Wednesday, May 1, 2024

Điều không thể mất ở Sài Gòn, sau những tháng năm dài bị vùi dập

 John Phạm/SGN

Nước miễn phi cho người cần lao lỡ độ đường, nét đẹp của dân Sài Gòn (Ảnh Human Of Saigon)

LTS: Kể từ sau 30 Tháng Tư 1975, lịch sử đột ngột sang trang khác. Những câu chuyện đời thường nhưng là hình ảnh đặc trưng của người Sài Gòn dường như không còn dễ tìm thấy ở mọi nơi, nhưng vẫn chưa mất hẳn. Đã 49 năm rồi, khi nào thì những ký ức đẹp đẽ dưới đây sẽ mãi mãi là kỷ niệm?

1.

Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học. Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau.

Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.

Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Chỉ một loáng, nguyên nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ.

Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn, đâm lo không biết tiền mang theo có đủ trả không. Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, chủ quán bước lại, nói:

”Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.”

(Ảnh: MH)

2.

Trong những năm của thập niên 80, có lần tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh, thấy một đôi nam nữ đi ra, ngoắc lại: “Xích lô!”

Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại, tôi hỏi: “Anh chị đi đâu?”

– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu?

Mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. “Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho.”

Anh con trai nói: “15 đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi, tui chỉ đường.”

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối. Tôi mới nói: “Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm, đi xe khác giùm.”

Ai ngờ anh con trai ngoái đầu lại, nói: “Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà!”

Thế là… được khách chở, đã vậy đến nơi, anh con trai còn trả tiền đầy đủ, không thèm bớt cắc nào vì thực ra tôi chỉ mới chở được hơn nửa đường.

3.

Hỏi người Sài Gòn về đường sá thật dễ chịu, già trẻ, lớn bé đều chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm.

Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh: “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường, mé tay phải, 10m. Hỏi hoài mệt quá!”

Ở Sài Gòn, có nhiều nhà đặt một bình trà đá trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng “nước uống miễn phí.”

Khi bạn đang chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó la lớn nhắc bạn quên gạt cái chân chống, hoặc nhắc bạn nhét cái bóp vào sâu trong túi quần bị lòi ra sắp rớt, đích thị đó là người Sài Gòn!

Bây giờ còn vậy nữa không, nhiều hay ít?

Mà nếu bạn không còn gặp những người như vậy, câu trả lời của tôi là… những người mà bạn gặp đó không phải là người Sài Gòn. Vậy thôi.”

Người Sài Gòn có thói quen thả hồn theo ly cafe, trầm tư với cuộc đời (Ảnh: romancecoffee)

Thay lời kết

Đây là mẩu chuyện ngắn từ một người tù:

“Năm 1978 khi ra tù, tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh xích lô chạy đến hỏi tui :’Về đâu?’. Tui nói thật, ‘Mới ra tù, không còn tiền…’ Anh xích lô huơ tay, nói ngay: ‘Lên đi ông nội, tui chở về. Không có tính tiền đâu.’ Làm sao tui quên được câu nói đó…”

Không bị chết cứng bởi quan điểm chính trị chính em gì ráo, người Sài Gòn sống với nhau quan trọng hơn hết là phải biết “CHƠI ĐẸP!”

Hai chữ “chơi đẹp” nghe gọn lỏn, mà hay vô cùng.

Hình như hai chữ “chơi đẹp” đã biến mất khỏi ngôn ngữ hiện nay rồi thì phải?

Chê người nên nghĩ đến ta

 Hoàng Quốc Dũng

Như thường lệ 30/04, cả nước lại ăn mừng chiến thắng. 49 năm rồi vẫn như cu : cờ quạt, meeting, discours khí thế hào hùng rung chuyển trời đất…

chenguoi1

Ngày 30/04 cứ tưởng là ngày vui nhất, ngày hạnh phúc nhất của dân tộc, nhưng nào ngờ đó lại là ngày đen tối, ngày chiến thắng của cái ác mà lúc đó người ta lại tưởng là cái thiện. Thực ra cái ác đó nó đã có ở Liên Xô cách ngày 30/04/1975 hàng nửa thể kỷ, nhưng vì bị bưng bít thông tin nên lúc đó chúng ta không biết và cứ hùng hục oánh nhau, bất kể mất mát về tiền của và nhân mạng để đưa cái ác lên ngôi. Chuyện nhầm lẫn cái thiện, cái ác nó cũng là thường tình. Càng kém thông minh thì càng nhầm nhiều và "nhầm" lâu. Nhưng rất lạ là lại thêm ½ thế kỷ nữa trôi qua, trong giai đoạn này đã có sự bùng nổ về thông tin, những điều bị bưng bít bấy lâu đã không còn là điều bí mật nữa, những chuyện nhảm nhí của "cung đình" cũng được phơi bầy tơ hơ hàng ngày trên mạng xã hội. Vậy mà, biết vậy, chúng ta vẫn tiếp tục ăn mừng "cách mạng" được. Thực sự chúng ta là một dân tộc siêu đẳng.

Người Mỹ nói riêng và Phương Tây nói chung đã giúp nhiều nước tránh họa độc tài. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí thất bại thảm hại, đặc biệt là ở các nước hồi giáo như Afganistan, Lybia, Iraq…
Ở các nước dân chủ phương Tây, nói chung (nhắc lại là nói chung thôi) là không có thánh. Người dân rất tự do tư tưởng. Trong đầu họ không có thánh nào cả. Họ không sợ thằng tổ dân phố, họ không sợ thằng trưởng phường, họ càng không sợ thằng tổng thống.
Ngược lại, ở các nước hồi giáo, dân trí rất thấp và họ có thánh của họ, họ tin tưởng hoàn toàn vào thánh. Tự do phương Tây là một nguy hiểm cho tôn giáo của họ. Khi con người nhiễm tự do thì đương nhiên không tin vào thánh. Có lẽ chính vì vậy mà giúp họ đánh đổ độc tài ở các nước hồi giáo là rất khó khăn.

Người Việt Nam thường rất coi thường mấy nước hồi giáo. Cho rằng họ lạc hậu, mọi rợ, cuồng tín…

Tuy nhiên tôi thấy rằng người Việt Nam chúng ta hoàn toàn chỉ ngang hàng(có khi còn thấp hơn) với mấy nước hồi giáo đó. Chúng ta hồ hởi chấp nhận độc tài, ca ngượi độc tài, coi đó như một sự cần thiết sống còn, đương nhiên. Chúng ta cũng cuồng tính như họ, thậm chí còn hơn. Thánh của chúng ta là Bác Hồ. Chính vì vậy, người Mỹ đã không thể giúp chúng ta có được dân chủ giống như Afganistan, Lybia, Iraq…

Thường thì thiếu cái gì thì người ta hay lại cố tình tỏ ra có nhiều cái đó. Báo chí lề phải ở Viêt Nam gọi nhiều ngày lễ là ngày lễ độc lập. Thực sự mà nói Việt Nam chưa bao giờ có độc lập.

