Wednesday, June 14, 2017

Người dân lo lắng sau quyết định khởi tố vụ Đồng Tâm

Lan Hương, phóng viên RFA 2017-06-13  
Người dân đặt chướng ngại vật trên một con đường vào xã Đồng Tâm. Ảnh chụp hôm 21/4/2017.
 photo Người dân lo lắng sau quyết định khởi tố vụ Đồng Tâm. Ảnh chụp hôm 21/4/2017.  RFA

Bất chấp cam kết của Chủ tịch?

Ngày 13/6, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, diễn ra vào tháng 4 vừa qua, bất chấp lời cam kết không truy tố hình sự dân làng của ông Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra trước đó. Quyết định này đã khiến người dân Đông Tâm và những người quan tâm đến vụ việc ở đây lo lắng, sốt ruột.
Nói với Đài RFA, một người dân xã Đồng Tâm không muốn nêu tên cho biết chị đang cảm thấy rất lo lắng khi chờ đợi kết quả thực sự của vụ khởi tố này cũng như kết quả thanh tra đất Đồng Tâm sau 45 ngày:
Đánh giá tình hình chung của dân thì ai cũng mong chờ kết quả cho dù nó có như thế nào đi nữa. Người dân ai cũng sốt ruột như nhau.
-Người dân Đồng Tâm
Đánh giá tình hình chung của dân thì ai cũng mong chờ kết quả cho dù nó có như thế nào đi nữa. Người dân ai cũng sốt ruột như nhau. Tại vì việc hiện tại chưa đến đâu cả, người ta hứa là việc của họ. Hiện tại đôi bên đang thỏa thuận. Nếu sau này hoàn toàn chứng minh là ông Chung nói mà không thực hiện thì lúc đó mới kết luận được. Trước đó ông ấy cũng hứa và báo cũng đăng như vậy.
Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đông Tâm để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng mà thực tế là do tranh chấp đất đai. Xung đột cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện. Vụ việc đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân và dẫn đến việc người dân bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động.
Vụ việc kéo dài cho đến ngày ngày 22/4 khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP. Hà Nội đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Ông Chung cam kết với người dân sẽ thanh tra khách quan khu đất đang tranh chấp trong vòng 45 ngày và hứa là sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm. Bản cam kết đề ngày 22/4, có chữ ký của ông Chung và nhiều người chứng kiến khác.
Tuy nhiên theo quyết định của công an Hà Nội vào chiều ngày 13/6, chính quyền Hà Nội đã quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm để điều tra hai tội danh: Bắt, giữ hoặc giam người trái luật theo điều 123 Bộ Luật Hình Sự và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ Luật Hình Sự.
my_duc_YQUW-620.jpg
Người dân đặt chướng ngại vật trên một con đường vào xã Đồng Tâm. Courtesy of plo.vn
Nhận xét về tình hình trên, luật sư Trần Vũ Hải, người đã trực tiếp đến gặp và trấn an người dân khi vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm cho biết hiện tại cần chờ thêm thông tin chẳng hạn như ý kiến từ phía Công an Hà Nội thì mới có thể kết luận bất cứ điều gì:
Chúng ta cũng phải đợi một chút về nội dung là họ khởi tố vấn đề gì và thứ hai là ý kiến của Công an cũng như UBND Hà Nội họ nói như thế nào. Chúng tôi là phía luật sư sẽ không làm bất cứ điều gì bất lợi cho phía người dân. Chúng tôi cũng chưa nên phê phán ông Chung – người mà chúng tôi cho rằng có thiện chí với người dân mà chúng ta phải nắm vững tình hình. Người dân có yêu cầu chúng tôi rất thận trọng trong vấn đề này, và không tìm cách đối đầu giữa người dân với chính quyền hay phê phán ông Chung.

Có thề bị phạt tù?

Theo Bộ Luật hình sự Việt Nam, tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 5 năm với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 BLHS có thể chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm nếu tội ít nghiêm trọng, nhưng đối tượng cũng có thể phải chịu đến 20 năm tù trong trường hợp tội đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng trong bản cam kết của ông Nguyễn Đức Chung có ghi rõ điều 3 là: cam kết chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Vũ Hải nói rằng cụ Kình đã cao tuổi cho nên việc bắt ông trong trường hợp tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng là sai luật:
Về vấn đề này công an họ nói họ đang điều tra xác minh. Còn người dân thì khẳng định là trái pháp luật. Bản thân ông Kình cũng là người hơn 80 tuổi rồi. Theo luật Việt Nam trong mọi trường hợp không thể bắt giữ được ông đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng.
Ngay thời điểm đó tôi đã tiên đoán rằng dân Đồng Tâm sẽ phải đương đầu với nhiều sóng gió nữa, cũng như sự tráo trở, lật lọng từ phía ông Chung Chủ tịch.
-Trịnh Bá Phương
Cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi là một trong 4 người bị Công an Hà Nội bắt hôm 15/4 vì bị cho là có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” tại Đồng Tâm.
Ngay sau khi quyết định khởi tố vụ Đồng Tâm được đăng trên các mặt báo, trên mạng xã hội, nhiều người ngay lập tức tỏ rỏ thái độ thất vọng, mất niềm tin khi ông Nguyễn Đức Chung đã thất hứa với bà con dân Đồng Tâm. Anh Trịnh Bá Phương, con trai bà Cấn Thị Thêu, một nhà tranh đấu vì đất đai cho dân oan hiện đang bị bắt giam, nói với chúng tôi rằng ngay từ thời điểm rộ tin ông Chung hứa sẽ không khởi tố bà con Đồng Tâm, anh đã nghĩ ngay rằng đây chỉ là lời hứa suông theo kế sách chuẩn bị trước của chính quyền:
Ngay thời điểm đó tôi đã tiên đoán rằng dân Đồng Tâm sẽ phải đương đầu với nhiều sóng gió nữa, cũng như sự tráo trở, lật lọng từ phía ông Chung Chủ tịch. Ông Chung cũng đã liên quan đến việc bắt bớ bố mẹ tôi và người dân Dương Nội. Cho nên lời hứa hẹn của ông này tôi cho là không có giá trị gì cả. Kế sách của họ là kéo dài thời gian để tìm ra các sơ hở của người dân Đồng Tâm.
Xin được nhắc lại, đã nhiều năm người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đưa đơn thư tố cáo các cơ quan chức năng thu hồi đất nông nghiệp của người dân để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 3, khi Công an TP Hà Nội đã ra lệnh khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm.
Vụ việc Đồng Tâm đã thu hút sự chú ý của công luận và cả quốc tế. Tại kỳ họp quốc hội thứ ba quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội, một số đại biểu quốc hội cũng đã chất vấn chính phủ về vụ việc này. Có đại biểu quốc hội nhận định rằng công an đã tấn công áp đảo bà con Đồng Tâm. Đại biểu Dương Trung Quốc, người đã trực tiếp về thôn Hoành với Chủ tịch Hà Nội thì nói rằng người dân trách sao để dân cô độc, còn bị quy là chống đối. Họ hỏi người đại diện cho họ đang ở đâu?

