Thursday, May 23, 2024

‘Dang’ – Phạm nhân hay nạn nhân?

 Tưởng Năng Tiến/SGN

Chiếc xe đưa người vào Anh trong vụ 39 nạn nhân bị chết thảm (Hình: Essex Police)

Tên đúng của anh có thể là “Đăng,” “Đặng,” “Đằng,” hay “Đáng,” hoặc “Đang” (người Việt không mấy ai tên “Dang”) nhưng tôi không dám chắc vì chỉ được biết qua một bài báo bằng tiếng nước ngoài (“Han ble smuglet inn i Norge i et bagasjerom. Et halvt år senere ble han pågrepet på en hasjplantasje”) đăng tải trên tờ Aftenposten, phát hành từ Na Uy, vào ngày 27 Tháng Tám năm 2021.

Bản tiếng Việt (gồm 4,371 từ) của dịch giả tên Trang, xuất hiện trên FB Nhân Văn Việt – Na Uy mấy hôm sau đó. Xin được tóm lược:

“Dang” cho biết quê anh là làng chài Đô Thành, thuộc miền Trung Việt Nam. Từ nơi đây, nhiều thanh niên Việt Nam đã đi lậu trong các xe container xuyên qua Trung Quốc, rồi vượt biên giới vào Nga (Russland), trước khi trở thành nhân công lao động giá bèo hoặc gái mại dâm ở các thành phố Âu châu.

Trên hành trình dài 11,660 km đến Na Uy, “Dang” trốn trong một thùng container sau xe tải. Đến ngày hôm nay, anh vẫn còn ám ảnh trong giấc mơ về những điều khủng khiếp mà anh đã thấy trên tuyến đường đó…

Ô nhiễm môi trường, đánh bắt cá quá mức và bất hợp pháp, công nghiệp hóa ngày càng phát triển đã dẫn đến tình trạng rất khó khăn cho ngành ngư truyền thống ở Việt Nam. Đối với đại gia đình của “Dang,” giải pháp cuối cùng là gửi cậu con trai lớn nhất trong một chiếc container đến Tây Âu. “Dang” cho biết gia đình đã phải thế chấp căn nhà và bán tất cả những gì đáng giá để trả tiền cho nhóm buôn người.

Tôi ra đi để tìm một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu biết trước kết quả thế này, tôi thà chọn cuộc sống một ngư dân nghèo. Theo “Dang” biết, gia đình đã thỏa thuận giá $25,000 với nhóm buôn người. Và đã trả trước một nửa.

“Dang” – người đàn ông 25 tuổi – kể lại cuộc hành trình phải đi xuyên qua Trung Quốc, Nga, Latvia, Belarus (Hviterussland) và Ba Lan. Theo “Dang,” chiếc container mà đoàn của anh đi chỉ có hai lỗ thoát khí nhỏ. Họ phải tiểu tiện và đại tiện trong một túi nhựa lớn.

Tháng Hai 2021, “Dang” bị kết án hai năm tù và phải bồi thường gần 100,000 kroner cho một công ty điện lực của Na Uy vì đã ăn cắp điện để trồng 649 cây cần sa. Bản án được giữ nguyên tại Tòa Phúc Thẩm Eidsivating vào Tháng Sáu 2021, nhưng được giảm xuống còn 1 năm 9 tháng.

Ngày 19 Tháng Tám 2021, Tòa Án Tối Cao Høyesterett bác đơn kháng cáo của “Dang.”. Luật sư biện hộ Audun Helgheim nói rằng họ sẽ kháng cáo vụ việc lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu. Câu hỏi chánh và gây tranh cãi ở đây là: “Dang” là tội phạm hay nạn nhân!?

Tòa án quận Gjøvik viết trong bản án từ Tháng Hai: “Tòa án căn cứ theo yếu tố bị cáo, sau khi đến Na Uy, ít nhất là bởi bị lạm dụng hoàn cảnh bí thế của mình, đã bị buộc phải trồng cần sa. Điều này dẫn chứng cho thấy bị cáo là nạn nhân của nạn buôn người.”

UDI (UtlendingsDIrektorate) xét đơn theo lời khai của “Dang.” Trong giấy phép cấp cho anh được cư trú tạm thời tại Na Uy (midlertidig oppholdstillatelse), viết là họ tin rằng có thể lý giải được là anh đã bị hại trong vụ buôn người.

