xử phạt”.
Trong khi đó, cũng theo báo chí Việt Nam, một số chủ một nhà nghỉ ở Đà Nẵng đã không cho khách Trung Quốc thuê phòng sau khi thấy hộ chiếu của họ có in hình “đường lưỡi bò” ở biển Đông.
Nhiều hành động bài Trung Quốc ở Việt Nam sau phán quyết về vụ kiện của Philippines khiến giới quan sát cho rằng chủ nghĩa dân tộc đang nhen nhóm tại Việt Nam.
Khi được hỏi người dân ở Sài Gòn cư xử ra sao với du khách Trung Quốc, hướng dẫn viên Mai Chi nói rằng bà thấy “mọi chuyện bình thường”.
Bà nói thêm: “Người dân vẫn cứ hài hòa, bình thường, không phản ứng gì đâu. Em vừa mới đưa hai người [Trung Quốc] đi [du lịch] mà. Người ta vừa về xong. Đầu tiên người ta cũng sợ lắm, người ta bảo sang đấy [Việt Nam] có sợ gì không? Họ nói trên mạng tuyên truyền nhiều. Họ sợ sang bị đánh rồi bị làm sao thì không về được nước. Người ở đây thân thiện, hài hòa lắm, chả phân biệt đối xử gì đâu. Việc ai người đấy làm, chứ người ta chẳng để ý anh là người nào, hoặc tôi phải đối xử thế này, thế nọ với anh đâu”.
Theo thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2016, số du khách Trung Quốc đến TP HCM là gần 200 nghìn người, tăng gần 65%.
Trên toàn quốc, hơn 1,2 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới thăm Việt Nam, và có thể vượt mức 2 triệu lượt trong toàn năm 2016, mức cao nhất từ trước tới nay.


Hôm 6/7, Tổng cục Du lịch Việt Nam đề nghị Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc xử lý nghiêm một du khách nước này đã đốt tiền Việt sau khi bị trục xuất.