Wednesday, October 11, 2017

Vòng luẩn quẩn hay tầm nhìn của ngài Tổng Bí thư?

 Theo VOA-12/10/2017
 Lê Anh Hùng
Hội nghị Trung ương 6 khoá XII diễn ra đầu tháng 10 trong bối cảnh bầu không khí chính trị trong nước, khu vực và quốc tế đang ẩn chứa những biến chuyển khó lường.
Một trong những trọng tâm bàn thảo của hội nghị là việc “tinh gọn bộ máy”, như lời kêu gọi ra chiều cấp thiết của TBT Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn khai mạc.
Theo số liệu của báo Tuổi Trẻ, tính đến ngày 31/10/2016, tổng số công chức biên chế trong hệ thống chính trị là 3.734.302 người, tức là số công chức Việt Nam hiện chiếm đến 4% dân số (tính ra cứ 25 người Việt Nam, bất kể nam phụ lão ấu, phải cõng trên lưng một ông/bà công chức).
Để so sánh, tổng số công chức của Hoa Kỳ rơi vào khoảng 2,1 triệu, tức chỉ chiếm 0,68% trong tổng dân số khoảng 325 triệu người (nghĩa là cứ 155 người mới phải nuôi một công chức); còn Trung Quốc, một quốc gia tương đồng về thể chế chính trị với Việt Nam, cũng chỉ phải “nuôi” một đội ngũ công chức chiếm 2,8% dân số.
Đất nước chậm phát triển xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau, nhưng chắc chắn một trong những nguyên nhân chính là đội ngũ làm việc trong hệ thống công quyền. Đội ngũ công chức Việt Nam không chỉ đông đảo bậc nhất thế giới (tính theo tỷ lệ dân số), mà chất lượng thì ngay chính các nhà lãnh đạo cũng phải thừa nhận là rất bất cập. (Ông Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Phó Thủ tướng, đã từng phát biểu: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.”)
Bộ máy công chức khổng lồ như thế đặt ra ít nhất hai vấn đề hệ trọng. Thứ nhất, tỷ lệ chi thường xuyên để nuôi bộ máy thường chiếm trên 2/3 tổng chi ngân sách (từ năm 2011 đến nay đều chiếm trên 70%), khiến ngân sách chi cho đầu tư phát triển luôn ở mức èo uột (năm 2016 chỉ chiếm 20,1%), không đủ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Thứ hai, mặc dù đã phải chi tới hơn 70% ngân sách để duy trì hoạt động của bộ máy, song với một đội ngũ công chức hùng hậu như vậy thì làm sao ngân sách nhà nước có thể đảm bảo cho họ một mức thu nhập đủ sống. Vì thế, tham nhũng là kết cục tất yếu của hệ thống hiện hành (không tham nhũng làm sao sống nổi với mức lương bèo bọt hiện nay).
“Ăn quen, nhịn không quen.” Bắt đầu từ tham nhũng vặt, rồi dần dà, với sự “khích lệ” của cái gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” (hay tư tưởng “ném chuột đừng để vỡ bình” của ngài TBT), tham nhũng trở thành một thứ bệnh dịch lây lan ra toàn xã hội, với quy mô ngày càng lớn. Giờ đây, một vụ tham nhũng lên tới con số hàng nghìn tỷ VNĐ không còn khiến công chúng cảm thấy sốc nữa, bởi họ đã quá quen. Tham nhũng làm méo mó các mối quan hệ xã hội, làm băng hoại đạo đức xã hội, và trên bình diện kinh tế thì ảnh hưởng tiêu cực đến sự phân bổ các nguồn lực xã hội, dẫn đến kết cục tất yếu là đất nước không thể phát triển lành mạnh và bền vững.
Từ hai vấn đề nêu trên, có lẽ ai cũng có thể rút ra được kết luận quan trọng là nếu không trút bỏ những gánh nặng mang tên Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trên tấm lưng còm cõi của những người dân đóng thuế và thiết lập một hệ thống thể chế tam quyền phân lập thì không thể nào chống được tham nhũng. Chiến dịch “đốt lò” mà ngài TBT và bộ sậu đang tiến hành nhiều lắm cũng chỉ giải quyết được phần ngọn vấn đề.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo CSVN đặt vấn đề tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, mà nó đã được đặt ra từ thời… kháng chiến chống Pháp. Hầu như nhiệm kỳ đại hội đảng nào, nhiệm kỳ chính phủ nào vấn điệp khúc này cũng được nêu lên, song kết quả là như những gì mà chúng ta đã thấy.
Công bằng mà nói, không phải lúc nào việc hô hào tinh gọn bộ máy của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ tồn tại trên giấy. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” là một ví dụ.
Căn cứ theo nghị quyết đó, ngày 11 tháng 4 năm 2007, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương đã bị giải tán và sáp nhập vào Văn phòng TW Đảng theo Quyết định số 45-QĐ/TW.
Tuy nhiên, đáng tiếc là chủ trương mở đường cho xu thế cải cách thể chế đó lại chỉ tồn tại vỏn vẹn hơn 5 năm, trước khi bị đảo ngược bởi… chính nhân vật vẫn đang kêu gào “tinh gọn bộ máy” là ngài đương kim TBT.
Ngày 28/12/2012, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 158-QĐ/TW, tái lập Ban Nội chính Trung ương, và Quyết định số 160-QĐ/TW, tái lập Ban Kinh tế Trung ương. Chỉ riêng nhân sự của mỗi ban đảng trung ương này đã lên tới hàng trăm người (theo lời giới thiệu trên website Ban Kinh tế Trung ương thì sau năm 1975 nhân sự của ban có lúc lên tới 400 người, còn số thành viên hiện nay của Ban Nội chính Trung ương là 146 người).
Ngoài ra, các ban nội chính cấp tỉnh đều đã được thành lập tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với nhân sự mỗi ban xấp xỉ 30 người; ở cấp huyện thì bộ phận giúp việc về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng cũng được thành lập tại các huyện/thành/thị uỷ. Các ban kinh tế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì đang được xúc tiến thành lập.
Tóm lại, bằng hai quyết định nói trên, TBT Nguyễn Phú Trọng đã giúp cho bộ máy đảng phình ra rất đáng kể, với con số “công chức đảng” ăn bám vào tiền thuế của nhân dân tăng thêm hàng ngàn người. Ngân sách nhà nước mỗi năm chi cho hai hệ thống ban đảng này chắc chắn là những con số khủng, chưa kể những thiệt hại khác mà chúng gây ra cho xã hội do bản chất tham nhũng từ trong trứng nước của chúng. Trong khi đó, những gì mà chúng làm được cho “quốc kế dân sinh” thì có lẽ ngoại trừ bản thân chúng, may ra chỉ ngài TBT là có thể biết.
Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Nam nhận định: “Đảng phải tiên phong tinh giản bộ máy.” Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc thì nói: “Các cơ quan Đảng phải là nơi đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy.”
Nghĩa là, nếu ông Nguyễn Phú Trọng muốn các đảng viên và công chúng thấy mình không phải là kẻ “nói một đàng làm một nẻo”, ít nhất ông ta phải sắp xếp lại bộ máy đảng tinh gọn hơn thời điểm hai quyết định 158-QĐ/TW và 160-QĐ/TW ra đời.
Đơn giản, nếu quy mô bộ máy chỉ dừng lại như thời điểm 28/12/2012 thì các “thế lực thù địch” sẽ có cớ mà rêu rao rằng hơn 5 năm qua, ngài TBT khả kính đã dẫn dắt 90 triệu dân Việt đi trọn một vòng luẩn quẩn, nếu không muốn nói là thụt lùi, bởi viễn cảnh Việt Nam thua Lào và Campuchia không còn là lời cảnh báo, mà đã trở thành thực tế.

