Thursday, February 11, 2016

Tự do tôn giáo bị đàn áp và sự trốn chạy của đồng bào thiểu số

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-02-11  
tre-em-h-mong-622.jpg
Con em đồng bào thiểu số tị nạn tại Thái Lan RFA
Trong nhiều năm nay, bên cạnh đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên chạy sang Thái Lan tỵ nạn có một nhóm người thuộc sắc tộc H’Mông tại 6 tỉnh miền Bắc chạy sang Thái từ năm 2011, sau khi các chiến dịch đàn áp đạo Tin Lành nổ ra khắp các khu vực có người H’Mông sinh sống. Mặc Lâm tìm gặp cộng đồng nhỏ bé này đang sống xa quê hương vào ngày đầu năm mới.

Đời sống cực kỳ khó khăn

Tha hương, lưu vong, hay tỵ nạn, di cư… tất cả những cụm từ này đều thích hợp khi mô tả cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số H’Mông đang sống chui rúc trong các khu của người Thái gốc Hoa để chờ đợi quyết định quy chế tỵ nạn của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc.
Kiếm sống hàng ngày là một thử thách rất lớn đối với họ khi bản chất thực thà, hiền lành và khá thụ động khiến người bản xứ đôi khi lợi dụng khi thuê mướn họ làm việc.
Đời sống cực kỳ khó khăn ấy vẫn không cản được bước chân tỵ nạn của họ trong ba năm liền từ năm 2011 tới năm 2014 mới chấm dứt. Không thể nói họ lìa bỏ Việt Nam vì đời sống vật chất khó khăn vì sự thương khó của người miền núi không cần phải kiểm chứng. Lý do thúc đẩy họ rời bỏ rừng núi, bản làng để ra đi là vì niềm tin tôn giáo của họ bị sách nhiễu, đàn áp và thậm chí có người đã ngã xuống vì tranh đấu cho quyền được thờ phượng Thiên Chúa của họ.
Đã 6 năm tôi xa gia đình rồi thỉnh thoảng liên lạc với nhau vì sợ nó theo dõi nó rình nó bắt nên chúng tôi không liên lạc với gia đình. Trước đây tôi là mục sư hầu việc Chúa sang bên này thì cũng phải đi làm. Đi phụ hồ,. vác phi (sắt) vác xi măng lên tầng 4.
-Một người gốc Thái
Trong ngày đầu năm khi cái tết Bính Thân vừa bắt đầu vào ngày mùng một, chúng tôi có mặt cùng với cộng đồng nhỏ bé này tại Ban Thik, một khu vực cách thủ đô Bangkok khoảng 20 cây số. Ngồi giữa những đồng bào của mình tại xứ người trong ngày đầu của một năm mới tạo cho chúng tôi cảm giác ấm áp từ sợi dây vô hình của hai tiếng đồng bào với nhau tuy nhiều người trong số họ không nói rành tiếng Việt. Một người gốc Thái đen cho chúng tôi biết hoàn cảnh của ông:
“Đã 6 năm tôi xa gia đình rồi thỉnh thoảng liên lạc với nhau vì sợ nó theo dõi nó rình nó bắt nên chúng tôi không liên lạc với gia đình. Trước đây tôi là mục sư hầu việc Chúa sang bên này thì cũng phải đi làm. Đi phụ hồ,. vác phi (sắt) vác xi măng lên tầng 4. Chúng tôi đến Thái thì tiếng nói bất đồng sáu tháng không được đi làm mới làm đây thôi. Mình không biết tiếng nên nó cũng chặn mình. Có hai trăm rưỡi bath một ngày làm từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm.”
Kế bên là một phụ nữ có khuôn mặt khá giống người Tày vùng rừng núi phía Bắc chị cho biết là người tỉnh Lai Châu và cuộc trốn chạy của chị tới vùng đất này là cả một bi kịch cho gia đình chị:
“Em ở tỉnh Lai Châu. Sang Campuchia đã 4 năm sang Thái này mới 10 tháng. Đời sống ở đây nói chung mình làm thì vất vả lắm so với Việt Nam của mình. Việc làm thì đối với người Việt người ta bắt mình làm nặng lắm. Thời gian thì nhiều mà mình không biết tiếng của họ bắt mình làm nặng lắm. Cuộc sống ở đây nói chung riêng em thì em muốn sống ở Việt Nam chứ không muốn sống xa quê hương tí nào cả. Lòng của em thì rất là nhớ quê và nhất là những ngày Tết này. Xa gia đình xa cha mẹ xa anh xa em. Lâu rồi ngay cả khi mẹ em chết em cũng không dám về. Mẹ chết hôm tháng 6 năm ngoái mà em chỉ gọi về cho gia đình thôi chứ em không dám về.
quay-quan-400.jpg
Đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên chạy sang Thái Lan tỵ nạn. RFA PHOTO.
Khi gặp người Việt mình sống tại Thái thì rất là vui và cái tình cảm Việt Nam mình dù ăn rau hay ăn cháo nhưng sống gần nhau thì em rất thích với phong tục của người Việt mình.”
Anh Sung Seo Hòa, người được đề cử làm đại diện cho cả nhóm cho biết tình trạng tỵ nạn và đời sống của đồng bào H’Mông:
“Ở Việt Nam thì họ ở nhiều tỉnh lắm. Có người ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La cũng có. Lý do đi tỵ nạn đa số vì lý do tôn giáo. Có một số ít là dân oan bị nhà nước cướp vườn ruộng cướp nhà thu hồi đất thế nọ thế kia không hợp lý và không được đền bù. Một số bị người ta đập phá nhà không có nơi ẩn náu không có nơi sống và khiếu nại không thành công. Sau đó cũng có vài người đứng ra bảo vệ công lý thí bị lệnh truy nã cho nên không sống được họ bắt buộc phải chạy sang đây. Mường Nhé thì ở đây có khoảng 6 gia đình, chừng đó thôi.”

