Sunday, February 28, 2016

Đưa du khách vào chỗ chết?

Theo NLĐO-27/02/2016 23:33

Ba du khách người Anh thiệt mạng tại thác “Tử thần” ở Đà Lạt có thể bị đưa đi du lịch mạo hiểm “chui”, không ký hợp đồng và không được mua bảo hiểm rủi ro

Sáng 27-2, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Lâm Đồng triệu tập cuộc họp khẩn với các công ty đang kinh doanh dịch vụ du lịch tại Đà Lạt nhằm chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động du lịch của địa phương này, đặc biệt là loại hình du lịch mạo hiểm, sau khi 3 du khách người Anh tử nạn tại thác “Tử thần”.
Lộ nhiều bất cập
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, loại hình du lịch mạo hiểm tại Lâm Đồng phát triển rất nhanh. Hiện có 8 doanh nghiệp (DN) được cấp phép hoạt động du lịch mạo hiểm (tổ chức các tour đi bộ xuyên rừng, leo dây vượt thác, đạp xe leo núi…). Tuy nhiên, sự cạnh tranh không lành mạnh đã khiến nhiều DN nhận giá tour rất thấp dẫn đến chất lượng dịch vụ không được bảo đảm.
Tại cuộc họp, ông Võ Đức Trung, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt, chỉ trích gay gắt kiểu làm ăn thiếu tính chuyên nghiệp, cẩu thả của không ít DN. Vị giám đốc này dẫn chứng có những tour du lịch mạo hiểm số người tham gia lên tới 20 nhưng chỉ có 2 hướng dẫn viên nên không thể hướng dẫn, cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho du khách. “Tai nạn này tôi đã từng cảnh báo tại một số cuộc họp giữa các DN với cơ quan quản lý nhà nước cách đây mấy năm rồi” - ông Trung nói.

Hiện trường nơi vớt được thi thể 3 du khách rơi xuống
Hiện trường nơi vớt được thi thể 3 du khách rơi xuống

Một thực trạng đáng chú ý được nêu ra tại cuộc họp là hiện nay, chưa có một cơ quan độc lập nào đứng ra kiểm tra, thẩm định cơ sở vật chất, công cụ bảo hộ đối với hành khách khi tham gia tour mạo hiểm. Việc giám sát những hoạt động tour của các đơn vị này cũng rất lỏng lẻo.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Lâm Đồng (đơn vị chủ quản Khu Du lịch Datanla Đà Lạt), vị trí nhóm du khách người Anh gặp nạn khá nguy hiểm. Trước đây có nhiều đơn vị du lịch lữ hành đưa “chui” du khách vào đây. Sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng bàn giao quản lý, từ tháng 6-2015, đơn vị đã thông báo chấn chỉnh nhưng thi thoảng vẫn có đơn vị lén lút đưa khách vào.
Cần làm rõ trách nhiệm
Đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết nhóm du khách gặp nạn không có hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Đam Mê Đà Lạt (gọi tắt: Công ty Đam Mê Đà Lạt) mà chỉ mua vé từ công ty này. Tour ban đầu có 4 người, gồm 2 nam và 2 nữ, nhưng sau đó một người bị bệnh không đi. Ba người tham gia và tử nạn là anh Snoal Chirstian, chị Anderson Beth Gisele và chị Squireisobel Mackensie.
Bà Nguyễn Thị Nguyên xác nhận Công ty Đam Mê Đà Lạt được cơ quan chức năng cấp giấy phép đủ điều kiện tổ chức loại hình du lịch thể thao mạo hiểm vào năm 2015. Sáng 26-2, 3 du khách trên đến văn phòng của công ty này (số 33 Trương Công Định, TP Đà Lạt) đặt mua tour du lịch thể thao mạo hiểm đi bộ băng rừng tại Khu Du lịch Datanla Đà Lạt. Sau đó, công ty phân công hướng dẫn viên quốc tế Đặng Văn Sỹ phụ trách dẫn đoàn. Trong quá trình tổ chức tour, công ty có trang bị áo phao và mũ bảo hiểm cho du khách. Ông Phan Tất Trí, Phó trưởng Công an TP Đà Lạt, cũng khẳng định nhóm du khách này không “đi chui”. Theo ông Trí, nguyên nhân tai nạn là do sự chủ quan của các cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó trách nhiệm không chỉ riêng hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ, Công ty TNHH Đam Mê Đà Lạt mà còn có cả trách nhiệm của Khu Du lịch Datanla Đà Lạt. Về việc này, cơ quan công an đang khẩn trương làm rõ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Nhạn, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Lâm Đồng, lại cho rằng đây là tour đi bộ băng rừng nhưng hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ sau khi đưa khách đi tham quan tại Khu Du lịch Datanla đã đưa khách “đi chui” xuống khu vực thác “Tử thần”.
Liên quan đến tai nạn nghiêm trọng này, đại tá Phùng Tất Thành, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết sáng 27-2, thi thể của các nạn nhân đã được đưa về Viện Pháp y quốc gia tại TP HCM để bảo quản và tiến hành các thủ tục tiếp theo. Riêng ông Phạm Hữu Hoài Nguyên, Giám đốc Công ty Đam Mê Đà Lạt và hướng dẫn viên Đặng Văn Sỹ đã được gia đình bảo lãnh tại ngoại.
Chiều cùng ngày, Đại sứ Anh, ông Giles Lever, đã dẫn đầu đoàn Đại sứ quán Anh tại Việt Nam xuống hiện trường nơi 3 du khách người Anh tử nạn. Trước đó, ông Giles Lever cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng.

Hồi chuông báo động
Theo phiếu biên nhận (receipt) ngày 26-2 của Công ty Đam Mê Đà Lạt thì 9 giờ sáng, có 2 du khách được nhà tour đến đón từ Cozy Nook Hostel - nơi lưu trú dành cho khách “ba lô” - để tham gia tour có tên “multy color trekking”. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, giới làm du lịch ở Đà Lạt và cả nước rúng động trước tin 3 du khách người Anh tử nạn ở thác “Tử thần” Datanla, trong đó có 2 du khách nói trên.
Những du khách “ba lô” nói trên thích ở “bụi”, tham gia những tour du lịch khám phá với mức giá tiết kiệm hết mức và cái giá họ phải trả chính là mối rủi ro cao cho tính mạng. Đáng lo là những dịch vụ du lịch mạo hiểm dạng này lại đang phát triển ở Việt Nam trong khi việc quản lý bỏ ngỏ. Trên thực tế, việc công ty du lịch kinh doanh tour “mạo hiểm” gần như không được kiểm soát. Ngay cả cơ quan chức năng cũng thiếu chuyên gia đạt chuẩn quốc tế về du lịch mạo hiểm để kiểm tra, cấp phép và giám sát sau cấp phép.
Vì lẽ trên, các DN khai thác dạng tour này tự lo lấy. Đa phần hướng dẫn viên cho tour du lịch mạo hiểm chủ yếu chỉ cần có sức khỏe, biết tiếng Anh và rành rõi về địa hình. Phần kỹ năng chuyên môn thì thường nghề dạy nghề, cùng lắm cũng chỉ tham gia những khóa học nghề của các đàn anh, đồng nghiệp đi trước. Tính mạng du khách bị đánh đổi một cách vô cùng rẻ rúng trong tay những nhà tour như thế.
Sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam với khách nước ngoài một phần nằm ở địa hình hiểm trở, thiên nhiên hoang sơ. Chính vì thế mà rất cần sự bảo đảm dịch vụ khai thác du lịch chuyên nghiệp trong các loại hình du lịch mang tính đặc thù cao, như du lịch khám phá tự nhiên và các loại hình tour thể thao mạo hiểm kết hợp khám phá thiên nhiên. Có tài nguyên, có kinh nghiệm về địa hình, kinh nghiệm nghề dạy nghề thôi chưa đủ mà cần phải có sự chuẩn hóa quốc tế trong dịch vụ để bảo đảm an toàn cho du khách.
Đà Lạt hay bất kỳ địa phương nào không nên mạo hiểm đánh đổi hình ảnh của mình, của ngành du lịch đất nước khi để những hình thức khai thác du lịch dạng này tha hồ mọc lên, nhất là đừng quá mạo hiểm đến mức đánh đổi mạng sống con người qua việc đẩy mạnh những tour giá rẻ nhưng đồng thời cũng coi rẻ tính mạng khách hàng.
Câu chuyện 3 du khách người Anh tham gia tour “multy color trekking” tử nạn ở thác Datanla là một rủi ro ngoài mong muốn của nhà làm tour. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tai nạn xảy ra với khách đi tour mạo hiểm ở khu vực này. Ngày 25-3-2010, 8 sinh viên của Trường CĐ nghề Đà Lạt đến đây dã ngoại, trong đó 2 người thiệt mạng do trượt chân rơi xuống thác sâu.
Cần coi đây là hồi chuông báo động về sự khai thác và quản lý một loại hình du lịch khó nhưng được thực hiện còn quá cảm tính và dễ dãi.
Nguyễn Tường