Lệnh cấm hay lời quảng cáo ngầm?

Bùi Tín Theo VOA-12/10/2017 
Bìa sách "Mối Chúa" bị cấm phát hành ở Việt Nam (ảnh chụp màn hình Dantri.com.vn)
Bìa sách "Mối Chúa" bị cấm phát hành ở Việt Nam (ảnh chụp màn hình Dantri.com.vn)
Một số báo lề phải trong nước mới đây có đăng công văn của Cục trưởng Cục xuất bản in và phát hành thuộc Bộ Thông tin truyền thông gửi Hội nhà văn Hà Nội và nhà xuất bản Nhã Nam về đình chỉ phát hành tác phẩm «Mối chúa» của tác giả Đãng Khấu đã được in xong.
Đãng Khấu là tên mới của nhà văn Tạ Duy Anh khá nổi tiếng trước đây với các tác phẩm «Lão khổ», «Thiên thần sám hối», «Sinh ra để chết», «Bước qua lời nguyền», nói lên nỗi đau khổ nhọc nhằn bế tắc của nông dân Việt Nam thấp cổ bé họng bị tầng lớp cường hào mới cướp đất, hà hiếp, bi đát hơn cả thời phong kiến, thực dân cũ.
Đãng chữ hán nghĩa là trừ hại. Khấu nghĩa là bọn cướp, như thảo khấu. Một tên mang ý nghĩa là lên tiếng để tố cáo vạch mặt bọn cường hào mới, bênh vực bà con nông dân lương thiện.
Nội dung cuốn sách ra sao mà bị đình chỉ phát hành?
Mời các bạn đọc kỹ công văn nói trên của Cục trưởng Đặng Văn Hóa là có thể hiểu nội dung của cuốn sách. Công văn có đoạn:
… «Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay.
Tác giả vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội.
Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp lên cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn.
Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu ngốc, tham lam, thủ đoạn.
Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền.
Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả có phần tô đậm và có tính chất khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám …».
… «Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như 2 lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh địch với vũ khí, lực lượng bí mật …».
Vẫn chưa hết, sau mỗi đọan công văn còn chỉ ra những trang sách đáng chú ý nhất, đó là những trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251 và các trang 113, 118, 124, 167, 168, 207, 209, 220 và 248.
Trong công văn không có một đọan nào phân tích, phê phán tác giả phạm những lầm lỗi sai phạm ra sao, ở những chỗ nào, có nguy hại gì cho độc giả để dẫn đến việc phải ra lệnh đình chỉ phát hành, không cho tác phẩm đã in đến tay bạn đọc. Đây là một điều lạ!
Thành ra xét cho cùng bản công văn chỉ có một tác dụng là kích thích tò mò của bạn đọc, làm cho nhiều bạn đọc thèm muốn thưởng thức tác phẩm hiếm có, thú vị này, khi mà tác phẩm có thể truyền bá nhanh nhậy, nhân lên nhanh chóng, phổ biến đầy đủ rộng rãi trên các mạng điện tử tự do, internet, Facebook, Youtube… và in thành sách ở nước ngoài.
Một số bạn đã được đọc tác phẩm này của Tạ Duy Anh cho biết đây là tác phẩm rất hay, độc đáo, kể về đỉển hình một tên tỉnh trưởng kiêm bí thư tỉnh ủy cùng bọn cường hào mới cướp đất của nông dân ra sao rồi đàn áp những người chống đối ra sao với một văn phong quen thuộc của Tạ Duy Anh, giản dị, sống động, chân thực, lôi cuốn.
Tít của cuốn sách «Mối chúa» muốn nhắn nhủ bạn đọc và xã hội rằng mối là loại sinh vật cực kỳ nguy hiểm, các ổ mối đều có những con mối chúa sinh sôi vô hạn độ, có thể đục khoét từng mảng tường, nền nhà, từng mảng đê kiên cố, gây nên những tổn thất ghê gớm. Muốn trừ khử bọn phá họai này cần phải tận diệt các ổ mối chúa, cũng như muốn diệt bọn tham nhũng ăn cướp tiền của đất đai của dân thì phải tận diệt bọn trùm tham nhũng lớn nhất, bọn cầm quyền độc đoán hèn với giặc, ác với dân, ăn không từ một thứ gì, đang ngồi trên pháp luật đục khóet và hành hạ nông dân và toàn thể nhân dân ta.
Ngài Cục trưởng ra lệnh đình chỉ phát hành cuốn «Mối chúa» đã vô tình tôn cao giá trị của tác phẩm hay là ông cố tình có thiện chí quảng cáo ngầm cho tác phẩm này, làm cho tác phẩm thêm giá trị, kích thích sự tò mò tìm đọc của hàng triệu bạn đọc ở khắp nơi?
Tôi còn nhớ một bài báo rất hay, rất độc, cũng rất độc đáo của nhà văn Trần Huy Quang mang đầu đề «Linh nghiệm» hồi 1980 được đăng lọt lưới trên tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, bị cấm, thu hồi, nhưng càng được phổ biến rộng rãi, với chữ mở đầu bài là tên nhân vật: «H…inh», đọc xong mới vỡ lẽ đoán ra đó là tên ông Hồ Chí Minh rút gọn. Một bài báo kín đáo, sâu xa, thú vị cực hiếm trên văn đàn.

‘Trình độ lý luận chính trị’ dùng vào việc gì?

