Friday, May 3, 2024

Nhân cách người làm giáo dục ở đâu?

 Minh Triều

VNTB – Nhân cách người làm giáo dục ở đâu?

(VNTB) – Đạo đức của người làm giáo dục có giá bằng bữa nhậu hay bữa karaoke

Vai trò của giáo viên là truyền đạt kiến thức và đạo đức, tuy nhiên, đa phần giáo viên, giảng viên trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hiện nay đều đốn mạt và thiếu đạo đức. Họ chỉ biết lợi dụng danh nghĩa người thầy để moi tiền từ học sinh, sinh viên bằng mọi giá.

Mới đây, cựu học viên Trường đại học Sư phạm Huế đã làm đơn tố cáo ông L.M.H. – hiện đang là giảng viên tại một khoa ở trường về việc ông L.M.H. có những hành vi vòi vĩnh tiền của học viên. Đặc biệt là yêu cầu các học viên đưa đi giải trí tại các tụ điểm karaoke, ăn chơi không lành mạnh.

Kèm đơn thư là hình ảnh mà phía tố cáo cho là của ông tiến sỹ L.M.H. đang có những hành vi trụy lạc với các cô gái đang trong tình trạng không mảnh vải trên người. (1)

Tình trạng những người làm giáo dục lạm quyền và bỏ qua vấn đề đạo đức, liêm sỉ để vòi tiền từ học sinh, sinh viên là việc không hiếm ở sau gần nửa thế kỷ hấp thụ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Việc này, đã tạo ra rất nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực tới tâm lý và cuộc đời của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.  Một thầy giáo cho biết có một sinh viên đại diện nhóm thi rớt hẹn thầy đi uống cà phê, gợi ý chuyện chung chi để được đủ điểm đậu, qua môn. Trong khi đó, trò cũng tố thầy vòi tiền để đủ điểm, đủ tín chỉ.

Hành vi vòi vĩnh tiền từ học sinh không chỉ là vi phạm nghiêm trọng đạo đức và quy định của ngành giáo dục mà còn cho thấy nhiều lỗ hổng và sự xuống cấp của hệ thống giáo dục. Việc này tạo ra một môi trường học tập không lành mạnh, thiếu công bằng, mà còn nuôi dưỡng quan điểm “tiền có thể mua được tất cả”. Từ đó, đồng tiền trở thành thước đo cho xã hội chứ không phải là các giá trị chân thiện mỹ. 

Chẳng những suy đồi trong tư tưởng, mà còn là phân biệt giàu nghèo ngay trong trường học. Những học sinh có điều kiện kinh tế cao sẽ được ưu tiên và nhận được sự quan tâm hơn so với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhờ có nhiều tiền để mua điểm, mua sự ưu ái, sự quan tâm. Việc này đang tạo ra sự chia rẽ và bất công trong môi trường giáo dục.

Bên cạnh đó, đây không phải là lần đầu mà những vấn nạn liên quan đến ngành giáo dục bị phanh phui và nhận được sự chú ý của dư luận.

Đơn cử, năm 2018 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Hà Tĩnh, phát hiện và bắt quả tang 13 người, trong đó có 6 nam và 7 nữ đang sử dụng trái phép chất ma túy. Trong nhóm người trên có ông Tô Hữu Tài (Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Agribank Hương Khê), cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Khê. Đặc biệt, có 1 nữ giáo viên tiểu học và kế toán trường mầm non trên địa bàn.(2)

Hay chuyện giáo viên “gạ tình” một nữ sinh lớp 8. Đắng cay là cả hệ thống báo chí xã hội chủ nghĩa và nhà trường xông vào lên án, kết tội nữ sinh vu khống thầy giáo. Nữ sinh yếu thế bị sỉ nhục, buộc phải xin lỗi thầy giáo và nhà trường công khai đòi kỷ luật nữ sinh. Đến khi chuyện vở lở thì nữ sinh lớp 8 không nhận được một lời xin lỗi nào từ phía nhà trường hay các báo đài của đảng. (3)

Hành vi giáo viên ăn chơi trụy lạc trái đạo đức được người dân lên án và chỉ trích nhiều. Nhưng mọi chuyện đâu rồi lại vào đấy khi cứ vài ba hôm lại xuất hiện thêm vụ việc liên quan đến giáo viên vòi tiền, thác loạn, dâm ô, bạo lực với học sinh,…

Sự đốn mạt trong ngành giáo dục xã hội chủ nghĩa đang ngày càng lan rộng và trở thành 1 khối u ác tính. Nhà cầm quyền cần phải thanh lọc lại những người đang làm trong ngành giáo dục, loại thẳng những thầy, cô giáo có đạo đứ‌c suy đồ‌i ra khỏi ngành giáo dụ‌c.

____________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/lam-ro-thong-tin-mot-giang-vien-o-hue-bi-to-voi-tien-doi-di-karaoke-doi-truy-20240425222256588.htm

(2) https://nld.com.vn/phap-luat/13-nguoi-tham-gia-tiec-ma-tuy-vksnd-yeu-cau-lam-ro-nguon-cung-cap-ma-tuy-20181224095405309.htm

(3) https://laodong.vn/xa-hoi/khong-co-chuyen-vu-khong-nu-sinh-bi-thay-giao-ga-tinh-la-that-1159045.ldo

Lại yêu cầu “thanh tra cửa hàng vàng”

 Phương Nguyên

VNTB – Lại yêu cầu “thanh tra cửa hàng vàng”

(VNTB) – Hai tháng liền, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ký lệnh “thanh tra ngay doanh nghiệp vàng, mua bán vàng miếng”.

Ngày 11-4-2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra thị trường vàng miếng trong nước.

Đến ngày 2-5-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ban hành chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Đối với thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu “thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đặc biệt là các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả”.

