Saturday, December 12, 2020

Ngư dân Việt ở Indonesia cầu cứu: "Hãy giúp đỡ anh em chúng tôi xum họp với vợ con!”


Theo RFA-Châu Thi 2020-12-12

Ông Hồ Văn Hiếu, 63 tuổi, một lão ngư ở tỉnh Kiên Giang trong video gửi cho Đài Á Châu Tự Do bày tỏ. 

Ông Hiếu và gần 200 thuyền viên khác đang bị giữ ở trại Tanjung Pinang thuộc quần đảo Riau phía Đông Indonesia, có người vài tháng và có người đã 2-3 năm chưa trở về quê mẹ mặc dù nơi giữ các ông chỉ mất tối đa 2 ngày chạy ghe là có thể trở về. 

Ông Hiếu và những ngư dân Việt ở đây bị phía Indonesia bắt giữ vì cáo buộc đánh cá trộm trong vùng nước của Indonesia.

Theo luật pháp Indonesia, chỉ có những tài công (người lái tàu) mới bị xét xử, bị tù và trục xuất sau, còn các thuyền viên như ông không phải ra tòa mà chỉ chờ ngày về, vậy mà theo video cung cấp cho Đài Á Châu Tự Do, Đại sứ quán Việt Nam dường như không quan tâm đến sự tồn tại của các anh. 

Ăn cơm thiu, cơm sống qua ngày 

Đời sống của anh em quá khổ. Bữa ăn cơm thiu có, bữa cơm sống có. Còn đi xuống căng-tin thì phải mua tốn tiền,” ông Hiếu nói thêm: “Bây giờ chúng tôi nhờ chính quyền Việt Nam giúp đỡ anh em chúng tôi về nước đoàn tụ với gia đình. Hoàn cảnh khó khăn. Mong các cấp, toà soạn đưa lên ý kiến giúp đỡ anh em chúng tôi xum họp với vợ con”.

Anh Võ Văn Hoàng, một người có 10 năm kinh nghiệm đi biển cũng đang bị giữ trong cùng trại xác nhận thông tin trên là có thật, tuy nhiên anh lo sợ chuyện đến tai chính quyền Indonesia vì "dù gì mình cũng đang ở trong tay người ta". 

"Ở bên trại Batam được ba tháng rồi đưa qua đây. Cái trại này nói chung cũng bình thường  cũng không có gì đến nỗi cực nhọc. 

Cơm nước cũng một ngày ba cử, cơm ăn cũng vừa đủ no nhưng đồ ăn thì không có đâu! 

Tụi em phải gửi tiền từ Việt Nam qua rồi phải đi xuống căng-tin mua mì thêm mua bánh, mua sữa chứ đồ ở bên Indo nó cung cấp cho ăn nói chung là anh em không có đủ no.

Nói chung là cũng có cho ăn cơm thiu nhưng cũng tại ổng nói mà không suy nghĩ, không né tránh một chút. 

Tại vì còn ở đây mà ông nói như vậy thì cũng hơi oải với nó. Cũng có nhầm bữa thiu mở hộp cơm ra hôi chua anh em cũng không dám ăn luôn."

anhNgudan3.jpg
Ngư dân Việt ở Tanjung Pinang, Indonesia ăn cơm

Anh Hoàng cũng quay 1 đoạn video ngắn cho thấy bữa cơm trưa ngày 10-12 được đựng trong một thố nhựa tròn trong đó có 3 ngăn đựng cơm trắng, ít canh và một miếng trứng chiên. 

Trong khi đó, ông Didik Agus - Bộ Thủy sản và Các vấn đề về biển Indonesia trả lời Benar News (hãng tin thuộc RFA) cho hay, chỉ trong năm nay, có 225 ngư dân Việt Nam bị bắt vì "đánh bắt bất hợp pháp trong Khu vực Quản lý Nghề cá của nước Cộng hòa Indonesia." 

Ông này khẳng định "tất cả các thuyền viên đều có sức khỏe tốt và đang được đối xử thích hợp theo các quy định hiện hành."

"Tiền làm từ mấy năm trước thì năm nay bị trôi hết rồi"

Anh Hoàng làm nghề chài lưới trong mấy năm vừa qua để dành được một số tiền, tuy nhiên tất cả đều "trôi hết" trong khoảng 1 năm anh bị bắt ở Indonesia. Chị vợ làm nghề bán hàng online nhưng cũng thất thu vì dịch COVID-19. 

