Tuesday, May 7, 2024

Quốc hội, nhân dân và những võ sỹ giác đấu

Lê Quốc Quân

Quốc hội đã trở thành công cụ đắc lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hình minh hoạ: Quốc hội Việt Nam tại phiên bế mạc ngày 11/1/2022. Photo Quochoi.

Quốc hội đã trở thành công cụ đắc lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hình minh hoạ: Quốc hội Việt Nam tại phiên bế mạc ngày 11/1/2022. Photo Quochoi.

Quốc hội Việt Nam họp bất thường vào ngày 2/5/2024 để bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ chủ tịch của ông Vương Đình Huệ mà cách đây hơn 2 năm đã bầu lên với số phiếu tuyệt đối.

Đây là lần họp bất thường thứ 7 của Quốc hội khoá 15 và là điều chưa từng có trong một Nhiệm kỳ Quốc hội kể từ khi thành lập nước đến nay.

Số lần họp bất thường (7) đã nhiều hơn họp thường lệ (6) vì nó là hệ quả của những xáo trộn ở thượng tầng nơi có nhiều nhân vật đã được chính Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đã từng có một quốc hội dân chủ?

Sau khi dành được độc lập vào ngày 2/9/1945, tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14/SL để Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội. Sắc lệnh quy định mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đều được tham gia và lựa chọn người đại diện cho mình.

Đã có có 333 đại biểu được bầu trong tổng số 403 đại biểu Quốc hội. Trong đó Việt Minh chiếm 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt nam 24 ghế, và 143 ghế không đảng phái. Điều thú vị nằm ở 70 Đại biểu không bầu mà do “Thoả thuận”, cụ thể Việt Nam cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) được đặc cách có 20 ghế và Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) có 50 ghế.

Trong bài Phát biểu khai mạc của Hồ Chí Minh có giải thích:“Có những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở Hải ngoại vì không có thì giờ tham gia tổng tuyển cử của dân ta, nên Chính phủ lâm thời đề nghị với Quốc hội mở rộng Quốc hội ra thêm 70 ghế nữa để mời các đại biểu Hải ngoại của Việt Nam cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) tham gia để tỏ cho thế giới biết rằng dân ta đoàn kết nhất trí… Các đảng phái, các dân tộc thiểu số và phụ nữ đều có đại biểu và như thế không phải là các đại biểu thay mặt cho một đảng phái hai một dân tộc nào mà là đại biểu cho toàn quốc dân Việt Nam”

Quốc hội Khoá 1 kéo dài 14 năm (1946-1960) với 12 kỳ họp, đã xem xét và thông qua được một bản Hiến Pháp tốt, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và 3 chính phủ liên hiệp.

Sau 1954 thì đất nước chia đôi, nhiều đảng phái chính trị khác bị đàn áp hoặc đi vào Nam, Miền Bắt bị đặt dưới sự cai trị của Đảng Lao động, Quốc hội dần dần bị thâu tóm và đặt hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Đảng.

Sau gần 80 năm, giờ đây Quốc hội Việt Nam đã thực sự trở thành một Quốc hội bù nhìn, hoàn toàn nằm dưới sự thao túng tuyệt đối của Đảng cộng sản.

Quốc hội đã trở thành bù nhìn

Bù nhìn, hình nộm có lẽ là từ khá thú vị khi chỉ về các đại biểu của dân hiện nay đang ngồi trong hội trường Diên Hồng. Nghị gật là một từ khác mà được nhân dân hay dùng khi gọi tên các vị đại biểu quốc hội.

Nhưng bản chất không phải chỉ có “gật” kể từ khi Đảng cộng sản trực tiếp quản lý quốc hội, đã biến Quốc hội trở thành một công cụ đắc lực của Đảng dưới hình thức tinh vi.

Bên trong Đảng làm cho nhân dân tin rằng Quốc hội đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình. Bên ngoài, Đảng làm cho thế giới lầm tưởng về tính chính danh của Nhà nước trong việc phê chuẩn và miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo.

Không chỉ có người ngoài đưa ra nhận định mà chính ông Nguyễn Văn Phúc phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong một bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên Thời báo KTSG đã từng nói: “Vấn đề là phải xác định sự lãnh đạo của Đảng với quốc hội khác với các thiết chế khác ở chỗ nào vì Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử. Ví dụ, với kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm, năm năm khi Ban chấp hành TW hay Bộ chính trị quyết định quá cụ thể các chỉ tiêu thì không còn dư địa cho Quốc hội bàn. Lúc đó, Đảng quyết định luôn rồi chứ không chỉ dừng lại ở chủ trương nữa và chuyện đưa ra Quốc hội chỉ là để hợp thức hoá thôi”.

Ông còn nói tiếp: “Thực ra, nhiều khi chính anh em cán bộ viết văn bản từ kết luận của Bộ Chính trị hay Trung ương để gửi sang Đảng, đoàn Quốc hội, thì anh em viết quá chi tiết. Chi tiết quá thì quốc hội thảo luận thế nào nữa.

Qua đó ta thấy Đảng đã dứt khoát giành lấy quyền quyết định hết những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội Việt Nam. Đặc biệt về nhân sự thì Đảng nắm thật chặt, thậm chí quyết định ai, vào thời điểm nào thì có tín nhiệm, thời điểm nào thì không. Cụ thể: ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ đều được tín nhiệm cao nhưng chỉ một thời gian sau, Đảng lại công bố chính những người đó vi phạm” dù cho những vi phạm đó có thể đã xảy ra rất lâu dài.

Rõ ràng, Quốc hội chỉ là một công cụ của Đảng cộng sản để hợp thức hoá các quyết định của đảng.

Một “Coup d’etat” phi bạo lực?

Điều 69 Hiến pháp Việt Nam quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Xét về lý thuyết, chủ tịch của một “Cơ quan quyền lực cao nhất” sẽ là người có quyền lực nhất.

Điều 70 của Hiến Pháp trao cho Quốc hội nhiều quyền hạn rất lớn ví dụ như Mục 13: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; Quốc hội cũng có quyền quyết định trưng cầu dân ý”.

Trong lịch sử thì cũng đã có 2 lần Quốc hội đã làm cho Đảng phải lùi bước. Đó là Dự án đường sắt cao tốc và Sân bay Long Thành. Những dự án này Ban đầu Ban chấp hành Trung Ương và Bộ Chính Trị đã quyết định làm nhưng khi đưa ra Quốc hội thì bị bác. Bộ chính trị sau đó cũng thấy phù hợp nên đã chấp nhận theo quyết định của Quốc hội.

Vấn đề nằm ở truyền thông. Đã có lúc tiếng nói của dân, qua báo chí, đã được cất lên.

Nhưng giờ đây, Nhân dân hoàn toàn không biết điều gì đã xảy ra, Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội đã vi phạm điều gì, ở đâu, khi nào, tính chất mức độ ra sao?

Ai đã thực hiện việc “phế truất” này, ai đang “tiếm quyền” thực sự? Thực chất đã có một cuộc đảo chính phi bạo lực hay không? Cuộc đảo chính này là “bất thành” hay đã “thành công” rực rỡ? Quyền lực thực tế trước đây nằm ở trong tay ai hay nhóm nào? giờ đây đang đi qua tay ai? Không ai biết!

