Friday, February 24, 2017

Người Việt Nam không hèn


Khi quan sát và cố gắng tìm hiểu các nguyên nhân khiến cho tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam gặp khó khăn và tiến triển chậm chạp, tôi thấy có lẽ cần phải để cập đến một hiện tượng. Theo tôi hiện tượng này cũng giải thích phần nào sự chia rẽ, sự khó khăn trong việc gắn kết của người Việt hiện nay. Tôi gọi hiện tượng này là  « hiểu nhầm ». Hiểu nhầm chính mình và hiểu nhầm lẫn nhau.
Người Việt Nam, trong tư cách là một cộng đồng, một dân tộc đang có những hiểu nhầm về chính dân tộc mình. Bài này đề cập đến một khía cạnh của sự hiểu nhầm chính mình : trong rất nhiều bài báo, bài blog, facebook… mà chúng ta đã đọc, trong nhiều cuộc hội thoại hàng ngày, chúng ta gặp mệnh đề này : « người Việt Nam hèn », cứ như thể « hèn » là thuộc về bản tính của người Việt.
Tuy nhiên, nếu như, vào những năm 1960, một nhà báo, một sử gia như Jean Lacouture mà nghe cái nhận định « người Việt Nam hèn » này thì ông ấy sẽ gân cổ lên cãi ngay lập tức, chắc chắn ông ấy sẽ đáp lại : « bạn nói thế thì chẳng hiểu gì về người Việt Nam cả ». Jean Lacouture, khi bình luận về chiến dịch leo thang quân sự của người Mỹ vào năm 1965, đã viết như thế này : « …đó là một chiến lược nhằm bắt Miền Bắc Việt Nam quỳ gối (quỳ gối ư, đời nào những con người của Điện Biên Phủ chịu quỳ gối !  » (Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Seuil, 1967, tr. 238). Sự thật là như vậy. Người Việt Nam đã không chịu quỳ gối. Cho nên, giả sử có ai nói với Jean Lacouture rằng người Việt Nam hèn thì ông ấy sẽ phản đối.
Gần đây thôi, chưa đầy một tháng, một sinh viên Syria nói với tôi: “Các bạn Việt Nam, các bạn thật là mạnh, các bạn đã thắng người Pháp, và cả  người Mỹ ». Điều đó từng là sự thật. Chúng ta từng rất mạnh, chúng ta từng không hèn, chúng ta từng không chịu quỳ gối.
Nhưng đó là chuyện của gần nửa thế kỷ trước. Còn giờ đây… Hẳn chúng ta còn nhớ bài viết « Người việt nam hèn hạ » của tác giả Hân Phan. Bài viết đã gây sốt trên mạng một thời gian và nhận được sự đồng tình của số đông vì đã miêu tả đúng tình trạng của người Việt Nam hiện tại, tôi là một trong số những người đồng tình.
Nhiều người nghĩ rằng chế độ cộng sản đã làm cho người Việt Nam từ can đảm trở nên hèn hạ. Điều đó đúng, nhưng vấn đề không đơn giản. Nếu chúng ta thừa nhận rằng từ 1945 đến 1975, chế độ Miền Bắc cũng là chế độ cộng sản, nhưng người Việt Nam thời đó xứng đáng với tính từ « can đảm ». Không chỉ can đảm trong chiến tranh, mà can đảm cả trong những nỗ lực chống lại chính chế độ, ví dụ như đã từng xảy ra vụ nhân văn giai phẩm, đã từng xảy ra những phản kháng chống lại sai lầm của thời kỳ cải cách ruộng đất, dẫn đến việc chính phủ phải xin lỗi và sửa sai. Chúng ta cũng không thể không thừa nhận rằng lãnh đạo Việt Nam trong thời kỳ đó cũng rất can đảm. Hồ Chí Minh, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp, hỏi rằng : « Việt Nam có chấp nhận làm vệ tinh của Trung Quốc không ? », đã không ngần ngại cao giọng : « Không bao giờ ! ». Chúng ta không thể phủ nhận rằng những năm đói nghèo, vô cùng thiếu thốn vật chất, Lê Duẩn vẫn cho tiến hành cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 chống Trung Quốc.
Nhưng trong những thập kỷ gần đây, chúng ta lại cũng không thể phủ nhận rằng lãnh đạo sống như đế vương nhưng quỳ gối và bắt cả nước quỳ gối trước sự leo thang của Trung Quốc trên biển Đông và trước sự xâm lấn của sức mạnh mềm của Trung Quốc trên đất liền, trong mọi lĩnh vực. Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, trừ một số rất ít người đứng ra phản kháng, đa số người Việt Nam đang quỳ gối để cho chính phủ muốn làm gì thì làm, để cho đất nước muốn ra sao thì ra, và tìm cách bỏ nước thoát thân, mặc cho biển chết, sông chết, cá chết và dân chết…
Vì sao như vậy, cũng là chế độ cộng sản, mà sao người Việt trong những thập kỷ gần đây lại khác trước đến như vậy ? Tôi nghĩ tôi có thể đưa ra một phần câu trả lời, nhưng xin hẹn một dịp khác. Điều mà tôi có thể nói ngắn gọn: đúng là thể chế chính trị đã làm biến đổi tính cách của người Việt.
Ở đây, tôi muốn kết thúc bài này bằng ý tưởng sau đây : Chúng ta đã chọn thái độ hèn trong suốt nhiều năm qua. Chúng ta đã để cho người khác nghĩ là chúng ta hèn, và chúng ta tưởng nhầm là mình hèn.
Nhưng không, chúng ta không hèn.
Người Việt Nam hiện nay chỉ cần làm một điều thôi : tìm lại sự can đảm của chính mình, tìm lại sự can đảm vốn là di sản của các thế hệ người Việt đi trước, sự can đảm vốn đã làm nên tính cách của dân tộc Việt. Sự can đảm đó không mất đi đâu cả. Nó vẫn ở đó, ở trong mỗi người chúng ta.
Khi chúng ta, mỗi người tìm lại được sự can đảm vẫn đang ẩn sâu trong bản ngã của mình, thì đó sẽ là cơ sở để khôi phục phẩm giá và các giá trị tốt đẹp, và là cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Chúng ta sẽ không còn phải bỏ nước ra đi, sẽ không còn phải là nạn nhân của các chính sách cấm nhập cư, bởi chúng ta sẽ có khả năng biến Việt Nam thành một nơi đáng sống.
Chúng ta cần dùng sự cản đảm của chính mỗi người để xây dựng Việt Nam thành một nơi đáng sống, đáng sống cho chúng ta và con cháu của chúng ta.
Paris, 23/2/2017
Nguyễn Thị Từ Huy

Tặng xe công: Một hình thức hối lộ công khai?


