Sunday, November 27, 2016

Cá nhân “anh hùng” nhưng người dân thì cùng khổ

Hồ Phú Bông (Danlambao) - Nhân vật lừng lẫy của đảng cộng sản Cuba mới qua đời. Ông Fidel Castro.

Người Cuba lưu vong thì “ăn mừng” còn người tại Cuba lại lặng lẽ. Thái độ tương phản đó nói lên sự chia rẽ trong lòng người Cuba. Và ai là trung tâm gây nên chia rẽ đó?

Một người, được gọi là “anh hùng”, mà là trung tâm của chia rẽ tình tự dân tộc, theo tôi, không đáng được trân trọng. Có thể ông Fidel yêu nước nhưng cho đến cuối đời vẫn tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, một thứ chủ nghĩa chỉ đem lại nghèo đói và lạc hậu khắp thế giới và riêng cho đất nước và dân tộc ông, thì câu hỏi phải có, đó là ông yêu nước hay yêu tham vọng quyền lực của chính ông?

Chính việc ông nhường lại chức vụ vì lý do sức khỏe, năm 2006, và trao toàn quyền cho em trai ông, ông Raul Castro năm 2011, là câu trả lời. Vì, nếu cộng sản là con đường đúng thì tại sao không có người tài giỏi nào khác tiếp nối mà chỉ trong vòng anh em?

Không riêng gì ông Fidel, cộng sản Bắc Hàn cũng cha truyền con nối. Còn cộng sản Tàu, cộng sản Việt thì ma mãnh hơn, kết thành nhóm cộng sản ròng để chia nhau quyền lực. Cứ xem thế hệ “Thái tử đảng” thì rõ. Giới lãnh đạo chóp bu không gửi con cháu qua học hỏi ở các nước đàn anh cộng sản nhưng lại gửi qua các nước tư bản, một kẻ thù không đội trời chung của cộng sản, để học hỏi rồi trở về cai trị.

Tranh đấu để đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân hay để bị rơi vào lạc hậu, nghèo đói triền miên trong lúc gia tộc giới lãnh đạo thì giàu có xa hoa? Vì thế, ca ngợi một “anh hùng” hay ca ngợi một đất nước không có “anh hùng” nhưng dân tộc được hạnh phúc ấm no?

Ai cũng nhân danh “nhân dân” nhưng nhân dân có hạnh phúc hay không, đó là vấn đề cốt lõi. Theo tôi, ai đem lại cho người dân hạnh phúc mới là anh hùng! Còn lại chỉ là thứ anh hùng chữ nghĩa, anh hùng chủ nghĩa trên giấy... thì phải bị phê phán.

Cuba dưới thời Fidel Castro không khác mấy với cộng sản Việt Nam thời chiến tranh Nam Bắc. Đói khát, lầm than... để được thế giới cùng phe ca ngợi là “anh hùng”!

Việt Nam là bãi chiến trường giữa cộng sản quốc tế và khối Tự do. Cuba là bãi chiến trường giữa cộng sản Cuba với Tư bản Hoa Kỳ. Giới lãnh đạo chóp bu hai nước cộng sản nầy đã đưa hai dân tộc vào điêu linh khốn khổ, nghèo đói và lạc hậu thì sự phán xét không còn riêng của người dân chịu thống khổ của dân tộc đó mà phải thuộc về lương tri nhân loại.

Còn những lời ca ngợi “có cánh” của người ngoài cuộc chỉ là tiếng vỗ tay của bầy kên kên trên xác chết!

26/11/2016


Xây dựng văn hóa tranh luận và phản biện

Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Không thể chối cãi là trong vài trăm năm qua, sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật đã nâng cao đời sống của nhân loại rất đáng kể. Từ phương tiện sản xuất, máy móc đến hệ thống giao thông, y tế và thông tin liên lạc đã biến đổi đời sống làng xã, nông nghiệp thành những đô thị công nghiệp tân tiến. Thời nay, người ta có đủ phương tiện để đi vòng quanh thế giới. Thậm chí có thể thám hiểm cả vũ trụ. Tất cả là nhờ vào khoa học và phương pháp khoa học. Mà phương pháp khoa học căn bản là dựa trên văn hóa tranh luận và phản biện. Có nghĩa là các giả thuyết và lý thuyết khoa học phải trải qua một tiến trình trắc nghiệm để loại bỏ mọi khiếm khuyết đến nỗi có thể áp dụng trong đời sống thực tế một cách hiệu quả và đạt lòng tin hầu như tuyệt đối của tất cả mọi người.

Không chỉ trong khoa học thiên nhiên mà trong khoa học xã hội cũng vậy. Các giả thuyết hoặc lý thuyết về xã hội hoặc chính trị cũng phải trải qua một tiến trình cọ xát dưới một ánh mắt hoài nghi khoa học (scientific skepticism). Chân lý không tự nhiên xuất hiện mà là kết quả của một cuộc tranh luận và phản biện liên tục không ngừng nghỉ. Mọi ý tưởng hoặc lập luận được đối chiếu từ nhiều góc cạnh khác nhau. Nhờ vào phương tiện tranh luận và phản biện khoa học mà các quốc gia văn minh và dân chủ đã thành công trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân của họ rất nhiều. Nếu một dân tộc, chẳng hạn như dân tộc Việt Nam không tạo điều kiện cho văn hóa tranh luận và phản biện có cơ hội phát triển thì có nghĩa là dân tộc đó sẽ mãi tụt hậu và bị thế giới bỏ xa. Tranh luận và phản biện là nền tảng của một xã hội dân chủ, đa nguyên và sáng tạo. Một tập thể, tổ chức cộng đồng cũng không ngoại lệ. Thiếu tranh biện lành mạnh sẽ dẫn đến kết quả là tập thể đó chấp nhận những ý tưởng cũ kỹ giáo điều không phù hợp với thực tế. Hậu quả là tập thể đó ngày càng xa rời và tự đánh mất sự hậu thuẫn của quần chúng.

Tranh luận không phải là cãi bừa hoặc tranh chấp. Chữ ''luận'' có nghĩa là người ta thi đua bằng lý luận dựa trên kiến thức và lập luận khoa học. Phản biện không phải chỉ đơn thuần là phản đối mà mục tiêu là để hoàn thiện một giả thuyết hoặc ý tưởng nào đó. Trong thể chế dân chủ, tranh luận và phản biện được thiết chế hóa qua hệ thống Quốc Hội đa đảng gồm có đảng nắm quyền và đảng đối lập. Dưới hệ thống thông luật (common law system), tranh biện hoặc phản biện (adversarial system) được coi là công cụ tốt nhất để tiếp cận sự thật và công lý. Ý tưởng và lập luận thi đua với nhau. Cái nào hợp lý có tính thuyết phục cao thì sẽ đứng vững. Cái nào không hợp lý hoặc thiếu căn cứ thì sẽ bị loại. Khi tranh luận, mọi người tham gia có cơ hội học hỏi lẫn nhau tựa như hai võ sĩ thi đấu có thể mang những chiêu thức mới ra thử nghiệm xem có hiệu quả hay không. Tranh luận và phản biện khoa học là điều kiện khơi thông tư duy sáng tạo và sáng kiến. Không có tranh luận và phản biện, theo lời của Gs Ngô Bảo Châu, thì "xã hội đã chết lâm sàng". 