“Không phải cứ có chuyện là kiểm tra mà cần phải có biện pháp căn cơ. Đó mới chính là bản lĩnh của người quản lý”, một ý kiến nhìn nhận như vậy từ ghi nhận thực tế có nhiều cửa hàng vàng đã chọn tạm đóng cửa để tránh “thanh tra, kiểm tra”.

Nhiều doanh nghiệp ngành vàng bạc, nữ trang nói rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Trong quá khứ, ngày 17-5-2017, khi ngỏ lời với cộng đồng doanh nhân trong hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, khi ấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ Chỉ thị 20 mà ông vừa ký và thông báo rằng: “Chỉ thị này quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm”.

“Các quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe đang tạo ra tình trạng lưỡng nan cho nhà kinh doanh. Nếu tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh và tồn tại được vì sự vi phạm quá phổ biến, thậm chí là công khai. Nếu không tuân thủ thì nguy cơ vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như là con tin của nhiều công chức ‘nhiều quyền thiếu tâm’…” – Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, thanh tra giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hoạt động thanh tra lại có thể gây nguy cơ gây phiền hà cho các đối tượng thanh tra, gây gánh nặng khi hoạt động thanh tra có thể bị trùng lặp.

Tuy nhiên đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thấy động tĩnh gì quanh yêu cầu sửa đổi chuyện độc quyền thị trường vàng miếng từ Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Thay vào đó lại là tăng cường việc dùng “thanh tra, kiểm tra” kéo dài đối với các doanh nghiệp ngành vàng có cửa hàng bán lẻ vàng và nữ trang chế tác. Mà theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM thừa nhận, để tồn tại trước việc độc quyền đó, doanh nghiệp vàng phải mua vàng trôi nổi, nên khi thanh tra, kiểm tra sẽ bị vướng về mặt pháp lý, dẫn đến hàng loạt tiệm vàng tại TP.HCM chọn giải pháp tình thế là đành tạm đóng cửa.

Thực ra, chính quyền TP.HCM đã rõ điều này từ năm ngoái. Hồi tháng 11-2023, thực hiện Kế hoạch số 5511/KH-UBND ngày 7-11-2023 của UBND TP.HCM về việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền Thành phố và doanh nghiệp năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến, thu thập thông tin doanh nghiệp.

Sau đó, ngày 16-11-2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố có Báo cáo số 666/HHDN-VP tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của cả doanh nghiệp vàng bạc gửi thường trực UBND Thành phố cùng 25 sở, ngành và cơ quan liên quan, bao gồm cả Thanh tra, Công an TP.HCM.

Theo đó, đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM thẳng thắn thừa nhận rằng: Hiện nay, đầu vào và đầu sản phẩm kim hoàn không minh bạch, doanh nghiệp muốn duy trì nghề chế tác kim hoàn buộc phải mua hàng trôi nổi. Điều này không chỉ gặp nhiều rủi ro, mà doanh nghiệp còn đối diện với việc làm không hợp pháp.

Trong khi đó, cơ quan chức năng quản lý vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012. “Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã tồn tại 12 năm, có nhiều bất cập và không còn phù hợp. Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM mong muốn chấp hành đúng pháp luật, đã nhiều lần kiến nghị, nhưng chưa có gì thay đổi. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra, hầu hết doanh nghiệp bị vướng về mặt pháp lý. Ngành này đóng góp ngân sách lớn, nhưng chưa được quan tâm”, đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM phản ánh.

Từ thừa nhận của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM từ cuối năm 2023 cho thấy, thanh tra, kiểm tra chỉ là phần ngọn. Để giải quyết vấn đề tận gốc, cần giải pháp minh bạch, xóa độc quyền thị trường vàng, chống chệnh lệch giá vàng trong và ngoài nước.

Bí thư Bắc Giang có phải chia lại chút nào cho dân trong thôn không một tấc đất

 Dân Trần

VNTB – Bí thư Bắc Giang có phải chia lại chút nào cho dân trong thôn không một tấc đất

(VNTB) – Thôn Nguyệt Đức có 186 hộ dân, với trên 700 nhân khẩu, phải sống trên thuyền vì không có đất làm nhà


Ngày 1/05, ông Dương Văn Thái, bí thư tỉnh Bắc Giang, đã bị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc theo lệnh của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ông Thái bị bắt do liên quan tới đại án của tập đoàn Thuận An. Trước đó, 3 cán bộ thuộc cấp của bí thư tỉnh Bắc Giang cũng bị bắt về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa, nhận hối lộ.

Ngày 15/04, các ông Nguyễn Văn Thạo (giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang), Đàm Văn Cường (phó giám đốc) và Hoàng Thế Du (trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang) cùng bị bắt về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. (1)

Quê quán ở Bắc Giang, nên đường quan lộ của Dương Văn Thái chủ yếu là làm việc ở Bắc Giang. Ban đầu là cán bộ văn hóa thông tin – thể dục thể thao thị xã Bắc Giang, sau đó là cán bộ thuế thuộc Chi cục Thuế thị xã Bắc Giang. Tới năm 2006, Dương Văn Thái trở thành phó chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang rồi chủ tịch thành phố Bắc Giang. Năm 2014, Thái làm phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang rồi chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (từ 2019). Tới tháng 10-2020, ông này được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. (2)

Ngoài ra, từ tháng 7-2021, Dương Văn Thái cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Tại Đại hội XIII của đảng cộng sản, ông trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Với trình độ tiến sĩ kinh tế, quả thật tỉnh Bắc Giang sau thời gian được Dương Văn Thái làm lãnh đạo đã có nhiều phát triển vượt bậc. Với GRDP năm 2023 đạt 181.900 tỷ đồng, xếp hang 12/63 tỉnh thành. GRDP đầu người của tỉnh này cũng đạt tới 97,37 triệu, xếp hạng 20/63 tỉnh thành.

