RFI-Trọng Thành
Ngày 24-10-2014 18:12
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.DR
Liên quan đến Châu Á, báo Libération có bài « Tập Cận Bình đóng vai ông hoàng ‘‘đại đại’’ ». Sự thay đổi đặc biệt tại quốc gia cộng sản này bắt đầu với một bài viết dài trên tờ Nhân dân Nhật báo, ngày 16/10/2014. Trong đó, cụm từ « Tập Đa đa » (Xi Ta Ta) đã được nhắc lại đến 23 lần. Theo một số nhà sử học « Đại đại » (Ta Ta) là một từ trang trọng từng được dùng để gọi các hoàng thân triều Mãn Thanh, trước khi sụp đổ năm 1911.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc từ giờ gọi lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình là « Đại đại » hay « Đức ông ». Việc sử dụng một ngôn từ phong kiến cũ để nói về ông Tập khiến nhiều nhà ly khai lo ngại, khi mà từ hơn hai năm nay, đàn áp nhắm vào những người hoạt động dân chủ gia tăng (theo một số nhà báo Trung Quốc, « Đại đại » dùng để chỉ người anh của bố, tức bác, vốn được dùng riêng trong hoàng tộc nhà Thanh tại Bắc Kinh, sau đó phổ biến ra xã hội như một cách xưng hô thể hiện sự tôn trọng, tại những vùng chịu ảnh hưởng văn hóa Bắc Kinh – ndr).
Việc sử dụng từ « Đại đại » thật ra không phải là bắt buộc, nhưng xảy ra thường xuyên. Điều này cũng giống như việc ông Tập thể hiện sự gắn bó với một loạt các thủ lĩnh và các nhà tư tưởng trong quá khứ, Libération bình luận như trên.
Báo Libération điểm lại, từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã đặt hoa tại tượng cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, hành hương về quê Khổng Tử, người mà Mao Trạch Đông rất ghét. Gần đây, Tập Cận Bình tuyên bố « tin tưởng vững chắc vào chủ nghĩa Mác-Lê ninh, tư tưởng Mao và chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc », nhưng đồng thời khẳng định không phủ nhận các giá trị văn hóa và thờ ơ với lịch sử.
Cũng như chế độ hiện hành, ông Tập Cận Bình thích trích dẫn Khổng Tử. Nói chuyện với các cán bộ đảng, Chủ tịch Trung Quốc lặp lại lời nhà triết học thời cổ đại : « Người trị vì có đạo đức giống như ngôi sao bắc đẩu bất động, mà muôn sao đều hướng về ».
Ukraina : Sự khai sinh của một dân tộc
Báo chí Pháp hôm nay chú ý nhiều đến cuộc bầu cử Quốc hội sớm tại Ukraina Chủ nhật tới. Libération có tựa trang nhất : « Ukraina, sự ra đời của một dân tộc », với nhận định người dân Ukraina hy vọng một thay đổi lớn, và chính cuộc chiến chống Nga với sự tham gia của các công dân đang tăng cường tình cảm dân tộc. Phóng sự do phóng viên gửi về từ Kiev mở đầu với những lời kể về sự tham gia của một thanh niên Ukraina.
Không đủ khả năng ra chiến trường, anh đã bán đi nhiều thứ để góp tiền gửi ra mặt trận Donbass, nơi nhiều bạn bè anh đang chiến đấu. Sau đó, nhà sử học trẻ tuổi tiếp tục nghĩ ra việc mở một trang Facebook mang tên « Người này ủng hộ người khác », để bán đấu giá đủ thứ. Tất cả số tiền thu được dược giao cho các hiệp hội mua đồ giúp chiến sĩ.
Mùa đông đang đến. Không kể tới vũ khí, binh sĩ Ukraina hoàn toàn thiếu trang bị để có thể chống chọi với giá lạnh. Hình ảnh các quân nhân mang các bộ quân phục rất khác nhau, với những chiếc tất thể thao cũ không phải là điều hiếm thấy. Theo một thành viên Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina, trước tháng 3/2014, không tồn tại cái gọi là quân đội Ukraina. Nền quốc phòng của quốc gia này chỉ thừa hưởng những gì còn lại của quân đội Liên Xô, đều ở trong trạng thái tồi tệ.