Ngư dân Việt đánh bắt xa bờ: Thế lưỡng nan!

RFA 2017-06-13 
Tàu cá của ngư dân Việt Nam.
  Tàu cá của ngư dân Việt Nam.  RFA photo
Thực trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ bị nước ngoài bắt giữ, hủy tàu ngày càng tăng. Phóng viên RFA ghi nhận thực thế tại một làng chài ven biển thuộc tỉnh Bà Rịa, nơi có năm tàu cá bị bắt giữ trong tháng 5.
Chính phủ Hà Nội vào sáng ngày 30 tháng 5 họp đánh giá tình hình thực hiện những chỉ thị về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.
Theo nhận định được đưa ra tại cuộc họp do phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và một số địa phương ven biển trong nước, thì tình trạng ngư dân Việt Nam đưa tàu đi khai thác trái phép ở những vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài gia tăng.
Nguyên nhân được Hà Nội nêu ra là vì lợi ích kinh tế, nhận thức của người dân chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ tàu chưa nghiêm, công tác quản lý Nhà nước chưa đồng bộ, các cấp chính quyền cơ sở vào cuộc chưa thật sự kiên quyết, chế tài xử phạt chưa nghiêm.
Truyền thông trong nước cũng loan tin về tình trạng ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia và bị bắt giữ thời gian qua có xu hướng tăng mạnh.
Từ đầu năm đến nay đã có 42 tàu với 392 ngư dân bị bắt giữ, trong đó riêng trong tháng 3, số tàu vi phạm và bị bắt đã tăng đột biến lên con số 35 tàu với 330 ngư dân.
Mỗi chiếc tàu, trung bình có giá tầm 6 đến 7 tỷ đồng, nếu bị bắt thì có nguy cơ bị phá hủy. Vậy tại sao ngư dân cứ liều mình đánh bắt ở vùng biển nước bạn?
So mấy năm trước năm nay ít hơn nhiều. Mình đi đánh bắt ở cảng biển Việt Nam này nó không có, nó kiệt quệ hết. Chỉ có qua Indo thôi mà qua Indo người ta bắt. Hợp đồng người ta không cho, mà cứ qua đánh ở biên á. Ghe cộ người ta cứ bắt dần dần  Mình đánh ở biển VN toàn cá ‘heo’ không à, cá xấu lắm Cá mắm càng ngày càng ít. Đi mấy tháng ngoài biển mà cứ gửi vô được ít, mà cá heo không à. Hồi trước tụi cô làm là nhiều lắm, làm ngày làm đêm. Cá giờ không còn.
Đánh ở VN không còn cá phong phú nữa. Cho nên lượng cá, ví dụ như cá hồi xưa là cá mười mấy hai chục ngàn, nó nhiều, hôm nay con cá còn chừng mình bán 5 ngàn.
Người dân ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa bao đời nay làm nghề biển là chính. Nhưng thực trạng hải sản kiệt quệ, người dân biết làm gì? Trong khi đó mỗi chuyến đi biển dài ngày cần chuẩn bị rất nhiều thứ, vì vậy số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Nếu như tay trắng trở về thì lỗ. Chị Hồng cho biết tình hình:
Nói chung thì con cá phong phú, cá có giá nó không còn nữa. Nó rất là ít. Còn lượng cá rẻ tiền thì nhiều, nó vẫn còn…  thì làm sao mà ra tiền, trong khi đó tổn phí rất là cao. Tổn phí nó đi tới mấy trăm triệu lận. Tổn phí bây giờ cũng tầm giá 700 triệu, mà chuyện biển có thể vô với giá có 500. Vậy làm sao mà ra tiền?
Lỗ thì ghe cứ phải đi, cứ phải hoạt động chứ bây giờ nếu mình neo ghe ở nhà thì cũng tiêu. Ghe hư hao, rồi bạn bè không có tiền nó xài.
Nói chung nếu cá mà hạ nữa chắc buộc ghe đậu bờ. Mỗi ngày nó mỗi lỗ chuyến như vậy làm sao mình làm nổi. Đầu năm tới giờ mỗi ghe lỗ cũng phải 100-200 triệu.
Cả gia đình dựa vào nghề đánh bắt cá, biết làm gì khác? Trong khi đó, cơ quan chức năng Việt Nam không đi sâu sát tìm hiểu tình hình, các quan chức chỉ biết đăng đàn kêu gọi ngăn chặn người dân vi phạm.
Họ qua giáp ranh đó họ đánh kiếm ít cá về kiếm tiền dầu…mà cứ hé qua Indo người ta bắt. Trước người ta cho chuộc chứ giờ người ta bắt là mất luôn.
Dân ngư phủ đi làm thì đâu có biết được, cứ ra ngoài biển rộng mênh mông cứ làm tới chừng đụng chuyện tới nước ngoài nó bắt mới biết thôi.
Nó vô tới biển mình 3 chục lý nó bắt luôn, có mấy đôi bây giờ lên báo rồi đó. Tình trạng đó có cuối cùng có làm gì đâu. Hổm nay hải quân nước mình không ra,nhưng mà nước ngoài tàu hải quân nó ra giữa hai bên ẩu đả cuối cùng có làm được gì đâu.
Ông Trần Minh Cừ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng gia tăng này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan ở trong nước để phổ biến, tuyên truyền các thông tin cảnh báo, kiến nghị đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng.

