Saturday, December 17, 2016

Trung Quốc “cướp” thiết bị lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông

Tàu khảo sát hải dương USNS Bowditch (Nguồn: Hải quân Hoa Kỳ)
Tàu khảo sát hải dương USNS Bowditch (Nguồn: Hải quân Hoa Kỳ)
Theo VOA-17.12.2016
Tàu hải quân Trung Quốc ‘tóm’ một thiết bị lặn không người lái của một tàu hải dương học Mỹ trong hải phận quốc tế ở Biển Đông, khiến Hoa Kỳ phản đối ngoại giao và yêu cầu trả lại, theo nguồn tin một giới chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với Reuters ngày 16/12.
Sự việc xảy ra hôm 15/12 ở Tây Bắc Vịnh Subic của Philippines. Trong lúc tàu khảo sát hải dương Mỹ USNS Bowditch đang thu hồi hai thiết bị lặn không người lái, tàu chiến Trung Quốc đã cho một xuồng nhỏ bám theo, và lấy cắp một trong hai thiết bị trên.
Tàu Bowditch đã cố gắng liên lạc qua sóng radio, nói rằng đây là tài sản của Hoa Kỳ, nhưng tàu chiến Trung Quốc vẫn phớt lờ.
Các tàu khảo sát hải dương của Mỹ thường bị bám đuôi vì nghi thực hiện nhiệm vụ do thám.
Vụ này làm tăng thêm quan ngại về sự hiện diện quân sự và thái độ gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc mới đây cũng gia tăng các hoạt động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở Biển Đông.
Hoa Kỳ đã có phản ứng ngoại giao chính thức với Trung Quốc về vụ việc và yêu cầu nước này ngay lập tức trao trả thiết bị lặn không người lái. Phía Trung Quốc xác nhận đã nhận được thông tin nhưng chưa có phản hồi.

Một tay sát thủ 'tự do báo chí'

