Friday, September 30, 2016

Côn an, họ là ai?

Năm xích lô (Danlambao) - Tình trạng côn an hoành hành bạo ngược khắp nơi trên đất nước dưới quân phục hay thường phục ngụy trang cho chúng ta thấy hình ảnh một xã hội (XH) thoái hóa, bất ổn và đau thương với những giá trị đạo đức tối thiểu của nhân loại cũng bị đào thải. Một là họ (côn an) được tuyển chọn từ thành phần côn đồ cặn bã của XH để bảo vệ chế độ bằng bạo lực ươn hèn, hai là chế độ đã bất lực?

Côn an cộng sản (CS) là hung thần ác quỷ của thời đại chẳng còn xa lạ với người dân hôm nay. Bạn nghĩ sao khi muốn gia nhập hàng ngũ côn an thì lý lịch phải có hai đời tham gia cắt mạng, nên chẳng lạ khi họ mang giòng máu lạnh.

Ngày xưa người lớn thường dọa con nít bằng hình ảnh ma quỷ hoặc những gì ghê rợn, xấu xa, ghê tởm; bây giờ chỉ nói "côn an (CS) tới kìa", trẻ em lập tức run rẩy hơn bị sốt rét và câm như cá bị ám ảnh Formosa, người già chỉ thở dài "ôn dịch". Như vậy là nhà cầm quyền CS đã "thành công" trong việc gây dựng lực lượng bảo vệ chế độ độc tài gian ác qua hình ảnh người chiến sĩ côn an "trung với đảng (hèn với giặc), ác với dân - nhiệm vụ nào cũng bất cần, khó khăn là chuyện của dân".

Điển hình

Chuyện côn an hành dân xảy ra từng giờ và trên từng cây số trở thành nỗi ám ảnh của người dân nhưng ba vụ đặc trưng mới nhất mà báo lề đảng buộc phải lên tiếng trong vòng 10 ngày vừa qua liên quan đến côn an làm người viết nhớ về quá khứ lịch sử thời chúa Trịnh với loạn kiêu binh. Xin được tóm tắt ba vụ nêu trên như sau:

1. Miền Trung: Ngày 21/09/2016, phóng viên Đỗ Thanh Hải báo lề đảng bị lực lượng côn an xã Cư Pô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắc Lắc giật máy ảnh, đàn áp vì... chưa xin phép tác nghiệp (?!) khi nhà cầm quyền đang cưỡng chế thô bạo người dân địa phương để xây dựng nhà "văn hóa" thôn Nam Tân. Lãnh đạo côn an tỉnh sau đó xác nhận vì không biết là phóng viên nên mới xảy ra vụ việc.

2. Miền Bắc: Ngày 23/09/2016, nhà báo lề đảng Quang Thế được côn an hình sự "vuốt má, đá nhưng không trúng" (theo cách nói của côn an Hà Nội sau vụ việc) khi đang muốn làm phóng sự trên cầu Nhật Tân (Hà nội) về một tài xế Taxi nhảy cầu tự tử. Theo côn an, đây là "bí mật nhà nước"(?!) nên không cho phép bất cứ ai tới hiện trường.

3. Miền Nam: Ngày 30/09/2016, thiếu úy Bùi Xuân Hải "xoa tóc", kéo lê đến đổ máu chị Nguyễn Thị Thu Thảo trên khu vực hồ Con rùa, quận 3, thành hồ (bị ngập).

Phân tích

Khi lượng định và đánh giá về vấn đề nào đó, đầu tiên là luôn giữ thái độ khách quan để từ đó có thể đưa ra nhận định trung thực nhất. Thứ hai là người có nhiệm vụ giữ gìn pháp luật hoặc là quan chức của chế độ phải am hiểu luật pháp và cuối cùng là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó người viết cũng theo tinh thần nêu trên để bình luận về ba vụ điển hình Trung-Bắc-Nam. Đúng sai tùy theo góc độ và người viết mong đón nhận mọi góp ý để học hỏi. Người viết chỉ yêu cầu DLV tham gia tích cực có lý luận, không nhất thiết phải là người Bắc như đảng trưởng lý sự cùn và kỳ thị chủng tộc của DLV. Người viết xin phép có vài ý kiến như sau.

1. Phát biểu của phía côn an "lãnh đạo côn an vì không biết là phóng viên nên mới xảy ra vụ việc". Lý giải của côn an cho thấy là tùy vị trí công tác/xã hội sẽ có giá trị khác nhau và cũng sẽ được "quan tâm" khác nhau, từ đó cho thấy "công bằng XH" của CS chỉ nói cho vui. Họ thừa biết là phóng viên nhưng tảng lờ như không biết, giả sử là thường dân thì sẽ ra sao?

Phóng viên chờ làm thủ tục xin-cho thì chỉ khác người dân khía cạnh chuyên môn và khi được tác nghiệp thì kịch bản đã hoàn thiện đúng-quy-trình. Nếu vậy thì làm ơn dẹp cánh phóng viên, nhà báo lề đảng vì chỉ đăng tải nội dung từ tuyên giáo trung ương đưa ra, bày chi hơn 700 truyền thông của đảng với hơn chục ngàn phóng viên cho hao tốn tiền thuế nhân dân.

Theo tư duy của người viết thì thông tin lề đảng đã có tiến bộ khi đụng chạm quyền lợi. Điều này nên hoan nghênh với thái độ tôn trọng và khuyến khích nếu giữ vững nguyên tắc có lẽ xa vời với người làm báo lề đảng. Người viết không phải là nhà báo hoặc phóng viên chỉ viết với cảm nghĩ của cá nhân.

2. Khi điều tra hiện trường thì nhà chức trách phải rào dây hoặc dựng bảng cảnh báo cho những ai không có trách nhiệm biết mức giới hạn. Nếu không có ít nhất động thái nêu trên thì với quyền tự do di chuyển được ghi rõ trong Hiến pháp thì không thể cấm đoán công dân tới hiện trường.

Vấn đề càng khó hiểu mà người dân cho là lạm dụng chức vụ khi nói "đây là bí mật nhà nước"(?!). Nhà nước sao lắm bí mật không thể cho nhân dân biết, đến độ một tài xế lái Taxi tự tử hoặc án mạng cũng là bí mật nhà nước? Có đại biểu quốc hội phát biểu là văn thư đóng dấu "mật" mà ai cũng biết (?!). Người viết từng chứng kiến một chị lượm túi nhựa trong bãi rác cãi với nhà cầm quyền khi bị bắt. Chị cho là rác nên vì nhu cầu mưu sinh đâu có gì sai, nhà cầm quyền lý luận chị đã xâm hại tài sản xã hội chủ nghĩa (XHCN) nên đã phạm luật. Ai đúng ai sai, người viết không bình luận vì tài sản XHCN chỉ là đống rác sao?

Cái "tài" như diễn viên phường tuồng của lãnh đạo côn an là anh cảnh sát hình sự bị "kỷ luật" với hình thức khiển trách (sau đó luân chuyển công tác lên cao hơn, ai biết được). Anh nhà báo "được" xử phạt hành chính hơn 14 triệu VND chỉ vì làm theo lời đảng.

