Sunday, July 23, 2017

Chuồng cọp Hà Nội và “cuộc sống bình yên”

Kỳ Lâm-23-07-2017 
(VNTB) Bình yên là có thật! Nhưng nó hiện hữu đối với những cán bộ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi bà ở trong ngôi nhà công vụ, với đội ngũ cảnh vệ 24/7, hay những tòa chung cư cao cấp như Vinhomes. Còn không, thì chắc hẳn bà sẽ không đủ can đảm để nói với cử tri điều đó.

VNTB - Chuồng cọp Hà Nội và “cuộc sống bình yên”
Tháng bảy vừa qua, ngoài vụ cháy khiến 4 người trong gia đình tử vong tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì có thêm vụ cháy khiến 2 người chết tại Phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Điểm chung của cả hai vụ, hay những vụ cháy nhà nhà trong những năm gần đây là nhà cửa hoàn toàn bịt kín (không có lối thoát), hoặc hàn kín bởi những dàn sắt để chống trộm (chuồng cọp).

“Chuồng cọp” đã trở thành một phần đặc trưng của hệ thống nhà Hà Nội, và nơi đây cũng là nơi mà những tiếng vọng kêu cứu bất thành diễn ra trong mùa cháy nổ.

Vì sao họ phải làm như vậy? Vì sao ngay cả ngôi nhà – vốn là nơi được xem là an toàn nhất, lại trở thành một mồ chôn họ bất cứ lúc nào khi xảy ra sự cố về lửa, điện, khí? 

Câu hỏi này chắc hẳn nên dành cho bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi mà trong tháng 6/2017 vừa qua, tiếp xúc với cử tri bà đã mạnh dạn nói rằng: “Chúng ta có cuộc sống bình yên như thế này trên cả nước là nhờ lực lượng công an. Tuy nhiên, tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, chống người thi hành, giết người... là có thật nhưng chúng ta đã chỉ đạo quyết liệt và từng bước khống chế, hạn chế để đảm cuộc sống yên bình cho người dân”.

Ấy vậy mà những cái chết liên quan đến “chuồng cọp” tại Hà Nội vẫn diễn ra đều đều, xuất phát từ những vụ trộm cướp đột nhập vào nhà và giết người. 

Bình yên là có thật! Nhưng nó hiện hữu đối với những cán bộ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khi bà ở trong ngôi nhà công vụ, với đội ngũ cảnh vệ 24/7, hay những tòa chung cư cao cấp như Vinhomes. Còn không, thì chắc hẳn bà sẽ không đủ can đảm để nói với cử tri điều đó.

Và giá như có một cuộc khảo sát hàng trăm ngàn hộ đang sống trong chuồng cọp tại Hà Nội về bình yên, có lẽ đó là một cú tát vào quan điểm vỗ về dân của bà Chủ tịch Quốc Hội.

Cũng liên quan đến trật tự trị an, một nữ du khách nước ngoài (đến từ Lithuania) là Rita Rasimaite – người đạp xe đi dọc chiều dài Việt Nam trong suốt 2 tháng, nhưng khi đến Nha Trang cô bị mất điện thoại, và khi đến Tp. Hồ Chí Minh – cô mất nốt luôn chiếc xe đạp hành trình của mình. Mất tài sản tại Việt Nam, sau khi cô trải qua 20 quốc gia khác!! Chuyện đùa nhưng lại là… thật!

Báo Tuổi Trẻ sau đó đã đăng bài với nội dung “Cần một nghĩa cử đẹp với cô gái nước ngoài đạp xe xuyên Việt”. Đó là tìm kiếm lại chiếc xe đạp hay gom góp tiền để mua lại chiếc xe đạp trị giá trên dưới 15 triệu đồng? Tại sao lại là “nghĩa cử đẹp” mà không phải là “trách nhiệm” bảo vệ trị an? Tại sao không là nội dung bài nói về sự bất an với nạn trộm cướp lộng hành, sự bất lực của hệ thống bảo đảm an ninh mà lại là “nghĩa cử đẹp”?

Cũng giống như những cái chết đau lòng từ “chuồng cọp”, chiếc xe đạp không cánh mà bay của cô Rita Rasimaite cần một lời giải thích về nguyên nhân gốc và cách trị vấn đề cốt lõi đó. Chúng ta không thể cứ bảo người dân phá “chuồng cọp” trong khi nạn trộm cướp hoành hoành, hay tỏ vẻ “hiệp thông – chia sẻ” với du khách nước ngoài khi họ đặt chân đến Tp. Hồ Chí Minh và bị… cướp giật!