Theo VOA-12/10/2017 
Trân Văn
Hình minh họa các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
Hình minh họa các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
Tuần vừa qua, ba nhân vật chính của ba scandal từng làm dư luận tại Việt Nam rúng động cùng được xác định là… không đạt yêu cầu về “trình độ lý luận chính trị”.
Ngày 5 tháng 10, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - cơ quan thay mặt Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng CSVN giám sát và chỉ đạo toàn bộ các vấn đề có liên quan đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long – loan báo đã hủy ba quyết định bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng. Theo đó, ông Hoàng, 27 tuổi không những không còn đảm trách vai trò Vụ phó Vụ Kinh tế của cơ quan này mà còn bị loại khỏi hệ thống công quyền, không được xem là công chức nữa.
Năm ngoái, ông Hoàng là nhân vật chính của scandal liên quan đến qui trình tuyển dụng – bổ nhiệm mà báo giới Việt Nam gọi là “thần tốc”, xảy ra tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Tháng 6 năm 2014, Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN đồng ý cho Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tuyển dụng ông Hoàng, lúc đó 24 tuổi và đang du học tại Bỉ vào làm “chuyên viên” tại Phòng Nghiên cứu - Tổng hợp của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Dù cư trú ở ngoại quốc nhưng tháng 1 năm 2016, ông Hoàng vẫn được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế rồi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho phép ông Hoàng đến Nhật học tiến sĩ. Một tháng sau, Chủ tịch thành phố Cần Thơ có văn bản gửi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ “xin” đích danh ông Hoàng về làm Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - Hội chợ triển lãm của Cần Thơ. Ông Hoàng ghé qua Cần Thơ nhận quyết định bổ nhiệm và… qua Nhật học tiếp!
Khi việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng “bục” ra, trở thành scandal, lúc đầu, ông Nguyễn Quốc Việt, một trong các Phó Ban của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định bằng văn bản, việc tuyển dụng - bổ nhiệm ông Hoàng là “đúng qui trình”. Sau đó, một Phó Ban khác của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, phát hành thông báo thu hồi văn bản mà đồng liêu đã ký vì việc ký – công bố văn bản, khẳng định việc tuyển dụng - bổ nhiệm ông Hoàng “đúng qui trình” là… “không đúng quy trình”. Kế đó chuyện tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng được xác định có nhiều “sai sót nghiêm trọng”. Trong những “sai sót” khiến việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng được xác định là “nghiêm trọng” có yếu tố ông Hoàng không hội đủ yêu cầu về… “trình độ lý luận chính trị”.
Lý do chính khiến ông Ngô Văn Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị “khiển trách” hồi cuối tháng vừa qua cũng liên quan tới tuyển dụng – bổ nhiệm nhân vật chính của một scandal khác (bà Trần Vũ Quỳnh Anh, 31 tuổi), khi đương sự không hội đủ yêu cầu về… “trình độ lý luận chính trị”.
Năm 2010, bà Anh, lúc đó 24 tuổi được tuyển vào vào làm tạp vụ cho Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Năm sau bà Anh đột nhiên được Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng làm công chức mà không cần thi tuyển. Từ 2011 đến 2015, chỉ trong vòng bốn năm, bà Anh liên tục được cất nhắc rồi trở thành Trưởng phòng Quản lý nhà - Thị trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa kiêm Đảng ủy viên của cơ quan này. Cũng trong năm 2015, bà Anh được quy hoạch để làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa… Dù lương chỉ có 6 triệu đồng/tháng nhưng bà Anh là chủ hàng chục biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng và sử dụng một chiếc Cadillac Escalade trị giá khoảng sáu tỉ.
Tháng 9 năm 2016, mạng xã hội rồi báo giới Việt Nam bắt đầu nêu nghi vấn, phải chăng bà Anh thăng tiến và giàu có bất thường vì bà có “quan hệ” với ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hóa (?). Bà Anh bỏ việc, mất tích, hồ sơ công chức của bà “không cánh mà bay”. Điều duy nhất mà hệ thống công quyền Việt Nam có thể làm đối với bà Anh là đành để bà “tự ý bỏ việc”, tuyên bố khai trừ bà ra khỏi Đảng CSVN.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, người bị kẻ gian cuỗm mất 385 triệu đồng khi đang thanh tra 30 doanh nghiệp mà hoạt động có thể nguy hại cho môi trường ở Long An, hôm 26 tháng 9, cũng vừa bị đặt vấn đề về việc không hội đủ điều kiện về… “trình độ lý luận chính trị”.
Theo báo giới Việt Nam thì việc bổ nhiệm ông Quang trở thành đáng ngờ vì ông chưa có chúng chỉ “cao cấp lý luận chính trị”. Giống như Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Thanh Hóa, từng phân bua về trường hợp ông Hoàng, trường hợp bà Quỳnh Anh, đại diện Vụ Tổ chức của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng biện bạch, ông Quang là “trường hợp đặc biệt”, Tổng cục Môi trường đã gửi ông Quang đi học “cao cấp lý luận chính trị” nhưng vì “chỉ tiêu hàng năm rất ít nên ông Quang phải chờ”.
Đối với ba scandal vừa kể, “trình độ lý luận chính trị” rõ ràng là tuyệt chiêu dùng để kết liễu “sinh mạng chính trị” (triển vọng thăng tiến) những cá nhân “đặc biệt”.
***
Từ khi Đảng CSVN trở thành tổ chức chính trị lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam, “trình độ lý luận chính trị” đã trở thành yếu tố “để xem xét, đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch cán bộ, công chức theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
Theo thời gian, “trình độ lý luận chính trị” được chia thành ba bậc: Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp với nhiều qui định hết sức rối rắm, từng bị xem là cản trở cải tổ hệ thống công quyền (chẳng hạn không thể bổ nhiệm những cá nhân được xem là có năng lực, triển vọng đóng góp cao vì không hội đủ tiêu chuẩn về “trình độ lý luận chính trị”).
Trừ những cá nhân tốt nghiệp các ngành: Triết học Mác Lênin, Kinh tế - chính trị Mác Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Lịch sử Đảng CSVN, Tư tưởng - Văn hoá,… ở bậc đại học trở lên, những cá nhân còn lại bất kể học vị đều bị xem là chưa đủ “trình độ lý luận chính trị” mức cao cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc không đủ tiêu chuẩn để đảm nhận những vai trò như bí thư, trưởng công an cấp quận huyện, giám đốc các sở trở lên.
Cho đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vẫn là nơi độc quyền đào tạo “trình độ lý luận chính trị” mức cao cấp. Tuy BCH Trung ương Đảng CSVN chưa bao giờ công bố cả chi phí duy trì hoạt động lẫn chi phí đài thọ chuyện đi lại, ăn ở cho các cá nhận được gửi đến học viện này để theo học các khóa “cao cấp lý luận chính trị” (giảng dạy về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng CSVN, các vấn đề về chính trị và lãnh đạo,… kéo dài trong 18 tháng) nhưng chắc chắn hệ thống cồng kềnh (sáu phân viên, 17 viện, trung tâm nghiên cứu) ấy ngốn không ít tiền.
Năm ngoái, do những rối rắm và tốn kém mà yêu cầu về “trình độ lý luận chính trị” tạo ra, Thành ủy TP.HCM từng đề nghị Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN tổ chức các khóa “cao cấp lý luận chính trị” ngay tại Sài Gòn nhưng đại diện Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN từ chối vì qui định về học chính trị “rất ngặt nghèo”, phải dựa vào chức vụ để quyết định ai được học trung cấp, ai được học cao cấp để hội đủ tiêu chuẩn về “trình độ lý luận chính trị”.
***
Trước khi BCH Trung ương Đảng CSVN khóa 12 họp hội nghị lần thứ sáu (từ 4 tháng 10 đến 11 tháng 10), ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Ban Tổ chức của BCH Trung ương Đảng CSVN, bảo rằng, kỳ vọng lớn nhất mà ông Hương đặt vào hội nghị này là “một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ” vì tham nhũng đã quá nghiêm trọng và dân chúng đã bất bình đến cực độ.
Ông Hương kể tên hàng loạt viên chức cao cấp do BCH Trung ương Đảng CSVN quản lý: Đinh La Thăng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM), Vũ Huy Hoàng (cựu Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, cựu Bộ trưởng Công Thương), Nguyễn Xuân Anh (cựu Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), Trịnh Xuân Thanh (cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang),… nhân vật chính trong hàng loạt scandal và nêu thắc mắc, tại sao BCH Trung ương Đảng CSVN có hàng loạt ban (Tổ chức, Nội chính, Kiểm tra,…) mà không phát giác? Tại sao không có viên chức nào xin lỗi dân chúng, từ chức.
Ông Hương nhấn mạnh, ông chưa thấy quốc gia nào, bộ máy tổ chức - hành chính nào mà không có ai đứng ra nhận trách nhiệm trước những vụ tham nhũng, lãng phí gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Những Thăng, Hoàng, Xuân Anh, Thanh,… và các viên chức lãnh đạo cao cấp của cả Đảng CSVN lẫn nhà nước, quốc hội, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có “trình độ lý luận chính trị” ở mức cao cấp. Đối với những trường hợp dạng này, “trình độ lý luận chính trị” là công cụ thăng tiến. Mức độ cao, thấp của “trình độ lý luận chính trị” tương ứng với hậu quả. “Trình độ lý luận chính trị” càng cao thì tổn thất mà xã hội phải gánh chịu càng lớn. Bất kể thế nào thì “trình độ lý luận chính trị” vẫn là tiêu chí có tính bắt buộc trong sắp đặt, bổ nhiệm nhân sự tại Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận của BCH Trung ương Đảng CSVN là một trong hai người vừa được các ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN bầu vào Ban Bí thư.