3. Tội danh treo lơ lửng trên đầu công dân bất hay bạo động luôn là "chống người thi hành công vụ" dẫu kẻ thi hành công/tư vụ hành xử thế nào vẫn... đúng, tệ lắm là sai quy trình. Như thế nào là chống người thi hành công vụ thì nhà cầm quyền độc tài không cần giải trình. "Miệng nhà quan có gang có thép, đồ nhà khó vừa lọ vừa thâm" nên nhà cầm quyền luôn xử "công khai" để nhân dân ngửi mùi vị và cảm nhận nó khai cỡ nào.

Có bao giờ nhà cầm quyền tự hỏi, chống người thi hành công vụ phải bị trừng trị để làm gương nhưng kẻ thi hành công vụ gian ác hành dân được bào chữa với những điệp khúc "sai đến đâu xử lý đến đó và rút kinh nghiệm,..." thì kỷ cương phép nước được diễn giải ra sao để thuyết phục nhân dân? Đảng "bịt tai đánh trống" nhưng nên nhớ chỉ bịt được một tai vì tay kia phải đánh trống. Nhà cầm quyền luôn tự cho phép mình rút kinh nghiệm khi làm sai, với người dân thì phạt tù với những lý do vớ vẩn thì thử hỏi pháp luật là gì? Nó chỉ có giá trị áp đặt với kẻ bị trị?

Kết luận

Khi nhà cầm quyền tự cho phép đứng trên/ngoài pháp luật thì có đỏi hỏi công dân thượng tôn pháp luật? Chẳng lạ khi XH ngày một suy đồi, nền tảng gia đình gia đình bị đảo ngược, tình người là xa xỉ phẩm, văn hóa chỉ còn là kỷ niệm,... do đâu?

Một XH mà kẻ thực thi pháp luật chính là hung thủ, phạm pháp một cách có hệ thống thì nhà cầm quyền này phục vụ cho ai? Một nhà nước bất lực thì dẫu có viện dẫn và áp đặt điều 4 Hiến pháp có xứng tầm lãnh đạo đất nước? Một đảng chỉ biết mình làm sao để tồn tại bất chấp thiệt hại của đất nước dân tộc thì nên gọi là đảng gì?

Côn an trị là thế cuối cùng mong tồn tại của đảng cầm quyền. Chúng ta không thể tác động hoặc thay đổi nhưng phải lên tiếng.

Về phía người dân chúng ta có trách nhiệm với đất nước có ưu tư gì? Nêu những bất công XH là cần thiết nhưng chưa đủ để đất nước chúng ta khá hơn. Chúng ta nghĩ và cảm nhận gì về người dân miền Trung đang làm với tội ác của Formosa? Họ có cô đơn khi chúng ta không chung bước?

Hãy nhập cùng giòng chảy dân tộc, mỗi tiếng nói của bạn sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước theo chiều hướng tích cực. Cá nhân chúng ta chỉ là cánh én lẻ loi trên bầu trời u ám nên chẳng thể tạo nên mùa xuân nhưng nếu biết kết hợp, chắc chắn sẽ đem tự do dân chủ đến mọi nhà. Bạn hãy tin và cố gắng hành động trong khả năng thì chắc chắn sẽ đem mùa xuân Tự do Dân chủ cho đất nước.

Chúng ta có làm được không? Tôi tin!

1.10.2016

Báo VN bị tin tặc tấn công vì đưa tin Formosa?



Theo VOA-30.09.2016

Báo Người Đưa Tin vừa bị hacker tấn công lần thứ 2 hôm 29/9 sau khi đăng bài viết về sự kiện người dân gửi đơn kiện Formosa, theo tin từ trang An ninh Tiền tệ và Truyền thông, thuộc Hội Luật gia Việt Nam.
Tin cho hay trang báo điện tử của Người Đưa Tin đã bị tấn công lần đầu vào 2 tuần trước khiến nhiều dữ liệu bị xóa và trang báo phải tạm dừng hoạt động trong 5 ngày. Sau khi vận hành trở lại không lâu, trang báo này đã bị tin tặc tấn công lần thứ nhì sau khi đăng bài viết “Người dân gửi đơn kiện Formosa”.
Trang An ninh Tiền tệ và Truyền thông nói “loạt phóng sự điều tra của báo Người Đưa Tin đã vạch trần những sai phạm nghiêm trọng của Formosa và những tập thể, cá nhân tiếp tay cho Formosa hủy hoại môi trường Việt Nam”. Trang báo này nhận xét việc đưa tin của báo Người Đưa Tin là “dũng cảm” và “có trách nhiệm với xã hội” nên đã phải “hứng chịu nhiều thiệt hại”.
Cũng theo An ninh Tiền tệ và Truyền thông, báo Người Đưa Tin đã bị tấn công kiểu từ chối dịch vụ phân tán (DDOS) với mục đích làm cho độc giả không thể truy cập vào trang web này.
Cùng lúc, trang tin điện tử của các báo Đời sống và Pháp luật và Techz.com cũng bị tấn công kể từ ngày 19/9.
Báo Người Lao Động dẫn lời các chuyên gia an ninh mạng nhận định đây là vụ tấn công khá nghiêm trọng và có thể phải mất nhiều thời gian để khôi phục.
Thống kê của Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp máy tính (VNCERT), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cho biết chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã có đến hơn 127.000 sự cố an toàn thông tin xảy ra. Đáng chú ý nhất gần đây là sự kiện liên quan đến hệ thống của hãng hàng không Vietnam Airlines khiến cho hệ thống thông tin ở phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị mất kiểm soát hồi cuối tháng 7.

Việt Nam ‘treo’ TPP, Trung Quốc có cứu Hà Nội?