Thu hồi ngay giấy phép của Công ty Đam Mê Đà Lạt
Chiều 27-2, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết ngay sau khi tai nạn xảy ra, tổng cục đã có thư chia buồn gửi tới gia đình các nạn nhân, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa thi thể các nạn nhân về nước.
Theo ông Chung, Công ty Đam Mê Đà Lạt không mua bảo hiểm cho khách du lịch mà dẫn khách đi “chui”. Do đó, tổng cục chỉ đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng thu hồi ngay giấy phép kinh doanh và tạm dừng mọi hoạt động của công ty này trong thời gian sớm nhất.
Y.An

Bài và ảnh: Thạch Thảo

Ám ảnh làm “chui” ở Trung Quốc

28/02/2016 22:14

Quá khó khăn, hàng ngàn người dân ở Thanh Hóa đã vượt biên qua Trung Quốc làm việc “chui” với mong muốn có một cuộc sống khá giả hơn. 


Anh Nguyễn Văn Đoàn, người trở về nước sau 7 tháng ác mộng nơi xứ người
Anh Nguyễn Văn Đoàn, người trở về nước sau 7 tháng ác mộng nơi xứ người

Từ sau Tết đến nay, lực lượng công an các huyện tại tỉnh Thanh Hóa đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ đưa người nhập cảnh Trung Quốc (TQ) trái phép. Những người này chủ yếu là lao động phổ thông, không có việc làm, muốn sang TQ tìm việc.
Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi mà công việc vẫn không đâu vào đâu, anh Đới Sỹ Tiến (ngụ xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh) được một người quen giới thiệu qua TQ làm việc. Công việc là thu hoạch trái cây, lương cao lại nhàn hạ. Để được sang xứ người làm thuê, anh Tiến phải tốn 5 triệu đồng.
Anh Tiến nhớ lại: “Sang tới TQ, tôi cùng 5 người nữa được đưa lên một con tàu ra biển đánh cá chứ không phải đi thu hoạch hoa quả. Họ hứa sẽ trả 8 triệu đồng/người/tháng (bao ăn uống). Nhưng do ở miền núi, không quen với việc đi biển nên tôi hay say sóng và bị chủ tàu đánh đập thường xuyên. Làm được gần 1 tháng, khi tàu cập bờ dỡ hàng thì tôi bị cảnh sát ập đến bắt. Bị nhốt hơn 1 tháng tại trại tị nạn, tôi mới được thả về nước với 2 bàn tay trắng”.
Cũng ôm mộng qua xứ người, sau gần 7 tháng làm việc “chui”, anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) trở về với những ám ảnh ghê gớm. Đầu năm 2013, Đoàn được bạn bè cho biết qua TQ làm việc nhẹ nhưng lương cao. Anh phải chi 6 triệu đồng mới được qua TQ làm thuê cho một xưởng sản xuất dao. Làm được một thời gian, anh bị cảnh sát TQ bắt và trả về Việt Nam.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những người qua TQ chủ yếu đi đánh cá cho ngư dân bản địa và làm những công việc nặng nhọc khác mà không được bảo đảm quyền lợi gì. Họ bị đánh đập, hành hạ, bị quỵt lương, thậm chí có thể gặp nạn hoặc bị giết.
Trong năm 2012, huyện Hậu Lộc - địa phương có người qua TQ làm “chui” nhiều nhất Thanh Hóa - đã có 5 lao động chết khi đánh cá tại nước này. Trong đó, 3 người tử nạn do chìm tàu, 2 người chết do bị ngư dân TQ đánh. Các nạn nhân chết trên biển gồm Nguyễn Văn Đông, Phạm Văn Mùi và Bùi Văn Đại -  đều SN 1979, ngụ xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Ba ngư dân này mang theo cả vợ cùng đi TQ vào năm 2011, qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi tới xã Khay Thau, huyện Cây Đa Luống, tỉnh Quảng Đông - TQ. Vợ của các anh thì đi rửa bát thuê, bóc tôm...
Theo ông Hoàng Quốc Hà, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hậu Lộc, chỉ trong năm 2015, huyện này có hơn 1.000 người qua TQ làm việc trái phép. Cũng trong năm này, Hậu Lộc có 8 lao động “chui” bị phía TQ trục xuất về nước, 1 trường hợp tử vong là anh Đặng Mạnh Dũng ở xã Hưng Lộc...
“Đây là bài toán rất nan giải bởi địa phương không tạo được việc làm cho người dân thì họ sẽ phải qua TQ tìm việc. UBND huyện đang cố gắng tạo việc làm tại địa phương và có biện pháp xử lý những cò môi giới lao động trái phép” - ông Hà cho biết.

Bắt 4 ô tô đưa người sang Trung Quốc trái phép
Ngày 24-2, Công an huyện Hậu Lộc đã tạm giữ 3 ô tô chở theo 47 người xuất cảnh trái phép sang TQ. Đây là số lao động được Nguyễn Viết Hào (ngụ xã Minh Lộc) lôi kéo qua TQ làm thuê.
Trước đó, tối 19-2, Công an huyện Quảng Xương và Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cũng bắt giữ Nguyễn Văn Chiến (ngụ xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) khi đang điều khiển ô tô đưa 12 người ra Quảng Ninh để vượt biên sang TQ.

TUẤN MINH

Tiệm tạp hóa phát hỏa, nhiều người hoảng loạn

(NLĐO) – Sau tiếng nổ lớn trong tiệm tạp hóa, hàng trăm người hốt hoảng chữa cháy nhưng đám cháy quá mạnh, thêm vào đó những bình gas mini, bình xịt muỗi phát nổ như bom nên không thể dập tắt được.
Khoảng 12 giờ 30 ngày 28-2, nhiều người đi đường, hàng xóm bỗng hốt hoảng khi nghe tiếng nổ lớn, kèm lửa lớn phát ra từ cửa hàng tạp hóa Hồng Nhung, tổ 4, phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai do bà Đỗ Thị Hồng Nhung (42 tuổi) làm chủ nên đã mang bình cứu hỏa mini, kéo ống nước tham gia dập lửa. 

Lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động hàng chục người tham gia chữa cháy
Lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động hàng chục người tham gia chữa cháy
Chị Thái Thị Hằng, người chứng kiến vụ việc cho biết rất nhiều người chữa cháy nhưng không được vì ngọn lửa quá mạnh, thêm vào đó là bình gas mini, bình xịt muỗi nổ như bom nên mọi người hoảng sợ. 
Hàng hóa trong tiệm tạp hóa bị cháy rụi
Hàng hóa trong tiệm tạp hóa bị cháy rụi
Ngay sau khi nhận được tin báolực lượng Cảnh sát PCCC – Công an tỉnhGia Lai đã huy động hơn 50 chiến sỹ cùng 5 xe cứu hỏa tích cực dập đám cháy. Khoảng 40 phút sau, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn.
Tại hiện trường toàn bộ hàng hóa đã bị cháy rụi. Tuy nhiên chưa thể thống kê được số lượn thiệt hại. Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ.
28/02/2016 15:46
Tin-ảnh: Hoàng Thanh

Vinalines bán đổ bán tháo “cục nợ”

Theo NLĐO-28/02/2016 22:58

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất nhượng bán nguyên trạng ụ nổi 83M với giá khởi điểm chỉ 34,8 tỉ đồng, chưa bằng 1/10 nguyên giá

Ụ nổi 83M được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đầu tư năm 2008, góp vốn vào Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) và bàn giao cho VNLSY với tổng nguyên giá tạm tính là hơn 462 tỉ đồng.
Tài sản trăm tỉ thành “cục nợ”
Ụ nổi 83M hiện neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai) trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị đăng kiểm rút cấp phép từ tháng 1-2011, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ ngày 24-6-2011. Tính đến nay, ụ nổi đã neo đậu tại cảng Gò Dầu B hơn 6 năm và không hoạt động nên chi phí quản lý, bảo vệ ngày một tăng.
Ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai)Ảnh: KHẮC GIỚI
Ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai)Ảnh: KHẮC GIỚI
Ngoài ra, kể từ khi thành lập, VNLSY không hoạt động sản xuất - kinh doanh (do dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam chưa triển khai xây dựng), không có nguồn tài chính để thực hiện duy tu, bảo dưỡng nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh. Do không có khả năng thanh toán một phần công nợ neo đậu theo yêu cầu nên cảng Gò Dầu B đã cắt hợp đồng cấp điện chiếu sáng và cấp nước cho 83M từ đầu năm 2013 khiến ụ nổi lâm vào tình trạng dễ gây mất an toàn, an ninh hàng hải.
Vào tháng 7-2014, thủy triều xuống đã kéo căng nhiều dây buộc làm gãy trụ buộc dây B3 khiến ụ nổi 83M bị trôi dạt. Trước sự cố này, cảng Gò Dầu B đã yêu cầu VNLSY bồi thường thiệt hại khoảng 785 triệu đồng. Tuy  nhiên, do không có tiền, VNLSY đã đề nghị chậm thanh toán cho đến khi các cấp có thẩm quyền cho phép bán ụ nổi.
Từ cuối năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), căn cứ vào thực trạng của VNLSY, Vinalines đã xây dựng và báo cáo bộ các phương án khai thác 83M, như: liên doanh với nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục đầu tư, cho thuê hoặc hợp tác khai thác ụ nổi, tự khai thác và bán ụ nổi để thu hồi một phần vốn đã đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, các phương án này đều không thể thực hiện do thiếu đối tác.
Để xử lý dứt điểm ụ nổi, tránh phát sinh chi phí liên quan, trên cơ sở kiến nghị của VNLSY và tình hình thực hiện các phương án xử lý ụ nổi, Vinalines, VNLSY đã báo cáo Bộ GTVT đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép bán 83M. Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines chủ động tìm kiếm đối tác, xử lý ụ nổi 83M theo quy định của pháp luật.
Rẻ như bán sắt vụn
Căn cứ báo cáo tài chính của VNLSY hôm 31-12-2015, giá trị sổ sách của ụ nổi 83M là khoảng hơn 500 tỉ đồng (gồm 462,8 tỉ đồng giá trị tạm tính ụ nổi bàn giao theo Quyết định số 688/QĐ-HHVN ngày 12-10-2010 và hơn 50 tỉ đồng chi phí neo đậu, chi phí bảo quản hằng tháng... từ thời điểm bàn giao đến ngày 31-12-2015).
Do ụ nổi 83M là tài sản đơn chiếc, không có giao dịch trên thị trường nên để có cơ sở xác định giá khởi điểm khi nhượng bán nguyên trạng, vận dụng theo nghị định của Chính phủ, VNLSY được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá làm cơ sở bán tài sản.
Ngày 25-11-2015, VNLSY đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam về việc thẩm định giá nguyên trạng ụ nổi 83M. Theo chứng thư thẩm định giá ngày 7-12-2015, giá trị ụ nổi 83M xác định theo phương pháp chi phí là 34,8 tỉ đồng.
Lý giải về việc bán 83M quá bèo so với giá trị sổ sách của VNLSY, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc Vinalines, cho rằng giá trị sổ sách của ụ nổi bao gồm giá trị đầu tư và chi phí vận chuyển, bảo hiểm, lãi vay, neo đậu, các loại thuế. Kể từ thời điểm nhận bàn giao (năm 2010), ụ nổi 83M chưa đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh do chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đủ điều kiện đăng ký khai thác, VNLSY chưa thực hiện trích khấu hao.
Mặt khác, ụ nổi 83M tiếp tục phát sinh chi phí neo đậu, bảo quản hằng tháng…, với tổng chi phí từ ngày 13-10-2010 đến 31-12-2015 khoảng hơn 50 tỉ đồng. Giá trị này được VNLSY hạch toán tăng giá trị sổ sách của ụ nổi 83M. Do không được sửa chữa, bảo dưỡng nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh vì gỉ sét nhiều. Báo cáo thẩm định của Công ty AIC cho thấy tại thời điểm thẩm định giá, sắt thép ở mức thấp, đặc biệt là giá trị thép phế liệu lại càng thấp, ảnh hưởng lớn đến giá trị hiện tại của ụ nổi 83M.
“Giá khởi điểm 34,8 tỉ đồng đã được các cơ quan chức năng thẩm định. Việc sớm bán ụ nổi 83M để thu hồi một phần vốn đã đầu tư, tránh nguy cơ mất an toàn neo đậu, giảm thiệt hại cho Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines là việc làm cần thiết và sẽ được thực hiện một cách công khai, minh bạch” - ông Tĩnh cho hay.  
Chờ ý kiến của Bộ GTVT
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh,  Vinalines đang chờ ý kiến của Bộ GTVT và nếu bộ đồng ý, các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch cụ thể để bán đấu giá ụ nổi 83 M.
“Đây mới chỉ là giá khởi điểm để đấu giá. Trong quá trình đấu giá, chắc chắn con số này sẽ tăng vì có sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ụ nổi này có khi trong nước chưa quan tâm nhưng các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm thì sẽ được giá cao” - ông Tĩnh kỳ vọng.

Thế Văn

Biểu dương sức mạnh, Mỹ bắn thử hỏa tiễn hành trình

VANDENBERG, California (NV) – Một hỏa tiễn nguyên tử Minuteman 3 không mang đầu đạn vừa được bắn lên bầu trời California vào đêm Thứ Năm, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Hàn và Nga.
 
 Một hỏa tiễn Minuteman 3 rời dàn phóng ở Vandenberg, California, đêm Thứ Năm. (Hình: US Air Force)

Theo Fox News, hỏa tiễn được bắn lên vào lúc 11 giờ đêm ở ngoài khơi duyên hải California, mang theo một thiết bị thử nghiệm.

Mục tiêu nhắm đến là vùng biển của Kwajalein Atoll, một chuỗi đảo nằm cách Honolulu khoảng 2,500 dặm về hướng Tây Nam.