Độc lập-Tự do- Hạnh phúc rõ ràng vẫn chỉ có trong mơ. Bạn nào cảm thấy có rồi cũng được. Cố mà giữ lấy nó.

Hoan hô.

Hoàng Quốc Dũng

(30/04/2024)

Bắt Dương Công Minh, tức Minh “xoài”, tại sao không?

 Phạm Vũ Hiệp

Dương Công Minh, còn gọi là Minh “xoài”, Minh “Him Lam”, sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Mẹ của Minh “xoài” là bà Đặng Thị Doan, sinh năm 1939. Theo lý lịch thì bố Minh là một người họ Dương, hiện tại Minh đang giữ chức Chủ tịch hội đồng họ Dương Việt Nam.

Thế nhưng, nhiều cựu sĩ quan cùng thời cho rằng, Minh là con trai tướng Phạm Văn Trà (sinh năm 1935), Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 8 và 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giai đoạn 1997-2006. Tướng Trà đã nhận Dương Công Minh là “con nuôi” từ năm 1984, công khai với mọi người.

Vợ Dương Văn Minh tên là Lê Thị Vân Thảo, sinh năm 1964, quê Quảng Ngãi. Thảo là con gái một sĩ quan VNCH. Vân Thảo hiện là Chủ tịch HĐQT Satori.

Dù có bố Trà đỡ đầu, nhưng theo quy định của Bộ Quốc phòng, Minh buộc phải xuất ngũ, ra khỏi quân đội với lon trung uý.

Vợ chồng Dương Công Minh bên mẹ và chị gái. Nguồn: Họ Dương VN

Bảo kê và thâu tóm tài chính

Năm 1994, được bố Phạm Văn Trà bơm tiền, Minh thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Him Lam, mục đích kinh doanh bất động sản. Hàng trăm hec-ta đất tại TPHCM do quân đội quản lý đã lọt vào tay Minh Xoài, biến thành các dự án nhà ở mở bán. Một số dự án như: Khu Đồng Diều (Quận 8), Khu 6A Him Lam (Bình Chánh), khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng (Quận 7), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông…

Tại Bắc Ninh có Dự án Trung tâm thương mại Him Lam Plaza. Hà Nội có Dự án công viên công nghệ thông tin Hà Nội, Dự án Galaxy 2, Dự án Sân golf Long Biên, cùng rất nhiều dự án lớn trải dài khắp trên cả nước.

Năm 2008, Minh “xoài” cho ra đời Him Lam Land, chính thức lấn sân sang mảng tài chính và tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, giai đoạn từ 2008 – 2017.

Minh “Him Lam” gây nhức nhối và thách đố dư luận từ khi anh ta chiếm 157 hec-ta đất ở sân bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf hồi năm 2007. Tháng 5-2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có văn bản cho phép đầu tư và xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất. Minh “xoài” đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và xây dựng sân golf với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 2.200 tỷ đồng.

Trên thế giới, không quốc gia nào “xẻ thịt” sân bay để làm sân golf cả. Để được phi vụ này, Minh “Xoài” được bố Phạm Văn Trà, cùng Phùng Quang Thanh – bộ trưởng Bộ Quốc phòng kế nhiệm tướng Trà, cùng với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông-Vận tải, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam và một số tướng trong quân đội – gọi chung là “nhóm lợi ích” – tiếp tay bằng một “kịch bản” dàn dựng công phu, nhằm cướp cho bằng được đất đai ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Minh “xoài” cấp tốc cho xây la liệt biệt thự, nhà cửa để chiếm đất không hoàn trả. Mục đích của Minh và nhóm lợi ích trong quân đội là đẩy sân bay Tân Sơn Nhất vào tình trạng tồi tệ khiến sân bay này không sử dụng được, phải xây sân bay khác, đó là sân bay Long Thành.

Ảnh: Hai tướng quân đội Phạm Văn Trà (trái) và Phùng Quang Thanh từng bảo kê cho Minh “xoài”. Ảnh chụp năm 2015. Nguồn: Báo Dân Trí

Lo sợ sân golf Tân Sơn Nhất có ngày bị thu hồi, nhóm lợi ích lại vẽ ra các cuộc hội thảo khoa học, mời số “cò mồi” như Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Trung ương), Trần Du Lịch (Viện Kinh tế TPHCM), Trần Quang Châu (Viện Hàn lâm KHXH) phát biểu, tranh luận, tham luận. Nội dung gói gọn trong hai vấn đề: Một là cần xây sân bay mới Long Thành; hai là phản bác tất cả mọi ý kiến của các nhà khoa học bàn về chuyện không nên xây sân bay Long Thành, chỉ cần nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 2015, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD. Tuy nhiên, đến 2023 khi dự án triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư đã lên đến 20 tỷ USD, nhưng con số vẫn chưa dừng ở đó.

Vậy là Dương Công Minh đã thắng trong canh bạc cân não. Chỉ vì Minh “xoài” và nhóm quân đội đứng đằng sau Minh phù phép, mà nhà nước đã thua thiệt một số tiền khổng lồ. Sau khi “xẻ thịt” được Tân Sơn Nhất, tính đến cuối năm 2017, Him Lam Group của Minh “xoài” đã có tổng tài sản 2 tỷ Mỹ kim, nhưng nhà nước đã phải bỏ ra hơn 20 tỷ Mỹ kim để xây sân bay Long Thành!

Khi nào thì bắt Minh “xoài”?

Minh “xoài” một tay che trời, kiếm ngàn tỷ đồng dễ như trở bàn tay. Suốt hai chục năm, nhờ thế lực và đồng tiền hối lộ đi trước, nên đế chế Him Lam và các công ty của Minh luôn nằm ngoài sự kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, tài chính, ngân hàng.

Năm 2017, Dương Công Minh thoái vốn tại LienVietPostBank. Nhờ sự giúp sức của Ngân hàng nhà nước và phe nhóm quân đội, Minh đã hớt tay trên của Trầm Bê để nhảy vào ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank – STB).

