Friday, July 22, 2016

Thực hư vụ ‘chèn sóng tiếng Trung ở Đà Nẵng’

Một số người dân ở quận Ngũ Hành Sơn đã phản ánh việc loa phát thanh ở khu vực mình sinh sống bị chèn sóng tiếng Trung. (Ảnh tư liệu)
Một số người dân ở quận Ngũ Hành Sơn đã phản ánh việc loa phát thanh ở khu vực mình sinh sống bị chèn sóng tiếng Trung. (Ảnh tư liệu)

VOA Tiếng Việt
21.07.2016 
Chính quyền trong nước mới công bố kết quả điều tra một đài phát thanh thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, bị chèn sóng tiếng Trung Quốc, sau khi “xác minh” vụ việc.
Báo chí trong nước dẫn lời ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết hôm 19/7 rằng “cụm loa bị nhiễu sóng và phát tiếng Trung là một trong 14 cụm loa trong khu dân cư thuộc phường Khuê Mỹ”.
Quan chức phụ trách phát thanh này cho biết thêm rằng “khi đoàn kiểm tra tới vận hành thử nhiều lần thì loa hoạt động, không bị nhiễu sóng”.
Ông Hoan cho rằng việc một cụm loa phường bị nhiễu sóng trong thời gian ngắn và không lặp lại có thể xuất phát từ nguyên nhân “kỹ thuật không đảm bảo”, và rằng “nếu bị phát trùng tần số thì tất cả cụm loa trên hệ thống đài truyền thanh quận đều phải thu được cùng nội dung vào cùng thời điểm”.
Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường Hòa Quý ở Đà Nẵng, cho VOA Việt Ngữ biết, “vụ nhiễu sóng lạ thu hút sự quan tâm của người dân”.
Ông nói thêm:
“Đà Nẵng mở đài, mở radio thì nhiễu tiếng Trung Quốc. Tiếng Trung Quốc không, chứ không có tiếng Việt. Nghe nói bức xúc dư luận vì mở đài ra là nghe tiếng Trung Quốc, không nghe tiếng Việt mình”.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, một số người dân ở quận Ngũ Hành Sơn phản ánh việc loa phát thanh ở khu vực mình sinh sống bị chèn sóng tiếng Trung.
Một người dân có tên Song Ngọc viết: “Mỗi lần đài phát thanh quận Ngũ Hành Sơn phát thì đều bị phát qua tiếng Trung Quốc. Sao không có biện pháp khắc phục nhỉ? Vấn đề này xảy ra rất lâu rồi…”
VOA Việt Ngữ đã gọi điện liên lạc với bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận này, nhưng bà từ chối trả lời.
Trả lời báo chí trong nước trước đó, bà Thi nói rằng “nghi có hiện tượng nguồn phát sóng từ biển phát vào, nhắm vào khu vực dọc biển miền Trung Việt Nam khiến các đài phát thanh, truyền thanh dọc biển bị ‘nhiễm sóng’, chèn sóng”.
Quan chức địa phương này nói thêm rằng “do sóng phát từ ngoài biển vào” nên “Cục Tần số cũng không quản lý được vì trạm phát sóng được nhận định là không trên lãnh thổ Việt Nam nên không xử lý được”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hải, cho VOA Việt Ngữ biết rằng vụ việc đã được xử lý.
Ông nói thêm:
“Có cụm loa của Khuê Mỹ bị nhiễu sóng. Mấy ngày hôm nay thôi nhưng hình như đã xử lý xong hết rồi. Toàn bộ hệ thống đã được tắt đi. Tắt hết các loa đó và thay hệ thống mới rồi. Bây giờ không còn tình trạng nhiễu nữa”.
Sau Đà Nẵng, theo truyền thông trong nước, hai địa phương ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, cũng bị tình trạng nhiễm, chèn sóng Trung Quốc “chưa rõ nội dung” trong “gần một tháng”.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Trương Công Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng trên, “trước mắt sẽ cho lắp bộ lọc mã hoá để khi đài phát ra chỉ thu được sóng trong nước”.