Đại Tá Craig Ramsey, chỉ huy trưởng phi đoàn 576th Flight Test Squadron, cho biết, hỏa tiễn bay đến mục tiêu 30 phút sau khi rời dàn phóng.

Đây là lần thử nghiệm thứ nhì do Không Lực Hoa Kỳ thực hiện trong tháng này để tái xác định độ tin cậy của hỏa tiễn có từ thời Chiến Tranh Lạnh.

Minuteman 3 được đưa vào hoạt động từ năm 1970, vốn quá tuổi thọ dự trù chỉ 10 năm.

Hỏa tiễn quá cổ xưa đến nỗi các cơ phận quan trọng đều không còn sản xuất.

Không Quân Mỹ có 450 hỏa tiễn Minuteman, 150 tại mỗi căn cứ ở Wyoming, Montana và North Dakota.

Cứ vài lần mỗi năm, một hỏa tiễn được kéo ra khỏi dàn phóng và chở về Vandenberg để bắn thử, sau khi đã tháo đầu đạn nguyên tử.

Việc bắn thử hỏa tiễn Minuteman của quân đội Mỹ là một thông điệp hùng hồn thuộc thuyết răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ, rằng nếu đối thủ ý thức được rằng Mỹ đã luôn sẵn sàng ứng phó thì ắt họ sẽ không dám khởi đầu một cuộc chiến nguyên tử. (TP)
 


02-27- 2016 12:52:15 PM 

Mỹ kêu gọi ông Tập cam kết không quân sự hóa biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris, hôm 30/11/2015.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp bên lề Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris, hôm 30/11/2015.
Nhà Trắng hôm qua thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết không quân sự hóa ở Trường Sa sang tất cả vùng biển Đông.
Ông Dan Kritenbrink, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Barack Obama về châu Á, kêu gọi như vậy sau một tuần mà Hoa Kỳ và Trung Quốc lời qua tiếng lại về việc Bắc Kinh triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và hệ thống radar trên các hòn đảo tranh chấp.
Trong chuyến thăm Mỹ tháng Chín năm ngoái, ông Tập đã cam kết không quân sự hóa Trường Sa.
Nhưng sau đó, các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh có động cơ quân sự với việc xây dựng đường băng và lắp đặt hệ thống radar trên quần đảo mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc gần đây triển khai tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu tới Hoàng Sa.
Bắc Kinh kiểm soát quần đảo tranh chấp này hơn 40 năm qua, sau trận hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Ông Kritenbrink nói tại một cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ là điều tốt nếu ông Tập mở rộng cam kết không quân sự hóa đó tới tất cả khu vực biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục những người bạn Trung Quốc và các nước khác trong khu vực kiềm chế, không có các bước đi làm gia tăng căng thẳng”.
'Phá vỡ nguyên trạng'
Trung Quốc luôn tuyên bố rằng các cơ sở quân sự của nước này ở biển Đông là “hợp pháp và phù hợp”.
Ngoài ra, cố vấn về châu Á của Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên tuân thủ một phán quyết của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, dự kiến sẽ được tuyên vào cuối năm nay, đối với vụ kiện của Philippines.
Trong khi đó, liên quan tới các hành động làm leo thang căng thẳng ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 25/2 nói rằng Trung Quốc khiến “nguyên trạng khu vực bị phá vỡ”.
Ông Bình nói: “Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không những tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gia tăng quân sự hoá trên Biển Đông mà còn đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng “yêu cầu Trung Quốc có những hành động, lời nói có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hoà bình, ổn định” ở vùng biển tranh chấp.

Ẩn số kỳ họp 11 quốc hội Việt Nam: Sẽ ‘thay ngựa giữa dòng’?

Sau khi hàng loạt ẩn số về nhân sự tại đại hội 12 của đảng cầm quyền được giải đáp, lại tiếp tục phát sinh một ẩn số khác: Kỳ họp 11 quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 21/3/2016.



Khó có thể xem đây là một kỳ họp quốc hội “bình thường”, khi mới đây tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội đã xác định sẽ “Quốc hội dự kiến kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước”.
Trong thuật ngữ chính trị Việt Nam, “kiện toàn” là một từ đặc biệt và đặc thù riêng có. Rất thường khi nói tới việc kiện toàn, người ta hiểu ngay đó là một sự sắp xếp lại, thay thế nhân sự.
Kỳ họp 11 của Quốc hội Việt Nam càng đặc biệt hơn khi có tới 3 ngày để bàn “công tác nhân sự”, thậm chí có thể leo sang ngày thứ tư nếu 3 ngày chưa đủ để “chốt”.
Tuy vẫn chưa có thông tin nào về các “chức danh lãnh đạo nhà nước” được kiện toàn là những chức danh nào và cụ thể là những ai, một số dư luận đang cho rằng “ẩn số X” sẽ tiếp tục được giải mã theo hướng “thay ngựa giữa dòng”.
Như đã biết, kết quả đại hội 12 nghiêng hẳn phần thắng về phía những người bên đảng. Tổng bí thư Trọng đã không còn sụt sùi rơi lệ như hồi Hội nghị trung ương 6 cuối năm 2012, thay vào đó nở nụ cười mãn nguyện “Tôi bất ngờ…”.
Tuy được một số cuộc thăm dò không chính thức và cả nhiều báo đài phương Tây đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ tổng bí thư, rốt cuộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đột ngột không còn là ủy viên bộ chính trị.
Không những bị loại khỏi danh sách 19 nhân vật “quyền lực nhất” trong đảng cầm quyền, ông Dũng còn không là ủy viên trung ương, cho dù bản lĩnh của ông được mô tả là “chiến đấu đến phút cuối cùng”.
Lần này và khác với những đại hội trước, đảng hành động mau mắn. Nếu sau những đại hội trước, công tác bố trí lại nân sự chủ chốt phải sau hàng tháng hoặc vài ba tháng, thì chỉ sau khi kết thúc đại hội 12 chưa đầy một tuần, người ta đã thấy bên đảng sốt sắng bố trí hàng loạt chức vụ quan trọng như Hoàng Trung Hải làm bí thư Hà Nội, Đinh La Thăng làm bí thư Sài Gòn, Võ Văn Thưởng làm trưởng ban tuyên giáo trung ương, Đinh Thế Huynh làm thường trực ban bí thư… Ngay cả Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – được cơ cấu làm thủ tướng trong tương lai gần – dù chưa nhậm chức nhưng đã bố trí đến “thăm” Ngân hàng nhà nước – một trong những căn cứ điểm trọng yếu nhất của bên chính phủ.
Tiếp đó, xuất hiện dư luận cho rằng bên đảng đang muốn “kiện toàn” sớm các chức danh chính phủ chứ không chờ đến cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5/2016 và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới vào tháng 7/2016.
Nếu kỳ họp quốc hội 11 vào tháng 3/2016 diễn ra đúng theo “kế hoạch”, có thể hình dung một số cương vị “lãnh đạo nhà nước” được thay thế. Đầu tiên là ông Trương Tấn Sang, sau đó có thể đến một phó chủ tịch nước. Rồi đến ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng cũng theo dư luận, “ẩn số X” mới là kiện toàn quan yếu nhất.
Tại phiên họp tháng 2/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội, việc xem xét báo cáo nhiệm kỳ của thủ tướng chính phủ đã dẫn đến một kết luận hiếm thấy: hạn chế yếu kém.
Trước đó vào giữa tháng 2/2016, ông Nguyễn Tấn Dũng suýt nữa không thể đi California dự Hội nghị ASEAN do Tổng thống Obama chủ trì. Chi tiết rất nghiệt ngã là dường như chỉ nhờ vào sự can thiệp của phía Mỹ, Bộ chính trị Việt Nam mới quyết định cho ông Dũng “được đi”.
02/27/2016 - 22:48
Lê Dung / SBTN

