Wednesday, December 23, 2015

Chuẩn bị năm mới với nỗi buồn rất cũ

Người Đưa Tin (Danlambao) - Có dịp rời Sài Gòn đi về vùng sâu vùng xa, thật xa nơi phồn hoa náo nhiệt, đặc biệt là miền núi để thấy đời sống phụ nữ và trẻ em còn rất "hoang sơ". Được ăn no mặc lành dù chỉ một ngày với nụ cười thật hiền hòa của người dân miền núi cũng làm xao động chút tình đồng loại. Họ cũng là con người sống ngay trên dải đất hình chữ S dù đã teo tóp ít nhiều, họ không phải bộ lạc hoang dã trong rừng rậm Amazon ở tận Nam Mỹ, nhưng thật lạc lõng trong đất nước "giàu đẹp văn minh và vạn lần dân chủ" thời cộng sản trị vì. Điều mỉa mai là đến với các sắc tộc anh em cũng chẳng phải dễ dàng, dù chỉ để chia sẻ chút tình người nhân dịp giáng sinh về, nếu không có "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân". Mấy ông quan làng xã, học thì ít nhưng tuyên truyền chính sách "đảng ta là đạo đức văn minh" nghe như gái làng chơi nơi đô thị thuộc nằm lòng giá cả từng phòng trọ cho đến khách sạn hạng sang, nhìn cái miệng côn an viên xoen xoét nói cười sau khi nhận phần quà "đầu tiên" để không gây khó dễ, tự nhiên muốn làm "nha sĩ" để nhổ sạch những cái răng nhớp nhúa quanh năm chỉ biết ăn bẩn nhưng chẳng bao giờ động lòng... súc miệng.

Đã là con người, ai rồi cũng đến lúc phải "đoàn tụ với ông bà". Quan hay dân thì cũng mấy tấm ván "bốn dài hai vắn", gỗ quý hay bó chiếu thì cũng đem chôn vào lòng đất, hoặc lên giàn hỏa để tìm lại chút tro tàn. Thế mà quan chức làng xã vẫn giành phần ăn với người nghèo, vòi vĩnh cho bằng được, nếu không sẽ không cấp phép để người tử tế có quyền thương người nghèo khó. Đến anh chàng trí thức thứ thiệt hiền lành nhất trong nhóm, cũng buột miệng "Đỗ mười cộng sản". Không có sự bất nhẫn nào giống nhau, nhưng có một điểm chung với các đoàn từ thiện không muốn hợp tác với quan chức địa phương vì sợ... bị ăn chận, đó là đi giúp người mà phải lén lút như vượt biên bằng đường bộ sau 1975. Trò chuyện với người dân địa phương, đa phần họ không còn tin vào chính sách "xóa đói giảm nghèo" của cộng sản. Bởi tiền và vật phẩm khi đến tay người dân còn được 50% đã là một thành công lớn. Họ hàng quan chức làng xã tranh nhau cắn xé hàng cứu trợ của người nghèo theo mùa lũ lụt hoặc lễ tết, như bầy heo rừng kéo về vừa ăn vừa phá nát ruộng rẫy của các sắc tộc anh em. 

Sài Gòn se lạnh có thể cảm thấy dễ chịu, cũng là dịp để các đôi tình nhân dập dìu khoa sắc. Nhưng cái lạnh miền núi thì chẳng dễ chịu chút nào và nếu cộng thêm cái đói thì ai đã từng nếm trải mới cảm nhận được hết nỗi khốn khó mà đồng bào nghèo miền núi phải chịu đựng cái đói lạnh quanh năm như định mệnh khắc nghiệt của trời già. 

Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Khi còn bé học môn Đức Dục, Thầy Cô thường nhắc đến mỗi khi miền trung bị thiên tai lũ lụt, nhưng quá nửa đời người mới thấy thấm thía hai chữ đồng bào trong chế độ cộng sản như một thứ xa xỉ. Cứ nhìn cảnh dân oan màn trời chiếu đất trên khắp cả nước. Nhìn các cô gái mỗi tối tràn ra đường để đón khách làng chơi, nhìn báo chí đăng tải gái mãi dâm và tệ nạn nạo phá thai của VN thuộc hàng có "số má" trên thế giới. Có người cho rằng do hệ thống giáo dục đã không chăm sóc "rường cột nước nhà". Thật ra, hệ thống giáo dục cộng sản chăm sóc trẻ rất kỷ từ khi còn ngồi bô. Tiếc là không giáo dục các cháu tình thương đồng loại, thứ tình thương vượt khỏi họ hàng huyết thống như các tôn giáo dạy con người hướng thiện. Cộng sản dạy trẻ em chỉ có thứ tình yêu duy nhất, chỉ để dành cho bác & đảng. Cộng sản dạy trẻ em hận thù giai cấp bằng thứ chủ thuyết loài người văn minh đã xem như rác rưởi. Đó mới là nguyên nhân làm băng hoại truyền thống đạo lý ngàn đời của người VN.

Gã thời gian cà chớn mang mùa xuân đến rồi lại mang nàng Xuân đi, sau khi gieo chút niềm vui sống, nhưng chẳng bao giờ gã chịu xách theo cái đói lạnh của những mảnh đời cơ nhỡ từ thành thị cho đến miền núi xa xôi, gã luôn bỏ lại những muộn phiền cho người đời gặm nhắm bất kẻ sang hèn, chắc để nhắc nhở rằng niềm vui sướng mà người đời đang hưởng thụ chỉ là thoáng chốc nhưng đau khổ vì thiếu tình thương là cả một kiếp người. 

Sài Gòn 22.12. 2015


______________________________________

Tham khảo:

- Mùa cứu trợ Tết bắt đầu. Nhóm phóng viên tường trình từ VN. 

