Tuesday, August 26, 2014

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa: Người sống buồn thảm, người chết bị... treo

Theo  - 

Nhà cửa bị mộ chí bủa vây trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Nhà cửa bị mộ chí bủa vây trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Đã 6 năm từ ngày công bố quy hoạch di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nghĩa trang lớn nhất TP.HCM, hàng trăm hộ dân lọt thỏm bên trong hoặc bên rìa nghĩa trang đứng ngồi không yên.
Nghĩa trang trong tương lai sẽ nhường chỗ cho một khu thương mại và dân cư rộng lớn, sầm uất nhưng vẫn chưa biết lúc nào thành hình. Hàng ngàn con người thấp thỏm, ngổn ngang bài toán an cư. 
“Quy hoạch công bố từ lâu. Nhưng chẳng thấy nói gì tới việc tái định cư cho dân. Ai cũng vừa chờ vừa lo sợ”-anh Tuấn, nhà trong nghĩa trang nói. 
Nhà anh Tuấn nằm dọc con đường đất chạy vào nghĩa trang, bốn bề mộ chí bủa vây. Trước mặt là mộ, sau lưng là mộ. Mộ nằm ngay trong khuôn viên sân nhà.
Ngổn ngang trăm mối an cư
Anh Tuấn làm nghề xây mộ nuôi vợ con. Từ ngày nghĩa trang có lệnh cấm chôn cất mới, anh dạt về tận nghĩa trang Đa Phước hành nghề. Vợ anh bị ung thư, bó gối ở nhà. Hai đứa nhỏ tuổi ăn tuổi lớn. Thu nhập từ nghề thợ xây không đủ cho con học hành, thuốc thang cho vợ.
“Nghe nói sau giải tỏa, dân được nhận vào làm trong khu thương mại. Mình lớn tuổi rồi, ai người ta nhận”-anh buồn rầu nói.
Hàng chục hộ dân khác cũng như anh, chưa biết sẽ đi đâu, làm gì sau giải tỏa. Chính quyền đoàn thể thì chẳng thấy hỏi han, thông báo gì. “Sống đây mấy chục năm rồi. Giải tỏa thì đành chịu. Nhưng người ta nói mà không thấy làm. Cứ sống treo như vầy khổ lắm”-anh bức xúc.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lý (71 tuổi) thì có đến 4 thế hệ, hơn 20 người sống trong 4 căn nhà tạm bợ giữa lòng nghĩa trang. Vợ chồng bà về đây từ sau giải phóng. Có một mẫu đất bà bán dần cho những người xây mộ, còn lại bà cất nhà cho con cháu ở. Bà có bốn người con trước đều làm nghề chăm mộ, bán nhang hoặc trùng tu mộ, cuộc sống đầy đủ. 
Từ ngày quy hoạch, chỉ còn lại hai người bám trụ. Một người đi làm mướn, một dắt vợ con bỏ đi nơi khác thuê phòng trọ bán cà phê kiếm sống.
Bà kể, trước đây, đại gia đình bà sống đầy đủ, thậm chí là dư dả nhờ cho thuê chỗ chôn cất và chăm mộ. Bà còn nhớ rõ sau ngày giải phóng, giá thuê đất đặt người nằm xuống, tính luôn cả đào huyệt chôn cất trọn gói khoảng 11 ngàn đồng. Việc cho thuê đất thường do trại hòm đưa mối, chủ đất chẳng còn lại được bao nhiêu.
Bà Lý bó gối chờ chính quyền thông báo thời điểm giải tỏa 
Sau này, nhu cầu chôn cất tăng cao, người dân tự liên hệ, thỏa thuận giá. Mỗi ngôi mộ phải trả từ vài triệu rồi tăng lên hơn 10 triệu đồng. Chưa kể tiền chăm sóc hàng năm. Nhà bà Lý trông coi hàng trăm ngôi mộ. Sau quy hoạch thì thân nhân ít tìm đến, cuộc sống trở nên khó khăn.
“Mấy năm trước chính quyền họp dân thông báo di dời rồi im hơi lặng tiếng cho đến giờ chẳng thấy ai đoái hoài”-bà kể. Do sống trong vùng quy hoạch nên nhà cửa có hư hỏng cũng không dám sửa, người thì sống tạm không dám nghĩ cái gì lâu dài.
“Mình già rồi, sao cũng được. Chỉ tội sắp nhỏ mai mốt không biết làm ăn, học hành ra sao”-bà Lý ngậm ngùi nói.
 Chôn... lén
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì tiến độ giải phóng nghĩa trang rất chậm, nên dù đã có lệnh cấm chôn cất nhưng rất nhiều hộ dân bên trong vẫn lét lút cho thuê đất chôn cất người chết. Việc mai táng được tiến hành lặng lẽ. Vì chôn “chui” nên giá thuê đất cũng được thổi lên cao gấp đôi gấp ba bình thường, vào khoảng 30 triệu đồng/mộ. 
Ông B, một người sống bên rìa nghĩa trang Bình Hưng Hòa cho biết việc mai táng lén lút vẫn diễn ra hàng ngày.
Thường là vì chủ đất và người thuê đã có thỏa thuận trước đây. Hầu hết người chôn cất cũng bức bách vì không tìm được nơi an táng. “Họ tự thỏa thuận với nhau thời gian chôn cất khoảng 2-3 năm rồi đến bốc cốt”-ông Đ. cho biết. 
Do chính quyền đã lập hồ sơ hiện trạng, thống kê những ngôi mộ cần di dời nên mộ chôn mới sẽ không được bồi hoàn, hỗ trợ. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích chính của người chôn cất mà xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Có nhiều nguyên nhân khiến quy hoạch di dời Bình Hưng Hòa chậm trễ. Quy hoạch “treo” khiến nghĩa trang lớn nhất thành phố mộ chí loang lổ đìu hiu, người sống “mắc kẹt” ngổn ngang thân phận. 
Nói như lời bà Nguyễn Thị Lý, hơn 40 năm từ thuở ông bà đến đây khai hoang làm rẫy, cỏ lau rắn độc đầy rẫy. Rồi đến khi phố xá thành hình, cửa nhà san sát, cuộc sống nghĩa trang chưa bao giờ buồn thảm và day dứt như lúc này.
Kiến Giang

Hơn một “sư đoàn” lao động Trung Quốc sắp đến Hà Tĩnh?

