Saturday, April 23, 2016

Về một chuyến đi

Theo Người Việt04-23-2016 3:50:24 PM 
Lê Phan
Hải quân Mỹ đang triển khai Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS John C Stennis tới Biển Đông

Trong suốt một tuần lễ vào đầu tháng 4 ở Á Châu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã viếng thăm hai hàng không mẫu hạm, tiết lộ những thỏa thuận quân sự mới với Ấn Độ và Philippines, và nói chung đưa ra những chỉ dấu cho tất cả mọi người thấy là chính phủ Obama đã quyết định nghiêng về một giải pháp sử dụng vũ lực để đối chọi lại với tham vọng lãnh thổ của Trung Cộng trong vùng.

Với một sự pha trộn vừa trình diễn vừa những biện pháp cụ thể trong suốt sáu ngày viếng thăm Ấn Độ và Philippines, Tiến Sĩ Carter đã cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa là Hoa Kỳ có ý định tăng cường các liên minh và di chuyển thêm quân cụ và binh sĩ vào vùng để đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Cộng.

Hôm Thứ Sáu 15 tháng 4, ông đáp trực thăng đến một biểu tượng của quyền lực Hoa Kỳ ở Biển Đông, một hàng không mẫu hạm hạt nhân loại Nimitz, chiếc USS John C. Stennis, trong khi mẫu hạm này đang đi qua Biển Đông trong khu vực mà Trung Cộng bảo là của họ. Chưa hết, trên mẫu hạm này, ông Carter loan báo một loạt những sáng kiến khác, kể cả việc Hàng Không Mẫu Hạm USS Stennis sẽ đi tuần thường xuyên trong vùng theo sau việc tham dự vào cuộc tập trận thường niên Mỹ Phi mang cái tên là Balikatan, có nghĩa là “sát cánh.”

Trước khi viếng thăm Mẫu Hạm John C. Stennis, ông đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc tập trận kéo dài 11 ngày và tuyên bố là một số binh sĩ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại “để đóng góp cho an ninh và ổn định trong vùng.” Đứng kế bên Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Voltaire Gazmin, ông Carter tuyên bố là hai quốc gia đã có những cuộc đi tuần hải quân chung ở Biển Đông và Hoa Kỳ sẽ có những cuộc đi tuần như vậy với không quân của Philippines.

Một thông cáo của bộ tư lệnh Không Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cũng cho biết là một đơn vị gồm khoảng 200 phi công và nhân viên hỗ trợ sẽ tiếp tục được triển khai ở Philippines. Đơn vị không quân này gồm 10 chiếc A-10C Thunderbolt từ căn cứ Osan ở Nam Hàn, ba chiếc Pave Hawks từ Phi trường Kadena của Nhật Bản. Mục đích của đơn vị này, theo thông cáo, là để “bảo đảm sự hiểu biết lãnh hải và không phận để đem lại an toàn cho các hoạt động quân sự và dân sự trong vùng biển và vùng trời quốc tế. Những chuyến bay này cũng để tăng cường cho các sứ vụ của các phi cơ tuần thám của Hải Quân P-8 Poseidon, hoạt động từ phi trường Clark của Philippines.”

Chuẩn tướng Dirk Smith, giám đốc hoạt động không hành của Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương ở Honolulu giải thích “Việc duy trì đơn vị này chỉ là một cách mà chúng ta duy trì sự hiện diện liên tục và chứng minh quyết tâm của chúng ta cho các nước bạn và đồng minh trong khu vực Ấn độ-Á Châu-Thái Bình Dương.”
Trước đó trong tuần, Bộ Trưởng Carter đã đến thăm một hàng không mẫu hạm của Ấn Độ, lần đầu tiên một vị bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ được mời lên một chiến hạm như vậy, và tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp các hàng không mẫu hạm của Ấn Độ. Ông cũng tiết lộ một thỏa thuận quân nhu tiếp liệu mới và nói là hai quốc gia sẽ hợp tác với nhau trong kỹ thuật quân sự.

Kết hợp với nhau, những biện pháp được ông Carter loan báo hé mở tiềm năng một sự tái xuất hiện hùng hậu về quân sự ở khu vực mà Trung Cộng tin là lãnh thổ của họ và họ sẽ vượt Hoa Kỳ về ảnh hưởng. Chính Phủ Obama có vẻ tin là Trung Cộng sẽ thụt lùi thay vì tiếp tục có những hành động khiến cho những quốc gia láng giềng của họ đang ngày càng mong muốn sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ.

Hơn một lần trong tuần lễ ở Á Châu đó, ông Carter đã dẫn những hành động của Trung Cộng như là động lực đằng sau những căng thẳng trong vùng và, ngầm ý, lý do tại sao các quốc gia láng giềng ngày càng thân cận với Ngũ Giác Đài.
Ngồi với báo chí trong mẫu hạm, ông Carter nói là Trung Cộng không nên coi sự hiện diện của hàng không mẫu hạm này là một sự khiêu khích. Ông nói: “Chúng tôi đã có mặt ở đây từ thập niên này sang thập niên khác. Lý do duy nhất có câu hỏi chỉ vì những gì xảy ra trong năm vừa qua, và đó là một câu hỏi về cách hành xử của Trung Quốc. Chuyện không có gì mới lạ là sự hiện diện của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong vùng. Điều mới là khuôn khổ và căng thẳng có sẵn, mà chúng tôi muốn giảm thiểu.”

Trung Cộng đã theo dõi kỹ chuyến công du của ông Carter, vốn đáng lẽ bao gồm cả một cuộc viếng thăm Bắc Kinh nhưng đã bị hủy bỏ trong lịch trình cách đây vài tuần lễ. Trong một thông cáo vào đêm khuya hôm Thứ Năm, 14 tháng 4, Bộ Quốc Phòng Trung Cộng cáo buộc Hoa Kỳ đã trở lại “suy nghĩ kiểu Chiến Tranh Lạnh” và nói là quân đội Trung Quốc sẽ “theo dõi kỹ lưỡng tình hình và cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc.”

Chưa hết, hôm Thứ Sáu, 15 tháng 4, Trung Cộng đột nhiên tiết lộ là sĩ quan cao cấp nhất của quân đội, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương Thượng Tướng Phạm Trường Long đã viếng thăm quần đảo Trường Sa, vốn có vẻ như là để đưa ra chỉ dấu về quyết tâm của Bắc Kinh ở Biển Đông, mà họ đã tuyên bố hầu hết là lãnh thổ của họ, bất chấp mọi công ước và thông lệ về biển cả.

Hôm Thứ Hai, 18 tháng 4 vừa qua, Hải Quân Hoa Kỳ loan báo là sẽ theo dõi hoạt động của Trung Cộng ở Biển Đông bằng những tàu ngầm điều khiển từ xa, những drone chạy dưới biển. Trong mấy tháng nay Ngũ Giác Đài đã công khai hóa một chương trình, có thời là tối mật, về phát triển những tàu ngầm tự điều khiển hay điều khiển từ xa, mà nay đã trở thành một kế hoạch của Hoa kỳ để ngăn ngừa Trung Cộng tìm cách chế ngự vùng theo tờ Financial Times.

