HÀ GIANG, Việt Nam (NV) – Không ngoài dự đoán, tuy báo chí nhà nước được “mở miệng” về cuộc chiến biên giới năm 1979, các hoạt động tưởng niệm 17 Tháng Hai của người dân vẫn tiếp tục bị nhân viên an ninh theo dõi và quấy rầy như mọi năm.
Nghĩa trang Vị Xuyên nằm ở tỉnh Hà Giang là nơi yên nghỉ của khoảng 2,000 liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979 và bảo vệ biên giới phía Bắc đến năm 1989. Tại đây vẫn còn nhiều bia mộ liệt sĩ vô danh được khắc dòng chữ “chưa biết tên”.
Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng tường thuật về chuyến thăm nghĩa trang này vào hôm 14 Tháng Hai trên trang cá nhân: “Ý tưởng lên nghĩa trang Vị Xuyên thắp hương tưởng niệm những liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc là của cụ Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Minh Triết và đồng sự. Đề phòng khả năng bị công an chặn phá, nên chuyến đi được giữ bí mật. Thế nhưng chuyện gì thì an ninh không biết, chứ chuyện này an ninh đánh hơi giỏi lắm. Cả đoàn 26 người xuất phát từ tờ mờ đất, đi hơn hai trăm cây số, mà lên tới nghĩa trang Vị Xuyên, đã thấy xe của an ninh biển Hà Nội ở đó. Khi thấy chúng tôi thắt ruy băng lên đầu nhau, chuẩn bị hoa và băng rôn, họ liền chỉ đạo người của ban quản lý nghĩ trang ra, bảo căng băng rôn phải đăng ký, xin phép… Khi mọi người phản ứng gay gắt, thì họ bảo không được làm ồn ào ở nghĩa trang!”
Bà Phượng cũng tiết lộ chuyện ba thanh niên trong đoàn đi viếng mặc áo No-U [phản đối bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông] bị nhân viên an ninh đến gần đòi những người thay áo khác vì áo này “nhạy cảm”.
“Cái sự hèn và ngu của đám an ninh và cấp trên của chúng là cả một quá trình xuyên suốt, chứ không chỉ ở một vài sự kiện. Theo truyền thông nhà nước trước đây, cuộc chiến tranh vệ quốc chỉ diễn ra vài tháng, vì giặc ngoại xâm rút nhanh quá sau lệnh tổng động viên. Nhưng thực tế, nó đã kéo dài suốt 10 năm. Hàng ngàn người lính sau đó vẫn hy sinh mà rất ít người Việt Nam trong số 90 triệu dân biết đến,” bà Phượng viết.
Hồi tháng trước, tin cho hay chỉ bốn thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm 45 năm ngày Trung Quốc chiếm đóng đảo Hoàng Sa. Tuy vậy, họ cũng bị các nhân viên an ninh mặc thường phục ào tới giật băng rôn sau vài phút xuất hiện tại khu vực nêu trên. Các thành viên khác của câu lạc bộ này tiết lộ họ bị nhân viên an ninh canh giữ tại nhà.
Việc các nhân viên an ninh gây khó dễ đối với hoạt động tưởng niệm chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn cho thấy nhà cầm quyền CSVN muốn kiểm soát thông tin “đúng định hướng” về cuộc chiến năm 1979 trên mặt báo và không chấp nhận cho người dân, nhất là giới hoạt động, xã hội dân sự được “tự phát” tưởng niệm.
Hôm 15 Tháng Hai, ông Trịnh Hữu Long, người sáng lập Luật Khoa Tạp Chí bình luận trên trang cá nhân: “Hiện giờ Hiệp ước Thành Đô đang bị bỏ quên, các trường học của Trung Quốc dành cho con em cán bộ Việt Nam đóng tại Trung Quốc suốt những năm 1950-60 đang bị bỏ quên, hàng ngàn gián điệp Trung Quốc ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đang bị bỏ quên, các trại tập trung sau năm 1975 đang bị bỏ quên, nửa triệu thuyền nhân chết trên biển sau năm 1975 đang bị bỏ quên. Đến hiệp định phân chia biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc cũng… quên công bố.”
“Hay là quên hay nhớ cũng phải theo…đèn tín hiệu?” (T.K.)