Wednesday, February 21, 2018

GS ở Pháp: Bộ trưởng Nhạ ‘tự đạo văn, không xứng đáng với chức vụ nào’

VOA Việt/20/02/2018  
Một báo cáo của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse, nói Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tự đạo văn
Một báo cáo của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse, nói Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tự đạo văn
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, mới đây gửi một báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, đưa ra bằng chứng là bộ trưởng giáo dục và đào tạo đương nhiệm “tự đạo văn”. Bản báo cáo cũng được công bố trên mạng, dẫn đến những lời kêu gọi vị bộ trưởng từ chức.
Bản báo cáo 10 trang được GS Dũng gửi hôm 18/2 tới tổng thư ký của hội đồng, GS Trần Văn Nhung, nói về “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Hai vấn đề được đề cập ở các vị trí đứng đầu trong báo cáo là các hành vi “tự đạo văn” và “trích dẫn khống” của ông Nhạ.
GS Dũng và các cộng sự tập trung vào các bằng chứng trong hai bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ và một tác giả khác, công bố năm 2013 và 2014, để nhận định ông Nhạ đã tự đạo văn, một thuật ngữ chỉ việc sao chép bài viết hoặc báo cáo cũ của bản thân đã từng công bố chính thức, nay giả vờ là mới.
Thẩm định của nhóm GS Dũng với phần mềm tra cứu Turnitin cho thấy có 48% nội dung của bài năm 2013 được sao chép lại y nguyên vào bài năm 2014. Nhưng nếu tính cả những chỗ được viết lại, vẫn cùng nội dung nhưng dùng câu chữ khác đi để ngụy trang, có thể nói hai bài giống nhau gần 100%, báo cáo do GS Dũng công bố cho hay.
Về vấn đề trích dẫn, bản báo cáo nêu ra 3 bài viết khoa học do ông Nhạ và một số người khác làm tác giả. Các biểu hiện bất thường về trích dẫn trong các bài này gồm viết tên tác giả người phương Tây bằng tên riêng thay vì tên họ đối với một số bài trong danh sách tài liệu tham khảo; nhiều bài được đưa vào danh sách tham khảo song không thấy được trích dẫn trong bài viết khoa học; một số câu ông Nhạ và đồng tác giả viết là họ trích dẫn từ các học giả khác, song trên thực tế không thể truy ra nguồn, hay còn gọi là trích dẫn khống.
... một người đã là giả khoa học thì không xứng đáng với một chức vụ nào hết. Nếu hội đồng thẩm định công nhận chuyện ông Phùng Xuân Nhạ là một người giả khoa học, thì theo tôi ông ta sẽ không đủ tư cách để giữ một chức vụ quản lý nào hết.
GS Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse, Pháp
Một điều bất thường nữa mà vị giáo sư tại ĐH Toulouse chỉ ra là 2 bài báo của ông Phùng Xuân Nhạ được cho là đã công bố quốc tế thực ra lại đăng trên một tạp chí “giả khoa học”. Theo GS Dũng, 2 bài báo của ông Nhạ được đăng trên tạp chí Asian Social Science năm 2014. Nhưng danh mục Scopus - cơ sở dữ liệu lớn nhất về các tạp chí khoa học có uy tín - không công nhận đó là tạp chí khoa học và đã loại nó khỏi danh sách Scopus từ sau năm 2015.
Báo cáo của GS Dũng cũng lưu ý đến trình độ tiếng Anh không tốt của Bộ trưởng Nhạ. Báo cáo nói các bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ có quá nhiều lỗi sai và cấu trúc câu lủng củng như thể đã được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách gượng gạo.
Với các bằng chứng thu thập được, báo cáo gửi đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước khẳng định ông Phùng Xuân Nhạ “vừa thiếu đạo đức vừa kém về trình độ” và “hoàn toàn không xứng đáng” với chức danh giáo sư mà ông được phong năm 2016.
GS Nguyễn Tiến Dũng và các cộng sự viết trong báo cáo rằng việc phong giáo sư cho ông Nhạ cần được rà soát lại một cách rất nghiêm túc, bởi một hội đồng thẩm định độc lập, không chịu bất kỳ sức ép hay sự thao túng nào nào từ phía ông Nhạ. Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hiện cũng là chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.
Báo cáo nhấn mạnh những bằng chứng như vậy cho thấy người đang nắm chức bộ trưởng giáo dục và đào tạo lại là “một gương xấu” cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam. Không chỉ dừng ở nhận xét đó, vị giáo sư ở Pháp và các cộng sự còn nhận định rằng vì “tính giả khoa học” của bộ trưởng Nhạ, nên các chính sách và khuyến cáo mà ông ta đưa ra “đều không đáng tin cậy và có thể gây ra các thiệt hại lớn cho đất nước”.
Sau khi báo cáo được gửi đi cũng như được đăng trên một số trang mạng và diễn đàn của giới khoa học Việt Nam, nó đã được chia sẻ rộng rãi bởi nhiều người sử dụng mạng xã hội, thu hút hàng nghìn “phản ứng” và hàng trăm ý kiến bình luận.
Một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội như nhà báo Trương Huy San, còn biết đến với tên Huy Đức, thậm chí đã kêu gọi ông Nhạ từ chức bộ trưởng.
Từ Pháp, GS Dũng đưa ra ý kiến ngắn gọn với VOA:
“Theo tôi, một người đã là giả khoa học thì không xứng đáng với một chức vụ nào hết. Nếu hội đồng thẩm định công nhận chuyện ông Phùng Xuân Nhạ là một người giả khoa học, thì theo tôi ông ta sẽ không đủ tư cách để giữ một chức vụ quản lý nào hết”.
Không bao giờ có thể hy vọng hệ thống chính trị này có một lời trả lời nào. Sau đó họ có sửa hay không, chúng ta không bao giờ có thể biết được. Nhưng thường là có thay đổi chút ít. Đấy là câu trả lời của họ, nhưng là câu trả lời gián tiếp.
PGS TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH
GS Dũng cho VOA biết hôm 20/2 là sau khi báo cáo của nhóm ông gửi đến hội đồng của Việt Nam và cá nhân ông Nhạ, đã có trả lời từ GS Nhung, người đứng đầu hội đồng, rằng họ đã nhận được báo cáo, còn ông Nhạ chưa có hồi âm gì. VOA đã cố gắng liên lạc với ông Nhạ và ông Nhung để ghi nhận ý kiến từ phía của họ, nhưng họ không hồi đáp.
Từ bề dày hiểu biết trong công việc và kinh nghiệm sống ở Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội, người cũng quan tâm nhiều đến câu chuyện của liên quan đến vị bộ trưởng GD-ĐT, đưa ra dự báo với VOA về những gì Bộ GD-ĐT nói chung và Bộ trưởng Nhạ nói riêng có thể làm:
“Không bao giờ có thể hy vọng hệ thống chính trị này có một lời trả lời nào. Sau đó họ có sửa hay không, chúng ta không bao giờ có thể biết được. Nhưng thường là có thay đổi chút ít. Đấy là câu trả lời của họ, nhưng là câu trả lời gián tiếp. Họ không bao giờ cho chúng ta một câu trả lời trực tiếp đâu”.
Đánh giá rằng báo cáo của GS Nguyễn Tiến Dũng là một “đóng góp tốt”, song bà Ánh cho rằng chuẩn mực học thuật, điều kiện làm việc, bối cảnh của Việt Nam và thế giới rất xa nhau, do đó, dùng chuẩn thế giới để “đo” giới học thuật Việt Nam có thể là “khiên cưỡng”.
Mặc dù vậy, nữ giảng viên đại học cũng nhận xét rằng việc góp ý, phê phán từ các đồng nghiệp ở nước ngoài là cần thiết để Việt Nam nhìn thấy ngành giáo dục, khoa học của mình đang cách thế giới bao xa. Theo bà, điều đó sẽ có tác dụng như một “gợi ý” hay “sức ép” để nhà nước thay đổi chuẩn về giáo sư, phó giáo sư
Đối với các ý kiến này, GS Dũng đưa ra quan điểm:
“Nếu mà người nước ngoài họ làm được 10 công trình, người Việt Nam làm được 2 công trình thôi cũng tính được làm giáo sư, cái chuyện đấy thì không sao cả. Tức là anh ở Việt Nam, điều kiện anh ít hơn thì có thể anh làm được ít hơn. Cái đấy theo tôi là bình thường. Cái chuyện mà tôi nêu ra không phải vấn đề đấy. Cái chuyện tôi nêu ra ở đây là giả khoa học, tức là một người không làm, làm bậy bạ, mà vẫn giả vờ như là làm được. Đấy là hai chuyện hoàn toàn khác nhau”.
Bảng so sánh số GS, PGS được phong theo các năm
Bảng so sánh số GS, PGS được phong theo các năm
Tính chính danh của học hàm giáo sư của ông Nhạ bị nghi ngờ khi cách đây hơn 1 tuần dư luận xôn xao về số lượng người được công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017 đã tăng đột biến so với các năm trước.
Sự ồn ào của dư luận đã dẫn đến việc thủ tướng Việt Nam gửi công văn yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo “xem xét, rà soát” lại quy trình.
Trong một cuộc phỏng vấn, vị giáo sư lâu năm Đặng Hùng Võ dự báo với VOA rằng một số lượng người “đáng kể” sẽ bị tước học hàm do việc rà soát lại.
Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước hồi đầu tháng này công bố số lượng các tân giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2017 là 1.226 người, trong đó đại đa số là giáo sư. Con số này gần gấp đôi năm 2016 và gấp 3 lần năm 2011

Kinh tế Việt Nam 2018: ‘Hóa rồng’ hay ‘hóa rồ’?