Grab và Uber: màu xanh không yên tĩnh

Theo VOA-11/10/2017
Sắc xanh Grab trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Hùng
Sắc xanh Grab trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Hùng

Một vài năm gần đây, trên đường phố của những đô thị lớn tại Việt Nam, người ta thấy xuất hiện ngày càng nhiều những sắc xanh gắn với cái tên Grab hay Uber.
Xuất hiện tại Việt Nam lần lượt từ tháng 2/2014 và tháng 6/2014, Grab và Uber là hai ứng dụng gọi xe phổ biến và được nhiều người ưa thích.
Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến nên đến nay, dù đã vài lần tăng giá, nhưng giá taxi Uber hay Grab vẫn đang rẻ hơn các hãng như Mai Linh, Vinasun 20-25%. Mức giá xe ôm của Grab và Uber so với giá xe ôm thông thường thì còn rẻ hơn nhiều, từ 30-40%. Ngoài mức giá rẻ, các dịch vụ của Grab và Uber còn đem đến những tiện ích sử dụng như xe đẹp, sạch sẽ, tài xế lịch sự, giá cả đã được biết trước… nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng tìm đến.
Màu xanh vốn là màu tượng trưng cho sự bình yên. Song nếu ai đó vội cho rằng những sắc xanh của Grab và Uber là dấu hiệu cho thấy sự bình yên đang lan toả trong xã hội Việt Nam thì có lẽ là đã nhầm.
Những cuộc tranh cãi pháp lý
Ngay từ khi mới xuất hiện, mặc dù được người người tiêu dùng đón nhận tích cực, nhưng Uber và Grab đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía các hãng taxi truyền thống, cũng như sự xét nét của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành giao thông - vận tải và ngành thuế.
Một trong những chủ đề gây tranh cãi là việc nộp thuế của Grab và Uber. Grab thì ngay từ đầu đã thành lập pháp nhân tại Tp Hồ Chí Minh (Công ty TNHH GrabTaxi) để điều hành hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, còn Uber đến nay vẫn chưa thành lập pháp nhân tại Việt Nam. (Công ty đang điều hành hoạt động vận chuyển của Uber tại Việt Nam là Uber B.V Hà Lan, còn Uber Việt Nam chỉ là đơn vị làm dịch vụ mà Uber B.V thuê và hoàn toàn không liên quan đến hoạt động vận chuyển, đặt xe.) Các hãng taxi truyền thống luôn “tố” Grab và Uber hoặc trốn thuế, hoặc được ưu đãi thuế (và dĩ nhiên là đòi tăng thuế đối với 2 đối thủ này). Còn Bộ Tài chính đến nay vẫn loay hoay với việc lần đầu tiên quản lý thuế 2 doanh nghiệp được cho là kinh doanh vận tải nhưng lại không sở hữu một phương tiện vận tải nào mà dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Cuộc chiến giữa Grab và Uber với các hãng taxi truyền thống thu hút nhiều sự chú ý của dư luận khi cả Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng nhảy vào cuộc, bằng một văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trả lời các vấn đề về xe Grab, Uber hồi cuối tháng 6. Tuy nhiên, những kiến nghị của một nhân vật được coi là đại diện cho “ý chí và quyền lực” của nhân dân hoá ra lại càng cho thấy mức độ ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong bộ máy:
“Tôi xin đặt câu hỏi về chủ trương của Chính phủ cho phép thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab, Uber. Tôi không đề cập tới phương thức kinh doanh hay những xung đột lợi ích với các hãng xe taxi truyền thống. Tôi chỉ bàn về chủ trương cho phép thử nghiệm của chính phủ dưới góc độ quản lý nhà nước. Chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở nước ta đã tới ngưỡng của sự cần thiết phải giới hạn về số lượng tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Với Grab, Uber được hoạt động thử nghiệm thì số lượng xe tham gia vận chuyển hành khách cả dưới dạng taxi truyền thống hay xe hợp đồng vận chuyển sẽ tăng lên gấp bội (con số Grab, Uber khó kiểm soát vì nó ‘tàng hình’ khó biết con số cụ thể nhưng chắc chắn sẽ nhiều hơn cả xe taxi truyền thống đang hoạt động). Từ đó nẩy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.”
Cuối tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội lại gửi kiến nghị tới lãnh đạo đảng, nhà nước cùng các bộ ngành, địa phương liên quan về việc khẩn cấp dừng thí điểm Uber, Grab (!).
Chưa hết, hôm mồng 8/10, nhiều taxi của Vinasun ở Sài Gòn còn dán khẩu hiệu phản đối Uber và Grab trên xe một cách rất phản cảm, với những nội dung phổ biến như: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, v.v. Dư luận lại thêm một phen bàn cãi.
Xung đột bạo lực vì “nồi cơm”
Các hãng taxi truyền thống chống lại Uber và Grab bằng chiêu thức vận động các nhà lãnh đạo, các quan chức, hay bằng cách dán khẩu hiệu, băng rôn, v.v. Còn giới xe ôm truyền thống thì chống lại các đối thủ “xe ôm công nghệ” bằng cách thức đơn giản hơn nhiều: nắm đấm. Kể từ khi Grab và Uber cung cấp dịch vụ GrabBike và UberMOTO đến nay đã xảy ra vô số vụ đụng độ bạo lực giữa hai lực lượng xe ôm “truyền thống” và “công nghệ”.
Xin nêu một vài vụ điển hình, như vụ một tài xế GrabBike bị một nhóm hành nghề xe ôm cầm hung khí đâm trọng thương vào tối ngày 11/3 trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP HCM; hay vụ một tài xế GrabBike đang chờ đón khách ở bến xe An Sương (Sài Gòn) thì bị khoảng 10 xe ôm truyền thống hành hung vào chiều 25/9 (sau đó, hàng chục tài xế GrabBike kéo đến để báo thù cho đồng đội, nhưng lực lượng công an đã kịp thời có mặt).
Và bức tranh về đội quân thất nghiệp
Khi mới vào Việt Nam, để phát triển lực lượng, mở rộng thị trường, cả Uber và Grab đều đưa ra những chương trình khuyến khích đối tác, chẳng hạn thông qua hình thức thưởng tiền cho mỗi chuyến chở khách, hoặc quay giải thưởng.
Dần dà, khi đã phát triển được một đội ngũ đối tác đông đảo và chiếm lĩnh được một thị phần khá lớn, hai hãng đều gần như bỏ chương trình khuyến khích đối tác (nếu còn thì chỉ tiêu cũng rất cao, tài xế khó đạt được) và tăng giá cước cũng như tỷ lệ chiết khấu với đối tác. Chẳng hạn, ngày 5/9 vừa qua, Grab đã tăng tỷ lệ chiết khấu với đối tác GrabBike từ 15% lên 20%. Thu nhập của giới tài xế GrabBike vì thế vốn đã thấp lại càng thấp hơn. (Từ giữa tháng 8, nhiều tài xế đã phản đối mạnh mẽ trước thông tin Grab sẽ tăng tỷ lệ chiết khấu, song Grab vẫn không thay đổi quyết định.)
Cuối tháng 7 vừa qua, sau khi xuống xe buýt (từ sân bay về nội thành Hà Nội) tại phố Cát Linh tầm 9h tối, tôi vẫy một chiếc GrabBike để về nhà nằm ở đường Kim Giang. Ban đầu, tay tài xế đòi 50.000VNĐ. Tôi đề nghị anh ta cho xem giá cước trên điện thoại thì chỉ 32.000VNĐ. Tuy nhiên, anh ta lại không chịu đi với giá đó, dù không phả trả chiết khấu cho Grab (vì gọi ngoài), mà phải 40.000VNĐ anh ta mới chạy. “Nếu cứ chạy theo mức cước trên Grab thì chúng tôi có mà chết đói”, anh ta giãi bày.
Nghĩa là, các tài xế GrabBike vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi Grab tăng tỷ lệ chiết khấu. Vậy nhưng, bất chấp điều đó, càng ngày những sắc xanh đồng phục của giới “xe ôm công nghệ” lại càng phổ biến ở Hà Nội và Sài Gòn. Đến đầu tháng 10, lượng tài xế GrabBike ở Hà Nội (thành viên nhóm Facebook Hỗ trợ đối tác GrabBike) lên đến trên 28.600 người, còn ở Sài Gòn là trên 37.900 người – những con số thật khó tin.
Một anh bạn chạy GrabBike cho tôi hay, phần lớn những đối tác của Grab như anh đều là những người thất nghiệp, đặc biệt là là lực lượng sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Họ không thể tìm được một công việc nào khả dĩ hơn nên đành phải mưu sinh bằng cái công việc nhọc nhằn, suốt ngày phải “bán mặt cho đường” đó.
Những sắc xanh không báo hiệu sự bình yên. Bức tranh hiện thực của xã hội đang giúp phơi bày những mảng màu u tối: một hệ thống pháp luật bất cập; một bộ máy công quyền nằm dưới sự chi phối của các nhóm lợi ích; một nền đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng và không ngừng tha hoá; một hệ thống kinh tế chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, với tỷ lệ thất nghiệp thực tế cao hơn nhiều so với con số mà các nhà thống kê ngồi trong phòng lạnh đưa ra (hiện chỉ ở mức 2,02%, tương đương 1,11 triệu người, một tỷ lệ mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng chỉ có thể mơ ước), v.v.
Xã hội nào thì cũng tồn tại những vấn đề của nó, nhưng với Việt Nam, giải pháp duy nhất cho thực trạng trên lại là điều mà nhà cầm quyền cộng sản luôn tìm cách né tránh: cải cách thể chế hay cải tổ hệ thống một cách toàn diện và triệt để.