Đã đến lúc, người dân cần xét đến nguồn tiền an ninh hằng tháng, hằng năm đóng cho lực lượng trị an. Cần nhiều hơn nữa những bài viết phê phán mạnh mẽ sự thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an ninh & trật tự xã hội của lực lượng công an. Chúng ta không bị ru ngủ bởi những lời vuốt ve từ những người lãnh đạo, rằng, đất nước ta bình yên, an toàn, hạnh phúc – bởi lúc đó – chính chúng ta sẽ hại chúng ta.

Hãy nhớ một điều, những người lãnh đạo mang danh Cộng sản bây giờ thường hay kể về những điều không có thực, hoặc mang tính trái ngược với thực tế xã hội. 

Họ là những kẻ quyền lực nhưng đầy mộng mơ! 

Việt Nam không đủ vốn để phát triển

David Hutt, Asia Times, ngày 21/7/2017

(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) - Không rõ quốc gia cộng sản này sẽ lấy ở đâu 480 tỷ USD, một con số ước tính cần cho phát triển cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới?


Đối với một thành phố tám triệu người, hệ thống tàu điện ngầm công cộng của thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể được mô tả như là một sự cần thiết vô cùng. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến đường sắt sáu tuyến, lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2001, đã bị lạc hậu bởi sự chậm trễ do ngân sách nhà nước không đủ.

Vào năm 2015, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và Công ty Xây dựng Cienco 6 thuộc sở hữu nhà nước của Việt Nam - có nhiệm vụ xây dựng một phần hệ thống này - đã đòi bồi thường 90 triệu đô la Mỹ hoặc khoảng 110.000 đô la Mỹ mỗi ngày sau khi công việc bị đình trệ do thiếu ngân sách trong gần hai năm.

Theo một báo cáo gần đây của Nikkei Asian Review, hồi tháng 5, đại sứ Nhật Bản đã hối thúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thanh toán số tiền còn chậm cho các công ty Nhật Bản xây dựng tuyến tàu điện ngầm. Tạp chí có trụ sở ở Tokyo này nhấn mạnh đây là một "yêu cầu rất bất thường."

Chính phủ Việt Nam chỉ cung cấp khoảng 30% trong số 87,9 triệu đô la Mỹ cần thiết cho một phần của dự án tàu điện ngầm mà Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị giám sát dự án. Bản thân uỷ ban đã phải vật lộn trong những năm gần đây để kiếm thêm tiền cho dự án.

Gốc rễ của vấn đề rõ ràng. Để ổn định tài chính quốc gia và kiềm chế lạm phát, Quốc hội Việt Nam năm trước đã hạn chế nợ công ở mức 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Kể từ đầu năm, nợ công được cho là vào khoảng 64,7%.

Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở Đông Nam Á, trung bình gần 7% trong những năm gần đây. Nhưng các nhà phân tích nói rằng tăng trưởng GDP không chuyển thành cải thiện tình hình tài chính của nhà nước do sự kết hợp của quản lý tài chính yếu kém, tham nhũng và chi tiêu không bền vững, bao gồm cả việc bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả.

Trong những năm gần đây, gần 5,7% GDP đã được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, cao hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác - và chỉ kém 6,8% của Trung Quốc.

Tuy nhiên, rõ ràng là chính phủ không thể tiếp tục bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng, mặc dù chi tiêu là rất cần thiết để hỗ trợ các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Các nhà phân tích ước tính quốc gia này sẽ cần ít nhất 480 tỷ USD trong 4 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên toàn quốc. Nếu các khoản chi tiêu không được thông qua, các nhà phân tích nói rằng Việt Nam có nguy cơ tắc nghẽn tăng trưởng trong lĩnh vực hậu cần và vận tải, một điểm rõ ràng cho bất cứ ai đã từng chứng kiến nạn tắc đường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Các dự án này bao gồm một sân bay mới trị giá 16 tỷ USD ở thành phố Hồ Chí Minh, một đường cao tốc 14 tỷ USD nối trung tâm tài chính phía nam tới thủ đô Hà Nội, và một số tuyến tàu điện ngầm ở hai thành phố này.

Chính phủ hiện đang tìm nhà đầu tư tư nhân. Chính phủ cho biết đã nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số tiền là 7,7 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê chính thức, dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục 15,8 tỷ USD vào năm 2016. Vào cuối tháng 6, sàn giao dịch chứng khoán đã chạm mức cao nhất trong 9 năm.