Nguyên nhân chính mà đất nước Việt Nam tụt hậu là vì đảng Cộng Sản Việt Nam đã giành độc quyền chân lý. Chính sách của đảng ban ra chẳng khác gì chiếu chỉ của vua. Ban Tuyên giáo có nhiệm vụ đúc kết các chiếu lệnh này và biến chúng thành giáo điều. Người nào tranh luận hoặc phản biện thì sẽ bị chụp cho cái mũ ''phản động'' hoặc ''tự diễn biến'' rồi bị đảng bắt bỏ tù dưới những điều luật hình sự phi lý được gọi là "tuyên truyền chống nhà nước'' trong khi đảng kiểm soát hết tất cả các cơ quan và hệ thống truyền thông. Thật ra đây là tội khi quân của thời phong kiến xa xưa mà bây giờ đảng áp dụng thành tội ''khi đảng''.

Nhưng văn hóa Khổng Nho là đồng minh hữu hiệu nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam và cũng đối thủ nguy hiểm nhất ngăn cản một nước Việt Nam phát triển văn minh và tiến bộ. Dưới triều đại của đảng và đạo Khổng, chân lý được áp đặt từ trên xuống dưới. Tranh luận và phản biện là hỗn xược và trái với đạo lý ''quân, sư, phụ''. Trong gia đình, cha mẹ chỉ bảo cho con cái và ''con cãi cha mẹ trăm đường con hư''. Trong giáo dục, thầy cô phán sao là vậy. Không có thắc mắc hoặc chất vấn. Hơn 2000 năm trước đây, triết gia Aristotle đã từng nói rằng "thầy rất đáng kính nhưng chân lý còn đáng kính trọng hơn thầy"I Trong khi đó, văn hóa phong kiến và gia trưởng đề cao sự tuân phục tuyệt đối. Không được phép nói trái ý vua, trái ý cha mẹ, trái ý thầy hoặc trái ý đảng. 

Hoàn cảnh xã hội và địa lý cũng ảnh hưởng đến tâm lý con người. Người Việt quen sống chung gần gũi trong đại gia đình gồm có ông bà, cha mẹ, anh chị em và cô chú bác nên đề cao truyền thống ''dĩ hòa vi quý''. Phong cảnh hữu tình với những cây đa, con đò, cái cầu tre làm cho người Việt rất giàu tình cảm. Theo Hà Thị Thùy Dương, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa duy tình thể hiện qua câu nói"một trăm cái lý không bằng một tý cái tình". Bởi vậy, khi nghe những ý kiến trái nghịch thì dễ làm chúng ta cảm thấy rất khó chịu hoặc bị xúc phạm, tức giận rồi mặt đỏ tía tai. Tư duy gia trưởng và duy tình ăn sâu vào nếp sống và lối suy nghĩ của mọi người rồi trở thành thói quen. Từ đó dẫn đến tâm lý tránh né các vấn đề nhạy cảm. Hoặc khi tranh luận không dằn được cảm xúc đến nỗi sử dụng ngôn từ nặng nề biến cuộc tranh luận trở thành chửi lộn rồi đào sâu chia rẽ và hận thù thay vì cùng hướng dẫn nhau đi tìm chân lý.

Thật ra trong quá khứ đã từng có những cuộc tranh luận giữa các nhà Nho rất tao nhã và đẹp mắt. Điển hình là cuộc bút chiến qua 24 bài thơ xướng họa giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị. Nổi bật nhất là bài ''Tôn Phu Nhân quy Thục''.Chúng ta hãy thưởng thức một màn ''đánh lộn'' của các cụ nhà Nho thời xưa:

Bài xướng của Tôn Thọ Tường

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng

Bài họa của Phan Văn Trị

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông.
Ngút tỏa trời Ngô un sắc trắng,
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng.
Hai vai tơ tóc ngang trời đất,
Một gánh cương thường nặng núi sông.
Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng!

Đây là một cuộc tranh luận quyết liệt và không tương nhượng về chính kiến giữa hai nhà Nho yêu nước. Quan điểm và lập luận hoàn toàn đối nghịch với nhau. Một bên thân Pháp và bên kia chống Pháp. Nhưng lời lẽ thể hiện thái độ nho nhã, bặt thiệp đưa nghệ thuật văn chương lên đến đỉnh cao làm cho đối thủ phải tâm phục khẩu phục.

Ngụy biện

Kẻ thù lớn nhất của văn hóa tranh luận và phản biện là ngụy biện. Có nhiều hình thức ngụy biện nhưng phổ biến nhất và nguy hiểm nhất là công kích cá nhân hoặc ''bỏ bóng đá người''. Thay vì đưa ra những luận điểm đối chiếu với những điều của tác giả thì người sử dụng hình thức ngụy biện này tìm cách hạ thấp tác giả bằng hình thức sỉ nhục, chửi rủa hoặc mạ lỵ hoặc mang một điểm tiêu cực gì khác không liên quan tới vấn đề để hạ thấp uy tín của tác giả.

Một hình thức ngụy biện khác là xuyên tạc. Có nghĩa là trích dẫn một đoạn hoặc một phần ý tưởng của tác giả rồi diễn giải khác đi và có lúc hoàn toàn ngược lại để vu khống và chụp mũ tác giả. Hoặc đánh lạc hướng bằng cách đánh tráo đề tài hoặc khái quát hóa thái quá (quơ đũa cả nắm). Những người cộng sản thuộc về bậc thầy của ngụy biện. Nhưng cũng có những người sống trong một xã hội dân chủ nhưng có tư tưởng độc tài hoặc độc đoán thường hay sử dụng những hình thức ngụy biện để áp đặt quan điểm của họ thay vì sử dụng lý lẽ hoặc lập luận khoa học để thuyết phục người khác.

Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng văn hóa tranh luận và phản biện khoa học và lành mạnh. Hầu như tất cả mọi người làm truyền thông đều theo đuổi một lý tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ. Những nhà truyền thông Việt Nam chân chính còn mang một trách nhiệm nặng nề đối với tổ quốc là góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, phát triển và nhân bản dựa trên những giá trị vĩnh cửu là tôn trọng sự thật, tính khách quan và công bằng. Chúng ta không thể tranh đấu cho sự thật bằng cách sử dụng một hình thức dối trá hoặc ngụy biện này để đánh đổ một hình thức dối trá hoặc ngụy biện khác. Không thể tranh đấu cho công lý bằng cách đối xử bất công hoặc kỳ thị đối với thành phần hoặc quan điểm thiểu số trong xã hội hoặc tập thể cộng đồng.

Trong thời đại internet hiện nay, bất cứ ai cũng có thể làm một nhà truyền thông. Có nhiều diễn đàn hầu như không có chủ bút hoặc chủ quản. Thiên hạ tha hồ phát biểu ý kiến trong đó có cả nhiều ngôn từ tục tĩu, vô văn hóa cùng với vô số hình thức ngụy biện. Do đó, không chỉ có chủ bút hoặc chủ quản mà tất cả mọi người gồm có tác giả, độc giả cũng như còm sĩ đều có trách nhiệm nhận dạng những hình thức ngụy biện để tránh né cũng như góp phần xây dựng văn hóa tranh luận và phản biện khoa học và lành mạnh hầu đưa đất nước Việt Nam sánh bước cùng năm châu tiến tới một xã hội văn minh, tiến bộ và nhân bản.


