Friday, December 4, 2015

Viện trưởng Viện kiểm sát lái xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn

THÁI BÁ DŨNG-04/12/2015 18:45
TTO - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã lái xe bỏ chạy sau khi gây ra bốn vụ tai nạn vào chiều 4-12.  
Một nạn nhân tại thị trấn Đắk Hà bị xe điên tông đang ngồi bên vệ đường đợi xe cấp cứu - Ảnh do bạn đọc cung cấp
Một nạn nhân tại thị trấn Đắk Hà bị xe điên tông đang ngồi bên vệ đường đợi xe cấp cứu - Ảnh do bạn đọc cung cấp
Đến gần 19g tối nay 4-12, tài xế lái chiếc xe công vụ hiệu Toyota biển số 82A - 000.84 gây tai nạn liên hoàn trên suốt quãng đường dài gần 30 km từ huyện Đắk Hà về đến TP. Kon Tum - đã chịu ra làm việc với công an sau một thời gian cố thủ trong căn nhà số 212/12 Phan Đình Phùng (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum).
Theo nguồn tin riêng của pv Tuổi Trẻ ngưới lái chiếc xe nói trên là ông Trần Quang Hùng, Viện trưởng Viện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tu Mơ Rông. Làm việc với công an ông Hùng cho biết có uống rượu bia nên không làm chủ được tay lái.
Một cảnh sát giao thông trực tiếp truy đuổi chiếc xe ôtô công vụ nói trên cho biết, khoảng 15g35 chiều nay khi xe tuần tra của CSGT Công an tỉnh Kon Tum trên đường đi làm nhiệm vụ, về đến quốc lộ 14 đoạn qua thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) thì bất ngờ thấy phía trước xe công vụ biển số 82A - 000.84 chạy với tốc độ cao từ Đắk Hà về Kon Tum.
Xe này lảo đảo rồi tông liên tiếp vào hai xe máy của người đi đường ở quốc lộ 14 đoạn qua thị trấn Đắk Hà.
Sau khi gây tai nạn, tài xế không chịu dừng lại mà nhấn ga tiếp tục chạy trốn. Cảnh sát giao thông lập tức truy đuổi và báo cho Công an Kon Tum để phối hợp, đón lõng.
Chạy được khoảng 30km về đến đầu TP. Kon Tum, tài xế điều khiển chiếc xe công vụ nói trên tiếp tục vượt đèn đỏ, lao vào nhiều xe của người dân, tiếp tục gây ra hai vụ tai nạn nhưng không chịu dừng lại mà chạy lòng vòng trong các đường hẻm.
Thấy chiếc xe có nhiều biển hiện bất thường, người dân và công an tiếp tục truy đuổi. Tới trước số nhà 212/12 Phan Đình Phùng, tài xế bất ngờ cho xe dừng lại rồi mở cửa chạy vào ngôi nhà này. Sau đó cửa nhà được khoá chặt.
Lúc 18g21, đại tá Lê Đình Toàn - trưởng Phòng CSGT Công an Kon Tum thông tin với PV Tuổi Trẻ: chiếc xe công vụ gây tai nạn liên hoàn và bỏ chạy là xe của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tu Mơ Rông. Tới lúc dừng lại, chiếc xe này đã gây ra bốn vụ tai nạn.
Hiện trường một xe máy bị xe điên tông tại Đắk Hà - Ảnh do bạn đọc cung cấp
Hiện trường một xe máy bị xe điên tông tại Đắk Hà - Ảnh do bạn đọc cung cấp
Chiếc xe điên dừng lại trước ngôi nhà ở đường Phan Đình Phùng - Ảnh TBD
Chiếc xe điên dừng lại trước ngôi nhà ở đường Phan Đình Phùng - Ảnh TBD
Hàng trăm người dân tập trung nơi tài xế dừng xe - Ảnh TBD
Hàng trăm người dân tập trung nơi tài xế dừng xe - Ảnh TBD
Chiếc xe điên bị hư hại phần đầu sau nhiều cú tông liên hoàn - Ảnh TBD
Chiếc xe điên bị hư hại phần đầu sau nhiều cú tông liên hoàn - Ảnh TBD

   Hàng trăm người dân tập trung nơi tài xế dừng xe - Ảnh TBD
Hàng trăm người dân tập trung nơi tài xế dừng xe - Ảnh TBD

