Friday, April 29, 2016

30 Tháng Tư, 41 năm sau: Xin được phủ cờ

Giao Chỉ, San Jose
Mộng ước sau cùng
Ðầu Tháng Tư năm nay 2016, cháu Oanh từ Úc Châu gọi cho chúng tôi. Thưa bác, bố con đã yếu rồi. Vẫn còn ở Sacramento, thủ đô California. Không biết sẽ đi lúc nào. Con thì ở nơi xa xôi. Chuẩn bị sẵn sàng, có tin là con bay về. Gia đình bên CA cũng đã chuẩn bị. Bố con ở bên đó không giao thiệp nhiều, nên cũng không quen biết ai. Con muốn khi bố con ra đi sẽ được hưởng chút nghi lễ của quân đội. Tôi hỏi lại rằng con muốn nghi lễ ra sao. Cháu Oanh trả lời rằng bố con là quân nhân nhảy dù, sau qua cảnh sát. 

Xin mời các chiến hữu tham dự tang lễ. Xin được phủ cờ. Vậy cháu gửi cho bác tất cả các giấy tờ liên quan đến tiểu sử của ba, bác sẽ thu xếp giới thiệu với các quân nhân và cộng đồng tại địa phương. Giữa Tháng Tư, cháu bay từ Úc qua Hoa Kỳ, sau khi thăm ông già ở Sacto, trên đường về đã ghé San Jose để gặp chúng tôi xin lễ phủ cờ cho người cha thân yêu. Ðọc hết hồ sơ quân vụ, những giấy ra trại, ra tù. Những lá thư từ trại tù gửi về cho vợ con. Chúng tôi hết sức xao xuyến bồi hồi, xin kể lại câu chuyện cho các chiến hữu và xin vui lòng giúp cho cháu Oanh một cái lễ phủ cờ.



Cựu Trung Tá Hoàng Tích Hữu Ái.

Thu ngắn chuyện dài

Các bạn chắc vẫn không biết rõ cháu Oanh là ai, bố cô tên tuổi ra sao mà khi sắp ra đi gia đình lại muốn xin làm lễ nghi quân cách dù quân đội đã rã ngũ tan hàng trên 40 năm. Chuyện dài xin kể ngắn lại như sau. Bằng hữu hẳn còn nhớ, mấy năm trước cô tác giả Carina Oanh Hoàng chủ biên cuốn sách Anh ngữ Boat People. Tôi được dịp xem qua và giới thiệu tác phẩm vì quả thực tuyển tập rất có giá trị và trình bày ấn loát tuyệt vời. Cuốn sách này mới lại được in bản Việt Ngữ đã phát hành. Chúng tôi đã gặp Bố của cháu Oanh trong một buổi chiều mấy năm về trước. Ông Hữu Ái mang dòng họ Hoàng Tích đã kể lể về chuyện lính chuyện tù. Tôi bị quyến rũ về cách ông tâm sự cũng như phê phán cuộc đời. Gần như cả buổi, ông nói một mình. Xin trích lại để các bạn cùng thưởng thức.

Một thời oanh liệt

Từ Sacramento, Carina Oanh Hoàng đem được thân phụ cô là Phượng Hoàng 74 tuổi tên là Hoàng Tích Hữu Ái xuống núi. Ngày xưa sinh viên sĩ quan họ Hoàng thuộc khóa 5 Trừ Bị Vì Dân, học tại Ðà Lạt. Cùng khóa với Ðại Tá Nguyễn Mạnh Tường. Anh thanh niên Hà Nội dòng họ Hoàng Tích mang cấp bậc trung tá QLVNCH vào những năm 70 làm cảnh sát trưởng Hậu Nghĩa, Bình Long, rồi cuối cùng là Tây Ninh. Các bạn chắc có nghe đến chiến dịch Phượng Hoàng đã được coi là kẻ thù số một của Cộng Sản. Trưởng ty cảnh sát Tây Ninh lại là nơi trực diện cùng địa bàn hoạt động với cục R. Ðây là lần đầu tiên tôi gặp Trung Tá Hoàng. Ông người cao lớn và xem ra tính tình cũng cao ngạo. Trải qua 14 năm tù, nhưng lưng vẫn thẳng. Dù chống gậy đi chậm chạp nhưng tiếng nói mạnh mẽ. Tóc bạc trắng, mặt rất có hồn với đôi mắt tinh anh. Tôi tưởng rằng ông có thể vào vai Thành Cát Tư Hãn trong kịch của Vũ Khắc Khoan. Chúng tôi ngồi nói chuyện binh đoàn, chuyện núi Bà Ðen, chuyện bị Cộng Sản bắt, chuyện tù đày và sau cùng là chuyện con “kên kên.”

Ông kể rằng vào những ngày cuối, cảnh sát Tây Ninh tan hàng. Trung tá quân đội trở về với lính trung đoàn tại địa phương. Tiếp tục chiến đấu. Tìm đường chạy qua Cam bốt nhưng không thoát, khi bị bắt vẫn còn vũ khí. Ông bị giam riêng ở cục R. Chuyện chấp pháp hỏi cung ông vẫn còn nhớ như mới xảy ra hôm qua.

Cán bộ chỉ xuống bàn chân tật nguyền của chính anh ta mà hỏi rằng:

- Chân này ai bắn anh có biết không ?

Trung tá cảnh sát đáp rằng:

- Tôi bắn chứ ai.

- Ngon, muốn làm anh hùng phải không ?

- Không, đó chỉ là bổn phận thôi.

- Anh đi lính Sài Gòn bao lâu?

- Lâu lắm, 20 năm.

- Ðánh bao nhiêu trận, càn bao nhiêu lần?

- Nhiều lắm không nhớ hết.

- Ðược bao nhiêu huy chương?

- Nhiều lắm không nhớ hết. Chiến thương năm sáu lần, anh dũng mười mấy cái.

- Anh giết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng?

- Nhiều lắm, không nhớ hết, thanh toán toàn cán bộ.


Phượng Hoàng 74 tuổi Hoàng Tích Hữu Ái.
Phượng Hoàng độc thoại

Rồi chuyện gì đã xảy ra? Còn chuyện gì nữa. Chúng nó đập cho tơi tả. Thương tích đầy người. Một bên tai điếc hoàn toàn. Một bên chỉ còn nghe được 20%. Ðầu óc cũng thương tích. Rồi đem ra bắn.

Phượng Hoàng bắt đầu độc thoại. Ông nói một mình. Cháu Oanh ngồi nghe nhưng có vẻ lo lắng sợ ông bố kể chuyện lang bang. Ông tiếp tục nói: Hôm tôi bị đem ra bắn nhưng không phải một mình. Chừng năm sáu anh em. Chẳng biết bao nhiêu. Bịt mắt từ trong tù. Ðầu óc tôi chưa tỉnh. Có đọc bản án từng người. Rất dài. Bắn được hai người. Chưa đến người thứ ba thì chợt có lệnh ngưng. Tôi là trung tá ác ôn nhất nên sẽ bắn sau cùng. Vì thế nên chưa đến lượt.

Ông nói sao? Nó bắn mình có nghe tiếng súng chứ. Tiếng đạn tác chiến khác. Ðạn này bắn rất gần xuyên ngay vào thịt. Vẫn bịt mắt, chúng dẫn về trại tù. Giam giữ thêm hai năm tại cục R. Bị đánh đập thẩm vấn nhiều lần rồi mới đưa ra Bắc.

Ông muốn biết gia phả họ Hoàng? Ông biết cánh Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Lân không? Hoàng Cơ là chi trên,

Hoàng Tích là chi dưới. Tôi ở chi dưới nhưng lại là hàng trên. Tôi gọi Hoàng Cơ Bình là chú. Chú Bình là thân phụ các anh chị em bên Hoàng Cơ... Cánh nhà tôi quen biết với Lý Bá Sơ khá nhiều. Ông tôi, bác tôi đều bị Cộng Sản cắt cổ.

Ông hỏi chuyện ở tù ngoài Bắc ra sao? Tôi không kêu than đói rét. Cả nước đều đói rét cả, có gì mà than. Tôi buồn vì không có tổ quốc. Không còn Saigon. Mc.Cain bị tù, nhưng còn cả nước Mỹ. Ra tù vẫn còn nguyên tổ quốc. Tù miền Nam ra tù không còn tổ quốc.

Muốn nói chuyện thơ văn, cho ông biết tôi cũng làm thơ trong tù. Ca ngợi chế độ đấy nhé. Chúng nó...Ðỉnh cao trí tuệ uyên thâm. Khi vươn cao thì vừa bàn tay với, khi thâm sâu thì ngang mắt cá chân. Khi anh em chôn tù chết, những năm đầu còn gỗ tạp đóng quan tài nhỏ bé. Cũng làm thơ tiễn biệt anh em. Gặp thằng cao thì xác chết co chân.

Ðứa to ngang cho nó nằm nghiêng. Một thằng tù chết, mất bốn thằng khiêng. Chết tù không tiếc, tiếc bốn ngày công.
Ông biết không, Tạ Tỵ nằm cùng buồng nói rằng: Thằng Phượng Hoàng gẫy cánh, mày đừng làm thơ nữa. Thơ mày làm như nứa cứa vào da, tao chịu không nổi.

Ðó thơ văn như vậy. Nghe được không ?

Ông hỏi trong tù có kỷ niệm nào đặc biệt, có đấy chứ. Một lần cán bộ gọi lên nói chuyện. Ðịa phương báo cáo con gái Hoàng Oanh của mày ở thành phố cực kỳ phản động ngoan cố. Trả lời rằng nó còn bé làm gì mà phản động.

Ðược nói rằng con gái bị cô giáo báo cáo phản động. Xin cán bộ cho nó vào tù để tôi dạy dỗ nó. Cán bộ lắc đầu bảo rằng nó vượt biên rồi.

Ðó là ngày vui nhất của tôi.

