Sunday, April 28, 2024

Công an chỉ đẩy nhanh các vụ án có lợi cho họ

 


Ngày 26/4, RFA Tiếng Việt cho hay “Bộ trưởng Tô Lâm và hàm ý muốn “đẩy nhanh các vụ án dư luận xã hội quan tâm”.

RFA đề cập đến yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, tại Hội nghị Giao ban Bộ Công an hôm 25/4/2024 ở Hà Nội, theo đó, công an các đơn vị, địa phương, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, vụ án dư luận xã hội quan tâm…

RFA dẫn nhận định của nhà báo Lê Anh Hùng rằng:

“Theo tôi, họ phải lựa những vụ án nào vừa được lợi cho họ, vừa nhận được sự quan tâm của công chúng xã hội. Thực tế mà nói, người dân quan tâm đến những vụ án liên quan đến vấn đề mang tính đạo đức hơn, mang tính chất đụng chạm lương tâm, lương tri của con người hơn… Chẳng hạn như vụ án của dân oan hay vụ án người dân bị tù oan chẳng hạn. Cái đấy không nằm trong lợi ích cơ quan chức năng, cho nên họ không điều tra, họ phớt lờ. Còn những vụ án liên quan đến tham nhũng, thì tất nhiên nó cũng kích thích tính tò mò sự quan tâm từ công chúng, công chúng muốn thấy mức độ thối nát của chế độ như thế nào?”

Thực tế, những vụ án oan mà dư luận quan tâm, như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải hay Lê Văn Mạnh, hoàn toàn không được công an để ý đến.

RFA dẫn lời anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, cho rằng, ông Tô Lâm lợi dụng “cái lò” của ông Trọng “để thiêu rụi mọi cây cỏ trên con đường tiến thân của mình”:

“Khi kêu gọi “đẩy nhanh tiến độ các vụ án dư luận xã hội quan tâm”, thì không phải Tô Lâm chỉ nói tới Bộ Công an. Mà còn là một mệnh lệnh yêu cầu bên phía Tuyên giáo phải đẩy mạnh dư luận, tập trung vào các tập đoàn sân sau của đối thủ Tô Lâm. Đây là chiến lược thường thấy mà Tô Lâm đã và đang áp dụng trong thời gian qua: Đầu tiên là tung tin dẫn dắt dư luận, sau đó Bộ Công an vào cuộc, và cuối cùng là triệt hạ đối thủ.”

RFA tiếp tục dẫn quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức Quốc, nhận định, Bộ Công an thu thập tất cả thông tin về sai phạm của các quan chức cao nhất, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đến Ban Chấp hành Trung ương, từ nhiều năm trước. Đến khi muốn hạ bệ nhau, thì họ sẽ lôi ra những sai phạm từ 5 – 10 năm trước, để xử lý nhau.

Trong khi đó, theo Luật sư Đài, những oan ức của người dân thì không bao giờ được được xem xét một cách thấu đáo.

RFA nhắc lại, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XIII, ngày 20/3 đã ra thông báo, đồng ý việc để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh.

Truyền thông Nhà nước không đưa tin cụ thể những sai phạm của ông Thưởng là gì, nhưng trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Đây là Tập đoàn có các dự án lớn tại tỉnh Quảng Ngãi từ thời ông Thưởng còn là Bí thư tỉnh này, khoá 2011 – 2014.

Mới nhất là vào ngày 26/4, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ cũng đã từ chức, chỉ mấy tuần sau khi Chủ tịch nước phải từ nhiệm.

Lý do, theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.” Tuy nhiên, cụ thể những vi phạm, khuyết điểm gì của ông Vương Đình Huệ không được nêu rõ.


Xuân Hưng – thoibao.de

Công cuộc ‘đốt lò’: ông Tô Lâm là người thắng cuộc?

 29/04/2024-VOA Tiếng ViệtBộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2023. Ông Lâm là cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chống tham nhũng

Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2023. Ông Lâm là cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chống tham nhũngCông cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị Bộ trưởng Công an Tô Lâm ‘vũ khí hóa’ để triệt hạ các đối thủ và bản thân ông Lâm trở thành người chiến thắng trong bối cảnh còn chưa tới 2 năm là đến kỳ Đại hội Đảng, một nhà nghiên cứu về tình hình Việt Nam nói với VOA.

Chiến dịch chống tham nhũng ‘không có ngoại lệ’, ‘không có vùng cấm’ do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng phát động hồi năm 2016 để làm trong sạch Đảng và cho đến nay, nó đã khiến hàng loạt quan chức từ huyện, tỉnh, đến trung ương bị kỷ luật, cách chức, truy tố và thậm chí đã ngồi tù.

