Thursday, June 9, 2016

Trung Cộng xây phòng thí nghiệm khổng lồ dưới đáy Biển Đông

Trung Cộng đang gia tăng nỗ lực thiết kế và xây dựng một phòng thí nghiệm khổng lồ dưới đáy biển để giúp tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông, nhưng phòng thí nghiệm được gọi là "trạm không gian ngầm dưới đáy biển" này cũng có thể phục vụ cho mục đích quân sự trong vùng biển có tranh chấp.
Trung Cộng đang nỗ lực xây dựng phòng thí nghiệm dưới đáy biển Đông.
Hãng tin Bloomberg hôm Thứ Ba 7/6 trích dẫn một thuyết trình của Bộ Khoa Học Trung Cộng, cho biết dự án này hiện đang đứng thứ hai trong danh sách 100 ưu tiên hàng đầu về khoa học và kỹ thuật của Trung Cộng. Theo đó, phòng thí nghiệm sẽ nằm ở 10,000 feet dưới mặt nước.
Tài liệu của Bloomberg cũng cho biết Đơn Công Ty Công Nghiệp Đóng Tàu Trung Cộng sẽ chịu trách nhiệm về dự án này. Một khi đi vào hoạt động, phòng thí nghiệm này sẽ là nơi làm việc của hàng chục thủy thủ và nhà nghiên cứu, và họ sẽ ở dưới đáy biển trong thời gian lên tới một tháng
Hiện chưa rõ phòng thí nghiệm này sẽ nằm ở đâu trong Biển Đông. Các chi tiết khác về dự án xây cất phòng thí nghiệm này cũng chưa được công bố, chẳng hạn như thời gian, kinh phí và thiết kế sơ khởi.
Dự án này được xem như nằm trong nỗ lực nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng trên hầu hết Biển Đông.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Xu Liping, nhà nghiên cứu cao cấp về Đông Nam Á tại Học Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, cho biết dự án này chủ yếu được sử dụng trong mục đích dân sự, nhưng Bắc Kinh không loại bỏ khả năng nó sẽ mang một số chức năng quân sự.
Theo Bloomberg thì phòng thí nghiệm khổng lồ dưới đáy Biển Đông có thể di chuyển được, và sẽ trang bị một mạng lưới cảm biến gọi là "Dự Án Vạn Lý Trường Thành Dưới Đáy Biển", có khả năng khám phá ra tàu ngầm của Hoa Kỳ và Nga.
06/09/2016 - 13:02
Huy Lam / SBTN

Los Angeles treo giải 30,000 đôla để bắt kẻ phá hoại đài tưởng niệm Chiến tranh VN

Bri Corry tham gia cùng các cựu chiến binh và thành viên cộng đồng làm sạch đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam có tên 2.273 binh sĩ mất tích trong chiến tranh, ngày 29 tháng 5 năm 2016.
Bri Corry tham gia cùng các cựu chiến binh và thành viên cộng đồng làm sạch đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam có tên 2.273 binh sĩ mất tích trong chiến tranh, ngày 29 tháng 5 năm 2016.
VOA-10-06-2016
Hội đồng Thành phố Los Angeles đã thông qua khoản tiền thưởng 10.000 đôla cho người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ kẻ phá hoại đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam gần khu vực Venice.
Đây là số tiền thưởng thêm ngoài khoản tiền 20.000 đôla mà các giám sát viên địa hạt Los Angeles đã đưa ra trước đó.
Một hình vẽ bậy đã được phát hiện hồi tháng trước, che phủ phần lớn đài tưởng niệm trên đại lộ Pacific.
Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Los Angeles có danh sách của những binh sĩ Mỹ mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ hoặc mất tích ở Đông Nam Á. Hàng chữ “You are not forgotten” (các bạn không bị lãng quên) trên đài tưởng niệm được một cựu chiến binh Việt Nam vẽ và được khánh thành năm 1992.
Trong tuyên bố về số tiền thưởng lần đầu vào tuần trước, Giám sát viên Mike Antonovich gọi hình vẽ là “bày tỏ sự bất kính một cách kinh tởm”.
Một trong số những tình nguyện viên sửa chữa bức tường của đài tưởng niệm nói: “Không thể để cho những kẻ xấu toại nguyện. Chúng tôi đến đây sửa chữa bức tường. Các binh sĩ này đã hy sinh cuộc sống của họ để chúng ta có ngày hôm nay, và tôi không để họ bị thiếu tôn trọng như vậy".
Bức tường của đài tưởng niệm đã từng bị phá hoại, nhưng lần này là nghiêm trọng nhất khi gần như toàn bộ nửa dưới của bức tường bị che phủ.
Theo OCRegister, abc7

70 công an, mật vụ vừa bắt nhà hoạt động Cấn Thị Thêu ở Hòa Bình

Nguyễn Tường Thụy-10-06-2016

(VNTB) - Theo thông tin từ gia đình, chị Cấn Thị Thêu bị bắt vào lúc hơn 5 giờ sáng nay ngày 10/06/2016 tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình (nơi đây chị có một trang trại trông cây ăn trái).

Nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thị Thêu

Lực lượng tham gia bắt chị Cấn Thị Thêu có cả công an Hà Nội và công an Hòa Bình gồm hơn 10 chiếc xe ô tô chở khoảng 70 công an, mật vụ và 1 xe CS cơ động trang bị súng và dùi cui điện đã bao vây gia đình chị Thêu, xông vào trong nhà đọc lệnh bắt chị Cấn Thị Thêu về điều 245 BLHS cụ thể là gây rối trật tự công cộng ở quận Đống Đa (!?)

Họ tổ chức khám nhà, thu giữ của chị Thêu 1 máy iPhone. Sau đó họ còng tay chị Thêu đưa đi.

Hiện tại phía công an đang giam giữ chị tại trụ sở công an huyện Yên Thủy, Hòa Bình.

Về việc tại sao lại có chuyện gây rối ở Đống Đa, Trịnh Bá Phương, con trai chị Thêu cho biết điều này thật vô lý vì bà con Dương Nội chưa khi nào tụ tập tại đó cả. 

Chị Cấn Thị Thêu lấy chồng ở phường Dương Nội, quận Hà Đông. Chị đã cũng bà con Dương Nội đấu tranh kiên trì, gan góc để giữ đất từ 8 năm nay. Chị luôn luôn đi tiên phong trong những lúc đối mặt với chính quyền, công an, trong các cuộc biểu tình. Có thể nói chị là linh hồn của cuộc đấu tranh của bà con Dương Nội.

Trong cuộc đấu tranh này đã có 7 người bị bắt đi tù, trong đó có chị và chồng là anh Trịnh Bá Khiêm.

Ngày 25/4/2014 khi đang ngồi trên chòi ghi hình cuộc cưỡng chế tàn bạo của công an và chính quyền, chị đã bị đánh bất tỉnh và sau đó bị kết án 15 tháng tù giam theo điều 245 (gây rối trật tự công cộng). Anh Trịnh Bá Khiêm cũng bị bắt cùng ngày và sau đó bị giam kết án 15 tháng tù giam theo điều 257 (chống người thi hành công vụ).

Việc bắt lại chị Cấn Thị Thêu cho thấy nhà cầm quyền vẫn tiếp tục dùng bạo lực để đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân, thay bằng đối thoại và sửa chữa những chính sách sai lầm.

Trịnh Bá Phương nhận định, có lẽ họ muốn bắt mẹ tôi để có thể dễ dàng chiếm đoạt đất đai của bà con dân oan Dương Nội.

Các dự án thủy điện trên sông Mekong “có thể tàn phá đời sống dân cư, sinh thái”

The Nation, ngày 06/6/2016
(người dịch: Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) - Nhiều nhóm môi trường cảnh báo lưu vực sông Mekong có thể bị tàn phá hoàn toàn trong vòng mười năm tới.

 
Trạm thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc). Hình Internet

Sinh thái của sông Mekong có thể bị phá hủy trong vòng mười năm tới nếu các nếu dự án thủy điện dọc theo con sông được phép tiếp tục, nhiều tổ chức phi chính phủ của Thái Lan và Campuchia đã cảnh báo.

Các tổ chức này cũng cảnh báo rằng sẽ rất khó khăn cho những người chịu tác động tiêu cực của các dự án đến môi trường và sinh kế của họ có thể được bồi thường vì sẽ rất khó khăn nếu không phải không thể chỉ ra những tác hại của một dự án cụ thể.

Các tổ chức phi chính phủ thúc giục các chính phủ có liên quan hiểu rõ hơn về tình hình và dành sự quan tâm nhiều hơn về các tác động xuyên biên giới của các dự án thủy điện đã và đang được xây dựng dọc theo con sông Mekong nhằm ngăn chặn hậu quả xấu, những hậu quả có thể gây tổn hại đến cuộc sống của hàng triệu người phụ thuộc vào dòng sông.

Có hai dự án đang được tiến hành- đập Xayaburi và Don Sahong, nằm trên vùng hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào. Trong các cuộc biểu tình của những người cư trú dọc theo bờ sông, Pianporn Deetes, điều phối viên Thái Lan của tổ chức Sông ngòi Quốc tế, kêu gọi chính phủ các nước khu vực sông Mekong tính đến những tác hại thực tế của các dự án tới sự phát triển của dòng sông và con người.