Xem Võ sĩ giác đấu (Gladiator) qua TV

Quan sát chính trị Việt Nam gần đây khiến tôi hình dung các Võ sỹ giác đấu (Gladiator) tại Đại Hý trường La Mã (Colosseum), nơi diễn ra các trận đấu sinh tử; nơi kẻ thua cuộc chỉ chết khi người thắng cuộc nhận được dấu chỉ của người có quyền lực nhất sau khi người này quan sát thái độ của khán giả.

Hàng ngàn năm đã trôi qua, trò chơi quyền lực tại Việt Nam vẫn thu hút được đông đảo dân chúng giống như xem Võ sĩ giác đấu tại Đại hý trường khi xưa. Chỉ khác, giờ đây chính khán giả đang giương to mắt cũng không biết được kẻ bại trận có thật sự bại trận và đã chấp nhận thua cuộc hay chưa. Trận đấu trong chính trường đang thật kịch tính nhưng nhân dân mãi mãi chỉ là người đứng xem như đang xem qua TV. Thậm chí cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm cũng là bỏ phiếu kín.

Nhân dân Việt Nam hoàn toàn không được dự phần vào bất cứ quyết định nào dù cho Hiến pháp quy định Nhà nước là “Của dân, do dân và vì dân”.

Nghệ thuật duy trì quyền lực đảng: cách dàn dựng “chống tham nhũng ở vùng cấm”! (Phần 2)

 Bình luận của Huỳnh Trần

Nghệ thuật duy trì quyền lực đảng: cách dàn dựng “chống tham nhũng ở vùng cấm”! (Phần 2)Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 13/12/2023 (minh họa)-AFP

Đặt trong sự ràng buộc của mối quan hệ giữa hai Đảng cộng sản và lãnh đạo của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, việc làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm “trí tuệ chính trị” có ý nghĩa quan trọng nói chung và trong bối cảnh căng thăng tranh giành quyền lực đảng trước đại hội 14 nói riêng. Theo nghĩa phổ quát trong từ điển, một định nghĩa trí tuệ (wisdom) ít gây tranh cãi, đó là phẩm chất của việc có kinh nghiệm, kiến thức và phán đoán tốt; chất lượng của sự khôn ngoan. Từ các khía cạnh ứng dụng khác nhau nó tương tự như sự khôn ngoan, sự thông thái, trí thông minh, sự hiểu biết hay cái nhìn sâu sắc. Và, về tính hợp lý, đó là một hành động hoặc quyết định, sự đánh giá liên quan đến việc áp dụng kinh nghiệm, kiến thức và phán đoán tốt. “Trí tuệ chính trị” (tiếng Trung giản thể là “知识分子政治”, tiếng Anh là “political wisdom”) không chỉ được hiểu là sự khôn ngoan, mưu lược trong lĩnh vực chính trị, mà thứ triết lý ‘biến hoá’ phức tạp hơn nhiều khi gắn với mô hình Trung Quốc. Đây chính là thông điệp mà Tập Cận Bình muốn gửi đến giới lãnh đạo Việt Nam và cá nhân ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhân vật điển hình trong ‘vở kịch’ “Thuận An” được nêu ở đầu phần một. Theo tôi, nó gắn với chữ “Thiên” mang màu sắc tâm linh huyền bí nhưng được Đảng CS Trung Quốc thế tục hoá trong thực tế cai trị hiện nay. Tổng bí thư Đảng được thể chế hoá, được ví như vua chúa phong kiến, “thế thiên hành đạo”, thay Trời để cai trị thiên hạ, để duy trì “giá trị cốt lõi” của chế độ Đảng toàn trị. Trong lúc “thăng” người ta nói về pháp quyền, nhưng khi “trầm” sử dụng pháp trị và, khi khủng hoảng người ta tập trung sức lực, mưu mẹo để “thế thiên hành đạo”!

Như đã biết, Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là một kiểu giải trình và chịu trách nhiệm mang tính đạo đức, có nghĩa là Đảng CS hoàn toàn không phải giải trình và chịu trách nhiệm thông qua bầu cử nhưng quan chức của Đảng phải được giáo dục và tu thân, rèn luyện “noi gương” các bậc hoàng đế và vua chúa để thấy được trách nhiệm trước công chúng. Đây là một nội dung của triết lý cai trị trong mô hìnhTrung Quốc.

Lịch sử cai trị tập quyền ở hìnhTrung Quốc có từ thời cổ đại, nếu tính từ triều đại nhà Hạ, Thương Chu, khoảng thế kỷ 21 TCN đến thế kỷ 16 TCN, nhưng nổi bật nhất trong thời cận đại và hiện đại có liên quan với sự thăng trầm của Nho giáo. Nho giáo (tiếng Trung: 儒教, tiếng Anh:Confucianism) là triết lý đạo đức thịnh hành ở Trung Quốc. Khác với các tôn giáo khác, chẳng hạn Kitô giáo, Nho giáo là đạo giáo thế tục, một triết lý đòi hỏi tự hoàn thiện mình thông qua học tập, tu dưỡng để đạt thành tựu của trí tuệ và hành động trong bối cảnh xã hội nghiêm ngặt, nơi bạn biết vị trí của mình và cư xử phù hợp. Nho giáo đặt trật tự xã hội ở vị trí cao nhất, nhấn mạnh những kẻ cai trị như vua quan và cho rằng nếu họ tu thân và cư xử tốt thì mọi thứ sẽ tốt và, rằng những người ở vị trí lãnh đạo cần phải khôn ngoan và nhân từ, có trách nhiệm chăm sóc những người sống dưới quyền của họ và, đổi lại, giới cầm quyền phải được tôn trọng và sự vâng lời. Khi tất cả điều này là đúng thì có sự hòa hợp xã hội là một khái niệm theo chủ nghĩa tập thể vẫn còn phù hợp trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Đó là lý do tại sao Nho giáo nhấn mạnh những thứ như sự tôn trọng, trật tự, ổn định, tính toàn vẹn và truyền thống.

Khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền năm 1949 và chính thức đưa chủ nghĩa cộng sản vào Trung Quốc, đường lối chính thống của Đảng Cộng sản là bác bỏ Nho giáo và gọi nó là “tiểu tư sản”, giai đoạn cao trào là cách mạng văn hoá. Nho giáo từng ‘biến mất’ một thời gian nhưng đã được phục hồi bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đại, thậm chí Đảng Cộng sản bây giờ, dưới thời Tập Cận Bình, công khai đề cập đến nguyên tắc Nho giáo, nó tương thích bởi sự hòa hợp xã hội và tổ chức nhà nước. Điều đó có nghĩa là Nho giáo và tư tưởng Đảng cộng sản Trung Quốc bây giờ chính thức cùng tồn tại. Hơn thế, khái niệm “trí tuệ chính trị” còn kết hợp với tư tưởng thực dụng từ cuối thập niên 1970, khi đó câu nói của Đặng Tiểu Bình ‘mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là nó bắt được chuột’ đã ghi dấu ấn. Tính thực dụng này được cho là có nguồn gốc từ cuốn “Binh pháp Tôn Tử”[1] (chữ Hán: 孫子兵法;tiếng Anh: The Art of War). Đây là sách chiến lược, chiến thuật chiến tranh do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN thời Xuân Thu. Điều này cho tạo ra tính linh hoạt cao, khó đoán định và khác biệt với triết lý cai trị phương Tây. Đỉnh cao của sự kết hợp Nho giáo, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng thực dụng được phản ánh trong phạm trù khái niệm gây tranh cãi, cái gọi là “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc”[2] được Đặng Tiểu Bình là người đầu tiên đưa ra năm 1978. Với “trí tuệ chính trị” như vậy, ông Đặng được ca ngợi là người đã thay đổi Trung Quốc mãi mãi.