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-19/02/2018 
Một sản phẩm của Sabeco, một công ty nhà nước vừa được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Một sản phẩm của Sabeco, một công ty nhà nước vừa được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Những điểm sáng “hóa rồng” của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có lẽ là chiến dịch “đánh lên chứng khoán”, “giải chấp bất động sản” và “bán vốn nhà nước”.
“Thị trường cờ bạc” bất chợt “hóa rồng”…
Năm trước đó - 2017 - là thời kỳ của nạn tràn ứ tiền đồng trong hệ thống ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại cổ phần - một hệ quả và cũng là hậu quả tất yếu của nạn in tiền ồ ạt có thể lên đến 400.000 - 500.000 tỷ đồng/năm từ hàng chục năm trước, mà đã khiến ngay cả Ngân hàng thế giới - một trong những nhà tài trợ đa phương và cũng là chủ nợ lớn nhất của chính thể còn nguyên độc đảng ở Việt Nam - không dưới một lần phải khuyến cáo công khai rằng Việt Nam đừng nên in tiền nhiều quá.
Kết quả và hệ quả của nạn tràn ngập tiền đồng trong hệ thống ngân hàng là điều được xem là “tăng trưởng tín dụng” đã rất có thể được phát triển ồ ạt vào chứng khoán - một thị trường mà nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã gọi thẳng cái tên trần trụi của nó: thị trường cờ bạc.
Đáng lý ra, “thị trường cờ bạc” đã không thể có được duyên phận lọt vào mắt xanh của giới tài phiệt và đầu cơ để được “đánh lên” như khởi đầu vào nửa cuối năm 2017. Nhưng trong tình thế có đến 1,2 triệu tỷ đồng ứ đọng trong hệ thống ngân hàng mà không biết làm thế nào để khuyến dụ hay chiêu dụ các doanh nghiệp và người dân vay mượn, cũng trong tình thế vẫn đang tồn đọng ít nhất 600.000 tỷ đồng nợ xấu trong các ngân hàng và trong đó có ít nhất 300.000 tỷ đồng là nợ xấu nằm trong tài sản bất động sản mà ngân hàng siết nợ từ các con nợ kinh doanh nhà đất nhưng rao mãi vẫn chẳng bán lại được cho ai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải “hết sức quyết tâm”mà chỉ đạo đẩy mạnh tốc độ đẩy tiền ra lưu thông với tỷ lệ lên đến 19 - 21% trong năm 2017.
Vậy là “thị trường cờ bạc” bất chợt “hóa rồng”, còn tâm trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ như “hóa rồ” vì ánh lợi nhuận lấp lánh mà đã quá lâu không được nhìn thấy - một hình ảnh tái hiện thời kỳ tăng gấp gần ba lần của chỉ số VN-Index vào cuối năm 2006 - đầu năm 2007 mà cây bút bình luận Bill Bonné của một tạp chí tài chính quốc tế, khi đến Hà Nội và tận mắt chứng kiến những gì diễn ra, đã phải kêu lên là tình cảnh “người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán” đã khiến xã hội Việt Nam trở nên phát điên.

Vì sao GDP “tăng trưởng chưa từng có”?

Chẳng cần phải đợi đến cuối năm 2018 để chứng minh “một năm thắng lợi của kinh tế Việt Nam”, vào cuối năm 2017 đã vang dội bài ca “Việt Nam đạt toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế đề ra” từ giới chuyên gia và một phần báo chí sống nhờ vào nguồn ngân sách nhà nước, cũng từ nguồn đóng thuế của một đất nước mà tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên gần 15% - chỉ mới được thông báo theo con số thống kê chính thức.
Cũng chưa cần hết năm 2018, bài ca thành tích đã được phía “chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Phúc hoan ca ngay từ hai kỳ họp quốc hội giữa năm và cuối năm 2017. Trong đó, “GDP tăng trưởng 6,7% - thành tích chưa từng có” đã được ông Phúc nhắc đi nhắc lại và được báo đảng cùng báo “thân chính phủ” lặp đi lặp lại không biết chán, bất chấp vài ý kiến lẻ loi của vài đại biểu đơn độc trong Quốc hội bày tỏ mối nghi ngờ về thực chất tăng trưởng của GDP, cũng bất chấp ý kiến trên vài tờ báo lẻ loi trong tổng số hơn 800 đầu báo - của vài chuyên gia phản biện độc lập - về thực tế nếu tính cho sát thì GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng nhỉnh hơn 3% một chút trong năm 2017.
Những ý kiến phản biện độc lập cũng đặt nặng mối nghi ngờ với cách “vẽ GDP” của Tổng cục Thống kê - cơ quan nằm dưới sự điều hành của Chính phủ, cho dù người đứng đầu tổng cục này thề thốt là đã tính GDP một cách trung thực, còn Thủ tướng Phúc cũng trần tình trên mặt báo là ông ta không tìm cách can thiệp vào quá trình tính toán GDP.
Một cách chắc chắn, GDP đã được tính luôn cả phần “tăng trưởng tín dụng vào thị trường chứng khoán” trong nửa cuối năm 2017, mà tỷ lệ “đánh lên” đến 48% của thị trường này trong năm 2017 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất và hấp dẫn nhất thế giới, bất chấp quy luật tự thân của thị trường này “tiền không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chạy từ túi nhà đầu tư này vào túi nhà đầu tư khác”.
Thực ra đã có quá nhiều trải nghiệm để minh chứng cho “các nhà đầu tư khác” là ai. Trong một nền kinh tế ở Việt Nam mà vẫn còn chưa được các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế liệt vào loạt “kinh tế thị trường” và vẫn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp vào nhóm kém minh bạch nhất trên thế giới, một “thị trường cờ bạc” đã đương nhiên thuộc về những “tay to” - những nhà kinh tài và tài phiệt đầu cơ cá mập thuộc giới ngân hàng và những tập đoàn tài chính khổng lồ trong nước lẫn nước ngoài. Chính số “tay to” này đã nắm giữ gần hết vốn liếng tín dụng của khu vực tài chính và do đó muốn cho thị trường “xuống” hay “lên” tùy ý.

2018: ‘Hóa rồng’ hay ‘hóa rồ’?

Năm 2018 sẽ chứng kiến ‘thành tích” tăng trưởng GDP 6,7%” một cách dễ dàng theo quyết tâm của thủ tướng Phúc, thậm chí còn có thể vượt hơn cả chỉ tiêu đó.
Năm 2018 cũng sẽ chứng kiến mặt bằng giá cổ phiếu có mức vốn hóa lớn (large cap) tăng gấp đôi hoặc gấp ba kể từ giữa năm 2017, và sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại cổ phần dễ dàng hơn trong ý đồ tống khứ những dự án căn hộ cao cấp và đất nền đã siết nợ từ vài ba năm trước.
Năm 2018 cũng sẽ minh chứng cho một thành tích khác - ghê gớm không kém - của Chính phủ là phát huy thắng lợi từ đà bán vốn Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát (Sabeco) vào cuối năm 2017 được 5 tỷ USD, để tiếp tục bán vốn còn lại còn Sabeco, của Vinamilk và của nhiều tập đoàn lớn khác có cổ phần của nhà nước, mà dự kiến sẽ thu được từ 7 - 10 tỷ USD nhằm “bù đắp khó khăn ngân sách”.
Vào cuối năm 2017, bất chấp tình trạng hụt thu ngân sách chưa từng có - giảm đến hơn 3% so với dự toán đầu năm nếu không tính đến phần thu “bán mình” từ 110.000 tỷ đồng của vụ Sabeco, Quốc hội vẫn mạnh tay dự toán chi ngân sách năm 2018 lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Một cách chắc chắn, tinh thần và hành động đầy tự tin đó đã được “bắn tin” trước đó từ công tác bán vốn Sabeco được 5 tỷ USD và do đó tạm thời bớt lo lắng việc tìm đâu ra tiền để chi trả lương cho đội ngũ công chức viên chức gần 3 triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xã hội xem là “không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương”.
Nhưng năm 2018 cũng sẽ là năm phải chứng kiến một loạt “thành tích” khiến toàn bộ dân chúng méo mặt: lạm phát.
Hệ quả và hậu quả của cơ chế đẩy tiền ồ ạt ra lưu thông, bất kể dạng lưu thông gì, đều khiến mặt bằng giá cả dựng ngược. Vào năm 2017 và cả những năm trước đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê vẫn luôn “khuôn” chỉ số tiêu dùng bình quân toàn năm chỉ “dưới 5%”. Nhưng trong thực tế, rất nhiều mặt mặt hàng trong rất nhiều ngành hàng đã tăng bình quân 20 - 30%/năm, cá biệt một số mặt hàng “sốt” mà đã tăng gấp đôi chỉ trong một năm. Bản chất giá trị tiền lương và tiền công của người lao động cũng bởi thế đã bị tha hóa ít nhất 20% hàng năm.
Trong khi đó, nhiều nhân viên ngân hàng vẫn đang cố công cày cục gõ cửa giới doanh nghiệp để chào cho vay. Nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp đã lắc đầu vì “không biết vay để làm gì”. Quá nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể quên được trải nghiệm suýt phải treo cổ của họ vào năm 2011 khi phải cắn răng vay vốn ngân hàng với lãi suất cắt cổ 25 - 30%/năm. Cho tới nay, doanh nghiệp vẫn không quên được kho từ ngữ rất đặc thù như “tự sát”, “treo cổ”, “thuốc độc” mà giới cá mập ngồi mát ăn bát vàng ở ngân hàng đã “kiến tạo” nên.
Trì trệ hoặc bế tắc đầu ra là một cảnh nạn đã trở nên quá phổ biến từ những năm 2011, 2012 trở lại đây, lồng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam về thực chất đã sa chân vào năm suy thoái thứ mười liên tiếp kể từ 2008.
Mười năm sau sự khởi đầu suy thoái cay đắng nhưng lại được tô hồng bởi màu sắc chủ nghĩa thành tích của đảng cầm quyền ở Việt Nam, liệu nền kinh tế nước này sẽ “hóa rồng” hay “hóa rồ” vào năm 2018?

