Monday, March 27, 2017

Vì sao Ngân hàng Thế giới không hứa hẹn gì cho Việt Nam?

Minh Quân-28-03-2017
(VNTB) - Làm sao để Việt Nam vay được tiền của Ngân hàng Thế giới nhằm cứu vãn ngân sách trung ương?
   Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) - bà Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP

Tháng Ba năm 2017. Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) - bà Kristalina Georgieva - vừa đến Hà Nội và được cả Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Km Ngân lẫn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp.

Như thường lệ, bà Ngân và đặc biệt là ông Phúc lại “đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho Việt Nam”. Và cũng theo một thói quen đã ăn sâu vào não trạng tuyên truyền một chiều, sau đó một số tờ báo Việt Nam giật tít “Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam”.

Có thật là Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hay không?

Hãy chú ý, bà Kristalina Georgieva chỉ nói rằng “Ngân hàng Thế giới rất vinh dự là đối tác của Việt Nam” mà không nêu ra bất kỳ cam kết hoặc hứa hẹn cụ thể nào. Và tuyệt đối không có một con số tín dụng nào được WB đưa ra trong các cuộc gặp với phía chính phủ và quốc hội Việt Nam.

Cuộc gặp và “kết quả” trên lại rất giống với những gì diễn ra một năm trước.

Một năm trước, vào ngày 23/2/2016, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã công du Việt Nam và đã được đến 3/4 trong “tứ trụ” tiếp đón trọng thể, từ Tổng Bí thư Trọng, Chủ tịch nước Sang, đến Thủ tướng Dũng. Tuy nhiên khác với những lần làm việc với Ngân hàng thế giới trước đó thường gắn liền với một khoản cho vay tức thời hoặc cam kết cho vay, đã không hiện ra bất cứ một khoản cho vay mới nào từ phía WB.

Khi đưa tin về cuộc gặp đầu năm 2016, mặc dù một số tờ báo nhà nước vẫn tuyên giáo về “Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho Việt Nam”, thậm chí còn giật tít “Ngân hàng thế giới cam kết cho Việt Nam vay tiền”, nhưng nếu để ý sẽ nhận ra “Chủ tịch Jim Yong Kim nhấn mạnh, để góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công những mục tiêu phát triển tiếp theo, WB cam kết sẽ tìm những nguồn lực khác mang tính ưu đãi để Việt Nam giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội” (bài “Công bố Báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ: Phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới”, báo Quân Đội Nhân Dân; chữ đậm để nhấn mạnh).

Có nghĩa là không có, hoặc không còn nguồn cho vay từ WB.

Trước đó vào tháng 12/2015, WB đã đưa ra một quyết định mà đã khiến phía Việt Nam hụt hẫng: Dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.

Lý do được WB đưa ra: Giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của Ngân hàng thế giới cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi. Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9,5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.

Sẽ chẳng là gì với Việt Nam nếu WB chỉ là loại “tôm tép”. Thế nhưng tổ chức này lại là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Hà Nội: chiếm gần 30% nợ vay song phương.

Cũng vào tháng 12/2015, WB đã làm một hành động chưa từng có: Yêu cầu chính phủ Việt Nam sớm ban hành Luật Lập hội. Yêu cầu này lại xếp hàng đầu trong bản khuyến nghị 7 điểm của WB đối với chính phủ Việt Nam.

Một năm đã trôi qua kể từ chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, nhưng mọi chuyện gần như vẫn giậm chân tại chỗ. Việt Nam vẫn chưa có thêm tiền vay từ WB và đang lao nhanh vào bế tắc ngân sách, đặc biệt là ngân sách “chi thường xuyên” dành cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức bị xem là “hành là chính”.   

Có lẽ không phải ngẫu nhiên trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc và Chủ tịch Ngân vào tháng 3/2017, bàKristalina Georgieva đã nhắc lại yêu cầu của WB về việc Việt Nam cần phải tăng cải cách.

Cần tạm kết rằng kể từ khi WB xóa bỏ các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam, chính thể Hà Nội vẫn chưa có bất kỳ một cải cách nào theo yêu cầu của WB. Luật về quyền dân như lập hội và sự cần thiết phải xóa bỏ vai trò độc quyền của doanh nghiệp nhà nước vẫn chẳng hề được giới chóp bu Việt Nam đếm xỉa.

Vậy thì làm sao để vay được tiền của WB nhằm cứu vãn ngân sách trung ương?