Tờ Financial Times nói là chứng kiến cảnh Trung Cộng đang xây dựng sự hiện diện ở Biển Đông, từng hòn đảo nhân tạo một, quân đội Hoa Kỳ đang trông cậy vào kỹ thuật để giúp duy trì thế thượng phong. Ông Carter đã đặc biệt nhắc đến các tàu ngầm tự điều khiển trong một bài diễn văn về chiến thuật ở Á Châu và ngầm ý nói đến tiềm năng nó có thể được sử dụng ở Biển Đông, nơi có những vùng biển khá cạn.

Trên Hàng không Mẫu hạm Stennis, ông Carter cũng đã nói đến đầu tư của Ngũ Giác đài vào tàu ngầm “kể cả những tàu ngầm tự động hay điều khiển từ xa đủ kích thước và với trọng tải đủ loại, và quan trọng hơn, có thể hoạt động trong vùng biển cạn nơi mà những tàu ngầm có người điều khiển không vào được.”

Qua việc bật mí những kỹ thuật mới như tàu ngầm tự động, một số có thể bắt đầu đưa vào hoạt động vào cuối thập niên này, Ngũ giác đài muốn ngăn ngừa những đối thủ tiềm tàng như Trung Cộng hay Nga bằng cách cho họ thấy sự thắng thế về quân sự của Hoa Kỳ. Những tàu điều khiển từ xa hay tự động này là sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ vào ngành trí tuệ nhân tạo và robot để có thể làm sao giữ ưu thế.

Ông Shawn Brimley, một cựu viên chức của cả Tòa Bạch Ốc lẫn Ngũ Giác Đài, nay ở Trung Tâm Nghiên Cứu New American Security giải thích: “Ý tưởng là nếu chúng ta có khi nào đó phải đụng độ ở Biển Đông, thì người Trung Quốc sẽ không biết chắc loại khả năng mà Hoa Kỳ có thể có. Việc này có thể có một ảnh hưởng ngăn ngừa nào đó cho tiềm năng có những hành động hung hăng.”

Với cạnh tranh quân sự tăng cường ở vùng Tây Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, tàu ngầm nay trở thành một yếu tố quan yếu. Việc Trung Cộng đã đầu tư mạnh vào hỏa tiễn đã khiến cho các lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ có thể bị lâm nguy cũng như là một số chiến hạm nổi. Kết quả của việc này là Hoa Kỳ đã đầu tư 8 tỷ đô la năm tới vào tàu ngầm để “bảo đảm là những tàu của chúng ta đáng sợ nhất, phát triển nhất trong lực lượng dưới biển và chống tàu ngầm.”

Tất cả những tiết lộ của Bộ Trưởng Carter ở Á Châu cho thấy tầm mức của hoạt động của Hoa Kỳ ở Đông Á. Nhưng Chính Phủ Obama từ chối diễn tả thái độ với Trung Cộng này là sự hồi sinh của chính sách “bao vây,” chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh nhằm ngăn ngừa sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng Sản. Ngược lại, ông Carter nói những sáng kiến quân sự mới trong vùng hoàn toàn trong khuôn khổ chính sách từ trước đến nay của Hoa Kỳ là hoạt động mật thiết với những quốc gia chia sẻ quyền lợi chung.

Ông Carter tuyên bố: “Chính sách của Hoa Kỳ tiếp tục là một chính sách chuộng nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp, giải quyết hợp pháp những vấn đề như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, hay bất cứ nơi nào khác, tự do hải hành và tự do mậu dịch. Nay những quốc gia nào không chấp nhận những điều này, không đồng ý theo những điều này, sẽ tự cô lập chính họ. Đó là tự cô lập chứ không phải bị chúng tôi cô lập.”

Trump, Cruz, Sanders, Clinton đều chống TPP?

Donald Trump, Hillary Clinton, Ted Cruz and Bernie Sanders. (Getty Images via JTA)

Ngô Nhân Dụng

Bốn ứng cử viên tổng thống dẫn đầu hai đảng lớn đều có khuynh hướng chống Thỏa Ước Mậu Dịch Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP), trong đó có Việt Nam mà không có Trung Quốc.

Các ông Donald Trump và Ted Cruz chống tự do mậu dịch nói chung, với những lời lẽ hùng hồn nhất, hoàn toàn trái ngược với chủ trương cố hữu của đảng Cộng Hòa, nhưng họ chú ý nhất tới Trung Quốc và Mexico. Bên đảng Dân Chủ, ông Bernie Sanders là người theo “chủ nghĩa xã hội” tất nhiên chống mậu dịch tự do; nhưng bà Hillary Clinton cũng không đồng ý với thỏa hiệp TPP mà chính quyền Barack Obama đã ký kết. Nếu một trong bốn vị này lên làm tổng thống Mỹ năm 2017, liệu thỏa hiệp TPP có bị bỏ xó hay không? Có lẽ chúng ta không cần lo lắng quá. Vì vào năm 2008, khi vận động tranh cử, Nghị Sĩ Obama cũng chống tự do mậu dịch; nhưng sau đó chính phủ ông đã vận động cho thỏa hiệp TPP thành hình, và đang tiến hành một thỏa hiệp Xuyên Ðại Tây Dương sâu và rộng hơn nữa.

Trong mùa tranh cử, các ứng cử viên đều phải chiều theo ý những người đang mất việc vì hàng nhập cảng khiến nhiều xí nghiệp Mỹ đóng cửa, hoặc vì các công ty đem công việc ra nước ngoài làm rẻ hơn. Các công đoàn đều chống tự do mậu dịch, cho nên ông Sanders chỉ trích TPP mạnh nhất, ông nói: “Chúng ta cần những hiệp ước mậu dịch đem lợi ích cho công nhân và người tiêu thụ, chứ không chỉ lợi cho ban giám đốc các đại công ty liên quốc!” Bà Hillary Clinton sợ ông Sanders chiếm mất phiếu của công đoàn, cũng phụ họa với luận điệu úp mở, dè dặt hơn: “Tôi vẫn tin vào mục tiêu một thỏa hiệp mậu dịch mạnh mẽ và công bằng trong chiến lược rộng lớn quốc tế cũng như quốc nội, như tôi vẫn tin tưởng như vậy khi làm ngoại trưởng.” Nhưng bà lại nói thêm: “Dựa trên những điều tôi biết thì tôi không thể ủng hộ thỏa hiệp (TPP) hiện nay.”

Ông Trump được nhiều người ủng hộ khi giải thích tại sao nhiều người mất việc: “Họ không có việc làm vì Trung Quốc lấy hết việc, vì Mexico lấy hết việc! Họ lấy hết công việc của chúng ta!” Ông Trump nói rõ ràng sẽ đánh thuế 45% trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Lúc đều, ông Curuz mới nghe đã phản công, đặt câu hỏi: “Làm sao các bạn có thể bầu cho một ông tổng thống đòi đánh thuế 45% trên những cái tã khi bạn cần mua tã lót cho con, trên quần áo khi bạn cần mua quần áo?”