"Tôi có hai đứa, cháu lớn đang học lớp 7, còn đứa nhỏ đang học mẫu giáo, bây giờ còn cha mẹ già nữa... 

Vợ em có con nhỏ phải đưa rước đi học cũng đâu có làm gì được. Công việc ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trì trệ đâu có ai làm gì được đâu. Nói chung là tiền làm từ mấy năm trước thì năm nay bị trôi hết rồi!

Tội nghiệp anh em thuyền viên lắm, nói chung là tất cả anh em ở đây toàn là những lao động chính trong gia đình. 

Bây giờ những lao động chính này mà bị bắt nhốt ở đây thì gia đình đâu còn tiền thu nhập vô nữa đâu chỉ có tiền ra thôi.

Có nhiều gia đình phải cho con em của người ta nhưng học không có tiền đóng học phí luôn. phải mượn nợ để lo tiền thuốc men cho cha già, tiền học cho hai đứa con." - anh Hoàng bày tỏ. 

Anh Hoàng cũng kể về một trường hợp của Trung, năm nay hơn 20 tuổi, cũng bị bắt đợt tháng 4-2020. 

Tháng 8 vừa qua người cha của Trung đột tử trong đêm, em không thể về để nhìn mặt cha lần cuối. Các ngư dân vì nóng lòng cũng nhiều lần gọi điện đến số của Đại sứ quán thì không có người trả lời. 

Người mẹ của Trung nhắn tin cho chúng tôi cầu cứu, bà cho hay đã đi đến Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang để hỏi thăm, tuy nhiên cơ quan này cho biết không có thông tin gì về những lao động nghề cá bị bắt ở Indonesia. 

Theo cơ quan chức năng Indonesia, trong 225 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ từ đầu năm thì có 26 người là nghi phạm, trong khi 199 người không phải là nghi phạm.

Chúng tôi gọi điện đến Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang để hỏi về vụ việc của các ngư dân, tuy nhiên người phụ trách công tác Bảo hộ công dân khẳng định thông tin có ngư dân bị bắt ở Indonesia là không có thật.

"Cái thông tin này tôi cũng không nghe là có ai phản hồi lại nên tôi cũng không biết là tin có chính thống hay không anh ha. 

Còn vấn đề công dân mình ở bên đó 3 năm hay gì đó là KHÔNG CÓ THẬT!" - bà này khẳng định đồng thời đề nghị phóng viên gửi văn bản đến Sở để sắp lịch làm việc theo trình tự. 

Còn ông Trần Văn Phương, Trưởng phòng Bảo hộ công dân - Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam thì lại bảo phóng viên gọi cho Đại sứ quán ở nước sở tại.

"Anh ơi, đề nghị anh liên hệ giúp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nhé!

Họ sẽ có thông báo tình hình bảo hộ công dân, cũng như những cái thông tin mà cơ quan trong nước có những cái điều hành đối với công tác bảo hộ công dân thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia."

Trong khi đó, sau một ngày gọi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia không có người nhấc máy, trưa 10-12, một nhân viên trực đường dây nóng cho biết "Sứ quán vẫn đang xử lý" vụ các ngư dân bị kẹt ở Indonesia. 

"Sứ quán vẫn đang liên hệ và vẫn đang xử lý mà, chứ làm gì có chuyện không xử lý đâu. 

Hiện nay thì như anh biết do COVID nên không có chuyến bay về nước. Với lại thủ tục xác minh thì cũng phải đợi trong nước có kết quả chứ chúng tôi không phải không làm gì. Điều đó không đúng" - Nhân viên Đại sứ quán từ chối cung cấp thông tin thêm, cho hay ông phải hỏi lãnh đạo và đề nghị phóng viên không dẫn lời. 

"Đánh cá ở Trường Sa thì bị Trung Quốc đụng, đánh ở giáp biên thì Indonesia bắt"

"Mấy ngư trường đó giờ đánh bắt đâu có lời nữa đâu, đâu có còn cá mực nhiều nữa đâu.