Ả Rập Saudi dẹp bỏ các công ty môi giới tuyển người giúp việc ở Việt Nam

Tòa Đại Sứ Ảrập Saudi ở Việt Nam vừa khám phá ra một vụ lừa đảo, liên can tới những công dân Saudi tuyển người giúp việc nhà ở Việt Nam với giá rẻ, rồi đưa sang nước này làm việc giá cao hơn 10 lần.
Đại Sứ Saudi tại Hà Nội, ông Dakhilallah Al-Juhani được báo chí trích lời nói hôm Thứ Bảy 27/02 rằng, một số nhà môi giới Saudi đã tuyển người giúp việc nhà từ Việt Nam, với giá tối đa là 2,000 Saudi ryal mỗi người, tương đương hơn 530 Mỹ kim, và cho người dân Saudi mướn lại với giá 25,000 Saudi ryal, tương đương gần 6,700 Mỹ kim. Đại Sứ Al-Juhani còn cho biết một số nhà môi giới này là thành viên của ủy ban tuyển mộ quốc gia. Họ đã thuê một căn chúng cư ở Hà Nội làm trụ sở chính để làm ăn theo kiểu này. Đại sứ Saudi gọi hành động của các nhà môi giới này là bóc lột người dân Saudi, và làm cho cuộc khủng hoảng về lao động nội địa ở Saudi thêm phức tạp.
Ông Al-Juhani cho hay Tòa Đại Sứ Saudi ở Việt Nam đã có những biện pháp cần thiết để đưa các nhà môi giới trở về Saudi. Theo ông Al-Juhani, hiện có khoảng 6,000 phụ nữ Việt Nam đang hành nghề giúp việc nhà tại Saudi, so với khoảng 16,000 lao động nam giới. Ông cho rằng người giúp việc nhà Việt Nam hòa nhã và làm việc hữu hiệu, nhưng các nhà môi giới là lý do chính khiến cho nhiều người dân Saudi ngần ngại mướn người Việt Nam.
02/28/2016 - 07:30
Huy Lam / SBTN

Công ty Pouchen đồng ý làm theo đòi hỏi của 17,000 công nhân đình công

Công ty Pouchen Việt Nam ở Đồng Nai đã đồng ý không thực hiện chính sách trừ điểm công nhân trong các ngày nghỉ, ngoài ra công ty vẫn trả lương cho công nhân trong ba ngày đình công là 25, 26 và 27 tháng 2.
Chiều Thứ Bảy ngày 27 tháng 2, một thỏa thuận đã đạt được giữa các công nhân đình công với công ty Pouchen Việt Nam chuyên gia công giày, đóng ở xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, với 100% vốn Đài Loan, và cũng là một trong những công ty có nhiều công nhân nhất trong tỉnh này. Khoảng 17,000 công nhân đã tham gia cuộc đình công kéo dài ba ngày qua, khiến giao thông qua khu vực bị tắc nghẽn. Được biết sau khi công ty chấp nhận các đòi của họ, các công nhân dự trù sẽ đi làm lại vào Thứ Hai ngày 29 tháng 2.
Trước đó, công ty Pouchen Việt Nam đưa ra cái gọi là chính sách "đánh giá hiệu quả công việc". Theo đó, công ty quy định mỗi công nhân có 100 điểm thưởng hàng năm. Hằng tháng công ty căn cứ vào đó để đánh giá, xếp loại A, B, C. Nếu sai phạm, công nhân sẽ bị trừ điểm, và tiền thưởng cuối năm theo đó sẽ ít đi. Bên cạnh đó, khi công nhân nghỉ không phép hay có phép, kể cả đau bệnh, đều bị trừ điểm. Từ khi được ban hành vào ngày 18 tháng 2, chính sách này bị công nhân phản đối là quá khắt khe. Hơn 17,000 người trong tổng số khoảng 21,500 công nhân đã tham gia cuộc đình công.
Thêm một thắng lợi nữa của sức mạnh đình công tập thể. Các tổ chức đấu tranh trong nước cũng cần có số đông trong biểu tình để thành công.
02/28/2016 - 07:39
Huy Lam / SBTN