Theo  - 

Ảnh minh họa - Nguồn: Getty Images
Ảnh minh họa - Nguồn: Getty Images
Hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa trong khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã xin phép được tuyển gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án. Trong đó đến 90% mang quốc tịch Trung Quốc
Vietnamnet ngày 25.8 dẫn nguồn tin từ ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 10.000 lao động nước ngoài (khoảng 90% là Trung Quốc) đến làm việc tại Formosa.
Liên tiếp 2 tháng 6 - 7.2014, tại Khu kinh tế Vũng Áng, đã có hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án.
Đại đa số các nhà thầu xin tuyển lao động nước ngoài đợt này đến từ Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết, trên 90% trong tổng số gần 11.000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung Quốc.
Sau khi các nhà thầu trình văn bản, hồ sơ lao động, ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng lao động tại các gói thầu, về cơ bản UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý các gói thầu được tuyển người nước ngoài.
Đáng chú ý là văn bản số 1407114 ngày 29.7 của Công ty Formosa gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận để các nhà thầu của FHS (hoặc nhà thầu phụ) tuyển dụng lao động nước ngoài, thực hiện các hạng mục công trình.
Tổng có 28 nhà thầu (25 Trung Quốc, 3 nhà thầu Việt Nam) tuyển dụng 8.426 lao động nước ngoài để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương.
Sau khi xem xét báo cáo của BQL KKT, UBND tỉnh đã có văn bản số 3400 ngày 8.8, chấp thuận cho 11/28 nhà thầu, sử dụng 2.063 lao động nước ngoài. Đây là những nhà thầu đã đầy đủ hồ sơ, trình phương án sử dụng lao động.
Thông tin mới nhất có được, ban quản lý khu kinh tế cũng mới có văn bản tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép 9 gói thầu tiếp theo được tuyển dụng bổ sung 2.976 lao động nước ngoài để phục vụ các dự án. Hiện còn 8 gói thầu chưa bổ sung hồ sơ.
Một lãnh đạo ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, sở dĩ đợt này có số lượng lớn là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, vả lại sau sự việc ngày 14.5, nhiều lao động về nước và một số gói thầu bị ảnh hưởng.
Trong số hơn 1 vạn lao động nước ngoài sắp tới, có khoảng 6.000-7.000 sẽ ở trong khu vực dự án Formosa, số còn lại sẽ ở tại các điểm tập trung bên ngoài dự án.
Tại cuộc họp giữa Formosa và các nhà chức trách Hà Tĩnh giữa tháng 7, các bên cũng đã nhận định, công tác quản lí lao động tại Dự án Formosa còn bộc lộ nhiều tồn tại, thể hiện rõ nhất là khi xảy ra vụ việc ngày 14.5.
“Lúc đó hầu như cả Cty Formosa cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đều không kiểm soát được tình hình lao động. Số liệu về lao động theo báo cáo và thực tế trên công trường hết sức bất cập, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp chưa hình thành, nhất là tổ chức công đoàn chưa thành lập để cùng phối hợp quản lí người lao động”, văn bản có đoạn.
Sau nhiều nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh, tình hình an ninh, trật tự đã được ổn định. Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều giải pháp, buộc Formosa và các nhà quản lý cần chặt chẽ hơn trong việc quản lý, cấp phép lao động nước ngoài.

Ngư dân hy sinh bám biển, bộ đội kiên quyết bám bờ, Đảng (ta) quyết tâm bám Tàu (cộng)


Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam (Danlambao) - Tổ tiên chúng ta có truyền thuyết Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ với trăm con, 50 theo mẹ Âu Cơ lên non lập nghiệp, 50 theo cha Lạc Long Quân xuống biển Đông sinh sống. Biển Đông đã gắn bó với con dân nước Việt ngay từ khi lập quốc. Biển Đông đã đùm bọc nuôi dưỡng con dân nước Việt hằng nghìn năm nay. Qua bao nhiêu đời “dân biển”, hai chữ mà người dân đi đánh cá tại biển khơi thân thiết gọi nhau, bây giờ được gọi là ngư dân, chỉ phải đối diện với thiên nhiên, với phong ba bao táp.

Việt Nam với bờ biển dài hơn 3000 cây số bao trùm toàn bộ Biển Đông. Từ bao đời nay tổ tiên ông cha chúng ta sống và tồn tại dựa vào biển, vào nguồn tài nguyên của biển Đông. Qua tất cả những triều đại quân chủ, dân biển/ngư dân luôn được quân đội của triều đình bảo vệ và bình yên làm ăn sinh sống. 

Qua sử sách từ ngàn xưa khi lập quốc cho đến ngay cả thời kỳ đất nước bị phân chia theo hai chế độ quốc gia phía nam vĩ tuyến 17 và cộng sản phía bắc vĩ tuyến 17 trong những năm 1954-1975, ngư dân hành nghề đánh bắt cá và khai thác tài nguyên biển trong khu vực biển Đông chưa bao giờ bị tàu thuyền hải quân của một quốc gia nào, ngay là tàu thuyền của Tàu lục địa hay Tàu Đài Loan hoặc bất cứ quốc gia trong vùng Đông Nam Á công khai quấy nhiễu, bắt bớ, cướp đoạt tài sản và hung hăng rồi ngang ngượng đòi tiền chuộc mạng. Nhưng từ khi cả nước bị lọt vào tay đảng CSVN từ năm 1975, ngư dân Việt Nam những tưởng được lực lượng bộ đội luôn xưng mình là anh hùng bảo vệ, được yên ổn làm ăn không bị nước khác hà hiếp cướp bóc, giết chóc; nhưng trái lại ngư dân lại bị trấn áp rất dã man, vô nhân đạo hơn cả những nạn nhân của bọn cướp biển mà chúng ta thường nghe thấy tại các vùng biển Âu Mỹ. Bọn đang táng tận lương tâm giết hại ngư dân Việt Nam không ai xa lạ với người dân và dân biển trong khi đảng nhà nước cộng sản tại Việt Nam thì dám bảo là “tàu lạ”. Bọn hải tặc biển Đông này chính là bọn hải quân Tàu cộng, bọn động chí thân thiết ruột thịt của đảng cộng sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh cho đến hôm nay.

Ngư dân miền Trung Việt Nam đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa luôn bị bọn hải quân Tàu cộng đánh đập cướp đoạt tài sản và bắt giữ đòi tiền chuộc mạng. Có hằng trăm vụ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam bị bọn hải tặc đội lớp hải quân Tàu cộng cướp phá. Hằng ngàn ngư dân đã và tiếp tục hy sinh cả mạng sống của mình trong khi họ đi làm ăn sinh sống trên vùng biển mà ông cha chúng ta từ bao đời.

Trong khi ngư dân tiếp tục bị hải quân hải tặc Tàu cộng hành hung cướp đoạt tài sản, bắt người đòi tiền chuộc mạng thì tàu chiến các loại của bộ đội hải quân Việt thay vì hiện diện xua đuổi bọn cướp đội lớp hải quân Tàu để bảo vệ an toàn và tài sản của bà con ngư dân đang làm ăn trên vùng biển của Việt Nam mà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn chỉ thỏ thẻ đôi lời cho có rồi im lìm, nhưng tuyệt nhiên không thấy một chiếc tàu chiến nào và ngay cả những chiếc tàu gọi là tàu công an (cảnh sát) biển xuất hiện xua đuổi hay bắt giữ bọn cướp Tàu cộng bảo vệ ngư dân. Thân nhân của ngư dân bị Tàu cộng bắt giữ phải tự lo tiền bạc trả cho Tàu cộng đề cứu người thân bị bắt giữ thay vì nhà nước. Nếu quả thật là chính quyền vì dân, phải có trách nhiệm đòi hỏi phía nhà nước Tàu thả vô điều kiện công dân của nước mình bị bắt trái phép và phải bồi thường thiệt hại tài sản và cơ thể của ngư dân do bộ đội hải quân của Tàu gây ra. Cho đến hôm nay chưa có một lần nào phía nhà nước cộng sản Việt Nam làm việc này. Ngược lại họ thì chỉ lập lại vài câu tuyên bố nhỏ nhẹ cho có lệ trong khi lãnh đạo chóp bu lại giao hảo thân thiết với lãnh đạo cộng sản Tàu, xem nhau như anh chị em ruột thịt thân thiết. Có phải đây là hành động của một nhà nước của một quốc gia có trách nhiệm bảo vệ an toàn và sinh mạng của người dân hay là một đảng một nhà nước đã và đang bán đứng tổ quốc cho bọn xâm lược Tàu phương Bắc?

