Wednesday, November 4, 2020

Lấy quyền gì thôn thu lại tiền cứu trợ bão lụt?

 

Share on print Thôn Ngọa Cường, xã Cảnh Hóa, tỉnh Quảng Bình trước áp lực mạnh mẽ của dư luận mạng xã hội đã phải trả lại cho dân số tiền cứu trợ do đoàn cứu trợ của ca sĩ Thủy Tiên trao tặng cho 69 gia đình nạn nhân lũ lụt mà thôn đã tịch thu trước đó, tháng 10/2020. Ảnh: VOV
Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Năm 2020 phải nói là năm đại lũ lụt chưa từng có đã đổ ập đến miền Trung với 4 cơn bão liên tục và trận bão thứ năm – bão Gomi đang thổi đến Quảng Nam và Quảng Ngãi. Nhìn những hình ảnh tang thương sau cơn lũ lụt và sạt lở không ai mà không cầm được lòng và muốn làm một điều gì đó để chia xẻ bà con nạn nhân. Đó chính là động lực mà bà con người Việt khắp nơi đã chung góp tài chánh, phẩm vật cho những cá nhân, đoàn thể sẵn sàng đi đến các tỉnh miền Trung để trực tiếp cứu giúp.

Nhưng câu chuyện cứu giúp nói trên đã làm cho mọi người cau mày khó chịu, khi một người có nick Nguyen Thi Hanh Nguyen đăng trên Facebook với lời báo động vào ngày 29 tháng Mười rằng: “Nhà mình ngập lụt được Thủy Tiên về ủng hộ tiền nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi.

Trước đó, ngày 28 tháng Mười ca sĩ Thủy Tiên đã đến xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình phát tiền hỗ trợ cho 703 gia đình. Thôn Ngọa Cương của xã này có 69 gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt trong tổng số 170 gia đình, được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng. Nhưng sau khi đoàn cứu trợ về, chính quyền thôn Ngọa Cương đã đến thu lại toàn bộ số tiền. Lý do thôn cho biết là để chia đều cho 170 gia đình trong thôn, “đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm.”

Tuy nhiên nhờ sự phản ảnh nhanh chóng của dư luận trên mạng xã hội, huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo thôn Ngọa Cương phải trả lại tiền cho dân. Qua câu chuyện này, có mấy điều nên bàn:

1/ Danh sách 69 gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt cần cứu trợ là do Thôn cung cấp, không phải do ca sĩ Thuỷ Tiên tự ý lập ra. Như vậy 69 gia đình này được hưởng tổng số tiền trên 400 triệu đồng cứu trợ là đương nhiên trong phạm vi giao dịch dân sự hợp pháp. Thế nhưng chính quyền Thôn đi thu lại và nói là chia đều cho những gia đình khác không bị thiệt hại do lũ lụt.

Đây là hành động ăn cướp của dân vì trong số những hộ dân còn lại, chắc chắn có bà con hay thân nhân của cán bộ thôn. Họ không muốn 69 hộ gia đình kia hưởng một mình mà muốn chia đều là vì vậy. Đây là loại não trạng tham lam và độc quyền vốn đã ăn sâu trong đầu cán bộ là trong bất cứ trường hợp nào có dính tới tiền, dân phải đưa cho cán bộ chút ít để chấm mút.

Trước đây đã có trường hợp ở Quảng Trị, người dân nghèo lãnh tiền trong gói hỗ trợ Covid-19 cũng bị thu 50 ngàn gọi là “tiền trà nước” cho cán bộ thôn nhưng nuốt không trôi đành phải trả lại dân.

2/ Sự kiện Thôn Ngọa Cương thu lại tiền của 69 gia đình được cứu trợ không những trái với đạo lý và còn trái với luật pháp. Vì tiền từ thiện là do bá tánh tự nguyện đóng góp cho người mà họ tin tưởng thay thế họ xử dụng tiền ấy sao cho hợp lý và công bằng. Không phải tiền của chính quyền đưa ra mà Thôn lại dính vào và bắt thiên hạ phải làm thế này thế kia.

Cái đó cho thấy đây là một hiện tượng dùng quyền lực vòi vĩnh để tham nhũng. Đã phạm tội “cố ý làm trái,” nhưng sau đó trưởng thôn Ngọa Cương Nguyễn Hữu Cần còn lên mạng xã hội Facebook trần tình một cách ngây ngô rằng quyết định của thôn thu lại tiền cứu trợ là “tiền lệ chia sẻ lẫn nhau, tất cả người dân đều tự nguyện san sẻ.” Ý ông trưởng thôn hẳn là muốn thôn mình sống đúng theo câu “phép vua thua lệ làng” mà lệ làng ở đây được tạo ra bởi ban cán sự thôn, những người nắm quyền tuyệt đối, tha hồ hoạnh họe, đứng trên pháp luật.