Liệu quân đội có chấm dứt hoạt động kinh tế sau vụ sân golf TSN?

Kính Hòa, phóng viên RFA 2017-06-14  
Cổng vào sân golf Tân Sơn Nhất.
Cổng vào sân golf Tân Sơn Nhất.  Courtesy Thanh Niên
Ngày 11 tháng sáu, hơn 40 nhân sĩ trí thức thuộc các nhóm xã hội dân sự gửi thư ngỏ lên Thủ tướng, bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến trong quốc hội muốn thu hồi diện tích đất sân golf trả về cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải, và bày tỏ sự phẫn nộ đối với điều mà họ gọi là sự tham lam của một số thế lực trong quân đội.
Hôm 12 tháng sáu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố quyết định sẽ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, điều đó có nghĩa là có thể sân golf 157 ha nằm phía bắc sân bay đang do quân đội quản lý sẽ được thu hồi để làm đường băng.

Hy vọng và nghi ngờ

Sau quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một cựu ủy viên trung ương đảng không muốn nêu danh tánh nói với đài Á Châu Tự Do rằng sau vụ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có những nghiên cứu từ đảng và nhà nước Việt Nam về việc tách quân đội ra khỏi những hoạt động thương mại:
“Tôi hy vọng là sau việc này sẽ có chủ trương nghiên cứu về vấn đề đó. Hướng lâu dài tôi cũng tin là sẽ giảm cái việc kinh doanh làm kinh tế của quân đội. Rồi đến lúc quân đội sẽ không làm nữa. Nhưng mà cái đó không thể giải quyết nhanh gọn, sau cái này thì ổn thỏa việc kia đâu. Cái đó nó cũng phải có quá trình.”
Hướng lâu dài tôi cũng tin là sẽ giảm cái việc kinh doanh làm kinh tế của quân đội. Rồi đến lúc quân đội sẽ không làm nữa.
-Một cựu ủy viên trung ương đảng
Những người trong nhóm các nhân sĩ trí thức gửi thư đến Thủ tướng mà chúng tôi tiếp xúc được đều nói là họ phấn khởi vì áp lực công luận đã thắng.
Tuy vậy ông Kha Lương Ngãi, một trong những người ký thư ngỏ, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, không hoàn toàn tin rằng sau vụ sân bay Tân Sơn Nhất, chuyện chuyển quân đội ra khỏi việc kinh doanh thương mại sẽ thành công:
“Chừng nào đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam chấp nhận đổi mới thể chế, thì mới hy vọng việc họ thay đổi là quân đội với công an không làm kinh tế nữa là tin tưởng được. Chứ còn bây giờ họ đành chấp nhận trước tình thế dư luận phản đối mạnh mẽ quá thì họ đành lùi một bước vậy thôi. Chứ không biết là họ có thật lòng trả lại sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất hay không, cái đó cũng chưa chắc.”
Việc đổi mới thể chế mà ông Ngãi đề cập là việc chuyển hệ thống chính trị Việt Nam sang đa đảng, trong đó quân đội không phải thề trung thành với đảng cầm quyền như hiện nay. Ông Kha Lương Ngãi cùng nhiều nhân sĩ, trí thức khác đã ký một kiến nghị về việc này, gửi đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam vào năm 2013. Tuy nhiên kiến nghị đó đã không được chấp nhận.
Ông Ngãi nghi ngờ rằng việc nghiên cứu có tư vấn nước ngoài trong quyết định của Thủ tướng về việc xây thêm đường băng sân bay chỉ là kế hoãn binh của quân đội, vì theo lời ông chỉ cần quyết định thu hồi hay không thu hồi số đất đang làm sân golf mà thôi.
Quyết định của Thủ tướng cũng không nói rõ là sẽ xây đường băng ở phía bắc, nơi có 157 ha sân golf, hay là ở phía nam, nơi quân đội đã trao lại hơn 20 ha đất làm nhà đỗ máy bay.
Thiếu tướng Lâm Quang Đại, phó chính ủy quân chủng phòng không không quân đang quản lý đất của sân bay Tân Sơn Nhất, trả lời báo mạng Dân Trí trong nước vào ngày 12 tháng sáu rằng nếu có nhu cầu quốc phòng phát sinh thì sẽ thu hồi phần đất rộng 157 ha ở phía bắc sân bay, hiện là đất ông cho là nhàn rỗi đang được dùng để làm sân golf.
Báo Dân Trí và Thiếu tướng Lâm Quang Đại không làm rõ là nếu làm thêm một đường băng sân bay thứ ba thì đó có phải là một nhu cầu quốc phòng hay không.