Tháng trước, Vingroup, một tập đoàn bất động sản hàng đầu của đất nước, đã ký một bản ghi nhớ trị giá 4 tỷ USD để phát triển một phần của dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội. Một tuần sau, Keximbank, một ngân hàng quốc doanh của của Hàn Quốc, và Siemens AG của Đức tuyên bố cùng quan tâm đến dự án tàu điện ngầm thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng nếu các nhà đầu tư tư nhân trở thành một phần của phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thì phải có sự thay đổi căn bản. Dựa trên ước tính riêng của mình, chính phủ có thể đóng góp một phần ba trong số 480 tỷ USD cần thiết trong những năm tới và pần còn lại sẽ phải đến từ khu vực tư nhân, các quan chức thừa nhận.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hiện tại, đầu tư tư nhân đóng góp khoảng 10% cho các dự án cơ sở hạ tầng hiện có ở Việt Nam. Vấn đề nợ công, tuy nhiên, không phải là vấn đề duy nhất mà chính phủ cộng sản đang phải đối mặt. Tăng chi tiêu đã song hành với giảm thu nhập.

Năm 2014, thâm hụt ngân sách nhà nước ước tính 11,5 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP, mặc dù chính phủ đã đặt mức trần 5,3% trong năm trước. Theo ADB, thâm hụt đã giảm xuống còn 4% vào năm 2015 nhưng lại tăng lên 4,4% vào năm ngoái.

Trên thực tế, một báo cáo gần đây của ADB nhấn mạnh rằng con số này có thể cao hơn so với con số mà chính phủ thừa nhận. Đây là một phần do một thủ thuật kế toán coi việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước như là doanh thu.

Vì vốn chủ sở hữu đó chỉ có thể được bán một lần, tuy nhiên, doanh thu tăng làm nảy sinh thực tế của việc bù đắp ngân sách. Nói cách khác, thâm hụt ngân sách có vẻ thấp hơn do những điều chỉnh ngắn hạn. Báo cáo của ADB cho biết: "Loại trừ những khoản thu này, thâm hụt ngân sách sẽ còn khiêm tốn hơn”.

Để đạt được mục tiêu của chính phủ là giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3,5% GDP trong năm nay, các nhà kinh tế cho rằng phải thực hiện các bước cơ bản, bao gồm thắt chặt tài chính và đánh thuế nhiều hơn.

Mặc dù chính phủ đã tuyên bố tháng trước rằng mức lương tối thiểu của người lao động trong khu vực công sẽ tăng 7%, lên đến 53 USD mỗi tháng, nhưng có dấu hiệu cho thấy chính phủ có ý định giảm số lượng nhân viên trong khu vực công.

Tháng trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các kế hoạch, điều này có nghĩa là giáo viên không còn được phân loại là công chức, thay vào đó đó là các hợp đồng lao động với quyền lợi và bảo hiểm giảm đi.

Điều này được miêu tả bởi bộ này như là một chính sách cần thiết để nâng cao sự chuyên nghiệp của đội ngũ giáo viên với nhiều giáo viên không đủ năng lực mà chỉ quan tâm đến tiền lương. Tuy nhiên, các nhà phân tích xem nó như là một động cơ chính trị nguy hiểm để đẩy một phần đáng kể nhân viên nhà nước khỏi ngân sách quốc gia.

Cắt giảm cũng được mong đợi ở cấp địa phương. Sau cuộc họp về ngân sách của Quốc hội vào tháng 10, chính quyền trung ương đã yêu cầu một số thành phố đóng góp thêm thu nhập địa phương cho ngân sách quốc gia. Thông thường, những thành phố và thị trấn thịnh vượng vẫn giữ được một tỷ lệ đáng kể doanh thu của họ và đóng góp phần còn lại cho chính quyền trung ương.

Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh thường giữ khoảng 23% doanh thu. Nhưng theo đề xuất, chính quyền thành phố chỉ được giữ lại 17% thu nhập cho đến năm 2020. Hà Nội sẽ mất gần một nửa doanh thu theo đề xuất cắt giảm, với tỷ lệ giảm từ 42% xuống còn 28%.

Không rõ liệu những yêu cầu tái phân phối thu nhập này đã được thi hành chưa. Tuy nhiên, đề xuất này đã làm báo động cho nhiều chính quyền địa phương vì họ sẽ buộc phải cắt giảm bộ máy chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng tôi không thể cắt giảm thêm nữa", và nói thêm rằng làm như vậy sẽ có "hậu quả nghiêm trọng" khi dân số của thành phố lớn nhất của đất nước này đang gia tăng từ việc di cư từ nông thôn.

Mặc dù các nhà kinh tế thừa nhận nhu cầu thắt lưng buộc bụng để tránh bị thâm thủng ngân sách, nhưng những quan ngại về xã hội của việc thắt lưng buộc bụng là điều đáng lo ngại đối với các nhà lãnh đạo Đảng.

Các nhà chỉ trích chính phủ ở Hà Nội nói với người viết rằng những cắt giảm của nhà nước sẽ tạo ra sự chán nản hơn nữa trong công chúng đối với chính quyền, một thái độ bất mãn xuất hiện ở diện rộng  sau những cuộc trấn áp gần đây đối với giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động môi trường.