Dân, góp tiền cứu dân. Kẻ cướp của dân, tàn sát dân

Trần Phong Vũ-27-03-2017
(VNTB) - Chúng tôi vừa đọc được hai bản tin từ quốc nội. Tin thứ nhất mang tiêu đề: “Linh mục Đặng Hữu Nam dùng tiền ở đâu để gây rối?” ghi ngày Thứ Năm 23-3. Tin thứ hai đề ngày hôm sau, Thứ Sáu 24-3-2017 có tiêu đề: “Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục với mưu đồ phản quốc, hại dân”.
Cả hai bản tin được cho biết là đã công bố rộng rãi cùng một lúc trên Facebook, trên Google và trên Twitter.
Cuối các bản tin không thấy danh tính người viết, chỉ ghi trống không “Nhóm Phóng viên”. Tuy vậy, không cần suy nghĩ nhiều, ai cũng thừa biết nó từ đâu đến.
Tuy là hai tin có vẻ như riêng biệt nhưng tựu trung đều quy vào một mục tiêu. Nó bổ túc lẫn cho nhau. Tin thứ nhất tố cáo trực tiếp Linh mục Đặng Hữu Nam nhận tiền để “gây rối”. (Mà lại nhận tiền từ Linh mục Lê Ngọc Thanh, phụ trách truyền thông và là một khuôn mặt nổi trội thuộc Dòng Chúa Cứu Thế vốn là mũi nhọn rất đáng sợ mà đảng và nhà nước CSVN muốn nhổ bỏ từ lâu mà chưa nhổ được. Tin thứ hai kéo thêm Linh mục Nguyễn Đình Thục vào chuyện nhận tiền “gây rối” nhưng với tội danh rõ ràng, cụ thể và nghiêm trọng hơn: “mưu đồ phản quốc, hại dân”. Dĩ nhiên với ác ý. Ngoài chủ trương khích động, lung lạc dư luận chung vốn hiền lảnh, nhẹ dạ vì bị bưng bít thông tin, họ còn nhắm chuẩn bị cho một dự mưu. Dự mưu ấy là gì sẽ được bàn sau.
Bản tin đầu post nguyên văn biên nhận viết tay của Linh mục quản xứ Phú Yên nhận mấy trăm triệu tiền đồng của bà con ở quốc nội, một số Úc kim, Mỹ kim và Âu kim của những “khúc ruột ngàn dặm” từ ba lục địa Úc, Mỹ và Âu châu gửi về, đóng góp phần mình cùng bà con trên quê hương để cùng chung tay gửi tới Dòng Chúa Cứu Thế. Sau đó được Linh mục Lê Ngọc Thanh chuyển cha Nam hỗ trợ chương trình “Ủng hộ Phú Yên đi khiếu kiện Formosa và đi tìm công lý đến cùng”. (Khi scan biên nhận viết tay này, do căn tính gian dối của cộng sản, kẻ đưa tin đã cố tình thu hẹp lại khiến người đọc không thấy rõ mục tiêu giúp các nạn nhân “đi khiếu kiện Formosa).
“Hóa đơn nhận tiền tài trợ của Đặng Hữu Nam” trong bản tin nhà nước. Nguồn: THNA