Lời cam kết thân thiết sau cuộc chiến

Theo VOA-11/10/2017

Poster phim tài liệu The Vietnam War.

Poster phim tài liệu The Vietnam War.
Tình thế dẫn đến tôi có những người bạn Mỹ. Trong chiến tranh tôi đã kết thân với nhà nghiên cứu Murray Hiebert, nhà báo Nayan Chanda, nhà sử học Stanley Karnow… qua một số cuộc họp ở Bangkok / Thái lan, Kuala Lampur / Malaysia, ở trụ sở Liên Hợp Quốc / New York và Hà Nội.
Sau chiến tranh, tôi lại có thêm nhiều bạn Mỹ nữa, bạn thân và rất thân. Luôn gửi thư cho nhau, gửi thư thiếp chúc Tết đều cho nhau. Trong đó có 2 thượng nghị sỹ John McCain và John Kerry. Đây là 2 chính khách nổi tiếng, ông J. Kerry thuộc đảng Dân chủ, từng chiến đấu bị thương ở miền Nam, về sau là người chống chiến tranh, từng là ngoại trưởng dưới tổng thống Barack Obama. Ông J. McCain vốn là phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh ở Hỏa lò Hà Nội một thời gian. Hồi đó tôi có gặp và nhiều lần phỏng vấn ông. Ông McCain từng là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, nay là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Hoa Kỳ.
Năm 1992 khi tôi sang thăm Hoa Kỳ, các bạn Mỹ dẫn tôi đến trụ sở Quốc Hội ở trên đồi Capitol, tham quan dự thính các cuộc họp, sau đó gặp các Nghị sĩ. Tôi gặp lại 2 ông Kerry và McCain. Cuộc gặp kéo dài, thân tình, thích thú. Hai ông yêu cầu tôi ra điều trần tại một ủy ban của Quốc Hội về vấn đề tù binh Hoa Kỳ, tôi chuẩn bị kỹ, chân thật, biết gì nói nấy, còn biếu tặng 6 cuốn sổ tay riêng ghi các cuộc phỏng vấn hơn 60 phi công Mỹ từng bị tù, để họ làm kỷ niệm và nghiên cứu.
Sau đó chúng tôi lại gặp nhau tại gia đình nhà sử học Stanley Karnow, có thứ trưởng ngoại giao H. Salomon tham dự. Lúc này Liên Xô đã tan vỡ, phe XHCN đã tự giải thể. Một cuộc gặp thân mật ấm cúng. Cô con gái Catherine Karnow, một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp chụp nhiều ảnh kỷ niệm. Hôm sau cô đưa tôi ra Bức tường kỷ niệm ghi tên của hơn 50.000 quân nhân Mỹ tử trận tại Việt Nam để chụp bức ảnh quý làm bìa cho cuốn sách «From Enemy to Friend» của tôi được Naval Institute – Học viện Hải quân Hoa Kỳ nhận in và phát hành.
Tôi còn nhớ mãi sau khi ăn tiệc thịnh soạn chúng tôi ra uống càphê ở phòng khách, tôi nêu lên vấn đề ở Việt Nam hiện nay chúng tôi đấu tranh tập trung đòi dân chủ và nhân quyền, chính là những giả trị then chốt của nước Mỹ mà hơn 50.000 quân nhân Mỹ đã hy sinh ở chiến trường Việt Nam cũng vì các giá trị ấy.
Ông McCain cao hứng nói: Vậy tại đây chúng ta cùng nhau cam kết chung sức đấu tranh cho dân chủ hóa ở Việt Nam cho đến khi thắng lợi, chính là để vinh danh tất cả các quân nhân của các bên đã hy sinh trong cuộc chiến, làm cho các sự hy sinh đó thêm ý nghĩa và không uổng phí. Tôi ghi nhanh, đại thể là “We joint all efforts in our common struggle for the whole democratization in Viet Nam, so we will glorify the sacrifice of our soldiers of all sides, that make greater sense to those heroes of the war.”
Thế rồi chúng tôi chia tay trong niềm vui cam kết và cùng nhau hứa hẹn, các bàn tay Mỹ - Việt úp chồng lên nhau: “Hòa chung sức để đấu tranh cho Việt Nam có dân chủ hóa hoàn toàn, thật sự, thì lúc ấy mới coi như chiến tranh thật sự kết thúc, thắng thua rõ ràng. Lúc ấy Hoa Kỳ toàn thắng, ngăn chặn, thủ tiêu Chủ nghĩa cộng sản hoang dại, nhân dân Việt Nam - cả miền Bắc cùng miền Nam – cùng toàn thắng, có độc lập, dân chủ, hòa hợp thống nhất trọn vẹn, ba bên cùng toàn thắng, chỉ có chủ nghĩa và đảng Cộng sản là thua, và đại đa số đảng viên rồi sẽ trở nên những công dân yêu nước, lương thiện, như ở CH LB Đức, Ba Lan … hiện nay. Họ cũng thắng vì họ cũng được giải phóng.”
Tôi hiểu hai ông bạn của tôi không quên lời cam kết thân thiết trên đây. Hai ông đều là những nhân vật quan trọng rất quý mến nhân dân Việt Nam và mong thắt chặt quan hệ chiến lược toàn diện. Gần đây ông McCain còn đến thăm cảng Cam Ranh và báo tin hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ cập bến thăm hải cảng quân sự quan trọng và đẹp đẽ này. Rất tiêu biểu cho hòa giải Mỹ - Việt sau cuộc chiến.
Một điều quan trọng là ông đại sứ Hoa Kỳ mới được cử sắp sang nhận nhiệm vụ ở Hà Nội, Daniel J. Kreitenbrink đã phát biểu tại quốc hội Hoa Kỳ rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông “sẽ là vấn đề tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam” và còn nói rõ rằng “xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, xét xử với những bản án hà khắc đối với các nhà hoạt động trong 18 tháng qua là rất đáng lo ngại.” Đây cũng là một nét minh họa cho sự cam kết Mỹ - Việt chung sức phấn đấu cho dân chủ hóa thật sự ở Việt Nam.
Nhân bàn tán về bộ phim Hoa Kỳ “The Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick tôi nhớ lại lời cam kết thân thiết Mỹ - Việt 25 năm trước và trình làng như một lời nhắn nhủ chung hãy kết nghĩa Mỹ - Việt thêm chặt để hành động mạnh mẽ theo như lời cam kết bạn bè tại Washington năm 1992.