- Gái đứng đường và người Trung Quốc tràn lan ở Đà Nẵng. 

- Cán bộ xóa đói giảm nghèo xã ăn chặn hơn 1 tỷ của dân nghèo. 

- Gái mại dâm Việt đứng đầu ‘danh sách bán dâm quốc tế’. 

- Nạo phá thai tại Việt Nam: Cao nhất châu Á và Top 5 thế giới. 

Đảng gì? Đảng Cộng Sản, Đảng Gom Sản, hay… Đảng Lạ?

Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam (Danlambao) - Các bang hội, băng đảng giang hồ khắp nơi trên thế giới, kể cả tại Việt Nam hiện nay, tuy họ hành động bá đạo nhưng giữa các băng đảng họ tôn trọng vùng lãnh địa của nhau và sẵn sàng hy sinh bảo vệ người dân sống trong vùng họ cai quản, bảo vệ sự toàn vẹn vùng lãnh địa của họ, chống lại hành động lấn đất cướp “dân” của các băng đảng khác...

Thử nhìn lại quá trình thành hình của một đảng với số đảng viên chính thức tuy có số đảng viên lên tới 3 triệu đang thống trị cả nước Việt Nam nhưng tương tự như các băng đảng giang hồ, thực chất quyền hành sinh sát chỉ nằm trong tay một số rất nhỏ - 16 nhân vật trong tổ chức gọi là Bộ chính trị. 

Đảng cộng sản và các băng đảng giang hồ chỉ một có khác biệt duy nhất: một bên các băng đảng giang hồ họ công khai thừa nhận họ là băng đảng giang hồ không thay đổi danh xưng, còn đảng với 3 triệu đảng viên (đa số ăn theo) luôn vỗ ngực là một đảng yêu... dân, vì hạnh phúc của toàn dân. Họ luôn luôn hô hoán dân làm chủ nhưng thực sự thì toàn dân là những người nô lệ, đầy tớ. Tên tục của đảng thì thay đổi liền tù tì như chong chóng quay!

Trong suốt thời gian mấy chục năm qua, đảng này mang nhiều tục danh (tương tự như người tạo ra nó là Nguyễn Tất Thành, nguyên là đảng viên đảng cộng sản Pháp và Quốc tế cộng sản của Nga-Lenin), một người đặc biệt có nhiều tục danh Tàu, Việt rất “nổ”: yêu nước, chí minh.

Đầu tiên tên đảng là Đảng Cộng Sản Việt Nam (08/02/1930), sau đó theo lệnh Quốc tế cộng sản, tên đảng được đổi tên là Đảng Cộng Sản Đông Dương(31/10/1930). Ngày 11/11/1945 đảng này tự giải tán vì chiến lược và chiến thuật đánh lận tráo trở giữa Quốc gia với cộng sản, và để rồi tái xuất hiện dưới tên vỏ ngoài Đảng Lao Động vào tháng 02.1951. Vì hai chữ “cộng sản/Việt cộng” rất phản cảm trong dân chúng và với các tổ chức đấu tranh đòi độc lập nên hai chữ “lao động” bị họ cướp để thay cho hai chữ “cộng sản”. Sau khi hoàn thành mục tiêu nhuộm đỏ cả nước theo chủ trương toàn cầu của Quốc tế cộng sản do đảng CS Nga-Tàu lãnh đạo, năm 1976 nhóm lãnh đạo cộng sản tối cao đã khai tử danh xưng “Lao động” và trở lại bản chất độc đoán khát máu của đảng được công khai với tên gọi chính thức là “Đảng Cộng Sản”. 

Một đảng phái mà danh tánh cũng tráo trở lươn lẹo như tắc kè đổi màu thì chắc chắn không gian manh cũng gian hùng!

Thời kỳ 1954 trên cả nước và đặc biệt tại miền Bắc đại đa số là nông dân, lãnh đạo Đảng Lao Động của Việt cộng từ cao cấp đến cơ sở đa số thất học hay học lực chưa xong bậc tiểu học, chỉ một vài người học xong cấp hai (ngay cả Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh cũng chỉ học xong bậc tiểu học-cấp một). Bị nhồi sọ lòng thù hận “giai cấp”, đảng lao động (cộng sản) nhanh chóng tiêu diệt hằng trăm ngàn người làm nông cá thể bằng các chiến dịch đấu tố vô nhân đạo gọi là “Cải Cách Ruộng Đất” rập khuôn như bên Tàu dưới sự cai trị của Mao Trạch Đông. Họ đã giết chết hầu hết những người nông dân có ruộng đất canh tác cá thể, gom toàn bộ tài sản của dân chúng miền Bắc vào hồ bao của đảng. 

Thành phần trí thức không thoát. Họ bị so sánh “không bằng cục phân”, cũng bị Việt cộng tiêu diệt tận gốc rễ với chủ trương “Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ”, qua chiến dịch “Nhân Văn Giai Phẩm”, chiêu dụ số trí thức quí báo ít ỏi của đất nước còn lại tại miền Bắc lộ diện để rồi tóm gọn. 

Nhằm thay thế số người “biết việc” đã bị họ kết tội tư bản bóc lột hoặc bị thủ tiêu hoặc bi tù đày tại các vùng rừng thiêng nước độc, Việt cộng đã đào tạo qua đêm, biến những người thất học đã được nhồi nhét lòng thù hận giai cấp thành trí thức cộng sản thành nhà quản lý, nhà lãnh đạo sản xuất, chỉ làm theo lệnh từ thành phần chóp bu của đảng, mà thành phần chóp bu cũng chỉ là những tên thừa sai của cộng sản Tàu, Nga. Làm ăn kinh tế quốc gia đại sự theo lối mò mẫm đui chột “sai đâu sửa đó”!