Gần 200 ngàn người nghèo bị tước đoạt bảo hiểm y tế

04/12/2015 16:04

(NLĐO) - Từ việc thụ động, chậm tiếp thu văn bản hướng dẫn mà các ngành chức năng ở Bạc Liêu đã để gần 200 ngàn người nghèo bị mất quyền lợi BHYT suốt 9 tháng đầu năm 2015


Ngày 4-12, ông Lê Danh Đấu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bạc Liêu, cho biết vừa phát hành 190.755 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí có giá trị từ ngày 1-10 cho người dân ở 16 xã thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh này.
“Việc chậm trễ này là do các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu chậm tiếp thu các văn bản Quyết định của Chính phủ để chủ động phối hợp với BHXH tỉnh cấp thẻ BHYT cho người dân ở 16 xã nói trên”, ông Đấu nói.
Dân nghèo ven biển Bạc Liêu mất quyền lợi BHYT hết 9 tháng vì ngành chức năng chậm tiếp thu văn bản
Dân nghèo ven biển Bạc Liêu mất quyền lợi BHYT hết 9 tháng vì ngành chức năng chậm tiếp thu văn bản
Cụ thể, theo Luật BHXH sửa đổi bổ sung thì người dân sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (theo Quyết định 539 ngày 1-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ) và vùng khó khăn (theo Quyết định 2405 ngày 10-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ) đều được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Tuy nhiên, do không được các ngành liên quan phối hợp, triển khai thực hiện các Quyết định nói trên nên BHXH Bạc Liêu không nắm được thông tin trên địa bàn tỉnh này có 16 xã đủ điều kiện hưởng BHYT miễn phí trong năm 2015.
Cho đến thời điểm BHXH nắm được thông tin thì thời gian được thụ hưởng BHYT của người dân cũng sắp hết vì các Quyết định của Chính phủ chỉ có hiệu lực hết năm 2015.
“Khi phát hiện, chúng tôi đã chủ động mời Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch – Đầu tư… họp tham mưu UBND tỉnh cấp thẻ BHYT cho người nghèo theo quy định. Tuy nhiên, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không đồng ý với lý do các Quyết định của Chính phủ không đề cập tới nội dung cấp miễn phí thẻ BHYT cho người dân ở các vùng nói trên. Cho đến lần họp thứ 2 với nhiều đại diện của các cơ quan ban ngành liên quan, chúng tôi đã giải thích rõ hơn và báo cáo đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thì hàng trăm ngàn thẻ BHYT mới đến được với dân nghèo, song thời hạn thụ hưởng chỉ còn đúng 3 tháng” , ông Đấu cho biết.
DUY NHÂN

Thép Việt Nam lại lo bị thép Trung Quốc đè bẹp

HÀ NỘI (NV) - Nếu phôi thép Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam hoặc sẽ ngưng hoạt động, hoặc phải làm thuê cho Trung Quốc (cán, kéo phôi thép thành thanh hay cuộn).

Ðó là cảnh báo của ông Mai Văn Hà, giám đốc công ty Thép Hòa Phát. Ngoài ông Hà, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng vừa lưu ý rằng cả nhu cầu lẫn giá thép ở Trung Quốc đều giảm nên giá thép Trung Quốc nhập cảng vào Việt Nam đang càng ngày càng thấp. Tháng trước giá phôi thép nhập cảng giảm thêm 20 Mỹ kim/tấn, chỉ còn chừng 260 Mỹ kim/tấn.

Sản xuất thép tại Việt Nam. Năm nào các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cũng kêu cứu vì bị thép Trung Quốc làm cho thất điên, bát đảo. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo ông Hà thì có nhiều lý do khiến thép Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam rẻ: (1) Ðược chính quyền Trung Quốc hỗ trợ bằng thuế, tín dụng. (2) Ở sát Việt Nam nên chi phí vận chuyển không đáng kể. (3) Gần như Trung Quốc chỉ xuất cảng phôi thép sang Việt Nam, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cán, kéo phôi thép thành thép thanh, thép cuộn nên rất ít người biết đó là thép Trung Quốc.

Còn một điểm đáng chú ý khác là các công ty sản xuất thép của Trung Quốc tận tình khai thác các qui định hiện hành của Việt Nam để giảm tối đa giá thép Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam.

Theo qui định của Việt Nam, nếu nhập cảng phôi thép từ ngoại quốc vào Việt Nam thì phải đóng thuế nhập cảng là 9%, còn nhập cảng phôi thép dạng hợp kim thì không phải đóng thuế. Các công ty sản xuất thép của Trung Quốc đã trộn vào phôi thép một lượng crom nhỏ (khoảng 0.3%) để biến phôi thép bình thường thành phôi thép dạng hợp kim và vì vậy, phôi thép Trung Quốc được miễn thuế nhập cảng.