Quân đội, một thế lực kinh tế hùng mạnh

Việc quân đội Việt Nam có các đơn vị làm ăn thương mại lớn, cũng như có một quỹ đất lớn để kinh doanh đã được nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước nói đến từ lâu, với nhiều quan ngại. Ví dụ như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự sống ở Hà Nội nói với chúng tôi:
“Nguy cơ tham nhũng khủng khiếp ở trong hoạt động của quân đội là luôn xảy ra. Giờ lại lẫn lộn giữa hoạt động quân sự và hoạt động kinh tế, thì đó là sự lạm dụng. Trong những chuyện như thế họ có thể vin đủ thứ để không ai dám đụng đến. Vì là quân đội nên tòa bên ngoài không dám đụng đến thì xác suất, khả năng tham nhũng càng nhiều hơn. Ở đấy hầu như không có sự minh bạch vì họ vin vào đó là lĩnh vực quân sự.”
000_Hkg9758498.jpg
Một cửa hàng Viettel ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO
Tuy nhiên, ông Carl Thayer từ học viện quốc phòng Úc, người đã có nhiều nghiên cứu về quân đội Việt Nam nói với đài Á châu tự do rằng việc kinh doanh của quân đội là rất phức tạp vì họ nuôi sống binh sĩ và gia đình của các binh sĩ của quân đội Việt Nam.
Trong một nỗ lực tách rời hoạt động chuyên ngiệp của quân đội ra khỏi hoạt động kinh tế, vào năm 2007, đảng cộng sản Việt Nam ra nghị quyết trung ương số 4 nói rằng quân đội chỉ có quyền được nắm những công ty có liên quan đến an ninh quốc phòng mà thôi.
Ngay sau nghị quyết này ra đời, nguyên Tổng Bí thư đảng là ông Lê Khả Phiêu có trả lời báo chí Việt Nam rằng cần phải chuyển các đơn vị kinh tế của quân đội sang cho nhà nước quản lý, và việc này theo ông sẽ tạo điều kiện cạnh tranh công bằng của các đơn vị kinh tế không phải quân đội, và quân đội sẽ chuyên tâm vào nhiệm vụ bảo vệ đất nước của mình.
Theo ông Lê Khả Phiêu, những chuyển biến đó phải được thực hiện trong năm 2007.
Tuy nhiên theo sách trắng của bộ quốc phòng Việt Nam năm 2009, thì quân đội Việt Nam cũng có được nhiệm vụ làm kinh tế.
Theo nhận xét của ông Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, thì từ khi có nghị quyết trung ương số 4 đến nay, hoạt động kinh tế của các công ty của quân đội ngày càng mạnh hơn:
Từ nghị quyết trung ương bốn khóa 11, đã có việc cấm không cho quân đội làm kinh tế. Tôi nhớ như thế. Đã có nghị quyết rồi, nhưng nghị quyết đó cứ bị chìm chìm đi, và quân đội cứ tiếp tục làm kinh tế.
-Kha Lương Ngãi
“Từ nghị quyết trung ương bốn khóa 11, đã có việc cấm không cho quân đội làm kinh tế. Tôi nhớ như thế. Đã có nghị quyết rồi, nhưng nghị quyết đó cứ bị chìm chìm đi, và quân đội cứ tiếp tục làm kinh tế, càng mạnh bạo hơn, lợi dụng chuyện làm kinh tế chiếm đất đai của người dân nhiều hơn.”
Một trong những công ty quân đội làm kinh tế rất hùng mạnh là công ty viễn thông Viettel, cung cấp dịch vụ internet và điện thoại di động rất lớn ở Việt Nam.
Vào tháng tư năm nay, tại xã Đồng Tâm ngoại thành Hà Nội đã bùng nổ một vụ nông dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động cùng với một số quan chức chính quyền để phản đối việc họ cho là quân đội lấy đất canh tác của họ giao cho công ty Viettel kinh doanh.
Giải thích nguyên do của việc không thực hiện được nghị quyết trung ương số 4 khóa 11, ông Kha Lương Ngãi nói:
“Lợi ích nhóm của phe phái quân đội quá mạnh. Trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Có một bộ phận phải dựa, phải lôi kéo, một lực lượng với số phiếu rất là đông của quân đội về phía mình cho nên họ không cương quyết thực hiện chủ trương cấm quân đội làm kinh tế. Họ vẫn để cho quân đội thực hiện hoạt động theo lợi ích nhóm của cánh quân đội. Dĩ nhiên là cánh quân đội cũng có cánh trong nội bộ đảng cầm quyền, nhà nước cầm quyền, trong đó họ vì lợi ích nhóm lợi ích phe phái của họ, họ kết với nhau nên cái chủ trương cấm quân đội làm kinh tế không thực hiện được.”
Nhận xét này của ông Kha Lương Ngãi cũng đồng nhất với ý kiến của ông Carl Thayer rằng quân đội hiện đang nắm một số phiếu rất quan trọng trong các cơ quan quyền lực cao của Việt Nam là Bộ chính trị và Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.

An ninh lương thực tại Việt Nam được đảm bảo?

Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-06-14 
Cánh đồng hạn hán tại Sóc Trăng, hôm 2/3/2016 (Ảnh minh họa).
Cánh đồng hạn hán tại Sóc Trăng, hôm 2/3/2016 (Ảnh minh họa).
Dư luận lo ngại về tình hình an ninh lương thực tại Việt Nam có được đảm bảo khi các ngành nông lâm thủy hải sản của quốc gia này đang đối mặt với những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và thảm họa môi trường biển bởi Formosa gây nên.

Hậu quả bởi thiên tai lẫn nhân tai

Đợt hạn hán xảy ra ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hồi năm 2016, được xem là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ước tính có khoảng 160 ngàn héc-ta lúa bị thiệt hại và xấp xỉ 800 ngàn tấn lúa bị mất trắng trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử.
Tại Tây Nguyên, lượng nước của các ao hồ, công trình thủy lợi bị khô cạn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngành nông nghiệp ở khu vực này trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, hai đợt lũ cuối tháng 11 và trung tuần tháng 12 năm 2016 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gây ra thiệt hại khoảng 2.600 tỷ đồng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ước tính hơn 18 ngàn tỷ đồng.
Việc nhiễm mặn, nguồn nước giảm sút và biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam.
- TS Lê Đăng Doanh
Mới đây nhất, báo cáo của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho thấy giá trị sản xuất thủy sản của Việt Nam trong năm 2016 giảm gần 2% so với mức trung bình của giai đoạn 2013 đến 2016. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại buổi chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV rằng trữ lượng nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011-2015 so với giai đoạn 2000-2005 giảm khoảng 14%, trong đó nhóm hải sản tầng đáy giảm 42%. Ông Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và thảm họa môi trường biển ở bốn tỉnh Bắc miền Trung bởi Formosa gây nên.
Trong bối cảnh các ngành nông lâm thủy hải sản của Việt Nam đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do thiên tai lẫn nhân tai, chúng tôi nêu vấn đề về an ninh lương thực tại Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, và được ông cho biết:
“Việc nhiễm mặn, nguồn nước giảm sút và biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam. Riêng về an ninh lương thực thì tôi nghĩ trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ còn có thể được duy trì. Nhưng trong tương lai lâu dài với mức độ gia tăng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn thì có lẽ Việt Nam sẽ phải tính toán các biện pháp thích hợp để bảo đảm an ninh lương thực.”