Vì sao ồ ạt phong trào cán bộ nhà nước nghỉ việc?

Theo VOA-11/10/2017
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Từ đầu năm 2016 đến nay, một hiện tượng “lạ” đã xảy đến với đời sống nhàm chán qua ngày đoạn tháng của giới công chức ở Việt Nam: ban đầu lác đác lẻ tẻ, nhưng sau đó dần trở nên ồ ạt một phong trào cán bộ nhà nước xin nghỉ việc. Chỉ riêng Hậu Giang, một tỉnh được xem là trù phú của đồng bằng sông Cửu Long, đã có đến hàng trăm trường hợp như vậy, nhưng con số này vẫn chưa dừng lại.
Báo Tuổi Trẻ thống kê sơ lược: một phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã nghỉ việc về làm vườn; có cán bộ trình độ đại học nghỉ đi làm công nhân...
Trường hợp mới nhất là một quan chức trẻ - Nguyễn Như Hoàng (SN 1984) - đang giữ chức vụ Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin (Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghệ) trực thuộc Sở Công Thương Đắk Lắk, đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để về nhà.. bán gà nướng. Lý do: mức lương trưởng phòng tính cả phụ cấp của anh được hơn 4 triệu đồng, không đủ để trang trải cuộc sống.
Nguyễn Như Hoàng chia sẻ về lý do nộp đơn xin thôi việc lên mạng xã hội Facebook: “Không còn nhiệt huyết để cống hiến, để làm việc, lương quá thấp không đủ lo cho cuộc sống,vậy chiến đấu làm gì khi cả 2 yếu tố để tồn tại đều không có?".
Thân phận giới công chức dân sự là vậy. Thế còn lực lượng “còn đảng còn mình” - công an - thì thế nào?
“Cháy” phụ cấp!
Báo Thanh Niên dẫn lời Đại tá Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2017, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình.
Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác.
Vào tháng Sáu năm 2017, một mục sư Tin Lành ở Sài Gòn cho biết cơ quan công an địa phương nơi ông cư trú có chủ trương giảm đến 30% nhân sự. Không biết vô tình hay hữu ý, từ khoảng một năm qua “cơ chế” an ninh canh theo (canh gác - theo dõi) mục sư này đã lơi hẳn. Nếu trước đó luôn có vài ba công an mặc thường phục “chốt” ngay trước nhà ông hàng ngày, từ giữa năm 2016 đến nay công an đã bỏ chế độ canh theo thường xuyên mà chỉ còn “chốt chặn” vào những đợt cao điểm như hành lễ tôn giáo hoặc các dịp lễ 30/4, 2/9…
Một nhà hoạt động nhân quyền ở Đăk Lăk cũng kể một câu chuyện bi hài xen kẽ: bẵng đi một thời gian không thấy “đuôi” - một nhân viên an ninh trẻ thường theo dõi mình, bỗng một hôm anh gặp tay an ninh này trong bộ đồ cảnh sát trật tự. Cậu an ninh có vẻ ngượng nghịu thổ lộ rằng cậu ta phải “chuyển nghề” từ an ninh sang trật tự vì thu nhập của an ninh nghèo quá, lại không có thu nhập thêm, trong khi làm cảnh sát trật tự thì ít nhiều còn có “màu”.
Nhà hoạt động nhân quyền trên còn cho biết không chỉ công an viên cấp xã mà cả công an thành phố Ban Mê Thuột cũng có hiện tượng bị sa thải và nghỉ việc nhiều, tổng cộng có thể lên tới 30%.
Không biết vô tình hay hữu ý, làn sóng quan chức và công an xin nghỉ việc bắt đầu từ đầu năm 2016 lại xảy ra sau phát ngôn “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” của bộ trưởng kế hoạch đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh.
Cuối 2015 lại là thời điểm chuyển giao quyền lực giữa thủ tướng bị xem là “phá chưa từng có” và là tác giả của vô số chính sách “kiến tạo” nạn tham nhũng ở Việt Nam - Nguyễn Tấn Dũng - cho người thừa hưởng cái ghế thủ tướng nhưng cũng phải nhận lãnh trách nhiệm “đổ vỏ cho đời trước” là Nguyễn Xuân Phúc.
Sang năm 2016. Kể từ thời điểm Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bất chợt phát ra tán thán chưa từng có về “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào đầu năm 2017, từ đó đến nay nhiều người hoạt động nhân quyền đã phản ánh chuyện họ bớt hẳn bị công an canh theo. Thậm chí đã xảy ra hai động thái khá trái ngược nhau: trong khi số người hoạt động nhân quyền bị công an tống giam từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2017 lên đến con số 23, giới an ninh ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn lại không “dậu đổ bìm leo” - tức lợi dụng tình hình bắt bớ để tăng cường canh theo, sách nhiễu những người hoạt động nhân quyền chưa bị bắt - như những năm trước, mà vẫn “lặng như tờ”.
Vào những năm trước, một số người hoạt động nhân quyền cho biết mức “mật phí” dành cho an ninh theo dõi là 500.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp thành phố, 300.000 đồng/người/ngày với công an cấp quận, và 100.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp phường xã. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, mức “thù lao bảo vệ đảng” này đã tụt hẳn: chỉ còn 300.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp thành phố, 100.000 đồng/người/ngày cho công an cấp quận, còn công an cấp phường xã… không có gì.
“Có thực mới vực được đạo”. “Đạo” lại là tiền. Tiền ít nên chẳng có gì lạ khi giới an ninh vô công rồi nghề chuyên canh theo người hoạt động nhân quyền bỗng “hiền” hẳn đi.
Một con số từ công an Bà Rịa - Vũng tàu đã chứng thực cho tình trạng khốn khó của công an xã: mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống chỉ còn 1,6 - 1,7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những năm trước.