Trọng dân, gần dân hay khinh dân, xa dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây có nói một câu khá hay: “Lãnh đạo Cộng sản trọng dân, gần dân và vì dân‘’. Tôi rất ngỡ ngàng và hoài nghi về câu nói đó. Vì đây là nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi hàng mấy chục năm nay. Tôi cho rằng khinh dân, coi thường dân, quay lưng lại với nhân dân là sai lầm, tội lỗi nặng nề nhất, thâm căn cố đế không sao sửa chữa được của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Nếu như từ nay đảng CS cùng ông tổng bí thư trọng dân thật sự, gần dân thật sự thì còn gì hơn nữa. Nhưng có quả thật như thế không?
Tôi nghiệm rằng ngay từ hồi Cách mạng tháng Tám 1945, dưới thời ông Hồ Chí Minh, cái tệ cao ngạo, khinh bạc với nhân dân, với những cá nhân ngoài đảng hết lòng ủng hộ đảng CS cũng đã bộc lộ rõ ràng. Thái độ tàn ác với bà Nguyễn Thị Năm, người từng cưu mang các nhà lãnh đạo của đảng, bị bắn với tội ‘’địa chủ gian ác’’, dù có hai con trai là cán bộ trong Quân đội Nhân dân, là một bằng chứng hiển nhiên.
Trần Huy Liệu, vốn là đảng viên Quốc dân đảng theo phong trào Việt Minh, dự Hội nghị Tân Trào tháng 8/1945, được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng, từng soạn thảo ra Quân lệnh số 1 phát động cuộc Tổng Khởi nghĩa, những tuần đầu luôn được coi là nhân vật số 2, sau Hồ Chí Minh, làm Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền, trên Võ Nguyên Giáp, thế mà ngay sau đó gần như cho ra rìa, không vào được Ban Chấp hành Trung ương (CHTƯ) đảng, chỉ hoạt động về nghiên cứu lịch sử. Ông Liệu cho biết chỉ vài tuần sau Cách mạng tháng 8, khi Trường Chinh về Hà Nội là ông biết ngay là mình sẽ không còn ở cương vị quyền lực nữa. Ông nói: ’’Tôi không trách gì người ta, vì đó là nếp nghĩ Stalinit, ai không là CS gốc gác thì không có tín nhiệm. Tôi từng theo Quốc Dân đảng từ năm 1928, khi 27 tuổi, đi tù CS Sơn la năm 1939, nhưng nếp nghĩ vô sản là thế, họ hoài nghi mọi thứ không đâu, trừ bản thân họ.’’
Trần Văn Giàu cũng là một trí thức lớn, học ở Pháp, vào đảng CS Pháp, sang Nga học trường Đông Phương, bạn của Maurice Thorez, Broz Tito, từng là Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ đảng CS, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Ông Giàu am hiểu tình hình thế giới, luôn có ý kiến độc lập, nên không được Hồ Chí Minh và Trường Chinh tín nhiệm, nên dù được đảng bộ miền Nam giới thiệu, vẫn không được vào Ban CHTƯ. Các ông Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Lê Văn Hiến ( từng là Bộ trưởng tài chính suốt mười năm chiến tranh chống Pháp, từng là Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng), Nguyễn Văn Tạo (từng tham gia xứ ủy CS Nam kỳ) ... đều không được trọng dụng, cũng chỉ vì là dân miền Nam, không có gốc Bắc, coi thường Trung ương.
Trước Đại hội XII Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra tiêu chuẩn tổng bí thư ‘’phải là người miền Bắc‘’ là chia rẽ dân tộc, vi phạm Hiến pháp khi Hiến pháp chỉ rõ các ‘’công dân là bình đẳng, dân tộc Việt Nam thống nhất’’. Trọng dân, gần dân, nhưng dân miền Bắc thôi, dân miền Nam từng là thuộc địa Pháp, không đáng tin cậy.
Tôi không sao quên sau 30/4/1975, đảng CS phái hơn 120 ngàn cán bộ miền Bắc vào ‘’tiếp quản miền Nam’’, thuộc đủ ngành nghề, đông nhất là giáo dục, công an, tòa án, thuế quan, quản lý trại giam, hộ khẩu. Các cán bộ đi Nam được nâng một cấp, nhiều giáo viên lên làm hiệu trưởng, hiệu phó các cấp học, từ phổ thông cơ sở đến đại học. Không ít người bị nhiễm tư duy coi dân miền Nam là kém cỏi, thấp hơn dân miền Bắc về mọi mặt do đảng CS truyền cho tư duy trịch thượng nói trên. Họ hãnh tiến, hiếp đáp dân miền Nam, bênh vực nhau, kỳ thị dân bản xứ, gây không biết bao nhiêu oan ức, bất công, dù họ được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, có nhà ở rộng rãi, có tivi, tủ lạnh, xe cộ đi lại, khác hẳn cuộc sống cùng cực thời chiến tranh ở ngoài Bắc. Rõ ràng đảng CS đã nuôi dưỡng ý thức coi dân miền Nam là dân loại hai. Trọng dân là như thế ư?
Tôi được biết không ít trí thức, quân nhân miền Nam đã thành ‘’thuyền nhân’’ do thấm thía cảnh bị bạc đãi, phân biệt cư xử phi lý như vậy. Điều khá mỉa mai là cán bộ miền Bắc kém rõ dân miền Nam về mọi mặt, kiến thúc chuyên môn, về giao tiếp ngoại ngữ, về kinh nghiệm thực tế và cả về đạo đức nữa.
Cần chỉ ra rằng ngay sau Cách mạng tháng Tám, tinh thần khinh dân, phân biệt đối xử với các nhân sỹ, trí thức từng tham gia với đảng CS để đuổi quân Nhật, đánh quân Pháp, loại quân Tưởng.. cũng mang thói tự kiêu vô sản CS, vô ân bạc nghĩa như thế. Nếu không có hàng loạt nhân sỹ, viên chức, giáo sư, quan lại cũ ngoài đảng thì làm sao đảng CS nắm được chính quyền dù chỉ trong một tuần. Tôi chỉ kể một số vị nổi tiếng, như các ông Hoàng Minh Giám (thuộc đảng xã hội Pháp SFIO), kỹ sư Nguyễn Xiển; các nhà luật học Trần Công Tường, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh; các bác sỹ Tôn Thất Tùng, Trần Duy Hưng; các giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Tư Lành, Đỗ Đức Dục, Trương Tửu, Nguyễn Dương Đôn, Phạm Đình Ái, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào; các nhà lãnh đạo Hướng đạo sinh Hoàng Đạo Thúy và Tạ Quang Bửu; các nhà văn Nam Cao, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Hồng; 2 anh em nhà kinh doanh Trịnh Văn Bính, Trjnh Văn Bô; các nhân sỹ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Ngô Tử Hạ, Lê Đình Thám; các nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Tích Trí; các quan lại cũ Phan Kế Toại, Vi Văn Định, Đặng Văn Hướng... chưa kể hàng vạn, chục vạn người khác ở các địa phương.
Cần chỉ rõ mỗi một người trên đây đã làm gương, cổ vũ, lôi cuốn cả một giới, bè bạn, gia đình của họ theo đảng CS, như giới luật học, giáo giới, các nhà nghiên cứu, hàng chục vạn hướng đạo sinh, hàng vạn nhà kinh doanh và tiểu thương, tiểu chủ... góp hàng vạn lạng vàng cho Tuần lễ vàng, hàng triệu quan lại viên chức chính quyền cũ, cùng với hàng chục vạn ‘’Địa chủ yêu nước’’ (để phần lớn bị tận diệt trong Cải cách ruộng đất). Tất cả các nhân vật trên đây là dân ngoài đảng, đã lập thành tích vượt xa nhiều đảng viên, nhưng đều ở cương vị bị lãnh đạo, không ít là nạn nhân bị vắt kiệt nước chanh rồi bỏ vỏ.
Có ai còn nhớ đến công sức của ông Phan Anh cùng ông Tạ Quang Bửu, ngay khi phát xít Nhật trao trả độc lập sau cuộc đảo chính 9/3/1945, tham gia chính phủ Trần Trọng Kim đã không lập Bộ Quốc phòng để tránh sự can thiệp quân sự của phát xít Nhật, lập ra Trường Thanh niên Tiền Tuyến thuộc Bộ Thanh niên, thực tế là trường quân sự, gồm gần 60 sinh viên, hướng đạo sinh, chuyên huấn luyện về quân sự, để sau đó trở thành nòng cốt cho các trung đoàn chính quy ở miền Trung, có người thành tướng sau này như ông Nguyễn Thế Lâm, Cục trưởng tác chiến Phan Hàm, các Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, Tôn thất Hoàng...
Nhân đây không thể nhắc đến hai anh Việt và Hoàng, có công lớn trên mặt trận Đường 4 và Điện Biên Phủ, rồi bị đối xử tàn tệ ra sao chỉ vì có nguồn gốc quan lại, không có ‘’mác bần cố nông’’. Anh Việt là “con hùm xám” của Đường 4, cơn ác mộng của các đơn vị lê dương Pháp trong cả vùng rộng lớn. Anh vẫn chỉ là Trung đoàn trưởng suốt đời, trong khi chính ủy đơn vị là Chu Huy Mân leo lên đến cấp đại tướng, vì ông này vốn là cố nông. Còn anh Hoàng là cán bộ tham mưu binh chủng pháo ở Điện Biên Phủ. Anh là cán bộ có trình độ toán cao cấp, nắm chắc cách tính toan, huấn luyện kỹ cho từng đơn vị để các dàn pháo đạt hiệu quả cao nhất. Anh Hoàng là con cụ Thượng thư triều đình Huế Tôn Thất Quảng, anh Việt là con cụ Đặng Văn Hướng từng là Tổng đốc Thanh hóa và Nghệ an. Hai anh có thành tích vượt trội các tướng lĩnh nhưng không được lên cấp cao là Đại tá, bị cưỡng bức chuyển ngành ngay sau Hiệp định Gieneve , nhà ở chỉ hơn 10 mét vuông, anh Việt phải đi bỏ mối bánh gatô cho các quán cà phê. Cụ Đặng Văn Hướng tuy là bộ trưởng của Hồ Chí Minh, vẫn bị đấu tố tàn nhẫn trong Cải cách ruộng đất. Đơn anh Việt yêu cầu đảng và Nhà nước cứu xét, khôi phục danh dự cho cha mình đến nay vẫn không có ai trả lời.
Trên đây cho thấy đảng CS đã khinh thị dân đến mức nào. Hàng triệu liệt sỹ ngã xuống nghĩ rằng gia đình quê hương mình sẽ có an ninh, bình đẳng, phồn vinh.
Nếu lãnh đạo nhìn rõ sự thật, bất công xã hội, tham nhũng tràn lan, bạo lực Nhà nước, Công an đàn áp dân, những nam nữ thanh niên yêu nước bị đánh đập giam cầm, nếu biết tự trọng, họ phải đền ơn đáp nghĩa đông đảo nhân dân đã hy sinh gấp bội đảng viên, lại chưa hề được hưởng thụ xứng đáng, trong khi các quan chức đảng viên giàu lên vô hạn. Lẽ ra đảng phải tạ lỗi với nhân dân đã không giữ đúng lời hứa “vì nhân dân quên minh”, luôn nhường dân hưởng thụ trước, luôn nhã nhặn khiêm tốn. Thậm chí đảng phải có gan nhận tội và tạ tội với nhân dân, vì đã để cho đất nước trì trệ lạc hậu toàn diện, đứng hạng chót của thế giới về tự do báo chí, tự do ngôn luận, về tôn trọng quyền con người, về vi phạm quyền công dân được Hiến pháp và các Công ước quốc tế bảo vệ, về tính công khai minh bạch tài chính, ngân sách.
Lẽ ra đảng CS lúc này phải cùng nhau công nhận: ’’Mọi bất công xã hội, mọi trì trệ lạc hậu về mọi mặt, mọi bất công ghê gớm trong chênh lệch thu nhập, người dân lương thiện bị cướp đất, cướp của, hà hiếp, nạn tham nhũng tràn lan bất tri, nạn lãng phí phô trương vô độ…đều thuộc về trách nhiệm của đảng CS, trước hết là của bộ máy lãnh đạo. Chúng tôi rất ân hận xin nhận tội với toàn dân trong, ngoài nước để răn mình và sửa mình ‘’.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Cuộc hôn nhân giữa độc tài và mê tín quyền lực ở VN