Triết lý sâu xa ẩn chứa sau khái niệm này, trước hết, Trung Quốc ngầm ‘tuyên bố’ kết thúc mô hình kế hoạch hoá tập trung kiểu Xô - Viết, thoát khỏi Liên Xô và, tự xây dựng triết lý phát triển của riêng mình. Ông Đặng Tiểu Bình từng nói rằng “cải cách và mở cửa” không hàm chứa ‘kế hoạch’ lớn nào và cách thức tiến hành là ‘dò đá qua sông’, điều gì có lợi cho nước, cho đảng thì phải làm. Tiếp đến, sự tương đồng Nho giáo với tư tưởng của Mác - Lênin được cải biên để thiết chế bộ máy cai trị hiện tại của Đảng CS. Đó là một nhà nước chuyên chính vô sản ‘tự phong’ hay ra đời từ cách mạng, trong đó Đảng CS toàn trị, đứng trên luật pháp, kiểm soát cá nhân, không chấp nhận đối trọng chính trị, xã hội dân sự và nhân quyền, tách một bộ phận xã hội thành ‘phản động’ hay ‘thế lực thù địch’ để sử dụng sức mạnh, xoá bỏ sở hữu tư nhân, nhà nước phân phối các nguồn lực và, tuyên truyền mục đích thay cho phương tiện… Chế độ như vậy đã được cho là “dẻo dai” với các nguyên tắc quản trị nội bộ như tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể và “song quy”[3], một quy trình xử lý kỷ luật nội bộ đảng do các Ban của Đảng tiến hành, thể chế kiểm soát nội bộ đối với các thành viên bị cáo buộc "vi phạm kỷ luật", như Quyết định 41/  41-QĐ/TW đã nêu, đề cập đến tham nhũng ở “vùng cấm.”

“Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc”, sự khác biệt với mô hình Xô Viết, đã tạo nên thành công kỳ diệu về kinh tế, từ đó xoá đói giảm nghèo. Sự thật bị che giấu là sự “kỳ diệu” này là nhờ chủ nghĩa tư bản qua cách biện minh là thị trường để cường điệu quyền lực Đảng. Chính sách “mở cửa”để chào mời tư bản nước ngoài đã tạo nền kinh tế hỗn hợp, trong đó tư nhân đã lớn mạnh nhanh chóng trong hơn 40 năm, đến nay chiếm đến 60% tổng sản phẩm quốc nội GDP. Một nhà nước Trung Quốc tư bản thân hữu đã ‘vũ khí hoá’ tham nhũng để tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh. Liệu đây có phải cách hiểu của Đảng về “trí tuệ chính trị”?!

Chế độ trong tình trạng tồi tệ càng tăng cho đến khi Đảng nhận ra rằng tham nhũng là nguy cơ tồn vong. “Cải cách” đã không theo kịp, không những cản trở tăng trưởng, gây khủng hoảng cơ cấu kinh tế mà còn đang huỷ hoại chính chế độ toàn trị do tham nhũng tràn lan. Cải cách chính trị đang thoái lui. Thay vì thúc đẩy nó, Đảng khăng khăng đặt trọng tâm vào chống tham nhũng “vùng cấm.” Mô hình Trung Quốc đang ở thời kỳ thoái trào[4] khi mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản và quan hệ sản xuất ‘xã hội chủ nghĩa’ ngày càng căng thẳng, xung đột. Ông tổ lý thuyết cộng sản Các Mác đã chỉ ra dù người ta có thể nói khác đi[5] Sự biện minh cho “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” ngày càng kém thuyết phục ngay cả ở trong nước.

Đảng CS sử dụng “trí tuệ chính trị” để chống tham nhũng ở “vùng cấm” như lá bài cuối cùng liệu có cứu được chế độ khỏi sụp đổ? Không thể có câu trả lời thuyết phục nhưng sự thay đổi lớn là điều không tránh khỏi.

__________

Tham khảo:

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Binh_pháp_Tôn_Tử;

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vcp-prepares-documents-for-14-th-party-congress-part-1-03052024094939.html;

3. https://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_Communist_Party

4. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html;

5. https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/gia-tri-cot-loi-cua-chu-nghia-mac-lenin-ve-moi-quan-he-giua-luc-luong-san-xuat-va-quan-he-san-xuat--phan-1.html.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự  Do

Nghệ thuật duy trì quyền lực Đảng: cách dàn dựng “chống tham nhũng ở vùng cấm”! (Phần 1)

 Bình luận của Huỳnh Trần

Nghệ thuật duy trì quyền lực Đảng: cách dàn dựng “chống tham nhũng ở vùng cấm”! (Phần 1)Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội VN Vương Đình Huệ tại Hà Nội hôm 13/12/2023 (minh họa)-AFP

Khủng hoảng chính trị tại Việt Nam đã đến đỉnh điểm căng thẳng. Đảng Cộng sản (Đảng CS) cầm quyền vẫn khăng khăng chế độ mà Đảng toàn trị là ‘trí tuệ’ và, chỉ những quan chức tham nhũng làm xấu chế độ. Cho đến khi nhận ra tham nhũng là nguy cơ làm sụp đổ chế độ, Đảng quyết chống tới cùng. Đảng đang vận dụng “trí tuệ (sự khôn ngoan) chính trị” để chống tham nhũng ở “vùng cấm” trong khi giới quan sát, công luận cho rằng, Đảng đang diễn những ‘vở kịch’ cuối cùng trước khi buộc phải thay đổi.

Chiều ngày 28/4/2023 ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xin từ nhiệm và, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ‘đồng ý’[1] Thêm một ‘vở kịch’ của nghệ thuật tranh giành quyền lực Đảng ở ‘vùng cấm’, bao gồm các lãnh đạo chóp bu của Đảng, trong “tứ trụ” hay các Uỷ viên Bộ Chính trị, được ‘dàn dựng’ bởi “trí tuệ chính trị” đã hạ màn.

Từ đầu năm 2023 đến nay các vở kịch liên tục được công diễn. Trước tiên, vở kịch mang tên “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu” trong đó các diễn viên chủ chốt ‘bất đắc dĩ’ là ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, ông Phạm Bình Minh, nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ và ông Vũ Đức Đam, nguyên Phó thủ tướng. Họ từ chức ngày 17/1/2023 vì phải “chịu trách nhiệm chính trị” bởi người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tràn lan. ‘Diễn viên chính’ ở vở kịch thứ hai mang tên “Bộ Công thương” là ông Trần Tuấn Anh, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương phải từ chức ngày 31/1/2024 vì phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương.” Vở kịch thứ ba mang tên “Phúc Sơn”, trong đó ông Võ Văn Thưởng phải từ chức Chủ tịch nước ngày Vào ngày 20/3/2024 cũng với lý do “chịu trách nhiệm chính trị” liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn, sau hơn một năm một tháng ở cương vị này.

Vở kịch vừa hạ màn, mà diễn viên chính là ông Chủ tịch Quốc hội, mang tên “Thuận An”[2] có vẻ được dàn dựng công phu, khẩn trương hơn. Ngày 15/4/2024 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Từ đó, C03 đã “tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm liên quan” đến tập đoàn này. Ngày 21/4/2024, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội. Và, đến ngày 28/4 ông Chủ tịch Quốc hội phải từ nhiệm.