'Có vấn đề' về phương pháp xếp hạng VN là quốc gia hạnh phúc thứ 5 thế giới

 Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc đo lường mức độ hạnh phúc của một nước trong mối liên hệ với sự no đủ, tuổi thọ và bất bình đẳng xã hội rồi chia cho mức độ tác động đến sinh thái của đất nước.
Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc đo lường mức độ hạnh phúc của một nước trong mối liên hệ với sự no đủ, tuổi thọ và bất bình đẳng xã hội rồi chia cho mức độ tác động đến sinh thái của đất nước.
An Tôn - VOA22.07.2016 
Báo Independent của Anh hôm 21/7 đưa tin Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách 10 nước hạnh phúc nhất thế giới. Đây là kết quả đánh giá về Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc của Quỹ Tân Kinh tế học ở Anh. Chỉ số này đo lường mức độ hạnh phúc của một nước trong mối liên hệ với sự no đủ, tuổi thọ và bất bình đẳng xã hội rồi chia cho mức độ tác động đến sinh thái của đất nước.
Sau khi tin này được báo chí trong nước đưa lại, nhiều người Việt Nam đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng kết quả đó chỉ nên coi là tính tham khảo vì trên thực tế mức độ hài lòng với cuộc sống ở Việt Nam còn thấp, chưa nói đến hạnh phúc.
Chia sẻ với quan điểm vừa kể, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Hà Nội, chỉ ra rằng phương pháp phỏng vấn, lấy mẫu ở Việt Nam của Quỹ Tân Kinh tế học có thể không đúng đối tượng. Bà nói với VOA:
“Tôi cho rằng tất cả các tiêu chí đó của Việt Nam đều có vấn đề. Tuổi thọ của Việt Nam cũng không phải là cao. Về môi trường thì rõ ràng là có quá nhiều vấn đề. Việc khai thác tài nguyên của Việt Nam từ trước đến nay rất là không bền vững. Việt Nam đang ở trong thời kỳ mà cái phân tầng xã hội nó càng ngày càng lớn. Ở Việt Nam có một số những người rất giàu, còn lại có những người rất nghèo. Cái bất bình đẳng tôi nghĩ nó khá là rõ. Nếu mà nói về bình đẳng thì cũng rất là khó để xếp Việt Nam ở một cái top cao của hạnh phúc. Tôi cảm thấy những cái đánh giá, nghiên cứu đấy có thể rất có vấn đề về phương pháp”.
Tỏ ý nghi ngờ về tính đáng tin cậy trong cách đánh giá về vấn đề sinh thái, môi trường, chị Mai Mai Hương, một cựu ký giả có 14 năm viết về các chủ đề văn hóa, xã hội hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến như sau với VOA:
“Riêng về vấn đề sinh thái thì rõ ràng là không chính xác vì là trong năm qua Việt Nam đã đối mặt với các vấn đề về môi trường rất là trầm trọng, đặc biệt là vụ cá chết. Nhưng mà tại sao ở một quốc gia mà cá chết dọc bờ biển đến 200 kilomet mà lại vẫn đạt được một số đỉnh cao về sinh thái thì cũng không rõ lắm về cách tính của họ”.
Thảm họa ô nhiễm biển do hãng Formosa gây ra ở Hà Tĩnh làm cá chết ở vùng biển 4 tỉnh đã khiến ngư dân các tỉnh miền trung vẫn điêu đứng từ tháng 4 đến nay.
Anh Nguyễn Văn Mộng, một người dân ở thôn Cồn Sẻ, ven biển tỉnh Quảng Bình, ngay sát nơi khởi nguồn thảm họa cá chết, khi được hỏi cá nhân anh và người dân địa phương có hạnh phúc với tình hình môi trường và các mặt khác của đời sống hiện nay hay không, đã trả lời:
“Không hạnh phúc được tí mô anh ạ. Toàn là bất an đến giờ, hạnh phúc chi anh”.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm các nước hạnh phúc nhất thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế khác, kể cả Viện Gallup của Mỹ, trong các năm trước như 2009, 2012 cũng từng xếp Việt Nam trong số các nước hạnh phúc hàng đầu thế giới với căn cứ vào các tiêu chí khác nhau.
Mặc dù vậy, bất cứ khi nào các kết quả như vậy được đưa ra, luôn có đông đảo người Việt Nam cho rằng việc xếp hạng đó không phản ánh đúng thực tế. Để có đánh giá chính xác hơn về mức độ cảm nhận hạnh phúc ở Việt Nam, Tiến sỹ Hồng nêu ra yếu tố cần được tập trung nhất vào:
“Hiện nay có lẽ thiết thực nhất là chữ an toàn. An toàn đây là nói an toàn trong thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn trong môi trường xã hội. Những cái mâu thuẫn xã hội hiện nay rất dễ dàng bùng nổ. An toàn nói chung ở Việt Nam bây giờ tôi nghĩ là rất là có vấn đề. Tôi nghĩ đối với người Việt Nam thì có lẽ đấy là một trong những vấn đề hết sức là ưu tiên. Thế rồi là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cái môi trường sống hiện nay cũng không an toàn. Môi trường tự nhiên đang bị phá hủy”.
Bà viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cũng gợi ý cần chú ý đến các dịch vụ xã hội cơ bản như dịch vụ giáo dục, y tế. Các khảo sát của chính một số cơ quan ở Việt Nam gần đây đã chỉ ra rằng người dân Việt Nam “hoàn toàn không hài lòng” vào các dịch vụ này. Bà Hồng bình luận:
“Nếu mà các vấn đề an toàn như tôi vừa nói đang có vấn đề, rồi những dịch vụ xã hội cơ bản cũng chưa đáp ứng thế thì khó có thể nói là người Việt Nam cảm thấy hạnh phúc được”.
Tiến sỹ Hồng cũng nhắc đến thực tế là hiện nay đang ngày càng có nhiều người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài. Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã không công nhận tư cách đại biểu của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau khi phát hiện bà này đã xin quốc tịch Malta cho cả gia đình. Trên bình diện rộng hơn, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho VOA biết trong hai năm nay số người giàu và doanh nhân Việt Nam xin quốc tịch nước ngoài đã tăng lên rất nhiều.
Bà Khuất Thu Hồng nhận xét rằng “việc đó thể hiện chắc chắn là có nhiều người không hài lòng với cuộc sống ở đây”.
Theo cách đánh giá của Quỹ Tân Kinh tế học Anh, nước Costa Rica nhỏ bé ở Nam Mỹ là nước hạnh phúc nhất thế giới. Quỹ cho hay đứng thứ nhì là Mexico mặc dù nước này có nạn tham nhũng và bạo lực băng đảng hoành hành. Trong nhiều năm nay, đã có một số lượng lớn người dân Mexico tìm nhiều cách để nhập cư vào Mỹ để tìm kiếm các cơ hội kinh tế trong khi Mỹ chỉ xếp hạng 108 về hạnh phúc trong bảng kết quả vừa rồi.

Kẻ nào "nhởn nhơ" hơn? Kẻ cắp hay kẻ trộm?