Báo cáo “Toàn Cảnh Thảm Họa Môi Trường” đến với ngư dân miền Trung

Green Trees - Những ngày qua, một số đại diện của nhóm Green Trees đã đến Hà Tĩnh và Nghệ An để trao tận tay báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển miền Trung” cho ngư dân - những người chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thảm họa này.

Đây là những đại diện cho hơn 10.000 thành viên của Green Trees, và cũng là đồng tác giả của báo cáo.

Tình hình môi trường ở các tỉnh miền Trung vẫn không có gì tiến triển. Mặc dù ông Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà mới đây tuyên bố “biển đã sạch”, nhưng ngư dân không nhận thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó. Hàng chục chiếc ghe vẫn phủ vải nằm im trên bãi. Ngư dân gần như đã bỏ biển.


Ông Lê Xuân Thế (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, từ khi thảm họa xảy ra (được tính là từ ngày 6/4/2016), ông chỉ đi biển có… ba lần, mà đi là do quá nhớ biển, nhớ nghề, chứ không phải do còn hy vọng đánh bắt được cá.

Có vài ngư dân khác thỉnh thoảng cũng đi biển, nhưng số lượng hải sản đánh bắt được rất ít, theo ghi nhận của chúng tôi. Họ đã phải bắt đến cả cá con, mực con, điều này đe dọa khả năng phục hồi của các loại sinh vật biển. Ở trong một ghe, giữa lèo tèo vài con cá, chúng tôi đã trông thấy một cá mập con, dài chỉ chừng 60cm.

Thị trường tê liệt

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất chưa phải là không còn hải sản để đánh bắt, mà là hải sản mang về hầu như không bán được vì không còn ai tiêu thụ. Cũng vấn có một số tư thương vẫn đến mua của bà con, nhưng họ ép giá rất mạnh. Ví dụ như ghẹ, trước khi có thảm họa, giá có thể lên tới 400.000 đến 500.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn trên dưới 100.000 đồng. Số hải sản đó được họ chuyển đi đâu sau khi mua và xử lý như thế nào, cũng không ai biết.

Nhìn bãi biển vắng tanh vắng ngắt và các mâm cơm không có cá, các thành viên của Green Trees hiểu rằng: Nghề đánh bắt, kinh doanh hải sản ở các vùng biển một thời rất giàu tôm cá, nay đã chết. Nghề này chỉ có thể sống lại khi thị trường hải sản đã được khơi thông, mà thị trường hải sản thì chỉ có thể được khơi thông khi người mua, người bán tin chắc là biển đã sạch. Niềm tin đó giờ ở đâu?

Không chỉ nghề đánh bắt hải sản, các nghề khác có liên quan đến biển như kinh doanh du lịch, làm muối, làm sỏi… cũng đều bế tắc. Dân bỏ nghề, ruộng muối bỏ không, nhà nghỉ, khách sạn ế khách.

Bốn tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa đều là địa phương có biển, tỷ lệ sinh rất cao (vì đặc thù của nghề đi biển là tiêu hao sức lao động, cần lao động nam). Mỗi hộ gia đình đều sinh trung bình 6 - 7 con, nhà nào hiếm lắm thì 3 - 4 con. Thảm họa vừa qua đã làm số thanh niên trai tráng thất nghiệp, bỏ biển tăng vọt. Họ ở nhà chơi cả ngày. Có một số tìm đến lối thoát khác, là theo tàu đánh bắt xa bờ ở miền Nam, hoặc trốn sang Lào, Campuchia, Thái Lan làm thuê (nhập cư bất hợp pháp).

Hoàng Tiến Sỹ, một ngư dân trẻ, là người đã từng lái tàu đưa các tác giả báo cáo ra gần nơi Formosa xây cảng nước sâu Sơn Dương vào tháng 8 vừa qua. Em cho biết, đó là lần đầu tiên em đi biển kể từ xảy ra thảm họa. Mới đây, lúc nhóm gặp lại em là lúc em đang ngồi chơi trước cổng nhà. Em nói: “Mọi việc vẫn rứa”, và tỏ ra rất vui khi được Green Trees ký tặng một cuốn báo cáo.

Bồi thường không thỏa đáng

Liên quan đến khoản bồi thường 500 triệu USD của Formosa, chính quyền xã Kỳ Lợi đã tiến hành thống kê thiệt hại của người dân theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 19/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa có hộ nào được chi trả. Xin lưu ý "Ngay cả khi được bồi thường, thì thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa cũng chỉ là sáu tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016".

Còn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chính quyền đã và đang trả tiền bồi thường cho dân. Tuy nhiên, phần lớn cư dân bị áp một mức chung là 17.460.000 đồng cho cả sáu tháng. Trong khi đó, theo kê khai của ngư dân, trước khi xảy ra thảm họa, thu nhập của họ đạt trung bình 2 triệu đồng/ngày.

Mức bồi thường không thỏa đáng đang gây bức xúc cho rất nhiều người dân.

Bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển” của nhóm Green Trees được xuất bản vào đầu tháng 10, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Đài Loan.

Green Trees đã gửi báo cáo đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, và hai bộ Tài nguyên - Môi trường, Thông tin - Truyền thông, nhưng không nhận được phản hồi nào từ đó đến nay.

-->

Biển vẫn... sạch và cá vẫn chết

CTV Danlambao - Mặc dù đồng chí Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà khăng khăng tuyên bố “biển đã sạch” nhưng các phần tử phản động, nghe lời xúi dục của các thế lực phản động vẫn khăng khăng lăn đùng ra chết để làm xấu mặt đồng chí bộ trưởng bộ tài môi.

Bè lũ phản động cá chết mới nhất này đã phơi bụng trắng hếu bên bờ biển Đông, kéo dài từ thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ đến thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh) thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Kể từ ngày 24.11.2016 đến nay, xác cá nổi trắng dọc bờ biển, tổng cộng ước tính là 10 tấn cá.

Các quan chức phò Formosa cũng đến hẹn lại lên - vớt vài chú cá phản động và múc vài lon nước biển về... đồn côn an tra khảo theo đúng quy trình. Tuy cuộc điều tra chưa xong và sẽ không bao giờ thật sự hoàn tất nhưng các quan chức đã mượn đại lời của người dân địa phương để phán rằng nguyên nhân có thể do tảo đỏ, vì hiện tượng này cũng từng xảy ra tại một số vùng biển của địa phương những năm trước.

Đây cũng là nguyên nhân được các đồng chí nói láo đỉnh cao dõng dạc tuyên bố khi hàng loạt cá chết xảy ra vào tháng 4/2016 tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Với nguyên nhân cá chết vì tảo đỏ này do đó được cho là không độc hại, nhiều người dân đã đi bắt hải sản chết về để bán hoặc tiêu thụ. 

Theo người dân địa phương, chưa bao giờ có hiện tượng cá chết hàng loạt nhiều như vậy tại vùng biển này. Tương tự như vậy cho suốt vùng biển Việt Nam - chưa bao giờ cá chết hàng loạt trước khi có Formosa.

Biển vẫn cứ sạch và cá vẫn cứ chết bất chấp lời tuyên bố chắc nịch của bộ trưởng bộ tài môi. 

27.11.2016


“TPP Không Có VN Thì Không Có Ý Nghĩa Gì”?