Sau khi nhuộm đỏ miền Nam, bên (bọn) thắng cuộc, Việt cộng, lập lại những gì mà họ đã làm trong thập niên 50 tại miền Bắc-theo lệnh bác Mao Tàu cộng: đưa số người cũng thất học tại nông thôn có công giúp họ thôn tính được toàn bộ miền Nam làm các chức vụ quản lý kinh ban tế thế. Vòng xoay gom tóm tài sản mà Việt cộng áp dụng tại miền Bắc được tái xuất hiện tại miền Nam. Cơ sở sản xuất, tài sản của dân chúng miền Nam lần lượt rơi vào tay đảng, cơ sở làm ăn buôn bán của người dân bị đảng gán cho tôi tư sản mại bản, tịch thu rồi tống đi vùng kinh tế mới để... đi chết đi. 

Việt cộng trong cái tổ chức bù nhìn MTGPMN trước khi chiếm đóng toàn bộ miền Nam đại đa số là vô sản thất học. Sau khi nhuộm đỏ cả nước tóm gom toàn bộ tài sản của dân vào tay mình, họ nghiễm nhiên trở thành giai cấp hữu sản. Tài nguyên, đất đai, biển đảo của đất nước hoặc hiến dâng cho bọn quốc tế cộng sản Tàu-Nga trả ơn, trả nợ đã cung cấp vũ khí lương thực để giết hàng chục triệu người dân Việt vô tội, hoặc bán tháo bán đổ vô tôi vạ. Chỉ trong thời gian vài năm dân miền Nam trở nên xác xơ, vựa lúa của cả vùng Đông Nam Á mà phải ăn bo bo cầm hơi trong khi bọn cán bộ Việt cộng được đặc biệt vổ béo theo chế độ hưởng thụ đặc biệt.

Từ sau ngày 30/04/1975, đảng cộng sản VN tiếp tục đột biến gene từ đảng VÔ SẢN sang ĐẢNG GOM SẢN. Họ nhanh chóng trở thành giai cấp lạ: “tư bản đỏ”, không phải tài sản tạo dựng từ kinh doanh như họ ra rả tuyên truyền là “bóc lột sức lao động” mà cơ ngơi họ tậu được là từ hành động gom gọn/cướp ngày tài sản của người dân dưới họng súng AK. 

Để công khai số tài sản kếch xù tích tụ qua hành động cướp ngày trong thời gian 10 năm từ 1975, năm 1986 đảng Việt cộng lại cho ghép gene “đổi mới” vô chế độ. Ba triệu đảng viên của đảng mang danh “vô sản” lại đột biến và trở nên giàu có rất nhanh, tậu nhà cao cửa rộng và của chìm nhanh  chóng thành của nổi. Bọn gọi là đảng viện đảng cộng sản lại được cho quyền tự do kinh doanh với sự bao che bảo kê của các cơ quan cũng do chính họ nắm giữ. Các đại gia đỏ, con cháu của bọn quan chức cao cấp của đảng, nhanh chóng xuất hiện như cỏ dại sau cơn mưa. Bọn thái tử/công chúa đảng ngang nhiên bóc lột sức lao động của công nhân, giai cấp trước khi cướp được chính quyền họ nâng lên là “giai cấp tiên phong” nay trở thành “giai cấp ở đợ - oshin”. Bọn thái tử/công chúa đảng dưới bình phong công ty, tập đoàn đầu tư. Dựa vào chức vụ đảng của cha ông, chúng công khai cướp đất khai thác nông nghiệp của dân, phân lô kinh doanh địa ốc làm giàu. Dân đen khắp cả nước lại bị đột biến gene “defective” lụn bại trở thành “giai cấp dân oan”, sống lang thang tại khắp các cơ quan đảng kêu than!

Đảng gọi là đảng cộng sản Việt Nam ra đời vào thập niên 30, sau nhiều thời kỳ đột biến “gene sản”, nay có còn thực sự là “Sản” không? Chắc chắn là không. Đảng này nay thật ra có tên giống y danh xưng của bọn đồng chí anh em Tàu cộng mà người dân Việt Nam đặt cho bọn hải tặc ngoài biển Đông đang cướp biển đảo và giết hại ngư dân mình.

Đó là: ĐẢNG LẠ


Ngày 24/122015


_____________________________________

Tham khảo:

Đảng Cộng Sản Việt Nam

Vừa ăn cướp đất vừa giở trò vu khống học sinh

CTV Danlambao - Trước làn sóng hàng ngàn học sinh nghĩ học để phản đối các quan tham cộng sản cướp đất trường học để tiến hành dự án kiếm tiền "xây dựng trung tâm thương mại", ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm đã lên tiếng vu khống các học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã "nhận tiền để nghỉ học" (*)

Theo ông này thì lãnh đạo UBND huyện có nhận được thông tin học sinh nhận tiền. Tuy nhiên, ông ta đã không trình bày rõ nguồn thông tin, nhân chứng sự việc, bao nhiêu học sinh, học sinh nào đã nhận tiền cũng như những ai là kẻ trả tiền cho các em học sinh. Cũng không có cơ quan chức năng nào "vào cuộc" để điều tra, làm rõ những gì mà ông ta tuyên bố.

Được biết dự án lấy khu đất của trường và bãi giữ xe cạnh chợ Nành là do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt. Dự án này có vốn đầu tư 180 tỉ đồng nhằm xây dựng chợ và khu dịch vụ thương mại. Dự án dự trù được khởi công bởi công ty đầu tư Vĩnh Phát vào ngày 22/12, nhưng trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân và học sinh nên tạm thời bị đình hoãn.