Sacombank vốn là của đại gia Đặng Văn Thành, bị Trầm Bê thâu tóm. Cái kết không những bị Minh “xoài” cướp mất, mà Trầm Bê lại còn vướng lao lý, phải ngồi tù với bản án 7 năm.

hưa dừng lại ở đó, khi Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bắt giam, Tập đoàn FLC rơi vào khủng hoảng, Minh “xoài” đã nhanh chóng xuất hiện. Hiện Dương Công Minh đóng vai cố vấn HĐQT, trong khi tay chân của Minh là Lê Thái Sâm và Doãn Hữu Đoàn lại là Chủ tịch và Phó chủ tịch Bamboo Airways.

Trong những ngày diễn ra phiên toà xét xử Trương Mỹ Lan và đồng bọn của bà ta, có thông tin gây xôn xao dư luận, rằng Dương Công Minh làm ăn và dính rất sâu với Vạn Thịnh Phát. Minh đã trực tiếp giúp bà Lan “rửa tiền”, số tiền 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD, thông qua một nhân vật có tên là Hồ Quốc Minh, hiện đã rời khỏi Việt Nam, xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Hồ Quốc Minh, sinh năm 1979. Minh và Nguyễn Cao Trí từng được biết đến là các ‘ông bầu’ của Câu lạc bộ Bóng đá Sài Gòn (Sài Gòn FC). Hồ Quốc Minh cũng là cổ đông sáng lập của loạt công ty thành viên trong “hệ sinh thái” Capella Holdings của Nguyễn Cao Trí như CTCP Bến Thành City, CTCP Bến Thành Homes, CTCP Bến Thành Hospitality.

Ai đã giúp cho Hồ Quốc Minh trốn ra nước ngoài khi Trương Mỹ Lan bị khởi tố bắt giam? Dương Công Minh, Nguyễn Cao Trí, “nhóm lợi ích” trong quân đội hay công an? Những câu hỏi này hiện vẫn chưa có lời giải đáp.

Mới đây, tài khoản Facebook cá nhân “Thang Dang”, được cho là của Đặng Tất Thắng, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, đăng tin Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh bị cấm xuất cảnh. Thế là Minh “xoài” và Sacombank nhảy dựng lên, gửi công văn cầu cứu Bộ Công an, Ban Tuyên giáo và một số cơ quan nhờ can thiệp.

Công văn cầu cứu của Sacombank

Giới kinh doanh tài chính ngân hàng đang so sánh Dương Công Minh với Trương Mỹ Lan. Người ta cho rằng, cách làm ăn của Minh “xoài” không khác gì Trương Mỹ Lan.

Him Lam Group cũng phát hành trái phiếu, huy động vốn ồ ạt. Dương Công Minh cũng vi phạm quy định về sở hữu chéo, cho vay, sân sau của ngân hàng. Cách điều hành của Minh “xoài” phức tạp, tinh vi, nhằm thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện phạm tội, nhằm lách quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, đồng thời trốn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng.

Minh “xoài” dùng người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần, nhằm thâu tóm, thao túng. “Hệ sinh thái” Him Lam sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính, để huy động tiền, thiết lập “ma trận” các pháp nhân, chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền, bán nợ xấu làm đẹp hồ sơ, mua chuộc cán bộ… để che giấu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm.

Có thông tin hiện nay vợ con Dương Công Minh đã đào tẩu sang Mỹ. Minh hiện đang sống với vợ bé tên Linh trong một căn biệt thự tại khu vực sân golf Long Biên. Nguồn tin cũng cho biết, cô vợ bé này nhỏ hơn Minh gần 30 tuổi và có với Minh hai đứa con.

Giới tài phiệt đang tung “hoả mù”, nếu như nhà nước bắt giam Dương Công Minh, sẽ dẫn đến “hiệu ứng domino” gây hỗn loạn và sụp đổ hệ thống tài chính, ngân hàng ngoài quốc doanh ở Việt Nam.

Thế lực của Dương Công Minh hiện vẫn còn đang rất mạnh. Cổ phần trong “hệ sinh thái” Him Lam của các tướng quân đội về hưu và đương chức vẫn là con số bí ẩn. Bảo kê cho Minh “xoài” hiện nay, ngoài thế lực quân đội, còn có cả một số nhân vật trong ngành công an.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng và các cơ quan điều tra cấp cao cần sớm vào cuộc để tháo ngòi nổ “quả bom” Dương Công Minh. Nếu không, một ngày nào đó, vụ án Trương Mỹ Lan thứ hai nổ ra, sẽ tạo ra một cơn địa chấn quốc gia với mức độ và hậu quả hết sức nặng nề.

Để Chủ tịch cấp xã nhận hối lộ 1 ô tô và hơn 5 tỷ: Trách nhiệm thuộc về ai?


Du Việt Thanh khi bị bắt. Ảnh: Công an Kiên Giang

Du Việt Thanh khi bị bắt. Ảnh: Công an Kiên Giang


Công luận ở Việt Nam thấy rằng, hầu như, tất cả lãnh đạo các cấp trong bộ máy Đảng và chính quyền đều tham nhũng, nhận hối lộ và vi phạm pháp luật.

Từ 2 nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất trong Đảng, mới đây cùng bị mất chức, do cáo buộc liên quan đến tham nhũng, đến các lãnh đạo cấp xã cũng tham nhũng tiền tỷ.

Báo Tuổi Trẻ ngày 27/4 đưa tin, “Bắt nguyên Chủ tịch xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc vì nhận hối lộ 1 ô tô và hơn 5 tỷ đồng”. Bản tin cho hay, với hành vi nhận hối lộ 1 xe ô tô và tiền mặt hơn 5 tỷ đồng, ông Du Việt Thanh – nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc, đã bị Công an tỉnh Kiên Giang bắt tạm giam.

Theo đó, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp Viện Kiểm sát tỉnh, đã bắt ông Du Việt Thanh, 44 tuổi, vào lúc 7h40 sáng cùng ngày.

Theo thông tin ban đầu, Công an Phú Quốc đã mở rộng điều tra một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và phát hiện, nguyên Chủ tịch xã Cửa Cạn, Du Việt Thanh đã nhận hối lộ để “giả vờ không biết”, cho một số người phân lô bán nền đất rừng do Nhà nước quản lý. Ông Du Việt Thanh đã tiếp tay cho những người khác lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân hàng trăm tỉ đồng.

Chuyện lãnh đạo cấp cơ sở, kể cả các viên chức, công chức cấp phường, xã, đua nhau tham nhũng, là điều mà ai ai cũng biết. Nhưng với cái chức quèn như Chủ tịch xã Du Việt Thanh, mà nhận hối lộ 1 xe ô tô và tiền mặt hơn 5 tỷ đồng; hay chuyện nữ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương ở Đồng Nai có 178 tỷ đồng trong tài khoản bị bốc hơi, cho thấy một sự hết sức bất bình thường về quy mô của “tham nhũng vặt”.