"Tôi không nhìn thấy việc khắc phục sự hủy diệt sinh thái và xã hội trên sông Mekong nếu những người làm chính sách vẫn không quan tâm về tác động của các dự án lớn đó," Pianporn nói.

Cô cho biết những người làm chính sách chỉ quan tâm đến những lợi ích mà họ có thể nhận được từ các dự án thủy điện trên sông Mekong mà không xem xét đến các tác động sinh thái của dòng sông và sinh kế của người dân.

Cô cho biết việc xây dựng hai đập ở Lào, Pak Bang và Sanakham, sắp tới sẽ được thực hiện. "Việc xây dựng đập không tuân theo quy định," cô nói.

"Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy sông Mekong bị tàn phá hoàn toàn trong vòng mười năm tới."

Tek Vannara, giám đốc điều hành của Diễn đàn Phi Chính phủ Campuchia, đã chỉ ra rằng sự yếu kém của Ủy hội Sông Mekong (MRC) đã dẫn đến việc xây dựng đập một cách không kiểm soát được tại thượng nguồn của sông này.

"Tất cả là về đàm phán quyền lực và chính trị trong MRC, vì vậy họ quá yếu để điều chỉnh vấn đề này một cách đúng đắn. Nếu họ thực sự mạnh, họ sẽ không để việc xây các đập như đập Don Sahong", Vannara nói.

Ông nói rằng nếu các nước đại diện trong MRC muốn xây dựng một con đập trên các nhánh chính của sông Mekong, họ có nghĩa vụ phải tiến hành các thủ tục thích hợp để thông báo và tham vấn trước, nhưng việc xây dựng đập Don Sahong được bắt đầu mà không tham khảo ý kiến ​​với MRC.

"Các nước trong khu vực sông Mekong phải bắt đầu các cuộc thảo luận về tác động của các đập này", ông nói. "Những lý do mà những người xây đập sử dụng để xây dựng các đập thủy điện ở nước họ không nên được sử dụng nữa, bởi vì chúng ta đang ở trên cùng một dòng sông và dòng sông thuộc về tất cả mọi người.

"Chúng tôi đang cố gắng làm cho chính phủ [Campuchia] thấy rằng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, sinh khối và năng lượng gió có thể là lựa chọn thay thế tốt hơn các đập thủy điện và chúng tôi đang cố gắng trao quyền cho người dân địa phương để họ có thể nói lên tiếng nói của họ trong việc chống lại các dự án tàn phá thiên nhiên."

Pianporn thêm rằng sẽ rất khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng trong việc đòi bồi thường.

"Các đập này được sở hữu bởi các công ty tư nhân, không phải là quốc gia, vì vậy chính phủ sẽ từ chối trách nhiệm đối với các tác động gây ra bởi các đập thủy điện và cái giá của các tác động tàn phá đối với các hệ sinh thái và sinh kế của người dân sẽ đổ lên đầu người dân,"cô nói.

Vỡ nợ là 'tất yếu Việt Nam'?

T.D- D.H.L-09-06-2016

(VNTB) - Điều đầu tiên mà những người này cần nhớ là đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam không làm gì ra tiền. Nhà nước đi vay tiền của nước ngoài, về lý thuyết là để phục vụ cho các nhu cầu phát triển của người dân Việt Nam, họ chỉ là người thay mặt người dân Việt Nam đi vay nợ mà thôi.


“Tôi có vay đâu mà trả?”

Một câu hỏi khiến nhiều người dân Việt Nam (và cả một số đại biểu quốc hội) quan tâm là: Nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu? Cùng với nó là các câu hỏi như: Nợ công của Việt Nam được quản lý và sử dụng như thế nào? Phương án trả nợ ra sao? Nếu vỡ nợ thì chính phủ sẽ giải quyết như thế nào? Cuộc sống của người dân khi đó sẽ đi về đâu? ...

Cho dù các quan chức cao cấp của Việt Nam ra sức trấn an dân chúng rằng, nợ công vẫn ở mức an toàn (50-60% GDP) nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng an toàn từ lâu và đã vượt quá 100% GDP. Theo tiến sĩ Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thì “Nợ công Việt Nam nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước với nợ đọng xây dựng cơ bản thì đã trên 100% GDP năm 2012, tương đương khoảng 180 tỉ USD. Số nợ này gấp khoảng bốn lần thu ngân sách của VN mỗi năm”.

http://baodatviet.vn/…/viet-nam-dang-tra-lai-bao-nhieu-ty-u…

Những người dân Việt Nam không quan tâm đến chính trị thì cho rằng nợ công nhiều hay ít không ảnh hưởng đến họ và việc trả nợ đã có đảng và nhà nước lo (!?). Một tin không mấy vui dành cho họ là trung bình mỗi người dân Việt Nam (từ lúc mới ra đời cho đến lúc nằm thở bằng bình ô-xy ở bệnh viện) đều mang món nợ công là khoảng 30 triệu đồng(theo cách tính của nhà nước Việt Nam)!