Phạm Chí Dũng 
Theo VOA-29.09.2016 
Tháng Chín năm 2016, kỷ niệm một năm từ lúc Bộ Công thương hồ hởi loan báo “Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương về TPP”, và tính từ năm 2010 là lúc giới lãnh đạo Việt Nam bắt đầu chiến dịch vận động để được tham gia TPP, lần đầu tiên Bộ Chính trị ngã lòng.
Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bất thần tuyên bố Việt Nam sẽ căn cứ vào chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ khi phê chuẩn hiệp định TPP.
Tuyên bố bất ngờ này hoàn toàn trái ngược với tiết lộ của chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2016 rằng Ủy ban đang tích cực chuẩn bị để Quốc hội bỏ phiếu thông qua TPP, có thể vào cuối năm nay.
Trước đó nữa, không có bất cứ dấu hiệu công khai nào cho thấy Việt Nam trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua TPP. Cũng chẳng có dấu hiệu nào từ “Trung ương đảng” chỉ đạo cho Quốc hội phải “thận trọng” đối với tiến trình bỏ phiếu TPP.
Rõ là đã xảy ra một động tác “xét lại”, có thể trong một cuộc họp quan trọng gần đây của Bộ Chính trị, để đưa ra quyết định chỉ đạo cho Quốc hội cần trì hoãn bỏ phiếu đối với TPP.
Hụt hẫng
Vào năm 2015, hiệp định này đã suýt nữa bị lưỡng viện Hoa Kỳ bác bỏ. Sau khi chạy lòng vòng từ Hạ viện sang Thượng viện rồi quay trở lại Hạ viện, người Mỹ đã từng bước nhích tới TPP bằng việc thông qua định chế TPA (quyền đàm phán nhanh giúp cho tổng thống Mỹ có quyền quyết định những vấn đề then chốt trong đàm phán TPP với các quốc gia) với tỷ lệ phiếu thuận/nghịch suýt soát nhau đến nghẹt thở.
Trong khoảng thời gian, giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ không kém thót tim trong quá trình “chuẩn bị tích cực cho chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Cuối cùng thì mọi việc cũng tạm ổn. Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Trọng họp Bộ Chính trị để nghe thông báo về kết quả đàm phán TPP và sau đó được Washington đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia. Triển vọng TPP sáng sủa hơn lúc nào hết để “Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP”.
Đảng cũng vì lẽ đó mà đương nhiên chiếm phần. Kinh tế quyết định chính trị, không có TPP mà do đó không có đầu tư và viện trợ thì có trời mới biết chân đứng chính trị của đảng sẽ ra nông nỗi nào.
Nhưng một năm sau từ tháng 9/2015, những thông tin gần nhất lại cho thấy tình hình TPP là bất lợi cho nhiều quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 7/2016, ứng cử viên Hillary Clinton đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ TPP vì ba lý do mà TPP không thỏa mãn được: tạo ra việc làm cho người Mỹ, tăng lương cho người lao động Mỹ, và thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.
Sau đó, một bi kịch khác xảy đến: thông tin quốc tế cho biết ứng cử viên Trump cũng không ủng hộ hiệp định thương mại này.
Đây là tình thế hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, vì Mỹ là quốc gia đóng vai trò quyết định trong TPP, và quá khó để tổng thống mới của Mỹ nhanh chóng thông qua hiệp định này, cho dù tổng thống hiện thời là ông Obama vẫn luôn khích lệ thông qua càng sớm càng tốt.
Công cuộc vận động để tham gia vào TPP của chính quyền Việt Nam từ năm 2010 có nguy cơ xôi hỏng bỏng không. Không chỉ Việt Nam mà cả những nước khác cũng vậy…
Có thể hình dung tâm trạng thật sự hẫng hụt của giới lãnh đạo Việt Nam khi nhìn vào gương mặt của Hillary Clinton và Donald Trump. TPP vẫn được coi là cứu cánh đối với nền kinh tế đã trôi vào năm thứ 8 suy thoái liên tiếp ở Việt Nam, là cần cẩu để trục vớt cho những gì còn sót lại từ sau triều đại bị coi là “phá chưa từng có” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và TPP cũng là một trong những mấu chốt để ổn định - ít nhất trên lý thuyết - sự tồn tại thêm ít năm của đảng cầm quyền ở Việt Nam.
Nếu TPP thất bại, sáu năm đàm phán TPP của thể chế “kinh tế Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ” sẽ trở thành công cốc. Sẽ không còn cơ hội để khoác lác về “GDP tiếp tục tăng trưởng từ 6-7%”. Thậm chí 1% cho GDP cũng còn là khó!
Và nếu TPP không được thông qua, hoặc chỉ được thông qua một phần - tương ứng với một số quốc gia, và đặc biệt tệ hại là trong số quốc gia đó lại không có Việt Nam - có thể hình dung cánh cửa còn lại để cứu vãn nền kinh tế sắp sụp đổ của Việt Nam đã tuyệt đối đóng lại.
Chờ đợi và chẳng biết phải làm gì
Còn bây giờ, tất cả đều phải chờ đợi. Giới chính khách Mỹ chờ đợi, phần lớn thế giới chờ đợi và giới lãnh đạo Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Việc Hillary Clinton hoặc đặc biệt là Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi, thậm chí là thay đổi rất lớn về chính sách đối ngoại, trong đó TPP chỉ là một phần.
Tương lai nước Mỹ đang được cảnh báo có thể rơi vào tay một người hành động tùy hứng như Donald Trump mà do đó không ai có thể đoán được là nếu trở thành tổng thống, ông Trump có quyết định thay đổi chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương có từ thời Tổng thống Obama hay không, hoặc có chấp nhận một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hay không…
Tương lai bất định của nền chính trị Mỹ cũng là tâm thế lúng túng đến mức “chẳng biết phải làm gì” của giới lãnh đạo Việt Nam - vốn quen đu dây không ngừng nghỉ nhưng không biết đến lúc nào sẽ bị té theo cách đầu chúc xuống.
Trong bối cảnh mờ mịt ấy, có thể dễ hiểu là Quốc hội và đảng rất sợ “cầm đèn chạy trước ô tô”, hồ hởi bỏ phiếu thông qua TPP nhưng sẽ bị “hố”. Cách tốt nhất và bản năng nhất là cứ chờ đợi và tiếp tục chờ đợi. Cứ để bầu cử tổng thống ở Mỹ xong xuôi rồi thăm dò từng động thái đối ngoại của họ, sau đó hẵng quyết định. Dù sao, chưa có TPP thì cũng chưa thể chết ngay được.
Theo lẽ đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam - cơ quan tham mưu không chỉ cho chính phủ mà cho cả Bộ Chính trị nước này - đang theo dõi rất sát tình hình bầu cử ở Mỹ. Khả năng Quốc hội Việt Nam thông qua sớm nhất đối với TPP sẽ chỉ có thể diễn ra vào kỳ họp đầu năm 2017, nếu tình hình có chút ánh sáng.
Còn ở Mỹ, khả năng sớm nhất thông qua TPP là ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016. Khi đó, Tổng thống Obama sẽ đưa hồ sơ TPP gần 5.500 trang ra Quốc hội Mỹ, và theo quy định của Quyền đàm phán nhanh (TPA), Quốc hội Mỹ không được sửa đổi những nội dung đã đàm phán về TPP mà chỉ bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua.
Nếu không thông qua, TPP sẽ bế tắc và Việt Nam cũng thế.
Nhưng nếu chế độ chính trị Việt Nam bế tắc, liệu Trung Quốc có muốn và có thể làm một động tác gì đó để thay thế TPP cho Việt Nam?
Trung Quốc có cứu chính thể Việt Nam?
Có nhiều lo ngại về khả năng này, đặc biệt có đồn đoán về việc Trung Quốc đã cho chính thể Hà Nội vay mượn hàng trăm tỷ đôla trong nhiều năm qua.
Tất cả chưa thể có được câu trả lời rõ ràng. Nhưng một dấu hiệu mang tính tham khảo đang diễn ra ở phía bên kia bán cầu. Ở nơi đó, đồng minh thân cận của Trung Quốc là “Venezuela xã hội chủ nghĩa tươi đẹp” đã chìm dưới cơn sóng thần lạm phát 700% nhanh đến mức có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vẻ như đang tính toán lại mối quan hệ liên minh với Venezuela - quốc gia mà nước này đã cho vay khoảng 60 tỷ đôla...
“Các cuộc họp đã đi đến nhất trí là [Trung Quốc] sẽ không đầu tư thêm vào Venezuela”, một nguồn tin quốc tế cho biết: “Có một thông điệp rõ ràng từ trên xuống: cứ để mặc họ gục ngã”. Theo nguồn tin này, các công ty Trung Quốc ở Venezuela đang chuyển nhân viên sang Colombia và Panama vì lý do an ninh, và cũng vì nhiều dự án của Trung Quốc ở nước này đã bị đình trệ.
Việt Nam cũng đang là một túi nợ của quốc tế và khả năng vỡ nợ đang lớn hơn bao giờ hết. Nếu cứ đâm đầu vào ngõ cụt ý thức hệ và tham nhũng tàn mạt, giới chính trị Việt Nam cũng rất có thể sẽ biến chế độ này thành một “thành trì xã hội chủ nghĩa Venezuela” mà đến Trung Quốc cũng không còn muốn cứu đám đồng chí tới hồi chạy loạn.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Thấy gì sau sự kiện 3 lãnh đạo CSVN tham gia Đảng ủy Công an Trung ương?