Ðến khi ra tù sau 13 hay 14 năm gì đó, tôi cũng tìm đường ra đi. Lại bị bắt thêm vài năm tù trong Nam. Rồi bây giờ ngồi ở đây. Tổ quốc ở đâu.

Tướng Nguyễn Khánh trao tặng huy chương năm 1964.
 
Ông muốn hỏi thêm chuyện gì nữa. Ông có biết chúng xử bắn bằng súng gì không. Tôi bị bịt mắt, làm sao biết được nhưng bắn gần lắm. Phát súng đầu tiên cũng là phát súng ân huệ cuối cùng. Nó bắn bằng súng lục. Tôi không bị bắn nhưng sao bây giờ dường như vẫn có viên đạn trong đầu. Bây giờ muốn nói chuyện con Oanh Oanh, nói chuyện thuyền nhân hay sao. Con gái tôi mới hơn 10 tuổi, cha đã đi tù. Ở nhà anh em nó vượt biên. Chuyện tù đày là chuyện của tôi. Chúng nó không cứu được tôi. Chuyện vượt biên là chuyện của các con. Tôi không cứu được chúng nó. Con tôi tôi biết, nếu nó là Cộng Sản tôi sẽ xử nó. Không khiến đến anh em. Nếu nó không phải là cộng sản, anh em tính sao với tôi đây. Tôi là chiến binh tôi thương chiến binh. Tôi là thằng tù. Tôi thương thằng tù. Con tôi nó là thuyền nhân nó thương thuyền nhân. Nó là người đầu tiên về lại Biển Ðông tìm mộ thuyền nhân. Nó không phải là con kên kên tìm về ăn thịt xác chết. Nó là con tôi, tôi phải biết. Nó chỉ đi tìm ngôi mộ của thằng anh nó chôn ở hoang đảo Nam Dương. Ðó là mộ thằng con trai tôi. Trong 40 câu chuyện thuyền nhân, chỉ có một chuyện mà nó không kể ra. Ðó là chuyện đi tìm mộ thằng anh của nó. Con tôi, tôi biết, nó giỏi lắm ông ạ. Cha mẹ sinh ra nhưng không nuôi dưỡng các con. Nó thân lập thân, một mình xoay trở để thành người. Nó không phải là kên kên. Nó là Cộng Sản tôi sẽ xử nó. Không đến lượt các ông. Cha nó ở tù, không nuôi con được một ngày cơm. Nhưng nó chịu khó học hành. Ðậu đủ các bằng cấp. Làm cho hãng Mỹ. Làm cho hãng Úc. Làm cho lãnh sự Mỹ. Chế ra túi cấp cứu để bán cho dân Sài Gòn. Nó Cộng Sản ở chỗ nào. Sao lại bảo nó là kên kên. Rồi hô hào đi bắn kên kên. Ông biết chúng nó bắn tôi bằng súng gì không. Súng lục đấy. Nó tha tôi mà sao vẫn còn viên đạn trong đầu. Chẳng còn tỉnh táo đâu. Trong lúc ở tù tôi nghĩ đã có lúc nằm trong quan tài. Chúng nó khiêng tôi, bốn người không nổi. Tôi phải co chân nằm nghiêng. Cần phải sáu người. Tù chết không tiếc, tiếc sáu ngày công. Ðó là Cộng Sản.

Ông có muốn xem tờ giấy ra trại của tôi không. Tên trung tá Ngụy cực kỳ phản động, cực kỳ ác ôn. Không thể cải tạo được.

Cộng sản độc tài gọi cha là Phượng Hoàng nợ máu nhân dân, cộng hòa tự do gọi con là kên kên ăn thịt thuyền nhân. Tôi thật tiếc cho các ông.

Trung Tá Hoàng Tích Hữu Ái đứng lên từ biệt. Tay cầm gậy, mũ đội trên đầu, lưng thẳng. Ông nói thêm: Thưa niên trưởng, chuyện thuyền nhân để cháu nó lo được rồi. Mình là lính bại trận, bây giờ mấy thằng trốn lính nó nói sao cũng có người tin. Chiến hữu rơi rụng cả rồi. Chiều nay tôi lại đi thêm một đám nữa. Chào Colonel để cháu đưa tôi về.


Xem lại hồ sơ

Ông trung tá nhảy dù với chức vụ trưởng ty cánh sát Tây Ninh bắt tay từ giã tôi để về lại Sacramento. Ðã mấy năm qua không có dịp liên lạc. Vâng chính cái anh chàng cùng học trường Võ bị Liên Quan Ðà Lạt 1954 khóa 5 Phụ. Khóa Tư Phụ chúng tôi ra trường thì đến lượt Hoàng Tích Hữu Ái trình diện.

Khi từ giã tại San Jose anh hứa gửi cho viện bảo tàng những giấy tờ hết sức lạ lùng. Nhưng đến nay tôi mới có dịp đọc được hồ sơ đầy thành tích được Cộng Sản tuyên dương qua giấy tịch thu tài sản vì can tội không chịu đầu hàng. Nguyên văn trong giấy tờ của Cộng Sản ghi rằng tên Ái ngoan cố không chịu đầu hàng. Không chịu trình diện chính quyền địa phương, đã bị bắt tại Gò Dầu. Không giao nộp vũ khí như các sĩ quan khác. Giấy Ra Trại cấp năm 1988 sau 13 năm tù tập trung. Vừa được thả là tìm đường xuống miền Tây vượt biên nên bị bắt. Trên giấy Thả Tù về tội xuất cảnh trái phép. Sự thực chính là tù vượt biên. Trong hồ sơ của Hoàng Tích Hữu Ái có những bức thư từ trại tù Hà Nam Ninh gửi cho mẹ, gửi cho vợ và thư gửi cho các con. Những lá thư mỗi năm một lá của người tù Hoàng Tích Hữu Ái Ðội 7 Khu C Trại Z 30 từ Hàm Tân Thuận Hải gửi đi từ 1 tháng 6 năm 1983. Ðến ngày 1 tháng 5, 1984 mới có thêm một lá. Người tù từ miền núi rừng Bắc Việt viết về chuyện thương nhớ vợ con. Ngày nay chính ông Phượng Hoàng của núi Bà Ðen đó đang nằm chờ những ngày cuối cùng.

Cháu Carina Oanh Hoàng biết rõ bố cháu hiện đã không còn tỉnh táo về tinh thần mà thân xác cũng đã chẳng còn hồi phục được. Người anh hùng Mũ Ðỏ một thời ngang dọc hiện hết sức cô đơn. Con gái của ông biết rõ người cha luôn luôn sống trong tình chiến hữu. Cháu mong rằng vào ngày tang lễ sẽ có các bạn tù, các bạn nhảy dù, các bạn võ bị, các bạn cảnh sát đến với bố cháu.

Ðúng như vậy, đây là một bài báo hay là một lá thư thỉnh nguyện. Các chiến hữu của chúng tôi tại Sacramento, xin vui lòng chờ một tin buồn. Hãy đến với anh bạn Hoàng Tích Hữu Ái chúng tôi một lần. Anh đã không cô đơn trong 20 năm quân ngũ. Ðã không cô đơn trong 13 năm ngục tù tập trung lao cải, Hoàng Tích Hữu Ái sẽ không cô đơn trong chuyến đi về miền vĩnh cửu.

04-28-2016 5:32:17 PM 
Theo Nguoi Viet

Tháng Tư Hoa Thịnh Ðốn và 'Gió lạnh đầu mùa'

Việt Nguyên 
Tôi đến thủ đô Hoa Thịnh Ðốn vào đầu Tháng Tư, lỡ một dịp ngắm những cành hoa anh đào dòng dòng sông Potomac, những cành đào tôi đã được nhiều lần ngắm trong những lần đến Hoa Thịnh Ðốn mà ngày đầu tiên hơn hai mươi năm trước tôi đã viết trong tờ Văn Nghệ ở Houston “nhìn những cành đào rực rỡ cạnh dòng sông vào mùa Xuân, những cành đào do người Nhật tặng, tôi mong một ngày nào ở Hoa Thịnh Ðốn có được một hàng phượng vỹ hai bên đường vào mùa hè đến từ nước Việt.”



Khu thương mại Eden ở Hoa Thịnh Ðốn. (Hình: Getty Images)


Giấc mơ lãng mạn hơn hai mươi năm sau vẫn là một giấc mơ! “Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.” Hoa đào năm ngoái vẫn còn trong trí tưởng như ngày đầu đến Hoa Thịnh Ðốn nhưng những kỷ niệm và những người bạn cũ vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Một Ðinh Cường họa sĩ ngày nào đợi tôi ở phòng khách với tờ Văn Nghệ để khoe với tôi rằng anh không quên được số Văn Nghệ đặc biệt về Ðinh Cường với Việt Nguyên phê bình tranh Ðinh Cường. Một “Toàn thịt bò” chủ tiệm phở ở thương xá Việt Nam nổi tiếng Eden đầu tiên ở thủ đô chào đón “Tôi đón ông để cám ơn Việt Nguyên đã giúp đỡ bạn tôi Du Tử Lê để tờ Văn Nghệ sống mạnh ở Houston” và sau đó giúp một người bạn khác là Trương Trọng Trác với tờ Ngày Nay. Người chủ tiệm yêu văn nghệ vẫn còn ở thủ đô nhưng cơ sở thương mại để anh em gặp gỡ đã đóng cửa, thương xá Eden giờ đây có bộ mặt mới. 