Thực tế, tính chính danh của chính quyền cộng sản chính là khả năng giữ nền kinh tế phát triển nhanh để thúc đẩy sinh kế của người dân. Nhưng nếu không thể đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cần thiết cho khu vực tư nhân thì bất ổn sẽ gia tăng.

Về cơ bản, nếu chính phủ từ bỏ vai trò là người đỡ đầu các dự án cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản và thay vào đó là trách nhiệm với khu vực tư nhân, mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về sự hữu ích của nhà nước độc tài độc đảng, theo các nhà phê bình.

Đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan về tài chính đang đe dọa đến cân bằng chính trị và xã hội hiện nay của đất nước, và những nhà hoạch định chính sách của đảng Cộng sản cho thấy họ không có đủ khả năng để giải quyết.

-----------------------------

Sai phạm nhiều, Hà Nội vẫn muốn tự chọn nhà đầu tư dự án BOT Kinh tế

TheoTiền phong
 Tú Anh-24-07-2017

Sai phạm nhiều, Hà Nội vẫn muốn tự chọn nhà đầu tư dự án BOT  Kinh tế

Với mục đích giải quyết cấp bách ùn tắc giao thông, Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án dự kiến triển khai theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), trong đó, được chủ động quyết định lựa chọn nhà đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn theo quy định.


Muốn tự chọn nhà đầu tư BOT
Cuối tuần qua, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT, Hà Nội đã đề nghị cơ chế đặc thù để cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Theo UBND TP Hà Nội, cuối năm 2016 HĐND TP có nghị quyết về các dự án đầu tư trung hạn (giai đoạn 2016 đến 2020), trong đó có 3 công trình giao thông dự kiến đầu tư theo hình thức BOT. Cụ thể: Dự án cầu Thượng Cát với tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng; Dự án đường vành đai 4 (từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) mức đầu tư trên 9.700 tỷ đồng; Dự án cầu sông Đuống 2 và đường nối đến địa phận Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của đại diện thành phố Hà Nội, nếu thực hiện đúng quy trình thủ tục như nghiên cứu, lập, trình phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký kết hợp đồng…, sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được nhu cầu cấp bách trong giải quyết ùn tắc giao thông của thành phố. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù với các dự án BOT; được chủ động quyết định lựa chọn nhà đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn theo quy định của luật; đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư được lựa chọn, sớm triển khai đầu tư và đưa công trình vào sử dụng.
Không để xảy ra mua bán dự án
Trước đó (ngày 19/7), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có thông báo kết luận số 1785/QĐ-TTCP về việc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại địa bàn Hà Nội.
Kết luận cho rằng, các dự án trong hai lĩnh vực giao thông và môi trường ở Hà Nội bộc lộ nhiều khuyết điểm, vi phạm. Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định. Từ đó các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Tại thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức BT nhưng chỉ 1 dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu. “Các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết nhưng UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết…”, kết luận TTCP nêu rõ.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ có trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội cho hay, 3 dự án về công trình giao thông dự kiến đầu tư theo hình thức BOT được UBND TP Hà Nội kiến nghị cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù nêu trên đã được HĐND TP thông qua và đã ban hành Nghị quyết rõ ràng. “Đối với Hà Nội, thành phố cần những chính sách đặc thù để triển khai các dự án hạ tầng đô thị, giải quyết nạn ùn tắc giao thông hiện nay. Bởi ngoài cơ chế, quy trình thủ tục đầu tư, thì các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT có ưu điểm đã huy động được nguồn vốn đầu tư xã hội, bù cho sự thiếu hụt ngân sách hiện nay để phát triển hạ tầng”, vị này phân tích.
Trả lời câu hỏi xung quanh kết luận của TTCP về những sai phạm tại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường ở Hà Nội, vị này cho hay: “Trong kết luận của TTCP cũng đã chỉ rõ những ưu điểm và khuyết điểm của các dự án được đầu tư theo các hình thức BT, BOT. Đây là những dự án trong giai đoạn từ 2008-2012. Trước đó, thành phố cũng đã có rà soát, kiểm tra làm rõ. Tôi nghĩ thành phố sẽ phải thực hiện nghiêm những gì mà kết luận của TTCP kiến nghị”, vị này nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế những sai phạm trong các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT của Hà Nội, hiện nay, các cơ quan tham mưu của thành phố như Sở Kế hoạch&Đầu tư phải công bố rộng rãi các dự án đầu tư theo quy định. Đồng thời nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định và trình phê duyệt đề xuất dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Khi thẩm tra, trình duyệt các thủ tục liên quan phải xác định rõ cân đối nguồn lực để thu hồi vốn đầu tư công trình BT, đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, phù hợp giữa tổng vốn đầu tư công trình BT và giá trị quỹ đất đối ứng trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ của lô đất theo quy hoạch...
Hiện Hà Nội có các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải là đại diện cơ quan nhà nước có hợp đồng ký với nhà đầu tư như: Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ; Dự án cầu Việt Trì - Ba Vì; Dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội -Hải Phòng; Dự án xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình…

Đảng chỉ đạo 'minh chủ võ lâm' Hoàng Vĩnh Giang can thiệp nội bộ giới võ thuật?