Trả lời phóng viên báo chí, ông Hoàng Anh Tú nói: "Với tâm lý được nghỉ học và được cho tiền cộng với sự đồng thuận của chính các bậc phụ huynh nên đã xảy ra tình trạng học sinh nghỉ học hàng loạt. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện chỉ đạo các trường có học sinh nghỉ ra tận cổng để đón các cháu, đồng thời lực lượng công an huyện ngăn chặn những đối tượng đứng trước cổng trường không cho học sinh vào lớp".

Đây rõ ràng là một sự vu khống trắng trợn, nói lấy được, vì ai cũng biết rằng dưới chế độ công an trị, nếu thật sự có "những đối tượng đứng trước cổng trường không cho học sinh vào lớp" thì bây giờ hình ảnh của những đối tượng này bị còng tay, bắt giam chắc chắc đã được đăng tải khắp nơi trên báo lề đảng.

Nhân dịp nhắc đến lề đảng, qua việc đăng tin, chạy tít "Học sinh Ninh Hiệp nhận tiền để nghỉ học, phản đối xây khu thương mại?" truyền thông lề đảng tiếp tục thể hiện bản chất thiếu chuyên nghiệp hay hèn nhác trước cường quyền. Không một phóng viên nào dám đặt câu hỏi thẳng với cán bộ nhà nước, cơ quan chức năng về nguồn gốc của thông tin, mức độ tin cậy của nó và tại sao học sinh phản đối xây khu thương mại đến độ phải biểu tình phản đối, bỏ học. Họ chỉ dám bỏ thêm một dấu ? ở nhan đề bài báo.



Chú thích:


Báo Thanh Niên bị độc giả truy vấn về bài viết "Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mạị"

12/23/2015 - 17:15  


Tình hình dân phản đối lấy đất trường học làm dự án ở Ninh Hiệp (Gia Lâm Hà Nội) đang diễn ra căng thẳng. Xin xem lại bài Học sinh Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) phản đối lấy đất trường học xây chợ và nhiều bài viết khác xung quanh dự án này, được đăng ở các trang mạng và báo chí của nhà nước. Nhiều bài báo đã đưa tin rất sớm về vụ việc này ngay từ đầu năm 2014.
Ngày 23/12/2015, các cháu học sinh tràn vào làm chủ ủy ban xã Ninh Hiệp. Hiện nay, các trường ở Ninh Hiệp chỉ có từ vài phần trăm đến dưới 50% các em đến lớp.
Đa phần, thông tin về vụ việc này ở Ninh Hiệp, một số tờ báo nếu không phản đối dự án, nghiêng về phía tiểu thương thì cũng phản ánh khách quan như Dân trí, Lao động, vnexpress, phunutoday, Tin tức....
Tuy nhiên, sau sự việc học sinh tràn vào chiếm trụ sở ủy ban ngày 22/12/2015, báo Thanh niên đã cho đăng bài “Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại” ký tên “cụm tác giả" Tuệ Nguyễn - Anh Đan - Hải Long.
Bài báo đưa tin: Ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND H.Gia Lâm cho biết: “Có nhận được thông tin mỗi học sinh tham gia tập trung phản đối xây trung tâm thương mại được các đối tượng lôi kéo xúi giục cho 50.000 đồng/buổi, 100.000 đồng/ngày, cá biệt có khi là 200.000 - 300.000 đồng/ngày”.
Bài viết đã gây bức xúc trong dư luận. 
Nguyễn Thiện Nhân, Hội Nhà báo độc lập Việt nam bức xúc viết trên trang facebook của anh rằng:
“Sự đốn mạt của báo chí độc quyền nhà nước
Tờ Báo thanh niên đăng bài "Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại"
Tờ báo này căn cứ vào lời của một quan chức huyện Gia Lâm, viết trong nội dung bài: "Đại diện huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, mỗi học sinh tham gia phản đối xây trung tâm thương mại ở xã Ninh Hiệp được cho tiền từ 50.000 đồng/buổi, 100.000 đồng/ngày, thậm chí cả vài ba trăm nghìn đồng mỗi ngày."
Miệng quan trôn trẻ. Các tờ báo do nhà nước độc quyền truyền thông lại căn cứ vào lời quan chức mà không đến nơi tìm hiểu, xác minh sự việc.
Những bài báo kiểu như thế này đang làm "nhiệm vụ chính trị" để bảo vệ chế độ vốn đã thối nát, bất chấp đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay toàn bộ báo đài đều là của nhà nước, chịu sự kiểm duyệt của chính quyền, có một "bàn tay thối" nào đó khống chế và chỉ đạo những tờ báo, rất có thể là "Ban tuyên giáo".
Chúng ta cần đấu tranh cho tự do báo chí, phải có báo tư nhân thì xã hội mới phát triển được”.
Trên trang youtube Hoang An, có một clip chất vấn tác giả Tuệ Nguyễn, trong đó có đoạn đối thoại như sau:
- A lô, chị Tuệ Nguyễn phải không ạ?
- Vâng ạ
- Mình ở Ninh Hiệp, mình gọi cho chị. Con mình đi biểu tình nó không được tiền, bây giờ gặp chị hay gặp ai để lấy tiền hở chị?
- Lấy tiền gì ạ?
- Tiền biểu tình ấy.
- Lấy tiền gì hở anh?
- Chị đăng bài "Dùng tiền dụ học sinh nghỉ học phản đối xây trung tâm thương mại" phải không ạ?
- À, có một nhóm tác giả có cái cậu ở đấy cậu phản ánh cái thông tin ấy chứ tôi thì tôi không biết cái thông tin ấy.
- Ồ, Chị đứng tên bài viết mà chị lại không biết là thế nào?
- Ba người đứng tên cơ mà anh.
- Thế bây giờ ai là người đưa cái thông tin ấy?
- Sao anh lại chất vấn như thế?
- Bởi vì con tôi nó đi biểu tình về nó không có tiền.
- Tôi không biết cái việc ấy.
- Chị là báo Thanh niên, chị viết bài này mà chị nói được như vậy à?
- Tôi không biết cái thông tin ấy anh nhá
- Thế ai là người có thông tin, cung cấp thông tin bài viết ấy?
- Ai cho anh cái số của tôi mà anh chất vấn tôi?
- Tôi đang hỏi chị là người có trách nhiệm về bài viết ấy mà chị có trách nhiệm với thông tin ấy.
- Tôi bảo là bài này có 3 người đứng tên mà tôi không biết cái thông tin ấy.
- Chị có thể bị kiện bởi bài viết này chị Tuệ Nguyễn ạ
- Anh kiện đi.
- Ai là người cung cấp thông tin ấy cho chị?
- Tôi không biết thông tin ấy Tôi chỉ hỏi phòng giáo dục về cái chuyện là học sinh có đi học hay không thôi còn cái chuyện bao nhiêu tiền thế nào thì tôi không biết.
- Thế tức là chị đứng tên thôi còn chị không biết nội dung viết của chị là cái gì?
- Bây giờ anh cứ goi cho lãnh đạo báo anh hỏi…
Đoạn rã băng trên có thể sai một vài chữ vì có tiếng không rõ. Xin mời xem clip ở đây:
**********************************
Đoạn clip trên cho thấy lối làm việc "cưỡi ngựa xem hoa" của báo chí lâu nay, nghe ngóng một chiều rồi "dán ngay lên cột" (chữ của Tú Xương), coi thường độc giả và kiểu "chịu trách nhiệm tập thể" bằng cách ký tên cả cụm nhiều tác giả hoặc ghi chung là "nhóm phóng viên" như thường thấy. Việc này vẫn còn chưa tệ hại bằng tiếp tay cho những người có chức quyền, tức là kẻ mạnh mà không hề nghĩ đến số phận của những người dân thấp cổ bé họng.
Tôi không dám chắc nhóm 3 tác giả trên về Ninh Hiệp (có khi chỉ về đến cơ quan huyện Gia Lâm) có nhận được gì không nhưng cái kiểu làm báo về cơ sở, địa phương cầm tài liệu, nghe ngóng qua loa, nhận phong bì rồi viết theo ý những người có chức có quyền của báo chí xưa nay không có gì lạ.
Chuyện vu cáo cho người biểu tình nhận tiền đã có bài học. Đài phát thanh truyền hình Hà Nội (HTV) trong bản tin buổi trưa vào lúc 11h ngày 5/8/2012 cho biết là ‘quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số đối tượng đang phát trả tiền công cho những người tham gia biểu tình’.
'Bộ mặt thật cái gọi là biểu tình yêu nước đã bị lộ tẩy', phát thanh viên HTV đọc trên màn hình và hứa hẹn ‘sẽ phản ánh rõ nét’ chi tiết việc ‘biểu tình ăn tiền này’ trong bản tin thời sự buổi chiều cùng ngày vào lúc 18h30'.
Tuy nhiên bản tin sau đó Đài phát thanh truyền hình Hà Nội đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về chuyện ‘biểu tình ăn tiền’ như đã hứa hẹn trong bản tin chiều cùng ngày.
Đấy là vết nhơ của HTV, thiết nghĩ báo Thanh niên cần lấy đó làm bài học.
23/12/2015
NTT