3/ Nếu như xã hội Việt Nam được xây dựng trên nền tảng chấp nhận mở rộng xã hội dân sự, tức là những tổ chức xã hội dân sự do chính người dân lập ra, người dân có thể có một mạng lưới giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Hành động cứu trợ ấy vừa nhanh chóng, vừa hữu hiệu và đầy tình người mà không cần dính dáng gì đến chính quyền. Người cầm quyền chẳng có gì phải sợ các tổ chức xã hội dân sự và coi đó là thù địch của chế độ.

Chính vì Việt Nam đến nay vẫn né tránh ban hành Luật Lập Hội nên không có xã hội dân sự đúng nghĩa, cô ca sĩ Thuỷ Tiên phải nhờ đến thôn thiếp lập danh sách nạn nhân bão lụt. Ngược lại, nếu Việt Nam để cho xã hội dân sự phát triển như các nước khác, người của các tổ chức này có thể liên lạc trực tiếp các gia đình bị nạn, mời họ đến trình bày và nhận tiền theo mức độ thiệt hại. Nhờ cái cầu nối này mà chính quyền sẽ rảnh tay lo những việc lớn khác về y tế, giao thông, lương thực, xây dựng sau bão lụt.

Qua vụ việc này, người ta càng thấy xã hội dân sự rất cần thiết trong một đất nước nay có đến 100 triệu dân mà càng cấm đoán càng bất lợi cho chế độ.

Phạm Nhật Bình

Đại biểu của dân đây!



Mạc Van Trang

Cm ơn những người bạn dù là ngoài đời như Gs Tuấn, Jang kều, Công Vinh, Thủy Tiên hay chỉ quen trên FB Huy Nguyen, Lao Ta… đã cho tôi kiến thức và cảm hứng để có bài phát biểu hôm nay ở Hội trường Quốc Hội.

Kính thưa Quốc Hội,

Những ngày qua và có thể là ngay ngày mai chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của những cơn bão tràn vào Việt Nam. Bão thì năm nào cũng có nhưng tại sao bão năm nay lại cứ nặng nề hơn năm trước, mức nước lụt trên tường nhà mỗi đợt bão về lại ngày càng cao hơn. Đó chính là hậu quả của việc chúng ta đã “tấn công” vào mẹ trái đất, tấn công vào những ngọn núi con sông, cánh rừng như những vòng tay bao bọc cho con người hàng nghìn năm nay. Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào vậy nên nước mới lúc khô lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương.

Vừa trở về từ miền trung hôm kia, tôi thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột yêu thương, nhưng thảm hỏa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới… Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận. Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên giấy tờ văn bản chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy chẳng dễ tẹo nào. Đơn cử khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ quý tự nhiên là đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim sến táu… Rồi tự huyễn hoặc là gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Miến… không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam.

Philippines là quốc gia chịu bão nhiều nhất Đông Nam Á nên chúng ta có thể học rất nhiều từ phía bạn. Họ giữ rừng, giữ những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình vì họ biết đây chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước con người trước sự giận dữ của thiên nhiên.

Siêu bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philippines đã hạ cấp độ nguy hiểm là ví dụ rõ ràng nhất.

Bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn. Chúng ta thử hình dung một cháu bé vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và nói dối.

Những hiện tượng kỳ lạ của xã hội như Khá Bảnh sẽ ngày càng phổ biến vì giá trị cốt lõi không được nhà trường vun đắp từ những năm chập chững bước vào đời.

Mượn câu nói của vị giáo sư nổi tiếng Richard Feynman “Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp, và danh xưng. Hãy ấn tượng với những tấm lòng tử tế, chánh trực, khiêm cung, và rộng lượng”.

Làm sao chúng ta dậy được con cháu mình những điều tưởng rất đơn giản nhưng sẽ là nền móng của sự phát triển đất nước vững chắc trong tương lai. Đừng để cho những tiền bạc, bằng cấp, danh xưng làm choáng ngợp. Nếu có ấn tượng thì nên dành sự ấn tượng cho những tấm lòng tử tế, khiêm cung, và rộng lượng. Và tôi tin Việt Nam sẽ có thật nhiều những người trẻ tuổi thông minh tài giỏi đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn như đôi vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên. Đấy cũng là hình ảnh mà tôi gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn gian khổ trên khắp đất nước. Tinh thần tương thân, bác ái là bản chất, là truyền thống của dân tộc ta, nếu có trách chỉ nên suy nghĩ đến việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chi công và lòng yêu thương con người sẽ ngày càng nhân rộng.