Rosa, một tổ chức hỗ trợ những người có thể là nạn nhân tệ nạn buôn người, cũng tích cực trong vụ án của “Dang.” Mildrid Mikkelsen của hội Rosa cho rằng việc bỏ tù một người cùng lúc với việc điều tra xem người đó có phải là nạn nhân buôn người là điều chúng ta cần phải suy ngẫm.

Điều “Dang” lo sợ là anh sẽ bị trả về Việt Nam. Luật sư biện hộ Audun Helgheim cho biết: Về Việt Nam, anh có nguy cơ bị thủ phạm ám hại, do những gì anh đã khai… Tương lai ở Việt Nam của người đàn ông trẻ Việt Nam này, là một sự mịt mù. “Dang nói: “Nếu tôi về nhà, có lẽ tôi sẽ bị giết. Và ở đó, tôi cũng không còn gì. Tôi không còn gì để sống nữa. Tôi chỉ ước ao có thể gặp lại mẹ một lần.”

Câu nói thượng dẫn bỗng khiến tôi nhớ mấy câu thơ của Huyền Chi, và bản nhạc Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy: Nhìn về đường cố lý cố lý xa xôi/ Đời nhịp sầu lỡ bước bước hoang mang rồi …/ Mẹ già ngồi im bóng mái tóc tuyết sương/ Mong con bạc lòng …

Không biết có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vẫn đang ngồi tựa cửa mỗi chiều, và bao nhiêu thanh niên thiếu nữ từ xứ sở này đã “lỡ bước hoang mang” trên con đường lưu lạc. Điều an ủi duy nhất cho những kẻ tha phương cầu thực là không hề có một lời lẽ, cử chỉ, hay thái độ miệt thị nào từ người dân (cũng như từ những cơ quan hữu trách) ở nước ngoài.

Sáng sớm hôm 23 Tháng Mười 2019, dân Anh vừa mở mắt dậy đã nhận được thông tin khiến ai cũng phải bàng hoàng: cảnh sát mới phát hiện ra 39 thi thể người Việt nằm chết trong một cái container tại khu công nghiệp Waterglade!

Họ phản ứng ra sao?

Không một lời than phiền, không một câu trách móc. Sau khi biết rõ sự việc, họ bầy tỏ sự thương cảm bằng cách lặng lẽ mang hoa tưởng niệm đến nơi đặt xác nạn nhân. Ngay sau đó, họ tổ chức cầu nguyện cho linh hồn của người quá cố. Rồi họ sắp xếp những chuyến bay để đưa tất cả thi hài của những kẻ xấu số trở về quê quán, và đích thân vị đại sứ Anh ở Việt Nam – ông Gareth Ward – đã đến tận nơi để chia buồn.

Người Na Uy bây giờ cũng thế. Từ luật sư, toà án, nha ngoại kiều, và các cơ quan thiện nguyện của họ đều chia sẻ một nỗi băn khoăn chung: “Dang” là tội phạm hay nạn nhân!?”

Có lẽ cả hai nhưng đồng bào của nạn nhân, tiếc thay, chỉ nhìn ra anh là một tên tội phạm :

Kieu Ninh Vaagen: “Nhìn mặt biết gian.”

Hoang Nguyen Van: “Nhìn mặt là biết lưu manh, là trùm du đảng, không là nạn nhân.”

Cuong Le: “Xứ này luật pháp văn minh và nhân bản nên các lão cứ thoải mái lợi dụng quyền làm người rồi khai ra làm sao cho thật đáng thương để được khoan hồng…”

Cá nhân “Dang” không hề có một lời biện minh, biện hộ hay biện bạch nào cả.

Nỗi “ước ao” nhỏ bé này lại khiến tôi liên tưởng đến đôi câu đối thoại (giữa hai người đồng cảnh, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại nhà tù nào đó ở Âu châu) trong truyện ngắn của một nhà văn Việt Nam ở Na Uy:

Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói: “Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”

“Chết!?”

“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.

Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về… Anh có nghe không đấy?”

“Nghe rõ cả.”

“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”

“Chắc đúng.”

“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm ‘Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.’ Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.” (Tâm Thanh. “Người Rơm”. Thế Kỷ 21, Jul. 2010).