Đạo Vàng Chứ

Người ta còn nhớ cách đây gần 5 năm vào tháng 5 năm 2011 lực lượng vũ trang phối hợp với chính quyền bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đã bao vây khu vực này và bắt giữ rất nhiều người bị cho là phản động có ý đồ thành lập vương quốc H’Mông tách biệt khỏi đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên sau khi báo chí thế giới vào cuộc thì mới biết cái được gọi là vương quốc H’Mông ấy thật ra chỉ là một tôn giáo mới đang được truyền đi cho bà con có tên là đạo Vàng Chứ.
Đồng bào H’Mông sống tại đây bị đàn áp nặng nề do chống lại lực lượng vũ trang. Nhiều người bị bắn chết cùng với hàng chục người khác bị thương trong khi chính quyền khước từ cho rằng không có ai bị thương mặc dù có sự xô xát xảy ra.
Ở Việt Nam thì họ ở nhiều tỉnh lắm. Có người ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La cũng có. Lý do đi tỵ nạn đa số vì lý do tôn giáo. Có một số ít là dân oan.
-Anh Sung Seo Hòa
Một người H’Mông không muốn nêu tên cho chúng tôi biết về vụ này vì chính anh cũng là nạn nhân trực tiếp và buộc phải bỏ chạy sang Lào rồi sang Thái tỵ nạn. Anh nói rằng vào tháng 5 năm 2011 bộ đội đã tấn công vào bản của anh đang ở, bắn chết và bị thương rất nhiều người. Anh bỏ chạy nên thoát chết.
Đồng bào H’Mông các tỉnh biên giới phía Bắc đa số theo đạo Tin Lành thuộc phái Phúc Âm chạy sang Thái Lan tỵ nạn vì quyền tự do tôn giáo của họ bị sách nhiễu. Nhà nước chẳng những không giúp cho họ có cơ sở để thờ phụng mà còn thẳng tay đàn áp họ khi có cơ hội.
Ở Việt Nam, người H’Mông có hơn 1 triệu người, sống du canh, du cư, có bản sắc văn hóa riêng rất độc đáo. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông là một dân tộc thiểu số, họ sống tản mát trên nhiều quốc gia, Tổ quốc của họ là nơi họ định cư.
Người H’Mông sống hầu hết tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với ranh giới Trung Quốc. Từ xa xưa hầu hết người H’Mông tại Việt Nam đều xuất phát từ các vùng núi cao phía Nam Trung Quốc, nhiều nhất là Quý Châu. Trong những năm gần đây, đồng bào Mông di cư tới nhiều khu vực Tây Nguyên và đa số họ theo đạo Tin Lành Mennonite. Tuy sống khá cách biệt nhưng người Việt sớm biết phong tục tập quán của họ. Những truyền thống văn hóa của người H’Mông đôi khi trùng với phong tục của người kinh. Sự giao thoa giữa hai vùng văn hóa đã phần nào xóa nhòa ranh giới chia cắt chủng tộc cũng như ngôn ngữ.
Trong niềm tin tôn giáo của mỗi người H’Mông họ xác quyết rằng mọi sự do Thiên Chúa xếp đặt kể cả những chuyến đi đầy chông gai từ vùng rừng núi Việt Nam sang đất Thái. Tiếng kinh trưa trước khi vào tiệc đầu năm khiến người nghe cảm giác đang ngồi dưới bóng mát của rừng già nghe tiếng cầu nguyện như chim hót của tộc người H’Mông trong lòng dân tộc Việt.

Vấn đề không phải là tự ứng cử mà cần tẩy chay bầu cử Quốc hội cộng sản

Người Đưa Tin (Danlambao) - Để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước đòi buộc phải đa nguyên đa đảng. Một khi cộng sản còn độc tài toàn trị bằng điều bốn HP thì việc tự ra tranh cử không có giá trị và đạt được mục tiêu xây dựng dân chủ. Đã là cộng sản thì bản chất như nhau, khát vọng quyền lực biến người theo cộng sản nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, kể cả đồng chí, đồng đảng, đồng bọn cộng sản đều chung ý thức giết lầm hơn bỏ sót (1) đã có từ thập niên 40, tiền đề cho "cuộc cách mạng long trời lở đất" do Hồ Chí Minh chủ xướng trong CCRĐ. Cũng như Lê Đức Thọ lúc sinh thời đã từng khẳng định "Luật là tao -Tao là luật" (2), điều đó cho thấy các kiến nghị cũng như đơn thư tố cáo đối với đảng cộng sản chỉ là trò đùa không hơn kém. Hành động khuyến khích người dân tẩy chay bầu cử thiết thực hơn là tuyên bố của một vài cá nhân tự ra ứng cử, khi biết chắc, biết trước nhà cầm quyền cộng sản không thể chấp nhận. Hành động mà biết trước kết quả không hay thì nên chuyển hướng là điều cần thiết.

Phát động và khuyến khích người dân tẩy chay bầu cử QH cộng sản ngay bây giờ

Ngày 22 tháng 05 là ngày bầu cử quốc hội cộng sản. Guồng máy tuyên giáo sẽ cờ xí rợp trời, loa phường sẽ thi nhau mở hết công xuất kêu gọi toàn dân đi bầu để hợp thức hóa QH bù nhìn qua hình thức đảng cử dân bầu (3). Điều đó cho thấy lá phiếu của người dân không hơn mảnh giấy lộn. Thậm chí báo cộng sản còn đưa tin "Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền". (4) Lá phiếu bầu của người dân chưa nắm bắt thông tin vô tình tiếp tay cho đảng cộng sản duy trì quyền lực cách hợp pháp trong mắt nhìn với thế giới bên ngoài rằng VN là thể chế dân chủ, dù họ thừa biết hình thức bầu cử trong chế độ cộng sản tại VN chỉ là trò đại bịp.

Hơn năm triệu người dân truy cập tin tức trên Internet hàng ngày không phải là số nhiều so với 90 triệu dân, bởi trong đó hơn bốn triệu là đoàn viên và đảng viên cộng sản. Cần nhìn vào thực tế đó để thấy các trang Web ngoài tầm kiểm soát của đảng cộng sản chưa đủ mạnh để đưa thông tin xác thực đến với người dân. Nói cách khác, đại đa số người dân vẫn mù thông tin với hiện tình đất nước. Người dân không vô cảm như một số người cho rằng "dân ngu hèn". Cái lỗi (nếu có) thuộc về tầng lớp trí thức chưa biết cách chuyển giao thông tin đến từng người dân bằng báo giấy hoặc truyền đơn, tờ rơi v.v... Hay ít ra phổ biến mạnh hơn nữa về Luật Quốc Tế Nhân Quyền mà đảng cộng sản đã tham gia ký kết thực hiện. Chỉ khi nào người dân ý thức rõ quyền làm người của họ đã và vẫn đang bị đảng cộng sản tước đoạt nhiều thập niên qua thì khi ấy người dân sẽ có thái độ phản kháng đúng mực, có thể ngoài sức tưởng tượng của các nhà "tiên tri".

Hình thức bầu cử trong chế độ cộng sản cũng là hình thức đấu tố sát hại lẫn nhau để tranh giành quyền lực

Thực tế cho thấy đảng cộng sản không phải là một khối thống nhất. Chúng luôn chia phe nhóm lợi ích và đấu đá lẫn nhau, kể cả kỳ thị Nam-Bắc thể hiện qua lời nói Nguyễn Phú Trọng “Tổng bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận” (5). Sự kỳ thị Nam-Bắc không chỉ từ cửa miệng Nguyễn Phú Trọng, nó còn ăn sâu vào tiềm thức của đảng cộng sản trên nguyên tắc chia để trị, và như vậy là Trung cộng đã thành công trong việc phân tán nội lực Dân tộc VN, mà kẻ tiếp tay không ai khác ngoải đảng cộng sản. 