Thưa Quốc Hội, bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm như là một qui luật của thiên nhiên. Chính vì vậy không thể dùng lòng tốt để khắc phục được những hậu quả của bão lũ từ năm này sang năm khác. Chúng ta cần có chiến lược LÂU DÀI để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia. Từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây và vận hành các thủy điện mới và cũ đến những việc cấp thiết như cập nhật vẽ bản độ sạt lở khắp các tỉnh thành phố, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo bão lũ hữu hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt…

Có vậy người dân mà ở đây là những người nghèo, yếu thế cũng như những ngành chức năng bộ đội, công an, y tế, … mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót.

Xin cảm ơn sư lắng nghe của Quốc Hội./.

https://m.suckhoedoisong.vn/dbqh-nguyen-lan-hieu-bao-ve…

Nên giải thể ngay lập tức Hội đồng thẩm định quốc gia

 



Chu Mộng Long|

Vì né tránh va chạm các bậc trên trước, nên hôm nay tôi mới viết. Viết vì giáo dục và vì trẻ em, cũng là vì tương lai của dân tộc. Ba nén nhang cúi xin các bậc trên trước thứ tội.

Các bậc trên trước đó chính là các giáo sư tiến sỹ trong Hội đồng thẩm định quốc gia.

Dự án 34 ngàn tỷ cho việc thay sách giáo khoa, hiển nhiên có chi cho Hội đồng thẩm định quốc gia. Và đã nhận tiền ắt Hội đồng đó phải chịu trách nhiệm trước quốc dân đồng bào. Không chỉ 34 ngàn tỷ tiền thuế máu mà còn tiền mua sách của hàng triệu phụ huynh học sinh, Hội đồng này không thể phủi trách nhiệm.

Được tin Sở GD TP Hồ Chí Minh “giao quyền cho giáo viên chủ động điều chỉnh ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 1“, tôi có phần đồng tình nhưng không khỏi băn khoăn.

Đồng tình vì, một là, Sở GD TP HCM căn cứ vào sự phản ứng của khách hàng và dư luận đã thừa nhận Hội đồng thẩm định quốc gia là một hội đồng không có năng lực, thiếu hiểu biết về giáo dục, cho nên đã cho ra lò một bộ sách phản giáo dục; hai là, đã đa dạng hoá sách giáo khoa thì ắt giao quyền tự chủ cho giáo viên là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, sự băn khoăn nhiều hơn là đồng tình. Một là, quyền tự chủ của giáo viên mà tôi nói trên không đơn thuần là sự chữa cháy do sự cố ngữ liệu của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một. Họ phải được quyền lựa chọn sách giáo khoa ngay từ đầu chứ không phải UBND lựa chọn rồi áp đặt cho họ. Anh đốt nhà rồi bảo tôi chữa cháy là việc làm của thổ phỉ, không phải của giáo dục. Hai là, đã trao quyền chủ động điều chỉnh ngữ liệu trong sách giáo khoa thì ắt đã mặc nhiên thừa nhận sách giáo khoa sai căn bản, bởi vì trẻ em học chữ trên nền của ngữ liệu đang có trên sách chứ chẳng nhẽ bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thay ngữ liệu đồng nghĩa với thay toàn bộ sách giáo khoa. Vậy sao không thay hẳn sách giáo khoa mà chỉ điều chỉnh ngữ liệu? Ba là, khi đã mặc nhiên thừa nhận sách giáo khoa sai thì phải truy cứu đến cùng kẻ đã làm ra và thẩm định chất lượng sách. Điều này cũng giống như sản xuất hàng độc hại, hàng dỏm, hàng giả ra thị trường, cần xử lý theo luật thị trường. Nếu hàng bị lỗi thì nhà xuất bản phải thu hồi sách, xin lỗi và bồi thường khách hàng là giáo viên và phụ huynh. Còn nếu là hàng dỏm, hàng giả, hàng độc hại thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cả người sản xuất lẫn thẩm định!

Tôi từng trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Tuyên giáo trung ương, rằng tôi ủng hộ đa dạng sách giáo khoa với điều kiện làm đúng như các quốc gia văn minh đã làm. Bộ chủ quản chỉ thiết kế Chương trình và Chuẩn đầu ra, còn sách giáo khoa do các tổ chức và cá nhân làm trong sự cạnh tranh bình đẳng, giáo viên và phụ huynh hoàn toàn tự chủ trong việc lựa chọn sách để dạy học, miễn sao đáp ứng được chuẩn đầu ra. Không cần một Hội đồng thẩm định hay Hội đồng lựa chọn nào cả, thị trường lành mạnh ắt tự nó sàng lọc. Kẻ sản xuất hàng giả, hàng dỏm, hàng độc hại để lừa bịp khách hàng hoặc bị sa lưới pháp luật hoặc bị tẩy chay và bị phá sản.