Người đọc cũng dễ nhận ra dụng ý bất lương của người viết bản tin khi thay thế hai từ “biên nhận” bằng hai từ “hóa đơn” được dùng trong lãnh vực kinh doanh, mua bán.
Dù sống xa đất nước nhưng tôi tin biên nhận viết tay của Linh mục Đặng Hữu Nam là có thật và chuyện Linh mục Lê Ngọc Thanh DCCT chuyển số tiền “Hồ”, tiền Úc, Mỹ, Âu kim cho Linh mục quản xứ Phú Yên cũng không sai. Và một điều hiển nhiên quan trọng khác là tất cả những ngân khoản này đều gom góp lại từ hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn tấm lòng VN từ quê hương khốn khó tới bốn phương trời hải ngoại.
Đây là một việc làm chính danh, công khai giữa thanh thiên bạch nhật.
Sau vụ Formosa nhận tội gây ô nhiễm môi trường biển ngày 30-6 năm 2016 và sau khi đảng và nhà nước CSVN đơn phương nhận ngân khoản 500 triệu MK nói là bồi thường thiệt hại của công ty này, bất chấp ý kiến của các nạn nhân, tiếp theo là những hành vi khuất tất trong việc đền bù cho các nạn nhân, danh tính của hai Linh mục Nam, Thanh và rất nhiều giáo sĩ Công giáo đã được bà con từ khắp các tỉnh thị tới những vùng sâu vùng xa, kể cả khối người Việt tị nạn rải rác trên khắp thế giới biết đến. Và dĩ nhiên chuyện trợ giúp phương tiện tài chánh cho những cá nhân, tập thể đấu tranh chống lại chế độ tham tàn bạo ngược trên quê hương không còn là chuyện phải che giấu.
Cần minh định một sự thật không thể phủ nhận
Để kiến tạo một quốc gia hùng cường, tiến bộ và xây dựng một thể chế tự do, dân chủ, ngoài vấn đề nhân sự không thể không nói tới tiền bạc. Cũng thế, để triệt hạ một chế độ bạo tàn, gian ác, những người làm chính trị, những tổ chức đấu tranh cũng rất cần tới những hỗ trợ về phương tiện tài chánh, nhất là từ phía người dân. Riêng hoàn cảnh Việt Nam ngày nay, sự yểm trợ tinh thần cũng như vật chất của đồng bào quốc nội và tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại là một điều đương nhiên và vô cùng cấp thiết. Chính vì nhận định như vậy nên trong một đoạn trên chúng tôi đã minh danh nói thẳng suy nghĩ của mình về một điều lâu nay mọi người thường tỏ ra úy kỵ. Đó là:
“… biên nhận viết tay của Linh mục Đặng Hữu Nam là có thật và chuyện Linh mục Lê Ngọc Thanh DCCT chuyển số tiền “Hồ”, tiền Úc, Mỹ, Âu kim cho Linh mục quản xứ Phú Yên hẳn cũng không sai”.
Trộm nghĩ: khi tập đoàn bán nước trắng trợn dùng tiền thuế của đồng bào để nuôi công an, cảnh sát cơ động, dung dưỡng bọn du đãng đàn áp đám đông Dân Oan, các nạn nhân Formosa trong vụ xả thải độc dược gây thảm họa cá chết hàng loạt dọc theo bờ biền bốn tỉnh miền Trung… thì chuyện người dân đứng lên chống lại bắt buộc phải xảy ra. Và họ cần gì, trông đợi điều gì, nếu không là sự đáp ứng rộng rãi tinh thần tương thân, tương ái của những người cùng chung huyết thống để có phương tiện tiếp tục con đường đấu tranh gian khó chống lại kẻ nội thù “hèn với giặc, ác với dân”.
Những trải nghiệm cụ thể
Sau đây là vài sự kiện điển hình người viết những giòng này đích thân chứng kiến về diễn trình những nỗ lực của tập thể người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại, nói riêng tại Hoa Kỳ, đã bày tỏ tình liên đới với những thành phần yêu nước, dám chấp nhận nguy hiểm, kể cà tù đày, chết chóc để chống lại tập đoàn tham nhũng, bất tài, bán nước trên đất nước ta, không phải bây giờ mà từ hàng chục năm qua.
1/ Sau nhiều thập niên âm thầm tiết kiệm, cắt bớt những ăn tiêu xa phí, từng nhóm nhỏ đã chắt chiu từng đồng cents gửi qua dịch vụ chuyển tiền hoặc qua những người thân về thăm quê hương trao tay trợ giúp trong muôn một những gia đình có con em bị chế độ khủng bố, đàn áp hoặc bị kêu án tù chỉ vì tội yêu nước.
2/ Trong vòng mấy năm gần đây, cụ thể là từ sau tháng 5-2014 khi Tàu cộng ngang nhiên điều giàn khoan HD 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của ta, … tiếp theo là vụ công ty Formosa xả thải hóa chất cực độc xuống Vũng Áng gây thảm họa cá chết phơi trắng bãi biển bốn tình miền Trung… khiến cả trăm ngàn đồng bào từ Bắc chí Nam phẫn khích xuống đường bày tỏ tinh thần yêu nước. Những tiếng kêu gào thống thiết của các nạn nhân từ quốc nội vang lên thấu tận trời xanh, một lần nữa đã thức tỉnh tình liên đới trách nhiệm của mọi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước.
Trong khi hàng trăm hàng ngàn cá nhân và các nhóm nhỏ vẫn âm thầm tiếp tục thực hiện công cuộc cứu trợ lẻ tẻ như từ trước tới nay… thì đã có những sáng kiến công khai hóa việc hỗ trợ cao trào đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do trên quê hương. Lý luận được đưa ra: đây là một việc làm chính đáng trước lương tâm nhân loại, không cần che giấu. Và chính những tổ chức, những cá nhân đấu tranh đang trực diện với chế độ bạo tàn Hànội –trong số có các chức sắc, các nhà lãnh đạo các tôn giáo- cũng không ngần ngại dương danh dưới ánh sáng mặt trời bất chấp những lời cảnh cáo, hăm dọa và những hành vi khủng bố, đàn áp, gây đổ máu của công an, cảnh sát cơ động và những thành phần du thủ du thực được thuê mướn. Những cá nhân, tập thể đấu tranh này đã hiên ngang đối mặt với nhà nước. Và khi bị bắt, bị bạo hành, bị thẩm cung họ cũng thẳng thắn nhìn nhận là họ chiến đấu vì dân, vì nước và coi việc nhân những hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần và vật chất của người dân khắp nơi là điều chính đáng, không hề sai trái.
Để bảo vệ tính cách minh bạch của viêc làm này, đồng thời để tạo niềm tin, gần đây nhiều tổ chức hỗ trợ phi lợi nhuận đã chính thức ra đời. Thí dụ quỹ “Yểm trợ Nhân quyền & Tù nhân lương tâm”, “Quỹ yểm trợ pháp lý cho những nạn nhân nghèo khiếu kiện tập đoàn Formosa phá hoại môi trường biển” v.v… được thành lập tại Mỹ thời gian qua và được đặt dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Việc gửi tiền về trợ giúp thường được thực hiện công khai dưới ba hình thức. Qua các địch vụ chuyển tiến. Qua ngân hàng hoặc do những người về thăm quê hương mang theo.
Nhìn vào kinh nghiệm Đông Âu thế kỷ trước
Sự tan vỡ của hệ thống chư hầu cộng sản Đông Âu kéo theo sự sụp đổ tan tành vô phương cứu vãn của cái nôi chủ nghĩa Mác-xít/Lê-nin-nít là Liên Bang Xô Viết cuối thập niên 80 thế kỷ trước do nhiều nguyên nhân cộng lại. Trước hết là do nguyên lý bất biến của lịch sử. Khi tội ác của các cơ chế quyền lực đã tới mức bất trị khiến lòng dân chán ngán thì chuyện sụp đổ là chuyện đương nhiên. Thứ hai là sự giác ngộ của chính những thành phần trong nội bộ đảng và nhà nước. Nói theo TBT Nguyễn Phú Trọng là phong trào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng viên và viên chức nhà nước.
Cuối cùng, một nguyên nhân không kém phần quan trọng mang tính quyết định là nguồn tiếp trợ lớn lao về phương tiện, tiền bạc không giới hạn từ các cộng đồng di dân hoặc tị nạn của các quốc gia này ở nước ngoài, cụ thể là từ Pháp, Anh, Do Thái và nhất là Hoa Kỳ. Cùng với những dụng cụ truyền thông, ấn loát, số tiền từ hải ngoại đổ vào Liên xô và các chư hầu Đông Âu trong thập niên 80 lên tới hàng chục hàng trăm tỷ đô la. Chỉ riêng cộng đồng người Mỹ gốc Ba Lan ở Chicago, Nữu Ước đã chuyển về giúp Công đoàn Đoàn kết Ba Lan nhiều tỷ Mỹ kim mỗi năm và những dụng cụ ấn loát để giúp in báo, truyền đơn và các biểu ngữ, khẩu hiệu kêu gọi toàn dân đứng dậy. Giới quan sát quốc tế cho rằng nếu quân cờ domino Ba Lan không chuyển động để ngã xuống đầu tiên kéo theo các quốc gia lân bang, sẽ không có biến cố bất ngờ trên toàn cõi Đông Âu và Liên xô. Mà nói tới Ba Lan người ta không thể không nghĩ tới vai trò then chốt của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị. Những cuộc thăm viếng trong ba lần liên tiếp và những bài giảng thuyết thắm được tình yêu nước, yêu thương con người của vị Giáo Hoàng gốc Ba Lan đã thổi vào tâm hồn cả triệu đoàn viên Công đoàn Đoàn kết do Lech Walesa lãnh đạo một xung lực mới. Ngoài ra uy tín của vị lãnh đạo tinh thần tối cao Giáo hội Công giáo hoàn vũ khi ấy cũng là nguyên động lực thúc đẩy các tín hữu Ba Lan, Tiệp, Nam Tư, Lỗ Ma Ni, Liên Xô đang sống lưu vong ở nước ngoài nhiệt thành hỗ trợ tinh thần và vật chất cho cao trào đấu tranh giải thể các chế độ động tài cộng sản.
Đấy chính là bằng chứng hùng hồn cho thấy việc đồng bào ở quốc nội và bà con trong các cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản trên thế giới gom góp phương tiện, tài vật trợ giúp cao trào đấu tranh chống chế độ độc tài bán nước hiện nay là chính đáng.
Tại sao là hai LM Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục?
Hơn ai hết công an, mật vụ CS biết rằng trong cuộc đấu tranh chống chế độ lâu nay, ngoài các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, Sàigòn và Thái Hà, Hànội còn có rất nhiều Linh mục triều đáng cho họ quan tâm. Nhưng nếu bắc lên bàn cân phải nói hai cha Nam và Thục đã trở thành biểu tượng điển hình nhờ tinh thấn dấn thân, lòng can đảm, ý chí quyết liệt và thái độ tận tụy hết lòng phục vụ giáo dân, đồng bào và đất nước. Riêng LM Đặng Hữu Nam đã hai lần vất vả hướng dẫn cả ngàn giáo dân Phú Yên đi Kỳ Anh, Hà Tĩnh nạp đơn khiếu kiện Formosa. Dù chưa thành công vì thái độ gian ngoan, xảo trá của nhà cầm quyền và những hành vi dàn áp thô bạo của công an, cảnh sát cơ động, nhưng ông đã nhận được sự quý mến và ngưỡng phục không chỉ của giáo dân mà còn cả các cộng đồng tôn giáo bạn. Lời nguyền sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ công lý và sự thật của cha cho đến nay vẫn còn vang vọng trong tâm trí mọi người.
Phần Linh mục Nguyễn Đình Thục không chỉ giới hạn những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền và công lý trong phạm vi quốc nội mà ông còn tìm cách sang tận Đài Loan, quê hương của những kẻ đã hủy hoại môi trường biển, để cùng Linh mục Nguyễn Văn Hùng nêu vấn đề với các cơ quan lập pháp và hành pháp tại đây.
Với LM Ng.V. Hùng, cha Thục (giữa) gặp DB Tô Thị Phần. Ảnh: internet

