Thursday, November 23, 2017

Đào tạo thêm 9000 tiến sĩ và những “căn bệnh” trong xã hội VN

Song Chi 
THeo RFA-2017-11-21  
Các sinh viên chụp hình kỷ niệm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Hà Nội hôm 18/11/2014
 Các sinh viên chụp hình kỷ niệm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Hà Nội hôm 18/11/2014  AFP
"Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thất nghiệp tăng, riêng năm nay có 20.000 cử nhân thất nghiệp.
Ông cho biết thêm, thực tế, có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab." ("80% tài xế xe ôm Grab, Uber là sinh viên, cử nhân thất nghiệp", VTC News)
Nếu dự án chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục mà thành hiện thực, thì mai mốt đi chăn lợn, chạy xe ôm cũng phải có bằng tiến sĩ chứ nếu không thừa tiến sĩ quá biết dùng làm gì?
Lâu nay chúng ta đã nói nhiều về sự lãng phí tiền bạc, phung phí các tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong cách điều hành lãnh đạo đất nước suốt mấy chục năm qua của đảng và nhà nước cộng sản VN. Đất nước còn nghèo, đa số người dân còn sống hết sức chật vật, chạy ăn từng bữa, nhưng sự phung phí của nhà cầm quyền vào những dự án vô bổ, những công trình “khủng” về mặt kinh phí nhưng chất lượng thì tồi, thấp, chưa hoạt động được bao lâu đã xuống cấp, hư hỏng, phải đổ tiền ra sửa chữa, những vụ tham nhũng, thất thoát với những con số lên đến hàng trăm triệu đô la…cứ diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ địa phương tới trung ương, với mức độ ngày càng lớn. Một kết luận ngắn gọn về nhà cầm quyền VN: Làm thì ít, thì dở, mà phá hoại thì nhiều, hoặc nói như bà Cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Người ta ăn của dân không từ cái gì”.
Do vậy, ngay từ khi Bộ Giáo dục đề cập đến dự án sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, dư luận nhìn chung đã không có chút tin tưởng nào vào sự chính đáng hay sự thành công của dự án. Mặc cho ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày lý do, rằng: “Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21% như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của đề án 911 là phải đạt 35%. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường Đại học để cống hiến…” (“12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ: Bộ trưởng Giáo dục nói gì?”, Tiền Phong)
Lại “âm mưu” vẽ chuyện để kiếm chác từ tiền thuế của nhân dân đây, hoặc, lại một dự án phung phí tiền bạc nữa-nhiều người lên tiếng trên các trang mạng xã hội. Trong bài phỏng vấn trên đài RFA, “Thêm 9000 tiến sĩ: “Một dự án sớm thất bại!”, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng tỏ ra không tin tưởng, không đồng tình. Vì một thực tế ai cũng thấy, VN không phải đang có tỷ lệ tiến sĩ quá thấp như ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói mà ngược lại, VN có quá nhiều tiến sĩ có “chất lượng” chẳng ra sao, và vấn đề không phải là “số lượng” mà là “chất lượng”.
Ở đây không chỉ là lãng phí tiền bạc mà còn là lãng phí về con người đối với xã hội khi đào tạo mà không hiệu qủa, và đối với bản thân chính người đó, là lãng phí thời gian trong đời, khi bỏ ra mấy năm học mà cuối cùng lại không làm được việc. Trường hợp hàng ngàn Cử nhân ra trường rồi thất nghiệp, ra trường chạy xe ôm, taxi hay về quê chăn lợn như vừa nói ở trên là thực tế đang diễn ra. Tiến sĩ cũng vậy, tiến sĩ nhiều nhưng từ đề tài, luận văn tốt nghiệp cho tới những công trình khoa học thực sự có giá trị thì ít.
Thực sự VN đang cần thợ cho ra thợ, thợ giỏi tay nghề trong nhiều lĩnh vực chứ không cần nhiều tiến sĩ “giấy”, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục ạ.
Thay vì chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ có lẽ nên nghiên cứu lại mấy trường dạy nghề ở VN, làm sao có những khóa/ngành đào tạo thợ trong nhiều lĩnh vực cho tốt, có tay nghề hẳn hoi, từ điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, nấu ăn, nhà hàng, bảo mẫu, hộ lý, chăm sóc người già v.v…Học xong vừa kiếm sống được mà nếu có xin đi lạo động ở nước ngoài, có tay nghề giỏi nước người ta còn chuộng hơn là có mấy cái bằng với mớ kiến thức nặng lý thuyết, sách vở!