Từ một bộ do một Uỷ viên Trung ương Đảng làm Bộ trưởng, đến nay Bộ Công an do một Uỷ viên Bộ Chính trị làm Bộ trưởng và 3 Uỷ viên Trung ương Đảng làm Thứ trưởng. (Ảnh tư liệu)
Từ một bộ do một Uỷ viên Trung ương Đảng làm Bộ trưởng, đến nay Bộ Công an do một Uỷ viên Bộ Chính trị làm Bộ trưởng và 3 Uỷ viên Trung ương Đảng làm Thứ trưởng. (Ảnh tư liệu)
Lê Anh Hùng 
Theo VOA-28.09.2016 

Ngày 21/9 vừa qua, truyền thông Việt Nam đã loan báo một sự kiện hy hữu: lần đầu tiên, ba nhà lãnh đạo chóp bu cộng sản Việt Nam cùng tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.
Trong một buổi lễ hết sức long trọng, với sự hiện diện của TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực BBT Đinh Thế Huynh, cùng các quan chức lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và Bộ Công an, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự bộ máy ĐCSVN trong Bộ Công an. Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 16 vị, với Ban Thường vụ Đảng uỷ gồm 7 vị, trong đó có 3 vị lãnh đạo chóp bu là TBT Nguyễn Phú Trọng, CTN Trần Đại Quang và TTg Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Và điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi là đằng sau nó ẩn chứa những “thông điệp” gì?
Quá trình hình thành của ‘nhà nước công an trị’
Ngày 19/8/1945 được coi là ngày thành lập lực lượng công an Việt Nam. Tuy nhiên, khi mới ra đời, lực lượng công an chưa có tên chung, mà nó mang ba cái tên khác nhau ở ba miền: ở Bắc Bộ nó có tên Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ mang tên Sở Trinh sát, còn ở Nam Bộ là Quốc gia tự vệ cuộc.
Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 23/SL, hợp nhất ba cơ quan này thành Việt Nam Công an vụ, thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NV/NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, bao gồm 3 cấp: cấp trung ương gọi là Nha Công an Trung ương, cấp kỳ gọi là Sở Công an kỳ, và cấp tỉnh là Ty Công an tỉnh, thành phố.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh 141/SL, đổi Nha Công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Tại cuộc họp từ 27–29/8/1953, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.
Từ một cơ quan cấp vụ trực thuộc Bộ Nội vụ, ngày nay Bộ Công an đã trở thành một siêu bộ, với một bộ máy khổng lồ, gồm 6 tổng cục, 12 cục và cơ quan trực thuộc, 2 bộ tư lệnh (cảnh vệ và cảnh sát cơ động), cùng bộ máy công an xuống đến tận cấp thôn xã trên 63 tỉnh thành.
Từ một bộ do một Uỷ viên Trung ương Đảng làm Bộ trưởng, đến nay Bộ Công an do một Uỷ viên Bộ Chính trị làm Bộ trưởng và 3 Uỷ viên Trung ương Đảng làm Thứ trưởng, chưa kể vài ba thứ trưởng không phải là Uỷ viên TƯ nữa.
Từ một bộ máy không có cấp bậc và đến cuối thập niên 1980 cũng chỉ lèo tèo vài sỹ quan cấp tướng, đến nay lãnh đạo Bộ Công an đã có 5 thượng tướng (1 người sắp trở thành đại tướng) và 1 trung tướng; hầu hết lãnh đạo các tổng cục và cục vụ viện đều là tướng; phần lớn giám đốc công an các tỉnh thành đều đã leo lên cấp tướng; phó phòng, phó trưởng công an quận huyện đã được gắn lon đại tá; quân số toàn bộ lực lượng lên tới hàng trăm ngàn người.
Từ một nền cộng hoà với một bản hiến pháp dân chủ, Việt Nam đã dần “chuyển hoá” thành một nhà nước “đảng trị” kết hợp với “công an trị”, và càng ngày sắc thái “công an trị” càng nổi bật so với gam màu “đảng trị”.
Đại hội XII Đảng CSVN vừa qua ghi dấu một “mốc son chói lọi” trên chặng đường phát triển của lực lượng “công an nhân dân” Việt Nam: trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XII có tới 6 người “trưởng thành” từ ngành công an, nắm giữ những chức vụ then chốt trong bộ máy: Trần Đại Quang, Trương Hoà Bình, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Hoà Bình. Chưa kể, đương kim Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiêm Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng từng là Đại tá, Giám đốc Công an Nghệ An.
Bộ Công an: chiến trường tranh chấp quyền lực nóng bỏng
Một trong những diễn biến nổi bật tại Đại hội XII đầu năm 2016 là sự ra đi của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật suốt một thời gian dài từng được coi là quyền lực nhất Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 1/1995 - 8/1996. Sau khi trở thành Thủ tướng vào tháng 6/2006, ông được Bộ Chính trị giao phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương trong suốt 2 nhiệm kỳ Thủ tướng, và chính điều đó đã góp phần đắc lực giúp xác lập vị thế quyền lực lấn át thiên hạ của ông ta.
Chỉ vài năm làm Bộ trưởng Công an cũng đủ giúp ông Trần Đại Quang trở thành một thế lực hùng mạnh bậc nhất trên chính trường Việt Nam trước khi ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch nước do ông Trương Tấn Sang để lại và đang nắm nhiều cơ hội tiếp quản ngôi vị Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới.
Ý thức được vai trò quan trọng cũng như quyền lực khuynh loát của Bộ Công an trong hệ thống chính trị hiện hành nên trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, Bộ Chính trị đã quyết định không giao vai trò phụ trách Đảng uỷ Công an Trung ương cho riêng một cá nhân nào trong “tứ trụ triều đình”. Thay vì thế, như chúng ta đã thấy, lần đầu tiên 3 nhà lãnh đạo chóp bu, đại diện cho 3 phe nhóm chính trị mạnh nhất Việt Nam hiện nay, đã trở thành 3 uỷ viên đầy quyền lực trong Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương.
Sự kiện này chưa hẳn đã làm giảm vị thế quyền lực của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, bởi ông vẫn là Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, vẫn là nhân vật nắm quyền lực tối cao tại Bộ Công an. Điều chắc chắn ở đây là ông vẫn tiếp tục là một thế lực mà bất cứ phe phái nào cũng đều muốn tranh thủ, chèo kéo – một nhân tố mà trên thực tế có khả năng quyết định cả cuộc chơi.
Rõ ràng, diễn biến mới nhất trên chính trường Việt Nam là một bước "tiến hoá" tất yếu của một nhà nước "đảng trị" và "công an trị", vừa giúp cho “thanh kiếm của đảng” thêm phần “sắc bén”, vừa biến Bộ Công an thành chiến trường tranh chấp quyền lực nóng bỏng, gay cấn, thậm chí một mất một còn, của các thế lực chính trị đang nắm trong tay quyền quyết định tiến trình của đất nước.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nhà cầm quyền ‘thay Formosa’ đền dân quá thấp