Ông Hà cho rằng, các công ty sản xuất thép của Trung Quốc đang tận dụng những quy định khác nhau giữa các dòng trong biểu thuế ưu đãi theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc để thép Trung Quốc không phải nộp thuế nhập cảng. Cũng vì vậy phải điều chỉnh các qui định. Chẳng hạn phải xác định rõ thế nào là hợp kim. Ðồng thời, cần dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thép giá rẻ. Kể cả áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra-chống bán phá giá đối với một số loại thép Trung Quốc.

Hồi tháng 10, VSA từng gửi một văn bản cho các bộ: Tài Chính, Công Thương, Khoa Học-Công Nghệ đề nghị lưu ý tình trạng thép Trung Quốc khai thác luật của Việt Nam để đè thép Việt Nam.

VSA cho biết, trong chín tháng đầu năm nay đã có khoảng một triệu tấn phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Ðáng ngại là số lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng rất nhanh. Chẳng hạn trong tháng 9, lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam là 62,000 tấn, trị giá khoảng 20 triệu Mỹ kim. So với tháng 8 thì tăng hơn 3,000 tấn về số lượng và một triệu Mỹ kim về giá trị.

VSA tính toán, nhờ khai thác qui định miễn thuế cho phôi thép dạng hợp kim của Việt Nam nên chỉ tính riêng lượng phôi thép dạng hợp kim từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam trong hai tháng 8 và 9, chính quyền Việt Nam đã mất khoảng hai triệu Mỹ kim tiền thuế.

Năm nào các doanh nghiệp thép của Việt Nam cũng bị các công ty sản xuất thép của Trung Quốc làm cho xính vính.

Năm 2013, các doanh nghiệp thép của Việt Nam từng đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt vì thiếu nguyên liệu. Lúc đó, các doanh nghiệp thép của Trung Quốc liên tục nâng giá mua quặng sắt và quặng sắt từ Việt Nam ồ ạt chảy qua Trung Quốc.

Ðáng chú ý là vào thời điểm đầu thập niên này, khi so sánh số lượng quặng sắt nhập cảng do Hải Quan Trung Quốc tiết lộ và số lượng quặng sắt xuất cảng do Hải Quan Việt Nam công bố thì năm nào cũng có sự chênh lệch hàng triệu tấn. Chẳng hạn năm 2012, trong khi Hải Quan Trung Quốc loan báo, Trung Quốc nhập cảng 1.7 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 92 Mỹ kim/tấn thì Hải Quan Việt Nam báo cáo, trong cả năm 2012, Việt Nam chỉ xuất cảng... 24 ngàn tấn quặng sắt sang Trung Quốc, với giá 46 Mỹ kim/tấn.

Cũng vì vậy, hồi 2013, VSA tố cáo nhiều cơ quan hữu trách của Việt Nam đã tiếp tay với các doanh nghiệp thép Trung Quốc hủy diệt ngành thép Việt Nam. Do áp lực của nhiều giới, chính quyền Việt Nam phải siết chặt việc xuất cảng và kiểm soát xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc. Sau đó thì quy định miễn thuế cho phôi thép dạng hợp kim nhập cảng ra đời. (G.Ð)

12-03- 2015 2:24:18 PM

Ðánh dân xong, vứt ra hai triệu ĐVN là xong!

ÐÀ NẴNG (NV) Nhờ báo chí lên tiếng, công chúng tỏ ra phẫn nộ nên bà Nguyễn Thị Khả, 57 tuổi “được” một viên trung úy, công an phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Ðà Nẵng, “hỗ trợ” 1,950,000 đồng.

Bà Khả kiếm sống bằng việc thay thân nhân nuôi người bệnh tại bệnh viện. Tối 28 tháng 11, 2015, sau khi chăm sóc một sản phụ ở bệnh viện Phụ Sản-Nhi Ðà Nẵng, bà Khả ra chân cầu Trần Thị Lý, tìm người xin quá giang để về nhà.

Sau một tuần những chỗ bị đánh trên người bà Khả vẫn còn bầm tím như trong ảnh. (Hình: Tuổi Trẻ)

Sau đó một viên trung úy và một dân phòng tiến lại. Viên trung úy không nói tiếng nào mà chỉ vung dùi cui quất vào chân bà Khả. Vô cớ bị đánh mà lại là đánh đau, bà Khả hỏi lý do thì viên trung úy quát bà, ra lệnh cho bà im và quất thêm một dùi cui nữa vào mông. Khi bà Khả khụy xuống thì viên trung úy dẫn người dân phòng đi chỗ khác...