Bắc Giang có một vị trí rất đắc địa khi nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, kế cận vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Thuận lợi cả về đường sông, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và các cảng sông, cảng biển. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 40–50 cây số, cách sân bay Nội Bài 50 cây số, đi ra cảng Hải Phỏng chỉ 110 cây số, và đi lên cửa khẩu Hữu Nghị Quan chỉ 120 cây số.

Cho nên với những điều kiện thuận lợi này thì Bắc Giang không thể không phát triển, thậm chí có thể nói mức phát triển hiện nay vẫn chưa xứng với tiềm năng của tỉnh này. Nhưng bộ mặt phồn thịnh đó vẫn chưa phải là tất cả.

Theo số liệu của sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang báo cáo năm 2022 thì trên địa bàn toàn tỉnh này vẫn còn tới 17.939 hộ nghèo, hộ cận nghèo có 19.814 hộ. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo là 37.753 hộ. (2)

Theo điểm khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn hộ cận nghèo năm 2022-2025. Thì hộ nghèo và hộ cận nghèo ở nông thôn là những hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người dưới 1,5 triệu đồng/ tháng. Còn tại khu vực thành thị thì những hộ có thu nhập bình quân dưới 2triệu đồng/người/tháng thì được tính là hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Như vậy, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 8 triệu đồng/ tháng, mà có tới 37.753 hộ nghèo và cận nghèo thì mức chênh lệch giàu nghèo ở tỉnh này là rất lớn. Đó là chưa kể những báo cáo láo, thống kê chạy theo thành tích mà bỏ bớt những hộ nghèo trong địa phương.

Nghèo điển hình là làng chày ở thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Cả làng có 186 hộ dân, với trên 700 nhân khẩu nhưng phải sống trong cảnh không điện, không đường, không đất, không có nước sạch, tới khi chết phải đi chôn nhờ đất nơi khác. Ông Nguyễn Văn Trung, trưởng thôn cho biết: “Nguyệt Đức chúng tôi là thôn đặc biệt nhất nước, bởi không có tấc đất nào. Cả thôn đều sống trên thuyền ở đoạn sông Cầu dài khoảng hơn 1km”. (3)

Trong khi cán bộ lãnh đạo có của chìm của nổi, tài sản nhà cửa ở không hết, thì người dân không có nhà phải sống trôi nổi trên sông. Để cân bằng khoảng cách giàu nghèo, thì có lẽ nhanh nhất là mỗi vị tham quan chia lại vài căn nhà cho dân. Còn về lâu dài, dĩ nhiên, chỉ có dân chủ, để người dân được lựa chọn lãnh đạo và phúc quyết hiến pháp bằng lá phiếu minh bạch thì mới canh tân được đất nước!

_______________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/dong-y-viec-khoi-to-bat-tam-giam-bi-thu-tinh-uy-bac-giang-duong-van-thai-20240423121239059.htm
(2) https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-chinh-sach-giam-ngheo/-/asset_publisher/WkqgdP6YUqpv/content/bac-giang-toan-tinh-co-hon-37-7-nghin-ho-ngheo-ho-can-ngheo
(3)https://vietnamnet.vn/cuoc-song-o-noi-dac-biet-nhat-bac-giang-ca-lang-khong-mot-tac-dat-2274720.html

 

Grand World Phú Quốc – Phi Vụ Lừa Đảo Tỷ USD của Vingroup và Techcombank

 Phương Ngô

VNTB – Grand World Phú Quốc  – Phi Vụ Lừa Đảo Tỷ USD của Vingroup và Techcombank

(VNTB) – Techcombank cấu kết với Vingroup chiếm đoạt tài sản khách hàng với cách thức trả lời  chả khác gì Mafia cho vay. 

Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World Phú Quốc tọa lạc trên đường Gành Dầu – Cửa Cạn thuộc khu Bãi Dài của huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Dự án có quy mô 85,3 ha, Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư LDG (LDG Investment; mã chứng khoán LDG). Tháng 11/2018, LDG Investment đã chuyển nhượng toàn bộ dự án Grand World Phú Quốc cho Công ty New Vision là một Công ty con do Vingroup trực tiếp điều hành.

Quy mô dự án hơn 2.733 căn với tổng trị giá tương đương  1 tỷ USD đã được bán hết vào năm 2021. Trong đó bao gồm:

– Nhà phố liền kề (gọi lách luật là Shophouse) 1.035 căn, trung bình mỗi căn trị giá 15 tỷ đồng

– Boutique Hotel 198 căn, trung bình mỗi căn trị giá 40 tỷ đồng.

– Vin Holiday 1&2 có 1.500 căn Condotel, trung bình mỗi căn trị giá 2,5 tỷ đồng.

Theo như Hợp đồng mua bán được ký kết, trong mục 5.2 Nghĩa vụ của bên bán “có trách nhiệm làm thủ tục với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua”. Theo Điều 1 của TT 23/2014/TT-BTNMT, ngày 19/05/2014: “Thông tư này quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận).”

“Giấy chứng nhận” trong Hợp đồng mua bán được hiểu là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Hợp đồng mua bán: https://drive.google.com/…/1qHxXMTRd5ED1KscKoDB…/view…

Grand World Phú Quốc được Vingroup giới thiệu là một dự án nghỉ dưỡng bất động sản được các nhà đầu tư săn đón. Nhưng đáp lại sự kỳ vọng, tập đoàn #Vingroup cùng với #Techcombank đã giăng ra bẫy “ma trận lừa đảo” để chiếm đoạt các khoản đầu tư của khách hàng một cách trắng trợn với con số ước tính lên hơn 1 TỶ USD.