Lại ‘đặt bục Công An giữa trái tim người’

Bùi Tín Theo VOA-19/02/2018  
Hình bìa tác phẩm “Censorship in Vietnam: Brave New World” của giáo sư Thomas Bass.
 Hình bìa tác phẩm “Censorship in Vietnam: Brave New World” của giáo sư Thomas Bass.
Đầu năm 2018, nhà báo Hoa Kỳ, Thomas Bass, cho ra mắt cuốn sách mới, « Kiểm Duyệt ở Việt Nam – thách thức thế giới mới” - Censorship in Vietnam – brave new world.
Đây là cuốn sách điều tra nghiên cứu về nạn kiểm duyệt sách báo rất nặng nề, tồi tệ, lạc lõng ở Việt Nam ngay trong thế kỷ XXI này qua kinh nghiệm bản thân của chính tác giả, vi phạm trắng trợn hiến pháp và pháp luật của chính Việt Nam và các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng quyền con người.
Cuốn sách kể lại, năm 2009 ông xuất bản cuốn sách « The spy who loved us » - Người gián điệp yêu chúng ta - kể về cuộc đời của điệp viên Phạm Xuân Ẩn.
Tại Việt Nam, 2 công ty xuất bản Nhã Nam và Hồng Đức xin phép ông được dịch và phát hành cuốn sách này. Nhưng sự việc không đơn giản. Suốt 2 năm 2015 và 2016, Bass vất vả đi đi về về Hà Nội gần 20 lần để trao đổi với các nhà phiên dịch và xuất bản, tranh luận có khi gay gắt với nhau, cuối cùng không đạt thỏa thuận.
Lý do là vì các nhà phiên dịch và kiểm duyệt của Ban tuyên huấn, Hội nhà văn Việt Namm, của Công an văn hóa Việt Nam đã lược bỏ một cách áp đặt hơn 200 đoạn, câu chữ trong nguyên bản, làm cho tác phẩm què cụt, không còn là tác phẩm của ông nữa. Cho đến tít của sách cũng thay đổi thành « Điệp viên Z21: Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ », không cho phép ông Ẩn được yêu nước Mỹ, mà phải coi là kẻ thù của nhau!
Cuối cùng ông Bass đồng ý cho họ xuất bản theo ý họ, nhưng dành quyền tố cáo trước dư luận Hoa Kỳ, Việt Nam và thế giới cái chính sách kiểm duyệt độc đoán mang tính chất phát xít, man rợ cực hiếm hiện nay. Và thế là cuốn « Kiểm duyệt ở Việt Nam - thách thức thế giới mới » xuất hiện.
Đây là cuốn sách lên án một cách nghiêm khắc, có bằng chứng minh bạch rõ ràng tội của các ngành xuất bản và kiểm duyệt, bao gồm các công ty Nhã Nam và Hồng Đức, Hội nhà Văn Việt Nam, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an, những cơ quan chống lại tự do ngôn luận, tự do báo chí được hiến pháp và pháp lý quốc tế bảo vệ. Ông Bass có quyền đòi Việt Nam phải ngừng phát hành bản dịch méo mó què cụt mang tên ông và ông giành quyền khởi kiện và đòi bồi thường trước thách thức và vi phạm nghiêm trọng này.
Chưa thấy nhà chức trách Việt Nam trả lời sau khi cuốn sách tố cáo tệ nạn kiểm duyệt ở Việt Namm của ông được công bố và được báo chí và truyền thông quốc tế đưa tin (xem các bài viết trên VOA về cuốn sách này).
Kiểm duyệt là gì? Theo nhà thơ Lê Đạt, đó là « đem bục Công an đặt giữa trái tim người, bắt tình cảm ngược xuôi theo luật lệ đi đường của Nhà nước », bất công, phi nhân, vô luân, vô đạo.
Xin mọi người nhớ, năm 2007, Nhà nước đã trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho 4 lão tướng của Nhân văn Giai phẩm: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm, coi như một sự ghi công, minh oan công khai, xin lỗi 4 nhà văn tiên phong về những ngày bị đầy ải, giam cầm, cải tạo những năm trước.
Ấy vậy mà nay tệ kiểm duyệt còn nặng nề hơn trước, cắt thiến thô bạo hơn 200 câu, đoạn một cuốn sách hơn 300 trang, mà lại là nhà báo nước ngoài kiêm giáo sư đại học về báo chí!
Đúng vào dịp Tết Mậu Tuất này, chiếc kéo kiểm duyệt ác nghiệt của Bộ 4T, Ban Tuyên giáo TƯ và ngành Công an Văn hóa làm cho giới báo chí văn học nghệ thuật trong nước bớt vui, còn gây phẫn nộ.
Cuốn sách « Cung đàn số phận » do công ty Alpha Books liên kết với Nhà xuất bản Hội nhà Văn vừa cho ra mắt độc giả đã bị lưỡi kéo kiểm duyệt oan nghiệt ngăn cản, được lệnh tạm ngừng phát hành để chờ phán xét của nhà chức trách. Cuốn sách nói lên số phận đen tối bi thảm của ông Nguyễn Văn Lộc, biệt danh « Lộc Vàng » do bạn bè thủ đô quý mến đặt cho ông, do ông là người nghệ sĩ mê say « nhạc vàng » như điếu đổ, có công sưu tầm hàng trăm làn điệu dân ca theo làn hát xẩm, hát ả đào, hát chầu văn… ngày càng mai một, lại say mê trình diễn công khai nhạc bị coi là vàng vọt giữa bạn bè bằng giọng hát liêu trai lôi cuốn của chính ông, những làn điệu mà ông cho là quý hơn vàng bạc, của dân tộc ta, nhân dân ta.
Và thế là ông bị trừng phạt. Các quan chức kiểm duyệt triệu tập ông, truy tố ông ra tòa, ông bị tuyên án 10 năm tù đúng vào năm Mậu Thân 1968 vì cái tội rất nặng, là « truyền bá tư tưởng ủy mị » trong khi người ta cần cổ vũ bạo lực, chiến tranh, đằng đằng sát khí. Cho đến nay ông vẫn không sao hiểu nổi cái tội người ta gán cho ông. Vì trong hiến pháp và luật pháp không tìm đâu ra điều khoản nào cấm công dân ủy mị, đau buồn lãng mạn, theo các tình cảm ái, ố, hỷ, nộ - yêu ghét mừng vui buồn giận của những con người tự do.
Người biết buồn mới quý niềm vui, có niềm căm ghét mới hiểu lòng quý trọng.
Con người thật là người mới có sự rung động bén nhạy và tinh tế, cảm nhận sâu thẳm những làn điệu uyển chuyển, luyến láy, trầm bổng, mê ly, cuốn hút hồn người, làm rung động mọi mối tơ lòng.
Chính do quý trọng tâm hồn nghệ sĩ tinh tế sâu lắng của ông Lộc Vàng cũng như thông cảm sâu đậm nỗi oan trái khủng khiếp bị mất tự do suốt 8 năm trời tuổi thanh xuân của ông trong Hỏa Lò, khi « nhất nhật trong tù thiên thu tại ngoại », nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên đã tình nguyện viết lời giới thiệu chân thành, đầy lòng ưu ái thông cảm với một nghệ sĩ dân gian chân chính như một lời khích lệ thân thương, như một niềm an ủi của một người bạn đồng cảm muộn màng nhưng hiếm quý, độc đáo.
Từ khi còn ở trong nước, tôi đã sống trong không khí đàn áp phong trào Nhân văn giai phẩm, khi nhà thơ Hoàng Cầm – Bùi Tằng Việt là bạn thân còn là người bà con, chú em rất gần của tôi. Hồi ấy chính ông Dương Thông và ông Quang Phòng ở bộ Công an cho tôi biết rằng bộ máy kiểm duyệt chính là thuộc Công an Văn hóa thuộc Tổng cục An ninh, bộ Thông tin văn hóa, ban Tuyên huấn, hội nhà Văn chỉ là bộ phận thừa hành, phối hợp theo đúng chức vụ phân công trong trong nền chuyên chính cộng sản.
Nhưng tôi không buồn chút nào trước lưỡi kéo kiểm duyệt lạc lõng thời đại của triều đại ông tổng Trọng hiện nay.
Anh nhà báo Thomas Bass đã trở nên bạn thân thiết của tôi. Khi viết dự thảo cuốn « Kiểm duyệt ở Việt Nam », anh đã sang Pháp gặp tôi, ở nhà tôi mấy ngày liền, cho tôi đọc trước bản thảo và hỏi ý kiến tôi. Tôi có góp một số ý kiến và cuối cùng an ủi ông ta rằng, hãy yên chí, chính công an Việt Nam đã quảng cáo trước, không phải trả công, cho cuốn sách nảy lửa sắp phát hành của ông.
Với cuốn « Cung đàn số phận » lần này cũng vậy, tôi rất mừng cho ông Lộc Vàng và cô nhà báo nhạy bén, mềm mại, duyên dáng Kim Dung/Kỳ Duyên, và cam đoan rằng cuốn sách tâm huyết này vẫn sẽ được tìm đọc rộng rãi, mê say như nó xứng đáng được hưởng, vì những làn điệu dân ca nhạc vàng luyến láy, trầm bổng… Tiếng khoan như gió thoảng ngoài / Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (truyện Kiều) đã thuộc tài sản tinh thần vĩnh cửu của dân tộc Việt, của nhân dân Việt rồi. Nó sẽ mãi mãi tồn tại, vượt qua những lưỡi kéo bất nhân của một chính quyền vô văn hóa, chà đạp quyền tư do được vui buồn, quý ghét, được hăng say hay ủy mị tùy theo hoàn cảnh của những con người chân chính.
Ở thời đại này vẫn còn « Đem bục công an đặt giữa trái tim người », bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường Nhà nước chỉ là một sự tự phơi bày ô nhục của một nhà nước cộng sản theo luật rừng, mất hết tính người.