Nhưng sự thực là, sự đa dạng sách giáo khoa như hiện nay chẳng khác gì tạo ra một bãi rác giáo dục. Kẻ vứt bừa bãi thứ rác giáo dục cho nhân dân thụ hưởng chính là những người vừa làm Chương trình vừa làm Sách giáo khoa để lũng đoạn thị trường. Và cũng không thể không nói đến cái Hội đồng thẩm định và Hội đồng lựa chọn có thừa học hàm học vị nhưng đồng tiền đã làm cho mắt mờ, mũi điếc, đến mức không phân biệt được thúi và thơm, rác rưởi và thứ có thể ăn được!

Xem ra cơn bão lũ thiên tai tàn phá miền Trung không tàn phá bằng cơn bão lũ giáo dục do các bậc trên trước có học hàm học giáo sư tiến sỹ nhân danh cải cách đang trút xuống đầu trẻ em Việt Nam. Thưa các bậc trên trước, dân cần tế bao nhiêu ngàn tỷ nữa để có được một nền giáo dục trong sáng và lành mạnh?

Chu Mộng Long

Ông quan và thằng dân


Vương Toàn|

  1. Chuyện thứ nhất:

Chuyện về ông cựu chủ tịch tỉnh Gia lai Phạm Thế Dũng (Tám Dũng) làm chủ tịch tỉnh 10 năm từ 2005 – 2015.

Trong 10 năm làm chủ tịch tỉnh ông Tám Dũng đã làm được nhiều điều kỳ vĩ.

– Xây dựng được tượng đài “Bác Hồ và các dân tộc Tây nguyên”: 1.000 tỷ đồng

– Nâng cấp sân bay Pleiku 1.000 tỷ đồng

– Ký lén không thông qua thường vụ xây dựng thủy điện An khê Kanak.

– Những cánh rừng đại ngàn rất nhiều gỗ quý và hệ động thực vật phong phú, ông Tám cho đám đàn em vào chặt hạ. Đến khi hết rừng, ông gọi đó là rừng Nghèo và đề nghị chính phủ của ông Ba Dũng cho chuyển đổi để trồng cao su. Thế là còn bao nhiêu cây, ông Tám và các đàn em xơi nốt.

Các dự án buôn gỗ và xây dựng có nhiều doanh nghiệp tham gia, doanh nghiệp nào cũng đi đêm đến nhà ông Tám để đưa tiền, ông nhận tuốt, nhưng mỗi dự án chỉ 1 người trúng, nhưng ông không trả lại tiền cho những người khác, mà ngậm miệng nuốt hết. Vì thế các doanh nghiệp căm ông Tám đến tận xương tủy.



Ông Phạm Thế Dũng (Tám Dũng) & gỗ lậu

Thành quả:

Cả đời chắt chiu, ông Tám có rất nhiều dinh thự, nhưng nơi ông ở chính là ở phố Tăng Bạt Hổ TP Pleiku, kín cổng cao tường, kiên cố hơn nhà tù. Khi ông nghỉ hưu có nhiều chuyện lạ:

+ Đang đêm có thằng dân nào đó cho xe tải đến cổng sắt nhà ông, móc cáp vào cánh cổng, giật sập lôi đi đâu mất.

+ Có đêm sau khi ngủ dậy, sân nhà ông bị quăng vào mấy cái đầu chó. Nghe nói họ còn ra mộ mẹ ông lấy máu chó viết lên mộ văn tế sống ông.

+ Buổi sáng ông đi tập thể dục ở công viên, có đám dân cứ chạy theo, ném đất đá vào người ông và chửi đổng, khiến ông xấu hổ và nhục nhã không dám đi tập nữa.

+ Có lần buổi sáng ông đi ăn Phở tại Quán Phở Hồng, tự nhiên có thằng dân nó bê bát phở đến ngồi đối diện với ông, sau khi lễ phép hỏi ông có phải là ông Tám Dũng không? ông kênh kiệu gật đầu xác nhận đúng. Thế là thằng dân bê nguyên bát phở nóng úp lên đầu ông làm cho ông nhảy ngược lên chạy bán sống bán chết. Sau những vụ đó ông không dám ở tòa dinh thự ở Pleiku nữa, còn ở đâu thì không biết, vì nhiều doanh nghiệp tuyên bố: Ông Tám đi đâu họ theo đến đó (Nguồn từ nhà báo Trương Châu Hữu Danh).

  1. Chuyện thứ 2:

Chiều hôm nay ngày 1/11/2020, Ông Hoàng Văn Trường – Nguyên Bí thư thành phố Nha Trang nhiệm kỳ 2010 – 2015, bị 1 thằng dân nào đó bịt mặt xông vào nhà, dùng hung khí đánh ông rách tĩnh mạch cổ phải đi cấp cứu.



Nhà ông Hoàng Văn Trường

Chưa biết nguyên nhân, nhưng báo chí chụp ảnh cái nhà của ông nhìn cũng rất khủng.

Chỉ biết rằng, ông đã về hưu, đứa nào liều mạng xông vào nhà ông để “xin tí tiết” thì nó phải căm thù ông lắm lắm.