Tuy nhiên, ông Cruz cuối cùng lại nói giống ông Trump. Trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Cộng Hòa, khi được hỏi về TPP, ông Cruz nói: “Mậu dịch quốc tế giết chúng ta!” (We're getting killed in international trade); vì chính quyền hiện nay không bảo vệ công nhân, họ đưa công việc làm ra nước ngoài. Một cách cụ thể, ông Cruz đề nghị, “chúng ta cần một kế hoạch thuế khóa, như tôi đã đề nghị, kế hoạch này nó không đánh thuế hàng xuất cảng, nó đánh thuế hàng nhập cảng, nó sẽ mang trở về nước Mỹ hàng triệu công việc làm với lương bổng cao.”

Nhưng đánh thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc và Mexico thì các nước này sẽ trả đũa, họ cũng đánh thuế nhập trên hàng Mỹ. Công ty nghiên cứu kinh tế Moody đã phân tích, kết luận rằng kinh tế Mỹ sẽ giảm mất 4.6% vào năm 2019 nếu hai nước trên đánh thuế trả đũa. Nước Mỹ sẽ mất 7 triệu công việc làm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên tới 9.5% vào giữa năm 2019; và ngân sách quốc gia sẽ khiếm hụt thêm 60%. Nếu hai nước trên không trả đũa thì tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng giảm xuống số không, và hơn 3 triệu công việc làm cũng sẽ mất.

Ông Donald Trump giải thích tại sao tự do mậu dịch làm thiệt hại nước Mỹ, ông nói: “Tự do mậu dịch tuyệt vời (wonderful) đối với những người khôn (smart people, ý nói những người trong chính quyền). Nhưng chúng ta không có những người khôn. Chúng ta có những người ngốc (stupid), những người bị các nhóm quyền lợi tư chi phối.”

Nói cả guồng máy chính quyền Mỹ, từ hàng thế kỷ nay, chỉ toàn những người ngốc, thật khó tin. Nước Mỹ xưa nay vẫn đề cao mậu dịch tự do. Một quy tắc của kinh tế tư bản, từ Adam Smith đã nhận thấy, là loài người chỉ trao đổi khi hai bên đều có lợi. Sức mạnh của nước Mỹ là do kinh tế tự do, tạo cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Vì người ta tin rằng dân Mỹ nhờ sống tự do cho nên nhiều sáng kiến, nhiều nhà kinh doanh táo bạo hơn, cuối cùng có mậu dịch tự do thì người Mỹ sẽ được lợi.

Một sự thật mà các ứng cử viên tổng thống không nói ra, là nước Mỹ không hề có một thỏa ước tự do mậu dịch với Trung Quốc. Chính phủ Obama vẫn không cho Trung Cộng tham dự TPP mặc dù nó mang tên Xuyên Thái Bình Dương. Hàng Trung Quốc tràn ngập vào Mỹ từ năm 2001, vì năm đó Bắc Kinh đã gia nhập WTO - Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Trước năm 2001, chính phủ Mỹ có thể đánh thuế hàng Trung Quốc tùy ý. Năm 2000, số hàng nhập cảng từ Trung Quốc chỉ chiếm 1% tổng sản lượng nội địa (GDP) của Mỹ, năm 2015 đã tăng lên thành 2.7%.

Nhưng giới tiêu thụ ở Mỹ được hưởng lợi nhờ hàng rẻ mua từ Trung Quốc. Giá quần áo bây giờ vẫn rẻ như giá năm 1986. Ðồ đạc trong nhà rẻ như năm 1980. Người ta đã tính ra, trong năm 2008, trung bình mỗi người Mỹ được lợi 250 đô la nhờ nhập cảng hàng Trung Quốc. Những người được lợi nhất là dân nghèo, còn dân khá giả không mua hàng Trung Quốc. Số khiếm hụt mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ phản ảnh tình trạng dân Trung Hoa làm nhiều mà hưởng ít, trong khi dân Mỹ thường tiêu tiền thoải mái, có khi chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Dân Trung Hoa bị chính quyền “cưỡng bách tiết kiệm,” còn dân Mỹ được khuyến khích tiêu thụ!

Từ năm 2005 đến 2014, hàng Mỹ xuất cảng sang Trung Quốc tăng 200%, dẫn đầu là máy bay, xe hơi, và nông sản. Năm 2010, khi chính phủ Obama bán 6.4 tỷ Mỹ kim vũ khí cho Ðài Loan, Trung Cộng đe dọa sẽ trả đũa, phong tỏa các công ty sản xuất các hỏa tiễn và phi cơ này. Nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục mua máy bay của hãng Boeing; một nửa máy bay đang dùng ở Trung Quốc do Boeing làm, vẫn cần mua đồ thay thế.

Nhiều xí nghiệp chế tạo ở Mỹ phải đóng cửa, phần lớn vì kỹ thuật đã lỗi thời đang được thay thế bởi những xí nghiệp dùng kỹ thuật mới, cũng do Mỹ sáng chế. Chỉ có một phần nhỏ đóng cửa vì bị hàng Trung Quốc cạnh tranh. Một cuộc nghiên cứu tính ra rằng từ năm 1999 đến 2011, số công việc trong công nghiệp chế tạo ở Mỹ bị xóa bỏ là 5.5 triệu thì số công việc mất vì bị hàng nhập cảng từ Trung Quốc chỉ chừng một triệu. Giả thiết mỗi đô la mua hàng Trung Quốc làm mất một đô la mua hàng do công nhân Mỹ làm ra, một cuộc nghiên cứu khác thấy từ năm 2000 đến 2007, trong số trung bình mỗi năm 484,000 công việc bị xóa bỏ thì con số mất vì nhập cảng hàng Trung Quốc chỉ có 188,000. Số còn lại là do kỹ thuật thay đổi. Trong cùng thời gian đó, nước Mỹ mỗi tháng có 5 triệu người Mỹ mất việc và 5.1 triệu người bắt đầu việc làm mới. Ảnh hưởng của hàng nhập cảng trên thị trường lao động thực ra không lớn như người ta tưởng.

Ngay cả khi các xí nghiệp đem công việc đưa sang các nước nghèo làm, thì nhiều người Mỹ cũng được lợi, vì họ vẫn làm những công việc cần kỹ thuật cao. Khi một món hàng bán giá rẻ nhờ được lắp ráp ở Trung Quốc, Việt Nam hay Malysia thì công ty sẽ bán được nhiều hơn. Những công nhân của công ty này ở Mỹ sẽ được trả lương cao hơn, trong khi họ làm những công việc cao cấp không thể đưa ra nước ngoài. Một máy điện thoại di động iPhone ráp ở Trung Quốc chỉ mang lại cho người Trung Hoa 1% của giá bán, trong khi hơn 50% trả cho những người làm cho công ty Apple ở Mỹ, trong đó có các kỹ sư nghiên cứu, thiết kế và vẽ kiểu cái máy này.