Những người này sẽ bảo: “Tôi làm gì có tiền mà trả? Tôi có vay đâu mà trả? Mà tôi không trả thì đã sao?”.

Vậy sự thật là như thế nào? Điều đầu tiên mà những người này cần nhớ là đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam không làm gì ra tiền. Ngay cả lương của họ cũng lấy từ ngân sách quốc gia, tức là từ tiền thuế của người dân mà có. Nhà nước đi vay tiền của nước ngoài, về lý thuyết là để phục vụ cho các nhu cầu phát triển của người dân Việt Nam, họ chỉ là người thay mặt người dân Việt Nam đi vay nợ mà thôi. Vì vậy toàn thể người dân Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ là hoàn toàn đúng và không thể khác được.

Nếu có người cho rằng tôi không có gì để trả, thì khi đó con cháu họ sẽ phải trả bằng cách phải đóng thuế nhiều hơn và nhận mức lương ít đi so với nhu cầu của cuộc sống. Bạn nói tôi không có tiền để nộp thuế. Không sao, nhà nước có muôn nghìn cách để móc túi bạn mà cách đơn giản nhất là tạo ra lạm phát, tức là làm cho đồng tiền mất giá đi. Bạn vẫn sẽ nhận lương 3-4 triệu/tháng như trước nhưng giá trị thực của đồng lương đó chỉ còn 1-2 triệu vì giá cả ngoài thị trường đã tăng lên gấp đôi.

Nếu cuối cùng, vì người dân không còn gì để nộp cho nhà nước để trả nợ nữa thì vỡ nợ cấp nhà nước sẽ xảy ra. Chuyện này không có gì mới và lạ. Năm 1997 một loạt các nước vùng Đông Nam Á đã vỡ nợ trong đó có cả Hàn Quốc, Thái Lan. Mới nhất là ngày 31/7/2014 , Argentina một quốc gia Nam Mỹ đã vỡ nợ lần thứ hai, sau khi mất khả năng thanh toán 1,5 tỷ USD trái phiếu quốc gia cho cho hai quỹ đầu tư của Mỹ.

Giả sử Việt Nam rơi vào tình trạng vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra? Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì: “Nếu Việt Nam vỡ nợ, tất nhiên hệ số tín nhiệm của tín dụng đối với Việt Nam sẽ rất là thê thảm, trong trường hợp nhà nước muốn vay tiền chỉ số tín dụng từ BB sẽ rơi xuống B- và xuống hơn nữa... như thế làm sao Việt Nam có thể tồn tại trên thị trường tài chính quốc tế. Những chuyện ấy sẽ làm cho một nước không thể ngóc đầu lên nổi. Chúng ta đã thấy chuyện đó xảy ra rồi, thí dụ bên Argentina vỡ nợ lần thứ hai kéo theo bao nhiêu hệ lụy của nền kinh tế”.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs

Như vậy cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể vay được tiền của ai nữa kể cả từ Quĩ Tiền tệ Quốc tế, cho đến khi khả năng trả nợ được phục hồi. Trái phiếu của Việt Nam khi đó chỉ còn là đống giấy lộn.

Số phận quỹ hưu trí?

Chuyện vỡ nợ công của Việt Nam không còn là chuyện giả tưởng nữa mà đang có nguy cơ lớn trong những năm sắp tới. Sự vỡ nợ của các Quĩ bảo hiểm xã hội (tức là Quĩ Hưu trí của người lao động) liên tục được đưa ra và cảnh báo là có thể vỡ sớm hơn so với dự báo. Lý do là có nhiều doanh nghiệp hoạt động èo uột dẫn đến việc nợ đóng tiền cho Quĩ bảo hiểm xã hội. Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã “bày tỏ sự lo lắng về hoạt động đầu tư, tăng trưởng quỹ BHXH, vì nguồn quỹ này chủ yếu cho ngân sách Nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ (73,41%), các ngân hàng thương mại Nhà nước vay chỉ chiếm (24,72%).

http://bhxhhagiang.gov.vn/index.php/vi/news/

Như vậy nếu nhà nước vỡ nợ công thì các Quĩ Hưu trí này cũng vỡ nợ theo. “Sổ hưu” của các cán bộ và quân nhân ăn lương nhà nước, khi đó cũng không còn. Không hiểu khi đó đại tá-giáo sư Trần Đăng Thanh sẽ ăn nói thế nào để thuyết phục các đảng viên yên tâm và tiếp tục đồng lòng cùng chính phủ chống lại nguy cơ “diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch”?