truong-minh-tuan-1807Bộ trưởng Thông tin VN: Báo chán do nhà báo kém tài, không phải do kiểm duyệt
Bùi Tín Theo VOA-17.12.2016 
Tự do báo chí vẫn còn là một món hàng xa xỉ phẩm ở Việt Nam. Thế giới vẫn xếp Việt Nam gần hạng chót (168) trong số 182 nước trên thế giới về tự do báo chí. Gần đây không những các nhà báo tự do thuộc "lề trái" bị lên án, bôi nhọ, hăm dọa, bắt giam dài dài mà các nhà báo của "lề phải", trong biên chế Nhà nước cũng bị trừng phạt nặng nề, đến mất chức và mất nghề luôn.
Dẫn chứng không thiếu. Đó là trường hợp nhà báo trẻ Mai Phan Lợi, phóng viên của báo Pháp Luật (Sài Gòn), làm việc tại Hà Nội. Khi xảy ra tai nạn 2 máy bay quân sự của Việt Nam mất tích, anh đưa tin một cách khách quan và phát động một sáng kiến mà anh gọi là một cuộc ''thăm dò, khảo sát dư luận về chuyện 2 máy bay bị tan xác'' này. Thế là anh bị lên án là vô trách nhiệm, bị mất chức, bị thu hồi thẻ nhà báo, chỉ vì đã dùng 2 chữ ''tan xác''. Anh bị lên án vì họ cho rằng anh dùng chữ ''tan xác'' cho cả các sĩ quan đi trên máy bay bị tai nạn chưa rõ nguyên nhân trên đường làm nhiệm vụ, không thông cảm với những đau buồn trong tang tóc của gia đình, đồng đội và đồng bào. Cũng có giọng điệu chụp mũ vu cáo rằng phải chăng anh Mai Phan Lợi đã "ăn phải bả bọn phản động" khi tỏ ý nghi ngờ rằng 2 tai nạn trên có thể là do bọn bành trướng Trung Quốc gây ra đúng vào lúc Bắc Kinh tiến hành tập trận hải lục không quân trong vùng. Nghi ngờ ông bạn vàng của đảng Cộng sản Việt Nam là tội rất nặng. Không cần tòa án, không cần luật pháp, không có xét xử, không có tranh tụng công khai, nhà báo trẻ Mai Phan Lợi bị tai họa như trời giáng, để ngậm đắng nuốt cay suốt cuộc đời còn lại.
Trước đó ít lâu, nhà báo Đỗ Hùng, Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh niên điện tử, bị kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, mất chức chỉ vì đưa lên Facebook riêng của anh một bài viết ngắn gồm toàn các chữ có dấu sắc, nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 (2/9/1945 - 2/9/2015).
Anh bị Bộ Thông tin và Truyền thông kết tội xuyên tạc và xúc phạm Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Xin dẫn ra đây cả bài viết ngắn ấy để bạn đọc đánh giá:
Bác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy mế Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh phá phát xít, đánh Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bót, cứ thế đánh tới bến.
Đánh tới cuối tháng Tám, bác Ái Quốc với các chú kéo xuống Giáp Bát chiếm phố, chiếm bót phát xít, chiếm hết. Bác ấy nói: "Các chú thắng phát xít, thắng Pháp quá xuất sắc".
Tới tháng Chín, bác ấy xuống phố bố cáo Quốc khánh. Bác ấy nói: "Đất nước hết chiến đấu, hết đói kém, Phát xít cút, đế quốc cút, các mế, các chú, các cháu bé hết khóc lóc. Thế giới bác ái".
Nói tới đó bác Ái Quốc thắc mắc: ''Bác nói thế, các chú, các mế, các cháu có thấy quá lí nhí?''. Bá tánh phía dưới đáp: ''Chúng cháu thấy bác nói rất lớn. Nói thế quá tốt". Tướng Giáp đứng kế đó thét lớn: ''Quyết chiến! Quyết thắng!''.
Tất cả chỉ có thế.
Và chuyện gần đây nhất là nhà báo Phùng Hiệu, quyền đại diện báo Nhà báo và Công luận, cũng chỉ vì tính bộc trực cho rằng Fidel Castro là ''một nhà độc tài bảo thủ, tôn thờ chủ nghĩa Mác một cách mê muội''. Anh bị kỷ luật, bị dọa rút thẻ nhà báo vì dám xúc phạm một "lãnh tụ vĩ đại, người bạn thân thiết của đảng Cộng sản và của nhân dân Việt Nam". Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận Nguyễn Ngọc Nuôi cũng bị vạ lây, bị buộc nghỉ việc 1 tháng để ngồi làm kiểm điểm do bị coi là có liên quan đến sự cố trên đây.
Theo ý kiến của nhiều mạng tự do trong nước, trong số những kẻ sát thủ tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay, mạnh tay nhất là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, người từng lớn tiếng bênh vực Công ty Formosa và gần đây được giao thêm một chức vụ đảng là Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Viên bộ trưởng này không những chỉ nhằm vào các blog tự do lề trái mà còn rất mạnh tay trừng phạt thuộc cấp của mình ở lề phải. Đây là một sự mẫn cán kiểu tiểu nhân, nhằm lập công với đảng và quan thầy để may ra có thể lên chức thay Võ Văn Thưởng trên cương vị Trưởng ban Tuyên giáo, với hy vọng chui vào Bộ Chính trị trong tương lai.
Chỉ có dưới thời của sát thủ tự do báo chí của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mới có chuyện 50 tờ báo đưa tin không chính xác về nước mắm bị nhiễm độc arsen (thạch tín) bị phạt hàng chục tỷ đồng sau khi đã cải chính và xin lỗi bạn đọc. Báo Thanh Niên bị phạt nặng nhất - 200 triệu đồng - Tổng Biên tập Nguyễn Quang Thống bị khiển trách, Phó Tổng Biên tập Đặng Việt Hoa bị cảnh cáo, Tổng Thư ký tòa soạn Võ Khối bị cách chức. Tất cả những biện pháp trừng phạt này được áp dụng mà không cần có một phiên tòa hình sự nào, chỉ cần chữ ký của bộ trưởng kiêm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đảng là xong. Ông ta đứng trên luật pháp, tự cho mình cái quyền sát phạt bất kỳ nhà báo nào. Chính ông ta là kẻ kết thúc cuộc đời làm báo của nhà báo kỳ cựu Kim Quốc Hoa, từng làm tổng biên tập của 6 tờ báo: Chiến sỹ Hậu cần, Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Xã hội, Xây dựng Doanh nghiệp vàNgười cao tuổi. Kim Quốc Hoa là nhà báo đầy dũng khí từng khui ra 1.500 vụ tham ô tiền của và đất đai, dám lao mình vào vụ Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang và Trần Văn Truyền ở Bến Tre để bị ''tử thương'' một cách bi đát giữa trận tuyến oai hùng, bi đát đến mức bà Cù Thị Hậu, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội người cao tuổi can thiệp bênh vực mà không cứu nổi.
Một cuộc sát phạt báo chí quy mô rộng lớn dưới bàn tay sắt của kẻ sát nhân tự do báo chí "mặt sắt đen sì" Trương Minh Tuấn đang làm rung chuyển cả làng báo Việt Nam giữa cái gọi là "thời kỳ đổi mới". Thật ra thì ông Trương Minh Tuấn đang làm một việc dại dột, đẩy không ít nhà báo lề phải sang lề trái, vì ý muốn tự do là tự nhiên ở mỗi con người, nhà báo chân chính nào cũng muốn là chính mình, không phải bắt chước ai, nói theo ai, khi ký tên riêng của mình dưới mỗi bài báo, con đẻ tinh thần yêu quý của chính mình.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thanh Hóa: Một thanh niên bị bắt vì đăng tin “nói xấu” lãnh đạo cộng sản

CTV Danlambao - Ngày 16/12/2016, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt, tạm giam 3 tháng đối với anh Nguyễn Danh Dũng, 29 tuổi, trú tại phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Anh Dũng bị buộc tội vi phạm điều 258 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Thông tin “lề đảng” nói rằng tại “thời điểm cơ quan chức năng Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa ập vào bắt quả tang ngày 14/12”, anh Dũng “đang đăng tải các video có nội dung phản động”. Công an cũng thu giữ của anh Dũng 2 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động và “nhiều tài liệu khác có liên quan”.

Luận điệu của Bộ công an, Cơ quan an ninh điều tra Thanh Hóa buộc tội công dân là “phản động” vẫn là phát tán các tài liệu “xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để gây sự chú ý, thu hút được nhiều lượt người xem”. 

Tuy nhiên, “tài liệu phản động” dưới dạng các clip này đều được anh Dũng thu thập từ các trang mạng khác, kể cả mạng xã hội cũng như các báo “lề đảng”. Tức là anh Dũng không tự tạo ra các hình ảnh của các “đồng chí lãnh đạo” mà chính các “đồng chí” là nhân vật thật trong các clip đó.