 

Đầu tiên, cần nói đến chức năng và pháp lý của dự án:

1. Sổ đỏ dự án Grand World ghi rõ mục đích sử dụng: ‘ĐẤT THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ’.

Gồm 02 sổ: tổng diện tích 85,3ha:

Sổ 1. CU 861652, Nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm, diện tích: 407.951,7m2

Sổ 2. CU 861653, Nhà nước cho thuê trả tiền một lần, diện tích:374.975,4m2

Sổ đỏ (QSDĐ) dự án Grand World: https://drive.google.com/…/1Lmc3PS7mN2x6jOPrIal…/view…

2. Văn bản Quyết định số: 230/QĐ-BQLKKTPQ năm 2018 của Bản Quản Lý Khu Kinh Tế Phú Quốc về quy hoạch dự án Grand World cũng ghi rõ tính chất chức năng quy hoạch của dự án: “Xác định là khu du lịch, dịch vụ tổng hợp với các dịch vụ du lịch, khách nghỉ dưỡng, quảng trường, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật,…”

Quyết định số 230/QĐ-BQLKKTPQ:

https://drive.google.com/…/1wzW7VtKQPXel4HS1M3A…/view…

3. Văn bản Quyết định số 02/QĐ-BQLKKTPQ năm 2019 của Bản Quản Lý Khu Kinh Tế Phú Quốc về quy hoạch dự án Grand World tại điều 1 cũng ghi rõ: Công ty TNHH Bất Động Sản New Vision cho thuê đất để sử dụng vào mục đích đất thương mại dịch vụ (thực hiện dự án xây dựng khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World).

Quyết định số 02/QĐ-BQLKKTPQ:

https://drive.google.com/…/1UK4NP…/view…

4. Thậm chí khi Grand World đã bán sạch dự án từ năm 2021 thì đến ngày 15/09 năm 2023 Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang có Văn bản số: 2479/SXD-QLN trả lời về tính pháp lý cho một công dân (khách hàng đã mua dự án) là:

“Qua kiểm tra, Sở Xây dựng có ý kiến như sau: Dự án Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World thuộc khu du lịch sinh thái Bãi Dài tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Đến nay Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ pháp lý liên quan đến việc mua bán nhà của dự án. Vì vậy, Sở Xây dựng không có cơ sở để trả lời.”

Công văn trả lời pháp lý dự án Grand World của Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang:

https://drive.google.com/…/1JLXb1rcg0OLaUQvLSwS…/view…

Theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT thì đất Thương mại, dịch vụ là đất sử dụng xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại. Tức đất Thương mại dịch vụ ở đây chỉ là đất Nhà nước cho thuê để doanh nghiệp khai thác và vận hành Thương mại và dịch vụ chứ không phải là đất để phân lô, bán nền kèm theo Công trình xây dựng. Như vậy rõ ràng các giao dịch chuyển nhượng công trình dịch vụ du lịch ở Grand World Phú Quốc đều là chuyển nhượng “ma”.

Vingroup muốn huy động vốn ở #Grand_World Phú Quốc từ nhà đầu tư nhỏ lẻ thì chỉ có thể là bán lại quyền khai thác căn hộ dịch vụ mà thôi. Nhưng nếu chỉ bán quyền khai thác thì giá trị không cao. Từ lý do đó, có quyền đặt nghi vấn “Vingroup đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhà đầu tư để LỪA ĐẢO?” bằng cách mập mờ với khách hàng là BÁN BẤT ĐỘNG SẢN, và phát hành hợp đồng giao dịch là “HỢP ĐỒNG MUA BÁN CÔNG TRÌNH DỊCH VỤ DU LỊCH”.

Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng (hay công trình du lịch theo cách gọi của Vingroup) là phải gắn với quyền sử dụng đất, thứ mà Vingroup không thể chuyển nhượng cho khách hàng được.

Điều 174 Luật Đất Đai năm 2013 chủ đầu tư có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất của đất thuê nhà nước trả tiền một lần. Nhưng đó là khi chuyển nhượng TOÀN BỘ dự án hay khu đất đó, tương tự cách mà LDG Investment đã bán lại cho Vingroup như đã nói ở trên, chứ không được “chia nhỏ từng phần hay còn gọi là phân lô” để bán. Còn riêng đất thuê nhà nước trả tiền hàng năm thì không được chuyển nhượng.

Nói thêm về việc này, chúng ta có thể nhắc về vụ chuyển nhượng Vinpearl cho Melia. Trên báo chí truyền thông, Vingroup chỉ có thể chuyển nhượng quyền quản lý và khai thác của các khách sạn Vinpearl cho Melia chứ không phải bán toàn bộ khách sạn Vinpearl. Lý do là các khu đất mà Vingroup xây dựng Vinpearl thực tế đều là đất đi thuê và các khách sạn của Vinpearl là nằm trong một phần đất đó và cũng không phải là một dự án thành phần. Nên Vingroup không thể bán một phần dự án là các khách sạn cho Melia, mà chỉ có thể chuyển nhượng quyền quản lý và khai thác cho Melia. Từ đó mới hình thành, song hành thương hiệu Melia Vinpearl.

Thế nên, Hợp đồng mua bán Công trình du lịch của Vingroup đã ký với khách hàng là hoàn toàn vô hiệu và VI PHẠM PHÁP LUẬT vì việc cấp Quyền sử dụng đất cho từng khu là không thể. Việc Vingroup đem một sản phẩm Bất động sản KHÔNG THỂ CHUYỂN NHƯỢNG bán cho khách hàng thì chính xác là sai phạm .

Techcombank cấu kết với Vingroup chiếm đoạt tài sản khách hàng với cách thức trả lời  chả khác gì Mafia cho vay. 