Đối với nhiều người dân Việt thì muốn sống như một ngư dân nghèo nơi vùng biển quê hương, như “Dang,” hay mong “muốn cơ cực ở nhà gần mẹ suốt đời” (như cô Tuyết) e đều chỉ là thứ ước mộng rất xa vời trong chế độ hiện hành.

Đường phố ngập nặng khi mưa, Sài Gòn lại dùng máy bơm ‘giải quyết’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mới đầu mùa mưa 2024, Sài Gòn đã ghi nhận nhiều tuyến đường ngập lút bánh xe, nên thành phố sẽ huy động máy bơm để “ứng cứu các điểm ngập nặng phát sinh trong khu vực nội đô.”

“Đây là một phần trong công tác bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2024, khi tình hình thời tiết được dự báo sẽ ‘diễn biến phức tạp, khó lường’,” báo VNExpress dẫn lời ông Phạm Công Đô, phó Phòng Quản Lý Hạ Tầng Thoát Nước, Trung Tâm Quản Lý Hạ Tầng Kỹ Thuật thuộc Sở Xây Dựng ở Sài Gòn, loan báo như trên tại cuộc họp “Kinh tế, xã hội thành phố,” chiều 23 Tháng Năm.

Nước ngập lút yên xe trên đường Dương Văn Cam, Thành Phố Thủ Đức, chiều 15 Tháng Năm. (Hình: VNExpress)

Theo ông Đô, hồi đầu Tháng Năm vứa qua, Sở Xây Dựng công bố thành phố có 18 điểm ngập trên các trục đường chính do mưa và triều cường.

Cụ thể, các con đường như Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng sẽ ngập do mưa. Trong đó, một số đường ở Thành Phố Thủ Đức như Lã Xuân Oai, Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam… ngập sâu.

Riêng các con đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích và quốc lộ 50 “sẽ ngập” do triều cường.

Sở Xây Dựng đã chỉ đạo Trung Tâm Quản Lý Hạ Tầng Kỹ Thuật “theo dõi triều cường, phân công lực lượng ứng trực 24/24 tại các máy bơm, trạm bơm (cố định và di động), cống kiểm soát triều để “kịp thời xử lý.”

Cũng theo ông Đô, để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, việc nạo vét hệ thống thoát nước trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn, triều cường… Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ tăng cường nạo vét hệ thống sông, kênh, rạch, làm phẳng, trải nhựa mặt đường bị oằn lún cục bộ, đọng nước.

Ngoài ra, các hố ga bị sụt lún, mất nắp, vênh cao, hư hỏng sẽ được kiểm tra, sửa chữa, thay thế để bảo đảm an toàn giao thông.

Tuy đưa ra nhiều hạng mục phải làm nhưng đại diện Sở Xây Dựng không công bố hạn mức kinh phí để thực hiện. Song, công luận dự đoán số tiền ngân sách tức tiền thuế của dân phải chi ra không hề nhỏ.

Máy bơm chống ngập từng dùng hút nước cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Hình: M.Q/Lao Động)

Trước đó, giới lãnh đạo Sài Gòn đã từng dùng “siêu máy bơm” chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Việc này do tập đoàn Công Nghiệp Quang Trung thực hiện theo hợp đồng từ năm 2017 đến 2023.

Theo báo VNExpress, chi phí chống ngập bằng “siêu máy bơm” này “ngốn” 24 tỷ đồng ($942,240) từ tiền ngân sách mỗi năm. Và trong bảy năm lên tới 171 tỷ đồng ($6.7 triệu). Tuy nhiên, việc này chỉ chấm dứt khi thành phố cho nâng cấp tuyến đường này cao đến mức “không còn ngập.” (Tr.N)

Làng chài ở Phú Quốc khốn khổ, đìu hiu vì bị đập mất cầu cảng mưu sinh

 KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Kể từ khi bị giới hữu trách đập bỏ cầu cảng, làng chài Hàm Ninh, xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vốn tấp nập du khách, nay đìu hiu, còn ngư dân phải lội biển từ ghe lên bờ hằng đêm.