Một Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô văn hóa của người Việt Nam, hơn hai mươi năm trước lần đầu tiên tôi đến, là chương trình “30 năm âm nhạc Thẩm Oánh” với Dương Ngọc Hoán xướng ngôn viên đài VOA điều khiển chương trình, nhộn nhịp với những người bạn tụ về từ các tiểu bang. Một Mai Thảo ngất ngưởng bên chai Martell như những ngày trong trại tị nạn, ngồi trong nhà BS Phó Ngọc Văn, lên giọng kêu “quần hùng” đi tìm Việt Nguyên đến để cùng đối ẩm, một người đàn anh văn nghệ ngày còn ở trên cuộc đời này đã làm nhiều người khó chịu vì cá tính ngang tàng nhưng vắng mặt ông trong những lần tôi lên Hoa Thịnh Ðốn thì không khí thủ đô dường như thấy vắng. Nhưng những người ở thủ đô vẫn mang những ấn nét văn học như cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, đã đến 94 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện từ tinh thần đến thể xác (ông đã xem tôi như một người bạn trẻ khiến bạn bè ông đã đánh giá tuổi tác của tôi phải xắp xỉ 80!) vẫn lái xe trên xa lộ để hội ngộ. Tác giả những tác phẩm chính trị như “Gọng kìm lịch sử,” về hưu nhưng vẫn quan tâm đến tình hình thời cuộc. Trong con người chính trị của ông là con người văn nghệ như những ngày còn trẻ đứng hầu cụ Trần Trọng kim, vẫn tìm đọc những sách cổ như Truyện Kiều và Cung Oán Ngâm Khúc, bên cạnh những cuốn sách ở nhà sách Barnes and Noble mỗi tháng. Ðam mê đọc sách của ông cũng giống như con mọt sách Việt Nguyên, mỗi lần đến thăm ông bạn già về là mỗi lần nặng tay vali sách! Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, dạy chính trị tại Ðại Học George Mason khác với ông bạn già Bùi Diễm, đã xem tôi là em. Người anh Chu Văn An khô khan chính trị, nhưng đầy tính văn học, thích cà phê đàm luận như thời văn hóa quán café của nhóm Jean Paul Sartre, Albert Camus, Francois Sagan thập niên 1960 ở Paris. Mỗi lần đến nhà đầy sách của ông giáo sư chính trị là tôi nhớ đến những truyện ngắn trên tờ New Yorker được Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ trên tờ báo văn của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. 

Người bạn mới và cũng là đàn anh y khoa của tôi đầy tính văn nghệ, Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang con nhà văn Thạch Lam trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn của Nhất Linh. Ðàn anh y khoa của tôi cũng giống tôi, năm 18 tuổi mê cầm bút viết văn nhưng bị bố cấm cản đành theo nghề thầy thuốc và người thầy thuốc ấy đã có nhiều tác phẩm văn chương. 

Tôi đến Hoa Thịnh Ðốn, ở ngôi nhà thân thuốc của ông anh Hùng của tôi với khu rừng đẹp ở đằng sau vườn. Sáu ngày ở Hoa Thịnh Ðốn trời trở lạnh, tình cờ mà tôi được ngắm ngôi rừng, đi vào rừng, và ngắm đủ bốn mùa, Xuân hạ thu đông với những nắm tuyết rơi vào một buổi sáng và tôi nhớ đến nhà văn Thạch Lam một người tôi yêu mến, nhẹ nhàng như Thanh Tịnh và Hoàng Ðạo. Một Thạch Lam viết về một nhân vật giống tính tôi hay tôi đã tìm ra tôi trong nhân vật của Thạch Lam? Ngày tôi còn trẻ 11 tuổi, trẻ hơn nhân vật trong truyện “Nắng Trong Vườn” của Thạch Lam, tôi thỉnh thoảng nổi máu giang hồ vặt nhảy lên xe lửa bỏ nhà đi chơi lên Quản Lợi đến nhà ông cậu ở lại vài hôm trước khi về lại Saigon khiến mẹ tôi phải lo lắng như những thú tội của tôi viết trong “Cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ.” Nhân vật tôi của Thạch Lam có lẽ đã ảnh hưởng đến tôi ngày còn trẻ: “Một vài bộ quần áo mới với mấy quyển sách đem theo, tôi hớn hở ra ga, sung sướng được lánh xa cái náo nhiệt của thành phố và nhất là quên những bài học khó khăn và vô ích ở nhà trường.” “Xuống ga, một ga nhỏ gần tỉnh P., không có ai ra đón tôi cả. Tôi biết trước vì khi đi tôi cũng không gửi giấy báo cho ông bà biết. Tôi muốn đến một cách bất thình lình.” (Nắng Trong Vườn, truyện ngắn Thạch Lam). 

Trời trở lạnh, ngắm tuyết rơi trên những ngọn cây trong cánh rừng đằng sau nhà, những sợi tuyết đầu xuân đã đem đến cho tôi một cảm giác bâng khuâng như đêm đầu tiên thức trắng để ngắm tuyết ở Portland vào năm Giáng Sinh đầu tiên trên xứ người. Những ngọn gió lạnh trái mùa đã khiến tôi nhớ lại truyện ngắn “Gió Lạnh Ðầu Mùa” của nhà văn Thạch Lam và tôi đọc lại những giọng văn thời tiền chiến ấy với những xúc động như ngày đi học: “Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước...” “Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bổng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm chúng ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt... Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màu bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lao xao. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục.” 

Trời lạnh đã làm chị em Sơn nhớ đến những người bạn láng giềng “những người nghèo khổ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo... chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay môi chúng tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Những cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.” 

Tháng Tư, trời tuyết ở Hoa Thịnh Ðốn, đọc Thạch Lam tôi lại nhớ đến Tháng Tư 41 năm trước, “tháng Tư Ðen” đã đến với bài hát “Giáng Sinh Trắng” từ tòa Ðại Sứ Mỹ trong một ngày 30 Tháng Tư nóng như ngày Hè đỏ lửa. 
Tuyết trắng đưa người Mỹ ra khỏi Việt Nam, ngọn gió bấc lạnh lùng thổi xuống, ngọn gió phương Bắc từ Xô Viết, Trung Cộng đến Bắc Việt năm 1954 nay thổi xuống miền Nam. Ngọn gió của chủ nghĩa Cộng Sản nhuộm đỏ cả nước khác với ngọn “gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam. Ngọn gió đầu mùa, từ thời Pháp thuộc, đầy tính nhân bản, đầy tình người, gió lạnh run người đã được “chị em Sơn cho Hiên cái áo bông cũ, bị rách, về nhà sợ mẹ mắng nhưng mẹ ôm âu yếm vào lòng bảo: “Hai con tôi quí quá, dám tự do lấy cái áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?! Mẹ Sơn cho bác Hiên năm hào về nhà may áo cho con.” (Gió Lạnh Ðầu Mùa). Xã hội Cộng Sản kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội, “trăm năm trồng người” dựa trên sự gian dối. Nói đến Cộng Sản là nói đến tội ác, từ Xô Viết, qua Trung Cộng đến Cộng Sản Bắc Việt. Nói đến Cộng Sản là nói đến “Sách Ðen” ghi tội ác Cộng Sản từ Stalin qua Mao Trạch Ðông đến Hồ Chí Minh với nạn nhân lên cả hàng trăm triệu: Thanh trừng của Stalin, cải cách ruộng đất của Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh, cách mạng văn hóa của Cộng Sản Trung Hoa, mô chôn tập thể Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng. Ba mươi Tháng Tư năm 1975 dân Việt được nghe đảng Cộng Sản nói láo kêu gọi đoàn kết, xóa bỏ hận thù để sau đó đi đến trại học tập cải tạo, đánh phá tư sản mại bản, tịch thu nhà cửa, đẩy con cái “Ngụy” đi về khu kinh tế mới. Con người mới xã hội chủ nghĩa lộ mặt thật, tác giả “hòa hợp hòa giải “ là Lê Duẩn. Chính sách này đã đưa Lê Duẩn vào danh sách các tên tội phạm. 

“22 tên độc tài tàn bạo của thế giới ít người biết.” Những tên độc tài giết người với bàn tay sắt bọc nhung do tờ báo Ðộc Lập của Anh liệt kê như: Francisco Soleno Lopez của Paraguay (1862-1970) đã gây chiến tranh ở Nam Mỹ khiến dân số Paraguay từ 525,000 xuống còn 221,000, 29,000 đàn ông còn sót lại 15 người! Josef Tiso của xứ Slovakia (1939-1945) giết hơn 80,000 người Do Thái; Domeszto Jay, Hung Gia Lợi (1944) cộng tác với Hitler giết dân Do Thái; Choibalsam (Mông Cổ 1930-1952) Enver Hoxha (Albania 1944-1985) rồi đến Lê Duẩn ở Việt Nam từ 1960-1986, tổng bí thư đảng Cộng Sản người có toàn quyền quyết định trong chế độ Cộng Sản trong 20 năm. Sau 30 Tháng Tư, 1975, Lê Duẩn nhốt hơn hai triệu người vào trại cải tạo, thanh lọc người miền Nam chống Cộng trước 1975 và với kết quả của chính sách chính trị áp bức, kinh tế nghèo đói, 800,000 người Việt Nam đã lên thuyền bỏ xứ ra đi. Liệt kê theo sự tàn nhẫn, Lê Duẫn đứng hàng thứ 8, trên các nhà độc tài Nam Mỹ và Phi Châu!

Bốn mươi mốt năm qua, những người Việt sống ở miền Nam vẫn không quên những ngày gian khổ sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Tấm lòng của những anh chị em Sơn trong “Gió Lạnh Ðầu Mùa” được thay bằng tấm lòng của những người việt xa quê hương như trong lời nhạc của Việt Dzũng: “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá... gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may... gởi về cho chị dăm ba xấp vải, con gởi về cho cha một manh áo trắng...” kim, chỉ, vải, không để may một chiếc áo ấm như chiếc áo Sơn ăn cắp của mẹ cho Hiên mà kim chỉ vải để may tim gan, áo ra pháp trường, áo tang cho cuộc đời nhiều cay đắng đọa đầy của dân Việt từ Bắc vào Nam sau 1975. 
41 năm là một thời gian quá dài để thành chuyện cổ tích trong đó có người hiền và kẻ gian, hận thù nhiều hơn là tình thương, “trăm năm trồng người” của Hồ Chí Minh dùng những hạt giống xấu! 41 năm qua như chuyện của nhà văn Cao Wenxuan vừa được giải chuyện cổ tích trẻ em Hans Christian Andersen, viết bằng chuyện thật từ năm 1950 đến 1960 ở vùng quê nghèo Trung Hoa, rồi qua kinh nghiệm cách mạng văn hóa. Trẻ em Trung Hoa cũng như con người ở Việt Nam sau 30 Tháng Tư năm 1975 vừa nghèo vừa đói, đói bụng vì thiếu ăn và đói cả sách vở đói cả văn hóa. Chiến dịch đốt sách của Cộng Sản và kế hoạch kinh tế đã tạo ra mầm mống xấu cho xã hội Cộng Sản để rồi 41 năm sau người dân cả hai miền phải hoài niệm về những chế độ Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa miền Nam. 