Khoảng tháng 10/2015, Nguyễn Danh Dũng đã trực tiếp tạo lập và quản trị các tài khoản Youtube ThienAn TV; Facebook “ThienAn”, “quachthienan” và blog “tinhhinhdatnuocvietnam.blogspot.com” để đăng tải các video clip phản ánh tình hình trong nước, đặc biệt liên quan đến những phát ngôn, việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm của những người đứng đầu đảng cộng sản. Các clip của anh đã thu hút được hàng triệu lượt xem, góp phần không nhỏ vào việc phản ánh xã hội, đặc biệt là nhận thức của người dân đối với hiện trạng của đất nước.

Đại tá Dương Văn Tiến, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa một mặt lên truyền thông tự ca ngợi chiến công đàn áp quyền tự do ngôn luận mặc khác đã mị dân rằng “trong quá trình phá án, lực lượng công an đã tập trung cao độ, huy động tối đa lực lượng và các phương tiện, đặc biệt là các chuyên gia giỏi để thu thập tài liệu chứng cứ, củng cố hành vi sai phạm của đối tượng do loại tội phạm này phải bắt quả tang mới xử lý được.

Tuy nhiên, rất nhiều công dân Việt Nam là nạn nhân của việc bắt bớ tùy tiện, nhất là liên quan đến các điều 79, 88, 258 vốn được Nhà nước viện dẫn là “xâm phạm an ninh quốc gia” mà không hề có chứng cứ, lý lẽ thuyết phục để kết tội.

Ông Đại tá này không quên nhắc nhở người dân phải “hết sức tỉnh táo trước những thông tin này vì đây là những thông tin, hình ảnh với nội dung xấu. Đồng thời người dân cần tích cực tố giác những hành vi, đối tượng có những hành động vi phạm như trên”.

Luật pháp Việt Nam cũng như các văn bản luật liên quan không hề đưa ra các định nghĩa thế nào là “phản động”; “tuyên truyền”; “xâm phạm lợi ích của nhà nước”… Cũng không quy định rõ thế nào là “xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín…” của lãnh đạo đảng và Nhà nước. Thậm chí, hầu hết các vụ án liên quan đến chính trị, đến các quyền tự do dân chủ đều là những phiên xử kín với các bản án bỏ túi nặng nề dành cho những người yêu công lý và sự thật. Các thẩm phán, kiểm sát viên thậm chí còn không có khả năng, không đủ hiểu biết để tranh tụng với “bị cáo” ngay tại tòa. Điển hình là phiên tòa xét xử hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng hôm 16/12/2016. Hai ông đã bị kết án tổng cộng 25 năm tù giam, 9 năm quản chế chỉ vì dám suy nghĩ. Giống như luận cứ bào chữa của Luật sư Võ An Đôn là “luật pháp không thể bỏ tù suy nghĩ của một con người”. 

Nhưng không thể nói chuyện pháp luật với một nhà nước chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng. Muốn góp sức đổi thay đất nước, mọi công dân Việt Nam đều cần chuẩn bị sắn cho mình một chỗ ở nhà tù.





Nguyễn Xuân Phúc và cái mồm ô nhiễm

CTV Danlambao - Sau "sự cố" - theo kiểu nói của đảng chứ không phải thảm họa môi trường - các quan chức, đứng đầu là Nguyễn Xuân Phúc đã ra rả chuyện bảo vệ môi trường. Nhưng những gì đã và đang xảy ra cho thấy chính cái mồm của ông thủ tướng lại là nơi phát sinh ô nhiễm.

Vào cuối tháng 8, Nguyễn Xuân Phúc mở chiến dịch mị dân bằng cách diễn tuồng "triệu tập Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường" và khẳng định "tinh thần chỉ đạo trong bảo vệ môi trường là huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tập trung xử lý các khó khăn, yếu kém, thực hiện nghiêm túc đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường." (1)

Sau đó là những loại tuyên bố giật gân nhưng rất ô nhiễm như: “phải làm sao để cá có thể bơi được trong nước thải”“Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân.”...

Đặc biệt là trong những tháng vừa qua, Nguyễn Xuân Phúc đã đứng đằng sau Lưu Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen để tìm cách tiến hành dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Sau đó báo chí đã bị ra lệnh câm mồm vì những bất cập của dự án cũng như những phát biểu ô nhiễm của các quan chức bị truyền thông mạng vạch trần (2).

Vào ngày 12/12/2016, một lần nữa dự án thép Cà Ná lại được các quan chức tìm cách đưa vào quy hoạch. Lần này Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài được đưa ra để rao hàng và thông báo tập đoàn Hoa Sen đã có báo cáo tiền khả thi gửi Bộ Công Thương. Hiện dự án đang ở giai đoạn bổ sung vào quy hoạch, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Nguyễn Xuân Phúc (3).

Rõ ràng phải có thép mới có tiền bỏ túi là "quyết tâm chính trị" của Nguyễn Xuân Phúc.

Trở lại với "tinh thần chỉ đạo trong bảo vệ môi trường là huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tập trung xử lý các khó khăn, yếu kém, thực hiện nghiêm túc đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường."

Trong khi Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố cho sướng mồm thì ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra và phải chờ cho người dân lên tiếng, xuống đường phản đối thì sự việc mới được lộ hàng.

Điển hình là mới đây nhất tại Đà Nẵng, vào ngày 14/12/2016, hàng trăm người dân đã bao vây trước cổng Công ty Cổ phần Thép Dana Ý và Cty CP Thép Dana Úc vì 2 công ty này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. (4)

Theo người dân địa phương tại thôn Vân Dương 2 thì hai công ty này đã thải ra khói bụi, khí độc hại suốt nhiều năm nay và không một quan chức nào quan tâm, xử lý.