Chuyện xe cộ đối với các cán bộ lãnh đạo cộng sản từ trung ương đến địa phương đã làm tốn khá nhiều giấy bút và thời gian của báo chí, thậm chí cả "cơ quan cao nhất, quyền lực nhất" đất nước - theo định nghĩa - cũng tốn không biết bao thời gian.
Nhiều tiếng nói được chú ý trên mặt báo và công luận.
Xe công - một hình thức tham nhũng công khai
Với một nước nghèo và nền kinh tế đang trước nguy cơ phá sản. Sản xuất đình đốn, hàng hóa sản phẩm không có lối thoát, nông sản người dân trồng trọt không thèm thu hoạch vì càng thu hoạch càng lỗ vốn, nợ nước ngoài dầm đìa... Nhà nước đang tìm mọi cách để bóp nặn từng đồng cắc tiền thuế người dân, nghĩ ra đủ chiêu trò từ thuế xăng dầu, xe cộ, đường sá... thì khoản tiền chi hơn 13.000 tỷ đồng mỗi năm cho xe công là một con số không chỉ làm người dân giật mình, mà có lẽ đó phải được coi là một chỉ số của sự xa hoa, phá hoại.
Có lẽ không có mấy nước mà hệ thống "đầy tớ của nhân dân" được cung phụng đầy đủ, thậm chí là trắng trợn trên mồ hôi, nước mắt và xương máu người dân như Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã phải thốt lên rằng: "Ở các nước, ngay cả các quốc gia giàu có như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam. Thủ tướng Thuỵ Điển còn tự lái ô tô hoặc đi các phương tiện công cộng đi làm, chứ không có người đưa đón hay bảo vệ, đầu bếp riêng. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc sử dụng xe công mở rộng ra quá nhiều, ngay chủ tịch liên minh hợp tác xã của tỉnh hay ông giám đốc sở cũng có xe riêng đưa đón".
Vâng! Những đất nước thừa tiền lắm của đến mức người dân còn không thèm nhận tiền trợ cấp cả 2.500 đola mỗi tháng, mà các lãnh đạo đất nước còn thế, thì việc ở đất nước Việt Nam, mỗi năm chi cả mười mấy ngàn tỷ đồng chỉ riêng cho xe đưa đón là chuyện không bình thường.
Thực chất, đó là sự chia chác quyền lợi từ những đồng thuế mồ hôi xương máu của người dân cho đám cán bộ, đảng viên.
Thậm chí Thủ tướng còn có quy đinh cấp nào được đi xe bao nhiêu tiền hẳn hoi. Có thể nói rằng đây là hiện tượng tham ô của công được luật hóa.
Điều không bình thường đó, lại trở thành bình thường ở Việt Nam. Thậm chí chỉ xe công chưa đủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên còn khẳng định: “Đừng nói xe công, các nước còn có máy bay riêng cho lãnh đạo!”. Nghe câu nói này từ miệng một ông thuộc cái Ủy ba cầm tiền bạc của người dân là Quốc hội, thì người dân hiểu rằng tư duy "vén tay áo xô đốt nhà táng giấy" đã thành cố hữu ở quan chức cộng sản.
Hèn chi, ở Việt Nam, người ta đua nhau chạy chọt, mua bán, "cơ cấu", bổ nhiệm cả họ hàng làng xóm nhà mình vào làm quan cộng sản.
Chuyện xe pháo chỉ là chuyện nhỏ và lặt vặt trong những thứ chi tiêu bằng "tiền chùa" của hệ thống quan chức tham nhũng của Việt Nam được ví nhung nhúc "như một bầy sâu" - Trương Tấn Sang.
Nhưng sẽ trở thành chuyện lớn, khi chiến dịch thanh trừng, hạ bệ lẫn nhau trước mỗi kỳ biến động về nhân sự, chức tước phe nhóm.
Và chuyện xe công: Muộn mẹo đời thường
Gần đây, bỗng nhiên báo chí đưa tin rầm rộ về việc sử dụng xe công của các lãnh đạo các tỉnh.
Bắt đầu là vụ chiếc xe tư nhân mang biển số cơ quan nhà nước của Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Tỉnh Hậu Giang được dùng mở đầu cho việc thanh trừng. Chiếc xe gắn biển xanh từ bao giờ vẫn chạy, Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm hết chỗ nọ đến chỗ kia vẫn "đúng quy trình", chẳng ai ý kiến.
Thế rồi đùng đùng báo chí bới ra, và ngay lập tức TBT Nguyễn Phú Trọng quan tâm chỉ thị, thế là thành tội to. Và một trận đánh hội đồng được thực hiện. Kết quả là Trịnh Xuân Thanh cao chạy xa bay và đảng ngồi thẫn thờ ngóng theo vô vọng.
Mấy ngày gần đây, chuyện xe của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh được lôi ra. Người ta nghi anh ta đi xe biển số giả. Bởi vì chiếc xe này có biển số trùng với một chiếc xe khác cũng hạng sang. Thậm chí, tờ báo này còn chỉ rõ chiếc xe đó vi phạm quy định của Thủ tướng về dùng xe công. Bởi bí thư Thành ủy chỉ được đi xe 1,1 tỷ đồng, trong khi chiếc xe này có giá thị trường là 2,7 tỷ.
Thế rồi Thành ủy Đà Nẵng phản pháo, rằng thì là đó là biển thật, nhà nước cấp hẳn hoi, chuyện hai xe trùng biển số nhưng khác màu sơn là bình thường, và dọa kiện tờ báo. Người ta ngơ ngác, nếu đêm hôm, xe đó đâm vào ai và bỏ chạy, nếu người dân chỉ nhìn đọc được biển số báo công an, thì bắt xe nào đây?
Tuy nhiên, Thành ủy cũng xì ra cái hóa đơn giá trị xe mua bán 1,3 tỷ, Hẳn nhiên, nếu theo quy định, chưa cần nói đến giá trị xe là 2,7 tỷ đồng thì chẳng lẽ 1,3 tỷ nhỏ hơn 1,1 tỷ chăng?
Không chỉ Đà Nẵng, báo chí lại lôi tiếp vụ Tỉnh Cà Mau, hai ông đứng đầu tỉnh mỗi ông chơi một xe ô tô Lexus GX460, giá mỗi chiếc 3,1 tỉ đồng, tổng cộng 6,2 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ riêng việc đi những chiếc xe có giá này, thì các quan tỉnh đã nghiễm nhiên coi quy định của Thủ tướng chỉ là tờ giấy lộn.
Quà tặng bất thường: Chân giò và chai rượu?
Đến khi báo chí phanh phui ra các xe sang vượt chỉ tiêu quy định, người dân mới ngớ ra về những mẹo mực quan chức cộng sản nghiễm nhiên "lách đúng luật".
Đó là ở chỗ: Tất cả những xe này, đều là của tư nhân, hoặc được doanh nghiệp tư nhân tặng. Mà số quà tặng bằng xe sang ấy không phải là ít. Riêng Đà Nẵng đã có 8 chiếc được tặng. Còn Cà Mau, chỉ một doanh nghiệp đã tặng đến 2 chiếc hơn 6 tỷ đồng.
Người ta còn nhớ, cách đây khá lâu, trong vụ án PMU18, một chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng đã được một cơ quan nhà nước đem cho Nguyễn Khánh Trọng, con của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn "mượn".