Ngọn gió Bắc vẫn lạnh lùng thổi, ngọn gió thổi ngược chiều hướng lịch sử thế giới giữ thể chế Cộng Sản Việt Nam không thay đổi sau đại hội đảng lần thứ 12. “Dân làm chủ,” khẩu hiệu mỉa mai từ 1954 không đánh lừa được dân Việt. Năm 1975, sau 30 Tháng Tư, cả nước nghèo cả trong và ngoài trại tù cải tạo tập trung, đảng dạy: chính sách kinh tế trong thời kỳ chuyên chính vô sản nhằm mục đích đơn giản: ăn no mặc ấm, sau đó sẽ đến thời kỳ ăn ngon mặc đẹp. Dân rủ nhau đi vượt biên, đất nước bên bờ vực thẳm cho đến năm 1995, tình hình cải thiện một phần nhờ tấm lòng của người Việt hải ngoại gởi về thân nhân. Qua giai đoạn mới, dân không được nghe đảng dạy cán bộ: giai đoạn kế tiếp là: ăn trên đầu trên cổ người dân. Ðất nước như phòng thí nghiệm của nhà bác học người Nga Pavlod với phản xạ có điều kiện của con chó đói khi ngửi thấy mùi thức ăn trong những năm trước 1995. Ðảng xem dân như chó trong thời kỳ đói kém, qua đến thời kỳ tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa dân vẫn sống trong những làng nghèo “gió mưa tơi tả, trai gái trong làng tất tả ngược xuôi.” Gió bấc lạnh lùng thổi khác với cán bộ đến thời kỳ “ăn hối lộ phải biết giấu, phải biết chùi miệng, phải biết chuyển tiền ra nước ngoài.” “Dân làm chủ đất nước,” vượt biên lần nữa với làn sóng mới, cho con cái đi du học không trở về, được hỏi” thế còn ai xây dựng bảo vệ xã hội chủ nghĩa” du học sinh trả lời “đã có các bác ấy lo!” Các “bác” không tên trong đảng Mafia đã gieo mầm xấu cho các cây “trăm năm ta trồng người...” 

Xã hội Việt Nam trong 41 năm từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không thay đổi bản chất với đảng lãnh đạo cho nên không ai lấy làm lạ khi các đảng viên còn lương tâm bỏ đảng và những năm sau có những tiếng nói “hối hận muộn màng” nhưng ngạc nhiên lớn của tôi là trong tháng ba đọc được bài “Tôi đi mổ ở bệnh viện Bình Dân khu kỹ thuật cao” của nhà báo, cựu dân biểu VNCH, Hồ Ngọc Nhuận. Ông Nhuận vào bệnh viện để mổ cột sống, được các tiến sĩ bác sĩ cao cấp săn sóc ông đã vui mừng thông báo bạn bè “hoàn toàn thoát hiểm ở BVBD/khu KNC” và an toàn về nhà, ông nhớ bệnh viện “Bình Dân từ hồi nó mới ra đời từ hồi đệ nhất VNCH.” Ông nhớ đến “các bác sĩ bậc thầy cố Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, cố Giáo Sư Ngô Gia Hy và nhiều bác sĩ tên tuổi khác mà tôi từng quen biết. Không ngờ nó (BVBD) lại lột xác xã hội chủ nghĩa đến như vậy!” rồi ông lại “vẫn còn muốn bám víu vào một chút còn lại của cái Saigon cũ “không xã hội chủ nghĩa” của tôi trong đó có BVBD từ thời Ðệ Nhất VNCH “không xã hội chủ nghĩa hay Cộng Sản chủ nghĩa để mà thương, mà nhớ.” 

Tôi đọc bài của ông Hồ Ngọc Nhuận mà bàng hoàng và nhớ về một Saigon nhớ, Saigon thương “của Thanh Trang. Saigon của tôi trước Cộng Sản, một Saigon mà các cô cậu sống dưới chế độ Cộng Sản qua Mỹ du học nói với tôi “con nhớ Saigon của các chú các bác, Saigon ấy đẹp quá!” Một Saigon mà năm 1995 tôi về vẫn còn một chút không khí luyến thương với căn nhà cũ của cha mẹ tôi. Saigon ấy đã bị Cộng Sản đập phá với bàn tay giúp đỡ của thành phần thứ ba (chứ không phải lực lượng thứ ba như báo chí Cộng Sản gọi) thành phần ấy gồm những dân biểu phản chiến thân Cộng Sản của nhóm báo Tin Sáng do dân biểu Ngô Công Ðức làm chủ với thành phần cột trụ là dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quí Chung, Dương văn Ba, đại gia đình Tin Sáng từ 1968 đến 1972 bị đình bản, đến Tháng Tám, 1975 được phép tái bản nhưng đến năm 1981 bị đóng cửa với lý do đã “hoàn thành nhiệm vụ.” Quyết định của Trần Bạch Ðằng. Hoàn thành nhiệm vụ là nhiệm vụ đã được đảng giao phó. Tôi được đọc hồi ký của ông Lý Quí Chung rồi đến hồi ký của ông Hồ Ngọc Nhuận (ông ưu ái gởi tôi cuốn hồi ký in Ronéo trước khi in thành sách). Các ông cho biết số phận của các ông sau 75 cũng như số phận của các trí thức, nhà cũng bị công an lục soát. Sau 75, ông Lý Quí Chung và Ngô Công Ðức giàu có nhờ buôn bán. Ông Ðức bị bệnh gan qua Mỹ điều trị còn ông Hồ Ngọc Nhuận không hiểu tại sao phải vào bệnh viện Bình Dân điều trị? Ðọc hồi ký của các ông tôi không khỏi buồn cười cũng như hồi đầu năm 2014 tôi viết về những kỷ niệm sinh hoạt sinh viên học sinh năm 1968, một năm chiến tranh nhưng sinh hoạt văn nghệ giàu có xuất phát từ tấm lòng với các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Miên Ðức Thắng... bài viết đã đưa đến những bài viết của Huỳnh Tấn Mẫm và Hồ Ngọc Nhuận thanh minh rằng họ đã phản đối chính quyền TT Nguyễn Văn Thiệu như người yêu nước chứ không theo Cộng Sản. Các ông thành phần thứ ba như ông Hồ Ngọc Nhuận giống như anh nhà quê, trong một chuyện cổ tích Trung Ðông, nghèo ngồi dưới gốc cây cầu Thượng Ðế. Thượng Ðế nói “nhà ngươi nên cẩn thận khi cầu.” Anh chàng vẫn cầu. Lời cầu được Thượng Ðế chấp thuận, một túi vàng từ trên trời rơi xuống đầu, anh nhà quê bể đầu chết. Các ông thành phần thứ ba đã đạt được giấc mơ bể đầu với 41 năm Cộng Sản! 

Bệnh viện Bình Dân là cái nôi của tôi, bệnh viện trên đường Phan Thanh Giản gần nhà, mỗi ngày tôi đi bộ vào bệnh viện thực tập. Bệnh viện đã được Hội Y Khoa Hoa Kỳ AMA công nhận là một bệnh viện với nhiều bác sĩ giáo sư y khoa có khả năng quốc tế. Tôi đã viết nhiều về bệnh viện Bình Dân và các thầy tôi, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm giám đốc khi bệnh viện dời vào Nam sau 1954 từ bệnh viện Phủ Doãn, Giáo Sư Ðào Ðức Hoành giám đốc năm 1975 cùng các Giáo Sư Ngô Gia Hy, Trần Ngọc Ninh. Năm 1975 khi Cộng Sản vào, bệnh viện Bình Dân cũng như các cơ sở y tế và trường Ðại Học Y Khoa khác bị các “đỉnh cao trí tuệ” ngoài Bắc xem thường. Thầy trò chúng tôi đã phải ngồi nghe các ông y sĩ và bác sĩ ngoài Bắc kém trình độ giảng bài y khoa ngoài sự dạy dỗ về chính trị. Nền y khoa nhân bản được áp dụng ở bệnh viện Bình Dân bởi các thầy chúng tôi như giáo sư Phạm Biểu Tâm dạy “phải xem bệnh nhân như người nhà” được thay bằng “lương y như từ mẫu,” thầy thuốc như mẹ hiền nhưng không có lòng “nhân đạo chung chung” không săn sóc bọn Ngụy, con cháu cách mạng phải được ưu tiên săn sóc, cái nhân “trồng người” 41 năm sau đã gặt quả xấu mà ông Hồ Ngọc Nhuận đã được hưởng. Mấy năm sau này lời thề Hippocrates được đọc lại khi tốt nghiệp nhưng đã trễ khi “xã hội tư bản với định hướng xã hội chủ nghĩa “đã lái giới trẻ đi sai đường. 

41 năm sau chiến tranh Việt Nam kết thúc, một cuộc chiến với hàng triệu người Việt Nam chết vì chủ nghĩa cộng sản trong đó có các chiến binh Bắc Việt. 41 năm sau nhìn lại, họ đã chết như nhà văn Áo Robert Musil đã viết: “họ đã chết cho chủ nghĩa vì không có gì đáng sống trong xã hội chủ nghĩa ấy!” 