Sự kiện bọn xâm lược Tàu cộng ngang nhiên mang giàn khoan khổng lồ vào cắm sâu trong vùng biển Việt Nam trong thời gian hơn 2 tháng kể từ ngày 01/05/2014 là hành vi xâm lược trắng trợn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Ngoài việc đưa và ba chiếc “thuyền ba lá” cảnh sát biển ra nhảy waltz (valse) với hằng chục tàu chiến của Tàu cộng trong tình gia đình anh em, đảng ta lại hô hào ngư dân mang những chiếc thuyền nan ra vùng nguy hiểm làm bia để cho Tàu cộng thực tập xịt nước, tung, húc, nhấn chìm tàu thuyền đánh cá của ngư dân. Điều thật vô lương tâm của bộ đội hải quân Việt Nam là đã không bảo vệ ngư dân bị bọn bộ đội cướp biển hải quân Tàu cộng tấn công, không tiếp cứu những tàu thuyền ngư dân đang bị hải quân Tàu cộng tung và nhấn chìm, và chỉ xuất hiện tàu trục kéo sau khi sau khi thuyền của ngư dân sắp bị chìm mất xác, rồi kéo, rồi chụp hình tuyên truyền giả nhân giả nghĩa rất lố bịch. Ngay cả trong chiến dịch tuyên truyền sau khi giản khoan tạm thời rời khỏi vùng lãnh hải Việt Nam tại nhà “văn hóa thanh niên TP HCM” do báo Tuổi trẻ tổ chức triển lãm gọi là “75 ngày Biển Đông dậy sóng”, cũng chỉ viết dòng chữ: “Những người Việt can trường”. Không thấy đâu những hình ảnh ghi lại bóng dáng của bộ đội hải quân “can trường”, hay đảng ta “can trường” đối đầu đuổi bọn xâm lược Tàu cộng ra khỏi lãnh hải, mà chỉ thấy vài ba chiếc tàu rỉ sắt gọi là công an biển (cảnh sát) chơi trò ú tìm với bọn hải quân Tàu cộng, trong khi đó những chiếc thuyền thô sơ của ngư dân bị đẩy ra phía trước, phải đối mặt với tàu chiến trang vũ khí bị tận răng của các đồng chí ruột thịt của đảng CSVN. 

Những ngư dân được đảng ta gán cho danh từ “cột mốc sống” phải hy sinh mạng sống trong khi trong tay không có một tất sắt bám biển trước lực lượng hung hậu của bọn xâm lược Tàu cộng. Trong khi đó không chỉ bộ đội kiên quyết bám bờ và hằng vạn công an chìm nổi cũng kiên quyết bám bờ, kiên quyết đàn áp tàn độc những người yêu nước lên tiếng chống bọn xâm lược Tàu cộng. Và mới đây, ngày 25/08/2014, ủy viên bộ chính trị Lê Hồng Anh, làm đặc phái viên của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, đi sứ chầu lãnh đạo Tàu cộng để nhận tiếp chỉ thị, trong khi đảng cộng sản Việt Nam huy động hàng ngàn công an chìm nổi trên khắp nước ngăn chặn và quản thúc anh chị em quan tâm đến tình hình đất nước bị Tàu cộng xâm lược đi tham dự buổi xét xử gọi là công khai 3 công dân yêu nước Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh tại Đồng Tháp ngày 26/08/2014.

Bộ đội hải quân (đảng cs) Việt Nam không thấy đâu xung quanh khu vực giàn khoan HD 981, trong khi thuyền đánh cá bị bọn Tàu cộng đánh chìm, chỉ xuất hiện tàu kéo sau khi thuyền của ngư dân bị đắm. Một màn dàn dựng vô lương tâm bán rẻ sinh mạng người dân của đảng CSVN.
Quả thật:

Ngư dân hy sinh bám biển, bảo vệ Tổ quốc!
Bộ đội kiên quyết bám bờ, bảo vệ hòa bình!
Đảng (ta) quyết tâm bám Tàu cộng, bảo vệ đảng! 


Ngày 27 tháng 08 năm 2014


TPHCM: Xưởng in bao bì cháy lớn, công nhân hoảng loạn tháo chạy

(ĐSPL)- Lúc 11h15, ngày 26/8, một vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty trách nhiệm khuôn mẫu- in ấn bao bì gây thiệt hại về tài sản và khiến công nhân hoảng loạn bỏ chạy.
Vào thời điểm trên, ngọn lửa bùng phát tại tầng 2 của công ty Hồng Kim địa chỉ 184/26F đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM. Do khu vực xưởng chứa các vật liệu nhựa nên đám cháy bùng phát nhanh, lan rộng. Hơn 20 công nhân đang làm việc một phen kinh hoàng bỏ chạy khỏi xưởng.
TPHCM: Xưởng in bao bì cháy lớn, công nhân hoảng loạn tháo chạy - Ảnh 1
Hiện trường vụ cháy lớn xưởng sản xuất khuôn mẫu- in ấn bao bì
Khói bốc nghi ngút gây ngạt khiến công nhân không dám tiếp cận hiện trường.
Nhận được tin báo, ít phút sau lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp quận Bình Tân đã nhanh chóng có mặt với 6 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hơn 40 cán bộ chiến sĩ để khống chế đám cháy.
TPHCM: Xưởng in bao bì cháy lớn, công nhân hoảng loạn tháo chạy - Ảnh 2
Xe cứu hỏa có mặt để cùng lính cứu hỏa khống chế ngọn lửa
Hơn 1 giờ sau đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ khu tầng 2 làm nhiều bị vật dụng cháy khét, biến dạng. Nhiều máy móc thiết bị điện tử của dây chuyền in ấn đóng khuôn để sản xuất bên dưới tầng 1 cũng bị nước làm hư hỏng nặng.
May mắn vụ cháy không gây thiệt hại về tính mạnh. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân vụ cháy do chập điện.
Hiện thiệt hại đang được thống kê.  
SỸ THẠCH

Cận cảnh: Trận lũ kinh hoàng tấn công thành phố hoa Đà Lạt

Đăng Bởi  - 

Cơn lũ lịch sử dâng cao khiến nhiều ngôi nhà bị ngập gần tới mái
Cơn lũ lịch sử dâng cao khiến nhiều ngôi nhà bị ngập gần tới mái

Trận mưa lớn kéo dài trong đêm 25 rạng sáng 26.8 gây ngập quốc lộ 20, thông ngã đổ, sạt lở một số đoạn taluy trên đèo Prenn, khiến khu vực cửa ngõ Đà Lạt bị ách tắc giao thông nhiều giờ liền.

Mưa cũng làm khu vực xã Hiệp An, huyện Đức Trọng- giáp thành phố Đà Lạt, bị ngập lụt nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân địa phương.
Mưa lớn khiến nhiều vườn rau, hoa, ruộng lúa của người dân bị chìm trong nước lũ. Hàng chục nhà dân ven suối cũng bị nước dâng ngập, gây thiệt hại về tài sản, đồ đạc hư hỏng.
Vào lúc cao điểm, nước lũ còn dâng cao khiến nhiều ngôi nhà bị ngập gần tới mái, một đoạn quốc lộ 20 chạy qua thôn Định An cũng bị ngập nặng khiến xe ô tô không thể đi qua.
Mưa lũ gây ra tình trạng sạt lở nhiều đoạn trên đèo Prenn Đà Lạt  
Theo một số người dân trong vùng, đây là trận lũ lịch sử sau hơn 10 năm qua mới xuất hiện trên địa bàn. Nước lên rất nhanh chỉ trong vòng hơn chục phút là đã ngập vào nhà khiến mọi người không kịp trở tay.
Hàng trăm ha rau, hoa ở khu Sở Lăng (phường, TP Đà Lạt) và khu vực thượng nguồn thác Prenn (phường 3, TP Đà Lạt), chỉ trong phút chốc đã bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Nhiều nhà dân cũng bị ngập sâu trong nước.
Người dân nhặt nhạnh số củ giống ít ỏi còn lại sau cơn lũ
Còn tại khu vực làng hoa Hiệp An (xã Hiệp An, Đức Trọng), nằm cạnh quốc lộ 20, tuyến đường huyết mạch nối Đà Lạt với TPHCM, và cũng là vùng cửa ngõ dẫn vào thành phố hoa Đà Lạt, hàng trăm ha lúa, rau, hoa cũng chung tình cảnh bị nhấn chìm trong biển nước.
Phó chủ tịch UBND xã Hiệp An Lê Thị Hà cho biết, theo thông kê ban đầu đã có 200 nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 – 2m nước; 200 ha lúa, rau màu và hoa cũng bị nước lũ nhấn chìm.