Một bản tin cũng đáng chú ý trên báo Pháp Luật Thành Phố là “Bạc Liêu: Nguy cơ không còn tiền để chi lương”. Điều khiến chúng ta giật mình là tỉnh Bạc Liêu, một miền quê trù phú với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, có công tử Bạc Liêu ăn chơi nổi tiếng Sài thành thuở trước, mà giờ đây cũng gay go như vậy thử hỏi những nơi khác sẽ như thế nào?

Nếu không có những thay đổi đột biến và sâu rộng về thể chế chính trị thì sẽ không có cách gì cứu vãn được tình thế. Vì chính trị là quyết định tất cả. Người dân Việt Nam sẽ phải trả giá đắt cho sự bàng quan và thờ ơ của chính họ đối với các hoạt động chính trị của nhà nước và các tổ chức đối lập, dân chủ. Người dân luôn trông chờ và hy vọng vào sự thay đổi và sự tử tế của chính quyền, đây là một sai lầm nghiêm trọng vì một chế độ độc tài toàn trị chỉ luôn vơ vét và làm giàu cho chính họ và thân tộc họ chứ không bao giờ họ vì dân vì nước.

Mặt khác vì tâm lý chờ đợi và cam chịu, ngại thay đổi nên người dân Việt Nam đã không dành sự quan tâm cần thiết và đúng mức cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Sai lầm của người dân ở đây là họ vẫn cố gắng tưới nước cho một gốc cây đã mục ruỗng thay vì dành một chút thời gian để chăm sóc cho những hạt giống mới đã đâm chồi nảy lộc. Một gốc cây mục không thể nào sống lại được, trong khi những hạt giống đã nảy mầm nếu được nuôi dưỡng tốt thì không mấy chốc sẽ lớn mạnh và khi đó người dân sẽ có quyền lực chọn những giống cây thích hợp và mạnh khỏe nhất để dùng vào việc gây dựng lại cơ đồ.

Giải pháp tránh vỡ nợ

- Để tránh vỡ nợ công thì cách tốt nhất là chính quyền cần hạn chế vay mượn nước ngoài tối đa. Vay ít thì trả ít, nguy cơ vỡ nợ vì vậy sẽ được giảm thiểu.

- Muốn tránh vay nợ nước ngoài nhiều thì chính quyền phải tăng thu ngân sách bằng biện pháp chống thất thu thuế. Muốn chống thất thu thuế thì đầu tiên phải chống được tham nhũng (cứ một đồng bị tham nhũng thì ngân sách nhà nước sẽ mất đi mười đồng, thậm chí hàng trăm đồng từ tiền thuế). Thứ hai là phải chống được buôn lậu. Thứ ba luật pháp phải nghiêm minh và bình đẳng với mọi thành phần kinh tế. Nhà nước sẽ kiên quyết xóa bỏ mọi ưu đãi và đặc quyền, đặc lợi dành cho các tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Nhà nước sẽ tư hữu hóa mọi ngành nghề kinh tế và tạo ra một bộ luật kinh tế chung cho tất cả mọi thành phần với tất cả sự ưu đãi và dễ dãi để người kinh doanh yên tâm đầu tư các dự án dài hạn. Nhà nước không có chức năng kinh doanh mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ trọng tài và giữ cho các hoạt động kinh tế và xã hội được ổn định và đảm đảo an sinh xã hội.

- Chính quyền Việt Nam phải cắt giảm tối đa bộ máy công chức và những người hưởng lưởng từ ngân sách. 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” phải cho nghỉ việc. Trả các hội đoàn ăn lương ngân sách về cho xã hội dân sự như Hội nhà văn, Hội nhà báo, Hội nông dân, Hội phụ nữ… Các hội này phải tự thân vận động và sống bằng sự đóng góp của các hội viên. Nhà nước không có trách nhiệm và không nên nuôi cơm các hội này. Các đảng phái và tổ chức chính trị cũng phải tự thân vận động, tồn tại và phát triển bằng chính năng lực của mình.