Anh Văn-28-11-2016
(VNTB) - Nếu như xét trên những lợi ích áp lực địa chính trị của Việt Nam đối với Trung Quốc thì tuyên bố lặp lại của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển về việc, TPP không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì cũng đúng về một mặt nào đó.



Chính trị - sự nứt trục Á châu

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược ngoại giao xoay trục Á châu của Mỹ. Bởi ngay từ năm 2013, ông Danny Russel, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương, còn nói rõ thêm về vị trí của Việt Nam và Đông Nam Á trong chính xác định “Việt Nam là một tác nhân chủ chốt trong ASEAN vào một thời điểm mà sự tham gia của Mỹ vào trong các tổ chức (khu vực) […] là một đối tác đàm phán quan trọng của Hiệp ước thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP”.

Trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia nổi trội trong va chạm chủ quyền và là nước phản ứng gay gắt với các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông với những nước cờ thích hợp trong tương tác chiến lược địa chính trị. Việc Mỹ gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam chính là xác tín điều đó, tạo điều kiện hơn nữa trong bổ trợ vai trò bảo vệ an ninh hang hải của Mỹ tại vùng biển Đông nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, khi Trung Quốc đã thành công một phần nào đó trong quan hệ với Philippines, Malaysia, Campuchia,… thì vai trò đối trọng tiềm lực của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong sự kiềm hãm mối đe dọa đến từ Bắc Kinh của Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách xoay trục Á Châu thời kỳ Tổng thống Trump có thể thay đổi, khi ông đề ra chính sách đối ngoại chính trị nhấn mạnh đường lối giao “tự chủ” cho các nước, tức là chính sách đối ngoại biệt lập thì có thể khiến Việt Nam mất đi công cụ ngoại giao, chiến lược quan trọng trong xử lý vấn đề Trung Quốc tại Biển Đông, cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu cũng bị phá vỡ. Trong khi đó, Việt Nam có thể tìm kiếm một sự hợp tác về chính trị - an ninh hàng hải với các đối tác song phương có trùng quan điểm “quan ngại” nguy cơ trỗi dậy quân sự của Trung Quốc trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,…

Đó là lý do vì sao, trong bài phỏng vấn trên Vietnamnet, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định: TPP có thể chậm lại, đàm phán thêm. Nhưng bỏ TPP sẽ mất đi một khoảng trống quyền lực đối với Trung Quốc. Như vậy Mỹ thiệt, đồng minh của Mỹ thiệt chứ không phải Việt Nam.


TPP – mất sức hấp dẫn

Với công cụ thứ hai của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương là TPP đã có nguy cơ bị mất sức hút, khi ông Trump lên tiếng đòi rút khỏi hiệp định thương mại này. TS Lê Hồng Hiệp trong một bài đánh giá có liên quan đã diễn giải (*), quan hệ Việt – Mỹ là quan hệ kinh tế lẫn an ninh, Việt Nam sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu ông Trump thực hiện đúng lời hứa bảo hộ kinh tế  (bằng cách tăng thuế nhập khẩu) trong chiến dịch tranh cử của mình. Bởi lẽ, Mỹ là thị trường chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam cũng như loại bỏ TPP.  Đặc biệt, trong bài diễn văn gặp gỡ giữa Trump và Thời báo New York,  có chỉ ra ra, khi ông lên nắm quyền, FDI của Mỹ vào Việt Nam sẽ đi xuống.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể sống mà không có TPP, bởi theo ông, nếu không có TPP thì sẽ xuất hiện một thứ khác, vì quan điểm là xu hướng của thế giới.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thực tế hơn, chỉ ra rằng, nếu nhìn ở một hướng khác, thì TPP sẽ có hiệu ứng ngược đối với Việt Nam, nhất là trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Một trong số đó là, các dự án “dệt may sợi” của Trung Quốc đã và đang đi tắt đón đầu trong xây dựng cơ sở tại Việt Nam nhằm hưởng lợi từ TPP – thậm chí nó lộ rõ ý đồ “thâu tóm”, quản lý chuỗi dệt may của các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. Điều này cho thấy, bản thân TPP ngay cả những điều kiện thuận lợi nhất của Việt Nam là “dệt may” cũng đều bị tước bỏ, thì không dám chắc những lợi ích còn lại mà đáng ra Việt Nam được hưởng lại không tác dụng ngược trở lại.

(*) http://www.straitstimes.com/opinion/us-vietnam-blow-to-economy-and-security

Vì Sao Quan Chức Thanh Tra Chính Phủ Dám Xúc Phạm Báo Chí?

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Quyền Vụ trưởng vụ 3 – Thanh tra Chính phủ Ảnh Một Thế Giới
Những lời trần thuật vô cùng thật lòng trên thuộc về một quan chức có tên là Nguyễn Minh Mẫn – Quyền Vụ trưởng vụ 3 – Thanh tra Chính phủ, nói trong buổi làm việc với lãnh đạo Đại học quốc gia TP.HCM. Sau đó được một clip không rõ tác giả lan truyền trên mạng xã hội, và tạo nên một cơn phản ứng rộng khắp đối với ông Mẫn.
Song sâu xa hơn nhiều, vấn đề không chỉ khuôn gọn ở lời lẽ và thái độ xúc phạm báo chí của ông Nguyễn Minh Mẫn. Kết nối với vụ việc hàng loạt báo quốc doanh bị công an đánh đập trong thời gian gần đây ở Đắc Lắc, Hà Nội…, hẳn nhiều người nhậnn ra thân phận của “quyền lực thứ tư” mang đậm dấu ấn con sâu cái kiến như thế nào, trong bối cảnh mà các cơ quan quản lý chủ chốt như Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và tất nhiên một cơ quan mang tính định hướng là Ban Tuyên giáo trung ương hầu như câm lặng trước các vụ nhà báo nhà nước bị công an hành hung.
Sự im lặng trên tất nhiên là một động tác che đỡ gián tiếp để lực lượng kiêu binh “còn đảng còn mình” thoải mái đe dọa và tấn công “quyền lực thứ tư”.
Nhưng vẫn chưa phải hết. Các cơ quan nghiệp vụ của ngành công an, đặc biệt là khối an ninh tư tưởng văn hóa thừa biết rằng những cơ quan quản lý báo chí còn a dua với ngành công an để “siết” báo chí bằng đủ loại chỉ đạo bất thành văn.
Hàng tuần và hàng tháng, Ban Tuyên giáo trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn duy trì các cuộc họp “giao ban báo chí”, để “nhắc nhở, lưu ý” các báo, mà về thực chất là yêu cầu các tờ báo không được đăng những vấn đề này hoặc vấn đề kia. Sau đó là các cuộc họp giao ban quản lý báo chí ở một số tỉnh thành quan trọng như Hà Nội, TP.HCM… với vai trò của áp đặt của Ban Tuyên giáo tỉnh/thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông.
Đã từ rất lâu, những cuộc họp trên đã bất chấp cái gọi là ‘tự do báo chí” hiển hiện trong hiến pháp năm 1992 và 2013.
Cách đây mấy năm trở về trước, những cuộc họp giao ban trên được kết thúc bằng một bản thông báo khá dài của Ban Tuyên giáo trung ương. Nhưng sau cú scandal rò rỉ trên mạng xã hội phát ngôn của Phó trưởng ban tuyên giao trung ương Nguyễn Thế Kỷ, cho rằng vụ tàu Trung cộng cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam vào năm 2011 chỉ là “vô ý”, hình thức thông báo bằng văn bản đã được Ban Tuyên giáo trung ương giảm thiểu. Thay vào đó là hình thức nhắn tin chỉ đạo cho các tổng biên tập báo.
Nhưng rồi cũng có một số tin chỉ đạo qua nhắn tin điện thoại bị lộ trên mạng xã hội. Chẳng hạn gần đây nhất là vụ Ban Tuyên giáo trung ương nhắn tin không cho các báo đưa tin về dự án Thép Cà Ná của Tập đoàn Tôn Hoa sen. Cơ quan định hướng này đã chuyển sang hình thức thủ công nhất: cho chuyên viên gọi điện thoại trực tiếp cho từng tổng biên tập, để “truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên giáo trung ương”.
Việc mô tả những hình thức chỉ đạo trên, đã cho thấy não trạng áp đặt báo chí là không hề thay đổi trong giới lãnh đạo CSVN. Và thái độ cùng lời lẽ  xúc phạm báo chí của quan chức Nguyễn Minh Mẫn là hoàn toàn logic với não trạng ấy.
Lê Dung / SBTN