3. Còn những chuyện lặt vặt như: Nhiều ông quan sau khi nghỉ hưu, đi ăn cỗ, cứ ngồi mâm nào thì những người ngồi cùng lặng lẽ đứng dậy. Rồi cũng nhịn đói đi về úp mỳ ăn, chả lẽ cứ ngồi ăn một mình một mâm hay sao.

Cả một đời mưu toan lừa lọc, xây tòa nọ tòa kia, nhiều khi không dám ở (như ông Tám Dũng) hay luôn lo sợ như ông Trường thì dinh thự cũng khác gì nhà mồ./.

Cái tự nguyện của thân



LS Lê Văn Luân

Chúng ta hẳn vẫn nhớ hàng loạt những cái “tự nguyện” bắt buộc như tự nguyện đóng quỹ cho xã, tự nguyện đóng quỹ cho trường, tự nguyện làm mặt mình bị thương bởi dùi cui… những cái tự nguyện của sự cưỡng đoạt ý chí bởi “tập thể” và quyền lực.

Kẻ nào còn bênh vực những trò lố bởi các dòng chữ viết này đều là những kẻ một giuộc hoặc chúng cũng chẳng khá hơn gì. Sau khi xảy ra chuyện những loại đơn từ tự nguyện này mới xuất hiện để chúng trốn tránh trách nhiệm cho việc làm sai trái của mình.

Chủ nghĩa tập thể luôn đặt nó lên trên tất cả mọi giá trị con người, những cá nhân buộc phải thuận nguyện, và khi cá nhân nào đi ngược lại sẽ bị tập thể đó ghẻ lạnh, cô lập và rồi tiến tới “nghiền nát” không thương tiếc.

Sống ở làng, xã, ai cũng sợ mình không được đưa vào hộ nghèo (thật đau đớn thay cái nghèo cũng là một cơ hội), ai cũng sợ giấy tờ không được chứng thực, ai cũng sợ con em mình bị trù ép khi đến trường… và tập thể đó trở thành một bóng ma nhưng rất cụ thể thông qua những bộ mặt người trong làng xã.

Nhìn những con người như bị bỏ quên trong cuộc sống, chỉ cho đến khi bị thiên nhiên lật dậy người ta mới thấy cảnh sống khốn khổ của cả triệu người, và sau đó họ lại được nhắc tên một lần nữa bởi những kẻ tự cho mình quyền nhân danh quyền lực dưới cái bóng “tập thể” để cướp của dân. Họ được người ta biết đến bởi thiên nhiên đang giận dữ và cả những kẻ chực chờ cướp lấy phần sống ít ỏi được chia sẻ của họ.

Kẻ nào còn tin những cái chết tự nguyện, những sự ở lại hay ra đi tự nguyện trong một tổ chức, những sự nộp tiền tự nguyện “ngoài sổ sách” từ những kẻ có quyền chức, những sự tự nguyện đi rót bia tiếp khách vì nhiệm vụ, những sự tự nguyện “đổi chác” để được biên chế, những sự tự nguyện đóng tiền vào các loại quỹ ở trường học, ở làng xã, những sự tự nguyện để cho người khác đánh mắng hay bức áp đến cảnh cùng cực, những sự tự nguyện phải rút đơn tố cáo hay khởi kiện, những sự tự nguyện đi bầu một ứng cử viên duy nhất vào chức vị nào đó…?

Thật đau đớn và xót xa, nên tôi không dám nhìn cảnh những người dân khắc khổ lần lượt lên nhận tiền ở những sân kho, nhà văn hoá ở những nơi mà họ đang phát tiền cho. Nó ám ảnh và thật sự ăn mòn tôi vì cái thân phận của họ hiển hiện lên rõ nét quá. Bị đoạt mất rồi lại phải vui vẻ viết đơn tự nguyện nộp tiền cho kẻ có sức mạnh.

Đã quá nhiều năm từ trước, mỗi lần thiên tai, người dân nhiều nơi bị thu lại tiền hoặc bị đòi lại phần lớn số tiền được từ thiện ngay sau khi nhà hảo tâm trao cho và đi khỏi đó. Nó là một thực tế quá tàn nhẫn cho các thân phận bị bỏ quên và bị áp bức ở xứ sở này.

FB Luân Lê



Chính phủ như thế thì thảm nạn phải như thế!

 Theo VOA-Trân Văn/03/11/2020

Một cảnh sạt lở ở miền Tây.

Hôm 2 tháng 11, khi tham gia thảo luận với các đại biểu quốc hội cùng tổ với mình tại kỳ họp thứ mười của khóa này, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam, cương quyết phủ nhận thủy điện là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ lớn, lụt sâu kéo dài và sạt lở xảy ra khắp nơi, đặc biệt là tại Quảng Nam.