Đến 8 giờ sáng nay nước ở thượng nguồn thác Prenn vẫn còn cuộn chảy
Đường ở khu dân cư mới Định An (xã Hiệp An) biến thành sông
Nhiều diện tích bắp của người dân đang chờ thu hoạch đang chìm sâu trong nước
 Hàng chục ha lúa, hoa màu ở Hiệp An bị nước lũ nhấn chìm
Quốc lộ 20 đoạn qua xã Hiệp An bị ngập lụt
Nhiều diện tích hoa cúc ở phường 3 Đà Lạt bị lũ vùi lấp trong bùn.
Lực lượng dân phòng và thanh niên xã Hiệp An giúp người khuyết tật vượt qua vùng lũ

Công an Đức Trọng hướng dẫn, phân luồn, giúp các phương tiện giao thông vượt lũ.
 Người dân đánh bắt cá bên quốc lộ 20 đoạn qua xã Hiệp An

Hơn 90% dân thành phố ở Việt Nam không mua nổi xe hơi

VIỆT NAM (NV) - Có tới 4 loại thuế và lệ phí phí đè nặng khiến giá xe hơi lắp ráp trong nước đắt hơn xe nhập cảng nguyên chiếc từ các quốc gia Ðông Nam Á hơn 20%.

Nhận định trên đây là của ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch tổng công ty Vinaxuki, tuyên bố tại hội nghị công bố chiến lược ngành kỹ nghệ ô tô do Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức sáng ngày 26 tháng 8, 2014 ở Hà Nội. Phúc trình của tổng công ty này cũng cho rằng, vì lý do trên mà có đến 90% dân số Hà Nội và Sài Gòn không mua nổi xe hơi để sử dụng.


Người Việt Nam chỉ chuộng xe hơi nhập cảng nguyên chiếc vì bền. (Hình: Báo VNExpress)

Báo mạng VNExpress còn dẫn lời ông Bùi Ngọc Huyên tiết lộ rằng, ông đã từng viết thư gửi Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng để kêu cứu về tình trạng “sưu cao thuế nặng” đang đè nặng ngành kỹ nghệ ô tô. Theo ông, chiếc xe hơi lắp ráp trong nước phải chịu bốn loại thuế và lệ phí, gồm thuế nhập cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng và phí trước bạ.

Cũng tại hội nghị này, phần lớn các doanh nhân đều cho rằng, Việt Nam chưa có một nền kỹ nghệ ô tô. Vì vậy mà có nhiều trường hợp người tiêu thụ ở Việt Nam vẫn phải xài các loại động cơ kém phẩm chất của Trung Quốc, mới chạy một-hai năm đã bị hỏng.

Còn nhiều điều thực tế cho thấy, trong khi tầng lớp trung lưu tiếp tục “lọc cọc” trên lưng “con ngựa sắt,” thì những người giàu có ở Việt Nam chỉ muốn xài “siêu xe” nhập cảng. Giá một chiếc xe được lắp ráp trong nước hiện nay, tính ra đắt gần gấp đôi so với giá xe hơi được lắp ráp ở Hoa Kỳ chẳng hạn.

Và vì không bán được tại thị trường nội địa, ngành lắp ráp xe hơi tại Việt Nam lại càng chết đứng vì không xuất cảng được. Sản lượng xe hơi được sản xuất tại Việt Nam hiện nay khoảng 130,000 xe một năm, trong khi ở Thái Lan và Indonesia trên xấp xỉ 1-1.2 triệu chiếc.

Cũng theo phúc trình của tổng công ty Vinaxuki, phải ít nhất 20 năm nữa thì Việt Nam mới đạt được tỉ lệ nội địa hóa là 65%. Hiện nay, tỉ lệ này ở Indonesia và Malaysia đã vượt hơn 50%. (PL)
08-26- 2014 3:12:07 PM

Giấu kín chăn ấm phát cho người nghèo trong kho UBND xã

Cán bộ xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhận chăn phát cho hộ nghèo từ đầu mùa rét năm 2012 về cất trong kho ủy ban.
Cấp phát chăn ấm cho hộ nghèo trước mùa rét trong Chương trình 135 của Chính phủ thể hiện tính nhân đạo, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Vậy mà cán bộ xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại nhận chăn từ đầu mùa rétnăm 2012 về cất trong kho ủy ban.
Giấu kín chăn ấm phát cho người nghèo trong kho UBND xã - Ảnh 1

Chăn ấm của Chính phủ đang xếp trong kho UBND xã Tân Thắng.

Tân Thắng là một xã miền núi nghèo nằm ở phía Tây huyện Quỳnh Lưu với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2012 và năm 2013, Chương trình 135 của Chính phủ cung cấp cho các hộ nghèo trên địa bàn xã 46 chiếc chăn ấm để phát cho người dân, bình quân mỗi chiếc có giá trị trên 250.000 đồng. Nhưng thật đáng tiếc, sau khi huyện chuyển số hàng trên về địa bàn thì cán bộ phụ trách Chương trình 135 của xã là ông Phan Văn Tuấn lại... xếp vào trong kho ủy ban.
Trao đổi với một cán bộ công chức của xã Tân Thắng, ông này cho biết: Hàng năm, xã đều được cấp chăn ấm cho hộ nghèo với số lượng như trên. Tuy nhiên trước năm 2012, các hộ đã được nhận chăn, còn năm 2012 và năm 2013, không hiểu lý do gì mà người phụ trách Chương trình 135 của xã đã giữ lại và cất trong kho. Cách đây hơn 1 tháng, ông Dương Danh Hòa, Trưởng phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện khi xuống xã Tân Thắng kiểm tra đã phát hiện liền yêu cầu ông Tuấn khẩn trương phát chăn cho dân. Thế nhưng đâu vẫn vào đấy, vì thế số chăn trên vẫn “yên lặng” trong kho.

Đến nay đã gần 2 năm trôi qua, số chăn ấm này vẫn nằm yên trong kho của UBND xã Tân Thắng. 
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng về việc vì sao xã để tình trạng cấp phát chăn ấm của Chính phủ lại chậm trễ như vậy? Ông Dũng cho biết, hiện nay đã phát gần hết, chỉ còn xóm Tân Thành, nguyên nhân là do việc bình xét của xóm quá chậm, biên bản lại chồng chéo không hợp lý. Ông Dũng cũng thừa nhận sai sót này thuộc về người phụ trách và hứa sẽ rút kinh nghiệm.
Cấp phát chăn ấm cho dân nghèo vùng sâu, vùng xa không chỉ giúp bà con đảm bảo sức khỏe trong những đợt rét đậm, rét hại mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu khẩn trương kiểm tra, xử lý số hàng trên, phát ngay cho hộ nghèo theo mục tiêu Chương trình 135 của Chính phủ, đồng thời cần xử lý những cán bộ sai phạm làm chậm trễ việc cấp phát chăn ấm cho nhân dân.
THEO CÔNG AN NGHỆ AN

Phát hoảng với đồ chơi TQ phát nổ gây bỏng rộp, mẩn ngứa

Người chơi ngâm những hạt nhỏ li ti vào nước, khi những hạt này nở ra, chúng phát nổ gây bỏng rộp, sưng tấy và mẩn ngứa khắp người.