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong năm 2023, đã có gần 6.000 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 11,69%), và 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 51,63%). Nổi cộm là các vụ tham nhũng bị đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi và chỉ đạo, như các vụ: FLC; Tân Hoàng Minh; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á; Công ty AIC v.v…

Điều đó cho thấy, ngày càng có nhiều quan chức của Đảng tham nhũng, và mức độ tham nhũng ngày càng lớn. Một khi “thượng bất chính thì hạ tất loạn”, vì đây là vấn đề mang tính quy luật.

Công luận cho rằng, tình trạng tham nhũng của đất nước “chưa bao giờ có được như hôm nay”. Từ chỗ cấp nhỏ thì ăn nhỏ, cấp lớn ăn lớn, đến nay, đã tiến tới tình trạng nhỏ ăn lớn, lớn ăn lớn nhưng cũng không tha nhỏ. Đúng như lời than vãn của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rằng: “cán bộ ăn không chừa cái gì của dân”.

Đó là lý do vì sao, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, càng chống tham nhũng càng tăng. Khởi tố bắt giam mãi vẫn không hết, bắt đến gần hết thành viên giới lãnh đạo, nhưng các đồng chí chưa bị lộ vẫn không sợ, và vẫn tiếp tục tham nhũng. Tới mức, đã trở thành quy luật, số tiền nhận hối lộ tăng lên theo cấp bậc lãnh đạo nắm giữ.

Công luận cho rằng, tham nhũng là một thực trạng cố hữu trong khu vực công, đã và đang làm xói mòn niềm tin của người dân. Đã có những bằng chứng cho thấy, có sự liên kết, móc nối, thậm chí bao che trong hệ thống lãnh đạo cấp cao. Mà đại án “chuyến bay giải cứu” là một điển hình.

Tham nhũng ở Việt Nam tràn lan đến mức mất kiểm soát, thể hiện qua công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng, với hàng loạt quan chức vào tù, lớn cả về số lượng quan tham, lẫn quy mô về chức vụ, và mức độ tham nhũng. Chỉ trong hơn 3 năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 13, đã có 5/18 uỷ viên Bộ Chính trị phải thôi chức và “chịu trách nhiệm chính trị” trước Đảng, hàng chục uỷ viên Trung ương Đảng bị kỷ luật và truy tố.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng chưa có một giải pháp chống tham nhũng nào cho phù hợp. Thể chế chính trị Việt Nam hiện nay, không có “tam quyền phân lập”, không có tư pháp độc lập. Đó là nguyên nhân vì sao, Đảng đóng vai trò vừa là quan tòa, đồng thời cũng là kẻ trộm. Ông Trọng đã chỉ thị “đánh chuột không để vỡ bình”, bởi lý do như vậy.

Muốn giảm thiểu tham nhũng, không chỉ cần phải có “tam quyền phân lập” trong thể chế, cần tư pháp độc lập, mà còn cần phải có sự giám sát từ người dân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Đồng thời, phải bổ sung hình phạt nghiêm khắc hơn, với mức phạt bổ sung ít nhất phải tương ứng với số tiền đã tham nhũng, đã thất thoát do lỗi cố ý.

Quan trọng hơn, muốn chống được tham nhũng, thì những người lãnh đạo cao nhất của Đảng phải dứt khoát không được tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực./.

 

Trà My – Thoibao.de


Nguyên nhân cốt lõi của tham nhũng là bản chất chế độ độc tài và thiếu minh bạch


 Ngày 29/4, BBC Tiếng Việt có bài “Ông Vương Đình Huệ mất chức: Còn ai “trong sạch như tuyết”?”

BBC cho biết, các nhà quan sát mà họ phỏng vấn, đều cho rằng, việc trừng phạt các lãnh đạo không giải quyết được cốt lõi vấn đề tham nhũng, vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các nhà quan sát nhận định rằng, việc thiếu một nhà nước pháp quyền và một quy trình kế nhiệm minh bạch, cho thấy sự yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của Tổng Trọng, và một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội tại Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo BBC, chính sách xây dựng Đảng của ông Trọng “phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng”.

Ông yêu cầu “tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ.”

Như vậy có nghĩa, những người còn lại phải “trong sạch như tuyết”, “không chút tì vết”, BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer – nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc.

Tuy nhiên, công tác này, theo thực trạng đến nay và theo đánh giá của các nhà quan sát, đã thất bại – BBC cho hay.

Bởi chưa nói tới việc giới lãnh đạo có thực sự liêm chính hay không, Giáo sư Carl Thayer chỉ ra rằng, các phe phái trong Đảng sẽ luôn tìm ra “tì vết” của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra “tì vết” thuộc cấp của họ.

Điều kỳ khôi là, nguyên tắc “chịu trách nhiệm người đứng đầu” đã không được áp dụng với Tổng Trọng.

Hiện ông Trọng đang có vấn đề về sức khỏe, do đó, chuyện kế vị ông hẳn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

“Theo cách nói của người Mỹ, ông Trọng là một Tổng Bí thư “vịt què” – theo Giáo sư Carl Thayer.

Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe hiện nay, cùng với vấn đề tuổi tác, ông Trọng đã không thể chọn được người kế vị do tranh chấp giữa các phe phái. Những vấn đề trong Đảng cho thấy, “công tác nhân sự rất yếu kém”, ông Thayer bình luận.

Để thay thế vị trí của ông Trọng, nguồn nhân lực hiện nay chỉ có 3 người trong Bộ Chính trị dưới 65 tuổi, nhưng cả 3 đều có tầm ảnh hưởng không đáng kể.

Giáo sư Carl Thayer cho hay, vào tháng 11/2023, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết, Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.

“Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển.”

BBC dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, cho rằng, vấn đề là “phải bắt trúng bệnh gốc”.

“Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên Trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia.”

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này.”

Ông cũng nói rằng, việc hạ bệ hàng loạt cán bộ cấp cao, đỉnh điểm là 3 “Tứ Trụ” mất chức trong vòng hơn một năm “với lý do không được minh bạch cho lắm”, khiến người dân mất niềm tin vào Đảng.

Ông A đánh giá:

“Vì nó không minh bạch, nên ai cũng muốn lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì là không tốt, đáng chê cả. Nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch và người dân được thấy rõ. Lúc đó sẽ không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại dây chuyện đồn đoán nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, điều này cho thấy, một chính sách kế vị thất bại hoàn toàn, một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Hiện giờ Đảng không còn gì ngoài hỗn loạn

 

Ngày 29/4, VOA Tiếng Việt có bài “Công cuộc “đốt lò”: ông Tô Lâm là người thắng cuộc?”