Bà Khả phải vào trung tâm y tế quận Thanh Khê điều trị chấn thương và vẫn đang còn nằm tại đó. Một bác sĩ làm việc tại trung tâm y tế quận Thanh Khê xác nhận, dù bị đánh đã cả tuần nhưng mông phải và chân trái của bà Khả vẫn còn bầm tím.

Chuyện sĩ quan công an vô cớ đánh một phụ nữ lớn tuổi trọng thương được báo chí điều tra và người ta đã xác định được viên trung úy tên là Phùng Văn Phương, làm việc tại công an phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.
Một viên trung tá tên là Nguyễn Cường, trưởng công an phường Mỹ An, bảo với báo giới rằng, tối 28 tháng 11, Trung Úy Phương được giao nhiệm vụ “truy quét gái mại dâm.” Sở dĩ Trung Úy Phương dùng dùi cui đánh bà Khả vì “tưởng bà là gái mại dâm.”

Viên trung tá, thượng cấp của Trung Úy Phương nhấn mạnh: “Ðồng chí Phương hành động như vậy là chưa đúng nhưng cũng nên thông cảm vì việc xử lý đối tượng mại dâm phức tạp.”

Trả lời chất vấn của báo giới, Trung Úy Phương bảo rằng, ông ta thấy bà Khả quen quen nên đã đánh hai cái vì tưởng bà là gái mại dâm. Viên trung úy này nhấn mạnh là ông ta đã xin lỗi và đã “hỗ trợ cho bà Khả tiền thuốc men là 1,950,000 đồng” (khoảng 90 Mỹ kim).

Với công an, việc bà Khả lãnh hai dùi cui, dù nằm bệnh viện cả tuần nhưng đã được xin lỗi và được “hỗ trợ” 1,950,000 đồng coi như đã... xong. Tuy nhiên dân chúng phẫn nộ hơn trước.

Báo chí Việt Nam không chỉ trích công an mà tập hợp ý kiến của dân chúng về sự kiện này để giới thiệu thành một bài riêng. Tờ Tuổi Trẻ đặt cho bài vừa kể một tựa là “Gái mại dâm thì được quyền đánh à?” Không ai đồng tình chuyện “tưởng bà Khả là gái mại dâm” nên Trung Úy Phương thản nhiên dùng dùi cui quất bà.

Theo tờ Tuổi Trẻ thì nhiều độc giả của họ đã so sánh chuyện ông Nguyễn Chí Lĩnh, ngụ ở Hà Nội, vì tát công an một cái mà bị phạt 15 tháng tù với vụ này và cho rằng, tha viên trung úy bởi ông ta đã vứt ra 1,950,000 đồng hỗ trợ bà Khả là không thỏa đáng, không nghiêm.

Ý kiến của độc giả tờ Tuổi Trẻ rất xác đáng nhưng không sát thực tế. Công an Việt Nam không bận tâm đến sự xác đáng và trong thực tế, những sĩ quan công an đã, đang, cũng như sẽ còn đánh dân dài dài như Trung Úy Phương. (G.Ð)
12-03-2015 2:21:33 PM 