Làm gì để an toàn lương thực?

Các biện pháp thích hợp mà Chính phủ Hà Nội cần cân nhắc để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia là chú trọng đến nông nghiệp, một lợi thế mạnh của Việt Nam, trong đó lúa gạo là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, theo như nhận định của Tiến sĩ Dương Văn Ni, một nhà khoa học thuộc Đại học Cần Thơ:
000_P064Y
Các nông dân đang phơi lúa tại khu vực ngoại thành Hà Nội, hôm 26/5/2017 (Ảnh minh họa). AFP
“Đối với nhà nước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực được xem là quan trọng số một. Do đó, khi bàn về kế hoạch sử dụng đất bao giờ an ninh lương thực cũng được đưa lên tiêu chí hàng đầu. Đó là lý do để Nhà nước phải giữ một diện tích trồng lúa nhất định. Mỗi khi xảy ra sự cố liên quan tới cây lúa thì Nhà nước luôn luôn có những chính sách can thiệp.”
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phương thức canh tác truyền thống của Việt Nam là một thách thức không nhỏ đối với chính sách cải tạo nông nghiệp trong thời gian tới. Bà Phạm Chi Lan phân tích:
Bây giờ với điều kiện biến đổi khí hậu cộng với việc tác động của con sông Mekong chảy từ Trung Quốc, qua Trung Quốc qua Lào, họ làm quá nhiều đập thủy điện, các nước đầu nguồn sử dụng nguồn nước và làm ảnh hưởng tới phía dưới, cũng như là các vấn nạn ở Việt Nam như phá rừng khá nhiều ở Tây nguyên, nó ảnh hưởng tới các vùng phía dưới như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó thể hiện rất rõ. Lúc này tôi cho là phải xem xét lại toàn diện cách thức làm nông nghiệp ở Việt Nam nhất và vùng đồng bằng sông Cửu Long.”
Là người người trực tiếp tham gia biên soạn Báo cáo Việt Nam 2035, công trình hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và chính phủ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho biết trong báo cáo nêu rõ Việt Nam cần phát triển nông nghiệp theo cách hiện đại hóa và thương mại hóa tổ chức sản xuất nông nghiệp. Điều này hàm ý Chính phủ cần thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp truyền thống và thương mại hóa phải dựa trên yêu cầu và các tiêu chí thị trường để quyết định hướng sản xuất. Bà Phạm Chi Lan khẳng định quá trình chuyển đổi cần có thời gian nghiên cứu.
Vấn nạn ở Việt Nam như phá rừng khá nhiều ở Tây nguyên, nó ảnh hưởng tới các vùng phía dưới như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó thể hiện rất rõ.
- Phạm Chi Lan
Riêng trong lãnh vực nuôi trồng thủy hải sản, sau khi Công ty Hưng nghiệp Formosa xả thải có độc tố ra khu vực biển Bắc miền Trung hồi đầu tháng 4 năm 2016 cho đến nay, hiện tượng cá nuôi lồng bè bị chết xảy ra ở các tỉnh địa phương, nơi bị tác hại bởi thảm họa Formosa. Những nhà khoa học lên tiếng hậu quả của thảm họa môi trường biển miền Trung sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản của Việt Nam. Tiến Sỹ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, đã khẳng định với RFA nguồn tài nguyên biển phải mất hàng chục năm mới hồi phục:
“Những sự cố sinh thái này thông thường giống như chén nước mình đã đổ ra đất rồi, không lấy lại được. Nhưng vì thiên nhiên có cơ chế tái phục hồi, nhưng đòi hỏi thời gian lâu. Vùng biển Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi, nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tỏ ra lạc quan khi ông cho rằng Việt Nam có thể biến nguy thành cơ một cách sáng tạo trong điều kiện bất lợi hiện tại để vẫn duy trì sản lượng thủy sản và an ninh lương thực không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề phải thực thi rốt ráo những phương kế mà giới khoa học, chuyên gia đề ra cũng như tiến hành cải cách sâu rộng từ thể chế đến quản trị.

Phật Giáo Hòa Hảo không được mừng ngày khai đạo vì ‘không ủng hộ đảng’