Hiện nay, trên một số diễn đàn mạng đang lan truyền lời cảnh báo của rất nhiều phụ huynh về việc cho con em mình chơi đồ chơi “hạt nở 7 màu phát nổ”.
Đây là một loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi bóc túi bóng, người chơi ngâm những hạt nhỏ li ti vào nước, khi bóng nở chúng có thể phát nổ gây bỏng rộp, sưng tấy và mẩn ngứa. Chính vì những tác dụng phụ đó, loại đồ chơi này đang khiến không ít các bậc phụ huynh tỏ ra hốt hoảng và lo lắng.
Chị Nguyễn Thu Trà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Khi chị đang loay hoay dọn dẹp cặp sách cho con thì phát hiện ra một gói nhỏ, bên trong có nhiều hạt nhỏ li ti kèm với một bông hồng rất to. Thấy lạ, chị cầm túi lên và hỏi con thì cháu cho hay là mua ở trước cồng trường học. Khi chị ngâm chúng vào nước, hạt nở to, phát nổ và bắn ra một loại nước màu trắng đục, sền sệt mà chị nghi là axit. Lúc này chị mới tá hoả khi biết con mình hàng ngày vẫn đang tiếp xúc với loại đồ chơi độc hại này.
hạt nở, phát nổ, trẻ em, đồ chơi, nguy hiểm, đồ chơi Trung Quốc
Hình ảnh về những tác động của việc chơi loại trò chơi “hạt nở 7 màu phát nổ” mang lại được nhiều phụ huynh chia sẻ trên các diễn đàn mạng.
Theo chị Trà, đây là một loại đồ chơi khá nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con trẻ. Bởi dung dịch trong những hạt nở phát nổ té vào người chị, chúng gây cảm giác bỏng rát da, ngứa ngáy và sưng tấy.
Đặc biệt, chị nhấn mạnh, những hạt nhỏ này màu sắc rất hấp dẫn nên trẻ nhỏ dễ bị nhầm là kẹo. Nếu như nhiều cháu không biết mà ngậm vào miệng hay nuốt phải thì cực kỳ nguy hiểm.
Chiều 25/8, PV VietNamNet đã đi thực tế tại rất nhiều điểm bán đồ chơi trước cổng các trường tiểu học tại một số quận như Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Theo ghi nhận, hầu hết các cửa hàng tại các quận nêu trên đều bán loại đồ chơi độc hại này.
Mỗi một túi hạt nở đều được chủ các cửa hàng bán với giá 5.000 đồng. Khi được hỏi về xuất xứ, tác dụng phụ thì người bán cho hay không biết chúng có tác dụng phụ như thế nào mà chỉ biết chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo ghi nhận của PV, túi bóng nở phát nổ khá nhỏ, kích cỡ khoảng 5x7cm. Phía mặt trước túi có dòng chữ seven color crytal ball (tạm dịch là túi bóng 7 màu). Phía sau túi được viết bởi các câu tiếng Anh sai từ, sai ngữ pháp lẫn lộn, được tạm dịch là: Hãy thả các hạt trong túi nhỏ vào 400g nước. Sau 4 giờ đồng hồ chúng sẽ nở to ra trông rất đẹp….
Để biết được những nguy hại do loại trò chơi này mang lại, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo ông Thịnh, những túi đồ chơi trên thường được sản xuất dựa trên nguyên lý giải phóng khí. Khi những quả bóng có chứa dung dịch trên được ngâm trong nước, chúng sẽ nở to ra và phát nổ để giải phóng khí. Có nhiều chất hóa học có thể dùng để sản xuất theo cơ chế sinh khí trên. Tuy nhiên, khả năng cao ở đây có thể nhà sản xuất sử dụng muối bicarbonat.
hạt nở, phát nổ, trẻ em, đồ chơi, nguy hiểm, đồ chơi Trung Quốc
Những hạt nhỏ li ti nở to khi ngâm trong nước.
Khi những quả bóng nổ, khí CO2 vẫn tiếp tục được giải phóng nên nếu bị bắn vào người, chúng sẽ cho cảm giác rất khó chịu. Tuy nhiên, sau một thời gian, dung dịch trong bóng khí nổ nó lại sẽ trở về dạng muối.
Ông Thịnh cho hay, muối bicarbonat có tính chất tương tự thuốc muối song tuỳ trường hợp, chúng cũng gây bỏng rộp và ngứa ngáy nếu bắn trực tiếp lên cơ thể con người gây nguy hiểm.
Chính vì thế, các bậc phụ huynh nên theo dõi, đề phòng và nhắc nhở con em mình nên tránh xa các loại đồ chơi có tính nguy hiểm trên bởi những dung dịch trong những túi bóng mang lại cũng như những tiếng nổ lớn từ chúng có thể tác động trực tiếp đến sức khoẻ, tâm lý của con em mình.
- Ngày 16/1/2014, nhiều học sinh trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, Đắk Song, Đắk Nông) phải nhập viện cấp cứu sau khi chơi 1 loại đồ chơi Trung Quốc gần giống quả lựu đạn phát nổ gây co giật, khó thở, ngất xỉu.... Trong lúc quăng ném, món đồ chơi này bất ngờ phát nổ khiến 32 em học sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, co cứng các cơ, toàn thân nổi ngứa... Một số em ngất xỉu, một số phải truyền đạm, thở oxy. Sau khi xuất viện, 7 em học sinh phải tái nhập viện trở lại để điều trị trong tình trạng đáng lo ngại.
- Mới đây, ngày 13/5/2014, gần 50 học sinh của trường tiểu học Tiến Thành 1 (xã Tiến Thành, Phan Thiết, Bình Thuận) đã phải nhập viện vì cấp cứu sau khi các em hít phải dung dịch trong đồ chơi trúng thưởng, có hình thù bắt mắt, xuất xứ từ Trung Quốc và được mua với giá 20.000 đồng. Trong lúc chơi đùa, một học sinh vô ý làm vỡ lọ thủy tinh khiến dung dịch bên trong tràn ra, có mùi hắc rất khó chịu. Nhiều học sinh xung quanh sau khi hít phải mùi này có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, khó thở, nôn ói tại chỗ.
- Trước đây, ngày 17/12/2007, tại Trường THCS Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) một số em học sinh mua gói hạt nở nhiều màu sắc mang đến lớp chơi. Thả hạt nở vào nước trong chậu một lúc thì nước chuyển màu đục như nước vo gạo. Từ chậu nước ngâm hạt nở phát ra mùi hăng hắc, khó chịu. Để lâu, hạt nở sẽ vỡ dần rồi tan trong nước. Sự việc khiến tổng cộng 24 học sinh và 1 giáo viên trường THCS Quảng Phong phải nhập viện, trong đó có 7 HS phải nhập viện lần 2.
Thứ ba, 26 Tháng tám 2014, 13:23 
VietBao.vn (Theo VNMedia)

Sài Gòn sẽ chi $100 triệu xây quảng trường lớn nhất nước

Hà Nội hiện giống New York 100 năm trước

VIỆT NAM (NV) - Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn cho hay, vừa hoàn thành thiết kế dự án xây dựng một quảng trường trung tâm và công viên bờ sông Sài Gòn ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 tốn 2,000 tỉ đồng, tương đương 100 triệu đô la.


 Phối cảnh quảng trường lớn nhất Việt Nam ngốn hết 2,000 tỉ đồng. (Hình: VNExpress)

VNExpress dẫn nội dung phúc trình của chính quyền Sài Gòn cho biết, quảng trường trên tọa lạc trên diện tích rộng 30 ha, nằm cạnh bờ sông Sài Gòn, sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam.

Phúc trình trên cũng nói rằng, quảng trường khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là nơi diễn ra các lễ hội văn hóa, chính trị, có thể quy tụ cùng một lúc nửa triệu người tham dự các hoạt động “giao lưu.” Khu vực này cũng được xem là “điểm nhấn” của khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.


Thành phố Hà Nội nhếch nhác hiện nay. (Hình: Internet)

Cũng theo VNExpress, nằm chen giữa quảng trường này là bốn con đường nằm song song trong khu vực khu đô thị Thủ Thiêm. Bốn con đường này đã được khởi công từ giữa tháng 2, 2014 với kinh phí lên tới 12,000 tỉ đồng, tương đương 600 triệu đô la. Nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành 4 tuyến đường này trong 36 tháng tới, tức vào khoảng năm 2017 thì xong. Dự án trên đang chờ Hội Ðồng Nhân Dân Sài Gòn thông qua để chuyển lên cấp trên xét duyệt.