Vài điểm đáng lưu ý trong vụ án Trung Tuấn

Theo BBC-5 giờ trước 

Image copyrightFacebook
Image captionCha mẹ Nguyễn Mai Trung Tuấn đã bị xử tù hồi tháng 9/2015
Luật sư Đặng Huỳnh Lộc, một người trong nhóm các luật sư nhận tham gia bào chữa miễn phí cho thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, cho rằng Việt Nam cần xem lại việc áp giá đền bù cho người dân bị giải tỏa.
Trước đó, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, ngày 24/11 đã tuyên phạt bị cáo 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn 4 năm 6 tháng tù cùng khoản phạt bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng bởi hành vi "Cố ý gây thương tích".
Cáo trạng nói bị cáo Tuấn đã tạt a-xít vào người bị hại là công an huyện bảo vệ cưỡng chế Nguyễn Văn Thủy, được giám định gây ra mức thương tật là 35%.
Vụ việc xảy ra ngày 14 tháng Tư năm 2015 tại thị trấn Thuận Hóa. Khi lực lượng cưỡng chế đến khu vực giải tỏa, một số thành viên của gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn đã ở lại khu vực này, không chấp hành việc cưỡng chế.
Trả lời BBC Việt Ngữ hôm 4/12, luật sư Đặng Huỳnh Lộc đưa ra nhận định của ông về bán án 4 năm rưỡi tù mà tòa tuyên cho bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn và một số chi tiết cần lưu ý trong vụ án này.
Ls Đặng Huỳnh Lộc: Vụ án Nguyễn Mai Trung Tuấn phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam trong một vụ cưỡng chế tháo dỡ nhà diễn ra tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, vừa được Tòa án Nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm.
Theo thông lệ, vụ án sau xét xử sơ thẩm nếu có kháng cáo hồ sơ sẽ được chuyển lên cấp phúc thẩm và luật sư mới có thể liên hệ Tòa án cấp phúc thẩm làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Sau đó, luật sư mới được đọc hồ sơ vụ án.
Hiện, hồ sơ cấp sơ thẩm chưa chuyển lên cấp phúc thẩm, luật sư chưa được Tòa án cấp phúc thẩm trong vụ án này là Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Luật sư chưa đọc hồ sơ vụ án nên chưa thể nói trước được điều gì.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp l‎ý đối với bản án sơ thẩm của TAND huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, kết án Nguyễn Mai Tuấn Trung phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam và tuyên buộc hình phạt 4 năm 6 tháng tù là nằm trong khoản 2 của Điều 104 Bộ Luật hình sự nước CHXHCN VN. Điều khoản này có khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù. Đây là yếu tố về pháp lý cần phải xem xét.
Image copyrightFacebook Huy Phan
Image captionBên ngoài khu vực tòa xử Nguyễn Mai Trung Tuấn
Pháp luật Việt Nam có quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi cố ý, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng theo quy định pháp luật hình sự Việt Nam, với những tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội thì mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù; với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội và mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt đó là trên 15 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Với mức án 4 năm 6 tháng mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên cho Nguyễn Mai Trung Tuấn như đã nói trên là hoàn toàn nằm trong khoản 2 Điều 104, mức cao nhất của khung hình phạt này là 5 năm tù. Điều đó cho thấy, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm khi định tội lượng hình đã đánh giá Nguyễn Mai Trung Tuấn là không thực hiện hành vi tội phạm rất nghiêm trọng.
Trong vụ án liên quan đến Nguyễn Mai Trung Tuấn, cũng cần xét đến có phạm tội trong trường hợp bị kích động hay không?
Muốn xem xét vấn đề này còn phải xem lại trình tự thực hiện dự án có đúng pháp luật hay không? Ngoài ra, trong cùng một vụ án nhưng cha, mẹ Nguyễn Mai Trung Tuấn và một số người khác bị buộc tội “Chống người thi hành công vụ” còn Trung Tuấn bị buộc tội danh khác là “Cố ý gây thương tích” cũng là việc cần bàn.
BBC: Axit mà bị cáo Tuấn sử dụng có khả năng gây sát thương nặng tới đâu? Theo luật sư, kết quả 35% thương tật của người bị hại, công an Nguyễn Văn Thủy, có cần thiết phải được giám định lại hay không?
Trong vụ án này, người bị hại là Nguyễn Văn Thủy, Trưởng công an huyện Thạnh Hóa, người tham gia cưỡng chế giải tỏa nhà của gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn ngày 14-4-2015 hôm xảy ra vụ án.