Trung Cộng xây ‘Vạn Lý Trường Thành Dưới Nước’ ở Biển Đông

Trung Cộng xây ‘Vạn Lý Trường Thành Dưới Nước’ ở Biển Đông
Quân đội Trung Cộng đang xây một “Vạn Lý Trường Thành Dưới Nước” ở Biển Đông, trong một mưu toan chiếm thượng phong trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến trong khu vực.
Báo mạng Zee News của Ấn Độ hôm Thứ Tư 21/02 đưa tin, quân đội Trung Cộng đang đặt một mạng lưới gồm nhiều tàu và bộ cảm biến dưới mặt nước ở Biển Đông. Ngoài ưu thế quân sự dưới mặt biển mà Trung Cộng cho rằng họ đang nhắm tới, hành động này cũng sẽ giúp quân đội Trung Cộng theo dõi mọi chuyển động của tàu thuyền nước ngoài trong khu vực tranh chấp, và bảo đảm việc theo dõi hoạt động của tàu ngầm. Theo những tin tức mới nhất, Trung Cộng cũng vừa hoàn tất những dự án liên kết nội bộ trong Lưới Điện Hải Nam, với việc đặt cáp ngầm trong một khu vực gần tỉnh đảo Hải Nam. Đường cáp ngầm chạy qua eo biển Quỳnh Châu nằm giữa tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam. Hạm Đội Nam Hải của Trung Cộng trú đóng ở tỉnh Quảng Đông, đối diện với nơi trú đóng của Hạm Đội Tàu Ngầm ở đảo Hải Nam.
Theo tờ báo Ấn Độ, điều này có thể được xem như thêm một nỗ lực nữa của Trung Cộng nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của eo biển Quỳnh Châu, mà Hoa Kỳ cho là một vùng biển quốc tế. Eo biển Hải Nam hiện cấm tất cả tàu quân sự nước ngoài, trong khi tàu thuyền của Trung Cộng buộc phải xin giấy phép 48 giờ trước khi tiến vào eo biển.
Các nỗ lực củng cố sức mạnh quân sự trong khu vực đảo Hải Nam diễn ra giữa lúc Trung Cộng không ngừng các hoạt động xây cất trên các đảo và bãi đá mà nước này chiếm của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Huy Lam / SBTN

Nhiều người kêu gọi bộ trưởng giáo dục CSVN từ chức

Nhiều người kêu gọi bộ trưởng giáo dục CSVN từ chức
Blogger Huy Đức là người mới nhất tham gia vào nhóm người ngày càng đông đảo, đang kêu gọi bộ trưởng giáo dục và đào tạo CSVN Phùng Xuân Nhạ từ chức.
Lời kêu gọi của Huy Đức được đưa ra trên mạng xã hội Facebook, ít lâu sau khi giáo sư Nguyễn Tiến Dũng từ trường Đại Học Toulouse ở Pháp công bố một bản báo cáo dài 10 trang, cho thấy trình độ yếu kém của Bộ Trưởng Nhạ. Theo Huy Đức, việc ông Nhạ từ chức là cách duy nhất để “cứu vãn uy tín, vốn đã rách tả tơi, của ngành giáo dục” CSVN.
Blogger này còn đề nghị quốc hội CSVN bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu ông Nhạ tỏ ra bất chấp và làm ngơ mọi lời chỉ trích và yêu cầu từ chức.
Ông Phùng Xuân Nhạ trước đây đã gây tai tiếng khi bình luận về sự việc các cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, bị nhà cầm quyền địa phương điều đi phục vụ các tiệc rượu của các quan chức và thương gia. Ông Nhạ khi đó bị chỉ trích dữ dội vì xem việc đó chỉ là “hoạt động đối ngoại, vui vẻ”.
Trong báo cáo của giáo sư Nguyễn Tiến Dũng mới đây, người ta còn thấy ông Nhạ có hành vi đạo văn, trích dẫn nguồn sai lạc và trình độ Anh ngữ yếu kém trong những bài báo khoa học của ông. Giáo sư Dũng cũng nêu nghi vấn về việc ông Nhạ được phong “giáo sư” năm 2016, vào lúc chính ông làm chủ tịch hội đồng duyệt xét chức danh giáo sư, có nghĩa là ông Nhạ tự mình phong chức “giáo sư” cho mình.
Huy Lam / SBTN

170 trang mạng Việt Nam bị tin tặc tấn công trong dịp Tết

170 trang mạng Việt Nam bị tin tặc tấn công trong dịp Tết
Có tới 170 trang mạng trong nước Việt Nam bị tấn công vào dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018. Thông tấn xã Việt Nam hôm Thứ Tư 21/02 trích dẫn báo cáo của Cục An Toàn Thông Tin thuộc Bộ Thông Tin Và Truyền Thông CSVN đưa ra con số này.
Số trang mạng bị tấn công bao gồm 55 trang mạng có tên miền .vn, 10 trang mạng của các cơ quan và tổ chức thuộc chính phủ có tên miền .gov.vn, và 98 trang mạng có tên miền .com. Tin tặc chủ yếu thay đổi các giao diện và cài đặt mã độc vào các trang mạng này.
Báo cáo của Cục An Toàn Thông Tin cũng ghi nhận 116,000 địa chỉ IP ở Việt Nam vẫn còn nằm trong một mạng lưới giả do các mã độc của tin tặc tạo ra. Số địa chỉ IP giả này giảm đáng kể so với con số 234,838 trong tuần lễ ngay trước Tết. Cũng theo thống kê do Cục An Toàn Thông Tin đưa ra, 95% số vụ tấn công tin tặc là do lỗi của người sử dụng máy điện toán ở Việt Nam. Trung Tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Máy Tính Việt Nam VNCERT phát hiện ra khoảng 438,000 trương mục thư điện tử của người Việt Nam có mật khẩu bị đánh cắp và tiết lộ, trong đó có tới 930 trương mục tại các cơ quan chính phủ với tên miền .gov.vn.
Huy Lam / SBTN

Khi nào Việt Nam hợp nhất chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước?