Một trong các chốt chặn tu sĩ, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy vào Quang Minh Tự. (Hình: Facebook Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy)
AN GIANG (NV) – Ngày 18 Tháng Năm âm lịch là ngày tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo mừng Ðức Huỳnh Giáo chủ khai đạo. Ở Việt Nam, tu sĩ và tín đồ không ủng hộ đảng, nhà nước, không được tổ chức mừng ngày này.
Theo tờ Lao Ðộng, hôm 12 Tháng Sáu, Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo đã long trọng mừng ngày Ðức Huỳnh Giáo chủ khai đạo tại An Hòa Tự, tọa lạc ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Tham dự hoạt động này có cả đại diện Ban Dân Vận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN, đại diện Ban Tôn Giáo của chính phủ Việt Nam, lẫn đại diện Bộ Công An, Bộ Tư Lệnh Quân Khu 9 và đại diện các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Ðồng Tháp… các viên chức đại diện hệ thống công quyền đồng loạt kêu gọi tu sĩ, tín đồ “xây dựng cuộc sống mới” và “phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Còn theo trang facebook Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, cũng trong ngày 12 Tháng Sáu, công an tỉnh An Giang đã điều động cả cảnh sát, an ninh, dân quân, lập bốn chốt, chặn tu sĩ, tín đồ Hòa Hảo, đổ đến Quang Minh Tự, tọa lạc tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang tham dự hoạt động kỷ niệm tương tự.
Quang Minh Tự và An Hòa Tự tọa lạc trong cùng một tỉnh, cách nhau chỉ chừng 45 cây số song cách ứng xử của hệ thống công quyền khác hẳn nhau vì trụ trì Quang Minh Tự là tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, 77 tuổi, từng bị phạt 6.5 năm tù và bị quản chế ba năm với cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Tu sĩ Liêm bị xem là “chống người thi hành công vụ” vì cương quyết bước theo Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy.
Sau Tháng Tư năm 1975, không chỉ Hòa Hảo mà Cao Ðài cũng đột nhiên tách làm hai: Một được đặt dưới sự giám sát, chỉ đạo của chính quyền Việt Nam. Một chỉ theo giáo lý truyền thống và để tiện phân biệt, các tu sĩ, tín đồ của Hòa Hảo, Cao Ðài này khẳng định họ là những tu sĩ, tín đồ của nhánh “thuần túy.” Ðể bảo vệ yếu tố “thuần túy,” tu sĩ và tín đồ của Phật Giáo Hòa Hỏa Thuần Túy và Cao Ðài Thuần Túy đã phải trả giá rất đắt. Rất nhiều người bị hành hung, bị tống giam, cơ sở thờ tự bị vây, bị đập phá, các hoạt động tôn giáo bị ngăn chặn. Riêng tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, người ta ước đoán, sau Tháng Tư năm 1975, ngoài lần bị phạt tù với mức án như vừa kể, ông bị tạm giữ khoảng 30 lần. Ðể phản đối đàn áp, có lần ông tự lóc thịt đùi, tự rạch bụng.
Theo tường thuật của báo An Giang thì năm nay, ông Nguyễn Thanh Phong, bí thư huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – nơi có rất nhiều tu sĩ, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nhắn rằng, ông “mong muốn trong thời gian tới, các tín đồ cần tiếp tục phát huy thành quả hoạt động đạo sự đã đạt được trong những năm qua, chấp hành nghiêm Luật Tín Ngưỡng-Tôn Giáo, Hiến Chương của Giáo Hội, đấu tranh phòng ngăn những biểu hiện sai lệch trong tổ chức, tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, hết lòng ủng hộ đảng và nhà nước.”
Bởi Phật Giáo Hòa Hảo hiện thời còn những tu sĩ, tín đồ như ông Võ Văn Thanh Liêm không chấp nhận đảng và nhà nước, lũng đoạn, chi phối tôn giáo của họ nên hệ thống công quyền mới lập chốt. Kể với VOA Việt ngữ về sự kiện này, tu sĩ Liêm cho biết, bốn chốt được dựng từ ngày 11 Tháng Sáu, rải đều cách Quang Minh Tự khoảng nửa cây số, chặn tất cả mọi người. Ðể vượt qua những chốt này vào Quang Minh Tự, có người bỏ hết quần áo, chỉ mặc quần đùi. Tu sĩ Liêm nhận định, năm nay, hệ thống công quyền chỉ dùng khoảng 100 người, cách đối xử của “mềm” hơn năm ngoái. Sự mềm mỏng này có thể vì năm ngoái, tu sĩ Liêm từng tự rưới xăng lên người, đòi tự thiêu nếu hệ thống công quyền không ngưng ngay việc đánh đập, bắt giữ những tu sĩ, tín đồ tới Quang Minh Tự dự lễ.
Theo một tường thuật khác của ông Nguyễn Văn Ðiền, hội trưởng Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, cũng trên facebook thì tu sĩ, tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy ở Ðồng Tháp cũng gặp cảnh tương tự. (G.Ð)

Hà Nội lật lọng, khởi tố người dân Ðồng Tâm vụ bắt nhốt công an

Ông Phạm Văn Trung, trung đoàn phó cảnh sát cơ động vái chào dân chúng xã Ðồng Tâm sau khi được thả. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội hôm 13 Tháng Sáu loan báo khởi tố người dân xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức, trong vụ bắt giữ 38 cán bộ, công an, mặc dù hồi Tháng Tư vừa qua, ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố đã viết bản cam kết là không khởi tố.
Hành động “lật lọng” này thể hiện bằng việc “Cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về 2 tội danh: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.”
Theo truyền thông Việt Nam, vụ Ðồng Tâm bùng phát vào ngày 15 Tháng Tư khi 4 người dân xã Ðồng Tâm bị công an bắt để điều tra vụ án mà họ bị cáo buộc là “gây rối trật tự công cộng” liên quan đến giải tỏa đất đai ở đồng Sênh.
Trước bất công này, nhiều người dân đã chống lại lực lượng cưỡng chế khi có cả công an vào đàn áp. Vụ việc diễn ra đỉnh điểm là người dân bắt giữ 38 cán bộ, công an giam tại trụ sở của nhà văn hóa xã.
Ðến ngày 17 Tháng Tư, người dân đã thả 15 cảnh sát cơ động và 3 người khác tự chạy thoát.
Hà Nội lật lọng, khởi tố người dân Ðồng Tâm vụ bắt nhốt công an
Ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội khi xuống gặp người dân xã Ðồng Tâm sau đó ký vào bản cam kết. (Hình: Zing)
Ngày 21 Tháng Tư người dân tiếp tục thả một giới chức là trưởng Ban Tuyên Giáo huyện Mỹ Ðức.
Một ngày sau, hôm 22 Tháng Tư, sau nhiều lần chần chừ, ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội đã về Ðồng Tâm cam kết với người dân là “Không truy cứu trách nhiệm hình sự dân Ðồng Tâm.” Sau đó, 19 cán bộ và cảnh sát cơ động còn bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành đã được thả.
Bản cam kết của ông Chung được làm dưới sự chứng kiến của hai đại biểu Quốc Hội (một là trưởng Ban Dân Nguyện, một là người đại diện cho dân chúng xã Ðồng Tâm tại Quốc Hội Việt Nam) được đọc cho toàn xã cùng nghe qua hệ thống loa phóng thanh.
Cũng theo tường thuật của báo chí Việt Nam người ta mới biết, trong số các con tin bị cầm giữ có ông Phạm Văn Trung, trung đoàn phó trung đoàn Cảnh Sát Cơ Ðộng Hà Nội.
Có hai điểm đáng ngạc nhiên là nhiều con tin vui vẻ bắt tay tạm biệt những người cầm giữ mình, và ông Phạm Văn Trung, sĩ quan có cấp bậc và chức vụ cao nhất, chắp tay vái chào dân chúng xã Ðồng Tâm.
Hà Nội lật lọng, khởi tố người dân Ðồng Tâm vụ bắt nhốt công an
Bản cam kết của ông Nguyễn Ðức Chung trong đó có điều “không khởi tố người dân Ðồng Tâm.” (Hình: Facebook)
Ngay sau vụ Ðồng Tâm kết thúc, dư luận tỏ ý nghi ngờ về giá trị pháp lý về bản cam kết của ông Nguyễn Ðức Chung khi cho rằng về nguyên tắc, ông Chung không thể thay mặt hệ thống tư pháp xác định “trách nhiệm hình sự,” nhưng người ta tin rằng, các cam kết của ông Chung không phải là quyết định cá nhân.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội CSVN, cho là cam kết của ông Chung là có căn bản pháp luật.
Ông lý luận, “Công lý là giá trị tòa án được giao nhiệm vụ bảo vệ, chứ không phải pháp luật. Với lý luận ‘Chính vì mang công lý trong tim, mà những người dân Ðồng Tâm đã phản ứng lại một cách tương thích với hành vi bắt giữ người rất tệ của những người đại diện cho chính quyền.’ Từ đó ông đặt câu hỏi, trừng trị người dân vì một sự đáp trả như vậy có đạt được công lý không?”
Vụ Ðồng Tâm gây rúng động dư luận tại Việt Nam trong nhiều ngày liền mà ngay cả giới lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN thừa nhận là “bài học lớn” như Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói là “do chính quyền không sát dân, giải quyết sai quy định pháp luật.”
Tuy nhiên, những gì thể hiện qua “quyết định khởi tố vụ án hình sự” người dân xã Ðồng Tâm, dư luận cho rằng lại một lần nữa người dân Việt Nam bị nhà cầm quyền “lừa đảo.” (KN)