1. Kẻ cắp và kẻ trộm gặp nhau

Các cụ nhà ta có câu: Kẻ cắp bà già gặp nhau! Hàm ý nói lên: Kẻ cắp thì ranh ma, bà già thì ranh mãnh. Câu này có ý nói 2 đối thủ ngang tài ngang sức gặp nhau. Nhưng câu chuyện dưới thời "Xã Nghĩa" hôm nay thì: Kẻ cắp và kẻ trộm gặp nhau!

Chuyện là: Hôm qua, Việt Nam xử án tên tội phạm Nguyễn Tiến Quân với mức án"Tại phiên tòa sáng 21/7, HĐXX tuyên phạt Quân 8 năm tù. Ngoài ra, Quân còn phải thi hành thêm 2 năm tù do TAND TP Đồng Hới (Quảng Bình) và TAND TP Đông Hà (Quảng Trị) tuyên vào đầu năm nay." (1)

Hẳn độc giả sẽ hỏi: Tên Quân này bị tội gì vậy?

Thưa rằng tên Quân đó đã bị tội: "ăn cắp"! Cụ thể là hắn đã "39 lần phá cửa, chui vào phòng làm việc của các quan chức tại 9 tỉnh." và "Quân chỉ bị bắt khi đang ‘đập hộp’ phòng Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự ""Không ai tóm được siêu trộm này".

Mãi đến lần thứ 39, khoảng 20h tối 20/6/2015, Quân đến phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự, đang cạy cửa thì bị ông Cự phát hiện.

Đối mặt với ông Cự, Quân hoảng hốt nhảy từ tầng 2 xuống bị thương và đưa vào bệnh viện điều trị." (1)

À, thì ra tên Quân này ghê thiệt, ăn trộm tới lần thứ 39 mới bị bắt!

À, thì ra ông Võ Kim Cự kia ghê thiệt, không những có tài coi thường phép nước, mà còn có cả tài bắt trộm!

Ông Võ Kim Cự kia là ai mà "có tài coi thường phép nước"? Trong khi phép nước chỉ cho phép cho Formosa thuê 50 năm thì ông ta đã ký 70 năm (2).

Trở lại cái tên trộm cắp Nguyễn Tiến Quân kia thì trong 39 lần "phá cửa, chui vào phòng làm việc của các quan chức tại 9 tỉnh" thì hắn trộm được cái gì vậy? Hắn trộm văn của các quan à? Hắn trộm chữ của các quan à?

Không! Hắn trộm tiền! Hắn trộm rất nhiều tiền!

Hắn trộm tiền: "Cụ thể, ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy khi đó khai mất 80 triệu đồng; ông Lê Đình Sơn (nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch, hiện là Bí thư Tỉnh uỷ) khai mất 20 triệu; ông Đặng Trần Phong, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc khai mất 90 triệu; ông Võ Hữu Hào (Chủ tịch Can Lộc) khai mất 143 triệu..."(1)

Hắn trộm rất nhiều tiền! Nhưng các quan chỉ khai... in ít thôi: "Cáo trạng truy tố Quân trước tòa ghi rõ: Nguyễn Tiến Quân khai nhận lấy trộm số tiền nhiều hơn số tiền các bị hại khai mất, nhưng không có cơ sở kết luận." (1)

Ủa, vì sao vì sao hắn trộm rất nhiều tiền! Nhưng các quan lại chỉ khai... in ít thôi?

Xin thưa rằng bởi đó cũng là tiền các quan vừa đi... ăn trộm về! (Không ăn trộm thì với đồng lương vài triệu - sao quan nào cũng để ở công sở lắm tiền vậy?)

Tiền vừa đi ăn trộm về mà khai nhiều thì trả hóa ra các quan lại ăn trộm nhiều thế à?

Mà đâu chỉ mình các quan ở Hà Tĩnh mới khôn mà khai... in ít đi, các quan ở "Thành phố đáng sống" nhất Việt nam lại còn khôn hơn cơ, mất của nhưng họ không hề khai báo: "Còn nhớ khi hàng loạt công sở, nhà các đại gia quan chức ở Đà thành trong thời gian ngắn đồng loạt bị trộm viếng thăm. Nhưng rất ít khổ chủ trình báo công an. Đây là khó khăn lớn nhất mà lực lượng công an Đà Nẵng đối mặt trong suốt thời gian dài." (3)

Mà đâu chỉ mình tên Quân mới khôn đến độ biết công sở là nơi lắm tiền, tên Vũ ở Đà Thành kia cũng khôn không kém: "Khi được hỏi tại sao chọn công sở để trộm, Vũ bảo các công sở dễ vào, ít người chú ý. Trộm nhà dân dể bị bắt. Ở công sở nhiều tiền mặt, nhiều máy móc dễ trộm hơn nhà dân." (3)

Tên Quân kia bị kết tội 10 năm tù giam đâu là nặng? Tên Tân ở Đà Thành kia còn nặng hơn cơ: "Cũng hành vi trộm cắp gây chấn động chốn Đà Năng thời gian qua, nhưng “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân lại có sở thích đột nhập vào nhà đại gia và quan chức để trộm.

Tân thừa nhận nhà đại gia, quan chức lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào cho mất công?