Trong bản tin hôm 23-3, đề cập nhân thân cha Thục, với giọng điệu kẻ cả, vô học, người đưa tin để trong khung mấy chi tiết sau đây.
Ngoài mấy chi tiết về việc cha Thục noi gương cha Nam hướng dẫn giáo dân Song Ngọc đi khiếu kiện Formosa, “chống đối lực lượng chức năng”, bịa chuyện “dư luận bất bình cha Thục kích động đám đông gây rối”, y cố tình bỏ quên sự kiện cha qua Đài Loan gặp gỡ DB họ Tô và các giới chức hai ngành lập pháp và hành pháp địa phương.
Sự “chiếu cố” đặc biệt đôi với hai LM lần này biểu thị hai mục tiêu trước mắt. Thứ nhất, khi nêu lên chuyện “nhận tiền để gây rối” với “bằng chứng” là bản viết tay của LM Nam nhận tiền từ LM Thanh, họ muốn răn đe những Linh mục khác. Thứ hai, chuẩn bị dư luận trong ngoài để, nếu điều kiện cho phép sẽ tuy tố hai cha ra tòa xét xử.
Lời bình của truyền thông nhà nước: “Hai kẻ chủ chăn biến thái Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam kích động, xúi giục người dân lương thiện đi vào con đường phạm pháp”. Ảnh: THNA