Hợp đồng mua bán Công trình du lịch mà New Vision ký với khách hàng gọi là bên mua, là một hợp đồng vi phạm pháp luật, nên chắc chắn rằng Hợp đồng mua bán và Hợp đồng tín dụng để thực hiện thanh toán không đủ điều kiện đăng ký công chứng “tài sản giao dịch đảm bảo” lên Sở TN-MT nhằm thực hiện thế chấp theo đúng quy định pháp luật. Techcombank đã vi phạm đã vi phạm quy định tại Điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006; điểm a, khoản 1, Điều 3 và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về Đăng ký giao dịch đảm bảo và sau đó thay thế bằng quy định tại Điều 4, Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về Đăng ký giao dịch đảm bảo, đối với tài sản bảo đảm: quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (bất động sản) phải thực đăng ký giao dịch bảo đảm, thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

Như đã nói ở trên, các “Công trình du lịch” ở dự án Grand World là các tài sản “không thể chia nhỏ từng phần hay còn gọi là phân lô” để chuyển nhượng. Vì lẽ đó, khi khách hàng mua sản phẩm ở dự án Grand World cần vay vốn, Vingroup và Techcombank đã cấu kết nhau qua mặt khách hàng.

Cụ thể, để được giải ngân khoản tiền vay Techcombank đã yêu cầu bên vay cũng là bên mua Công trình du lịch Grand World Phú Quốc phải ký Hợp đồng ủy quyền toàn bộ tài sản mua và tất cả những gì thuộc/nằm trong tài sản mua cho Công ty #Sao_Thủy tại văn phòng Công chứng #Nguyên_Ngọc. Sao Thủy là Công ty con của Techcombank, có chức năng đòi nợ thuê, khủng bố bên mua/bên vay nếu trả chậm hoặc được quyền chiếm luôn tài sản vì bên vay/bên mua đã ký với họ Hợp đồng Ủy quyền. Đây là cách mà không cần phải ra tòa dân sự để thi hành án phát mãi tài sản theo đúng quy trình hợp pháp của Pháp luật.

Bởi, trước khi làm việc với Techcombank về khoản vay và cách thức vay thì bên mua cũng là bên vay đã thanh toán trước cho Vingroup từ 30% – 40% số tiền trên tổng giá trị Bất động sản mà họ đã thỏa thuận giao dịch trên Hợp đồng mua bán. Thế Nên, nếu không đồng ý ký vào Hợp đồng Ủy quyền theo yêu cầu của Techcombank thì hoặc là không được duyệt cho vay hoặc là mất hoàn toàn khoản tiền đã thanh toán trước đó hoặc là phải tự chi trả hết 100% số tiền. Vì rõ ràng, từ khi khách hàng ký vào Hợp đồng Ủy quyền cho Công ty Sao Thủy là khách hàng đã giao toàn bộ tài sản của mình cho Techcombank. Như thế, Techcombank và Vingroup hoàn toàn có thể cấu kết với nhau để chiếm dụng cho các mục đích khác. Và hành vi này hoàn toàn vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Hợp đồng tín dụng: https://drive.google.com/…/1Cu…/view…

Hợp đồng Ủy quyền: https://drive.google.com/…/1WWuuFqdAfIkPDhHVeAK…/view…

Với những thủ đoạn trên, #Techcombank đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có sự thay đổi tên gọi thành tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tội vi phạm các quy định trong hoạt động ngân hàng được thực hiện với lỗi cố ý và có tổ chức.

Đó là còn chưa kể các Hợp đồng mua bán “Công trình xây dựng” này là bất hợp pháp và vô hiệu như đã nói ở trên. Thì bản thân tài sản khi bị thanh lý cũng không chuyển nhượng được.

Tiếp tục bất ngờ hơn:

Theo đó, ngày 25/10/2023 vừa qua, công ty TNHH Quản lý Đầu tư #Thiên_An (Thiên An) đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu DTACH2328002, với giá trị 1.070 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm. Như vậy ngày đáo hạn của lô trái phiếu này là ngày 25/10/2028. Trước đó, vào ngày 17/10/2023, Thiên An đã phát hành thành công lô trái phiếu DTACH2328001, với giá trị 1.076 tỷ đồng, cùng lãi suất 9,7%/năm, kỳ hạn 5 năm tính từ ngày 17/10/2023 – 17/10/2028.

Đáng chú ý, dự án #Grand_World Phú Quốc tiếp tục được Thiên An đem làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu DTACH2328002, sau khi đã lấy tài sản này làm đảm bảo tại lô trái phiếu DTACH2328001, ít ngày trước đó. Tức giá trị cầm cố tổng cộng là 2.146 tỷ đồng.

Thông tin lô trái phiếu Thiên An – Tài sản đảm bảo là Dự án Grand World Phú Quốc:

https://markettimes.vn/du-an-grand-word-phu-quoc-duoc…

Nhìn trên mặt truyền thông, đây chỉ là 02 đợt phát hành trái phiếu bình thường. Nhưng, như mọi người đã biết, dự án Grand World thời điểm này đã được bán hết cho khách hàng, thậm chí là còn đang bị kiện cáo tranh chấp giữa Vingroup và khách hàng thì Ủy ban chứng khoán, Bộ tài chính, VPBank, Bộ phận thẩm định, Kiểm toán, thẩm định tài sản thế nào mà lại có thể tiếp tục cho Vingroup đem thế chấp cầm cố và phát hành trái phiếu?!

Đem tài sản đã bán để đi cầm cố thì có phải là lừa đảo thêm lần thứ 2 trên chính Dự án Grand World Phú Quốc?!

Cũng lắm hài hước: Đến thời điểm này Vingroup chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho Dự án Grand World Phú Quốc nhưng vẫn được Sở TN-MT cùng các cơ quan bộ ngành thông qua mọi giao dịch, “cao tay” tới mức “tay không bắt giặc” khi có dấu hiệu cấu kết với Bản Quản Lý Khu Kinh Tế Phú Quốc để xù luôn 97 tỷ tiền thuê đất dự án. https://plo.vn/bql-khu-kinh-te-phu-quoc-mien-hon-97-ti…

Rất nhiều đơn kêu cứu và đơn tố giác gửi lên Công An Cơ quan Điều tra nhưng lại không được giải đáp và xử lý.