Người biên phòng Ukraina vốn là dân Pháp
Phóng sự cũng đưa độc giả đến làm quen với một sĩ quan biên phòng làm việc tại phía bắc thành phố Donetsk, hiện do phe ly khai kiểm soát. Nói tiếng Pháp thành thạo, anh cho biết đã từng sống 13 năm tại một thị trấn gần Paris, có một cuộc sống hạnh phúc tại Pháp. Nước Pháp chính là đất nước anh vô cùng yêu mến. Thế nhưng, « khi cách mạng bùng nổ », anh đã quyết định trở về nước đăng ký làm lính tình nguyện.
Quan điểm của Andriy Didenko là dân tộc Ukraina vừa ra đời, cho dù sự điều hành đất nước còn có nhiều sai lầm, nhưng cách mạng mới chỉ bắt đầu. Theo anh, mặc dù tình hình chiến sự có thể xấu đi, nhưng điều quan trọng là nếu xã hội dân sự luôn sống động như hiện nay, thì anh vẫn tiếp tục tin tưởng vào đất nước.
Giống như nhóm Facebook « Người này giúp người khác » của Edouard Andriouchenko, hàng chục, hàng trăm sáng kiến công dân khác đã xuất hiện trên khắp đất nước, để làm thay những gì mà một Nhà nước đang oặt oẹo không thể kham nổi.
Dân tộc Ukraina đã ra đời. Đó là nhận định của phần lớn « những nhà tranh đấu công dân ». Dân tộc ấy hiện đang tìm cách thoát khỏi giai tầng chính trị cũ, bị mất lòng tin vì tham nhũng và những quan hệ mờ ám.
Ukraina : Cuộc bầu cử ảm đạm
Cũng trên Libération, có bài « Phải chăng kỷ nguyên Yanukovitch chấm dứt hoàn toàn ? », với ghi nhận những người kế tục đảng Các vùng của cựu Tổng thống thân Nga, bị lật đổ hồi tháng 2, có thể sẽ hoàn toàn không xuất hiện tại Quốc hội.
Cũng về điểm nóng phía Tây Châu Âu, báo Le Figaro chạy tựa « Cuộc bầu cử Quốc hội ảm đạm tại Ukraina ». Le Figaro hướng cái nhìn về một nước Ukraina khác đang bị ám ảnh trước hết bởi những khó khăn kinh tế. Rất ít ứng cử viên hứa hẹn « Một ngày mai tươi đẹp », và cũng không ai tin tưởng vào những tuyên truyền như vậy.
Le Figaro dự báo, cho dù suy yếu hai đảng đối lập chính, hậu thân của đảng Các vùng, vẫn có khả năng giành được tới 100 ghế trong Quốc hội mới. Khó khăn khác của Liên đảng của Tổng thống Porochenko là sẽ buộc phải hợp tác với những đối tác rất khó chơi. Đảng cấp tiến dân tộc chủ nghĩa, với lãnh đạo dân túy Oleg Liachko, nổi tiếng với thái độ tàn nhẫn với phe ly khai miền Đông, tuyên bố « sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc cách mạng mới ».
Lợi dụng liên quân không kích, Damas gia tăng tấn công vùng nổi dậy
Nhìn sang Syria, điểm nóng Trung Đông, nơi đang diễn ra các trận chiến ác liệt chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Kobane được cả thế giới theo dõi hàng ngày, báo Le Monde đưa ra một cái nhìn khác « Tại Syria, trong lúc liên quân tấn công khủng bố, đàn áp vẫn tiếp tục ».
Cùng với cuộc chiến quốc tế chống lực lượng khủng bố được công luận rộng rãi biết đến, có một cuộc chiến khác diễn ra âm thầm, chiến tranh của chính quyền Bachar al-Assad nhằm vào phe nổi dậy. Đối với rất nhiều nhà đối lập, chính quyền Damas đã lợi dụng được chiến dịch nói trên, để gia tăng bạo lực. Đơn cử, trong hai ngày đầu của tuần này, liên quân không kích tổng cộng 7 lần, thì Damas đã ném bom đến hơn hai trăm lần các vùng nổi dậy.
Mục tiêu của chính quyền Syria là làm suy yếu tối đa đối lập, khiến Hoa Kỳ không thể hợp tác được với những nhóm nổi dậy, được gọi là « ôn hòa », giống như điều mà Washington đã làm với lực lượng Kurdistan ở Kobane.
Hướng tấn công chủ yếu của Damas là Alep, thành phố lớn phía bắc, mà phe nổi dậy kiểm soát một phần từ năm 2012. Theo một thành viên của Liên minh chống Tổng thống Assad, nếu liên quân quốc tế muốn dân cư theo hệ phái Sunni địa phương hỗ trợ chống lại Daesch (tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo), thì họ phải giúp các cộng đồng này đầy lùi cuộc tiến công của Damas tại Alep.