Điều đó có nghĩa là Nguyễn Xuân Phúc chỉ bảo vệ môi trường bằng mồm và hoàn toàn không có một biện pháp theo dõi, quản lý, khắc phục, nghiêm trị nào đối với những hoạt động ô nhiễm môi trường xảy ra một cách lộ liễu trong nhiều năm. 

Tệ hại hơn nữa là khi người dân phản đối, động thái đầu tiên mà các quan chức địa phương thực hiện là cử người đến để bảo đảm an ninh trật tự và yêu cầu người dân chấp hành theo các quy định của pháp luật.

Trong khi đó thì hệ luỵ Formosa vẫn còn đó. Cá vẫn còn trôi giạt vào bờ và đến tuần qua các quan chức vẫn còn phải tiêu hủy hàng trăm tấn hải sản bị nhiễm độc phenol và cadimi (5) Tại Quảng Bình vào ngày 10/12 cũng đã tiêu hủy hơn 600 tấn hải sản bị nhiễm độc vì chất thải từ Formosa. (6)

Tất cả những gì đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra cho thấy cái gọi là "huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị" của Nguyễn Xuân Phúc trong mục tiêu khắc phục, ngăn chận những thảm họa môi trường. Cái duy nhất mà Nguyễn Xuân Phúc huy động là cái mồm của ông ta. 

Một cái mồm ô nhiễm rêu rao giải trừ ô nhiễm.

17.12.2106



__________________________________

Chú thích:







Giai thoại xem tranh - Tiến sĩ đểu thật

Đi Tới (Danlambao) - Xem tranh vẽ không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là xem các tranh trừu tượng hay tranh lập thể. Về tranh hiện thực, nhiều người có thể thưởng thức (theo cảm tính) vì ai cũng có những kinh nghiệm về vẻ đẹp của con người, thắng cảnh thiên nhiên hay tĩnh vật. Xem tranh trừu tượng khó hơn vì họa sĩ đã “xóa” hết yếu tố hiện thực, chỉ còn lại mảng mầu và ánh sáng. Phải có chuyên môn về hội họa mới có thể “đánh giá phong cách hội họa, trình độ kỹ năng và hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm.”

Người ta thường nghĩ “đã là họa sĩ thì đương nhiên biết xem tranh”. Điều này không hẳn đúng. Họa sĩ Trịnh cung lý giải: “...họa sĩ không biết xem tranh không phải là ít, hay chính xác hơn là phần đông họ chỉ thấy tranh của mình hoặc tranh của họa sĩ khác vẽ theo lối của mình là đẹp mà thôi. Vì thiếu kiến thức về sự phát triển của lịch sử mỹ thuật và thiếu cập nhật thông tin mới về các trào lưu sáng tạo nghệ thuật đang xảy ra nên mọi cái khác với cách vẽ của họ đều bị chê là vẽ bậy bạ.”

Không may thay, những người có quyền thế hay giàu có thường được mời tới khai trương các phòng triển lãm cho thêm phần long trọng và dễ bán các tác phẩm hội họa. Một số những người này, để tỏ ra hiểu biết mặc dù không có óc thẩm mỹ và kiến thức về hội họa, đã mạnh miệng nhận xét hay phê bình tranh một cách ngớ ngẩn, lố bịch khiến các họa sĩ phải khó chịu, bất bình. Bởi vậy, có nhiều giai thoại “cười ra nước mắt” về xem tranh.

Bực mình trước những sự hợm hĩnh đó, một họa sĩ ngoại quốc nổi tiếng đã “chơi khăm” bằng cách dùng khung vải vẽ làm vật quẹt sơn thừa trước khi vẽ vào bức tranh mà ông ta muốn vẽ. Sau một thời gian, khung vải quẹt sơn thừa đó có nhiều mầu sắc và hình thù “bí ẩn”, tác giả đã cho treo chung vào với tranh vẽ khác để triển lãm. Kết quả, “bức tranh” quẹt sơn thừa này đã bán được giá cao với những lời bình luận cũng “cao siêu” không kém.

Một họa sĩ nổi tiếng khác lại dùng đuôi ngựa để vẽ tranh. Ông đặt những thùng sơn và khung vải sau đuôi con ngựa bị cột vào một gốc cây. Khi ăn cỏ, con ngựa đã ve vẩy đuôi lên xuống, rớt vào thùng sơn và quẹt mầu vào khung vải vẽ. Khi khung vải đã có nhiều mầu sắc và một hình dáng “khó đoán”, ông đã cho triển lãm cùng với những bức tranh vẽ công phu khác. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: “bức tranh vẽ bằng đuôi ngựa” đã bán được sớm với giá cao cùng với những lời bình luận sôi nổi.

Hai giai thoại về xem tranh kể trên đã được phổ biến trên báo chí Miền Nam khoảng năm 1966, thời Việt Nam Cộng Hòa. Đây là hai bài học quý giá: Phải rất thận trọng khi phê bình tranh, đặc biệt là tranh trừu tượng và chỉ nên phát biểu những gì mình thật sự biết.

Nói điều mình không biết là làm trò cười và đáng trách, nhưng nói ngược với sự thật mà mình đã biết để bao che cho những hành vi bạo ngược của kẻ cầm quyền còn đáng trách và đáng khinh bỉ hơn.