- Việt Nam là một nước đang phát triển vì vậy rất cần nhiều nguồn vốn để xây dựng hạ tầng cơ sở và phục vụ dân sinh. Việc vay mượn nợ công là điều vẫn phải làm trong nhiều năm tới. Để tránh thất thoát và tham nhũng trong việc đầu tư và giải ngân các nguồn vốn vay này thì tiêu chí minh bạch và công khai cần phải đặt lên hàng đầu. Tất cả các dự án đầu tư công đều phải được thông báo rộng rãi từ trước khi đấu thầu một gian đủ dài để mọi doanh nghiệp có thể nghiên cứu và tham gia. Việc đấu thầu phải diễn ra công khai minh bạch, dưới sự giám sát của người dân và báo chí. Một ủy ban độc lập của quốc hội sẽ quản lý và giám sát quá trình đầu tư công này.

- Quĩ Hưu trí (Quĩ bảo hiểm xã hội) là một vấn đề rất quan trọng cho sự ổn định của đất nước vì nó liên quan đến lương hưu của hàng triệu người … hưu trí. Bất cứ sự đổ vỡ nào của Quĩ Hưu trí đều gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho đời sống xã hội. Vì sự quan trọng đó mà không thể để “việc quản lý và sử dụng Quĩ Bảo hiểm Xã hội là trách nhiệm của tổ chức …bảo hiểm xã hội”. Quĩ Hưu trí phải do một Ủy ban độc lập của Quốc hội quản lý và giám sát. Việc dùng tiền của Quĩ hưu trí để đầu tư phải rất thận trọng, công khai và đảm bảo an toàn một cao nhất…

http://kinhdoanh.vnexpress.net/…/chinh-phu-tra-no-hon-12-ty…

Nhật Bản vừa tiếp thêm ‘máu’ để quan chức VN tham nhũng

Ngay sau chuyến công du “vay tiền giảm nghèo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Nhật Bản vào cuối tháng 5/2016, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký với Chính phủ Việt Nam các hiệp định vốn vay ODA với tổng giá trị 166.124 tỷ yen Nhật (khoảng 1.512 tỷ USD) cho ba dự án: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải (IV); Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên và Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thực tế, có ít nhất một dự án là Tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã xuất hiện nhiều dấu hiệu về nạn nhũng nhiễu và tham nhũng. Từ nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân tại khu vực bị giải phóng mặt bằng này đã khiếu nại tập thể và khiếu kiện đông người do giá bồi thường quá thấp và có dấu hiệu cán bộ bồi thường ăn chặn tiền của dân.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ tham nhũng ODA còn vọt đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010, do chính một tờ báo nhà nước nêu.
Có rất nhiều dẫn chứng về lãng phí và tham nhũng ODA. Năm 2015, báo chí phản ánh công trình cầu vượt Giá Rai (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 290 tỉ đồng rồi... bỏ không khoảng ba năm nay do hết vốn làm đường dẫn, gây lãng phí. Hoặc dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.HCM, dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng và hàng loạt dự án cơ khí, cấp nước, nông nghiệp vay vốn ODA từ Pháp, Đức không hiệu quả...
Một loạt dự án sử dụng vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực giao thông, chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở TP.HCM...
Hiển nhiên và không thể khác, đó là nguồn cơn vì sao ngay cả những quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với chính phủ Việt Nam.
Chắc hẳn quá thất vọng trước thành tích quá tồi tàn về “quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA” của Việt Nam, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, lần lượt WB, IMF rồi đến ADB đều thẳng thừng tuyên bố sẽ chấm dứt các khoản cho vay ODA với lãi suất ưu đãi.
Cho tới nay, chỉ còn lại Nhật Bản là quốc gia hào phóng nhất đối với chính thể Việt Nam. Từ năm 1993 đến nay, Nhật đã cho Việt Nam vay vốn ODA với giá trị cho vay là 24 tỷ USD, trong tổng số khoảng 80 tỷ USD vốn ODA mà Việt Nam vay mượn suốt hai chục năm qua.
Thế nhưng chính thái độ cho vay vốn quá hào phóng của Nhật đang tiếp thêm một nguồn “máu” mới để giới quan chức Việt Nam tiếp tục có cơ hội ăn chặn dự án và bỏ túi riêng.
Hiện thời, nợ công của Việt Nam theo cáo cáo đã lên khoảng 1,500 USD/ đầu người. Nhưng trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Những tỷ USD vốn ODA mà người Nhật dang trút vào Việt Nam sẽ càng tiếp thêm cơ hội để các đời con cháu của dân chúng Việt gánh nợ chống chất.  
09-06-2016
Lê Dung / SBTN