Chỉ tính riêng nhiệm kỳ khóa 13 dù mới hơn nửa đường nhưng đã có hàng chục ủy viên trung ương và 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức, điều chưa từng thấy trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có ba lãnh đạo thuộc hàng tứ trụ là các Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và mới đây là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

‘Triệt hết đối thủ’

Bộ trưởng Công an Tô Lâm được xem là người hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đốt lò của ông Trọng khi bộ công an của ông đã phanh phui và khởi tố nhiều vụ việc của các doanh nghiệp mà sau đó dẫn đến các cú rớt đài của các ông Phúc, Thưởng và Huệ mặc dù Đảng không nói rõ sai phạm của các ông này là gì.

Điển hình như trong vụ việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công an đã bắt giữ các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An nhân lúc ông Huệ vừa lên đường công du Trung Quốc và bắt giữ trợ lý thân cận của ông ngay khi người trợ lý này cùng ông Huệ vừa về tới Hà Nội khi công an mở rộng điều tra Tập đoàn Thuận An. Chưa đầy một tuần sau đó, ông Huệ đã phải nộp đơn xin từ chức.

“Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại,” Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, nói với VOA.

Theo nhận định của vị giáo sư này thì ông Tô Lâm ‘rõ ràng là người chiến thắng trong công cuộc chống tham nhũng’ khi đã đẩy lùi các đối thủ có khả năng lên kế nhiệm ông Trọng vào năm 2026.

“Ngay lúc này chỉ còn hai ứng cử viên có đủ điều kiện (lên thay ông Trọng) theo quy chế hiện hành của Đảng (ngoài ông Tô Lâm). Đó là ông Phạm Minh Chính (thủ tướng) và bà Trương Thị Mai (thường trực Ban bí thư, trưởng Ban Tổ chức trung ương),” ông Abuza nói. “Nhưng ông Tô Lâm nắm rất nhiều thóp của ông Chính, người cũng bị những cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng trên đầu.”

Ông Phạm Minh Chính cũng xuất thân từ Bộ Công an như ông Tô Lâm trước khi chuyển qua làm công tác Đảng với tư cách trưởng Ban Tổ chức Trung ương rồi sau này nhảy sang làm người đứng đầu Chính phủ.

Khi được hỏi liệu cuộc chiến chống tham nhũng có đi quá xa và liệu kết quả của nó có thể làm cho ông Trọng hối tiếc hay không khi những người như ông Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ - vốn được ông Trọng nâng đỡ vào Bộ Chính trị - đều bị chính công cuộc đốt lò của ông ‘thiêu đốt’, Giáo sư Abuza cho rằng ông Trọng ‘đã cưỡi lên lưng cọp’.

“Ông Tô Lâm là vũ khí tấn công của ông ấy (attack dog). Nhưng trong khi tiến hành, ông ấy đã lợi dụng việc đốt lò để từng bước hạ từng đối thủ một, bao gồm cả người được ông Trọng đỡ đầu như ông Vương Đình Huệ.”

“Tôi không nghĩ là ông Trọng có thể dừng đốt lò lúc này nếu như ông ấy muốn,” ông nhận định. “Ông ấy có thể bắt Tô Lâm dừng lại, nhưng sẽ khó mà đạo diễn, và tôi không chắc ông Trọng có muốn dừng hay không.”

Nhận định về ông Vương Đình Huệ, nhà nghiên cứu này cho rằng ‘rõ ràng ông ấy được bồi dưỡng để lên nắm vị trí cao nhất với rất nhiều kinh nghiệm trong cả Đảng và Chính phủ’.

“Ông ấy thể hiện tham vọng rất rõ ràng và mong muốn leo lên vị trí cao nhất, đó là lý do tại sao ông ấy tự tin thái quá trong vai trò của ông ấy (Chủ tịch Quốc hội),” ông Abuza nói.

“Ông Huệ cũng tham nhũng như các lãnh đạo cấp cao khác mà thôi,” ông chỉ ra và nhắc lại vai trò của ông Huệ khi còn là bộ trưởng Tài chính đã xảy ra vụ bà Trương Mỹ Lan sát nhập ba ngân hàng yếu kém thành SCB hồi năm 2012– tiền đề dẫn đến vụ án gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Ông Huệ vừa trở về sau chuyến công du kéo dài khác thường đến 5 ngày đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc thì ngay lập tức bị dính vào tâm bão của vụ án Thuận An.

Ông Abuza nhận định rằng chuyến công du vừa qua của ông Huệ cho thấy Bắc Kinh ‘đặt cược rằng ông Huệ sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Việt Nam, và các lãnh đạo của họ đã bỏ thời gian ra để gặp ông Huệ’.