Không phải bây giờ mà từ ngàn năm trước nước Tàu luôn nuôi ý đồ thôn tính VN, gây tỵ hiềm giữa các vùng miền để thực hiện mưu sâu kế độc. Không phải hàng tướng lãnh không biết nhưng vì bổng lộc hoặc cuồng xuẩn 16 vàng - 4 tốt và cũng có thể là lưu manh chính trị như Nguyễn Phú Trọng... Nhà cầm quyền cộng sản luôn đặt sự tồn vong của đảng cộng sản lên trên vận mệnh của Dân tộc, như Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố cương lĩnh đảng nằm trên HP (6). Điều đó cho thấy sự độc tài toàn trị phi dân chủ của đảng cộng sản trong mỗi tuyên truyền luôn nằm trên băng rôn, khẩu hiệu trải dài từ Nam chí Bắc chỉ nhằm mục đích mị dân để giữ đảng (7)

Không chấp nhận hình thức đảng cử dân bầu để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước

Dẫu có trăm người tự ra ứng cử cũng chỉ gây được chút tiếng vang rằng VN đã "thức tỉnh"? Đó là chuyện mơ hồ nếu không nói là hoang tưởng nhằm tự an ủi bản thân hoặc xoa dịu dư luận trước các kỳ bầu cử QH sắp tới. Điều cần làm là khuyến khích người dân không đi bầu, tọa kháng tại nhà không thể bị kết tội chống nhà nước cộng sản. Bầu cử là hình thức tự do đồng nghĩa người dân có quyền bỏ phiếu trắng, không bầu chọn cho bất cứ cá nhân nào là cũng đã thể hiện quyền công dân chính trực. Tương tự như vậy, người dân có quyền treo hoặc không treo cờ đỏ sao vàng biểu tượng của đảng cộng sản bởi đó không phải là lá cờ tổ quốc do HCM mang về VN áp đặt (8). Giúp người dân hiểu rõ cội nguồn Dân tộc cũng là hành động chống lại sự tuyên truyền bịp bợm của tuyên giáo cộng sản.

Muốn hay không cũng phải thừa nhận người dân vẫn "đói" thông tin. Báo chí tự do không chỉ quanh quẩn trên các trang mạng mà cần đi vào đời sống người dân bằng báo in, báo giấy. Để làm được điều này cần có sự hậu thuẩn của các Mạnh Thường Quân. Có thể sẽ gặp nhiều trở ngại nhưng không bất khả thi vì đó là nhu cầu có thực, ít ra trong bối cảnh hiện tại. Bởi anh hàng thịt hay chị hàng cá... gần như ít người biết nhiều về Internet. Báo giấy mang đến nguồn tin phong phú cho người dân. Có khai được Dân Trí mới Chấn Dân Khí để thúc đẩy tiến trình dân chủ đến thành công.

Kết luận

Khẩn thiết đề nghị tầng lớp nhân sĩ trí thức không cộng sản hướng dẫn về pháp luật rằng người dân có quyền không đi bầu mà không bị nhà cầm quyền cộng sản ghép vào bất cứ tội danh gì. Không treo cờ đỏ sao vàng cũng là hành động bất tuân dân sự. Không có bất cứ điều luật nào của cộng sản bắt buộc phải treo hoặc không treo cờ. Treo cờ cộng sản khác nào làm tủi hàng triệu oan hồn nạn nhân cộng sản, đặc biệt là hàng ngàn đồng bào Huế bị cộng sản sát hại vào tết Mậu Thân 1968. 

Sài gòn 11.02.2016


__________________________

Tài liệu tham khảo:

(1) Vài câu chuyện về Cải cách ruộng đất.

(2) Luật là tao, tao là luật

(3) Cần xóa cơ chế "Đảng cử dân bầu"

(4) Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền

(5) Truyền thông trong nước với đại hội đảng. Tổng bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận

(6) Vì sao đảng cố giữ điều 4 hiến pháp

(7) Những sự thật cần phải biết (phần 17) - Ngu dân và mị dân để giữ đảng

(8) Hồ Chí Minh trả lời nhà báo nước ngoài về ý nghĩa của cờ đỏ sao vàng.

Tập trung dân chủ chỉ để độc quyền, đặc lợi

Phạm Trần (Danlambao) - Đảng Cộng sản Việt Nam đang dồn mọi nỗ lực đề cao chủ trương “tập trung dân chủ” sau Đại hội đảng XII để tiếp tục cai trị độc tài, chống đòi hỏi dân chủ trong dân hầu bảo vệ đặc quyền, đặc lợi cho đảng.

Bằng chứng đã phát ra từ cửa miệng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân ngày 03/02/2016.

Ông Trọng nói: "Qua thành công của Đại hội, bài học lớn tiếp tục được khẳng định là việc mở rộng dân chủ, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Dân chủ để phát huy trí tuệ của toàn Đảng; để thắt chặt đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trong việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới. Đặc biệt là trong công tác nhân sự, lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực tư duy chiến lược, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương và các chức danh chủ chốt của cơ quan Đảng, Nhà nước."

Nhưng nếu chỉ dân chủ trong đảng để tiếp tục phủ nhận dân chủ trong dân thì đó là thứ dân chủ trá hình. Bởi vì nguyên tắc được gọi là “tập trung dân chủ” của Cộng sản Việt Nam là tập quán sinh hoạt trong nội bộ. Nó cho phép đảng viên được tự do phát biểu, góp ý kiến, dù trái chiều, nhưng khi đa số đã quyết định thì thiểu số phải phục tùng quyết định của số đông. Và sau khi rời phòng họp thì không ai được phép bàn tán hay bất tuân quyết định, hay nghị quyết đã chấp thuận.

Đó là tiêu chuẩn công tác theo nội quy của tổ chức, hội đoàn hay điều lệ của một đảng là việc riêng của các tổ chức này. Trong trường hợp đảng CSVN thì khác. Lãnh đạo đã lạm dụng nguyên tắc “tập trung dân chủ” để buộc nhân dân phải chấp nhận Tổng Bí thư, người đứng đầu đảng được nhân danh đảng để cai trị cả nước.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 không có bất cứ điều nào cho phép đảng CSVN làm như thế, kể cả việc đảng được quyền giới thiệu 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Ngồi lên hiến pháp

Khi Tổng Bí thư đảng cũng là người cai trị cả nước trong thực tế là đảng đã nhổ nước bọt vào mặt các Đại biểu Quốc hội.

Đội ngũ dư luận viên hàng đầu của Đảng trong Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo có thể lý luận vắt chầy ra nước rằng, điều đó không có gì là sai trái vì Điều 4 Hiến pháp đã quy định đảng CSVN là “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” . Vì vậy Tổng Bí thư đảng cũng là người lãnh đạo nước trong thực tế là đương nhiên!

Nhưng mà cái sự “đương nhiên” lý luận cùn này chẳng hay ho gì đâu. Vì “rằng-thì-là” Quốc hội là tổ chức của đảng chọn cho dân bầu. Các Đại biểu lại toàn là đảng viên hay phải là người được đảng cho ra ứng cử giả vờ cho có mầu mè dân chủ để làm nhiệm vụ lót đường cho người ủa đảng, hay chỉ để đóng dấu chấp thuận các quyết định của đảng. Bản Hiến pháp năm 2013 do đảng soạn thảo được phổ biến lấy ý kiến dân, nhưng sau khi sửa lên, sửa xuống cho có vẻ “ý đảng lòng dân” thì nó vẫn độc tài và đảng trị như cũ chả có gì là “của dân, do dân và vì dân” cả.