Tại sao những lời lẽ chống tự do mậu dịch lại thu hút được nhiều cử tri, khiến cả bốn ứng cử viên trong hai đảng đều hô hào cùng một luận điệu như vậy?

Lý do chính là những lợi ích mà tự do mậu dịch đem lại không nhìn thấy dễ dàng. Những người được hưởng lợi trải rộng ra trong nhiều giới, tản mác nhiều nơi. Ðược lợi nhất là người tiêu thụ, rồi tới các xí nghiệp xuất cảng, các nhà cung cấp cho họ, và những công nhân nhiều khi không biết mình đang làm nguyên liệu hay bộ phận trong một món hàng hóa sẽ xuất cảng. Trong khi đó, những người thấy bị thiệt thòi vì hàng nhập cảng thì thường tập trung trong một số xí nghiệp, đặc biệt trong một số vùng, một số thành phố. Những thiệt thòi này rất dễ nhìn thấy, những người bị thiệt rất lớn tiếng khi than phiền.

Nhưng dù các ứng cử viên hô hào thế nào, khi lên làm tổng thống họ sẽ thay đổi. Các cố vấn kinh tế sẽ giải thích cho họ biết tự do mậu dịch là một nền tảng tạo ra sức mạnh của nước Mỹ. Thỏa Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) sẽ không biến mất sau khi nước Mỹ bầu tổng thống mới vào cuối năm nay!

 Theo Người Việt-04-22-2016 6:58:04 PM

Sản xuất tiến sĩ như gà đẻ: Mỗi ngày một ‘tiến sĩ’

HÀ NỘI (NV) - Giống như gà đẻ mỗi ngày một trứng, học viện Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội cho ra lò mỗi ngày một tiến sĩ thuộc các ngành khác nhau đang làm dư luận nghi ngờ về phẩm chất tấm bằng.

Tần xuất cho ra lò tiến sĩ tại học viện Khoa Học Xã Hội rất lớn. (Hình: GDVN)

Theo tờ Giáo Dục Việt Nam (GDVN), chỉ riêng hai năm 2015-2016, trường nói trên “có chỉ tiêu cho ra lò 700 tiến sĩ; thông tin bung ra, lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách trốn tránh, loanh quanh.”

Theo tờ GDVN, dư luận xã hội, thậm chí cả những nhà sư phạm mấy ngày qua đều tỏ ra bất ngờ với “năng suất” cho ra lò nhiều tiến sĩ tại học viện Khoa Học Xã Hội (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam).

Tờ GDVN nói có những người tự tính toán cơ học từ chính nguồn là trang web của học viện thì thấy rằng, tính trung bình “năng suất” năm 2015 là 1 ngày 3 giờ 55 phút sẽ có 1 tiến sĩ được bảo vệ thành công. Cũng với thống kê chưa chính thức khác, năm 2016, kể từ đầu năm đến đầu tháng 4, học viện đã tổ chức bảo vệ thành công cho 58 tiến sĩ, năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút/tiến sĩ.

Với những gì đã diễn ra trong năm 2015, từ 1 tháng 1, 2015 đến 31 tháng 12, 2015, học viện Khoa Học Xã Hội cho “ra lò” 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 1 ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò 1 tiến sĩ.

Được biết, trên trang thông tin của học viện có dữ liệu: Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. Như vậy hai năm là 700 tiến sĩ. “Với chỉ tiêu này, vài năm sau (nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh) ước chừng sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới 1 ngày làm việc một tiến sĩ,” nguồn tin nói.

Nếu người bảo vệ luận án tiến sĩ có công trình nghiên cứu có giá trị là vấn đề khác, tờ GDVN dẫn ra một số luận án tiến sĩ được loan báo “bảo vệ thành công” như “đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã”; “Lời cầu khiến trong tiếng Anh (so với tiếng Việt-Bình diện lịch sự)”; hay như “Câu bị động tiếng Anh và các phương thức dịch sang tiếng Việt”; “Thần thoại về mặt trời ở Việt Nam”; “Hành vi nịnh trong tiếng Việt...”

Tờ GDVN nói chứng kiến hiện tượng này, có người bình luận: “Nhìn chung sự thích có cái danh, cái uy lấn át cái thực tiễn cống hiến hay phụng sự cộng đồng. Việc bảo vệ luận án hầu như đều có chữ:... đã thành công ,chưa thấy ai bảo vệ không thành công.”

Phóng viên báo GDVN đã xin gặp để phỏng vấn nhiều cấp chỉ huy của học viện Khoa Học Xã Hội đều bị tránh né.


Học viện Khoa Học Xã Hội được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam (VASS) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Từ đó đến nay, học viện đã cho ra lò 784 tiến sĩ, số lượng những người làm công tác nghiên cứu trong viện hàn lâm chỉ chiếm khoảng 10%. (TN)
04-23-2016 2:26:49 PM 

Nhiều cây xanh ở Sài Gòn bị đầu độc chết khô

SÀI GÒN (NV) - Hơn chục cây xanh ở cửa ngõ phi trường Tân Sơn Nhất và nhiều nơi khác bỗng trụi lá rồi chết khô, trong khi mùi hóa chất nồng nặng ở gốc. Tin VnExpress ngày 22 tháng 4 loan báo.

Hàng loạt cây xanh bị rụng lá, chết khô trên đường Trường Sơn. (Hình: VnExpress)

Cụ thể, giữa cả trăm cây keo tây xanh tốt chạy dọc vỉa hè đường Trường Sơn đoạn đối diện phi trường Tân Sơn Nhất, có 6 cây bị khô cành, trụi lá gần như đã chết. Phía sau hàng cây là những bảng quảng cáo lớn đã được cho thuê hoặc còn để trống.

“Nguyên cả hàng cây đang xanh tốt, chỉ có 6 cây tự nhiên khô lá là không bình thường chút nào. Khu vực này không có công trình xây dựng, còn hệ thống nước tưới tự động vẫn hoạt động,” ông Phạm Lai (62 tuổi), ngụ trên đường Trường Sơn nhận xét.

Cũng nhận ra sự thay đổi rõ rệt của hàng cây, bà Trần Thanh Lan (40 tuổi), bán nước gần đấy nói: “Mỗi lần tôi dọn hàng đi ngang các gốc cây đều ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc.”

Ngoài những cây này, hiện hai cây sọ khỉ trước trụ sở Liên Đoàn Lao Động Sài Gòn, đường Cách Mạng Tháng Tám đang rụng lá, chết dần; 4 cây lim sét trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 cũng chung số phận mà “không rõ nguyên nhân.”

Tuy nhiên, nói với VnExpress, ông Nguyễn Bật Hận, phó chánh thanh tra Sở Giao Thông Sài Gòn cho hay, đã nhận được phúc trình nhanh của các đơn vị về tình trạng cây xanh chết bất thường thời gian qua. Trong đó có việc phát hiện mùi hóa chất dưới gốc cây.