Hãy lấy ví dụ từ các nước Bắc Âu, như Na Uy chẳng hạn, họ đã làm rất giỏi trong việc cân bằng giữa tỷ lệ “thầy” và “thợ”.
Chương trình trung học ở Na Uy được chia như sau: Barneskole, ungdomsskolevà videregåendeBarneskole tức bậc tiểu học là 7 năm, từ lớp 1 đến lớp 7, ungdomsskole tức bậc trung học cơ sở (theo cách gọi ở VN bây giờ) hay trung học đệ nhất cấp (theo cách gọi thời chế độ VNCH) là 3 năm. Videregående tức trung học phổ thông (theo cách gọi ở VN bây giờ) hay trung học đệ nhị cấp (theo cách gọi thời chế độ VNCH). Ở bậc videregåendehọc sinh có thể chọn lựa giữa chương trình học kiến thức tổng hợp hoặc chương trình học nghề. Những học sinh chọn học kiến thức tổng hợp sẽ học thêm 3 năm, tổng cộng 13 năm để hoàn tất chương trình trung học, sau đó tiếp tục theo học đại học hoặc cao đẳng.
Những học sinh chọn chương trình học nghề sẽ phải mất 4 năm: 2 năm lý thuyết ở trường và 2 năm thực tập. Chương trình dạy nghề có nhiều ngành khác nhau để các em lựa chọn theo thiên hướng, sở thích, ví dụ: kỹ thuật và công nghiệp, điện tử, xây dựng, nhà hàng và phục vụ, y tế và chăm sóc xã hội v.v…Với những em không có khả năng học lên cao, sẽ chọn học nghề.
Lý do khiến cho tỷ lệ chọn học lên cao và chọn học trường nghề ở Na Uy không quá chênh lệch, tạo ra sự cân bằng giữa các ngành nghề, vị trí trong xã hội, là do chế độ lương bổng, đãi ngộ, an sinh xã hội rất tốt dành cho mọi nghành nghề, dù học cao, là kỹ sư bác sĩ, Tiến sĩ hay chỉ là người lái xe, người bán hảng trong siêu thị. Thậm chí, càng học nhiều, lương càng cao thì càng phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn, ví dụ người lương ít thì thuế khoảng 20%, lương cao thuế 30%, 36%, thậm chí trên 40%. Điều đó giúp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội không quá chênh lệch. Điều quan trọng hơn là cái nhìn của xã hội. Người dân ở các nước Bắc Âu không bị sức ép về bằng cấp, sức ép phải là ông này bà kia, có nhà to, có xe đẹp; người giàu người không giàu, người học cao người học thấp đều cảm thấy nhẹ nhàng, không đến nỗi phải khổ sở vì mặc cảm thua sút, mình là người thất bại, như ở một số quốc gia khác.
Trong khi đó, ở VN, sở dĩ có tình trạng mất cân đối giữa thầy và thợ, tình trạng cố chen vào đại học, tình trạng chạy bằng, mua bằng, bằng cấp giả tràn lan...là do những nguyên nhân sau: Một, văn hóa VN từ xưa đến giờ vốn trọng bằng cấp, tâm lý nhiều người Việt cũng vậy, chuộng cái bằng, ham làm thầy hơn làm thợ, nhà nghèo, cực khổ đến đâu cũng ráng chạy vạy cho con vào được đại học dù sau này học xong cũng thất nghiệp, nhưng vẫn là “thất nghiệp có chữ, có học”! Rốt cuộc “thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ”, dở dang, chỉ khổ thêm cho mình và cho cha mẹ, gia đình.
Chế độ công sản đã làm nảy sinh thêm những «căn bệnh» thành tích, hình thức, chạy theo bề ngoài, học không phải để có kiến thức thực sự mà để có bằng, bằng cấp càng cao thì càng tìm được những cái «ghế» ngon lành ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ v.v...Thứ hai, mức lương bổng, đãi ngộ giữa những người có bằng cấp và những người chỉ làm thợ, làm lao động chênh lệch rất xa, nên không mấy ai muốn đi làm những công việc bình thường.