Do đó khi Ban Chấp hành Trung ương đảng XI tự ý chấp thuận trước để giới thiệu với Ban Chấp hành Trung ương XII tán thành 3 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang giữ chức Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 13, bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội khóa 14 và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên chức Thủ tướng thay Nguyễn Tấn Dũng là đảng đã “lấy thịt đè người” và công khai chà đạp lên Hiến Pháp.

Lý do vì Điều 87 Hiến pháp đã quy định:”Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội.”

Điều 98 viết: "Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội” , sau khi được Chủ tịch nước đề cử.

Và khoản 7 của Điều 70 cũng viết về nhiệm vụ của Quốc hội là: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội…"

Như vậy, ngoài chức danh Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng được cầm quyền ngay, 3 chức danh kia phải chờ cuộc bỏ phiếu diễn tuồng của Quốc hội khóa 14, sau cuộc bầu cử ngày 22/05/2016.

Như vậy có phải là đảng đã đặt cái cầy trước con trâu Quốc hội không?

Ấy vậy mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể hô hoán lên rằng: “Thêm một lần nữa, chúng ta thấm thía sâu sắc bài học về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng mà Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình"; "có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến".

Trích lời ông Hồ nói như thế thì có phải người sáng lập ra đảng CSVN đã nói nước đôi không, hay ông Trọng đã đánh lận con đen giữa “dân chủ trong đảng” với “phát huy dân chủ”?

Khi ông Hồ nói “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” là rất rõ ràng, không thể nào lẫn lộn để đảng tiếp tục phủ nhận quyền tự quyết định vận mệnh đất nước của dân, hay không để cho dân được tự do thực thi dân chủ. Do đó, rõ ràng là ông Trọng đã thiếu thành khẩn khi sử dụng nhóm chữ “phát huy dân chủ” để che đậy ý đồ chỉ dành cho đảng mà thôi.

Bở lẽ tự nhiên, nếu không được tự do phát biểu, tự do đưa ra ý kiến, nhất là ý kiến trái chiều với chủ trương của đảng, thì ai dám đưa ra sáng kiến trước ám ảnh của dao găm và nhà tù?

Bằng chứng trong đợt lấy ý kiến dân để sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đảng đã bác yêu cầu bỏ Điều 4 trong Hiến pháp dành quyền cai trị độc tôn cho đảng để tiếp tục suy tôn Chủ nghĩa ngoại lai Mác-Lênin và tư tưởng thoái trào Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Việt Nam tiếp tục bị kiềm chế trong gông cùm tụt hậu và chậm tiến cũng chì vì lãnh đạo đảng chưa tẩy não được tư duy lạc hậu trong tư tưởng, vẫn bám lấy mớ giáo điều bảo thủ “cà cuống chết đến đít vẫn còn cay” để không làm mất lòng đàn anh Trung Quốc. 

Sự thật Việt Nam cứ mãi đì đẹt phía sau các nước trong khu vực và không ngóc đầu lên nổi sau 30 năm đổi mới là do lỗi của đảng và do đảng tạo ra. Nhưng trong cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn nói như vòi nước chảy rằng: “Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đánh dấu một bước phát triển, trưởng thành của Đảng và khẳng định mạnh mẽ bản chất giai cấp công nhân của Đảng.”

Hỡi các anh chị em Công nhân yêu dấu và lam lũ ơi, ông Trọng đã cho anh chị em uống nước đường và đưa lên tận mây xanh rồi đấy. Có ai hãnh diện không, và đã có bao nhiêu anh chị được chui vào Trung ương đảng để làm giầu hay được nắm giữ các chức vụ hái ra bạc, khạc ra tiền trong guồng máy cai trị của đảng và nhà nước?

Đảng CSVN đã nhân danh công nhân để bóc lột anh chị và nông dân đến tận xương tủy bao nhiêu năm rồi mà chưa buông tha cho con cháu các anh chị?

Thế mà, cũng giống như bao đời Tổng Bí thư khác, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ca bài con cá nó sống vì nước nghe mãi nhức tai: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. 86 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đất nước ta, nhân dân ta đã làm nên nhiều kỳ tích vẻ vang. Trong những năm chưa giành được chính quyền, các tổ chức đảng, cán bộ của Đảng, dựa vào sự nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc, bảo vệ của dân để lãnh đạo cách mạng, lập nên nhiều chiến công hiển hách; trong hòa bình, nhất là 30 năm đổi mới, Đảng lãnh đạo toàn dân, dựa vào sức mạnh vô bờ bến của nhân dân mới giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Không có Đảng lãnh đạo làm cách mạng, nhân dân ta không thể có cuộc sống như ngày nay; không dựa vào nhân dân - lực lượng cách mạng hùng hậu nhất, Đảng sẽ không tồn tại và phát triển.”

Rõ ràng là ông Trọng đã suy tôn công lao của dân lên đến tận cung trăng, để kể công của đảng đã lãnh đạo thành công hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách miệng khác. Ai cũng thấy ông Trọng đã đi nước đôi trong ván cờ đánh cá với dân, nhưng ông lại quên rằng, thành công của đảng chỉ có đảng viên được hưởng mà thôi. Đội ngũ công nhân viên vẫn phải làm đầu tắt mặt tối mà chưa đủ ăn, vẫn thiếu quần áo mặc và con cái chưa được học hành đến nơi đến chốn.

Nền kinh tế của Việt Nam, trên lý thuyết phát triển khá từ 5.5 đến 6.5 phần trăm năm 2015, nhưng con số thống kê không phản ảnh trong cuộc sống của người dân. Lợi tức đồng đều của mỗi đầu người Việt Nam chưa đến ngưỡng 3,000 dollars mỗi năm vì Việt Nam chỉ biết đi làm thuê và lệ thuộc quá sâu mỗi ngày vào kinh tế Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan từng nói: "Việt Nam không thể để rơi vào sự lệ thuộc với kinh tế Trung Quốc, vì đã lệ thuộc thì không thể có được sự bình đẳng, không thể cùng có lợi cho cả 2 bên. Bên bị lệ thuộc sẽ là bên thua thiệt. Ví dụ như ở Việt Nam, 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay Trung Quốc, điều này là không hợp lý." (báo Một Thế Giới, 04/01/2016)

Nhưng muốn thoát khỏi lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc thì Việt Nam phải dứt khoát từ bỏ chủ trương giữ “kinh tế nhà nước giữ vai chủ đạo”

Bà Phạm Chi Lan nói tiếp: "Nếu chúng ta vẫn cho rằng kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo thì không có được kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa.

Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng cần phải hiểu khác, không thể giữ tư duy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ điều tiết, phân bổ nguồn lực thay vì can thiệp quá sâu vào thị trường như hiện nay."