“Nghi ngờ cây xanh bị bức tử, đơn vị đã báo với công an địa phương vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, khó để bắt quả tang việc này. vì người có động cơ thường ra tay vào ban đêm, đổ hóa chất khiến cây chết từ từ; nhân viên quản lý cây xanh rất ít, không thể theo dõi bảo vệ từng cây được. Mức chế tài đối với hành vi xâm hại cây xanh hiện quá nhẹ, không đủ mức răn đe nên tình trạng xâm hại cây xanh vẫn còn nhiều,” ông Hận nói.
Theo thống kê của công ty Công Viên Cây Xanh Sài Gòn, trong năm 2015 thành phố này đã có hơn 730 cây xanh bị xâm hại, đầu độc. (Tr.N)

04-23-2016 2:32:20 PM 

Ngư dân phát giác ‘đường ống khổng lồ’ ở đáy biển Vũng Áng

IỆT NAM - Chưa rõ phát giác vừa kể có liên quan đến tình trạng các loại cá tại vùng biển suốt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết, nổi trắng biển hay không.
Viên chức ở Quảng Trị kiểm tra tình trạng cá chết, nổi trắng khu vực bờ biển Quảng Trị. (Hình: Thanh Niên) 

Báo chí Việt Nam cho biết, mới đây, khi lặn xuống biển săn hải sản, ngư dân Nguyễn Xuân Thành, 36 tuổi, ngụ ở phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã tìm thấy một “đường ống khổng lồ” dài khoảng 1.5 cây số, đường kính khoảng 1.1 mét.

Theo ông Thành, đường ống này chạy từ Formosa Hà Tĩnh thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng ra biển.

Formosa Hà Tĩnh là tên gọi dự án đầu tư của Tập Đoàn Formosa của Đài Loan tại Hà Tĩnh. Sau khi Formosa trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh, với tổng vốn đầu tư là $15 tỷ, tại khu kinh tế Vũng Áng, chính quyền Việt Nam đã quyết định giao cho tập đoàn này 2,000 héc ta đất và 1,200 héc ta mặt nước để làm cảng Sơn Dương.

Dự án vừa kể khiến 3,000 gia đình bị thu hồi đất, giải tòa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của khoảng 20,000 người. Chưa kể có 15,000 ngôi mộ bị cải táng. 58 nhà thờ bị dỡ bỏ.
Chính quyền Việt Nam đã từng dành cho Tập Đoàn Formosa nhiều ưu đãi khi đầu tư Dự Án Formosa Hà Tĩnh: Cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỉ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Dự Án Formosa Hà Tĩnh khởi công vào cuối năm 2012 và ngay sau đó trở thành túi chứa công nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.

Trong vài năm gần đây, bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh liên tục đòi thêm nhiều ưu đãi khác. Ví dụ đề nghị cho phép lập “Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với Ban Quản Lý “trực thuộc văn phòng chính phủ.” Đề nghị thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Chưa kể bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh còn đề nghị “được cắt đất để bán cho khoảng 15,000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60,000 người nhằm xây dựng một thị trấn...”

Cách nay vài ngày, sau khi xảy ra tình trạng các loại cá tại vùng biển suốt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết, nổi trắng biển, nhiều người bày tỏ nghi ngờ đó là do Formosa Hà Tĩnh lén lút xả nước thải và chất thải ra biển song giới hữu trách tại Việt Nam bác bỏ giả thiết này vì “thiếu chứng cứ.”

Cho đến nay, giới hữu trách tại Việt Nam chỉ khuyến cáo dân chúng không nên mua bán, ăn cá chết và tổ chức vớt, thiêu hủy cá chết để tránh tình trạng cá chết khiến vùng biển gần bờ của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ô nhiễm. Trừ Quảng Trị loan báo đã vớt và tiêu hủy 30 tấn cá chết, ba tỉnh còn lại chưa công bố thống kê thiệt hại về nguồn lợi hải sản.

Trong khi giới hữu trách tại Việt Nam còn đang lúng túng trong việc xác định nguyên nhân thì phát giác của ngư dân Nguyễn Xuân Thành khiến nghi ngờ cá chết do Formosa Hà Tĩnh xả nước thải và chất thải ra biển trở thành mạnh mẽ hơn trước.

Ông Thành kể rằng “đường ống khổng lồ” mà ông đã thấy không đặt trên bề mặt đáy biển mà được che đậy bằng các bao cát và đá hộc. Ở điểm cách bờ khoảng 1.5 cây số, đường ống có đường kính 1.1 mét được tách ra thành ba đường ống nhỏ hơn, đường kính của mỗi đường ống nhỏ khoảng 40 centimeter.
Theo lời ông Thành thì nước được bơm rất mạnh từ trong lòng ống vào lòng biển và có màu vàng đục, sền sệt, nặng mùi. Ông Thành đã báo phát giác của ông cho Đồn Biên Phòng Đèo Ngang, thuộc Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Hà Tĩnh.

Một viên trung tá là chỉ huy phó Đồn Biên Phòng Đèo Ngang cho biết, nơi này chưa làm gì cả vì cấp trên chưa chỉ đạo. Một viên vụ phó Vụ Nuôi-Trồng Thủy Sản thuộc Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, xác nhận đã biết phát giác vừa kể nhưng cơ quan này cũng đang chờ chỉ đạo vì khu kinh tế Vũng Áng “có yếu tố nước ngoài” nên không thể đột ngột xông vào kiểm tra. (G.Đ.)

04-22-2016 1:59:29 PM 

Quán ăn bị 'khủng bố' bằng mắm tôm, nghi do cạnh tranh

TUYẾN PHAN - 23/4/2016 - 20:22
(PLO)- Hai nghi phạm đi xe máy ném chiếc phích chứa sơn và mắm tôm xuống cửa quán ăn. Chiếc phích bị vỡ, khiến chất bẩn bên trong bắn tung tóe ra quán.

Ngày 23-4, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài khoảng một phút, ghi lại cảnh một quán ăn bị “khủng bố” bằng chất bẩn. Được biết, đoạn clip này do Fanpage của một quán ăn chuyên bán đồ nướng tại một phố trên đường Nguyễn Khiết (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đăng tải.
Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 20-4. Hình ảnh trong clip do camera an ninh ghi lại, cho thấy vào thời điểm trên, hai nghi phạm đi xe máy xuất hiện ngang qua cửa hàng rồi bất ngờ ném một chiếc phích chứa sơn và mắm tôm xuống khu vực cửa quán. Chiếc phích bị vỡ, khiến chất bẩn bên trong bắn tung tóe ra ngoài.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, bên ngoài quán có hai cháu nhỏ đang chơi đùa nhưng may mắn không bị ảnh hưởng.