Cá bớp nuôi ở Cà Mau chết hàng loạt nghi do ‘sinh vật lạ’

“Sinh vật lạ” được cho là giết chết cá bớp ở Cà Mau. (Hình: Báo Thanh Niên)
CÀ MAU (NV) – “Sinh vật lạ” dài khoảng 20 cm, to cỡ đầu đũa, màu trắng đục, mềm như cá khoai bám vào cá bớp nuôi của người dân đảo Hòn Chuối, khiến cá chết hàng loạt.
Ngày 12 Tháng Sáu, ông Nguyễn Minh Cảnh, chủ tịch thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, đã cử cán bộ phụ trách thủy sản ra đảo Hòn Chuối, để phối hợp cùng người dân xác định nguyên nhân cá bớp nuôi chết hàng loạt trong những ngày qua.
Những người nuôi cá ở đây cho biết, ngay sau khi xuất hiện “sinh vật lạ,” cá bớp bỗng dưng chết hàng loạt. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là hộ ông Huỳnh Phong Dụ, với hơn 1,000 con, trị giá hơn 1 tỷ đồng; hộ ông Kim Ngọc Tín, bị chết 265 con, mất 250 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Út, bị chết 300 con, mất trắng 280 triệu đồng…
“Theo lời người dân sống cố cựu ở Hòn Chuối, loài sinh vật lạ này sống tầng đáy của biển, dài khoảng 20 cm, to cỡ đầu đũa ăn… Không hiểu vì sao bỗng dưng chúng lại nổi dày đặc lên mặt biển lúc sáng sớm, sau đó bám vào cá nuôi, khiến cá chết hàng loạt. Ðặc biệt, con này khi chạm vào người, vùng da tiếp xúc sẽ bị bỏng,” một cán bộ biên phòng nói với báo Thanh Niên.
Hiện cá bớp nuôi ở Hòn Chuối vẫn còn chết nhưng mức độ ít hơn 2 ngày trước. Các ngành chức năng tỉnh đang tìm nguyên nhân cá chết và sự xuất hiện của những “sinh vật lạ” trên.
Hồi đầu Tháng Năm vừa qua, nghêu, sò lông, cá… ở khu vực bãi bồi ven biển Kiên Lương-Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang cũng chết hàng loạt. Song, ngành chức năng vẫn chưa thống nhất được nguyên nhân khiến hải sản bị chết. (Tr.N)