Ngoài ông Tập, ông Huệ cũng đã gặp tất cả các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Chủ tịch Nhân Đại Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính Hiệp Vương Hộ Ninh.

‘Đảng đang hỗn loạn’

Về tình hình nội bộ Đảng Cộng sản hiện nay sau những cú sốc liên tiếp, Giáo sư Abuza cho rằng đang ‘hỗn loạn’ (in turmoil) với 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng và hai ghế tứ trụ đang để trống.

Công cuộc đốt lò vốn có mục đích là lấy lại niềm tin của người dân vào Đảng Cộng sản thì nay lại ‘phơi bày trần trụi tình trạng tham nhũng hoành hành đến mức nào ngay ở cấp cao nhất của Đảng’.

“Người dân đã quen với tham nhũng ở cấp thấp nhưng không nghĩ là sẽ bắt được con sâu trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.”

“Tôi nghĩ công cuộc đốt lò đã làm mất mặt mũi của Đảng (trong mắt người dân),” ông nói thêm.

Về tình hình đất nước, ông Abuza cho rằng ‘hiện giờ không có gì ngoài bất ổn’ (anything but stable) trong khi ‘một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là ổn định chính trị’.

“Chủ tịch Quốc hội chịu trách nhiệm thông qua luật và thực thi các đạo luật. Đảng không thể để cái ghế này trống,” ông giải thích tại sao việc ông Huệ ra đi lại gây bất an cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về triển vọng sắp tới, ông cho rằng tình hình ‘sẽ không sớm ổn định trở lại’.

Với sự rơi rụng liên tiếp của các nhân sự chủ chốt, Giáo sư Abuza cho rằng sẽ không ngoa khi nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang trải qua ‘khủng hoảng lãnh đạo’ và ‘đấu đá nội bộ đã trở thành rào cản lớn của Đảng’.

Theo phân tích của ông khi Đảng kiếm người để thế vào hai ghế bị trống (mà bà Mai là một ứng cử viên) thì Đảng phải tìm người thay thế hai vị trí của bà Mai là Thường trực Ban bí thư và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vốn có vai trò quan trọng trong cơ cấu của Đảng.

Chức Thường trực Ban bí thư xử lý công việc hàng ngày của Đảng trong khi chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lo cất cử nhân sự vào các vị trí từ cấp trung cho đến cấp cao, ông chỉ ra.

Từ vụ Vương Đình Huệ: tại sao các quan lớn Việt Nam có ‘sân sau’?

 28/04/2024-VOA Tiếng ViệtCác lãnh đạo tập đoàn Thuận An (hàng trên) và các quan chức tỉnh Bắc Giang (hàng dưới) bị bắt giữ hôm 15/4.

Các lãnh đạo tập đoàn Thuận An (hàng trên) và các quan chức tỉnh Bắc Giang (hàng dưới) bị bắt giữ hôm 15/4.

Tình trạng các quan chức kết nối với doanh nghiệp làm lợi cho nhau đã diễn ra ở Việt Nam hàng chục năm nay, gây méo mó cho nền kinh tế, và Nhà nước cần cải thiện cơ chế minh bạch, giám sát quyền lực cũng như tiền lương để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia kinh tế nói với VOA.

Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã phanh phui ra hai tập đoàn có quan hệ dây mơ rễ má với các quan chức từ cấp tỉnh lên đến cấp trung ương: tập đoàn Phúc Sơn và tập đoàn Thuận An. Các lãnh đạo của hai tập đoàn này đều đã bị bắt giữ để điều tra về các hành vi ‘Vi phạm về các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Hối lộ’.

Đáng chú ý là các vụ việc này đã khiến một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam phải ra đi như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi tháng Ba do lính líu đến tập đoàn Phúc Sơn và mới đây là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau khi hồi đầu tuần này trợ lý của ông bị bắt giam do dính líu đến tập đoàn Thuận An.

Bên cạnh đó, hàng loạt quan chức cấp tỉnh từ bí thư, chủ tịch tỉnh cho đến trưởng ban quản lý dự án một số tỉnh thành cũng xộ khám vì bị phát hiện nhận hối lộ để bao che hay ưu ái cho các các tập đoàn này.

“Tình trạng sân sau có sự can thiệp của những người có quyền lực là hệ quả của một hệ thống pháp luật không cụ thể và chồng chéo, trùng lắp và có điểm mâu thuẫn với nhau,” Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định với VOA.

Ông chỉ ra ví dụ luật đất đai có nội dung liên quan nhưng lại chỏi nhau với luật đầu tư công, luật nhà ở, luật đấu thầu… Điều đó khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro pháp lý vì hoạt động của họ có thể phù hợp với điều luật này nhưng lại vi phạm điều luật khác. Do đó, họ phải tìm đến sự bảo trợ của các quan chức.