Người dân tự hỏi: Không hiểu sao có nhiều doanh nghiệp hảo tâm đến thế? Họ nhiều tiền, lắm của quá, họ yêu mến hàng ngũ lãnh đạo đến mức ấy, hay vì lý do gì?
Hẳn nhiên, việc nhiều tiền lắm của quá đã bị loại bỏ. Bởi báo chí cũng kịp thời nêu ra, là ngay chính doanh nghiệp tặng hai chiếc xe cho Tỉnh Cà Mau lại là doanh nghiệp đang làm ăn lỗ vốn, phải bù lỗ để duy trì doanh nghiệp. Thậm chí không có vốn để đầu tư, Tỉnh Cà Mau đã phải cho ứng trước 25 tỷ đồng để bảo trì nhà máy xử lý rác!
Vậy có phải doanh nghiệp quá yêu quý lãnh đạo nên dù khó khăn đến mấy thì cũng đi vay để tặng xe đắt tiền? Khi đưa câu nghi vấn này ra, người ta chỉ nhận được một câu trả lời: Điên - mà điên thì làm sao có thể làm doanh nghiệp?
Thực ra, những cái "điên" ấy, chỉ xảy ra và rất dễ hiểu trong môi trường kinh tế tập trung XHCN của triều đại cộng sản mà thôi.
Hỏi thì hỏi vậy, dân gian xưa nay đã đúc kết từ lâu: "Ông giơ chân giò, bà thò chai rượu" chứ làm gì có cái của ăn không được của nhau bao giờ.
Vấn đề ở đây, là cả "chân giò và chai rượu" đều có nguồn gốc từ những đồng tiền thuế của người dân mà ra qua những hợp đồng, những công trình và nhiều thứ khác.
Quà tặng, một hình thức hối lộ?
Có lẽ người dân Việt Nam sẽ hết sức ngạc nhiên, khi biết rằng Tổng thống Mỹ được tặng quà rất nhiều, những món quà giá trị thậm chí đến cả triệu dola từ khắp nơi trên thế giới.
Dẫn chứng là năm 2014, cố quốc vương Abdullah bin Abdulaziz đã tặng Tổng thông Obama 6 món quà trị giá 1,3 triệu USD, trong đó tặng riêng Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama hai bộ trang sức quý khoảng 1,1 triệu USD.
Thế nhưng, ông ta chỉ được nhận đeo và... ngắm. Còn nếu muốn dùng, ông phải bỏ tiền ra mua lại những quà tặng đó, dù người ta tặng đích danh Tổng thống Mỹ.
Nhưng, đó là chuyện của những nước tư bản giãy chết. Chuyện ở ta nó khác.
Nếu luật pháp Mỹ quy định giá trị của quà tặng cho Tổng thống không được vượt 375 đola, thì ở Việt Nam, phong bì mừng tuổi 10.000 đola là chuyện lặt vặt. Hối lộ thì không, nhưng tặng thì cứ nhận, vô sự.
Một thời gian dài, trong dân gian đồn đại về chuyện một ông TBT đi thăm nước ngoài được tặng cả triệu đola, thế là về ông bỏ túi. Mãi đến khi dư luận đồn thổi, ông mới trích một ít trong đó ra ủng hộ xây dựng một công trình nào đó.
Chuyện nhận cả triệu đôla có thật hay không ít ai bết. Chỉ biết có một công trình đã được xây dựng và báo ghi nguyên văn rằng "Trích từ số tiền quà tặng TBT".
Nhưng, những chuyện này thì có thật, từ chuyện cưa cho đến chuyện nay.
Thế hệ chúng tôi, những ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng dịp Trung thu hoặc 1/6, hầu hết học sinh đều hớn hở được nhận những phần kẹo. Loại kẹo bằng đường bọc giấy ấy phát cho mỗi đứa mấy cái và được tuyên bố rằng đó là kẹo của Bác Hồ. Chúng tôi cứ nghiễm nhiên coi rằng đó là kẹo của bác Hồ thật và gào lên "Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh".
Thế nhưng sau này khi tìm hiểu mới biết. Theo ông Vũ Kỳ thì "Lương Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả". Thậm chí ông Hồ còn đòi nhuận bút viết báo của mình, rồi sau đó gửi mua nước cho chiến sĩ phòng không.
Vậy thì lượng kẹo khổng lồ phát cho cả trẻ con miền Bắc đó đâu phải mua từ tiền lương hoặc tiền thưởng của ông Hồ mà gọi là kẹo của bác Hồ?
Hiện nay nhiều nơi vẫn tồn tại rất nhiều công trình ghi rõ ràng rằng: Quà tặng của chủ tịch nước Trần Đức Lương, của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang... với con số tiền tỷ. Thậm chí món quà tặng Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn cả năm, sáu chục tỷ đồng.
Hãy đọc một đoạn trên tờ báo Cao Bằng"Từ Pác Bó trở về, đồng chí Nguyễn Minh Triết đã chỉ đạo hỗ trợ cho nhân dân xóm Pác Bó 400 triệu đồng để mua bò cho các hộ dân, phát triển chăn nuôi và có sức kéo trong sản xuất nông nghiệp...Từ số tiền do đồng chí Nguyễn Minh Triết tặng, nhân dân xóm Pác Bó mua được trên 80 con trâu bò, nay đã phát triển lên 125 con...".
Vậy có nghĩa là ông Nguyễn Minh Triết chỉ cần chỉ đạo, thì số tiền 400 triệu tiền của dân kia là thành quà của ông ta? Đơn giản.
Trong khi với hệ thống tiền lương hiện nay, báo chí cho biết: " lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước thấp hơn kế toán". Hẳn nhiên là chủ tịch nước, các ông này không thể đi "dán hộp các tông" để mua nhà như Thống đốc Ngân hàng Trần Đức Thúy, hoặc "lao động thối móng tay" để xây dựng hàng loạt cơ ngơi như ông Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền!
Thế thì các ông Hồ Chí Minh, Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết... lấy đâu ra số tiền đó để làm quà tặng ghi tên cá nhân?
Thực ra, ở đây người ta đã thực hiện điều dễ dàng nhất, có lợi nhất cho bản thân mình mà cha ông đã đúc kết, đó là "bốc xôi làng, đãi ăn mày". Mà xưa nay, cái trò "của người, phúc ta" là dễ làm nhất. Cứ về quê hương của các lãnh đạo cộng sản, người ta sẽ thấy những con đường rộng, những công trình lớn, những khu công nghiệp, nhà máy... chỉ vì đây là quê hương của ông nọ, ông kia.
Nói đến câu chuyện này, chỉ nhằm nói lên một điều: Tình trạng tranh tối tranh sáng, công tư lẫn lộn giữa hối lộ, biếu xén và quà tặng cũng như hiện tượng nhập nhèm ưu ái hàng ngũ đầy tớ, chính là những khe hở cho việc hối lộ, tham nhũng và tham ô của hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Và khi chế độ cộng sản vẫn còn, thì những chuyện đó vẫn là câu chuyện dài tập.
Hà Nội, Ngày 24/2/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Từ bị tông xe thành ngã gãy chân