Cầu cảng Hàm Ninh bị bỏ hoang sau khi đoạn nối vào bờ bị đập bỏ kể từ hồi Tháng Giêng, 2020. (Hình: Sơn Lâm/Tuổi Trẻ)

Phản ảnh với báo Tuổi Trẻ hôm 23 Tháng Năm, người dân ở làng chài xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, nổi tiếng với nghề ghe lưới đánh bắt ghẹ biển, bày tỏ sự bất bình sau hơn bốn năm cầu cảng Hàm Ninh bị đập bỏ, nhưng lời hứa xây cầu cảng mới của giới hữu trách không được thực hiện.

Kể từ khi làng chài Hàm Ninh được hình thành, cầu cảng này được ngư dân xây dựng để neo đậu thuyền, tiện lợi việc đi lại mỗi khi từ bờ ra thuyền đi đánh bắt cá.

Nó được ví von như xương sống tạo ra làng chài trung tâm của xã Hàm Ninh, giúp con đường từ chợ thẳng ra cầu cảng và trở thành một trong những điểm thu hút du khách từ trung tâm Phú Quốc đổ về, các nhà hàng, chợ hải sản mọc lên nhộn nhịp.

Tuy nhiên, đến Tháng Giêng, 2020, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Phú Quốc đã chỉ đạo Phòng Quản Lý Đô Thị phối hợp với nhiều cơ quan hữu trách tháo dỡ phần đầu cầu cảng nối với đất liền, với lý do “cầu cảng đã hư hỏng, có thể gây ra nguy hiểm.”

Lúc này, nhiều người dân cho rằng nếu chính quyền nhận thấy cầu bị yếu thì chỉ cần trùng tu lại, và người dân sẵn sàng đóng góp để làm. Song, không thể ngăn cản chính quyền đập bỏ. Hàng trăm người biểu tình, phản đối và rồi bốn người bị bắt giam với cáo buộc “quá khích, chống đối.”

“Khi người dân phản đối việc đập bỏ cầu cảng thì các lãnh đạo hứa là đập bỏ để xây cầu cảng mới. Nhưng đến nay đã bốn năm rưỡi, vẫn chưa thấy cầu cảng nào,” một ngư dân sống gần khu vực cầu cảng bất bình nói.

Cầu cảng cũ được đập bỏ một phần khoảng 40 mét nối với bờ. Phần còn lại vẫn đang nằm trơ giữa biển. Vì không còn đường vào bờ, ngư dân có ghe lưới phải thả neo từ xa. Mỗi sáng sớm hoặc tối mịt vào ra đánh cá, ngư dân phải lội biển để vào bờ.

“Một phần cầu cảng bị đập bỏ, bê tông sắt thép vãi ra tứ tung dưới đáy biển. Người dân lội biển từ ghe vào bờ va phải sắt thép hư chân hoài. Chưa kể những ngày biển động chung (nhiều hướng gió xuất hiện trong ngày khiến biển động), tìm được chỗ để neo ghe cực lắm,” một ngư dân khác kể thêm.

Không còn cầu cảng, làng chài Hàm Ninh như mất hẳn “trái tim” thu hút du khách, mất đi bản sắc vốn có của làng chài. Quang cảnh ở đây ngày càng đìu hiu. Chỉ còn một số nhà hàng kết nối với các tuyến du lịch đưa khách về ăn trưa.

Chưa hết, không có cầu cảng, không còn cảnh sôi động như trước, nhiều đơn vị du lịch cũng dần hủy tuyến đưa khách về làng chài Hàm Ninh. Mỗi đêm, điện đèn trên con đường từ chợ Hàm Ninh về cầu cảng cũng hiu hắt dần.

Để xoa dịu người dân, hồi Tháng Tư, 2023, Ủy Ban Nhân Dân Xã Hàm Ninh đã lập tờ trình xin đầu tư cầu cảng bằng nguồn ngân sách thành phố Phú Quốc.

Tuy nhiên, sau khi chủ tịch thành phố Phú Quốc giao Phòng Tài Chính Kế Hoạch khảo sát, thì đơn vị này đã phúc trình lại là “không cân đối được vốn trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.”

Nhiều người dân phản đối việc tháo dỡ cầu cảng Hàm Ninh vào sáng 3 Tháng Giêng, 2020. (Hình: Hoàng Trung/Thanh Niên)

Trong khi đó, ông Võ Hoài Khoa, chủ tịch xã Hàm Ninh, cho biết: “Xã đã báo cáo quy mô và tổng mức đầu tư gửi thành phố Phú Quốc để trình Ủy Ban Tỉnh Kiên Giang xem xét đầu tư. Khi nào tỉnh thông qua thì địa phương sẽ bắt đầu làm.”