17 Trung Tá Hoa Kỳ gốc Việt được thăng cấp Đại Tá năm 2016

17 Trung Tá Hoa Kỳ gốc Việt được thăng cấp Đại Tá năm 2016
Thông báo trên các trang nhà của Quốc Hội Hoa Kỳ (Congress.gov), Đoàn y tế công cộng (usphs.gov), AirforceTimes, NavyTimes;  ArmyTimes, MarineTimes và MilitaryTimes đã phổ biến các bản danh sách sĩ quan cấp Trung tá được Tổng thống đề cử thăng cấp Đại tá trong tài khóa năm 2015-2016. Trong số đó, thật hãnh diện cho cộng đồng gốc Việt, khi có 17 Trung tá Hải, Lục, Không quân và Đoàn y tế công cộng Hòa Kỳ gốc Việt được đề nghị thăng cấp Đại tá.
Danh sách 17 vị trung tá gốc Việt được thăng cấp bao gồm:
– Hải quân: Nguyen Trong Duc.
– Lục quân: Anh Steve H. Nguyen; Thomas H. P. Nguyen; Tam Q . Nguyen; Kien C N. Tran;  Pham Long; Tran T Chung; Doan N Minh Luan; Luu Q Huy; Nguyen T  Hang; Nguyen N Viet.
– Không quân: Nguyen H Quy; Trinh Ba Minh Tri; Bui S Jeffrey.
– Đoàn y tế công cộng: Ryan T. Nguyen, Mimi Thanh Uyen Phan, Minh Kevin Lee.
Hiện nay sĩ quan gốc Việt mang cấp bậc Đại tá Hải, Lục, Không quân và Đoàn tế công cộng có trên 40 vị, tính luôn 17 vị được thăng cấp trong năm nay sẽ lên đến 57 vị, không tính 10 vị đã về hưu và 1 vị đã qua đời.
Theo tài liệu lưu trữ trên trang Congress.gov, thì trong thập niên 80 đã có 2 Trung tá Bác sĩ quân y Lục quân gốc Việt được đề cử thăng cấp Đại tá, đó là Trung tá Bác sĩ quân y lục quân Nghiêm X Quang được thăng cấp Đại tá vào năm 1983, và Trung tá Bác sĩ quân y lục quân Nguyễn H Tu được thăng cấp Đại tá vào năm 1986. Sang thập niên 90, Trung tá Bác sĩ quân y Lục quân nguyễn Dương cũng được thăng cấp Đại tá vào năm 1992. Ba vị trên là những Sĩ quan kỳ cựu gốc Việt mang cấp Bậc Đại tá sớm nhất trong quân lực Hoa Kỳ.
Riêng bên Thủy quân lục chiến hiện nay có Đại tá William H. Seely III đã được thăng cấp Chuẩn tướng năm nay.
Còn bên Duyên phòng Hoa Kỳ (US Coast Guard), có Đại tá Nguyễn N Khoi, Bác sĩ Nha khoa Phi hành (Flight Surgeon) từ Đoàn y tế công cộng biệt phái sang Duyên phòng để phụ trách về y tế. Vị đại tá gốc Việt nằm trong bộ phận Duyên phòng duy nhất là Nguyễn M Hùng đã hồi hưu vào năm 2012.
Trong các bản danh sách thăng cấp Đại tá còn có một số vị mang họ và tên giống người Việt, nhưng chưa xác định được họ là gốc Việt, Hoa, Đại Hàn hay Mỹ như: Anthony T. Huy,  Steve C Lai, Kelvin K. Chung, John Y. Cha (Lục quân); Davies Michael Bao, Canales Christopher Ho, Isakson Christopher Du, Thompson Christopher Dam, Pennington William Cha, Haley Brian Joseph Cam (Hải quân).
Người Việt mang cấp Tướng trong quân đội Hoa Kỳ hiện nay đã có Chuẩn tướng Lương Xuân Việt (Lục quân), Chuẩn tướng Lapthe C. Flora (Vệ binh quốc gia) và Chuẩn tướng William H. Seely III (TQLC).
Dự đoán trong số 57 vị Đại tá Hoa Kỳ gốc Việt, sẽ có một số vị được thăng cấp Chuẩn tướng và Phó đề đốc vào năm 2017-2018. Có một số vị Đại tá rất nổi bật đang giữ những vị trí quan trọng trong quân đội Hoa Kỳ như:
  • Thomas Nguyễn, Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh phòng thủ hỏa tiễn và không gian Lục quân;
  • Lê Bá Hùng, Hải đội trưởng, Hải đội 7 Khu trục hạm;
  • Harold Hoàng, Chỉ huy trưởng phòng 6, điều hành hệ thống an ninh không gian mạng và hệ thống C4 của Bộ tư lệnh phòng thủ Không gian Bắc Mỹ.
Ngoài ra còn có một số vị Đại tá khác đang giữ những cương vị chỉ huy như tình báo Hải quân, cơ khí Hải quân, Tùy viên cao cấp quốc phòng, Công binh Lục quân v.v… Họ cũng là những ứng viên sáng giá để trở thành những vị Tướng trong tương lai.
Cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới vô cùng hãnh diện về sự cống hiến của những quân nhân gốc Việt đang phục vụ và chiến đấu trong quân lực Hoa Kỳ. Họ là những hậu duệ ưu tú của Quân, Dân, Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa mang giòng máu Việt làm rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam nơi xứ người.
Trần Anh

Cấn Thị Thêu, người phụ nữ can trường


Tối Chúa Nhật 27/11/2016 tại nhà thờ Thái Hà Thánh lễ cầu nguyện cho Cấn Thị Thêu trước ngày ra cái gọi là "Phiên tòa Phúc thẩm" vào cuối tháng 11/2016 đã diễn ra hết sức đông đúc và nhiều tình cảm xúc động.
Cấn Thị Thêu, người khác biệt niềm tin với người Công giáo, đã được cầu nguyện trọng thể với nghi thức thắp nết sau khi đã cử hành một Thánh lễ đồng tế đặc biệt cuối tháng - Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý - Hòa Bình.