Dân Nghệ An đi kiện công ty Formosa đòi bồi thường thiệt hại.
HÀ TĨNH (NV) – Nhà cầm quyền CSVN loan báo sẽ chỉ bồi thường cho bảy loại “nạn nhân” của thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra với mức rất thấp so với sự thiệt hại của người dân.
Hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Chín, 2016, chế độ Hà Nội loan báo những nạn nhân được bồi thường là “bảy nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gồm: 1- Khai thác hải sản; 2- Nuôi trồng thủy sản; 3- Sản xuất muối; 4- Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; 5- Dịch vụ hậu cần nghề cá; 6- Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; 7- Thu mua, tạm trữ thủy sản.”
Bản tin trên trang thông tin chinhphu.vn loan báo như thế và đưa ra “định mức” bồi thường và chỉ giới hạn khoảng thời gian bị thiệt hại “tối đa là sáu tháng, từ Tháng Tư, 2016 đến hết Tháng Chín, 2016.”
Theo bản tin này, “với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5.83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 10.67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15.2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên thiệt hại do giá thì định mức bồi thường là 37.48 triệu đồng/tàu/tháng…”
Đối với “đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 3.69 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 5.96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ; đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 7.65 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 8.79 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ.”
Với những “Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39.37 triệu đồng/ha/tháng. Thiệt hại nghề muối trả 1 lần. Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2.91 triệu đồng/người/tháng.”
Theo quyết định kể trên “Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.”
Theo nhận xét của Blogger Nguyễn Anh Tuấn, cái “định mức” và “đối tượng” được bồi thường vừa quá thấp vừa thiếu sót mà theo ông “không thể chấp nhận được.” Trong đó, một thí dụ, tài xế tắc xi đưa đón khách du lịch từ phi trường đi chơi biển không còn khách nữa, mất nguồn lợi tức, lại không được bồi thường.
Bản liệt kê thiệt hại từ 15 Tháng Tư đến 15 Tháng Tám, 2016 của ngư dân Nghệ An đi kiện Formosa. (Hình: GNsP)
Bản liệt kê thiệt hại từ 15 Tháng Tư đến 15 Tháng Tám, 2016 của ngư dân Nghệ An đi kiện Formosa. (Hình: GNsP)
“Tất cả những tính toán bồi thường ở trên chỉ được áp dụng cho sáu tháng, kể từ khi thảm họa xảy ra (Tháng Tư) cho đến nay (Tháng Chín). Vậy sau Tháng Chín thì thế nào? Tôm cá đã quay về, ngư dân miền Trung lại tiếp tục ra khơi, thị trường hải sản đã được khơi thông, nhà hàng, khách sạn đã tấp nập trở lại rồi chăng? Chính phủ đang đứng ở đâu để đưa ra phương án này vậy?”, Ông Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân.
Theo ông, “Hôm nay đã bước sang Tháng Mười, hãy về các tỉnh miền Trung để xem, cá vẫn thỉnh thoảng chết dạt biển, ngư dân vẫn nằm bờ, thị trường hải sản vẫn tắc nghẽn, nhà hàng, khách sạn vẫn đìu hiu. Chưa có gì thay đổi đâu.”
Ngày 26 và 27 Tháng Chín, 2016 vừa qua, hơn 600 ngư dân và những nhà bị thiệt hại ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vì biển bị công ty gang thép Formosa đầu độc đã kéo nhau về thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh nộp đơn kiện đòi bồi thường. Dù bị công an tìm mọi cách cản trở nhưng cuối cùng cũng có 506 bộ hồ sơ đã nộp tại tòa án nơi này.
Số tiền mà một trong những lá đơn kiện của ngư dân Nghệ An liệt kê ra chỉ từ giữa Tháng Tư, 2016 đến giữa Tháng Tám, 2016 đã lên đến 435 triệu đồng. Nhưng như bản tin loan báo của nhà cầm quyền trung ương Hà Nội thì ngư dân tỉnh Nghệ An đã bị gạt ra ngoài.

Người ta không biết sẽ có bao nhiêu người được bồi thường, tổng số tiền là bao nhiêu trên tổng số $500 triệu mà nhà cầm quyền CSVN thỏa thuận với Formosa. (TN)

Sạt đường, giao thông Hải Phòng – Thái Bình tê liệt

Đoạn đường dẫn nối Thái Bình với Hải Phòng bị sạt khoảng 30 m khiến giao thông bị tê liệt. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)
THÁI BÌNH (NV) – Một đoạn đường dẫn nối cầu phao sông Hóa, phía Thái Bình dài khoảng 30 mét bị sạt lở xuống sông khiến giao thông từ Hải Phòng sang Thái Bình bị tê liệt.
Khoảng 5 giờ sáng 30 Tháng Chín, đường dẫn cầu phao sông Hóa, nằm trên quốc lộ 37, là tuyến đường huyết mạch nối một số huyện như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng của Hải Phòng với các địa phương ven biển của tỉnh Thái Bình, bất ngờ bị sạt lở chìm nghỉm xuống sông Hóa. Lực lượng chức năng đã phải phong tỏa hiện trường để điều tra nguyên nhân.
Nói với phóng viên báo Pháp Luật Sài Gòn, ông Nguyễn Xuân Phát, chủ tịch hội đồng quản trị công ty bảo đảm an toàn đường thủy nội địa Hải Phòng, cho biết, sát đoạn đường dẫn vừa xảy ra sạt lở là bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị chính quyền địa phương di dời bãi cát này do vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn bảo vệ cầu, nhưng không được giải quyết.
Tuy nhiên, nói với báo chí đại diện chính quyền địa phương cho rằng đã có văn bản nhắc nhở chủ bãi tập kết này, tuy nhiên mới ra văn bản có hai ngày thì xảy ra vụ sạt lở trên. Đồng thời cho rằng, các cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân là do sông Hóa có độ sâu khá lớn, nước chảy xiết cộng với hành vi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ cầu đã dẫn đến vụ sạt lở nêu trên. Rất may tại thời điểm xảy ra sạt lở, không có người và xe cộ qua lại nên không có thiệt hại. (Tr.N)