Trên đây là những tình tiết chính thức diễn ra trên sân khấu, tuy nhiên trong hậu trường kịch bản đã được chuẩn bị chu đáo: Hồ sơ vụ án, dọn đường công luận qua mạng xã hội, những cuộc họp kín về quy trình, thủ tục, lường trước hiệu ứng phụ không mong muốn có thể… Một sự kiện được các nhà quan sát quan tâm là trước khi phải thôi chức, ông Huệ được bố trí chuyến công du Trung Quốc khá dài ngày từ ngày 4 đến 9/4/2024). Tại Bắc Kinh ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, đã được ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiếp kiến, trong đó ông Tập khuyên ‘người anh em’ Việt Nam sử dụng “trí tuệ chính trị”[3] trong việc quản lý các mối quan hệ song phương trong bối cảnh hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” với cam kết “chia sẻ tương lai chung” nhưng đồng thời đang tìm cách giải quyết tranh chấp căng thẳng lãnh hải trên Biển Đông.

Sau diễn ngôn “trí tuệ chính trị” ông Tập Cận Bình đã muốn gửi thông điệp gì tới cá nhân ông Huệ nói riêng và giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam nói chung? Tất nhiên, ông Huệ đến Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng tranh giành quyền lực trước thềm đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) có lý do ‘ngầm’ của nó chứ không phải chỉ để nghe lời khuyên hãy ‘khôn ngoan hơn về chính trị’ trong ứng xử hay để “triển khai các thoả thuận” đã ghi nhớ trong cuộc gặp của hai ông Tổng bí thư hai Đảng CS Trung Quốc và Việt Nam hồi cuối năm 2023.

Mặc dù trong tâm thế bị động bởi ‘tự ty’ nước nhỏ và cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Nho giáo, người Việt có thói quen thường trực cảnh giác trước người ‘Tàu.’ Trong lịch sử người Trung Quốc từng được gọi theo thói quen xấu là người "Tàu." Cái danh xưng này không chỉ mang tính lịch sử đặc biệt, gắn liền với sự cai trị nghìn năm của phong kiến phương Bắc đối với dân Việt, nước Việt mà còn nghĩa ám chỉ sự ‘thâm nho’, kiểu ‘nói một đằng làm một nẻo’, của giới lãnh đạo phong kiến phương Bắc, một yếu tố văn hoá truyền thống, trong lời nói và hành động.

Giới quan sát nhận thấy một sự kiện ngoại giao ‘bất ngờ’ gây chú ý trước khi vở diễn “Thuận An” chính thức bắt đầu. Đó là chuyến công tác của bà Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh sang thăm và làm việc tại Hà Nội trong hai ngày 18-19/4. Bà Bộ trưởng Hạ được tiếp kiến[4] bởi các ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Việc triển khai ‘thông điệp’ “Trí tuệ chính trị” thế nào chỉ giới lãnh đạo cộng sản của hai nước biết, nhưng vở kịch, như đã trình bày ở trên, đã diễn ra.

img4056-17135267036101246574284.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một trong những lý do gọi đây là các vở diễn, trong đó những nhân vật chủ chốt, các quan chức lãnh đạo ở “vùng cấm” được chỉ đích danh phải “chịu trách nhiệm chính trị”, đã hạ cánh an toàn với những ‘bí ẩn cung đình’, nhờ sự chuẩn bị ‘chu đáo’, sự ‘sáng suốt’ của “trí tuệ chính trị” khi đã ban hành nhiều quy tắc, chỉ thị nội bộ để duy trì quyền lực Đảng, trong đó có Quy định số 41-QĐ/TW[5] của Bộ Chính trị ban hành ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Đảng Cộng sản Việt Nam. Những “bí ẩn cung đình” này là món nợ tiếp tục đè nặng lên lịch sử thăng trầm của dân tộc mà nhiều thế hệ sau phải minh bạch hoá và trả nợ. Những nỗi ám ảnh ăn sâu trong tâm trí các thế hệ nối tiếp: khi chiến tranh biên giới 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động xâm lược Việt Nam; tự tin về sự ‘am hiểu’ người Việt Nam, ông ta nói “dạy cho Việt Nam một bài học”. Những câu nói như “Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Mỹ đến người cuối cùng” cũng được ‘giải mật’ trong dịp này. Rồi “Mật ước Thành Đô” được cho là đã ký kết năm 1991 cũng vẫn chưa được công khai khiến cho các suy đoán trái chiều…

Đó là thực tế cuộc sống mà ta phải chấp nhận, dẫu biết rằng trong lịch sử nghìn năm cho đến thời hiện tại yếu tố độc hại từ văn hoá Trung Quốc, luôn có tác động quan trọng tới chính trường Việt Nam. Chúng ta đã ‘vẫy vùng’ để thoát khỏi nó mà không thể, thậm chí cả khi có cơ may. Nay nó lại ‘phát tác’ trong những tình huống kịch tính, đặc biệt với công tác nhân sự Đảng, theo nghĩa thực nhất bao gồm các lãnh đạo chóp bu, nhất là người đứng đầu Đảng, sau đó là tư tưởng của họ, ý thức hệ và thể chế.

Còn nhiều thứ không được công khai minh bạch nhưng liệu lịch sử đến bao giờ mới giúp chúng ta sáng tỏ về thực tế chúng ta đang sống!? Giải mã “Trí tuệ chính trị” mà ông Tập Cận Bình khuyên giới lãnh đạo Việt Nam trong bài viết là một nỗ lực đồng thời là hy vọng ‘rút ngắn’ lịch sử để tìm ra sự thật.

(Còn tiếp)

Tham khảo:

1. https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/trung-uong-dong-y-ong-vuong-dinh-hue-thoi-chuc-uy-vien-bo-chinh-tri-chu-tich-quoc-hoi-223630.html

2. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vu-an-tap-doan-thuan-an-khoi-to-bat-tam-giam-giam-doc-pho-giam-doc-ban-quan-ly-du-an-xay-dung-tinh-119240416104509767.htm;

3. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gv6199j7eo;

4. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-bo-truong-bo-tu-phap-trung-quoc-102240419184129305.htm;

5. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-41-qdtw-ngay-03112021-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-mien-nhiem-tu-chuc-doi-voi-can-bo-8336

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do.

‘Đòn hồi mã thương’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân

‘Đòn hồi mã thương’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú TrọngCác lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ trái qua): Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/5/2023-AFP

Lời nguyền ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Trọng vừa tuyên bố có thể bị phản đòn! Không có vùng cấm nhưng liệu ‘có vùng né’? Vụ AVG rồi đây Tòa án có dám hồi tố? Công an sang Đức bắt Trịnh Xuân Thanh làm hỏng quan hệ Đức – Việt, ai chịu trách nhiệm”?

___________

Không vùng cấm, nhưng có vùng né

Chiều 4/5/2024, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, người phát ngôn Bộ Công an cho biết quan điểm của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, liên quan đến những đại án gần đây được dư luận quan tâm. Trung tướng Công an Tô Ân Xô chia sẻ: ‘Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực’. Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm, Tổng bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (1). Mấy điểm này tuy không hoàn toàn mới nhưng khá nổi bật trong thông điệp của TBT. Một số giới quan sát cả trong lẫn ngoài nước vốn đang đặt vấn đề, sau mấy vụ đại án và với bối cảnh sự ra đi liên tiếp của ‘Tam trụ’: ông Phúc, ông Thưởng và ông Huệ, liệu cái lò của ông Trọng có giảm bớt nhiệt chút nào không? Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang chênh vênh? Một khi ‘Tam Tứ trụ’ đều ra đi cả thì có ‘vỡ bình’ không?