Tham dự Thánh lễ và thắp nến cầu nguyện về, tôi cứ nghĩ mãi về người phụ nữ này.
Đây không phải lần đầu giáo xứ Thái Hà cầu nguyện cho những người ngoài Công giáo. Những cuộc cầu nguyện trước đây cho Cù Huy Hà Vũ, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều người khác đã diễn ra ở đây. Đây cũng là nơi, những người bị mang oan khuất khi không thể còn có lòng tin và nơi để bày tỏ ở hệ thống công quyền, luật pháp... thì tìm đến để được kêu lên tiếng nói tận Trời cao bằng những lời cầu nguyện của Cộng đồng.
Những cuộc cầu nguyện đó, ngoài những người công giáo còn có nhiều những trí thức, những người dấn thân đấu tranh cho dân chủ, những người quan tâm đến xã hội, vận mệnh đất nước ở các tôn giáo bạn. Tôi đã dự hầu hết các buổi cầu nguyện đó.
Thế nhưng, buổi cầu nguyện tối nay sau Thánh lễ đã để lại cho tôi nhiều điều suy tư. Bởi đơn giản, Cấn Thị Thêu là một phụ nữ, là một dân oan, một người dân bị nhà cầm quyền cướp đoạt ruộng đất đã phải đứng lên để đấu tranh giành lại quyền cũng như tài sản của mình.
Cuộc chiến giữ đất
Mấy năm trước, trên mạng Internet xuất hiện một loạt những bài viết về hành động làm rúng động lòng người, chạm đến tâm can của người dân Việt vốn trọng lễ nghĩa và tâm linh: Sau một đêm, hàng trăm ngôi mộ của dân tại nghĩa trang đã bị lấp bằng bùn đất nhằm xóa nhòa dấu vết. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà nhằm mục đích ép buộc người dân Dương Nội phải từ bỏ mảnh đất đã bao đời nay không chỉ thấm máu xương của họ, mà cả tổ tiên, xương cốt và nơi an nghỉ của cha ông họ bao đời đã bị xóa sạch.
Hành vi đó đã bị cả xã hội lên án. Đó như một trong những nhát búa cuối cùng đập nát nền văn hóa người Việt đã xây dựng từ bao đời nay. Đó cũng là những hành động táng tận lương tâm nhất và suy đồi nhất về văn hóa của người Việt xưa nay vốn tôn trọng mồ mả và phần mộ người đã khuất.
Cơn giận dữ của xã hội dâng lên cao điểm. Người ta ngỡ ngàng, uất hận và tỏ thái độ không thể chấp nhận trước hành động này của những kẻ chỉ vì lợi ích của mình mà bất chấp lương tri con người. Người ta run sợ trước những hành động bất chấp sự linh thiêng, tâm linh con người nhằm đạt được mục đích: Đồng tiền.
Tưởng rằng trước hành động bất nhân đó, nhà cầm quyền sẽ phải biết nhìn nhận lại việc làm của mình hoặc trị tội nghiêm minh những kẻ đã dung túng cho hành động đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc.
Nhưng không.
Đó chỉ là một trong những bước đi của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc cưỡng bức người dân phải từ bỏ đất đai đã bao đời nay họ là chủ sở hữu.  
Những hành động tiếp theo sau đó là những hành động man rợ khi thì công khai, khi thì lén lút nhằm bằng mọi cách bất chấp luật pháp để khuất phục người dân ở đây chấp nhận bị cướp đoạt đất đai.
Sự phản kháng của người nông dân ở đây đã kéo dài hết tháng này qua năm khác, đã bền bỉ, đoàn kết và quyết tâm đòi lại lẽ phải, lẽ công bằng cho chính mình. Rộng hơn là cho xã hội và cộng đồng biết rằng: Họ có quyền đỏi hỏi những gì của họ.
Những người dân nơi đây đã phải canh nhau canh giữ đất ngày đêm.
Họ đã phải dùng cả cờ đỏ, sao vàng, cờ đảng và hình Hồ Chí Minh, để mong rằng nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội có đàn áp họ thì cũng phải chùn tay trước những thứ bùa ngải của chế độ do họ đưa ra. Nhưng chẳng ăn thua.
Thậm chí đến đường cùng, những người dân ở đây đã phải viện đến cả hình nộm, âm binh... để mong được hỗ trợ, giúp đỡ cho họ khi mà mọi con đường kêu nhờ trên dương thế vào một "nhà nước pháp quyền" đã hoàn toàn bế tắc và vô vọng.
Có lẽ những hình ảnh đó đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đất nước Việt Nam, nó chỉ có ở cái thời mà "Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?" như lời ông Nguyễn Phú Trọng. Có lẽ đã chưa bao giờ và sẽ khó có một thể chế chính trị nào có thể tạo ra được những hình ảnh như vậy.
Thế nhưng, những cố gắng, hy sinh và sự quyết tâm của người nông dân nơi đây, làm sao có thể đem đọ với súng đạn, nhà tù và các lực lượng công an, dân phòng, cán bộ được trang bị đến tận răng bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ.
Những mảnh đất bờ xôi ruộng mật của họ cứ lần lượt bị cướp ra khỏi tay mình bằng những quyết định, bằng chó, công an, dùi cui, nhà tù và các cuộc "cưỡng chế" để "thu hồi".
Theo lẽ phải, người ta chỉ có thể "thu hồi" cái của họ, hoặc bị mất, hoặc cho mượn, hoặc bị lấy đi trái phép nhưng vẫn là của họ. Đằng này, họ đi thu hồi cái của người khác đã bao đời người ta chắt chiu gây dựng. Đó là sự ngược đời chỉ có ở Việt Nam.
Một dân oan trong những dân oan
Trong quá trình theo dõi cuộc đấu tranh của người dân Dương Nội, có lẽ nổi bật lên là hình ảnh Cấn Thị Thêu, một người phụ nữ nhỏ nhắn và kiên cường.
Sự kiên cường của người phụ nữ này đến mức đáng ngạc nhiên. Sự kiên cường của chị đã làm cho ngay cả những người đàn ông sức dài, vai rộng hoặc cả những cán bộ công quyền với đầy đủ uy danh quyền lực trong tay cảm thấy phải xấu hổ mà cúi mặt.
Chỉ cần nhìn vào cách hành xử của hệ thống ở nơi đây, nhìn vào cả cộng đồng người dân bị mất đất khắp nơi cũng như bao oan khuất khác, hình ảnh một người phụ nữ kiên cường dẫn đầu bà con oan khuất từ bao năm tháng qua một cách rất bài bản và đầy đủ cơ sở luật pháp mà nhà cầm quyền phải bó tay. Điều đó đã là điều cần ghi nhớ mà cảm phục.
Nói riêng, chỉ ở Dương Nội, hẳn không thiếu những đấng nam nhi, không thiếu những người đàn ông mạnh mẽ khác nhưng chị vẫn dẫn đầu cách ngoan cường để bảo vệ từng tấc đất mà cha ông những người dân Dương Nội đã để lại. Trong khi chị chỉ là người làm dâu ở đó.
Chị đã bất chấp quản ngại thân phận nữ nhi, kiên trì đối mặt với hệ thống bạo quyền không chút run sợ.
Những âm mưu chia rẽ chị với bà con xung quanh cùng chung ý chí: Thất bại.
Những âm mưu đe dọa chị và gia đình chị trong cuộc sống hàng ngày bằng những trò hèn và bẩn: Thất bại.
Những âm mưu mua chuộc riêng chị có thể tìm riêng cho gia đình mình sự ưu ái mặc bà con khác: Thất bại.
Những dọa nạt bắt bớ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm con người ở nơi chị: Thất bại
Chị đã cố gắng học hỏi về luật pháp, lý luận và những cơ sở việc làm của mình nên đã làm cho nhiều cán bộ cứng họng.
Và khi đã giở đủ mọi trò hèn, bẩn, đe dọa, mua chuộc dụ dỗ đều thất bại với người phụ nữ này, thì biện pháp cuối cùng là bạo lực, nhà tù.
Ở Việt Nam, hệ thống nhà tù khác với phần còn lại của thế giới. Nếu như ở phần còn lại của thế giới nhà tù là nơi để cải tạo người xấu thành người tốt hơn cho xã hội, trả lại cho xã hội những con người bình thường để xây dựng xã hội tốt hơn, thì ngược lại, ở Việt Nam, nhà tù là nơi dành để trả thù những người nhà nước không vừa ý.
Ở đó, họ có thể là những người chịu oan khuất bởi chính hệ thống tạo ra.
Ở đó, họ có thể là những tù nhân chính trị, bị bắt vào để trả thù vì không cam phận làm nô lệ.
Ở đó, họ cũng có thể là những người dân cả gan chống lại hệ thống và chính sách cướp bóc của nhà nước.
Cấn Thị Thêu ở trong số đó. Chị đã bị bắt vào tù bởi hệ thống công quyền bất chấp luật pháp do chính họ đặt ra.
Lần thứ nhất bị bắt vào tù, những đòn thù không khuất phục được chị. Ra tù chị lại tiếp tục dẫn đầu bà con đi đấu tranh trên cơ sở luật pháp để đòi bằng được quyền lợi của mình và cộng đồng nơi đây.
Thế rồi, chị lại bị bắt hết sức bất ngờ và không thể nói gì hơn ngoài một từ bẩn thỉu, nhằm trả thù việc chị đi đòi công lý dai dẳng và không khuất phục.
Thế rồi cái gọi là "Phiên tòa sơ thẩm" với các quan tòa của đảng, kết tội chị thêm 20 tháng tù giam. Hẳn nhiên chị và gia đình không bao giờ chấp nhận bản án đó, chị kháng án và chờ Phúc thẩm.
Ngày xử án đang đến gần. Ai cũng biết kết quả của những phiên tòa bỏ túi này là gì. Chẳng ai lạ.
Tôi đã đi dự một trong những phiên tòa bỏ túi như vậy.
Ở đó, dù bằng chứng rõ rành bị cáo vô tội, dù hệ thống luật sư bào chữa hết mình, công minh và thẳng thắn trên cơ sở luật pháp rành mạch để khẳng định thân chủ mình vô tội, dù quan tòa không đưa ra được bằng chứng nào về sự vi phạm luật pháp của bị cáo thì quan tòa vẫn đóng đinh cái án được xác định trước khi quyết định mở phiên tòa.
Nhưng!
Với một người phụ nữ chân yếu, tay mềm không tấc sắt trong tay, chỉ duy nhất một khát vọng đòi công lý mà cả hệ thống phải làm những điều bẩn thỉu như vậy thì không thể nói gì hơn ngoài một chữ: Hèn.
Mà hèn thật.
Bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý - Hòa Bình tháng 11/2016 tại nhà thờ Thái Hà:

Hà Nội, Ngày 28/11/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Mục tiêu nào cho Việt Nam ?


Thực sự, câu chuyện về việc « không thể » hình thành một liên minh chính trị của người Việt hải ngoại rất đáng được suy nghĩ và cắt nghĩa, trong mục đích nhằm giải quyết vấn đề, để tiến tới chỗ có thể bàn tới các giải pháp cho việc này. Bởi vì theo quan sát của cá nhân tôi, mong muốn tạo liên kết để hình thành các tổ chức mạnh là một mong muốn có thực và tồn tại ở nhiều người. Và mong muốn đó không hề là ảo tưởng, mà có thể thực hiện được, trong một điều kiện quá thuận lợi mà các nước dân chủ trao tặng cho người Việt hải ngoại. Nếu điều kiện khách quan là hoàn toàn thuận lợi, vậy thì lực cản chính nằm ở đâu ? Câu trả lời không phải là quá khó : nằm ở chính cộng đồng người Việt, hoặc nói cách khác, nằm trong chính mỗi người.
Việc nhận thức về lực cản này là bước đầu tiên cần phải làm, nếu quả thực những người mong muốn liên kết có nhu cầu đi tới hành động thực sự chứ không chỉ dừng lại ở mong muốn. Dĩ nhiên, bước thứ hai, sau khi phân tích các nguyên nhân tạo nên lực cản, là tiến hành các thao tác cụ thể của việc thành lập liên minh. Nhưng các thao tác cụ thể chỉ có thể thực hiện được, khi đã vượt qua bước thứ nhất.
Chân thành cảm ơn ông Thạch Đạt Lang, trong bài phản hồi bài báo của tôi, đã cho biết một số nguyên nhân tạo ra tình trạng chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Những phân tích thẳng thắn như phân tích của ông Thạch Đạt Lang là hết sức cần thiết, và rất có ý nghĩa. Trong bài ông Thạch Đạt Lang có đề cập đến những người có tâm và có tầm đã lặng lẽ rút khỏi các hoạt động vì cảm thấy không thể làm thay đổi thực tế. Hy vọng ông cảm thấy rằng lúc này đây đã là thời điểm mà những người đó cần tập hợp lại với nhau để thể hiện tâm và tầm của mình.
 Công việc phân tích và nhận thức các nguyên nhân của sự chia rẽ chỉ có hiệu quả khi mà chính bản thân những người trong cuộc tiến hành các phân tích này. Tôi không phải là « người trong cuộc », vì tôi không thuộc về cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi không có tất cả các kinh nghiệm của người Việt hải ngoại. Tôi ra nước ngoài chỉ trong một thời gian ngắn và chỉ để đi học. Về cơ bản, tôi thuộc về cộng đồng trong nước. Nói điều này để xác định vị thế một cách rõ ràng, vì điều này là hết sức cần thiết trong quá trình nhận thức, cũng như hành động. Từ vị thế của một người không thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại, tôi xin đóng góp một điểm mà tôi quan sát được, mà theo tôi, điểm này có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến việc hình thành một liên minh không những khó khăn mà trong mắt nhiều người còn là « không thể ».
Điều khó khăn có lẽ nằm ở chỗ cuộc đấu tranh không có một mục tiêu chung. Ít nhất có thể nhận thấy một số mục tiêu chính sau đây : có những người Việt hải ngoại đấu tranh vì mục đích dân chủ hóa Việt Nam, có những người đấu tranh để khôi phục lại lá cờ vàng hay nói cách khác là để khôi phục chế độ Việt Nam Cộng hòa trước 75, có những người hoạt động vì mục đích từ thiện, giúp đỡ những người nghèo hay các nạn nhân của hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, có những người hoạt động một cách hợp pháp (theo pháp luật Việt Nam) cho quá trình giúp Việt Nam hội nhập quốc tế.
Với các mục tiêu khác nhau như vậy, người Việt hải ngoại tập hợp lại thành các nhóm nhỏ và đi theo những con đường nhỏ của mình. Các mục tiêu này không giúp liên kết mà trái lại trên thực tế trở thành loại trừ lẫn nhau, theo nghĩa là khiến cho các nhóm không thể nào hợp tác được với nhau. Giờ đây, nếu muốn hình thành một liên minh, hoặc thành lập một tổ chức đủ lớn để thu hút sự tham gia đông đảo, người Việt hải ngoại cần tiến tới xác định một mục tiêu chung. Từ mục tiêu chung này mới có thể thống nhất trên một số phương pháp chung.
Tôi sẽ dừng lại ở đây, tạm thời chưa đưa ra quan niệm của tôi về mục tiêu này. Hy vọng rằng bài viết mang tính chất đặt vấn đề này của tôi có thể gặp được một sự quan tâm chung, để mọi người cùng thảo luận. Có thể từ chỗ thảo luận chung sẽ đi tới chỗ hình thành những nỗ lực chung cho Việt Nam, bởi vì chúng ta chỉ có một Việt Nam mà thôi.
Paris, 27/11/2016
Nguyễn Thị Từ Huy