Trong phiên tòa hôm ngày 10-6 vừa qua, gã bị TAND TP. Đà Nẵng tuyên mức án chung thân..." (3)

Bởi vì tên Tân này đã trộm được nhiều hơn "Số tiền đột nhập nhà đại gia, quan chức Tân trộm được hơn 10 tỷ đồng được sử dụng mua đất, mua nhà, xe ô tô và ăn chơi." (3)

2. Người dân ngây thơ tự hỏi: Quan ơi bận gì mà không cất tiền đi?

"Qua 2 vụ án này, điều người dân Đà Nẵng quan tâm nhiều nhất là tại sao nhà các đại gia, quan chức, nơi công sở lại để nhiều tiền mặt tạo điều kiện cho hai “siêu trộm” hoành hành." (3)

Thưa rằng: Quan còn chưa kịp cất, vì nó nhiều lắm!

Nào là: Tiền bọn nhận thầu xây dựng công trình lại quả 10% (10% doanh thu - có nghĩa là cứ xây dựng một công sở, một con đường... trị giá 100 tỷ thì quan đã có 10 tỷ! 1000 tỷ thì phần của quan là 100 tỷ!...), Nào là tiền cha mẹ Học sinh, sinh viên chạy việc (Mỗi suất biên chế từ 200 triệu tới 1 vài tỷ - tùy cơ quan) Nào là tiền cấp dưới chạy chức (Mỗi chức từ phó phòng trở lên đều có giá: Phó phòng thì 300 triệu - 2 tỷ - tùy loại phòng có kiếm ăn được nhiều hay không... Trưởng phòng thì từ 500 triệu - 5 tỷ, tùy loại... rồi Phó giám đốc sở, Giám đốc sở, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND... Nhiều loại tiền lắm! Quan làm sao cất kịp?

Nào là tiền người nhà Bệnh nhân "bồi dưỡng" Bác sĩ để Bác chữa bệnh cho, nào là tiền học sinh đóng phong bì để Thầy giáo cho điểm cao... Rất nhiều! Rất nhiều! Rất nhiều!

Nào là tiền cấp dưới mừng quan lên chức, cấp dưới mừng quan đi công du nước ngoài... Nào là tiền biếu Lễ, Tết... Nhiều loại tiền lắm! Quan làm sao cất kịp?

(Chết, nói ra thế này mà bọn "kẻ cắp" nó biết nó lại trực ở cổng nhà quan mỗi chiều quan sách cặp số về nhà mà bọn cướp nó cướp thì bỏ mẹ quan đấy, các phong bì còn chưa kịp bóc ra, như thế thì nó lộ hết cả bọn biếu xén như là cái vụ"Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ quên vali đầy tiền - VnExpress" ấy - Lạy trời, đừng mách cái bọn kẻ cướp đáng ghét nhé.).

3. Kẻ nào " nhởn nhơ" hơn? Kẻ cắp hay Kẻ trộm?

Báo chí lề đảng của bọn "Xã Nghĩa" thì cái bọn kẻ cắp kia lại cứ "nhởn nhơ":"Trước giờ bị tuyên án, gương mặt bị cáo Nguyễn Tuấn Vũ vẫn nhởn nhơ không chút sợ hãi. Dường như chốn lao tù với tên “siêu trộm” này không là nỗi lo lắng như bao bị cáo khác tại tòa mà tôi từng chứng kiến.

Thái độ ngông ngênh thể hiện trước tòa sáng 22/7 khi gã lớn tiếng cắt ngang lời vị đại diện Viện KSND và yêu cầu HĐXX cho hắn ngồi để nghe vì lý do sức khỏe không đứng được.

Trước tòa, Vũ vẫn thể hiện mình là “đại ca” với vẻ mặt bất cần đời..." (3)

Thật là đáng ghét, đã phạm tội ăn cắp rồi mà lại còn "vẫn nhởn nhơ" với " Thái độ ngông ngênh"!

Nhưng kìa, các quan từ Xã, Phường, lên đến Huyện, Quận rồi Tỉnh, Thành Phố, và cả Trung Ương nữa - Hàng triệu các quan có quan nào là không ăn của đút? Có quan nào là không ăn khoản 10% xây dựng lại quả không? Có quan nào là không nhận tiền chạy việc, chạy chức không?...

Nhìn kìa, nhìn bầy "Đại biểu Quốc hội khóa mới viếng lăng Bác" có quan nào là không ăn của đút? Có quan nào là không ăn khoản 10% xây dựng lại quả không? Có quan nào là không nhận tiền chạy việc, chạy chức không?...

Có quan nào mà chiều chiều không sách về nhà những cái cặp... be bé mà bên trong không có những cái phong bì... nho nhỏ chứa những đồng tiền nhơ bẩn nhưng có mệnh giá To To?

Nhưng kìa, Mặt các quan... có quan nào không "nhởn nhơ"?

Vậy, kẻ nào " nhởn nhơ" hơn? Kẻ cắp hay Kẻ trộm?


Việt Nam, 23.07.2016


_______________________________

Chú thích:



Tiếng thở dài của người dân Cồn Sẻ

Mỹ Hiệp (Danlambao) - 500 triệu USD cùng một lời “xin lỗi” chứ chưa nhận tội là cái giá rất bèo so với những hệ quả mà người dân phải gánh chịu từ hành động xả độc tố ra biển của tập đoàn Formsa. Hàng triệu ngư dân, thương nhân kinh doanh thủy hải sản, những người làm dịch vụ nhà hàng, du lịch, khách sạn ở miền Trung sẽ mất kế sinh nhai trong hàng chục năm trời.

Chúng tôi về đến Cồn Sẻ (Quảng Bình), một trong 4 tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong vụ cá chết dạt trắng bờ vừa đúng nhá nhem tối. Ấn tượng về những người dân tụm năm tụm bảy nhìn xa xăm ra biển, những đứa trẻ nhếch nhác xây lâu đài cát ven bờ có lẽ là những hình ảnh mãi in đậm trong tâm trí chúng tôi.