Hai nam thanh niên đi xe máy, ném chiếc phích chứa sơn và mắm tôm vào cửa quán ăn.
Fanpge của quán ăn này cho hay quán mới chuyển địa điểm từ một con phố khác về địa chỉ hiện tại. Sau khi chuyển đi, một người đã thuê lại địa điểm cũ và cũng mở quán ăn. Tuy nhiên, người này đã sử dụng tên, thực đơn và cả thương hiệu của quán để kinh doanh. Thậm chí người này còn lập một fanpage giống với fanpage của quán nhằm thu hút khách hàng.
Trước sự việc trên, chủ quán đồ nướng đã nhiều lần yêu cầu đối phương chấm dứt các việc làm trên nhưng bất thành. Sự việc tiếp tục kéo dài với nhiều tình tiết khác, đỉnh điểm là vụ ném chất bẩn vừa rồi.
“Hành động ném chất bẩn không những quậy phá địa điểm kinh doanh của quán, mà còn bức xúc hơn khi hai người đi xe máy đã vô tâm khi bỏ ngoài mắt sự an toàn của những đứa trẻ đang chơi gần đó” - fanepage chia sẻ.  

Chiếc phích bị vỡ, khiến sơn và mắm tôm bên trong bắn tung tóe ra ngoài
Ngay sau khi đăng tải, clip đã nhận được hàng ngàn lượt thích và chia sẻ. Đa số các bình luận đều tỏ ra bức xúc vì cho rằng hành động của hai nghi phạm trong clip là hết sức manh động và coi thường tính mạng người khác, nhất là hai em nhỏ đang chơi đùa.
Để tìm hiểu rõ sự việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Hồ Vũ Huy, chủ quán đồ nướng bị ném chất bẩn. Theo anh Huy, nguyên nhân vụ ném sơn và mắm tôm vào cửa hàng rất có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai cửa hàng.
"Quán mình chuyển về đây từ trước tết, vì trên fanpage mình có viết bài cảnh báo về việc cửa hàng bị giả mạo nên họ cũng đã dọa dẫm rồi. Vì để an toàn cho các nhân viên quán nên mình đồng ý gỡ bài xuống để dĩ hòa vi quý, ai ngờ họ lại làm đến mức này. Dù vậy, mình cũng chỉ nghi ngờ vì chưa có bằng chứng gì xác thực" - chủ quán ăn chia sẻ.

Hiện trường xảy ra vụ "khủng bố" bằng chất bẩn.
Cũng theo anh Huy, vào thời điểm xảy ra vụ việc, có hai cháu nhỏ là con của khách hàng đang chơi đùa nên một cháu đã bị dính mắm tôm vào người nhưng được nhân viên bế đi rửa luôn nên không sao. Việc "khủng bố" chất bẩn này cũng chưa gây ra hậu quả gì nặng nề nên anh đang cân nhắc việc trình báo lên công an phường.
Liên hệ với Công an phường Phúc Tân, lãnh đạo cơ quan này cho biết chưa nhận được trình báo nào từ phía chủ quán ăn. Sau khi tiếp nhận thông tin đơn vị sẽ cho kiểm tra lại.
TUYẾN PHAN

Hoàng Anh Gia Lai nguy khốn có phản ứng dây chuyền với ngân hàng?

04/22/2016 - 18:06
Trong bối cảnh số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản vào quý 1/2016 tăng tới 23% so với cùng kỳ năm 2015, một lần nữa người ta nghe tiếng kêu than từ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Hoàng Anh Gia Lai phải đã thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá để vay ngân hàng
Không phải Tập đoàn Tân Tạo của ứng cử viên độc lập quốc hội vừa bị loại là Đặng Thành Tâm, mà chính Hoàng Anh Gia Lai của Đoàn Nguyên Đức đang là cái tên rơi vào vòng nguy khốn có thể phá sản.
Tính đến cuối năm 2015, theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của Hoàng Anh Gia Lai, công ty này có tổng vay nợ gần 27,100 tỷ đồng, đặc biệt là 8,297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Trong đó chủ nợ là các ngân hàng chiếm 24,870 tỷ đồng còn lại là trái phiếu phát hành cho tổ chức tài chính khác.
Để ngân hàng chấp nhận những khoản vay, Hoàng Anh Gia Lai đã phải thế chấp nhiều tài sản. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là công ty của bầu Đức phải thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá. Để vay một số khoản vay ngắn hạn nữa, Hoàng Anh Gia Lai cầm cố thêm Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai.
Trong số các chủ nợ là ngân hàng có Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) với dư nợ lớn nhất - hơn 10,600 tỷ đồng, bao gồm 1,870 tỷ cho vay ngắn hạn và 2,870 tỷ cho vay dài hạn và lượng lớn còn lại 5,900 tỷ đồng trái phiếu.
Ngân hàng Eximbank cũng “dính” với Hoàng Anh Gia Lai gần 4,000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cả BIDV và Eximbank đều là nhóm ngân hàng thuộc lại mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng mới đây, một phó giám đốc chi nhánh BIDV tại Long An đã treo cổ tự tử, chưa rõ vì nguồn cơn gì.
Trong trường hợp Hoàng Anh Gia Lai có “mệnh hệ” gì, chắc chắn hai ngân hàng trên sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vấn đề là khi đó Ngân hàng nhà nước có dang tay “cứu” BIDV và Eximbank, hay để hai ngân hàng này “tự bơi”.
Vào năm 2014 và 2015, Ngân hàng nhà nước đã tìm cách cứu vớt 3 ngân hàng Đại Dương, Xây Dựng và GP bằng cách mua lại với giá 0 đồng, nếu không cả 3 ngân hàng này đã hoàn toàn phá sản.
Nếu trong thời gian tới Hoàng Anh Gia Lai phá sản, đây sẽ là câu chuyện ra đi đầu tiên của một đại gia nằm trong số những người giàu nhất Việt Nam, báo hiệu cơn khủng hoảng kinh tế rất cận kề của đất nước. Tiếp theo đó, gần như chắc chắn sẽ xuất hiện hàng loạt cái tên ngân hàng khác lầm vào tình cảnh mất cân đối tài chính mà Ngân hàng nhà nước không thể “ôm” được.
Do vậy, hiện tượng Hoàng Anh Gia Lai cần được giới phân tích kinh tế đặc biệt chú ý.
Lê Dung / SBTN

Cá chết, ai tiếp sức cho dân vùng biển?

PV-07:01 23/04/2016 
Tất cả loại cá bán ở chợ miền Trung đều bị người mua cho là “cá nhiễm độc”. Ai giúp ngư dân làm rõ cá ấy có an toàn hay không?