VOA dẫn lời Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, nhận định:

“Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại.”

VOA cho hay, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được xem là người hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đốt lò của ông Trọng, khi Bộ Công an của ông đã phanh phui và khởi tố nhiều vụ việc của các doanh nghiệp, mà sau đó dẫn đến những cú rớt đài của các ông Phúc, Thưởng và Huệ, mặc dù Đảng không nói rõ sai phạm của các ông này là gì.

Giáo sư Abuza Zachary cho rằng, ông Tô Lâm “rõ ràng là người chiến thắng trong công cuộc chống tham nhũng”, khi đã đẩy lùi các đối thủ có khả năng lên kế nhiệm ông Trọng vào năm 2026.

“Ngay lúc này, chỉ còn 2 ứng cử viên có đủ điều kiện (lên thay ông Trọng) theo quy chế hiện hành của Đảng (ngoài ông Tô Lâm). Đó là ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng) và bà Trương Thị Mai (Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương). Nhưng ông Tô Lâm nắm rất nhiều thóp của ông Chính, người cũng bị những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu.”

Theo Giáo sư Abuza, ông Trọng “đã cưỡi lên lưng cọp”.
“Ông Tô Lâm là vũ khí tấn công của ông [Trọng]. Nhưng trong khi tiến hành, ông [Tô Lâm] đã lợi dụng việc đốt lò để từng bước hạ từng đối thủ một, bao gồm cả người được ông Trọng đỡ đầu như ông Vương Đình Huệ.”
“Tôi không nghĩ là ông Trọng có thể dừng đốt lò lúc này, nếu như ông ấy muốn. Ông ấy có thể bắt Tô Lâm dừng lại, nhưng sẽ khó mà đạo diễn, và tôi không chắc ông Trọng có muốn dừng hay không.”
Nhận định về ông Vương Đình Huệ, Giáo sư Abuza Zachary cho rằng, “rõ ràng ông ấy được bồi dưỡng để lên nắm vị trí cao nhất, với rất nhiều kinh nghiệm trong cả Đảng và Chính phủ”.
“Ông ấy thể hiện tham vọng rất rõ ràng và mong muốn leo lên vị trí cao nhất, đó là lý do tại sao ông ấy tự tin thái quá trong vai trò của ông ấy (Chủ tịch Quốc hội).”
Ông Abuza nhận định rằng, chuyến công du vừa qua của ông Huệ cho thấy, Bắc Kinh “đặt cược rằng, ông Huệ sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và các lãnh đạo của họ đã bỏ thời gian ra để gặp ông Huệ”.
Về tình hình nội bộ Đảng hiện nay, sau những cú sốc liên tiếp, Giáo sư Abuza cho rằng, đang “hỗn loạn”, với 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng, và 2 ghế Tứ trụ đang để trống.
Công cuộc đốt lò vốn có mục đích lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng, thì nay lại “phơi bày trần trụi tình trạng tham nhũng hoành hành đến mức nào, ngay ở cấp cao nhất của Đảng”.
“Tôi nghĩ công cuộc đốt lò đã làm mất mặt mũi của Đảng (trong mắt người dân)”,
 Giáo sư Abuza Zachary nói thêm.
Về tình hình đất nước, ông Abuza cho rằng “hiện giờ không có gì ngoài bất ổn” trong khi “một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là ổn định chính trị”.
Ông cũng cho rằng, tình hình “sẽ không sớm ổn định trở lại”, và sẽ không ngoa khi nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trải qua “khủng hoảng lãnh đạo” và “đấu đá nội bộ đã trở thành rào cản lớn của Đảng”.
Theo phân tích của ông, khi Đảng kiếm người để thế vào 2 ghế bị trống (mà bà Mai là một ứng cử viên), thì Đảng phải tìm người thay thế 2 vị trí của bà Mai là Thường trực Ban Bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương – vốn có vai trò quan trọng trong cơ cấu của Đảng.
Chức Thường trực Ban Bí thư xử lý công việc hàng ngày của Đảng, trong khi chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương lo cất cử nhân sự vào các vị trí từ cấp trung cho đến cấp cao, Giáo sư Abuza Zachary chỉ ra.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Đảng trưởng tự rút súng bắn vào chân mình khi “nhóm lò”

 


Ngày 28/4, blog Lê Quốc Quân trên VOA bình luận ‘“Vũ khí Pháp quy” đã vượt khỏi tầm kiểm soát?”

Theo tác giả, chính trường Việt Nam chưa bao giờ xáo trộn dữ dội như bây giờ.

Có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự việc, nhưng dân chỉ biết đến thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, với nội dung gần như giống nhau cho tất cả những người vi phạm. Con người là khác nhau về xuất thân, tính cách, vị trí công tác và hành vi vi phạm… nhưng Đảng chỉ dùng một “form” để đưa ra cho công chúng.

Vẫn theo tác giả, cũng vì tính đồng phục trong quản lý báo chí, đã khiến tin đồn và báo chí phi chính thống tha hồ bình luận, dẫn dắt và suy đoán… Và rồi, mọi nỗ lực tìm hiểu đều dẫn đến “Các quy định của đảng”.

Chưa bao giờ, Đảng công khai sử dụng các công cụ “nội bộ” để “hạ bệ” hàng loạt nhân vật cao cấp của nhà nước một cách chóng vánh, trước đôi mắt tròn xoe của nhân dân như bây giờ. Có lẽ, cũng chưa bao giờ, sự chuyên chính tung ra những cú “phản công” dứt điểm và nảy lửa vào khái niệm “Nhà nước pháp quyền” và sự độc lập của nền tư pháp như hiện nay?.

Tác giả cho rằng, càng bế tắc về lý luận soi đường, Đảng càng cực đoan chui sâu vào lý luận, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản cho riêng mình, song hành cùng một hệ thống “Quy phạm pháp luật” của Nhà nước.

Bộ 3 “đao kiếm” được tung ra gần đây nhất để hạ bệ nhau là:

  • Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên;
  • Quy định số 37/QĐ-TW ngày 25/10/ 2021 về những Điều đảng viên không được làm;
  • Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Tác giả cho hay, tất cả các Quy định này đều khá ngắn, vừa mơ hồ vừa cụ thể, như những vũ khí vô cùng ảo diệu trong đánh nhau, có khả năng phình to, thu nhỏ; lúc cần thì tạo độ bao phủ lớn, sức công phá mạnh, nhưng cũng có thể khoanh vùng, đánh nhẹ và sâu, chỉ cần trúng một mục tiêu nhỏ.