Mỹ Lan RFA 2018-02-21  
Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 25 tháng 01 năm 2018
Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 25 tháng 01 năm 2018  AFP
Nhất thể hoá là khái niệm không còn mới ở Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, nhất thể hoá đã được thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước và thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề nhất thể hoá các chức danh cao nhất trong Đảng và Nhà nước liệu sẽ được áp dụng trong bối cảnh hiện nay và quá trình này sẽ gặp những khó khăn hay thuận lợi gì? Phóng viên đài RFA đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Việt Nam.
RFA: Thưa giáo sư,  ngày 13/2 vừa qua, Tổng bí thư CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, đã có cuộc gặp mặt chúc Tết các vị lão thành cách mạng, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời gửi đi lời chúc tết đến đồng bào chiến sĩ cả nước và kiều bào ở hải ngoại. Theo truyền thống thì hoạt động này được chỉ được thực hiện bởi Chủ tịch nước vào thời khắc giao thừa trên sóng truyền hình quốc gia mà thôi.  Giáo sư nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Ngay sau khi được Đại hội Đảng lần thứ XII tái bầu làm Tổng bí thư, ông Trọng đã bắt tay vào việc củng cố quyền lực của Đảng trên toàn thể hệ thống chính trị qua viêc cắt cử người vào các vị trí lãnh đạo ở trung ương và chiến dịch đánh tham nhũng để loại bỏ các phần tử mà ông cho là bất xứng và lạm quyền. Kết quả là ngày nay Tổng bí thư là người có thực quyền cao nhất. Việc để cho ông Trọng chúc Tết cả nước phản ánh thực tế chính trị ấy. Để đề cao một phần nào vai trò của Chủ tịch nước trên bình diện quốc tế, ngay sau đó, ngày 14/2, ông Trần Đại Quang đã được cắt cử điện đàm với Tổng thống Donald Trump để trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Khó có thể nói rằng việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước “sẽ sớm xảy ra nay mai" - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
RFA: Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đã áp dụng mô hình nhất thể hoá và đã thu được những thành công đáng kể. Hiện tại cũng đã có nhiều địa phương cấp xã, huyện đã được áp dụng mô hình này. Vậy giáo sư có nghĩ rằng việc nhất thể hoá các chức danh cao nhất, cụ thể là Tổng bí thư và Chủ tịch nước sẽ sớm xảy ra trong nay mai không? Ý kiến của ông như thế nào nếu trường hợp này xảy ra?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng Về trường hợp Quảng Ninh thì người ta khen nhiều lắm. Tuy nhiên, vấn đề gộp chức danh đã đươc ghi vào Nghị quyết của Đại hội XII từ hai năm trước đây. Tháng 3 năm ngoái, trong một hội nghị trực tuyến với sự tham dự của môt số ủy viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, môt số người đề nghị nên hợp hai chức danh thành một tại một số tỉnh. Trong giai đoạn đó cũng có người như Tiến sĩ Nguyên Sĩ Dũng đề cập đến khả năng hợp hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Nhưng trong bài diễn văn bế mạc Trung ương VI kết thúc hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trọng chỉ nói đến việc nhất thể hóa chức vụ chỉ huy ở những huyện nào mà “điều kiện cho phép” mà thôi. Nghĩa là Đảng vẫn hết sức dè dặt. Trong tình trạng ấy, khó có thể nói rằng việc hợp nhất chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước “sẽ sớm xảy ra nay mai.”
RFA: Vậy đâu là những khó khăn và thuận lợi của việc nhất thể hoá các chức danh cao cấp nhất trong  Đảng và Chính quyền, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điểm thứ nhất, về phương diện nghi lễ, thủ tục ngoại giao thì nó làm giản dị trong việc những người lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam khi tiếp xúc với nước ngoài. Còn về phương diện thực tiễn, chính trị thì nó rất lợi vì nó tạo ra cái mà người ta gọi là “chỉ huy thống nhất” – chỉ có một người nói thôi. Còn cái phương cách gọi là lãnh đạo tập thể hay quyết định tập thể nó chỉ là kết quả của mẫu số chung nhỏ nhất thành ra không thể làm những quyết định có tính cách quyết liệt, kịp thời, nhanh chóng, vốn là những quyết định hết sức cần thiết để đối phó với tình trạng thế giới thay đổi rất nhiều. Vì thế nên Việt Nam trong quá khứ đã bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội vì sự lừng chừng. Đó là việc lợi của nó. Còn việc khó khăn hay không khó khăn thì mình thấy ở các nước, rất nhiều Đảng cộng sản có thể nói thầu hết, thì họ đều nhất thể hoá cả, Tổng bí thư kiêm nhiệm luôn nhà lãnh đạo của Hành pháp. Nhưng riêng Việt Nam thì Đảng lãnh đạo tuyêt đối và được đại diện bởi ông Tổng bí thư, còn Hành pháp thì chỉ thi hành thôi và việc thi hành đại diện bởi ông Thủ tướng nhưng ở Việt Nam thì hành pháp lại có thêm ông Chủ tịch nước nữa. Do đó, sự hợp tác giữa hai bên có khó khăn hơn và đó là vấn đề của Việt Nam vì đã có ông Thủ tướng lại có thêm ông Chủ tịch nước nữa. Có lẽ một phần vì nhưng lý do ấy mà Nikita Khrushchev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nga Xô từ năm 1953 đã kiêm nhiệm luôn chức Thủ tướng năm 1958.
 Ở các nước, rất nhiều Đảng cộng sản có thể nói thầu hết, thì họ đều nhất thể hoá cả rồi - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
RFA: Cho đến thời điểm hiện tại, nhất thể hoá đã được áp dụng tương đối thành công tại Trung Quốc với việc ông Tập Cận Bình kiêm nhiệm cùng lúc chức danh Tổng bí thư  và Chủ tịch nước? Theo giáo sư, Việt Nam liệu có học tập hoàn toàn mô hình này và xác suất thành công khi đươc áp dụng ở Việt Nam?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Như tôi đã nói thì đây là mô hình lý tưởng của các nước cộng sản mà hầu hết họ đã làm rồi, chỉ còn Việt Nam thôi. Tuy nhiên ở Việt Nam, vì lý do lịch sử hay là lý do cá nhân thì từ năm 1997, thì đã có chế độ Tam đầu chế, gồm Thủ tướng – Đảng - Quân đội thành ra vậy. Nhưng bây giờ đến giai đoạn này rồi thì họ bắt đầu dần cải tổ. Thành ra trong nhiều năm vừa rồi họ đã nói về chuyện nhập 2 chức danh đó để giản tiện nhưng thực tế chính trị Việt Nam chưa cho phép nhập 2 chức danh đó. Nhưng mà hiện nay chúng ta thấy họ đang làm từ từ. Họ mới sát nhập một số chức ở quận/ xã thôi. Trong Chính phủ như hội nghị tháng 3 tôi nói vừa rồi đó, thì họ chỉ nói đến nhất thể hoá ở cấp tỉnh thôi, còn ở cấp trung ương nhất thì chưa thấy ai đề cập đến. Ở ngoài thì có thể có một số người đã nói đến như ông Nguyễn Sĩ Dũng hay một số người khác nhưng trong Đảng chính thức thì chưa thấy có ai đề cập đến vấn đề này cả.
RFA: Xin cảm ơn giáo sư về buổi phỏng vấn!

Linh mục Đặng Hữu Nam: sẽ tiếp tục bảo vệ các nạn nhân Formosa dù bị thuyên chuyển

Chân Như 2018-02-20  
Linh mục Đặng Hữu Nam nói chuyện với ngư dân bên ngoài Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 26/9/2016.
 Linh mục Đặng Hữu Nam nói chuyện với ngư dân bên ngoài Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh hôm 26/9/2016. Courtesy citizen
Linh mục Đặng Hữu Nam, phụ trách giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An vừa nhận được quyết định thuyên chuyển sang phụ trách giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên thành, tỉnh Nghệ An hôm 7/2. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền về việc giải quyết thảm họa môi trường Formosa. Ông cũng đã từng bị báo chí nhà nước lên án là người kích động giáo dân và yêu cầu ông phải bị thuyên chuyển đi nơi khác. Nhân dịp này đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn ngắn với linh mục Đặng Hữu Nam về quyết định thuyên chuyển mới. Trước hết linh mục Đặng Hữu Nam cho biết hoàn cảnh ông nhận được quyết định như sau:
Đặng Hữu Nam: trước đấy một tuần thì có nghe thống báo của Đức Giám mục là sẽ bổ nhiệm, thuyên chuyển đi chức khác. Vào ngày mùng 7 tháng 2 tức là vào ngày 23 Tết thì hôm ấy là tất niên của Giáo phận. Các linh mục trong toàn Giáo phận về bên Tòa Giám để tất niên. Sau buổi tất niên đấy thì Ngài cho bằng bổ nhiệm để đến Giáo xứ Mỹ Khánh và tất cả các thủ tục đều làm xong trong ngày 23 đấy. Nhưng rồi vì sau những ngày đó là Tết truyền thống cho nên tất cả mọi sự em vẫn im lặng để cho người dân ăn Tết để khỏi xáo trộn trong Giáo xứ. Hôm nay, sau khi những ngày nghỉ Tết đã xong và với lệnh của Đức cha phải đi sớm thì em cũng cố sắp xếp để đến với Giáo xứ mới sớm hơn và sẽ rời xa Giáo xứ Phú Yên nầy sớm hơn.
RFA: Ông có biết nguyên nhân vì sao có quyết định thuyên chuyển này không?
Đặng Hữu Nam: Ở Giáo phận Vinh thì không có hạn định là bao nhiêu năm của một linh mục coi xứ. Ở đây, chúng ta cũng biết là theo nguyên tắc thì Giám mục Giáo phận có quyền thuyên chuyển và bổ nhiệm các linh mục đi đến các Giáo xứ, các nhiệm sở khác trong từng thời kỳ và tùy theo mục vụ của Giáo xứ và Giáo phận. Đó là nguyên tắc. Còn trong vấn đề của em ngày hôm nay, chúng ta cũng biết trước đó bên nhà cầm quyền không chỉ bằng văn bản giấy tờ mà còn trực tiếp yêu cầu và làm sức ép lên Đức cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp. Họ đã công khai làm điều đó là yêu cầu trục xuất Linh mục Đặng Hữu Nam ra khỏi địa bàn của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, họ yêu cầu là cùng lắm thì đưa đi chỗ khác chứ không thể để tại Giáo xứ Phú Yên vì nó có môi trường Formosa và người dân Phú Yên làm ngư nghiệp. Và họ không chỉ nhiều lần ép lên Hội đồng Bề Trên của Giáo phận, Vinh mà cón ép lên  Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thậm chí, họ còn vươn vòi đến cả Vatican. Chúng ta đã thấy họ công khai nói đến điều đó rất nhiều lần. Việc ngày hôm nay em nhận bằng bổ nhiệm đến một Giáo xứ khác thì em không bình luận gì ngoài việc là em vâng lời vì Giám mục Giáo phận có toàn quyền để quyết định điều nầy. Giáo xứ là của Giám mục và chúng em là linh mục thì chúng em sẽ vâng lời theo quyết định của Giám mục. Còn vấn đề như thế nào thì người ra quyết định đấy mới có thể trả lời cho chúng ta chính xác được. Với em là người vâng lời để làm trong chương trình, bổn phận cũng như vai trò của người linh mục.
RFA: Ông có chuẩn bị gì cho những thuận lợi và khó khăn sắp tới ở giáo xứ mới?
Đặng Hữu Nam: việc truyền giáo ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ có những khó khăn và thuận lợi và nói chung tại Việt Nam chúng ta ở đâu cũng vậy, vì môi trường chính trị ở Việt Nam không tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, đặc biệt người ta coi công giáo là kẻ thù số 1 của chế độ vậy thì đi bất cứ nơi đâu cũng gặp khó khăn. Nhưng thánh paolo đã dặn với chiến sĩ của tin mừng thì dù thuận tiện hay không thuận tiện thì chúng ta vẫn phải loan báo tin mừng mà tin mừng đó là tin mừng cứu độ con người, tin mừng của chân lý và sự thật và linh mục phải là tín nhân của tin mừng về chân lý và sự thật đó. Cho nên bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào ở Việt Nam thì đâu cũng có khó khăn cả.
RFA: ông có kế hoạch gì ở giáo xứ mới liên quan đến những gì mà ông đã làm từ trước tới nay trong việc giúp đỡ các nạn nhân của Formosa ở Nghệ An?
Đặng Hữu Nam: điều thứ nhất là nguyên tắc và đường hướng của linh mục như tôi đã nhiều lần khẳng định là làm chứng cho sự thật… những vui mừng, hy vọng, u sầu và âu lo của người nghèo, những người bị loại ra bên lề của xã hội thì cũng phải là vui mừng, hy vọng, u sầu và âu lo của những người môn đệ Chúa. Vậy đã là linh mục thì bất cứ đâu, bất cứ ai đau khổ thì phải trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói, phải nói lên tiếng nói nguyện vọng của những người cùng khổ, những người bị loại ra bên lề xã hội, và đấu tranh cho công lý sự thật và nhân quyền và nhân phẩm của con người. Vậy thì đi bất cứ nơi đâu có bất công thì là linh mục em sẽ lên tiếng. Còn với các nạn nhân của thảm họa Formosa, mặc dầu đến nhiệm sở mới, họ không là những ngư dân nhưng em vẫn tiếp tục hỗ trợ nhưng sẽ khác hơn so với khi em là cha xứ ở giáo xứ mà người dân của mình là nạn nhân trực tiếp. Bây giờ họ là những giáo dân gián tiếp của mình chứ không phải thuộc quyền trực tiếp. Chắc chắn một điều là với những nạn nhân của Formosa thì em sẽ tiếp tục đồng hành với họ để tìm cách đòi quyền lợi chính đáng cho họ, và bảo vệ họ trước pháp lý.
RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài RFA buổi phỏng vấn