Những vùng biển như là từ Phú Quý đổ lên, mấy vùng biển đó bây giờ đâu có dám làm, làm là ba cái tàu Trung Quốc nó càn, nó rượt nó đụng không làm sao mà mình dám làm. 

Hồi năm rồi tôi cũng có làm tới ở bên Trường Sa nhưng mà tàu Trung Quốc nó càn quá trời, tàu Hải giám nó rượt nó đụng. Rồi đâu có dám làm nữa!

Đâu có dám làm, mình vô trong gần mé quá thì thì tàu mình công suất lớn bên kiểm ngư cũng cấm không cho làm, mà ở giữa chừng thì cũng không còn nhiều cá mực nữa.

Tại vì cái lượng tàu đánh bắt của mình nó quá đông, mình hoạt động giết con cá con mực nó phải dạt và nó chạy sang những vùng biển lân cận như Malaysia, Indonesia. 

Như bên phía Malaysia, Indonesia thì nó không có khai thác hải sản như mình, người ta ít có tàu lắm" - Anh Hoàng giải thích lý do vì sao nhiều tàu cá phải đi xa hơn đến những vùng giáp biên với Indonesia và Malaysia để đánh cá. 

000_1G56QT.jpg
Indonesia đánh chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị cáo buộc đánh cá trộm ở vùng biển của Indonesia hôm 4/5/2019

Thế nhưng, mặc dù đánh cá theo tọa độ được Cảnh sát biển cùng với các cơ quan chức năng Việt Nam chỉ dẫn nhưng theo anh tàu cá vẫn bị bắt và dẫn giải về biển Indonesia để quay phim, chụp hình làm bằng chứng. 

"Ở đây thì nói chung anh em đi khoảng hơn 10 năm rồi, đó giờ chưa lần nào bị Indo bắt. 

Nói với anh để giải nỗi oan cho tụi tôi, nhiều khi mình đánh ở khu vực chồng lấn còn nằm bên vùng biển của Việt Nam cách 57 hải lý, mình vẫn bị nó qua bắt mình. 

Tụi em thì không có gì để chống trả, nó chạy lại thì tụi em không cho cập nó lấy súng ra bắn. 

Nó bắn thẳng vào phòng tài công không à, đâu có dám chạy đi đâu.

Buông tay thì nó cho lính qua, nó dẫn mình qua tàu của nó, rồi nó cho người của nó qua chạy tàu của mình. 

Chạy mấy tiếng đồng hồ chừng nào về tới bên biển của nó thì nó mới thả trôi, lập biên bản bắt mình ký tên, đường nào mà phản với nó nổi!" - Anh Hoàng kể lại. 

Ông Toàn, một ngư dân ở Kiên Giang có 50 năm kinh nghiệm đi biển. Ông đã bỏ nghề cá khoảng một năm nay, thừa nhận có tình trạng đút lót để qua biển Malaysia, Indonesia đánh trộm, tuy nhiên vẫn bị các cơ quan chức năng bắt như thường. 

"Có người ở bển gọi điện qua, nếu có người thì mình trốn, không có người thì mình qua đánh. Mình trả tiền cho người bên đó báo tin. 

Mình trả tiền cho người mình rồi người ta liên lạc với cảnh sát biển Malaysia, một năm là 50 triệu đồng", ông Toàn kể. 

Công tác Bảo hộ Công dân

Thông tin trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta, từ đầu năm đến nay đã có 3 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó chuyến gần nhất là vào ngày 29-11-2020 với 90 công dân. 

Trang web của đài tiếng nói Việt Nam VOV hôm 23-9 dẫn số liệu của bộ phận lãnh sự Đại sứ quán cho biết từ đầu năm đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta đã làm việc với các cơ quan trong nước và sở tại để xác minh nhân thân và thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết và đưa về nước tổng cộng 108 ngư dân/283 ngư dân.

anhNgudan1.jpg
Ngư dân Việt ở Tanjung Pinang, Indonesia tháng 12/2020

Theo cơ quan chức năng Indonesia, trong 225 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ từ đầu năm thì có 26 người là nghi phạm, trong khi 199 người không phải là nghi phạm.

Tổng cục trưởng cục Giám sát nguồn lợi thủy sản và biển (PSDKP) đã bàn giao 9 thuyền viên cho Văn phòng Công tố và 123 thuyền viên cho Tổng cục Xuất nhập cảnh.