Tác giả nhận xét, quy trình đánh một “mục tiêu”, ban đầu Đảng sử dụng Quy định 37/QĐ-TW, dựa vào 19 Điều đảng viên không được làm để xác định hành vi vi phạm. Tiếp đến, Đảng sử dụng Quy định số 08/QĐ-TW về Trách nhiệm nêu gương của đảng viên, để quy trách nhiệm “gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng”, rồi cuối cùng rút ra Quy định số 41/QĐ-TW, buộc phải từ chức hoặc đối mặt với pháp luật của Nhà nước.

Để làm được điều đó, Bộ Công an luôn theo dõi và khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo công ty sân sau, thu thập bằng chứng để sẵn, và tiến hành mặc cả. Cần “nhẹ” thì bỏ qua, nếu “cương” thì thọc lên khai trừ, bắt, xét xử, kết án tù theo Luật Hình sự.

Tác giả nhận định, lẽ ra, các văn bản này chỉ là công cụ nội bộ của Đảng, để giám sát và kỷ luật lẫn nhau trong Đảng, nhưng Điều 1 Quy định số 41-QĐ/TW ghi rõ “Áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”, nghĩa là, áp dụng cho toàn bộ đất nước, trên mọi vị trí mà đảng viên đang nắm giữ, dù là vị trí dân sự được dân bầu.

Như vậy, tác giả đánh giá, bằng quy định nội bộ của mình, Đảng đã tước lấy quyền lực trong tay nhân dân, tự chọn cho nhân dân những người lãnh đạo, từ cấp thôn cho đến Chủ tịch nước. Đảng đã công nhiên đứng trên pháp luật Việt Nam, cao hơn ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tự chọn rồi lại tự phế truất.

Nhân dân chỉ biết đứng nhìn như xem Tivi, mà không được biết lý do.

Tác giả bình luận, đã một thời, Việt Nam nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, nhưng nó thực sự đã bị quy định của Đảng và cả các tác phẩm của ông Trọng chặn đứng lại.

Tác giả kết luận, với tư cách là Đảng trưởng, ông đã tự rút súng bắn vào chân mình khi nhóm lửa. Ông không thể ngờ được rằng, hàng loạt uỷ viên Bộ Chính trị có thể ra đi, và toàn bộ bộ máy cán bộ công chức như “đóng băng” vì sợ như bây giờ.

Nghiêm trọng hơn, nhân dân và doanh nghiệp sẽ luôn tự hỏi “điều gì đang xảy ra” trong “hội kín đó”, và tương lai thực sự sẽ ra sao?


Xuân Hưng – thoibao.de

Báo nhà nước im lặng trước vụ tai nạn xe VinFast tại Mỹ

Ngày 29/4, RFA loan tin “Xe VinFast ở Mỹ bốc cháy làm chết 4 người, báo Việt Nam đăng rồi gỡ”.

Theo đó, vụ một chiếc xe điện của hãng VinFast ở Mỹ đâm vào gốc cây ven đường rồi bốc cháy, khiến cả 4 người trong một gia đình đều thiệt mạng, nhưng báo đài Nhà nước im lặng trước thông tin này.

Theo RFA, đài NBC ở Vùng Vịnh (NBC Bay Area) hôm 28/4 cho hay, gia đình 4 người ở thành phố Pleasanton, miền bắc tiểu bang California, đi trên một chiếc xe điện, hướng về đường Foothill gần Stoneridge Drive, vào khoảng 9 giờ tối 24/4 thì gặp nạn.

RFA dẫn tin từ cảnh sát cho biết, tài xế dường như đã mất lái và va chạm với một cây sồi lớn, sau đó chiếc xe bốc cháy.

Cảnh sát xác định, chiếc xe là xe điện VinFast, nhưng không cho biết ngay đó là mẫu xe nào. Cảnh sát cho biết, tốc độ có thể là một yếu tố gây ra vụ tai nạn này, và cuộc điều tra của họ vẫn đang tiếp tục.

RFA cho hay, các nạn nhân sau đó được xác định là Tarun 41 tuổi, cùng vợ là Rincy George, và 2 người con của họ, Rowan George, học lớp 8 tại trường trung học cơ sở Hart, và Aaron George, học sinh lớp 2 tại trường tiểu học Donlon.

Trong khi đó, vẫn theo RFA, tạp chí điện tử Người Đưa Tin có cơ quan chủ quản là Hội Luật gia Việt Nam, hôm 27/4 đưa tin tức về vụ việc, với tiêu đề “Kết quả điều tra ban đầu vụ xe ô tô chở 4 người gặp tai nạn ở Mỹ”.

Tuy nhiên, ngày 29/4, phóng viên RFA truy cập vào đường dẫn trên, thì bài viết đã không còn, thay vào đó, tờ báo này dẫn người đọc tới một bài viết khác về Ukraine.

RFA cũng cho biết, đài KRON4, có trụ sở ở San Francisco đưa tin về vụ tai nạn này trên trang web của mình, nhưng không nêu tên hãng xe. Thay vào đó, bản tin thời sự bằng video, do nữ phóng viên Sara Stinson dẫn và phát trong ngày 26/4, khẳng định:

“Gia đình này lúc đó đang lái một chiếc VinFast. Đó là một chiếc xe hơi đến từ một hãng Việt Nam, nó được sản xuất ở Việt Nam. Hãng này mới chỉ hoạt động vài năm”.

Phóng viên Sara dẫn lời một người bạn của gia đình, nói trong điều kiện không thu hình, cho hay, họ muốn cảnh sát điều tra xem, liệu chiếc xe này có gặp trục trặc gì không.

Bên cạnh đó, cũng RFA cho hay, đài CBS News thông tin về vụ việc, dẫn xác nhận của Trung úy cảnh sát Erik Silacci thuộc thành phố Pleasanton, theo đó, chiếc xe này là xe điện do Công ty VinFast của Việt Nam sản xuất.

RFA cho biết thêm, hãng tin VinFast đến nay chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về vụ việc.

Trong khi đó, báo Calitoday cho hay, đoạn đường xảy ra tai nạn tương đối nguy hiểm, có 2 làn nhập làm một, và một khúc cua gấp. Một số vụ tai nạn đã xảy ra trong khu vực này những năm qua.

Băng hình giám sát từ hiện trường cho thấy, chiếc xe đụng vào cột điện trước khi đâm vào cây lớn. Vết cháy trên thân cây, và hiện trường nồng mùi, được bao phủ bởi bọt chống cháy.
Theo Calitoday, điều tra sơ bộ cho thấy, chiếc xe dường như mất kiểm soát trước khi đâm vào cây sồi lớn, và bốc cháy. Nhà chức trách không tình nghi bia rượu, may tuý, hay tội phạm đóng vai trò trong vụ tai nạn, cũng không nhắc gì đến nguyên nhân có thể do xe trục trặc. Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.