Thành phố New York cách nay 100 năm. (Hình: Internet)

Ngay sau khi thông tin trên được tung ra, dư luận đã ồn ào phản đối, cho rằng quảng trường lớn nhất Việt Nam nhìn qua phối cảnh thì trông xấu xí, hỗn độn. Phần lớn người Sài Gòn được hỏi ý kiến đều cho rằng, trong khi hàng chục triệu dân chúng còn nghèo khổ thì việc bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng một “quảng trường trung tâm lớn nhất Việt Nam” là không cần thiết.

Cũng có dư luận cho rằng, Việt Nam đang cần nhiều dự án nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân và nếp sinh hoạt văn minh lành mạnh của xã hội thì “gói” 2,000 tỉ đồng cho một “quảng trường trung tâm” không mấy ai được thừa hưởng là quá sức lãng phí.


Thành phố Hà Nội hiện nay với những quầy bán vỉa hè. (Hình: Internet)

Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội vừa xuất hiện nhiều hình ảnh đối chiếu cho thấy, thành phố Hà Nội hiện nay là sự tái hiện của thành phố New York, Hoa Kỳ 100 năm về trước. Rất nhiều hình ảnh so sánh giữa hai thành phố cách nhau một thế kỷ nhưng lại có nhiều đặc điểm rất giống nhau.


Thành phố New York xưa. (Hình: Internet)

Chẳng hạn như cả hai thành phố đều có cảnh đường phố chằng chịt những đống dây điện; của các em bé đánh giày; những chợ hoa; những khu phố nhếch nhác, bẩn thỉu... Cả hai thành phố này đều có cảnh phơi phóng quần áo lung tung trước mắt mọi người, cảnh xây dựng ngổn ngang, đường phố chật kín xe cộ, hồ bơi đầy kín người... Trong khi thành phố New York xưa có cảnh người phu xích lô xe kéo thì thành phố Hà Nội nay có cảnh công nhân vệ sinh gò lưng quét rác.

Chỉ có khác là cảnh thành phố New York cách nay 100 năm được thể hiện bằng những tấm ảnh đen trắng, trong khi hình chụp thành phố Hà Nội nay là ảnh màu. (PL)


08-26-2014 3:02:57 PM
Theo Người Việt

Ðã bị giam oan lại bị đòi nộp ‘chứng từ’ mới bồi thường

BẮC GIANG (NV) - Ðại diện Tòa án Tối cao của Việt Nam yêu cầu ông Nguyễn Thanh Chấn và thân nhân nộp các “chứng từ” để chứng minh thiệt hại do bị giam oan thì mới xét bồi thường.

Ðó là diễn biến mới nhất liên quan tới vụ oan án mà ông Nguyễn Thanh Chấn là nạn nhân, khiến công chúng căm phẫn, chỉ trích hệ thống tư pháp Việt Nam kịch liệt và đòi xét lại nhiều vụ án có dấu hiệu gây hàm oan khác.


Buổi làm việc giữa đại diện Tòa án Tối cao với ông Chấn và thân nhân. (Hình: ÐSPL)

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn, ngụ tại Bắc Giang bị cáo buộc “giết người,” “cướp tài sản.” Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội, chưa kể ông Chấn liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân.
Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm 2013. Ðến nay, hệ thống tư pháp Việt Nam chỉ mới minh oan cho ông Chấn. Việc bồi thường thiệt hại đang được... “xem xét.”

Trong mười năm ông Chấn bị hàm oan vì “giết người,” “cướp tài sản,” mẹ, vợ, các con ông Chấn nếm trải đủ thứ tủi nhục vì mọi người dè bỉu, xa lánh. Bốn đứa con của ông Chấn không chịu được áp lực của dư luận nên nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền để mẹ đi kêu oan cho cha.

Nghe tin Tòa án Tối cao đòi ông Chấn và thân nhân nộp chứng từ chứng minh thiệt hại, bà Bà Thân Thị Hải, một người hàng xóm nêu thắc mắc, tìm ở đâu ra các “hóa đơn” để chứng minh những thiệt hại như vậy?

Báo chí Việt Nam tường thuật, khi nghe các viên chức của Tòa án Tối cao đòi “chứng từ,” bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn bật khóc. Trong mười năm ông Chấn bị giam oan, bà đã bán sạch tài sản để có tiền đi khắp nơi gửi đơn kêu oan cho chồng. Khi không còn tài sản để bán, bà Chiến vay mượn khắp nơi, chấp nhận trả lãi để tiếp tục hành trình đi tìm công lý.

Sau khi có tin về hung thủ thật sự của vụ giết người, bà Chiến tiếp tục vay mượn để đi từ Bắc Giang đến Ðắk Lắk hàng chục lần để tìm hung thủ. Chính gia đình và thân hữu của ông Chấn tìm ra hung thủ, kêu gọi hung thủ đầu thú. Hệ thống tư pháp Việt Nam chỉ làm công việc tiếp nhận đầu thú, điều tra lại và “giải oan,” phóng thích ông Chấn.

Bà Chiến bảo rằng việc Tòa án Tối cao đòi “chứng từ” về những khoản chi tiêu cho quá trình đi tìm công lý suốt mười năm đó là “đánh đố.”

Ðến nay, ông chấn vẫn chưa gặp lại một trong hai cô con gái của mình. Vợ con ông Chấn đã vay mượn khắp nơi để cô gái này được chính quyền Việt Nam đưa sang Ðài Loan làm thuê. Sau hai năm, khi hợp đồng hết hạn, cô bỏ trốn, trở thành người cư trú bất hợp pháp ở Ðài Loan, đi làm chui để tiếp tục kiếm tiền gửi về cho mẹ đi kêu oan cho cha và thanh toán nợ nần. Cô đang chờ cha và gia đình được bồi thường để có tiền nộp phạt cư trú bất hợp pháp và quay về.

Ông Chấn bảo rằng, tuy đã được giải oan, song gia đình ông càng ngày càng khốn khó và hoàn toàn kiệt quệ. Vợ ông Chấn bảo rằng, họ muốn được bồi thường khoảng 10 tỉ đồng. Ðó là những thiệt hại về tài sản do thu nhập thực tế bị mất, do chi phí giấy tờ và chi phí cho luật sư suốt quá trình kêu oan, do phải thăm thăm nuôi, do những tổn hại về sức khỏe, danh dự, tinh thần của những thành viên trong gia đình...

Ðại diện Tòa án Tối cao của Việt Nam không bận tâm đến những điều đó. Họ viện dẫn các quy định trong “Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” và một mực đòi các “chứng từ” để dựa vào đó “hướng dẫn làm những thủ tục luật định.” (G.Ð)

08-26- 2014 3:14:02 PM
Theo Người Việt

Ðại Sứ Quán Mỹ lên tiếng sau phiên xử bà Bùi Hằng

HÀ NỘI (NV) - Ngay sau khi kết thúc phiên tòa xử bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tiếng “báo động” rằng, hệ thống tòa án đã sử dụng các điều khoản về trật tự công cộng để phạt tù những người chỉ trích chính quyền.

Tòa án Ðồng Tháp hôm 26 tháng 8 phạt bà Hằng 3 năm tù, ông Minh 2 năm rưỡi tù và bà Quỳnh 2 năm tù cùng vì “gây rối trật tự công cộng.”


Bà Bùi Thị Minh Hằng trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội (Hình: Dân Làm Báo)

Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền (HRW) nhận định, Việt Nam sử dụng những chứng cứ ngụy tạo để truy tố giới bày tỏ chính kiến và kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà Hằng cũng như những người đang bị giam giữ vì tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị bắt vào ngày 11 tháng 2 khi họ cùng một số cựu tù chính trị, một số nhân vật tranh đấu cho tự do, dân chủ và tu sĩ, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy đến Lấp Vò, Ðồng Tháp thăm vợ ông Nguyễn Bắc Truyển, cựu tù chính trị, lúc đó vừa trở thành nạn nhân của một vụ bạo hành do công an thực hiện (khám xét tư gia, đập phá tài sản, vô cớ thẩm vấn, hăm dọa) thăm, an ủi vị hôn thê của ông Truyển.