“Cây cầu đã giúp đời sống chúng tôi tốt hơn nhiều so với trước đây. Con cái chúng tôi được đến trường, có đứa còn được học tới đại học, cũng một phần là nhờ có cây cầu này. Đồng thời, chính cây cầu này đã làm nên thương hiệu của làng chài Hàm Ninh mà du khách đến Phú Quốc đều ghé thăm viếng mua sắm và thưởng thức hải sản,” một người dân nuối tiếc nói với báo Thanh Niên. (Tr.N)

Đang ở Úc, Đặng Tất Thắng bị Bộ Công An Việt Nam ‘truy tìm’ vì ‘nói xấu’ Dương Công Minh

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một tháng sau vụ “bêu riếu” “đại gia” Dương Công Minh trên trang cá nhân, ông Đặng Tất Thắng, cựu giám đốc điều hành hãng hàng không Bamboo Airways, bị Bộ Công An Việt Nam phát lệnh truy tìm.

Ông Minh, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Sacombank, thường được các báo ở Việt Nam mô tả là “đại gia” và là người đứng sau vụ thâu tóm hãng hàng không Bamboo Airways kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết, chủ doanh nghiệp này, vào tù.

Ông Đặng Tất Thắng, cựu giám đốc điều hành hãng hàng không Bamboo Airways. (Hình: Công An Nhân Dân)

Theo báo Công An Nhân Dân hôm 23 Tháng Năm, ông Thắng, 43 tuổi, bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Thông báo truy tìm của Bộ Công An cho biết hiện tại, ông Thắng “không có mặt tại nơi cư trú quận Cầu Giấy, Hà Nội” và “không biết đang ở đâu.”

Lệnh của Bộ Công An được ghi nhận là nhằm “xác minh tin báo của ngân hàng Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank).”

Hồi tháng trước, mạng xã hội rúng động với loạt bài đăng trên trang cá nhân “Thang Dang” của ông Đặng Tất Thắng cho rằng ông Dương Công Minh “đang bị cấm xuất cảnh vì rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát.”

Bài của ông Thắng viết: “Minh là người trực tiếp giúp bà Lan ‘tẩy rửa’ 108,000 tỷ đồng ($4.2 tỷ) và $14.7 triệu tiền mặt cùng với một chân tay khác của bà Lan cũng hiện đã đang bỏ trốn khỏi Việt Nam là Hồ Quốc Minh. Hồ sơ về Minh hiện đang được cơ quan Cảnh Sát Điều Tra thụ lý.”

“Minh ‘Xoài’ này là thằng đã bị mình chửi thẳng mặt cả trên Facebook, cả ngoài đời: ‘Mày có tiền và già thì tao vẫn dạy cho mày làm người,’ và giờ ra đường hay phi trường thì đều cúi gằm mặt không dám nhìn mình. Minh ‘Xoài’ giờ đang mưu tính thâu tóm tiếp FLC nhưng liệu có kịp không hả Xoài?”

Tuy vậy, sau loạt bài đăng liên tiếp gây xôn xao dư luận, trang cá nhân của ông Thắng bỗng dưng biến mất.

Một số nguồn thạo tin trên mạng xã hội xác nhận lúc đăng đàn tố cáo ông Minh thì ông Đặng Tất Thắng đã nhập tịch Úc.

Đến hồi trung tuần Tháng Tư, nhiều báo ở Việt Nam đồng loạt dẫn lời thanh minh của ông Dương Công Minh: “Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan và các vụ việc của bà Trương Mỹ Lan. Vụ việc của bà Lan đã có kết luận điều tra, có cáo trạng truy tố.”

“Đại gia” Dương Công Minh, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Sacombank, đứng sau vụ thâu tóm hãng hàng không Bamboo Airways. (Hình: VNExpress)

Vụ truy tìm ông Đặng Tất Thắng của Bộ Công An được ghi nhận là “đòn gió,” tương tự vụ Công An Tỉnh Long An phát lệnh truy tìm ba luật sư bào chữa cho những người ở Tịnh Thất Bồng Lai, gồm các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân.