Đấy là chuyện ngày mai. Trước mắt. chiêu bài trưng bằng chứng về chuyện LM Đặng Hữu Nam hay bất cứ ai nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ phương tiện tiền bac của đồng bào ruột thịt trong và ngoài nước để tiếp tục con đường đấu tranh cho quyền sống, quyền làm người có tự do, nhân phẩm… không còn có tác dụng gì nữa. Nó đã trở thành chuyện của những kẻ cố đấm ăn xôi.
Dù biện minh cách nào thì những trạng từ “kích động”, “gây rối”, “chống đối cơ quan chức năng nhà nước” lúc này không còn che đậy được bộ mặt thật của một chế độ phi nhân, tác ác, công khai bán nước và làm tôi mọi cho Tàu cộng.

Nam California một ngày hạ tuần tháng 3 năm 2017

BPSOS: Nạn “cướp đất” là trọng tâm thứ 3 trong năm 2017

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 3, 2017
   Cảnh đàn áp cướp đất dân Dương Nội

Kế hoạch 5 năm cho các thành phần “dân oan” tự bảo vệ quyền và lợi ích


Sách lược quốc tế vận của BPSOS trong năm 2017 sẽ thêm một trọng tâm: bài trừ nạn cướp đất và tài sản của dân ngày càng tràn lan ở Việt Nam. Trước đến giờ, người Việt quen dùng cụm từ “dân oan” để mô tả tình trạng này. Chúng tôi sẽ dùng cụm từ “cướp đất” (tiếng Anh là “land grab”) cho phù hợp với trào lưu của thế giới. Xin đọc thêm bài “Hành Pháp Trump và vấn đề nhân quyền Việt Nam”.

Chúng tôi (BPSOS) đã quan tâm và theo dõi tình trạng này từ 12 năm nay. Năm 2005, chúng tôi hỗ trợ một nhóm luật sư và sinh viên luật ở Hà Nội để giúp các nông dân bị “cướp đất” làm đơn khiếu kiện theo luật quốc gia Việt Nam. Tiếc rằng nỗ lực này bị gián đoạn vào đầu năm 2007 sau khi chính quyền Việt Nam bắt 2 luật sư, và các sinh viên tham gia đã phải lánh mặt hay rời khỏi Việt Nam vì lý do an toàn bản thân. Năm 2010 chúng tôi khởi xướng chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” làm thí điểm cho cách dùng quốc tế vận để đối phó với nạn “cướp đất”. Năm 2012-2014, chúng tôi đề xướng và thúc đẩy nỗ lực “công dân Mỹ đòi tài sản” để thử nghiệm một số điều luật Hoa Kỳ. Năm 2016, qua Diễn Đàn Người Dân ASEAN và qua chiến dịch “Cứu Đông Yên” chúng tôi thử nghiệm phương thức liên kết và tương trợ ở trong nước và các phong trào toàn khu vực Á Châu – Thái Bình Dương. Xin đọc thêm bài: “’Dân oan’ Việt Nam: Bước đầu quốc tế vận.”

Qua đó, chúng tôi thử nghiệm và điều chỉnh những phần chính yếu của kế hoạch trước khi chính thức triển khải vào tháng 4 tới đây.

Kế hoạch 5 giai đoạn

Nạn “cướp đất” trở nên ngày càng thêm trầm trọng từ khoảng 1 thập niên rưỡi nay, do chính sách “thu hồi” đất được hợp pháp hoá bởi Luật Đất năm 2003. Muốn thay đổi hiện trạng thì cần làm đúng việc và đúng cách. Đó là căn bản của kế hoạch gồm 5 giai đoạn:

(1)    Thu thập thông tin và phân loại hồ sơ: Qua các đợt thử nghiệm dựa trên gần 100 hồ sơ đã thu thập, chúng tôi nay biết rõ loại hồ sơ nào phù hợp nhất với phương thức nào. Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ thu thập thêm nhiều hồ sơ cướp đất để phân loại chúng theo từng phương thức: quốc tế vận, khai dụng luật Hoa Kỳ, đối chiếu luật quốc gia Việt Nam, vận động toàn vùng Đông Nam Á…

(2)    “Rọi đèn pha” lên Việt Nam: Tình trạng cướp đất ở Việt Nam khốc liệt hơn ở nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á nhưng lại ít được sự chú ý của quốc tế. Nguyên nhân chính là vì cuộc tranh đấu của “dân oan” hoàn toàn thiếu truyền thông quốc tế và thiếu phối hợp với phong trào chống cướp đất ở toàn vùng. Khi tiếng nói của người dân còn yếu, áp lực quốc tế có thể làm giảm tình trạng cướp đất, nhưng chỉ ở một số địa phương và trong đoản kỳ.