Trong lúc dân chúng Miền Trung phải chịu hậu quả nặng nề về nhân mạng và tài sản do lũ lụt và việc xả nước của các đập thủy điện gây ra khiến lũ chồng lũ, TS Nguyễn Bách Phúc lập luận: “... Nước xả ấy có phải của Hồ Hố Hô không? - Không phải, vì bản thân hồ không sinh ra nước, mà chỉ xả hết nước lũ mà hồ không thể chứa được. Nói là xả lũ nhưng thực tế là thủy điện cho nước lũ đi qua hồ mà thôi. Mà cho chảy qua là nước của trời, không phải nước của thủy điện.”

Người ta khó có thể ngờ được rằng một tiến sĩ khoa học lại có thể lý luận “ngu xuẩn” và ngang ngược đến thế. Nhận tiền thuế của dân thì nhà cầm quyền có trách nhiệm bảo vệ và đem lại phúc lợi cho dân. Nếu tai họa do thiên nhiên gây ra, nhà cầm quyền phải khắc phục thiên nhiên; nếu do con người gây ra, phải đình chỉ những hoạt động tại hại đó. Dù thế nào, nhà cầm quyền CS cũng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do lũ lụt gây ra và phải bồi thường cho nạn nhân. 

Trước phát biểu vô trách nhiệm và trơ trẻn của TS Phúc, nhà văn Nguyễn Quang Lập phát biểu: “Thú thật thời này rất khó phân biệt lời trẻ trâu với lời một ông tiến sĩ khác nhau chỗ nào.” “Trẻ trâu là những đứa trẻ ngỗ nghịch, ngang bướng, phá phách ở đầu đường xó chợ, thường là “mất dậy”. Sợ ông Tiến sĩ không đủ trình độ hiểu ông ngang với trẻ trâu, nhà văn trào phúng này “bồi” thêm một truyện Tiếu Lâm cực ngắn: “Lời Cuối Cùng Của Bị Cáo Can Tội Hiếp Dâm:

- Thưa quí tòa, nói hiếp dâm nhưng thực tế là chim chui vào bướm mà thôi. Mà chim là của trời chứ không phải của tôi.”

Người ta thường nói nhân loại trải qua thời kỳ đồ đá, đồ đồng và bây giờ, dưới chế độ cai trị của đảng CS, là thời kỳ “đồ đểu”. Toàn xã hội, đi đâu cũng không thể “ghìm cơn mửa” vì toàn là đồ đểu: nhà cầm quyền đểu, chủ tịch đểu, giám đốc đểu, hàng đểu, bằng đểu, Tiến sĩ đểu... Sự trung thực là yếu tố cần thiết để xây dựng và phát triển một xã hội lành mạnh không còn nữa. Thay vào đó, con người cư xử với nhau bằng thái độ “đểu giả”.

Qua phát biểu “...Mà cho chảy qua là nước của trời, không phải nước của thủy điện” của TS Phúc, nếu có ai lên án ông là đồ “đểu giả” là “oan” cho ông quá!. Ông TS Phúc “đểu thật” chứ còn “đểu giả” gì nữa.

18.12.2016


___________________________________

Nguồn:

(*) TS Nguyễn Bách Phúc: “Thủy điện Hố Hô cũng chỉ là nạn nhân như dân chúng”

Chuyện phiền vào lúc cuối năm

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Khi bạn đứng tần ngần trước một quầy hàng bầy thiệp giáng sinh, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm thì mọi chuyện (kể như) đã lỡ. Chúng ta lại chậm trễ mất rồi.

Năm ngoái, cũng vào khoảng thời gian này đây. Nghĩa là cái lúc mà Noel đã đến sát tận lưng, và tết Dương Lịch đang lù lù trước mặt thì (không dưng) bạn nhận được dăm ba cánh thiệp muộn màng.

Thiệp có đặc tính chung là thường chuyên chở một thứ nội dung làm sẵn, và hoàn toàn đã nhẵn - đại loại như: “...một mùa giáng sinh tràn đầy ân sủng Chúa và một năm mới tràn đầy hạnh phúc.” Ân sủng Chúa, nếu có, e cũng khó mà có thể phân phát tùm lum cho toàn thể nhân loại được.

Chúng ta đông quá, và mỗi lúc một thêm đông. Sức Chúa, cũng như sức người, có hạn thôi chớ bộ.

Còn hạnh phúc thì sợ rằng chưa ai biết nó hình dáng hay mùi vị (thực sự) ra sao. Chúng ta chỉ đều hiểu (một cách rất lơ mơ) rằng hễ nói đến hạnh phúc thì chớ dại mà mong cho nó “tràn đầy.” Mọi thứ đầy đều dễ đổ. Và hạnh phúc thì (ôi thôi) cứ đổ bể rầm rầm, ở bất cứ thời nào, và bất cứ nơi đâu.

Bạn có thể không để ý đến nội dung hàm hồ của những tấm thiệp kiểu đó nhưng tên người gửi vẫn khiến bạn phải lưu tâm (chút đỉnh) chớ, đúng không? Ủa, có nhiều thằng cha lạ hoắc; tại sao chả lại gửi thiệp làm chi vậy cà?

Có những con mẹ mà bạn tưởng rằng đã hoàn toàn và vĩnh viễn bước ra khỏi đời mình rồi thì (bỗng dưng) chiều cuối năm - khi nắng vàng dịu dàng đang nhẹ nhàng ôm ấp những thảm cỏ xanh mênh mông ở California - bạn lại nhận được một cánh thiệp (từ nơi xa xăm) của... cố nhân!