“Theo cảm quan của tôi và qua tiếp xúc với các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp tư nhân khi muốn kinh doanh ở Việt Nam đều muốn có mối quan hệ và được sự che chở của một hay nhiều người có quyền lực liên quan đến lĩnh vực họ kinh doanh. Điều ấy sẽ dẫn đến môi trường kinh doanh không công khai, không minh bạch, không trong sạch và có thể bị bóp méo vì những lợi thế không phải năng suất lao động, không phải do tiến bộ khoa học kỹ thuật,” ông Doanh nói.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu giám đốc Viện nghiên cứu phát triển IDS và hiện là một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nói với VOA rằng trong một nền kinh tế phát triển khá nhanh như Việt Nam thì ‘chắc chắn sẽ xảy ra’ tình trạng quan chức móc ngoặc với doanh nghiệp để chia chác thành quả cũng như tài nguyên đất nước.

“Người ta (quan chức) có thể nghĩ rằng để cho nền kinh tế phát triển được như thế cũng là cái công của người ta nên họ cũng phải được hưởng một phần gì đó,” ông nhận định.

“Lẽ ra phần người ta được hưởng là phải được quy định rất rõ ràng trong luật, như lương, thưởng đàng hoàng cho các quan chức người ta được hưởng một cuộc sống có thể là không rất giàu nhưng cũng không kém những người làm trong các doanh nghiệp bao nhiêu.”

Theo quan sát của ông A thì lương quan chức hiện giờ ‘rất thấp so với các doanh nhân’. “Từ mớ bòng bong đó dẫn đến một khế ước xã hội ngầm là phải chia chác bằng một cách gì đấy phần lợi nhuận sinh ra,” ông phân tích.

“Khi cơ hội nảy sinh thì không thể không có chuyện người ta bằng cách này hay cách kia tham nhũng,” ông nói thêm và cho rằng dễ nhất là ‘quyền quản lý đất, quyền cấp phép cái này, cái kia, tạo điều kiện trúng thầu’.

Theo lời ông thì điều này ‘cũng là đúng’ vì ‘con người ai cũng có nhu cầu về vật chất tiền bạc’ và Đảng không thể đòi hỏi các cán bộ của mình ‘phải cống hiến, phải hy sinh vì nước để chấp nhân mức lương thấp’.

Ông A cho biết tình trạng này đã xảy ra ở Việt Nam được 30-40 năm rồi và ‘quy mô hành vi ngày càng lớn theo quy mô nền kinh tế’ và ‘không chỉ ở các quan chức cấp cao trong phạm vi tứ trụ mà là toàn bộ bộ máy Nhà nước’.

“Có một nghịch lý là thu nhập chính thức của các quan chức Nhà nước từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh rất thấp so với mặt bằng thị trường nhưng ai cũng muốn chạy để vào được các chức đấy,” ông chỉ ra.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh thì chỉ ra cơ chế giám sát quyền lực của Việt Nam: “Tình trạng này xuất hiện bởi vì hiện nay cơ chế giám sát quyền lực của Việt Nam vẫn còn có những lỗ hổng, như chúng ta đã thấy rất nhiều những bí thư, chủ tịch một số tỉnh đã bị bắt. Điều đó chứng tỏ những người này đã hoạt động mà không có sự giám sát có hiệu lực để ngăn chặn kịp thời những vi phạm của họ.”

Tiến sỹ Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nói với VOA rằng các văn bản chính thức của chính quyền Việt Nam đều có đề cập đến vấn đề này và hệ quả tiêu cực của nó đối với nền kinh tế.

“Đây là một hiện tượng không tốt cho phát triển kinh tế nhất là nhìn trong dài hạn, nguồn lực phát triển méo mó và gây ảnh hưởng niềm tin xã hội vào con đường phát triển, cải cách của Việt Nam,” ông cho biết.

Theo giải thích của ông thì việc các doanh nghiệp đưa tiền bôi trơn cho các quan chức để họ được kinh doanh thuận lợi sẽ ‘dẫn đến nguồn lực bị phân bổ méo mó vì nó không dựa trên các yếu tố cạnh tranh, minh bạch, đặc biệt là nguy hại trong phát triển nguồn lực, khiến cho nguồn lực không được phân bổ đến nơi tốt nhất có thể’.

Về cách giải quyết như thế nào, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng hiện nay Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cải thiện môi trường luật pháp để nó được rõ ràng hơn, công khai hơn và minh bạch hơn. Tuy nhiên, dù có cải thiện nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam ‘hiện vẫn ở mức trung bình thấp’, cũng theo lời ông Doanh.