(3)    Tạo nội lực cho người dân bị ảnh hưởng:  Áp lực quốc tế chỉ có tác dụng tạm thời để tạo không gian tương đối an toàn cho người dân ở Việt Nam tập hợp lại, rồi tăng quy củ về tổ chức, phát triển nội lực và tính chuyên môn, nới rộng sự liên kết trong nước, và phối hợp trực tiếp với các phong trào chống cướp đất trong vùng và trên thế giới. Chỉ khi các thành phần "dân oan" có đủ lực thì mới có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình.

(4)    Đẩy lùi nạn cướp đất ở địa phương: Qua một số trường hợp tiêu biểu được chọn một cách chiến lược, chúng tôi sẽ chặn đứng chính sách cướp đất ở một số địa phương để chứng minh cách làm hiệu quả, làm mẫu cho các thành phần "dân oan" thực hiện theo. Đồng thời chúng tôi sẽ cho các chính quyền địa phương thấy rằng họ sẽ không thể vượt qua luật quốc gia và vi phạm luật quốc tế một cách vô tội vạ.

(5)    Đẩy lùi chính sách và luật quốc gia khuyến khích nạn cướp đất: Mục tiêu thứ nhất của giai đoạn này là áp lực chính quyền Việt Nam cải tổ luật đất, luật nhà để ngăn ngừa tình trạng chính quyền địa phương tuỳ tiện cướp đất và bất động sản của người dân. Mục tiêu thứ hai, mang tính trường kỳ, là đòi hỏi chế độ trả lại quyền sở hữu đất cho người dân.  Xin đọc thêm bài “Đất nuôi dân, dân giữ đất”.

Người trong nước phải làm gì?

Theo dõi nỗ lực tranh đấu của “dân oan” trong 12 năm qua, tôi thấy nó thiếu hẳn 3 yếu tố cần thiết: quốc tế vận, tính chuyên môn, và sự phối hợp. Các lĩnh vực này đòi hỏi khả năng hoạt động ở cấp mà có lẽ chính nạn nhân bị cướp đất khó đáp ứng, cho nên cần sự tiếp ứng của những thành phần có khả năng trong xã hội về luật quốc gia, luật quốc tế, truy cứu thông tin, thu thập và phân tích dữ kiện, lập hồ sơ, dịch thuật, giao tiếp khu vực và quốc tế...

Chẳng hạn, những luật sư đã từng giúp hồ sơ “dân oan” có thể cùng nghiên cứu và lọc ra một số hồ sơ để dùng làm căn cứ cho cuộc đấu tranh pháp lý trước việc thu hồi và cưỡng chế đất, bằng cách vận dụng luật quốc gia và các tiêu chuẩn của luật quốc tế. Hoặc một số người quan tâm đến tình trạng “dân oan” hay chính thành phần có năng lực trong cộng đồng “dân oan” có thể hình thành các tổ chức xã hội dân sự chuyên giúp về pháp lý cho các nạn nhân bị cướp đất, chuyên vận động các cơ quan Liên Hiệp Quốc, hội nhập các phong trào chống cướp đất trong khu vực hay trên thế giới, hay tham gia quốc tế vận. Chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn.

Và mọi người quan tâm ở trong nước đều có thể thành lập những nhóm địa phương để giúp chúng tôi thu thập thông tin theo từng loại hồ sơ mà chúng tôi sẽ công bố, và giúp phổ biến những thông báo và tin tức của chúng tôi đến rộng rãi trong xã hội, đặc biệt là những gia đình đang phải đối mặt với nạn cướp đất.

Người ở hải ngoại có thể làm gì?

Những ai quan tâm đến tình trạng "dân oan" đều có thể góp phần mình, việc này hay việc khác, cách này hay cách khác.

Đơn giản nhất là giúp chúng tôi chuyển thông tin đi thật sâu về trong nước và thật rộng ở hải ngoại, để đến được những vùng sâu vùng xa ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới tự do. Trong việc thu thập hồ sơ cho phù hợp với từng phương thức sử dụng, sự phối hợp về thông tin giữa người ở trong nước và đồng bào ở hải ngoại là rất quan trọng. Ngoài việc thu thập hồ sơ, việc chuyển tin một cách sâu và rộng còn giúp cho sự phối hợp hành động một cách nhịp nhàng giữa người ở trong và ngoài nước.

Những người ở hải ngoại lưu loát cả 2 ngôn ngữ Anh và Việt có thể giúp chúng tôi trong việc dịch thuật tài liệu; những ai có  khả năng về biên soạn có thể giúp chúng tôi phối kiểm thông tin và lập hồ sơ; những ai có phương tiện và thời gian thì có thể tham gia với chúng tôi trong các cuộc vận động chính quyền Hoa Kỳ và các quốc gia phương tây.