Ba luật sư nêu trên hiện đang tị nạn chính trị tại Mỹ và Công An Tỉnh Long An biết rõ điều này nhưng vẫn cho các báo đăng tin để tuyên truyền về “sự nghiêm minh của pháp luật.” (N.H.K)

Sếp tập đoàn Trung Nam ‘liên quan Nguyễn Xuân Phúc,’ bị cấm xuất cảnh do ‘nợ thuế

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà chức trách xác nhận ông Nguyễn Tâm Thịnh, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group), bị cấm xuất cảnh do “nợ thuế.”

Từ ít nhất bảy năm trước, mạng xã hội đã dấy lên tin đồn về việc ông Vũ Chí Hùng, con rể ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu chủ tịch nước Việt Nam, là người đứng sau tập đoàn Trung Nam đóng tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn Trung Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 23 Tháng Năm, ông Thịnh, 51 tuổi, là người đại diện theo pháp luật của tập đoàn Trung Nam, doanh nghiệp đang bị cưỡng chế do “chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.”

Trong danh sách nợ thuế quá hạn tính đến cuối Tháng Ba, Cục Hải Quan Khánh Hòa cho biết Trung Nam “nợ quá hạn 21 tỷ đồng ($824,515).

Trên trang web, tập đoàn Trung Nam tự giới thiệu doanh nghiệp này thành lập từ năm 2004, tập trung các lĩnh vực hoạt động chính: Năng lượng, hạ tầng-xây dựng, bất động sản… Trong đó, nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, trong thời gian gần đây, công ty Điện Mặt Trời Trung Nam Thuận Nam, công ty con của tập đoàn Trung Nam, đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp trước nguy cơ xảy ra trục trặc và gián đoạn vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam.

Cụ thể, nhà máy điện mặt trời Trung Nam kết hợp với đường dây truyền tải 500kV Thuận Nam đặt tại tỉnh Ninh Thuận, “đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện.”

Hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam vận hành đến nay đã gần bốn năm, các thiết bị hoạt động liên tục, có nguy cơ xảy ra hư hỏng.

Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) nói phải chờ các quy định mới có thể đàm phán nhưng không rõ thời điểm, trong lúc Trung Nam phải “trả lãi ngân hàng hằng ngày.”

Bản tin cho biết thêm, Trung Nam “sẽ cố gắng thực hiện nghĩa vụ thuế, trả tiền thuế trong thời gian sớm nhất có thể.”

Trong một diễn biến khác, hồi Tháng Ba năm ngoái, sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc mất ghế chủ tịch nước, tập đoàn Trung Nam lập tức bị Cục Thuế Thành Phố Đà Nẵng cưỡng chế do “nợ thuế hơn 445 tỷ đồng ($17.4 triệu).”

Việc cưỡng chế của Cục Thuế xảy ra sau khi tập đoàn nợ tiền thuế “đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn.”

Nguyên nhân phát sinh số tiền nợ thuế được giải thích là do khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất tại dự án khu đô thị Golden Hills do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư tại thành phố Đà Nẵng.

Cùng với quyết định cưỡng chế thuế, Cục Thuế Đà Nẵng cũng thông báo về việc tập đoàn Trung Nam không được sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn giá trị gia tăng (VAT).

Nếu doanh nghiệp này sử dụng số hóa đơn điện tử kể từ ngày bị cưỡng chế thì việc này bị cho là “không hợp pháp.”

Tập đoàn Trung Nam là chủ đầu tư nhiều dự án điện gió tại các địa phương ở Việt Nam. (Hình: Thiện Nhân/Thanh Niên)

Từ năm 2016, trên mạng xã hội đã có ý kiến xầm xì về chuyện ông Vũ Chí Hùng là đại diện ngầm cho những ai muốn cậy nhờ ông Phúc, thời điểm đó còn làm thủ tướng, giúp dự án hoặc thoát tội thanh tra. Các phi vụ làm ăn của ông này được cho là có sự “phối hợp tác chiến” của các thuộc cấp của ông Phúc trong việc lập tổ công tác, đoàn thanh tra đi “kiếm chác” khắp các địa phương.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện bài “Tân Phò Mã” đưa cáo buộc ông Vũ Chí Hùng “dựa hơi” cha vợ để “chặt” hoa hồng những hợp đồng xây dựng các dự án trị giá hàng vạn tỷ đồng, trong đó có dự án chống ngập ở Sài Gòn của tập đoàn Trung Nam. (N.H.K)