Người Việt Nam 'chết dần, chết mòn' vì môi trường

Giao thông được xác định là một trong những tác nhân khiến hàm lượng nitrite ở Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long vượt ngưỡng an toàn. (Hình: TBKTSG)
VIỆT NAM – Đó là điều được thể hiện trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn từ 2011 đến 2015 do Bộ Tài Nguyên – Môi Trường của Việt Nam thực hiện và công bố hồi cuối tuần này.
Theo báo cáo vừa kể thì nồng độ nitrite trong không khí tại một số thành phố của Việt Nam như: Sài Gòn, Hà Nội và Hạ Long đều đã vượt qua ngưỡng an toàn.
Nitrite sẽ oxy hóa huyết sắc tố trong hồng cầu khiến người ta xanh xao, đáng lưu ý là nitrite đang đe dọa tính mạng của những đứa trẻ dưới sáu tháng tuổi. Nồng độ nitrite trong không khí cao quá mức cho phép cũng là nguyên nhân chính khiến người ta cảm thấy khó thở, dễ choáng, dễ ngất.
Nitrite với hàm lượng cao có thể tương tác với các amine trong cơ thể và trở thành nitrosamine – loại hợp chất dẫn tới tiền ung thư. Chưa kể nếu hàm lượng nitrosamine trong không khí luôn luôn vượt qua ngưỡng an toàn, cơ thể sẽ không kịp đào thải hết và gan sẽ bị nhiễm độc.
Theo Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Việt Nam thì sở dĩ nồng độ nitrite trong không khí tại Sài Gòn, Hà Nội vượt ngưỡng an toàn là vì lượng khói thải quá mức từ hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp. Tình trạng vừa kể xảy ra tại Hạ Long là do hoạt động khai thác than và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Chẳng riêng Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long, các dạng ô nhiễm tại Việt Nam đang gia tăng cả về mức độ lẫn phạm vi.
Ông Hoàng Dương Tùng, tổng cục phó Tổng Cục Môi Trường, thuộc Bộ Tài Nguyên – Môi Trường của Việt Nam, tiết lộ tuy chất lượng không khí tại khu vực nông thôn còn khá tốt nhưng ô nhiễm đất, nước do sử dụng thái quá phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật đang gia tăng. Chất lượng không khí cũng suy giảm vì những độc chất từ phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật được phát tán vào không khí.
Ngoài những vùng thuần nông, môi trường nông thôn Việt Nam giờ cũng không còn an toàn vì hoạt động của các khu công nghiệp, các làng nghề (những làng cùng sản xuất một loại sản phẩm nào đó). Ô nhiễm độc khí, bụi, mùi, tiếng ồn,… đã trở thành phổ biến. Đặc biệt tại các làng nghề nơi dân chúng chỉ sử dụng các loại công nghệ, thiết bị đã lạc hậu, cũ kỹ và hoàn toàn không quan tâm đến việc xử lý khói thải, chất thải.
Cũng theo lời ông Tùng thì độc khí chỉ là một khía cạnh của ô nhiễm không khi tại Việt Nam. Chất lượng không khí tại những khu vực quanh các khu công nghiệp đang suy giảm trầm trọng do ô nhiễm bụi. Ở nhiều nơi, ô nhiễm bụi đã vượt ngưỡng an toàn.
Tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp ở miền Bắc được xác định là trầm trọng hơn ở miền Nam. Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Việt Nam giải thích có thể vì miền Bắc có nhiều khu công nghiệp cũ hơn, nhiều nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng với quy mô lớn hơn, lượng nhiên liệu hóa thạch được tiêu thụ nhiều hơn…
Thực trạng số người mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ung thư phổi tại Việt Nam càng ngày càng nhiều được cho là hệ quả tất nhiên của vấn nạn ô nhiễm không khí. Song song với ô nhiễm không khí song hành với ô nhiễm đất, ô nhiễm nước khiến tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính và nan y cùng tăng không dừng. (G.Đ)

Tiếp tục ‘ngậm bồ hòn’ với nhà thầu Trung Quốc

Dự án tuyến metro Cát Linh - Hà Đông lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2012 nhưng đến nay vẫn đang chờ... khởi động trở lại. (Hình: Bộ Giao Thông - Vận Tải)
VIỆT NAM – Chắc chắn là phải đến cuối năm 2017 mới có thể đưa tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào khai thác thương mại.
Đó là thông tin mới nhất về dự án metro được xem là điển hình cho hợp tác Việt – Trung về vốn, nhà thầu, công nghệ nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Trong quan hệ hợp tác bám sát phương châm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) vì “có cùng ý thức hệ và thể chế chính trị” này, Việt Nam luôn luôn “ngậm đắng, nuốt cay.”
Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là dự án metro đầu tiên tại Việt Nam. Nó chỉ dài 13 cây số và lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2012 nhưng đến nay, năm 2016, vẫn còn dở dang.
Năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào Tháng Sáu năm 2015 nhưng đến Tháng Sáu năm 2015 thì có thông báo là thời điểm khánh thành được dời lại đến cuối năm 2015. Đến cuối năm 2015, có tin phải đến hết quý 1 năm 2016, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và cho chạy thử song nay – đã hết quý ba của năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là Việt Nam vừa ký hiệp định để vay thêm tiền từ Trung Quốc nhằm hoàn tất dự án này.
Ngoài sự nổi tiếng vì chậm trễ tới mức không thể tưởng tượng, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông còn lẫy lừng vì thiếu an toàn, kém chất lượng. Đến nay, đã có ít nhất sáu vụ tai nạn do: Cẩu bị sập, cẩu đứt cáp làm rớt lúc thì cọc thép, lúc thì dầm thép, đè chết và làm người đi đường trọng thương, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông.
Dự án tuyến metro Cát Linh – Hà Đông còn gây phẫn nộ vì sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc đã đòi nâng vốn đầu tư dự án từ $553 triệu lên $892 triệu. Tuy yêu sách này phi lý song bất chấp sự can gián của chuyên gia nhiều giới, chính quyền Việt Nam vẫn vay thêm của Trung Quốc $339 triệu để đáp ứng đòi hỏi của… nhà thầu Trung Quốc.
Dự án metro Cát Linh – Hà Đông đang ngưng thi công, chưa khởi động trở lại vì nhà thầu chính không thanh toán tiền cho các nhà thầu phụ.
Theo báo chí Việt Nam thì khi đến thăm Trung Quốc hồi giữa tháng trước, thủ tướng Việt Nam đã đề nghị thủ tướng Trung Quốc “sớm triển khai khoản vay bổ sung cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến là… năm 2018.”
Cũng theo báo chí Việt Nam thì tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông chỉ tăng thêm $250.62 triệu chứ không phải là $339 triệu như nhà thầu Trung Quốc từng đòi và chính quyền Việt Nam từng đồng ý hồi Tháng Bảy năm 2015.
Mới đây, ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông – Vận Tải Việt Nam, công bố thêm một “lộ trình” nữa cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Theo đó, đến cuối năm nay mới hoàn thành xây lắp. Cuối quý 1 năm 2017 mới lắp đặt xong đoàn tàu và cho vận hành thử trong ba tháng. Ít nhất tới cuối Tháng Chín năm tới mới có thể khai thác thương mại, chứ không thể rút ngắn hơn!
Ông Trường thú nhận, sở dĩ “lộ trình” liên tục thay đổi vì tất cả mọi thứ đều phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Trung Quốc.
Có một điểm đáng chú ý là vì Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để làm tuyến metro Cát Linh – Hà Đông nên ngoài việc phải dùng nhà thầu Trung Quốc xây dựng hạ tầng cho tuyến metro, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của Trung Quốc. Theo ông Trường, Bộ Giao Thông – Vận Tải Việt Nam đang “đàm phán để mua hệ thống đường ray, hệ thống thông tin – tín hiệu và 13 đoàn tàu có tổng trị giá là $200 triệu.” (G.Đ)

Báo chí cám cảnh Sài Gòn ngập như sông

 Nam Nguyên, RFA 2016-09-30  
saigon-flood1-622.jpg
Sài Gòn chìm trong biển nước sau các cơn mưa lớn hôm 26 và 27/09/2016. courtesy of facebook/nguoithanhpho
Hai trận mưa lịch sử ngày 26 và 27/9/2016 biến Saigon kể cả Phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhất và nhiều thành phố khác ở miền Đông Nam Bộ chìm ngập trong biển nước. Báo chí do Nhà nước quản lý tích cực đưa tin bài hình ảnh và có những tựa bài thể hiện sự mỉa mai đối với trách nhiệm Nhà nước về quản lý đô thị.