Những người có khả năng tài chính có thể yểm trợ cho một số tập hợp của các người “dân oan” hay một số tổ chức xã hội dân sự ở trong nước để họ thực hiện các công tác cụ thể nhằm đóng góp cho kế hoạch mà chúng tôi sẽ từng đợt công bố.

Thời điểm

BPSOS chọn năm nay để đưa nạn cướp đất thành trọng tâm chiến lược thứ 3 vì lý do dễ hiểu: (1) Giữa năm 2015, quyền lao động đã được chính thức cài vào chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ và của một số quốc gia phương tây đối với Việt Nam, (2) cuối năm 2016, luật tăng cường bảo tự do tôn giáo quốc tế và luật Magnitsky toàn cầu được ban hành ở Hoa Kỳ và đang được nhiều quốc gia Phương Tây hưởng ứng. Xem như chúng tôi đã hoàn tất việc đặt nền móng cho 2 trọng tâm chiến lược về quốc tế vận là quyền lao động và quyền tự do tôn giáo. Nay chúng tôi có thể dồn bớt nỗ lực và thời gian cho trọng tâm thứ 3: nạn cướp đất.

Chúng tôi dự phóng thời gian để hoàn tất cả 5 giai đoạn được vạch ra ở đầu bài sẽ là 5 năm. Nếu có sự tiếp tay tích cực của đông đảo đồng bào ở trong và ngoài nước, thời gian có thể sẽ ngắn hơn; nếu có những yếu tố trở ngại nẩy sinh, thời gian có thể sẽ dài hơn đôi chút. Tuy nhiên, sẽ không phải chờ đến 5 năm mới bắt đầu thấy hiệu quả. Chúng tôi sẽ công bố những mục tiêu cụ thể và định lượng được để mọi người có thể theo dõi và phối kiểm theo từng mốc điểm thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm...

Một điều cần khẳng định là chúng tôi không chủ trương và cũng không đủ năng lực để giải quyết cho tất cả và từng hồ sơ “cướp đất”. Chúng tôi sẽ không làm hộ công việc của đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam, và sẽ không đóng vai “ban tiếp dân” hay thay thế các bộ phận nhà nước có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của dân. Chúng tôi sẽ thu thập nhiều hồ sơ để từ đó chọn ra một số nhỏ mang tính cách tiêu biểu nhằm làm mẫu mực cho những người  “dân oan” chọn đúng việc và làm đúng cách để bảo vệ cho quyền và lợi ích của chính mình.

Chúng tôi sẽ vạch hướng đi, dọn bớt một số chướng ngại, và tăng yếu tố an toàn và thuận lợi nhưng chính những người bị nạn phải chủ động dấn bước và hành động. Không có cách nào khác hơn.
------------------------

Bài liên quan:

Hành Pháp Trump và vấn đề nhân quyền Việt Nam

"Dân oan" Việt Nam: Bước đầu quốc tế vận

Nói với dân oan

Đất nuôi dân, dân giữ đất

“Formosa” về điện than: kẻ bỏ, người ồ ạt xin

Mẫn Nhi -28-03-2017
(VNTB) Nhiệt điện than đã và đang uy hiếp trực tiếp cuộc sống cộng đồng và tiếp tục nhen nhóm bức xúc xã hội đến mức nhiều nhà hoạt động so sánh nó như một “thảm họa Formosa” thứ hai. Việc Chính phủ Việt Nam ứng xử như thế nào đối với vấn đề này sẽ cho biết chế độ tồn tại bao lâu.

Người dân xóm 7, thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã từng phản ứng do khói bụi thải ra từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - Ảnh: Minh Trân (Tuổi Trẻ)
Hiểm hoạ và bất cập của nhà máy điện than

Nở rộ xin đầu tư dự án nhiệt điện than tỷ “đô” vào nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh các nhà máy khác đã đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường, hoặc tự ý thay đổi công nghệ ướt sang khô, không đưa ra các phương án xử lý xỉ than, đặt hệ thống xả ngầm ra biển với công nghệ Trung Quốc; gây ô nhiễm khói bụi vô cùng nghiêm trọng đe doạ sức khoẻ và nghề làm muối của khu vưc.


Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Nhiều đánh giá đều cho biết rằng, việc tiến hình nhiệt điện than là hình thức “bán rẻ môi trường” nhất. Bởi hiện nay, số liệu cuộc tọa đàm “Giữ hay không giữ Nhiệt điện than” của MEC vào ngày 24/03 cung cấp, tổng khối lượng khí thải của nhiệt điện than Việt Nam là 15 triệu tấn tro xỉ/ năm. Chỉ tính riêng nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân II đã thải ra 4.000 tấn tro xỉ; 3,5 phút nhiệt điện than 500 MW sẽ hút đủ một bể bởi với 2.500m3, chất thải điện than gồm các chất cực kỳ nguy hại như chì, thủy ngân, niken, thiếc, antimon, asen,…

Trong khi đó, theo một nghiên cứu từ Hoa Kỳ được nhiều trang báo trong nước dẫn thì, số người chết yểu do nhiệt điện than ở VN trong những năm qua khoảng 4.300 người/năm. 