“Theo tôi thì phải chuyển đổi mạnh sang kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ điện tử mới cải thiện được tình hình hiện nay,” ông nói.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát quyền lực.

Vụ ông Vương Đình Huệ từ chức dưới góc nhìn quốc tế

 BBC, 28/04/2024

Vụ việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ "thôi chức" một lần nữa cho thấy những xáo trộn ở thượng tầng Việt Nam. Nhiều chuyên gia và báo chí quốc tế đã lại đặt lên câu hỏi về tính ổn định chính trị.

cungdinh3

Chiến dịch "đốt lò" đã khiến 5 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 "thôi chức"

"Bất ổn chính trị" lại một lần nữa là cụm từ được nhiều tờ báo quốc tế sử dụng khi nói về Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bị đặt dấu hỏi.

Nhìn vào tình hình chính trị Việt Nam hiện tại, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nhận định với BBC rằng "các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy lo lắng mỗi ngày".

Tờ New York Time có đánh giá tương tự, cho rằng việc ông Huệ thôi chức sẽ gây ra lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài vừa tới Việt Nam vài năm gần đây.

Trong khi đó, Bloomberg cho rằng những biến chuyển này "không ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam hay thay đổi các chính sách của chính phủ".

Ông Vương Đình Huệ xin thôi chức vào ngày 26/4, vài ngày sau khi trợ lý của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt và chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm.

Trong thông báo của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về trường hợp Vương Đình Huệ, những cụm từ quen thuộc lại xuất hiện, như "chịu trách nhiệm người đứng đầu" và "vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm".

‘Xáo trộn chính trị chưa từng có’

Tính từ tháng 12/2022, đã có hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng, một trưởng ban Kinh tế Trung ương và bây giờ là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thôi chức.

Tức là đã có sáu lãnh đạo cấp cao, trong đó có 5 ủy viên Bộ Chính trị, thôi chức trong vòng 17 tháng.

Đánh giá về việc này với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ), nhận định rằng Việt Nam đang ở trong "một thời kỳ xáo trộn chính trị chưa từng có".

"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy", Giáo sư Abuza nói.

Hôm 26/4, sau khi có tin ông Huệ từ chức, AP News đã có bài viết về sự kiện này.

Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ISEAS (Singapore), nhận định việc ông Huệ từ chức "cho thấy rõ sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường tự hào về sự ổn định".

Ông Giang cho rằng sự ra đi của ông Huệ sẽ "khiến cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam càng trở nên trầm trọng".

Tương tự, tờ New York Times viết rằng việc ông Huệ từ chức "rất có thể sẽ gây thêm nhiều lo lắng cho quan chức ở Việt Nam về một cuộc đấu đá quyền lực ngày càng gay gắt trước cuộc chuyển giao lãnh đạo sắp tới vào năm 2026".

Tháng 1/2026, Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ diễn ra. Hiện nay, công tác nhân sự cho khóa tới đang được triển khai.

"Vẫn còn nhiều thời gian cho cạnh tranh và đấu đá nội bộ. Và mọi việc đang ngày một trở nên tồi tệ", Giáo sư Abuza nói khi nhắc tới thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14.

Công cuộc xây dựng Đảng ‘thất bại’

cungdinh4

Ông Vương Đình Huệ từng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức

Theo Reuters, các nhà ngoại giao, quan chức và giới quan sát cho rằng những cuộc cải tổ nhân sự mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay nằm trong nỗ lực chuẩn bị người kế nhiệm cho "vị lãnh đạo già nua" Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá tình hình hiện tại, Giáo sư Carl Thayer cho rằng công cuộc xây dựng đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "đã thất bại".

"Rõ ràng là ông Trọng không thể chọn được người kế nhiệm khi các bè phái đấu đá. Ông Huệ đáng lẽ ra đã có thể giữ chức vì phe của ông ấy sẽ bảo vệ ông Trọng", ông nói.

Một số nhà quan sát chính trị từng đánh giá với BBC rằng ông Thưởng và ông Huệ là hai ứng cử viên sáng giá kế nhiệm vị trí tổng bí thư.

Theo Giáo sư Thayer, ông Trọng hiện không còn nhiều sức ảnh hưởng và sẽ nghỉ hưu vào cuối nhiệm kỳ.

Ngày 23/3, ngay sau khi ông Thưởng bị miễn nhiệm, BBC đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Carl Thayer.

Khi đó, ông nhận định rằng việc ông Thưởng bị miễn nhiệm một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của công tác xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Sẽ rất khó giải thích việc số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm. Bởi vậy, người lãnh đạo cấp cao nhất sẽ phải chịu một phần trách nhiệm về việc này", ông nói.