Hà Nội: Quán karaoke 5 tầng cháy rụi trong đêm

Nguyễn Dương-Thứ Năm, 24/12/2015 - 02:09

Dân trí Một vụ cháy lớn bùng phát dữ dội tại quán Royal Karaoke, 31 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội vào đêm 23/12, rạng sáng ngày 24/12. Thông tin ban đầu cho biết ngọn lửa bắt nguồn từ ngôi nhà số 29 bên cạnh.


Lực lượng cứu hỏa phun nước lên tầng 5 quán karaoke. (Ảnh: Gia Chính)
Lực lượng cứu hỏa phun nước lên tầng 5 quán karaoke. (Ảnh: Gia Chính)

Lực lượng cứu hỏa tại hiện trường thông tin, ngọn lửa bắt đầu bùng phát lúc 12h10 đêm 23/12.

Khói vẫn đang bốc lên dữ dội từ trên tầng cao của quán karaoke.
Khói vẫn đang bốc lên dữ dội từ trên tầng cao của quán karaoke.

Thời điểm 1h40 rạng sáng ngày 24/12, ghi nhận của PV Dân trí tại hiện trường cho thấy, khói đang bốc lên nghi ngút là quán Royal Karaoke cao 5 tầng, số 31 Nguyễn Khang. Khoảng 5 xe chữa cháy đã được điều tới hiện trường.
Thông tin ban đầu cho biết, đám cháy bắt đầu bùng phát từ ngôi nhà số 29 Nguyễn Khang là một cửa hàng kinh doanh đàn ghi ta. Sau đó lửa lan sang quán karaoke số 31 bên cạnh, bùng lên rất dữ dội. Ngôi nhà số 33 cũng bị ảnh hưởng nhẹ, cháy biển quảng cáo bên ngoài nhà.
Đến khoảng 2h sáng, lửa đã được tạm khống chế tại số nhà 29 song khói vẫn bốc lên dữ dội tại quán karaoke, trên tầng 5 của quán vẫn có lửa cháy lớn. Lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa tại đây.


Thời điểm 2h sáng, cửa hàng ghi ta cơ bản đã tắt lửa, quán karaoke vẫn nghi ngút khói.
Thời điểm 2h sáng, cửa hàng ghi ta cơ bản đã tắt lửa, quán karaoke vẫn nghi ngút khói.


Khoảng 5 xe chữa cháy được điều tới hiện trường.
Khoảng 5 xe chữa cháy được điều tới hiện trường.