Cá chết, ai tiếp sức cho dân vùng biển?
Ảnh minh họa.
Việc cá biển chết bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đang khiến người dân ở miền Trung lo lắng, hoang mang.
Ngư dân cần sự rõ ràng, công bằng
Những ngày này ở các làng chài quê tôi, nhiều chợ cá như Bình An ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc; chợ Lộc Hải nằm cạnh vịnh Lăng Cô ảm đạm vô cùng. Những chợ này vốn nổi tiếng hải sản tươi ngon vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc, giờ tất cả đều đìu hiu, ế ẩm. Tôi đã thấy nhiều dân chài buồn bã quanh quẩn trong làng bởi không thể ra khơi. Nhiều tiểu thương ở chợ năn nỉ rát họng vẫn không bán được cá, đành rơi nước mắt lẳng lặng gom cá về nhà.
Kết luận của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Bộ NN&PTNT) cho thấy nguyên nhân dẫn tới cá ở Hà Tĩnh chết hàng loạt là do ngộ độc nước thải. Lòng ngư dân như bị xát muối. Chúng tôi luôn mong sớm rõ ai là thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước và nếu xác định được con người cụ thể, hành vi cụ thể thì cần phải xử lý thật nặng, thật nghiêm. Song song đó, cần phải có những động thái tức thì để hỗ trợ. Bản thân ngư dân lẫn tiểu thương, thương lái những ngày này rất điêu đứng vì tất cả loại cá đều bị người tiêu dùng chụp mũ “nhiễm độc”. Vậy ai, cơ quan nào sẽ trực tiếp giúp ngư dân kiểm định được loại hải sản nào nhiễm độc hay an toàn? Ai sẽ là người đứng ra kết nối truyền thông để người tiêu dùng hiểu được đâu là hải sản không nhiễm độc để hỗ trợ tiêu thụ cá và các loại hải sản không có độc tố?
Trong lúc chờ đợi Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và Sở TN&MT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế lấy mẫu tìm hiểu nguyên nhân do đâu cá chết, ngư dân các tỉnh miền Trung cần được đối xử công bằng, cần được hỗ trợ tiêu thụ hải sản an toàn. Các đợt kiểm tra, các cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục là cần thiết nhưng tình trạng làm ăn, kinh doanh của bà con vùng biển cũng cần được tiếp sức ngay, nếu không sẽ gây nhiều hệ lụy đời sống.
PHÚ XUÂN (2/183 Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, TP Huế)
Cần sớm trả lời: Độc tố từ đâu ra?
Cá chết bắt đầu được phát hiện ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ ngày 7-4, rồi tiếp theo cá chết dạt vào bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhưng dường như cơ quan chức năng vào cuộc quá chậm. Người dân được khuyến cáo rằng cá chết là do độc tố và không nên ăn cá chết bất thường. Vì sao có độc tố ở biển? Chưa có câu trả lời thỏa đáng. Những ngày này, giá cá biển ở chợ các tỉnh trên rớt thê thảm. Dù rất thương ngư dân nhưng chúng tôi cũng ngại ăn cá biển bởi sợ... độc.
Chúng tôi kiến nghị ngay lúc này, chính quyền các tỉnh có cá, tôm chết cần cử lực lượng sớm thu gom cá, tôm chết tiêu hủy; đồng thời có lực lượng và thiết bị kiểm tra miễn phí giúp ngư dân xác nhận số tôm, cá mà họ vừa đánh bắt được an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Chính quyền cũng cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ những hộ dân nuôi cá lồng và đầm tôm bị thiệt hại để sớm khôi phục sản xuất.
Chưa bao giờ người dân miền Trung chúng tôi phải chứng kiến cảnh cá chết nhiều trên diện rộng thế này. Theo dõi trên báo chí, tôi thấy có nghi vấn nước thải từ Khu kinh tế Vũng Áng xả thải gây ô nhiễm. Thực hư thế nào, chúng tôi cần có câu trả lời chính xác, cụ thể. Phải xác định đây là đại họa cho ngư dân miền Trung và vùng biển nói chung, vì vậy đoàn công tác đã vào được khu kinh tế này rồi thì cần phải làm rõ dư luận có hay không đường ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng.
NGUYỄN HOÀNG LÂM (Phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An)
Theo Báo Pháp Luật TPHCM

Vụ cá chết hàng loạt: Formosa đã nhập hàng trăm tấn hóa chất

VĂN THANH - TRẦN LỘC  15:11 23/04/2016 
Trong quý I/2016, Formosa đã nhập hàng trăm tấn hóa chất, chế phẩm sinh học mới vào Việt Nam.

Vụ cá chết hàng loạt: Formosa đã nhập hàng trăm tấn hóa chất
Vụ cá chết hàng loạt: Formosa nhập hàng trăm tấn hóa chất
Liên quan đến việc cá nhiễm độc chết hàng loạt phát sinh từ vùng biển Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh rồi kéo dài vào vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Dư luận đặt ra nhiều hoài nghi về việc môi trường nước bị nhiễm độc do chất thải công nghiệp, hóa chất ở các nhà máy trong khu kinh tế Vũng Áng, trong đó tập trung vào hệ thống xả thải ở tầng nước sâu ra biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa).
Qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất vào Việt Nam phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành nhà máy. Trong số các hóa chất này có nhiều loại hóa chất chỉ sử dụng trong công nghiệp, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nếu không được sử dụng đúng cách hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ngoài ra, theo nguồn tin riêng của P.V, ngày 16/12/2015 Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có nhập lô chế phẩm sinh học HSBEMBM (hay còn gọi là vi sinh vật) để xử lý nước thải.
IMG_3806

Cá biển chết trôi dạt vào bờ.
Tuy nhiên, do đây là loại chế phẩm sinh học hoàn toàn mới, lần đầu đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam nên Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên & Môi trường) phải thực hiện các thủ tục xác minh với Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc về tính an toàn của chế phẩm này. Đồng thời tiến hành thẩm định, kiểm nghiệm trước khi cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành chế phẩm này. Đến ngày 5/4/2016, chế phẩm này mới được Tổng cục Môi trường cấp Giấy chứng nhận lưu hành và có công văn gửi đơn vị hải quan cho phép thông quan lô sản phẩm này.
Tính đến thời điểm này, Formosa đã tiến hành nhập 3 lô sản phẩm chế phẩm sinh học HSBEMBM về cảng Sơn Dương với tổng trọng lượng 361 tấn.
Theo đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Vũng Áng, các chế phẩm này có dạng lỏng được chứa trong các thùng phuy trọng lượng 200kg/thùng. Sản phẩm này do Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật môi trường Hán Lam Triết Giang (Trung Quốc) sản xuất.
Tuy nhiên vị đại diện Chi cục hải quan khẳng định, chưa có bất cứ cơ sở nào để nói rằng việc Formosa nhập khẩu các hóa chất và chế phẩm sinh học liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Hiện vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, trước khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra.
Riêng về hệ thống đường ống ngầm dẫn nước thải dài 1,5km sâu dưới biển của Formosa, ông Đặng Bá Lục – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Tĩnh cho biết: Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai xây dựng nhà máy cũng đã có hệ thống đường ống này, không phải đơn vị tự ý xây dựng hay lắp đặt thêm.