"Đối với 92 thuyền viên đang ở các bến cảng PSDKP trên các đảo Batam và Natuna, 4 người vẫn đang được điều tra, 12 người đã được giao cho Công tố viên để xét xử và không có cáo buộc nào đối với 76 người đã bị chuyển đến trại giam trung tâm của Tổng cục Di trú.

Các thuyền viên không bị truy tố, căn cứ vào quy định của luật pháp quốc tế và quốc gia, đã được phép về nước từ đầu. Tuy nhiên, quá trình trở về nhà chắc chắn phụ thuộc vào quốc gia gốc của ngư dân, nơi sẽ trả tiền cho việc trở về của họ", ông Didik Agus - phát ngôn nhân Bộ Thủy sản và Các vấn đề về biển Indonesia cho hay.

Ông Didik Agus cho biết, đã liên lạc với Chính phủ Việt Nam thông qua Đại sứ quán tại Jakarta, tuy nhiên, "Đại sứ quán Việt Nam đã chuyển thông tin rằng tình hình đại dịch COVID-19 gây trở ngại đáng kể cho việc hồi hương công dân."

Hôm 11-12-2020, các ngư dân còn kẹt ở Indonesia liên lạc lại với chúng tôi cho hay, sau khi đoạn video của ngư dân kêu cứu được Đài Á Châu Tự Do đăng tải thì phía Indonesia đã gửi một số giấy tờ vào và yêu cầu những người này điền.

Giấy tờ bao gồm Tờ khai dùng cho ngư dân Việt Nam xin hồi hương và Tờ khai bổ sung xin cấp Giấy thông hành về Việt Nam dành cho ngư dân bằng Tiếng Việt. 

Thẩm Phán Trương Việt Toàn bắt tay ‘thân mật’ bị cáo Nguyễn Đức Chung

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày sau khi phiên xử ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, khép lại với bản án 5 năm tù, hôm 12 Tháng Mười Hai, giới luật sư bàn tán về tấm ảnh “lạ” bị rò rỉ trên mạng.

Tấm ảnh không rõ nét, được cho là chụp qua màn hình tường thuật dành cho phóng viên ở Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội, do đây là “phiên xử kín.” Trong ảnh, người ta thấy ông Trương Việt Toàn, thẩm phán và là chủ tọa phiên tòa, xuống tận ghế dành cho bị cáo để bắt tay, vỗ vai thân mật với ông Chung.

Khoảnh khắc “thân mật” giữa ông Nguyễn Đức Chung (thứ hai, trái) và ông Trương Việt Toàn sau khi có phán quyết. (Hình: Facebook Nguyễn Hà Luân)\

Khoảnh khắc này được cho là diễn ra ngay sau khi ông Toàn công bố phán quyết, khép lại phiên tòa chóng vánh chỉ sau nửa ngày xét xử. 

Luật Sư Nguyễn Hà Luân bình luận trên trang cá nhân: “Một lần nữa, cho thấy bọn đánh máy, bọn phụ trách hình ảnh, loa đài tại các cơ quan công lực tại Việt Nam gây hại cho các đồng chí lãnh đạo như thế nào? Không biết ông quan tòa đã nói gì với ngài bị cáo này. Càng khó hiểu nữa, đây là phiên xử kín thì hẳn là tòa sẽ không có đường truyền hình ra ngoài như vụ án khác. Vậy hình ảnh này từ đâu mà ra?”

Luật Sư Luân nêu suy đoán “người phụ trách loa đài chủ quan, quên tắt camera sau khi tuyên án” và rằng Thẩm Phán Toàn “theo thói quen cố hữu là người phụ trách loa đài đã tắt máy, lúc này việc diễn án đã xong, phòng xử khác gì phòng VIP karaoke nên mất gì mà không tỏ chút tình thân hữu với bị cáo.”

Cùng thời điểm, Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận định trên trang cá nhân đây là bức ảnh “ngoài luồng đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam.”