Đơn kêu cứu lần thứ 1 gửi của các nạn nhân mua 198 căn khách sạn mini (boutique hotel) lên các cơ quan chức năng và báo chí:

https://drive.google.com/…/1HUg6A8rNqmwdO2oQdQh…/view…

Đơn kêu cứu lần thứ 2 gửi của các nạn nhân mua 198 căn khách sạn mini (boutique hotel) lên các cơ quan chức năng:

https://drive.google.com/…/1EZ91…/view…

Đơn kêu cứu lần thứ 3 gửi của các nạn nhân mua 198 căn khách sạn mini (boutique hotel) lên các cơ quan chức năng:

https://drive.google.com/…/1xiBNZyk…/view…

Đơn tố giác tội phạm của 105 nạn nhân mua khách sạn Mini (Boutique Hotel) gửi lên Công An Tỉnh Kiên Giang:

https://drive.google.com/…/1rTVa2UXlqJy1PlzEU…/view…

Đơn tiếp nhận nguồn tin tội phạm của Công An Tỉnh Kiên Giang với Đơn tố giác tội phạm của bà Nguyễn Lan Phương:

https://drive.google.com/…/1v_O6jujk00NBh4cNEW…/view…

Phiếu chuyển đơn tố giác từ CA TPHCM sang CA Thủ Đức:

https://drive.google.com/…/1zv…/view…

https://drive.google.com/…/1gHGE9EZdbz3p_Cv…/view…

__________________

Nguồn:
Facebook Phương Ngô

4 lần tổ chức đấu thầu vàng, hủy hết 3

 Hàn Lam

VNTB – 4 lần tổ chức đấu thầu vàng, hủy hết 3

(VNTB) – Giá vàng miếng SJC lại tăng như vũ bão lên gần 86 triệu đồng/lượng sau tin hủy đấu thầu vàng lần 3.

Cuối giờ sáng 3-5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông báo hủy phiên đấu thầu vàng miếng dự kiến tổ chức sáng cùng ngày. Nguyên nhân hủy phiên đấu thầu vàng miếng sáng 3-5 là do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Đây là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải hủy phiên đấu thầu vàng miếng SJC do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Ngoài ra, trước đó, một phiên đấu thầu cũng đã bị hủy do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định. Nôm na là 4 lần tổ chức đấu thầu vàng, thì phải hủy hết 3.

Chỉ có 1 phiên đấu thầu vàng thành công nhưng cũng chỉ cung ra thị trường được 3.400 lượng vàng.

Tương tự các lần trước đó, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC theo giá. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc phiên ngày 3-5 là 82,90 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên vẫn là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Ở lần dự định mở đấu thầu bất thành này, ghi nhận thị trường mở cửa sáng 3-5, giá vàng miếng SJC gần như đi ngang khi giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 100 ngàn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên hôm 2-5. Tuy nhiên, đến trưa 3-5, giá vàng miếng bất ngờ tăng nhanh. Lúc 11g30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng miếng thêm 500 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều, đưa giá bán ra lên mức 85,8 triệu đồng/lượng.

Tới cuối giờ chiều 3-5, SJC vẫn neo giá vàng miếng ở mức 83,5 – 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với chốt phiên giao dịch hôm 2-5, giá vàng miếng SJC đắt thêm 600 ngàn đồng một lượng ở chiều mua và cao hơn 700 ngàn đồng một lượng ở chiều bán.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cuối giờ chiều 3-5 niêm yết giá vàng miếng tại Hà Nội ở mức 83,5 – 85,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 900 ngàn đồng một lượng ở chiều mua và cao hơn 600 ngàn đồng một lượng ở chiều bán so với kết phiên hôm 2-5.

Công ty Phú Quý tăng 800.000 đồng mỗi lượng, mua vào lên 83,5 triệu đồng, bán ra 85,8 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng miếng SJC thêm 850.000 đồng mỗi lượng, mua vào lên 83,6 triệu đồng, bán ra 85,7 triệu đồng… Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), mỗi lượng vàng miếng SJC chiều 3-5 được mua – bán ở mức giá 83,5 – 85,8 triệu đồng/lượng, cao hơn so với mức đóng cửa hôm 2-5 là 600 ngàn đồng một lượng ở chiều mua và đắt hơn 700 ngàn đồng một lượng ở chiều bán. Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng từ trước đến nay.

Trong khi đó thì lúc 15g30′ (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.298,2 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá hơn 70,52 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Theo đó, mỗi lượng vàng miếng SJC cao hơn 15,28 triệu đồng so với quốc tế, vàng nhẫn cao hơn 4,5 triệu đồng/lượng.

Với mức giá tham chiếu khá cao mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cùng với quy định số lượng tối thiểu doanh nghiệp đặt cọc dự thầu trong mỗi phiên là 1.400 lượng, thì việc bỏ ra lượng vốn hơn trăm tỷ đồng để ‘ôm’ lượng vàng lớn trong khi không đảm bảo được đầu ra, cũng khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước gần như không có rủi ro nào khi đấu thầu vàng miếng. Nhà điều hành có đủ công cụ trong tay, từ độc quyền nhập khẩu tới cân đối trạng thái tài khoản vàng. Công cụ cuối cùng cơ quan quản lý có thể đưa ra là hủy thầu nếu không mua được đủ vàng từ đối tác quốc tế như giá dự kiến. Nói một cách khác, Ngân hàng Nhà nước luôn nắm đằng chuôi của thế kèo trên.