Theo Báo Giao Thông Vận Tải

Ngư dân không nhận lại tàu vỏ thép “10 chuyến đi biển hỏng 4 lần”

 NGUYỄN ĐÔNG  20:28 23/04/2016 
Trả lại con tàu sau khi máy chính không hoạt động, ngư dân Lê Văn Sang (Đà Nẵng) cho biết sẽ không nhận lại dù tàu được sửa chữa mà đầu tư vào tàu vỏ thép mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Ngư dân không nhận lại tàu vỏ thép “10 chuyến đi biển hỏng 4 lần”
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 đã được ngư dân trả lại tiền cho công ty đóng tàu ở Khánh Hòa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trao đổi với PV chiều 23/4, anh Lê Văn Sang, chủ tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 cho biết đã hoàn thành việc trả con tàu này cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa). Do tàu bị hỏng tải, chỉ chạy được tốc độ 5,5 hải lý/h, nên phải mất hơn 2 ngày anh Sang mới đưa được con tàu từ Đà Nẵng vào Khánh Hòa.
"Họ đã ký biên bản nhận lại tàu. Tôi cũng không phải trả khoản tiền nào cho phía công ty vì con tàu này bị lỗi. Riêng ngư lưới cụ tôi bỏ tiền mua thì tháo ra để lắp sang tàu vỏ gỗ của gia đình", anh Sang nói. "Tôi cũng không nhận lại con tàu này kể cả khi nó đã được sửa chữa, khắc phục những hạn chế khiến nó hỏng 4 lần sau 10 chuyến đi biển. Tôi và con tàu vỏ thép này không có duyên với nhau".
Sang Fish 01 được hạ thủy hồi tháng 7/2014, công suất 750CV, dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chiều cao mạn 3,6 m, lượng choán nước hơn 180 tấn, có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng. Tàu được đóng theo mẫu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cho ngư dân thuê lại đi đánh bắt, nếu hiệu quả phải hoàn tiền cho Công ty trong 6 năm. Con tàu nàykhông nằm trong đề án được hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Anh Sang cho biết, ngay chuyến ra khơi đầu tiên, tàu đã bị hỏng tời phải về bờ sửa chữa với chi phí khoảng 500 triệu đồng. Tàu bị rung lắc hơn tàu vỏ gỗ, gây khó khăn cho cả nghề lưới vây hay hậu cần. "Làm không có lãi nên tôi quyết định trả tàu", anh Sang nói và cho hay tàu về nằm bờ nhiều tháng nay sau khi hỏng máy chính.
Ngư dân Sang được biết đến là người tiên phong trong việc đánh bắt, thu mua hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và đóng tàu vỏ thép ở Đà Nẵng. Qua con tàu Sang Fish 01, anh có được nhiều kinh nghiệm và quyết định đóng một con tàu vỏ thép lớn hơn, công suất 814 CV ở TP HCM, theo Nghị định 67. Dự kiến tàu sẽ được hạ thủy vào tháng 6 tới.
Theo VnExpress

Hơn 30 cán bộ hải quan tiếp tay chiếm đoạt tiền hoàn thuế

 BÁ CHIÊM  08:55 23/04/2016 
Cơ quan tố tụng xác định 2 cựu sếp Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (An Giang) và cấp dưới đã tiếp tay cho doanh nghiệp khai khống hàng xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Hơn 30 cán bộ hải quan tiếp tay chiếm đoạt tiền hoàn thuế
Chi và đồng phạm đã mua bán trái phép gần 2.400 hoá đơn GTGT . Ảnh: CTV.
Ngày 22/4, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 52 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Mua bán trái phép hoá đơn, xảy ra tại tỉnh An Giang và một số địa phương phía Nam.
Trong số này có 34 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang.
Theo cáo trạng, từ giữa năm 2011 đến tháng 3/2013, Lê Thị Chi - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu Kim Chi (gọi tắt là Công ty Kim Chi) cùng 11 đồng phạm đã sử dụng pháp nhân của 3 công ty để mua bán trái phép gần 2.400 hoá đơn GTGT của doanh nghiệp trong nước.
Có trong tay số hoá đơn GTGT khống với tổng trị giá được ghi gần 444 tỷ đồng, họ đã làm thủ tục hoàn thuế, chiếm hưởng số tiền 42 tỷ đồng.
Để lấy được số tiền này, Chi móc nối với ông Nguyễn Thành Trí - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn 2008 đến tháng 8/2012) và ông Nguyễn Văn Biên - nguyên Chi cục trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn từ tháng 9/2012 đến tháng 10/2013) lập khống 29 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.
Lợi dụng chức vụ, hai cựu lãnh đạo chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền xác nhận khống trên các tờ khai xuất khẩu hàng hoá các công ty do Chi cung cấp.
Cơ quan tố tụng xác định có 34 cán bộ Hải quan cửa khẩu Khánh Bình nhận “bồi dưỡng” tổng cộng 1,7 tỷ đồng của Lê Thị Chi để làm thủ tục hải quan trên các tờ khai xuất khẩu. Riêng ông Trí và Biên lần lượt hưởng lợi 356 và 251 triệu đồng.
Theo Zing news

Cao ốc ở Sài Gòn bị cháy lan, hàng chục người tháo chạy

HẢI HIẾU  19:49 23/04/2016 
Thợ hàn sửa shop thời trang làm tia lửa rơi xuống mái quán ăn bên cạnh, cháy lan sang tòa nhà 8 tầng khiến hàng chục người đang dự hội thảo phải bỏ chạy.

Cao ốc ở Sài Gòn bị cháy lan, hàng chục người tháo chạy
Đám cháy từ mái tranh quán ăn, lan sang trụ sở ngân hàng. Ảnh: A.X.
Chiều 23/4, nhóm thợ hàn bên hông shop thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, TP HCM) làm tia lửa điện rơi xuống mái hiên bằng tranh của quán ăn liền kề, bốc cháy.
Lửa nhanh chóng bùng phát, lan sang tòa nhà 8 tầng - phòng giao dịch ngân hàng, khiến nhiều người hoảng loạn. Hơn 30 người đang dự hội thảo nháo nhào tháo chạy ra ngoài. Hàng loạt xe máy, ôtô được di dời ra khu vực an toàn.
Người dân dùng bình chữa cháy mini cùng vòi rồng của công ty phía đối diện dập tắt lửa trước khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt.
"Lửa bén vào mái tranh, gặp gió mạnh nên cháy dữ lắm, táp lên cả biển hiệu ngân hàng. Tôi hoảng hồn chạy lên báo cho mấy người dự hội thảo. Hôm nay cuối tuần nên ít người làm việc và cũng may bên kia đường có vòi rồng", ông Phạm Văn Hồng (50 tuổi, bảo vệ tòa nhà) cho hay.
cao-oc-o-sai-gon-bi-chay-lan-hang-chuc-nguoi-thao-chay-1
Nóc nhà quán ăn bị thiêu rụi, lan sang cháy xém tường và biển hiệu ngân hàng. Ảnh:  Hải Hiếu.
Hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, song thiêu rụi mái nhà của quán ăn. Vụ việc đang được điều tra.

Theo VnExpress