Thảo Vy-24-07-2017
(VNTB) - Góc nhìn về vai trò của hội đoàn trong vụ việc võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores không được Nam Huỳnh Đạo đón tiếp. Nói theo ngôn ngữ của thế giới võ lâm, thì ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam được Đảng phân cho ông ghế “minh chủ võ lâm”, người “đứng đầu” làng võ Việt Nam, và buộc ông Hoàng Vĩnh Giang có trách nhiệm yêu cầu các môn phái võ cổ truyền phải “Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước” (trích Điều 11.1, Điều lệ Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam).
Chánh chưởng quản môn phái Vovinam Nguyễn Văn Chiếu tặng quà lưu niệm cho Francois Flores, trưa ngày 22/7/2017. Ảnh: N.K

Trưa 22-7, võ sư đang làm dậy sóng giới võ thuật VN Francois Flores và các thành viên của môn phái Vịnh xuân Nam Anh (Canada) đã đến thăm tư gia của chánh chưởng quản môn phái Vovinam Nguyễn Văn Chiếu, và đồng thời tìm hiểu thêm về môn võ VN.

Trả lời câu hỏi của báo chí: “Mục đích của ông khi đến VN là giao lưu võ thuật hay vì lý do gì khác?”, Francois Flores nói: “Tôi đến VN không phải để giao lưu, giao đấu hay khẳng định vị trí của môn phái của mình. Mục đích chính của tôi là lật mặt nạ những trò lừa bịp, lừa đảo trong võ thuật làm hại cả một thế hệ trẻ. Bên cạnh đó là tìm ra chân giá trị, tôn vinh lên những con người lẫn võ thuật VN vốn đã có bề dày truyền thống lịch sử”.

Nói thêm về việc thách đấu với chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt, ông Francois Flores chia sẻ: “Tôi muốn chứng minh võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt không có khả năng “phóng điện”. Tôi chỉ xin được đến bắt tay ông Huỳnh Tuấn Kiệt chứ không hề giao đấu để xem ông ấy có khả năng phóng điện làm tôi bị tê hay giật gì không. Tôi cũng bày tỏ là nếu ông Huỳnh Tuấn Kiệt có thể phóng điện khi bắt tay, tôi sẵn sàng bái sư”.

Ông Chủ tịch Liên đoàn không có đủ thông tin?

Trên trang facebook của mình, ngay từ trước khi qua VN, ông Francois Flores cũng luôn nói rằng mong muốn được chứng kiến khả năng phóng điện của ông Huỳnh Tuấn Kiệt. Bởi theo ông Francois Flores, trong võ thuật không có loại võ công rặt màu sắc kiếm hiệp trên phim ảnh.

Tuy nhiên không rõ vì sao mà khi Francois Flores cùng 5 thành viên của môn phái Vịnh xuân Nam Anh (Canada) đến VN, thì Nam Huỳnh Đạo lại đưa ra yêu cầu là ông Francois Flores phải “xin giấy phép” thì đoàn của ông Francois Flores mới được đón tiếp tại tổng hành dinh của Nam Huỳnh Đạo. Tổng đàn chủ Vịnh xuân Việt Nam Nam tại TP.HCM đã giúp đồng môn Flores về yêu cầu hành chánh này của phía Nam Huỳnh Đạo.
Francois Flores thắp nhang tưởng nhớ sáng tổ Nguyễn Lộc và chưởng môn Vovinam Lê Sáng. Ảnh: N.K

Thế nhưng ngay sau đó, từ Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam – tuyên bố khá rắn là: “Môn phái Nam Huỳnh Đạo hiện nay là thành viên Liên đoàn võ cổ truyền TP.HCM và Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi đã cấm Nam Huỳnh Đạo giao đấu với Flores. Đại diện môn phái Nam Huỳnh Đạo cũng đã xác nhận với chúng tôi tuân thủ yêu cầu đó. Chúng tôi cũng nói rằng nếu Nam Huỳnh Đạo để xảy ra chuyện đó thì không phải chuyện riêng của môn phái mà còn là của cả Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Nếu có vấn đề không hay xảy ra, không chỉ là chuyện giao đấu mà còn là mối quan hệ giữa hai bên Việt Nam và  Canada”.