Quan điểm của đảng CSVN đòi hỏi kinh tế nhà nước phải “chủ đạo”, có nghĩa các Doanh nghiệp Nhà nước luôn luôn được coi là trọng tâm đi trước, đón đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã chứng minh lầm đường lạc lối. Cái đuôi xã hội chủ nghĩa đã kìm hãm đất nước tiến lên để hội nhập với thế giới, nhất là trong bối cảnh Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục làm ăn thua lỗ và nợ nần chồng chất. 

Điều này cũng giống như chiêu bài được gọi là “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa” ghi trong Báo cáo Chính trị của khóa đảng XI tại Đại hội đảng XII, kết thúc ngày 28/01/2016. Mặc dù đảng CSVN nói chủ trương này là nhằm “bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”, nhưng dân chưa hề được làm chủ đất nước thì phát huy cái gì?

Lý do vì, theo lời Báo cáo Chính trị: “Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hiện dân chủ còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân: Hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, tổ chức và các điều kiện để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ. Không ít cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa là tấm gương về phát huy dân chủ trong xã hội.”

Như vậy thì dân chủ ở đâu và cho ai, hay đảng viên đã làm theo đúng lời ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn “dân chủ trong đảng”, nhưng không để cho dân có dân chủ?

Trong nhiều năm qua, tuy nhà nước luôn luôn cổ võ tôn trọng quyền làm chủ của dân qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng người dân chẳng có quyền hành gì với công việc của nước.

Đã có nhiều người thờ ơ và lạnh cảm trước nguy cơ xâm chiếm thêm biển đảo Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông vì đảng đã nói với dân: “mọi việc đã có nhà nước lo”.

Các cuộc biểu tình tự phát của dân từ Sài Gòn ra Hà Nội chống hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh còn bị nhà nước đàn áp. Công an đội lốt côn đồ và đám dư luận viên phản quốc còn phá hoại, xỉ vả những người đi biểu tình trước ống kính máy thu hình của phóng viên nước ngoài là một bằng chứng nhu nhược và phản dân chủ khác của nhà nước.

Như vậy, dân chủ tập trung để làm gì nếu không phải chỉ để bảo vệ quyền cai trị độc tôn và những đặc quyền, đặc lợi khác cho đảng? -/-

(02/016)

Bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh mãn hạn tù

CTV Danlambao - Bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, người bị kết án 2 năm tù trong vụ án “gây rối trật tự công cộng” vừa rời khỏi trại giam Thủ Đức sáng nay 11/2/2016, nhằm ngày 4 tết âm lịch.

Bị bắt cùng bà Quỳnh còn có ông Nguyễn Văn Minh và bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhân vật đấu tranh rất nổi tiếng.

Vụ việc này đã gây một làn sóng phẫn nộ trong công luận và giới tranh đấu và được gọi với cụm từ mỉa mai “vụ án hai xe đi hàng ba” để chị sự vô lý, áp đặt và sự trả thù của nhà cầm quyền lên ba nhà tranh đấu trên.

Bà Quỳnh cho hay, lúc 6 giờ sáng, cán bộ trại giam gọi bà ra khám sức khỏe trước khi làm thủ tục hết án cho bà.

Sau đó, 2 cai tù áp giải bà Quỳnh khỏi trại giam cách xa chừng 500 mét. 

Ngoài 2 cai tù áp giải bà, còn có hơn 10 người mặc thường phục bám theo sau.

Khi bị chuyển từ trại tạm giam An Bình (Đồng Tháp) đến trại giam Thủ Đức, bà Quỳnh đã bị một cai tù tên Hải (mang lon thiếu tá) tát thẳng vào mặt và đe dọa: "mày vô đó mày biết tay tao".

Bà Quỳnh đã viết đơn tố cáo và gửi lên Ban giám thị Trại giam nhưng đến ngày ra tù vẫn không có hồi âm.

Có hơn mười người gồm bạn bè và những người đấu tranh dân chủ từ Sài Gòn đến tận nhà tù đón bà Quỳnh. Bà nói rằng bà “rất hạnh phúc khi ra tù có nhiều người tới đón”.

Bà Quỳnh cũng gửi lời cám ơn tới đồng bào, anh chị em trong và ngoài nước đã quan tâm đến bà thời gian bà ở tù.

Nguyễn Thị Thúy Quỳnh cho biết bà sẽ tiếp tục cùng mọi người đấu tranh vì dân chủ, tự do cho đất nước mình.

Một câu nói khá dí dỏm nhưng đã thể hiện sự mạnh mẽ được Thúy Quỳnh chia sẻ với những người đi đón rằng: “Trước đây thần kinh tôi là nhôm. Bây giờ là thần kinh thép”.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh bị bắt ngày 11/2/2014 mà công luận đều khẳng định là một vụ dàn dựng do nhà cầm quyền chủ mưu nhằm đàn áp những tiếng nói đối kháng. 

Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp kết án bà Hằng 3 năm, ông Minh 2 năm rưỡi và bà Quỳnh 2 năm tù trong cả phiên sơ thẩm (ngày 26/8/2014) và phiên phúc thẩm (12/ 12/2014) theo điều 245 “gây rối trật tự công cộng”.

Theo bản án thì ông Minh còn 6 tháng và bà Hằng còn một năm nữa mới mãn hạn tù.

Dân Làm Báo xin chúc mừng bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đã rời khỏi nhà tù nhỏ để tiếp tục sát cánh cùng bạn bè tranh đấu vì tự do cho Việt Nam.





Thông tư 01/2016 có khả năng bị bãi bỏ sau công văn của Cục cảnh sát?