Mà không phải là loại thiệp dởm, mua hàng lố đâu. Thiệp loại (cực) chiến, kích thước dềnh dàng, mắc tiền là cái chắc. Cũng không phải chỉ có một chữ ký vội vàng (cẩu thả) bên dưới hàng chữ “Merry Christmas and Happy New Year,” hay vài câu viết thêm vừa vô nghĩa, vừa ngớ ngẩn - như thường thấy - đâu nha. Người ta tuy chỉ viết đôi dòng ngắn ngủi nhưng thiệt là thấm đậm, nồng nàn và (vẫn) tình tứ hết biết luôn.

Cố nhân ơi biết chiều nay ta buồn!

Những cánh thiệp muộn màng (và bàng hoàng) như thế, đôi lúc, làm kẻ nhận vô cùng bối rối. Nó là bằng chứng hùng hồn về cách cư xử (rất) thiếu văn minh của bạn. Nó khiến chúng ta lấy làm tiếc là tại sao mình lại vô tâm đến thế, sao không nhớ gửi thiệp cho thiên hạ - như họ đã (đều đặn) gửi cho mình - vào dịp cuối năm. Có lúc, yếu lòng hơn, nó còn (dám) khiến bạn tự hứa là sang năm sẽ nhớ ghé qua hàng bán thiệp cho phải chuyện, và ghé sớm - cho xong chuyện.

Nếu đến đúng cái lúc gọi là “sang năm” đó mà chúng ta thực hiện được lời hứa một cách nghiêm chỉnh đàng hoàng thì cuộc đời (rõ ràng) là ổn thỏa, và dễ sống biết chừng nào.

Cuộc đời, than ôi, vốn cùng khó sống. Bởi vậy, khi mà bạn có đủ trí nhớ (và nghị lực) để dừng xe, tắp ngay vào một cửa tiệm nào đó thì chuyện gửi thiệp (e) lại muộn mất rồi.

Bạn lại đứng tần ngần trước trước một rừng thiệp giáng sinh, và tất cả đều đã “off” từ bốn đến sáu chục phần trăm - y như năm ngoái, hoặc năm kia vậy. Và tình trạng này (không chừng) đã xảy ra từ năm kỉa, hay năm kìa lận.

Chèng ơi, nếu duyên nợ của bạn đối với mấy tấm thiệp mà cứ nhì nhằng (triền miên) từ năm này qua năm khác, hay từ thập niên nọ đến thập niên kia thì cũng đừng vì thế mà... bi lụy quá, rất hại cho sức khỏe. Như vậy, không chừng, còn là một điều may mắn nữa đó nha.

- Ủa, may sao?

- Dạ, đúng!

Nói tình ngay thì bạn cũng không may gì mấy. Có điều, chắc chắn, là bạn vẫn may mắn hơn cả đống người Việt tha hương khác. Xin đơn cử một thí dụ, về một trường hợp rất không may, bằng cách tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở.

Có kẻ ngay sau khi thấy rằng chuyện gửi thiệp giáng sinh không còn kịp nữa thì họ quyết định ngay là mua thiệp xuân để gửi đi cho kịp Tết. Họ thua keo này (liền) bầy keo khác.

Họ suy tính cái rẹt; hành động cái rột. Thấy mà đã mắt, nghe mà sướng tai. Trong sinh hoạt hàng ngày của họ không có những giờ phút (vớ vẩn) kiểu như “tần ngần,” “do dự” hay “nuối tiếc”... về bất cứ chuyện gì. Bạn thấy họ sống mà ham quá, đúng không?

Khoan, gượm chút xíu nha... Có nhiều chuyện (ngó) tưởng vậy chớ không phải vậy. Từ từ rồi bạn sẽ thấy là họ cũng khốn đốn thấy mẹ luôn...

Hãy hình dung ra chính bạn đang ngồi ngay ngắn nơi bàn viết, với một đống thiệp xuân – mua trước Tết cả tháng trời - và với địa chỉ của tất cả những người quen trên “toàn thế giới” đi. Rồi sao nữa? Không lẽ ký tên cái ào bên dưới câu “Cung Chúc Tân Xuân” rồi gửi (đại) đi sao?

Đâu có được, cha nội! Làm như vậy thì thà “làm biếng” còn hơn. Mỹ, Tây, Tầu, Đại Hàn, Ba Lan, Nhật Bổn, Miên, Lèo, Miến Điện... thì sao không biết, chớ người Việt mà nhận được một cái thiệp ký tên (xuông) như vậy là họ mích lòng (cấp kỳ) à nha. Bạn phải viết vô đó vài chữ cho nó đàng hoàng chớ. Câu hỏi hỏi đặt ra là (Trời ơi) biết viết cái gì đây ?

Với bố mẹ, anh chị, cô dì, chú bác... đang còn (kẹt) ở Việt Nam thì bạn tính sao? “Một mùa Xuân an bình” hay “con cầu chúc bố mẹ, anh chị, các em, các cháu luôn được vui tươi và khỏe mạnh trong năm mới...”

Nghe đặng không?

Nè (tui nói cho mà hay nha) dù thân nhân ở quê nhà có thương yêu bạn cách mấy, và có xuề xòa dễ tính đến đâu chăng nữa, họ cũng không chấp nhận được những lời cầu chúc vô tâm và vô trách nhiệm quá cỡ vậy đâu. Nếu ở Việt Nam mà có “một mùa xuân an bình,” hay một cuộc sống “vui tươi và khỏe mạnh” thì đâu có lý do gì để cả nước phải chen chân đi lấy chồng xa, đi lao động xuất khẩu, hay băng băng chui đầu vào rừng núi xứ người để trở thành... một đámngười rơm - hay còn gọi là người rừng, hoặc nouveaux boat people, những thuyền nhân mới của thế kỷ 21 - những kẻ tứ cố vô thân, bị trấn lột, bị cuỡng dâm, và bị coi như rác rưởi bên lề xã hội, ở đất lạ xứ người.