Chừng nào những điều này còn chưa thay đổi, thì chừng đó «căn bệnh» chuộng bằng cấp vẫn còn và những dự án kiểu như đào tạo hàng nghìn tiến sĩ với suy nghĩ «tỷ lệ tiến sĩ ở VN vẫn còn quá thấp» của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục vẫn sẽ được triển khai. Lo đào tạo Tiến sĩ làm gì khi đời sống của đa số giáo viên, người thầy giáo còn quá vất vả, lương không đủ sống, dẫn đến chuyện dạy thêm, «phong bì», làm mất đi hình ảnh được tôn trọng của người thầy trong mắt xã hội. Hoặc lo đào tạo Tiến sĩ làm gì khi từ sách giáo khoa ở bậc Tiểu học cho đến băng rôn, biểu ngữ trên đường, ngay trên TV, báo đài quốc gia...còn viết sai chính tả, nói ngọng tùm lum? Mà ngay bản thân người đứng đầu ngành Giáo dục là ông Bộ trưởng cũng không thèm chỉnh sửa cái tật nói ngọng, lẫn lộn l, n của mình?

Kế hoạch cổ phần hóa công ty quốc doanh ở Việt Nam vẫn ì ạch

Nhà máy xơ sợi PVTex tại khu công nghệ Đình Vũ, Hải Phòng, một công ty con của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam “đắp chiếu” vì tham nhũng. Sếp công ty này là Vũ Đình Duy (hình góc trái) đang trốn ở nước ngoài. (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Kế hoạch cổ phần hóa các công ty quốc doanh phần lớn “lãi giả, lỗ thật” sẽ không đạt chỉ tiêu đã đề ra cho năm nay, chẳng khác gì những năm trước đây.
Theo tin của tổ chức thông tin tài chính Nikkei Nhật Bản, nhà cầm quyền CSVN sẽ tổ chức thoái vốn của nhà nước trong một số công ty quốc doanh dưới hình thức bán đấu giá cổ phần của năm công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, được xưng tụng là “blue chip” tại Việt Nam, vào Tháng Mười Hai tới đây.
Công ty kinh doanh được gọi là “blue chip” khi cổ phiếu của nó có tính dẫn dắt thị trường và là những cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm nhất của toàn bộ giới đầu tư chứng khoán. Như ở Mỹ, 30 công ty lớn nhất, 30 cổ phiếu “blue chip” được lựa chọn để xây dựng nên chỉ số kỹ nghệ chứng khoán Dow Jones.
Dự trù các công ty này sẽ được đấu giá vào tuần lễ thứ hai và thứ ba trong Tháng Mười Hai gồm cổ phiếu của FPT (5.96%), Tiền Phong Plastic (37.1%), Bình Minh Plastic (29.51%), Domesco Medical Export-Import (34.71%), và Vietnam Construction and Import-Export (21.79%) tên tiếng Việt là Tổng Công Ty Xuất Nhập Khẩu và Xây Dựng Việt Nam (Vinaconex).
Theo lời ông Nguyễn Chí Thành, phụ tá tổng giám đốc điều hành Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC), năm công ty nói trên đều những công ty hàng đầu trong lãnh vực họ kinh doanh và đạt tỉ lệ lợi nhuận hai con số gia tăng trong mấy năm vừa qua.
Số lượng cố phiếu được đem bán đấu giá ước lượng trị giá 10,000 tỷ đồng hay khoảng $440 triệu theo giá thị trường hiện tại. SCIC là cơ quan độc quyền của nhà nước CSVN quản trị vốn của nhà nước tại hầu hết các công ty quốc doanh có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán nội địa.
Năm nay là năm đầu tiên SCIC thực hiện bán vốn nhà nước với một thời khóa biểu rõ rệt trong nỗ lực gia tăng sự minh bạch. Cơ quan này từng tổ chức những buổi quảng bá di động để người ta hiểu hơn thủ tục bán đấu giá cổ phiếu. Tuy nhiên, kết quả thu được thấp hơn là cái họ hy vọng đạt được cho dù nhà cầm quyền từng đe dọa các lãnh đạo công ty quốc doanh phải cố phần hóa sẽ bị trừng phạt nếu không thực hiện đúng hạn kỳ kế hoạch.
Trong năm 2017, SCIC lập danh sách tổng cộng 90 công ty quốc doanh phải bán vốn nhà nước. Theo một bản báo cáo của công ty Nghiên Cứu Chứng Khoán Sài Gòn (Saigon Securities Research – SSR) thì mới chỉ bán được cổ phần cho 20 công ty tính đến Tháng Mười. Khó khăn xảy ra với hai chục công ty quốc doanh đã làm giới đầu tư tránh né, theo lời ông Phạm Hùng, một phân tích gia của SSR, nói với Nikkei.