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-02-11  
000_Hkg10252038
Công an canh giữ trật tự tại Hà Nội vào ngày 03 tháng 2 năm 2016  AFP photo
Thông tư 01/2016 được ban hành bởi Bộ Công an ngay đầu năm 2016 qui định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT. Một điều khoản trong thông tư nêu rõ ‘người dân có thể bị trưng mua, trưng dụng tài sản, và cả phương tiện di chuyển bất cứ lúc nào khi CSGT yêu cầu’.
Điều khoản đó gặp phải phản đối từ dư luận và cả các luật sư. Trước phản ứng mạnh mẽ như thế, Cục Cảnh sát giao thông có công gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm giải thích rõ hơn nội dung trong thông tư 01. Liệu Thông tư này sẽ có khả năng bị bãi bỏ hay vẫn có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Hai?
Cát Linh đặt vấn đề với các luật sư về khả năng thực thi của TT này.
‘Không thể chấp nhận được’
Tại Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công An vừa ban hành, cho phép cảnh sát giao thông được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đang gây phản ứng của dư luận.
Tất cả ý kiến đưa ra đều cho rằng thông tư này mâu thuẫn, vi hiến với các điều luật khác như điều 169, khoản 2 điều 21 hiến pháp 2013, bí mật thư tín và trái với Luật trưng thu, trưng dụng tài sản 2008.
Bộ Công an không có thẩm quyền để mà ra một thông tư để trang bị cho cảnh sát giao thông có cái quyền trưng dụng tài sản của công dân khi người ta tham gia giao thông bị vi phạm và bị kiểm tra.
- Luật sư Bùi Quang Nghiêm 
Không chỉ riêng dư luận, mà các luật sư trong ngành tư pháp cũng lên tiếng phản ảnh và chỉ ra những bất cập trong thông tư này.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng thông tư 01/2016 là hoàn toàn trái pháp luật vì Bộ Công an không có thẩm quyền để ra một thông tư nhằm điều chỉnh một vấn đề liên quan đến quyền và tài sản của công dân.
“Nó không thể được chấp nhận được. Nó được ký kết trong tình trạng không có thẩm quyền, tức là thông tư đó nó trái với luật pháp về vấn đề bảo toàn tài sản cho nhân dân. Bộ Công an không có thẩm quyền để mà ra một thông tư để trang bị cho cảnh sát giao thông có cái quyền trưng dụng tài sản của công dân khi người ta tham gia giao thông bị vi phạm và bị kiểm tra.”
Phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an
Ngày 15 tháng Hai sắp đến sẽ là ngày bắt đầu thực thi thông tư 01/2016. Thế nhưng với phản ứng của người dân và cả các cơ quan tư pháp, Cục Cảnh sát giao thông vừa ký công văn số 525/C67-P9 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT ký gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm giải thích rõ hơn nội dung trong thông tư 01.
Trong những ngày trước, Thiếu tướng Trần Thế Quân trong lần trả lời phỏng vấn báo chí trong nước đã nói rằng nhiều người đang hiểu “trưng dụng” theo nghĩa “huy động” nên hiểu chưa đúng về Thông tư 01/2016 của Bộ Công an. Ông giải thích rằng thông tư này nói CSGT có quyền trưng dụng tài sản nhưng sau đó còn kèm theo là “Theo quy định pháp luật”, một nhóm từ thường xuất hiện khi kết thúc một điều luật trong những bộ luật của Việt Nam.
Đây cũng là nội dung trong công văn do Cục phó CSGT thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh ký, khẳng định việc trưng dụng “phải đúng luật”. Riêng CSGT chỉ được thực thi quyền này khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Trong công văn, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nhắc lại khoản 15 Điều 15 Luật công an nhân dân, khoản 18 Điều 2 Nghị định số 106/2014 của Chính phủ để khẳng định Thông tư 01 không trái với quy định của pháp luật, mà chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng công an.
Sẽ bị bãi bỏ?
Tuy vậy, theo Luật sư Trần Quốc Thuận thì khả năng phải bãi bỏ thông tư 01 là có thể xảy ra, nhưng vẫn phải theo đúng quy trình. Trước tiên, là phải có ý kiến từ các cơ quan có thẩm quyền.
“Một thông tư ra đời mà nhiều ý kiến như thế thì tôi nghĩ rằng có lẽ là trách nhiệm của cơ quan giám sát. Và quyền có ý kiến trực tiếp chính là các đại biểu Quốc hội và Uỷ ban Tư pháp, pháp luật của Quốc hội nên sớm có ý kiến.”
Những cơ quan mà Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra là những cơ quan giám sát và có thẩm quyền đề nghị đình chỉ, bãi bỏ thông tư hoặc bắt buộc các cơ quan đưa ra thông tư phải có giải trình cụ thể.
Tôi tin là nó sẽ bị bãi bỏ, cũng như thông tư cũng của Bộ Công an và ngành giao thông, là đi xe hơi bắt buộc phải có bình chữa cháy.
- Luật sư Bùi Quang Nghiêm 
“Tôi nghĩ là việc bãi bỏ thì sẽ phải có 1 quy trình. Thông tư có hiệu lực thì có những cơ quan có thẩm quyền sẽ có ý kiến. Gần đây tôi theo dõi thì thấy những cơ quan có trách nhiệm, sau khi có nhiều ý kiến phản ứng hoặc lên tiếng đề nghị thì họ cũng phải nghe, tiếp thu, thậm chí họ phải thu hồi những bản đó. Thì tôi hy vọng thông tư này cũng đi vào số phận như thế.”
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng có cùng nhận định trên và ông giải thích thêm:
“Chắc chắn là phải có quyết định của một cơ quan có thẩm quyền cho rằng nó không phù hợp với những luật khác, tức là nó vi phạm quyền tài sản của công dân, quyền sở hữu của công dân. Cho nên nó không bị Bộ công an thì sẽ bị bộ tư pháp, quốc hội hoặc bị dư luận chỉ trích và tự nhiên nó mất hiệu lực. Và tự thân Bộ Công an cũng phải rút lại qui định được ban hành không có thẩm quyền đó.”
Và ông khẳng định thông tư này không thể tiếp tục có hiệu lực khi nó được ban hành nhằm để trang bị cho công an quyền trưng dụng tài sản của người dân.
“Tôi tin là nó sẽ bị bãi bỏ, cũng như thông tư cũng của Bộ Công an và ngành giao thông, là đi xe hơi bắt buộc phải có bình chữa cháy.”
Sau khi Công văn số 525/C67-P9 được ban hành, rất nhiều người cho rằng tiếng nói của người dân đã được lắng nghe. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những lo lắng và cho rằng các qui định vẫn chưa rõ ràng cụ thể. Ví dụ một độc giả đưa ra câu hỏi rằng “sự cho phép của Bộ Công an” là như thế nào và hiệu lực ra sao? Thêm nữa, qui định CSGT có thể thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó khi xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng; truy bắt tội phạm…
Do đó, một câu hỏi được đặt ra từ những nhà đấu tranh dân chủ: ai sẽ được xem là tội phạm?

Chủ tịch Hà Nội không hiểu qui luật thị trường?