Rồi chúng ta viết điều gì trên cánh thiệp giáng sinh gửi cho một đứa em, hay đứa cháu, đi lấy chồng xa (nhưng không ở nhà chồng) và đang ở trong... nhà thổ? Và chúng ta nói sao với một người thân đi xuất khẩu lao động nhưng chưa được trả một đồng tiền lương nào, cả năm nay? “Một năm mới tràn đầy hy vọng”chắc?

Thôi bỏ đi Tiến ơi. Hết năm rồi, nói chuyện gì khác (một bữa) được không? Sao không gửi cho nhau đôi lời chúc mừng may mắn và vui vẻ cho rồi. Mệt mỏi nguyên năm rồi (bộ) chưa đủ hay sao cà?

O.K. That’s fine! Như vậy, giữa chúng ta - những kẻ may mắn, không ít đứa còn được coi như “thành đạt” nữa là khác (dù là “thành đạt trong thời buổi nhiễu nhương) và đều đang sống an bình phú túc ở hải ngoại - sẽ gửi cái gì “cho nhau” qua cánh thiệp cuối năm ?

Những lời chúc tụng truyền thống đều quá date hết trơn rồi, đâu còn sài được nữa? “Chúc ông bà, anh chị… làm ăn phát tài gấp năm, gấp mười năm ngoái” nhá? Đ... mẹ, nói vậy có đứa dám tưởng là mình xúi nó đi ăn cướp nhà băng hay bán ma túy.

Cũng chớ có quen miệng mà “boong” một câu, kiểu như “đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái” nha, má non. Cái gì chớ phá thai là chuyện rất phiền, và tốn tiển dữ lắm. Đừng có nói năng lạng quạng mà gây thù chuốc oán như không.

Hay là cũng bỏ qua luôn mấy chuyện lẻ tẻ đó đi. Phang đại một lời cầu chúc cho quê hương và đại cuộc cho nó... ngon lành. Tới luôn bạn vàng, đâu có chết thằng Tây nào mà sợ:

“Chúc đất nước sớm tai qua nạn khỏi” nhá.

Hay:

“Hãy giữ vững niềm tin để mai này chúng ta sẽ cùng về xây dựng lại Việt Nam.”

Nghe thì cũng vui nhưng nghĩ lại (e) hơi khó. Với hiện trạng (nát như tương) ở ngoài này, ngó bộ, mốt (hay ngày kia) cũng chưa chắc về nổi chớ đừng nói chi mai; trừ khi, bạn được mời về tham dự Đại Hội Việt Kiều (vào năm tới, nếu có) hay giả dạng làm du khách “chơi lén” một chuyến thì không kể.

Khó há. Lờ tít chuyện thiệp xuân thiệp tết đi thì cũng hơi kỳ, nhưng nhào vô cái vụ này thì phiền phức quá. Đời sống, tự nó, đã phiền phức quá rồi mà. Bầy thêm chuyện để phiền mình (và phiền lẫn nhau) làm chi, cho má nó khi?

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn vai trò trang nhã, có tính cách truyền thống, rất đáng giữ gìn, của những cánh thiệp trao đi gửi lại - vào dịp cuối năm. Rõ ràng là nó đẹp, và vô cùng lịch sự nhưng chỉ e nó không hợp (mấy) trong lúc này thôi. Cái lúc mà chúng ta vẫn còn đang sống giữa nhũng mùa xuân ly loạn đó mà.