Mùa Quốc Hận 2024 Việt Nam ra sao trong thập niên tới

 

30 Thang Tu
- Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn. Triệu người vui là người thuộc Miền Bắc Cộng Sản là kẻ chiến thắng và triệu người buồn thuộc Miền Nam Tự Do là kẻ thua trận. Đây là câu nói thẳng thắn về một sự thật thốt ra từ miệng của một nhân vật lãnh đạo cao cấp Cộng Sản.

- Nỗi buồn của triệu người Miền Nam Tự Do cho đến hôm nay sau 49 năm vẫn còn day dứt. Một quốc gia được hiện hữu gồm 3 yếu tố dân tộc, lãnh thổ và chính quyền; nay thì yếu tố chính thể Việt Nam Cộng Hòa không còn cho nên nước Việt Nam Cộng Hòa mất. Người xưa nói nước mất thì nhà tan; hàng triệu người dân Miền Nam phải ly tán, hàng triệu người vào tù, hàng triệu người phải liều chết bỏ nước ra đi tìm Tự Do.

- Một cộng đồng Người Việt Nam Tự Do hình thành ở hải ngoại tại nhiều quốc gia dân chủ tự do bởi những người di tản, vượt biên vượt biển. Cộng đồng này sau mấy chục năm, sinh con đẻ cái, bảo lãnh thân nhân từ quê nhà sang, vận động chính quyền Hoa Kỳ để nhận những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, trở nên lớn mạnh về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa. Với những trí thức tốt nghiệp đại học Mỹ, Âu châu, Úc châu, với những chuyên viên và công nhân làm việc trong các hãng xưởng kỹ nghệ ở xứ văn minh; thì đây là những tiềm năng tốt đẹp có thể đóng góp vào sự phát triển của xứ sở Việt Nam.

- Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay. Nhưng thực tế sau 49 năm thì đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của Việt Cộng thì tụt hậu rất nhiều so với các nước lân bang. Thí dụ rõ ràng nhất là Nam Hàn thập niên 1960 tình trạng phát triển ngang tầm với Việt Nam Cộng Hòa, nhưng bây giờ thì Nam Hàn đã trở thành cường quốc trên thế giới. Và trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn 2 quốc gia đối nghịch là Bắc Hàn và Nam Hàn. Tình trạng đói kém của Bắc Hàn so với Nam Hàn cho thấy sự tai hại của chủ nghĩa Cộng sản khi áp dụng vào Bắc Hàn. Và nước Việt Nam dưới cái tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam- một danh xưng rỗng tuếch mà Việt Cộng từng tự hào, cũng xuống cấp thê thảm so với lân bang.

- Trong 49 năm qua, dân chúng Miền Nam đã đau khổ rất nhiều. Những cô gái Việt Nam khi vượt biển đã trở thành nạn nhân của hải tặc thập niên 1970, 1980. Ở trong nước thì thập niên 1980, 1990 hàng trăm ngàn cô gái Việt Nam đã phải xa xứ lấy những tên già yếu, tàn tật, thô lỗ, của nước Nam Hàn, Đài Loan, Tàu... Hàng trăm ngàn công nhân phải tha phương cầu thực với những chương trình xuất khẩu lao động tại các nước tân tiến. Có những công nhân Việt Nam khi nhập cảnh vào Nam Hàn đã trốn mà ở lại làm di dân lậu- điều này nói lên họ không muốn sống trên quê hương Việt Nam của họ.

- Mùa Quốc hận Tháng Tư năm nay 2024 thì tin tức phe này tố cáo phe kia tham nhũng hối lộ để tranh dành các vị trí chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội lan truyền trên báo chí. Chưa biết phe nào thắng nhưng một điều rõ ràng là cán bộ cao cấp nào cũng tham nhũng dựa vào sự bao che cho các công ty, các ngân hàng để mà bòn rút ngân sách nhà nước và lường gạt dân chúng. Trên đời này không có chế độ nào hoàn hảo nhưng tình trạng tham nhũng quá đáng của Việt Cộng thì đã lên tới mức khủng khiếp. Như trường hợp cán bộ nhà nước đã bắt người dân mua những dụng cụ xét nghiệm Covid dởm, bắt người dân ở nước ngoài phải trả một số tiền lớn để được bay về nước trong mùa đại dịch. Cán bộ thông đồng với các công ty và ngân hàng phát hành cổ phiếu ma để thu lợi hàng tỉ mỹ kim, cán bộ cao cấp để cho người thân lập công ty xây dựng mà đấu thầu những công trình lớn của đất nước với giá cao mà phẩm chất xấu, rồi ăn chia tiền lời với nhau. Hình ảnh bê tông cốt tre nói lên chất lượng của những công trình tồi tệ như thế.

- Tại sao xảy ra tình trạng tham nhũng khủng khiếp như vậy. Lý do là Đảng Cộng Sản lãnh đạo, đứng trên cả hiến pháp nhà nước, không ai có thể bắt bỏ tù một đảng viên cộng sản. Muốn bắt đảng viên cộng sản thì trước hết phải khai trừ người đó ra khỏi Đảng Cộng Sản. Các chức vụ dân cử thì do Đảng đề cử, cho nên cán bộ tức là đảng viên Cộng Sản tha hồ tham nhũng. Luật pháp thì lại bao che đảng viên, tham nhũng hối lộ mà bị bắt thì trả lại số tiền tham nhũng thì được giảm tội, cán bộ lãnh đạo cao cấp mà tham nhũng thì buộc từ chức mà không bị kết tội.