Đến thăm một võ đường để tìm hiểu thêm về một công phu tuyệt học được giới thiệu là “Lăng Không Kình” của người sáng lập Nam Huỳnh Đạo, không đồng nghĩa chuyện thách đấu. Từ ngữ ở đây có thể dùng là “giao lưu võ thuật” – hình thức rất quen thuộc mà các võ đường vẫn hay “thi đấu hữu nghị” trong cùng môn phái. Thế nhưng ngay cả từ đó cũng không đúng, vì ở đây chỉ giới hạn trong phạm vi của “Lăng Không Kình”.

Ông Hoàng Vĩnh Giang cần làm rõ nghi vấn công phu Lăng Không Kình

Nam Huỳnh Đạo đang là thành viên chính thức của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Theo điểm 3, điều 11 của Điều lệ sửa đổi bổ sung của Liên đoàn, các thành viên phải có nhiệm vụ bảo vệ uy tín của Liên đoàn. Trước dư luận không tốt về những màn biểu diễn về “phóng điện” của thầy trò Nam Huỳnh Đạo, có lẽ cũng đã đến lúc Liên đoàn nên có tiếng nói chính thức về việc này.

Ông Hoàng Vĩnh Giang đã cấm võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt đấu với Flores. Như vậy thì Liên đoàn, mà người đứng đầu là ông Giang cần phải có các bước xác minh để trả lời công luận, đâu là sự thật trong màn biểu diễn công phu “phát điện” đó. Nếu đó thực sự là khả năng của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, có thể cần phải mở hội thảo liên ngành để các nhà khoa học cùng tham gia nghiên cứu, vì có thể đây là phát hiện tầm cỡ thế giới về cả võ học lẫn khoa học. Còn nếu đích thị đó chỉ là trò sơn đông mãi võ, thì Liên đoàn cần phải có chế tài để xử lý Nam Huỳnh Đạo.

Đây là cơ hội tốt để làm trong sạch, và minh bạch nền võ thuật nước nhà, trả lại cho võ thuật những giá trị vốn có của nó.

Nói theo ngôn ngữ của thế giới võ lâm, thì ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam được Đảng phân cho ông ghế “minh chủ võ lâm”, người “đứng đầu” làng võ Việt Nam, và buộc ông Hoàng Vĩnh Giang có trách nhiệm yêu cầu các môn phái võ cổ truyền phải “Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước” (trích Điều 11.1, Điều lệ Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam). Do đó, việc tiếp tục “mũ ni che tai” của ông Hoàng Vĩnh Giang khiến công luận có quyền nghi ngờ đây chính là một chủ trương – đường lối của Đảng khi tiếp tục không minh bạch chuyện “Lăng Không Kình” của chưởng môn nhân Nam Huỳnh Đạo.

Nghi vấn Nam Huỳnh Đạo vi phạm Luật Quảng cáo

Mục đích của ông Francois Flores sang VN không phải là thách đấu, hay để tranh tài cao thấp với ông Huỳnh Tuấn Kiệt, mà chỉ để làm rõ cái “công phu truyền điện” của Nam Huỳnh Đạo. Công chúng Việt Nam và những người yêu thích võ thuật đang ủng hộ điều đó.

Rõ ràng những màn biểu diễn công phu của ông Huỳnh Tuấn Kiệt mà Nam Huỳnh Đạo giải thích là Nội công tâm pháp đó giống như truyền điện (vỗ nhẹ vào tay người này mà người đứng phía sau đặt tay vào đầu người bị vỗ giật bắn người ngã ra phía sau như bị điện giật). Nếu công phu đó có thật thì quá hay, còn nếu lừa bịp công chúng thì vi phạm Luật Quảng cáo, cần phải làm rõ sự thật.

Nên nhớ Nam Huỳnh Đạo và các phái võ bây giờ đều mở võ đường dạy võ thu tiền, nên quảng cáo phải đúng sự thật. Không được phép đánh lừa người dân để thu hút võ sinh tham gia môn phái.

Ông Hoàng Vĩnh Giang từng là giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội. Ông hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam. Tin chắc rằng ông Hoàng Vĩnh Giang hiểu rõ việc cần làm gì với Nam Huỳnh Đạo, để sáng tỏ công phu “điện giật” của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt.

Đảng CSVN: Từ ‘tiêu chí tây phương’ đến nạn cường hào ác bá

Quang Nguyên-24-07-2017

(VNTB) - Chắc chắn lúc đó trong đầu chàng trai 13 tuổi không hề biết đến cái gọi là tiêu chí phương tây để đóng khung, be bờ tự do, vo tròn, bóp méo dân chủ cho hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà như nhiều học trò của ông muốn ngày hôm nay.