Nhân vật từng là cựu Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Quảng Nam, bảo rằng: Kết cấu địa chất ở các khu vực xảy ra sạt lở tại Quảng Nam là đất sét nên vũ lượng trên 1.000 mm và kéo dài chừng nửa tháng là nhão. Ngày xưa, rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không kết cấu nào chịu được thành ra người chềt không ít.

Ông Phúc nói thêm… qua khảo sátcác khu vực bị sạt lở ở Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế đều còn từ 80% đến 90% thảm thực vật và khẳng định chắc nịch: Sạt lở là do tác hại của… thiên nhiên. Cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người.

Có một điểm đáng chú ý là dù cương quyết phủ nhận tác động của thủy điện khiến mưa bão tạo ra lũ lụt, sạt lở trầm trọng và nhấn mạnh thảm thực vật còn… tốt (80% đến 90%) nhưng cuối cùng, ông Phúc lại tin rằng: Cần… tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, vừa là thành viên chính phủ, vừa là đại biểu quốc hội như ông Phúc cũng phản bác các ý kiến cho rằng, những thảm nạn như đã biết có sự can dự của thủy điện vì: Trong thực tế, tuy lũ lụt, sạt lở trầm trong nhưng các công trình thủy điện vẫn… an toàn và vận hành đúng cả… quy trình lẫn… pháp luật!

Một thành viên khác trong nội các của ông Phúc, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường, tuy cũng cho rằng, nguyên nhân thảm nạn là do mưa bão kỷ lục với cường độ cao, kéo dài nhưng nhìn nhận các hoạt động nhân sinh (xây dựng - phát triển hạ tầng, thủy điện,…) cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra sạt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại (1).

Đó là quan điểm chính thức của chính phủ về thảm nạn kéo dài đã hơn một tháng…

***

Vài ngày trước khi các thành viên trong chính phủ khoác áo… đại biểu quốc hội phủ nhận tác động của thủy điện đến tình trạng lũ lớn, lụt sâu và kéo dài, sạt lở tràn lan trên diện rộng, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhận mạnh: Cơ quan này đã phát giác, đã cảnh báo từ lâu (2)!

Năm 2012, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” để xác lập hai loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ (8).

Trong cuộc trò chuyện với tờ Lao Động hồi cuối tuần trước, ông Tân cho biết, từ 2016 đến 2019, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chuyển kết quả điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở đất đai cho các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng thực tế cho thấy, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không thèm bận tâm nên không có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó! Ông Tân không biết tại sao? Ông chỉ đoán rằng: Có thể công tác chuyển giao đến các cộng đồng địa phương ở cấp huyện, cấp xã hoặc làng bản còn chậm. Hoặc kết quả còn… tương đối khó hiểu với người sử dụng!

Cùng thảo luận về đề tài này với tờ Lao Động, ông Vũ Trọng Hồng, cựu Thứ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, xác nhận: Các nhà khoa học đã cảnh báo về sạt lở từ lâu nhưng không ai nghe, không được ủng hộ, không nơi nào triển khai phòng ngừa.

***

Về nguyên tắc, tổ chức phòng vệ - ứng cứu khi xảy ra những tình huống hiểm nghèo hay thiên tai, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của cá nhân hoặc dân cư một khu vực, một vùng, luôn luôn phải là khảo sát - dự đoán tình huống - lập sẵn kế hoạch – chuẩn bị sẵn phương tiện, nhân lực – tổ chức tập luyện cho cả lực lượng dự trù sẽ tham gia ứng cứu lẫn dân chúng trong khu vực có nguy cơ cao về cách thức ứng phó, phối hợp để hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về nhân mạng. Việt Nam cũng có hệ thống Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương nhưng đến nay, hệ thống này không bận tâm đến phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại.

Thảm nạn đã, đang và chắc chắn sẽ còn lặp đi, lâp lại ở nhiều nơi chỉ ra, chính phủ chỉ hành động khi lương dân đã thiệt mạng, bị thương, trắng tay. Nghe chính phủ biện bạch và nhìn vào thành phần đại biểu ý chí, nguyện vọng cho toàn dân ở quốc hội, không thể mơ chuyện cật vấn, truy cứu trách nhiệm. Lương dân tiếp tục... chết chùm!

Chú thích

(1) https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-cac-bo-truong-noi-ve-ly-do-sat-lo-o-mien-trung-947699.html

(2) https://laodong.vn/moi-truong/don-vi-xay-dung-ban-do-sat-lo-len-tieng-ve-viec-canh-bao-ma-khong-ai-nghe-849994.ldo

(3) http://www.monre.gov.vn/Pages/15-tinh-mien-nui-phia-bac-da-co-ban-do-canh-bao-truot-lo-dat-da.aspx

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ‘bảo kê’ thủy điện xả lũ ẩu, né bồi thường cho dân

 QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – “Ở đây là bàn chuyện cứu trợ, hỗ trợ, bồi thường cho dân. Thủy điện thì xả lũ ‘đúng quy trình’ mà dân thiệt hại nặng thế này thì ăn nói làm sao?,” ông phó chủ tịch huyện Nam Giang bất bình phản ứng.