Mặc dù công an, cùng với quân đội, là lực lượng có hệ số lương cứng thuộc loại cao nhất quốc gia, nhưng thu nhập của những giới này ngày cang teo tóp trong cơn bão giá cả và lạm phát ở Việt Nam. Hàng năm, trong khi Chính phủ và Tổng cục Thống kê chỉ đưa ra chỉ số lạm phát dưới 5%, mức trượt giá thực tế cao hơn rất nhiều - có thể lên tới 20-30%. Một trong những nguồn cơn chính gây ra lạm phát là in tiền.
Vào tết nguyên đán năm 2017, một số nhân viên an ninh chuyên canh theo than vãn: tết năm trước còn được 180 ngàn đồng và một cặp bánh chung, nhưng năm nay chỉ có 180 ngàn đồng mà không có bánh chưng!
Một tính toán gần đây của ông Tiến sĩ Vũ Quang Việt - cựu chuyên viên tài chính của Liên hiệp quốc - đã cho biết phần chi thường xuyên cho đội ngũ công an ở Việt Nam lên tới 12% trong tổng chi ngân sách hàng năm, tức còn cao hơn cả phần kinh phí gần 5 tỷ USD dành cho giới quân sự.
Tuy vậy, tình trạng “chỉ biết ăn không biết làm” đã luôn dẫn đến “ngồi ăn đến núi cũng lở” - ứng với không chỉ ngân sách chung mà còn với ngân sách của từng ngành chính trị, kinh tế - xã hội.
Sẽ ồ ạt “ra đi tìm đường cứu thân”
Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân”, đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công chức, công an cấp quận huyện và cấp tỉnh thành có thể rơi vào tình trạng “bán thất nghiệp”, “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc.
Trong khi đó, lại có thêm một nguồn cơn đủ mạnh và đủ kích thích để khiến con sóng “tự nguyện nghỉ việc” sẽ ngày càng dâng trào: Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào tháng 10/2017 vừa nêu ra quyết tâm “tinh gọn bộ máy” cả khối sự nghiệp công lập lẫn các cơ quan đảng và chính quyền, mặt trận, hội đoàn từ cấp trung ương xuống các địa phương. Nếu đạt được mục tiêu trong 4 năm 2017 - 2021 giảm 10% trong tổng số 2,5 triệu công chức viên chức, sẽ có khoảng 244 ngàn người phải “ra đường”.
Tuy thế, một tương lai không mấy mong đợi dành cho giới công an trị là tìm việc sẽ không mấy dễ dàng. Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt Nam lên đến ít ra 20% - gấp hàng chục lần con số báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều cử nhân đại học còn phải chạy xe ôm hoặc làm công nhân…, những người có xuất thân công an ít chuyên môn, kỹ năng, lại là giới bị người dân và doanh nghiệp ít ưa nhất, sẽ rất khó để tìm được nhữn công việc “màu mỡ” hay có mức thù lao cao. May ra chỉ có thể đi làm bảo vệ như một số công an xã sau khi xin nghỉ công việc “bảo vệ đảng”.
Song vẫn còn một ít trường hợp thể hiện tính liêm sỉ như Nguyễn Như Hoàng - người vừa xin nghỉ việc ở Đăk Lăk. Trên facebook của mình, anh giãi bày: “Ăn bám nhà nước mà không làm được gì cho nhà nước thì nghỉ đi cho khỏe chứ cứ làm sàng sàng đi lên ngồi bật máy tính, máy lạnh cho tốn điện nhà nước thì về làm việc khác cho rồi. Không cần thiết đi làm kiểu thừa thãi đó, chán lắm!”.
Quả thực, nhiều dư luận cho rằng có đến 30% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức nhà nước thuộc loại “không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương”.
Bên cạnh những công chức chủ động nghỉ việc, nhiều người khác lại phải rời bỏ vị trí công tác trong tình trạng hoàn toàn thụ động do nằm trong diện bị giảm biên chế. Tồn tại quá lâu năm trong một môi trường vừa được bao cấp vừa quen thói hạch sách nhũng nhiễu dân và doanh nghiệp, một số công chức hoàn toàn không có cả “chiến lược” lẫn kỹ năng bươn trải ngoài đời một khi bị mất việc nhà nước.
Ngân sách năm 2017 lại càng tồi tệ hơn so với những năm trước. Với tốc độ thu ngày càng ít và chi ngày càng nhiều như hiện thời, tỷ độ hụt thu so với dự toán của năm 2017 có thể sụt xuống 11% hoặc thấp hơn, trong khi mực bội chi ngân sách có thể vọt đến 9% GDP, tức còn cao hơn cả kỷ lục 6,6% GDP vào năm 2013 dưới thời “phá chưa từng có Nguyễn Tấn Dũng”.
Từ năm 2015 đến nay, nhiều hội đoàn nhà nước, kể cả những “cánh tay nối dài của đảng” đã bị cắt giảm “bầu sữa” đến 50% hoặc hơn. Tại nhiều cơ quan nhà nước, công chức chỉ còn được phát tiền lương mà không còn phụ cấp hay tiền “khoán”.
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu trong thời gian tới sẽ hiện ra một phong trào ồ ạt công chức nghỉ việc nhà nước để “ra đi tìm đường cứu thân”.

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương thăm bãi cọc Bạch Đằng… giả.

Nguyễn Tường Thụy
Theo RFA- 2017-10-11
Phó Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ nói chuyện với báo giới nhân kết thúc chuyến thăm cảng của Hải quân Hoa Kỳ ở Đà Nẵng hôm 23/4/2012
Phó Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ nói chuyện với báo giới nhân kết thúc chuyến thăm cảng của Hải quân Hoa Kỳ ở Đà Nẵng hôm 23/4/2012
Ngày 6/10/2017, Đô đốc Scott H. Swift, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đến thăm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang ở thôn Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, Tp Hải Phòng. Đi cùng đoàn có Đại sứ Ted Osius. Tại đây, vị đại sứ Mỹ đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” làm vui lòng những người Việt yêu nước.
Qua chuyến thăm và nhìn hình ảnh khách Mỹ đang ngắm bãi cọc Bạch Đằng… giả, tôi thấy có những băn khoăn và tiếc sao ông không đến thăm những bãi cọc Bạch Đằng thật.