Giờ đây, với sự ra đi của ông Huệ, số lượng ủy viên Bộ Chính trị chỉ còn 13 người.

Nhiều người có thể bất ngờ với sự ra đi của ông Vương Đình Huệ.

Hồi tháng 10/2023, ông Vương Đình Huệ từng đạt mức phiếu "tín nhiệm cao" thứ nhì trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cụ thể, ông Huệ nhận được 437 phiếu "tín nhiệm cao" (gần 90,04%), cao hơn nhiều so với 373 phiếu (khoảng 77%) của Thủ tướng Phạm Minh Chính và 329 phiếu (khoảng 68%) của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Số phiếu "tín nhiệm cao" của ông Huệ chỉ đứng sau Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (93,14%).

‘Công an đang dần nắm quyền’

cungdinh5

Ảnh chụp năm 2016 khi ông Tô Lâm (quân phục trắng) mới được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm là một trong số rất ít thành viên Bộ Chính trị đủ tiêu chuẩn để nắm giữ một chức vụ trong "Tứ Trụ".

Đánh giá về ông Tô Lâm, Giáo sư Abuza cho rằng vị bộ trưởng Công an này đang "lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng và biến nó thành vũ khí để lần lượt hạ bệ các đối thủ của mình".

"Đối với ông Lâm, cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công và rõ ràng là ông ấy đã tham gia vào chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Ông ta đã hạ gục hết nhà lãnh đạo này tới nhà lãnh đạo khác, hết doanh nhân này nối tiếp doanh nhân khác. Ông ta thực sự đang ở một vị trí bất khả xâm phạm", Giáo sư Abuza nói với BBC.

Về vấn đề này, ông David Hutt nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu Châu Á (CEIAS) nhận định với BBC vào hôm 26/4 như sau :

"Công an đang dần nắm quyền. Đây không phải là một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và sự kiềm chế lẫn nhau trong nội bộ Đảng cộng sản.

"Quan ngại của tôi là về những gì sẽ diễn ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu các cuộc thanh trừng vẫn còn tiếp diễn. Chính những người có thể leo lên đỉnh cao quyền lực như ông Tô Lâm lại tự thân chẳng hề trong sạch".

Theo Tổ chức ổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam năm 2023 là 41/100 – xếp hạng 83/180 quốc gia.

‘Đốt lò’ là nỗ lực vô vọng

Chiến dịch "đốt lò" là chương trình hành động trọng tâm của ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, với cơ chế độc đảng, với việc Đảng cộng sản Việt Nam không chịu sự giám sát, không có trách nhiệm giải trình, với một quy trình tuyển chọn nhân sự thiếu minh bạch và chỉ tập trung trong nội bộ đảng, nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch "đốt lò" hay những lời kêu gọi kiểu quan chức tham nhũng "phải biết xấu hổ" của ông Trọng là vô vọng. Tức là, những vụ bắt giữ, những chiến dịch hạ bệ, những lời đe dọa, những lời kêu gọi không thể giúp khắc phục được lỗi mang tính hệ thống, lỗi về thiết kế hệ thống được.

Nhận định về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng, ông David Hutt đặt vấn đề :

"Liệu chiến dịch ‘đốt lò’ có khiến Đảng cộng sản sụp đổ ? Liệu ném chuột có làm chiếc bình bị vỡ ? Hay liệu rằng chiến dịch chống tham nhũng này sẽ chững lại và khiến nhiều quan chức tham nhũng thoát tội ?"

Giáo sư Thayer cho rằng sẽ có hai phe hình thành, một phe của ông Tô Lâm ủng hộ chiến dịch "đốt lò" và một phe muốn chiến dịch này giảm bớt quy mô và sự quyết liệt.

Cũng theo ông Thayer, mục tiêu của chiến dịch "đốt lò" không còn chỉ là loại bỏ nạn tham nhũng mà còn là để tìm ra người ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư.

"Hiện tại, những ủy viên Bộ Chính trị chỉ cần có ý nghĩ muốn trở thành tổng bí thư sẽ bị đưa vào tầm ngắm và xem xét đánh giá tiêu chuẩn. [Khi đó], việc điều tra sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ quy chế nào", ông nói.

‘Bộ máy quan liêu trì trệ’

Những diễn biến trên chính trường Việt Nam có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

"Chúng ta đã thấy trong quá khứ, mỗi khi Đại hội Đảng đến gần, bộ máy quan liêu càng trở nên cứng nhắc và bảo thủ.