 Lan Hương, phóng viên RFA -2017-02-23
Học sinh bị gãy xương đùi vì taxi chở Hiệu trưởng đi vào trường.
Học sinh bị gãy xương đùi vì taxi chở Hiệu trưởng đi vào trường. Courtesy of phunuvietnam.vn
Những ngày qua dư luận xôn xao vụ việc em bé Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2 bị gia đình tố cáo là bị xe taxi có chở cô Hiệu trưởng đâm gãy chân. Tuy nhiên cô này dửng dưng trước vụ tai nạn, bỏ mặc em nằm đó và bình thản mở cửa xe bước đi. Sau một thời gian điều tra, hôm 22/2 Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã ra lệnh cách chức giáo viên này. Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở đây, mà trong quá khứ vị giáo viên này còn mắc rất nhiều lỗi lầm khác.
Hiệu trưởng dửng dưng
Ngày 19/12, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh cháu Trần Chí Kiên (lớp 2A, trường Tiểu học Nam Trung Yên) đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng và báo chí trình bày việc con trai mình bị xe taxi tông gãy xương đùi trong sân trường. Nhà trường có cho gia đình anh biết là cháu chơi và tự ngã nhưng cháu Kiên một mực nói là bị xe taxi đâm và cháu nhìn thấy cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc ngồi trong xe.
Tuy nhiên khi bị hỏi điều tra, cô Hiệu trưởng nói là trong ngày hôm đó không hề có chiếc xe nào vào trường, thậm chí khi cơ quan chức năng tìm ra người lái xe taxi vào ngày 10/2 và vợ của anh này có đến thăm hỏi, xin lỗi gia đình anh Dũng nhưng bà Ngọc vẫn khẳng định lời nói của vợ anh lái taxi là sai.
Hơn thế nữa, Ban giám hiệu trường còn cho thực hiện một cuộc khảo sát để các giáo viên, học sinh xác nhận là hôm đó không có chiếc taxi nào vào trường và việc em Kiên ngã là do sơ ý trong giờ ra chơi. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy 100% giáo viên và học sinh cho biết họ không nhìn thấy em Kiên bị xe đâm trúng. Tuy nhiều giáo viên trong trường cho biết kết quả khảo sát không chính xác vì lúc đó rất nhiều giáo viên không có mặt tại trường.
Đài Á Châu Tự Do có liên lạc hỏi thăm tình hình sức khỏe của em Kiên thì được anh Trần Chí Dũng, cha của em Kiên, cho biết như sau:
Cháu giờ sức khỏe tốt rồi em ạ. Cháu đang tập đi bằng nạng. Cháu bị gẫy xương đùi.
Giọt nước tràn ly
Sau nhiều ngày cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, ngày 21/2 vừa qua bà Ngọc bị cách chức vì lý do vi phạm nghĩa vụ của công chức trong thực hiện công việc. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, vụ việc em Kiên bị xe tông gãy chân giống như giọt nước làm tràn ly, vì trước đó, khi còn công tác ở trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, bà Ngọc đã vi phạm nhiều lỗi khác nhưng không biết vì nguyên do gì bà này không hề bị kỷ luật. Trước thắc mắc đó chúng tôi liên lạc với bà Lê Hiền Đức, 86 tuổi, là một nhà giáo đã nghỉ hưu lâu năm nhưng vẫn tích cực tham gia vào công tác chống tham nhũng, đòi lại công lý cho người dân. Bà Hiền Đức cho chúng tôi biết bà tham gia đấu tranh vụ việc liên quan đến Tạ Thị Bích Ngọc đã hơn chục năm nay, và bà rất vui mừng vì cuối cùng sự thật cũng được đưa ra ánh sáng. Bà có dành cho Lan Hương cuộc trao đổi như sau:
hieu-truong-truong-tieu-hoc-nam-trung-yen-1486630303981-400.jpg
Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, Tạ Thị Bích Ngọc. Photo courtesy of giadinh.net
Lan Hương: Thưa bà, chúng tôi được biết bà là người đứng ra đấu tranh đòi công bằng cho học sinh trường Nhuyễn Khả Trạc suốt từ năm 2005, khi bà Tạ Thị Bích Ngọc về làm hiệu trưởng. Vậy xin bà cho biết chuyện gì đã xảy ra trong suốt những năm đó?
Bà Lê Hiền Đức: Nó tổ chức ăn bớt tiền ăn của hơn 500 học sinh trong suốt 2 năm học từ 2004 đến 2006, mà từ bấy đến nay 11 năm tôi đấu tranh nhưng đằng sau nó có rất nhiều thế lực bảo kê.
Nó nói với phụ huynh và giáo viên nguyên văn như thế này: Ai thích kiện tôi ở đâu thì tôi chỉ đường cho đi mà kiện, bởi vì đằng sau tôi có một hậu phương vững chắc. Con này phụ huynh và giáo viên người ta gọi là yêu tinh, rắn độc, có người gọi là mụ phù thủy, bởi vì nó ác lắm với học sinh.
Nộp tiền để con mình ăn trưa nhưng có những cháu không đủ chất, suy dinh dưỡng. Mấy trăm phụ huynh, mấy chục giáo viên người ta tìm đến tôi.
Năm 2006 xảy ra chuyện đó, thì Nguyễn Thi Vân Khanh lúc đó là Phó chủ tịch nói u ơi u con đã điếu nó đi Xi-bê-ri của quận Cầu Giấy. Ngày xưa vợ chồng Lê-nin bị đày ra Tây Bá Lợi Á, gọi là Xi-bê-ri. Vậy Xi-bê-ri của quận Cầu Giấy là đâu? Trường Tiểu học Nam Trung Yên, mà trường này nằm ở khu gọi là nhất Hà Nội, không ai là không biết. Vậy mà Vân Khanh nó gọi là Xi-bê-ri của quận Cầu Giấy, nó ngay cạnh tòa nhà Keangnam, 72 tầng đó.
Khi nó mới đến nhận nhiệm vụ hiệu trưởng trường Nguyễn Khả Trạc, bắt giáo viên mỗi người một ngày, hết lượt lại quay vòng lại, làm cỗ ở nhà chứ không được làm ở trường vì Nguyễn Khả Trạc nhỏ lắm không được như Nam Trung Yên. Ví dụ hôm nay đến cô giáo A thì làm một mâm cỗ ở nhà, bê đến, bày biện ra, thắp hương cúng. Mà giáo viên phải bỏ tiền túi ra mà làm, mang đến cúng đủ 100 ngày nó nhận chức hiệu trưởng trường Nguyễn Khả Trạc.
Nó thu tiền ăn của giáo viên, nhưng tiền ăn đó vào túi nó, và nó cho học sinh ăn ghé vào suất ăn của học sinh. Mà tôi còn có cả hóa đơn ngày mùng mấy tháng mấy, hóa đơn mua mấy cân thịt, cân sườn,… nhưng hóa đơn là giả. Học sinh không được ăn hết chỗ đó, mà hơn 20 giáo viên ăn vào phần của học sinh. Vậy là các cháu bị ăn bớt 2 lần, lần một là ăn bớt thực đơn, lần 2 là giáo viên ăn với học sinh, nên các cháu không đủ dinh dưỡng. Có cháu đợt đó bị suy dinh dưỡng.
Nó thuê một người Nguyễn Thị A đến học để điểm danh nhưng thực tế là không học. Tôi mới gọi là thạc sĩ không đến trường.
Lan Hương: Chúng tôi được biết là số tiền bà Ngọc gian lận khi ở trường Nguyễn Khả Trạc là 49 triệu tiền ăn của học sinh, có đúng vậy không thưa bà?
Bà Lê Hiền Đức: 49 triệu đồng là do cô Đức, phụ huynh và giáo viên phát hiện ra, nhưng bí thư quận ủy quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Hướng bao che cho nó. Chủ tịch là Bùi Chương Luân cũng bao che cho nó suốt cho đến năm 2009, tôi có đầy đủ chứng cứ rằng nó bỏ túi 49 triệu đồng nhưng thanh tra thành phố lại phát hiện thêm 18 triệu nữa là 67. 67 triệu này to cũng không to nhưng bé cũng không bé vì đối với học sinh một ngày có ăn có mấy ngàn, mà trong 2 năm nó ăn bớt tưng đó thì hỏi các cháu còn gì để mà ăn.
Lan Hương: Khi có quyết định của UBND quận Cầu Giấy yêu cầu cách chức bà Ngọc thì chúng tôi có đọc được nhiều bình luận trên mạng xã hội nói họ rất mãn nguyện, nhưng một số khác nói xử lý như vậy là quá nhẹ với những tội danh của bà Ngọc. Vậy cá nhân bà nghĩ thế nào về quyết định này ạ?
Bà Lê Hiền Đức: Ngày mùng 6, ông chủ tịch thành phố đã lệnh tạm đình chỉ chức vụ để giúp cho việc điều tra được khách quan bởi vì nếu nó còn làm hiệu trưởng ngồi đó thì công an điều tra rất khó. Xong rồi đến hôm qua là lệnh cách chức nhưng bây giờ ông chủ tịch yêu cầu công an tiếp tục điều tra, cách chức để giúp công an điều tra khách quan, chứ chưa dừng lại ở chỗ cách chức. Có thể khởi tố hình sự, ra tòa. Ông Trần Chí Dũng, là bố của cháu Kiên có nói là đang nhờ những luật sư đáng tin và có tâm để giúp anh ấy kiện ra tòa.
Lan Hương: Xin cám ơn bà!