Kể từ thời điểm cá chết cho đến nay, hàng chục con tàu lớn, nhỏ trong thôn phải nằm phơi nắng, phơi sướng vì số lượng cá đánh bắt được ngày càng ít. Mặt khác người dân không dám mua cá về ăn do sợ cá nhiễm độc. Thậm chí nhiều chuyến đi biển về còn bị thua lỗ. Dù vậy, ngư dân vẫn phải tiếp tục bám biển để kiếm đồng tiền trang trải cho cuộc sống. Những người có sức khoẻ thì đánh cá xa bờ, còn lại một số khác thì phải tiếp túc đánh bắt gần bờ. Việc nuôi cá lồng bè trên Sông của ngư dân thôn Cồn Sẻ cũng gặp nhiều ảnh hưởng sau vụ cá chết.


Một số bà con ngư dân cho biết trước tình trạng cá chết hàng loạt liên tiếp tấp vào bờ khiến tâm lý của bà con nơi đây vô cùng hoang mang, lo lắng. Bởi có lên thuyền ra khơi khai thác thì những loại thủy hải sản đánh bắt được cũng không có ai mua nên bà con đành kéo thuyền lên bờ rồi ngồi thẫn thờ, mắt buồn nhìn hướng biển. Chú Tính một người dân nuôi cá lồng bè tại đây cho biết. "Lúc chưa xảy ra việc cá chết thu hoạch từ việc bán cá lồng lên đến hàng trăm ngàn đồng, nhưng hiện nay thì cá không thể bán được vì người dân sợ cá nhiễm độc nên không dám mua". Cũng theo chú Tính, thời điểm này là vụ chính để bà con đánh bắt các loại thủy hải sản. Những năm trước thời điểm này luôn náo nhiệt, từ sáng đến chiều tấp nập các con thuyền vào ra cùng những thương lái đến thu mua cá thủy hải sản nhưng giờ thì không một bóng dáng người mua, ngư dân làm cá cũng chán nản và lo lắng vì nếu không bán được cá thì không có tiền cho sinh hoạt của gia đình.

Không những thế, một vài nhà hàng hải sản của người dân cũng phải đóng cửa vì vắng tanh khách. "Trước đây thu nhập của cửa hàng mỗi ngày từ 3-5 triệu, nhưng hiện tại thì không một bóng khách, nhà hàng của chú đã phải đóng cửa cả hai tháng nay", chú Quyết chủ nhà hàng Hồng Thủy thở dài ngao ngán khi chia sẻ với chúng tôi.

Hiện tình hình đời sống của bà con ngư dân nơi đây vô cùng khó khăn, mọi sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Trước đây vào thời điểm này, bà con chỉ ra khơi một đêm đến sáng về đưa các loại thủy hải sản đánh bắt được đem bán cho thương lái thu về từ 1 đến 2 triệu đồng để nuôi sống gia đình… nhưng hiện tại, tất cả thuyền nơi đây đều phải neo đậu hoặc kéo lên bờ vì có cá đâu mà khai thác. Mất nguồn thu nhập, cuộc sống của tất cả người dân trong vùng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tương lai của các em nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường đang là một dấu hỏi lớn được đặt ra.

Không thể trông chờ mãi vào 10kg gạo chống đói từ chính phủ, người dân nơi đây đã gửi 55 đơn kiến nghị và 1 đơn chung lên chính quyền các cấp để được giải quyết nhưng cho tới nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Chính quyền bỗng chốc trở nên yếu hèn hơn bao giờ hết. Đấy là chưa nói đến hành động không thể chấp nhận được của chính quyền khi thẳng tay đàn áp, đánh đập dã man khiến nhiều người bị thương nặng khi có khoảng gần 2.000 bà con giáo dân xứ Cồn Sẻ, hạt Hòa Ninh, giáo phận Vinh đã xuống đường biểu tình trên đường quốc lộ đoạn qua thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để yêu cầu nhà cầm quyền đóng của nhà máy Formosa. Thế nên, có lẽ, sự mong mỏi đó sẽ mòn mỏi theo ngày tháng!

Họ không chấp nhận ngồi trên bờ để ăn, hưởng đền bù. Bởi “ngư dân sống bằng biển, chỉ hỗ trợ, trợ cấp một số mặt khác; còn họ “sinh nghề tử nghiệp”, sống chết với biển. Bây giờ, người dân ngồi trên bờ để ăn, hưởng đền bù. Ngư dân mong muốn dù bám biển, dù có nghèo, có khổ, có chết trên biển thì vẫn cam nhận”! Quan trọng hơn, đánh bắt thủy hải sản là nghề gắn bó với bà con Cồn Sẻ bao đời nay. Nguyện vọng của bà con là Formosa phải bị truy tố trước tòa án và làm sạch môi trường biển, sau đó cuốn xéo ra khỏi Việt Nam để họ lại được quay trở về truyền thống; môi trường biển được trong sạch trở lại; để những ngư dân lại dong thuyền ra khơi dựa vào mẹ biển mưa sinh./.

22/7/2016

Tôi với cái loa rè

HSTS (Danlambao) - “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng...” cứ vào mỗi buổi sáng sớm, cái loa rè trên cây cột điện xã lại lanh lảnh bài hát này. Nhiều lúc tiếng hát hòa lẫn với tiếng còi tàu hỏa chạy ngang qua tạo thành bài “cộng hưởng” tra tấn lỗ tai những người xung quanh. Nghe hay không? Dân không có quyền chọn lựa, vì việc phát thanh này đã có từ rất lâu, trải qua mấy nhiệm kỳ chủ tịch xã từ lúc tôi cắp xách bi bô đánh vần a, b, c cho đến nay chuẩn bị tốt nghiệp đại học.