“Hình ảnh có một không hai, vượt tầm kiểm soát của nhiều người và ngoài mong muốn của nhân vật,” theo Facebook Trịnh Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Đức Chung (giữa), cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, tại phiên xử hôm 11 Tháng Mười Hai. (Hình: Zing)

Bên dưới bài đăng của ông Phúc, Luật Sư Đặng Đình Mạnh để lại bình luận: “Trong phiên tòa, họ [ông Trương Việt Toàn và ông Nguyễn Đức Chung] có quan hệ là thẩm phán xét xử và tội phạm. Khi còn trong phạm vi đấy và mặc chiếc áo ấy, họ phải hành xử cho đúng với tư cách của mình. Họ không có quyền khoác vai, bá cổ như vậy. Vì là đây là chốn công đường, quan hệ công, cho nên, công chúng có quyền phán xét nếu hành xử không đúng đắn.”

Trước vụ ồn ào này, trong một bài đăng trên báo An Ninh Thủ Đô hồi Tháng Giêng, 2019, ông Trương Việt Toàn chia sẻ quan điểm về xử án tham nhũng: “Tất cả [các vụ án] đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật; việc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm. Và hình phạt được áp dụng theo đúng nguyên tắc pháp luật. Đó là nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực khắc phục hậu quả… Các bản án đưa ra đều được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.” (N.H.K) [qd]

Giới chức chỉ trích CSVN ‘tìm mọi cách để đánh thuế, phạt thuế’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Thay vì tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu thuế lâu dài thì nghị định này lại tìm mọi cách để đánh thuế, phạt thuế.”

Đó là lời chỉ trích của ông Ngô Trí Long, cựu viện trưởng Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả, Bộ Tài Chính CSVN, về Nghị Định 126 liên quan việc tăng thuế, được báo VTC News hôm 12 Tháng Mười Hai dẫn lại.

Giới tài xế chạy Grab đau đầu vì thuế tăng cao khiến khách hàng than phiền. (Hình: Việt Hùng/VTC News)

“Tình trạng chậm thuế, trốn thuế là có nhưng không vì một trường hợp mà làm khó với nhiều trường hợp được. Việc nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thì đó là trách nhiệm giám sát, thanh tra của cơ quan thuế, không vì một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định mà đánh đồng tất cả được,” ông Long được báo này dẫn lời.

Phát ngôn của vị giới chức kỳ cựu được đưa ra trong bối cảnh công luận chỉ trích nhà cầm quyền CSVN áp Nghị Định 126 được cho là khiến hàng trăm doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt oan trong quá trình nộp thuế, buộc các ngân hàng thương mại phải cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Tờ báo cũng dẫn nhận định của ông Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng BIDV: “Quy định của Nghị Định 126 được cho là không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ba quý đầu, doanh nghiệp đã tạm nộp 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp của cả năm. Đến quý tư, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp. Điều này khác nào làm giảm động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.”

Trong những ngày qua, người dân bày tỏ sự bất bình về việc ngành thuế áp thêm thuế VAT (giá trị gia tăng) khiến giá các cuốc xe đặt qua ứng dụng xe công nghệ như Grab, Baemin từ hôm 5 Tháng Mười Hai phải gánh thêm khoản thuế 10%.

Trong một diễn biến khác, theo báo Tuổi Trẻ, tại Sài Gòn, Cục Thuế Thành Phố cần phải thu mỗi ngày đến 773 tỷ đồng ($33.3 triệu), kể cả ngày nghỉ, thì mới đạt 85.4% kế hoạch thu ngân sách trong năm 2020.

Ông Ngô Trí Long, cựu viện trưởng Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả, Bộ Tài Chính CSVN. (Hình: VTC News)

Việc thu thuế được tờ báo ghi nhận “đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại do ảnh hưởng từ COVID-19.”

Với tình hình hiện tại, Cục Thuế Thành Phố dự trù cả năm 2020 chỉ thu được 248,500 tỷ đồng ($10.7 tỷ), đạt 85.4% kế hoạch ban đầu.

Con số nêu trên được cho là chỉ có thể đạt được với điều kiện “phải có sự hỗ trợ của các sở ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài Chính CSVN, Tổng Cục Thuế và sự ổn định của nền kinh tế, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tại thành phố trong Tháng Mười Hai.” (N.H.K) [qd]

Em trai cựu Bí Thư Lê Thanh Hải lại ‘dính’ thêm tội

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Công ty Cây Trồng Thành Phố và công ty Bò Sữa Thành Phố được tách ra từ tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (SAGRI), nơi ông Lê Tấn Hùng – em trai ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư Thành Ủy – làm tổng giám đốc đã bị Thanh Tra Thành Phố chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Ngày 12 Tháng Mười Hai, Thanh Tra Thành Phố cho biết đã có thông báo kết luận thanh tra về việc “Chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và quản lý sử dụng vốn nhà nước” tại hai công ty Cây Trồng và công ty Bò Sữa.