Một giấy phép xuất khẩu gạo giá 20.000 USD?

RFA 2017-02-24  
Nông dân thu hoạch gạo ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 09 tháng 6 năm 2016.
 Nông dân thu hoạch gạo ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 09 tháng 6 năm 2016. AFP photo
Mỗi lần xuất khẩu gạo tốn không dưới 20.000 USD. Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc công ty xuất khẩu gạo ADC cho biết như vừa nêu trong buổi tọa đàm về sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2/2017.
Theo ông này, số tiền “chạy” giấy phép đắt đỏ như vậy là do quy định gia hạn khi hết hạn theo giấy phép xuất khẩu, quy định về vùng nguyên liệu, tốn nhiều thời gian đến trình báo bộ Công thương.
Hiện tại Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo đoàn xác minh do thứ trưởng Trần Quốc Khánh đảm nhiệm để điều tra làm rõ sự việc như ông Nam trình bày.
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong một số năm qua; thế nhưng năm ngoái số lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm sút đáng kể.
Hiện nay xảy ra nghịch lý là giá gạo trong nước vẫn tăng mà giá gạo xuất đi bị giảm.

Công an phải hiểu và tôn trọng luật pháp

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2017-02-23  
An ninh bắt những người biểu tình chống Trung Quốc lên xe bus hôm 21/8/2011.
An ninh bắt những người biểu tình chống Trung Quốc lên xe bus hôm 21/8/2011.  AFP photo
Một bức thư có tên “Thư gửi ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung” vừa được loan truyền trên mạng xã hội có nội dung đòi chấm dứt ngay tình trạng sách nhiễu, bắt bớ, phá phách người tham gia buổi dâng hương tưởng niệm ngày 17 tháng 2 cũng như những ngày lễ khác có liên quan đến các cuộc chiến chống Trung Quốc.
Vì sao có bức thư này?
Thư kiến nghị, thư ngỏ là hai dạng văn bản thường thấy lúc gần đây nhằm gửi tới giới chức thẩm quyền về một vấn đề hệ trọng nào đó thường do một tập thể soạn thảo và công khai gửi đi.
Bức thư gửi cho ông Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng không khác với những thư ngỏ khác, có điều lần này vấn đề tập trung dễ thấy, dễ định dạng hơn vì nó mới xảy ra ngay vào ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới 1979.
Như thông lệ của các năm trước, bất kỳ buổi lễ nào mang hình thức chống Trung Quốc đều bị nhà cầm quyền theo dõi một cách nghiêm nhặt bởi lo ngại một cuộc tập trung dễ dàng dẫn tới bạo động vì chủ đề Trung Quốc luôn được đồng thuận trong dân chúng và các hội nhóm xã hội dân sự khác nhau.
Từ trước tới nay công an Hà Nội nói riêng và công an cả nước nói chung họ cứ bắt người một cách trái pháp luật mà không ai làm gì họ cả.
 - Blogger Phương Bích
An ninh, dân phòng, cảnh sát cơ động và công an luôn túc trực nhận lệnh trước buổi lễ hai ngày. Ngày đầu tiên nhận chỉ thị, xác định đối tượng, bao vây nơi cư trú và trong ngày hôm sau khi buổi lễ diễn ra những đối tượng nào vượt ra ngoài vòng phong tỏa sẽ tiếp tục bị bám đuôi, theo dõi và bắt giam khi cần thiết.
Người nào thoát được tới nơi hành lễ sẽ bị dư luận viên, dân phòng, cảnh sát hay an ninh phá bĩnh bằng cách tạo tiếng ồn, nhảy múa, tấn công người tham gia một cách lén lút. Chen vào đám đông tạo cơ hội bạo động khi có điều kiện cũng như hàng chục cách khác nhằm vô hiệu hóa buổi lễ bằng các chiêu thức mà người bình thường khó thể nghĩ ra.
Từ thực tế này, bà Đặng Bích Phượng tức blogger Phương Bích đã thảo bức thư gửi cho ông Chủ tịch thành phố Hà Nội, vốn là một tướng công an trước khi ngồi vào ghế chủ tịch, ghi lại mọi chi tiết chung quan việc thắp hương kỷ niệm ngày 17 tháng 2 và nêu cụ thể từng hành vi mà công an Hà Nội đã gây ra cho hàng trăm người bằng nhiều cách khác nhau cốt ngăn cản một cách thô bạo sự tập trung biểu cảm tâm tình của người của người dân đối với đồng bào liệt sĩ.
Nói với chúng tôi blogger Phương Bích cho biết nguyên do chính khiến bà quyết định thảo bức thư này:
Từ trước tới nay công an Hà Nội nói riêng và công an cả nước nói chung họ cứ bắt người một cách trái pháp luật mà không ai làm gì họ cả. Thế thì chúng ta phải làm gì chứ chúng ta không thể là những con cóc bị họ bắt rồi thả ra. Bắt bỏ chỗ này rồi thả chỗ kia. Quyền phản đối là cái quyền tối thượng của mình mà mình không làm. Tôi đã hỏi một số người nếu họ không làm thì tôi làm, tôi sẽ có cái thư trước hết gọi là phản đối thứ hai là yêu cầu thi hành luật pháp bởi vì việc tưởng niệm này không chỉ một lần mà mỗi năm có ba lần thế chúng ta không làm, không phản đối thì có nghĩa họ sẽ tiếp tục bắt bớ.