Việt Nam: Trận bão ‘phi trường – sân golf’ chưa giảm cường độ

Sân golf bên trong phi trường Tân Sơn Nhất được Bộ Quốc phòng Việt Nam tận lực bảo vệ. (Hình: Tuổi Trẻ)
VIỆT NAM (NV) – Tuy Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu “khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng số 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất” nhưng trận bão “phi trường – sân golf” trong dư luận vẫn càng lúc càng mạnh.
Báo chí và dân chúng Việt Nam tiếp tục đào xới chuyện phi trường Tân Sơn Nhất quá tải, bị nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, trong khi Bộ Quốc phòng Việt Nam cương quyết giữ 157 héc ta vốn thuộc phi trường này nhưng sau tháng 4 năm 1975 thì trở thành tài sản của Bộ Quốc phòng và đang cho Công ty Him Lam thuê làm… sân golf!
Trước đây do cương quyết không đụng đến 157 héc ta “đất quốc phòng” vừa kể, theo đề nghị của chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ trước, Quốc hội Việt Nam khóa trước đã gạt bỏ khuyến cáo của các chuyên gia, ý kiến phản đối của dân chúng, gật đầu thông qua kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành, tọa lạc tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch này tạo thêm cho Việt Nam khoản nợ lên tới 15.8 tỉ Mỹ kim.
Cũng vì vậy, bất bình âm ỉ kéo dài, tới đầu năm nay làn sóng chỉ trích chủ trương giữ sân golf trong phi trường bùng nổ vì đường ra vào Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt cứng, phi cơ bay lòng vòng chờ xuống. Chưa kể phi trường Tân Sơn Nhất bắt đầu rơi vào tình trạng cứ mưa là ngập, rồi Cục Hàng không Việt Nam loan báo, trong tương lai gần, do thiếu chỗ đậu, sau khi đưa – đón khách tại phi trường Tân Sơn Nhất, phi cơ của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải bay đến phi trường Cần Thơ chờ cho đến chuyến bay kế tiếp.
Để xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng, cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Quốc phòng loan báo giao lại 21 héc ta đất ở Tân Sơn Nhất mà bộ này đang quản lý để phía Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam có chỗ xây dựng thêm hai nhà ga công suất 10 triệu hành khách/năm, một số đường lăn và cải tạo phi đạo phía Bắc,… nhằm giải quyết các vấn nạn vốn càng ngày càng trầm trọng tại phi trường Tân Sơn Nhất. Đáng nói là 21 héc ta đất vừa kể vốn là nơi trú đóng của các đơn vị thuộc quân chủng phòng không – không quân. Những đơn vị này được điều động đi nơi khác, còn 157 héc ta đã giao cho Công ty Him Lam thì vẫn còn nguyên.
Tuần trước, sự giận dữ của công chúng Việt Nam bùng lên khi chính phủ Việt Nam báo cáo Quốc hội rằng, muốn thu hồi đất để xây dựng phi trường Long Thành thì công quỹ phải chi thêm 18,000 tỉ, khoản 5,000 tỉ như đã dự trù lúc phê duyệt kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành để thay thế phi trường Tân Sơn Nhất không đủ. Đáng chú ý là cả Quốc hội lẫn chính phủ Việt Nam không biết tìm từ đâu số tiền 18,000 tỉ đó,…
Vài ngày sau, tờ Tuổi Trẻ công bố một loạt bài liên quan đến sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất. Theo đó, sân golf không đơn thuần để cho khách ngoại quốc đến… đánh golf. “Lõi” của dự án mà Công ty Him Lam đầu tư trên 157 héc ta “thuê” của Bộ Quốc phòng là dùng “đất quốc phòng” xây khách sạn, nhà hàng, biệt thự, các khu apartment cao cấp rồi đem cho thuê với giá từ 30 Mỹ kim đến 50 Mỹ kim/mét vuông/tháng, xây hệ thống trường học đẳng cấp quốc tế với mức hàng chục triệu đồng/học sinh/tháng…
Trước sự chỉ trích càng ngày càng kịch liệt, Thủ tướng Việt Nam ra lệnh tạm dừng xây dựng tất cả các công trình tại sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất. Đại diện Bộ Quốc phòng thì tuyên bố, nếu chính phủ có lệnh thì sẽ thu hồi 157 héc ta đất và giao ngay. Tuy nhiên các cam kết vẫn chỉ là chuyện ở tương lai: “Nếu…” và “thì sẽ thu hồi”!
Không chỉ các chuyên gia và dân chúng, Đoàn Đại biểu của thành phố Sài Gòn tại Quốc hội Việt Nam cũng nhập cuộc. Đó là chính quyền thành phố này đã sẵn sàng trong việc tiếp nhận đất – mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Trên các diễn đàn điện tử, kể cả các diễn đàn của những cơ quan truyền thống thuộc chính quyền Việt Nam, nhiều người yêu cầu thành lập một cơ quan đặc biểt kiểm tra việc sử dụng quỹ đất của phi trường Tân Sơn Nhất.
Các chuyên gia tình nguyện phân tích nhận định của ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải: Không thể mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất là ngụy biện. Tuy nhiên làn sóng đó khơng đáng chú ý bằng việc Bộ Quốc phòng Việt Nam trở thành bia do cố giữ một sân golf mà “làm phiền cả nước”.
Cuối ngày 12 tháng 6, Thủ tướng Việt Nam nỗ lực “hạ hỏa” bằng tuyên bố nghiên cứu làm thêm phi đạo thứ ba tại phi trường Tân Sơn Nhất nhưng nỗ lực này không đủ để dập tắt sự phẫn nộ.
Lý do là song song với tuyên bố vừa kể, các viên chức hữu trách ở Việt Nam đã vẽ ra nhiều “khó khăn nan giải” nếu lấy đất sân golf để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Chẳng hạn muốn xây dựng phi đạo thứ ba tại phi trường Tân Sơn Nhất, phải “giải phóng – thu hồi” 1,500 héc ta đất, buộc 140,000 gia đình với khoảng 500,000 ngàn dân di dời, riêng chi phí di dời sẽ lên tới 9.1 tỉ Mỹ kim.
Các chuyên gia lại tái nhập cuộc, tờ Tiền Phong mới dẫn hàng loạt ý kiến của một số chuyên gia như ông Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học – Công nghệ – Quản lý ở Sài Gòn, ông Nguyễn Thiện Tống, cựu Giảng viên Khoa Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa Sài Gòn).
Ông Nguyễn Bách Phúc đã đưa ra hàng loạt tài liệu, số liệu để chứng minh, các cơ quan hữu trách đã xuyên tạc khuyến cáo của ICAO (Hiệp hội Hàng không Quốc tế). Theo ông Phúc, đó là bằng chứng về sự gian dối, thiếu tinh thần khoa học. Theo ông Phúc, không thể không nghi ngờ việc bóp méo sự thật nhằm bảo vệ sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất, hay thúc đẩy vay mượn để sớm xây dựng phi trường Long Thành.
Ông Nguyễn Thiện Tống, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không của Đại học Bách khoa Sài Gòn thì lưu ý, lẽ ra, không nên “giữ” những “nghiên cứu” gây ngần ngại về việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất cho đến lúc này mới vội vàng “công bố”. Tất cả các “nghiên cứu” đều cần đính kèm số liệu, dự liệu cụ thể, không thể nói suông.
Trận bão “phi trường – sân golf” chưa tan. Thái độ của dân chúng cho thấy, lần này, không ai có thể vứt bỏ các khuyến cáo, đề nghị vào thùng rác như trước. (G.Đ)