Cạnh nhà tôi có một bác cán bộ quân đội về hưu. Qua trò chuyện, tôi được biết trước đây bác làm quân y và hiện hai con của bác đang làm chung một bệnh viện của Tỉnh nhà. Bác xem tôi như con cháu, hễ cây khế trước sân nhà chín thì bác bảo tôi hái sạch để không phải mất thời gian quét sân và nhặt trái rụng. Có lần, tôi phản ứng tiêu cực bằng cách ném trái khế vào cái loa để nó tắt tiếng. Bác thấy vậy gọi tôi lại và giải thích cho tôi biết theo một cái cách mà chưa từng có ai nói như thế. 

Theo bác, phát qua loa như là một kiểu tâm lý chiến. Tai người mỗi ngày tiếp thu rất nhiều âm thanh với nhiều tần số khác nhau. Tuy nhiên nếu cứ nghe một bài hát, phát ngày này qua tháng nọ với cùng một tần số không đổi thì sẽ tạo nên hiệu ứng phụ thuộc. Ví dụ với những âm thanh khác nhau trong ngày, con người sau một đêm ngủ dậy, ngày hôm sau sẽ hoàn toàn không nhớ gì. Nhưng với bài hát trên, được phát đúng giờ mỗi ngày sẽ tạo cảm giác lưu luyến (gọi cách khác là quen tai) gây cho người nghe cảm thấy bị “nghiện” dù thích hay không thích bài hát đó. Đoạn đầu tiên của bài hát “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” như trở thành một con gà báo thức đi vào tiềm thức của mỗi người nghe. Thay cho tiếng chuông đồng hồ khô khốc, lời mở đầu bài hát có tác dụng nhắc người nông dân đến giờ ra đồng, anh công nhân đến giờ đi làm, trẻ em sẽ được cha mẹ gọi dậy chuẩn bị đi học. Các cụ lớn tuổi thì kết thúc tập thể dục để tụ họp nhau bên tách trà nóng. Hẳn trong số những người đó có tôi chắc chắn sẽ hát khẽ theo lời đầu của bài hát. Và theo thời gian, bất cứ ai từ bé đến già đều thuộc lòng đoạn hát trên mặc dù không thuộc hết cả bài. Với những người sống ở thành thị, nhạc hiệu bản tin buổi sáng trên tivi là một dạng tương tự. Do đó, tôi có phá hủy chiếc loa này, sẽ có cái loa khác được thay thế ngay.

Tôi lắng nghe như nuốt từng chữ vào lòng. Không rõ bác quân y này dựa trên căn cứ khoa học nào để phân tích một cách hết sức thuyết phục (với riêng cá nhân tôi). Tôi đã kiểm chứng, nếu buổi sáng đang còn chìm giấc ngủ vì thức khuya, mặc dù là ngày cuối tuần được nghỉ nhưng chỉ cần nghe cái loa phát bài hát đó lên là cơ thể tôi phản ứng tiếp thu ngay bằng cách bật dậy, lao ra khỏi giường. Hai em và cả gia đình tôi cũng phản xạ như thế. 

Đảng đã cho tôi sáng cái con mắt khi nhận ra nhiều vấn đề. Với đảng CSVN, tuyên truyền là trên hết, dùng mọi thủ đoạn để ru ngủ cả một dân tộc. Đảng bất chấp tất cả nhằm nhồi nhét vào đầu không chỉ đảng viên, mà với người ngoài đảng những lý luận dài dòng, lặp đi lặp lại niềm tin vào đảng. Với riêng tôi, thay vì bịt tai không nghe loa xã thì tôi chọn cách đối diện với nó. Hãy để loa phát “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” và vẫn nằm lại trên giường tiếp tục lắng nghe đến đoạn“Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông” thì hãy bật dậy. Tôi thà bừng tỉnh trong đêm tối hơn thức giấc với ánh sáng chói lòa giả tạo. 

Riêng với bác quân y hưu trí, bác ấy cũng chỉ cho tôi cách của bác đối phó với cái loa. Đó là bác chẳng thèm để tai nghe bài hát nữa, có lẽ bởi bác ấy đã nghe nhiều đến mức nhàm chán không chỉ một bài hát về đảng. Bác dậy sớm hơn giờ phát loa, mở máy tính và gắn tai phone để nghe bản tin tiếng nước ngoài. Bác chọn cái loa hiện đại thay cho cái loa rè. Thói quen nào cũng có thể thay đổi nếu chúng ta quyết tâm thay đổi.

22.07.2016


CSGT hỗn chiến với 2 thanh niên miền Tây


Bạn đọc Danlambao - Đoạn clip phổ biến trên các mạng xã hội ghi lại cảnh xô xát dữ dội giữa một cảnh sát giao thông sắc phục và 2 thanh niên địa phương.

Mở đầu clip cho thấy cảnh một CSGT to con lao vào đánh một thanh niên dữ dội. 

Trong lúc người dân chạy đến can ngăn thì một thanh niên khác xuất hiện, rồi cả hai người cùng xông vào đánh trả CSGT.

Người dân phải rất vất vả mới can ngăn được vụ xô xát. Sau đó, cả hai thanh niên này cùng lên xe bỏ đi, viên CSGT cầm gậy sắt đuổi theo nhưng bị một người khác giữ lại.