Cả ngàn vụ sai phạm đất đai, Phú Quốc ngăn cán bộ đi ngoại quốc vì sợ bỏ trốn

 KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Ban Thường Vụ Thành Ủy Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đã ban hành văn bản “Quyết định tạm dừng việc giải quyết cho đi ngoại quốc” đối với cấp ủy viên, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đảng bộ trực thuộc Thành Ủy, trừ các trường hợp “được chỉ định tham gia” các đoàn công tác do Tỉnh Ủy, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 22 Tháng Năm, việc Ban Thường Vụ Thành Ủy Phú Quốc phát ra thông báo này là nhằm để “tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và của cấp xã từ nay đến hết năm 2024. Nhất là giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách như quản lý đất đai, xây dựng, môi trường, khoáng sản, an ninh trật tự…”

Phú Quốc hiện còn tồn đọng hàng trăm vụ sai phạm lấn chiếm đất rừng, đất nhà nước quản lý. (Hình: Sơn Lâm/Tuổi Trẻ)

Tuy nhiên trên thực tế, đây là cách Thành Ủy Phú Quốc ngăn chặn cán bộ, đảng viên trực thuộc bỏ trốn ra ngoại quốc do lo sợ bị khởi tố, bắt giam khi điều tra dính đến sai phạm về đất đai.

Theo Thành Ủy Phú Quốc, đến nay Tổ Công Tác Đặc Biệt tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra và phát hiện 1,744 vụ vi phạm liên quan đến đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đất công do nhà nước quản lý với diện tích 685 hécta. Trong đó, lực lượng hữu trách địa phương mới xử lý hành chính 1,020 vụ, còn 709 vụ chưa xử lý.

Cụ thể, Phú Quốc hiện có khoảng 420 khu phân lô, bán nền với hơn 8,707 thửa (trên 900 căn nhà) trên diện tích hơn 194 hécta, chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điển hình, nhiều người dân bất bình khi phát hiện công trình “giống nhà ở” ngang nhiên mọc trên đỉnh núi Điện Tiên, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

Qua điều tra, khu đất trên là đất trồng cây lâu năm không được chuyển sang đất sản xuất, kinh doanh (đất thương mại dịch vụ), nhưng được Văn Phòng Đăng Ký Đất Đai Thành Phố Phú Quốc làm giấy hợp thức hóa chuyển nhượng sang cho ông Lê Trọng Đ.

Mới đây, theo báo VNExpress hôm 15 Tháng Năm, ông Trần Văn Việt, 49 tuổi, bí thư kiêm chủ tịch xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc, đã ra trình diện đầu thú với công an, khai đã nhận 2 tỷ đồng ($ 78,540) và hai cây tùng từ công ty Tư Vấn Đầu Tư và Phát Triển LHĐ, để bỏ qua việc phân lô, bán nền trái phép trên đất rừng đặc dụng.

Hiện ông Việt đang bị Công An Tỉnh Kiên Giang tạm giữ để làm rõ nội dung đã khai khi đầu thú.

Ông Trần Văn Việt, bí thư kiêm chủ tịch xã Cửa Dương, Phú Quốc, ra trình diện công an. (Hình: VNExpress)

Trước ông Việt, nhiều cán bộ ở Phú Quốc đã bị bắt hoặc tự thú về hành vi tương tự. Trong đó, ông Đoàn Thanh Tuấn, công chức viên địa chính xã Cửa Dương, khai nhận và nộp lại 50 triệu đồng ($1,963) tiền “lót tay.”

Hay ba cán bộ quản lý rừng là Hoàng Minh Tuấn, Nguyễn Tuấn Anh và Ngô Thanh Tân đã tự thú, nộp lại từ 30 đến 95 triệu đồng ($1,178 tới $3,730) …

Riêng ông Du Việt Thanh, cựu chủ tịch xã Cửa Cạn, bị công an bắt với cáo buộc nhận 5 tỷ đồng ($196,350) và một chiếc xe hơi. (Tr.N) [qd]