Hôm TAND huyện Thạnh Hóa đưa vụ án ra xét xử Nguyễn Mai Trung Tuấn về tội “Cố ý gây thương tích”, ông Nguyễn Văn Thủy cũng có mặt. Nhiều người có mặt ghi nhận ông Thủy đi lại bình thường, không có biểu hiện gì là một người bị thương tật và hiện ông vẫn đến công sở làm việc bình thường.
Ngoài ra, Bản kết luận giám định pháp y về thương tích của bị hại Nguyễn Văn Thủy cho thấy toàn bộ thương tích là phần mềm ngoài da, các vết thương hầu hết đều được Bản kết luận đánh giá “sẹo lồi, không rát...”. Theo đó, việc xác định ông Thủy tỷ lệ thương tật cơ thể 35% cũng cần phải xem xét.
Ở đây phải xét đến tính chất của bỏng axit là phản ứng hoá học giữa axit và các chất hữu cơ trên cơ thể.
Da bị bỏng axit sẽ để lại những dấu vết đặc trưng với từng loại axit. Dựa vào màu sắc da có thể nhận biết loại axit nào được sử dụng. Như với axit Sunfuric da chuyển từ mầu xám rồi thành mầu nâu, với axit Nitric lúc đầu da mầu vàng rồi chuyển thành mầu sẫm...
Giám định thương tật cơ thể trong trường hợp này là giám định thương tích do axit gây ra, chứ không phải “tổng hợp” cả những thương tích do mèo cào, chó cắn để định ra tỷ lệ thương tật cho ông Thủy.
Tóm lại, so với quy định pháp luật về giám định pháp y thương tật cơ thể, Bản kết luận giám định pháp y thương tích của ông Nguyễn Văn Thủy về hình thức và nội dung theo quy định có nhiều dấu hiệu cần phải xem xét. Theo đó, đề nghị trưng cầu giám định lại là cần thiết.
BBC: Tính đến thời điểm này, gia đình bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn đã nhận được tiền đền bù giải tỏa hay chưa, thưa luật sư?
Nhiều tài liệu cho thấy, dự án “Đê bao chống lũ” thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã được cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Long An phê duyệt năm 2007. Đến nay nhà của gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn đã qua bốn lần bị cưỡng chế tháo dỡ, nhưng gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn vẫn chưa được nhận tiền đền bù.
BBC: Theo ông, những trường hợp tranh chấp và không đạt được thỏa thuận giữa người dân và lực lượng thu hồi đất như trường hợp của gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn đã xảy ra nhiều hay chưa? Và nguyên nhân từ đâu?
Việc tranh chấp đất đai giữa nông dân và các chủ đầu tư dự án bằng nguồn vốn Nhà nước hay bằng nguồn vốn tư nhân đã từng xảy ra, có nơi âm ỉ, có nơi bùng phát, nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc áp giá đền bù mà người dân bị giải tỏa, di dời cho rằng mức đền bù, bồi thường như vậy là chưa thỏa đáng, gây thiệt hại về quyền lợi cho họ, nhưng một trong hai bên không chấp nhận thỏa thuận nên tranh chấp diễn ra.
Image copyrightOther
Image captionNgười dân theo dõi vụ xử bên ngoài phiên tòa qua loa phóng thanh (Ảnh: Facebook Huy Phan)
BBC: Chính sách thu hồi đất đai hiện hành có những hạn chế gì, thưa ông?
Từ năm 2010 đến nay chính sách thu hồi đất đai của Nhà nước đối với người dân đã được quy định chặt chẽ hơn, hướng tới đảm bảo quyền lợi cho người dân hơn, như việc áp giá thị trường để đền bù; hay như chủ trương Nhà nước không làm thay doanh nghiệp trong bồi thường, giải tỏa đối với những dự án dân cư, đô thị do tư nhân đầu tư; hay như quy hoạch dự án có liên quan đến thu hồi đất đai phải có ý kiến tham vấn của người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng; hay như với việc thu hồi đất nông nghiệp phải bồi thường gấp ba lần giá trị đền bù, hỗ trợ học nghề cho người bị thu hồi đất...
Đó là đối với những dự án quy hoạch mới đây và không phải mọi dự án đều được tuân thủ quy định nghiêm ngặt.
Đối với nhiều dự án quy hoạch trước đây thì lắm nhiêu khê trong việc áp giá đền bù, như trường hợp đền bù trong việc giải tỏa nhà của gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn. Dự án được phê duyệt từ năm 2007 và đương nhiên là việc áp giá đền bù theo thời giá năm 2007, nhưng đến nay dự án chưa được thực hiện vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về vốn thường được gọi là “dự án treo”.
Những “dự án treo” này có dự án mà năm đến 10 năm sau mới thực hiện nhưng giá đền bù lại không được điều chỉnh đúng thời điểm thu hồi đất đai, triển khai dự án, buộc người nông dân phải chấp nhận “chuyện đã rồi” và tranh chấp diễn ra.