Công an Việt Nam đã chặn họ lại giữa đường, đánh đập rồi tạm giữ 21 người. Sau đó phóng thích 18 người, khởi tố và tạm giam bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

Bà Hằng là người có mặt trong nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, phản kháng đàn áp, đòi dân chủ, nhân quyền ở nhiều nơi. Trong các cuộc biểu tình đó, bà Hằng nổi lên như một nhân vật chưa bao giờ ngần ngại khi đối đầu với công an Việt Nam.

Tháng 11 năm 2011, bà Hằng từng bị công an Bà Rịa-Vũng Tàu bắt, áp giải ra Hà Nội để thi hành quyết định “cưỡng bức giáo dục” trong hai năm vì “gây rối trật tự công cộng.”

Quyết định này của chính quyền thành phố Hà Nội đã bị dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam chỉ trích kịch liệt.

Cuối tháng 4 năm 2012, sau năm tháng được “giáo dục” ở “Cơ sở giáo dục Thanh Hà,” tọa lạc tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hằng được phóng thích sớm, giao cho “địa phương và gia đình giáo dục tiếp” song bà Hằng tham gia các hoạt động phản kháng tích cực và quyết liệt hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Minh một trong hai người cùng bị bắt, bị phạt tù như bà Hằng là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, ngụ ở An Giang, có cha vợ và em vợ hiện là tù nhân vì hoạt động tôn giáo. Còn bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh cũng là một người thường xuyên tham gia vào các hoạt động phản kháng công khai.

Trước và trong ngày 28 tháng 6, ngày diễn ra vụ xử vừa kể, công an đã bao vây tư gia nhiều thân hữu của bà Hằng ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, ngăn cản họ đổ về Ðồng Tháp, phản đối phiên xử bà Hằng, ông Minh và bà Quỳnh.

Theo tường thuật của một số người trên các blog, các trang facebook và diễn đàn điện tử, công an Việt Nam đã tạm giữ vài chục người. Có hàng chục người bị đánh đập, tin mới nhất cho biết, trong số này có bà Nguyễn Ngọc Lụa, bị “đánh đổ máu, ngất và phải đưa đi cấp cứu.” (G.Ð)

08-26- 2014 3:16:06 PM

Phản ứng của một số Blogger Việt Nam sau phiên xử người yêu nước ngày 26/8/2014


CTV Danlambao - “Những bản án táng tận lương tâm như thế này là nguyên nhân đẩy xã hội đến chỗ mất lương tri và vòng xoáy bạo lực. Kêu gọi lương tri và nhân tính của chính quyền như tiếng nói thều thào vào tai kẻ điếc... Nếu họ muốn ổn định xã hội bằng bạo lực thì sẽ đến lúc bạo lực không những phá tan sự ổn định họ mong muốn, mà còn kết liễu số phận của họ... Nhân dân đang kết thành một khối căm hờn - đó chính điều các nhà cách mạng vô sản trước đây đã lợi dụng để làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ cũ. Giờ ngày ấy không xa nữa đâu...” - Nhà văn Thùy Linh.

*

Với bản án 7,5 năm rưỡi tù giam dành cho 3 người yêu nước, trong đó chị Bùi Thị Minh Hằng: 3 năm tù giam; Nguyễn Văn Minh: 2,5 năm tù giam, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh: 2 năm tù giam, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nguyên hình là nhà cầm quyền lưu manh, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để bịt miệng những người yêu nước. Phiên xử ngày hôm nay đã nói lên điều này.

Trong phiên tòa xử người yêu nước, phía bên trong tòa án, nhà cầm quyền cộng sản bất chấp mọi thủ đoạn để tạo ra bản án oan sai, bất công; phía bên ngoài có gần 100 người yêu nước bị lực lượng côn an bắt và giam giữ phi pháp khi họ tới tham dự phiên tòa được gọi là “công khai”. Một trong những nạn nhân là cô Nguyễn Ngọc Lụa, con của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lía, đã bị một tên côn an đánh ngất xỉu. Bên cạnh Nguyễn Ngọc Lụa còn rất nhiều người yêu nước khác có thể cũng nằm trong tình trạng tương tự mà chúng ta chưa liên lạc được với họ.

Trước sự giam giữ tùy tiện, tạo dựng vụ án “gây rối trật tự công cộng” và bản án 7,5 năm tù giam dành cho 3 người yêu nước, CTV Danlambao có cuộc trao đổi với một số blogger Việt Nam trên khắp mọi miền về phản ứng của họ sau phiên xử.

Từ Hà Nội, nhà văn Thùy Linh nói về bản án:

“Những bản án táng tận lương tâm như thế này là nguyên nhân đẩy xã hội đến chỗ mất lương tri và vòng xoáy bạo lực. Kêu gọi lương tri và nhân tính của chính quyền như tiếng nói thều thào vào tai kẻ điếc... Nếu họ muốn ổn định xã hội bằng bạo lực thì sẽ đến lúc bạo lực không những phá tan sự ổn định họ mong muốn, mà còn kết liễu số phận của họ... Nhân dân đang kết thành một khối căm hờn - đó chính điều các nhà cách mạng vô sản trước đây đã lợi dụng để làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ cũ. Giờ ngày ấy không xa nữa đâu...”

Từ Hải Phòng, blogger Phạm Thanh Nghiên, một tù nhân đang chịu án quản chế, nhận xét:

“Từ sáng, tôi cũng có dịp chia sẻ trên một diễn đàn rằng tôi không mấy hy vọng chị Bùi Thị Minh Hằng anh Nguyễn Văn Minh, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh sẽ được phóng thích tại tòa bằng một bản án tương ứng với thời hạn tạm giam như một số người đã dự đoán. Tuy nhiên, năm tù dành cho 3 nhà hoạt động nhân quyền này dưới một tội danh được ngụy tạo là “Gây rối trật tự công cộng”, theo điều 245 Bộ Luật HS là một điều khiến tôi khá bất ngờ. Thường thì một vụ vi phạm giao thông nếu có chăng nữa thì cũng chỉ bị nộp phạt hành chính vài trăm ngàn đồng là xong. Tất nhiên, đối với giới tranh đấu thì bất cứ điều gì thậm chí liên quan đến sinh hoạt hàng này cũng đều có thể được giàn dựng thành một tội danh nào đó theo ý muốn của nhà cầm quyền.

Nhìn không khí khủng bố bao trùm khắp ba miền mấy ngày nay trước phiên xử này đã cho thấy quyết tâm, chủ trương của nhà cầm quyền trong việc thủ tiêu các tiếng nói tự do, từ chối thậm chí diệt trừ quyền căn bản của công dân VN. Từ hôm qua đến hôm nay, số người bị bắt chỉ vì đến Đồng Tháp ủng hộ tinh thần cho ba nhà hoạt động này đã lên đến gần 90 người theo một số trang “lề dân” ghi nhận, cho thấy lực lượng gia nhập đội ngũ “đối kháng” với chính quyền đã đông hơn rất nhiều. Không như bốn năm truớc trong phiên tòa kết án tôi, không ai đến và cũng không ai có thể đến tham dự. Nhưng công an cũng phong tỏa mọi ngã đường dẫn đến tòa án. Trước đây, Mẹ tôi cũng không được đến dự phiên tòa của con gái mình.

Với những gì diễn ra trong ngày hôm nay, có thể khẳng định được ba điều. Thứ nhất, người dân đã dần dần ý thức được quyền của mình và vượt qua sự sợ hãi để mạnh dạn cất lên tiếng nói, bất chấp những hiểm nguy rủi ro thậm chí đánh đập và nhà tù đang đợi. Thứ hai, không bao giờ được phép đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ thể chế độc tài, độc đảng của CQCS cho dù họ đứng truớc bất cứ sức ép nào đi nữa. Họ chỉ buông bỏ quyền lực, ngừng gây tội ác khi không thể tiếp tục được nữa. Nói khác đi, đừng bao giờ “mủi lòng” trước một vài động thái được cho là mang ý nghĩa thay đổi của nhà cầm quyền. Thứ ba, cộng sản thực sự sợ hãi truớc sức phản kháng của người phụ nữ mang tên Bùi Thị Minh Hằng nói riêng và của chúng ta, những người đang đấu tranh chống độc tài và kiến tạo dân chủ.