Lửa vẫn bốc trên tầng 5 quán karaoke.
Lửa vẫn bốc trên tầng 5 quán karaoke.

Hàng trăm người dân trong khu vực đổ ra đường, tập trung quanh hiện trường gây cảnh hỗn loạn.
Chị Như Thu Hằng, 38 tuổi, sống tại ngôi nhà số 37 hãi hùng kể: "Lúc đó tôi đang ngủ trên tầng 3, nghe thấy tiếng nổ lụp bụp. Tôi chạy xuống thấy lửa cháy ở các biển quảng cáo nhà 29 và 31. Sau đó tôi cuống cuồng quay về gọi người nhà chạy xuống...".
Một chiến sĩ cảnh sát có mặt tại hiện trường cho biết, khi xảy ra cháy, trong quán karaoke không còn khách hát. Những người có mặt trong 2 ngôi nhà cháy cũng đều may mắn thoát ra ngoài an toàn theo lối phía sau nên không có thương vong về người.
Đến 2h30, đám cháy lớn cơ bản được khống chế. Lực lượng PCCC vẫn tập trung nỗ lực dập lửa và khói ở quán karaoke.

Ngăn chặn tàu Trung Quốc tràn vào biển Việt Nam

ĐẶNG TRUNG - Thứ Năm, ngày 24/12/2015 - 02:45
(PL)- Các lực lượng sẽ phối hợp ngăn chặn tàu cá Trung Quốc tràn sang và có biện pháp bảo vệ ngư dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền.
“Các lực lượng gồm bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư đang tăng cường, phối hợp chặt chẽ và dùng nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân trên vùng biển chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, các lực lượng sẽ phối hợp ngăn chặn tàu cá Trung Quốc tràn sang và có biện pháp bảo vệ ngư dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi đề nghị ngư dân các nước phải tôn trọng, thừa nhận chủ quyền trên biển của Việt Nam”. Chiều 23-12, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, tại một hội nghị tổng kết, có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam mới đây, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết thời gian qua, hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đã vào biển Việt Nam trái phép.
Hơn 3.720 tàu cá Trung Quốc vi phạm
Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, thời gian qua tình hình trên biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc vừa tăng cường nhiều đợt diễn tập quân sự trên biển vừa duy trì lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam. Điều này gây ra áp lực đối với ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
“Trong năm 2015, số tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc kiểm soát, xua đuổi, đập phá, tịch thu tài sản và đâm chìm vẫn tăng” - đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam thông tin.
Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, lại còn cản trở việc đánh bắt hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Ảnh: Đ.TRUNG
Cụ thể, theo thống kê, trong năm 2015 số lượng tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam tăng so với năm trước. Tính từ đến tháng 11-2015 có gần 3.720 lượt/chiếc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tăng hơn năm 2014 gần 1.770 lượt/chiếc. Ngoài ra, tính đến tháng 12-2015 có 93 vụ tai nạn tàu cá trên biển, trong đó 34 hư máy thả trôi, sáu vụ đâm va, 19 vụ mắc cạn phá nước, bốn vụ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi…
Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết thời gian qua đơn vị và các lực lượng khác phải thường xuyên bám sát ngư trường để tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh về hoạt động khai thác hải sản trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cứng rắn với hành vi vô nhân đạo, bảo vệ ngư dân
Chiều 23-12, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về việc tàu cá Trung Quốc gia tăng vi phạm, ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết Hội Nghề cá Việt Nam cực lực lên án, phản đối hành động vi phạm của tàu cá Trung Quốc. “Đây là sự việc rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, các tàu cá của Trung Quốc còn vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam” - ông Trác nhấn mạnh.
Ông Trác cũng đề nghị thời gian tới, các đơn vị chức năng liên quan phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi; đồng thời không để Trung Quốc tái phạm ngày càng nghiêm trọng. Về phía ngư dân cũng cần nắm vững quy định trên biển để thực hiện cho đúng.
“Phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, tàu cá Trung Quốc không cứu ngư dân gặp nạn trên biển mà còn có các hành động làm cho ngư dân gặp nạn là hành vi vô nhân đạo. Thời gian tới cơ quan chức năng cần có sự phối hợp cụ thể hơn để bảo vệ ngư dân trước sự tấn công của tàu cá nước ngoài. Chúng ta không trả đũa việc tàu cá Trung Quốc đập phá tàu của ngư dân ta nhưng phải có các hành động cụ thể, theo luật pháp quốc tế để cương quyết xử lý nhằm bảo vệ cho ngư dân Việt Nam” - ông Trác đề nghị.
Đồng tình, ông Lưu Văn Huy nói: “Nước ta có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng để khẳng định về chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Lực lượng kiểm ngư sẽ làm hết mình để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên vùng biển”.
Hiện nay nhiều nước tăng cường tuần tra trên biển, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều tàu hải giám Trung Quốc đã tấn công một số tàu cá ngư dân Việt Nam.
Họ tấn công bằng nhiều cách như lấy ngư cụ, các trang thiết bị, lấy gần hết dầu chỉ còn để lại một ít để ngư dân vào bờ chứ không thể tiếp tục đánh bắt thủy hải sản. Họ làm bằng mọi giá, mọi cách để triệt tiêu động cơ đánh bắt của bà con trên ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Ông LƯU VĂN HUYCục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam

ĐẶNG TRUNG

Cán bộ cho người chết… bán đất

VŨ HỘI - Thứ Tư, ngày 23/12/2015 - 05:20
(PL)- Hàng loạt cán bộ xã và cán bộ chuyên trách của huyện làm sai khiến người dân khốn khổ suốt hơn 20 năm.
Bà Trần Thị Chính (ngụ ấp 2, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, Đồng Nai) trình bày: Năm 1975, gia đình bà đã khai phá khoảng 1 ha đất. Sau đó bà là người cuối cùng được ủy quyền sử dụng khu đất này.
Đất tranh chấp vẫn chứng bán và cấp giấy đỏ
Theo bà Chính, gia đình bà có cho vợ chồng ông VNH mượn 30 mđất trên thửa đất nói trên để họ mở tiệm sửa xe. Đến năm 1991 thì xảy ra tranh chấp khi vợ chồng ông H. có ý đồ lấn chiếm đất để bán lại cho nhiều người khác. Bà Chính đã báo lên UBND xã Phú Lộc (nay là xã Trà Cổ) để giải quyết, đồng thời đề nghị ngăn chặn việc chuyển nhượng đất bất hợp pháp của ông H.
Tại các buổi hòa giải của UBND xã Trà Cổ, vợ chồng ông H. khai ông H. mua đất của chị ruột bà Chính với giá 5.000 đồng nhưng giấy tờ mua bán bị thất lạc, chỉ còn tờ giấy phôtô nhưng bị chỉnh sửa. Còn gia đình bà Chính khẳng định không bán hay cho tặng đất gì cho vợ chồng ông H. mà chỉ cho mượn 30 m2 làm chòi sửa xe.
Trong các lần hòa giải, hai bên cam kết không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng không được cấp giấy chứng nhận. Thế nhưng từ năm 1994, vợ ông H. vẫn chuyển nhượng đất đang tranh chấp, được chính quyền địa phương chứng thực và UBND huyện Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ).

Gia đình bà Trần Thị Chính đã khốn đốn hơn 20 năm vì cán bộ làm sai. Ảnh: VŨ HỘI
Xác nhận cho người chết bán đất
Điều lạ là trong những hồ sơ mua bán đất giữa ông H. và người khác diễn ra ở thời điểm ông này đã chết cách đó hơn hai năm nhưng vẫn được cơ quan chức năng địa phương xác nhận. Đến nay thửa đất đang tranh chấp đã được cấp sáu giấy đỏ cho các hộ khác nhau với tổng diện tích khoảng 1.000 m2.
“Đất của gia đình tôi khai phá hợp pháp nhưng lại bị chiếm dụng rồi mua bán sang tay qua nhiều người. UBND xã không hề can thiệp mà còn tiếp tay cho việc làm sai pháp luật. Khi tôi khiếu nại thì chính quyền địa phương lại bác đơn...” - bà Chính nói.
Từ những dấu hiệu “lạ” trong việc cấp giấy đỏ cho sáu hộ dân trên phần đất mà gia đình bà Chính đang tranh chấp, Thanh tra Sở TN&MT cùng Thanh tra huyện Tân Phú đã vào cuộc xác minh. Sau một thời gian kiểm tra, cơ quan chức năng đã xác định hàng loạt sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Vì vậy UBND huyện Tân Phú đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an huyện Tân Phú để xác minh, làm rõ những sai phạm.
Cán bộ báo cáo không đúng thực tế
Kết quả xác minh cho thấy hàng loạt cán bộ xã Trà Cổ và cán bộ huyện Tân Phú có dấu hiệu vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc. Có tất cả tám lãnh đạo và cán bộ xã qua các thời kỳ đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tham mưu, xử lý vụ việc, dẫn đến khiếu kiện lòng vòng, làm mất lòng tin vào chính quyền cơ sở, gây bức xúc cho người dân.
Nghiêm trọng hơn, trong khi vụ việc đang được hòa giải, đất đang tranh chấp nhưng UBND xã Trà Cổ đã lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Tân Phú cấp giấy đỏ cho các hộ dân. Ngoài ra UBND xã đã bác đơn khiếu nại của người dân không đúng quy định.
Với Phòng TN&MT huyện Tân Phú thì có ba lãnh đạo và cán bộ được phân công đã không chủ động chỉ đạo, phối hợp, giải quyết dứt điểm. Phòng TN&MT còn tham mưu cho UBND huyện Tân Phú ban hành quyết định thu hồi đất đang tranh chấp cho UBND xã quản lý trái quy định, gây bức xúc trong dư luận; phòng này đã tham mưu UBND huyện bác đơn khiếu nại của bà Chính. Đặc biệt, khi UBND huyện Tân Phú yêu cầu báo cáo giải quyết vụ việc thì lại báo cáo “láo”, không đúng thực tế, sai lệch về tình trạng thửa đất đang tranh chấp...
Từ những sai phạm trên, UBND huyện Tân Phú yêu cầu tập thể UBND xã Trà Cổ và các cán bộ có dấu hiệu vi phạm phải kiểm điểm nghiêm túc và đề ra giải pháp khắc phục. Riêng lãnh đạo và cán bộ Phòng TN&MT phải kiểm điểm và xử lý theo quy định trước ngày 30-9-2015.
Thế nhưng cho đến nay (tháng 12-2015), chỉ đạo của UBND huyện vẫn chưa được các đơn vị thực hiện.
Thu hồi giấy đỏ cấp sai và giải quyết dứt điểm
Bước đầu tôi đã chỉ đạo ra quyết định thu hồi sáu giấy đỏ cấp sai quy định và yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại kéo dài của bà Trần Thị Chính dưới sự giám sát chặt chẽ của lãnh đạo huyện. Vì vụ việc kéo dài, trải qua nhiều thời kỳ cán bộ, công chức đảm nhiệm nên đã phát sinh thêm một số vấn đề khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Vì vậy các đơn vị này đã xin gia hạn việc kỷ luật, kiểm điểm...
Những sai phạm của các cán bộ đã làm ảnh hưởng đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Vì vậy các cán bộ phải kiểm điểm nghiêm túc và đề ra biện pháp khắc phục, không để xảy ra trường hợp tương tự.
Ông NGÔ SỸ BẢNG
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, Đồng Nai
VŨ HỘI