Công ty Bò Sữa Thành Phố trước đây trực thuộc SAGRI. (Hình: S.T/Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, hai công ty trên trước đây trực thuộc SAGRI. Năm 2018, hai công ty tách ra khỏi SAGRI, và trở thành công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố.

Đối với công ty Cây Trồng, kết luận thanh tra chỉ ra công ty đã bàn giao hơn 296 hécta để thực hiện các dự án lớn nhưng “không ghi danh giảm diện tích. Bên cạnh đó, hơn 1,694 hécta đất thuê của thành phố (thời hạn 50 năm), nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện thủ tục thuê. Ngoài ra, lãnh đạo công ty còn để người dân lấn chiếm nhiều hécta đất và cho thuê bốn mặt bằng không đúng quy định.”

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên đất mà công ty Cây Trồng đã bàn giao gồm: khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3; khu dân cư-tái định cư liền kề khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3; khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 “chưa bảo đảm đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của Luật Đất Đai 2013.”

Trong khi đó báo Tiền Phong cho biết đối với công ty Bò Sữa, kết luận thanh tra đã chỉ ra công ty này đầu tư dự án nuôi bò sữa ở xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng “liên tục bị thua lỗ, phải bán dự án.” Đồng thời, công ty còn “vi phạm các quy định Luật Đất Đai.”

Đáng lưu ý, công ty Bò Sữa đã góp vốn thực hiện dự án trồng 10,000 hécta cây cao su tại Lào, với sự tham gia góp vốn 153.7 tỷ đồng ($6.64 triệu) của lực lượng Thanh Niên Xung Phong, và 45 tỷ đồng ($1.9 triệu) từ các doanh nghiệp nhà nước như tổng công ty Du Lịch Sài Gòn, tổng công ty Thương Mại Sài Gòn, và Quỹ Đầu Tư và Phát Triển Đô Thị.

Tuy nhiên, dự án này chỉ trồng được 2,800 hécta mà trong đó đã có 1,800 hécta cây bị chết, chỉ còn quản lý khai thác thực tế 1,000 hécta. Hiện dự án “gặp nhiều khó khăn, gây thất thoát tài sản.”

Theo kết luận thanh tra, những trách nhiệm trên thuộc về chủ tịch hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, kế toán trưởng, phụ trách dự án của SAGRI, và cá nhân liên quan của đến công ty Cây Trồng và công ty Bò Sữa.

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch thành phố, đã “thống nhất giao giám đốc Sở Nội Vụ chủ trì, phối họp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, đề nghị hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan của SAGRI về các sai phạm liên quan trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý vốn, tài sản và thực hiện các dự án như đã nêu tại kết luận thanh tra.”

Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn, nơi ông Lê Tấn Hùng thao túng hơn 20 năm. (Hình: Infonet)

Theo ông Phong, hai công ty trên được thành phố “ưu ái” giao quản lý diện tích đất rất lớn, chủ yếu là đất nông nghiệp. Cụ thể, công ty Cây Trồng quản lý hơn 2,486 hécta, còn công ty Bò Sữa có hơn 3,392 hécta. Thế nhưng kết luận thanh tra chỉ ra hiệu quả hoạt động kinh doanh, đầu tư trong ngành nghề, lĩnh vực được giao của hai công ty đều thua lỗ.

Liên quan đến vụ sai phạm của SAGRI, trước đó hồi Tháng Tám, 2019, cùng với việc khởi tố ông Lê Tấn Hùng thêm tội “Tham ô tài sản,” Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố nhiều lãnh đạo SAGRI, và một số nhân viên hai công ty Cây Trồng và Bò Sữa với cùng tội danh. (Tr.N) [qd]

Việt Nam cần 3,000 người thử vaccine, dân mạng đề nghị đảng viên ‘làm gương’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Học Viện Quân Y kêu gọi 3,000 người thử nghiệm vaccine COVID-19 “made in Việt Nam” có tên là Nanocovax.