Đánh nhau ngày Tết, vì sao?

Diễm Thi, RFA 2018-02-20  
Một quán nhậu ở Hà Nội chụp hôm 16/9/2016.
 Một quán nhậu ở Hà Nội chụp hôm 16/9/2016.  AFP
Ngày Tết với truyền thống của người Việt là dịp để mọi người gặp nhau sum họp, vui vẻ, nâng chén chúc nhau năm mới. Thế nhưng thống kê những năm gần đây ở Việt Nam cho thấy con số người phải nhập viện vì đánh nhau vào dịp tết rất cao. Nguyên nhân vì sao?
Đạo đức xã hội xuống cấp
Một báo cáo của Bộ Y tế công bố sau 6 ngày tết tính từ ngày 30 đến 5 tết cho thấy cả nước có đến hơn 4,000 người phải nhập viện vì những vụ đánh nhau. Nguyên nhân của những vụ đánh nhau cũng rất đa dạng, nhưng theo một số chuyên gia, tất cả đều có chung một vấn đề. Đó là vấn đề đạo đức xã hội.
Một trong những nguyên nhân mà người ta thường thấy trong các vụ đánh nhau ngày Tết là do rượu vào lời ra, khích bác nhau rồi không kiềm chế được bản thân dẫn đến đánh nhau. Thường tết là dịp mọi người uống rượu nhiều bên bàn tiệc. Bên cạnh đó còn những chuyện không liên quan đến bia rượu nhưng cũng dẫn đến đánh nhau như va quẹt xe cộ, nói móc nhau, hơn thua nhau những chuyện vặt vãnh. Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định tất cả là do vấn đề đạo đức xuống cấp:
Tình trạng đó nói lên đạo đức xã hội xuống cấp nặng nề, người ta giải quyết với nhau những mâu thuẫn bằng vũ lực.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
“Tình trạng đó nói lên đạo đức xã hội xuống cấp nặng nề, người ta giải quyết với nhau những mâu thuẫn bằng vũ lực. Những diễn biến thực tiễn cuộc sống hàng ngày, từ cán bộ cấp cao đến cấp dưới, là những cái gương người dân nhìn vào có những hành vi đè nén áp bức người dân dẫn đến tâm lý bức xúc gây ra hiện tượng hay cáu bẳn, chửi thề, gây gổ làm cho người dân hung dữ hơn, ít lịch sự, chỉ cần mâu thuẫn chút xíu là đánh nhau, đâm chém nhau, phang nhau chí tử.”
Quan niệm của người Việt là ba ngày Tết phải vui vẻ, chín bỏ làm mười, dĩ hòa vi quý để cả năm được thuận hòa, may mắn. Đây là những giá trị truyền thống trong gia đình luôn được nâng niu, gìn giữ từ đời này qua đời khác. Ngày Tết mà gặp chuyện cự cãi, đánh nhau thì bị coi là xui xẻo.
Chúng tôi liên lạc với Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội để xem nhận định của bà về chuyện đánh nhau dịp Tết ngày càng nhiều thì bà chỉ nói ngắn gọn là chưa có nghiên cứu mới nào về chuyện này, nên chúng tôi xin trích đăng ý kiến của bà trên báo VnExpress ngày 28/5/2015 về vấn đề này:
"Việc đánh nhau, cư xử mang nặng yếu tố bạo lực, bỏ qua cách ứng xử nhường nhịn, hòa nhã của người Việt Nam cũng phản ánh đạo đức xã hội đang có vấn đề. Con số trên cho thấy có một bộ phận người Việt ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên đến xung đột dẫn đến bạo lực".
Tình trạng coi thường luật pháp
Cũng có ý kiến cho rằng thanh niên ngày nay sống thực dụng, những mối quan hệ xã hội, đạo đức lễ nghĩa ngày càng lỏng lẻo. Người ta hơn thua nhau chỉ vì những giá trị vật chất bề ngoài nên vì sĩ diện mà họ dễ dàng ẩu đả nhau hơn, hay nói đúng hơn là vì cái nghèo mà ra. Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết quan điểm của mình:
“Tôi nghĩ cái nghèo thì không hẳn. Nói một cách công tâm thì Việt Nam tụt hậu so với khu vực và thế giới, nhưng xét về mức sống theo con số tuyệt đối thì những năm thập niên 70, 80 hoặc 60 thì rõ ràng mức sống không bằng bây giờ được, nhưng cách đây vài thập kỷ thì đâu có hiện tượng đánh lộn nhiều như thế này.”
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy con số người nhập viện vì đánh nhau nhân dịp Tết năm nay chưa phải là cao nhất, có năm, con số này lên đến 6,000 người.
Ngay cả hệ thống quản lý nhà nước bảo vệ pháp luật mà còn dùng hành vi vũ lực thô bạo như thế thì làm cho tính hung dữ của xã hội tăng lên.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
Báo Công an Nhân dân ngày 3/5/2017 có thông kê cho thấy trong 10 năm từ năm 2006 đến 2016, Bộ này đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ với 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực. Trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người, 6.500 vụ cố ý gây thương tích.
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng thực trạng không tôn trọng pháp luật của những người thực thi pháp luật, mà cụ thể là công an trong những vụ việc đánh người, cũng góp phần làm tăng tính bạo lực trong xã hội:
“Trước mắt người dân bình thường nhìn vào ông công an thôn, công an xã ăn tục nói phét, chửi thề bắt nạt người dân, đánh đấm người dân. Rồi cảnh sát giao thông cũng thế, người dân vi phạm về chuyện không đội mũ (bảo hiểm) thì thẳng tay phang dùi cui rồi còn đánh chết người ta nữa. Ngay cả hệ thống quản lý nhà nước bảo vệ pháp luật mà còn dùng hành vi vũ lực thô bạo như thế thì làm cho tính hung dữ của xã hội tăng lên.”
Hồi năm 2015, báo cáo của Bộ Công an cho biết từ năm 2011 đến năm 2014, đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà giam giữ, trại giam trên toàn quốc. Thường Bộ Công an lý giải là do bệnh lý nhưng dư luận và gia đình các nạn nhân hầu hết đều cho rằng công an đã dùng nhục hình tra tấn.

Lúng túng, loay hoay: không thể che lấp sự thật

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Theo RFA- 2018-02-19  
Ông Phan Văn Anh Vũ (giữa) trong một sự kiên ở Đà Nẵng hôm 29/4/2016.
 Ông Phan Văn Anh Vũ (giữa) trong một sự kiên ở Đà Nẵng hôm 29/4/2016. AFP
Dân gian có câu ví khá hay: "Loay hoay như chó bí ỉa" và "lúng túng như gà mắc tóc".
Những câu ngạn ngữ này để chỉ thái độ lúng túng của ai đó khi thiếu hiểu biết, hoặc gian lận, hoặc muốn che giấu một sự thật nào đó. Trong cuộc sống, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy hoặc là ở những người dốt, hoặc ở những kẻ gian có thái độ này.
Nhiều vụ việc, hễ dính đến Công an, thì y như rằng hiện tượng "chó đau ỉa" và "gà mắc tóc" liên tục xảy ra. Nó xảy ra ở cách tiếp nhận, nó xảy ra ở cách xử lý, nó xảy ra ở cách đối phó, nó xảy ra ở cách thông tin...