Rời Hoa Thịnh Ðốn về Houston, cơn gió lạnh trái mùa vẫn theo tôi như nhắc về một nước Việt Nam đang sống dưới cơn gió mùa phương Bắc thổi xuống.        

04-28-2016 2:35:01 PM 
Theo Nguoi Viet

41 Năm nhìn lại: 30-4-1975 Chiến tranh Việt Nam kết thúc mang ý nghĩa gì?

Lực lượng lính biên phòng trong một buổi diễn tập chuẩn bị cho lễ diễu hành kỷ niệm ngày 30 tháng 4 tại Việt Nam. Hình minh họa.
Lực lượng lính biên phòng trong một buổi diễn tập chuẩn bị cho lễ diễu hành kỷ niệm ngày 30 tháng 4 tại Việt Nam. Hình minh họa.
Ai cũng biết là cuộc nội chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam kéo dài trên 20 năm (1954-1975) và đã kết thúc tính đến 30 tháng tư năm nay là đúng 41 năm (1975-2016). Như vậy là thấm thoắt thời gian hòa bình trên đất nước ta  đã dài gấp đôi cuộc chiến.
Dân tộc Việt Nam đã được gì, mất gì trong những thời gian chiến tranh và hòa bình ấy, hẳn ai cũng có thể nhẩm tính được. Ðã có biết bao biến đổi thăng trầm trên đất nước và dân tộc Việt Nam trong hòa bình. Chiều hướng biến đổi chung là các bên thù địch tham chiến hôm qua, hôm nay đều như có nỗ lực đẩy lùi quá khứ, muốn mau chóng quên đi chiến tranh, hận thù để cùng hướng đến một tương lai tươi sáng và tốt đẹp cho dân tộc.
Các bên cựu thù là người Việt Nam, từng được ngọai bang sử dụng như những công cụ chiến lược một thời, nay đa số như đồng ý là cần “hòa giải và hòa hợp dân tộc” theo đúng ý nghĩa của cụm từ này. Vấn đề bất đồng chỉ còn là phương thức thực hiện “hòa giải và hòa hợp dân tộc” thế nào cho hợp tình hợp lý, để các bên có thể chấp nhận được, hầu sớm đi đến thống nhất được tòan lực quốc gia để cùng kiến tạo một tương lai tươi sáng cho dân tộc, tạo thế lực vững chắc bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trước tham vọng xâm lăng của ngoại bang Phương Bắc.
Các bên cựu thù ngọai bang, thì nay dường như tỏ ra có thực tâm muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các bên cựu thù bản xứ xích lại gần nhau và sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng dân chủ, phát triển đất nứơc, theo yêu cầu của một thế chiến lược quốc tế mới và vì quyền lợi thiết thân của chính họ.
Thành ra, càng ngày người ta có vẻ dễ dàng đồng ý được với nhau về ý nghĩa lịch sử của chiến tranh Việt Nam và sự kết thúc của cuộc chiến này. mang một ý nghĩa trung thực phù hợp với tính khách quan của lịch sử.
Thật vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, chế độ công cụ cộng sản quốc tế Hà Nội được đóng vai trò thắng trận đã đưa ra ba “ý nghĩa lịch sử” của cuộc chiến tranh Việt Nam và sự kết thúc của nó. Chúng ta hãy nhận định về ba “ý nghĩa lịch sử” này, để thấy được sự chuyển biến nhận thức của các bên tham chiến theo thời gian, những người Việt Nam cộng sản cũng như những người Việt Nam không cộng sản.
I/- Có phải đó là “Cuộc Chiến Tranh Yêu Nước, Chiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc và Bảo Vệ Tổ Quốc Tiêu Biểu và Vĩ Ðại Nhất Ở NứơcTa” không?
Cần phân định rạch ròi cuộc chiến đánh đuổi thực dân Pháp cho đến năm 1954, hòan tòan khác với cuộc chiến tranh Quốc - Cộng do chế độ công cụ của cộng sản quốc tế ở Miền Bắc phát động, tiến hành tại Miền Nam từ năm 1954 đến 1975 về mục tiêu và ý nghĩa.
Mọi người có thể đồng ý với những người Việt Nam cộng sản về ý nghĩa của cuộc chiến tranh trước, đúng thực là “Cuộc Chiến Tranh Yêu Nước, Chiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc và Bảo Vệ Tổ Quốc Tiêu Biểu và Vĩ Ðại Nhất Ở NứơcTa”. Vì cuộc chiến này đã kết thúc  gần một trăm năm nô lệ thực dân Pháp, sau một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam. Còn cuộc chiến tranh sau, đến lúc này thì ai cũng phải hiểu đó là “Cuộc chiến tranh lợi dụng lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, dân chủ của nhân dân Việt Nam, xô đẩy dân tộc vào vòng cương tỏa của chủ nghĩa thực dân mới”.
Nói cách khác, một cuộc chiến mà các bên Bắc và Nam Việt Nam đã bị ngoại bang sử dụng như những công cụ một thời, thực hiện chiến lược quốc tế trong vùng của các cường quốc đế quốc cộng sản và tư bản. Nghĩa là một cuộc chiến tranh ý thức hệ do các cường quốc đế quốc chủ mưu và thủ lợi, đã xử dụng hai công cụ bản xứ để thực hiện cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, biến đất nước ta thành bãi chiến trường, nhân dân ta là đối tượng tiêu thụ vũ khí tồn đọng sau Thế Chiến II và thử nghiệm thêm các phương tiện giết người hiện đại.
II/- Có phải đó là “Bản Anh Hùng Ca Vĩ Ðại Nhất Trong Lịch Sử Hàng Ngàn Năm Dựng Nước Và Giữ Nước của Dân Tộc” không?
Phải khẳng định là không. Vì đây là hệ quả tất nhiên của ý nghĩa thứ nhất. Bởi một khi người ta đã đồng ý được với nhau rằng cuộc chiến tranh vừa qua không phải là “Cuộc Chiến Tranh Yêu Nước, Chiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc. . .” thì tất nhiên việc tiến hành và kết thúc cuộc hiến tranh ấy không thể là “Bản Anh Hùng Ca Vĩ Ðại Nhất Trong Lịch Sử Hàng Ngàn Năm Dựng Nước Và Giữ Nước của Dân Tộc”. Vả chăng chỉ có thể coi cuộc chiến tranh này, do công cụ cộng sản Hà Nội khởi động, tiến hành và kết thúc “thắng lợi” như thế, là “Bản anh hùng ca vĩ đại nhất của các cá nhân và tập đòan làm tay sai cho ngọai bang trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”.
Vì rằng quả thực cá nhân Ông Hồ và tập đòan cộng sản Việt Nam đã thực hiện xuất sắc các ý đồ chiến lược của cộng sản quốc tế, vì lợi ích cho lịch sử bành trướng của các tân Ðế Quốc Ðỏ Liên-Xô, Trung Quốc, hòan tòan xa lạ và đi ngược lại với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vĩ đại nhất vì trong lịch sử làm công cụ thực hiện ý đồ cho ngọai bang, không có cá nhân và tập đòan nào thực hiện “Nghĩa vụ quốc tế cao cả” (!) xuất sắc hơn Ông Hồ và các lãnh tụ kế tục đảng Cộng sản Việt Nam.
III/- Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế có phải là “Thắng Lợi Của Phe Xã Hội Chủ Nghĩa”đối với “Phe Tư Bản Chủ Nghĩa” hay không?
Lại vẫn phải khẳng định là không. Trước đây có thể là hầu hết những người Việt Nam cộng sản không đồng ý với sự khẳng định này. Nhưng chẳng bao lâu sau ngày 30-4-1975 và cho đến lúc này, dù muốn dù không, đa số người Việt Nam cộng sản cũng như không cộng sản đã phải thừa nhận sự thật này: Vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế,các cường quốc đế quốc mới chủ động đưa cuộc hiến tranh Việt Nam đi đến kết thúc vào ngày 30-4-1975; và do đó, chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế không thể coi là thắng lợi của phe này (phe XHCH:Việt cộng) đối với phe kia (Phe TBCN:Việt quốc).
Nhớ lại, sau ngày 30-4-1975, những người Việt Nam cộng sản đã tỏ ra kiêu hãnh và tự hào rằng cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã là một “đại thắng mùa xuân” cho họ, vì đã làm được công việc “đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa cho chủ nghĩa xã hội, đảo lộn được chiến lược tòan cầu của đế quốc Mỹ…”.Thế nhưng  đến nay, dù không nói ra, thực tế và các tài liệu giải mật sau này của các phe tham chiến, đã “giác ngộ và phản tỉnh” những người Việt Nam Cộng sản, giúp họ hiểu rằng, chính “đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế” đã tiêu diệt được trận địa chủ nghĩa xã hội, chủ động dập tắt cuộc chiến tranh Việt Nam nói riêng, chiến tranh Ðông Dương và các cuộc chiến tranh cục bộ  khác trên thế giới nói chung, là do yêu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới, là nỗ lực chung của các cường quốc cực nhằm thiết lập “một nền trật tự kinh tế quốc tế mới” hay là “Một hệ thống kinh tế thế giới mới”.
Vì sao những người Việt Nam Cộng sản “Giác ngộ và phản tỉnh” được như vậy?- Chính là do các sự kiện thực tế diễn ra sau ngày cuộc chiến chấm dứt.
Thật vậy, khởi đầu quá trình thời gian, ngay khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, đã có một số người Việt nam cộng sản có trình độ nhận thức và viễn kiến, lưu ý đến sự kết thúc chiến tranh không bình thường. Trong thâm tâm những người Việt Nam Cộng sản này đã có những suy nghĩ cùng chiều với một số đông người Việt Nam không cộng sản có tâm hồn lạc quan và tầm nhìn chiến lược. Suy nghĩ rằng: Nếu việc kết thúc chiến tranh Việt Nam quả là một thắng lợi của “phe xã hội chủ nghĩa” thì tình hình Việt Nam phải biến chuyển theo chiều hướng khác với thực tế kể từ sau ngày 30-4-1975.
Thực tế hợp luận lý (logic) phải là phe xã hội chủ nghĩa, cụ thể là các cường quốc cộng sản hàng đầu như Liên Xô, Trung Quốc, phải tìm mọi cách và dồn mọi nỗ lực chi viện tối đa cho chế độ cộng sản Việt Nam vượt qua những khó khăn hậu chiến, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển đến cường thịnh. Ðể làm gì? – Ðể phát huy thắng lợi Việt Nam nhằm lôi kéo, mời chào các nước nghèo đói, chậm tiến trong vùng hãy noi gương Việt Nam, lao vào “một cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng dân tộc. . .” để đạt mục tiêu lật đổ các chính quyền tư sản, xóa bỏ “các chế độ người bóc lột người” để thay thế bằng các chế độ “Xã hội chủ nghĩa”; hãy theo gương Việt Nam, để trong “Chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng” sẽ  được trợ giúp tối đa về vũ khí, lương thực để đánh thắng các chính quyền “phản động”; và sau chiến tranh cũng sẽ được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác viện trợ ồ ạt, vô điều kiện trong “tinh thần quốc  tế vô sản”, để cùng nhau thực hiện cuộc cách mạng vô sản trên tòan thế giới, xây dựng “một xã hội xã hội chủ nghĩa” tại mỗi nước, tiến tới xã hội viên mãn tòan cầu: “Xã hội cộng sản” như một “Thiên đường Cộng sản” trong viễn tưởng!
Thế nhưng thực tế trên đã không xẩy ra mà chỉ thấy các hiện tượng trái chiều. Người ta thấy Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, dường như chờ đợi một cái gì đó khác hơn. Tất cả như chỉ đứng nhìn và để mặc cho Cộng sản Việt Nam loay hoay tự giải quyết các khó khăn mọi mặt, khó khăn cũ cũng như khó khăn hậu chiến mới phát sinh.
Trong những năm đầu, vào thời điểm mà mâu thuẫn Nga-Hoa đã đến thời kỳ quyết liệt, Việt Nam bị đẩy vào thế phải chọn lựa dứt khóat: Theo Liên Xô hay theo Trung cộng. Trong khi chờ đợi sự lựa chọn dứt khóat này, cả  Liên Xô lẫn Trung Quốc đều không có hành động chi viện tích cực nào như đã từng hào hiệp đưa vũ khí, lương thực và các phương tiện giết người hiện đại cho cộng sản Bắc Việt làm “Chiến tranh cách mạng, chiến tranh Giải phóng Miền Nam”. Ðến khi chẳng đặng đừng cộng sản Việt Nam bó buộc phải chọn lựa “Matxcơva là tổ quốc xã hội chủ nghĩa” duy nhất của mình, lập tức Trung Quốc gây khó khăn thêm nữa cho Cộng sản Việt Nam.
Hành động cụ thể đầu tiên là Trung cộng đòi nợ khẩn cấp, rút hết chuyên gia về nước, bỏ dở các công trình đang xây dựng. . . Ðể trả món nợ trong chiến tranh này, cộng sản Việt Nam đã vơ vét luá gạo, vàng bạc quý kim, tài nguyên đất nước, cùng với “chiến lợi phẩm” lấy được ở Miền Nam của “Mỹ-Ngụy”, đem trả nợ cho Trung Cộng.
Hậu quả thấy được là nhân dân cả nước trong thời gian này đã phải ăn bo bo, bột mì, độn ngô khoai sắn. . . Ðã vậy, như chưa hả giận và như để trừng phạt kẻ phản bội “tham phú phụ bần”, Trung cộng đã sử dụng công cụ mới của mình ở Campuchia (chế độ Pol Pot) tiến hành các họat động quấy phá quân sự (như đánh chiếm vài đảo nhỏ gần bờ biển phía cực Nam của Việt Nam, tấn công Tây Ninh và một số tỉnh biên giới phía Nam của Việt Nam). Các họat động quân sự này của Pol Pot, sau đó người ta hiểu được ý đồ thực sự của Trung Cộng chỉ là gài thế cho cộng sản Việt Nam ngã sấp mặt và sa lầy lâu dài tại Campuchia, là muốn gián tiếp kéo Liên Xô vào cuộc và gây thêm gánh nặng khó khăn cho Liên Xô… Bằng sự quấy phá, khiêu khích quân sự của Pot Pot, rõ ràng là Trung Quốc đã đẩy cộng sản Việt Nam vào thế phải kéo quân vào đất Chùa Tháp tháng 1 năm 1979, và  cuối cùng bị sa lầy ở đó. Ðã vậy, Trung Quốc còn bồi thêm những đòn trừng phạt quân sự, tiến quân vào các tỉnh phía Bắc, tàn phá nặng nề những cơ sở quân sự, kinh tế (1979)… gọi là để “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Nay thì thực tế ngày càng cho thêm dữ kiện đầy đủ để mọi người Việt Nam có thể đi đến thống nhất nhận định, rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất chỉ là cuộc nội chiến ý thức hệ do các cường quốc phát động và tiến hành trên đất nước Việt Nam, thông qua các cá nhân, tập đòan bản xứ làm công cụ, xô đẩy nhân dân Việt nam vào một cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn. Hậu quả bi thảm của cuộc chiến tranh này đất nước và dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, sau khi ý đồ chiến lược trong vùng của các cường quốc đã đạt được thông qua cuộc chiến.
Và vì vậy, cuộc chiến tranh Việt nam kết thúc như thế, không phải là thắng lợi của phe này (Việt Cộng) đối với phe kia (Việt Quốc), mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc mà thôi. Thiết tưởng đã 41 năm qua rồi, thời gian đã quá đủ cho cả Việt Quốc và Việt Cộng chẳng nên tiếp tục tự hào về cuộc chiến ấy nữa, khi trong cuộc nội chiên “Nồi da xáo thịt” này, các bên đều bị ngoại bang sử dụng như những công cụ chiến lược một thời. Thực tế bây giờ là cả Việt Quốc và Việt Cộng cần cố gắng đẩy lùi quá khứ, hướng đến tương lai, để biết phải làm gì và cần làm gì hữu ích, có lợi nhất cho nhân dân và đất nước.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tổng bí thư Việt Nam: Chống tham nhũng khó khăn và phức tạp

Tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc Đại hội toàn quốc tại Hà Nội, Việt Nam, thứ Năm ngày 28 tháng 1 năm 2016.
Tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc Đại hội toàn quốc tại Hà Nội, Việt Nam, thứ Năm ngày 28 tháng 1 năm 2016.
VOA- 29-04-2016
Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm thứ Tư nói rằng phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn.
Ông Trọng phát biểu khi chủ trì Phiên họp thứ 10 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ở thủ đô Hà Nội.
Ông Trọng, cũng đứng đầu ủy ban gồm 16 thành viên này, nói rằng tham nhũng vẫn là một vấn đề gây nhức nhối ở Việt Nam.
Tổng bí thư thúc giục ủy ban nhanh chóng hành động. Ông Trọng nói rằng sáu nhiệm vụ được Đại hội đảng 12 đề ra thì hai nhiệm vụ hàng đầu là chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, chống tham nhũng, quan liêu.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, tổng bí thư Việt Nam kêu gọi mỗi thành viên của ủy ban phải gương mẫu, giữ gìn đạo đức, phẩm chất trong sáng cũng như không không tham nhũng hay để tình trạng tham nhũng xảy ra tại cơ quan mình.
Đầu năm 2013, Bộ Chính trị Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, giám sát và tăng cường công tác chống tham nhũng trên toàn quốc.
Theo Xinhua, CPV

Đại sứ Việt Nam ở Mỹ trong ‘vòng vây’ của người biểu tình

Trong bài phát biểu của mình, đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc Mỹ và Việt Nam hiện cũng thảo luận “những vấn đề còn khác biệt như nhân quyền”.
Trong bài phát biểu của mình, đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc Mỹ và Việt Nam hiện cũng thảo luận “những vấn đề còn khác biệt như nhân quyền”.

Khi ông Vinh đọc lên một loạt các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, nhất là khi nhắc tới chuyện nhiều người Việt có thể tiếp cận Internet, một tiếng hét “stop lying” (đừng dối trá) của một ai đó trong số hàng trăm người trong hội trường vang lên.

Trong khi đó ở bên ngoài, hàng chục người Mỹ gốc Việt vẫy cờ và hô vang nhiều khẩu hiệu phản đối, làm náo loạn cả một góc thư viện tổng thống Mỹ.

Đề cập tới mối quan hệ “từ thù thành bạn”, nhà ngoại giao Việt Nam nói hai quốc gia đã trải qua nhiều trở ngại để tiến tới mối quan hệ đối tác toàn diện như hiện nay.

Ông cũng nhắc tới chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng và chuyện cấm vận vũ khí.

Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay.Đại sứ Phạm Quang Vinh nói

Đại sứ Vinh nói: “Tổng thống Obama sẽ sớm tới thăm Việt Nam vào tháng tới. Hai bên đang nỗ lực chuẩn bị để bảo đảm thành công của chuyến đi. Ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ có một nền móng vững chắc cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn".
Ông nói thêm: "Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay”.

Không giống cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đại sứ Việt Nam không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên cũng như người tham dự.

Sau khi phát biểu xong, ông Vinh nhanh chóng đi vào cánh gà, giữa tiếng hét “freedom for Vietnam” (tự do cho Việt Nam) của một người trong hội trường.