Fidel Castro qua đời và Việt Nam


Song Chi.
Cuối cùng thì Fidel Castro, lãnh tụ cách mạng Cuba, cựu Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba, cựu Tổng Bí thư đảng cộng sản Cuba, một trong những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất (47 năm) và mang tính biểu tượng nhất thế giới, đã qua đời ngày 25.11 ở tuổi 90.
Nếu như đối với người dân của nhiều quốc gia trên thế giới, cái chết của Fidel Castro chả có ý nghĩa gì, chỉ là một nhân vật độc tài đã sống quá lâu mới chịu ra đi, thì ở VN cái chết của Fidel Castro được đề cập đến khá nhiều, cả trên báo chí chính thống của nhà nước lẫn các trang blog, trang mạng xã hội.
Đứng về phía nhà nước cộng sản VN thì chả có gì khó hiểu. Chỉ có vài quốc gia còn sót lại trên thế giới là do đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng sản Cuba và đảng cộng sản VN từng một thời gắn bó, Cuba cũng như các nước XHCN khác đã ra sức ủng hộ, giúp đỡ Bắc VN trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mối giao tình ấy sau này tuy có nhạt đi phần nào khi VN đi theo mô hình “đổi mới” của Trung Quốc, chuyển sang làm ăn kinh tế thị trường trong lúc Cuba vẫn trung thành với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, mọi thứ đều được quốc hữu hóa, nhưng đảng cộng sản VN vẫn giữ mối quan hệ với nước cộng sản anh em này.
Vì vậy khi Fidel Castro chết, trong số ít ỏi những nhân vật lãnh đạo của các nước gửi điện chia buồn có Tổng thống Vladimir Putin của Nga, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, một số nước Nam Mỹ như Tổng thống Sanchez Ceren của Salvador, Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela, Tổng thống Enrique Peña Nietoc của Mexico…và tất nhiên, có VN.
Báo chí nhà nước chạy hết công suất để ca ngợi nhà cách mạng Fidel Castro, nhắc lại cuộc đời, sự nghiệp, những lần Fidel đến VN, nhắc lại những câu nói của Fidel Castro với VN trong đó có câu “Vì VN, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” v.v…
Còn đối với người dân VN, những ai vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi hệ thống giáo dục, tuyên truyền của nhà nước cộng sản thì vẫn nghĩ Fidel Castro là một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại, “người bạn lớn” của nhân dân VN. Nhưng tất cả những ai có thông tin thì đều biết rằng Fidel Castro thật ra là một kẻ độc tài, dù có thể lúc đầu đã đứng lên đấu tranh vì một lý tưởng, vì muốn lật đổ một chế độ và xây dựng một chế độ khác tốt đẹp hơn cho dân tộc mình nhưng cuối cùng lại trở thành kẻ tội đồ khi đi theo một lý thuyết sai lầm, chọn một con đường sai lầm, kìm hãm đất nước, nhân dân Cuba trong đói nghèo, lạc hậu và không được hưởng bất cứ quyền tự do, dân chủ nào.
Cũng giống như những nhân vật độc tài khác, nhất là những nhân vật độc tài của chế độ cộng sản, như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, cha con nhà Kim Jong-Il, Kim Jong-un, Fidel Castro sau khi giành được quyền lực đã biến đất nước, nhân dân thành sở hữu riêng của đảng cộng sản và của mình.
Và cũng giống như rất nhiều lãnh tụ cộng sản, “cha già dân tộc” chỉ đóng vai giản dị, nông dân trước quần chúng còn thật sự thì sống một cuộc sống xa hoa, sung sướng hơn rất nhiều lần so với đời sống bần cùng của đại đa số người dân dưới sự lãnh đạo của họ, đời sống tình dục thì vô cùng phóng đãng, vô độ, Fidel Castro cũng vậy.
Nhiều tài liệu cho biết ông có nhiều du thuyền, dinh thự riêng, hàng ngàn người bảo vệ, đời tư thì hết sức phóng túng, ngoài các người vợ là danh sách dài các người tình lâu dài, người tình một đêm. (Ngay lãnh tụ Lenin của Liên bang Xô Viết thì sau này sự thật mới lộ ra là chết vì giang mai do bị lây nhiễm từ gái điếm Paris chứ không phải bị đột quỵ như truyền thông, sách vở Liên Xô một thời đã viết như thế…)
Về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng, Fidel Castro bảo thủ hơn các đồng chí cộng sản ở Trung Quốc hay VN, ông không chấp nhận đổi mới, kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân và tuyên bố “Tôi là người theo chủ nghĩa Mác Lênin và tôi sẽ như thế cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình” (“Những câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Cuba Fidel Castro”, Pháp luật TP.HCM).
Dưới thời Fidel Castro, hàng trăm ngàn người Cuba đã bỏ nước ra đi, cũng như người VN dưới thời cộng sản, và nếu như người Việt tỵ nạn có thủ phủ của mình là “Little Saigon” trên đất Mỹ thì người Cuba cũng có “Little Havana”. Khi được tin Fidel Castro chết, hàng ngàn người Cuba ở Little Havana, Miami, đã đổ ra đường ăn mừng.
Ai rồi cũng chết. Chính trị gia, lãnh tụ cách mạng hay “cha già dân tộc” gì cũng thế. Điều quan trọng là di sản mà họ để lại cho đất nước, dân tộc. Và vì cái di sản ấy, họ sẽ mãi mãi được ghi nhớ công lao trong lịch sử hay sẽ đời đời bị phán xét, nguyền rủa như tội đồ của dân tộc. Cho dù tạm thời lịch sử có bị bưng bít, che dấu, bản thân họ có được vẽ rồng rắn thành huyền thoại thì rồi cũng sẽ có ngày sự thật được trả lại và không một nhân vật nào có thể thoát khỏi sự đánh giá khách quan của hậu thế. Họ có chết đi thì con cháu họ cũng vẫn phải đọc lại những trang sử ấy.
Di sản của Fidel Castro để lại cho đất nước, nhân dân Cuba hay của Hồ Chí Minh để lại cho VN, đáng tiếc là quá tệ hại.