Các tổ chức đấu tranh kêu gọi tham gia cuộc trưng cầu dân ý trên mạng

Vào ngày 6 tháng 6, trang web có tên là Quyền Dân Tộc Tự Quyết (www.quyendantoctuquyet.org) đã xuất hiện lời kêu gọi mọi người dân Việt Nam yêu nước hãy tham gia vào một cuộc trưng cầu dân ý trên mạng, dự định sẽ tổ chức vào năm 2020. Lời kêu gọi sau đó được các trang mạng xã hội phổ biến rộng rãi.
Một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào năm 2020. (Ảnh: quyendantoctuquyet.org)
Trong bức thư ngỏ đến toàn dân, nhóm tổ chức chiến dịch này nhận định rằng tổ quốc Việt Nam đang lâm nguy, đang xuống cấp về mọi mặt dước sự cai trị của chế độ độc tài CSVN. Các tầng lớp trí thức, nhân sĩ, công dân thuộc mọi tầng lớp nhưng không thuộc đảng CSVN đã bị tước đoạt những quyền công dân căn bản, không được quyền đóng góp tiếng nói của mình vào vào vận mệnh dân tộc.Những nhà đấu tranh yêu nước, kêu gọi quyền tự quyết của người dân, kêu gọi đa nguyên đã bị chính quyền giam cầm, đàn áp.
Trong bối cảnh như vậy, nhóm tổ chức đã kêu gọi toàn thể đồng bào yêu nước hãy hưởng ứng Chiến dịch Trưng cầu Dân ý, và hãy vận động nhiều công dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2020 để thực hiện quyền dân tộc tự quyết.
Chiến dịch này chia làm nhiều giai đoạn. Hiện nay, Ban phát động Chiến dịch Trưng cầu Dân ý là do Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam thực hiện. Giai đoạn này sẽ chấm dứt nhiệm vụ sau khi thành lập Ủy Ban Vận động Trưng cầu Dân ý, bao gồm đại diện từ các tỉnh thành và các thành phần xã hội vào ngày 7 tháng 9 năm 2016.
Trong danh sách những cử tri đầu tiên tham gia vào chiến dịch này, được công bố trên trang web nói trên trong ngày 7/6/2016, có thể thấy những tên tuổi quen thuộc trong giới đấu tranh ở khắp cả 3 miền: bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh Mục Phan Văn Lợi, Thượng Tọa Thích Không Tánh, luật sư Lê Công Định, luật sư Lê Quốc Quân...
Sau đây là toàn văn của lời kêu gọi:
CHIẾN DỊCH TRƯNG CẦU DÂN Ý NĂM 2020
1. Nhận định
Trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1975 đến nay, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản, bầu khí xã hội ngày càng nghẹt thở, nền kinh tế quốc gia không ngừng tụt hậu, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, văn hóa suy đồi, đời sống người dân ngày càng điêu linh khốn khổ, trong khi các nhóm lợi ích lũng đoạn cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa. Thiểu số đảng viên cộng sản nghiễm nhiên trở thành giai cấp thống trị hà khắc trên đại đa số dân chúng.
Về đối ngoại, nhà cầm quyền tỏ ra ươn hèn trước hành vi xâm lấn biển đảo và lãnh thổ của tập đoàn bành trướng Bắc Kinh, Trung Quốc. Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, biến thành căn cứ quân sự vững chắc, lâu dài. Ngư dân bị tàu Trung Quốc quấy rối, đánh đập, cướp phá, bắn giết và đâm chìm ngoài khơi Biển Đông của Việt Nam.
Người Trung Quốc đang thao túng nền kinh tế, công nghiệp và thương mại của đất nước, chiếm cứ nhiều vùng đất yếu huyệt mang tính chiến lược, thành lập nhiều phố thị và thôn làng bất khả xâm nhập. Nhà cầm quyền hoàn toàn bất lực và không hề có hành động bảo vệ công dân của mình lẫn chủ quyền đất nước một cách hiệu quả.
Về đối nội, quyền chính trị của công dân trong việc tham gia bình đẳng và toàn diện vào công cuộc xây dựng đất nước đã bị hệ thống độc tài độc đảng toàn trị ngang nhiên loại bỏ. Nhà cầm quyền công khai sử dụng bạo lực đối với những người hoạt động xã hội dân sự, các nhà tranh đấu vì quyền con người, và giam cầm hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo. Công an và quân đội kết hợp với côn đồ đang trở thành lực lượng hung hãn tấn công bất cứ thành phần xã hội nào lên tiếng phản đối sự cai trị độc đoán của Đảng Cộng sản.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc tại Điều 1, Mục 2 đã khẳng định quyền tự quyết của các dân tộc như sau: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hoà bình thế giới.”
Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị tại Điều 1 và Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa tại Điều 1, nêu rằng: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.”