Muốn bắt ai thì bắt
000_Hkg7530199-400.jpg
Những người biểu tình chống Trung Quốc tuần hành về phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 01 tháng 7 năm 2012. AFP photo
Bắt nguội, tức là bắt giam người không cần lệnh tòa án, không cần bằng chứng, không cần sự có mặt của chính quyền địa phương là một dạng khác vi phạm pháp luật có chủ ý của công an Hà Nội. Anh Bạch Hồng Quyền kể lại vụ “bắt nguội” vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 2017 như sau:
Sáng nay có một số người bị bắt nguội có anh Nguyễn Thế Trung anh đang đi trên đường đến buổi tưởng niệm thì họ bắt nguội anh và đưa về công an phường Hàng Bông. Tiếp theo là cô Đặng Bích Phượng cô cũng đang trên đường đi tưởng niệm thì bị công an bắt nguội và đưa về công an phường Trần Hưng Đạo cùng với anh Cường Anh. Chị Lê Mỹ Hạnh thì bị bắt đưa về phường Cửa Nam. Anh Nguyễn Lân Thắng thì sau khi buổi tưởng niệm đã xong trên đường về thì bị bắt.
Theo blogger Phương Bích, người từng bị giam tại Hỏa Lò vì biểu tình chống Trung Quốc cho biết nếu không đấu tranh với công an bằng luật pháp thì chính họ sẽ dùng luật pháp một cách lươn lẹo để giam cầm người bất đồng chính kiến:
Họ bắt đến lần thứ hai thì có thể đưa ra quyết định giáo dục cải tạo hoặc khởi tố hình sự như Bùi Hằng. Nếu như ta không hiểu biết về pháp luật thì chính chúng ta lại làm hại chúng ta cho nên khi tôi đưa ra đề nghị này thì họ ủng hộ.
Họ bắt đến lần thứ hai thì có thể đưa ra quyết định giáo dục cải tạo hoặc khởi tố hình sự như Bùi Hằng.
- Blogger Phương Bích
Blogger Phương Bích đưa ra một trường hợp cụ thể đề chứng minh rằng công an không cần biết những quy định có tính bắt buộc trong ngành của họ khi thi hành việc phạt hành chính đối với ai tham gia các buổi lễ tưởng niệm có liên quan tới Trung Quốc:
Có cái vụ như thế này: Ngày 1 tháng 11 năm 2016 chúng tôi có ra bờ Hồ giăng biểu ngữ phản đối bắt người trong nước và nói rằng yêu nước là không có tội. Họ không hề bắt chúng tôi nhưng sau đó khi chúng tôi đã ra về thì họ tự ý lập biên bản từ ngày 1 tháng 11 năm 2016, mà đến ngày mùng 7 tháng 2 năm 2017 họ mới gửi cho chúng tôi quyết định xử phạt hành chánh tức là sau ba tháng. Bản thân họ đang làm sai vì theo luật thì chỉ 30 ngày sau khi lập biên bản thì anh phải ra quyết định xử phạt. Tôi thấy cái thứ nhất có thể họ không hiểu pháp luật cái thứ hai có thể họ hiểu nhưng bất chấp pháp luật.
Nghệ sĩ Kim Chi, người có thời gian rất dài sát cánh cùng với chiến sĩ bộ đội nên rất hiểu thế nào là xương máu của họ. Kể lại với chúng tôi việc bà bị bắt trong buổi sáng tưởng niệm 17 tháng 2:
Tôi rất đau buồn là trước khi tôi đi tưởng niệm tôi phải đi ngủ nhờ cho nên chắc chắn họ định chặn tôi nhưng thấy tôi không có ở nhà cho nên hôm nay tôi vừa ló đầu ra họ chặn tôi đầu tiên. Tôi không sợ gì hết vì mình đã tham gia dấn thân rồi thì tù đày là chuyện phải chấp nhận. Có hy sinh có người dám dấn thân thì đất nước mới tay đổi. Ngày nay đất nước chưa vào tay Trung Quốc là do công ơn những người đã ngã xuống ở biên giới, sáu vạn người chứ ít gì mà bây giờ bia tưởng niệm thì họ đục bỏ, ai đi tưởng niệm thì họ đánh phá bắt bớ. Tôi nghĩ tóm gọn lại là chế độ độc tài toàn trị này phải đến ngày sụp đổ thôi chứ không thể chấp nhận được và tôi cứ nói như thế họ ngon thì cứ bắt chứ tôi không thề nào phục tùng cái chế độ nó tồi tệ như thế này.
Trong thư gửi cho tướng Chung có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu được đối thoại với ông với tư cách là chủ tịch thành phố Hà Nội, hoặc người có thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội, nhằm chấm dứt việc ngăn cản, bắt bớ này. Không thể quy chụp hành động, cử chỉ bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn như tưởng niệm những người đã chết cho độc lập của Tổ quốc hôm nay, là hành vi tụ tập, gây rối trật tự công cộng. Như vậy là xúc phạm không chỉ với người còn sống, mà xúc phạm cả vong linh những người đã khuất.”