Ban tổ chức ngay lập tức bật to lời phát biểu trước đây về Chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Lyndon Baines Johnson, trước khi một nhóm các cựu quan chức Mỹ thảo luận về bài học từ cuộc chiến đẫm máu.
"Hòa hợp, hòa giải"
Một biểu ngữ của người biểu tình gốc Việt bên ngoài Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson.
Một biểu ngữ của người biểu tình gốc Việt bên ngoài Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson.
Nhiều tiếng đồng hồ trước khi ông Vinh tới, một nhóm người Mỹ gốc Việt khoảng vài chục người cũng đã biểu tình tại khoảng sân lớn của thư viện Tổng thống Johnson, phản đối việc ông được mời tới nói chuyện.

Nha sĩ Bryan Chu, cố vấn của Hội đồng đại diện cộng đồng người Việt ở Houston và vùng phụ cận, cho biết họ xuống đường để “chống lại sự xuất hiện của ông Vinh” cũng như “nói lên tiếng nói tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam”.

Về quá trình hòa hợp, hòa giải giữa chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt lưu vong ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ, ông Chu nói “cộng đồng sẽ không bao giờ chấp nhận”.

Ông nói: “Chúng tôi hoàn toàn chống lại vấn đề hòa giải dân tộc vì ngay cả đảng cộng sản Việt Nam họ cũng không chủ trương chuyện đó. Khi mà họ chiếm miền nam Việt Nam thì họ đã bỏ tù hàng trăm nghìn người và làm cho hàng triệu người phải bỏ xứ ra đi. Cá nhân tôi cũng là một thuyền nhân mà phải vượt biên 6 lần mới tới được Hoa Kỳ. Vấn đề hòa hợp hòa giải chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận cho tới khi nào cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp và thả tất cả các tù nhân lương tâm”.

Trong bài phát biểu của mình, đại sứ Vinh cũng đề cập tới việc Mỹ và Việt Nam hiện cũng thảo luận “những vấn đề còn khác biệt như nhân quyền”.

Hôm 27/4, cũng tại nơi ông Vinh phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washington và Hà Nội sẽ “tiếp tục có những khác biệt về quan điểm, nhưng tin tốt lành là đôi bên trao đổi thường xuyên, thẳng thắn và hiệu quả về những điều đó”.

Việt Nam bấy lâu nay vẫn phản bác cáo buộc của các tổ chức nhân quyền về chuyện “kiểm duyệt” và “bóp nghẹt” Internet, cũng như tuyên bố không tống giam những người bất đồng chính kiến mà chỉ phạt tù những ai vi phạm pháp luật.
Mời quý vị xem thêm:

Thảm họa môi trường: đằng sau là một sự thật không thể che giấu

— 04/29/2016 - 09:32 

Thảm họa đang tăng dần
Thảm họa đầu độc môi trường sống ở Miền Trung đã ngày càng tăng và chưa có thời điểm dừng lại. Các loại sinh vật biển đã chết và đang tiếp tục chết. Không chỉ ven bờ, mà cả những loài động vật biển ở tầng nước sâu như cá voi cũng đã từ giã cuộc đời với biển để phơi xác ở vùng biển các tỉnh Việt Nam.
Không chỉ có cá, mà các loài thủy sinh, ngao sò, ốc hến... chim chóc cho đến rừng ngập mặn đã được phát hiện đang chết. Đầu tháng 4/2016, báo chí đã lên tiếng về 26ha rừng ngập mặn được trồng 25 năm nay chắn sóng chỉ còn trơ gốc. Tại các đảo Quảng Bình, chim chóc không còn, những xác chim tan rữa trên đảo. Thậm chí, người ta không còn dám xuống kiểm tra xem những loại rong biển, san hô có còn tồn tại được không.
Nhưng, người dân biết một điều: Nước biển đã và đang chứa một lượng hóa chất cực độc có thể giết người. Người dân lo tích trữ muối ăn, cả hệ thống du lịch biển mùa hè đang có nguy cơ tê liệt, các chợ hải sản biển vắng teo vì không ai dám mang sinh mệnh của mình để đùa với các "bí mật nhà nước".
Không chỉ có thế, ngoài các sinh vật biển con người cũng đã mất mạng vì nhiễm độc từ biển, điều "xưa nay hiếm". Người ta có thể chết vì ngộ độc khí ở đồng bằng, bị nhiễm độc từ rừng, từ nhiều nơi khác, nhưng ở biển, bị nhiễm độc thì hầu như rất ít xảy ra ở Việt Nam. Nhưng điều đó đã xảy ra rất cụ thể và hết sức nguy hiểm.
Những công nhân lặn biển ở Formosa đã chết và đang điều trị ở các bệnh viện đã cho biết họ nhiễm kim loại nặng từ biển. Ngay tại Formosa, ngày 15/4/2016 hàng chục công nhân đã bị nhiễm độc và ngộ độc khi ăn ở nhà bếp chung của Formosa. 29 người nhập viện, hàng chục người khác có dấu hiệu nhiễm độc. Điều lạ ở đây, là quá trình nhiễm độc, ngộ độc của họ đã diễn ra từ từ chứ không đồng loạt như những nơi bị ngộ độc thực phẩm khác. Điều đó cho người ta khả năng nghi ngờ là những chất độc từ sản vật biển đã nhiễm độc ở các mức độ nguy hiểm khác nhau và phát huy tác dụng từ từ.
Với tình trang chất độc đưa vào cơ thể như không và dần dần phát huy tác dụng của nó, thì con người, sức khỏe giống nòi Việt Nam rồi sẽ ra sao? Chưa ai đặt vấn đề đó ra với những kẻ đang hủy hoại đầu độc môi trường sống của Việt Nam.
Với một đất nước có 3.200 km bờ biển số lượng ngư dân và người dân phụ thuộc vào môi trường biển là quá lớn. Cách đây 3 năm ngày 7/6/2013, tại Diễn đàn Kinh tế Biển diễn ra tại Hà Tĩnh, ông Chu Phạm Ngọc Hiển -Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 53-55% GDP.
Khi đó, Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh còn tự hào Hà Tĩnh có Formosa. Ông cho biết, tỉnh này có bờ biển dài 137km, gồm 3 đảo nhỏ với 4 cảng thương mại và cảng cá. Mặt khác, Hà Tĩnh có ngư trường rộng, diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, nhân dân có truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tiềm năng phát triển du lịch dồi dào trong đó có du lịch biển… Toàn những viễn cảnh như mơ. Nhưng những ngày qua, không thấy mặt ông ta và chẳng thấy ông ta nói gì nữa.
Vậy thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu? Đất nước này rồi sẽ ra sao? Đời sống người dân bần cùng hóa đến mức nào?
Ai chịu trách nhiêm? Họp kín? Thái độ của một nhà nước
Một tháng, với cả một bộ máy nhà nước, đảng, đoàn, mặt trận, các Hội con nuôi của đảng như Mặt Trận, Hội Liên hiệp Thanh niên, phụ nữ... mà cả bộ máy dân phải nuôi phình to bằng ba, bằng bốn bộ máy của láng giềng với số dân tương đồng, họ đang ở đâu? Tất cả đều im lặng và lẩn tránh trách nhiệm của mình.
Họ vẫn tiêu tiền dân đều đều vào xe công, vào nhà công vụ, vào đi nước ngoài học tập, vào những cuộc thăm viếng đón tiếp ngoại bang xâm lược. Trong tháng 4 này, bộ máy đó đã tiêu bao nhiêu tiền dân? chưa ai trả lời được, nhưng chắc chắn một điều" Tháng 4 này, họ đã tiêu tốn hơn 1.000 tỷ đồng cho riêng xe công để phục vụ họ.
Một quan chức Hà Tĩnh với chức danh Phó Chủ tịch Tỉnh là Đặng Ngọc Sơn đã xúi dân xuống tắm biển và ăn cá nhiễm độc. Điều này khiến dư luận bất bình dậy sóng và ông ta "tàng hình". Một tiến sĩ là nhà khoa học đã đánh giá tư cách của Phó chủ tịch Tỉnh này là "thiếu kỹ năng sống và không có kiến thức khoa học" - Nhưng lại là viên quan đầu tỉnh. Vậy thì hệ thống cán bộ sẽ ra sao?
Một viên chức Quảng Bình, khi được hỏi về việc chim đồng loạt chết đã tỉnh bơ: Chim chết không liên quan gì đến chúng tôi. - Bó tay với quan chức nhà nước Cộng sản luôn tự hào là đầy tớ nhân dân.
Không chỉ với những quan chức đông nhan nhản như chính quyền địa phương đã được coi là "tàng hình", cả bộ máy Bộ Chính trị cũng như 4 cái chân gọi là tứ trụ mà người ta vạch mặt chỉ tên hẳn hoi, chưa hé nửa lời về thảm họa này trừ Thủ tướng kêu "xử lý nghiêm". Người ta nhớ chưa lâu, mới đây thôi, họ đã giơ tay thề nguyền sẽ thế lọ, sẽ thế chai trước cả toàn dân và cả cái gọi là Quốc hội... cứ như thật.
Trong số đó, Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp đến vùng thảm họa, gặp gỡ, cười giả lả cùng nghi can gây đại họa là Formosa, rồi ra về với sự im lặng chết chóc và để lại câu khen ngợi "Hà Tĩnh đi đúng hướng". Người dân quan sát và có quyền nghi ngờ rằng: Đó có phải là một cuộc "thông cung" trong tội ác với môi trường Việt Nam ở thảm họa này?
Lúng túng che đậy sự thật
Sau gần một tháng trời với cả bộ máy ôm 24.000 cái "bằng tiến sĩ" đã hoàn toàn bất lực trước một câu hỏi: Thảm họa này do đâu? trong nước biển miền Trung hiện nay có gì? Người dân nên ăn gì, dùng gì từ biển?" - Những câu hỏi đó đã không được trả lời.
Người ta chờ cho đến tối 27/4/2016, 7 bộ gồm Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các bộ khác sau khi họp kín đã có một buổi họp báo có một không hai. Buổi họp báo nổi tiếng này đã đưa ra được một thông điệp: Thông điệp đó là: "Xin thông báo, hiện chưa có gì để thông báo, chúng tôi sẽ thông báo sau khi có điều cần thông báo, vì thế xin thông báo để những người cần được thông báo biết".
Ở Việt Nam, cái trò họp kín đã diễn ra thường xuyên và coi như đó là quyền của đám đầy tớ một cách ngang nhiên, dù đám đầy tớ này đang ăn tiền đi xe, ở nhà và mọi cái đều lấy từ túi ông chủ.
Người ta thấy Quốc hội phải họp kín về Biển Đông, đảng họp kín ở Hội nghị trung ương...tất tần tật cứ như đi buôn bạc giả, buôn lậu ma túy với nhau vậy.
Vì sao phải họp kín? Điều đơn giản để giải thích việc họp kín, là bất cứ sự gì không minh bạch đều cần che giấu trước ánh sáng.
Sự thật lộ diện
Buổi họp báo không đưa ra được thông tin gì từ người tổ chức, chỉ duy nhất đưa được một thông tin là không phải Formosa gây độc mà có thể là "thủy triều đỏ" là nguyên nhân.
Khi nghe câu nói này, cả cộng đồng mạng đã mất một trận cười còn hơn cả ngộ độc nước biển. Trên các diễn đàn mạng, người dân không còn gì để có thể biểu thị sự coi thường, khinh bỉ và thiếu tôn trọng đến thế. Những status trên diễn đàn Facebook kêu gọi yêu cầu Bộ Trưởng Tài nguyên - Môi trường từ chức, chỉ một tiếng đồng hồ sau đã có hàng ngàn người like và hàng cả ngàn lượt người chia sẻ.
Người dân không tin là ông ta và các quan chức không biết nguyên nhân. Bởi người dân có mù, thì họ cũng biết Biển không thể có chuyện tự nhiên bị đầu độc và họ đã biết có nơi, có chốn, có nguyên nhân và thủ phạm rõ ràng như vậy. Cái mà ông cho là "thủy triều đỏ" được cộng đồng mạng chỉ rõ, đó là làn sóng thủy triều cộng sản đang luôn tạo những con sóng đỏ hủy diệt trên đất nước này.
Câu đổ lỗi của ông, chỉ nhằm che giấu những thủ phạm đã đầu độc không chỉ môi trường tự nhiên của đất nước này, mà là cả môi trường sống của xã hội, trong đó có đủ mọi mặt cuộc sống từ giáo dục, y tế, đạo đức, kinh tế xã hội.
Đó là con sóng đỏ của tư duy vô thần Cộng sản lấy vật chất quyết địnhh ý thức con người và coi việc chiếm giữ quyền bính phục vụ lợi ích của phe nhóm mình là tối thượng, bỏ mặc đất nước, dân tộc và dân sinh.
Hà Nội, ngày 29/4/2016. Những ngày người Cộng sản mừng "chiến thắng miền Nam" và thảm họa môi trường.
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh
P/S: Video Thứ trường Bộ Tài nguyên - Môi trường: Em hỏi vậy là tổn hại cho đất nước:
 