Theo báo Tuổi Trẻ, sau vụ xả lũ kinh hoàng gây thiệt hại nặng cho hàng trăm gia đình người dân của thủy điện Đắk Mi 4 ở huyện Phước Sơn, sáng 4 Tháng Mười Một, buổi khảo sát thực địa và làm việc với chính quyền, thủy điện được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tại trụ sở huyện Nam Giang.

Nhà cửa, tài sản người dân hạ lưu thủy điện Đắk Mi 4 bị hư hại nặng sau vụ xả lũ. (Hình: B.D/Tuổi Trẻ)

Đoàn công tác của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam do ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch tỉnh, trực tiếp xuống hiện trường, nghe người dân kể lại thời khắc “bỏ của chạy lấy người” vào chiều hôm 28 Tháng Mười.

Trước đó nói với báo Thanh Niên, ông Lê Văn Hường, bí thư Huyện Ủy Nam Giang, cho biết có 106 gia đình ở thị trấn Thạnh Mỹ và 215 gia đình ở xã Cà Dy bị thiệt hại nặng sau khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ.

Ông A Viết Sơn, phó chủ tịch huyện Nam Giang, nhận định “thiệt hại cho dân là rất lớn.” Việc thủy điện chọn xả lũ vào ngay thời điểm dân còn “chạy bão,” chưa kịp về nhà đã khiến nhà cửa và đồ đạc hư hại nặng. Sau một tuần, mọi thứ vẫn như bãi chiến trường, nhiều nhà dân bị kéo đổ sập, người dân trong chốc lát lâm vào cảnh trắng tay.

Ông Sơn cho rằng thủy điện Đắk Mi 4 phải chịu trách nhiệm. “Đơn của dân gửi lên huyện dày thành tập. Năm nay đã khó lại càng khó, chắc chắn số gia đình thiếu đói, tái nghèo sẽ dài thêm,” ông Sơn nói.

Buổi làm việc được trông chờ “sẽ có câu trả lời rõ ràng về quyền lợi thỏa đáng” cho người dân vùng hạ lưu thân đập thủy điện Đắk Mi 4 sau vụ xả lũ kinh hoàng kể trên.

Thế nhưng sau khi đi kiểm tra, ông Trương Xuân Tý, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết trong mùa lũ năm nay, các hồ chứa thủy điện lớn như Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương “đều vận hành đưa về mực nước đón lũ thấp nhất.” Có nghĩa là các hồ đã tạo ra một dung tích phòng lũ tối đa. Đăk Mi 4 cũng vậy, thậm chí Đăk Mi 4 còn thấp hơn mực nước đón lũ thấp nhất nữa.

“Năm này trong cái may lại xảy ra cái rủi, cái may là chúng ta đưa được về mực nước thấp nhất để đón lũ, còn cái rủi là xuất hiện một đợt lũ quá lớn,” ông Tý nói.

“Đợt lũ này vô cùng đột ngột, đột biến nên rất khó ứng xử trong mặt kỹ thuật, chính vì vậy việc điều hành đưa nước về hạ lưu trong đợt vừa qua, mặc dù đột ngột nhưng lại… rất kịp thời và góp phần cắt lũ. Việc chủ hồ vận hành khẩn cấp dẫn đến việc nước đưa về hạ lưu nhanh, tăng đột ngột gây thiệt hại thì điều này khó tránh khỏi được,” ông Tý lý giải.

Ông Tý cũng cho rằng “việc xả lũ chiều 28 Tháng Mười, là thời điểm phù hợp vì xả vào ban ngày, người dân có thể kịp thời di chuyển đồ đạc và con người. Việc điều hành của thủy điện Đăk Mi 4 cũng không vi phạm quy trình, không sai quy trình và rất là kịp thời giảm lũ cho hạ lưu.”

Cùng dành lời khen cho việc xả lũ của Đắk Mil 4, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Mạc Vĩnh Châu, phó Phòng Quản Lý Năng Lượng Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, nói: “Thủy điện Đắk Mi 4 đã tham gia rất tốt trong việc cắt lũ. Việc lũ về tại Nam Giang là bất khả kháng, chúng tôi đề nghị chính quyền tuyên truyền nói rõ cho bà con hiểu.”

Nghe các ý kiến ngược chiều này, ông Lê Văn Hường thắc mắc việc bão số 9 gây mưa không lớn, nhưng nước về hồ Đắk Mi 4 lại tới 17,000 khối/giây. “Vậy tôi hỏi nước đó ở đâu ra?” ông Hường đặt câu hỏi.

Đáp lời, ông Trương Xuân Tý biện minh cho rằng để trả lời cho câu hỏi vì sao lại có lượng nước khổng lồ như vậy thì “cần có sự tham gia đánh giá của các nhà khoa học.”