Chia sẻ của tướng Tô Ân Xô có phải là câu trả lời gián tiếp (được chuyển qua Bộ Công an) của Tổng bí thư cho mọi băn khoăn? Đấu tranh chống tham nhũng tới đây sẽ không thuyên giảm, sẽ phải ‘tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật…’ (2). Ý quyết tâm, quyết liệt thì chẳng có gì mới, nhưng lần đầu tiên, người dân được nghe Đảng trưởng nhắc đến ‘tinh thần thượng tôn pháp luật’. Tuyên bố có ý nghĩa ‘lên giây cót’ này của TBT có thể là ‘đòn hồi mã thương’ bí truyền (Giả vờ lui binh để nhử đối thủ rồi bất ngờ quay ngựa phóng thương để phản kích). Bởi vì suốt thời gian gần đây, dư luận thấy ông Trọng hầu như hoàn toàn im lặng, trước những lãnh đạo vừa ‘bị trảm’ mà dư luận coi đó là ‘con cưng’, là ‘thợ ruột’, là những ‘hạt giống đỏ’ TBT gieo trồng bao lâu nay. Thậm chí dư luận còn cho đó là những ‘thái tử’ đã được ông chọn để trao lại ‘vương quyền’. Nhưng không, Tổng Trọng như muốn cho mọi người biết, ông đã vào tuổi ‘Trượng Triều’, tức là tuổi có quyền cầm gậy đi vào Triều đình mà không ai có quyền ngăn cản. Huống hồ giờ đây chính ông đang là ‘Hoàng thượng’ mà phải chịu nghe những ‘lời ong tiếng ve’, rằng kế sách chống tham nhũng thất bại, rằng ông bị kẻ khác tiếm quyền, thao túng chính trường... Cho nên ông phải lên tiếng, cho dù chỉ là gián tiếp qua Bộ Công an.

Nhưng lời nguyền ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Trọng có thể bị phản đòn! Không có vùng cấm nhưng lại có ‘nhiều vùng né’, thưa Tổng bí thư! Vụ AVG mà tại đó ông Tô Lâm, lúc bấy giờ mới giữ hàm Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng đã ký ba công văn, đóng dấu ‘Tuyệt Mật’ để lấp liếm sự việc. Các bên liên quan đã nâng khống giá trị trong hợp đồng chuyển nhượng, chênh lệch bảy ngàn tỷ VND để chia nhau (3). Vụ này liệu rồi đây có bị hồi tố không, thưa TBT? Rồi còn vụ Bộ trưởng Công an Tô Lâm bay sang Đức, bắt nghi can Trịnh Xuân Thanh trên đất bạn, làm hỏng quan hệ Đức – Việt, ai chịu trách nhiệm? (4)? Đấy là chưa nói đồng giao trong cả nước bấy lâu nay đang công khai giễu nhại lực lượng ‘còn Đảng còn mình’, tức là đối với những công an từng ‘bắn nhầm dê, bế nhầm dân’. Trong lực lượng công an không thiếu những kẻ đạo tặc, bắt cóc trẻ con để vòi tiền chuộc, hoặc rủ nhau đi săn dê của dân về làm mồi nhậu (5). Trong khi Đại tướng Tô Lâm nói công an phấn đấu người dân đi ngủ không cần đóng cửa, thì vẫn theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hàng năm vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng (6).

Cuộc đấu đá giữa các phe phái…

Vẫn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ nói trên, một đại án khác đang ló dạng. Trung tướng Tô Ân Xô cho hay cũng vào chiều 4/5, mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan; tuy là ngày lễ 30/4, Cơ quan CO3 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) vẫn ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng (siêu Bộ) – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Mai Tiến Dũng bị bắt để điều tra về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ (7). Từ đại án đến tiểu án, tội danh chỉ gói gọn trong mấy từ cô đọng ấy thôi, nhưng nó phản ánh bản chất của hệ thống. Từng bị đề nghị thu hồi, dự án khu đô thị Đại Ninh sau đó được tiếp tục thực hiện khi Thanh tra Chính phủ sửa đổi kết luận điều tra. Đây là ‘siêu’ dự án đã khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vướng vòng lao lý. Như một ‘vết dầu loang’, lần này, nó lại ‘chảy’ ngược lên thượng tầng Ba Đình. Theo những nguồn tin không thể tiết lộ danh tính, vụ đại án mang tên Đại Ninh, không biết có phải vì cùng có hai chữ ‘Đại’, nhưng vụ này đang và sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy trong việc chọn cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội.

000_CL89Q (1).jpg
Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại họp báo ở Hà Nội hôm 30/6/2016. AFP

Trở lại với dư luận ở Hà Nội từ đầu tuần trước đã râm ran về việc, tại kỳ họp hôm 2/5 vừa qua, bà Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Trưởng Ban Tổ chức TW, sẽ được Đảng cử vào ngồi chiếc ghế trống do ông Vương Đình Huệ để lại. Nhưng điều này không xẩy ra đã đành, mà người ‘Phó thứ Nhất’ của ông Huệ, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng không được 500 đại biểu đưa ra bầu để thay ông Huệ như tin đồn. Vậy là hai chiếc ghế của Tứ trụ, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, đến nay vẫn để trống. Điều lạ lùng nữa là chỉ có một mẩu tin vắn về cuộc bỏ phiếu kín mà không có bất cứ bức ảnh nào đi kèm, nghĩa là báo chí Nhà nước cũng không được ‘tiếp cận hiện trường’. Dư luận còn nhớ, tại cuộc họp bất thường lần thứ sáu kỳ trước (ngày 21/3), bà Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, tuy chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng (tức là cấp bậc về Đảng thấp hơn vị trí của ông Mẫn), vậy mà bà Xuân vẫn được cử vào ghế Quyền Chủ tịch nước (8). Trong khi ông Mẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng chỉ ‘được phân công điều hành’ các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội.

Tại sao chức danh Chủ tịch nước chưa kiện toàn mà bà Võ Thị Ánh Xuân, cấp bậc Đảng thấp hơn, vẫn được ngồi vào ghế ‘quyền Chủ tịch’ nước? Còn ông Trần Thanh Mẫn, xin nhắc lại là có cương vị Đảng cao hơn, thì vẫn chưa được cử làm ‘Quyền Chủ tịch Quốc hội’? Bản chất của vấn đề ở đây phải chăng là, các bên liên quan vẫn chưa thỏa thuận được với nhau, người của ai ngồi vào ghế nào. Bởi vì, hai chiếc ghế của bà Mai để lại, cho đến nay, Tổng Trọng vẫn chưa tìm được người đủ tin cậy để mà trám vào. Khi hai cái ghế quan trọng ấy vẫn còn ‘bấp bênh’ chưa biết nên trao cho ai, thì ông Trọng chưa thể ‘gật’ để bà Trương Thị Mai bỏ lại hai vị trí ấy, để ngồi vào ghể Chủ tịch Quốc hội. Cuộc thương lượng giữa các phe phái, do đó, vẫn còn đang tiếp tục cho đến 20/5 tới đây, Quốc hội sẽ bước vào kỳ họp chính thức. Cuộc mặc cả giữa các phe được phóng sự của VOA ngày 3/5 phản ánh: ‘Sự ra đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người thứ 3 trong ‘Tứ trụ’ Việt Nam phải từ chức giữa nhiệm kỳ chỉ trong hơn một năm, đang cho thấy sự khủng hoảng về người kế nhiệm lãnh đạo Đảng và phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu (cronyism – mà thực chất là chủ nghĩa băng đảng) cũng như đấu đá nội bộ, theo nhận định của giới quan sát và truyền thông quốc tế’ (9).