Vothihao  — 02/28/2016 - 11:03
Đánh đấm nhau gục hàng loạt ở Hội Phết Hiền Quan
Mùa lễ hội Giẫm đạp và Cướp?
Nhiều nam nhi VN đang làm gì?
„Kinh hoàng giẫm đạp, cướp lộc sau giờ khai ấn đền Trần“(22/2/2016, …), „Hỗn loạn cướp lộc chùa Phúc Khánh sau lễ cầu an“(21/2/2016...), „Hỗn loạn, ngất xỉu ờ Hội Phết Hiền Quan“ (Vietnamnest- 20/2/2016)...“Kinh hoàng! Đánh đấm nhau gục hàng loạt ở lễ hội Phết“(tuoitre, 20/2/2016)...
Đánh đấm nhau gục hàng loạt ở Hội Phết Hiền Quan
Một người đàn ông vung nắm đấm vào đám đông trong khi tranh giành phết – Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo thông tin trên báo chí, có tới hàng ngàn thanh niên và trung niên trai tráng cởi trần, „liều mình như chẳng có“, lao xuống vũng bùn trong giá lạnh, mồm văng tục chửi rủa hò hét, tay vung nắm đấm, giẫm đạp lên nhau bất kể người khác có thể bị trọng thương hoặc chết vì hành động bạo lực của mình tại Hội Phết Hiền Quan tỉnh Phú Thọ. Không thể thống kê hết số người bị thương, đổ máu hoặc ngất xỉu ngay trong một mùa hội và qua vài năm gần đây.
Thật kinh hoàng là cả biển người giẫm đạp nhau chỉ để tranh cướp một quả „phết“, một vật vô tri thường làm từ gộc tre sơn đỏ. Với kiểu tổ chức thế này, không ngất xỉu và đổ máu mới là lạ.
Hội cướp phết xưa nay vốn chỉ là hội làng vốn thanh tao đạm bạc nhưng mấy năm gần đây đã bị biến tướng. Những hủ tục mê tín dị đoan được chính quyền đứng ra tổ chức cùng đám buôn thần bán thánh nhằm khuyếch đại lễ hội để thu lợi.
Người ta quên đi mục đích tốt đẹp ban đầu là tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Hội này chỉ còn ý nghĩa khuyến khích người ta tranh cướp cầu lợi danh tiền bạc, kích động tính hoang dã mông muội của đám đông.
Mặc dù bị kìm giữ bởi „định hướng tuyên truyền“ của Đảng CS, Chính phủ và Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều người VN và phóng viên báo chí không thể kìm giữ lời cảm thán đầy chua xót trước thực trạng cạn đáy về văn hóa trong những lễ hội VN hiện nay.
Làm sao có thể không tủi hổ và xót thương cho những nam nhi trai tráng Việt đã đang từng bước phá hủy một kiếp làm người.
Chí làm trai, sức dài vai rộng lẽ ra phải dành cho những việc như kinh bang tế thế, một vai gánh vác gia đình và nợ non sông, nếu bắt buộc phải dùng đến sức mạnh cơ bắp, thì chí nam nhi chỉ nên dùng để đánh cướp, đánh tham quan ô lại và giặc ngoại xâm bảo vệ đồng bào mình.
Làm nam nhi, nếu có cất lời giữa đám đông, chỉ đáng để cất những lời ngay thẳng chính trực, khiến cho lũ bất lương phải run sợ chứ không phải là hú hét văng tục chửi bậy và xì xụp khấn vái xin xỏ những ngẫu tượng ô trọc.
Người VN đang được dẫn vào „hố đen“
Từ khoảng chục năm trở lại đây, tận dụng tâm lý sợ hãi, bất an của người dân, đa phần người quản lý đền chùa trong cả nước, đặc biệt là phía Bắc, kết hơp với bàn tay đạo diễn của chính quyền, đã thay đổi mục đích thờ phụng và dùng nhiều phương cách để thu hút tiền bạc của người VN.
Thật dễ thao túng, khi dân VN phải sống trong một xã hội nhiều bất công, thiếu minh bạch. người ta kiếm được tiền hay vị trí làm việc phần nhiều là do quan hệ quyền lực, thân hữu, mua bán đổi chác. Từ đó, người VN không thể trông mong vào năng lực và sự trung thực của chính bản thân mình, bị tước đoạt cơ hội, mất tự tin và trở nên bấn loạn, chỉ còn biết trông mong vào vận may và „ơn trên“.
Công luận đã phát hiện rất nhiều sư sãi tự phong là „đại đức“ sống xa hoa và ô trọc trên sự đóng góp chắt chiu của người dân qua cái gọi là „dâng cúng“, „đồ lễ“ và tiền „công đức“. Đương nhiên dưới sự quản lý của chính quyền, họ không thể hưởng thụ một mình.
Ngay cả những đền chùa, lễ hội từ hàng trăm năm nay được tiếng là thâm nghiêm, thanh bạch theo tư tưởng nhà Phật cũng đã đưa ra chiêu bài cầu an, cầu tài cầu lộc, dâng sao giải hạn, cầu siêu và muôn mánh khóe khác để „móc túi“ người dân.
Sự mê muội của dân là mảnh đất kiếm tiền của đám sư sãi, thầy cúng thầy bói, đám „ngoại cảm“ rởm, cũng là cơ hội kiếm tiền của một số nhân vật trong chính quyền đã tận dụng thần quyền để ngu dân hóa , triệt tiêu sức mạnh và sự phẫn nộ của người VN.
Người ta có thể nhận thấy cái chợ khổng lồ mua quan bán tước trong thể chế thiếu vắng dân chủ ở VN được tái hiện, được trình diễn hết sức điển hình trong lễ hội đền Trần Nam Định. Những thủ pháp tâm lý tuyên truyền tinh vi và sự dối lừa của những kẻ buôn thần bán thánh đã tuyệt đối hóa sự thần phục „bề trên“. Hội này cũng đã kích động khát vọng không đáy về bổng lộc và quan tước. Theo phản ánh của báo chí, Hội đền Trần từ nhiều năm nay đã trở thành một đại thảm họa văn hóa và mê tín dị đoan.
Từ chỗ chỉ là một ngôi đền trong phạm vi người họ Trần làng Tức Mặc lập nên vào thế kỷ 17 để thờ 14 vị vua triều Trần, ngày lễ hội đã ấn định xưa nay là trong khoảng là từ 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm, khai ấn chỉ là một thủ tục nhỏ trong phạm vi lễ của một dòng họ. Nhưng từ khoảng năm 2000 đến nay, khi lãnh đạo chính quyền nhúng tay vào tổ chức, thì lễ hội đã chuyển ngày, phóng đại thành lễ khai ấn rầm rộ mang tầm cỡ quốc gia vào dịp rằm tháng giêng. Năm 2016 có Bộ trưởng công an và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc - hai ủy viên Bộ Chính Trị - đến dâng hương và „khai ấn“ cho lễ hội.