18.12.2016

Miền Trung: 2 tháng, thiên tai, nhân tai khiến 100 người chết

Người dân miền Trung kiệt sức vì lũ chồng lũ. (Hình: VnExpress)
HÀ NỘI (NV) – Chỉ hai tháng rưỡi, “nhân tai” hợp sức với thiên tai đã làm chết 94 người và 12 người còn mất tích do hậu quả của lũ lụt ập đến với những dân các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Theo các con số thống kê của Ủy Ban Trung Ương Phòng Chống Lụt Bão Trung Ương đưa ra, từ đầu Tháng Mười đến giữa Tháng Mười Hai, 2016, những trận mưa lũ kéo dài đã gây thiệt hại trầm trọng cho cả người và tài sản cho các tỉnh từ phía Bắc miền Trung kéo dài xuống các tỉnh như Bình Định Phú Yên.
Mưa tầm tã với lượng nước mưa tùy khu vực từ 300mm đến 500mm đã gây ngập lụt khiến nhiều khu vực bị chia cắt, đất lở, cầu dường bị hư hỏng. Đường xe lửa Bắc Nam cũng không tránh khỏi thiệt hại.
Chỉ riêngba ngày từ 13 đến 16 Tháng Mười Hai, 2016, cơ quan trên thống kê thấy các tỉnh báo cáo tổng cộng có tám người chết, trong khi bốn người còn bị ghi nhận mất tích, sáu người bị thương. Có 3,345 nhà bị ngập nước và 53 ngôi nhà bị sập đổ. Có 4,912 ha lúa bị ngập nước, 4,237 ha hoa màu rau đậu bị ngập, 163 trâu bò và 2,300 gà vịt bị chết. Rất nhiều cầu và dường lộ bị nước lũ làm hư hỏng.
Miền Trung: 2 tháng, thiên tai, nhân tai khiến 100 người chết
Người dân xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc dùng ghe di chuyển trong lũ. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo cơ quan trên tổng kết từ đầu Tháng Mười, 2016, đến nay thì đã có 94 người chết, 12 người mất tích và 107 người bị thương, hậu quả của lũ lụt. Đồng thời, có 208,213 ngôi nhà bị ngập nước trong khi 3,069 ngôi nhà bị sập. Lũ lụt cũng làm ngập lụt 37,131 ha lúa, 37,367 ha hoa màu, 3,865 ha cây kỹ nghệ và 17,3725ha cây ăn trái. Đồng thời, lũ lụt cũng làm chết 16,747 trâu bò và 1,128,265 gà vịt. Nhiều cầu và đường sá bị hư hỏng.
Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 8,077 tỷ đồng hay khoảng $355 triệu).
Cơ quan phòng chống lụt bão trung ương của Hà Nội không nói gì đến nguyên nhân chính yếu của sự thiệt hại lớn lao nói trên là do các đập thủy điện từ Hà Tĩnh đến Phú Yên ào ạt xả lũ. Trước khi có các đập thủy điện, lũ vẫn xảy đến hàng năm nhưng không có những thiệt hại kinh khiếp như vậy.
Lũ chồng lũ, người dân bơi trong biển nước hơn hai tháng đến nay đã gần như kiệt sức, đời sống hàng ngày bị đảo lộn. Báo điện tử VnExpress ngày 16 Tháng Mười Hai, 2016 thuật lời bà Nguyễn Thị Nhị (huyện Tuy Phước, Quảng Nam) cho biết nhà cửa chìm trong lũ, vợ chồng bà chỉ kịp ẵm con, vật nuôi bỏ chạy. “Lũ liên tiếp khiến chúng tôi kiệt sức rồi,” bà Nhị nói.
Miền Trung: 2 tháng, thiên tai, nhân tai khiến 100 người chết
Lực lượng hữu trách tìm kiếm thi thể em Hoàng Thế Ái trong chiều 16 Tháng Mười Hai ở Huế. (Hình: Tuổi Trẻ)
Tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Sáu cho hay Tập Đoàn Điện Lực Quốc Doanh (EVN) xác nhận “đang có 13 hồ chứa thủy điện của các đơn vị thuộc EVN đang xả lũ, do mưa lớn đã gây lũ trên các lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Côn – Hà Thanh, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Srêpôk…”
Theo bản tin này, trong số 13 hồ chứa thủy điện của các đơn vị thuộc EVN đang “xả điều tiết,” EVN cho biết có một số hồ đang xả với lưu lượng trên 1000m3/s. Như thủy điện Sông Tranh 2 xả 2035m3/s, thủy điện Sông Ba Hạ xả 2800m3/s, thủy điện sông Bung 4 xả 1452m3/s…
Để chạy tội xả lũ cứu đập thủy điện khỏi vỡ như giết chết dân “EVN khẳng định trong quá trình vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện, các công ty thủy điện thuộc EVN đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuân thủ theo các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa và thực hiện xả điều tiết theo chỉ đạo của các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.”

Cộng các lợi ích về điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ bé, có so sánh được với sự mất mát to lớn về người và tài sản và sự đau khổ mà người dân đang phải gánh chịu, không thấy có một thống kê nào đưa ra. (TN)

Sạt lở đất đá trên đèo Cả, quốc lộ 1 tê liệt

Lực lượng hữu trách đang giải tỏa mặt đường để thông xe. (Hình: Tuổi Trẻ)
PHÚ YÊN (NV) – Sạt lở đất đá ở đèo Cả, đèo Cổ Mã nối Khánh Hòa với Phú Yên khiến giao thông qua lại trên bộ nơi này bị tê liệt.
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, trên đèo Cả có gần 10 điểm sạt lở lớn nhỏ, trong đó có những điểm sạt lở nặng đến 3-4 vị trí trên tuyến đèo độc đạo này.
Ông Trần Hữu Thế, phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cho biết, việc giải tỏa lượng lớn xe cộ đang bị kẹt và đất đá sạt lở gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu. Hàng ngàn chiếc xe đang bị ùn ứ dọc quốc lộ 1 và quốc lộ 29.
Các tài xế đường dài Bắc-Nam cho hay, từ nửa đêm ngày 16 Tháng Mười Hai, đèo Cả trên tuyến quốc lộ 1 đã bị tê liệt. Nói với phóng viên Dân Trí, ông Trịnh Xuân Trình, một tài xế xe khách 50 của Thanh Hóa cho biết, vị trí sạt lở tính từ chân đèo Cả lên khoảng 2-3 cây số, thuộc tỉnh Phú Yên. Hiện các phương tiện bị ách tắc nối dài, chưa biết khi nào sẽ thông đường.
Cùng lúc, ông Nguyễn Công Định, giám đốc Sở Giao Thông tỉnh Khánh Hòa, cho biết thêm, khu vực đèo Cổ Mã, tỉnh Khánh Hòa cũng bị tắc khiến giao thông đình đốn.
Bên cạnh đó, ngoài đỉnh Hòn Giao, thuộc đèo Khánh Vĩnh, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 60 cây số bị sạt lở, toàn tuyến đường 723 nối thành phố Đà Lạt và Nha Trang có điểm sạt lở lớn nhưng không gây ách tắc. Tuy nhiên, lượng đất đá đổ xuống từ vách núi mỗi lúc một nhiều do mưa lớn không ngớt.
Ngoài ra, tại đèo Rù Rì, tỉnh Khánh Hòa cũng bị sạt lở nghiêm trọng, cộng với điểm sụt lún, nền yếu cách ga Hảo Sơn về phía nam gần 1 cây số khiến đường sắt Bắc-Nam ách tắc. (Tr.N)