Ngoài ra, quyền tự quyết lựa chọn thể chế chính trị của dân tộc và người dân Việt Nam cũng đã được tôn trọng và bảo hộ bởi các hiệp định quốc tế về nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973. Tuy nhiên, sau khi giành được chính quyền bằng công sức và xương máu của nhân dân, Đảng Cộng sản đã hoàn toàn phớt lờ ý nguyện chính đáng của toàn dân, áp đặt một chế độ chuyên chính vô sản toàn trị dựa vào nhà tù và dối trá.
Suốt hơn 40 năm qua, nhiều thế hệ người Việt, bao gồm các nhân sĩ trí thức, cộng đồng tôn giáo, đảng phái chính trị và tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam, đã tranh đấu không mệt mỏi vì dân chủ và tự do, công bằng và thịnh vượng, kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc và thực hiện trưng cầu dân ý để cùng nhau chọn lựa một hướng đi tốt đẹp chung cho cả dân tộc.
Tuy nhiên, trong môi trường xã hội mà thành phần phi cộng sản bị kỳ thị và quyền công dân không được bảo vệ đầy đủ, hàng triệu người Việt đã phải bỏ nước ra đi kể từ năm 1975 nhằm mưu tìm một thể chế chính trị đối xử bình đẳng và bảo vệ nhân phẩm của mình.
Từ năm 1990, Cao Trào Nhân Bản của bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã ra lời kêu gọi tổng tuyển cử tự do. Đến năm 2006, Tuyên ngôn Dân chủ của Khối 8406 long trọng đòi quyền tự quyết và thiết lập chính thể đa nguyên đa đảng. Gần đây, vào ngày 24 tháng 5 năm 2016, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực trong lao tù cũng nhằm gióng lên khát vọng thực hiện quyền lựa chọn thể chế chính trị của toàn dân.
Vấn đề tồn vong của dân tộc Việt Nam trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trước nghịch cảnh chế độ độc tài Cộng sản ngày càng hèn với giặc, ác với dân, gây ra bao khủng hoảng, thảm trạng và tệ nạn.
2. Tuyên bố
Từ những nhận định trên, chúng tôi – những công dân Việt Nam ký tên dưới đây – khẳng định rằng quyền tự quyết của một dân tộc trong việc lựa chọn thể chế chính trị mà không có sự can thiệp của nước ngoài cũng chính là quyền tự quyết của công dân trong việc lựa chọn thể chế chính trị cai quản đất nước của chính họ.
Chúng tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh dân tộc trong công cuộc phục hưng nước nhà, mong muốn đất nước chúng ta hòa nhập vào thế giới văn minh trên cơ sở tôn trọng đầy đủ quyền con người theo các tiêu chuẩn quốc tế, và dứt khoát không bao giờ để đất mẹ Việt Nam thêm một lần nữa bị Trung Hoa xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải, nô dịch và đồng hóa.
DO VẬY, chúng tôi đồng lòng và long trọng kêu gọi toàn thể đồng bào, ai yêu nước hãy hưởng ứng Chiến dịch Trưng cầu Dân ý, và hãy vận động nhiều công dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2020 để thực hiện quyền dân tộc tự quyết.
A. Cách thức tham gia:
1. Chụp hình giấy CMND, thẻ căn cước (mặt có hình) hoặc hộ chiếu gửi đến trungcaudany2020@gmail.com.
2. Cập nhật thông tin và danh sách tại www.quyendantoctuquyet.org.
B. Kế hoạch triển khai:
1. Hình chụp giấy CMND, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người đăng ký chỉ dùng lưu hồ sơ nội bộ để xác nhận cử tri, không dùng cho việc khác và không đưa lên mạng. Mỗi Cử tri Trưng cầu Dân ý sẽ nhận một mã số cố định để tiện truy cập.
2. Kêu gọi tổ chức xã hội dân sự và chính trị, nhân sĩ trí thức tham gia viết bài phổ biến về quyền dân tộc tự quyết và trưng cầu dân ý. Công dân đã đăng ký cử tri trưng cầu dân ý hãy thông báo và vận động công dân chưa đăng ký tham gia.
3. Ban phát động Chiến dịch Trưng cầu Dân ý (Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam) sẽ chấm dứt nhiệm vụ sau khi thành lập Ủy Ban Vận động Trưng cầu Dân ý, bao gồm đại diện từ các tỉnh thành và các thành phần xã hội vào ngày 7 tháng 9 năm 2016.
4. Ủy ban Vận động Trưng cầu Dân ý sẽ chuyển giao công việc và giải tán sau khi thành lập Hội đồng Tổ chức Trưng cầu Dân ý, bao gồm nhiều nhiều đại diện cử tri, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế vào ngày 7 tháng 6 năm 2019.
Chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào.

Việt Nam, ngày 7 tháng 6 năm 2016
06/09/2016 - 07:13
Đoàn Hưng / SBTN