Xây cầu làm hư nhà, bị thu tài sản

Theo NLĐO-23/12/2015 23:09

Bức xúc trước việc nhà bị hư nhưng không được đền bù thỏa đáng, người dân đã thu giữ máy móc, thiết bị của chủ đầu tư

Cầu Bút Sơn bắc qua sông Bút trên Quốc lộ 10 (đoạn qua huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi công vào tháng 5-2014, tổng mức đầu tư hơn 243 tỉ đồng. Công trình do liên danh Công ty CP Cầu 14 (Cienco1 - thuộc Công ty CP Xây dựng Công trình và Đầu tư 120) và Công ty CP Cầu 5 Thăng Long thi công. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải, cầu được thông xe vào ngày 20-9.
Trong quá trình thi công, có gần 20 ngôi nhà ở thôn Thanh Bình, xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa (vị trí phía Bắc cầu) bị hư hỏng. Các đơn vị liên quan đã đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc đền bù không thống nhất nên đến nay vẫn còn nhiều hộ chưa nhận tiền.
Số máy móc, thiết bị của Ban Quản lý Dự án 6 bị người dân giữ nhiều tháng qua
Số máy móc, thiết bị của Ban Quản lý Dự án 6 bị người dân giữ nhiều tháng qua

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết ngôi nhà 3 tầng của bà được xây từ năm 2006, trị giá hơn 800 triệu đồng hiện đang bị hư hỏng nặng. “Từ ngày thi công cầu Bút Sơn, nhà tôi bắt đầu bị hư; sân, tường nứt, nền móng bị sụt lún, nghiêng về phía chân cầu. Vết nứt và độ nghiêng mỗi ngày một lớn trong khi đơn vị thi công chỉ đền bù 27 triệu đồng” - bà Hồng ấm ức.
Nhiều hộ dân khác cùng hoàn cảnh như bà Hồng đã thu giữ máy móc, thiết bị của nhà thầu (gồm 1 máy xúc, 1 cần cẩu và 1 xe lu). Họ dựng chòi cắt cử người trông coi và tuyên bố khi nào được đền bù thỏa đáng mới trả lại máy móc, thiết bị.
Ông Lê Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên, cho biết trong 19 hộ bị ảnh hưởng do thi công cầu, đến nay còn 4 hộ không nhận tiền đền bù. Trong 4 hộ trên thì hộ bà Hồng yêu cầu giám định lại ngôi nhà, đánh giá mức độ hư hỏng, 3 hộ còn lại đề nghị kiểm tra bổ sung. Vụ việc đã được báo cáo cơ quan chức năng của huyện.
Sáng 22-12, Ban Quản lý Dự án 6 phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI… đã đến xã Hoằng Xuyên giám định những thiệt hại của nhà người dân để có phương án giải quyết.
Theo ông Thiền Quang Thành, đại diện Ban Quản lý Dự án 6, việc đền bù thiệt hại cho các hộ dân tuân theo quy định của pháp luật. Riêng nhà bà Hồng, cơ quan giám định lần trước chưa có thiết bị hiện đại để đánh giá hết mức độ hư hỏng. Lần này, đơn vị giám định của Sở Xây dựng Thanh Hóa sẽ làm việc độc lập, có kết quả trong 1 tuần. Nếu công trình không an toàn sẽ tháo dỡ và đền bù theo khung giá của tỉnh. Cũng theo ông Thành, hiện máy móc của đơn vị bị người dân giữ nhiều tháng qua, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa giải phóng được.
Bài và ảnh: TUẤN MINH

Cảnh sát Giao thông

Theo RFA
Nếu hỏi một người dân ở Việt Nam điều gì khiến họ phiền hà nhất khi ra đường tham gia giao thông, có lẽ câu trả lời chung sẽ là khi bị Cảnh sát Giao thông thổi phạt: "Ở Việt Nam, khi mà nghe nhắc tới cảnh sát giao thông thì chỉ một từ Trời Ơi thôi. Nói chung là không hài lòng, không vui".

Côn đồ đánh dân, đánh luôn Trưởng công an xã

23/12/2015 17:27

(NLĐO)- Sau khi gây rối tại địa bàn, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ, Bình tiếp tục đánh người, sau đó đánh bị thương Trưởng công an xã.

Chiều 23.12, Công an huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết đơn vị này vừa ra quyết định tạm giữ hành chính đối với đối tượng Trần Văn Bình (40 tuổi, trú xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Tối ngày 20.12, Bình đến thôn Mốc Thượng 1 gây rối, cãi cọ và xô xát với một số người dân địa phương. Công an xã Hồng Thủy đã đến yêu cầu Bình về trụ sở để làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên Bình không chấp hành mà bỏ đi.
Đối tượng Trần Văn Bình đang bị tạm giữ tại cơ quan điều tra - ảnh Tr.Tuấn
Đối tượng Trần Văn Bình đang bị tạm giữ tại cơ quan điều tra - ảnh Tr.Tuấn
Một lát sau, Bình quay lại hiện trường rồi thản nhiên xông vào hành hung ông Nguyễn Văn Viết (63 tuổi, trú thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy). Ông Nguyễn Ánh Ngọc, Trưởng Công an xã Hồng Thủy tới can ngăn, bất ngờ Bình quay lại dùng chân, tay đấm đá túi bụi vào người ông Ngọc, khiến ông Ngọc bị thương nhập viện.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bình đã bị lực lượng công an xã Hồng Thủy bắt giữ và bàn giao cho Công an huyện Lệ Thủy xử lý theo pháp luật.
Hoàng Phúc