“Một cuộc điều tra đầy đủ về vụ tai nạn đang được thực hiện, mặc dù tốc độ có thể là một yếu tố gây ra tai nạn”, thành phố Pleasanton ghi trong tuyên bố.

Liên quan đến VinFast, Calitoday cũng cho hay, Cơ quan An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia, vào năm ngoái đã thu hồi một số mẫu xe VinFast 2023, do lỗi đồng hồ tốc độ và đèn báo lỗi.

Một số người tiêu dùng hay tài xế cũng đệ đơn khiếu nại lên cơ quan, về hệ thống tay lái và hệ thống cảnh báo lệch làn đường của xe VinFast, nhưng không rõ mẫu xe nào.

Quang Minh – thoibao.de

‘Tứ trụ’ Việt Nam: Cơ hội của bà Trương Thị Mai và tham vọng của Đại tướng Tô Lâm

BBC News Tiếng Việt

Bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm, những nhân vật "trung tâm" trên chính trường Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức chỉ cách nhau hơn một tháng. “Tứ Trụ” Việt Nam nay chỉ còn hai người, chính trường Việt Nam sẽ có những diễn biến thế nào?

Chủ tịch Quốc hội là một vị trí nằm trong “Tứ Trụ”, bên cạnh tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng.

Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), nhận định với BBC rằng chủ tịch Quốc hội là vị trí "vô cùng quan trọng cho tính chính danh của Đảng".

"Tôi nghĩ sẽ rất khó để đất nước vận hành mà không có chủ tịch Quốc hội khi mà luật và các quy định cần được thông qua. Việc không có chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài," ông Abuza nói.Dựa trên Quy định 214-QĐ/TW 2020 về khung tiêu chuẩn cho các chức danh thì một trong những điều kiện để trở thành chủ tịch Quốc hội là phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Còn theo Hiến pháp, chủ tịch Quốc hội phải là đại biểu Quốc hội.

Hiện những người thỏa mãn các yêu cầu này gồm có ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm, bà Trương Thị Mai và ông Phạm Minh Chính.

Tuy nhiên, hiện ông Trọng đang là tổng bí thư và nắm giữ vị trí quyền lực nhất.

Còn ông Chính đang làm thủ tướng, một vị trí cũng nằm trong “Tứ Trụ”, nên không có khả năng hai người này sẽ thay thế ông Huệ.

Vì vậy, dựa trên Quy định 214 và Hiến pháp, có thể nói bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm là hai người có khả năng cao cho vị trí chủ tịch Quốc hội.

Cũng có thể Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ áp dụng ngoại lệ, trong trường hợp họ muốn cơ cấu người không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo Quy định 214. Khi đó, sẽ có thêm các ứng viên khác, chẳng hạn ủy viên Bộ Chính trị chưa tham gia trọn một nhiệm kỳ.

Cơ hội của bà Trương Thị Mai

Từ Úc, Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng, nguồn tin của ông, tất nhiên chỉ là tin đồn, cho biết bà Trương Thị Mai sẽ được bổ nhiệm làm chủ tịch Quốc hội.

"Và điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026)," ông Thayer nói. Điều này nghĩa là bà Mai sẽ không tranh đua vị trí tổng bí thư.

Bà Trương Thị Mai sinh năm 1958, quê quán tỉnh Quảng Bình và đi lên từ con đường Đoàn Thanh niên. Bà từng nắm giữ nhiều chức vụ trong hệ thống Đoàn, nổi bật nhất có thể kể tới là vị trí Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giai đoạn 1994-2002.

Từ năm 2007-2016, bà Mai giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Giáo sư Abuza cho rằng bà Trương Thị Mai là người phù hợp nhất do bà có kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực, nhất là nhờ vào giai đoạn làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà bà có kinh nghiệm trong Quốc hội.

"Do đó, tôi nghĩ sớm thôi thì chúng ta sẽ thấy bà Mai tiếp quản vị trí chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, vì có quá nhiều vị trí trống trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao, nếu bà Mai kế nhiệm chức chủ tịch Quốc hội, cần có người tiếp quản vị trí Thường trực Ban Bí thư," Giáo sư Abuza nhận định.

Bà Trương Thị Mai là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, 13. Năm 2021, bà giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đến năm 2023, bà được Bộ Chính trị phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa 13, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ở vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, một trong những hoạt động thường xuyên của bà là đi trao quyết định bổ nhiệm nhân sự của Đảng, chẳng hạn bí thư các tỉnh thành hoặc ban ngành do Trung ương Đảng quản lý.

Vai trò của bà Mai tập trung chủ yếu về các công tác trong nội bộ Đảng Cộng sản. Người ta thường thấy bà xuất hiện bên cạnh và tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến công tác.

Đơn cử, bà Trương Thị Mai nằm trong đoàn tháp tùng ông Trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022.

Vào cuối tháng 9 năm 2022, hai tuần trước khi nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan bị bắt, bà Trương Thị Mai đã đi cùng ông Nguyễn Phú Trọng vào thăm và làm việc với Thành ủy TP HCM.

Vai trò của bà Trương Thị Mai không được nhiều người bên ngoài Đảng biết tới dù vị trí của bà là một chức vụ cao trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí đầy quyền lực, về mặt đảng thì chỉ xếp sau Tổng Bí thư. Một số nhân vật quyền lực từng nắm giữ chức vụ này có thể kể đến là ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh.

Tuy nhiên, hai thường trực Ban Bí thư gần đây là ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai lại không quá nổi bật, bên cạnh một Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầy quyền lực.

Bà Mai là nữ thường trực Ban Bí thư đầu tiên trong số 21 người giữ chức danh thường trực Ban Bí thư kể từ năm 1976 tới nay.

Trong bối cảnh Việt Nam cố gắng đảm bảo tỷ lệ nữ trong bộ máy quyền lực, bà Mai được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho vị trí chủ tịch Quốc hội.

Vị trí nào cho ông Tô Lâm?

Dù ông Tô Lâm đủ tiêu chuẩn cho vị trí chủ tịch Quốc hội, giới quan sát cho rằng vị tướng công an ưu tiên chiếc ghế tổng bí thư hơn.

Bởi lẽ, vị trí chủ tịch Quốc hội không có nhiều thực quyền nên những nhân vật vốn đã có sẵn quyền lực như ông Tô Lâm không mặn mà mấy.

Nhà quan sát chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét với BBC:

"Tôi nghĩ đủ tiêu chuẩn nhất để vào ghế chủ tịch Quốc hội là bà Trương Thị Mai. Các ủy viên khác đều có khả năng, nhưng không tính mấy ông quốc phòng và công an.