Hà Nội cần người chấn chỉnh trị an?

Theo BBC-7 giờ trước 

Ông Nguyễn Đức ChungImage copyrightdantri.com.vn
Image captionÔng Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hà Nội được bầu làm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hôm 04/12/2015.
Cách Hà Nội thức mà Hà Nội 'bầu ra' tân Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố hôm 04/12/2015 không thể được gọi là 'bầu' mà chỉ là một sự 'chỉ định' khi chỉ có 'duy nhất một cử ứng viên' cho chức vụ này, theo ý kiến của khách mời tại tọa đàm tuần này của BBC Việt ngữ.
Trong khi đó ý kiến khác nêu giả thuyết Hà Nội có thể cần một tân lãnh đạo có nguồn gốc công an vì muốn 'chấn chỉnh, trị an' cho một khởi đầu mới.
Việc các tướng lĩnh quân đội, công an sang nắm các ghế lãnh đạo dân sự là hiện tượng đã có từ lâu, một ý kiến khác nữa nói với BBC.
Trước hết, hôm thứ Năm, nghệ sỹ điện ảnh Kim Chi, một nhà hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự từ Hà Nội, nêu quan điểm với Bàn tròn của BBC:
"Tôi thấy nói là bầu lại Chủ tịch mà lại chỉ có một ứng cử viên thôi, tôi nói một lời hơi nặng là đúng là trò hề, bởi vì đã là bầu thì phải có nhiều người để người ta so sánh. Còn chỉ định có một người thôi thì sao lại gọi là bầu. Mà đã là bầu, thì toàn dân phải được bỏ phiếu, chứ không thể là chỉ định cho nên tôi không tin tưởng chuyện này."
Được hỏi liệu có xảy ra xác xuất khi chỉ có một ứng viên, nhưng Hà Nội lại có thể chọn trúng được ngay một nhà lãnh đạo 'có đức, có tài, lãnh đạo hiệu quả, hợp lòng dân' trên cương vị Chủ tịch Thành phố, nghệ sỹ Kim Chi đáp:
Nghệ sỹ điện ảnh Kim Chi
Image captionNghệ sỹ điện ảnh Kim Chi tin rằng sẽ là 'phúc đức' cho nhân dân nếu chỉ cần một ứng cử viên mà lại trọn trúng được lãnh đạo 'có đức, có tài, hợp lòng dân.
"Thế thì phước đức cho dân chúng tôi quá, bởi vì chúng tôi cũng chỉ mong có một người như thế thôi, thế thì nếu mà có thì tuyệt vời, nhưng mà tôi được biết là người được chỉ định đó thì không phải là người như thế. Cho nên tôi rất trăn trở, rất tâm tư," bà Kim Chi nói với Tọa đàm của BBC.

Vì sao cần 'công an'?

Còn Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn, một chuyên gia phản biện chính sách xã hội từ Vusta (Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam) nêu giả thuyết vì sao Hà Nội lúc này lại cần tới một lãnh đạo thành phố có gốc công an.
Ông nói: "Tôi thấy rằng tình hình bầu của chúng ta (Việt Nam) từ trước đến nay cũng không có gì thay đổi, nên tôi không có sự ngạc nhiên về những thông tin này.
"Nhưng tôi có nhận thấy rằng tình hình rõ ràng trong những năm vừa qua là trị an có vấn đề. Theo tôi nhìn nhận vấn đề xã hội là có xu hướng căng thẳng hơn và có tính chất xấu đi. Cho nên có thể một người mới đến từ ngành Công an phải chăng sẽ là cần đến vào lúc này để có thể chấn chỉnh cho... bắt đầu một giai đoạn mới?
"Tôi cũng chưa hình dung hết được sự phân tích để có thể (nói) tại sao lại đưa một vị trí trong lúc này lại là một người đến từ ngành an ninh. Thế nhưng về cơ bản tôi nghĩ là chờ đợi và xem xét tình hình chung.
"Còn về vấn đề việc bầu cử, tôi nghĩ rằng cũng không có gì thay đổi so với các tình huống trước đây," TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng thuộc Vusta, nêu quan điểm.

Tạo ra tình huống mới?

Cũng từ Hà Nội, ông Vũ Huy, họa sỹ thiết kế thuộc Hãng phim Truyện Việt Nam bình luận với BBC về người mà từ ngày 04/12 chính thức thay thế cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Họa sỹ Vũ Huy nói:
TS. Nguyễn Xuân Diện
Image captionKhông nên gọi đây là 'bầu cử' mà gọi là 'chỉ định' thì đúng hơn, theo Tiến sỹ, blogger Nguyễn Xuân Diện.
"Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã hết nhiệm kỳ và trong nhiều ngày nay, Hà Nội đã tìm một người ứng cử khác.
"Theo tôi được biết thì ông (Nguyễn Đức) Chung đúng là một người như anh (Trần Tuấn) nói.
"Khi mà tình hình Hà Nội trong nhiều năm gần đây, vấn đề về an ninh, những vấn đề nổi cộm, thì bản thân ông Chung cũng có một vài cái mà làm cho một số lượng dân, và một số lượng đặc biệt những người làm chính trị ở Hà Nội quan tâm.
"Và cho rằng đây là một lực lượng mới mà có thể tạo ra được một tình huống mới cho Hà Nội trong thời điểm hiện nay," họa sỹ Vũ Huy, con trai của nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, nói với BBC.