"Đây không phải điều mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn. Đấy cũng không phải thời điểm mà họ sẵn sàng đầu tư. Họ muốn các quy trình vận hành suôn sẻ để họ đầu tư và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Do đó, Việt Nam đang tự đặt mình vào một thế khó", Giáo sư Carl Thayer đánh giá.

Về sự ra đi của ông Huệ, bài viết trên Nikkei Asia nhắc tới những lo lắng mới về tính ổn định chính trị của Việt Nam – quốc gia phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư nước ngoài và thương mại.

Bài viết nhắc tới việc ông Huệ là tiến sĩ kinh tế, từng làm phó thủ tướng và trưởng ban kinh tế trung ương.

Viết về môi trường đầu tư của Việt Nam sau khi ông Huệ thôi chức, các báo nước ngoài thường nhắc lại vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan.

Trong khi vụ việc của ông Huệ, và trước đó là ông Thưởng, cho thấy sự bất ổn ở cấp cao nhất, thì vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy sự vô năng của cơ quan quản lý nhà nước khi để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài. Các vụ việc này có tác động rất lớn vào chính trường, vào nền kinh tế, vào bộ máy hành chính, khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Quay trở lại thời điểm ông Thưởng thôi chức chủ tịch nước, đã có nhiều bài báo đề cập tới "sự trì trệ của bộ máy quan liêu" ở Việt Nam.

Khi đó, Reuter đã dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc ông Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ.

Reuters dẫn lời ông Florian Feyerabend, trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung), nhận định rằng diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam đặt ra câu hỏi về "tính có thể lường trước được, về độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống", những yếu tố quan trọng đối với các quyết định đầu tư.

Ngày 26/3, chưa tới một tuần sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, Bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã phải trấn an Mỹ về "ổn định chính trị".

Sau một tháng, Việt Nam lại mất thêm một "trụ" nữa trong "Tứ Trụ".

Nguồn : BBC, 28/04/2024


Triều đình Đỏ đang đổ nát từ đâu ? Ai phải chịu trách nhiệm ?

 Âu Dương Thệ

Chúng ta đang sống trong những ngày kỉ niệm 49 năm đau buồn 30/4/75, nhưng vừa qua cũng tâm thành kỉ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương dựng nước và giữ nước của dân tộc ta (10/3 Âm lịch, năm nay là 18/4/2024 Dương lịch)

hungvuong1

Đền Hùng – khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Ảnh: Sưu tầm)

Giữa khi ấy cuộc động đất chính trị ngay trong cung đình Đỏ của chế độ độc tài toàn trị CSVN dưới triều ngọa long Nguyễn Phú Trọng ngày càng khốc liệt, chỉ vì tham quyền và tham nhũng đến mức vô lương tâm, vô trách nhiệm! Chính nó đang tự phá tan mọi tuyên truyền tâng bốc và huyền thoại về chủ nghĩa Marx-Lenin, về tình đồng chí sau gần 80 năm cai trị độc tài sắt máu với giai cấp đấu tranh dưới chế độ độc đảng; nay đang biến thành chế độ công an trị, tàn ác bạo ngược với nhân dân và những người khác chính kiến!

Tình hình hiện nay ra sao khiến cho chỉ trong vài năm mấy người trong "Tứ trụ" đã phải bị bắt buộc về vườn "làm người tử tế" ? Hết Nguyễn Xuân Phúc, tới Võ Văn Thưởng, vài ngày trước đến lượt Vương Đình Huệ cùng chịu chung số phận !

Nguyên nhân chính dẫn tới triều đình Đỏ đang đổ nát từ đâu ? Ai phải chịu trách nhiệm ?

Các nhân sĩ, trí thức, thanh niên dân chủ ở trong nước và kiều bào ở hải ngoại, kể cả những đảng viên cộng sản tiến bộ biết quí tự trọng... đang rất băn khoăn lo lắng cho nhân dân và tương lai đất nước. Giải pháp nào cho dân tộc và đất nước có thể thoát khỏi độc tài, chuyển sang dân chủ, tự do và thoát sớm khỏi cái lồng "cùng chung vận mệnh" do Tập Cận Bình vừa ép buộc Nguyễn Phú Trọng ?

Những câu hỏi chính rất quan trọng này đã được tóm lược trong ba bài phỏng vấn chúng tôi do ông Thái Hòa của đài Đáp lời Sông núi thực hiện và được truyền thanh trong mục "Những vấn đề của chúng ta" vào các ngày Thứ Bẩy 13, 20 và 27/4/2024 (mỗi lần khoảng 7 phút). Riêng phần 2 và 3 đã hoàn tất từ 18/4/2024. 