Cần nhấn mạnh, thiệt hại về kinh tế do thiệt hại về người tương đương từ 5 - 7% GDP vào năm 2013.

Dừng, rồi cấp dự án

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 20GW điện than, trong đó có việc Bạc Liêu rút nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi quy hoạch vào tháng 9/2016 hay vào tháng 11/2016, Quốc Hội Việt Nam dừng 2 dự án điện hạt nhân.

Xu hướng của năng lượng tái tạo đã vượt nhiên liệu hóa thạch 60% và tạo ra 8 triệu cơ hội việc làm, tuy nhiên, đầu tư năng lượng tái tạo lại gấp hơn hai lần nhiên liệu hóa thạch (286 tỷ USD/ 130 tỷ USD). Do đó, ngay cả tại Trung Quốc, tổng công suất năng lượng tái tạo chiếm 25% công suất phát điện cả nước, tức 480.000MW, chính quyền nước này cũng đóng tổ hợp nhà máy điện than Hoa Năng vào ngày 18/3 vừa qua để đảm bảo chiến lược an ninh năng lượng bền vững hơn. Một quốc gia khác cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt kinh tế là Ấn Độ - cũng sản xuất năng lượng tái tạo trong 3 năng là 10.000MW, theo GreenID. 

Hội đàm Im lặng hay lên tiếng về vấn đề nhà máy điện than
Dù đã có những thiệt hại về mặt sức khỏe cộng đồng, cũng như tác động lâu dài đến kéo lùi GDP nền kinh tế. Cũng như sự thay đổi trong chiến lược năng lượng tại nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, nhà máy nhiệt điện than vẫn còn được “ưa chuộng”, mà mới nhất là dự án Nhiệt điện than được thông qua, đặt tại Long An trị giá 5 tỷ USD. 

Điều đó cho thấy rằng, chiến lược phát triển kinh tế bền vững gắn với môi trường của Chính phủ Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề. Trong đó có cả việc chưa cân đối hài hòa giữa mặt tổng quan phát triển và bảo vệ môi trường cấp trung ương gắn liền với môi trường và phát triển kinh tế cấp địa phương. Dẫn đến việc, nhiều địa phương bấp chấp các yếu tố xâm hại môi trường để tiến hành những dự án đầu tư khủng nhằm thu lợi về ngân sách, trong trường hợp này là Long An. Hiện tượng vượt mặt này cũng nhiều lần diễn ra tại các tỉnh thành khác như Hà Tĩnh, Đồng Nai trong thời gian qua. Đưa đến tình trạng, trung ương thì lên tiếng dừng, còn địa phương thì cấp phép.

Thành ra, quy hoạch phát triển điện gió 2016 (một dạng của năng lượng tái tạo), điều chỉnh đến năm 2020,đến nay chỉ mới đi được 1/5 quãng đường.

Lên tiếng hay im lặng?

Một khảo sát người dân sống quanh Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) cho thấy, 72,7% người dân nhận thức rằng, nhiệt điện than ảnh hưởng đến sức khỏe của họ; 87,8% trong số 253 người được khảo sát về nhiệt điện than đã chọn “STOP, chuyên sang năng lượng sạch/ tái tạo”.

Sự ô nhiễm môi trường kéo theo một hệ quả khó lường khác là bất ổn về mặt chính trị và xã hội. Liên quan trực tiếp đến vấn đề này là vào tháng 4/2015, hàng trăm người dân thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã chặn đứng Quốc lộ 1A nhằm phản đối sự gây ô nhiễm xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Cuộc biểu tình ngay sau đó bùng phát thành bạo động, quốc lộ 1A bị tê liệt hoàn toàn. 

Những phản ứng qua khảo sát lẫn biểu tình bạo động nêu trên đã cho thấy phần nào sự lựa chọn của cộng đồng đối với vấn đề nhiệt điện than.

Vào ngày 24/08/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường đã nhấn mạnh, sẽ không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân.

Nhưng từ quan điểm chỉ đạo của chính phủ đến thực thi chính sách ở địa phương vẫn là một đường dài khó đoán. Điều này cho thấy, sự bất cập từ mặt chính sách và thực tiễn trong phát triển năng lượng tại Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cam kết bảo vệ môi trường nhưng liệu có thành công trong thực tế?
Thậm chí tại Việt Nam, các dự án yếu kém và công nghệ lạc hậu được duy trì còn liên quan đến sự chia chác chính trị cấp cao. Do đó, rất nhiều dự án gây hại môi sinh và thiếu hậu quả kinh tế đã được “đồng thuận thong qua”, trong đó điển hình nhất là dự án Boxite tại Tây Nguyên.

Liệu nhà nước Việt Nam sẽ ứng xử như thế nào đối với nhiệt điện than? Một vấn đề liên đới trực tiếp đến vấn đề môi trường – vốn đang trực tiếp uy hiếp đến sự tồn tại của chế độ. Bởi nó là giao điểm của sự bức xúc xã hội; đánh mất niềm tin vào chính quyền trong nhân dân.

Tham khảo