_____________

Tham khảo:

(1 và 2) https://vtv.vn/phap-luat/khong-co-ngoai-le-trong-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-20240504195110696.htm

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50613569

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/second-accomplice-in-trinh-xuan-thanh-abduction-case-is-sentenced-to-five-years-in-prison-01312023094754.html

(5) https://vietnamthoibao.org/vntb-to-lam-muon-dan-ngu-khong-dong-cua-nhung-cong-an-thi-ban-nham-de-be-nham-dan/

(6) https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2023-kho-khan-ve-kinh-te-lam-tang-dieu-kien-phat-sinh-toi-pham-139868.html

(7) https://vietnamnet.vn/sai-pham-o-sieu-du-an-dai-ninh-3-600-ha-khien-nhieu-quan-chuc-bi-bat-2277241.html

(8) https://baochinhphu.vn/ba-vo-thi-anh-xuan-giu-quyen-chu-tich-nuoc-102240321121216671.htm

(9) https://www.voatiengviet.com/a/tro-choi-vuong-quyen-vuong-dinh-hue-va-chinh-truong-viet-nam-trong-con-mat-quoc-te/7596211.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

Sự nghiệp cuối đời hay cụ Tổng đang múa võ sơn đông?

 Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn

Sự nghiệp cuối đời hay cụ Tổng đang múa võ sơn đông?Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại họp báo kết thúc Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hom 1/2/2021 (minh hoạ)- AP

Năm lãnh tụ của chính thể Việt Nam “được” cho thôi chức ngang xương, trong đó hai vị chủ tịch nước buộc phải rời ghế khi nhiệm kỳ chưa trọn 700 ngày. Một chủ tịch quốc hội với những phát biểu đầy trăn trở về chống tham nhũng vặt khi còn là Phó thủ tướng, rồi với tuyên ngôn hùng hồn“Tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng chính sách” khi chuyển lên ghế Phó Chủ tịch quốc hội. Hai phó thủ tướng, một từng là gương mặt sáng của ngoại giao, già dặn kinh nghiệm quan hệ với quốc tế, một từng một thời là thần tượng lãnh tụ của giới trẻ; cả hai đều đang được xem là niềm hy vọng của chính trường Việt Nam.

Còn nếu tính đến thứ, cục, vụ, bí thư, chủ tịch, phó bí, phó chủ… các cấp đã trước sau theo nhau vào lò thì có lẽ phải chẻ hết trúc núi Nam làm lạt mới đủ xỏ xâu hết được.

Diễn biến mới nhất của cuộc đốt lò kinh hồn mang tên Nguyễn Phú Trọng khiến cả trong nội bộ Đảng lẫn dư luận bề nổi của (có lẽ là) đại đa số người dân đều kính phục và tôn sùng ông Trọng như vị anh hùng chống tham nhũng quyết liệt nhất từ trước đến nay.

Thế nhưng, về cơ cấu trong Đảng, tất cả năm vị lãnh đạo thuộc loại cao cấp nhất nói trên đều là đảng viên thuộc quyền quản lý cao nhất và trực tiếp của Ban chấp hành Trung ương Đảng, mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vậy để cho công bằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi năm vị ấy sai phạm chứ?

À không, không thấy ai nói gì đến việc này cả.

Anh hùng không chịu trách nhiệm!

Ông Trọng là anh hùng chống tham nhũng? Thế tại sao trong ba nhiệm kỳ của ông, có nhiều lãnh đạo cao cấp dính vào tham nhũng, hối lộ, bảo kê doanh nghiệp một cách bền vững và năm sau cao hơn năm trước đến vậy? Uy tín của Đảng giảm sút nghiêm trọng đến vậy?

Ông Trọng không làm tròn trách nhiệm người đứng đầu đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo trọn vẹn đất nước Việt Nam? Thế tại sao ông lại làm được cái việc trước ông chưa từng vị tổng bí thư nào làm nổi, là nhốt đến chật nhà tù hàng đống quan chức cao cấp nhất cùng những gương mặt đen lẫy lừng nhất trong giới tài phiệt?

Ông Trọng cũng là người thành công nhất trong việc khiến người dân Việt Nam mặc nhiên xem ông là người không thể bị nghi ngờ tham nhũng. Ai cũng có thể, riêng cụ thì không. Một người chống tham nhũng quyết liệt đến thế là người đã quyết chí đặt cược toàn bộ cuộc đời của mình cho sự nghiệp của Đảng của dân rồi. Nghi ngờ một tấm gương như thế có khác gì bôi bùn vào lửa?

Nói tóm lại là anh hùng. Nhưng anh hùng không phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.

Đấy là mâu thuẫn lồ lộ, một nghịch lý mồn một nhưng được mặc nhiên chấp nhận.

Nhưng có lẽ cái tính chất lập lờ hai mặt, nửa nạc nửa mỡ, thấy dzậy mà hổng phải dzậy mới chính là đặc điểm của nền chính trị Việt Nam.

Bắt đầu cuộc chiến chống quan chức tham nhũng của mình, ông Trọng (cho thấy) quyết tâm triệt tận nọc tham nhũng. Phương pháp của ông Trọng là trừng trị quan chức tham nhũng, đồng thời kêu gọi và hô hào các quan chức của Đảng và Chính phủ làm gương, nêu cao đạo đức, danh dự, thanh liêm, trong sạch…Nhưng chính phương pháp này lại là một sự vô lý khác.

Ở mặt phải, nó chứng tỏ quyết tâm trừng trị lũ tham quan và cảnh cáo mối quan hệ đen truyền thống quan chức-thương gia. Nhưng ở mặt trái, nó phản ánh sự bất lực của chính chủ trương chống tham nhũng, đồng thời bộc lộ nguyên nhân bản chất của nạn tham nhũng. Vì nếu các quan chức bị vào lò đều là “những người được đào tạo và thử thách ở cơ sở, trải qua rèn luyện trong nhiều vị trí” như thông báo của Ban chấp hành Trung ương, mà vẫn có thể tham nhũng và bao che sai phạm đến thế thì hiệu quả của bộ máy Đảng cộng sản thật sự phải xem xét lại.

Nguyên nhân của tham nhũng ở Việt Nam thì ai cũng thấy: nó là mâu thuẫn giữa quy định về trách nhiệm/nghĩa vụ của cán bộ đảng viên với phúc lợi chính thức họ nhận được. Một bí thư, chủ tịch cấp tỉnh muốn phát triển kinh tế địa phương nhiều khi phải mạo hiểm với những chính sách và ý kiến chỉ đạo của nhiều nhân vật không liên quan và không chịu trách nhiệm. Chức vụ càng cao, hay ý thức muốn cống hiến càng cao thì sự mạo hiểm này càng thường xuyên và tăng độ nguy hiểm. Thế nhưng một cán bộ lãnh đạo bằng quyết định (mạo hiểm) và trí tuệ của mình có thể đem lại lợi ích chung cho địa phương, hoặc giúp doanh nghiệp thu lãi đến hàng ngàn tỷ đồng, còn bản thân họ chỉ được phép nhận đồng lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Là những chức vụ cao nhất như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đấy. Chứ hầu hết cán bộ cấp dưới á, năm bảy triệu là hết nước chấm.