Âu Dương Thệ

(28/04/2024)

Tưởng niệm 30 Tháng Tư gợi nỗi đau khó xóa nhòa

 Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hội Cựu Quân Nhân Việt-Mỹ và Đồng Minh, Hội Biệt Kích Biên Phòng, Hội Quân Xa Việt-Mỹ cùng Hội Hậu Duệ Bảo Toàn Việt Nam Cộng Hòa đồng tổ chức buổi tưởng niệm 30 Tháng Tư vào sáng Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.

Nhiều hội đoàn có mặt trong buổi tưởng niệm 30 Tháng Tư tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Đây là lần đầu tiên các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thuộc nhiều tổ chức hội đoàn phối hợp với các hậu duệ để tổ chức buổi tưởng niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư cũng như truy điệu những vị anh hùng đã nằm xuống cho quê hương đất nước ngày 30 Tháng Tư, 1975,” ông Phạm Công, hội trưởng Hội Quân Xa Việt-Mỹ và cũng là thành viên Hội Cựu Quân Nhân Việt-Mỹ và Đồng Minh, nói với phóng viên Người Việt.

Buổi tưởng niệm diễn ra trong không khí uy nghiêm và trang trọng với bàn thờ tổ quốc nhang đèn nghi ngút.

“Những ngày quê hương Việt Nam đắm chìm trong khói lửa điêu linh, xen lẫn trong những tiếng khóc than oán hờn của lương dân vô tội, vẫn có những tiếng reo hò chiến thắng của quân cán chính,” ông Ngô Văn Quy, hội trưởng Hội Biệt Kích Biên Phòng, nói trong diễn văn khai mạc. “Ba Mươi Tháng Tư đánh dấu sự sụp đổ của Sài Gòn nhưng không đánh đấu sự thất bại của quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa.”

“Ngày nay, lá cờ vàng ba sọc đỏ của chúng ta đã tung bay ở khắp nơi trên thế giới,” ông thêm.

Nhiều hội cựu quân nhân và hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa cùng sánh vai trong buổi tưởng niệm, (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong số thành viên các hội đoàn có mặt tại buổi tưởng niệm có Hội Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị, Hội Thiếu Sinh Quân, Hội Quân Cảnh Nam California, Ủy Ban Bảo Vệ Tượng Đài… tất cả cùng bày tỏ tinh thần tương thân tương ái.

Trong số khách tham dự, có lẽ hai người đặc biệt nhất là bà quả phụ Đại Tá Hồ Sĩ Khải và ái nữ Kimberly Hồ, phó thị trưởng Westminster (Địa Hạt 3).

Có thể nói phần cảm động và trang nghiêm nhất trong buổi tưởng niệm là hồi kèn truy điệu vong linh liệt sĩ.

Ông Peter Nguyễn (phải), đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn (Cộng Hòa-Địa Hạt 36), trao nghị định của vị thượng nghị sĩ cho ông Ngô Văn Quy, hội trưởng Hội Biệt Kích Biên Phòng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Sau đó, tất cả cùng bước sang thắp nén nhang trước Đài Tưởng Niệm Tháng Tư Đen tỏ lòng tri ân những “chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chọn cái chết uy dũng để đáp đền nợ nước ngày 30 Tháng Tư, 1975.”

Những cư dân đến tham dự buổi tưởng niệm cùng tỏ lòng thương tiếc những mất mát tưởng rằng đã quên.

Bà Phan Thị Hướng, ở Westminster, bùi ngùi nói: “Mới tuần rồi, con gái tôi ở Texas gọi sang hỏi ‘Sắp 30 Tháng Tư, mẹ có buồn không?’ Tôi cười, “Bao nhiêu năm rồi, mọi chuyện đều là cổ tích, mẹ chả buồn gì nữa.’ Vậy mà hôm nay, thấy buổi lễ này, tôi tiếc những ngày yên ấm với chồng con trước 30 Tháng Tư, 1975, vô cùng. Tôi nhớ những ngày thanh bình, tối nghe tiếng ai thổi sáo xa xa và ghét những tối phải ngồi họp tổ dân phố mà mệt rũ toàn thân.”

Bà Kimberly Hồ (thứ hai từ trái), phó thị trưởng Westminster (Địa Hạt 3), tặng bằng tướng lục cho các hội đoàn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Em Kyle Trương, ở Huntington Beach, ngồi đợi chị và bà ngoại chụp hình chung quanh, nói: “Con không biết 30 Tháng Tư hay ‘Black April’ là gì, nhưng con biết bà ngoại con ‘đau’ trong lòng nhiều lắm vì bà không đi chơi với bạn như trước. Bà cũng không coi phim Việt Nam hơn một tuần rồi. Tối nay con sẽ hỏi ba má về ‘Black April.’” [qd]