Nghệ thuật giật tít

“Mưa vượt ‘tầm nhìn’, chống ngập ra sao?” “Dân thừa nước ngập, thiếu nước sạch”; “TP.HCM ngập khủng khiếp có nguyên nhân sai lầm từ qui hoạch và thiết kế lỗi thời” là những tựa bài có thừa sự phê phán lẫn cay đắng của nhà báo, họ thể hiện sự chia sẻ nỗi lòng nặng trĩu cùng 5 triệu dân Saigon.
Suy cho cùng nhà báo cũng là nhân dân và họ cũng lội nước đẩy xe hoặc tát nước chạy lụt trong nhà như mọi người.
Tuy vậy cao trào của nghệ thuật đặt tít khiến người đọc báo không thể bỏ qua không xem bài thuộc về báo Lao Động Online: “Đừng im lặng: Họ đã làm gì với 20.000 tỷ chống ngập của chúng tôi, thưa ông trời!”
Không chỉ người dân và nhà báo, giới doanh nhân cũng mệt mỏi về chuyện đường phố biến thành sông.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch công ty du lịch Lửa Việt trụ sở ở TP.HCM nói với chúng tôi là, tình trạng ngập như lụt ở Saigon và các tỉnh khác sau các trận mưa lớn, ảnh hưởng nặng cho ngành du lịch, xe chở các đoàn khách bị tắc đường không thể vào thành phố, chưa kể sự nguy hiểm mà khách nước ngoài cảm nhận.
Ông Nguyễn Văn Mỹ đưa ra nhận định đầy suy gẫm về vấn đề quản lý đô thị:
“Trước hết câu chuyện không có hiệu quả thì ai cũng thấy rồi, đáng lo hơn nữa là những người giữ trọng trách lo nhiệm vụ chống ngập cho thành phố không thấy được cách làm không hiệu quả của mình mà cứ đổ cho tại và bị thôi.
Điều này rất là nguy hiểm, cách đây mấy hôm tôi có tham gia một talk show TV cùng kỹ sư Phạm Sanh, anh em chúng tôi cùng ngồi lại đưa ra rất nhiều nhận định về các nguyên nhân và cách chống ngập.
Bởi vì ngập và kẹt xe là vấn nạn của tất cả những thành phố lớn nhưng họ làm càng ngày càng hiệu quả nhưng Việt Nam thì càng ngày càng trầm trọng, càng ngày càng xấu hơn.”

Nguyên nhân gây ngập nặng?

Báo Pháp Luật online ngày 28/9 có bài “Mưa vượt ‘tầm nhìn’, chống ngập ra sao?” Trong bài, Trung tâm chống ngập TP.HCM cho rằng nguyên nhân chính là do mưa vượt xa tần suất thiết kế. Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, vũ lượng mưa đạt 90 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ tới mức 137,70 mm. Trong khi đó, trận mưa chiều 26/9, vũ lượng mưa lên đến hơn 179,6 mm. Ngoài ra tình trạng xả rác, lấn chiếm kênh rạch cản đường thoát nước cũng góp phần gây ngập nặng.
Pháp Luật online dẫn lời ông Hồ Long Phi, chuyên gia chống ngập cho rằng, việc mưa vượt tần suất thiết kế là chuyện đã được cảnh báo từ lâu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ bao giờ thì sửa được quy chuẩn thiết kế, tăng tiết diện cống thoát nước lên cao để chống ngập. Ngoài ra nguồn vốn đầu tư cũng là vấn đề khá nan giải.
Trả lời Mặc Lâm Đài RFA, ông Hồ Long Phi nguyên Phó ban điều phối và chống ngập TP.HCM, hiện là giảng viên đại học chuyên ngành, không đặt nặng vấn đề lỗi kỹ thuật vì theo ông quy hoạch thoát nước tổng thể ban hành 2001 là do chuyên gia quốc tế soạn thảo và chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Tuy vậy Theo chuyên gia Hồ Long Phi nguyên nhân chính là TP.HCM không có đủ tiền để làm đúng như thiết kế quy hoạch:
“Định hướng tầm nhìn cho tới 2020 chúng ta phải tiêu tốn từ 6 tới 7 tỷ đô la để hoàn thiện hệ thống thoát nước, nhưng chúng ta mới có chưa tới phân nửa mà đã 2016 rồi, có nghĩa là quá chậm so với định hướng đó chứ không phải đỉnh hướng đó sai.
Ta đã thấy trước chỉ có điều nguồn lực không đủ, phối hợp lại chồng chéo nó làm cho việc chống ngập đi chậm hơn so với phát triển hạ tầng…”
Theo báo Pháp Luật Online, chuyên gia không muốn nêu tên cho rằng, lãnh đạo TP.HCM bố trí nguồn vốn không hợp lý. Hiện nay TP.HCM  đang dồn sức thực hiện dự án ngăn triều cường nước sông dâng tràn bờ  với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tình trạng ngập do mưa mới là vấn đề gây bức xúc, cần ưu tiên giải quyết trước.

Đừng im lặng, hãy phê phán

Một trong những bài báo gây chú ý thuộc về báo Lao Động online với bài: “Đừng im lặng: Họ đã làm gì với 20.000 tỷ chống ngập của chúng tôi, thưa ông Trời!”. Bằng thái độ vừa cười cợt vừa mỉa mai nhà báo Hà Phan muốn người dân bắc thang lên hỏi ông Trời về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với vấn đề thoát nước chống ngập của TP.HCM.
Báo Lao Động online kêu gọi bạn đọc là “Đừng im lặng! hãy cùng Tòa soạn bình luận về vấn đề Saigon chìm trong nước, sau khi 20.000 tỷ đồng đã được giải ngân và tiêu hết trong các dự án thoát nước chống ngập”.
Nhà báo đã dẫn lời bà Phạm Phương Thảo nguyên Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2004-2011. Được biết khi công bố các dự án thoát nước chống ngập sử dụng vốn ODA và ngân sách quốc gia khi còn tại nhiệm, bà Phạm Phương Thảo từng hứa hẹn nhân dân là với các dự án triển khai, TP.HCM sau này có thể chỉ còn một điểm ngập.
Bài báo khá diễu cợt trong đoạn mở đầu khi cho rằng tiên đoán của Bà Phạm Phương Thảo sắp trở thành hiện thực, hàm ý TP.HCM chỉ còn một điểm ngập nhưng rộng lớn phủ trùm toàn thành phố.
Bài báo dẫn nhập: “Tối 26/9/2016, Saigon hỗn loạn trong biển nước và dân chúng chỉ còn biết ngửa mặt cầu Trời ngừng mưa. Và người ta nhìn trời, rồi lại nhìn nhau ngơ ngác hỏi hơn 20.000 tỷ đã giải ngân chống ngập đi đâu rồi?”
Ngược dòng thời gian báo mạng Sống Mới online, trụ sở chính ở Hà Nội, bản tin trên mạng ngày 13/7/2015 cho thấy số tiền chi cho chống ngập ở TP.HCM còn cao hơn nữa. Tờ báo lúc đó có bài với tựa: “Dân Sài Gòn lội nước “gánh nợ” 24.000 tỷ đồng cho các dự án thoát ngập. Theo đó, suốt 10 năm qua TP.HCM đã đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập của thành phố. Nhưng cho đến nay, bình quân mỗi năm người dân và thành phố vẫn đang vừa lội nước, vừa phải gánh nợ khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay cho các dự án trên.
Trong chi phí 24.300 tỷ đồng đã tiêu hết, gồm 9.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 15.000 tỷ đồng vốn ODA. Thế nhưng, cho đến thời điểm tháng 7/2015, cứ khi nào mưa thành phố lại ngập trong nước. Nhiều tuyến đường bị nước ngập cao tới nửa mét, gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân. Các điểm ngập úng giống như chiếc túi bục, cứ bịt chỗ nọ lại tức nước bung ra chỗ khác.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Du lịch Lửa Việt trụ sở ở TP.HCM là một người đi nhiều thấy nhiều, nhận định về tình trạng mưa là ngập ở TP.HCM và các tỉnh thành khác:
“Việt Nam đang làm khác quy luật của thế giới rất nhiều kênh rạch của thành phố bị lấp và thay bằng cống hộp để lấy đất làm dự án…rồi xây cất vô tội vạ không tính tới hệ thống thoát nước, rồi ý thức người dân kém…rất nhiều nguyên nhân.
Nhưng mà suy cho cùng nguyên nhân lớn nhất vẫn là của nhà nước, vừa rồi Trưởng ban chống ngập thành phố tuyên bố rằng không chống ngập được vì người dân lấn chiếm…ai cho người dân lấn chiếm, anh quản lý thế nào bây giờ nói tại với bị…”