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-02-11  
000_Hkg10113115
Một cửa hàng thời trang ở Hà Nội  AFP photo
Hầu hết siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội đóng cửa đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết, thậm chí nhiều đơn vị nghỉ luôn ngày mùng 2 Tết, không màng tới ý kiến chỉ đạo trước đó của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Thiếu tướng Công an Nguyễn Đức Chung vừa nhậm chức Chủ tịch Thủ đô chưa được bao lâu đã bị dư luận phản bác vì ông muốn can thiệp vào hoạt động thị trường. Trước Tết tướng Chung có ý kiến là để nhân dân được phục vụ tốt trong dịp Tết, các siêu thị, trung tâm bán hàng phải hoạt động đêm giao thừa và ngày mùng một Tết.
Ý kiến chuyên gia trên báo chí chính thức, cũng như trên mạng xã hội đã mỉa mai ông tướng Chủ tịch Hà Nội là quen mệnh lệnh bên ngành công an, nên khi trong tư cách người đứng đầu Thủ đô, một Đô trưởng mà lại thiếu hiểu biết về hoạt động và qui luật thị trường.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu với chúng tôi tối mùng hai Tết:
Đưa ra quyết định như vậy chúng tôi cho là không hợp lý, người ta không chấp hành thì cũng không có quyền gì mà bắt phạt người ta cả…
- GSTS Vũ Văn Hóa
“Chúng tôi cho là không hợp thời, thứ nhất việc này là phong tục cổ truyền của người Việt Nam, đêm giao thừa là thiêng liêng để cho người ta xum họp với gia đình, đi chơi với bạn bè chứ không phải là lúc làm việc, người ta làm 365 ngày rồi, chỉ có một đêm giao thừa để đi chơi. Điều này là tập quán phong tục từ nghìn đời nay rồi. Chúng ta không nên can thiệp vào, đừng dùng mệnh lệnh hành chính như thời kỳ chiến tranh. Đưa ra quyết định như vậy chúng tôi cho là không hợp lý, người ta không chấp hành thì cũng không có quyền gì mà bắt phạt người ta cả…”
Trước đó theo Trí Thức Trẻ Online, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tới cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, theo đó các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp phải thảo luận với doanh nghiệp. TS Lê Đăng Doanh thêm rằng, quyết định hành chính là quyết định gây tranh cãi vì doanh nghiệp họ mở cửa hay không phụ thuộc vào việc họ có bán được hàng hay không.
Nhà báo tự do Phạm Thành, một cư dân Thủ đô Hà Nội trình bày ý kiến của ông:
“Ra lệnh như thế là trái với hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động theo qui luật cung cầu chứ đâu phải hoạt động theo mệnh lệnh. Chủ tịch Hà nội nói phải kinh doanh cả trong đêm giao thừa là cách nói rất là duy ý chí của lãnh đạo, chẳng biết hoạt động thương mại tuân thủ theo qui luật khác chứ đâu phải là làm theo mệnh lệnh. Đấy là một lối tư duy rất là duy ý chí đặc điểm của điều hành kinh tế theo kiểu tập trung kế hoạch hóa, theo mệnh lệnh…còn rơi rớt lại trong đầu óc những ông cộng sản bây giờ được đứng vào vị trí quản lý nhà nước…”
Từ câu chuyện khá khôi hài của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung Chủ tịch Hà Nội, nhìn về việc điều hành kinh tế quốc gia ở góc độ lớn hơn. Việt Nam vừa chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở New Zealand hôm 4/2/2016 vừa qua. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết về thị trường mở hơn bất cứ hiệp định nào khác mà Việt Nam từng tham gia.
Doanh nghiệp có quyền quyết định
000_Hkg10250746-400
Người Hà Nội mua tắc chưng Tết len lỏi trong dòng giao thông giờ cao điểm hôm 29/1/2016. AFP photo
Thử so sánh về việc điều hành hoạt động kinh tế của Thủ đô qua mệnh lệnh hành chính của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và những tiêu chí mà Việt Nam phải thực hiện trong tư cách thành viên TPP, qua phát biểu của Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quàn lý Kinh tế Trung ương:
“Chính Hiệp định TPP này với rất nhiều cam kết, cùng với nhiều cam kết trong các hiệp định khác, thì nó như là chất xúc tác để góp phần thêm, để thúc đẩy thêm quá trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế theo tinh thần thị trường đầy đủ hiện đại và hội nhập cũng như là một Nhà nước rất là có trách nhiệm, có tính giải trình cao, chuyên nghiệp, minh bạch. Đấy là ý nghĩa rất sâu xa và đằng sau tất nhiên là môi trường kinh doanh rất là bình đẳng, minh bạch, đàng hoàng để các nhà đầu tư, để thị trường đón nhận, đem hết tất cả lợi thế cũng như năng lực của mình vào hoạt động kinh doanh sản xuất…”
Hà Nội là biểu tượng của Việt Nam, vậy mà người đứng đầu chính quyền lại có vẻ còn giữ nguyên não trạng của nhà điều hành thời bao cấp. Tuy rằng, tướng Nguyễn Đức Chung đưa ra ý kiến chỉ đạo siêu thị mở cửa đêm giao thừa và sáng mùng một Tết là để phục vụ người dân Thủ đô tốt hơn. Nhưng ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định trên báo chí rằng, lệnh của ông Chung có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ là có lệnh…nhưng nó không có tính khả thi… Điều này trở thành sự thật, vì hầu hết siêu thị tư nhân hay đơn vị có vốn nhà nước ở Hà Nội đã đóng cửa đêm giao thừa, ngày mùng một Tết và còn kéo dài qua luôn cả mùng hai.
Lãnh đạo Hà Nội thực hiện cái đó thì bản thân họ phải thay đổi tư duy chứ không phải người dân. Chính là các quan chức phải thay đổi tư duy…
- Nhà báo tự do Phạm Thành
Những người dân bình thường hay giới kinh doanh không ai không hiểu rằng, kinh doanh là vì lợi nhuận. Nếu doanh nhân thấy mở cửa đêm giao thừa và sáng mùng một đem lại hiệu quả, thì không cần chính quyền ra lệnh họ sẽ tự động làm. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong những ngày nghỉ Tết sẽ nhiều hơn ngày thường, thì dụ tiền lương phụ trội và người lao động cũng có quyền từ chối không đi làm. Doanh nghiệp tự cân nhắc và chính họ mới có quyền quyết định về hoạt động kinh doanh của mình. Trên thế giới không thiếu gì những cửa hàng mở cửa 24g, nhưng đấy là sự tổ chức kinh doanh đặc biệt theo quyết định của doanh nhân chứ không phải mệnh lệnh của chính quyền.
Có lẽ câu chuyện mệnh lệnh hành chính của ông Chung Chủ tịch Hà Nội không phải là cá biệt, ở các tỉnh thành khác chắc hẳn có nhiều trường hợp tương tự trong các hoạt động kinh tế. Thí dụ có những địa phương từng ra lệnh công nhân viên chức chỉ được uống một loại bia nào đó. Làm thế nào để thay đổi tư duy các cấp chính quyền một cách có hiệu quả? Nhà báo tự do Phạm Thành phát biểu:
“Lãnh đạo Hà Nội thực hiện cái đó thì bản thân họ phải thay đổi tư duy chứ không phải người dân. Chính là các quan chức phải thay đổi tư duy…”
Việt Nam đã đổi mới từ 30 năm qua, nhưng có vẻ còn rất nhiều quan chức, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự thay đổi. Câu chuyện mệnh lệnh của Hà Nội lại xảy ra ngay sau khi Đại Hội Đảng kết thúc và nhiệm kỳ 5 năm sắp tới được cho là tiếp tục đổi mới trong bối cảnh hội nhập và hoàn thiện thể chế thị trường đầy đủ.  

Mỹ không chấp nhận 'trò bắt nạt' trên Biển Đông


WASHINGTON (NV) - Tổng thống Mỹ dự trù sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ không chấp nhận ai “bắt nạt” láng giềng trên Biển Đông khi ông dự cuộc họp với lãnh tụ 10 nước ASEAN ở California đầu tuần tới. 

Khu trục hạm trang bị hỏa tiễn USS Curtis Wilbur đi vào trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, cuối tháng 1, 2016. (Hình: Wikipedia)

Tổng thống Barack Obama dự trù họp thượng đỉnh với lãnh tụ 10 quốc gia ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands thuộc thành phố Rancho Mirage, một thành phố nhỏ ở phía Đông Los Angeles khoảng 120 dặm hay gần 2 giờ lái xe, vào hai ngày 15 và 16 tháng 2, 2016.