Các bãi cọc Bạch Đằng được phát hiện:

Có khá nhiều tài liệu về bãi cọc Bạch Đằng. Theo đó, bãi cọc lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1953 tại Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh gọi là bãi cọc Yên Giang. Tới năm 2005 phát hiện thêm bãi thứ 2 tại phường Nam Hòa gọi là bãi cọc Đồng Vạn Muối. Năm 2010 phát hiện ra bãi thứ 3 cũng tại phường Nam Hòa gọi là bãi cọc Đồng Má Ngựa. Cả ba đều thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh và đang được bảo tồn cẩn thận. Những bãi cọc này là dấu tích của các trận thủy chiến chống quân xâm lược Trung Quốc vào những năm 938, 981, 1228.  Những dấu tích này cùng với sử chép nói lên nghệ thuật đánh giặc phong phú của cha ông ta. Chiến thắng Bạch Đằng là niềm tự hào của người Việt. Trải thời gian 800 đến 1000 năm, dù không còn nguyên vẹn nhưng những gì còn sót lại đủ minh chứng cho những chiến thắng oanh liệt của cha ông ta trên sông Bạch Đằng.

Bãi cọc giả

Như vậy, những bãi cọc Bạch Đằng là có thật và đang hiện hữu. Nhưng tại sao người ta phải làm thêm một bãi giả ở Tràng Kênh, Hải Phòng. Gọi là bãi giả vì nó không phải là trùng tu, tôn tạo, mà gọi là mô phỏng hay mô hình cũng chỉ là gọi tạm vì nó không theo những đặc điểm của những bãi đã khai quật.
Có lẽ những người làm bãi giả này tưởng tượng ra bãi cọc ban đầu. Gọi là tưởng tượng vì ban đầu nó ra sao thì chỉ có người xưa biết. Tuy  nhiên, có thể dựa vào đặc điểm các bãi đã khai quật để làm. Theo mô tả các bãi đã khai quật thì bãi cọc Bạch Đằng có những đặc điểm chính sau:
- Một số cọc được cắm thẳng đứng, đa số cọc nằm chếch theo hướng đông 15 độ (bãi Yên Giang) , cắm theo hình chữ chi. Cọc ở bãi Đồng Vạn Muối cắm chếch 45 độ.
- Độ dài các cọc khác nhau, đường kính các cây cọc khác nhau. Mật độ cọc ở mỗi khoảng diện tích có khác nhau.
Còn bãi giả, như ta đã thấy người ta làm không theo những đặc điểm này.

Hồn thiêng sông núi

Có thể khi xây dựng Khu di tích Bạch Đằng Giang, người ta làm một bãi giả cho khách tham quan tiện hình dung và… đỡ công đi đến bãi thật. Nhưng việc tham quan bãi giả và bãi thật nó khác hẳn nhau. Nếu bãi giả chỉ thấy những chiếc cọc được coi là “cọc Bạch Đằng” đều tăm tắp, đầu nhọn hoắt, vô hồn, có thể mô tả chỉ bằng vài dòng chữ thì các bãi thật thể hiện một cách chân thực như vốn có, vì thế nó có giá trị lịch sử rất lớn. Những chứng tích lịch sử hiên ra hiện ra sinh động trước con mắt người nay. Ta cảm thấy bùi ngùi trước những dấu tích của người xưa, hình dung ra những trận huyết chiến với những chiến binh Đại Việt dũng cảm và cảnh tàn quân của đội quân xâm lược tháo chạy sau khi máu của chúng đã nhuộm đỏ khúc sông trên đất nước của một dân tộc anh hùng. Nhìn những chiếc cọc Bạch Đằng, ta có cảm giác như bóng người xưa rất gần, như đang ẩn hiện đâu đây.
“Nghe như văng vẳng từ đây đó
Tiếng vọng người xưa nhắn giống nòi”
(Thơ Nguyễn Tường Thụy)
Nếu ai đến thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang xin đừng phí cơ hội mà hãy đến với các bãi cọc Bạch Đằng thật, theo địa chỉ trên đây. Nó không xa lắm, chỉ khoảng 10 km thôi.
Không hiểu tại sao Ban tổ chức không đưa ông tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đến thăm các bãi cọc lịch sử ở Quảng Yên mà lại để ông ngắm bãi cọc giả ở Tràng Kênh. Điều này thật đáng tiếc. Nếu đến thăm các bãi cọc ở Quảng Yên, ông sẽ có cảm nhận tốt hơn, thật hơn về truyền thống đánh giặc ngoại xâm Phương Bắc của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Về phía báo chí, không nên viết “Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ THĂM BÃI CỌC BẠCH ĐẰNG”, không gọi bãi cọc trong Khu di tích Bạch Đằng là “DI TÍCH bãi cọc Bạch Đằng” (tôi nhấn mạnh bằng các chữ hoa). Viết như thế là không chính xác, là lập lờ. Nó làm cho người đọc nhầm tưởng là bãi cọc thật đã được phát hiện ở Quảng Ninh. Tôi tin rất nhiều người nhầm khi đọc những tin này. Phải gọi cho đúng sự thật, còn diễn đạt ra sao là tùy các nhà báo.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

TBT Nguyễn Phú trọng cảnh báo quan chức tự giác ngộ sau hội nghị trung ương 6

RFA 2017-10-11
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai mạc đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 21/1/2016.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai mạc đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 21/1/2016.
Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 6 hôm 11/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa.
Ông phát biểu như thế sau khi nêu ra trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị cách chức vì những sai phạm của ông này, mà Tổng bí thư gọi là rất nghiêm trọng.
Ông Trọng cho rằng việc xử lý kỷ luật các cán bộ cao cấp trong thời gian qua được nhân dân rất ủng hộ. Ông nói thêm rằng nếu làm hợp lòng dân thì chế độ còn, và đảng cộng sản sẽ còn.
Ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nói rằng còn rất nhiều thách thức trước mắt cho đảng cộng sản Việt Nam.
Về chuyện nhân sự, Hội nghị trung ương lần thứ sáu kết thúc nhưng không có nhân vật nào mới được bầu vào Bộ Chính trị thay cho ông Đinh La Thăng bị kỷ luật vào tháng Năm vừa qua, chỉ có hai người được bầu vào Ban Bí thư trung ương đảng là ông Phan Đình Trạc, và ông Nguyễn Xuân Thắng.
Ngoài ra còn có ông Trương Quang Nghĩa, hiện là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, được điều về thay ông Nguyễn Xuân Anh ở vị trí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Trong ngày bế mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo rằng sắp tới đây Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nhóm họp để miễn nhiệm ông Trương Quang Nghĩa, một động tác được cho là mang tính thủ tục để ông về nhận nhiệm vụ mới ở thành phố Đà Nẵng.
Vào phút chót một nhân vật lại được nói đến là ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ. Bà Kim Ngân nói rằng ông Sáu cũng sẽ được miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ mới.
Báo Pháp Luật phỏng đoán rằng ông Sáu sẽ về đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh phía Nam, còn có đồn đoán ông sẽ về làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng.
Một quyết định khác của Ủy ban trung ương đảng cộng sản Việt Nam là kết thúc hoạt động của ba Ban chỉ đạo đặc biệt, Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam Bộ.
Theo ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì việc chấm dứt hoạt động của ba ban này là nhằm để làm cho bộ máy chính trị Việt Nam bớt cồng kềnh, tinh gọn hơn.
Các ban này trước đây được Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam thành lập và chỉ đạo trực tiếp, để chú ý đến những vấn đề chính trị và sắc tộc tại ba vùng nói trên. Trước khi hội nghị trung ương sáu diễn ra một số nhà quan sát trong nước có nhận định với đài RFA là các ban này sẽ chấm dứt hoạt động vì thiếu ngân sách, cũng như các ban này không có thực quyền.
Tin giản bộ máy cũng là một chủ đề trong chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương 6 đảng cộng sản Việt Nam.