Tuy nhiên, hôm 11 Tháng Mười Hai, báo VNExpress cho hay hiện chỉ mới có “hơn 100 người” ghi danh thử vaccine, tức là còn thiếu đến 2,900 người.

Vaccine Nanocovax do công ty Nanogen nghiên cứu và sản xuất. (Hình: Quỳnh Trần/VnExpress)

Trước khi tiến hành thử nghiệm trên người, công ty Nanogen, đơn vị nghiên cứu Nanocovax, báo cáo rằng họ đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng “khả quan” trên chuột, khỉ và thỏ.

Những người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm bắp hai liều vaccine hoặc giả dược (đối với giai đoạn hai và ba). Khoảng cách giữa hai liều tiêm là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ sáu kể từ liều tiêm đầu tiên.

Báo VNExpress cũng cho hay, nếu thử nghiệm lâm sàng trên người thuận lợi, Nanogen dự trù hoàn tất thử nghiệm vào Tháng Năm, 2021, xin ý kiến chính phủ để được cấp phép khẩn cấp. Trước mắt, vaccine sẽ được tiêm cho nhóm thường xuyên tiếp xúc với dịch, có nguy cơ cao như nhân viên y tế, tiếp viên hàng không và nhóm người cao tuổi, có bệnh nền.

Để đám đông hưởng ứng lời kêu gọi thử nghiệm vaccine, tờ Thanh Niên dẫn lời cam kết của ông Đỗ Quyết, giám đốc Học Viện Quân Y: “Chúng tôi cam kết, Học Viện Quân Y sẵn sàng độc lập đề nghị dừng thử nghiệm, nếu phát hiện không an toàn cho người tình nguyện. Chúng ta kiên quyết không đánh đổi an toàn của người Việt Nam, của cộng đồng với bất cứ lý do nào. Mặc dù rất tin tưởng vào sự an toàn của vaccine đã được phê duyệt nhưng chúng tôi cũng cần khẳng định như vậy. Chúng ta không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm.”

Phát ngôn của ông Quyết khiến công luận bàn tán, vì việc thử nghiệm về độ an toàn của vaccine đồng nghĩa với việc chưa xác định được mức độ an toàn thực. Hơn nữa, trong trường hợp xấu nhất, khi sức khỏe của tình nguyện viên gặp rủi ro vì thử vaccine, liệu có giới chức nào của ngành y tế dám đứng ra nhận trách nhiệm?

Cũng trong hôm 11 Tháng Mười Hai, cộng đồng mạng dấy lên lời kêu gọi các đảng viên CSVN nên “làm gương,” “đi trước” trong vụ thử vaccine ngừa COVID-19. Nếu làm như vậy, nhà chức trách sẽ có dư tình nguyện viên ngay lập tức.

Người dân ghi danh thử vaccine Nanocovax. (Hình: Thúy Anh/Thanh Niên)

Theo báo Pháp Luật TP.HCM hồi cuối Tháng Mười Hai, 2019, đảng CSVN đang có đến 5.2 triệu đảng viên và số người được kết nạp trong một năm lên đến 143,000 vị.

Liên quan đề nghị này, ông Nguyễn Như Phong, cựu đại tá công an và là tổng biên tập báo Năng Lượng Mới (PetroTimes), cho biết trên trang cá nhân: “Thứ nhất, hãy thử nghiệm ngay ở lãnh đạo chủ chốt của Bộ Y Tế, bao gồm từ bộ trưởng, thứ trưởng và lãnh đạo vài ba cục có liên quan.

Thứ hai, tuyển chọn ngay trong số những ai tham gia ứng cử Ban Chấp Hành Trung Ương đảng nhiệm kỳ tới. Với ba độ tuổi: Cao tuổi, trung tuổi và trẻ nhất. Vì việc thử nghiệm là cực kỳ quan trọng, cho nên, hơn lúc nào hết, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, và tính gương mẫu… Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói ‘đảng viên không gương mẫu, nói ai nghe.’ Cho nên, đề nghị lãnh đạo Bộ Y Tế hãy gương mẫu, lấy thân mình làm thử nghiệm trước!” (N.H.K) [qd]