"Nếu công an, quốc phòng vào thì danh nghĩa là được lên 'Tứ Trụ' nhưng quyền lực thì không bằng bên ngoài," ông Quang A nói.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng rồi đến ông Vương Đình Huệ xin thôi chức chỉ cách nhau hơn một tháng, ông Tô Lâm trở thành tâm điểm của chú ý.

Một bài phân tích mới đây của hãng tin Bloomberg cho rằng ông Tô Lâm được đánh giá là ứng cử viên sáng giá kế nhiệm cho vị trí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang có vấn đề về sức khỏe.

Giáo sư Abuza nói rằng Bộ trưởng Công an Tô Lâm hẳn là người có mong muốn trở thành tổng bí thư kế nhiệm.

"Ông ấy là Bộ trưởng Bộ Công an. Cả đời ông ấy hoạt động trong ngành công an."

"Ông ấy có khả năng mà không đối thủ nào của ông ấy có, đó là quyền lực điều tra khổng lồ của Bộ Công an. Ông ấy có thể đào sâu vào các giao dịch kinh doanh của bất kì ai, có thể nhìn vào cuộc sống cá nhân của họ," GS Abuza nói.


Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đang là một trong những ứng viên sáng giá cho cả ghế chủ tịch nước và tổng bí thưSinh ra ở Hưng Yên vào năm 1957, cả đời ông Tô Lâm hoạt động trong ngành công an. Sau khi kinh qua các vị trí trong Tổng cục An ninh từ năm 1979 đến 2010, ông Tô Lâm đã trở thành thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam vào năm 2010.

Tháng 1/2016, ông Tô Lâm được bầu vào Bộ Chính trị khoá 12 vào ba tháng sau đó, ông nhậm chức Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.

Tháng 1/2019, ông Tô Lâm được ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, thăng quân hàm Đại tướng.

Ông hiện là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 và là Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Hồi năm 2021, ông Tô Lâm từng tham gia bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại Anh, sự kiện gây chú ý cả trong nước lẫn quốc tế. Ông Tô Lâm đã vấp phải làn sóng chỉ trích khi dự bữa tiệc đắt đỏ trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid căng thẳng.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng về sự kiện này.

Trong một diễn biến khác, vào năm 2017, ông Tô Lâm từng có chuyến công du tới Slovakia. Bộ Nội vụ nước này sau đó đã quan ngại việc chuyến thăm có thể bị "lợi dụng" cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương.

Vụ việc diễn ra sau khi truyền thông Đức nói rằng Slovakia "có thể đã có dính líu" vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanhcựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, hồi 7/2017 tại Berlin.

Chính phủ Đức khẳng định, sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin vào ngày 23/7/2017 để đưa về Việt Nam.

Ông Tô Lâm chưa từng công khai thừa nhận có liên quan đến vụ việc. Nhà chức trách Việt Nam thì luôn khẳng định rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động về "đầu thú" tại Việt Nam.

Vụ bắt cóc đã gây ra căng thẳng ngoại giao, khi Đức tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Đông Nam Á, gọi vụ bắt cóc là “sự vi phạm trắng trợn và chưa từng có” đối với luật pháp Đức và quốc tế.

Cuộc đua trước Đại hội Đảng 14

Tờ New York Times viết rằng việc ông Vương Đình Huệ mất chức “rất có thể sẽ gây thêm nhiều lo lắng cho quan chức ở Việt Nam về một cuộc đấu đá quyền lực ngày càng gay gắt trước cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp tới vào năm 2026”.

Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương mất chức. Giờ đây, lại thêm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rời ghế.

Tức là đã có 6 lãnh đạo cấp cao, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, mất chức chỉ trong vòng 17 tháng.

Các nhà quan sát mà BBC phỏng vấn đã đặt ra câu hỏi về công tác nhân sự của khóa 13. Cần lưu ý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 (diễn ra vào đầu năm 2021). Giờ đây, ông tiếp tục là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 (dự kiến diễn ra đầu năm 2026).

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra ngày 23/4/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó kiêm nhiệm vị trí chủ tịch nước đã nhấn mạnh về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng 13:

"Đúng người thì nhân dân được nhờ, Cách mạng được nhờ và đất nước phát triển. Còn chọn sai người thì không biết sẽ sao."

Bên cạnh đó, vị tổng bí thư cũng nhấn mạnh phải có "con mắt tinh đời" trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự.

Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như thế, nhưng công tác nhân sự khóa 13 do ông dẫn dắt đã "hoàn toàn thất bại", theo các nhà phân tích mà BBC phỏng vấn.

Đánh giá này của các nhà phân tích dựa trên chính thông tin mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, hai nhân vật trong "Tứ Trụ" đã xin thôi chức

Tại cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng 14 vào ngày 13/3/2024, Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (tới thời điểm phát ngôn), "Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý".

Lúc ông Trọng nói điều đó thì chưa có vụ việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.

Tính tới cuối tháng 4/2024, đã có 5 ủy viên Bộ Chính trị - những nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống nhà nước Đảng trị - bị miễn nhiệm hoặc được Đảng đồng ý cho thôi chức theo nguyện vọng.

Bộ Chính trị khóa 13 từ con số 18 người nay đã tụt xuống còn 13 người. "Tứ Trụ" chỉ còn hai người.

Những người phù hợp theo quy định của Đảng và Hiến pháp để vào "Tứ Trụ" hiện còn quá ít mà tuổi lại cao.

Theo tính toán dựa trên các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, rất nhiều người sẽ quá 65 tuổi vào năm 2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Trong bối cảnh đó, có thông tin là Đảng sẽ sửa quy định để nâng độ tuổi vào Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71.

“Tại sao các chỗ trống trong Bộ Chính trị vẫn chưa được lấp đầy? Tại sao ông Trọng đã làm tới ba nhiệm kỳ? Tại sao lại có nhiều thành viên trong Bộ Chính trị sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 đến vậy?"

“Có thể thấy công tác nhân sự rất yếu kém," GS Thayer bình luận.

GS Carl Thayer cho hay, vào tháng 11 năm ngoái, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.

“Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển,” GS Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt.

Giáo sư Thayer cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam: "Tôi đã làm việc với quân đội từ xưa đến nay. Khi có chuyện tồi tệ như thế, phải khẳng định rằng người chỉ huy phải chịu trách nhiệm."

Còn Giáo sư Abuza nhận định rằng, với những diễn biến nhân sự thượng tầng gần đây, từ giờ cho đến Đại hội 14 sẽ còn nhiều "cạnh tranh và đấu đá nội bộ" nữa.