Tờ Quân Đội Nhân Dân ra ngày 17 tháng 7 đưa bài Phòng, chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước. Bài báo nhắc đi nhắc lại về điều gọi là “tiêu chí tây phương” của các tổ chức xã hội dân sự ( XHDS); lấy đó  đả kích một số tổ chức XHDS, không chỉ ở  Việt Nam, mà còn trên thế giới, gọi đó là tay sai của các thế lực xấu, tạo nên các cuộc cách mạnh lật đổ ở các nước Đông Âu hay biến động chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi gần đây. Bài báo cùng với luận điệu đó đả kích nhiều tổ chức XHDS tại Việt Nam, điển hình là 3 hội “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”. Bài báo này viết “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ..thông qua các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội..công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia.

Không biết cái gọi là “tiêu chí phương tây” trong khái niệm  tự do, dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự có gì là xấu, nhưng không riêng tác giả bài này, các chức quyền trong đảng và nhà nước VN mỗi khi nhắc đến các tổ chức dân sự đang có mặt tại VN, các vận động  tự do, dân chủ, nhân quyền, đều quàng lên cổ các hoạt động, tổ chức này “mang tiêu chí tây phương.”

Tiêu chí tây phương là gì? 2 tự điển của Thiều Chửu và Đào Duy Anh đều không thấy có từ Tiêu chí, chỉ có từ tiêu chuẩn dược giải nghĩa: “cây nêu và cây thước để làm chừng mực, làm căn cứ” (Thiều Chửu). Vũ Cao Phan trong bài “Về hai từ kinh điển và tiêu chí có đoạn viết “ từ tiêu chí trở thành đa nghĩa trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá-xã hội, chính trị.... thậm chí ngay cả các "danh nhân" và một số vị lãnh đạo cũng thường dùng, và dùng sai” (1).

Tôi nghĩ rằng tác giả bài viết trên báo QĐND dùng chữ tiêu chí có ý chỉ tiêu chuẩn. Nhưng tiêu chuẩn tây phương hay nói tiêu chí tây phương như tác giả bài viết của báo QĐND này thì có gì sai trái? Mọi người đều biết rằng ngày nay, nhiều người hãnh diện  có được hàng tiêu chuẩn tây phương, nhất  là thứ mang nhãn hiệu Made in USA, American standard, tránh xa hàng Tàu.

Ai đó lên tiếng chê trách, tròng vào cổ những khái niệm tự do, dân chủ, nhân quyền,  tổ chức dân sự thuộc tính tiêu chí tây phương và than phiền nó “bất chấp đặc thù lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị nước ta” để  đòi, thí dụ như cắt bớt tự do, giới hạn nhân quyền, định khuôn dân chủ chẳng hạn. Nhưng họ quên  rằng đảng Cộng Sản Việt Nam đã hình thành, đi đến “thành công” như ngày hôm nay hoàn toàn xây dựng trên chủ nghĩa cộng sản phát xuất từ các tư tưởng tây phương, tại các quốc gia hoàn toàn xa lạ với người Việt.

Những người dị ứng với cái gọi là tiêu chí tây phương quên rằng:

Nguyễn Tất Thành đã kể “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.

Chắc chắn lúc đó trong đầu chàng trai 13 tuổi không hề biết đến cái gọi là tiêu chí phương tây để đóng khung, be bờ tự do, vo tròn, bóp méo dân chủ cho hợp với hoàn cảnh lịch sử nước nhà như nhiều học trò của ông muốn ngày hôm nay. Ông học được ba chữ Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái từ ngay bọn thực dân Pháp, kẻ thù của ông. Sau này ông bảo đó là những tư tưởng cao quý nhất của đại cách mạng Pháp.

Người ta lại quên rằng Nguyễn Ái Quốc đã òa khóc khi mới đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(*)

Không biết nước ta ngày nay ra sao, nếu lúc đó Nguyễn Ái Quốc suy nghĩ về cái gọi là có tiêu chí tây phương trong bản luận cương của Lenin này và có dị ứng với nó.

Người ta lại càng quên HCM đã lấy hứng từ bản Hiến Pháp Hoa kỳ để viết lời mở đầu cho Tuyên Ngôn Độc Lập

Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Không biết quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc HCM dẫn chứng từ bản hiến pháp Hoa Kỳ và Bản tuyên ngôn Pháp về nhân quyền, dân quyền mà HCM bảo là những lời lẽ ‘không thể chối cãi được’ có khác với tự do nhân quyền, dân chủ mà ngày nay thường bị các học trò của ông bài bác, hạn chế vì có những cái không hợp với ‘tình hình, xã hội, tính lịch sử của nước ta’? Thậm chí những người này còn lấy  cái tiêu chí tây phương ra làm con ngáo ộp hù dọa dân chúng; bài xích, đàn áp, đánh đập, bỏ tù những người hoạt động cho tự do, dân chủ nhân quyền mà họ vu cáo là phản cách mạng, tuyên truyền dối trá bịp bợm.