Việt Nam không hy sinh môi trường và công bằng xã hội

RFA 2017-02-24  
Cá chết tại Hồ Tây, Hà Nội ngày 3 tháng 10 năm 2016.
Cá chết tại Hồ Tây, Hà Nội ngày 3 tháng 10 năm 2016.  AFP photo
Mô hình phát triển của Việt Nam sẽ không có việc hy sinh các tiêu chuẩn môi trường hay công bằng xã hội cho mục tiêu tăng trưởng. Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Mùa xuân 2017 diễn ra tối 23/2 tại TP.HCM.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, ông Vương Đình Huệ đánh giá cao sự sáng tạo trong khoa học - công nghê, chuyển mô hình phát triển kinh tế từ dựa vào tài nguyên, sức lao động và vốn đầu tư sang mô hình mơí chú trọng vào tính sáng tạo, năng suất và hiệu quả. Ông này nhấn mạnh rằng với mô hình mới này Việt Nam sẽ cẩn trọng hơn tới các tiêu chuẩn môi trường và công bằng xã hội, không đánh đổi những điều này để phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, ông này cũng nhắc đến việc Việt Nam mở cửa chào đón các đầu tư nước ngoài nhưng không phải bằng mọi giá, đặc biệt không hy sinh môi trường. Việt Nam tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do toàn cầu hoặc trên phạm vi khu vực. Những hoạt động này giúp kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu vẫn tăng 9% và vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng kỷ lục với hơn 110.000 doanh nghiệp.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, vào chiều ngày 24 tháng 2, Sở Tài Nguyên- Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết đã cử nhân viên đi kiểm tra về thông tin xuất hiện dải nước đỏ ở biển Sơn Trà.
Thông tin này được tung lên mạng xã hội Facebook nói hiện tượng chụp được tại khu vực Bãi Nam, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Vào sáng ngày 23/2 tại vùng biển xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh cũng xuất hiện một dải nước màu hồng đỏ dài khoảng 30m.
Tin cho biết Sở Tài Nguyên &Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành lấy mẫu nước và gửi đến Viện công nghệ môi trường để phân tích.
Vài ngày qua, hiện tượng tương tự cũng được người dân phát hiện tại vùng Vịnh Chân Mây, Lăng Cô, và đầm Lập An tại tỉnh Thừa Thiên- Huế. Cơ quan chức năng địa phương cũng nói cho lấy mẫu đem đi thử nghiệp nhưng chưa có kết quả cuối cùng để thông báo cho người dân.
Dân chúng địa phương sau khi phát hiện những dải nước có màu đỏ tỏ ra hoang mang và đồn đoán vì đó không phải là hiện tượng phổ biến tại địa phương của họ.

Trưởng công an xã giết người chỉ bị đề nghị truy tố “cố ý gây thương tích”

Trưởng công an xã giết người chỉ bị đề nghị truy tố “cố ý gây thương tích”
Thi thể ông Nguyễn Cao Tấn. Ảnh: Tuổi Trẻ
Sau khi bắt ông Nguyễn Cao Tấn về trụ sở, 3 công an xã, gồm: Lương Duy Tuyển-Trưởng công an; Trần Đăng Khôi và Nguyễn Trọng Ánh thay nhau tra tấn nạn nhân đến chết. Ngày 23/2, em ông Tấn cho báo chí biết đã nhận được kết luận điều tra của công an tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó 3 tên công an xã sẽ bị truy tố vì tội “cố ý gây thương tích”.
Sự việc xảy ra vào ngày 26/10/2016, công an xã Lãng Công (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Mùi, vợ ông Tấn (hiện đang làm lao công tại Đài Loan) báo về việc con trai mất điện thoại và nghi ngờ do ông Tấn mang đi bán.
Ngày hôm sau, công an đã đến nhà bắt ông Tấn lên trụ sở công an để thẩm vấn.
Trong quá trình thẩm vấn, vì ông Tấn không chịu nhận mình đã lấy điện thoại của con trai nên ông Lương Duy Tuyển đã tra tấn, bắt buộc phải nhận tội.
Từ những điều tra sơ khởi, ông Tuyển đã dùng tay tát vào mặt, lấy chân đạp vào ngực. Còn ông Khôi dùng tay đấm vào mặt, lấy dùi cui vút vào ngực. Trong khi đó, ông Ánh lấy dùi cui đập vào mắt cá chân trái của ông Tấn.
Đến tối khuya, người nhà mang cơm đến trụ sở thì nhận được tin báo ông Tấn đã về nhà.
Người nhà ông Tấn cho biết, khi về đến nơi, ông liên tục kêu đau và cho biết bị công an đánh đập tàn nhẫn lắm. Sau đó, ông Tấn uống vội hộp sữa rồi lên giường đi ngủ mà không thể ăn cơm.
Đến sáng ngày 28/10, khi người nhà gọi ông Tấn dậy thì phát hiện ông đã chết, trên người có rất nhiều vết bầm tìm.
Gia đình ông Tấn đã viết đơn trình báo công an. Công an tỉnh vào cuộc, cho khám nghiệm tử thi liền phát hiện ông Tấn chết do bị phù phổi, bị chấn thương ngực, bị nhồi máu cơ tim, thương tích tử thi bị tổn hại đến 18%.
Với những bằng chứng có được, công an kết luận ông Tấn chết là do bị Lương Duy Tuyển-Trưởng công an xã và 2 công an viên khác thay nhau tra tấn mà chết. Tuy nhiên, cả 3 người này chỉ bị truy tố theo khoản 3, điều 104 Bộ luật hình sự vì “Cố ý gây thương tích” mà không phải là tội tra tấn giết người.
Ngọc Quân/SBTN