Điều đó có công bằng không?

Dĩ nhiên không công bằng. Ít nhất trong thâm tâm tuyệt đại đa số cán bộ đều nghĩ như thế. Còn những doanh nghiệp được hưởng lợi thì không cần nghĩ nữa, họ bù đắp sự bất công ngay bằng phong bì, hoặc bỏ vào thùng xốp…

Còn người dân (nói chung) thì thiết thực và sòng phẳng. Dân sẵn sàng chi tiền cho cán bộ để được giải quyết công việc ổn thỏa trong quy định của pháp luật. Với điều kiện là (cán bộ) ăn đúng mực thôi, nói suồng sã là ăn cơm rồi thì để cho người khác húp cháo với, và nhận tiền rồi thì làm việc theo đúng thỏa thuận. Đừng vì kiếm bánh mì mà vẽ rắn thêm chân, nhũng nhiễu hạch sách, nó mệt người và mất thì giờ lắm.

Thực tế xã hội Việt Nam đã vận hành như thế suốt mấy chục năm nay, bất kể các cuộc hô hào, các cao điểm chống tham nhũng hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác.

Thế nhưng Đảng dứt khoát không chấp nhận thực tế ấy.

Thế cho nên nó là điểm chết của toàn bộ các chủ trương chính sách chống tham nhũng từ xưa đến nay và từ nay đến mãi mãi về sau nữa.

Bọn phản động chúng bảo…

Bản chất của tham nhũng là lợi ích vật chất, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nêu cao ý thức đạo đức, danh dự, trách nhiệm với Đảng với tổ quốc với nhân dân… À cũng tăng lương cho công chức viên chức đầy, nhưng lương tăng chẳng bù với giá tăng.

Mà đói thì đầu gối phải bò. Vô số cán bộ đảng viên cấp dưới của đồng chí Tổng bí thư bò suốt ngày. Ngồi ở công sở vừa làm việc vừa bán hàng online. Có người bịt kín khẩu trang tránh bị đồng nghiệp nhận ra, rồi tan sở là chạy xe ôm công nghệ đến khuya. Có người bưng bê, rửa chén ở quán phụ người thân. Có người nhiều chữ hơn thì nhận làm dự án, viết luận án thuê, tham gia bất cứ công trình dự án chó chạy gà bay nào miễn có thù lao.
Những người khôn nhất thì đương nhiên bán chữ ký lấy tiền rồi.

Đấy là cái động cơ khổng lồ chi phối toàn bộ hành động của bộ máy nhà nước. Đem danh dự đảng viên hay sự gương mẫu để buộc nó quay ngược lại thì khác nào thổi hoa giấy ngược gió mà đòi nó phải trúng hồng tâm của tấm bia di động cơ.

Bắt, bắt, bắt… Cứ cho rằng người anh hùng Nguyễn Phú Trọng sẽ thực hiện được chí lớn cuối đời của ông là bắt sạch hết quan chức bẩn. Nhưng nỗ lực ấy cũng chỉ có thể khiến cỗ máy tham nhũng quay chậm lại một chút, rồi sau đó nó sẽ phục hồi quán tính, thậm chí còn quay nhanh hơn để bù lại những gì đã mất.

Tránh né mấu chốt này, vai trò và cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng không thể đạt hiệu quả thực sự như bộ máy truyền thông Nhà nước tung hô.

Còn cái bọn phản động thì ác mồm lắm. Chúng bảo: Cụ Tổng chỉ đang múa võ sơn đông thôi.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.


Nhân quyền không có tiếng nói

 Nhân quyền không có tiếng nói

Photo: RFA

Tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2023 được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là không có gì thay đổi so với các năm trước đó, trong khi báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế tiếp tục nhận định về tình trạng đàn áp nhân quyền ngày càng trầm trọng.

Các số liệu thống kê mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) thu thập được trong năm 2023 cho thấy chính quyền tiếp tục kìm hãm sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, đàn áp người thuộc sắc tộc thiểu số như người Thượng ở Tây Nguyên, người Khmer Krom ở Nam Bộ; sử dụng các Điều 117 và 331 Bộ Luật hình sự để bắt giam và kết án tù những người cất tiếng nói một cách ôn hoà; thi hành án tử hình với tù nhân đang kêu oan.

Artboard 1.png

Theo Báo cáo Nhân quyền 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 22/4/2024, tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2023, Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người do các hoạt động cổ xúy cho nhân quyền; trong số này có 162 người bị kết án và 25 người đang bị giam chờ ngày ra tòa.

Các số liệu thống kê được RFA tổng kết trong năm 2023 cho thấy, có ít nhất 39 người đã bị chính quyền bắt giữ trong năm 2023 với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trốn thuế, gây rối trật tự công cộng, chiếm đoạt tài liệu của Chính phủ.

Artboard 2.png

Đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên

Rạng sáng ngày 11/6/2023, hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị một nhóm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công. Vụ tấn công đã khiến chín người thiệt mạng, bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân.

Một số những nhận định của người Thượng ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế đã từng có nghiên cứu về vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên cho rằng nguyên nhân của vụ nổ súng là do kỳ thị sắc tộc, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, Chính phủ bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng những người tấn công bị xúi giục, kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số. Tổ chức FULRO lưu vong của người Thượng bị chính quyền cáo buộc đã kích động người Thượng trong nước, đòi thành lập Nhà nước Đề Ga.

daklak.jpg
Những người tình nghi tham gia vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 bị bắt giữ. Ảnh: Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động

Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vào ngày 19/1/2024 đã tuyên án tù 100 người Thượng liên quan đến vụ tấn công (trong số này có sáu người đang ở nước ngoài).

Mười người bị kết án chung thân với cáo buộc “chủ mưu”. Cụ thể các mức án bao gồm, 53 người bị kết tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 người bị khép tội “khủng bố”. Hai tội danh còn lại “tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, và “che giấu tội phạm”. 

Ông Y Quynh Bdap, một trong số sáu người bị xét xử vắng mặt dưới cáo buộc phạm tội “khủng bố”, và bị tuyên án 10 năm tù giam, cho đài RFA biết sau khi phiên toà kết thúc:

“Đây là cáo buộc phi lý, họ không đưa ra bằng chứng nào mà lại cáo buộc tôi như vậy. Cái mức án mà họ đưa cho tôi là không đúng. Tôi đâu có tham gia vào vụ này mà họ lại xử tôi với mức án 10 năm.”

Áp dụng Điều 331 và Điều 117 Bộ luật Hình sự

Hai Điều 331 và 117 của Bộ luật Hình sự tiếp tục được áp dụng chủ yếu trong các vụ bắt giam và kết án tù những người cất tiếng nói chỉ trích ôn hoà ở trong nước. Số người bị bắt vì hai điều này trong năm 2023 chiếm hơn một nửa tổng số tù nhân lương tâm bị bắt giữ trong năm. Tổng số năm tù của những người bị kết án theo Điều 331 trong năm 2023 là 39 năm, tổng số năm tù theo Điều 117 trong năm 2023 là 49,5 năm.