Đảng CSVN từ manh nha, hình thành, kháng chiến cho đến khi thành công ngày hôm nay luôn dựa vào chủ nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa có ‘tiêu chí tây phương’, xuất phát từ các nước tây phương xa xôi, hoàn toàn khác văn hóa, phong tục, tập quán VN, từ các nhà tư tưởng Marx, Engels chẳng hề có chút tư tưởng, đặc tính dân tộc VN nào. Lenin hoàn toàn xa lạ được gọi là cha dân tộc Việt Nam!

Chỉ có một việc đảng CSVN đem ra thi hành, chắc chắn không mang dấu ‘tiêu chí tây phương’, là chính sách cải cách ruộng đất đã đem lại kết quả “siêu kinh điển” cho nhân dân Việt Nam (theo cách nói của nhiều phóng viên thể thao VN, tường thuật bóng đá, mà Vũ Cao Phan đã viết trong bài (1)    

Tại phiên họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, buổi chiều ngày 26-12-1920, Nguyễn Ái Quốc tố cáo những sự tàn bạo mà bọn thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, và cho rằng:“Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa..”. Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…”. Nguyễn Ái Quốc kết thúc bài phát biểu bằng lời kêu gọi thống thiết:
“Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!” (**).

Nhưng ngày nay nhiều người trong đảng, trong chính quyền đã từng thống thiết lên tiếng rằng nạn cường hào ác bá, nạn người áp bức người còn kinh khủng hơn thời phong kiến, rằng tự do, nhân quyền, dân chủ, ngôn luận không có hoặc chỉ thấy ghi trong Hiến Pháp mà không cho thi hành, rằng  tham nhũng ăn tất cả của dân chẳng chừ thứ gì, đất đai bị cướp bóc trắng trợn, hay bằng các thủ đoạn tinh vi, lừa gạt xảo quyệt, rằng xã hội băng hoại từ trong học đường, v..v rằng chính quyền đã không làm được gì, thậm chí còn để các tình trạng xấu nẩy nở, lan tràn nhiều hơn nữa…

Còn nhiều tổ chức xã hội dân sự mà trong bài báo nói trên của QĐND, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh đã chẳng đặng đừng phải nhận là :”hình thành và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, cùng với Nhà nước kiểm soát và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội” đã “thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước”, phải lên tiếng, phải làm nghĩa vụ con người. Những con người đấu tranh cho tự do, dân chủ nhân quyền trong tay không một tắc sắt, chỉ biết liên kết với nhau, cắn răng chịu đựng, chưa hề thống thiết kêu gọi ngoại bang, hay các tổ chức nước ngoài”cứu lấy chúng tôi”:

- Hội Phụ Nữ Nhân quyền đòi nhân quyền.

- Hội Nhà Báo Độc Lập phản biện những sai lầm trong đường lối chính sách của đảng CSVN và nhà nước, và đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí.

- Hội anh em dân chủ đòi dân chủ.

Tất cả những đòi hỏi ấy, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc cũng đã đòi hỏi trong bản  Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles.

 1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng nhữngđảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

V v..

Những điều Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi thực dân Pháp thực hiện tại VN đến nay dưới chế độ XHCN, trong nước VN với tiêu chí Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN của chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn chưa có được. Đảng và nước nước VN không thực hiện điều người dân mong ước. Các tổ chức dân sự, tiêu biểu là 3 tổ chức mà bài báo nêu trên, phải thúc đẩy đảng, chính phủ phải thực hiện.

Người ta có quyền nghi ngờ đảng CSVN, chính quyền VN, cả những người gọi là nhà báo viết dưới sự chỉ đạo của cấp trên, không muốn đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền thật sự và đầy đủ cho người dân khi họ luôn rêu rao về cái gọi là tiêu chí tây phương để vu khống, vu cáo, trù dập, đàn áp thậm chí bắt bớ, cầm tù những người trong các tổ chức xã hội dân sự không chịu lệ thuộc vào đảng và chính quyền, và đang tích cực hoạt động trong nước.

---------------------------

Tham khảo

 (*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập.10, tr. 127.

(**) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập.1, tr. 23-24.
(1)          http://ngonnguhoc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=149:ch-va-ngha-v-hai-t-kinh-in-va-tieu-chi&catid=29&Itemid=39