Chính quyền VN đã không che giấu việc họ tham gia vào điều khiển lễ hội, phát biểu, bày đặt trò diễn mở màn „khai ấn vua ban“ trong mấy năm trở lại đây.
Rất nhiều quan chức, cán bộ nhân viên nhà nước đua nhau đi lễ đền Trần, tung tiền và mối quan hệ thân hữu ra để kiếm được hoặc mua thẻ „đại biểu“, „khách mời“. Họ kiếm bằng được cái gọi là „ấn vua ban“, mong được thăng chức, hơn người, hưởng nhiều lợi lộc.
Sự có mặt của những Ủy viên Bộ Chính trị lâu nay đã „quốc gia hóa“ hình thức „khai ấn“, như một sự ban phát đầu năm của „vua cộng sản“ cho những kẻ thần dân ngoan ngoãn đến cầu xin. Người ta nghĩ rằng hội khai ấn quan trọng đến cỡ ấy, bỏ tiền ra mua chức tước ảo, trước hết phải lo lót „ơn trên“, xin xỏ mua bán chức ảo rồi sẽ có chức thật.
Công lao và hào khí Đông A của các vua Trần xưa trong việc bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm TQ xưa, đã bị khỏa lấp một cách tinh vi. Dấu ấn đọng lại chỉ là một „chợ tâm linh“ cầu quan bán tước, cầu tiền tài bổng lộc được quốc gia hóa và chính trị hóa.
Tâm lý đó đã kích động lòng tham của đám đông đến mức hàng vạn người đổ về, chen chúc nhau, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để tranh giành được chạm, được nhét, vứt tiền lẻ vào kiệu, vào đồ thờ để „hối lộ“ thần thánh.
Nhưng những cái gọi là „ấn“ đem bán hoặc phát cho mọi người trong lễ hội đã bị người dân phát hiện là rởm, vì đó chỉ là hàng vạn, hàng triệu mảnh vải hoặc giấy in lòe loẹt có hình ấn mà thôi. Dịch vụ mua ấn phát đạt đến nỗi có cả chuyển phát nhanh ấn cho những người ở xa. Trong khi đó người trong Ban tổ chức vẫn lớn tiếng rằng cứ „mười mảnh ấn lại có một ấn rất thiêng, vì được cắt từ vạt áo hoàng bào của vua, đem lại may mắn lớn cho người có được nó“.
Ban tổ chức nhiều lễ hội đã dùng những thủ pháp thu hút tinh vi, trong đó có sử dụng vũ khí „tin đồn“ của „chiến tranh tâm lý“ mà một trong những biện pháp rất lợi hại là đọc trên loa phóng thanh tên nhiều quan chức lớn và người nổi tiếng đến đền chùa dâng lễ cầu an giải hạn, cầu lên chức thêm bổng lộc cho gia đình. Người dân thấy vậy cho rằng đó là những đền chùa rất thiêng thì các nhân vật này mới làm vậy và đua nhau bắt chước.
Hậu quả là người dân và vừa là thủ phạm, lại vừa là nạn nhân của việc chen vai thích cánh hỗn loạn giày xéo lên nhau, vét cạn túi những đồng tiền ít ỏi thấm mồ hôi và cả máu của họ ra rải khắp nơi, nhét cả vào tay tượng gỗ, bệ xi măng, gốc đa lu nước, miệng rắn miệng ba ba xi măng để cầu an.
Qua những động thái của chính quyền kết hợp thần quyền VN, người ta bị ám thị rằng dù cõi trần hay cõi âm hay cõi Niết Bàn thì cũng phải đút lót, hối lộ, thì mới mong tồn tại.
    Ai đã cổ vũ não trạng Cướp và Giẫm đạp?
    Lễ khai ấn đền Trần, với bàn tay đạo diễn của nhiều vị thuộc hàng cao nhất trong nhà cầm quyền VN, là một trò diễn mô phỏng lại mô hình thể chế xã hội độc quyền „xin cho“ thời bao cấp. Đảng cộng sản từ chỗ vô thần, phủ nhận sự tồn tại của đời sống tâm linh, phá huy nhà thờ, đình chùa miếu mạo, nhưng trong khoảng mươi năm trở lại đây, đã tận dụng lực lượng hành nghề mê tín dị đoan để dễ bề nô dịch hóa người dân.
    Theo Vnexpress.net, 24/2/2016, bài „Ấn đền Trần không có giá trị phù trợ đường quan lộc“, tại đề án „Khôi phục lễ hội đền Trần“ của các chuyên gia lịch sử cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, thì ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính, chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ...người ta gán ghép cho nó các ý nghĩa mới để thu hút người tham dự...“.
    Sự thật rõ ràng là thế, vậy mà người trong Ban tổ chức lễ hội còn dám khẳng định: „Còn có một loại ấn được đóng trên tấm lụa đỏ. Loại này chỉ có rất ít, và chỉ dành cho các quan chức cấp Tỉnh, Trung ương về dự. Cứ 10 khắc trên lụa đỏ chỉ có một tấm duy nhất là có giá trị vì được cắt ra từ tấm áo hoàng bào của các đời vua. Và nếu ai may mắn được tấm lụa đó thì coi như đã đắc lộc, đắc thọ“.
    Qua nhiều lễ hội gần đây, đặc biệt là những lễ hội đã được chính quyền tham gia quản lý và tổ chức, người ta có thể thấy sức mạnh cơ bắp và tinh thần của người VN đang được truyền dẫn tinh vi vào những „hố đen“ mê tín dị đoan, thần quyền thô thiển vật dục kết hợp độc quyền cộng sản, triệt tiêu sức mạnh của lòng tự tin, tính độc lập, sáng tạo và nhân tính.
    Nếu như trong truyền thống, các đền chùa miếu mạo VN chỉ là những địa chỉ khiêm tốn, thanh tịnh để vọng tưởng một danh nhân văn hóa hoặc một anh hùng dân tộc chống ngoại xâm phương Bắc, thì ngày nay, dưới sự tham gia tổ chức và điều hành của chính quyền, những lễ hội đó đã bị biến tướng, vặn xoắn theo mục đích của họ.
    Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội. Cứ theo đà này, sự lãng phí, sự mê tín, sự trục lợi, sự ngu dân được phóng đại năm sau hơn năm trước, thì người VN còn khốn khổ đến đâu?
    Nhà cai trị VN ngày nay đã biết tận dụng triệt để vũ khí độc tài và thần quyền dị đoan để dễ bề phá hủy đi sự tự tin, lý trí, khả năng nhìn nhận phân tích vấn đề và tính phản kháng của người dân VN. Họ đã làm điều đó rất thành công.
    Một số nhà khoa học và nhà báo, cùng người đọc đã dũng cảm phân tích cho người dân thấy nguy cơ đó. Các nhà báo và trí thức VN cần vào cuộc mạnh dạn hơn nữa vì nhân tính và tương lai của người VN.
    VTH