Vụ việc xảy ra vào lúc 14 giờ chiều 21/7/2016, tại bến phà Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Hiện không rõ nguyên nhân đầu đuôi của vụ việc. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tỏ thái độ không đồng tình với hành vi đánh người như côn đồ của viên CSGT ở đoạn đầu clip.


Phú Quốc: Công an ăn hiếp 2 cô gái, đòi bắt luôn tất cả người dân

 


Bạn đọc Danlambao - Lúc 17 giờ chiều ngày 21/7/2016, hai cô gái đi xe biển số Sài Gòn 51A-451.21 đã bị CSGT Phú Quốc chặn đường kiểm tra.

Hai người phụ nữ trên xe yêu cầu CSGT xuất trình giấy tờ cũng như biên bản thông báo về qui định dừng xe. Tuy nhiên, nhóm CSGT này hoàn toàn không có bất kì giấy tờ nào chứng minh việc dừng xe người tham gia giao thông là hợp lệ. 

Sau đó, do quá đuối lý nên lực lượng CSGT bèn vu khống hai cô gái “chống người thi hành công vụ”, rồi huy động thêm CA đến đòi cẩu xe về đồn.

Rất nhiều người dân chung quanh đã tập trung đến hiện trường để lên tiếng bảo vệ hai cô gái, đồng thời lên án hành vi sai trái của lực lượng CA.

Đáp lại, một viên CA sắc phục lớn tiếng đe doạ rằng sẽ “bắt hết, xử lý hết” đối với những người đã lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Anh ta tuyên bố: “Mấy ông là chút xíu tui mời hết, xử lý hết”.

Người dân bèn cười ồ lên và hỏi ngược lại: “Anh có xỉn chưa?”, “Ông nói tầm bậy tầm bạ không à, ông nội ơi”.

Được biết, phía CA đưa ra lý do là “nhìn mặt thấy nghi ngờ” nên chặn xe của hai cô gái. 

Đến khi chủ xe chứng minh có đầy đủ giấy tờ, bằng lái nhưng lực lượng CA vẫn nằng nặc đòi đưa xe về đồn. Đáp lại, hai cô gái liền ngồi trong xe cố thủ.

Vụ việc khiến cả tuyến đường trở nên kẹt xe và hỗn loạn do nhiều người dân kéo đến chứng kiến. 

Sau một hồi thương thuyết, chủ xe đã đồng ý giao chìa khoá để cho một viên CSGT lái xe đi khỏi hiện trường. Diễn biến tiếp theo sẽ được cập nhật sau.

Nguồn Video: Hào hứng Phú Quốc


Chống tham nhũng hay tranh đoạt quyền lợi nhóm

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-07-22  
000_DD9MZ-622.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016. (ảnh minh họa) AFP
Bộc lộ nhiều góc khuất
Chiến dịch làm trong sạch Đảng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang bộc lộ nhiều góc khuất. Từ uy lệnh của Tổng Bí thư, báo chí vào cuộc khui ra nhiều chuyện bi hài liên quan đến nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và thời gian 9 năm giữ trọng trách của ông.
Báo Đất Việt bản tin trên mạng ngày 20/7, đưa tin VAFI Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam có thêm cáo giác 5 điểm, về những sai phạm của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong suốt thời gian tại chức.
Tóm tắt những sai phạm này bao gồm, thứ nhất bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công thương quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao. VAFI đưa thí dụ ở 3 tập đoàn kinh tế lớn là Sabeco, Habeco và Vinataba. VAFI mô tả hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn nhà nước. Được biết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lúc tại chức còn vun quén để đưa con trai là Vũ Quang Hải về làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc SABECO.
Đó là những vấn đề phe phái nội bộ, chứ không phải chuyện chống tham nhũng sẽ mạnh hơn, hay là tự do báo chí hơn. Tôi không cho là như vậy.
-TS Phạm Chí Dũng
Những sai phạm khác bao gồm, chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết và dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa đi xuống.
Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ một lần chỉ đạo các cơ quan của Đảng và Chính phủ phải điều tra tới nơi tơi chốn, về vai trò và những thủ thuật lắt léo của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong việc bao che sai phạm và điều chuyển một số người vào vị trí lãnh đạo. Thí dụ đưa ông Trịnh Xuân Thanh một người có thành tích rất xấu về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hoặc đưa con trai ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm quản lý vào chức vụ cao cấp ở Sabeco Tổng Công ty rượu bia và nước giải khát Sài Gòn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, Ông Trịnh Xuân Thanh trách nhiệm quản lý Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) làm thua lỗ 3.000 tỷ đồng, nhưng được lên chức ở Bộ Công thương và sau đó điều chuyển về vị trí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Ngày 20/7/2016, báo điện tử Giáo dục Việt Nam gây ngạc nhiên cho độc giả với bài viết “Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?”. Tờ báo cho người đọc hiểu rằng, những kết luận nghiêm khắc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với vụ Trịnh Xuân Thanh và những người liên quan như ông Vũ Huy Hoàng có thể được các cơ quan chấp pháp của Chính phủ có hành động dơ cao đánh khẽ.
Tờ báo cho rằng, Tổng Bí thư đã tiên liệu những khó khăn của cơ quan giữ cây roi kỷ luật của Đảng. Tờ báo trích lời Tổng Bí thư yêu cầu, theo đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức cá nhân nào.
Phải chăng đang có sự thử thách đối với quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo? TS Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự và phản biện độc lập từ Sài Gòn nhận định:
“Có lẽ không phải sự thử thách quyền lực của Đảng mà thực chất là thử thách đối với sự phân hóa quyền lực của Đảng. Tại vì sự phân hóa đã diễn ra từ lâu, chúng ta đã chứng kiến sự phân hóa diễn ra rất mạnh từ trước Đại hội XII. Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn, những thị trường màu mỡ làm ăn đa ngành và những nhóm lợi ích mới, những nhóm quyền lực mới đương nhiên phải chú ý chuyện đó… thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.”
bao-giao-duc-400.jpg
Ngày 20/7/2016, báo điện tử Giáo dục Việt Nam gây ngạc nhiên cho độc giả với bài viết: Nhóm lợi ích đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư? Screen capture.
Những vấn đề mà báo Giáo Dục đặt ra về điều gọi là “nhóm lợi ích đối phó Tổng Bí thư”, TS Phạm Chí Dũng cho rằng báo chí với sự nhạy cảm đương nhiên của mình, không những báo chí cảm thấy mà có thể hiểu rõ là ai chống ai và những lực lượng đang muốn đối chọi với Tổng Bí thư là ai. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:
“Đó là những vấn đề phe phái nội bộ, chứ không phải chuyện chống tham nhũng sẽ mạnh hơn, hay là tự do báo chí hơn. Tôi không cho là như vậy, nó xuất phát từ chuyện báo chí là cái loa của một phe nào đó, hay những phe nào đó muốn sử dụng những tờ báo nào đó trở thành kênh thông tin phương tiện truyền thông cho mình. Ví dụ liên quan tới bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trúng cử đại biểu Quốc hội vừa bị phát hiện có hộ chiếu Malta. Chúng ta thấy báo nhà nước, một vài tờ báo đặt ẩn ý về chuyện bỏ của chạy lấy người hay là “chạy làng” trong ngoặc kép
Những nhận định của TS Phạm Chí Dũng, người từng có chuyên môn về phân tích thông tin cho Thành ủy TP.HCM trước khi ông từ bỏ Đảng, thể hiện nhiều cơ sở. Trong bài “nhóm lợi ích đối phó Tổng Bí thư”, báo Giáo Dục Việt Nam mô tả tình trạng gọi là cát cứ của các đại phương, tờ báo dẫn lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương, từng đặt vấn đề cần phải khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế.