Những chuyện đã qua

Người ta thấy rõ ở rất nhiều vụ việc:
- Công an đánh hướng dẫn đám côn đồ bao vây Thái Hà, Tòa TGM Hà Nội năm 2008. Khi bị các cơ quan ngoại giao nước ngoài chất vấn, Lê Dũng đã nói: Đó không phải là dân, công an mà là "Quần chúng tự phát". Câu "ngu ngữ" này đã bị cả thế giới làm cho te tua đến mức sau đó cả hệ thống quan chức không dám mở mồm ra lần nào nữa chỉ bằng một câu hỏi: Vậy thì cứ dân tự phát là hiển nhiên đúng và được bảo vệ kể cả khi chúng vi phạm luật pháp?
- Công an đánh nhà báo sưng mặt, đá nhà báo trước bao nhiêu ống kính và hình ảnh đầy trên mạng, nhưng tay Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho rằng không phải công an đánh nhà báo, mà chỉ là "Gạt tay trúng má và giơ chân hơi cao".
Sáng tác này của đại tá Công an, khiến xã hội được trận cười không dứt. Một nữ nhà báo nói với mình rằng: Bố tổ sư lão Ngọc, hôm ấy, báo hại em đang đi họp dở phải chạy về thay quần lót vì lão phát biểu xong em không nhịn được, vãi ra cả quần, xấu hổ khiếp. Thế mà lão không hề xấu hổ.
Có lẽ vì sự dày... mặt này, nên sau đó lão được lên chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an.
Không rõ với những người trình độ và liêm sỉ như vậy thì Bộ Công an sẽ đến đâu.

Chuyện hiện tại

Thì đây, hôm nay lại có một tay Tướng Công an hẳn hoi, Trung tướng Trần Đăng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, trong cuộc họp báo về vụ Vũ Nhôm, ông ta trả lời các câu hỏi như sau:
" Nói về tấm thẻ ngành công an của ông Phan Văn Anh Vũ được lan truyền trên mạng là thật hay giả Trung tướng Trần Đăng Yến khẳng định: “Tấm thẻ ngành công an của Vũ “nhôm” được đăng trên mạng cũng nằm trong quá trình điều tra, làm rõ.
Về thông tin trên mạng xã hội cho rằng, Vũ "Nhôm" có 3 hộ chiếu và được giúp đỡ khi chạy trốn, Trung tướng Trần Đăng Yến cho rằng, có nhiều thông tin chưa chính xác và Cơ quan An ninh điều tra đang làm rõ.
"Trường hợp phát hiện vi phạm, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xử lý nghiêm" - Trung tướng Trần Đăng Yến khẳng định.
Bên cạnh đó, Trung tướng Yến cho rằng, khi báo chí thu thập thông tin thì phải có nguồn kiểm chứng.
“Hiện nay, vấn đề lộ lọt thông tin trên mạng đang rất phức tạp, nhất là trong sự phát triển của Internet. Chúng ta rất dễ bị nhiễu từ các thông tin này…”- Trung tướng Yến nói. (Trích nguyên văn)

Lời bàn:

Buổi họp báo của Bộ Công an, tập trung báo chí là để có những thông tin cần thiết cho xã hội được rõ, được minh bạch. Cũng theo các cán bộ lãnh đạo Cộng sản, thì phải cung cấp cho báo chí những thông tin chính xác, kịp thời để "ngăn chặn những tin đồn thiếu căn cứ hoặc có ý đồ xấu", nhất là chuyện "báo chí chạy theo mạng xã hội". Tay lãnh đạo nào cũng ông ổng như vậy từ Chủ tịch nước đến Bộ trưởng Công an, Truyền thông...
Thế nhưng buổi họp báo của Bộ Công an có nội dung gì?
- Về cái thẻ công an của Vũ Nhôm, rõ như ban ngày là cấp bậc: Cấp tá, số hiệu sĩ quan hẳn hoi, có thằng ký, có con dấu... Vậy với nghiệp vụ Công an, chỉ cần chưa đầy 10 phút có thể xác định thẻ đó, chữ ký đó là dởm hay thật, do ai làm và vì sao? Vũ Nhôm có số hiệu sĩ quan, có danh sách quân số... đủ cả có ở trong ngành công an hay không.
Vậy mà từ ngày bị khởi tố đến giờ tròn 2 tháng mà hệ thống công an ta "giỏi nhất thế giới" vẫn "đang điều tra, làm rõ" chứ không biết sự thật? Lý do là vì nó có thật nhưng làm giả, hay nó là thẻ giả nhưng có thằng công an khác làm thật cho nó, hay vì nó giả cả thẻ cả người... chắc không đầy 30 phút thì đã rõ vì Vũ Nhôm đang trong tay Công an chứ đâu xa, nhưng cứ cho là mất đi nửa ngày. Thế mà hai tháng qua, vẫn không rõ đâu là thật, đâu là giả? Chẳng lẽ cả Bộ công an này đi ngủ hai tháng qua?
- "Về thông tin trên mạng xã hội cho rằng, Vũ "Nhôm" có 3 hộ chiếu và được giúp đỡ khi chạy trốn", thì vẫn là điệp khúc "Cơ quan An ninh điều tra đang làm rõ". - Nghĩa là vẫn dẫm chân tại chỗ mà chưa điều tra ra được cái gì cả.
Quả là đáng nể, mấy cái hộ chiếu, được giúp đỡ chạy trốn hay không thì không điều tra cư dân mạng vẫn biết rất rõ nó từ đâu. Và cũng như cái thẻ ngành công an, nó lồ lộ ra đó chứ đâu đến mức nó biến đi mất tích như con tàu MH370 của Malaysia mà không thể điều tra được?
Điều người ta không hiểu nổi là các vụ án chống lại những người yêu nước, thương dân, chống bành trướng, vì lãnh thổ và vì đất nước tiến bộ thì Công an điều tra rất nhanh quá mức có thể ngờ. Thậm chí không chỉ là điều tra ra "tội" mà còn điều tra ra cả những ý nghĩ trong đầu người khác để kết tội "âm mưu"... chống nhà nước với các công dân vô tội. Kỳ quặc nhất là Công an còn điều tra ra cả tội "Tuyên truyền lật đổ chế độ" của hai người mù chữ trong vụ án vừa qua mấy hôm thôi.
Thế mà vụ này, hai tháng trời công an không thể điều tra ra được Vũ Nhôm là công an thật hay công an  giả. Hộ chiếu thật hay giả... Có lẽ những người có đầu óc hài hước số 1 thế giới chưa chắc đã nghĩ ra chuyện này.
Mà chưa nói đâu xa, vụ án Trịnh Xuân Thanh kia thôi, từ khi bắt, đến khi có kết luận điều tra cũng chỉ có chục ngày.
Thực ra, đơn giản dễ hiểu chỉ vì đó là vụ thanh trừng phe nhóm, loại trừ đối thủ chính trị thì Đảng cho thực hiện theo một nguyên tắc khác hẳn: Đảng đã muốn bắt, là phải có tội.
Điều hài hước, nực cười nhất lại là sau khi trả lời các câu hỏi mà không trả lời điều gì, thì Trung tướng Trần Đăng Yến khẳn định: "Trường hợp phát hiện vi phạm, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xử lý nghiêm".
Điều này thể hiện một vấn đề rất rõ ràng là ông Yến này không hề hiểu Tiếng Việt. Nghĩa là ông ta không hiểu các nhà báo đang hỏi vấn đề gì. Thế nên, mới xảy ra hiện tượng ông hỏi gà, bà nói vịt là thế.
Tại sao nhà báo hỏi mấy cái thật giả, thì ông không trả lời được, đáp án là con sống không tròn trĩnh mà ông lại khoe sẽ "xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm"?
Tại sao chưa ai đánh mà ông đã khai cách làm việc của công an?
Lẽ dĩ nhiên là nếu luật pháp nghiêm minh, thì chuyện xử lý nghiêm là chuyện không cần bàn cãi và không cần rêu rao.
Lẽ dĩ nhiên là đã vi phạm luật pháp thì đến vua cũng phải trị tội như thường dân, huống chi là công an.
Thế nhưng, xin cam đoan là những vụ việc liên quan đến công an thì hầu hết không thể làm rõ, không thể nghiêm minh. Vì thế ông ta đã vội quảng cáo cho điều mà ông ta biết là chẳng ai tin ông ta.
Cứ xem lại thì rõ: Vụ em Dư chết vì "rửa bát bẩn" trong đồn công an, dù em chưa đến tuổi thành niên, tiếp theo là vụ đánh các luật sư mặt mũi tím bầm, nhìn không ra hình tượng con người kia. Rồi cũng chìm xuồng, đã có tên Công an nào bị "xử lý nghiêm" bao giờ.
Cứ xem lại vụ đánh nhà báo vì "Gạt tay trúng má, giơ chân hơi cao" đến mức nhà báo đi nằm viện, đại biểu quốc hội yêu cầu khởi tố... rồi cũng cứt trâu hóa bùn.
Cứ xem lại biết bao vụ khác nữa, đâu có đó và vẫn "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi" vậy thôi.
Mới đây nhất, viên CSGT Hà Nam khi chặn xe dọc đường không đúng nguyên tắc, cầm tiền rơi xuống lại dẫm chân lên, nhặt dưới đường bỏ túi... Có lẽ đến đứa trẻ con nó cũng biết đó là cái gì?
Thế nhưng dù đã báo cáo lên tận Bộ Công an, nhưng sau khi điều tra, công an vẫn "không thể làm rõ" vì "Do hình ảnh trong clip không phản ánh đầy đủ các thông tin nên không đủ căn cứ xác định cán bộ CSGT trong clip nhận mãi lộ".
Điều này giống như câu hát nào đó: "Ai cũng hiểu, chỉ... công an Hà Nam không hiểu".
Xưa nay, đã động vào công an, thì đừng mong chuyện xử lý nghiêm bất cứ chỗ nào. Công an là "lá chắn, là thanh kiếm", là con chó giữ nhà của đảng và "chỉ biết còn đảng, còn mình". Do vậy nếu xử lý nghiêm đám công an, thì ai giữ nhà cho đảng tung hoành muốn gì được nấy trên xương máu, tài sản, tính mạng của người dân và lãnh thổ đất nước cho ai nấy được?
Bởi nếu xử lý nghiêm" thì lại phải nhớ câu của Nguyễn Sinh Hùng: "Cứ vi phạm mà kỷ luật thì lấy đâu ra cán bộ mà làm việc".
Bởi nếu không có hệ thống "lá chắn, là thanh kiếm", là con chó giữ nhà kia, thì cam đoan rằng cái Đảng "quang vinh, vĩ đại" kia không thể tồn tại nổi 2 ngày.
Hài nữa, là ông ta yêu cầu "báo chí thu thập thông tin thì phải có nguồn kiểm chứng". Nhà báo sẽ kiểm chứng ở đâu khi mà chính công an cũng chưa biết đầu đuôi nó ra sao dù đã hai tháng trôi qua? Việc điều tra, kiểm chứng mà công an còn chưa làm được gì sao yêu cầu báo chí?