Trong khi đó, ông A Viết Sơn bực tức nói: “Quy trình thì đúng mà dân thì vẫn thiệt hại, nói như vậy thì huyện sai, bà con đều sai hết? Chúng tôi là cán bộ và hơn ai hết cảm nhận rõ mất mát của bà con. Nếu giờ mà nói thủy điện đúng, rồi không bồi thường thì chúng tôi ăn nói ra sao với dân?”

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào ngày 2 Tháng Mười Một. (Hình: Mạnh Cường/Thanh Niên)

Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Quang Bửu cho rằng vì người dân ở huyện Nam Giang “nằm quá sát đập thủy điện Đắk Mi 4 nên khi xả lũ thì mực nước dâng lên nhanh.”

Ông Bửu đề nghị chung chung rằng chính quyền huyện nên “tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thời đề nghị phía thủy điện Đắk Mi ‘có trách nhiệm hỗ trợ để bà con trở lại cuộc sống ‘bình thường mới’.” (Tr.N)

Đắk Nông: ‘Có cán bộ thuê người phá rừng thông trái phép’

 ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Nhiều rừng thông dọc các quốc lộ thuộc tỉnh Đắk Nông đã bị đầu độc, bức tử để lấn chiếm đất rừng với sự “dung túng” của cán bộ địa phương.

“Một bộ phận cán bộ, đảng viên không thực hiện tốt trách nhiệm… Thậm chí, có trường hợp cán bộ thuê người cắt thông trái quy định. Để xảy ra tình trạng phá rừng, nhất là rừng thông, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật có phần trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng huyện Đắk G’Long. Trong đó, chính quyền địa phương các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước.”

Một mảng rừng thông bị bức tử dọc quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông. (Hình: Dương Phong/Dân Trí)

Đây là một trong những nội dung được Tỉnh Ủy Đắk Nông kết luận về nguyên nhân rừng thông “chết trắng” dọc quốc lộ 28, đoạn qua huyện Đắk G’long.

Theo báo Dân Trí, trước tình trạng rừng thông bị tàn phá, đầu độc, đất rừng bị lấn chiếm, gây bất bình công luận, làm mất an ninh trật tự địa phương, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Công An huyện Đắk G’long “đẩy nhanh việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm Lâm Luật; đặc biệt tập trung làm rõ những đối tượng có dấu hiệu bảo kê, kích động cầm đầu, lôi kéo người dân phá và hủy hoại rừng.”

Đối với diện tích rừng thông đã chết, Tỉnh Ủy Đắk Nông “đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy Ban Nhân Dân huyện Đắk G’long.”

Trước đó sau phản ánh của nhiều báo, đài trong nước, đoàn kiểm tra do một phó bí thư Tỉnh Ủy Đắk Nông dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra “vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng dọc quốc lộ 28, đoạn qua hai xã Quảng Sơn và Đắk Ha, thuộc huyện Đắk G’long.”

Theo biên bản kết luận sau khi kiểm tra, từ năm 2010 đến 2019, diện tích rừng ở hai xã Quảng Sơn và Đắk Ha giảm gần 226 hécta, trong đó có gần 32 hécta rừng thông đã bị đổ hoá chất vào thân cây cho chết. Thế nhưng, phần lớn các vụ phá rừng đều “không xác định được người phá hoại để xử lý theo quy định.”

Tỉnh Ủy Đắk Nông chỉ ra “thủ phạm” là công ty Thương Mại Nguyên Vũ, từng thuộc sở hữu của một nguyên lãnh đạo Công An tỉnh Đắk Nông, đã “để mất một phần rừng thông do công ty quản lý,” song không đề cập đến việc xử lý.

Giải thích về sự việc trên, đoàn kiểm tra chỉ nêu chung chung cho rằng: “Từ nhiều năm trước đây đã có thông tin thành lập huyện mới (tại xã Quảng Sơn), nên tình trạng giá đất thị trường tăng cao khiến xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất đai diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Công tác quy hoạch ba loại rừng còn bất cập, chưa phù hợp. Việc giao đất giao rừng chỉ diễn ra trên số liệu hồ sơ mà không thực địa…”

Tính đến thời điểm này, có hàng ngàn cây thông từ 30 đến 40 năm tuổi bị hạ độc bằng hóa chất. (Hình: Dương Phong/Dân Trí)

Trước đó từ năm 2010 đến nay, các cơ quan hữu trách trong tỉnh đã kỷ luật hành chính, kỷ luật đảng đối với 65 đảng viên, cán bộ và người lao động sai phạm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất đai.

Riêng huyện Đắk G’long, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An huyện đã khởi tố sáu vụ án và bốn bị can liên quan đến “hủy hoại rừng.” (Tr.N)