Tôi nghĩ, vì chị Hằng, anh Minh, chị Quỳnh không chịu khuất phục nên mới nhận bản án nặng nề như thế. Chúng ta tự hào về họ.

Chúng ta tự hào về họ! chúng ta tự hào về những bước chân trên khắp nẻo đường đất nước đã đến với đồng tháp ngày hôm nay”.

Từ Nha Trang Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói về bản án 7,5 năm tù giam đối với 3 người yêu nước:

“Chưa cần kể đến bản án, việc bắt người và giam giữ cả ba người trên trong điều kiện đối xử khắc nghiệt như không cho gia đình thăm gặp, ngụy tạo bằng chứng là chị Bùi Hằng từ chối luật sư trước đó cho thấy rõ, nhà cầm quyền Việt Nam không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để đàn áp những người mạnh mẽ chống Trung Cộng.

Cùng với sự bắt giữ, đàn áp cả trăm người muốn đến tham dự phiên tòa công khai hôm nay cho thấy Việt Nam bất chấp các quy định của pháp luật do mình đề ra để đạt được mục đích là làm hài lòng “láng giềng”.

Tôi cho rằng, bản án quá nặng nề với tội danh phi lý cho chị Bùi Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và chị Thúy Quỳnh một lần nữa nhắc chúng ta nhớ rằng, cần phải nỗ lực và dấn thân hơn để chấm dứt tình trạng đàn áp, bắt giữ người bất đồng chính kiến tùy tiện như hiện nay.”

Từ Daklak, blogger Gió Lang Thang - Trịnh Anh Tuấn khẳng định:

“Phiên tòa vừa rồi là một minh chứng cụ thể nhất về chế độ cộng sản. Đó là sự dối trá, hèn hạ và tàn bạo. Sự dối trá thể hiện qua việc dàn dựng một vụ án hết sức vô lý, thể hiện trình độ ngu dốt và bản chất bất lương. Sự hèn hạ qua việc xử án một cách lén lút, không cho bất cứ người nào mà họ không muốn vào, ngay cả người thân của bị cáo. Và sự bạo lực, thể hiện rõ ràng nhất của chế độ này khi không thể che khuất được sự xấu xa, đê hèn của mình; sẽ sử dụng bạo lực để khiến những người khác phải run sợ. Ngày hôm nay, cả trăm người bị bắt khi đến tham dự phiên tòa. Rất nhiều trong số đó bị cướp đồ đạc, hành hung từ thương nhẹ cho đến ngất xỉu, phải đi cấp cứu. Phiên tòa hôm nay, đó là bộ mặt của chế độ cộng sản.”

Từ Sài Gòn, Blogger Kim Tiến - Trịnh Kim Tiến, là con gái của ông Trịnh Xuân Tùng và từng chứng kiến phiên tòa bất công xét xử kẻ đã đánh chết cha mình, nhận định:

“Với bản án 7,5 năm cho cô Hằng, anh Minh và chị Quỳnh, tôi cho rằng là bản án quá nặng nề và bất công. Bởi lẽ, ngay từ ban đầu, khi bắt người cho đến khi tạm giam và đem ra xét xử họ đều không công khai, minh bạch. Họ bất chấp luật pháp để bắt giữ và tạm giam 3 người.

Họ tạo ra bản án, tạo ra hiện trường, tạo nhân chứng và họ kết án bằng cách ngăn chặn tất cả những nhân chứng có lợi cho 3 người trong phiên xử ngày hôm nay.

Một phiên tòa mà ngay cả con cái đương sự cũng không được tham gia xét xử, bị đàn áp ngăn chặn là một phiên tòa phi nhân.

Một bản án được dựng lên với lập luận ‘2 xe đi hàng 3...’ cũng đủ để thấy họ coi thường luật pháp và người dân.

Bản án minh chứng cho việc lạm dụng quyền lực, một tay che trời của chính quyền hiện nay. Và kết án là một sự răn đe mà họ dành cho những người dám có tiếng nói khác trong xã hội.

Đây không phải là bản án bất công đầu tiên của họ dành cho những người bất đồng chính kiến và tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều bản án tương tự nếu chúng ta chấp nhận và im lặng trước sự bất công”.

Từ Long An, cô Nguyễn Thị Kim Liên, là mẹ của hai người con đang chịu án từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, người từng chứng kiến 2 phiên tòa tương tự như vậy đối với 2 người con trai là Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy, chia sẻ:

“Tôi cho rằng phiên sơ thẩm tuyên án nặng như vậy để phiên phúc thẩm tới có thể có động thái giảm án. Nhà nước Việt Nam muốn cho mọi người biết là họ nhân đạo, giống như diễn biến ở phiên xét xử của Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Vụ án ‘gây rối trật tự công cộng’ được đưa ra xét xử hôm nay là phiên xử có nhiều người bị coi là phản động bị bắt giữ nhất. Tôi mong rằng mọi người tiếp tục ủng hộ Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh trong phiên phúc thẩm tới.”

Từ Hà Nội, blogger Lan Lê nhận định:

“Bản án này rất bất công cho thấy nhà cầm quyền lúng túng trong việc đàn áp phong trào dân chủ. Bên cạnh đó tôi quan sát cách đấu tranh của chị Bùi Hằng có ít nhiều hiệu quả cho phong trào dù còn nhỏ lẻ. Trước khi chị Hằng bị bắt cũng đã có vài anh em có khả năng dẫn dắt, nối kết cũng bị nhà cầm quyền dàn cảnh và bắt giữ. Vì lẽ này cho nên chị Bùi Hằng cũng không tránh khỏi việc bị đàn áp bằng một phiên toà như hôm nay. Khi chị Bùi Hằng, anh Minh và Thuý Quỳnh bị bắt và sát ngày ra tòa, nhiều người khắp 3 miền đều tin chị Bùi Hằng sẽ chỉ bị án treo nhưng tôi không nghĩ như vậy. Một câu kết tôi xin mượn câu của anh Điếu Cày khi con trai anh là Nguyễn Trí Dũng vào thăm đã nhắn gửi rằng: “Cuộc đấu tranh còn gian nan và trường kì”.

Và từ Australia, blogger Ngọc Nhi Nguyễn bực bội thốt lên:

“Tôi rất tức giận vì bản án quá oan sai, sau đó là nghĩ nhà cầm quyền lại đang dùng 3 người yêu nước này để trả giá với Mỹ”.

Cần nhắc lại, trước khi phiên xử diễn ra, lực lượng côn an được điều động để đeo bám và ngăn chặn những người yêu nước tới tham gia phiên xử 3 người hoạt động. Số người yêu nước bị lực lượng côn an đeo bám và ngăn chặn lên đến mấy chục người.

Với những việc làm trên, nhà cầm quyền cộng sản xứng đáng với tên gọi nhà cầm quyền lưu manh nhất trong lịch sử Việt Nam khi ra sức đàn áp những người yêu nước tới tham dự phiên tòa, và đặc biệt là việc bắt giam và tuyên án 7,5 tù giam đối với 3 người yêu nước: Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh. Rất nhiều blogger cho rằng bản án 7,5 năm là món quà của cộng sản Việt Nam “kính dâng” lên gã láng giềng gần, bởi chị Bùi Hằng là người luôn chống lại sự xâm lăng của cộng sản Trung Quốc.

Sẽ còn nhiều phiên tòa phi lý, nhiều bản án bất công dành cho những người bất đồng chính kiến được đưa ra trong tương lai nếu chúng ta tiếp tục im lặng và ngồi yên.