PV-21:53 06/06/2016
Cái giá phải trả của Đà Nẵng sau vụ chìm tàu trên sông Hàn là hình ảnh “Thành phố đáng sống” phần nào cũng phai nhạt.
Ảnh minh họa.
Sáng 6/6, chính quyền TP.Đà Nẵng đã tổ chức họp xử lý trách nhiệm đối với một số trường hợp buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố đã đình chỉ chức vụ đối với ông Lê Sáu - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa - Sở GTVT thành phố; ông Nguyễn Công Hiệu - Đội trưởng Đội quản lý bến TP.Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND TP cũng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với một số cá nhân liên quan.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình là vì sao một con tàu to như vậy lưu hành bất hợp pháp trên sông Hàn mà không ai phát hiện? Và những cảnh báo trước đó của chính những người có trách nhiệm lại bị phớt lờ.
Ông Nguyễn Hữu Huân, ngư dân tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu cho biết, khi lặn xuống nước tiếp cận với con tàu bị chìm, ông không khỏi giật mình: Thân tàu mong manh, bên trong ngổn ngang ghế nhựa, ghế đẩu.
Tàu thiết kế không cân xứng, khoảng cách giữa 2 tầng quá cao nên khó giữ được thăng bằng.
Bên cạnh trạm Kiểm soát biên phòng là Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy...
Kinh nghiệm bao nhiêu năm làm nghề biển, ông Huân cho rằng, con tàu này khả năng “độ” lại tàu cá của ngư dân, chủ tàu “ thiết kế” thêm một tầng nữa để chở được nhiều khách.
“Chiếc tàu du lịch ni rất không đảm bảo. Lườn thì rất thấp, dàn để cho khách du lịch lên rất cao, tàu không được vững, chạy qua chạy lại là dồn qua một bên là tự ngả….”, ông Huân nói.
Bà Đặng Thị Hường, khách đi trên chuyến tàu du lịch bị chìm tối 4/6 cho biết, buổi sáng hôm đó, gia đình, người thân của bà đi chơi ở đảo Cù Lao Chàm, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Vừa bước chân xuống tàu, những người phục vụ trên tàu ra đảo Cù Lao Chàm buộc mọi người mặc áo phao, thắt đai an toàn rồi mới cho xuất bến. Sau đó, hướng dẫn viên còn nhắc nhở những người có con nhỏ phải ôm con vào lòng.
Trong khi, tàu du lịch Thảo Vân 2 thì mặc sức ai muốn làm gì tùy thích. Theo bà Hoa, vì nhìn thấy cái cầu bên kia cứ tưởng là đi chậm chậm để ngắm cầu, ngắm thành phố. Chỉ có 4,5 cái áo phao như vậy mà người ta cũng chẳng nói gì.
Về mặt quản lý, các tàu du lịch rất khó "qua mặt" 2 Trạm kiểm soát này.
Theo quy trình, một chiếc du thuyền muốn xuất bến tại cảng sông Hàn thì tài công phải trình đủ bằng lái, giấy phép hoạt động, danh sách hành khách.
Khi tàu bán đủ vé xuất bến, cảng vụ viên kiểm tra tàu, đếm người theo danh sách, kiểm tra phao cứu sinh, các phương tiện kỹ thuật rồi cấp lệnh cho xuất bến.
Tiếp đó, tài công phải trình lệnh xuất bến này cho trạm kiểm soát biên phòng.
Nếu phát hiện không đủ các điều kiện, số người trên tàu vượt quá quy định thì trạm kiểm soát biên phòng không cho xuất bến.
Quy trình chặt chẽ là vậy nhưng chiếc tàu Thảo Vân 2 với 56 người trên tàu vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng đưa khách đi trên sông rồi gây ra tai nạn đau lòng.
Điều đáng nói là, tàu Thảo Vân 02 hoạt động chui từ lâu, đã từng gây ra tai nạn, Cảng vụ Đường thủy nội địa Đà Nẵng đã nhiều lần có văn bản đề nghị cưỡng chế đình chỉ hoạt động đối với phương tiện này.
Thế nhưng, các lực lượng liên quan không cưỡng chế, không xử phạt, con tàu vẫn ngang nhiên hoạt động, còn cảng vụ thì không có chức năng xử phạt. Câu hỏi đặt ra là liệu có sự bảo kê dung túng cho tàu Thảo Vân 2 hoạt động hay không?
Muốn đưa khách ra sông tàu du lịch phải qua chốt kiểm soát Biên phòng này
Ông Lê Sáu - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Sở GTVT TP.Đà Nẵng cho biết, đây là chiếc đò ngang cải hoán thành tàu chở khách du lịch chứ không phải tàu cá cải hoán.
Phương tiện này được đăng kiểm để tham gia giao thông nhưng không được cấp phép kinh doanh chở khách.
Được biết, Cảng vụ Đường thủy nội địa, thuộc sở GTVT TP.Đà Nẵng thành lập từ tháng 10/2015, có nhiệm vụ quản lý, cấp phép cho các tàu du lịch trên sông Hàn.
Tuy nhiên, đến nay, đơn vị này chưa có phòng Thanh tra, Pháp chế, chưa có cano để kiểm tra, kiểm soát trên sông.
Ông Lê Sáu nhận trách nhiệm trong vụ tai nạn làm 3 người chết. Ông Lê Sáu băn khoăn, đơn vị có 8 người, quản lý 27 con tàu, quản lý trung bình mỗi đêm từ 800 đến 1.500 lượt khách. 3 người đứng một đêm (làm 3 ca) đếm người thôi cũng không xuể nên không thể kiểm soát được các phương tiện chạy chui. Lại không có phương tiện, không vi đuổi, không phạt được ai hết, đâu có chức năng nhiệm vụ được phạt.
Chuyện mất an toàn đối với hoạt động kinh doanh vận tải du lịch đường thủy trên sông Hàn, TP.Đà Nẵng từng được Đài TNVN cảnh báo từ nhiều năm trước.
Tại Kỳ HĐND TP.Đà Nẵng tháng 7/2015, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình phản ứng khá gay gắt về những bất cập trong quản lý khai thác đối với phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải du lịch trên Sông Hàn.
Ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng, du lịch Đà Nẵng như cái lờ thả cá, cứ hứng được càng nhiều càng tốt.
Ý ông Bình muốn nói là ngành du lịch thành phố chỉ biết thu tiền du khách chứ chưa thật sự chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Bây giờ nghe lại lời cảnh báo của ông Bình mới thấy chua xót.
Rất nhiều đơn vị quản lý nhưng tàu Thảo Vân 2 vẫn hoạt động chui.
"Hiện nay có 25 chiếc tàu gọi là tàu du lịch nhưng thực sự là tàu cá cải hoán mà trong khi đó được cấp giấy phép kinh doanh. Sở GTVT không dám cấp giấy phép hoạt động vì không có bến, không có bãi, không có tour, tuyến, vì vậy 25 chiếc đều không có phép. Tôi thử hỏi Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, nếu tàu chìm xuống thì ai chịu trách nhiệm? Mà nó chìm xuống thì ai nổi lên? Trách nhiệm thuộc về ai vì khi đó không có phép? Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch biết chứ lị?”, ông Bình lo ngại.
Qua vụ việc này, có thể một số cán bộ sẽ bị thôi việc, hoặc giáng chức hay luân chuyển, thậm chỉ có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Cái giá phải trả cho việc buông lỏng quản lý còn đắt hơn nhiều: Đó là nỗi mất mát đau thương của gia đình các nạn nhân, và hình ảnh “ Thành phố đáng sống” phần nào cũng phai nhạt.
Theo VOV