Dư luận băn khoăn

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, blogger và nhà hoạt động xã hội, đưa ra bình luận với Tọa đàm về bầu tân Chủ tịch Hà Nội của BBC.
Ông nói: "Tôi thấy dư luận hiện nay rất băn khoăn về chuyện đó vì coi đây không phải là cuộc bầu cử. Và họ nghĩ rằng không nên gọi là bầu cử, gọi là chỉ định đúng hơn.
"Và qua tình hình an ninh, trật tự của Thành phố Hà Nội vừa rồi, một mặt người ta đánh giá như là Tiến sỹ Trần Tuấn nói, là người ta chờ đợi là người lãnh đạo của Hà Nội xuất thân từ ngành an ninh.
"Nhưng ngược lại người ta cũng nghĩ là an ninh trong những ngày vừa rồi, những tháng vừa rồi quá xấu.
"Thì điều đó người ta cũng không trông đợi điều gì lắm đâu," Tiến sỹ Xuân Diện, người đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm ở Hà Nội nói.
Khi được đề nghị dự đoán về nhiệm kỳ tới đây của vị tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, một người xuất thân công an nay khoác áo dân sự, Tiến sỹ Diện nói:
"Tôi thấy rằng dự đoán rất là khó lường, bởi vì thành phố Hà Nội không giống những địa phương kia.
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất
Image captionViệc các tướng lĩnh quân đội, công an sang nắm ghế dân sự đã xảy ra nhiều ở Việt Nam từ trước, theo Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất.
"Và chúng ta chỉ có thể biết là chờ đợi từng ngày về sự trị an của thành phố mà thôi," blogger, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội, nói.

Làm sao chọn đúng người?

Từ Đà Nẵng, nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất bình luận:
"Câu chuyện của Tướng Chung làm Chủ tịch Hà Nội, tôi nghĩ vấn đề ở đây là làm sao chọn lựa, tiến cử được người thực tài. Thế còn việc bầu thì bây giờ Tướng Chung đã được giới thiệu, Trung ương duyệt hơn một tháng trước rồi, chứ không phải đợi đến hôm nay mới bầu. Chuyện ông Chung không chỉ đưa ra, nhưng mà Trung ương, quy định lâu nay của bộ máy này thì nó đã ấn định thế rồi, không chỉ hẳn là bí thư và chủ tịch Hà Nội, Hải Phòng đâu.
"Mà bí thư và chủ tịch của tất cả các tỉnh thành cũng phải được duyệt trước, chỉ định trước, chọn lựa trước rồi, cho nên việc đưa ra gần như chỉ là hình thức và cho xong thủ tục thôi. Cho nên đấy là một điều đáng nói, tức là làm sao để bầu chọn được thực sự người tài, nó có cơ hội để chọn đúng người tài.
"Còn bây giờ cụ thể Tướng Chung thì đẩy sang ngồi ghế lãnh đạo chính quyền..., thực ra xu thế lâu nay của Việt Nam mà đẩy các tướng lãnh quân đội và công an qua nắm chính quyền thì không chỉ trường hợp tướng Chung. Lâu nay rất nhiều rồi, mới hôm qua, hôm kia có ông Đại tá (quân đội) của một tỉnh trong kia, tỉnh Hậu Giang, cũng là Chủ tịch, thì việc đó rất nhiều rồi," ông Trương Duy Nhất nói.
Trả lời câu hỏi làm thế nào chọn được người tài, đức làm lãnh đạo và đại diện đúng cho nguyện vọng của dân và ngồi vào một chiếc ghế như ghế Chủ tịch UBND Thành phố như ở Hà Nội, nghệ sỹ điện ảnh Kim Chi nêu quan điểm:
"Thì cái đó phải cho bầu cử tự do, phải lựa trong những người không chỉ trong đảng viên đảng cộng sản, tôi nghĩ thế, tức là nó phải đa nguyên, phải tôn trọng pháp luật, thì phải lựa từ trong quần chúng xuất sắc. Tôi nghĩ (họ) nhiều lắm," bà Kim Chi nói với BBC.
Sáng thứ Sáu 4/12, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội của Việt Nam đã bầu ông Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc Công an Thành phố, Bí thư Thành ủy vào vị trí Chủ tịch UBND với 87 phiếu tán thành trên tổng số 89 đại biểu có mặt, đạt 94,56%, theo truyền thông nhà nước. Sau đó, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Đức Chung giữ chức danh này, vẫn theo truyền thông Việt Nam.