Tạm kết:

Sở dĩ có những câu trả lời còn hài hơn cả vua hài, còn nhố nhăng hơn cả đám du thủ du thực, còn bẩn thỉu hơn cả đám cùng đinh kia. Chỉ vì điều duy nhất họ thiếu: Sự thật.
Vì không có sự thật, họ phải vòng vo.
Vì để vòng vo né tránh, nên họ phải sáng tác ngôn ngữ mới.
Vì không thể minh bạch những cái thối, cái bẩn nên họ phải đánh bài lờ rằng "đang điều tra, làm rõ" nhằm câu giờ.
Những cách vòng vo, luẩn quẩn và bất chấp sự thật, bất chấp liêm sỉ cũng như tiếng cười của thế gian, miễn là đạt mục đích hóa bùn bãi cứt trâu vốn ngày càng lớn.
Điều đó người ta không còn thấy lạ.
Điều người ta lạ nhất, là không hiểu vì sao một chế độ, một thể chế lại có thể là nơi sinh ra, dung dưỡng cho sự dối trá phát triển đến mức bất chấp quy luật đến vậy mà vẫn cứ tồn tại.
Tất cả những điều trên, có một tác dụng hết sức rõ ràng là nó chứng minh một chân lý đã được nhiều người, thậm chí là các trùm lãnh đạo cộng sản khẳng định như Tổng Bí Thư ĐCS Liên xô Mikhail Gorbachev: "Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá."
Hay như Tổng thống Nga Putin nói: "Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của CS, là không có trái tim".
Ngày 18/2/2018
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Cuộc chiến bị lãng quên

 Mỹ Lan RFA 2018-02-16  
Tưởng niệm chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh biên giới tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội ngày 17/02/2017
Tưởng niệm chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh biên giới tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội ngày 17/02/2017  AFP
Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh ồ ạt xua quân tấn công Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến khốc liệt 30 ngày liên tục và kéo dài 10 năm trên địa bàn 6 tỉnh biên giới Tây Bắc. Cuộc chiến không cân sức cũng đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân thường và hơn 4000 bộ đội Việt Nam, chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 35. Mặc dù dành chiến thắng, cuộc chiến tranh vệ quốc này lại ít khi được nhắc tới và thậm chí đã có một thời gian rất dài, nó bị chìm sâu vào quên lãng.
Khu vực biên giới Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi được coi là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới nổ ra từ ngày 17/2/1979 và kéo dài 10 năm sau đó với những “lò vôi thế kỷ” hay “thung lũng gọi hồn”.
hơn 30 năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những người thanh niên tuổi ngoài đôi mươi đã nằm lại ở mặt trận. Có nhứng gia đình vẫn chưa được công nhận là gia đình liệt sỹ cho nên là chúng tôi cũng thấy rất là tủi thân - cựu chiến binh Phạm Xuân Thanh
Đây là nơi hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh khi chiến đấu giành lại từng tấc đất biên cương với quân đội Trung Quốc. Trong đó, có hơn 2.000 liệt sĩ, hài cốt vẫn nằm lại trên chiến trường xưa.
Trở về từ chuyến thăm và dâng hương các đồng đội cũ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, ông Phạm Xuân Thanh, một cựu chiến binh chia sẻ:
Đến thời điểm hiện tại thì cuộc chiến gần như đã đi vào quên lãng. Tôi cũng là một thương binh từ mặt trận trở về. Hơn 30 năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những người thanh niên tuổi ngoài đôi mươi đã nằm lại ở mặt trận. Có nhứng gia đình vẫn chưa được công nhận là gia đình liệt sỹ cho nên là chúng tôi cũng thấy rất là tủi thân.
Trên thực tế, mặc dù đã  cản trở thành công sự tấn công của quân đội Trung Quốc, dành chiến thắng về mặt quân sự,  đối nội cũng như đối ngoại, cuộc phản công vệ quốc của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ đó đã không được công nhận và tôn vinh một cách xứng đáng. Cũng theo ông Thanh, rất nhiều những người lính cho đến thời điểm này vẫn chỉ được xác nhận là mất tích chứ chưa biết chính xác họ đã hy sinh hay còn sống. Bên cạnh đó, gần bốn chục năm đã qua, nhà nước CSVN vẫn chưa có một thống kê chính thức về số lượng người hy sinh hay mất tích trong trận chiến này cũng như tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ quốc gia nhằm ca ngợi những đóng góp và hy sinh của họ. Thậm chí, nhiều trường hợp mang thương tật từ mặt trận trở về nhưng do mất hết giấy tờ nên cũng không được công nhận là thương binh để có thể được hưởng những chế độ, chính sách ưu đãi. Ông Thanh cho biết thêm:
Chúng tôi cũng đã đặt ra những câu hỏi ví dụ như là cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng trị, lượng người hy sinh ở đó được ca ngợi. Còn riêng ở mặt trận Vị Xuyên, lượng người hy sinh nhiều như thế tại sao không được nhắc đến. Đến bây giờ thì chúng tôi biết là vì mục đích ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nên mọi thông tin về cuộc chiến có thể nói là không muốn được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước láng giềng.
Khi được hỏi về thái độ im lặng này của chính quyền CSVN, giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc cho biết:
Thực tế về cuộc chiến tranh này đã được cắt bỏ khỏi sách lịch sử và khỏi những lễ kỷ niệm phổ biến ở Việt Nam cho đến tận năm 2014.. Tôi không nghĩ là bởi vì các lãnh đạo Việt Nam muốn giảm nhẹ một thời kỳ quan hệ của Việt Nam. Bạn có thể tìm đến viện bảo tàng chiến tranh và không thấy có một trưng bày nào về cuộc chiến này với Trung Quốc. Nó là một lỗ đen. Nhưng tất nhiên với hàng ngàn người dân Việt Nam đã mất người thân
 bạn có thể tìm đến viện bảo tàng chiến tranh và không thấy có một trưng bày nào về cuộc chiến này với Trung Quốc. Nó là một lỗ đen. Nhưng tất nhiên với hàng ngàn người dân Việt Nam đã mất người thân trong cuộc chiến thì cuộc chiến này đã tồn tại - giáo sư Carl Thayer
Trên thực tế, trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, chính quyền CSVN học tập Cách mạng văn hoá Trung Quốc đã tìm cách phá huỷ hàng vạn ngôi đình, chùa, miếu mạo vốn là nơi người dân Việt Nam thờ các vị vua qua các triều đại Đinh, Lê, Lý Trần cùng những vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi giặc Tàu. Bên cạnh đó là rất nhiều những tài liệu lịch sử lưu lại những chiến công hiển hách của dân tộc Việt trong trong suốt chiều dài 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước cũng bị chính quyền CSVN lúc bấy giờ tìm cách thiêu huỷ. Lý do theo nhiều người là để làm vừa lòng người anh em láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù chính quyền CSVN có tìm cách làm cho lịch sử bị lãng quên thì trong lòng mỗi người dân Việt Nam, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nướcvà hơn cả là sự đề phòng đối với Trung Quốc thì chưa bao giờ bị dập tắt. Cũng tương tự như cuộc chiến tranh biên giới đầy mất mát đã xảy ra 39 năm trước đây, dù lịch sử Việt Nam không muốn nhắc nhiều nhưng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, sự kiện này đã và đang được cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn. Chắc chắn rằng, những hy sinh dường như bị lãng quên của những người lính trong chiến tranh biên giới năm nào, một ngày nào đó sẽ đền đáp một cách xứng đáng hơn