Số lượng công ty quốc doanh thoái vốn của nhà nước quá thấp so với kế hoạch như thế, sẽ đè mạnh áp lực lên quý cuối năm của năm nay. Mà như vậy phần lớn kế hoạch phải thực hiện trong năm nay sẽ lại bị dồn sang cho năm tới và năm tới nữa. Trong số đó, người ta thấy có những công ty như công ty Đầu Tư và Phát Triển Hạ Tầng Việt Nam, công ty Cơ Khí và Khoáng Sản Hà Giang, Tổng Công Ty Tái Bảo Hiểm Việt Nam, công ty Xuất Nhập Khẩu Sa Giang, công ty Bảo Hiểm Bảo Minh.
Tuy không đạt chỉ tiêu nhưng các vụ bán thành công cũng giúp cho SCIC thu được cho nhà nước 20,000 tỷ đồng (hơn $880 triệu), trong đó có 9,000 tỷ đồng (hơn $396 triệu) từ bán 3.3% cổ phần của Vinamilk trong Tháng Mười Một. Năm 2016, SCIC bán cổ phần của 73 công ty quốc doanh, thu hồi về cho nhà nước được 16,000 tỷ đồng (hơn $704 triệu).
Hồi đầu Tháng Mười Một, tại một cuộc hội thảo, ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Hiệp Hội Thương Mại Hoa Kỳ (AmCham), nêu ra năm rào cản khiến giới đầu tư ngoại quốc không hào hứng tham gia vào các vụ nhà cầm quyền Hà Nội thoái vốn của nhà nước ở các công ty quốc doanh.
Đó là “khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực; định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; nhiều doanh nghiệp nhà nước không còn có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; thiếu công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là tiến trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt,” theo tường thuật của báo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 2 Tháng Mười Một.
Sau hơn một thập niên, trước sự thúc ép của các định chế tài trợ quốc tế, tính đến cuối năm 2016, tổng số công ty quốc doanh tại Việt Nam là 718 doanh nghiệp, giảm xuống từ 12,000 công ty của những năm đầu thập niên 2000.
Theo báo cáo của nhà cầm quyền CSVN về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc đến cuối năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1.5 triệu tỷ đồng. (TN)

Lãnh đạo trường ở Yên Bái tham ô 6 tấn gạo của học sinh

Những “bữa cơm có thịt” được người dân hỗ trợ thêm của học sinh vùng cao Trạm Tấu. (Hình: Lao Động)
YÊN BÁI, Việt Nam (NV) – Bán 6 tấn gạo của học sinh, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường phổ thông Dân Tộc Bán Trú ở huyện Trạm Tấu bị bắt giữ để điều tra tội “Tham ô tài sản.”
Ngày 21 Tháng Mười Một, công an huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam hai ông Nguyễn Đăng Vinh và Vũ Đức Tuyến, là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường Phổ Thông Dân Tộc Bán Trú xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, về tội “Tham ô tài sản.”
Nói với báo Người Lao Động chiều cùng ngày, bà Lê Thị Thu Hà, phó chủ tịch huyện Trạm Tấu, cho hay bước đầu, cơ quan điều tra xác định ông Vinh và ông Tuyến đã bán 6 tấn gạo của học sinh bán trú, lấy 42 triệu đồng (khoảng $1,849) để chia nhau tiêu xài.
Bà Hà cho biết thêm, sự việc bán gạo xảy ra khi dọn kho ở trường. “Khi số gạo đang được bốc lên xe thì bị bắt quả tang,” bà Hà nói.
Tuy nhiên, bà Hà cho rằng: “Có thể do lãnh đạo nhà trường nhầm lẫn về số gạo tồn kho từ năm này qua năm khác nên xảy ra sự việc.”
Tin cho biết, trường Phổ Thông Dân Tộc Bán Trú xã Bản Công nằm ở khu vực núi cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Do nhà ở xa, đi lại khó khăn nên phần lớn học sinh là con nhà nghèo phải ở lại bán trú tại trường để thuận tiện cho việc học hành và có được bữa ăn nghèo nàn, chỉ có cơm trắng ăn với rau rừng. Nhiều người ở khắp các tỉnh thành và cả Việt kiều phải thường xuyên quyên góp gạo, tiền, quần áo… để hỗ trợ thêm.(Tr.N)