Tuy không có sự xuất hiện của đại diện Trung Quốc, các phụ tá của ông Obama cho hay các hành động xây dựng các đảo nhân tạo tại Trường Sa cũng như những hành động hà hiếp các nước nhỏ láng giềng trong khu vực, sẽ là những nét chính yếu được thảo luận trong cuộc họp với ASEAN tuần tới.

“Tổng thống sẽ kêu gọi tất cả các nước đang tranh chấp phải dừng tất cả các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, dừng việc xây dựng các cơ sở mới cũng như không quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông.” Ông Dan Kristenbrink, cố vấn trưởng Á Châu của Tổng Thống Obama nói với báo chí.

Trung Quốc cậy sức mạnh quân sự nước lớn ăn trùm các nước nhỏ ở khu vực, đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần hết biển Đông bất kể chủ quyền và quyền lợi của các nước. Khoảng 5 ngàn tỷ đô la hàng hóa các loại được chuyển vận qua thủy lộ này mỗi năm.

Theo lời ông, một phần thông điệp của Tổng Thống Obama tại hội nghị sẽ nhấn mạnh đến nhu cầu “tránh nỗ lực giải quyết tranh chấp qua một nước, nước lớn hơn ăn hiếp nước nhỏ hơn,” duy trì tự do hải hành và tránh những hành động quân sự “thiếu thận trọng, không cần thiết” trên biển Đông.

Đây là quan điểm của chính phủ Mỹ đã các giới chức quân sự và chính trị lập đi lập lại nhiều lần mỗi khi phát biểu về tình hình biển Đông.

Cuối tháng trước, khu trực hạm USS Wilber của Hoa Kỳ đã đi bất ngờ vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, một đảo phía nam thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng nhằm biểu lộ quyền tự do hải hành trên biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ, lên án hành động này cũng như những lần chiến hạm và phi cơ Hoa Kỳ vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa.

Theo lời ông Ben Rhodes, phụ tá cố vấn về truyền thông tại Hội đồng An Ninh Quốc Gia cho báo giới biết qua điện thoại, chiều ngày Thứ Hai, 15 tháng 2, Tổng Thống Obama sẽ đón chào các lãnh tụ ASEAN tới khu nghỉ dưỡng Sunnylands. Buổi sáng ngày hôm sau sẽ là cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực. Đến chiều, ông Obama sẽ mở họp báo.

Theo lời ông Rhodes, khu vực ASEAN gộp lại là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới đồng thời cũng là khu vực cốt lõi của những vấn đề an ninh chính yếu của thế giới. Tháng trước, một cuộc tấn công của khủng bố ở thủ đô Jakarta của Indonesia cho thấy tổ chức khủng bố IS muốn đặt chân đến vùng này. (TN)

02-10- 2016 3:58:01 PM 

50 vụ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam năm 2015

SÀI GÒN (NV) - Ít nhất có 50 vụ đàn áp tôn giáo xảy ra tại Việt Nam trong năm 2015, theo bản tường trình tổng kết của Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo.

Thương phế binh VNCH ngồi chờ nhận quà do các nhà hảo tâm tặng tại chùa Liên Trì ngày 9 tháng 4, 2015. Chùa này đang bị nhà cầm quyền áp lực lấy đất. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Điều này chứng tỏ các tôn giáo tại Việt Nam vẫn nằm trong sự kiềm tỏa, sách nhiễu của nhà cầm quyền CSVN, hoàn toàn ngược lại với những lời tuyên truyền của họ. Sự đàn áp tôn giáo tại Việt Nam xảy ra nhiều nhất tại các vùng hẻo lánh miền núi, nơi các sắc tộc thiểu số theo đạo Tin Lành.

Theo Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo, đàn áp hoạt động tôn giáo bằng nhiều hình thức khác nhau như ngăn cản không cho tham dự thánh lễ, đe dọa, không cho phép tụ tập đông người...

Bên cạnh đó, nhà cầm quyền CSVN ngang nhiên cưỡng chiếm đất đai tài sản của các tôn giáo trên khắp cả nước. Chỉ tính riêng Công Giáo trong năm 2015, các dòng tu tiếp tục bị cưỡng chế, đe dọa cưỡng chế hay đã mất đi phần đất của mình như: Vụ Hồ Ba Giang của nhà thờ DCCT Thái Hà, vụ Đan Viện Thiên An ở Huế, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Phật giáo có sự việc liên quan đến Chùa Liên Trì.

Nhà cầm quyền CSVN đưa ra những con số rất to trong báo cáo của ban tôn giáo chính phủ, khoe rằng Việt Nam có 14 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 78,000 chức sắc và hơn 23,000 cơ sở thờ tự. Nhưng nằm bên dưới những con số này là các vụ đàn áp các tổ chức tôn giáo không được nhà cầm quyền “cho phép” hoạt động, không hề được nhà nước đề cập đến.

Theo Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo, trong năm 2015, các vụ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam được tổ chức thống kê gồm 11 vụ trong quý một, 14 vụ trong quý hai, 14 vụ trong quý ba và 11 vụ trong quý cuối của năm 2015.

Năm ngoái, CSVN đưa ra dự luật về tự do tôn giáo tín ngưỡng “lấy ý kiến nhân dân” đã bị các tổ chức, giáo hội tôn giáo lớn tại Việt Nam đả kích kịch liệt, coi đó là sự khống chế các tôn giáo chặt chẽ hơn trước.

“Trong năm 2015 này, Quốc Hội gửi đến các tôn giáo bản dự thảo Luật Tôn Giáo số 4 và số 5 nhưng gặp phản ứng từ các tôn giáo. Cụ thể với Công Giáo, hầu như tất cả các giám mục đều có những văn thư đánh giá bản dự thảo Luật Tôn Giáo này là “bước thụt lùi” về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, bởi nó mang nặng tính “xin-cho” hơn những văn bản và nghị định trước đó. Đặc biệt, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã có văn thư gửi đến Quốc Hội và Ban Tôn Giáo Chính Phủ chỉ ra những điểm “thụt lùi” trong bản dự thảo luật tôn giáo này. Nhiều nhóm tôn giáo đã quan sát và thấy rằng dự thảo luật không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo, tín ngưỡng,” Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo viết trong bản tường trình.

Hơn 35 tổ chức xã hội dân sự đã tham gia trong một tuyên bố chung kêu gọi CSVN sửa đổi để dự thảo luật phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, đồng thời cần tham khảo ý kiến của cả các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng độc lập lẫn được công nhận ở Việt Nam, cũng như tham khảo các chuyên gia như các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt.

Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo kêu gọi nhà cầm quyền“Thực hiện đúng những gì Hiến Pháp quy định về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời, tôn trọng những điều đã ký khi Việt Nam đã là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc.” (TN)

02-10- 2016 5:09:38 PM