Artboard 1.png

Số liệu thống kê mà RFA tổng hợp được cho thấy có ít nhất 24 người bị bắt giam trong năm 2023 theo Điều 331; 11 người bị kết án theo điều này.

Trong năm 2023, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất ba người Khmer Krom với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Người Khmer Krom là một bộ phận của dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam và vẫn duy trì nét văn hóa cũng như tôn giáo đặc trưng của dân tộc Khmer.

Những người này đã bị kết án tù từ ba năm sáu tháng đến bốn năm tù trong các phiên toà vào năm 2024.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 1/4/2024 đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc kết án tù những người Khmer Krom này bao gồm các ông: Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng những người này đã bị bỏ tù “vì cổ vũ một cách ôn hòa cho nhân quyền, bao gồm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.” 

Điều 331 cũng được sử dụng trong các vụ bắt giữ và kết án tù những người tranh cãi và nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội mà điển hình là vụ đôi co trên mạng xã hội giữa bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương)​​ và những người khác từ năm 2021 đến năm 2022. 

Bà Hằng sau đó đã bị bắt giam trong năm 2022 với cáo buộc vi phạm Điều 331. Trong năm 2023, ba người khác liên quan đến vụ đôi co này cũng bị bắt giữ theo Điều 331 là nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, hai luật sư Trần Văn Sĩ và Đặng Anh Quân. 

Trong năm 2023, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất năm người và truy nã một người với cáo buộc vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự - “tuyên truyền chống Nhà nước". Bảy người bị kết án tù theo điều này trong năm 2023, trong đó có blogger Nguyễn Lân Thắng của Đài Á Châu Tự Do.

Cả hai Điều 331 và 117 đều bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là mù mờ và thường được dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

social_media (13).jpg
Blogger Nguyễn Lân Thắng cùng vợ con tham gia cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016. Ảnh: FB Nguyễn Lân Thắng

Đàn áp xã hội dân sự

Tiếp nối những vụ bắt giữ và kết án hàng loạt các nhà hoạt động môi trường trong các năm 2021 và 2022, trong năm 2023, chính quyền tiếp tục bắt giữ thêm hai nhà hoạt động môi trường và một người trong tổ chức xã hội dân sự. Đó là bà Hoàng Thị Minh Hồng - sáng lập viên và giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE), và ông Nguyễn Sơn Lộ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (SENA).

Bà Hồng (51 tuổi) vào cùng năm đã bị toà tuyên án ba năm tù về tội trốn thuế. Đây cũng là cáo buộc tương tự được áp dụng cho các nhà hoạt động môi trường khác bị xét xử trước đó.

Vụ bắt giữ bà Hồng và bà Nhiên trong năm 2023 đã đưa tổng số nhà hoạt động môi trường bị Hà Nội bắt giữ trong vòng bốn năm qua lên sáu người.

image (3).gif
Bà Hoàng Thị Minh Hồng (trái) và bà Ngô Thị Tố Nhiên. Ảnh: CIVICUS, Goethe Institute

Ông Nguyễn Sơn Lộ (sinh năm 1948) bị toà tuyên hai án tổng cộng năm năm tù với cáo buộc tội vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong năm 2023, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên án 28 tháng tù đối với ông Hoàng Ngọc Giao (sinh năm 1954) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD). Ông Giao bị cáo buộc tội trốn thuế. 

Án tử hình

Vào sáng ngày 22/9/2023, tử tù Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bất chấp việc tử tù và gia đình đã kêu oan suốt 18 năm qua về những khuất tất trong việc điều tra vụ án và cáo buộc công an dùng nhục hình.

Việc thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh đã khiến dư luận quốc tế chú ý. Báo cáo viên đặc biệt về giết người phi pháp của Liên Hiệp Quốc​​ đã lên án vụ thi hành án và kêu gọi Việt Nam tuân thủ các cam kết với quốc tế về đảm bảo quyền lợi của tử tù và minh bạch trong việc thực hiện các án tử hình.​​

Trong thông cáo báo chí công bố hôm 2/10, báo cáo viên đặc biệt Morriz Tidball-Binz viết: “tôi quan ngại về việc thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh bất chấp những kêu gọi ân xá vào khi có những nghi ngờ về một phiên tòa công bằng và có những cáo buộc về tra tấn để lấy lời khai được dùng để chống lại anh ta và dẫn đến án tử hình này.”

Lê Văn Mạnh là một trong ba trường hợp tử tù kêu oan nhiều năm được dư luận và báo chí chú ý nhất trong các năm qua. Các trường hợp khác bao gồm tử tù Hồ Duy Hải và Ngô Văn Chưởng hiện vẫn chưa bị thi hành án.

Theo báo cáo của Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) về án tử hình công bố năm 2023, Việt Nam đứng thứ tám trong bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án. Năm 2021, nước này đứng thứ bảy với 119 người.​​

Số liệu thống kê mà RFA tổng kết theo báo Nhà nước cho thấy, trong năm 2023, các toà án tại Việt Nam đã tuyên án tử hình ít nhất 248 người.

Các tội thường bị kết án tử hình nhiều nhất là buôn bán, vận chuyển ma tuý; tội giết người.

Tuy nhiên, số liệu về việc thi hành án tử hình tại Việt Nam vẫn là bí mật quốc gia nên hiện không có thông tin chính thức về số người bị thi hành án tử hình tại Việt Nam trong thời gian qua.

Một bài báo trên báo Thanh Niên năm 2021 trích dẫn số liệu từ Viện trưởng Viện KSND​​ tối cao giai đoạn 2016 - 2021 cho biết, có 1.644 trường hợp đang chờ thi hành án tử hình.

Chết trong đồn công an

Có ít nhất năm người chết khi bị tạm giữ trong năm 2023, theo số liệu thống kê RFA tổng hợp từ các báo của Nhà nước. RFA đã phỏng vấn người thân của ba nạn nhân và đều được cho biết có những nghi vấn về khả năng người thân của họ có thể đã bị tra tấn dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, công an không thừa nhận có việc tra tấn những người này.

Tình trạng nghi phạm bị chết trong đồn công an đã gây chú ý trong thời gian gần đây khi báo chí và mạng xã hội tại Việt Nam thường loan tải tin và hình ảnh về các vụ việc này. Tuy nhiên rất hiếm trường hợp công an chịu trách nhiệm trong các vụ này phải ra toà và chịu án phạt.

Hồi tháng 1/2023, một trung uý công an tại TPHCM đã bị bắt tạm giam để điều tra về tội dùng nhục hình khiến một bị can tử vong.

Vào tháng 9/2023, một thượng uý cảnh sát hình sự ở tỉnh Bình Thuận bị tước danh hiệu Công an Nhân dân vì có liên quan đến cái chết của một nghi phạm trong đồn công an vào cùng năm.

Hồi tháng 3/2019, Uỷ ban Nhân quyền LHQ đã yêu cầu Việt Nam phải giải trình về vấn đề người dân chết khi bị giam giữ. Đại diện phái đoàn Việt Nam khẳng định phạm nhân cảm thấy “day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình mà dẫn đến bị quan mà tự tử", lý do thứ hai được đại diện Việt Nam cho LHQ biết là do bệnh lý.