- Mùa 30-4-2024 tin tức đồng bằng sông Cửu Long bị khô hạn, nước mặn tràn vào làm cho dân chúng vùng này thiếu nước ngọt. Dòng sông Cửu Long trên thượng nguồn bị Trung Cộng xây đập chận nước, còn thêm nước Lào cũng xây đập thủy điện và sắp tới Cam Bốt xây kênh đào Phù Nam để dẫn dòng nước sông Cửu Long chảy ra biển theo hướng khác. Có nghĩa là dòng nước chảy về các tỉnh của Miền Tây Nam Bộ sẽ bị giảm rất nhiều. Đây là nỗi lo ngại rất lớn ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho hàng triệu người dân sống ở Miền Tây Nam Phần. Nhưng nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có kế sách lâu dài để đối phó. Cũng nên nói thêm rằng nhà nước Cộng Sản Việt Nam trong mấy chục năm qua đã tập trung xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở ở Miền Bắc mà không chú ý gì đến Miền Nam mặc dù đồng lúa Miền Nam phì nhiêu và tiềm năng kinh tế vùng này rất tốt.

- Mùa 30-4-2024 lập trường chính sách của Việt Cộng càng ngày càng lệ thuộc Trung Cộng qua các hiệp định cam kết để cho Trung Cộng xây dựng đường sắt và các xa lộ Bắc Nam, ủng hộ và tham gia vào kế hoạch Nhất Lộ Nhất Đái- còn gọi là Vành Đai và Con Đường của Trung Cộng. Việt Nam đã tuyên bố cùng chung vận mệnh với Trung Cộng, một câu nói đầy ẩn ý về sự lệ thuộc vào Bắc Kinh.

- Sau 49 năm cai trị Miền Nam, đội ngũ khoa học kỹ thuật chẳng có gì. Các cộng trình xây cất như Cầu Mỹ Thuận do Úc xây dựng, Cầu Cần Thơ do Nhật xây dựng, tuyến Metro Bến Thành cũng do nước ngoài thi công. Ngay cả vệ tinh do Việt Nam phóng lên cũng thuê mướn công ty ngoại quốc thực hiện. Tóm lại về mặt kỹ thuật thì Việt Nam chỉ làm gia công cho các hãng ngoại mà thôi.

- Cộng đồng người Việt Nam tự do ở hải ngoại mỗi năm gởi về mấy chục tỉ mỹ kim cho thân nhân, số tiền này cuối cùng lọt vào tay nhà nước và cán bộ và Việt Cộng có ngoại hối để mà cân đối thu chi về nhập cảng và xuất cảng và giúp nền kinh tế trong nước phần nào. Điều đáng buồn là mặc dù có nguồn tài chánh hàng chục tỉ mỹ kim gởi về nước nhưng cộng đồng người Việt hải ngoại không dựa vào lợi thế đó để áp lực nhà nước Cộng sản thực hiện chính sách lợi ích cho dân chúng và xứ sở.

- Mùa Quốc Hận 2024 nghĩ về đất nước Việt Nam thì chưa thấy có những thay đổi tích cực. Nạn tham nhũng vẫn đầy rẫy. Sự cai trị độc tài, đàn áp nhân quyền vẫn tiếp tục, các tiếng nói đối lập, những phê bình cho dù là đúng đắn vẫn bị trù dập, bắt bỏ tù. Cái câu đất đai thuộc sở hữu toàn dân tạo điều kiện cho cán bộ tịch thu nhà cửa, ruộng vườn của dân chúng qua những cái gọi là kế hoạch xây dựng phát triển, để bọn chúng làm giàu trên sự đau khổ của đồng bào.

- Bọn cán bộ và con cháu tham nhũng tìm cách chuyển tiền tham nhũng ra nước ngoài nhất là tại Hoa Kỳ. Bọn chúng ra hải ngoại sinh sống, giữ hai quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ mà đi qua đi lại thoải mái. Việt Cộng ngày xưa chửi Mỹ đánh Mỹ nhưng hiện tại thì dựa vào Mỹ để tránh không bị Trung Cộng xâm chiếm biển đảo và đất đai. Dựa vào vị thế Mỹ cần Việt Nam để không cho Trung Cộng độc chiếm Biển Đông này mà Việt Cộng tha hồ đàn áp nhân quyền mà không sợ Mỹ trừng phạt.

- Một quốc gia muốn hùng mạnh, độc lập tự do thì phải dựa vào sức mình, dựa vào toàn dân, dựa vào trình độ dân trí với khoa học kỹ thuật, với sự làm việc cần cù, tiết kiệm để mà xây dựng những công trình vật chất và văn hóa cho xứ sở. Dân tộc Việt Nam xét cho cùng thì chỉ hãnh diện được một điều là đứng vững ngàn năm mặc dù chịu bao lần quân Phương Bắc xâm lăng. Nhưng với áp lực của Trung Cộng thì trường học ngày nay đã không dạy cho học sinh các bài học lịch sử ngàn xưa. Giới trẻ hôm nay nhiều kẻ  không biết Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung là ai vì chúng không đươc dạy dỗ trong nhà trường.

Nước Nhật Bản và Nam Hàn hôm nay trở thành cường quốc là họ có tinh thần dân tộc rất cao. Giới trẻ Việt Nam mà không còn tinh thần quật khởi học được từ cha ông qua các bài học lịch sử thì nguy cơ mất nước, trở thành chư hầu hay một tỉnh của Trung Cộng trong tương lai.

- Mùa ba mươi tháng tư 2024 nghĩ về đất nước Việt Nam- với dân số 100 triệu, với lich sử mấy ngàn năm đứng vững không bị đồng hóa như Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu; với một cộng đồng gốc Việt ở hải ngoại mạnh về kinh tế và khoa học kỹ thuật; thế mà vẫn không trở thành cường quốc sánh cùng thế giới thì cũng đáng buồn!

- Chỉ khi nào chủ nghĩa Cộng sản không còn tròng lên cổ dân tộc Lạc Hồng thì may ra dân tộc và quốc gia có tên gọi Việt Nam mới có cơ hội phát triển và đem lại tự do no ấm cho đồng bào.

-Trần Chí Phúc

Mỹ Quốc, Mùa Quốc Hận năm 2024