Sài Gòn thường ngập lụt do radar dự báo thời tiết ‘bị bệnh’

Trạm radar dự báo thời tiết tại huyện Nhà Bè thường dự báo sai lượng mưa. (Hình: Báo VNExpress)
SÀI GÒN (NV) – Trạm radar Nhà Bè dùng để dự báo thời tiết cho cả khu vực Nam Bộ hư hỏng nhưng không được quan tâm nên thường gửi thông tin sai lệch, khiến Sài Gòn nhiều phen ngập lụt, miền Tây lao đao.
Nói với phóng viên báo điện tử VNExpress, ngày 23 Tháng Hai, ông Lê Ðình Quyết, phó Phòng Dự Báo Khí Tượng Ðài Khí Tượng Thủy Văn Nam Bộ cho biết, trạm radar Nhà Bè hiện nay đã cũ và hư hỏng. Do đó nhiều lúc không thu được tín hiệu, không dự đoán được lượng mưa.
Ðể ra được bản tin dự báo thời tiết, đơn vị phải dùng nhiều phương tiện kỹ thuật, công nghệ như: ảnh mây vệ tinh, sản phẩm mô hình số trị, số liệu khí tượng mặt đất, số liệu khí tượng cao không… để dự đoán chứ không dám căn cứ vào trạm radar.
“Trạm radar phục vụ cho xây dựng dự báo thời tiết ở các nước trên thế giới chỉ 10 năm là thải loại, trong khi trạm này hoạt động liên tục 13 năm mới chỉ được bảo dưỡng hồi năm 2015,” ông Quyết nói.
Không chỉ là trung tâm dự báo cho cả khu vực Nam Bộ và Sài Gòn, trạm radar Nhà Bè còn có nhiệm vụ dự báo mưa, cung cấp dữ liệu cho trung tâm chống ngập Sài Gòn. Tuy nhiên, do công nghệ lạc hậu nên trạm không dự báo chính xác về lượng mưa chính xác, cụ thể ở từng quận, huyện khiến nhiều phiên thành phố bị ngập lụt, mặc dù việc chống ngập được chính quyền Sài Gòn xem là “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.”
Tin cho biết, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đang tính toán việc nâng cấp tổng thể 3 trạm radar Nhà Bè, Nha Trang, Tam Kỳ; có thể xây thêm trạm ở Cà Mau và Trường Sa, theo công nghệ được cân nhắc là radar băng sóng S, có giá khoảng từ $2 triệu mỗi trạm.
Trạm radar thời tiết Nhà Bè là chủng loại Dopple DWSR-2500C, hoạt động trên băng sóng C, thiết bị do hãng EEC- Hoa Kỳ sản xuất, có khả năng quét tín hiệu với bán kính 240 km. Hiện, phi trường Tân Sơn Nhất cũng có trạm radar cùng chủng loại nhưng chỉ phục vụ cho hàng không. (Tr.N)

Quảng Nam: Cán bộ xã lộng quyền lấn chiếm đất công

Ông Minh buộc phải dỡ bỏ công trình lấn chiếm đất nhà nước. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
QUẢNG NAM (NV) – Là người trực tiếp quản lý đất đai nhưng một cán bộ địa chính xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, lại lấn chiếm đất công ngay đường dẫn lên cầu và xây dựng tường rào làm của riêng.
Nói với báo Người Lao Ðộng ngày 23 Tháng Hai, ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch thành phố Hội An cho biết, đã yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với ủy ban xã Cẩm Thanh tiến hành đo đạc, xác định diện tích đất mà ông Lê Thanh Minh, cán bộ địa chính xã này lấn chiếm của nhà nước và “xử lý nghiêm minh việc vi phạm của ông Minh.”
Theo bà Nguyễn Thị Vân, bí thư đảng ủy xã Cẩm Thanh, qua sự tố cáo phản ánh của người dân, lãnh đạo xã cử cán bộ đi kiểm tra thì phát hiện ông Minh xây dựng tường rào bằng bê tông lấn chiếm hơn 100 mét vuông đất mố cầu và đất hành lang an toàn giao thông của đường dẫn lên cầu Cửa Ðại ở xã.
Sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo xã Cẩm Thanh đã yêu cầu ông Minh tháo dỡ phần lấn chiếm, trả lại nguyên trạng như ban đầu mà theo bà Vân đánh giá là “mức độ vi phạm của ông Minh là nghiêm trọng, biết sai vẫn làm.”
Ngoài ra, bà Vân cho biết thêm, ủy ban còn nghe thông tin người dân phản ánh về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực ông Minh phụ trách, hiện xã đang vào cuộc xác minh.
Tuy nhiên, để bao che cho đồng nghiệp, ông Nguyễn Ðức Thảo, cán bộ địa chính xã Cẩm Thanh cho rằng: “Công trình vi phạm do bà Lê Thị Kéo, mẹ ông Minh đứng tên, nhưng do bà Kéo đã lớn tuổi nên mọi hoạt động xây dựng ông Minh phải làm.”
Tin cho biết, sau bị xã xuống kiểm tra, trong ngày 22 Tháng Hai, ông Minh đã tổ chức tháo dỡ, trả lại phần vi phạm. (Tr.N)