“Đả hổ diệt ruồi”

Một trong những sự kiện nổi bật về nghi vấn bảo vệ quyền lợi nhóm, được báo Giáo Dục mô tả trong vụ đường ống dẫn nước Sông Đà phục vụ người dân Thủ đô đã 18 lần vỡ ống, không những làm ngân sách Nhà nước tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để sửa chữa chắp vá, mà còn làm hàng chục vạn người dân, trường học, bệnh viện… thiếu nước sinh hoạt, làm mất niềm tin của nhân dân và cán bộ đảng viên.
Báo Giáo Dục nhấn mạnh tới sự kiện, 5 nhân vật chóp bu của Vinaconex đã được miễn truy tố hình sự, mặc dù kết quả điều tra của Công an xác định là 5 người này đã có dấu hiệu của tội vi phạm qui định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật hình sự.
Nhiều khả năng, đây cũng là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.
-TS Nguyễn Quang A
Báo Giáo Dục đã mỉa mai rằng, mấy cháu thiếu niên Hải Phòng giật mũ của bạn suýt bị tù mấy năm, hai thanh niên đói giật hai cái bánh mì cũng suýt bị từ 3 đến 10 năm tù. Tuy vậy 5 nhân vật của Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Vinaconex có tội nặng lại được miễn truy tố. Lý do là vì Liên ngành Tư pháp Trung ương thấy không cần thiết phải xử lý hình sự vì họ có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu.
Chúng tôi xin trích lại chi tiết về việc định rõ trách nhiệm của nhóm lãnh đạo Vinaconex từ báo Petro Times : “Cơ quan CSĐT xác định, năm 2004 Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vinaconex là ông Phí Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân - Tổng Giám đốc và 3 ủy viên là Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm khi thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh khi chưa thẩm định, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, thiếu kinh nghiệm, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị hư hỏng trong quá trình vận hành, khai thác.”
Qua mô tả của báo chí Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thể hiện việc làm trong sạch Đảng qua các vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh và người đỡ đầu là cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng bật đèn xanh cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước, về việc điều tra nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nếu có dấu hiệu vi phạm.
Nhưng vấn đề lớn nhất là Formosa gây ra thảm họa môi trường, ảnh hưởng cho kinh tế Việt Nam nói chung và hàng trăm ngàn người ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng, lại chưa thấy ông Tổng Bí thư hạ lệnh đập con ruồi nào, nói theo sự ví von bên Trung Quốc Tập Cận Bình “Đả hổ diệt ruồi”.
Khi vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh, rồi Vũ Quang Hải con trai cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng xảy ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua, việc chuẩn bị dư luận báo chí được cho là khá rõ rệt. Lúc đó TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền ở Hà Nội đã nhận định:
“Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. Ông Nguyễn Phú Trọng khó có thể tập trung quyền lực một cách thô bạo như Tập Cận Bình để mà làm được những việc của một nhà độc tài khủng khiếp như ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng, đây cũng là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.”
Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo nhận định của TS Phạm Chí Dũng là tranh chấp giữa các nhóm quyền lực mới và cũ để thâu tóm các thị trường làm ăn lớn và nhiều lợi nhuận. Người đọc báo nhận thấy một điều, những mũi tấn công vòng ngoài qua vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải sau cùng đều dẫn tới ông cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, một người có hai nhiệm kỳ cùng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.