Tư duy quản lý làng xã

Nhắc lại sự kiện xảy ra mà báo chí tường thuật, đó là đường xá cứ đắp cao hơn nhà dân để chống ngập trên đường, mặc mưa nước đổ vào nhà dân.  Ông Nguyễn Văn Mỹ tiếp lời:
“Khắp thế giới có nước nào mà cứ đào lên rồi lấp xuống như Việt Nam không. Đào thì đào một lần thôi, nhưng đây cứ đào lên rối lại lấp xuống, cứ mạnh ai nấy làm.
Tư duy kiểu đó thì làm sao không ngập mới là lạ. Đó là kiểu tư duy quản lý làng xã, bây giờ ra quản lý đô thị lớn cả chục triệu dân làm sao quản lý nổi. Nhưng không chịu nhận sai lầm không dám dũng cảm…đâu có nghe các nhà phản biện nói, đâu có nghe người dân góp ý…
Cho nên vấn đề hiện nay cái gốc nằm ở chỗ khác, không riêng TP.HCM mà chỗ nào cũng ngập như thế cả, tư duy quản lý kiểu đó thì không ngập mới là lạ…”
Saigon mưa là ngập đã diễn ra 20 năm qua với tốc độ đô thị hóa thiếu kiểm soát, cộng với tình trạng dân trí thấp. Nhưng chỉ năm 2016 này mới có hiện tượng toàn thành phố đắm chìm dưới nửa mét nước và  Phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhất cũng ít nhất đả hai lần ngập nặng, làm hàng chục chuyến bay phải hạ cánh ở phi trường khác, hay bay sang nước khác.
Trận ngập ngày 26 và 27/9 ở TP.HCM và một số tỉnh thành miền Đông Nam Bộ có thể vẫn tái diễn trong mùa mưa hàng năm, cùng với hoạn nạn của người dân và sự chia sẻ của báo chí.

Sở Du Lịch Hà Tĩnh phản đối ý tưởng 'tour du lịch Formosa'

Ảnh: saovietonline.com
Sở Văn Hóa Thể Thao Và Du Lịch tỉnh Hà Tĩnh bác bỏ ý tưởng về tour du lịch mang chủ đề "cá và thép", ở nơi vừa xảy ra thảm họa môi trường.
Hôm 24 tháng 9, một hội đoàn mang tên Liên Hiệp Khoa Học Phát Triển Du Lịch Bền Vững đã tổ chức một cuộc hội thảo, với mục đích được nói là nhằm phục hồi ngành du lịch tại các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra. Tại cuộc hội thảo, chủ tịch Liên Hiệp Khoa Học - Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh- đưa ra ý tưởng về cái gọi là "Tour du lịch Formosa", kết hợp các chủ đề cá hóa rồng, nhà máy thép và cả tiêu đề một cuốn tiểu thuyết của nước Nga thời cộng sản.
Ông Lê Trần Sáng, phó giám đốc Sở Văn Hóa Thể Thao Và Du Lịch Hà Tĩnh, nói với báo mạng VnExpress rằng ý tưởng này không khả thi, và không phù hợp với Hà Tĩnh. Sở Văn Hóa Hà Tĩnh đã phúc đáp với Liên Hiệp Khoa Học rằng không nên làm, bởi không thể áp dụng ý tưởng này với một thảm họa do con người tạo ra.
Theo ý tưởng vừa nêu, cái gọi là "Tour du lịch Formosa" sẽ đi qua 4 tỉnh vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Bốn tụ điểm du lịch dọc bờ biển các tỉnh này mang những chủ đề bị dư luận lên án là "nhảm nhí" và "phản cảm" như: mối tình giữa cá và thép, huyền thoại nàng cá gỗ, "thép đã tôi thế đấy", và cá thép hóa rồng.
Huy Lam / SBTN

Công ty dược chiếm đất, sai côn đồ khủng bố tinh thần nữ tu dòng Hàng Bột

Ảnh: FB Nhà Thờ Thái Hà
Sơ Nguyễn Thị Vi, Bề trên của Dòng Phao Lô Hàng Bột Hà Nội, báo động nhà dòng đang bị khủng bố bởi một nhóm người tự xưng là đại diện công ty dược phẩm và an ninh tôn giáo, đến phần đất của tu viện vốn đã bị trưng thu trái phép trước đó, yêu cầu các sơ đang tu trong nhà dòng phải dọn đi nơi khác.
Trang mạng Nhà Thờ Thái Hà cho biết suốt đêm Thứ Năm 29/09, các sơ đã phải thức canh chừng, trong khi nhiều giáo dân đến cùng các sơ cầu nguyện để yểm trợ tinh thần. Một người đàn ông tên là Phương, tự nhận giám đốc Công ty Dược Hà Nội, cảnh cáo các sơ "đừng cho giáo dân đến, nếu không sẽ có đổ máu".
Các hoạt động khủng bố nhằm chiếm đất của nhà dòng bắt đầu vào tối 27 tháng 9, khi Công ty Dược cho người mang dây thép gai đến giăng kín cửa sổ và cửa tu viện đi ra khu đất phía sau tu viện. Các sơ và bà con giáo dân đã phản đối hành động phi pháp và man rợ này. Sáng 28 tháng 9, các sơ đưa đơn khiếu nại khẩn cấp đến các chính quyền thành phố Hà Nội, quận Đống Đa và phường Hàng Bột cũng như công an phường Hàng Bột và công an quận Đống Đa. Trong khi nhà chức trách chưa có hồi đáp thì chiều 29 tháng 9, nhiều nhóm người lần lượt đến quay phim khu đất phía sau tu viện. Ban đầu là một nhóm khoảng 10 người mặc thường phục. Kế đến là một công an quận Đống Đa tên Khương, tự nhận là "an ninh tôn giáo". Rồi đến một nhóm côn đồ gồm 40-50 thanh niên. Đi cùng với nhóm này có người đàn ông tự giới thiệu tên Phương và là giám đốc Công ty Dược.
Được biết Công ty Dược thuê khu đất trước kia dùng làm trại tế bần của nhà dòng. Các sơ vẫn còn giữ hợp đồng thuê mảnh đất này từ năm 1955. Từ năm 1993, Công ty Dược không trả tiền thuê nữa, nhưng cũng không trả lại nhà đất cho các sơ. Các sơ cho biết, công ty quốc doanh này đang dọn đi và cho tư nhân thuê lại mảnh đất mà giờ đây họ cho là của họ.
Huy Lam / SBTN