Dự báo ô nhiễm theo dòng hải lưu từ Vũng Áng

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-04-28  
000_A09ZJ.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói trong một cuộc họp báo về cuộc khủng hoảng môi trường liên quan đến cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam vào ngày 27 tháng 4 năm 2016.  AFP PHOTO
Trong cuộc họp báo giải trình về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường, ông Võ Tuấn Nhân cho biết sau các khảo sát và điều tra của các cơ quan chức năng Việt Nam và các nhà khoa học, hai yếu tố chính được xác định có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt bao gồm độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa.
Kết quả này không làm hài lòng dư luận và sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước. Đặc biệt, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cũng cho biết cá nhân ông và hội cho rằng nguyên nhân này không hợp lý.
... Lý do nêu ra là do thuỷ triều đỏ chẳng qua chỉ là có thể thôi chứ nguyên nhân thì do độc tố rất mạnh nên chúng tôi đòi hỏi tập trung vào đó mà điều tra...
- Nguyễn Việt Thắng
Ông cho biết thêm một số nhận định về tình hình lây lan của nguồn ô nhiễm và chia sẻ thêm về cuộc sống của ngư dân Hà Tĩnh hiện tại.
Cát Linh: Xin chào ông Nguyễn Việt Thắng. Thưa ông, trước sự việc cá chết hàng loạt kéo dài hơn 15 ngày nay, Hội nghề cá Việt Nam có những biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của đời sống ngư dân không thưa ông?
Nguyễn Việt Thắng: Trước hết chúng tôi nhiều lần có văn bản với chính phủ, yêu cầu phải xác định nhanh nguyên nhân, lý do tại sao cá chết, mọi biện pháp để giải quyết khắc phục để đi vào sản xuất lại. Nhưng vấn đề trước mắt là các bộ có yêu cầu không được ăn cá chết, không được đánh bắt trong các vùng cá chết, tức là vùng gần bờ. Hiện nay các chết dưới biển, cá chết trong lồng bè, cá nuôi tôm nuôi cũng bị ảnh hưởng do thay nước cũng khó khăn. Vì vậy chúng tôi yêu cầu nhà nước hỗ trợ cấp bách cho bà con ngư dân của các lĩnh vực ấy.
Trước mắt là gạo để cho bà con có gạo ăn vì không sản xuất gì được nên phải có gạo, 15kg gạo một người. Trong gia đình có bao nhiêu người thì cứ tính lên. Tuy nhiên đấy chỉ là một kiến nghị, chính phủ cũng đồng ý chịu trợ cấp rồi nhưng trợ cấp như thế nào thì chúng tôi đã đề xuất một con số như thế. Về thời gian trợ cấp thì bảo đảm được cho đến khi kết luận được nguyên nhân, lý do cá chết, đề ra giải pháp khắc phục, sản xuất được ổn định thì mới ngưng trợ cấp.
000_9U46D
Một người dân với những con cá biển đã chết trên một bãi biển ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Cát Linh: Cảm ơn ông. Trong cuộc họp báo duy nhất diễn ra hôm qua để nói về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, cá nhân ông có thấy đồng ý với lý do mà Bộ đã đưa ra không?
Nguyễn Việt Thắng: Chúng tôi đã lấy danh nghĩa của hội tập họp nhiều anh em khoa học với nhau và có văn bản kiến nghị rồi. Thứ nhất là chúng tôi không hài lòng với cách trả lời như thế và đối với các nhà khoa học thì cũng chưa hợp lý. Lý do nêu ra là do thuỷ triều đỏ chẳng qua chỉ là có thể thôi chứ nguyên nhân thì do độc tố rất mạnh nên chúng tôi đòi hỏi tập trung vào đó mà điều tra, xác định nhanh hơn nữa, gấp rút hơn nữa và cho chính xác cụ thể, tập trung vào những hiện tượng đã rõ rồi, vì một số nơi người ta đã xác định cá nhiễm độc chrome và một số chất kim loại nặng rồi.
Cát Linh: Trong ngày hôm nay, có thông tin cho biết rằng có hiện tượng cá chết và trôi dạt đến Đà Nẵng. Có phải sự việc cá chết hàng loạt đang có biểu hiện lây lan và kéo dài dọc theo các bãi biển khác không?
Nguyễn Việt Thắng: Khả năng thì dứt khoát nó phải đi theo dòng hải lưu. Tuy nhiên đây cũng là điều giúp cho các nhà khoa học đánh giá khả năng lây nhiễm. Nếu tiếp tục lây nhiễm thì nó tiếp tục còn đi. Còn nồng độ giảm dần thì có thể có. Hiện giờ sự lây nhiễm đi như thế nào và đi đến đâu thì trong văn bản, Hội nghề cá Việt Nam chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ xác định khả năng lây lan và chấm dứt ngay chuyện này. Còn việc dự báo thì theo nguyên tắc của dòng chảy thì dự báo nào cũng cần phải đặt ra, tốc độ nhiễm độc đi như thế nào còn phụ thuộc nguồn lây nhiễm hoặc mức độ hòa tan hoặc mức độ đậm đặc còn duy trì hay không. Tôi cho rằng mức độ này vẫn còn khả năng duy trì và tiếp diễn.
... Về việc nuôi cá trong lồng bè hiện nay thì số cá bị chết, những người nuôi tôm ven bờ thì ô nhiễm bắt đầu ảnh hưởng...
- Nguyễn Việt Thắng
Cát Linh: Cảm ơn ông. Xin được gửi ông câu hỏi cuối, đời sống của các ngư dân Hà Tĩnh, Vũng Ánh nói riêng và miền Trung nói chung hiện tại như thế nào thưa ông?
Nguyễn Việt Thắng: Từ ngày cá nhiễm độc chết đến nay cũng 15 ngày rồi. Tất nhiên những người sống bằng nghề đánh cá ven bờ thì có thể sáng đi tối về, tối đi sáng về. Về việc nuôi cá trong lồng bè hiện nay thì số cá bị chết, những người nuôi tôm ven bờ thì ô nhiễm bắt đầu ảnh hưởng. Không có nguồn thu nhập vì thu nhập hàng ngày của họ là đánh bắt cá ven bờ mà hiện giờ phải tạm ngưng. Chính vì vậy mà không sản xuất được nữa. Chúng tôi có khuyến cáo bà con có điều kiện thì nên sắp xếp tàu đánh bắt cá xa bờ. Với các bạn tàu khác thì kiếm công ăn việc làm. Tuy nhiên đại bộ phận thì sống bằng nghề đánh bắt ven bờ nên không có việc gì khác, rất khó khăn. Chúng tôi cũng đề nghị phải có điều tra nắm bắt cụ thể, chứ như bây giờ thì mười mấy ngày rồi, đời sống của những người ấy rất khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác.
Cát Linh: Cảm ơn ông Nguyễn Việt Thắng đã chia sẻ cùng chúng tôi sự việc này.