Lần đầu tiên Canada nhận ra mình có « các kẻ thù bên trong »
Cuộc tấn công khủng bố gần nhà Quốc hội quốc gia Bắc Mỹ được Libé ration quan tâm với bài « Canada bị tấn công ngay trong nội địa ». Libération ghi nhận mặc dù bị tấn công bất ngờ, nhưng thực ra Canada đã có sẵn các đơn vị chống khủng bố Hồi giáo. Hồi năm 2013, Canada từng phá được một kế hoạch tấn công chuyến tàu nối Toronto và New York. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Canada có phản ứng tương thích với mức độ của nguy cơ khủng bố ?
Trên thực tế, trước hai cuộc khủng bố tuần này, đối với đa số người Canada, đe dọa khủng bố vẫn còn là một điều gì đó không hiện hữu. Cũng có thể đặt câu hỏi một câu hỏi khác, phép lạ nào đã khiến Canada cho đến nay không bị khủng bố tấn công. Một nhà báo của tờ nhật báo Montreal đề nghị, đã đến lúc cần ít ngây thơ hơn, cần chú ý đến những người lợi dụng các diễn đàn trên mạng để có các tuyên truyền thù hận và nguy hiểm, hay cổ vũ bạo lực, cho dù chúng ta không thể phủ nhân các quyền tự do, nhân danh việc bảo đảm an ninh.
28 nước Châu Âu đạt thỏa thuận Xanh
Trở lại Châu Âu, cuộc thương thuyết về chống hâm nóng trái đất của 28 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, cũng là chủ đề được báo chí rất chú ý. Xã luận La Croix có bài « Các đàm phán xanh » khuyến cáo các lãnh đạo Châu Âu cần đạt đồng thuận về các mục tiêu chính trong việc thực hiện cuộc quá độ sang năng lượng sạch.
Le Figaro cũng nhấn mạnh là cuộc thương thuyết diễn ra trong đêm thứ Năm sang ngày thứ Sáu cần phải đạt mục tiêu giảm lượng khí thải 40% so với mức 1990, từ đây đến năm 2030, và nâng mức năng lượng sạch lên tỷ trọng 27%, đồng thời giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 30%. Liên Hiệp Châu Âu là khu vực phát khí thải đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo Ủy ban Châu Âu, các mục tiêu trên là nằm trong tầm tay của các nước Châu Âu. Theo tin mới nhất hôm nay, tất cả các mục tiêu nói trên đã được 28 nước nhất trí.
Ebola : Châu Âu nỗ lực hơn
Dịch bệnh Ebola cũng là một thách thức khác với Liên Hiệp Châu Âu. Le Figaro có bài « Chống Ebola : Châu Âu muốn từ nay thể hiện mình đứng ở tầm cao ». Sau một thời gian dài chủ yếu là tuyên bố, chủ đề Ebola trở thành tiêu điểm của thượng đỉnh của Châu Âu hôm qua.
Đưa người về nước, tăng cường hoạt động điều phối, cam kết tài chính… một loạt các nỗ lực cho thấy khối 28 nước đang tổ chức một chiến dịch thực sự để chống lại dịch bệnh Ebola tại Châu Phi. Tờ báo cũng dẫn lời chủ tịch Ủy ban Châu Jean-Claude Jungker, vừa nhậm chức, cảnh báo, cần phải khống chế Ebola tại miền Tay Châu Phi, nhưng chúng ta đã không làm gì. Theo Le Figaro, sở dĩ cựu lục địa trở nên hăng hái hơn là do các thúc đẩy từ phía chính quyền Obama.
Tuy nhiên, Châu Âu, cụ thể là Pháp, hoàn toàn không thờ ơ trước đó. Cũng Le Figaro trên trang Khoa học có bài phóng sự rất dài « Theo chân những người tình nguyện chuẩn bị tới Guinea ». Bài viết mô tả những trợ giúp của chính phủ Pháp, phối hợp với nhiều doanh nghiệp lớn khác, thông qua Hội chữ thập đỏ, đã và đang cứu chữa người bệnh và ngăn chặn dịch bệnh tại quốc gia Tây Phi này. Hội chữ thập đỏ với nhiều trung tâm quốc tế, đã ngay từ đầu tham gia vào chống dịch, với việc đảm trách « những phần việc nặng nề và bẩn thỉu nhất » (như thu xác người chết, tổ chức phòng bệnh), như nhận xét của ông Stéphane Mantion, Tổng giám đốc Hội Chữ thập đỏ Pháp.